Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Văn chương mang gương mặt nữ

Văn chương mang gương mặt nữ 
(Tham luận tại Hội thảo về cuốn sách 
“Phái đẹp - Cuộc đời và Cây bút” ngày 11/6/2015)
Các nhà văn nữ và tôi
Trong 35 năm cầm bút viết phê bình văn chương, tôi đã thực sự tri âm tri kỷ với phái đẹp, vì thế nhiều người cho rằng tôi “khuynh nữ”. Nhưng nếu khuynh nữ được thì càng tốt, có sao đâu! Tôi đã viết về các nữ sĩ thuộc nhiều thế hệ: Anh Thơ, Nguyễn Hồng Nụ, Lê Thị Mây, Lê Minh Khuê, Trần Thị Thắng, Lý Hoài Thu, Y Ban, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Trần Thanh Hà, Thùy Dương, Vũ Minh Nguyệt, Phong Điệp, Phan Huyền Thư, Đàm Quỳnh Ngọc, Như Bình, Lê Thị Bích Hồng, Trần Kim Anh, Phạm Thị Bích Thủy, Chu Thu Hằng, Nguyễn Thị Minh Hoa, Đỗ Thu Hiên, Nguyễn Thu Hằng, Cẩm Hương, DiLi, Phạm Thị Phương Thảo, Nguyễn Hồng, Trần Quỳnh Nga, Hoàng Việt Hằng, Đỗ Bích Thúy, Trần Hoàng Thiên Kim. Dân gian có câu “Đức tại mẫu”. Mới đây nhà văn Bùi Thanh Minh ra mắt tập tạp văn Phúc đức tại mẫu (Nxb Lao động, 2014), thật bắt mắt nhưng cũng thật sâu lắng tình cảm với một “nửa thế giới”. Viết về các nữ sĩ, tôi nghĩ, là để tôn vinh phái đẹp, những người nhẫn nại bồi đắp vẻ đẹp của đời, đã đành, đồng thời cũng là những người xây đắp vẻ đẹp văn chương nữ Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời từ thời đại của Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan đến những tác giả thế kỉ hai mươi. Tôi thiển nghĩ, văn chương nữ, trong bản chất của nó, là nhằm xoa dịu và hơn thế thuần hóa những nỗi đau của kiếp người, là để nâng đỡ con người, là để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn. Và điều này là tối quan trọng: văn chương nữ có cái khả năng giúp con người tìm lại được thế cân bằng trong tâm thế giữa một cõi trần lắm bể dâu. Và đôi khi là liệu pháp tinh thần cho những hoạn nạn cá nhân. Xin kể một chuyện nhỏ, nửa cuối năm ngoái tôi bị mất ngủ triền miên, mỗi ngày nhiều lắm chỉ ngủ được một vài tiếng. Thuốc thang chẳng thiếu nhưng ít tác dụng. Cũng chính trong thời gian đó tôi được tặng bốn tác phẩm của bốn nữ sĩ: Tiểu thuyết Đồi cát bay của Phạm Thị Bích Thủy (Hà Nội), ba tập truyện ngắn Cành phong hương của Võ Thị Xuân Hà (Hà Nội), Sóng lừng của Cẩm Hương (Thanh Hóa) và Vết nhớ của Nguyễn Hồng (Nghệ An). Đọc bốn tác phẩm này xong, tôi thử ngồi vào bàn máy khởi động viết. Có một cái gì đó từ câu chữ của họ lóe sáng, lấp lánh, sâu thẳm thôi thúc tôi viết, mỗi tuần được một bài. Thế là sau một tháng trời đọc và viết trong mê say, tự nhiên bệnh mất ngủ thoái lui dần…Sự kỳ diệu này phải chăng một phần nhờ cái tinh hoa của Văn nữ? Tôi kể lại chuyện này, ai tin thì tin, không tin thì thôi!
Đội quân tóc dài trong văn chương
Bây giờ phụ nữ không ai để tóc dài nữa. Nhưng tôi vẫn muốn gọi các chị là đội quân tóc dài trong văn chương. Trong chiến tranh đã có những khi đội quân tóc dài làm kẻ thù khiếp sợ. Trong thời bình, đội quân tóc dài đã đem lại niềm tin về một tương lai của văn chương nước nhà. Ở ta có một địa chỉ văn chương gắn với những thành công, thành danh của các nữ sĩ - đó là Tạp chí Văn nghệ quân đội. Cuộc thi truyện ngắn 2013-2014 của VNQĐ mới đây, ngôi quán quân vẫn thuộc về “phái yếu”, nhưng thực ra là phái mạnh, phái đẹp: nữ sĩ Nguyễn Thị Kim Hòa (xin nói rõ là một cô gái tật nguyền ở xa tít tắp phía Nam, vịn vào văn chương mà đứng dậy).
Năm 2001, nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành bộ sách Tuyển thơ tác giả nữ Việt Nam và Tuyển văn tác giả nữ Việt Nam (Bộ sách hoành tráng với gần 2000 trang, tuyển chọn hơn 130 tác giả. Nhóm tuyển chọn và biên soạn gồm Lại Nguyên Ân, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh, Mai Hương, Nguyễn Xuân Nguyên). Năm 2005, nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành Tuyển tập thơ văn nữ Việt Nam (Sách hơn 800 trang, giới thiệu sáng tác của 133 tác giả. Ban tuyển chọn gồm Bùi Kim Anh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Như Trang, Trần Thị Thắng, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Trần Thị Trường ). Lần này trên một quy mô lớn hơn, kinh nghiệm tổ chức bản thảo dày dặn hơn, bộ sách Phái đẹp, cuộc đời & cây bút (chia làm 2 tập vơi hơn 1500 trang, Nxb Hội Nhà văn, 2015) ra mắt độc giả, một lần nữa tái khẳng định một thực thể văn chương mang gương mặt nữ. Trong số 96 nữ sĩ hiện diện trong tuyển tập này có những bậc “trưởng lão” trong làng văn như Nguyệt Tú (sinh 1926), Nguyễn Thị Cẩm Thạnh (sinh 1927), Thanh Hương (sinh 1929), Đặng Anh Đào (sinh 1934). Lại có những người “đầu xanh tuổi trẻ” như Nguyễn Ngọc Tư (sinh 1977), Vi Thùy Linh (sinh 1980). Tính chi li ra đội quân tóc dài trong văn chương nối tiếp đến 5 thế hệ. Tôi nghĩ một trong những điều kiện tồn vong của văn chương là sự tiếp nối sáng tạo các thế hệ. Ai đó, lúc nào đó, nói to lên “Hãy chôn Thơ mới” thực ra là để che giấu nỗi sợ hãi về sự kém cỏi của mình. Cũng có thể là một cách “chém gió” như trẻ con hay nói bây giờ. Văn chương là dòng chảy bất tận không có bến bờ, là sự tiếp biến biện chứng của các thế hệ nhà văn. Một tỉ lệ giữa các ngành sáng tác còn phải đáng suy nghĩ khi chỉ có 7 nữ sĩ theo nghiệp lý luận phê bình, trong khi ngành thơ là 46 và ngành văn là 43. Theo thống kê mới nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, tính đến 2015, tổng số hội viên là 1016, trong đó có 200 hội viên nữ. Đó thực sự là một “con số biết nói”.
Trong tuyển tập này chỉ mới hiện diện năm mươi phần trăm những tên tuổi các nhà văn nữ Việt Nam thời hiện đại. Có thể bạn đọc sẽ gặp họ trong cuốn 3 như Lời nói đầu đã gợi mở. Thì “Hãy đợi đấy!” như tên một bộ phim hoạt hình Nga nổi tiếng. Người ta triết lí rằng chờ đợi cũng là một hạnh phúc. Bằng sự trải nghiệm của mình, tôi tin là như thế. Rõ ràng là chưa hiện diện đủ đầy một lực lượng hùng hậu nhà văn nữ Việt Nam, trong bộ tuyển này, nhưng mà “đành lòng vậy cầm lòng vậy”. Nói công bằng, ấn phẩm mà chúng ta có trong tay đẹp cả nội dung, đẹp cả hình thức, trước hết là nhờ sự nỗ lực của Ban Nhà văn nữ, Hội Nhà văn Việt Nam. Và sự nỗ lực của những người mang ý tưởng đẹp đã được hô ứng bời sự đồng thanh nhất trí của đa số các nhà văn nữ. Đúng là “một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Tôi nghĩ, trong tương lại gần và xa sẽ có những bộ sưu tập (collection) đời mới làm  mãn nhãn độc giả ngày nay vốn rất thông minh, nhưng khó tính và thậm chí đôi khi hơi… đỏng đảnh.
Đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ
Từ trái tim đến trái tim là quy luật của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật ngôn từ. Nhưng trái tim dẫu có thổn thức đến bao nhiêu chăng nữa vẫn có thể chỉ là một “trái tim nhầm chỗ” nếu không đến được bến bờ của suy tư, lý trí. Người nữ viết thơ tưởng chỉ có những lời thủ thỉ, tâm sự thường tình, ai ngờ: “Tôi là bông lúa vàng tươi/ Cúi thấp xuống phù sa đến nỗi/ Rạng đông lên tôi nhìn thấy bầu trời/ Và ngôi sao mai như bóng trái tim tôi/ In lên màu nước sáng/ Những bạn bè tôi cúi xuống thấp hơn/ Tấm thân nặng trĩu không đủ sức rì rào/ Họ thầm thì những lời no ấm” (Lâm Thị Mỹ Dạ - Lời của bông lúa). Trừ một số rất ít, tôi tin độc giả ngày nay không thích một lối thơ hoặc là rền vang hả hê, hoặc là ủy mị ẩm ướt quá mức. Người phụ nữ truyền thống có nhiều ràng buộc, người phụ nữ hiện đại có nhiều khao khát tự do. Nhưng “cái nào hơn cái nào?” đã được nhà thơ đặt ra như một câu hỏi ám ảnh tâm thức. Tôi thích bài thơ Tự do và ràng buộc của Nguyễn Thị Hồng Ngát là có cái lí do của nó: “Giống như con thuyền không neo/ Muôn đợt gió thổi qua thổi lại/ Thế đấy/ Ôi, ràng buộc và tự do/ Cái nào hơn cái nào?”. Người nữ và thơ nữ thường gợi ở độc giả phái mày râu cái cảm giác “dịu dàng quá không chịu nổi”. Nhưng đôi khi ta lại thấy ở đâu đó, lúc nào đó họ bỗng trở nên “đanh đá”, thậm chí “ngang ngạnh” và mạnh mẽ một cách đáng yêu như Đoàn Thị Lam Luyến dám Làm nhà trên lưng cá voi. Một người nữ mà cả gan: “Tôi mơ tát cạn biển này/ Để tìm cho được tháng ngày đôi ta/ Nhưng rồi biển quá bao la/ Ai bảo làm nhà trên lưng cá voi?”. Một vài dẫn dụ như thế trong thơ để thấy dẫu cái tình là gốc của sáng tác nhưng cái tình đã thăng hoa, kết tinh, tỏa sáng, lan truyền nhờ vào cái chất trí tuệ được đốt cháy. Ai bảo người nữ chỉ biết “lụy tình”, “dại tình”?
Đọc văn xuôi nữ, riêng tôi lại càng cảm thức được cái chất trí tuệ thấm đượm trong những trang văn. Đôi khi ai đó thiển cận mà nghĩ rằng văn chương của phái đẹp thường ủy mị, sướt mướt, thì người đó “bé cái nhầm”. Hãy thử đọc một lần xem sao Kẻ nô tỳ được trang sức của Trần Thị Trường, bạn sẽ bớt đi cái định kiến về văn nữ dường như chỉ kể lể. Truyện này, theo chỗ tôi biết, đã được chọn vào nhiều tuyển tập truyện ngắn hay xuất bản gần đây. Cái câu kết của truyện (lời nhân vật chính xưng Tôi) cứ ám ảnh tôi nhiều năm sau khi đọc: “Không biết tôi đã trở thành vượn hay chưa?”. Phải chăng câu chuyện liên quan đến sự tiến hóa và thoái hóa? Phải chăng câu chuyện ám gợi độc giả về kiếp người trong thời hiện đại? Đừng nghĩ người nữ chỉ thích kể lể một câu chuyện buồn vui nào đó của chính mình hoặc người thân quen của mình. Có những khi sau câu chuyện được kể ra có vẻ như là “chuyện thường ngày ở huyện” lại lấp lánh một triết lý nào đó về cuộc đời, về con người kiểu như Quanh chuyện sống với người già của Phan Thị Vàng Anh. Vấn đề quy luật “sinh lão bệnh tử”, vấn đề thế hệ, vấn đề tồn tại theo cái nhìn hiện sinh,… tôi nghĩ đầy ắp trong một truyện ngắn vỏn vẹn 2000 chữ. Có một Nguyễn Thị Minh Thái lúc nào cũng “tung tăng như cá tươi” (Hồ Anh Thái), đọc rộng biết nhiều, viết lý luận phê bình tinh tế và sắc sảo mấy ai bằng nhưng bập vào viết truyện ngắn ngang ngửa với mấy người chuyên trụ hạng với thể loại “nhỏ” này trong văn chương. Tôi thấy thú vị khi chị tự nguyện đứng vào đội hình Văn với truyện ngắn Ngồi đợi ở bậc thềm. Một cái truyện trĩu nặng vì tâm trạng. Một lối kể như mũi khoan xoáy sâu vào nội tâm. Những đảo chiều không gian - thời gian như điện ảnh,… Tất cả nhào nặn một thành một khối được dồn nén tối đa và bùng nổ tối đa. Triết lý mà cứ thoảng nhẹ như không bởi cái hơi thở đời sống đương đại phả vào từng câu chữ.
Tôi không thể liệt kê và phân tích cụ thể ở đây tất cả những biểu hiện của cái phẩm tính đáng quý “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ” trong văn nữ. Những ví dụ mà tôi nêu lên, như những trường hợp trên, có thể là bất chợt và ngẫu hứng trong khi đọc. Nhưng tính đại diện của chúng thì tôi nghĩ đã có thể chấp nhận được.
Muôn hoa đua sắc
Người ta nói sinh ra nghệ thuật là để chống lại sự nhàm chán của cuộc đời. Chính vì thế nghệ thuật bản thân nó không được phép nhàm chán và thật đáng buồn nếu tất cả chủ thể sáng tạo rập khuôn, một màu, một giọng, một cách lối thể hiện. Ở đây, trong từng lĩnh vực thơ, văn, lý luận phê bình và chuyển ngữ, độc giả đều có thể nhận ra những sắc màu, những tiếng nói nghệ thuật khác nhau. Trong thơ độc giả nhận ra một lối “lặng lẽ tỏa hương” kiểu như Lệ Thu, Phan Thị Thanh Nhàn, Bùi Kim Anh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Tuyết Nga, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Bảo Chân, Phạm Thu Yến,…
Thơ của các nữ sĩ này không “lắm điều”, có vẻ như chỉ là những tiếng nói thầm, rất khiêm tốn, đôi khi cố tình giấu mình. Nhưng rất nhiều những say mê, thổn thức. Lại có một lối thơ mạnh mẽ, quyết liệt kiểu như Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng, Vi Thùy Linh, Chu Thị Thơm, Huệ Triệu,… Họ “ăn sóng nói gió” tưởng như ngang hàng với phái mày râu. Nhưng trong sâu thẳm họ cô đơn và khát khao chia sẻ, cũng như rất nhiều những mềm lòng. Một lối viết lấy cái “chơn” (chân) làm đầu nên thơ họ giản dị, mộc mạc như lúa ngô khoai sắn, gần gũi và thiết yếu như nắng gió khí trời. Đó là thơ của Hoàng Thị Minh Khanh, Đỗ Bạch Mai, Lê Thị Mây, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, Trần Kim Anh, Nông Thị Ngọc Hòa, Trần Thị Nương,… Chưa hẳn là ba trường phái (còn lâu mới thành trường phái), cũng chưa hẳn là ba dòng phong cách (vì đạt tới phong cách đâu dễ), mà là ba “lối” viết bổ sung cho nhau tạo nên sự đa sắc của thơ nữ Việt hiện đại.
Trong văn xuôi nổi lên một lối viết giàu triết luận như Trần Thị Trường, Nguyễn Thị Minh Thái, Phan Thị Vàng Anh,…Tác phẩm của họ mạnh về “vấn đề”, nghĩa là có xu hướng nghiêng triết lí đời sống, đôi khi như là những luận đề nhưng đã cố kết được với chất sống tươi nguyên. Riêng tôi lấy làm mừng vì khi đọc họ không thấy những “triết lí vặt” vốn đang ồn ào trên văn đàn đương đại ở những người viết non kém vốn sống, yếu tay nghề nên hay đắp điếm hoặc lên gân. Phải nói ngay rằng lối viết này kén độc giả và thực sự là một thử thách với tác giả. Lối viết trữ tình thể hiện rõ ở Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Vũ Minh Nguyệt, Trương Thị Thanh Huyền, Lê Thị Bích Hồng,… Truyện của họ nhẹ về “cốt truyện”, nhiều chất thơ, nhiều những “nhánh” rẽ ngang giàu tính chất “trữ tình ngoại đề”. Lối viết “tả chân” vốn được coi như một truyền thống của văn chương Việt Nam in dấu đậm trong truyện của Hà Thị Cẩm Anh, Lê Minh Khuê, Hiền Phương, Nguyễn Thị Anh Thư, Trầm Hương, Vũ Thảo Ngọc, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp,… Truyện của họ nhiều tình huống gây cấn, nhiều chi tiết hay dễ “bắt mắt” độc giả.
Cần phải nói tới số ít các nhà văn nữ viết lý luận phê bình văn chương ở ta hiện nay. Độc giả nhận thấy ở nhà giáo - nhà văn Đặng Anh Đào một phẩm tính nghệ sĩ, chất tài hoa, phóng khoáng và bặt thiệp in dấu trên từng trang viết về văn chương thế giới và Việt Nam. Một Lưu Khánh Thơ năng động, thậm chí có thể nói là “tả xung hữu đột”, viết phê bình nhiều thể loại từ văn, thơ, kịch, chân dung. Văn rất hoạt, chất “báo” và chất “văn” khá hài hòa. Một Lý Hoài Thu tinh tế và cẩn trọng, thấy rõ phê bình đạt và hoạt hơn là lý luận. Một Tôn Phương Lan đắm đuối nhưng không kém phần sâu sắc trong tiếp nhận văn chương. Một Bích Thu lặng lẽ thành danh với những tiểu luận - phê bình bám sát thời sự văn chương đương đại Việt Nam. Là người nữ nhưng viết phê bình văn xuôi “lực lưỡng” không kém gì đồng nghiệp nam…
Tin tưởng, tại sao không?
Có một số ít người, tôi biết, khi nhìn thấy bộ sách Phái đẹp cuộc đời & cây bút tỏ ra không mấy tin tưởng vào cái gọi là “tiền đồ’ của văn chương nữ. Họ có vẻ thật thà trong định kiến của mình. Nhưng trên đời này sự thật thà không phải lúc nào cũng tốt, cũng đúng. Âm hưởng và bản sắc nữ quyền rất vang vọng và rất rõ nét trong văn nữ, ít nhất trong tuyển tập quy mô mà độc giả có trong tay. Những vấn đề về quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc hiển hiện trong tác phẩm của nhà văn nữ. Và điều này tôi thấy không kém phần ý nghĩa khi nhà văn nữ thông qua tác phẩm của mình cùng thể hiện niềm “kiêu hãnh được làm đàn bà” (như cách viết của Phan Hoàng về nữ sĩ Trầm Hương). Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”.
Khi nói đến một thời kì văn chương nói chung, người ta thường trước hết nói đến vấn đề cảm hứng sáng tác. Tương tự khi nói về một lực lượng sáng tác cụ thể nào đó, như văn nữ chẳng hạn, người ta cũng hay nói đến cảm hứng. Nữ sĩ Vi Thùy Linh trong phát biểu tại Hội thảo Quốc gia “Văn học Việt Nam đổi mới và phát triển, thực trạng và triển vọng” do Viện Văn học tổ chức tại Hà Nội, ngày 28-5-2015, đã phát biểu, đại ý: Chị không viết trên cảm hứng nữ, mà viết trên cảm hứng của nghệ sĩ. Ngẫm ngợi thấy đúng. Như vậy là Văn nữ và Văn chương nói chung đều giống nhau ở cảm hứng nhân văn về con người, vì con người, đều hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Như thế tương lai của văn chương nói chung, cũng chính là tương lai của văn chương nữ nói riêng. Và nếu nói “văn chương mang gương mặt nữ” là nói đến khản năng thuần hóa những nỗi đau của con người mà nghệ thuật ngôn từ có thể thực hiện được sứ mạng của mình thông qua tác phẩm của nhà văn nữ.
Tôi cũng biết nhiều nữ sĩ đang có những kế hoạch sáng tác của mình. Lê Minh Khuê dẫu được tiếng tốt là nhà văn “trụ hạng” với thể loại truyện ngắn cũng đang viết tiểu thuyết. Một cuốn tiểu thuyết, theo phỏng đoán của riêng tôi, sẽ rất “gây hấn cảm xúc” (chị đã “xắt” ra một khúc thành cái truyện ngắn in trên báo Văn nghệ số 19 vừa rồi vơi cái nhan đề Thằng Tomy về chơi). Một cuốn tiểu thuyết, theo tôi rất “cập thời vũ” về những vấn đề nhân tâm thời đại – hòa hợp, hòa giải dân tộc thời hậu chiến. Vũ Minh Nguyệt dường như đang ngấm ngầm thi đua với phu quân Sương Nguyệt Minh. Chị đã in riêng 2 tập truyện ngắn, in chung một tập với…chồng. Đã “ẵm” giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Và đang viết một tiểu thuyết về những con người thời đại “thiên di” từ nông thôn ra thành thị. Có vẻ như viết chậm vì tiểu thuyết đòi hỏi người viết phải đầy đặn vốn sống, phải trải nghiệm. Tôi cũng biết người thơ như Nguyễn Thị Ngọc Hà đang rất mê viết tiểu thuyết. Tôi có đọc bản thảo tiểu thuyết Mưa trong nắng của chị. Từ thơ sang văn quả là không mấy dễ dàng. Nhưng nhà thơ đã chứng tỏ nội lực của mình. Tôi tin chị có thể gặt hái trong lĩnh vực văn xuôi. Trần Kim Anh sau 3 tập thơ, đang hướng ngòi bút của mình sang địa hạt văn xuôi. Chị cứ dịch chuyển dần từ ký, truyện ngắn, rồi đến một lúc nào đó là tiểu thuyết. Chị nói với tôi “Em sôi sục muốn viết tiểu thuyết lắm rồi!”…
Những quan sát trên, dẫu còn ít, nhưng có vẻ như cũng đủ nhen nhóm niềm tin về tương lai văn nữ, ít nhất với riêng tôi.
Bùi Việt Thắng
NGUỒN: VANVN.NET
Theo http://www.bichkhe.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...