Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Hữu Thỉnh - Lấp lánh và lừng khừng

Hữu Thỉnh - Lấp lánh và lừng khừng
Nếu vặt trụi hết những chức tước của Hữu Thỉnh, chỉ để còn trơ lại cái cục thơ của anh thôi, lại đem riêng cái cục thơ ấy đặt lên bàn cân, lại không phải cái bàn cân của Hội nhà văn đương đại, cũng không phải cái bàn cân của cái nhà nước mà anh từng là một “ông nghị”, thì thơ Hữu Thỉnh sẽ nặng nhẹ sao nhỉ?...
Tôi đọc thơ Hữu Thỉnh từ lúc còn ở chiến trường. Tôi thích thơ anh ngay từ lần đọc đầu tiên. Bấy giờ thông tin không được nhanh nhạy như bây giờ. Báo đã cũ rồi mới tới tay mình. Đọc cái gì mà nhớ được là nhớ lâu lắm. Thơ anh Thỉnh lấp lánh, ám tượng. Viết về cái gì anh cũng tìm ra được chi tiết độc đáo. Thơ mà sao nó xum xuê, tươi tốt như là một truyện ngắn. Nó đánh thức trong người đọc những liên tưởng về không gian, thời gian, về âm thanh, màu sắc. Nó hiện thực, cụ thể, nó gần gũi, thân thuộc nhưng lại nghe xa vắng, ảo mờ như trong huyền thoại. Bài thơ “Chuyến đò đêm giáp ranh” của anh là một ví dụ như thế. Tôi thích câu: “Bìm bịp chùm đôi kêu dính vào nhau/ Tiếng nước vỗ tan ra rồi chập lại/ Đêm chỉ thực bằng âm thanh chừng ấy” ...
Đọc thơ Hữu Thỉnh, tôi đã cố công tìm ra một cái gì là cốt lõi trong phong cách thơ của anh. Khen anh đã có người khác, tôi chỉ muốn tìm một nét gì đó để phân biệt anh với các nhà thơ khác trong đội ngũ những người làm thơ thời chống Mỹ mà tôi hằng ngưỡng mộ như Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Trần Mạnh Hảo, Thu Bồn… Điều mà tôi thấy trong thơ Hữu Thỉnh có thể tách ra được, khác được các tài thơ khác chính là cái “chất” trong thơ anh . Những câu thơ hay của anh được nhắc tới nhiều đều là những câu thơ có “chất” và ý vị. Nó giống như trà ngon, uống xong có dư vị để lại. Chưa ai so sánh, tổng kết, nhưng tôi tin, Hữu Thỉnh là người có số câu thơ hay nhiều nhất trong số các nhà thơ cùng thời với mình.
Tôi chưa được Hữu Thỉnh tặng thơ lần nào. Nói đúng hơn tôi chưa tới lượt được Hữu Thỉnh tặng thơ. Những tập thơ của anh tôi có được là do “thó” hoặc xin của bạn bè. Tuyển tập trường ca do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành dày trên bốn trăm trang, tuyển chọn mười trường ca tiêu biểu từ trước đến nay, trong đó có trường ca “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh, nhà thơ Phạm Quốc Ca nhờ tôi phô-tô cho một bản. Tôi bảo, tiền phô-tô còn quá tiền mua cuốn mới. Phạm Quốc Ca bảo, tôi không tìm được, mà phô-tô tôi có tiền mua tài liệu nhà trường trả. Đấy là quyển sách dày nhất mà tôi đưa đi phô-tô.
Đem xếp mười tác giả trường ca vào một tập, những trường ca nổi tiếng, đã có đời sống trong lòng độc giả, được tuyển chọn công phu và khách quan, lẽ ra, không nên so sánh hơn kém ở đây, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn ngầm chấm điểm cao nhất cho trường ca “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh. Hữu Thỉnh viết trường ca mạch lạc và giàu chi tiết như văn xuôi. Thơ anh viết đắm và đẹp như văn xuôi của Đỗ Chu. Đọc thơ ta nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy và nếm được, nghĩa là, thơ không chỉ tác động vào tri giác, mà thơ tác động cả lên các giác quan của người đọc.
Một lần, khi viết về các nhà thơ chống Mỹ, tôi cũng bạo miệng nhận xét: Nếu phải nói vắn tắt về họ, thì: Thơ Hữu Thỉnh là thơ lấp lánh. Thơ Phạm Tiến Duật là thơ thông minh. Thơ Nguyễn Đức Mậu là thơ đậm đà. Thơ Nguyễn Duy là thơ thuần Việt. Thơ Bằng Việt là thơ trí tuệ. Thơ Vũ Quần Phương là thơ sang trọng. Thơ Nguyễn Trọng Tạo là thơ tài hoa…
Nói thơ Hữu Thỉnh lấp lánh là vì trong thơ anh thường có những câu lấp lánh. Có lần Hoàng Quý ngồi uống cà phê tình cờ đọc cho tôi nghe câu thơ của Hữu Thỉnh: “Còn một chút hoa dong riềng cuối dậu/ Chợt một chiều sương muối đến mang đi”… Tôi hỏi Hoàng Quý câu thơ ấy trong bài thơ nào? Hoàng Quý ấp úng, khi bảo nó trong trường ca “Đường tới thành phố”, lúc bảo nó trong tập “Thư mùa đông”. Nhiều khi, không cần đọc cả đoạn thơ, hoặc bài thơ, chỉ cần xướng lên một câu như thế đã thấy lấp lánh cả bài thơ rồi. Đọc trường ca “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh, có cảm giác như mình đi vào một khu rừng, thỉnh thoảng lại gặp một chùm phong lan đột ngột nở khiến mắt phải nhìn, thỉnh thoảng lại nghe một tiếng chim ánh ỏi hót khiến tai phải lắng nghe.
Hữu Thỉnh là nhà thơ, là người lãnh đạo cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh “công chúng” như một chính khách, như một diễn viên “hot”. Tôi chợt lẩn thẩn nghĩ: Nếu vặt trụi hết những chức tước của Hữu Thỉnh, chỉ để còn trơ lại cái cục thơ của anh thôi, lại đem riêng cái cục thơ ấy đặt lên bàn cân, lại không phải cái bàn cân của Hội nhà văn đương đại, cũng không phải cái bàn cân của cái nhà nước mà anh từng là một “ông nghị”, thì thơ Hữu Thỉnh sẽ nặng nhẹ sao nhỉ? Thì tôi tin thơ Hữu Thỉnh sẽ nguyên chất hơn, và anh không còn bị pha tạp bởi các chức danh mà trở lại là một nhà thơ với sự thuần khiết cao cả của mỹ từ này.
Tôi gặp anh Hữu Thỉnh lần đầu vào năm 1985, không nhớ tháng. Ông Phó ban Tuyên Giáo thường trực tên là Nguyễn Hưng Nam cho gọi tôi lên phòng làm việc của ông, và tại đây tôi gặp Hữu Thỉnh. Tôi không nhớ lắm nhưng đại để là anh Thỉnh thông báo tôi được mời tham dự Hội nghị Viết văn trẻ, lại bảo tôi giới thiệu cho một tác giả văn xuôi của Vũng Tàu - Côn Đảo nữa. Tôi giới thiệu Huỳnh Dũng Nhi, bấy giờ đang làm trưởng phòng biên tập của báo Vũng Tàu - Côn Đảo. Bao nhiêu năm đã trôi qua, thỉnh thoảng gặp tôi anh Thỉnh vẫn hỏi thăm về anh Hưng Nam. Tôi phục anh sát đất về những chi tiết như vậy!
Trong ký ức tôi, là một anh Thỉnh đẹp giai, đĩnh đạc, rất có tướng một chính khách. Tôi âm thầm bênh anh trong những lúc người ta đàm luận về anh. Những kỷ niệm ít ỏi về những lần được gặp anh Thỉnh cũng củng cố thêm cho tôi về sự quý nể anh mà không tiện nói ra. Tôi chưa, hay ít nhất cũng rất hạn hữu gọi điện thoại cho anh. Đơn giản là không có việc gì cần thiết cả. Tôi nghĩ, đem Hữu Thỉnh chia nhỏ ra một nghìn mảnh, thì mình được một phần nghìn Hữu Thỉnh. Mình chấp nhận một phần nghìn nhưng nhiều hội viên không muốn thế, họ muốn nhiều hơn, nên mình bớt phần của mình đi chút nào thì anh Thỉnh có thêm phần cho người khác. Nhiều khi vẫn thiếu hụt, anh đành phải làm to phần cho họ bằng các động tác hay lời nói mà nhiều người cho là kịch. Nhiều người biết kịch mà vẫn vui. Và nhiều lúc giữa chốn đông người, tôi thấy anh Thỉnh cũng tội nghiệp lắm!
Anh Hữu Thỉnh làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong giai đoạn mà cái hào quang của quá khứ đang dần tắt, không có cách chi khêu sáng lại được nữa. Anh cố gắng chạy chọt vá víu cho nó lành lặn lại, nhưng nó vẫn thiếu trước hụt sau, chẳng khác nào như một căn nhà dột, vì nó đến tuổi dột rồi, che được chỗ này nó lại dột chỗ khác. Còn nhớ thời cắp sách đến trường, nhắc đến ông Xuân Diệu, thì thôi rồi, không có gì phải tranh cãi nữa, ông là cả đất trời thi ca rồi. Ông viết cái gì cũng hay, ông giảng thơ thế nào cũng đúng. Bây giờ có ông nào được muôn người như một đồng thanh tin tưởng thế nữa đâu. Các nhà văn thì còn lại mãi mãi, nhưng Hội của họ thì phải thế nào đó, chứ cứ như Hội ngày xưa xem ra chưa ổn lắm. Nhưng làm thế nào thì ai biết! Chính trong sự lừng khừng này đã tạo ra một chủ tịch lừng khừng. Anh Hữu Thỉnh đóng vai lừng khừng tốt đễn nỗi, trước Đại hội Nhà văn lần thứ VII, nhà văn Hoàng Đình Quang bảo, phải một trăm năm nữa mới tìm ra được một người làm Chủ tịch Hội nhà văn thích hợp như là Hữu Thỉnh!
Tài văn đất nước ta thời nào cũng không thiếu, nhưng tập hợp những tài năng đó lại thành một hội, lại cả nước chỉ có một hội duy nhất, lại không chỉ tập hợp không thôi mà còn hầm bà lằng những mối quan hệ quyền lợi, lại bình xét, tôn vinh, lại chấm giải, trao giải… không có một đại lừng khừng không làm được. Xin lỗi, tôi không biết có từ nào thích hợp, chính xác hơn không, nhưng đúng là chúng ta đang ở trong hoàn cảnh không thể tụt lại, không thể tiến lên, cũng không thể không đi, chẳng gọi là lừng khừng thì biết gọi là gì? Có một câu khẩu hiệu hết sức chiết trung là: “đổi mới”, khi xướng lên, ở đâu và trên lĩnh vực nào cũng sướng. Ấy vậy mà, chẳng thấy ở đâu, trên lĩnh vực nào chịu “đổi mới” cả. Hay nói đúng hơn là chỉ “đổi mới” những gì không làm thay đổi được trật tự cũ mà thôi. Nhiều cái lạc hậu, tồn tại như một phi lý mà có đổi mới được đâu. Nhiều nhà văn tích cực “đổi mới” quá, đành phải lui về lập blog, gia nhập đội quân viết báo lề trái.
Khi nhắc tới anh Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi bảo, đại ý Hữu Thỉnh nhiều việc, bận bịu vất vả thế, nhưng không cho Thỉnh làm việc là Thỉnh chết luôn. Tôi gặp anh Thỉnh lần nào cũng thấy anh tất bật. Họp hành là một cực hình với người ngán họp. nhưng anh Thỉnh họp quanh năm, họp liên tục, họp chồng lên họp vậy mà anh chịu được. Vậy mà anh vẫn khỏe mạnh, vẫn nhuận sắc, thế mới tài!
Còn nhớ khi tôi còn chân ướt, chân ráo vào sinh hoạt với các nhà văn, không khí vỉa hè sôi lên sùng sục. Nhiều nhà văn bức xúc định sẽ chất vấn anh Thỉnh việc này, việc kia. Cứ tưởng như vào hội nghị sẽ căng thẳng lắm. Ai hay, vào hội nghị cái, anh Thỉnh phát biểu cái, các lò lửa trong lòng nhiều người tự nhiên tắt ngóm. Anh Thỉnh là người tháo ngòi nổ hội nghị tài ba. Tại Đại hội Nhà văn khu vực họp ở tỉnh Bến tre, anh B M Q căng lắm. Những ý kiến anh Q. đưa ra hóc búa lắm, tôi thầm nghĩ không biết rồi anh Thỉnh xử lý sao? Cả hội trường im phăng phắc, tôi liếc trộm nhà văn Đỗ Kim Cuông, thấy Cuông căng thẳng lo lắng lắm. Anh Thỉnh bình tĩnh bước lên diễn đàn, rất nhẹ nhàng, rất mạch lạc, anh làm một mạch, anh Q nhấp nhổm muốn cãi, nhưng là ở trong cái thế đã núng rồi, đuối lý rồi. Anh Thỉnh nói vo thật hay, thật hùng biện. Nhân ý kiến của anh Q, anh nhắc lại những việc mà anh đã làm cho nhà thơ Hữu Loan và cho anh Q nữa khiến các nhà văn Nam bộ xúc động lắm, chỉ còn nước khâm phục mà thôi. Buổi chiều đi uống bia, Nguyễn Ngọc Tư nhận xét, vô hình trung, B M Q đã kiếm phiếu bầu cho Hữu Thỉnh. Anh Thỉnh làm việc như một niềm say mê công việc chứ không phải như một trách nhiệm, như một nghĩa vụ. Tại Đại hội nhà văn lần thứ VII, căng thẳng là thế, phức tạp là thế, mấy anh em rủ nhau đi uống bia, Hoàng Trần Cương đố Nguyễn Trọng Tạo gọi được Hữu Thỉnh ra uống bia, Nguyễn Trọng Tạo không nói gì, anh nhắc máy gọi cho anh Thỉnh, hai mươi phút sau anh Thỉnh có mặt ngay. Anh ngồi uống bia, nhưng không được yên thân, chốc chốc lại phải ra ngoài nghe điện thoại. Trông thật tội!
Sau đại hội ấy, Nguyễn Tùng Linh hẹn tôi đi chơi, tôi chờ dài cả cổ không thấy, hóa ra lão ngồi uống bia với Hữu Thỉnh và Bùi Minh Quốc cả buổi. Cứ nói anh Thỉnh kịch, nhưng kịch thì chỉ diễn một vài phút thôi chứ, chứ ngồi cả buổi với nhau như thế là chơi thật rồi, có kịch gì đâu!
Anh Thỉnh bảo, lúc ở trong quân đội, anh đã có ý định trở thành một người hoạt động chính trị. Anh đọc kinh điển Mác- Lênin kinh lắm. Rồi số phận dun dủi thế nào thành ra mộng làm chính trị của anh không thành. Tôi thầm nghĩ: Đúng là tướng mạo, tư duy …Hữu Thỉnh có thể thành công nếu hoạt động chính trị, nhưng trước sau Hữu Thỉnh vẫn là một thi sĩ. Nhà văn Tô Hoàng, trong một lần dự trại sáng tác tại Vũng tàu kể lại những kỷ niệm của anh và Hữu Thỉnh ở Nga, anh em ngồi nghe khoái chí lắm. Đời thường của Hữu Thỉnh cũng phong phú sinh động lắm, không như ông gì ở khu Năm, lúc nào cũng thể hiện lập trường nghe chán chết!
Tôi chưa thấy Hữu Thỉnh viết truyện ngắn, viết văn xuôi nhưng trong diễn văn, điếu văn, trong báo cáo, trong chính luận của anh luôn có văn. Hữu Thỉnh có tài trong việc chống nhàm trong hội nghị tổng kết. Người thủ lĩnh ở lĩnh vực nào cũng vậy, phải thổi vào lòng quần chúng đông đảo ngọn lửa nhiệt tình, tuy thời thế không còn ủng hộ cho tài diễn thuyết của anh nữa, nhưng sẽ tẻ nhạt biết bao, nếu trước lúc bước ra khỏi một hội nghị, lại phải nghe một diễn văn cơm nguội. Tuy có lúc hơi sáo, nhưng, sự nỗ lực của Hữu Thỉnh có đóng góp rất lớn trong việc níu kéo lại, dán lại sự rời rạc hiện nay trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng.
Các nhà văn trong hay ngoài hội nghị vẫn còn ý kiến khác nhau. Không có gì là tuyệt đối thiêng liêng cả. Một cảm thông cũng là nhiều, nếu như không thể làm điều gì tốt hơn thế nữa…!.
Vũng Tàu 10.11.2012
Lê Huy Mậu
 Nguồn: vanvn.net
Theo http://www.bichkhe.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...