Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Nỗi niềm tha hương, tha nhân trong thơ Đặng Ca Việt

Nỗi niềm tha hương, tha nhân 
trong thơ Đặng Ca Việt (*)
Dường như cho đến khi Đặng Ca Việt (Nguyễn Việt Hải) khuất xa cõi đời, nhiều người vẫn hằng nghĩ về anh, nhắc đến danh tiếng anh như là một họa sĩ không hơn. Mà cũng đúng thôi (như có lần tôi đã viết), sinh thời, bao giờ Đặng Ca Việt cũng đứng nép rất khiêm nhường bên đại lộ văn học bằng thảng hoặc vài bài thơ, mấy truyện ngắn, chút tạp văn… Anh nói tưng tửng rằng, ai cũng có một miếng đất cắm dùi trên cánh đồng văn nghệ, mình đã cày cấy ở ấp Mĩ thuật rồi, không nên lấn ruộng của xóm khác!
Thế rồi, oái ăm sao, dịp Việt Hải xuất hiện đàng hoàng với tư cách một người làm văn học đích thực lại là lúc anh đã thành người cõi khác. Vậy nên, những kẻ ở lại cõi đời này mới giật mình trước Tác phẩm Đặng Ca Việt; nhất là với những ai yêu thơ, làm thơ khi được đọc liền mạch nhiều bài thơ của anh.
114 bài thơ là một con số ấn tượng. Nó bằng người khác xuất bản hằng ba bốn tập, mà đây chưa phải là tất cả di cảo thơ của Đặng Ca Việt. Nhưng tôi không muốn nói tới số lượng khi bàn về thơ, bởi đối với lĩnh vực này, có người viết cả ngàn bài thơ, in hàng chục tập mà chưa chắc đã có cái nào được gọi là thơ! Đối với tôi, không phải bài thơ nào của anh cũng ngang tầm nhau, nhưng phải khẳng định, 114 bài in trong Tác phẩm Đặng Ca Việt đều đích thực là thơ. Và đây là điều đáng nói hơn cả!
Một trong những cảm hứng chủ đạo và bao trùm trong thơ Đặng Ca Việt là nỗi niềm tha hương, tha nhân nồng đậm, thâm trầm và cháy bỏng. Cảm hứng này toả chiết trên nhiều mảng đề tài và hướng chủ đề, nhất là khi viết về quê hương, gia đình… Nỗi niềm ấy đau đáu trên nhiều dòng thơ, bài thơ.
Một người yêu thương hết mực, tận tụy hết mực với nơi chôn rau cắt rún; với cha mẹ, vợ con… mà bao giờ cũng mang nặng mặc cảm mình có lỗi, có tội với nơi ấy, người ấy, đủ biết Đặng Ca Việt đã sống trách nhiệm ngần nào.
Ngay bài thơ Tự trào được in bằng bút tích của Đặng Ca Việt ở đầu tập sách, anh đã tự nói khác mình đi, tự bôi bẩn mình bằng một chất giọng trào lộng, khiến người đọc chạnh lòng:
Thế kỷ hai mươi có gã điếc
Mần thơ bút hiệu Đặng Ca Việt
Lếu láo, ngông nghênh a, bờ, cờ…
Ba mươi, được làm “ông Thu Nguyệt”.
Nỗi niềm tha hương, tha nhân được Đặng Ca Việt đặc tả đậm nét trong bài Ta về làm khách. Một đứa con hiếu nghĩa với quê hương, gia đình; một người bạn chí tình với bao nhiêu bạn hữu… bỗng cảm thấy trở nên xa lạ, trở thành kháchtrước tất thảy mọi điều mà suốt đời mình thương yêu, gắn bó.
Ta về làm khách cha ta
Người tóc bạc lại hầu trà tóc xanh
Bếp nghèo khói lượn vòng quanh
Má loay hoay nấu nồi canh cá đồng.
Ta về làm khách quê ta
Xoài chưa đâm nụ cam da chưa vàng
Nhãn long còn đợi mùa sang
Lúa vừa gieo hạt cả làng đi vay.
Ngỡ như cái nghèo khó dai dẳng của làng quê, của cha mẹ là do mình mà ra, là do cái thân phận làm khách của đứa con lưu lạc suốt đời ấy gây nên. Ý tưởng mình là người có lỗi và luôn tự nguyện sám hối trước quê hương, gia đình thường trực trong thơ Đặng Ca Việt, trước hết là ở một nỗi nhớ mênh mang khôn tả:
Bàn chân tôi một đời phiêu bạt
Vẫn hướng về một lối cũ: Làng quê. (Lý lịch)
Nhưng những buổi tắm sông mắt đỏ
Vẫn đỏ mắt đến giờ khi nhớ tuổi thơ xưa. (Tuổi thơ)
Tha hương nhớ lắm làng quê nhỏ
Một mảnh vườn con nhiều vui buồn
Má ơi, đông tới là xuân tới
Lẽ nào trời đất nở mai suông! (Thư cho má)
Chính cái làng quê nghèo khó ấy, trong con mắt sám hối của Đặng Ca Việt bao giờ cũng thành chốn thiên đường chẳng cần tu; luôn níu kéo, gọi mời anh trở về:
Sống ở quê nhà sướng thiệt!
Khát thì ngửa cổ uống trái dừa
Đói thì rau quả tươi hơn chợ
Rượu ngon bè bạn cù cưa. (Quê nhà sướng thiệt!)
Nỗi niềm tha hương, tha nhân ấy càng bừng lên mãnh liệt trong tình cảnh của một kẻ suốt đời chỉ có ly hương… và ly hương. Đặng Ca Việt tự trách, tự xử mình, đôi khi nặng hơn, đã tự coi mình là kẻ tha hóa đáng nguyền rủa, là thứ đứng ngồi không yên, là bia bọt lên cơn, là tên cà chớn giữa chợ đời:
Rượu chưa uống đã say rồi
Uống cho bỏ thói đứng ngồi không yên. (Ly hương)
Cha ta hồi ấy mừng thầm
Đẻ ra ta cứ tưởng lầm là con
Như là bia bọt lên cơn
Đời toàn nước lã pha cồn cũng say! (…Và ly hương)
Bằng giọng điệu chì chiết, đay nghiến mình cho bỏ ghét ấy, thơ Đặng Ca Việt khiến người đọc phản tỉnh từ những điều anh khơi gợi - tựa như một cảnh báo về sự bẽ bàng, thờ ơ dẫu vô tình của biết bao đứa con xa quê đối với quê hương và người thân mình.
Trong mạch cảm hứng xuyên suốt ấy, Đặng Ca Việt đã có một mảng thơ viết về (cho) vợ con rất đáng khâm phục. Nếu tôi không quá ngoa ngoắt thì có thể nói rằng, trong nền thi ca hiện đại Việt Nam hiếm có một thi sĩ nào viết về vợ con mình (nhất là về vợ) nhiều, sâu, kỹ như anh!
Vợ là một đề tài hắc búa và xưa nay, có rất ít thi nhân dám mạo hiểm đi sâu vào xứ này. Thế mà đối với Đặng Ca Việt, dường như đây lại là mảnh đất hợp sở trường canh tác và giúp anh trỗ hết biệt tài nịnh vợđích thực của mình. Có điều, dưới ánh sáng của cảm hứng chủ đạo nói trên, trong tình yêu thương và thủy chung hết mực, bao giờ Đặng Ca Việt cũng tự làm bé mình đi trước vợ. Dường như bên vợ, anh bỗng trở thành (muốn mình trở thành) một con người khác: là ông Thu Nguyệt, là cục đất cho cỏ mọc lên đầu, là thằng khùng… Nghe anh tự mắng mà nao cả lòng:
Vợ ta ngày ấy xinh tươi lắm
Giờ như lá chuối héo màu xanh
Lấy nhằm ta người chồng phải tội
Túi mỏng chỉ toàn thơ với tranh (Vợ ta)
Dường như bao giờ Đặng Ca Việt cũng thấy hiện hữu một khoảng cách xa nào đó giữa mình và vợ - một khoảng cách giữa cao và thấp, giữa gần và xa, giữa người đi và người ở lại, giữa sống và thác… Có thế, anh mới làm nên chùm bài Vọng thê đầy ám ảnh định mệnh đến vậy:
Phục mình như hổ đông tàn
Chờ hai tiếng gõ xuân sang em về (Vọng thê 1)
Xin được làm – khiêm tốn thôi - chiếc samsonite của em
Để được em cần tới (Vọng thê 2)
Trăng xoay về góc trời xa
Anh xoay lòng mãi vẫn là góc em (Vọng thê 3)
Và với con, khi phất phơ chi giữa đất Sài Gòn, Đặng Ca Việt cũng thấy mình trở thành một con người khác, luôn mang mặc cảm có tội với con; chẳng xứng mặt làm cha:
Con ta thiếu tía như thiếu sữa
Mấy lúc thèm vui chẳng ai chơi (Nhớ con)
Thơ Đặng Ca Việt còn nhiều ý tưởng đầy khơi gợi khác. Riêng với tôi, cái nỗi niềm tha hương, tha nhân nói trên luôn khơi gợi, hấp dẫn và đầy ám ảnh. Vả chăng, đây là nét độc đáo, khắc họa sinh động và đầy đủ hơn chân dung anh - một góc khuất dịu dàng, nhân bản; khác với những gì mạnh mẽ, ồn ào và có phần bạo liệt trong giao tiếp, tranh luận của Đặng Ca Việt?
Xin lấy những dòng ngắn ngủi này làm nén tâm hương thắp trong ngày giỗ đầu của một thi sĩ đích thực đất Đồng Tháp…
(*) Tác phẩm Đặng Ca Việt - Nhà Xuất bản Trẻ & Báo Tuổi trẻ, 2003.
31.5.2004
Thai Sắc
Theo https://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...