Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Dương Thuấn - Ba quả tim của đàn ông

Dương Thuấn - Ba quả tim của đàn ông 
Chẳng biết có phải người Tày vốn thích “mời quả cả cây, mời rượu cả chum” hay không mà Dương Thuấn đụng việc gì cũng hoành tráng. Và cũng nhờ sự ham hoành tráng, ham sáng tạo mà anh hai lần được kỷ lục Guinness Việt ghi nhận: Người sáng tác song ngữ Tày-Kinh đầu tiên; Người có tuyển tập thơ dày nhất xưa nay.
Thực ra Dương Thuấn không cố tình xác lập kỷ lục như kiểu người ta kỳ công làm cái bánh to nhất. Theo anh: “Người dân tộc mình yêu mến mình, họ muốn biết đầy đủ về mình, thế nên mình làm tuyển tập, tập hợp tương đối đầy đủ sáng tác của mình trong một chặng đường dài”.
Thời gian vừa qua có khá nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ nghiên cứu về Dương Thuấn, tác phẩm hoành tráng của anh cũng nhằm cung cấp cho giới nghiên cứu cái nhìn khá toàn diện về anh mà không mất công tìm kiếm vất vả. Mặc dù không chủ ý xác lập kỷ lục nhưng khi được công nhận anh cũng thấy vui, dẫu rằng, ngoài tấm bằng chứng nhận thành tích và bữa cơm chiêu đãi ra, kỷ lục guinness không có giá trị vật chất. 
Cầm  bộ tuyển tập Dương Thuấn nặng trĩu tay, tôi hỏi: “Anh có thể bật mí, đã tiêu tốn bao nhiêu cho sự ra đời của “đứa con” khổng lồ này?”. Nhà thơ người Tày cười: “Ngót ba trăm triệu đồng”. Anh tỏ ra thản nhiên: “Tôi không tiếc tiền cho việc in sách” và thú nhận tuyển tập Dương Thuấn là cuốn sách anh đầu tư kinh phí lớn nhất.
Anh có duyên nên chưa “lỗ” bao giờ, cứ thu hồi được vốn, anh không bán nữa, để sách tặng bạn bè hoặc những nơi cần đến sách của anh.
Sinh ra trong một gia đình làm nông đông con ở tỉnh Bắc Cạn, bố mẹ Dương Thuấn không theo nghiệp văn chương nhưng trong số 10 người con của họ có đến hai người ghi tên trong làng văn Việt Nam đương đại: Dương Thuấn và Dương Khâu Luông. Nhưng anh được sống trong không khí văn nghệ dân gian từ bé: “Hồi nhỏ, chú bác của mình cứ khi uống rượu say lại  hát lượn say sưa”, Dương Thuấn kể. Có lẽ âm hưởng dân ca  trong những cuộc vui đã đưa chàng trai Tày đến với thế giới của văn chương. Anh làm thơ, viết văn cũng say mê như làm nông vậy. Anh từng là một nông dân thực thụ: “Chăn trâu, chăn bò, chăn dê, chăn ngỗng, chăn vịt… tôi làm hết. Tôi biết cấy lúa, biết khai hoang thửa ruộng, biết cày bừa, đắp đập, be bờ, xay thóc, giần, sàng…”. Không như người em Dương Khâu Luông đang “hát trên đất mẹ” (anh đang giữ chức Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Cạn - pv) Dương Thuấn đã chuyển gia đình về thủ đô hơn chục năm nay. 
Con đường về xuôi của Dương Thuấn cũng hoàn toàn tự nhiên như chuyện anh giành kỷ lục. Đang là thầy giáo dạy văn cấp 3 ở miền núi, anh thi vào trường viết văn Nguyễn Du. Học xong, anh về quê  thì được thông báo trở lại trường viết văn Nguyễn Du làm giảng viên khoa sáng tác. Dương Thuấn kể, anh về lại thủ đô trong tâm trạng không hề thích thú: “Thời đó khó khăn lắm, không có dịch vụ thuê nhà như hiện nay, tôi phải ở nhờ suốt”. Nhiều năm sau, anh mới chuyển được vợ con về Hà Nội. Một số người đặt câu hỏi với Dương Thuấn: “Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?”. Nhưng với thi sĩ dân tộc Tày, ký ức về “mảnh trăng giữa rừng” không dễ gì phai nhạt, nhất là khi tuổi đổ về chiều. Riêng về bản Hon, nơi nhà thơ cất tiếng khóc chào đời, anh đã sáng tác khoảng 1.000 thi phẩm và có lẽ đó chưa phải con số cuối cùng.
Chỉ viết những gì gần gũi với mình
Đã nghe một vài người trong giới nói Dương Thuấn “nhạt”. Quả thật  ngoài đời anh không có phát ngôn gây “sốc”, không có những cuộc bút chiến nảy lửa… trong giao tiếp khá nhẹ nhàng, phong cách ăn mặc chỉn chu như một công chức mẫn cán, không có “màu” văn nghệ sĩ. Thơ Dương Thuấn không trúc trắc, không đánh đố bạn đọc, một dòng thơ giàu tình cảm, hồn hậu và trong trẻo…
Anh không tìm tới những cuộc “cách tân” để trở nên gai góc hơn có lẽ cũng bởi như anh nói: “Tôi chỉ viết những gì gần gũi, thân thuộc với mình”. Thí dụ, nếu đưa anh đến một vùng đất mới, bảo anh sáng tác tức thì, anh không làm nổi. Dương Thuấn cần có thời gian để gắn bó với vùng đất mới, để yêu đất và người nơi đó, làm tiền đề cho thi hứng. Đó cũng là lý giải tại sao hình ảnh phụ nữ trở đi trở lại trong thơ Dương Thuấn thường là hình ảnh phụ nữ Tày. Cũng là lý giải vì sao anh có thể sáng tác không ngừng về cái bản Hon nhỏ bé và con người nơi ấy “đẹp như cổ tích” (Nguyễn Khoa Điềm): “Ở bản Hon có những bà già/ Ngày ngày ra ngồi bên bờ sông Năng/ Cúi đầu xuống dòng sông than thở: - Sông ơi, tôi già quá rồi nhưng sao chưa chết? Dòng sông vẫn chảy đi ì ầm/ Như là không nghe, không biết”.
Tuy chưa mất đến tiền tỷ để in sách nhưng khoảng nửa tỷ đồng là con số Dương Thuấn đã bỏ ra để khai sinh những “đứa con” của mình. Nhưng không giống như nhiều nhà văn lớn tuổi không biết hoặc ngại không dám bán sách. Dương Thuấn giỏi bán sách trên mạng.
Anh đến với văn chương, với những trang văn viết cho thiếu nhi, cũng bởi thúc giục từ sự thân thuộc: “Tôi sinh con, đến ngày con thích đọc sách, chúng đòi tôi mua. Tôi đưa con ra hiệu sách nhưng thấy cuốn nào cũng không vừa ý, tôi nghĩ, thà tự tôi viết cho con mình đọc còn hơn. Thế là tôi làm thơ, viết truyện cho con đọc”. Tập thơ đầu tiên của anh dành cho thiếu nhi chính là tập “Sự tích những ngọn núi”, dự thi báo Văn Nghệ khi đó, đoạt giải khuyến khích. 
Trong tập thơ này, có những bài khá hay, viết về miền núi: “Cao Bằng ở trên cao/ Người đi trong mây gió/ Trăng xuống vờn trên cỏ/ Sao chạy về bản sâu/ Ai chưa lên Cao Bằng/ Chưa thể biết được đâu/ Nắng ong vàng như mật/ Nước Cao Bằng rất trong/ Uống một lần nhớ mãi/ Gạo Cao Bằng thật trắng/ Ăn biết hát nàng ơi”. Bài thơ đã được cố nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc.
Có người đánh giá: Sự nghiệp nghiên cứu văn hóa Tày của Dương Thuấn có khi thành công hơn sự nghiệp thi ca. Dương Thuấn đương nhiên không công nhận điều này, bởi thi ca hay nghiên cứu, anh đều yêu như nhau. Niềm say mê của anh trong cuộc đời, chính là được đọc và viết. Nghiên cứu văn hóa Tày lâu nay không phải mảnh đất mới, Dương Thuấn được ghi nhận bởi vì anh nghiên cứu bằng tình yêu hồn nhiên với văn hóa dân tộc mình. Anh không mang tâm lí so sánh hơn thua trong văn hóa dân tộc Tày với dân tộc khác. Anh bày ra cho bạn đọc những “món” đặc sản của dân tộc mình, không nơi nào có, để cuối cùng chính bạn đọc phải thốt lên: Văn hóa Tày thật độc đáo và hấp dẫn.
Không “dựa hơi”
Nhiều người biết Dương Thuấn có mối quan hệ thân thiết với nhà thơ Nguyễn  Khoa Điềm. Anh kể: “Tôi thân với anh ấy cũng gần 40 năm rồi. Từ hồi tôi còn là sinh viên năm thứ hai của Đại học Sư phạm Việt Bắc. Anh Điềm khi ấy chơi thân với nhà văn Vi Hồng, cũng là thầy giáo ở trường, anh Vi Hồng rất quí tôi, nên tôi có dịp gặp gỡ anh Điềm. Anh Vi Hồng và anh Nguyễn Khoa Điềm từng bước bộ về nhà tôi chơi. Sau này, mỗi dịp ra Hà Nội, anh Điềm lại một mình lên bản Hon chơi với tôi. Đi đâu anh cũng gửi quà, gửi thư về cho tôi”. “Người ta đồn anh dựa hơi Nguyễn Khoa Điềm?”, tôi hỏi. Dương Thuấn “chọc” lại: “Tôi là Chủ tịch Hội đồng hương Bắc Cạn, quê hương của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Chúng tôi quý nhau, vì cùng là đồng hương. Sao không nói tôi dựa hơi luôn nhỉ?”.
Sợ gì mà không nói thật?
Thơ tình Dương Thuấn thuộc dạng dồi dào. Anh cũng đã từng tuyên bố: “Đàn ông có ba quả tim/ Một quả cất để ở nhà/ Một quả mang trong lồng ngực/ Một quả đem giấu ở vườn hoa”. Những năm tháng sống xa vợ con ở thủ đô lại là những năm tháng anh “sinh nở” được nhiều hơn cả. Sự hồn hậu và mãnh liệt trong dòng máu Tày đã khiến Dương Thuấn dám hồn nhiên khoe: “Tôi có một tình yêu mới”. Không thể không vui lây với thi nhân khi anh viết: “Tôi có một tình yêu mới/Như lá xanh/ Reo vui bất tận/ Như cây cao/ Hát bao tháng, bao ngày…”. Ngạc nhiên hơn cả là bài thơ anh viết cho  vợ và người tình, có lẽ lịch sử thi ca Việt Nam chưa nam thi nhân nào dám  “dại” mà thú nhận như vậy: “Em hỏi anh vợ là gì/ Anh sẽ nói:/ Vợ như một chiếc áo đẹp/ Lúc nào cũng mặc trên người/ Em hỏi anh người tình là gì?/ Anh sẽ nói:/ Người tình như một viên mỡ con/ Chui vào trong anh bên mạng sườn/ Áo mặc vào còn cởi ra được/ Cắt bỏ làm sao mỡ dính xương?”. Hỏi vui Dương Thuấn: “Anh có cho vợ đọc bài thơ này không? Chị phản ứng ra sao khi vợ không được nâng niu bằng người tình?”. Thi sĩ cười: “Cô ấy đọc chứ và… không nói  gì”. Một trong những may mắn của Dương Thuấn là lấy được người vợ dân tộc Tày, thấu hiểu anh. “Bà xã” cho anh tự do sáng tác, tự do viết thơ tình.
Một điều ít người biết, thơ Dương Thuấn rất được lòng chị em. Anh có lượng “fan” nữ hùng hậu. Anh kể: Tuyển tập thơ Dương Thuấn ra đời nhờ công của một nữ tiến sỹ kinh tế. Vì yêu thơ Dương Thuấn cô đã tự nguyện đánh máy toàn bộ bản thảo suốt vài tháng ròng. Ngay tập thơ mới ra “Ngựa đen, ngựa đỏ” (NXB Kim Đồng) phát hành lượng lớn dành cho thiếu nhi miền núi vùng sâu, vùng xa, cũng ra đời nhờ nữ chủ tiệm cắt tóc, gội đầu. Cô đã tỉ mẩn chép từng bài thơ thiếu nhi từ tuyển tập Dương Thuấn ra giấy, để cậu cháu của cô dễ đọc. Sau đó, người phụ nữ yêu thơ này tình cờ gặp thi nhân, cô khoe tập thơ của anh được cô chép tay. Dương Thuấn xúc động đã mang tập thơ chép tay ấy in thành sách. Viết nhiều về phái đẹp và anh cũng được hưởng không ít “lộc” từ chị em. Chẳng thế mà thơ tình Dương Thuấn ít buồn đau, xám xịt.
Nông Hồng Diệu
Nguồn: www.tienphong.vn
Theo http://www.bichkhe.org/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...