Đây đúng là một tuyển tập truyện ngắn của đồng bằng sông Cửu
Long, do các nhà văn người chính gốc hay đang sống ở miệt này viết ra - văn
phong, mà trong đó tiêu biểu là phương ngữ cứ ngời ngợi nét riêng, không lẫn
vào đâu!
18 nhà văn góp mặt trong tuyển tập này, hầu hết là nhà văn lớp
sau, còn trẻ, sáng tác trong “bầu khí quyển ngôn ngữ” đang từng ngày được phổ
thông hóa, cập nhật hóa với tốc độ không chậm. Vậy mà chất riêng của một vùng đất
qua hệ thống phương ngữ vẫn đậm đặc trong một tập hợp cốt truyện rất hiện đại.
Gần như trong hầu hết 400 trang sách, ở đâu người đọc cũng có thể bắt gặp
phương ngữ của vùng cực Nam của Tổ quốc, thể hiện phong phú trên các khía cạnh: từ ngữ gọi tên sự vật, hiện tượng; từ ngữ xưng hô; từ ngữ chỉ tính chất, hành
động; cách diễn đạt, v.v...
Xin trích dẫn một số dẫn chứng tiêu biểu, qua đó, nêu lên vài
nhận xét, đánh giá bước đầu về hiệu quả nghệ thuật của cách sử dụng phương ngữ
trong tuyển tập truyện ngắn này.
1. Một số dẫn chứng tiêu biểu:
1. 1. Từ ngữ gọi tên sự vật, hiện tượng:
1.1.1. Liên quan đến sông nước:
- xuồng tam bản; ghe tam bản; kinh rạch (Đường về - Lê
Đình Bích)
- xuồng cui; be xuồng; con kinh nhỏ (Giữa dòng nước lũ –
Anh Đào)
- tàu đò; mùa nước nổi; nước nổi lêu bêu (Sông Hậu xuôi về -
Nguyễn Lập Em)
- vọc nước (Vết thương thứ mười ba - Trang Thế Hy)
- bùng binh xáng; con rạch nhỏ; vàm (Kỷ niệm thoáng qua - Khai Phong)
- lũ chụp đồng (Có một mùa mưa - Hồ Tĩnh Tâm)
- bàu cá; con lung; vỏ đò (Miên man quê chị - Nguyễn
Thanh)
- xuồng ba lá; vệt kinh; con lạch (Một người bị bỏ quên –
Hào Vũ)...
1.1.2. Liên quan đến sản vật, cây trái:
- xị đế; ba xị đế (Đường về - Lê Đình Bích)
- lùm điên điển; bông điên điển; bông súng; bồn bồn; lít gạo
(Giữa dòng nước lũ – Anh Đào)
- ổi xá lị; chùm bông giấy (Ông già đến từ Busan – Vũ Hồng)
- nhưn bánh xèo (Vết thương thứ mười ba – Trang Thế Hy)
- khoai mì (Khóc hương cau – Phan Trung Nghĩa)
- cục hoét; cây đủng đỉnh; trái dừa điếc (Chim lá rụng –
Thai Sắc)
- đống chà; cá linh (Tro bụi trên sông – Ngô Khắc Tài)
- bánh bò (Có một mùa mưa - Hồ Tĩnh Tâm)
- cây cầu khỉ (Miên man quê chị - Nguyễn Thanh)
- bánh tằm; keo tương ớt (Thập giá gỗ - Lê Đình Trường)
1.1.3. Liên quan đến các sự vật, hiện tượng khác:
- bồ bịch; người thăm nuôi; xe đò (Xe tăng và ruồi –
Đoàn Văn Đạt)
- bạc cắc; bồ nhí; thân chủ; kiếng nhốp; chiếc xe lôi đạp (Thuốc
đắng – Anh Động)
- gió chướng; dây luộc (Không có cái truyện ngắn nào cả -
Phạm Trung Khâu)
- chiếc xe đạp trụi không ve không thắng; vết thẹo; con bịnh;
lính kiểng (Vết thương thứ mười ba – Trang Thế Hy)
- đèn hột vịt (Kỷ niệm thoáng qua – Khai Phong)
- đờn; đờn bầu (Chim lá rụng – Thai Sắc)
- ông nhà đèn (Có một mùa mưa - Hồ Tĩnh Tâm)
- hộp quẹt (Thập giá gỗ - Lê Đình Trường)
- áo bà ba đen (Một người bị bỏ quên – Hào Vũ)...
1. 2. Từ ngữ xưng hô:
- ổng; thằng nhỏ (Giữa dòng nước lũ – Anh Đào)
- bả; thằng chả (Thuốc đắng – Anh Động)
- tía má; cưng; thẳng (Sông Hậu xuôi về - Nguyễn Lập Em)
- con nhỏ (Tiếng hót trong lồng - Trịnh Bửu Hoài)
- bả; ảnh; mậy (Vết thương thứ mười ba – Trang Thế Hy)
- chả (Một người bị bỏ quên – Hào Vũ)...
1.3. Từ ngữ chỉ tính chất, hành động:
- linh binh; máng (đầy giẻ rách); vẹt (đám đông); gom (tiền
hàng); giở (mùng chui ra); mập ú; xài (Giữa dòng nước lũ – Anh
Đào)
- hôi thúi; rã ruột; ăn đại; ráng ăn; cắn giựt thịt; nhào vô;
đực rựa; hì hợm; quá giang (xe đò) (Xe tăng và ruồi – Đoàn Văn Đạt)
- để miết; rặt; nhức mình thấy mồ; thỏn mỏn; ớn xương sống;
(tay) chỏi (ra) (Thuốc đắng – Anh Động)
- buồn hiu; ưng; tròm trèm; xụ xuống; dần dừ; chù ụ; quạu quọ;
cự nự; chấp nê (Sông Hậu xuôi về - Nguyễn Lập Em)
- lột (áo mưa); cự; rành (quá rồi chớ); (đánh) nống (qua); bự
con; xía vô; bóng dợn; sồn sồn, trổ mã (con gái); nhào vô; bình bồng; (chạy)
lòn tòn (Vết thương thứ mười ba – Trang Thế Hy)
- lần lựa; o ép; vàng rượm; (nhảy) loi choi (Không có cái
truyện ngắn nào cả - Phạm Trung Khâu)
- quày quả; dụm đầu (Kỷ niệm thoáng qua – Khai Phong)
- bự; lụm cụm; lãng nhách; nói lén; tỉnh queo (Tro bụi trên
sông – Ngô Khắc Tài)
- cặm quán; rổn rảng; yếu xìu; minh mông; riết róng (Có một
mùa mưa - Hồ Tĩnh Tâm)
- sớm bửng; xăng xốm; rủ ren; bẻ chĩa; bự ế bà bung; nằn nằn;
rộng rinh; nhúc nhắc; phập phều; thụt ló; đỏ lợ; xả láng (Miên man quê chị -
Nguyễn Thanh)
- toòng teng; chưng hửng; khuya lơ khuya lắc (Một người bị bỏ
quên – Hào Vũ)
- cười sặc; giòn rụm; xí gạt; chút xíu (Nhạc rừng –
Lương Hiệu Vui)...
1.4. Cách diễn đạt:
- ngó mông ra đồng nước quạnh hiu (Giữa dòng nước lũ –
Anh Đào)
- nhắm mắt ăn đại; nói chuyện phải quấy (Xe tăng và ruồi –
Đoàn Văn Đạt)
- trị bá chứng; quái chiêu thấy mồ; đo chân xuống nhà sau;
ngũ ba cái nệm nhức mình thấy mồ (Thuốc đắng – Anh Động)
- và riết chén cơm; má (mẹ) tôi xụ xuống (Sông Hậu xuôi về -
Nguyễn Lập Em)
- vẽ chi cho cực vậy (Ông già đến từ Busan – Vũ Hồng)
- ngồi tuốt ngoài này; ổng quậy một trận quá cỡ; ghẹo ba mày
chơi; rành quá rồi chớ gì; bề gì cũng có bà con với nhau; nghỉ chơi với súng ống
(Vết thương thứ mười ba – Trang Thế Hy)
- riết rồi không còn một giọt sữa (Khóc hương cau – Phan
Trung Nghĩa)
- tướng tá hằm hè; bộ ông nói lén con hả (Tro bụi trên sông –
Ngô Khắc Tài)
- coi mòi dữ dằn lắm; ngu tới tối trời luôn; sống mình ên
thui thủi; giả đò ngó lơ (Có một mùa mưa - Hồ Tĩnh Tâm)...
v.v...
2. Một vài nhận xét, đánh giá về hiệu quả nghệ thuật:
2.1. Phương ngữ góp phần tạo nên diện mạo riêng của văn xuôi
cũng như truyện ngắn đương đại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Điều này không mới, vì nếu đã đọc Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam,
Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức...độc giả chắc chắn nhận ngay ra nó. Và
đó cũng chính là một trong những sức hút mạnh mẽ đối với người đọc về một miền
văn chương đậm phương ngữ - lạ, độc đáo và đầy khơi gợi.
Vấn đề ở chỗ, như đã nêu trên, hầu hết các tác giả trong tuyển
tập này đều là những nhà văn thuộc lớp sau, những nhà văn đương đại, viết văn
trong sự ào ạt phát triển của công nghệ thông tin với sự cọ xát, va đập, hấp thụ
ngôn ngữ giao tiếp phổ thông và hiện đại rất mạnh mẽ, vậy mà những trang viết của
họ vẫn đậm đặc phương ngữ, tạo nên diện mạo độc đáo của văn chương vùng đất cực
Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Mà đây không hoàn toàn là do dụng công nghệ thuật, nghĩa là
các nhà văn không cố tình, gượng ép “cài đặt” phương ngữ vào tác phẩm của mình
để nó có chất đồng bằng sông Cửu Long, kể cả các nhà văn “ngụ cư” như: Lê Đình
Bích, Thai Sắc, Hồ Tĩnh Tâm, Hào Vũ. Đọc tác phẩm, ta thấy, các dạng phương ngữ
xuất hiện đều hết sức tự nhiên như chính cuộc sống, con người nơi đây hồn nhiên
hiển hiện trên trang giấy vậy. Không kể các truyện ngắn mà cốt truyện gắn chặt
với người nông dân và ruộng vườn - đương nhiên, phương ngữ được dùng với mật độ
dày đặc, các truyện ngắn viết về đề tài khác như về giới nghệ sĩ, về người nước
ngoài, về tôn giáo...(Tiếng hót trong lồng - Trịnh Bửu Hoài; Ông già
đến từ Busan – Vũ Hồng; Thập giá gỗ - Lê Đình Trường...), phương
ngữ cũng xuất hiện với liều lượng phù hợp, hài hòa và vẫn biểu lộ rõ diện mạo
văn chương vùng này.
Các truyện ngắn có số lượng phương ngữ nhiều phải kể đến
: Giữa dòng nước lũ – Anh Đào; Thuốc đắng – Anh Động; Sông
Hậu xuôi về - Nguyễn Lập Em; Vết thương thứ mười ba – Trang Thế
Hy; Có một mùa mưa - Hồ Tĩnh Tâm; Miên man quê chị - Nguyễn
Thanh...Có tác phẩm dày đặc phương ngữ như Vết thương thứ mười ba của
Trang Thế Hy. Gần như câu văn nào của tác phẩm này cũng hiển thị phương ngữ ở
những dạng khác nhau. Thử đọc một đoạn của ông: “Tội nghiệp cái ông đại
tá này quá chừng, người dưng mà thương má y như cậu vậy. Ổng hiền
khô. Ba nạt ổng, ổng cười trừ. Má nói vui: “Con coi có ngược
ngạo chưa? Một ông trung tá thương binh về hưu nạt nộ một ông đại tá
tại ngũ y như tư lịnh nạt lính vậy”.
Như vậy, có thể nói, phương ngữ là một nét nghệ thuật tiêu biểu
góp phần làm nên diện mạo văn chương nói chung, văn xuôi và truyện ngắn nói
riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, ít nhất là trên phương diện hình thức và ngữ
dụng học. Cái diện mạo ấy nếu được gọi tên, có thể sẽ là: “ngôn ngữ văn xuôi đồng
bằng sông Cưu Long đương đại đậm chất phương ngữ”.
2.2. Phương ngữ góp phần thể hiện sinh động cảnh sắc và tính
cách con người độc đáo của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Như liệt kê ở trên, những ví dụ tiêu biểu về các dạng khác
nhau của phương ngữ đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện trong các truyện ngắn đã
phần nào giới thiệu với độc giả toàn bộ cảnh sắc và tính cách con người vùng đất
mới này - cảnh sắc và tính cách con người mang nét độc đáo so với các vùng miền
khác trên đất nước Việt Nam.
Đó là một miền sông nước mênh mông, chằng chịt kênh rạch mà
các phương ngữ (danh từ, động từ, tính từ...) dùng để biểu hiện nó là vô cùng
phong phú, đa dạng (xem mục 1.1.1 và mục 1.3). Có thể nói, chưa một vùng miền
nào trên đất nước ta có đuợc một tập hợp phương ngữ gọi tên, miêu tả cảnh sắc
sông nước và những gì liên quan đến sông nước lại dồi dào, giàu có như ở đồng bằng
sông Cửu Long. Và điều đó đã được 18 nhà văn nơi đây thể hiện thật rõ nét và
sinh động trên tác phẩm của mình. Chỉ để gọi tên các loại phương tiện giao
thông thủy cũng đã có: xuồng tam bản, ghe tam bản, xuồng cui, tàu đò, vỏ
đò, xuồng ba lá... Chỉ để gọi tên và miêu tả sự mênh mông của đồng bằng sông nước
cũng đã có : mùa nước nổi, nuớc nổi lêu bêu, lũ chụp đồng, bùng binh
xáng, linh binh, minh mông...
Cảnh sắc riêng của đồng bằng sông Cửu Long còn hiện lên qua
phương ngữ chỉ các sản vật, sự vật, hiện tượng khác (xem mục 1.1.2 và mục 1.1.3
). Không còn từ ngữ nào đắc địa hơn các phương ngữ này khi viết về đồng bằng
sông Cửu Long với những: ba xị đế, ổi xá lị, nhưn bánh xèo, cục hoét,
trái dừa điếc, đống chà, bánh tằm, bánh bò, gió chướng, đèn hột vịt, áo bà ba
đen, cây cầu khỉ, hộp quẹt...
Hệ thống từ ngữ xưng hô và cách diễn đạt trong hành văn của
18 truyện ngắn này đã góp phần bộc lộ khá rõ nét tính cách độc đáo của con người
đồng bằng sông Cửu Long (xem mục 1.2 và mục 1.4). Nói một cách công bằng hơn,
chính tính cách con người và phong cách ngôn ngữ trong giao tiếp của một vùng đất
đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn phong của các nhà văn. Chỉ có ở đồng bằng sông Cửu
Long (và một số nơi khác ở Nam bộ) mới có một hệ thống từ ngữ xưng hô đặc biệt;
một mặt là hiện thân của phẩm chất trung thực, ngay thẳng, bộc trực và có chút
ngang tàng của con người vùng đất mới, mặt khác, xét trên phương diện ngữ dụng
học, là những từ ngữ mang đậm tính chất giản lược, khái quát và đầy gợi cảm, gợi
tả: ổng, bả, ảnh, chả, mậy, thẳng, cưng...
Chỉ đọc một vài kiểu diễn đạt của nhà văn Trang Thế Hy trong
truyện ngắn Vết thương thứ mười ba, thấy tính cách độc đáo với những phẩm
chất nêu trên của con người nơi đây là khá rõ: ổng quậy một trận quá cỡ;
ghẹo ba mày chơi; rành quá rồi chớ gì; bề gì cũng bà con với nhau; nghỉ chơi với
súng ống...
Hay như trong truyện ngắn Có một mùa mưa của Hồ
Tĩnh Tâm – một nhà văn quê Quảng Trị nhưng chọn đồng bằng sông Cửu Long làm quê
hương nữa của mình: coi mòi dữ dằn lắm; ngu tới tối trời luôn; sống mình
ên thui thủi; giả đò ngó lơ...
2.3. Phương ngữ - một trong những yếu tố
làm nên vẻ đẹp riêng của 18 truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long.
Đã có thời, người ta coi văn của Hồ Biểu Chánh là thứ văn “cục
mịch”, “quê một cục”, vì theo họ, đã là văn chương thì ngôn ngữ trong đó phải
là thứ ngôn ngữ bác học, phổ thông. Gần đây, quan niệm này cũng đã được xem xét
lại và tiểu thuyết của nhà văn miệt vuờn này được đón đọc, nghiên cứu một cách
nghiêm túc và công bằng hơn, nhất là đối với những người quan tâm đến phương ngữ
Nam bộ nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Tất cả là nhờ không khí đổi
mới trong văn học nghệ thuật được dấy lên và quan niệm về sáng tác cũng như lý luận tiếp nhận văn chương đã có những bước phát triển mang tính đột phá. Người
ta quan tâm đúng mức hơn đến “chất riêng” của tác phẩm trên bình diện ngữ dụng
học, trong đó có phương ngữ.
Phương ngữ không chỉ xuất hiện trong giao tiếp ngôn ngữ hàng
ngày mà còn tồn tại như một yếu tố nghệ thuật trong các tác phẩm văn chương, nhất
là kiểu văn bản tự sư. Phương ngữ không còn là “đặc sản” của một vùng miền nào
mà dần dần trở thành “tài sản” chung của cộng đồng người sử dụng tiếng Việt.
Chính vì điều đó mà phương ngữ, trong sự xuất hiện với liều
lượng hài hòa ở mỗi tác phẩm văn chương cụ thể đã góp phần tạo nên giá trị nghệ
thuật nhất định cho tác phẩm đó.
Hiểu như vậy, có thể khẳng định, tuyển tập 18 truyện ngắn chọn
lọc của các nhà văn đồng bằng sông Cửu Long là những tác phẩm mang vẻ đẹp
riêng, mà một trong những yếu tố quan trọng tạo ra vẻ đẹp đó chính là phương ngữ.
(*) Nhà Xuất bản Mũi Cà Mau - Ban Liên lạc Hội Nhà văn
Việt Nam tại ĐBSCL - 2003.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét