Thứ Hai, 11 tháng 2, 2019

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương - Từ đêm đông ấy

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương
Từ đêm đông ấy
Nếu Đỗ Nhuận đi tu nghiệp nước ngoài để viết nhạc kịch thì Nguyễn Văn Thương đi tu nghiệp nước ngoài để viết giao hưởng. Ông là bậc thầy soạn nhạc giao hưởng Việt Nam
Đêm giao thừa Tết Kỷ Mão 1939, có một học sinh Huế không có tiền tàu xe về nhà ăn Tết, đã phải ở lại Hà Nội lang thang buồn nhớ giữa mưa phùn và rét mướt. Lúc ấy, không ai biết chính nhờ hoàn cảnh đó, cậu học sinh 20 tuổi ấy đã dâng trào lên một cảm xúc để tìm đến một ca khúc trữ tình để đời trong tân nhạc thời tiền chiến. Đấy là ca khúc "Đêm đông" của Nguyễn Văn Thương.
17 tuổi đã nổi tiếng bằng tác phẩm đầu tay
Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22-5-1919 tại Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Ông là con trai một gia đình công chức ở Huế nên đã được học đàn nguyệt để chơi ca Huế từ năm 9 tuổi. Bên cạnh đàn nguyệt, ông còn học thêm các nhạc cụ Tây phương. Ngay năm 1936, ông đã viết tác phẩm đầu tay "Trên sông Hương". Ca khúc này đã được nhóm Myosotic xuất bản rộng rãi ở Hà Nội. Mùa thu 1938, sau khi đỗ thành chung ở Quốc học Huế, gia đình cho Nguyễn Văn Thương ra học ban tú tài ở Trường Thăng Long - Hà Nội. Ông và một người bạn nữa trọ học tại nhà số 10 ngõ Hội Vũ. Bởi thế nên mới có cái đêm giao thừa xa nhà lần đầu tiên, Nguyễn Văn Thương cùng bạn bách bộ tới ga Hàng Cỏ, rồi lại quá bộ đến tận phố Khâm Thiên có xóm cô đầu.
Khi ấy, ở xóm chỉ còn 2 căn nhà để đèn, mở cửa. Nghe tiếng chân qua đường, cô gái vội bước ra định đón khách, nhưng rồi thất vọng quay vào, ghé mình vào gương treo cạnh cửa, từ từ đưa cánh tay trần vuốt lên mái tóc. Hình ảnh ấy và tiếng gió lùa trên cửa sổ nhà trọ đã trở thành ám ảnh trong Nguyễn Văn Thương, khiến ông bắt đầu hình thành trong đầu đoạn nhạc tả về tiếng gió với ca từ giàu hình ảnh đã gặp: "Đêm đông - Xa trông cố hương buồn lòng chinh phu/ Đêm đông - Bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng/ Đêm đông/ Đêm đông - Thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư/ Đêm đông - Ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…". Một ca từ chịu ảnh hưởng nhiều văn chương Tự Lực Văn Đoàn thời bấy giờ. Đoạn nhạc theo ông vào Sài Gòn khi làm việc ở Bưu điện Thành phố. Nhờ anh bạn Kim Minh hoàn chỉnh lời ca khi Nguyễn Văn Thương đã tìm được đoạn đầu cho phù hợp với đoạn điệp khúc nói trên, "Đêm đông" mới chính thức được hoàn chỉnh. Trong một đêm ca nhạc của Tổng hội Sinh viên ở Sài Gòn sau đó, ca sĩ Nguyễn Thị Thiều đã hát "Đêm đông" rất hay. Người xem tán thưởng nhiệt liệt. Họ không ngờ tác giả của ca khúc với những lời ca già dặn kia chỉ là một chàng trai mới ngoài đôi mươi.
Từ lãng mạn sang hiện thực cách mạng
Thành công của "Đêm đông" đã kích thích Nguyễn Văn Thương tiếp tục sáng tạo. Làm việc ở Bưu điện Sài Gòn, nhân một lần đi qua Trường Nữ trung học Gia Long, nhìn cảnh tượng hàng trăm tà áo trắng nữ sinh tung bay như đàn bướm trắng nhởn nhơ giữa ngày đẹp trời, Nguyễn Văn Thương đã đầy rung cảm hát lên một thanh xuân chan chứa. Ông gọi nhạc phẩm này là "Bướm hoa". Lại vẫn là người bạn Kim Minh làm lời: "Trời bình minh lướt theo chiều gió/ Bướm bay, bướm bay chàng đi tìm yêu…". Song, cũng như nhiều nhạc sĩ thời ấy, Nguyễn Văn Thương cũng có nhiều cảm hứng yêu nước, cảm tình cách mạng khi tham gia phong trào Hướng Đạo. Ông viết "Lên núi Bạch Mã", "Ngày xanh", "Trên đường khuya"… cho đến ngày Tổng khởi nghĩa là "Dưới bóng cờ".
Trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Thương rời khỏi ngành bưu điện, bước vào sáng tác chuyên nghiệp ở vùng tự do khu 4. Khi ấy, bên cạnh những "Người Hà Nội" (Nguyễn Đình Thi), "Trường ca sông Lô" (Văn Cao), "Du kích sông Thao" (Đỗ Nhuận)…, Nguyễn Văn Thương đã thét lên một tráng ca về quê hương Bình - Trị - Thiên của ông trong một đêm xúc động khi nghe tin quê hương bị quân xâm lược giày xéo. Bài hát ra đời như một ngọn lửa đốt cháy bừng bừng lòng yêu nước và căm thù: "Bình Trị Thiên khói lửa". Đây là tác phẩm lột xác của Nguyễn Văn Thương khi chuyển hẳn bút pháp từ lãng mạn sang hiện thực cách mạng. Tráng ca được mở đầu bằng những điệu hò và lý miền Trung giàn giụa và ướt ròng 23 địa danh qua ca từ kể dùng thủ pháp vần lưng, những địa danh thấm vào lòng người để rồi biết đớn đau như da thịt, chảy ra như máu: "Hướng về Nam - Ai từng vô sông Hương từ rương Thiên Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi Nong/ Hướng về Nam - Ai đã vô Đông Hà đã qua Ngô Xá đã đi Bích La, Thúy Ba, Triệu Phong…".
Bậc thầy soạn nhạc giao hưởng Việt
Hòa bình ở miền Bắc, Nguyễn Văn Thương tập kết ra Hà Nội và phụ trách Đoàn Văn công Trung ương. Ông bắt đầu thử nghiệm mình trong nhạc không lời khi viết nhạc cho vũ kịch và thơ múa như "Chim gâu", "Múa ô", "Chàm rông"… và đặc biệt là "Tấm Cám" tràn đầy âm hưởng dân ca Bắc Bộ. Ông cộng tác với Ngọc Phan viết độc tấu sáo trúc "Lý hoài Nam", cộng tác với Hoàng Dương viết độc tấu cello "Quê hương", "Buôn làng vào hội"... Tác giả của "Đêm đông" lãng mạn ngày nào giờ tràn đầy lãng mạn mới trong tình khúc "Bài ca trên núi", viết cho phim "Vợ chồng A Phủ" với ca từ của nhà văn Tô Hoài - một tình ca ngắn nhất trong các tình ca Việt Nam với hơi thở dân ca người Mông Tây Bắc: "Ớ… Đầu trời có sao chiều sao sớm/ Đầu núi kia có (ở) hai người/ Dù đi cùng trời dù đi khắp núi/ Trời chỉ có - Chỉ có sao sớm sao chiều/ Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau".
Nếu Đỗ Nhuận đi tu nghiệp nước ngoài để viết nhạc kịch thì Nguyễn Văn Thương đi tu nghiệp nước ngoài để viết giao hưởng. Người nhạc sĩ đã từng chuyển soạn bản nhạc Pháp "Cỗ xe trong rừng" cho mandoline và guitar thời chống Pháp giờ đây đã trở thành nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Thương với thơ giao hưởng "Đồng khởi" được dàn nhạc giao hưởng Leipzig trình diễn dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng - TS Foster. Ở giao hưởng, những nhịp thuần Việt như 5/8, 7/8 được ông sử dụng rất thành công cùng với các nhạc cụ gõ như mõ, cồng… Một đội quân tóc dài ta thường biết qua ca khúc "Dáng đứng Bến Tre" của Nguyễn Văn Tý đã được thế giới biết đến từ những năm tháng chống Mỹ qua thơ giao hưởng "Đồng Khởi". 
Khai mở dòng nhạc nhẹ
Sau ngày thống nhất đất nước, Nguyễn Văn Thương trở thành Hiệu trưởng Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Nhận thức được thời đại của nhạc nhẹ, ông đã nhanh chóng cử các ca sĩ và nhạc công sang học nhạc nhẹ ở các nước Đông Âu. Và cũng ngay lập tức mở chuyên khoa nhạc nhẹ trong trường. Bên cạnh khí nhạc, ông vẫn không quên viết ca khúc. Những ca khúc "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ" (thơ Tố Hữu), "Dâng người tiếng hát mùa xuân", "Hà Nội mùa thu tuyệt vời" … vẫn được mến mộ không kém gì "Đêm đông", "Bài ca trên núi"…
Ông thật xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2000. Hai năm sau, ông đã ra đi khỏi cõi đời ở tuổi 84.
Nguyễn Thụy Kha
Theo https://nld.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...