Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Phan Bá Trình và những hoài nghi thân phận

Phan Bá Trình và những 
hoài nghi thân phận 
Bản chất của Toán học là đúng sai mang tính chân lý khách quan. Bản chất của Thơ lại là những nghi vấn đời phát ra từ nội cảm. Hà cớ gì mà một Thạc sĩ Toán học, một giảng viên nghiêm túc không lo đi tính cái đúng sai mà lại cứ tự hoài nghi mình như thế? Có lẽ do nghiên cứu sâu về Toán nên khi vận Toán học vào đời, Phan Bá Trình thấy chông chênh và khó lòng lý giải. Bởi Định lý Toán học bao giờ cũng dễ chứng minh hơn nhiều so với Định lý Cuộc đời. Nghịch đảo Toán học là một phép tính để tìm ra chân lý nhưng Nghịch đảo Cuộc đời thì quá lắm chua cay:
Định lý cuộc đời đâu dễ chứng minh
Em bẽn lẽn dưới khung trời diệu ảo.
Anh bối rối níu cuộc tình nghịch đảo
Bờ môi xinh biểu diễn những cung tròn (Bài thơ tình toán học).
Chính vì lẽ đó, sau những giờ giảng hì hục chứng minh những chân lý Toán, anh lại tìm về với Thơ để tự đặt mình vào cuộc đời, tìm mọi cách lý giải những bài-toán-đời éo le không tìm ra đáp số. Và dường như, khi đặt thân phận người giữa dòng đời, anh thấy toàn những nỗi hoài nghi, “những câu hỏi lớn không lời đáp” (Huy Cận).
Dẫu cố giữ chân lý nhà Phật “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” mà Phan Bá Trình rất thích (khi mỗi lần đọc câu này ở quán cà phê của ca sĩ Lưu Phương do họa sĩ Trần Đạt thể hiện bằng thư pháp) để sống, để vui, để say mê làm việc. Nhưng dường như những ngổn ngang, ba động của dòng đời cứ đặt anh vào tâm thế khắc khoải, lo âu và tự vấn. Quá khứ thơ ngây đã trôi theo thời gian không tìm lại được, thanh xuân rồi qua trên bạc phếch mái đầu:
Tuổi thơ…
Tìm lại nơi đâu?
Thanh xuân
bạc phếch
sắc màu tháng năm (Vá chiều).
Tuổi thơ bị dông gió cuộc đời cuốn trôi về xa ngái:
Bóng đời vun vút vó câu
Tuổi thơ ngày ấy biết đâu mà tìm? (Lằn roi ngày ấy).
Tưởng chừng như đã rút được kinh nghiệm của một thời tuổi thơ vụng dại để lỡ đánh mất đi những điều quý giá. Nhưng giờ lớn khôn rồi, đang ở hiện tại đây mà sao nhà giáo Toán Phan Bá Trình vẫn cứ ngẩn ngơ tìm mà cũng chẳng tìm được ai, vẫn thấy thân phận con người cứ mãi cô đơn và đầy nghi vấn:
Xưa
Tuổi thơ dòng đời gió cuốn
Giờ
Lớn khôn rồi…
Em ở đâu? (Em ở đâu?).
Phận người nhỏ nhoi. Đời người có hạn. Hiện tại bất an nên con người cứ sống trong trạng thái “giật mình”, thắc thỏm. Cố tự an ủi lòng bằng cách trở về với cuộc quá vãng, tìm chút hương xưa. Nhưng hương xưa bất tồn giữ hiện tại bụi bặm, trầm luân. Cố níu giữ những nét đẹp của một thời đã qua, để nghe hàng tre làng xào xạc, để mơ màng thấy chiếc “cần vọt” múc trăng:
Ngọn nồm nam xào xạc bờ tre
Chiếc cần vọt múc trăng về trải ruộng (Em ở đâu?).
Nhưng không được. Chuyện “mò kim đáy biển”, “đội đá vá trời” đã quá khó rồi. Mà lại khát khao muốn lấy cây kim mò dưới đáy biển kia để vá lành lại cả trời chiều thì hỡi ôi, chuyện chỉ có trong Nữ Oa thần thoại:
Hương xưa
giờ biết đâu tìm?
Giật mình…
đáy biển mò kim
vá chiều (Vá chiều).
Đọc thơ Phan Bá Trình, ta cứ thấy lúc nào anh cũng ở trong trạng thái tiếc nuối quá khứ đến bâng khuâng và nỗi thắc mắc, âu lo, nghi ngờ về một thân phận lạc loài ngay chính trong thực tại. Sống ở quê mà cứ “quặn thắt” nỗi xa quê:
Đòn tre
vắng
một chỗ ngồi
Lòng riêng
quặn thắt
cuộc đời xa quê (Tiếng quê).
Bơ vơ trong hiện tại, đành men tìm về quá khứ. Nhưng bao giờ thì trở về được, nhặt lại được kỷ niệm xưa? Anh lại nghi vấn cả quá khứ muốn tìm về:
Bao giờ trở lại đây?
Nhặt đoá lòng thuở trước (Sóng tình).
Thôi thì đành, vin vào chút hương xưa, cố giữ “nếp xưa” để “tự tình” yên ủi phận mình:
Tóc mây nỡ bỏ sao đành
Bà đem giắt ở mái tranh tự tình (Nội ơi!).
“Nghĩa tử là nghĩa tận”, “Chết là hết”. Vậy mà rồi anh vẫn cứ hoài nghi thân phận để đi chung đường cùng Vũ Thành An trong “Bài Không tên số 4”: “Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa”:
Cờ giương
trống giục liên hồi
Đến giờ hạ rộng
ai người tiễn đưa? (Phận người).
Và cứ thế! Anh mải mê nghi vấn với rất nhiều câu hỏi mà vẫn không lý giải nổi nơi mình sẽ đến, sẽ về:
Lật dấu mực nhòa
Qua trang vở cũ
Đời nghiêng lối rẽ
Biết về nơi đâu? (Đường về).
Hỏi mãi mà không giải thích nổi nguyên nhân:
Vì ai?
con sóng bạc đầu
Tóc xanh
chừng cũng phai màu
vì ai? (Vì ai?).
Dòng đời cứ trôi đi, biến mất như lốc lịch bị bóc dần từ tờ đầu đến tờ cuối. Phận người cũng trôi theo dòng tàn phai, mất đi ấy. Ngẫm cuộc đời mà buồn cho thân phận:
Đầu năm lốc lịch nguyên đầy
Cuối năm lịch cũng trắng tay, tiếc gì
Đường trần đâu có khác chi
Cầm tờ lịch cuối ngẫm suy cuộc đời (Cầm tờ lịch cuối).
Ngơ ngác phận người giữa trần ai chộn rộn, lơ láo bước chân liêu xiêu phận số, nỗi nhớ đã phủ rêu xanh, lối về đã ngã bóng chiều tà, đường tình khấp khểnh, nắng đời đã khê. Đành thôi em!… Mùa đã lỡ:
Chân buồn gõ nhịp liêu xiêu
Xanh rêu nỗi nhớ muối tiêu lối về
Ai rao bán lọn trăng thề
Đường yêu khấp khểnh tóc khê nắng đời (Mùa lỡ).
Nghi vấn đời, anh nghi vấn cả tình yêu. Mới vướng vào sợi tình chưa kịp gỡ thì tình đã vuột bay, người đà biệt bóng:
Lòng như…
vướng
một chút buồn
Gỡ ra chưa kịp
người thương đâu rồi? (Mắt chiều).
Tình “đứt gióng”, giữa chông chênh đời không tìm được một lối về bình yên khả hữu:
Gánh tình đứt gióng đầu truông
Lòng đau đưa bước dặm trường về đâu? (Đứt gióng).
Nhìn chung, “Mắt quê” của Phan Bá Trình mới nghe qua tên tập thơ ai cũng ngỡ sẽ gặp những bài thơ quê chân chất, thật thà. Nhưng không, “Mắt quê” là con mắt nhìn đời với tất cả những hoài nghi. Mà đúng, cuộc thị trường đương đại đang đánh mất dần niềm tin, nhạt nhòa dần những nét quê xưa, tan biến dần những chơn chất tình xưa. Bằng con “Mắt quê” - biểu trưng của những giá trị tốt đẹp truyền thống, anh cố chất vấn để mong mình cùng mọi người cố mà giữ lấy. Nhưng “Mắt quê” xưa chân thành, đằm thắm,“Mắt quê” nay đau đáu những nghi ngờ. Hoài nghi lòng người, hoài nghi tình người và hoài nghi về cả phận người:
Cánh chim ngang trời
Bay về quá khứ
Hỏi ai còn giữ
Chút tình năm nao (Mảnh vỡ).
Liên hệ với tập thơ đầu tay “Vết xước” (2012) thì mức độ hoài nghi của Phan Bá Trình ngày càng dày đặc hơn. 80 bài thơ trong “Vết xước” với 28 câu nghi vấn và 29 câu hoài nghi, thì đến 80 bài thơ trong “Mắt quê” với 39 dấu hỏi nghi vấn (tăng lên 11 câu) và 19 câu hoài nghi (giảm xuống 10 câu) đã cho ta thấy rõ ràng hơn quá trình khám phá nỗi hoài nghi thân phận càng ngày càng đa dạng, phức tạp và ráo riết hơn trong nội cảm của Phan Bá Trình. Chúc nhà thơ Phan Bá Trình mãi tiếp tục đi giữa cuộc đời với những hoài-nghi-thơ như thế. Riêng mỗi chúng ta, tự ngẫm phận mình, phận người trước những hoài nghi để cùng nhau đi tìm lời giải muôn đời của kiếp con người: Ta từ đâu đến? Ta là ai? Và Ta sẽ về đâu?. Bởi, nói như nhà triết học René Descartes: “Dubito, ergo cogito, ergo sum” (Tôi nghi ngờ, nên tôi tư duy, nên tôi tồn tại) hay gọn hơn là “Tôi hoài nghi nên tôi tồn tại!”. Và Phan Bá Trình hoài nghi nên Phan Bá Trình đã tồn tại được với thơ.
Xóm Chòi Dầu giữa nắng tháng Tư-2015
 Mai Bá Ẩn
Theo http://www.bichkhe.org/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...