Thi thoảng trong những đêm xa
nhà, tôi vẫn được nghe tiếng dế thân quen của tuổi thơ vọng lại. Âm thanh
réo rắt vượt qua ngàn dặm không gian, lội băng băng từ miền sâu thẳm thời
gian đến hát bên tai một bài dạ khúc rất đỗi bình dị.
Theo chân một đứa trẻ mang
tên Kỷ Niệm, tôi trở về cánh đồng tuổi thơ buổi áo quần chưa biết đến thơm
tho. Tay cầm chiếc đèn tự chế từ mảnh tôn uốn vòm đóng vào tấm ván và đặt
phía trong đó cây đèn dầu hỏa tù mù. Từ trong làng, trẻ con chúng tôi mỗi đứa
mang theo một ngụm ánh sáng nhỏ nhoi men theo con đê để ra tới bãi đất cồn
chung. Sang mùa hạ, tiếng dế nỉ non như lời chào mừng kỳ nghỉ ngơi của tuổi
học trò.
Tới nơi, chúng tôi tản ra mỗi
đứa một hướng. Ánh đèn dầu trườn đi theo dấu chân thơ ngây, lát sau cánh đồng
lấm chấm điểm những đốm sáng. Trong đêm mang đèn đi bắt dế, tôi mới thấm
thía câu nói của ai đó, rằng mỗi con người đều mang một ánh sáng góp thêm
vào cuộc đời. Đèn lặng lẽ cháy giữa đêm như những bông hoa vừa nở ra từ đất,
cánh đồng rạo rực khai sinh một mùa mới dành cho con trẻ.
Đi bắt dế phải bước rón rén
thật khẽ. Tai phải tập trung hết sức để lắng nghe tiếng kêu của chúng. Loài
dế rất tinh nghịch, chúng biết cách chơi khăm trẻ con bằng cách kêu chỗ này
một chốc rồi trườn qua chỗ khác trú ẩn. Cứ thế, cả cánh đồng như đang bày
trò trốn tìm đầy ma mị, lại như một cuộc thách yêu của loài dế với tuổi dại.
Khi đã định hướng được nơi có
tiếng dế phát ra, ta hạ cây đèn xuống gần đất và soi đèn rà rà về phía đó.
Mắt dế cũng như mắt loài ếch nhái, đều bị ánh sáng làm lóa đi, ngôn ngữ nhà
quê gọi là “đóng đèn”. Đến lúc đó thì dế đứng yên, xòe đôi cánh lên kêu
reng reng như sợ sệt e lệ. Ta quỳ một đầu gối xuống đất, khum bàn tay và úp
lên con dế vừa thách yêu.
Đi bắt dế, mỗi đứa mang theo
một vỏ bao thuốc lá để đựng. Chộp được dế phải đưa lên đèn soi xem, nếu là
dế đực thì bỏ vào hộp thuốc, nếu là dế cái thì thả ra vì dế cái không thể
đá được. Dế cánh màu đỏ gọi là dế lửa, dế than thì cánh màu đen. Dế lửa nhỏ
con hơn dế than nhưng lại đá hăng hơn, thế nên đi bắt dế đứa nào cũng cố
tìm cho được dế lửa. Trong đêm yên tĩnh, tiếng dế hòa thành dàn đồng ca mùa
hạ, thi thoảng có đứa reo lên đây rồi khi chộp được một con dế.
Cũng có khi chúng tôi bắt dế
vào buổi sớm. Ấy là những lần cả lũ trẻ kéo nhau đi đá bóng. Ra tới cồn, bắt
cặp chia phe xong, còn đứa nào thừa ra thì đi bắt dế. Bắt dế buổi sớm mai
không mang theo đèn, dế nó không đóng đèn nên thường ta phải đuổi theo.
Dế bắt được đem về nhà nuôi
trong một cái lon. Trong lon có bỏ đất và trên miệng bịt bằng bao ni lông
chui lỗ cho dế thở. Thức ăn chính của dế là ớt trái. Ớt càng cay càng tốt
vì nó làm tăng độ hăng của dế chọi. Ngoài ra, phải xé thêm một lá khoai
lang để dế ăn lót dạ. Sau vài trận đá dế, có đứa moi một cái lỗ dưới đất rồi
bỏ hộp dế xuống và lấp lại, như thế gọi là “dầm dế”. Dế dầm dưới đất sẽ lấy
lại sức rất nhanh.
Sân chọi dế được ghép bởi bốn
viên gạch trên một khoảnh đất phẳng, hai đứa thả hai con dế của mình vào đó
cho chúng tranh hùng. Con dế nào bỏ chạy coi như thua cuộc. Tiếp tục đứa
khác thả dế của mình vào. Phần thưởng cho người thắng cuộc chỉ là danh dự,
nhưng kẻ thua thì bị ngứt đầu dế dùng để nhử tiếp trận sau. Có lần, mấy đứa
chúng tôi thách nhau đứa nào thắng dế sau này sẽ làm chồng con bé xinh nhất
xóm. Những trận dế vang vang tiếng hò tiếng hét càng khích thêm sự hiếu thắng
con trẻ. Cô bé đã ra đi, mang theo chú dế sính lễ tôi tặng em từ buổi tự tiện
tảo hôn. Những thằng con trai làng đứng trân trân cầm trên tay chiếc hộp giấy
rỗng đựng rất nhiều lời thánh ca mặc niệm của dế.
Ông tôi kể rằng, giữa thế kỷ
hai mươi, trong làng có nhà cụ Tri Thoàn phú quý và túc lễ. Để khích lệ niềm
hiếu học, cụ Toàn có trò đổi dế. Trẻ con trong làng bắt dế đem đến cho cụ
thì được cụ tặng lại một tập giấy để viết. Cụ đem số dế ấy thả vào vườn, mỗi
đêm mỗi sớm, tiếng dế reo vang như hồi chuông thúc giục con cái chăm chỉ học
bài. Nhờ thế nên các con, các cháu của cụ sau này có nhiều người đỗ đạt. Học
theo tiền nhân, trẻ con chúng tôi cũng bắt dế về thả trong vườn. Những hôm
có trăng, trẻ con trải sách ra giữa trời ngồi đọc, bên vườn bầy dế đồng
thanh hát vang.
Những khu vườn hôm xưa ngập
tràn tiếng dế đã nhập hồn vào khu vườn ký ức mỗi đứa con làng. Ở đó, có lời
dụ tình loài dế đánh thức niềm yêu, dế cùng ta học bài, lại có con dế đem
ra đổi tình. Sau này lớn lên mấy đứa bày nhau sắm “dế” (điện thoại di động)
đem đi tán gái. Nhưng xem ra trò dùng con “dế” hiện đại này cũng lỗi thời rồi.
Biết đâu đến một hôm nào đó ta lại dắt em về quê, cùng nhau ra đồng, bắt một
con dế thật và tặng người thương. Dưới ánh trăng hôm ấy, chắc là dế sẽ hát
lời dụ tình hay nhất.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét