Hoa Mút mật.
Nhớ mùa hè năm lên sáu tuổi, cha tôi mua về ngòi
bút lá tre cắm vào cán bút cũng bằng tre chấm mực tập viết, tập sổ những nét
bút ngang dọc đầu tiên trong đời mình, sao mà bỡ ngỡ chi lạ. Giờ giải lao, thường
ra vườn ngắt hoa dâm bụt đỏ chơi trò mua bán, sau đó nhanh chân bẻ hoa mút mật
nhắp trên môi để còn vào học tiếp. Hoa mút mật nở đỏ cả hàng rào quanh nhà, lũ
chúng tôi thường bẻ cả chùm rồi cẩn thận rút từng cái hoa mật bé như ngòi bút
lá tre ấy, nặn mật vào chai dầu nhị thiên đường hồi đó. Thỉnh thoảng cũng đưa
lên miệng nếm cái vị ngọt cho đỡ thèm. Mật hoa thì có chút xíu. Vậy mà cũng
thích tranh phần mật của một loài chim: Chim mút mật. Nếu dùng phép so sánh thì
đến 100 lần nặn một trăm cái hoa mật mới bằng một giọt nước mắt. Bởi mật hoa
cũng trong veo cơ mà. Chỉ có điều đưa lưỡi nếm thử nước mắt nó mằn mặn, còn mật
hoa thơm và tinh khiết.
Chúng tôi đổi một buổi sáng để có một chai mật
hoa dầu nhị thiên đường, bằng năm xu của bà ngoại cho mua một cây cà rem chia
nhau mút. Có hôm tôi không mút, mà cắn một miếng lớn cho đã thèm, nên phụp hết
một nửa phần trên, thế là nửa dưới không thể bám vào que kem, giữ lại không kịp.
Tiếc, mà đâu thể nhặt lên được. Sững sờ nhìn nó tan dần trên mặt đất. Thế đấy,
ăn cũng phải học, mút cũng phải học. Hoa mút mật chỉ nở trong dịp hè. Sang thu,
chúng tôi đến trường với ngòi bút lá tre trên trang vở đã thay thế chuyện hoa
mút mật đầu trần bên hàng rào ấy.
Tuổi thơ chúng tôi chỉ quanh quẩn ở cửa Lí Môn hiền hòa
mát mẻ. Từ cổng vào đến cuối con đường là hàng rào chè xanh, hàng rào dâm bụt,
hàng rào hoa mút mật, đan xen là những bụi tre gai, những cây keo lâu năm ra
trái ngọt cong cong như vòng đeo tay hấp dẫn. Trên ấy có bao nhiêu loài chim về
ca hát theo mùa, có những loài chim trùng tên với đặc tính và âm thanh vốn có của
nó.
Và cứ mỗi ngày hè ở nhà, chúng tôi thường tranh
nhau hái hoa mút mật, mà chẳng hề để ý đến cái tổ chim mút mật như thế nào, vì
loại chim ấy bé lắm, nhỏ lắm như chú chim sâu ấy mà.
Còn giống chim “khách khách” có màu đen bé hơn
bìm bịp nâu một chút, thường đứng trên những nhánh tre trước cổng nhà hót
“khách… khách…”. Chị tôi thường bảo ra xem chim khách ấy quay đầu về nhà ai là
dăm ba bữa, nhà đó cũng có họ hàng bà con từ xa về thăm, đến giờ cũng bặt tăm nữa
rồi.
Nhưng thông minh nhất vẫn là họ hàng dồng dộc biết
tước nhỏ những lá lúa lá cỏ ngoài đồng, tha về làm tổ ở thật kỳ công. Mỗi lần
nghe tiếng chim rít rít trên cao, ngước lên thấy bao nhiêu là chiếc giày treo
lơ lửng. Chúng tôi đếm thử hai, ba, bốn, năm,… rồi bùm bằng cách dùng cây khèo
nèo tre chắp dài cả hàng chục mét, kéo xuống. Thò tay vào bên trong, có tổ có
những hai ba con chim non chưa mọc lông, chưa mở mắt, có tổ còn nguyên ba bốn
cái trứng lớn gấp đôi hạt sầu đông... Bên cạnh là cái tổ thứ hai, cũng treo lơ
lửng như cái mũ len hình chóp nhỏ úp xuống, có quai ngang qua, đấy là nơi dồng
dộc trống đứng trên cái quai ấy canh phòng vệ giống nòi mình. Cũng bị chúng tôi
chiếm hữu cho bằng được mới thôi. Mặc cho dồng dộc cha đội chiếc mũ vàng đứng đấy,
mặc cho dồng dộc mẹ với màu áo nâu vàng hiền lành cũng xa nhìn lại mà ấm ức. Cả
xã hội loài lông vũ đâu có cơ quan, tòa án xét xử trừng phạt kẻ gây tội phá hoại
sự sống từ trong trứng nước, hay đền bù sự thiệt hại tổ ở kia! Cứ thế cái thú
phá tổ chim tự do mở rộng di căn sang mí nhỏ trong xóm.
Thế rồi… bẵng đi một thời gian, chúng tôi trở về
thăm khu vườn xưa. Im vắng quá. Nhìn lên cây keo nhánh cành gầy guộc, lưa thưa
màu lá xanh, không thấy chiếc giày ống treo trên cành keo nữa. Cái gốc tuy gai
góc ngày nào khỏe khoắn, giờ cũ kỹ vỏ già bạc phếch bung ra, lũ mối có cơ hội
ùn lên làm tổ, keo thành củi mục hóa đất.
Bây giờ, hàng rào hoa mút mật trước đây chúng tôi tha hồ
bẻ thành mười hai đoạn nhỏ chơi ne, chơi nẻ,… cũng còn lại trong ký ức với cây
cà rem ngày nào. Nay, cũng còn sót lại bụi mút mật nhỏ trong góc vườn cho mùa
hè nở đỏ hoa kỷ niệm.
Bây giờ, tôi thèm nghe lại tiếng chim “khách… khách…” mỗi
sớm mai hay trưa chiều, dẫu quanh nhà là hàng rào lưới B40 chật hẹp, vẫn không
thiếu tiếng se sẻ, chích chòe hay có cả mấy anh chào mào râm rang. Còn loài
chim dồng dộc đã mang theo tổ chúng về đâu, khi bao mùa lúa chín vàng đang chờ
đợi.
Có tiếc, cũng đã muộn!...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét