Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Lê Bá Duy với trái tim thắc thỏm

Lê Bá Duy với trái tim thắc thỏm
(Đọc tập “Ngang Qua Mùa Hạ”,
thơ Lê Bá Duy, NXB Hội Nhà văn 2014)
Ngang qua mùa hạ là đầu sách thứ 9 và cũng là tập thơ thứ 8 của Lê Bá Duy kịp thời ra mắt bạn đọc trong mùa Nguyên Tiêu trùng với Lễ Tình nhân 2014, giữa một ngày nắng xuân xôn xao cùng gió biển phả lên đồi thi nhân như thể hòa những cảm xúc ban đầu khi cầm tập thơ trên tay ngỡ đang điểm mùa hương sắc. Ngang qua mùa hạ gói gọn chủ đề trình tự như từng bước lên lớp của một nhà giáo mẫu mực. Mà đúng vậy, từ một nhà giáo làm thơ hẳn trái tim thắc thỏm từng ngày để khi Ngang qua mùa hạ đọng lại trong mỗi tâm hồn cái đẹp hiện hữu thường trực quanh ta đâu riêng gì tác giả.
Tôi vẫn thích đi ngược với dòng chảy tự nhiên, đọc từ phần cuối Cho ta - cho người hay phải chăng điểm nhìn có thể là số lượng lớn nằm trọn năm mươi trang (trong 96 trang cả tập) tương đương với tập thơ mỏng. Và phải chăng đây là một khám phá lớn của người tiếp nhận cốt lõi tập thơ từ một nhà giáo có nghiệp văn chương như Lê Bá Duy đã từng trăn trở thú thật đầy khiêm tốn: “Chưa làm được một bài thơ về nhà giáo/ Khi tôi tóc đã điểm sương rồi”; nhà thơ đâu tự khen mình “Những gì tôi làm được chỉ là hạt cát” (Viết trong ngày hiến chương Nhà giáo). Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa như là pháp lệnh truyền đạt không thể thiếu, nhà giáo trong nhà thơ luôn suy tư về mảnh đời học sinh cơ nhỡ: “Lại nhặt nhạnh từng đồng rau cộng cỏ/ Các em thơ gánh nước buổi tan trường/ Ai đã thức từ mờ sương mới tỏ/ Chút vung tay có như kẻ qua đường” (Tình nghèo). Rồi anh “mong nhận những tấm lòng nhân ái, sẻ chia…” (Thắp sáng ước mơ). Đó còn là trách nhiệm chung của cộng đồng với lớp trẻ côi cút, không thể thờ ơ, hãy cùng nhường cơm sẻ áo, là rách lành đùm bọc, là khi tối lửa tắt đèn của họ hàng làng xóm bên nhau. Thì ra, nhà giáo Lê Bá Duy đã “cho người” trước khi “cho ta”. Cho ta chỉ là những hoài niệm nuối tiếc mà vô cùng nghiệt ngã trong cặp câu lục bát gợi tả rất ấn tượng:
“Thời gian cong một cánh cung
Lắp tên kỷ niệm ngắm trùng trùng buông”
(Ký ức học trò)
Có thể từ trên trục thời gian cong một cánh cung ấy dễ dàng là điểm trượt về quá khứ, chỉ chút gió thoảng qua đủ làm trái tim thi sĩ nhói đau. Nhưng hình tượng mũi tên kỷ niệm chính là cái đích để khơi nguồn cảm xúc “Gặp nhau xuân thoáng tái tê/ Ba mươi năm lại đi về vấn vương” (Ký ức học trò). Và giá như trên cùng trục thời điểm, lắp vào đấy là một mũi tên “thực tại” hay “tương lai” thì sẽ mở ra cánh cửa mới đang cần khai thác, nhưng thường nỗi buồn luôn đồng hành trái tim đa cảm thì tứ thơ mới bộc lộ, sẽ là: “Đêm đêm nhìn vầng trăng lung linh trước ngõ/ Anh thấy mình chìm trong mưa/ Chìm trong tột cùng nhức nhối/ Chấp chới đôi tay bấu lên trời níu giữ một vầng trăng…” (Dự cảm). Có thể đó là lúc anh hụt hẫng chỉ biết bấu víu vào vầng trăng, cái đẹp nguyên khôi hiện hữu lửng lơ trên cao nào thấu hiểu cho nhân vật “anh” tái tê giá buốt. Trái hạnh phúc như vầng trăng kia đâu thể cố định, mọi nguyên nhân cuộc sinh ly trong phạm vi hôn nhân và gia đình có thể không đồng nhất về quan niệm sống, một khi đã làm tổn thương cho nhau. Thà vậy còn hơn phải cầm tù trái tim như khi “Nghe em ly hôn”*, nhà thơ đánh thức: “Đã qua dòng chảy đục ngầu/ Đã qua… quay lại từ đầu bến vui”. Riêng anh chẳng cần úp mở: “Có nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ em” gói ghém cồn dâng một tứ thơ bốn khổ lặp đi lặp lại như thể bộc bạch tìm sự đồng cảm sẻ chia trong cuộc lữ hành sa mạc đang va vấp nắng và gió và cát tuy khách quan mà nghiệt ngã, có lựa chọn nào hơn dẫu là xương rồng vẫn cứ bung hoa trổ quả:
“Em và anh
người bộ hành và xương rồng trên cát
dìu nhau qua cõi này”
(Hoa xương rồng)
Và một khi đã “Dìu nhau qua cõi này” thì nụ cười đằm thắm trên môi hơn, lời một nhà giáo nhắc nhở nhẹ nhàng mà thâm thúy: “Đường đời/ ngại vật ngổn ngang/ Đôi chân vững/ bớt giữa đàng/ ngã đau”(Nói với bé). Đến lúc phải biết giải phẫu nỗi buồn khi ngày mới bừng lên: “Những bài thơ - không chỉ những bài thơ/ Là giai điệu từ trái tim nhân ái/ Trong giàn tấu bản hợp âm đồng loại/  Cứ vọng dài ngân mãi đến ngàn sau…” (Đọc thơ anh).
Đến với “Ngang qua mùa hạ” ta còn bắt gặp ngôn ngữ thơ được phân dòng hay muốn tạo ra một khoảng lặng cảm xúc của thi sĩ trong một số bài thơ như “Hoa Xương Rồng”, “Em Lại Về”, “Đợi Buồn”, “Bài thơ thứ nhất cho người” đến “Bài thơ thứ hai cho người” *:
“Nốc và nốc…
Men không làm ta say
Men làm ta đau
Sau từng đêm trăn trở…”.
Vật lộn với trăn trở mộng mơ khao khát sau từng đêm thức tỉnh, thi sĩ nhận ra nơi nuôi dưỡng tâm hồn không đâu xa lạ chính là lúc “Trở về Tình giang”*, hay từng bước trên vùng đất chạy dọc đồng bằng duyên hải miền Trung khi dừng lại “Chiều trên hồ Việt An”*, “Gửi Hội An”* hay ngược lên Tây nguyên thưởng thức “Hạt ngọc Plei-ku”* đến lúc không thể cầm lòng “Viết ở Buôn Mê”*, nhưng dẫu gì với nhà thơ vẻ đẹp của làng hiển hiện:
“Đêm mơ trong ánh trăng ngần
Làng không lên phố quây quần trẻ thơ
Giật mình tiếc một giấc mơ
Và tôi ray rứt dại khờ một tôi”
(Làng tôi)
Nhưng trên hết một trái tim thắc thỏm của nhà giáo, nhà thơ Lê Bá Duy đó là tri ân nguồn cội chất chồng, những hụt hẫng mất mát: “Nhớ thương dạ cứ bời bời/ Nén hương thoảng vọng những lời mẹ ru”(Nhớ mẹ); Là tấm gương nhắc nhở trân trọng nâng niu: “Những ngày mẹ ốm cha chăm/ Như cây giữ lửa âm thầm cuối đông/ Nâng niu tình nghĩa gánh gồng/ Truân chuyên chồng chất lưng còng chẳng than” (Lục bát cho cha). Trong sự bình yên một tuổi thơ “Con có mẹ con chơi rồi lại ngủ” (Con cò, Chế Lan Viên), còn riêng anh lúc này:
“Một ngày
không mẹ
bần thần
Trái tim thắc thỏm ngàn lần nhói đau”
(Viết bên sông mẹ)
Quả đúng vậy, cảm ơn nhà thơ đã nói hộ chúng ta về tình mẫu tử ruột rà, gia đình là chiếc nôi truyền thống nuôi dưỡng nhân cách tâm hồn, là chỗ dựa vững tin nhất để hình thành bản lĩnh sống hoàn thiện trong một con người, yêu thương và sẻ chia hết thảy với hoàn cảnh những mảnh đời bất hạnh. Và chính từ đó, đọc “Ngang qua mùa hạ” chúng ta càng quý mến nhà giáo, nhà thơ Lê Bá Duy hơn nữa.
Xuất phát từ trái tim yêu người yêu nghề, nhà giáo Lê Bá Duy cũng bao lần Ngang qua mùa hạ đã cháy xanh xao ấp ủ mỗi chủ đề trong toàn tập thơ, bước đầu cũng là sự tiếp nối những tập thơ trước từ cấu trúc hình thức đến lựa chọn ngôn ngữ thơ, một sự dày công mẫu mực nghiêm túc thường ngày, nhưng vẫn nghiêng về thể lục bát nhất là cả chùm thơ Dâng lên cha mẹ!
“Ngang qua mùa hạ” chính là "Ngang trời nắng hạ vừa xanh" (Có và không)…
Tuy Phước,15.3. 2014
Nguyễn Thị Phụng
Theo http://newvietart.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...