Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Khi anh nhìn em - Thơ của những tâm hồn lãng mạn, yêu thương mãnh liệt

Khi anh nhìn em - Thơ của những tâm hồn 
lãng mạn, yêu thương mãnh liệt
Khi anh nhìn em là tập thơ của ba tác giả: Hồ Bông 79 tuổi; Đoàn Vy 70 tuổi và BT. Thanh Nga 48 tuổi. Hai thế hệ, ba con người mang cá tính khác nhau, nơi chôn nhau cắt rốn khác nhau, quê quán khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, hoàn cảnh gia đình khác nhau, vậy mà lạ thay, thơ của họ lại có một điểm chung là sự hồn nhiên, lãng mạn, mãnh liệt và sâu sắc!
Tôi gặp ông Hồ Bông lần đầu từ năm 1977, khi ấy tôi đang là phóng viên của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Tôi nhận được Vé mời đi thưởng thức một đêm biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc Bông Sen (vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước). Trong buổi gặp gỡ trước giờ biểu diễn, nghệ sỹ Xuân Mai cùng cơ quan - nguyên là phu nhân của ông Hùynh Văn Tiểng, Giám đốc Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh - giới thiệu với tôi ông Trưởng đoàn Bông Sen: Hồ Bông. Ấn tượng đầu tiên của Hồ Bông gây cho tôi là gương mặt vuông vức, đôi mắt rất tinh anh, đa tình, giọng nói sang sảng, thể hiện một cá tính mãnh liệt, hào sảng của miền đất Nam Bộ. Sau này, thi thoảng tôi gặp ông ở Quán Tám Mốt (số 81 Trần Quốc Thảo)1. Chủ Quán Tám Mốt thuê mặt bằng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, treo bảng Câu lạc bộ nghệ sĩ. Quán 81 từng có thời rất tao nhã bởi rất đông nhà thơ, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, đạo diễn điện ảnh… thường lui tới. Những năm sau này, Quán 81 thu hút nhiều khách bình dân hơn, lúc nào cũng nhộn nhịp, hơi xô bồ một chút; nhưng nhờ thế lại giúp ích rất nhiều cho những ai cần thu thập vốn sống để viết lách. Tại đó, khi Hồ Bông đã nghỉ hưu rồi, bệnh hen suyễn đôi khi khiến ông rất mệt vì khó thở, nhưng giọng ông vẫn sang sảng, tác phong vẫn hoạt bát, lãng mạn như thời trai trẻ. Đặc biệt, khi ông nói chuyện với phụ nữ, nói về phụ nữ, giọng thật ngọt và cử chỉ thì rất galant! Tôi thường chọc ông là dân trộm trâu Đồng Tháp, là anh cao bồi già, có cái mỏ dẻo, lẳng lơ dễ sợ! Ông không tự ái mà chỉ cười rất tươi. Tính ông trực triệt, yêu ghét phân minh rạch ròi, nói năng thẳng băng, không cần uốn lưỡi khi phê phán những kẻ đạo đức giả.
Hồ Bông với vợ là Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Trì có một con trai du học nước ngoài. Hai vợ chồng chăm sóc lẫn nhau. Bà Thanh Trì sức khỏe gần đây xuống nhiều. Ngày nào cũng vậy, sau khi nấu nướng chu đáo cho vợ, Hồ Bông mang sẵn một chút đồ ăn, thủng thẳng đạp xe ra Quán 81, gọi một, hai chai bia, rồi ngồi đó cho đến đúng 13 giờ thì về nghỉ. Đầu kỳ lương hưu, ông vung vẩy chút tiền còm, gặp bạn hợp gu là mời nhậu. Bạn bè, nhiều người thương, quý ông, thường mời ông lai rai. Ông sôi nổi chuyện trò, đọc thơ oang oang làm như Tám Mốt là chốn riêng tư vậy! Cuối kỳ lương, đôi lúc ông ngồi với hai chai bia thành ba người… Nhưng ông thường có bạn thơ Đoàn Vy ngồi cùng. Luôn luôn có ai đó mời ông một vài chai. Ông vui vẻ nhận tấm lòng của mọi người. Có điều, ai mời ông uống trước 13 giờ thì OK, còn sau 13 giờ thì ông dứt khoát từ chối! Khoảng thời gian từ 10 giờ đến 13 giờ, ngoài chuyện đàn đúm với bạn bè quanh ly bia, ông thường nhảy sang ngồi ở một cái bàn trống để… làm thơ! Viết ra giấy xong, ông trở lại bàn và đọc cho cả bàn nghe, rồi bình phẩm. Một lần, tôi và ông Nguyễn (Đại học Khoa học Tự nhiên, đã nghỉ hưu) bấm nhau, thi nhau chê để coi Hồ Bông có tự ái hay không. Rứa mà ông không hề tự ái, chỉ cười rất duyên! Hôm ấy, Hồ Bông vừa ứng tác rồi viết ra giấy một bài thơ nhớ Phùng Quán, ông trở lại bàn đọc cho mọi người nghe. Tôi nhớ có đoạn: “Sao Hồ Tây biết Hồ Bông ra đây! Mà Phùng Quán em mời anh ăn cháo cá/ Mắt nhìn mắt, không nói, ăn chi cả/ Mà tình nghĩa chúng mình đầy ắp như nước Hồ Tây/ Ơi Hồ Tây, Hồ Bông/ Ơi Hồ Bông, Hồ Tây… Cái điệp khúc này ở đoạn kết được tác giả lặp lại ba bốn lần, nghe nó hơi chảnh chảnh thế nào ấy. Tôi bấm ông Nguyễn rồi lên tiếng đế vào: “Ơi Hồ Tây, Hồ Bông/ Sao không hồ Kỳ Hòa? Sao không hồ Kỳ Hòa? Sao không hồ Kỳ Hòa?”!
Cả bàn, ai cũng cười chảy cả nước mắt! Hồ Bông cũng cười, ông không tự ái mà còn tỏ ra thích câu thơ châm chọc ấy! Anh cao bồi già này khôn đáo để! Thì ra lúc mọi người đàn đúm với nhau, cười ầm ầm, nói văng nói mạng để xả stress thì anh cao bồi già tư duy, sáng tác thơ! Những bài thơ ông viết ở Quán Tám Mốt nếu tập hợp lại có đến cả trăm bài. Trong đó, có không ít bài đọc được. Một phần nhỏ trong số những bài thơ làm ở Tám Mốt có mặt trong tập thơ này.
Tôi yêu mảnh đất và con người Nam Bộ! Trung thực, nghĩa hiệp, lãng mạn, hào sảng là những đức tính của người Nam Bộ. Thơ Hồ Bông in đậm phẩm chất của con người vùng châu thổ sông Cửu Long. Nếu chỉ đọc thơ mà không biết người, hẳn ít ai nghĩ rằng đây là thơ của một người chuẩn bị bước vào tuổi Tám Mươi! Thà như tia nắng đọng ngoài hiên/ Nhờ gió đưa hương thơm tóc em/ Ru em giấc ngủ nồng trưa hạ/ Cùng tiếng ve buồn, sóng nhạc êm!…Thà như con én lộng trời mây/ Liền cánh song đôi trong nắng mai/ Tung tăng bay lượn mùa trăng mật/ Nồng ngát hương xuân hoa bướm say! (Thà như).
Ý thức về nhân cách, trách nhiệm của một con người, không chịu câu thúc bởi bất cứ thứ tín đồ nào đã giúp cho tác giả sống thật lòng với mình, sống hết lòng với đời, với bạn bè đồng chí, người yêu: Trời cho tôi vay phút giây biết thương/ Xin trả nợ Người, trọn đời hiến dâng…Mẹ, cha cho tôi một tấm hình hài/ Nguyện yêu mảnh đất quê hương này mãi mãi/ Và đất cho tôi một tấc chôn nhau/ Xin trả nợ Người nắm tro bón màu…Còn em tặng anh một chiếc hôn thầm/ Xin trả nợ em một trời nhớ nhung! (Tâm sự).
Trong thơ, Hồ Bông bộc lộ cảm xúc về dân tộc, lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là tình yêu quê hương đất nước, nghĩa tình đồng đội trong ông luôn luôn chói sáng. Năm tháng qua đi, chiến tranh đã lùi xa hàng ba chục năm, nhưng những gì mà thân phận một con người như ông đau đáu thì mãi còn đó. Những bài thơ về anh lính tình nguyện chiến đấu chống bọn diệt chủng Polpot, về những em gái biệt động thành lên chiến khu trong chiếc khăn che kín mặt, về bưng biền Đồng Tháp, nơi ông rời bỏ gia đình khá giả, dấn thân chiến đấu từ thuở mười bốn mười lăm thật sự khiến người đọc xúc động: Nhớ người đồng đội hy sinh/ Anh lính tình nguyện, trong đội hình hành quân/ Với những đoàn quân xa dằng dặc/ Bụi đất tung mù/ Từ Svaychêk, Bântiai Miên Chây hay là từ Stoun, Salavichây/ Cứ ngỡ mong như là/ Những máu xương mười năm đã đổ/ Cũng hóa thành những hạt li ti/ Bụi bốc lên mù/ Bám vào xe, phủ đầy áo mũ/ Chui vào cổ, vào cả trong những lồng ngực trẻ/ Mắt nhòe nước mắt cay xè/ Những hạt máu đồng đội/ Hóa thân/ Cũng trẩy cùng đoàn quân/ Cùng trở về cố quốc, cố hương! Ước gì vạn quân ta về đến hậu phương/ Hãy giũ riêng lớp lớp bụi đường/ Mười năm chiến trường vào chung một chỗ/ Bụi đất Khơme cùng máu Việt Nam/ Hòa quyện cùng nước mắt người thân/ Nhồi nắn làm chất liệu điêu khắc/ Pha trộn cùng vô vàn thương tiếc/ Tạc thành/ Đài tượng cho anh - Người lính tình nguyện vô danh! (Đài tượng cho anh).
Tôi đọc thơ ông mà nghe văng vẳng một thứ âm thanh kỳ lạ thốt ra từ đáy lòng mình. Nó vừa như xa lạ, mơ hồ, vừa như quen thuộc, thân thương, vừa là quá khứ hiện về, vừa như hiện trạng cuộc đời phơi bày trước mặt; biết là mình đang đọc thơ, thơ ấy như con tằm rút ruột nhả tơ cho đời. Ông Hồ Bông từng kể cho tôi nghe cái thời ấu trĩ, khi mà chủ nghĩa lý lịch đã làm khổ sở, thui chột biết bao nhiêu con người tài năng, tâm huyết. Tập kết ra Bắc, ông cùng đơn vị quân đội lao động không quản vất vả để có cơm ăn; sống trong cảnh ngày Bắc đêm Nam, ông da diết nhớ mẹ, nhớ người thương, nhớ quê hương. Khi cấp trên có chủ trương cử bộ đội đi đào tạo nghề nghiệp cụ thể, đáp ứng nhu cầu xây dựng miền Bắc sau chiến tranh thì ông xin đi học trường cao đẳng công nghiệp.
Bị từ chối, ông lại xin học trường Nông nghiệp, cũng từ chối nốt! Lý do: Ông là con gia đình địa chủ, tư sản, đi học để chui vô hai ngành mũi nhọn đó mà phá hoại à? Ông buồn bã, mất ăn mất ngủ cả tháng trời! Thế rồi có đợt tuyển sinh vô Trường Âm nhạc Việt Nam, ông thi và trúng tuyển liền! Ông sung sướng phát khóc! Ngẫm ra, cái họa với cái phúc liền kề là thế! Trong những năm tháng học tập, làm việc ở Hà Nội, ở Liên Xô, cũng như khi trở lại chiến trường miền Nam, chắc chắn chàng trai Đồng Tháp có nhiều cô gái để ý… Ông viết khá nhiều thơ tình. Chủ đề tình yêu bao trùm trong thơ Hồ Bông. Và trong mảng này, ông có những bài thơ khiến ta đọc xong rồi cứ phải suy tư hoài.
Khi anh nhìn em, mặt trời đi ngủ
Khi anh nhìn em, mặt trăng phải tàn
Khi anh nhìn em, con chim cũng sa
Và khi anh nhìn em, con cá cũng lặn!
Trời cho em một hương sắc dịu dàng
Đời cho anh một cái nhìn khác thường
Anh nhìn em, quên đi tất cả…
Chỉ nhớ mỗi một điều
Mãi mãi yêu em!
(Khi anh nhìn em)
Nhận ra vẻ đẹp của người yêu theo cách của Hồ Bông chứng tỏ ông phải si mê người ta lắm lắm! Nguyễn Du tả Kiều đẹp tới mức Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. Văn học cổ có tích Trầm ngư lạc nhạn, nói người con gái có vẻ đẹp chim sa cá lặn! Nay Hồ Bông nhìn người yêu còn thấy hơn thế, tới mức mặt trời, mặt trăng phải nhường chỗ hết! Hồn nhiên quá trời! Nhớ Hà Nội, yêu người em gái Hà Nội, Hồ Bông: Xin thơm mãi, thơm mãi/ Mùi hoa sữa ngực em! Những kẻ si tình thường hồn nhiên, ngây thơ. Người ta bảo những kẻ si tình thường là những người tình chân thành nhất, yêu mãnh liệt nhất. Trong bài Khi anh nhìn em, câu thơ giản dị như lời nói! Bởi tình yêu đích thực, sâu nặng bao giờ cũng có cách thể hiện, bộc lộ giản dị! Một người hồn nhiên, mãnh liệt trong tình yêu như thế, hẳn là có một tâm hồn thơ. Ông Mượn rượu tìm trăng nhưng thực ra, nếu không có rượu thì ông vốn đã luôn luôn say tình rồi: Nhớ mãi phút giây say đắm ấy/ Trong mơ, ngọt quá nụ hôn nồng/ Đừng ai khuyên bảo ta quên mộng/ Trong mộng gần em, em biết không?
Trong con người nghệ sỹ Hồ Bông luôn cháy bỏng niềm khát khao muốn yêu và được yêu: Tuyết lê em đang vừa độ chín/ Biếc biếc xanh tơ chuyển hồng hồng/ Nụ non mới nhú chưa lên tím/ Bâng khuâng tim ai dài đêm đông/ Khát em đành phải cầu xin mộng/ Lạc vào thượng uyển trong chiêm bao/ Được nếm quả tiên, say mật óng/ Được pha màu vẽ sắc xuân đào! (Xuân tình). Thật là tinh tế, khát khao mãnh liệt nhưng tao nhã, không dung tục! BT. Thanh Nga đã phổ nhạc bài Xuân tình với giai điệu rất trẻ và sục sôi khát vọng. 
Thế nhưng, tình yêu trong thơ Hồ Bông không chỉ là những khát vọng yêu đương trai gái… Ông là nhạc sỹ, khi nghe những làn điệu truyền thống như Nam xuân, ai, oán, mà lòng rưng rưng tình yêu kính tổ tiên đã bỏ mình để mở mang bờ cõi, yêu quê hương, yêu dân tộc. Trong những phút giây linh thiêng ấy, lòng người lắng đọng. Ta hiểu những nẻo khuất trong lòng ông qua bài Im nghe: Nghe trong tôi ắp đầy giai điệu/ Của cha ông từ mở cõi đến giờ/ Giai nhân ơi! Tôi xin đành nhắm mắt/ Giữa ngắm, nhìn tôi phải chọn im nghe…
Đời bảo tôi nghe đời tha thiết! Nghe điệu nam xuân, nhớ oán nhớ ai… Nghe bước ông cha, thao thiết đêm dài/ Bạn ơi bạn! đừng khuyên tôi mở mắt/ Để ngậm nghe khúc hát đường dài…
Nếu như quá khứ oanh liệt của tổ tiên, của những người đi mở đất, của hai cuộc kháng chiến luôn khiến ông thao thiết đêm dài thì Hồ Bông cũng vô cùng day dứt, trăn trở bởi những mặt trái trong cuộc sống hiện tại. Mưu sinh là một trong những bài thơ chứng tỏ tác giả là một con người nhạy cảm, giàu lòng nhân ái, thường động lòng trắc ẩn:
Đêm đen
Tôi nép sau cột đèn
Bầu vú tôi căng
Con đang khát sữa
Chồng thất nghiệp!
Tôi chào mời khách làng chơi
- Anh ơi! Vô đây một chút thôi!
Sau hàng rào dâm bụt
Khách đến
Chuyện ấy bắt đầu…
Bỗng nhiên
Một tia sữa nóng
Vọt ra
Vấy ướt tay người…
Sững sờ
Khách hỏi:
- Em cần…?
- Anh cho xin năm trăm!
Khách bật khóc
Và bỏ đi
Để lại cho tôi nắm giấy bạc
Tôi đếm được
Một ngàn năm trăm đồng!
Ước chi
Đêm nào tôi cũng hên như vầy
trong cuộc mưu sinh!
Bài thơ rất giản dị, như chỉ là một ghi chép, như là kịch bản cho một video clip. Vậy mà sao đọc nó, tôi cứ thấy rợn da gà! Tác giả đã cảm nhận được hết nỗi khổ cực ê chề của một cô gái phải đi bán thân để có tiền nuôi con, nuôi chồng thất nghiệp. Bài thơ viết năm 1977. Mười ba năm 1976 - 1989 là thời đoạn nhân dân cả nước sống khó khăn, thiếu thốn, giữa Sài Gòn Hòn ngọc Viễn Đông mà phải xếp hàng mua bo bo. Do nôn nóng, duy ý chí, khiến ấu trĩ, sai lầm trong đường đi nước bước mà đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện, nhiều người phải bỏ nước ra đi… Trong cuộc mưu sinh của hàng triệu con người, có những người sa vào bước cùng quẫn… Hoàn cảnh rứa, hỏi ai còn nỡ khi rẻ người phụ nữ trong bài thơ này? Có thể nói Hồ Bông đã chấm ngòi bút vào nỗi khổ đau của đồng bào mà viết Mưu sinh! Ba mươi mốt năm kể từ khi Hồ Bông viết bài Mưu sinh, đất nước đã có nhiều thay đổi đáng mừng, nhưng tính thời sự của nó vẫn nguyên vẹn!
Thơ Hồ Bông giàu giai điệu, đến mức tưởng như có thể đọc một lần là hát lên ngay, như là chính người đọc phổ nhạc. (Khi nghe ông Phạm Duy phổ nhạc cho thơ Kiều của Nguyễn Du thì tôi thấy có đến chín chục phần trăm là cứ việc ngân nga theo câu thơ mà hát vậy! Giai điệu trong thơ Nguyễn Du quả là đẹp kỳ lạ). Hồ Bông vốn là nhạc sỹ. Lời thơ của Hồ Bông với ca từ cho một bài hát là rất gần nhau. Bài hát Người em gái áo đỏ khi viết xong, ông hát cho ông Hữu Hùng và tôi nghe ở Tám Mốt với bài thơ cùng tên là một thí dụ. Những bài Im nghe, Thà như, Hàm ơn, Chỉ tình yêu còn lại, Tâm sự, Xuân tình… giàu nhạc điệu, dễ chuyển thành ca từ để hát lên. Đôi khi những nhạc sỹ chuyên nghiệp mà làm thơ thì nhiều khả năng thành công hơn nhà thơ chuyên nghiệp lại nhảy sang làm nhạc!
Ở Quán Tám Mốt, trong vòng mươi năm qua, hiếm khi nào xuất hiện Hồ Bông mà lại vắng Đoàn Vy! Hai anh em chênh nhau chục tuổi nhưng chơi với nhau chân thành, thẳng thắn. Có gì sai, Hồ Bông la lối om sòm và Đoàn Vy chỉ cúi đầu nghe, không hề cãi một câu. Có chuyến xê dịch nào kỳ thú, được nhân dân bao trọn gói là Hồ Bông tha Đoàn Vy đi cùng. Đoàn Vy nhất mực kính trọng ông anh mình, và lỡ có lần nào quá chén, nói năng không tự kiểm soát, bị ông anh la thì thành tâm nhận lỗi! Dễ thương lắm thay! Không họ hàng thân thiết, không móc ngoặc mánh mung, chỉ có thơ, chỉ có tấm lòng, tình yêu, sự hồn nhiên… mà họ đãi nhau như rứa, quả là đáng trân quý! Hiếm lắm thay! Tình bạn của họ không chỉ vịn vào ly bia mà cái chính là tình thơ, duyên thơ. Thơ là chất keo gắn chặt tấm lòng hai người. Nhiều bài thơ vừa mới làm xong, Đoàn Vy đọc Hồ Bông nghe, lập tức Hồ Bông có thơ đáp lại. Đây không phải chuyện xướng họa, tung hứng vô bổ, vô tích sự, mất thời gian, mà là sự tâm giao, hòa hợp, cộng hưởng, cùng nâng tâm hồn lên theo cảm hứng, cùng đẩy sự rung cảm lên theo những khát vọng… dù cả hai đã ở tuổi xế chiều. Nhà giáo, nhà thơ Đoàn Vy quê xứ lụa Hà Đông, nguyên là cử nhân Hóa, Lý của Đại học sư phạm Hà Nội. Sau nhiều năm dạy học ở Thanh Hóa, ông trở về giảng dạy tại nơi ông đã ra đi: Hà Nội. Đất nước thống nhất, Đoàn Vy chuyển vào dạy học tại Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn, quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, rồi nghỉ hưu. Ông ngụ tại Thanh Đa mà ngày nào cũng thường trực tại Tám Mốt, từ 10g30 đến chiều, có khi đến xâm xẩm tối mới về. Đoàn Vy làm thơ không nhiều, ông không chạy theo số lượng. Thi thoảng ông mới gửi báo đăng một bài. Ngay cả những bài đã in trên báo rồi, ông vẫn thường đọc cho bạn bè nghe để họ bình phẩm, góp ý. Nhờ thế mà Đoàn Vy biết được mặt mạnh, mặt yếu của thơ ông. Viết về Hà Đông quê lụa, sau bài Áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa, thiết nghĩ khó có ai làm hay hơn. Thế nhưng bài Lụa là Hà Đông của Đoàn Vy lại mang tới cho người đọc một âm hưởng khác, một lối cuốn hút khác:
Hà Đông còn dịp tôi về
Lụa nhà nõn quá tôi đề câu thơ
Câu thơ áo mẹ tôi thờ
Áo em tôi khoác đôi bờ Nhuệ Giang
Câu thơ vất vả chạy càn
Chạy từ thời chiến chạy sang thời bình
Còn đây bao nét tươi xinh
Là cô hàng xóm nặng tình... nước non
Vì ai đôi mắt mỏi mòn
Lưng ong em đó gọi cồn cát lên
Môi em thoáng nụ cười duyên
Quê nghèo vẫn lúm đồng tiền má em
Dễ gì tôi được làm quen
Dễ gì tôi được nhớ em một đời
Nhớ kỳ bạc tóc thì thôi
Ngờ đâu xanh lại một trời Hà Đông!
Yêu quê với yêu người con gái hàng xóm, “hai trong một”! Trong bài thơ này, Đoàn Vy sử dụng thành thục tu từ và hình ảnh để tạo thành hình tượng thơ. Lục bát là lối thơ dễ làm mà lại hóa khó. Đoàn Vy gieo vần mượt mà nhưng không nhàm cũ. Cuộc sống vất vả đời thường khiến câu thơ cũng vất vả chạy càn/ Chạy từ thời chiến chạy sang thời bình. Lối dùng tu từ như rứa là khéo! Vẻ đẹp của quê lụa, vẻ đẹp tuyệt vời của tấm lòng người mẹ và dáng yêu kiều của người con gái lưng ong, má lúm đồng tiền… trong gian khổ, thiếu thốn càng nổi bật, càng gây ấn tượng sâu sắc. Chính vẻ đẹp ấy nâng bước chúng ta vượt lên hoàn cảnh mà sống, mà ước ao: Dễ gì tôi được làm quen/ Dễ gì tôi được nhớ em một đời/ Nhớ kỳ bạc tóc thì thôi! Có niềm khao khát yêu đương mãnh liệt như vậy, nên tóc bạc mà hóa xanh như màu trời Hà Đông quê lụa là phải lắm rồi! Điệu thơ, hơi thơ tự nhiên mà chứa chất cả một trời thương nhớ.
Cùng trong chủ đề này, Đoàn Vy có một chùm thơ viết về Hà Nội với tất cả niềm nhớ nhung, tự hào và sự bay bổng của trí tưởng tượng: Nhị Hà cát mịn cồn cao/ Lưng ong cong một lối vào tương tư/ Là đâu bến đợi bến chờ/ Mơ người yếm thắm tắm thơ sông Hồng (Không đề 1). Và: Nhật Tân trở mình trong sớm mai/ Có tình ai đó đậm hương nhài/ Ngoại ô thân thiết hồn hậu quá/ Sương ngủ mơ màng trên tóc ai? Một chút duyên xưa vẫn khát chờ/ Bóng em thấp thoáng cuối mùa mưa/ Cái lạnh se lòng xuân mắc cỡ/ Đột ngột hoa về giữa phố xưa! (Không đề 4). Lại nữa: Hồ Gươm thiêm thiếp say/ Tôi và em ngập ngừng lối cỏ/ Liễu đổ trầm tư/ Không gian thơm đến lạ/ Hà Nội hào hoa ta ước mơ gì?/ Trọn một vòng hồ hết đêm/ Trọn một cuộc tình khó quên/ Bờ môi em chạm tóc mềm sương tan! (Sương sớm Hà Nội).
Có nhiều nhà văn, nhà thơ ngợi ca Hà Nội, đã có nhiều bài thơ hay về Hà Nội. Quê hương kỳ diệu ở chỗ: Càng xa, càng nhớ thương đến vô vọng… thì văn thơ viết về cố quận càng hay, như là có ma ám vậy! Hai tác phẩm nổi tiếng Thương nhớ mười hai và Miếng ngon Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng chứng tỏ điều đó! Vũ Bằng phải chịu tiếng oan phản bội, di cư theo giặc, phải xa Hà Nội, xa người vợ hiền đầu gối tay ấp, người bạn đời tuyệt vời không chỉ hết lòng chăm sóc ông mà còn tạo nguồn cảm hứng cho ông sáng tạo văn chương. Đằng đẵng hơn mười lăm năm trời biệt ly thương nhớ đến tuyệt vọng, đến tan nát cõi lòng… mới giúp Vũ Bằng viết được Thương nhớ mười hai! Thuở Đoàn Vy còn ở Bắc, ông đâu có thơ hay về Hà Đông, Hà Nội. Chỉ từ khi từ Phương Nam vọng về cố hương, thơ mới bật ra, tha thiết. Thơ Đoàn Vy góp một giọng điệu riêng trong rừng thơ về Hà Nội. Ông coi Hà Nội như người yêu, người em gái bé nhỏ, mong manh như giọt sương sớm mai… Yêu Hà Nội như thế là yêu đẹp! Thương nhớ Hà Nội, Đoàn Vy đau đáu hướng về Thủ đô với bao kỷ niệm vui buồn, với những sắc màu lung linh kỳ ảo, với cả những chuyện đời thường ông đã trải cùng Hà Nội. Bởi thế, từ phương Nam, ông luôn ngóng chờ: 
Hà Nội mưa bay trăm ngả
Phương Nam tôi ngóng chờ em
Thánh thần sao mà hiểu nổi
Trong tôi địa ngục êm đềm
Đày tôi bằng đôi mắt ấy
Đày tôi bằng đôi môi kia
Dìm tôi trong hương suối tóc
Còn cấm không cho tôi khóc
Bỗng em nức nở bên cầu
Hồ Gươm thương ai rưng lệ
Lá rơi hứa rơi thật nhẹ
Cho em giây phút riêng mình
Hà Nội mưa bay trăm ngả
Phương Nam tôi vẫn chờ em!
(Hà Nội và em)
Coi Hà Nội là em yêu như thế chưa đủ, Đoàn Vy còn đi xa hơn, coi Hà Nội là của riêng mình:
Hà Nội là của riêng tôi
Hồ Gươm trái nắng trở trời mưa Ngâu
Những còn những mất mai sau
Liệu mà giữ lấy nhịp cầu nhân duyên
Cũng từ thuở ấy bút nghiên
Xa xưa đền Ngọc bao miền quân đi
Cửa ô trăm cửa ô gì
Non sông gấm vóc lại vì ai đây?
Huệ hoa thiếu nữ hương say
Mảnh mai mà vẫn đặn đầy tháng năm
Là đây phố Phái lặng câm
Lấy thiêng làm trọng lấy trầm làm sang
Trống đồng nét rạng hoa văn
Âm vang mấy thuở trầm luân mấy hồi
Thủ đô nào của riêng tôi
Vẫn còn nhau mãi nụ cười để yêu!
(Kinh đô)
Trong tình yêu, người già cũng hóa thành thơ trẻ! Sức trẻ trong tâm hồn Đoàn Vy đã hóa thành sức trẻ, sự hồn nhiên trong thơ ông. Nhớ lại những năm dạy học ở xứ Thanh, quê hương của mấy đời vua, chúa, Đoàn Vy nhớ về những kỷ niệm sâu sắc, tuyệt vời trong đời mình:
Đò Lạch Bạng cách bao xa
Mải nhìn hoa, bướm, em và mây bay
Bàn tay lỡ chạm bàn tay
Niềm vui chưa trọn đã đầy hoàng hôn
Du Xuyên đèn biển phố cồn
Dìu tôi qua ngõ ngách buồn tuổi thơ
Hỏi còn không tuổi mộng mơ
Còn trăng mười sáu còn chờ đò sang
Còn lửa nên mới còn vàng
Thiếu xanh nên phải mời nàng nắng lên
Còn đường xưa mới chưa quen
Còn sông ra biển còn duyên mặn mà
Còn mình nên mới còn ta
Ba Làng ấy lẻ chẵn là hai thôn
Tính gì tính nửa nụ hôn
Thì đành đẽo chuốt cho tròn tình ai
Còn nguyên ánh sắc Hôm, Mai
Em còn là mãi giêng, hai đợi chờ!
(Cùng em về phố biển)
Mơ mộng và lãng mạn, Đoàn Vy vẫn sống thật với cái mình đã có và hiện có, không tự dối gạt mình và lừa phỉnh thiên hạ: Lá lẫn vào lá/ Hoa lẫn vào hoa/ Riêng khuôn mặt mỗi chúng ta/ Không - lẫn - vào - đâu - được (Không đề 2). Đúng vậy! Những người trung thực, tài năng, dù có bị hãm hại, thậm chí có thể bị chết oan chết uổng nhưng rồi lịch sử sẽ làm rõ trắng đen, bạn bè, nhân dân sẽ muôn đời yêu kính họ. Sói mà đội lốt cừu thì chỉ lừa được đôi lần! Một tên sâu dân mọt nước, trùm tham nhũng mà lên mặt đạo cao đức trọng thì lừa được ai, trước sau gì cũng lòi mặt thật mà thôi! Một kẻ mang danh chống tham nhũng mà ăn hai mang, trở thành giàu có, đang nhởn nhơ tự đắc đấy, nhưng hãy coi chừng! Có thể lách luồn khỏi lưới pháp luật chứ làm sao thoát khỏi lưới đời, lưới Trời! Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu1! Chính vì thế mà trong cuộc đời, con người phải biết sống cho ra con người. Bài thơ chỉ có bốn câu, mới đọc, thoáng nghe, thấy nó quá giản dị, lại  ghi là Không đề, vậy mà càng ngẫm càng thấy nó có tính triết lý thâm đáo để! Đoàn Vy luôn tự nhủ rằng phải biết yêu thương, trân quý những gì mà cuộc đời ban cho; trước hết là người mẹ. Đoàn Vy viết về người mẹ của mình khi mẹ đã vĩnh viễn ngủ yên dưới nấm mồ xanh cỏ: Thơ dâng mẹ, viết đã nhiều/ Trăm câu đổi lấy một điều mẹ răn…Dẫu cho gặp lắm tai ương/ Thân cò phận vạc lẽ thường mẹ mang/ Đò dọc luôn sẵn đò ngang/ Mà sao chẳng nỡ sang ngang đời mình/ Nắng xuân còn đọng bên mành/ Lộc xuân tách vỏ trên cành đớn đau/ Dặm trường gửi nhớ về đâu/ Là về nơi ấy một màu đất quen! (Một màu đất quen).
Những năm sau này, Đoàn Vy được đi nhiều. Đến đâu ông cũng bỡ ngỡ, xúc động như trẻ thơ lần đầu được đi chơi xa nhà, thấy cái chi cũng lạ. Tới đâu ông cũng có thơ. Những bài viết về Huế, Đà Lạt, Cần Thơ… để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Đoàn Vy có một mảng thơ tự sự, suy tư về cuộc đời. Không phải bài nào cũng hay, nhưng nó nói lên một thực trạng là nhà thơ không bao giờ ngớt nghĩ suy về những giả, chân của thế thái nhân tình. Trong những khoảnh khắc xao động của tâm trạng, Đoàn Vy vững vàng trên cái nền của sự lạc quan, yêu đời: Mặc đời còn lắm nhiễu nhương/ Kệ ai nhung lụa cứ vương khói tình/ Em thử làm cây trúc xinh/ Cho tôi cong một mái đình được chăng? Tôi về mang cả bâng khuâng/ Em đi xóa sạch cái lần gặp nhau/ Ví dầu ví mãi thêm đau/ Ngàn năm mê mải mái đầu còn xanh! (Ngàn năm mê mải). Và bài này nữa: Đào hồng đang độ non tươi/ Trăng em trẻ quá nụ cười rất xưa/ Khúc đường vắng quãng đường mưa/ Nhịp chân ai cũng kịp vừa qua đây/ Ửng mai xuân đã tràn ngày/ Cho tay tôi được phủ đầy vai em/ Còn gì vui mới vui thêm/ Để cho buồn cũ đêm đêm vợi dần/ Tàn canh đâu hẳn tàn xuân/ Em còn là mãi muôn vần thơ yêu... Rất xưa, chân lý ấy xưa như trái đất, tàn canh đâu hẳn tàn xuân… xưa mà vẫn mới! Con người, dẫu phải tuân theo quy luật sinh bệnh lão tử nhưng ngay cả khi chết đi rồi vẫn để lại hình bóng, tiếng thơm cho đời. Vấn đề là khi còn trên cõi đời này, ta sống ra sao, là con người hay chỉ là con rối! Dẫu cho cuối cùng, như một bài thơ của Đoàn Vy: Chỉ hoa quỳnh ở lại, thì chí ít ta cũng chứng tỏ được mình đã trọn đời vì tình yêu, mà tình yêu là bất diệt!
Nốt nhấn của tập thơ Khi anh nhìn em là một tác giả nữ: BT. Thanh Nga. Chị tự nhận là một người yêu thơ, mê thơ mà làm thơ chứ bản thân chị biết thơ mình như thế nào. Thanh Nga đã làm khá nhiều thơ và sáng tác nhạc. Chị đã phổ nhạc nhiều bài thơ của mình. Thanh Nga có cách nói riêng về con người và môi trường xã hội quanh mình. Chị làm rất nhiều thơ về cha, về mẹ. Hãy nghe chị nói về tình cảm với người cha thân yêu: Bố dạy cho tôi một chữ đời/ Chữ đời học mãi vẫn chưa vơi/ Tôi mang tình bố vào trong mắt/ Ơn bố vào tâm suốt cuộc đời (Ơn bố). Và đây là tình yêu, sự biết ơn với mẹ:
Ánh mắt mẹ sáng ngời con nắng hạ
Vui lá thu và ấm cả gió đông
Hoa xuân tươi rực rỡ cũng không bằng
Ánh mắt mẹ như bầu trời êm ái
Tôi lớn lên bình yên trong mắt ấy
Dẫu buồn phiền dẫu sóng gió cũng qua
Ánh mắt mẹ cho tôi bao nghị lực
Suốt đời tôi, ánh mắt mẹ theo cùng!
(Ánh mắt mẹ).
Khi mẹ bệnh, Thanh Nga lo lắng đến ngày tiếng gọi Mẹ ơi khôngcòn được cất lên với mẹ nữa! Bởi thế, chị không mong Tết đến, bởi mỗi lần được mừng tuổi mẹ là mỗi lần mẹ sắp đi xa… Đêm nghe tiếng mẹ ho, con không ngủ/ Cố nén lòng nhưng lệ cứ tuôn rơi/ Xuân năm nay tóc mẹ bạc lắm rồi/ Nên lòng con chẳng bao giờ mong Tết (Đêm không ngủ). Tuổi học trò, ngồi phụ mẹ dệt chiếu, Thanh Nga viết: Thương mẹ bao nhiêu nỗi/ Gánh vác chuyện long đong/ Từng trang bài con học/ Luôn có mẹ ở trong (Mẹ dệt chiếu). Khi mẹ vô bệnh viện, Thanh Nga thốt lên: Mẹ vào viện bố ở nhà lóng ngóng/ Mắt đăm chiêu nhớ mẹ bữa cơm chiều/ Đối với bố, mẹ là con tim ấm/ Đối với tôi, mẹ hơn cả bầu trời! Đó chính là tiếng lòng của người con hiếu thảo.
“Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Các cụ dạy thế. BT. Thanh Nga có con gái rồi con trai, chị sung sướng khi dõi theo từng nhịp thở, từng bước đi của con mình. Chị nói với con gái: Mẹ mãi mãi/ Như gà mẹ ấp con trong đôi cánh/ Những khi cần hãy đến mẹ ủi an/ Mẹ vẫn muốn mẹ luôn là bóng mát/ Nắng hay mưa che con suốt cuộc đời. Và đây là nói với con trai: Ngày con lớn trưởng thành trong mạnh mẽ/ Được nên người mẹ rạng rỡ niềm vui/ Sống yêu thương đức hạnh với muôn người/ Là điều tốt khi mọi người nhắc đến… Suốt cuộc đời mẹ ở mãi bên con… Vì với mẹ con chẳng bao giờ lớn! Rất thật! Lời thơ Thanh Nga ít chau chuốt, dường như chị không làm thơ mà chỉ ghi lại những điều nung nấu trong tâm chợt thốt ra miệng. Thơ mang hơi thở của bản năng mãnh liệt nên rất chân tình, không phải làm duyên làm dáng bằng ngôn từ.
Chùm thơ tình của Thanh Nga đầy ắp xao động, e ấp nhưng nồng nàn. Những câu thơ giàu chất nhạc: Sóng tan vào sóng xô ghềnh bãi cát/ Em tan vào anh vỗ về tình yêu… Em tan vào anh ngọt ngào như ru/ Nếu anh là núi em là con sóng/ Dịu dàng sóng nhẹ thầm tan trong anh (Núi và sóng biển). Người đọc nhận ra một Thanh Nga giàu lòng nhân ái, đa đoan, hết mình với tình yêu. Bài Dường như:
Hồn ta chợt khóc nói với tay rằng hãy ngủ yên
Đừng tìm kiếm một bờ vai ấm một tấm lưng trần
ngày đó
Dường như
Tim ta lại se thắt khi biết rằng không thể nào quên
Một làn môi ướt một tiếng nói thầm, của ngày
gió cuốn mây
Dường như
Em đến rồi đi lòng có còn chút gì vương vấn
Nhớ ngày ta trong nhau vui với gió nghe tiếng
hót oanh ca
Và dường như
Tình đã bay, ta vẫn say vẫn ngồi yên chỗ cũ
Chôn cuộc đời mơ chôn cả tình thơ đến cõi vô bờ!
Thanh Nga chọn một lối diễn đạt giản dị, không câu nệ về vần điệu nhưng chú trọng tới giai điệu. Những bài thơ văn xuôi mới chuyên chở hết tình cảm sâu sắc của người phụ nữ đa đoan… Trong cõi vô bờ, cõi mộng, cõi mê ấy, liệu rằng sự non tơ, mong manh của người phụ nữ có thăng hoa được chăng?
Chiều xuống chân hoàng hôn chợt tím
Thời gian nghe nhẹ tiếng đêm về
Bỗng dưng mộng mị vòng tay ấm
Hôn khẽ làn môi tựa cánh nhung
Trắng nõn bờ vai mùi cỏ dại
Tóc rũ mây bồng lơ lửng trôi
Gối mềm vồng ngực êm tình ái
Tròn mãi hơi nồng đêm với ai!
(Mộng mị)
Ở nhiều bài thơ, Thanh Nga nói lên niềm khát khao được yêu và dâng hiến tình yêu của mình. Trong cuộc đời, Thanh Nga cho rằng quan trọng nhất là có tự do và có tình yêu. Trải lòng qua những bài như: Đợi chờ, Dường như, Em, Trách con đò ngang, Tình tan trong nhau, Như lá đơn côi, Nhủ lòng, Tiếng đêm, Thèm như, Ta muốn, Tình tự, Xuân đến… Thanh Nga thẳng thắn bộc bạch những rung động ẩn chứa trong lòng mình. Và chị mượn thơ để thể hiện nỗi khát khao. Chính niềm khát khao chân chính ấy khiến Thanh Nga ước ao mình là gió, là mây, là giọt mưa, là hơi xuân, là chim, là hoa lá, là sóng biển. Nghĩa là sao cho con người được thỏa sức yêu thương, nhớ nhung và trên hết là sự hy sinh cho tình yêu của mình. Tan hòa vào nhau trong tình yêu là điều mơ ước của biết bao người!
Biển có ngăn được con sóng xô
Núi có ngăn được giông bão về
Gió tan vào mây giọt mưa xuống 
Đất có ngăn được nước thấm sâu
Hạnh phúc trong đời trôi mãi đâu
Cứ ngỡ thiên đường đang hé mở
Trách chi tình ta nhiều sóng vỗ
Khi tiếng yêu còn tan trong nhau
Biển có ngăn được nỗi khát khao
Núi có ngăn được sóng thét gào
Như núi chờ trông con sóng biếc
Anh nhớ mong em đến bạc đầu!
(Tình tan trong nhau)
Có biết bao điều bình thường giản dị mà suốt đời ta không với tới được. Thanh Nga viết ra những điều như thế:
… Xin một khoảng trời riêng để tình ta say đắm
Xin một thoáng gió lành để không còn muộn phiền
Xin một chút ngây thơ trên bờ mi em khép
Xin một cõi ngọc ngà bàn chân em bước qua
Xin một bóng trong đêm trên lưng mềm tay gối
Xin một chút ân tình để ai còn thẹn thùng
Xin bờ mắt em trôi nỗi buồn đau sâu kín
Xin dòng tóc mượt mà trải che những âu lo
Xin một chốn thiết tha có tình em lên tiếng
Xin một thoáng hoa cười nở trên môi dịu dàng
Xin còn đấy nơi em bao hồn nhiên vương vấn
Xin hạnh phúc xanh ngời để em mộng với đời!
Để em mộng với đời, để em đứng vững trên cõi đời đầy thử thách, được yêu thương và tin cậy, quả là không đơn giản chút nào. Thơ BT. Thanh Nga là niềm khao khát đầy nữ tính! Còn khá sớm để nói nhiều về thơ của chị. Thế nhưng có một điều đã hiển hiện trong tập thơ này là xuất phát từ tấm lòng thành, sự hồn nhiên, tình yêu mãnh liệt, Thanh Nga đã tạo được sức cuốn hút cho thơ. Tôi tin rằng, với ba chục bài thơ được in lần đầu trong tập này, BT. Thanh Nga sẽ ngày càng có duyên và thành công hơn trong thơ!.
Sài Gòn, tháng Sáu năm 2008 
 Triệu Xuân
Nguồn: Lời tựa tập Khi anh nhìn em. Thơ của Hồ Bông, 
 Đoàn Vy & BT. Thanh Nga. NXB Văn học, 2008.
Theo https://trieuxuan.info/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...