Nguyễn Bính có bài thơ Người của ngày mai mà lời
thơ như lời tự vận vào bản thân: “Một tâm hồn bao trùm vũ trụ/ Trái tim
đau nhưng thương cả loài người”. Ông đã từ một nhà thơ lãng mạn trở
thành nhà thơ cách mạng.
Quả vậy, Nguyễn Bính đã hướng về tương lai, là người của
ngày mai. Ngày mai của cuộc đời mới. Ngày mai của văn nghệ cách mạng. Cùng với
thế hệ đương thời, nhà thơ đã được “đổi đời” và “đổi thơ”. Nhà thơ
đã “đi đến”, “đi cùng” và “đi đến cùng” với cách mạng.
Con đường cách mạng của Nguyễn Bính - có thể nói như vậy,
là một con đường tiêu biểu thật đẹp của một nhà thơ dấn thân vì đại nghĩa
trong thời đại mới.
2. Một hành trình
Từ nhà thơ lãng mạn được chỉ lối mở đường…
Nhân tố quan trọng lớn nhất, có tính chất quyết định đời
thơ Nguyễn Bính, cũng như thế hệ văn nghệ sĩ tiền chiến chính là công cuộc
cách mạng. Tuy nhiên, để gặp gỡ và đi cùng cuộc đời mới, những thân phận
nô lệ đã có sẵn một ý thức dân tộc thật mạnh mẽ, lòng yêu nước thầm kín
và hết sức thiết tha.
Thời Thơ mới với nhiều nhà thơ là thời thấm đượm
hồn dân tộc. Từ trong căn cốt tâm hồn của một thế hệ là sự thức tỉnh quốc hồn
trước sự áp chế tinh thần và đè nén với sức mạnh thôn tính của phong trào Âu
hoá. Thi sĩ “chân quê” Nguyễn Bính là một trong những người sớm có ý thức gìn
giữ cái hồn xứ sở và có những sáng tác đậm đà hồn quê, tình quê như
hồn Việt thiêng liêng. Ý thức tâm hồn dân tộc từ cảm nhận đến thể nghiệm là một
trong những sức mạnh tinh thần lớn lao của nhà thơ. Nó có sức níu giữ nhà thơ
ngay trước những thử thách gay cấn, hiểm nghèo nhất. Nguyễn Bính khi lưu lạc
vào Nam đã từng bị địch bắt giam trong bót cảnh sát, và từng bị dụ dỗ chiêu hồi
trong nhiều trường hợp với giá thật cao bằng cả một gia tài đồ sộ!
Từ khi tham gia Việt Minh và Văn hóa Cứu quốc, cũng như bè
bạn, đồng chí giác ngộ ở miền Bắc (Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng,
Vũ Quốc Uy,...) Nguyễn Bính đã khẳng định được lý tưởng mới - lý tưởng cách mạng
và lý tưởng văn nghệ cách mạng. Đây chính là kim chỉ nam cho chuyển biến cuộc
đời sau này của một thi sĩ lãng mạn. Sự gần gũi và tiếp cận tuyên truyền,
giác ngộ của bè bạn, đồng đội, đồng chí, nhất là những chiến sĩ cộng sản ưu
tú, những nhà lãnh đạo cách mạng lớn cũng tạo nên một cốt cách mới để biến một
thi sĩ lãng tử tài hoa thành một nhà thơ công dân yêu nước, rồi trở thành nhà
văn - chiến sĩ.
Sự gặp gỡ may mắn với những chiến sĩ cộng sản ưu tú, những
nhà lãnh đạo cách mạng lớn đương thời như Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng cũng
như Lê Duẩn giữ vị trí quan trọng trong đời Nguyễn Bính. Trong
cuộc đời Nguyễn Bính, Hoàng Tấn là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo gắn bó
mật thiết với ông trong nhiều hoạt động thời Hành phương Nam: “Đôi
ta lưu lạc phương Nam này... Người sang bên ấy sao mà lạnh... Nhịp trúc ta về
lạnh mấy mươi”.
Giữa những ngày Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang vào
giai đoạn quyết liệt, Nguyễn Bính may mắn gặp Nguyễn Oanh là đồng hương và
cán bộ Thành uỷ Sài Gòn. Qua bình văn thơ và bàn luận thế sự, Nguyễn Oanh đã
cảm hoá nhà thơ và Nguyễn Bính đã định hướng con đường cách mạng cho đời
mình.
Một sự may mắn hiếm có khác là sự gặp gỡ và gần
gũi với Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ Lê Duẩn. Ông Ba Duẩn đã từng chèo xuồng cùng đồng
đội suốt đêm và đọc thơ Nguyễn Bính giữa bưng biền. Nhà lãnh đạo có “con mắt
xanh” với nghệ sĩ đã tác thành nhân duyên cho nhà thơ đã có lời tâm sự với
người vợ tương lai của Nguyễn Bính: “Kháng chiến cần sự góp mặt của Nguyễn
Bính...” và kỳ vọng ở chị Hồng Châu: “Chúng tôi nhận thấy chị đủ sức giữ
con người ấy lại cho cuộc kháng chiến đến kỳ cùng”.
Được cán bộ cao cấp thân tình, vun đắp, người vợ tri
kỷ - là cán bộ của cơ quan Đảng - cũng góp phần thúc đẩy Nguyễn Bính bồi
dưỡng ý chí, dấn bước trên con đường đi tới và đi cùng cách mạng, con đường đẹp
nhất đã xác định. Đó là đoạn đường gập ghềnh, gian truân, cực nhọc nhưng vinh
quang, mà Nguyễn Bính đã lựa chọn và cống hiến tâm huyết cho hoạt động văn
nghệ.
… đến nhà thơ thức tỉnh đi tới và đi cùng cách mạng
Nguyễn Bính là nhà thơ có tính cách rất khó trộn lẫn. Ông
có số phận long đong từ tấm bé, 3 tháng tuổi đã mồ côi mẹ. Lớn lên là một thi
sĩ lãng tử, đã lang bạt kỳ hồ khắp cả ba miền đất nước. Đặc biệt là cuộc
phiêu du nhiều lần vào Nam với nhóm Võ Trọng Can, Tô Hoài từ năm 1939 qua Huế
và dừng lại khá lâu ở nhiều tỉnh thành miền Nam những năm từ 1943 -
1954: vùng U Minh, Đông Nam Bộ, Rạch Giá, miền lục tỉnh, châu thổ sông Cửu
Long, nhất là ở đô thành Sài Gòn,... Chính thời gian này, Nguyễn Bính đã đến
với cách mạng và dấn thân vào cuộc đấu tranh sôi động của nhân dân vùng Nam Bộ.
Ngay từ năm 1939, Nguyễn Bính đã từ Sài Gòn qua Biên Hoà, Mỹ Tho,
Vĩnh Long... Đây cũng là thời gian thử thách lớn nhất về chính trị
và đời sống với Nguyễn Bính. Chính quyền Sài Gòn biết Nguyễn Bính đang hiện
diện ở miền Nam đã từng kêu gọi nhà thơ chiêu hồi: Thủ tướng Nguyễn Văn Thịnh
có treo giải 1000 Đông Dương nếu nhà thơ quay về với chính phủ “Nam Kỳ tự trị”.
Ai đưa được Nguyễn Bính về thành công được thưởng như vậy. Nhưng vốn giàu
lòng yêu nước và ý thức dân tộc, Nguyễn Bính đã tỏ ra là một tráng
sĩ với một chí khí sắt đá. Trong một bài thơ, ông đã khẳng định:
Mình không bỏ Sở sang Tề/ Mình không là kẻ lỗi thề thì
thôi.
Theo một tài liệu, thực ra, Nguyễn Bính đã gia nhập Vệ quốc
đoàn từ lâu. Khoảng năm 1947, ông đã là quân của Tướng Trần Văn Trà và Nguyễn
Văn Vịnh. Ông đã được Bảo Định Giang qua hồi ký cho biết từ lời gửi gắm của
thủ trưởng đơn vị “đối đãi đàng hoàng và chăm sóc tác giả Lỡ bước sang
ngang”.
Năm 1951, ông đã kết hôn với bà vợ đầu tiên là Nguyễn Lục
Hà (tức Hồng Châu). Bà Hồng Châu xuất thân trong một gia đình có truyền thống
yêu nước và cách mạng. Nhà văn và nhà báo là hai bạn tri âm, tri kỷ về văn chương,
dĩ nhiên kể cả về chính trị, có lẽ đó cũng là một nguyên cớ rất quan trọng để
nhà thơ Nguyễn Bính dấn bước trên con đường cách mạng đã lựa chọn. Khi tập kết
ra Bắc, nỗi thương nhớ vợ con đã trở thành cảm xúc để Nguyễn Bính viết bài
thơ đầy xúc động: Gửi người vợ miền Nam với niềm tin và hy vọng mạnh
mẽ: “Mẹ chân cứng đá mềm chờ đợi/ Em khăng khăng đứng mũi chịu sào/ Chín nắm
xương trắng máu trào/ Lẽ đâu lại chịu công lao dã tràng...”.
Hơn ai hết, có lẽ Nguyễn Bính thấm thía sâu sắc tận đáy sâu
tâm hồn tình yêu quê hương các vùng miền, dù là núi Côi, sông Vy, Hà Thành
hay đất thần kinh Huế, rừng U Minh, sông nước Đồng Tháp hay ruộng đồng Rạch
Giá, Trà Vinh, cũng như đô thành Sài Gòn. Lòng yêu nước và căm thù giặc ngày
càng sâu sắc đã hun đúc nên bản lĩnh của người kẻ sĩ Bắc Hà khi trực tiếp chứng
kiến và tham dự những sự kiện và tiếp cận con người miền Nam.
Theo lời giới thiệu của Đỗ Đình Thọ trong tập Thơ tình
Nguyễn Bính (xuất bản 1991) thì Nguyễn Bính đã đến với cách mạng từ khá
sớm, ngay từ trước 1945 - trước Cách mạng tháng Tám, và cũng theo hồi ký của
Bảo Định Giang, như đã nêu thì Nguyễn Bính cũng đã theo Việt Minh từ những
năm đó. Ngày 23/8/1945, Nguyễn Bính đã có mặt trong đoàn người tham gia Tổng
khởi nghĩa. Nguyễn Bính làm thơ về chủ đề đấu tranh trong kháng chiến chống
Pháp, khắc họa gương chiến đấu của mọi tầng lớp nhân dân. Có thể kể: Tập
thơ yêu nước, Sóng biển cỏ rồi Trăng kia đã đứng ngang đầu,
Những dòng tâm huyết,... Có những bài thơ ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ
vào năm 1953. Có thơ về đấu tranh xuống đường của thế hệ trẻ như học sinh,
sinh viên - Máu chảy trên đường(1950) và gương chiến đấu của thế hệ lớn
tuổi: Ông lão mài gươm (1947).
Những năm theo diện tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính tiếp tục
cho xuất bản những tập thơ và kịch bản sân khấu (chèo), truyện thơ về chủ đề
thời sự là đấu tranh thống nhất suốt những năm từ 1955 - 1964. Có thể nói, hồn
thơ Nguyễn Bính như chín lại, nở rộ một mùa hoa trái mới. Nhà thơ làm cuộc dấn
thân mới vào công cuộc hoà bình, buổi đầu xây dựng và sự nghiệp cách mạng xã
hội chủ nghĩa cũng ở thời kỳ khởi phát.
Nguyễn Bính âm thầm, lặng lẽ đi vào cuộc sống làm ăn bình dị,
tảo tần của quê hương, đất nước qua nhiều vùng miền. Ông đi sâu vào vùng quê
quen thuộc đất Nam Hà (Nam Định - Hà Nam hợp nhất) vào những năm từ 1955 -
1958 cho đến 1966. Bài thơ quê hương là một cuộc tổng kết lịch
sử Việt Nam từ xưa đến nay, không chỉ về hiện thực cuộc sống, mà còn ở cấp độ
cao hơn, khái quát về văn hoá, văn minh thời đại. Đây là một cuộc dấn
thân và nhập cuộc kỳ lạ vào cuộc đổi mới. Những ngày hồi hương về đất Bắc,
Nguyễn Bính đã như đổi khác thật sự, cùng với quê hương, đất nước thay da đổi
thịt. Nhà thơ lãng mạn ngày nào đã thực sử trở thành nhà thơ công dân cách mạng,
hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đổi đời cùng với đội ngũ tiên tiến nhất.
3. Một đời người
Con đường đi đến và đi cùng cách mạng của Nguyễn Bính là một
điều tất yếu. Yếu tố khách quan thúc đẩy và quyết định, nhất là
công cuộc cách mạng và lòng yêu quê hương, đất nước sâu sắc, khát vọng
tự do giải phóng.
Con đường và hành trình cách mạng hoá tư tưởng của Nguyễn
Bính cũng mang những nét đặc sắc. Nhìn chung là thuận chiều, không có những
trắc trở lớn như một số nhà Thơ mới cùng thế hệ. Chế Lan Viên lạc vào siêu
hình nên “đi xa về hóa chậm”. Huy Cận thì chậm chín lại một hồn thơ theo khí
quyển mới cách mạng.
Sau cuộc đấu tranh tư tưởng lớn trong văn nghệ (1955 -
1957), là cuộc thâm nhập thực tế lao động của các văn nghệ sĩ. Rất nhiều nhà
văn, nhà thơ đã đi vào nông thôn, vào xưởng máy, đến với người lao động sản
xuất. Huy Cận chính là người chuyển biến mạnh mẽ nhất trong quá trình ấy.
Nguyễn Bính, do hoàn cảnh, khi thâm nhập vào nhân dân trong kháng chiến ở Nam
Bộ đã đồng thời tự thân tiến hành cách mạng hóa tư tưởng và quần chúng hóa sinh hoạt. Tức là thực sự dấn thân, và thực sự được chuyển hóa. Đó là một may
mắn lớn so với một số nhà thơ thời Thơ mới.
Nguyễn Bính không như Huy Cận, Xuân Diệu ở miền Bắc đã
đành, nhưng cũng không đi theo đường của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng khi bỏ về
Thành. Cùng đại lộ - hướng đến chính nghĩa, nhưng mỗi nhà văn, nhà thơ lại có
những nẻo đường riêng khác biệt.
Cùng với thế hệ Thơ mới, Nguyễn Bính có một hành
trang tương tự rất quý giá: đó là ý thức dân tộc mạnh mẽ, và lòng yêu nước
chân chính. Đó cũng chính là cái phẩm chất cao đẹp của thi nhân, cũng là của
con người Việt Nam trong lịch sử hào hùng: “Lưng đeo gươm, tay mềm mại
bút hoa” (Huy Cận). Nguyễn Bính có thời vướng mắc vào tuần
báo Trăm hoa cùng với ông anh Trúc Đường (thời gian 1956, 1057).
Theo hồi ký của Tô Hoài thì ban đầu “cấp trên” kỳ vọng Trăm hoa là
tờ báo tư nhân, có tiếng nói chống lại luận điệu ngang ngược của Nhân
văn - Giai phẩm nên giúp tiền và giấy cho in báo. Tô Hoài được
giao nhiệm vụ “ thuyết phục” chủ bút. Nhưng rồi trên cũng không có sức
hỗ trợ, báo thua lỗ phải tự đình bản. Điều quan trọng như nhận xét của Tô
Hoài “Tờ Trăm hoa ra một vẻ khác. Không về hùa với Nhân
văn nhưng cũng chẳng đi với ai”. Nhà thuyết khách Tô Hoài tâm sự:
“Tôi bàn lại với Nguyễn Bính. Nguyễn Bính cười: “Trăm hoa phải thế mới
là Trăm hoa của Nguyễn Bính chứ !” Câu trả lời bộc lộ bản lĩnh
cứng cỏi và cốt cách trung thực của nhà thơ. Nghĩa là “trung lập”, không
“theo”, cũng không “đánh” Nhân văn. Thường tình trung lập không phải là
lửa chọn tốt nhất, hay nhất. Tuy nhiên, với Nguyễn Bính cũng như nhiều
người, có được một tiếng nói chính trực có sức tâm phục, khẩu phục tối cao
trong tình thế ấy thật, khó biết bao!
Nguyễn Bính là một nhà thơ lớn, nhà thơ cách mạng đáng trân
trọng, có chỗ đứng vững chãi trong lòng quần chúng nhân dân - những
con người của thời đại mới cách mạng. Nguyễn Bính vẫn đồng hành với
chúng ta trên tư cách người của hôm nay và Người của ngày mai.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét