Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Hành trình xây dựng và bảo vệ đất nước của người Việt Nam

Hành trình xây dựng và bảo vệ 
đất nước của người Việt Nam
Đọc bộ 4 trường ca Từ Điện Biên tới biển, NXB Hội Nhà văn, 2018
Nguyễn Hưng Hải là nhà thơ thành danh của Đất Tổ Phú Thọ nói riêng và của nền thơ ca Việt Nam đương đại nói chung. Ông đã có 25 đầu sách với nhiều thể loại phong phú: thơ, trường ca, phóng sự, ghi chép, trong đó có 4 tập thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và 7 trường ca. Ông không chỉ viết nhiều mà các tác phẩm của ông đều có giá trị cao cả về nội dung và nghệ thuật, đạt giải cao từ địa phương đến Trung ương trong các cuộc thi thơ. Tôi đã làm một cuộc “kiểm kê” các giải thưởng của ông, ngạc nhiên và thú vị, chỉ có 25 đầu sách mà ông đạt được 21 giải do các địa phương tặng (trong đó có 08 giải nhất, 01 giải thưởng Hùng Vương của tỉnh Vĩnh Phú tặng năm 1990, 06 giải nhì (không có giải nhất), còn lại là giải ba); 16 giải do Trung ương tặng (trong đó có 03 giải nhì (không có giải nhất). Đặc biệt, ông đã 3 lần được Ban chỉ đạo cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trao tặng giải thưởng cao cho các tập thơ "Bài thơ dâng Bác", "Dâng Bác một niềm thơ", "Cây Bụt mọc trong vườn Bác". Tập thơ "Ươm từ vườn Bác" của ông đã được Thảnh ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh trao tặng giải B (không có giải A về thơ) trong cuộc vận động sáng tác các tác phẩm Văn học Nghệ thuật nhân dịp Kỷ niệm 40 năm chiến thắng 30/4 và 125 ngày sinh nhật Bác. Tập thơ này ngay sau đó cũng đã được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng bằng khen. Những giải thưởng cao quý đó đã vinh danh ông, một nhà thơ có tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, khát khao sáng tạo để có một tiếng vang riêng khi mà thơ ca đang rất chật vật, khó khăn để tìm đường đến với trái tim của người đọc trong thời đại khoa học công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Thơ của Nguyễn Hưng Hải đã được độc giả đón nhận bởi nhiều người đã tìm được bóng dáng của mình trong đó. Đây cũng chính là điều tôi muốn nói tới trong tác phẩm “Từ Điện Biên tới biển” gồm  4 trường ca: Đường tới Điện Biên Phủ (viết về Đại tướng Võ Nguyễn Giáp), Thao thức trên đồng (viết về ông Kim Ngọc - Cha đẻ của Khoán 10), Trong cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn (viết về Người lính và chiến tranh cách mạng), Đường ra biển (viết về Nông thôn, nông dân, nông nghiệp) của nhà thơ.
Trường ca là một thể loại thơ xa xưa nhất của dân tộc Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nhiều trường ca ra đời trước công nguyên đến nay vẫn còn đi cùng năm tháng, rực rỡ tươi ròng. Ranh giới giữa trường ca và thơ dài rất mong manh, nếu người viết chưa hiểu hết đặc trưng cơ bản của nó. Nhà thơ vẫn tôn trọng khuynh hướng truyền thống, qua hình thức trường ca, qua những câu chuyện về con người Việt Nam trong công cuộc chiến đấu, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vừa bình thường, vừa phi thường, đã làm nên huyền thoại Việt Nam.
Đồng thời ông luôn đổi mới tư tưởng, tư duy, sáng tạo nhiều từ ngữ độc đáo, mới lạ nhưng không quá sa đà vào việc sắp đặt một hệ thống ngữ văn cầu kỳ, rắc rối, tối nghĩa, khó hiểu với người đọc.
Trong trường ca “Đường tới Điện Biên Phủ” viết về trận chiến Điện Biên Phủ của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ nhưng anh dũng, vẻ vang, tới công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc đấu tranh thống nhất đất nước, giao lưu hội nhập với thế giới của dân tộc Việt Nam. Nhà thơ không chỉ kể các sự kiện lịch sử những chiến thắng hào hùng, những con người có tên và không tên đã làm nên đất nước trong hơn nửa thế kỷ qua, mà nhà thơ đã phân tích, chứng minh, đánh giá những nguyên nhân dẫn đến thành công to lớn của dân tộc đã đạt được trong hai cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, kể cả những điều chưa làm được của dân tộc ta trong thời kỳ đổi mới. Tất cả được nhìn dưới ánh sáng lý tưởng tiến bộ của Bác Hồ, của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, không có tư tưởng phản kháng cực đoan, phô bày sự hiểu biết của cái tôi nhỏ hẹp trong biển đời mênh mông, sôi động của cộng đồng. Ông đã dẫn dắt người đọc theo dòng lịch sử. Trận Điện Biên Phủ tháng 5/1954, tướng Giáp có chiến lược, chiến thuật, có cách đánh hoàn toàn khác với binh pháp cổ kim Đông - Tây. Theo nhà thơ, tướng Giáp vừa có tài quân sự, vừa có tâm của một người anh Cả: “Ông cầm quân bằng cái tâm, cái đức/ Binh khí trong tay là đạo làm người/ Chính vì thế mà đoàn quân áo vải/ Nô nức theo ông như lá hướng mặt trời”. Câu thơ “Nô nức theo ông như lá hướng mặt trời” mang tính chất sử thi. Người đọc hình dung tướng Giáp như một tù trưởng hùng mạnh đi trước tiên phong, bộ đội và nhân dân theo ông đông như ong, như kiến, đang xông lên tiêu diệt kẻ thù xâm lược, giữ gìn bản làng, đất nước. Tác giả có một hình ảnh so sánh mới táo bạo, tuy nhà thơ không trực tiếp so sánh tướng Giáp là mặt trời vì nhân dân ta thường so sánh Bác Hồ là “sao Bắc Đẩu”, là “vầng Thái Dương”. Người đọc liên tưởng Bác Hồ là mặt trời, thì tướng Giáp là học trò của Bác Hồ, là tia nắng của mặt trời, tỏa ra đem đến sự sống cho trái đất “Có Bác đưa đường, tướng Giáp cầm quân/ Giặc Pháp đã sa chân”. Trong trận Điện Biên Phủ trên không, đế quốc Mĩ đã bắn phá Hà Nội 12 ngày đêm. Chúng muốn biến Hà Nội trở về thời kỳ “đồ đá cũ”, nhưng chúng đã nhầm. Đảng và nhân dân Việt Nam nối tiếp truyền thống Điện Biên năm xưa, cùng tướng Giáp làm nên lịch sử, giặc Mĩ thất bại thảm hại, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán: “Rơi xuống Hồ Gươm B52/ Rơi xuống sông Tô Lịch B52/ B52 văng cả vào Quốc Tử Giám/ Rơi xuống Ba Đình từng mảnh USA...” Tác giả đã viết về sự kiện này bằng con mắt của một nhà lịch sử, một nhà báo và bằng xúc cảm của một nhà thơ. Biện pháp liệt kê đã được sử dụng triệt để, tràn đầy một niềm tự hào, kiêu hãnh về chiến thắng B52 của người Việt Nam.
Đó là lời đáp trả hiệu quả nhất cho giặc Mỹ xâm lược, bắt chúng im miệng, bớt ngông cuồng, hiếu chiến. Còn tướng Giáp thì sao: “Tướng Giáp đang ở ngoài trận địa/ Tướng Giáp đang giơ lưng che cho mọi người”. Tác giả luôn sáng tạo để tìm được hai mặt đối lập: bình thường, giản dị với phi thường, vĩ đại trong con người tướng Giáp. Con người ấy bằng xương, bằng thịt đang hòa đồng với nhân dân, với chiến sĩ nhưng khi đất nước bị xâm lược, dân tộc gặp hiểm nguy, ông bỗng vụt lớn lên như một tráng sĩ, một anh hùng thần thoại “giơ lưng” làm một tấm khiên khổng lồ “che cho mọi người”. Câu thơ hay, giàu hình ảnh, giàu liên tưởng tràn đầy cảm xúc và rất mới. Tướng Giáp đã đi vào thơ của Nguyễn Hưng Hải, trở thành một nhân vật sử thi huyền thoại, bước ra ngoài đời linh thiêng và bất tử trong lòng nhân dân.
Hình ảnh người mẹ trong trường ca cũng được tác giả viết rất chân thật, cảm động. Người mẹ của tác và những người mẹ khác hết lòng yêu chồng, thương con, hy sinh cho cái gia đình nhỏ bé của mình nhưng trong chiến dịch Điện Biên Phủ những người mẹ ấy đã tham gia dân công hỏa tuyến, tiếp lương thực, thực phẩm cho bộ đội đánh thắng giặc ngoại xâm. Các mẹ, các chị đã làm việc tự nguyện, âm thầm, vô danh “Tám tháng liền không hưởng chế độ gì”, trèo đèo, lội suối cực khổ nhưng họ không hề kêu ca, phàn nàn. Hình ảnh người mẹ và những chiếc xe đạp thồ hàng lên Điện Biên năm xưa đã trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện. Mẹ của tác giả đã cùng các mẹ, các chị dân công, các anh đạp xe thồ gánh gạo, thồ gạo lên Điện Biên: “Mẹ lệch cả xương vai, những người phụ nữ làng tôi lệch cả xương vai, đến giờ còn đi lệch/ Lệch cả thời con gái cho thăng bằng những cỗ pháo ngàn cân”; “Những chiếc xe đạp thồ chệch cả xương vai/ Chệch cả xương vai nhưng không chệch con đường lên Điện Biên của những chàng trai/ Khoét núi, ngủ hầm và giữ cho chiếc xe đạp thồ không chổng ngược”. Những câu thơ trên đã giúp cho các thế hệ độc giả, cho những người đang chiêm ngưỡng những chiếc xe đạp thồ trong bảo tàng lịch sử liên tưởng và nghĩ suy. Tôi nhìn thấy, nghe thấy trong câu thơ của tác giả có hình bóng của cha mẹ mình, vừa hò hét, vừa trèo đèo, lội suối, muỗi, vắt, sốt rét rừng không ngăn nổi bước chân tiến lên Điện Biên. Mẹ tôi đã cùng các chị em giữ gìn gánh gạo trên vai như giữ gìn sinh mạng của mình, phải ăn rau rừng, măng đắng chứ không động đến một hạt gạo nào, mong muốn bộ đội ta không bị đói mềm người để bước vào chiến dịch quyết định. Cha tôi kể: Chiếc xe đạp thồ chỉ trơ một bộ khung sắt, săm lòi cả ra khỏi lốp, phải lấy dây vải, dây cao su cuốn chặt cứng bánh xe lại. Bố tôi cùng đồng đội đã chất lên những chiếc xe đạp thồ hơn 2 tạ gạo, buộc thêm một chiếc cọc vào yên xe để tựa vào vai, đẩy xe trèo đèo, vượt dốc có lúc đã chệch cả xương vai.
Nhà thơ đã không viết một cách chung chung. Ông đã lựa chọn được những chi tiết tiêu biểu, những nhân vật điển hình như Bác Hồ, tướng Giáp, các anh bộ đội cụ Hồ, nhiều người đã ngã xuống mãi mãi tuổi hai mươi, những người mẹ, người chị, những chàng trai, cô gái... đã làm nên huyền thoại Việt Nam.
Có cuộc chiến tranh nào không phải trả giá. Nguyễn Hưng Hải đã lên tiếng cảnh báo trong đầm đìa nước mắt: Trong khung kính Điện Biên/ Anh vẫn trẻ như khi tấn công đồi A1/ Ngoài khung kính Điện Biên/ Em biết làm gì để tóc thôi không bạc/ Anh vẫn trẻ và tràn trề hạnh phúc/ Nhưng không thể bước ra làm một cuộc đời/ Em không chạy được cuộc đời ngoài khung kính/ Nên đêm về chỉ biết ngước lên thôi  Nhà thơ đã ngợi ca những kỳ tích của hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc đồng thời ông cũng dám nói thẳng ra sự lúng túng của Nhà nước và nhân dân ta trong công cuộc kiến thiết, hàn gắn các vết thương chiến tranh sau trận Điện Biên Phủ 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Nhà thơ nhìn nhận được sự quyết tâm đổi mới, chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng và Chính phủ. Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như điều Bác Hồ mong muốn. Trong công cuộc đổi mới ấy, nổi bật những tấm gương dám nghĩ, dám làm, đổi mới và sáng tạo như ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cha đẻ của khoán 10 đã được  Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải khắc tạc chân dung một cách sinh động, đầy thuyết phục trong trường ca "Thao thức trên đồng". Kim Ngọc đã làm theo lời dặn của Bác Hồ: “Kim Ngọc thưa với Người trong nước mắt/ Nắm bàn tay Kim Ngọc, Bác rưng rưng/ Thăm ruộng lội đồng/ Đến với người nông dân bằng tấm lòng của Bác”. Vẫn tiếp tục cách viết mang tính chất đối lập, nhà thơ đã dựng lên bức chân dung một người anh hùng thời đại mới, giàu tính chất sử thi: “Ông thao thức tìm đường cho hạt thóc/ Là cha đẻ của khoán 10 - Kim Ngọc/ Là con của người cày hiểu đường cày khó nhọc/ Là tá điền nên ông hiểu nông dân.../ Ông trở thành Thành Hoàng làng của ruộng đồng trong việc khoán/ Trên cánh đồng xưa cũ những hạt thóc sinh sôi/ Như ý nghĩ, cách làm của ông sinh sôi ra ánh sáng”. Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam hiện lên trong trường ca của Nguyễn Hưng Hải đều là “Địa linh, nhân kiệt”. Con người đã nối tiếp nhau để xây dựng và bảo vệ giang sơn đời đời bền vững. Đất nước thống nhất, giang sơn liền một dải, đó là khát vọng của Bác Hồ, của toàn Đảng, toàn dân.
Nhà thơ khi đứng ở thành phố Hồ Chí Minh sau hơn 40 năm giải phóng, ông vẫn tưởng như mình là người lính cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn, tiến vào dinh Độc Lập. Đọc trường ca "Trong cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn" của ông mà rưng rưng nước mắt. Nhà thơ tự hào nhớ lại những gương mặt chiến sĩ trẻ măng, những thiên thần áo vải: “Một câu nói như cả ngàn viên đạn/ Cả ngàn người đang thần tốc từng giây/ Lính Trường Sơn đã rẽ mây, rẽ núi về đây... / Cuốn trôi đi bèo bọt những ê chề...”. Trước Sài Gòn đổi mới, lòng ông lại rưng rưng: “Chiến tranh qua rồi nhưng bè bạn ở đâu/ Ngoái về phía rừng sâu không dấu vết/ Nhìn sang bạn trong cơn mưa xám xịt/ Chợt cồn cào nhớ mẹ trước niêu cơm”. Đoạn thơ không có tiếng khóc, không có tiếng súng mà người đọc thấy được nỗi xót xa, quặn đau của tác giả trước sự mất mát, hy sinh của đồng đội, trước người mẹ già đơn côi, trước niêu cơm nhỏ bé chờ con đến héo mòn.Lương tâm, trách nhiệm của một người lính may mắn còn sống sót sau chiến trận, một nhà thơ trong thời đổi mới, hội nhập không cho phép ông quên lãng quá khứ bi hùng. Ông đã nhắc nhở thế hệ con cháu hôm nay và mai sau ghi nhớ, biết ơn công lao, những hy sinh to lớn của cha ông ta để chúng ta biết trân quý cuộc sống này: “Nếu năm ấy bại trận này/ Còn đâu có được cờ bay Sài Gòn/ Còn đâu bát ngát con đường/ Lướt xe trên mặt máu xương nghĩ gì?”. Đây là những câu thơ sâu sắc, thấm thía đầy trăn trở, xoáy sâu vào tâm trí của người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ có cuộc sống đủ đầy, chưa từng biết chiến tranh là gì.
Nhà thơ đã dẫn dắt độc giả đi từ Điện Biên Phủ đến Sài Gòn và tới biển qua trường ca "Đường ra biển", một trường ca viết về Nông thôn, nông dân, nông nghiệp mang đầy hơi thở cuộc sống và khát vọng của cả dân tộc Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Đọc trường ca này người đọc đã hiểu thêm về một hành trình của con người Việt Nam vất vả, gian truân đầy chông gai, máu xương, nhưng cũng rất huy hoàng, rực rỡ. “Đường ra biển” không chỉ mang ý nghĩa cụ thể mà nó còn là một ẩn dụ, tượng trưng cho khát vọng, ý chí của con người Việt Nam muốn vượt khỏi cái ao làng nhỏ bé để vươn ra biển lớn thế giới. Nhà thơ đã hồi ức lại cảnh đói nghèo, cơ cực xưa của làng Hùng quê mình: “Cái đói, cái nghèo ngoằn nghoèo trong ruột/ Trong những quanh co, lối hẹp làng Hùng”, “Ba mươi tết còn ngồi đan chũm bán/ Ba mươi tết còn lo đi giật tạm...”.
Những con người ấy không có lý tưởng, không có ước mơ, không có đích đến: “Chẳng có chân trời/ Chẳng có vườn hoa/ Chẳng có...”; “Chuyến đò dọc nghìn đời trôi không tới...”. Đất nước đổi mới, làng biến thành phố, văn minh đã đến, nhà thơ cũng cảm thấy hơi buồn, tiếc nuối vì truyền thống văn hóa làng quê mai một, rác thải công nghiệp làm ô nhiễm môi trường, xóm làng. Nhiều người mải mê kiếm sống, kiếm tiền quên cả họ hàng, anh em, nhưng ông không cực đoan phê phán mà nhận ra cái lợi của sự tiến bộ, đổi mới của làng quê mình trong cái chung đổi mới của mọi làng quê khác: “Bắt cháu con ăn ở giống ông bà/ Những cái quần phíp đen không thể nào đứng máy/ Đến con gà còn tức nhau tiếng gáy/ Bao nhiêu làng đã chọn lối đi riêng”. Nhà thơ tự tin làng Hùng của mình cùng với đất nước Việt Nam đã và đang tìm đường đi ra biển, hội nhập với thế giới bằng con đường riêng của mình, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa sáng tạo học tập bè bạn, anh em: “Đi theo lối ông bà/ Hay theo hướng cháu con/ Đường ở chính bàn chân mình bước/ Đường ở chỗ phải tự tìm ra được/ Hy vọng như con thuyền không bị lật/ Như mọi làng quê của đất nước/ Làng Hùng rẽ mưa, bão mà đi...”
Bộ 4 trường ca “Từ Điện Biên tới biển” của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải dài 183 trang với 04 trường ca: "Đường tới Điện Biên", "Thao thức trên đồng", "Trong cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn", "Đường ra biển" là một bản hùng ca, có kết cấu hết sức logic, chặt chẽ. Sợi chỉ đỏ của trường ca là một hành trình xuyên suốt từ làng Hùng của tác giả đến Điện Biên Phủ, Sài Gòn, ra biển lớn trong thời gian hơn nửa thế kỷ từ giữa thế kỷ XX đến hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Tài năng của tác giả là đã làm mới những điều đã cũ, những chuyện mà mọi người đã biết. Tác giả sử dụng hình thức thơ tự do đan xen với lục bát, nhiều từ ngữ hội thoại đời thường, từ ngữ văn chương chắt lọc, gọt giũa khiến cho tác phẩm thơ linh hoạt, không nhàm chán. Tác giả sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật quen thuộc như: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, điệp từ ngữ, liệt kê, cường điệu, câu hỏi tu từ, chuyển đổi cảm giác... nhưng nâng cao, tô đậm lên nhiều lần nên có hiệu quả thẩm mỹ cao, hấp dẫn độc giả. Giọng thơ sang sảng, dư thừa như một nghệ sĩ thanh nhạc khi trầm bổng, khi sôi động, thắm thiết, ám ảnh độc giả. Nhiều câu thơ mang tính chất triết lý được rút ra từ sự chiêm nghiệm cuộc đời. Nguyễn Hưng Hải là nhà báo, nhà lịch sử, là người lính, nên những sự kiện, sự việc, con người trong chiến đấu và xây dựng được nhìn nhận chuẩn xác, chân thực.
Tất cả lại được soi qua lăng kính chủ quan của một nhà thơ nên các sự vật, sự kiện, con người ấy hiện lên không khô khan, mang tính chất thông tấn, báo chí mà ngồn ngộn tươi ròng, lóng lánh muôn màu sắc, từ cuộc đời bước vào trang thơ có hình hài, tính cách.
Điều đáng nói là cả 4 trường ca được tập hợp lại trong tác phẩm “Từ Điện Biên tới biển” đã phản ánh được cuộc sống của nhân dân ta trong thời đại mới, thể hiện được những cảm xúc, những tâm trạng tự hào, yêu ghét, thương đau của nhà thơ bằng ngôn ngữ hàm xúc, giàu hình ảnh, có nhịp điệu, hòa chung với cảm xúc, tâm trạng của cộng đồng. Ngôn ngữ hàm xúc, giàu hình ảnh, có nhịp điệu là đặc trưng cơ bản của thơ, của trường ca. Người đọc không cảm thấy nặng nề, khó hiểu vì tác giả đã đến với quần chúng nhân dân bằng một sự sáng tạo, hình thức thơ ca truyền thống, bằng nội dung chân thật, gần gũi, cụ thể, đời thường nhưng tràn đầy chất thơ: “Trắng như mây trắng trên đầu/ Hàng bia mộ trắng một màu đau thương/ Máu xương đã lát thành đường/ Nhẹ chân thôi những đau buồn chưa qua”. Theo tôi đây là những câu thơ hay, xúc động và ám ảnh. Nhà thơ không chỉ viết cho riêng mình mà ông còn nói hộ tâm trạng của người đọc của du khách trở lại Điện Biên Phủ thăm chiến trường xưa. Nhà thơ đã có nhiều thành công khi sử dụng các biện pháp nghệ thuật đặc trưng của thơ, trường ca, tuy vậy nhiều khi ông đã tô đậm, nhấn mạnh các biện pháp nghệ thuật đó quá mức khiến cho một số đoạn thơ  thiếu sự cô đọng, hàm xúc. Nói là vậy, còn để viết được 4 trường ca này đâu có dễ?!
Thành công của Nguyễn Hưng Hải trong thể loại trường ca củng cố thêm nhận định: Ông đang ở tốp đầu của dòng thơ thế sự và là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trưởng thành sau năm 1975 có giọng điệu phong phú, có đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà không chỉ là đề tài Bác Hồ.
Bộ 4 trường ca trong “Từ Điện Biên tới biển” của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải có thể coi là một công trình nghệ thuật tổng hợp văn - sử vừa tràn đầy giá trị hiện thực, vừa giàu cảm xúc nhân đạo, nhân văn. Trường ca vừa mang đậm yếu tố tự sự, vừa thấm đẫm tính chất trữ tình và tính sử thi hùng tráng về hành trình xây dựng và bảo vệ đất nước của con người Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ông đã rút ruột gan mình để viết ra những vấn đề mà nhân dân Việt Nam hằng quan tâm. Ông đã viết với lương tâm, trách nhiệm của một công dân, một nhà thơ, một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong” hoặc “Anh chị em cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Bộ 4 trường ca trong "Từ Điện Biên tới biển", NXB Hội Nhà văn 2018 của Nguyễn Hưng Hải đã được độc giả trân trọng đón nhận và ghi nhận vì nhà thơ đã quan tâm đến vận mệnh của Đất nước, con người Việt Nam trong thời đại mới với rất nhiều trăn trở, cảnh báo và cảnh tỉnh...
Vũ Thị Thanh Minh
Theo https://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...