Phan
Khôi và những cuộc tranh luận
Những năm 1920-1930, trên báo chí ở ba miền Việt Nam đã nổ ra
khá nhiều cuộc tranh luận xung quanh “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Một số công
trình nghiên cứu và tư liệu nhiều năm qua đã đề cập đến những tranh luận ấy. (1) Tuy
vậy, một phần do quan điểm nghiên cứu, một phần do những thiếu hụt đáng kể về
nguồn tài liệu, không ít dữ kiện đã bị bỏ sót, sự đánh giá không hiếm khi bị
thiên lệch.
Một điều dễ thấy nhất là, hầu như chưa công trình nghiên cứu
nào ghi nhận đầy đủ vai trò học giả-nhà báo Phan Khôi (1887-1959) trong những
cuộc tranh luận ấy.
Người viết những dòng này, từ năm 2000 đến nay đã giành thời
gian tìm hiểu và sưu tầm để tái công bố một cách hệ thống các tác phẩm đăng báo
của Phan Khôi, (2) nhận thấy rằng, Phan Khôi đã có vai trò rất đáng kể
trong các cuộc tranh luận kể trên.
Dưới đây xin điểm lại những cuộc thảo luận, tranh luận ấy.
Vào năm 1924, Hội Khai trí tiến đức (thành lập
2/5/1919, tên tiếng Pháp: Association pour la Formation
Intellectuelle et Morale des Annamites, viết tắt AFIMA, một hiệp hội dân sự,
thành viên là những trí thức, quan chức người Việt, và cả một số người Pháp; hội
nhằm tới những hoạt động giao lưu văn hóa giữa xu hướng Tây học đang mạnh lên
và nền học thuật truyền thống Việt Nam) chủ trương một lễ kỷ niệm tôn vinh thi
hào Nguyễn Du (1765-1820), tác giả truyện thơ “Đoạn trường tân thanh” rất phổ cập
trong cộng đồng người Việt.
Lễ kỷ niệm được tổ chức nhân ngày giỗ thi hào Nguyễn Du, nhằm
ngày 10 tháng 8 năm Giáp Tý (tức ngày 8/9/1924) tại hội quán Khai trí tiến đức,
trên bờ hồ Gươm, Hà Nội. Tại lễ kỷ niệm này, tổng thư ký Khai trí tiến đức đồng
thời là chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí “Nam phong” là Phạm Quỳnh (1892-1945) đọc
diễn văn tôn vinh thiên tài Nguyễn Du với kiệt tác “Truyện Kiều”. Hiện tượng
dân Việt, từ người học thức cao đến kẻ lam lũ, già trẻ lớn bé, ai ai cũng biết
cũng thuộc cũng kể cũng ngâm Kiều, − được diễn giả ghi nhận như cái công “tác
thành cho tiếng nước nhà” của Nguyễn Tiên Điền; từ đây diễn giả cho Truyện Kiều
là “quốc hoa, quốc túy, quốc hồn” của nước Việt; “Truyện Kiều còn, tiếng ta
còn; tiếng ta còn, nước ta còn”…
Tinh thần bài diễn văn của Phạm Quỳnh là nhất quán với chủ
trương của ông và của nhiều trí thức người Việt đương thời: đặt niềm tin sự
phát triển văn hóa dân tộc từ nay về sau vào văn quốc ngữ, vào chữ quốc ngữ,
tuy là văn tự chỉ mới được phổ biến dăm ba chục năm, nhưng lại gắn với tiếng
nói từ xa xưa đến hiện tại của người bản ngữ ở Việt Nam. Trong một ý hướng như
thế, việc chọn Truyện Kiều của Nguyễn Du làm điểm tựa trong truyền thống hầu
như là lựa chọn tối ưu. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tác giả đương thời như
Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam, v.v., vào dịp đó đều có
những việc làm góp phần phổ biến Truyện Kiều, những bài viết đề cao giá trị
Truyện Kiều.
Tuy nhiên, đó không phải là thái độ duy nhất trong dư luận xã
hội Việt Nam, khi ấy đã là một xã hội dân sự khá phát triển; hầu hết các vấn đề
văn hóa xã hội (trừ một vài đề tài chính trị quá nhạy cảm như tuyên truyền cộng
sản, đả kích thực dân Pháp) đều có thể được đưa ra tranh cãi, các ý kiến khác
nhau đều có thể được bày tỏ, với diễn đàn là các cơ quan báo chí khác nhau, phần
lớn là của các nhóm tư nhân, dân sự.
Chính trong không khí ấy đã xuất hiện bài báo tỏ rõ một thái
độ ngược hẳn lại với loại thái độ kể trên. Ấy là bài viết của Tiến sĩ Nho học
Ngô Đức Kế (1878-1929) nhan đề “Luận về chính học cùng tà thuyết. Quốc văn - Kim Vân Kiều - Nguyễn Du” (“Hữu thanh”, H., s. 21, ngày 1/9/1924;
bán nguyệt san “Hữu thanh”, 1921-24, là cơ quan của Hội ái hữu công thương Bắc
Kỳ, lúc này do Ngô Đức Kế làm chủ bút).
Phương pháp luận then chốt của tác giả Ngô Đức Kế là đem nhuộm
màu chính/tà cho hoạt động học thuật mỗi thời đại; “hễ nước nào khi vận nước thịnh
cường tất khi ấy trong nước chính học sáng rệt; nước nào khi vận suy đốn, tất
là khi ấy trong nước tà thuyết lưu hành”. Vận dụng vào xã hội Việt Nam, Ngô Đức
Kế cho rằng đến lúc này người Việt vẫn còn chưa nắm vững được nền “Âu học”,
trong khi những “chân nho chính sĩ Hán học thì đã quá nửa mòn mỏi điêu linh”,
tóm lại nền “chính học” đang sa sút, - đó chính là cơ hội cho “tà thuyết” lưu
hành, mà việc đề cao Truyện Kiều, theo ông, chính là biểu hiện rõ rệt nhất!
Ngô Đức Kế hoài nghi giá trị bản “Kim Vân Kiều” gốc Trung
Hoa, cho rằng ngay đặt nhan đề truyện đã không ổn, “càng đủ biết rằng truyện ấy
đặt ra bởi một một anh Tàu dốt nào đó mà thôi”; còn “Đoạn trường tân thanh” của
Nguyễn Du, ông Nghè Ngô công nhận đó là áng văn chương quốc âm “hay thật”,
nhưng ông không quên nhắc: đó chỉ là một truyện phong tình, không thể tránh khỏi
“cái vẻ ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi”, tóm lại chỉ là thứ văn chương
ngâm vịnh chơi bời “chứ không phải là một thứ văn chương chính đại theo đường
chính học mà đem ra dạy đời được đâu”! Tất cả những sự trân trọng, tôn vinh mà
Phạm Quỳnh giành cho Truyện Kiều ở lễ kỷ niệm tại Khai trí tiến đức, dưới mắt
Ngô Đức Kế đều là tà thuyết “xằng xiên bậy bạ, rồ dại điên cuồng”, mê hoặc dân
chúng!
Việc Ngô Đức Kế lên tiếng hạ thấp giá trị Truyện Kiều
không chỉ có căn cứ từ quan niệm nhà nho, đề cao văn chương đạo lý, hạ thấp văn
chương ngâm vịnh chơi bời; phát ngôn của Ngô Đức Kế chống phong trào sùng bái
Truyện Kiều còn bộc lộ một tương quan đối nghịch giữa hai bộ phận kẻ sĩ trí thức
người Việt đương thời, một bộ phận hợp tác với chính quyền thực dân, một bộ phận
khác thì bất hợp tác với chính quyền ấy, công kích tất cả những ai hợp tác với
chính quyền thực dân, những ai tham dự các hoạt động văn hóa được chính quyền
thực dân bảo trợ. Tạp chí “Nam phong” hay Hội khai trí tiến đức và các hoạt động
của hội này, trong mắt những sĩ phu bất hợp tác với thực dân, đều là công cụ, đều
phục vụ những mục đích của thực dân, do đó, họ đều tìm cách tẩy chay, bất hợp
tác.
Mặc dù trong tay có tạp chí “Nam phong”, nhưng Phạm Quỳnh
đã im lặng trước sự đả kích của Ngô Đức Kế.
Phan Khôi thời gian đó (1920-24) cũng đang ở Hà Nội nhưng hầu
như không viết báo mà dành thời gian cộng tác với vợ chồng mục sư W.C. Cadman dịch
Kinh Thánh đạo Thiên Chúa ra tiếng Việt.
Mấy năm sau Phan Khôi vào Sài Gòn, cộng tác với một số tờ báo
ở thành phố này, trong đó có tuần báo “Phụ nữ tân văn” (1929-1935); tại đây,
ông và Đào Trinh Nhất được xem như hai người chèo lái chính cho tòa soạn tờ báo
này, nhất là mấy năm đầu. Trong số rất nhiều bài báo Phan Khôi viết và đăng
trên tuần báo này, có những bài ông điểm bình cuốn “Nho giáo” mới ra mắt của Trần
Trọng Kim, trao đổi với tác giả chuyên khảo này về các vấn đề Nho giáo. (3) Việc
Trần Trọng Kim nhã nhặn đáp lại Phan Khôi và thảo luận về các vấn đề ông nêu
ra, đã khiến Phan Khôi nghĩ tới những yêu cầu thuộc phương diện “học phong sĩ tập”
của giới trí thức, theo đó, các chất vấn nêu ra trước các nhận định đã có, cần
phải được đáp lại, để đẩy học thuật đi tới; những kiểu im lặng trước các ý kiến
chất vấn, như việc Phạm Quỳnh không trả lời Ngô Đức Kế hồi 1924, theo Phan
Khôi, là việc không thỏa đáng, không thể chấp nhận; ông gọi đó là thói “học phiệt”
(liên hệ tình trạng cát cứ của các tay “quân phiệt” trên đất Trung Hoa đương thời)
và lên tiếng cảnh cáo trước dư luận (Sau khi đọc bài trả lời của Trần Trọng Kim
tiên sinh: Cảnh cáo các nhà “học phiệt”// “Phụ nữ tân văn”,S.G., s. 62, ngày
24/7/1930; “Trung lập”, S.G., 26/7; 28/7; 29/7; 30/7/1930).
Chính bài báo của Phan Khôi đã khiến ông chủ nhiệm “Nam
phong” phải lên tiếng, ít ra là để giải thích lý do đã im lặng hồi 1924 trước lời
phê phán của Ngô Đức Kế. Đến lượt bài trả lời này của Phạm Quỳnh lại khiến ông
chủ nhiệm báo “Tiếng dân” (1927-1943) là Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) lên tiếng
với lý do cần “chiêu tuyết” cho ông nghè Ngô Đức Kế vừa quá cố, vì cho rằng lời
giải thích của Phạm Quỳnh có những chỗ xúc phạm ông nghè Ngô. (4) Rồi
Phan Khôi cũng lên tiếng thêm mấy lần, khi thì đáp lại các ý kiến, các lập luận
trong bài của Phạm Quỳnh, lúc lại góp ý với Huỳnh Thúc Kháng về những chỗ ông
này hoặc thiên vị Nghè Ngô, hoặc xoi mói họ Phạm, (5) - những sự chấn
chỉnh mà Phan Khôi từng cho là cần thiết trong thảo luận, tranh luận, bút chiến. (6)
Những ý kiến và bài báo kể trên, tuy đều xa gần gắn với
sự kiện tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều hồi mùa thu năm 1924 của Khai Trí tiến
đức và Phạm Quỳnh, song nội dung các ý kiến ấy đã tiến triển sang nhiều hướng
khác, nhiều đề tài khác, có khi không dính gì đến Truyện Kiều nữa.
Phạm Quỳnh cho rằng đối với “một nền văn chương kiệt
tác” như Truyện Kiều thì phải “đứng về phương diện văn chương mà xét”, nhưng họ
Ngô hồi đó lại đứng về phương diện đạo đức, mà lại là cái đạo đức hẹp hòi, thì
lập luận thiên đi, không còn là một vấn đề văn chương học thuật nữa.
Trong khi đó, Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục dùng quan niệm đạo đức
để công kích việc phổ biến Truyện Kiều vào công chúng: “Sau nầy tôi xin chánh
cáo cho anh em trí thứ trong nước rằng: Truyện Kiều chẳng qua là một lối văn
chương mua vui mà thôi, chớ không phải thứ sách học; mà nói cho đúng, Truyện Kiều
là một thứ dâm thư, rõ không ích mà có hại”. Theo ông, từ khi Truyện Kiều được
tán dương, − ý chỉ thời điểm 1924 với lễ kỷ niệm Nguyễn Du do hội Khai trí tiến
đức tổ chức − “đã biết bao lớp thanh niên say mê sóng sắc, chìm nổi biển tình,
dứt cả nền nếp gia đình, trật tự xã hội mà theo mối ham mê của mình”!
Phan Khôi trước sau thừa nhận ý nghĩa chính đáng của việc
Ngô Đức Kế nêu vấn đề “chính học - tà thuyết”, “là một vấn đề lớn, có quan hệ với
học phong sĩ tập”, do vậy, Phan Khôi cũng thừa nhận sự chính đáng của việc Huỳnh
Thúc Kháng lên tiếng bênh vực Ngô Đức Kế, sau khi đọc những lời Phạm Quỳnh giải
thích chuyện cố ý im lặng dăm năm trước. Tuy vậy, Phan Khôi không đồng tình với
việc Huỳnh Thúc Kháng mạt sát Truyện Kiều và lên án những ai tán dương Truyện
Kiều.
Phan Khôi nêu ra một tiền đề mới về quan niệm có thể dùng để
xem xét vấn đề:
“Muốn đánh giá Truyện Kiều và
cái công nghiệp văn chương ông Nguyễn Du cho vừa phải, đừng cao quá, đừng hạ
quá, thì trước hết phải hiểu trong cõi văn học của thế giới ngày nay có hai cái
khuynh hướng trái nhau mà cũng có thế lực ngang nhau. Ấy là một phái chuyên trọng
về nhân sanh; một phái chuyên trọng về nghệ thuật.
Phái nhân sanh có một lời tiêu biểu rằng: Nghệ thuật vì nhân
sanh (l’ art pour la vie). Phái ấy chủ trương rằng cái mục đích của văn học là ở
có ích cho xã hội, có lợi cho đạo đức, cho nên bất kỳ văn chương nào hay mấy đi
nữa mà trái với cái mục đích ấy cũng thành ra đồ bỏ. Còn phái nghệ thuật lại có
lời tiêu biểu phản lại, nói rằng: Nghệ thuật vì nghệ thuật (l’ art pour l’
art). Đại khái phái nầy chủ trương rằng cái mục đích của văn học là ở sự đẹp,
bên ngoài sự đẹp không còn có mục đích gì, cho nên bất kỳ văn chương nào miễn
cho hay cho đẹp thì thôi, chớ không kể là có ích cho đời người cùng chăng. Ấy,
cái đại thể trong cõi văn học của thế giới ngày nay có chia ra hai phái là như
vậy.
Hai phái ấy phái nào cũng có cái lý thuyết của mình đủ mà
thành lập, không ai nhượng ai. Bởi vậy, các nhà văn học trong các nước ngày nay
tùy mình muốn ngả về phái nào thì ngả, và cả hai đều có giá trị hết.” (7)
Phan Khôi viết ý kiến này vào năm 1930. Vậy những ai
quan tâm khía cạnh “kỷ lục” của việc đưa các luận thuyết mới từ bên ngoài vào
Việt Nam, phải chăng nên ghi nhận ông mới là người sớm nói đến các thuyết nghệ
thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật trên báo chí Việt Nam, sớm hơn hẳn
những tên tuổi vẫn thường được gắn cho cái công trạng du nhập lần đầu các lý
thuyết này, mặc dù họ sẽ lên tiếng muộn hơn Phan Khôi dăm bảy năm?!
Vận dụng quan niệm lý thuyết kể trên, Phan Khôi cho rằng:
“Nếu cứ theo cái hiện tượng ấy và nếu nhận
cho văn chương Truyện Kiều là đẹp là hay, thì cái người vì quốc ngữ
mà cổ động cho Truyện Kiều, kỷ niệm ông Nguyễn Du, chẳng phải là làm một
việc không có ý thức. Vì trong khi làm việc ấy, người ta đứng về phái nghệ thuật,
người ta chỉ sùng bái cái đẹp mà thôi, mà tự họ lại nghĩ rằng cái đẹp ấy chẳng
có thể nào gây ra ảnh hưởng xấu cho xã hội.
Tôi không rõ lúc bấy giờ ông Phạm Quỳnh có bảo đem Truyện
Kiều mà làm “sách học” không, có coi Truyện Kiều như sách giáo
khoa không; nếu vậy thì đáng công kích thật; còn như lấy danh nghĩa “Văn học
ban” của hội “Khai trí tấn đức”, khuynh hướng về cái thuyết “nghệ thuật vì nghệ
thuật” mà cổ động cho Truyện Kiều, kỷ niệm ông Nguyễn Du, thì tôi chẳng thấy
chỗ nào đáng công kích hết, mà tôi cho là việc ai thích thì làm, chẳng hại gì cả.” (7)
Về việc Huỳnh Thúc Kháng lo sợ sự phổ biến Truyện Kiều sẽ có
hại cho phong hóa, Phan Khôi xếp mối lo của họ Huỳnh vào cùng với mối lo của những
nho gia Trung Hoa xưa như Hàn Dũ, Tăng Củng, “lấy cái quan niệm về văn học đời
xưa mà bắt thiên hạ phải theo một khuôn mẫu như mình, hầu cho duy trì phong hóa
mà vãn hồi thế đạo nhân tâm”. Cái ý ấy là tốt nhưng lại không hợp trào lưu văn
học của thế giới ngày nay. Tóm lại, theo Phan Khôi: “Muốn duy trì phong hóa thì
kiếm cách mà duy trì; muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm thì cứ việc mà vãn hồi;
còn Truyện Kiều, nếu đã nhìn nó là một thứ mỹ văn học thì phải để cho nó tự
do phát triển. Chỉ có khi nào đủ tang chứng nói được rằng Truyện Kiều quả
đã làm hại cho phong hóa, cho thế đạo nhân tâm, thì khi ấy hãy nên cấm hẳn đi
mà thôi”. (7)
Việc họ Huỳnh cho rằng phong trào tán dương Truyện Kiều
đã khiến nhiều lớp thanh niên vì say mê tình ái mà dứt bỏ cả nền nếp gia đình lẫn
trật tự xã hội, Phan Khôi nói ông chưa dám tin. Ông đề nghị họ Huỳnh thực hiện
những thống kê về tình hình tội ác trước và sau thời điểm đó thì nhận định của
họ Huỳnh mới có thể tin được!
Những biện bác như trên của Phan Khôi, tất nhiên chưa thể lay
chuyển được một nhà nho thâm sâu đạo Khổng như Huỳnh Thúc Kháng. Vả chăng, đối
với Truyện Kiều của Nguyễn Du, đương thời những năm 1930, những người công khai
tỏ rõ thái độ hạ thấp và phản đối việc phổ biến Truyện Kiều không chỉ là giới
nhà nho như Huỳnh Thúc Kháng hay Võ Liêm Sơn, Nguyễn Mạnh Bổng, v.v. Dư luận
công chúng xung quanh kiệt tác này của Nguyễn Du vẫn phân tán trong một phổ rộng
từ thích đến không thích; không hiếm khi, sự yêu thích những vần thơ giản dị đã
nhập tâm, bỗng chao đảo khi người ta bị đặt trước những câu hỏi về đạo đức nhân
vật nữ chính của tác phẩm. (8)
Nhưng, khác với giới nhà nho, thế hệ nhà văn xuất thân từ nhà
trường Pháp-Việt và bước vào làng văn làng báo bằng văn chương quốc ngữ, sẽ
ngày càng thấy gắn bó nhiều hơn với văn chương Truyện Kiều.
Lưu Trọng Lư là một trong số họ.
Năm 1933, khi Phan Khôi đang làm chủ bút tuần san “Phụ nữ thời
đàm” ở Hà Nội, ông đã đăng khá nhiều cho tác giả trẻ Lưu Trọng Lư, bên cạnh
sáng tác văn thơ, còn có cả thiên tiểu luận “Mấy lời chiêu tuyết cho Vương Thúy
Kiều” (“Phụ nữ thời đàm”, H., s. 13, ngày 10/12/1933), công kích thái độ của Huỳnh
Thúc Kháng trong chùm thơ “Vịnh Kiều” (“Tiếng dân”, 1/11/1933). Điều làm Lưu Trọng
Lư ngạc nhiên là cuộc đời chí sĩ họ Huỳnh gian lao không kém cuộc đời cô Kiều
trong truyện, thế mà họ Huỳnh lại là người sỉ mắng nữ nhân vật kia tàn nhẫn hơn
ai hết! Điểm qua cuộc đời Kiều như một nhân vật sống thật, Lưu Trọng Lư như là
muốn gửi lời khuyên can tới nho sĩ họ Huỳnh: “Nói tóm lại, muốn xét thân thế Kiều,
chớ đứng hẳn trong những lễ giáo nghiêm ngặt chật hẹp của nho giáo…”.
Lời phê bình của Lưu Trọng Lư được chủ nhiệm “Tiếng dân” đáp
lại bằng một nụ cười: đối với ông, đây chẳng qua là cơn mê của người mê tiểu
thuyết, tựa như kiểu người mê tuồng hát, thế thôi. (“Mê người trong tiểu thuyết
cùng mê người trong tuồng hát”. Thuyết chiêu tuyết cho Vương Thúy Kiều của ông
Lưu Trọng Lư với anh học trò mê kép đóng vai Tần Cối.// “Tiếng dân”,
24/1/1934).
Nhưng Phan Khôi thì nghĩ khác.
Gần như ngay sau khi cho đăng bài của Lưu Trọng Lư, chủ bút
Phan Khôi đưa đăng tiếp bài của chính mình (“Rìu búa của nhà nho” // Phụ nữ thời
đàm, H., s. 17, ngày 7/1/1934). Ông cho rằng việc “chiêu tuyết” hay là phê bình
nhân vật trong truyện chỉ là thủ thuật “giá đó mà đánh chỗ khác”; chỗ khác ấy,
theo ông, Lưu Trọng Lư nhắm vào cái tâm thuật, cái tâm địa của cả một giới người
mà họ Huỳnh chỉ là một. Những sự “tàn nhẫn” thể hiện trong thơ vịnh Kiều của họ
Huỳnh, được Lưu Trọng Lư nhận định: “Cái lòng người ta có là sắt đá lắm mới thở
ra cái giọng tàn nhẫn như thế được…”, và: “Chỉ có những người nhác nhớn, buồn rầu,
bi quan mới hay ghen ghét quạu quọ…” - Nhận định này, Phan Khôi cho rằng họ Lưu
nhắm vào giới nhà nho. Phan Khôi đồng tình với ý kiến này. Bài của ông sẽ phát
triển nhận định ấy.
Tất nhiên là điều này đã ít nhiều đi ra ngoài giới hạn của việc
bình luận Truyện Kiều, nhưng lại là việc truy tìm cái căn cứ, cái cơ sở của việc,
một bộ phận nhà nho, nối tiếp nhau, muốn phủ định giá trị của kiệt tác này, muốn
dứt bỏ nó khỏi sự đọc sự biết của công chúng.
Phan Khôi vạch rõ: từ xưa giới nhà nho đã xem việc Khổng Tử
làm kinh Xuân thu như là việc thưởng phạt, “bao phong người hoặc tru lục người”,
“dùng một chữ mà nhấc một ông quan nhỏ lên, cũng dùng một chữ mà hạ một ông vua
chư hầu xuống”, nhân danh “phù trì cương thường luân lý, bồi thực thế đạo nhân
tâm”; nói khác đi, là diễn ngôn quyền lực được trao cho giới nhà nho, do hệ quả
của việc tầng lớp quân chủ chuyên chế đã lấy nho giáo làm quốc giáo, dùng dư luận
của giới nho sĩ làm công cụ hỗ trợ cho nền “đức trị” của vua chúa. Phan Khôi
nêu ra những sự việc giới nho sĩ các đời sau, theo gương Khổng Tử, dùng khen chê
để thưởng phạt, nhưng nhà nho không bao giờ khen ai, chỉ có trách phạt thôi, mà
ví dụ sớm nhất là việc Mạnh Tử công kích thuyết “vị ngã” của Dương Chu là “vô
quân”, thuyết “kiêm ái” của Mặc Địch là “vô phụ”, xóa bỏ được ảnh hưởng của hai
thuyết ấy, bảo vệ sự độc tôn Nho giáo. Sau này, Hàn Dũ thời Đường đòi đốt sách
Phật, bắt thầy tu trở về làm dân, rồi các nho sĩ thời Tống tiếp tục công việc
“tịch Phật, bài Lão”, tuy không có hiệu quả gì, nhưng vẫn được giới nho sĩ tôn
sùng là có công “vệ đạo”.
“Tôi đã kể qua những cái sử tích trên đó để cho biết rằng nhà
nho từ Mạnh Tử về sau ai nấy đều có một cái tâm lý chung là: Không dung nạp
kẻ khác với mình. Việc họ làm có giống với đức Khổng chăng thì không
biết; duy người nào đã làm cái việc như thế thì cũng vin lấy đức Khổng, mượn bửu
bối của kinh Xuân thu. Kỳ thực thì cái áo hoa cổn ngài dùng để đôi khi ban thưởng
cho người đời, họ đành bỏ mốc meo ra, mà chỉ chăm một sự dùng rìu búa để chặt
người này, bổ trên đầu người khác.
Cái tâm lý ấy thấm mỗi ngày một sâu vào đầu kẻ học, tự nhiên luyện nên cái tánh hay gây, hay đỗ cáu, không chịu “hẩu” với đời. Người ta ở đời, có thể sống một trăm cách, một nghìn cách khác nhau; nhưng theo ý nhà nho, chỉ muốn ai ai cũng sống một cách như mình. Không cần xét đến lý, cứ hễ ai sống khác mình thì ấy là dị đoan, là tà thuyết, là dâm hạnh, tương rìu búa ra mà trị nó chết đi cho rảnh! Dương, Mặc, Phật, Lão, có phải là rắn rết hại người đâu, chỉ là một cách sống, có điều sống khác với nhà nho, thế thôi, có việc gì mà phải cự, phải tịch? Cũng như nàng Kiều, một người con gái lỡ bước, có việc gì mà phải mắng? Có phải chăng, cự Dương, Mặc, tịch Phật, Lão thì mình mới trở nên á thánh đại nho, và mắng Thúy Kiều thì mới tỏ ra mình là chánh nhân quân tử?”
Cái tâm lý ấy thấm mỗi ngày một sâu vào đầu kẻ học, tự nhiên luyện nên cái tánh hay gây, hay đỗ cáu, không chịu “hẩu” với đời. Người ta ở đời, có thể sống một trăm cách, một nghìn cách khác nhau; nhưng theo ý nhà nho, chỉ muốn ai ai cũng sống một cách như mình. Không cần xét đến lý, cứ hễ ai sống khác mình thì ấy là dị đoan, là tà thuyết, là dâm hạnh, tương rìu búa ra mà trị nó chết đi cho rảnh! Dương, Mặc, Phật, Lão, có phải là rắn rết hại người đâu, chỉ là một cách sống, có điều sống khác với nhà nho, thế thôi, có việc gì mà phải cự, phải tịch? Cũng như nàng Kiều, một người con gái lỡ bước, có việc gì mà phải mắng? Có phải chăng, cự Dương, Mặc, tịch Phật, Lão thì mình mới trở nên á thánh đại nho, và mắng Thúy Kiều thì mới tỏ ra mình là chánh nhân quân tử?”
Vậy là rốt cuộc, Phan Khôi đã tìm ra cái cơ sở tư tưởng tâm
lý của giới nhà nho trong hành động của họ công kích Truyện Kiều và những ai cổ
xúy phổ biến Truyện Kiều; để bảo vệ sự độc tôn ý thức hệ nho giáo, họ cự tuyệt,
hết sức công kích mọi tư tưởng, mọi lối sống khác. Ngay khi Nho giáo đã suy
tàn, nhà nho vẫn cố chấp, thu mình lại trước mọi đổi thay. Họ vẫn chủ “kính”,
chủ “tịnh”, quá mực thước, không thích vui mà cũng không muốn cho ai vui; họ phản
đối hát bội, hát cô đầu, xi-nê-ma, nhảy đầm; kiểu người quay lưng với sự sống
như vậy “thì cái lòng yêu đời phải càng ngày càng kém đi, gìn lòng thì sắt đá
mà mở miệng ra thì tàn nhẫn”!
Như vậy, bằng một loạt bài báo, trong khoảng 4 năm
(1930-1934), Phan Khôi đã can dự những tranh luận xung quanh di sản Truyện Kiều
theo hướng “giải hoặc” đối với luận đề về “chính học/tà thuyết” của Ngô Đức Kế,
Huỳnh Thúc Kháng và một bộ phận nhà nho còn quá gắn bó với các giáo điều đạo Khổng.
Phan Khôi cảm thông với các nhà nho này về tình trạng nền học vấn mới còn yếu,
nền học vấn cũ - Hán học - đã tàn, song ông không xem những hiện tượng như tôn
vinh Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều là “tà thuyết” như các nhà nho ấy lo ngại
và công kích. Trước những phản bác rất dai dẳng của phía bảo thủ (mà tiêu biểu
là các bài luận và thơ vịnh của Huỳnh Thúc Kháng), Phan Khôi đã đưa ra những
phúc đáp thực tế, có sức nặng; cuối cùng, ông đưa ra sự cắt nghĩa nguồn gốc những
phản đối dai dẳng từ phía giới nhà nho đối với Truyện Kiều và việc phổ biến
Truyện Kiều, - ấy là di sản của tình trạng độc tôn ý thức hệ nho giáo, chính ý
thức hệ ấy đã cấp cho nhà nho cái vũ khí để họ vô hiệu hóa tất cả những gì khác
với tôn chỉ nho gia, ngay khi nho giáo đã lỗi thời cũng vẫn cố chấp quay lưng với
thực tế, với mọi sắc thái mới của đời sống. Việc “giải hoặc” này vốn được Phan
Khôi thực hiện đối với toàn bộ di sản Nho giáo nói chung, suốt những năm
1930-40, chứ không chỉ với những tranh luận về Truyện Kiều.
Riêng về kiệt tác này của Nguyễn Du, nếu ta có dịp đọc tạp
văn Phan Khôi, ta sẽ thấy ông luôn luôn coi Truyện Kiều như một tập đại thành của
văn hóa người Việt, của ngôn ngữ Việt, ông thường xuyên dẫn trích tác phẩm này
như một nguồn văn, nguồn di sản không gì thay thế được đối với người viết văn
tiếng Việt. Nhưng đây là chuyện đã xa so với đề tài đang bàn.
Chú thích
(1) Ví dụ:
Vũ Đức Phúc (1971): Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng
trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, 1930-1954. Hà Nội: Nxb. Khoa học
xã hội, tr. 19-41;
Thanh Lãng (1972-73): Phê bình văn học thế hệ 1932, Sài Gòn:
Phong trào văn hóa xb., t.1- t.2;
Nguyễn Ngọc Thiện, Cao Kim Lan (2002): Tranh luận
văn nghệ thế kỷ XX. [thư mục, văn tuyển]. Hà Nội: Nxb. Lao động, t. I, tr.
371-891.
(2) Các sưu tập Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo [= PK,
TPĐB] do Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn đã tái công bố gồm:
PK, TPĐB 1928 (Nxb. Đà Nẵng, 2003, 444 tr.);
PK, TPĐB 1929 (Nxb. Đà Nẵng- TT.VH-NN Đông Tây, Hà Nội,
2005, 780 tr.);
PK, TPĐB 1930 (Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2006, 1024
tr.);
PK, TPĐB 1931 (Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2006, 1032
tr.);
Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn (Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội,
2006, 530 tr.);
PK, TPĐB 1932 (Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2010, 896 tr., tái
bản 2014);
PK, TPĐB 1933-1934 (Nxb. Tri thức, 2013, 575 tr.);
PK, TPĐB 1935 (Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2013, 463 tr.);
PK, TPĐB 1936 (Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2014, 600 tr.);
PK, TPĐB 1937 (Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2014, 356 tr);
(3) Các bài thảo luận giữa Phan Khôi và Trần Trọng Kim gồm:
1/ Phan Khôi: Đọc cuốn “Nho giáo” của ông Trần Trọng Kim// Phụ nữ tân
văn, S.G., s. 54 (29/5/1930); 2/ Trần Trọng Kim: Mấy lời bàn với Phan
tiên sinh về Khổng giáo// Phụ nữ tân văn, S.G., s. 60 (10/7/1930); 3/
Phan Khôi: Về bài phê bình sách “Nho giáo”// Phụ nữ tân văn, S.G.,
s. 63 (31/7/1930), s. 64 (7/8/1930); 4/ Trần Trọng Kim: Mời Phan Khôi tiên
sanh trở về nhà học của ta mà nói chuyện // Phụ nữ tân văn, S.G., s. 71
(25/9/1930), s. 72 (2/10/1930), s. 74 (16/10/1930).
(4) Gồm các bài chính: 1/ Phạm Quỳnh: Trả lời bài “Cảnh
cáo các nhà học phiệt”// Phụ nữ tân văn, S.G., s. 67 (28/8/1930); 2/ Huỳnh
Thúc Kháng: Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung
không? Chiêu tuyết những lời bài báng cho một nhà chí sĩ mới qua đời// Tiếng
dân, Huế, s. 317 (17/9/1930); Phụ nữ tân văn, S.G., s. 72
(2/10/1930); 3/ Huỳnh Thúc Kháng: Biện chánh lại mấy lời phê bình của ông
Phan Khôi// Tiếng dân, Huế, s…. (18/10/1930); đăng lại: Trung lập, S.G.,
s. 6284 (28/10/1930); s. 6285 (29/10/1930); s. 6289 (4/11/1930); s. 6291
(6/11/1930).
(5) Gồm các bài: Phan Khôi: Về cái ý kiến lập hội “chấn
hưng quốc học” của ông Phạm Quỳnh// Phụ nữ tân văn, S.G., s. 70
(18/9/1930); Phan Khôi: Đọc bài “Chiêu tuyết cho một nhà chí sĩ” của ông
Huỳnh Thúc Kháng// Trung lập, S.G., s. 6266 (7/10/1930); s. 6267
(8/10/1930); s. 6268 (9/10/1930);
(6) Năm 1929 Phan Khôi có bài Bàn thêm về bút chiến, không
ký tên tác giả, đăng 4 kỳ báo Thần chung, từ s. 106 (28/5/1929) đến
s. 114 (6/6/1929).
(7) Phan Khôi: Đọc bài “Chiêu tuyết cho một nhà chí sĩ”
của ông Huỳnh Thúc Kháng, kỳ III// Trung lập, S.G., s. 6268 (9/10/1930)
(8) Xem các bài trả lời tòa soạn “Phụ nữ tân văn” (thời kỳ đầu,
1929) về câu hỏi “Kiều nên khen hay nên chê?”, có thể thấy sự khác biệt đáng kể
giữa các ý kiến người đọc tham gia.
28/6/2015
Lại Nguyên Ân
Nguồn: Bản đăng trên Phê bình văn học
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét