Em giờ lưu lạc muôn quê
Con trâu đói cỏ chị về mà chăn…
Mười hai bến nước sâu nông
Em thì bến mấy chị không bến nào…
(Kính viếng hương hồn chị)
Vào một ngày mùa thu trên bến đò sông Hậu, có một người con
gái tuổi đôi mươi hôm nay lên đường trở về quê cũ. Đưa tiễn cô có hai người bạn,
một nam và một nữ. Họ cứ lăng xăng trông thật tội; họ quá lo lắng cho cô bạn nhỏ
của mình, thân gái đường xa, nhỡ có gì xảy ra lại khổ! Đêm qua, cả ba người đều
thức trắng. Họ đứng trên ban công khu ký túc xá của trường nhìn xuống thành phố
trong đêm khuya. Cả ba người đều khóc, riêng cô gái khóc thật nhiều. Lòng cô
nao nao vui sướng, hồi hộp, vì qua bao ngày mong ngóng tin quê, ngày mai cô sẽ
trở về. Xe đò chuyển bánh, lòng cô chợt thấy trống trải vô cùng. Vì cô vừa chia
xa những người bạn tốt, tạm biệt một tình yêu kỳ lạ. Chiếc khăn tay màu trắng vẫy
vẫy mãi ngoài cửa sổ con phà. Sông Hậu trào lên, mênh mông sóng nước… Người bạn
nam nhìn theo không chớp mắt, rồi anh cúi xuống, nức nở khóc! Lần này, họ chia
tay, biết đâu không có ngày gặp lại. Con đường xa thẳm hàng ngàn cây số, biết
đâu… Con phà đã chở đi của anh cả trái tim này, cả cuộc đời này, chở đi của anh
một cái gì quý giá nhất! Anh cứ đứng đó, đắm đuối, nghẹn ngào, mãi đến khi cô bạn
khẽ lay vai anh: “Về đi anh!”, anh mới sực tỉnh nhìn lại bến đò. Cùng lúc ấy,
con phà đã cập bến bên kia.
Người con gái ấy là chị gái tôi. Ngày chị giã biệt gia đình
ra đi, tôi vẫn còn bé lắm, mới học lớp năm. Sau năm năm trời bôn ba đất khách,
nay chị mới trở về. Lúc này tôi đã học cấp ba. Thấy chị về, tôi mừng lắm, hai
chân xiêu vẹo chạy ra phố đón chị. Chị tôi đã về! Con đường xưa, nơi chị tôi từng
đi qua suốt một tuổi thơ, nay đã nhộn nhịp hơn. Chị tôi về. Căn nhà vẫn vắng vẻ
như xưa. Bố mẹ tôi đã già yếu hơn. Anh trai tôi kể từ ngày xuất ngũ, đột nhiên
bị bệnh nặng không khỏi. Tôi đã rời nhà đi học cấp ba. Thấy chị đã trở về nhà,
tôi chỉ biết khóc. Đêm xuống, từng rặng chuối lũy tre xào xạc trong đêm. Chị ngồi
bên mẹ trên chiếc chõng tre, kể về nơi đất khách. Lúc ấy, tôi còn ngây thơ, đâu
đã hiểu gì nhiều. Chị em tôi sinh ra và lớn lên trong căn nhà quạnh hiu, buồn
bã, ngày ngày vang lên bao tiếng đỗ vỡ, xô xát, nên ai cũng quen với điều bất hạnh,
chẳng còn ngạc nhiên trước điều ấy. Tôi nhớ bao ngày tôi đi hái rau má cùng chị
trên đồi, đi mót lúa, mót lạc vào mùa hè nắng như đổ lửa. Rồi tôi đi lò cò theo
chị ra chợ buôn rau muống, hái đám rau tầm tơi còi cọc của nhà tôi, bóc mớ lạc
lép để trên gác bếp đã khươm mươi niên đi bán ở chợ người. Nào tôi đã hiểu gì đời.
Đôi lần, thấy chị khóc trong góc bếp, tôi cũng chẳng hiểu vì sao. Khi chị tôi tốt
nghiệp cấp ba thì tôi đang bận đi tham quan Hà Nội cùng đoàn học sinh giỏi của
tỉnh. Tôi đâu có hiểu nỗi buồn của chị tôi… Chị ao ước vào đại học, nhưng đã phải
cầm lòng bán bộ hồ sơ, vì gia đình quá nghèo, không biết lấy gì mà đi đại học.
Anh tôi cũng thế. Ngày ấy, phong trào học ở quê tôi còn yếu, có lẽ vì còn thiếu
đói triền miên. Rồi, liền đó, tiện có xe con của chú ruột tôi đánh cả con từ Hà
Nội vào, chị tôi được đón đi chơi xa lần đầu tiên vào ngày đó. Chú tôi nghe đâu
làm ở Bộ. Tôi mê tít. Chiếc xe con bóng loáng từ từ chở chị tôi đi xa. Tôi có cảm
tưởng mái tóc của chị tôi, tuổi thanh xuân của chị tôi lướt qua tôi như cơn
gió. Có lẽ, tôi xa chị từ đó, bởi khi chị từ Hà Nội trở về thì tôi đã ở rất xa
nhà đi trọ học cấp ba. Lớn lên, tôi mới hiểu tâm trạng vui mừng và âu lo của chị
tôi ngày ấy. Trước khi đi, chị nói với mẹ: “Thân phận người con gái mười hai bến
nước, con ra đi, trong nhờ đục chịu…” Chị tôi ra đi với hai bàn tay trắng cùng
một lời hứa, lời hứa của bà cô tôi. Bà hứa sẽ xin việc cho chị tôi. Mà Đồng Nai
xa xôi là thế…
Rồi chuyến tàu năm ấy cũng vội vã như ngàn vạn chuyến tàu
mang người con gái bé nhỏ lưu lạc dọc miền Nam nước Việt. Gia đình tôi, nói
đúng ra chính là tôi thưa thớt tin chị từ đấy. Mỗi khi thư chị gửi về, gia đình
đọc sơ qua rồi chuyển đến cho tôi, vì tôi hay chữ nhất nhà. Tôi còn muốn trở
thành một nhà thơ nữa. Thành ra tôi là người cất giữ những bức thư nhiều nước mắt
của chị. Cuộc đời chẳng giống thơ, mà cũng chẳng giống văn xuôi; cuộc đời có những
điều đau đớn không bao giờ đặt vào trang giấy được. Không bao giờ có thể nói
ra. Chị tôi đi xa, mang cho gia đình một chút hào quang cát bụi, rằng họ có một
đứa con phiêu bạt tận miền Nam, cũng chèo chống, cũng vùng vẫy nên người. Một đứa
con gái nhỏ vừa đi chơi đâu loăng quăng, trong chốc lát nó sẽ trở về. Những
ngày tháng đó gia đình tôi triền miên trong đói khát, dằn vặt, tôi không thể cắt
nghĩa nổi cũng không hề muốn hiểu. Tôi chỉ biết chật vật sống qua ngày, với một
bàn tay còn lại. Từ khi ham thích làm thơ thì tôi chẳng để ý đến gì khác nữa.
Tình thương và tình yêu đối với mọi người, mọi thứ của tôi cũng bị văn vẻ hóa.
Phố huyện huyên náo, thời trung học của tôi trôi vèo theo những cơn mưa trắng
xóa. Có một dòng sông, chiều nào tôi cũng đi qua, thả những cánh hoa dại xuống
bên dòng. Người tôi yêu bằng mối tình đầu khờ dại, cũng không bao giờ hiểu được
tình cảm của tôi. Mà thứ đó đâu phải là tình yêu, đó chỉ là một lỗi lầm của thời
trẻ. Tôi thấy người ấy rất đẹp, rất hiền, thật xứng đáng với sự tưởng tượng
lãng mạn trong tôi, và thế là anh ta nghiễm nhiên bị thu vào tầm ngắm. Thật khổ
tâm khi một cô bé phải già trước tuổi, phải đau đớn trước một tình yêu mang màu
hoa ti-gôn tưởng tượng. Tôi nhớ về chị tôi những hình ảnh không rõ ràng lắm,
như ánh hào quang lóe vụt, như hoa chàm mùa thu phảng phất ở sân trường, như
màu hoa phượng rực rỡ chói chang trên con đường tôi đi học. Hoa phượng đẹp nhất
là vào tháng năm, khi lũ học trò đứng trước một mùa mùa hè đầy tiếc nuối, khắc
khoải. Như khi ta chưa nói hết những gì muốn nói, đành lặng lẽ trở về mong đợi
mùa thu và khoảnh khắc tựu trường. Chị tôi vẫn triền miên xa vắng. Rồi vào một
ngày mùa thu năm ấy, tôi nhận được tin chị tôi đã về nhà.
Lúc ấy, tôi hấp tấp chạy ra lối đi đầy cỏ dại để đón chị tôi.
Chị tôi hiện ra trước mắt tôi, xinh đẹp, dịu hiền, chị nói thứ giọng miền Tây
ngọt ngào, khắc khoải. Tôi òa khóc, hệt như cảm xúc trào lên khi bắt gặp một ý
thơ hay. Tôi ôm chị, hôn chị, và khóc nức nở, dẫn chị đi như bay về căn phòng
trọ của mình. Biệt thự của bác tôi. Trong lúc ngồi bên cái thùng giấy ẩm mốc với
mớ quần áo hổ lốn của tôi, chị tôi nói: “Quay đi quay lại vẫn chỉ những thứ ấy”,
tôi hỏi lại “Gì hở chị?”, chị “À không, ý chị muốn nói là ở đây tồi tàn quá”.
Tôi ôm lấy lưng chị, ngồi tựa vào cột bếp nói: “Chị ạ, ở đây khiếp lắm, đêm nào
em cũng bị bóng đè. Đêm nào bọn nó cũng về dọa dẫm em. Chúng biến thành những tổ
cú vọ kì dị, cười và hét toáng lên, bay véo từ bên này sang bên kia, trong tiếng
đổ vỡ ầm ầm của giông bão và sấm chớp. Nghe hàng phố kể, trong căn bếp này có
hai người đàn ông vừa chết. Chị tin không?” Tôi lại khóc với sự sợ hãi khốn
cùng. Chị ôm tôi vào lòng, kinh ngạc: “Sao em không nói sớm?” “Đã lâu lắm rồi,
em đành lòng sống trong cảnh đó. Nhà mình nghèo, lấy đâu tiền trọ ở nhà khác?
Em sẽ chịu đựng tất cả để khỏi phải bỏ học. Ban đêm tuy em có sợ hãi, nhưng cứ
khi mặt trời lên là em lại hết sợ!” Chị em tôi ôm riết lấy nhau, trông thật là
bé nhỏ, tội nghiệp. Chị bảo: “Vậy thì chúng mình phải đi thôi! Chị sẽ tìm cho
em nơi ở mới”. Chị đi quanh vườn.
Những cây khế ngọt trĩu quả, những cây anh đào nở hoa hồng rực, những hoa bí ngô bò leo khắp nơi quả xanh hoa vàng, những chùm roi chín mọng tím ngát cạnh bờ ao, cây sung không bao giờ cho quả, đám mùi tàu và rau kinh giới bốn mùa không ai hái, nằm trơ vơ trên nền đất chai sần. Cái giếng có miệng nhỏ xíu, một bờ ao đầy rêu xanh, một dòng sông xanh ngắt cổ xưa điềm nhiên vắt ngang qua cánh bãi… Một cái am thờ ai đó mới dựng lên. “Phải đi thôi! Sống mãi trong cảnh này thì em làm sao vào được đại học?”. Và chị đã đưa tôi đi tìm nơi ở mới. Tôi còn nhớ, đó là một ngày nắng đẹp. Chị tôi đã trở về như thế với cuộc đời tôi.
Những cây khế ngọt trĩu quả, những cây anh đào nở hoa hồng rực, những hoa bí ngô bò leo khắp nơi quả xanh hoa vàng, những chùm roi chín mọng tím ngát cạnh bờ ao, cây sung không bao giờ cho quả, đám mùi tàu và rau kinh giới bốn mùa không ai hái, nằm trơ vơ trên nền đất chai sần. Cái giếng có miệng nhỏ xíu, một bờ ao đầy rêu xanh, một dòng sông xanh ngắt cổ xưa điềm nhiên vắt ngang qua cánh bãi… Một cái am thờ ai đó mới dựng lên. “Phải đi thôi! Sống mãi trong cảnh này thì em làm sao vào được đại học?”. Và chị đã đưa tôi đi tìm nơi ở mới. Tôi còn nhớ, đó là một ngày nắng đẹp. Chị tôi đã trở về như thế với cuộc đời tôi.
Chỉ vỏn vẹn một ngày tôi được ở bên chị tôi. Tôi đã kịp để
vào tâm khảm vẻ đẹp của chị, nỗi buồn của chị, tình yêu của chị, và cả những
nét mới của chị mà con người quê tôi không bao giờ có. Trong câu chuyện chị kể
trong đêm quê nhà, tôi nhớ đến người đàn ông họ Huỳnh. Một chàng trai người Việt
gốc Hoa, người yêu của chị. Vâng, tôi nhớ, chị đã kể về nơi đất khách. Đồng
Nai, những ngày buồn của chị. Người chị họ đổ cho chị có tình ý với anh rể để tống
khứ chị đi. Căn nhà có một người đàn bà già nua mê của nả, mặt chuột tai dơi,
suốt ngày hành hạ chị. Nuốt được miếng cơm rơi vãi chị đã phải khóc hết nước mắt.
Ô hô con người! Nó không giống những câu thơ tôi biết. Nó không tròn vành vạnh
như nhà văn tô vẽ để xây nên hình tượng nhân vật của mình. Trong thời này, những
vẹn nguyên nơi con người nối đuôi nhau mà đổ bể. Từ khi nào, chị đã trôi dạt xuống
miền Tây. Chú ruột tôi ở đó. Nơi đó, nước thì trong cơm thì trắng,
mà tôm cá ắp đầy trong ghe, trong dòng nước đục. Tôm cá nằm thỗn thện trên thuyền,
trong thúng mẹt nong nia, nằm trên cái thớt gỗ, trước ngọn nước trong để chờ
phút giây hành xử. Tôi đã hình dung trong lời chị kể. Tôi đã tận mắt thấy! Chị
tôi với làn da trắng ngần của tuổi mười bảy, với tâm hồn trong trắng dễ tin người,
chị bước đi những bước chân uyển chuyển trong ngõ nghách của chợ người. Nắng
gió miền Tây, và nước, mênh mang là nước. Nước dềnh lên theo những lốt chân người.
Cái nón bài thơ chị mua từ Huế khi tàu đi ngang qua ga đâu đủ để che cái nắng hập
hập như lò lửa bị dội nước. Làn da ngà ngọc cứ sạm đen đi. Vóc dáng của chị vốn
đã thanh lịch lại càng mảnh khảnh hơn. Chị đi, gót hồng nhẹ như gió thoảng. Chị
của tôi, người chị tội nghiệp của tôi! Trong gánh hàng của chị bao nhiêu là những
chiếc nón, điệu đà, trắng trong, tinh khôi. Chị tôi trở thành người đàn bà bán
nón. Bao giờ, trong những lá thư dài của chị, cũng là nỗi thương cha nhớ mẹ,
thương anh nhớ em, triền miên, canh cánh. Nỗi thương nhớ mảnh đất xứ Thanh nơi
chôn rau cắt rốn, nơi cất giữ tuổi thơ nhọc nhằn của chị, của gia đình chúng
tôi. Thời gian đó, thường xuyên chị đã gửi tiền về giúp gia đình. Trong những
giấc mơ triền miên của tôi, chị đứng nhìn tôi buồn buồn, không nói, rồi chị đưa
cho tôi những tập thơ của Hàn, của Vũ… Chị bao giờ cũng quên mình để sống vì mọi
người, chị là một người chị tốt nhất mà tôi từng biết. Bao giờ chị cũng dành điều
tốt nhất cho người khác và sẵn sàng nhận về mình mọi đau khổ, thiệt thòi. Những
việc làm thầm lặng của chị, sau này khi đọc qua nhật ký đời chị tôi mới biết. Lần
đó, chị về thăm quê được một tuần rồi đi. Mẹ và tôi đưa chị ra bến xe. Vì quá
thương con gái, mẹ tôi đã ôm chầm lấy con mà òa khóc. Chị đi từ đó. Tôi lại vùi
mặt vào sách vở. Cứ khoảng vài tháng, tôi mới có dịp trở về nhà, lúc ấy tôi mới
nghe mọi người thi thoảng nhắc đến chị.
Lần thứ hai chị về thăm quê, đó là vào dịp tôi vừa tốt nghiệp
trung học. Khi đó chị cũng mới tốt nghiệp trường sư phạm Cần Thơ, được đi dự Hội
thi giáo viên giỏi toàn quốc. Đây là dịp chị được về thăm quê nhà. Chị được gặp
bạn bè trên toàn quốc, vui ơi là vui, chị nói thế… Được ở khách sạn, được thăm
cầu Bến Thủy, được ăn bưởi ngon ngọt, được thăm quê Bác. Tiền thưởng đoạt giải
cuộc thi, chị cất dành đem về cho mẹ. Lần này, có anh người Hoa đi cùng chị.
Khi hội thi kết thúc, anh chị về thăm nhà, tiện thể ra Hà Nội chào gia đình chú
thím tôi, chú làm ở Bộ mà tôi vừa kể. Tôi gặp lại chị ở thủ đô. Khi đó, tôi bắt
gặp nỗi buồn mà chị đã trải năm nào, khi đứng trước những con đường đời mới mẻ,
lạ lẫm. Có phải bao giờ ước mơ cũng trở thành hiện thực. Vậy mà tôi lại cả gan
dám mơ mộng trở thành một nhà thơ cơ đấy. Tôi đứng lặng nhìn chị tôi thân gầy
xác ve, bàn tay xanh xao, tuổi xuân dần xa, mà thương chị lòng đau như cắt, nước
mắt lưng tròng. Chị cầm lấy tay tôi, nói: “Em ráng học tập nghe! Sau này chị sẽ
không lấy chồng, chị ở vậy nuôi em!” Anh người Hoa đứng cạnh, anh cười thật hiền,
chị cũng cười còn tôi thì khóc. Chú tôi bảo tôi “Không nên khóc trong nhà người
khác!” làm tôi cụt hứng, bèn nín bặt. Phải rất lâu sau, tôi mới chú ý đến anh
người Hoa. Anh rể tương lai của tôi. Anh thật đẹp trai, lịch lãm. Anh cao bằng
chị tôi, nhỏ bằng chị tôi, ăn nói khiêm nhường như chị. Anh luôn đi bên chị tôi
như hình với bóng. Anh hiểu chị tôi qua từng lời nói, cử chỉ, nét mặt, ánh mắt;
hai người làm gì cũng nhịp nhàng ăn ý. Chị tôi lúc nào cũng hạnh phúc, mắt long
lanh vui sướng nhìn anh. Tôi rất vui sướng vì điều đó, đến nỗi hình như trong
chốc lát mà quên hết cả thế giới! Tôi thầm mong chị tôi sẽ hạnh phúc thực sự,
chứ không dẫm lại lốt chân của bố mẹ tôi, gia tộc tôi, đau đớn, chết mòn, sống
một cuộc đời vô nghĩa lý. Tôi hãnh diện lắm! Chị tôi là con cá to nhất trong
đàn cá nhà tôi. Con cá khoẻ mạnh, xinh đẹp! Con cá sẽ cứu chuộc lại sự ác độc của
biết bao người. Tôi lại làm thơ về chị tôi, những vần thơ đầu đời là dành cho chị
tôi. Đọc thơ tôi, chị cười. Tôi kể cho chị nghe về mối tình đầu của tôi, kể đại
khái, chị khuyên tôi một câu mà tôi không thể quên, tôi nhớ mãi, như là định mệnh,
như một lát cắt sắc lẻm làm tôi tỉnh ngộ: “Em đừng có mơ mộng chuyện chồng con.
Đàn ông bạc lắm!” Tôi im bặt, mà không dám hỏi chị vì sao lại thế. Năm đó, tôi
mười tám tuổi, còn chị tôi hai tư. Chưa kịp lau khô nước mắt mừng mừng tủi tủi,
tôi lại phải ngước mắt tiễn chị tôi đi xa. Bóng chị tôi lẫn vào dòng đời xuôi
ngược. Anh người Hoa đi bên, cứ như hình với bóng. Tôi cứ nghĩ mãi, hai dòng
máu đó có gì chung? Có duyên nợ gì? Tại sao mối tình của chị tôi lại giống mối
tình đầu của tôi đến kì lạ?… Chỉ có điều người tôi yêu không phải là người Việt
gốc Hoa. Mối tình đầu của nhà thơ tương lai là một chàng trai chân
quê nghèo khổ. Chú tôi khen chị tôi tốt số, có được người yêu tài hoa, sáng
láng. “Người như thế mà cũng vớ được kẻ tài giỏi”, các em họ tôi chép miệng tiếc
rẻ. Cái gọi là nhà thơ trong tôi lại bắt đầu phẫn nộ. Không, các người đúng là
những con lừa, các người chẳng khác gì những con lừa! Chị tôi rất nhân hậu, chị
tôi không có những tư tưởng đáng xấu hổ. Chị tôi xứng đáng có một tình yêu như
vậy.
Tôi trở về quê sau rất nhiều thất bại. Ngồi thui thủi nơi góc
bếp, tôi chả khóc, chả gì cả, mắt ráo hoảnh. Mối tình đầu, mối tình liền sau, mối
tình liền sau nữa đều bay biến như đám bọt. Tôi không nghe lời chị tôi, ôm giấc
mộng yêu đương, giấc mộng nhà thơ nên tôi mới khổ. Lại nhớ lời chị: “Không có kẻ
nào trên đời đủ kiên nhẫn với em!” Thật vậy sao? Quả mít sau vườn
chín rục, thơm nức không ai hái, hoa trạng nguyên nở mãi không tàn, rặng tầm
tơi bao năm đã già nua chằng chịt cọng xanh vàng. Mà chị tôi không về để hái.
Con trâu đói cỏ chị chẳng về mà chăn, để nó suốt ngày thơ thẩn trước cổng nhà
tôi. Tôi ao ước một lần chị tôi về. Để tôi đem giấc mộng hoàng lương ra mà thêu
dệt với chị. Tôi sẽ tranh cãi với chị về bản chất của bọn đàn ông và bọn đàn
bà. Tôi sẽ tranh luận cùng chị thế nào là thơ Hàn, thế nào là thơ Vũ… Tôi trông
mãi mà chị không về. Bao mùa trôi qua trong mảnh đất của tôi. Cha mẹ tôi đã gầy
mòn, mệt mỏi, không buồn động cựa. Anh tôi loạn thần kinh, luôn la hét, đập
phá; anh thường đọc hàng tràng những câu nói vòng vèo do anh nghĩ ra; anh gõ
thanh sắt vào cái chậu nhôm kêu leng keng, leng keng và anh cười khặc khặc khặc
khặc! Có lẽ anh tôi mang khí chất giống tôi, cũng yêu chất nhạc, chất thơ từ nhỏ,
yêu những lời nói bóng bẩy, vần vèo. Chửi cũng chửi vòng vèo, gõ kẻng cũng phải
trầm bổng. Mỗi lúc tôi về, anh tôi lại đem đủ thứ đồ lề như xô chậu, bát đũa,
khí giới ra ngồi giữa nhà và anh bắt đầu khúc hát của người điên. Những lúc ấy,
anh tôi nói vòng vèo không biết mệt, còn tôi thì cười ngặt nghẽo, cười sặc sụa
không dứt, và tôi mon men đến để gõ trống cùng anh. Anh tôi như được tiếp sức,
lại càng cao hứng, nghĩ ra nhiều câu vè lạ lùng mà tôi chưa từng nghe ai nói.
Tôi cười đến mệt lử. Nhân lúc anh tôi nghỉ lấy hơi, tôi đi vo một tích nước chè
và nhón một nhúm thuốc lào vào cho anh, anh tôi thích hai món đó. Tôi ngồi thủ
thỉ kể cho anh nghe vạn câu chuyện trên trời dưới bể, những câu chuyện của tôi
gom nhặt trên đường tha phương cầu thực. Tôi không giấu anh chuyện gì, mặc dù
anh tôi không minh mẫn. Khi tôi dừng lời thì thấy anh tôi đã ngủ khì từ lúc
nào, miệng ngáy pho pho, chân gác lên hai cái chậu. Tôi đem kể những chuyện này
cho chị tôi. Trong mấy lá thư dài, tôi đã kể không thiếu chuyện gì, hơn nữa lại
nhấn mạnh, cường điệu, thậm xưng, thêm pha mắm muối bằng giọng của kẻ ôm mộng
trở thành nhà văn nhà thơ. Một trong những lá thư ấy đã làm chị tôi ngất xỉu.
Chị đã đi chùa, đi nhà thờ cầu xin cho anh tôi khỏi bệnh, cầu
cho gia đình tôi êm ấm hơn, và tôi được học hành đỗ đạt. Khi một người thân hoặc
một người bạn của chị gặp rủi ro, buồn khổ, là chị lại ăn chay niệm Phật suốt
tuần để cầu nguyện cho người ấy tai qua nạn khỏi. Lúc nào trong tâm hồn sáng
trong, thánh thiện của chị tôi cùng dành một góc nhỏ trang trọng để ngắm nguyện
trời Phật linh thiêng. Trời đã thể tất lời cầu xin của chị. Anh tôi vẫn còn gõ
kẻng, cái điệp khúc bi ai của mảnh đất nhà tôi, nhưng tôi thì đã đỗ vào đại học.
Tôi học nghành viết văn, cái nghề xa lạ đối với dòng dõi nhà tôi. Tôi tiếp tục
cái nghiệp của anh trai, chuyên nghĩ ra và nói những lời vòng vèo, để cười cho
thỏa thích, và đôi khi là khóc. Dứt khoát, phải khóc hoặc cười, hoặc vừa khóc vừa
cười, chứ không được an phận thủ thường, dĩ hòa vi quý. Không, tôi nhận ra tôi
và anh tôi cùng có dây thần kinh cười! Nếu ai đụng đến chúng tôi là chúng tôi lại
phá lên cười, những trận cười ngả nghiêng, không dứt. Tôi băn khoăn, chẳng biết
chị gái tôi có bao giờ cười như thế không?…
Tôi còn nhớ, một mùa thu năm xưa, chị kể chị hai bàn tay trắng
đến xin trú ngụ ở cửa nhà người để đi bán nón. Ngày ăn hai nắm cơm chỉ bằng hai
nắm tay, đêm về nhà chú thím để ngủ. Chị phải lau nhà, giặt giũ, bơm nước, rửa
chuồng lợn, tắm cho lợn, chằm nón, quang dầu, đến một giờ sáng mới được đi ngủ.
Sáng hôm sau lại ra đi, bạc mặt một ngày, đói no không ai biết, không người an ủi.
Nhưng may sao, chị tôi có nhiều bạn hàng tốt. Ròng rã bốn năm trời như thế.
Nhìn trời xanh rất thấp, nước cứ dềnh lên, mà chị buồn lo đến nao lòng. Chợ này
là nơi tập trung đủ các hạng người, già trẻ gái trai, da ngăm đen, da màu mận đỏ,
da vàng, da nhờn và da sần sùi. Nắng trời và nước sông làm da có thể đổi từ màu
này sang màu khác một cách nhanh chóng. Chị tôi gầy xanh hơn. Chị chắt chiu từng
cắc từng đồng gửi về cho gia đình. Lòng hiếu thảo của chị đã được ông trời chứng
giám, ông trời đoái thương đến chị. Có dạo, một tay chủ đất hỏi cưới chị mà chị
không đồng ý. Chú tôi chỉ muốn chị lấy chồng giàu, được ăn tiêu thỏa thích, cái
thân đỡ cực, mà còn chăm bón được cho mọi người. Chị từ chối làm chú thím giận
lắm. Chị đã có một dự định mới. Mùa thi năm ấy chị khăn gói lên Cần Thơ thi vào
trường sư phạm. Chị thi đỗ nhưng định không đi học vì thấy không đủ tiền trang
trải học phí bốn năm. Cô hiệu trưởng trường sư phạm lặn lội lên nhà chú thím để
tìm chị… Chị quyết định nhập trường. Cuộc đời chị đổi thay từ ngày ấy.
Một đêm trăng trên bến Ninh Kiều. Người ấy đã nói với chị:
“Trong đời mình chỉ một lần yêu và tình yêu đó chỉ trao về cho một người mà
thôi!” Chị khẽ cúi đầu, mặt đỏ bừng. Chị hiểu câu nói ấy là dành cho chị. Lát
sau ngẩng lên, chị bảo: “Sau này ai thương Liêm sẽ phải cưu mang cả đứa em tội
nghiệp của Liêm”. Người ấy nói: “Tôi không sợ điều ấy! Thà người phụ ta chứ ta
không phụ người”. Chị tôi nói: “Điền còn ít hơn cả tuổi Liêm. Điền không sợ người
ta nói Điền là em Liêm là chị sao?” Người ấy nói: “Khi đã thương yêu nhau thì
điều đó không quan trọng”. Chị đành im lặng mà ao ước giá như lời nói của người
ấy có thể tin được nhỉ. Hãy đợi, thời gian sẽ trả lời.
Chị tôi đã gặp anh Điền kể từ khi mới nhập trường, hai người
cùng học chung một lớp. Anh thương mến chị tôi từ những ngày đầu, nhưng chị tôi
chỉ coi anh là người bạn tốt. Cũng có nhiều người đến với chị tôi, và chị tôi
đã đem lòng yêu mến một người, nhưng sau này anh ấy đã chuyển sang yêu người bạn
gái thân thiết nhất của chị. Người bạn gái bao tháng ngày chia ngọt sẻ bùi đã
phản bội chị, chị vô cùng đau khổ và dằn vặt vì điều ấy. Nhưng với bản tính
nhân hậu, vị tha, chị đã lặng lẽ tha thứ cho họ, chỉ có điều chị không thể quên
được. Vì vậy, nỗi đau đớn, tổn thương đó còn hành hạ chị trong suốt những năm
tháng sau này. Anh Điền biết hết, hiểu hết, nhưng anh không bao giờ đề cập đến
những điều ấy trước mặt chị. Anh không bao giờ căn vặn chị… Nhưng có một lần chị
đã kể hết cho anh nghe. Anh Điền chỉ im lặng mà không nói gì. Chị tôi nghĩ: “Điền
biết lo lắng như vậy, ai gặp Điền có lẽ không phải chịu khổ đau.” Bốn năm trời
anh chăm sóc chị tôi, lo lắng cho chị từng miếng cơm miếng cháo, từng quyển vở
quyển giáo trình. Đồng tiền nhận được của gia đình anh cũng sẵn sàng chia đôi
cho chị. Nhờ anh, chị đã sống tiếp được những ngày đầy cô đơn, gian khổ nơi đất
khách quê người. Trong những ngày chị ốm đau, tật bệnh, cảm thấy bơ
vơ, anh đã kề cận chăm sóc chị từng bữa ăn giấc ngủ. Chị chưa từng gặp
một người tốt như anh. Nhưng trong lòng chứa chan dằn vặt, mặc cảm về thân phận,
về gia đình, nên có lúc chị chỉ muốn anh Điền rời xa chị để đi yêu người khác.
Khi chị nói điều ấy với anh, anh kinh ngạc rồi nức nở khóc. Anh
không thể tưởng tượng một ngày trong đời anh có thể thiếu vắng chị. Còn chị, chị
thầm nghĩ, khi ra trường chị sẽ trở về quê hương để phụng dưỡng cha mẹ, hoặc đi
đến một miền đất khác, như thành phố Hồ Chí Minh hoặc Biên Hòa chẳng hạn. Khi
đó chị sẽ phải chia tay với anh Điền, chia tay với những kỷ niệm da diết trong
thời sinh viên của chị. Chị không thể cầm lòng được khi nghĩ đến điều đó.
Nếu cuộc đời chị thiếu anh thì chị không còn ai cảm thông, chia sẻ, không còn chỗ nương tựa mỗi lúc cô độc, tổn thương. Nhưng gia đình anh là một gia đình gia giáo, nền nếp, lại là người Việt gốc Hoa, rất trân trọng sự học hành, thăng tiến, còn nhà tôi lại rất nghèo và bất hạnh, mấy chục năm chưa được hưởng một ngày vui, giờ đây lại càng bi đát hơn, đường xá lại xa xôi cách trở. Chị phải chia tay người ấy thôi, thư gửi về tôi chị viết. Lúc ấy tôi đang miệt mài đèn sách, chờ trường viết văn mở khóa mới. Tôi còn non nớt, nên chẳng biết khuyên chị thế nào. Tôi động viên chị cứ chú tâm vào học hành, rồi hạnh phúc sau này sẽ đến, đó là điều tất yếu.
Nếu cuộc đời chị thiếu anh thì chị không còn ai cảm thông, chia sẻ, không còn chỗ nương tựa mỗi lúc cô độc, tổn thương. Nhưng gia đình anh là một gia đình gia giáo, nền nếp, lại là người Việt gốc Hoa, rất trân trọng sự học hành, thăng tiến, còn nhà tôi lại rất nghèo và bất hạnh, mấy chục năm chưa được hưởng một ngày vui, giờ đây lại càng bi đát hơn, đường xá lại xa xôi cách trở. Chị phải chia tay người ấy thôi, thư gửi về tôi chị viết. Lúc ấy tôi đang miệt mài đèn sách, chờ trường viết văn mở khóa mới. Tôi còn non nớt, nên chẳng biết khuyên chị thế nào. Tôi động viên chị cứ chú tâm vào học hành, rồi hạnh phúc sau này sẽ đến, đó là điều tất yếu.
Ra trường, chị về Cần Thơ, anh Sóc Trăng. Chị dạy ở trường
trung học cơ sở Vị Thanh. Giờ đây, chị có đàn em thân yêu để gắn bó. Chị thường
đi xuồng vào các bản người Miên, người Hoa, người Khơ-me vận động các em đi học
và động viên, an ủi lúc các em gặp khó khăn. Chị bỏ những đồng tiền riêng của
mình ra mua sách vở, bút mực, quần áo, cặp sách cho một số em có hoàn cảnh khó
khăn. Vào trận lụt to năm ấy, chị cùng tập thể giáo viên trong trường đã ủng hộ
các gia đình bị nạn tiền và những ngày công lao động của mình. Tôi còn giữ những
lá thư chị viết khuyên nhủ các học trò của mình, mà vì lý do nào đó chị chưa kịp
gửi: “Nếu bỏ học thì con sẽ làm gì để sống? Bố mẹ hy vọng vào con, sao con lại
nỡ bỏ học. Con hãy nhìn xem, xóm ta có bốn bạn đã học hết lớp 12 rồi đấy. Con
đường đại học đang mở rộng trước mắt họ… Cô xin con nghĩ lại”… Ban ngày chị đi
dạy ở trường, tối trở về trong căn phòng nhỏ chục mét vuông ngăn đôi cho hai
giáo viên. Tôi không ngờ chị lại có thể băng qua những ngày tháng ấy! Nhìn thấy
những đồ đạc đơn sơ trong phòng, nghĩ đến tấm lòng nhân hậu của chị mà tôi ứa
nước mắt. Nồi niêu bát đũa vẫn còn nguyên, vẫn còn nguyên chiếc đèn trên bàn gỗ
mỏng, vẫn còn đôi dép lê trên nền gạch, còn quyển sổ tay trong đó chép những
bài hát mà một thời chị cùng bạn bè mình đã hát. Tôi đã gặp những bạn bè và học
trò của chị, kể cả chị hiệu trưởng trường này. Khi biết tôi là em gái của chị,
mọi người vô cùng quyến luyến và mến thương.
Những tháng ngày cuối cùng của chị tôi, anh Điền đã hết lòng
chăm sóc và yêu thương chị. Về danh nghĩa, anh chỉ là một người bạn trai, hoặc
cao hơn, là người yêu của chị, nhưng việc gì cũng đến tay anh. Hết thuốc, gọi
Điền. Hết tiền, gọi Điền. Nấu cơm, nấu cháo, giặt giũ, Điền. Xoa bóp chỗ đau, gội
tóc, an ủi người bệnh, chỉ có Điền. Anh xin nghỉ dạy mấy tháng trời để túc trực
bên chị. Anh chèo xuồng hàng trăm cây số đi tìm thuốc nam, thuốc bắc cho chị…
Còn gia đình tôi? Mẹ tôi cũng đã ở bên chị cho đến ngày chị qua đời. Chú thím
và các em tôi cũng thêm phần an ủi. Trong lúc sinh tử, hoạn nạn, mới rõ ai là
người tốt, mới thấy rõ bản chất của con người. Những ngày cuối đời, chị đã cảm
nhận được sự ghẻ lạnh, tàn ác của những kẻ chỉ biết có đồng tiền mà chối bỏ
tình máu mủ. Nhưng chị tôi đã tha thứ cho tất cả. Không gì bù đắp được nỗi đau
trong lòng của chị và của anh Điền. Bao nhiêu nước mắt anh đã rớt xuống trong
những ngày khủng khiếp ấy. Nhưng khi bên chị thì anh rất vui tươi như không có
chuyện gì, chỉ có khi nào chị ngủ, anh mới nép vào đâu đó để khóc mà không ai
trông thấy. Khi tỉnh dậy, chị hỏi: “Điền khóc à?”, “Đâu có!”, “Không khóc sao mắt
lại sưng?”, “Nấu bếp bằng vỏ dừa, khói quá!”. Chị nói: “Điền đừng buồn nữa!
Liêm không sao đâu. Mình đi tìm thuốc chữa bệnh. Liêm sẽ ăn nhiều hơn cho khỏe,
để đẩy con vi trùng ra!”.
Bao năm tháng mòn mỏi trong căn nhà u tịch của mình, tôi luôn
nuôi một giấc mộng vàng, giấc mộng trở thành thi nhân. Đôi khi, tôi ngồi lê la ở
gốc ổi, gốc mít, gốc thị, gốc xoan mà đọc những vần thơ, hát những bài ca không
ai nghe thấy. Đôi lần, nghĩ ra những chuyện đời, cãi vã, đôi co, giằng giật,
thì tôi tự trốn ra góc vườn để diễn kịch, một mình không ai hay. Làm thân được
với một con cún nhỏ, con mèo nhỏ, trồng được một cây hoa của riêng mình tôi
cũng hoan hỉ như đó là một kì tích. Nhưng xen giữa những giấc mơ tuổi thơ kỳ ảo
ấy, bao giờ tôi cũng nhớ chị tôi. Chị tóc xõa ngang lưng, nói giọng miền Tây dịu
ngọt, luôn căn dặn tôi những điều quá đỗi giản dị, thân thương. Khi giấc mộng
thi nhân chưa thành thì tôi không nguôi khao khát. Khi mất chị rồi thì tôi mới
thảng thốt nhận ra tôi đã lần lượt mất đi những gì quý báu nhất! Tôi cứ ngẫm
nghĩ mãi mối liên hệ giữa một cái gọi là đời thực và một cái gọi là văn thơ. Có
những điều tôi không sao hiểu nổi. Tại sao cốt nhục lại có thể phỉ nhổ nhau? Tại
sao, từ khi đời tôi không còn chị, thì những người tôi yêu thương nhất lại
chính là những người xua đuổi và hắt hủi tôi nhiều nhất? Tại sao?… Có lẽ, suốt
đời, tôi chẳng bao giờ cắt nghĩa được điều ấy cả.
Anh Điền nhớ lại. Hôm anh đưa chị tôi vào bệnh viện, khi siêu
âm cho chị xong, anh thấy mặt bác sĩ thẫn thờ, anh đã nghi có chuyện chẳng
lành. Anh dìu chị ra phòng ngoài ngồi nghỉ, để anh quay vào lấy giấy chẩn bệnh.
Cầm bệnh án của chị, mà anh bàng hoàng như rụng rời cả chân tay! Ông bác sĩ vỗ
vai anh: “Tốt nhất là đừng cho cô ấy biết sự thật! Không thể can thiệp bằng phẫu
thuật được, vì ổ bệnh sẽ di căn, rất nguy hiểm. Anh cầm đơn thuốc này, mua đủ để
điều trị. Phải cho cô ấy ăn uống đúng chỉ dẫn. Nếu có biểu hiện gì đột xuất thì
đưa cô ấy đến bệnh viện ngay! Thời gian còn lâu nhất cũng chỉ hai tháng nữa.”
Anh cảm ơn bác sĩ và đi ra, thần sắc ngơ ngác như kẻ mất hồn. Nhưng khi vừa
trông thấy chị, anh đã vội mỉm cười: “U lành, nếu uống thuốc đều đặn, sau một
thời gian ngắn sẽ khỏi.” Và anh đưa cho chị tờ giấy khám bệnh khác, mà anh đã
nhờ ông bác sĩ ghi là “U lành”, để kịp thời trấn an chị. Nhưng chị tôi thông
minh và nhạy cảm lắm. Không thể giấu được chị. Một thời gian sau, thấy mọi người
quá quan tâm, lo lắng, nhất là khi nhìn thấy giọt nước mắt của người thân, chị
đã linh tính là mình bị bạo bệnh không qua khỏi. Tôi thường ngồi đọc thơ cho chị
nghe, đọc chầm chậm, khẽ khàng. Đầu chị gối lên cái gối chị thêu cho ngày hạnh
phúc. Chưa nghe hết những vần thơ tôi, chị mệt quá thiếp đi. Rồi chị tỉnh dậy,
chị nói: “Thơ em dễ thương lắm! Sao em không đọc tiếp đi, chị vẫn nghe mà!” Tôi
im lặng mà nước mắt lưng tròng. Chị đưa bàn tay nhỏ vỗ về vào lưng tôi và nói:
“Không sao đâu! Đừng khóc…”
Rất tiếc, trong những năm tháng rất dài tôi không được sống gần
chị tôi. Những gì tôi biết được chỉ là do người ta kể. Hoặc xem ảnh cũ, đặc biệt
nhất là nghe anh Điền kể lại. Khi ấy chị tôi đã đi xa lắm rồi. Mặc dù đã biết
trước rất lâu, tôi cũng không ngờ rằng chị ra đi sớm thế. Khi tuổi đời mới tới
hai lăm. Vừa chạm tới vinh quang và hạnh phúc. Anh Điền và chị đang chuẩn bị
cho ngày hai người về chung sống. Nhưng thật đau xót, chị không qua khỏi. Mầm bệnh
đã tích tụ từ những ngày cực khổ. Đến khi phát hiện thì chỉ còn có ít ngày…
Trên bức tranh tường trong căn phòng tập thể chị viết: “Con người ta, người sống
lâu nhất cũng không quá một trăm năm”. Chị còn viết cho tôi: “Ngọc Lan em
thương, chị không có gì ân hận, vì chị đã sống cho ra sống mà chết cho ra chết”.
Hàng ngàn học trò, bạn bè, đồng nghiệp đưa tiễn chị ra nơi an nghỉ cuối cùng.
Nghĩa trang mênh mông, xanh rờn những loài hoa cỏ. ở đây không có hoa trạng
nguyên để tôi cài đầu cho chị. Tôi mới hoàn thành tập thơ đầu tiên, manh nha
thêu dệt giấc mộng trở thành thi sĩ. Tôi ngơ ngẩn như kẻ mất hồn. Nghĩa trang Hỏa
Lựu vào một sáng mùa xuân, cây cỏ xanh non đón ánh nắng mặt trời. Nước mắt tôi
trào ra nóng hổi. Có lẽ, giờ đây đối với chị, giờ đây mọi bến nước đều trong.
Tôi đốt tập thơ “Nỗi buồn cho em” trên mộ chị tôi. Tôi nhớ lời chị xưa, mười
hai bến nước… Mười hai bến nước sâu nông, em thì bến mấy, chị không bến nào… Bất
chợt, ở sân chùa trái táo khẽ khàng rơi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét