Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Nỗi buồn đánh thức

Nỗi buồn đánh thức 
(Đọc tập thơ KHOẢNG MỎNG của Lê Bá Duy -NXB Văn học, 2011)
Tôi đã đi cùng Duy hết "Khoảng mỏng” hiểu "nỗi đau”, sẻ chia "cơn khát”, thấm thía cái nhọc nhằn của "hạnh phúc là khi ta nuôi dưỡng được mình” và chợt phát hiện một điều thú vị: Thơ Duy như được đánh thức bằng nỗi buồn.
Nếu không có cách trở của "hai phương trời cách biệt” thì làm sao có "lời trái tim”? Nếu không có cuộc chia tay thì chàng thi sĩ cũng chẳng "nốc cạn rượu sim” để "khà men đắng” và nếu không có tin nhắn nửa đêm thì liệu Duy có "thắp lửa đi cày đồng Văn” hay không? Buồn thì ai mà chẳng buồn? Nhưng chắc chắn nỗi buồn đến với thi sĩ sẽ thi vị hơn người bình thường vì thi nhân sẽ gọi tên được cảm xúc chìm vào đó để suy ngẫm. Trong xa cách, Duy hiểu cái trăn trở của "một đời cô độc oằn vai” và cái thảng thốt khi mất mát:
"Em giờ em của người ta
Ta giờ ta của riêng ta với đời”
Câu thơ nửa trách hờn, nửa ấm ức nhưng sự giải tỏa thật bất ngờ: Ta không là của em "vì em không còn là của ta nữa” thì ta của đời vậy. Đời là những gì ta còn lại sau khi mất em, chữ "đời” khái quát mà ấm áp. Và như vậy buồn nhưng không có nghĩa là chấm hết vì "cây đời mãi mãi xanh tươi” mà.
Ngoài đời có lẽ Duy nhạy cảm nên thơ rất trữ tình. Nước mắt rơi thấm đẫm từng câu thơ, ướt nỗi buồn nhưng cách biểu hiện của anh rất điềm đạm và nhân hậu:
"Đi trong nước mắt mà cười
Lặng trong bão tố xin đời bao dung”

Nếu có ai từng nói rằng: "Không có gì đau khổ hơn lúc đắng cay ta nhớ về hạnh phúc” thì tôi muốn tặng Duy câu khác: "Không gì mạnh mẽ bằng lúc đắng cay ta vẫn cười hạnh phúc”. Thơ nhân hậu nên người rộng lượng:
"Biết không duyên nợ ba sinh
Thì đừng ép trái tim mình khổ đâu”
Nói thì vậy thôi chứ nỗi đâu chia ly vẫn như ám ảnh: "Chuyện xưa trầu quấn lấy cau, nghìn năm tích vẫn trong nhau nghẹn ngào”. Chàng thi sĩ nặng tình không chỉ buồn mà còn suy ngẫm, chiêm nghiệm được rất nhiều điều về cuộc đời và tình yêu rồi quyết định: " Thả vào mây trắng mênh mang nỗi buồn”. Áng mây của Thôi Hiệu lững lờ từ ngàn năm trước giờ vẫn còn và ngàn năm sau vẫn thế. Nỗi buồn sẽ nhẹ đi theo mây trôi bồng bềnh vì cuộc sống sẽ trôi mãi. Nước mắt rồi sẽ khô, nỗi nhớ rồi qua chỉ có mây trắng là còn. Duy thật sâu sắc khi gửi nỗi buồn vào áng mây.
Đi qua nỗi niềm trong những đêm mất ngủ, những ngày suy tư. Duy chợt nghiệm ra rằng:
"Đã qua mất nửa con đường
Bể đâu đã trãi, vấn vương đã từng”
Thương hải biến vi tang điền, biển có thề thành nương dâu thì đôi khi sóng tình cũng không còn mãi chỉ nỗi đau còn lại xanh cùng ngàn dâu. Trải nghiệm, ghi nhận, suy ngẫm đề rồi kết tinh lắng đọng thành thơ, đó là trường cảm xúc của nỗi buồn trong thơ Bá Duy.
Buồn đề sâu lắng hơn, bao dung hơn và cũng để sống tốt hơn. Phải chăng đôi khi con người cũng cần những khoảng lặng như vậy?.
Nhà bè 26.6.2011
THIÊN THANH
Theo http://newvietart.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...