Trên thi đàn Việt Nam từ 1930 đến 1945 xuất hiện hai nhà
thơ tình được đông đảo bạn đọc yêu mến. Đó là Xuân Diệu và Nguyễn Bính.
Xuân Diệu đến với bạn đọc yêu thơ qua nhiều bài thơ tình mới
cả về tứ thơ, ngôn ngữ, âm điệu và phương pháp biểu hiện. Thời đó, những ai
đã tiếp xúc với văn học Tây Phương, nhất là với văn học lãng mạn Pháp thì dễ
tiếp thu và rất mê thơ Xuân Diệu. Nhiều người coi thơ ông như một luồng gió mới
tiêu biểu cho thời đại văn minh. Vì thơ tình của Xuân Diệu luôn luôn có cái đắm
say, cái bộc bệch, lại có cái vội vàng hối hả, cuống quýt muốn tận hưởng ngay
những gì hiện có của cuộc đời. Trong trạng thái vui, buồn, hờn, giận, thơ
Xuân Diệu đều nồng nàn tha thiết, đắm say không có chút gì uẩn khúc. Vì vậy
thơ ông đã chiếm lĩnh được tâm hồn của đông đảo thanh niên trong giới trí thức
và tầng lớp thị dân.
Còn Nguyễn Bính đến với bạn đọc như một cô gái quê, kín
đáo, mịn mà, duyên dáng. Người đọc thấy ở thơ ông những nét dung dị, đằm thắm,
thiết tha, đặm sắc hồn dân tộc, gần gũi với ca dao. Cái tình trong thơ Nguyễn
Bính luôn mặn mà, mộc mạc, sâu sắc, tế nhị hợp với phong cách và điệu tâm hồn
của người Á Đông.
Vì vậy, thơ Nguyễn Bính sớm đi sâu vào tâm hồn của nhiều lớp
người và đã chiếm cảm tình của đông đảo bạn đọc từ thành thị đến nông thôn.
Có lẽ, sau truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ có thơ Nguyễn Bính là được nhiều người,
đặc biệt là lớp người bình dân ít chữ thuộc lòng, ngâm nga nhiều nhất. Vì
ngoài phần ngôn ngữ mượt mà, bình dân, dễ hiểu, dễ thuộc, còn một yếu tố khiến
thơ ông trường tồn chính là tiếng nói trong thơ ông cũng là tiếng nói của
trái tim đông đảo nhân dân thời đó.
Ai có dịp đi qua các nẻo đường của đất nước mới thấy sức mạnh
của thơ tình Nguyễn Bính đã thâm nhập trong tâm hồn nhân dân Việt Nam sâu rộng
đến mức nào. Có thể nói: Từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau chỗ nào cũng có người nói
đến Nguyễn Bính và khi nhắc tới Nguyễn Bính là người ta đọc luôn những câu
thơ thường ẩn sâu trong tâm hồn họ từ lâu:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi…
Hoặc:
… Gió mưa là bệnh của giời
Tương tự là bệnh của tôi yêu nàng…
Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo em
Sâu xa hơn nữa, nhiều bà, nhiều chị nông thôn chưa hề biết
Nguyễn Bính là ai nhưng lại thuộc lòng bài Lỡ bước sang ngang. Lúc vui,
khi buồn, lúc nhàn rỗi họ đem Lỡ bước sang ngang ra kể, hát ru con,
ru cháu bằng một giọng thiết tha như kể chuyện lòng mình.
Thơ Nguyễn Bính có cái chân chất, mộc mạc của hương đồng
gió nội, đọc lên ai cũng thấy yêu yêu.
Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em chừng giập miếng giầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng chung một ngõ vội vàng chi anh!
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết… chúng mình… với nhau
(Chờ nhau)
Hoặc:
… Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bầy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng…
(Mưa xuân)
Từ cái chân quê tinh tế, ý nhị trên đây, thơ Nguyễn Bính có
lúc uyên bác như một triết lý nhân sinh:
… Cỏ nằm trên mộ, đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh
(Mùa xuân xanh)
Ta hình dung một bức tranh quê tuyệt đẹp: Trong cảnh trời
xuân nắng ấm, cỏ non mơn mởn, một người con trai đang đứng ngóng đợi… và, từ
xa: Một người con gái thắt chiếc lưng xanh - màu xanh hoa lý - đang tiến lại
gần để cùng người yêu tình tự. Người con gái quê ấy, tác giả không miêu tả
chi tiết về nhan sắc, nhưng qua “cái thắt lưng xanh” người đọc có thể hình
dung chắc hẳn là một cô gái duyên dáng đáng yêu. Tuổi xuân của cô đang phơi
phới dậy thì… Cái hay của tứ thơ là ở chỗ Nguyễn Bính đã phát hiện ra một điều
có ý nghĩa triết lý: Từ cõi chết (những nấm mồ trên bãi tha ma) đang nảy sinh
ra sự sống. Sự sống ấy đang được bắt đầu bằng một tình yêu hẹn hò lứa đôi…
Và, trước cái chết đau thương của người trinh nữ, Nguyễn
Bính kết luận:
… Chỉ một vài hôm nữa thế rồi
Người ta thương nhớ có ngần thôi
Người ta nhắc đến tên nàng để
Kể chuyện nàng như kể chuyện vui…
(Viếng hồn trinh nữ)
Đó là một sự thật!
Thoạt nghe tưởng như có gì bạc bẽo. Nhưng đó là sự đích thực
của cuộc đời không ai chối cãi được. Không riêng gì với người trinh nữ không
quen biết kia, ngay cả với những người thân thiết nhất khi mất đi ai cũng
thương tiếc. Song sự thương tiếc cũng có ngần thôi. Khi nhắc lại người đó, dẫu
là ai, người ta cũng chỉ kể lại những chuyện có liên quan để mà thương, mà nhớ,
mà vui…
Thơ tình Nguyễn Bính là những cung bậc cảm xúc đi từ thấp đến
cao. Trong tình yêu không một trạng thái nào ông không đề cập đến. Khi còn
ngây thơ trong trắng thì “chẳng biết yêu nhau phải những gì?”, và khi đã yêu
thì say đắm, nhớ nhung, đợi chờ, hờn giận, sầu tủi ghen rồi thất tình và oan
nghiệt.
Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
(Không đề)
Anh ơi! Em nhớ em không nói
Nhớ cứ đầy lên cứ rối lên
(Nhớ)
… Anh có thương em hãy cố chờ
Chưa trọn đạo con, tròn nghĩa chị
Lòng nào dám tưởng tới duyên tơ
(Lòng nào dám tưởng)
… Cô nhân tình bé của tôi ơi!
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi…
(Ghen)
… Đêm nay giăng rụng về bên ấy
Gác trọ còn nguyên gió thất tình
(Một mình)
… Cha lo ngại lắm con là gái
Chả có bao giờ biết mặt cha
Con mười sáu tuổi xuân đang độ
Cha bốn năm mươi chửa trót già
Cha buồn tiễn khách hơi thu quạnh
Con thẹn che đàn, nửa mặt hoa
Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được
Bố bố con con chẳng nhận ra”
… Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi! Bạc lắm con!
Ngoài những tình huống chung cho bất kỳ những ai khi yêu,
còn phần đông thơ tình Nguyễn Bính phản ánh sâu sắc, đầy đủ cho cuộc tình
duyên lỡ dở của bản thân ông. Sự lỡ dở của Nguyễn Bính cũng chính là sự lỡ dở
của nhiều lớp người trong cái xã hội đen tối thời phong kiến Pháp thuộc mà
thân phận người nghèo, nhất là thân phận người đàn bà hẩm hiu nhất.
Tiếng nói trong thơ tình Nguyễn Bính là tiếng nói chân thực
nói thay cho những kiếp người bị xã hội đầy họ vào chân tường không lối
thoát. Chỉ từ khi có cách mạng cuộc đời của nhiều kiếp người, nhất là người
phụ nữ mới được giải phóng. Tình yêu của họ mới được tự do.
Đọc thơ tình Nguyễn Bính ta thấy yêu quý tác giả, vì ông có
công phát hiện và sáng tạo ra nhiều ngôn ngữ sâu kín của tình yêu. Thành công
của thơ ông chính là ông đã có nhiều câu thơ hay được nhiều người thuộc. Người
đọc coi đó như tiếng nói của chính lòng mình. Còn một điều nữa cần phải nói đến
là: Người đọc đồng cảm và thương tác giả. Vì cuộc đời tài hoa của ông đi chưa
tới đích đã bị ngã giữa đường.
Là một thi sĩ nghèo, Nguyễn Bính phải lang thang khắp đó
đây để tìm cuộc sống và tình yêu. Suốt từ Bắc vào Nam, ông luôn luôn phải đón
nhận một sự hắt hủi và khinh bạc:
Tâm hồn tôi là một bình rượu nhỏ
Rót lần rót mãi xuống nàng Oanh
Không xua tay nàng vẫn cứ vô tình
Hắt ly rượu hồn tôi qua cửa sổ
(Tâm hồn tôi)
Vì thực ra nếu người ta không “hắt qua cửa sổ” mà cứ yêu
tha thiết thì cũng chẳng có tương lai gì hứa hẹn để đảm bảo hạnh phúc lứa
đôi. Đúng như lời một người tình cũ của ông đã tâm sự với tôi trong chuyến
tôi đi nghiên cứu Nguyễn Bính ở miền Nam (1982).
“Tài thì ở đất này khó có người được như ảnh. Tình thì kể
ra rất đáng thương. Nhưng nếu yêu thương mà lấy ảnh thì lấy chi mà ăn? Lấy
chi đảm bảo hạnh phúc? Cho nên tụi con gái chúng tôi thời đó, kể yêu thì cũng
yêu ảnh thiệt, song đành phải Kính nhi viễn chi!...”.
Quả là đau xót cho một tài năng lỡ dở. Tài cao phận hèn! Phải
chăng từ cái phận hèn đó đã làm nên tài năng Nguyễn Bính? Trong lịch sử văn học
cổ, kim, Đông, Tây ít thấy có trường hợp nào tác giả được toại nguyện mọi thứ
trong cuộc sống mà lại trở thành một tài năng xuất chúng. Puskin, Lécmantốp
(nhà thơ Nga) Lamáctin (nhà thơ Pháp)…cũng do những cuộc tình nguyên lỡ dở mà
có những áng thơ kiệt tác. Cuộc đời ba chìm bảy nổi đã làm nên Nguyễn Du với
truyện Kiều… Chính vì lẽ đó khi ta đọc một số vần thơ thất tình, ủy mị của
Nguyễn Bính, ta không hề giận mà chỉ thương ông. Angđơrê Tơriê, nhà văn Pháp
cũng có một nhận định về quy luật tình yêu như sau: “Tình yêu như một đỉnh
núi cao. Người ta leo lên bằng lời ca, tiếng hát và tụt xuống bằng sự khóc
than”. Ta vui mừng là trong hoàn cảnh xã hội đầy bất công ấy, Nguyễn Bính đôi
lúc khóc than nhưng vẫn cứ tha thiết yêu đời, vẫn đứng vững để miệt mài, lầm
lụi tự vươn lên một tài năng sáng tạo. Và, khi giác ngộ, ông đẫ đến với cách
mạng để tự cứu mình. Chứ không như những ai đó ở phương Tây đã kết thúc cuộc
tình duyên lỡ dở bằng súng lục!
Nguyễn Bính đã đến với cách mạng khá sớm - ngay từ 1945 trước
cuộc khởi nghĩa tháng 8 - trong kháng chiến gian khổ ở Nam Bộ,
Nguyễn Bính đã phấn đấu rèn luyện bản thân, rèn luyện ngòi bút của mình để trở
thành một nhà thơ chiến sĩ trên đất Thành đồng.
Nhà thơ Bảo Định Giang nguyên là trưởng phòng tuyên huấn
Quân khu 8, rồi Quân khu 9 (Nam Bộ) là người trực tiếp lãnh đạo Nguyễn Bính
suốt thời gian từ 1948 đến 1954 đã khẳng định về Nguyễn Bính như sau:
… “Nguyễn Bính là một nhà thơ tiền chiến có mặt đầu tiên
trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Trong quá trình công tác anh có
thái độ chính trị rõ rệt hơn nhiều anh em văn nghệ sĩ cùng thời. Anh Trà, anh
Vịnh và tôi giao cho Bính nhiệm vụ gì là anh hoàn thành xuất sắc. Trong kháng
chiến ở Nam Bộ, Nguyễn Bính là cây bút viết nhiều nhất, hay nhất, thơ của anh
được đông đảo cán bộ chiến sĩ và đồng bào thuộc lòng nhiều nhất. Anh xứng
đáng là một nhà thơ chiến sĩ trên đất Thành đồng của chúng ta…”[1].
Những ngày cuối đời, khác với Xuân Diệu, Nguyễn Bính không
làm thơ tình nữa. Mặc dầu khi đó ông mới ở lứa tuổi 40 - 45. Ông tập trung
bút lực vào việc ca ngợi quê hương, đất nước, con người và công cuộc chống Mỹ,
cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (Đôi mắt, Đêm sao sáng, Gửi
người vợ miền Nam, Bức thư nhà, Bài thơ quê hương…).
Khi bắt đầu cầm bút, để tạo một chỗ đứng trên thi đàn, Nguyễn
Bính đã biết chọn cho mình một lối thơ riêng không giống ai và cũng chẳng ai
bắt chước được ông, khiến người đời vẫn gọi ông bằng những cái tên rất ưu ái,
thân thương: Nhà thơ chân quê, nhà thơ của hương đồng gió nội, nhà thơ lỡ
bước sang ngang, nhà thơ tình yêu. Trong lĩnh vực thơ tình, ông hết sức tỉnh
táo, biết dừng lại khi cần dừng bằng một tâm hồn cao thượng, vị tha của một
con người lịch lãm. Khi đi kháng chiến, Nguyễn Bính vẫn ôm ấp một mối tình hồi
còn ở Hà Nội. Ông hy vọng ngày về sẽ gặp lại người yêu. Nhưng sau hơn chục
năm trở về thì hoàn cảnh đã khác xưa:
… Tình cờ gặp giữa phố đông
Em đi ríu rít tay chồng, tay con
Nét cười vẫn đẹp môi son
Áo bay nhắc buổi trăng tròn sánh vai…
Trước hoàn cảnh đó, Nguyễn Bính đã tỏ một thái độ đúng đắn:
… Chín năm bão tối mưa ngày/ Nước non để có hôm nay sáng trời/
Em đi hạnh phúc hồng tươi/ Anh nhìn tận mắt cuộc đời đẹp sao!/ Sắc hương muôn
nẻo tuôn trào/ Tiếc mà chi giấc chiêm bao một mình!
Sở dĩ có được tâm hồn ấy vì ông đã nhận thức và giải quyết
đúng đắn mối quan hệ mâu thuẫn giữa cái riêng, cái chung. Cho nên:
… Anh về hiến trọn tình anh
Để cho bến mát cây xanh đôi bờ.
Cho sông cho nước tự giờ.
Chẳng còn lỡ chuyến con đò sang ngang
Lứa đôi những bức thư vàng.
Chẳng còn nét nét hàng hàng lệ rơi.
Chim hồng chim nhạn em ơi!
Trên nền gối cưới đời đời có nhau
(Tỉnh giấc chiêm bao)
Bằng vào những cứ liệu trên đây, người đọc có thể tự lý giải
câu hỏi vì sao từ 1957 thơ tình Nguyễn Bính gần như tắt đi để dành cho ngòi
bút điêu luyện của ông vào việc ca ngợi quê hương, đất nước, con người, vào một
thứ tình yêu rộng lớn hơn, đó là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Vì vậy, đến hôm nay đọc thơ Nguyễn Bính ta càng thấy quý mến,
thương cảm và trân trọng ông. Ông xứng đáng được suy tôn là Nhà thơ tình
xuất sắc trên thi đàn Việt Nam thế kỷ XX. Nhà nước đã truy tặng cho nhà
thơ Nguyễn Bính giải văn học cao nhất, đó là giải thưởng Văn học Hồ Chí Minh
(năm 2000).
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh của Nguyễn Bính, chúng ta vô
cùng thương tiếc nhà thơ. “Thiên tài bạc mệnh”, cuộc đời trôi nổi của ông đến
lúc chết cũng chẳng được yên [2].
[1] Trích Hồi ký của Bảo Định Giang viết
cho Đỗ Đình Thọ 1982 tại Sài Gòn.
[2] Nguyễn Bính phải di mộ tới 4 lần mới yên.
Đỗ Đình Thọ
Nguồn: Trăm năm Nguyễn Bính, Truyền thống & Hiện đại.
Nhiều tác giả. Hội thảo khoa học về Nguyễn Bính do Viện Văn học & Trường Đại học Văn Lang tổ chức. NXB Hội Nhà văn, 07-2018.
Theo https://trieuxuan.info/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét