Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

Tư tưởng lý luận, phê bình văn học trung đại

Tư tưởng lý luận, phê bình 
văn học trung đại 
Sau một thời gian khá dài vồ vập với các lý thuyết văn nghệ phương Tây, giờ đây giới lý luận, phê bình bắt đầu nhận ra rằng không phải lý thuyết nào của phương Tây cũng thích hợp với việc nhận thức thực tiễn văn học, nghệ thuật Việt Nam và rộng hơn là văn học, nghệ thuật phương Đông (1). Đã xuất hiện một xu hướng tìm về với mỹ học, lý luận văn học truyền thống phương Đông. Cũng đã hình thành những chương trình từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước nghiên cứu tư tưởng văn nghệ truyền thống Việt Nam. Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương đang đảm nhiệm một đề tài nghiên cứu như vậy. Nói đến tư tưởng lý luận văn nghệ thời trung cận đại của ta trước hết phải nói đến tư tưởng lý luận văn học. Trong số các nghệ thuật ở thời trung đại thì nghệ thuật ngôn từ là bộ phận phát triển nhất, trong lý luận văn nghệ thì lý luận về văn học được phát biểu tập trung nhất, đặc biệt là tư tưởng thi học.
Ở thời trung đại, lý luận, phê bình có nhiều điểm khác so với lý luận, phê bình từ TK XX về sau, tức thời hiện đại. Khác về nội dung trong các quan niệm văn học là đương nhiên, điều muốn nói ở đây là sự khác biệt ở cách thức tồn tại. Lý luận, phê bình ở thời hiện đại là một bộ môn chuyên biệt, có bộ máy tư duy riêng của mình là tư duy logic, hệ thống khái niệm, hình thức diễn đạt chủ yếu là văn xuôi nghị luận, ngôn từ giữ tính khách quan tối đa. Trong khi đó, thời trung đại ở ta không có những nhà tư tưởng, nhà lý luận kiểu như Platon, Aristotle của phương Tây, hay Lưu Hiệp, Viên Mai của Trung Quốc, những quan niệm văn học thường được chính những người sáng tác là nhà văn, nhà thơ phát biểu, nhiều khi bằng thơ ca hoặc văn xuôi hình tượng. Chẳng hạn Nhữ Bá Sĩ, nhà thơ ở đầu TK XVIII, đã trình bày lý do, yêu cầu của sự viết trong một thi luận:
Xuân đi rồi xuân lại trở lại
Sức bút phải nên mới mẻ luôn
… Không có sức theo đuổi ngọn giáo dài
Thì mượn ngòi bút để làm thân vậy
Có tấc dạ trở thành cây bút lớn
Nên hạ bút vẫn chờ mong có thần.
(Phi điếu nguyên âm, Đỗ Văn Hỷ dịch)
Câu Sức bút phải nên mới mẻ luôn nói về yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật; câu Nên hạ bút vẫn chờ mong có thần có lẽ mượn ý của câu thơ Đỗ Phủ: Sách đọc vỡ muôn quyển/ Hạ bút như có thần, nói về đặc thù sáng tạo của thi nhân
Khi cần phát biểu quan niệm về văn chương, các nhà nho của chúng ta như Lê Quý Đôn, Nhữ Bá Sĩ (và nhiều người khác nữa) thường nhắc đến bài thơ của Đỗ Phủ:
Văn chương thiên cổ sự
Đắc thất thốn tâm tri
Tác gia giai thù biệt
Thanh danh khởi lãng thùy
(Văn chương là sự nghiệp ngàn đời
Được hay mất chỉ tự mình biết
Nhà văn thì không ai giống ai
Thanh danh để lại chẳng phải chuyện chơi)
Lê Quý Đôn nhận thấy ở đây một quan niệm nghệ thuật đích thực và ông bình luận: “Văn chương là của chung thiên hạ, ý kiến mỗi người một khác, phân tích thì được chứ không nên chê mắng”. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu và nhiều người khác nữa đều có những quan niệm văn nghệ được phát biểu bằng thơ. Hai câu thơ kết thúc Truyện Kiều: Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh chắc chắn là có thể hiện quan niệm của người đương thời về một thể loại văn học là truyện nôm. Cụ thể là thái độ xem truyện nôm chỉ là loại nghệ thuật mua vui, không được coi trọng. Hay câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà, cũng là một thái độ quyết liệt của nhà văn trong việc sử dụng văn chương cho những mục tiêu xã hội - đạo đức. Trước một thực tế như vậy, khi tìm hiểu quan điểm về văn học, chúng ta cũng cần chú ý đến những bài thơ viết như một thi luận. Dĩ nhiên sẽ phải lưu ý đến đặc thù của ngôn ngữ hình tượng, mục đích sáng tạo của tác giả, tức là lưu ý đến những giới hạn của loại tư liệu này. Về quan niệm văn học ở thời trung đại, ngoài những phát biểu bằng loại văn sáng tác, chúng ta cũng còn phải chú ý đến cách phân loại thư liệu của các nhà thư tịch học, sử học, chẳng hạn như cách làm của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú(2), rồi sự phê điểm khuyên những chữ đắt, câu hay của người đọc văn bản.
Bộ phận văn học cổ gần nhất với cái mà ngày nay ta gọi là lý luận, phê bình là các bài tựa, bạt ở các thi tuyển, những thư từ trao đổi giữa các văn nhân, đặc biệt là những thi thoại, rồi những bài ít nhiều có tính khảo cứu văn học như trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ chẳng hạn. Trong tác phẩm này, Phạm Đình Hổ có một số bài khảo sát các đặc điểm của văn học Việt Nam qua những thời đại, sự tiến triển của các thể văn: kinh nghĩa, tứ lục, thể thơ... Đáng chú ý nhất là cuốn thi thoại hiếm có của Việt Nam: Thương Sơn thi thoại, tác giả của nó là nhà thơ Miên Thẩm (1819-1870). Về quy cách, đây rõ ràng là sự phỏng lại các thi thoại Trung Quốc, như Tùy Viên thi thoại của Viên Mai chẳng hạn, song nó cũng cho thấy lý luận, phê bình văn học của ta có một bước tiến rõ ràng. Quan sát các quan niệm văn học từ TK XIV qua Lê Quý Đôn ở thế kỉ XVIII, đến hết TK XIX, ta có thể nói về một sự phát triển như vậy. Về sự tiến triển của tư tưởng lý luận phê bình qua các giai đoạn thời trung cận đại cần có bài viết riêng, ở đây chỉ nêu những đặc điểm có tính loại hình.
Những đặc tính loại hình thể hiện qua các phạm trù lý luận và lối phê bình mà các nhà nho của chúng ta thường vận dụng. Có thể nêu những phạm trù và một số đặc điểm của lối phê bình thời trung đại như sau:
Về chức năng của văn học: văn tải đạo, thơ nói chí (văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí). Ta thấy quan điểm này có trong văn học Việt Nam ngay từ bài tựa Việt âm thi tập tân san của Phan Phu Tiên (đầu TK XV): “Trong lòng có điều gì tất hình thành ở lời; thơ là để nói chí vậy”. Cách hiểu như vậy về văn học được các nhà nho nước ta tiếp nhận từ Trung Quốc. Văn học Việt Nam ra đời sau văn học Trung Quốc khoảng XV thế kỷ và có mối quan hệ chặt chẽ với nền văn học vĩ đại này, quan hệ của nước chịu ảnh hưởng. Các quan niệm văn học từ thời Khổng tử qua Lưu Hiệp (465-532), Tiêu Thống (501-534), Chung Vinh (468-518) Hàn Dũ (768-824), rồi đến Viên Mai (1716-1797) sau này đã ghi những dấu ấn đậm nét lên quan niệm văn học của các nhà nho nước ta. Cố gắng của các nhà nho chúng ta trong lĩnh vực này là giải thích những tư tưởng văn học đã biết, hầu như cũng không ai có ý phủ định, đề xuất những quan điểm mới vê nguyên tắc. Bản sắc Việt Nam trong lĩnh vực này có lẽ chỉ là ở chỗ giải thích, nhấn mạnh khía cạnh dùng văn học để phục vụ cho những mục tiêu chính trị - đạo đức. Quan điểm của Nguyễn Văn Siêu về hai loại văn chương: không đáng thờ và đáng thờ có màu sắc ấy (“loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là chuyên chú ở con người”). Hoặc như Ngô Thì Sĩ viết: “Thơ dù là ngâm vịnh mây ráng, thưởng thức gió trăng, nhưng kỳ thực là không rời khỏi đạo thường của cha con vua tôi, không ngoài việc đạo lý làm người và việc thường dùng hàng ngày: nào là đạo cha con, tình anh em, lễ thày trò, nghĩa bè bạn đều tỏ ra ở lời thơ”(3).
Vấn đề tác giả và tác phẩm: văn (thơ) là người. Vấn đề mối quan hệ gắn bó giữa thơ ca và nhà thơ được các nhà nho chúng ta phát biểu rất nhiều. Thơ ca thể hiện thể tính và trải nghiệm của nhà thơ. Thể tính là cá tính, tính khí, nó thuộc về cái tự nhiên, trải nghiệm (đời sống và học vấn) thuộc về văn hóa. TrongNam Sơn tùng thoại có ghi lại cuộc đàm thoại giữa Nguyễn Đức Đạt (1824 - ?) với học trò: “Có người hỏi: Nhà văn phần nhiều rơi vào khinh bạc, văn chương xui nên như thế chăng?”. Ông trả lời: “ Lời khinh bạc (là do) con người khinh bạc chứ văn có dự gì”. Hỏi: “Văn và người (quan hệ thế nào)?”. Trả lời: “Văn như con người của nó. Văn thâm hậu thì con người của nó trầm mà tĩnh; văn ôn nhu thì con người của nó ôn mà hòa; văn cao khiết thì con người của nó đạm mà giản; văn hùng hồn thì con người của nó cương mà nhanh; văn uyên sâu thì con người của nó thuần túy mà đúng đắn” (4). Với quan niệm văn là người như thế, nên việc phê bình văn thơ luôn là phê bình phong cách.
Với phê bình phong cách, khi đánh giá văn chương của một thời hoặc của một người, nhà phê bình thường chú ý đến thần khí, thể cách, tức là những yếu tố làm nên phong cách văn học, liên quan với nhau. Nguyễn Tư Giản viết: “Bàn về văn của văn nhân, có văn nghĩa lý, có văn chính sự, có văn từ chương, mà cốt yếu là ở thần khí, thể cách”. Có phong cách văn học của cá nhân, cũng có phong cách văn học của thời đại. Phong cách cá nhân thường là giọng thơ riêng: “Thơ ông Chuyết Am (Lý Tử Tấn) kỳ lạ mà tiêu tao; thơ ông Vu Liêu (Nguyễn Trực) mạnh mẽ mà khích động; thơ ông Tùng Xuyên (?) như chàng trai xông trận, có vẻ sấn sổ; thơ ông Cúc Pha (Nguyễn Mộng Tuân) như cô gái chơi xuân, có vẻ mềm yếu;…” (Nguyễn Dữ). Văn chương mỗi thời cũng khác nhau liên quan đến thế đạo của thời đại: “Mỗi thời đại dấy lên đều có một nền văn chương của nó. Mà khí chất thịnh hay suy, thể cách mạnh hay yếu đều liên quan đến thế đạo thăng trầm” (Nguyễn Tư Giản); “thơ người thời xưa lấy hùng hồn làm gốc, bình đạm làm khéo…, thơ người đời nay lại khác: hễ không có giọng đong đưa, tất có giọng mai mỉa” (Phùng Khắc Khoan). Nhận xét về phong cách văn học sau thời Trung hưng, Vũ Khâm Lân cho rằng: “Sau thời Trung hưng, thể văn ngày càng thấp kém, lời văn thì rất đỗi vụng về, nhưng cái nguyên khí hồn hậu còn chưa tan”.
Phê bình phong cách không xa lạ gì với các nhà nho ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, lối phê bình này rất thường gặp: “Giả Nghị tuấn kiệt nên lời văn sạch sẽ và cái thể trong sáng; Tư Mã Tương Như ngạo mạn và dối trá nên lý thì quá đáng mà lời thì tràn ngập; Dương Hùng thâm trầm lặng lẽ nên ý vị của văn ông sâu; Lưu Hướng giản dị nên văn có thú vị rõ ràng và việc bàn rộng; Ban Cố tao nhã, tốt đẹp nên văn kín đáo và tứ tươi; Bỉnh Tử chìm sâu, thông suốt nên sự suy nghĩ của ông chu đáo và văn ông kín; Vương Sán vội vàng, sắc, đọc thấy đột ngột, nhưng mạnh mẽ, quả cảm; Từ Tông người khoáng đạt nên âm thanh thoải mái và điệu văn đi xa; Thúc Dạ tuấn kiệt nên hứng cao, sắc thái rực rỡ; An Nhân nhẹ mà nhanh nên mũi nhọn lộ ra và vần trôi chảy; Sĩ Hành trang trọng, tình dồi dào, văn hàm súc…”(5). Phong cách văn học (những đặc sắc riêng về thể văn, lời văn, tứ, vần điệu nội dung và hình thức…) do cá tính, tức tài năng và thể chất riêng của từng người quy định. Về cơ bản, giá trị của văn chương mỗi người do các yếu tố tài năng, khí chất, học vấn và rèn luyện làm nên. Lưu Hiệp viết: “Văn lý sắc hay cùn không thể vượt khỏi tài năng. Văn khí cứng hay mềm không thể khác với khí chất. Sự nghĩa nông hay sâu không thể trái với học vấn. Thể thức tinh hay thô không thể ngược với sự rèn luyện” (6). Nhìn chung, các nhà nho của chúng ta cũng không đi ra ngoài những quan niệm ấy.
Quá trình sáng tạo: tâm - cảnh, tâm - lời. Dù có nhiều cách diễn tả khác nhau, nhưng về cơ bản các nhà nho xưa đều hình dung quá trình sáng tạo thơ ca như sau: trước hết là tâm đối cảnh, trong cuộc sống hàng ngày, con người gặp, đối diện với cảnh vật thiên nhiên, sự việc của đời sống xã hội; những điều trông thấyđó gây nên những xúc cảm trong tâm con người. Khi tâm động nảy ra ý muốn thể hiện ra một cách cụ thể bằng âm thanh tự nhiên (âm nhạc), hoặc âm thanh nhân tạo là ngôn lời (thơ ca). Trong bài tựa cho Phong trúc tập, Nguyễn Dưỡng Hào diễn tả ý này một cách hình tượng như sau: “Trúc không có ý với gió, nhưng gió đến thì trúc động sinh ra tiếng; lòng người ta không chứa cảnh vật, nhưng tiếp xúc với cảnh vật, lòng người cảm xúc mà thành thơ. Gió đi thì trúc lặng, việc đi thì lòng trống không. Trong các sự vật như chim bay, cá nhảy đều có thể trở thành cái chốt của cảm xúc lòng người”. Ở trong bài này ông cũng phân biệt hai thứ tiếng: âm thanh tự nhiên (ông gọi là tiếng nguyên chất - của trời) và ngôn lời (tiếng rườm rà - của người), “tiếng người thì phân biệt tà chính, mà tiếng trời thì không có chính tà”(7). Nguyễn Quýnh, một tác giả ở TK XIX lại diễn tả quá trình này bằng những hình tượng khác, song cách hiểu thì nhất quán: “Người như sông biển, chữ như nước, hứng như gió. Gió thổi tới sông biển cho nên nước lay động làm thành gợn, thành sóng, thành ba đào. Hứng chạm vào người ta cho nên chữ trỗi dậy, không thể nín được mà sinh ra ở trong lòng, ngâm vịnh ở ngoài miệng, viết nên ở bút nghiên giấy mực” (8). Chữ hứng khá phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ở đây chí ít nó cũng được hiểu như một cái gì đó thuộc về ngoại cảnh khách quan. Như vậy tâm là yếu tố quan trọng nhất của hệ thống quan điểm văn học, thơ ca là sự thể hiện tâm hồn, tâm trí chứ không phải hiện thực khách quan. Truyện Kiều trước hết thể hiện tấm lòng của Nguyễn Du (đau đớn lòng) chứ không phải những điều trông thấy. Những điều trông thấy là của Thanh Tâm tài nhân. Cái gốc là ở tâm: “Tố Như tử dụng tâm đẫ khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết…” (Tự, Mộng Liên Đường chủ nhân). Tuy vậy khái niệm quan trọng này có nhiều những cách giải thích khác nhau, thêm nữa, cũng như nhiều khái niệm khác, ở ta không thấy ai xác định một nội dung khoa học chặt chẽ cho nó. Tâm liên quan thế nào đến đạo, đến chí? Tại sao thể hiện tâm lại là nói chí, tải đạo? Về những vấn đề này, Nguyễn Bỉnh Khiêm phát biểu: “Ôi nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới vậy, mà thơ lại là để nói chí. Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, có kẻ chí để ở sự nhàn dật…”. Phùng Khắc Khoan nói: “Cái gọi là thơ thì không phải là láu lưỡi trong tiếng sáo, chơi chữ dưới ngòi bút thôi đâu, mà là để ngâm vịnh tính tình, cảm động mà phát ra ý chí nữa” (tựa tập Thơ ngôn chí). Qua những diễn đạt trên, ta có thể nghĩ rằng họ hiểu tâm gồm có chí - nhận thức (đúng đắn) và tính tình (thất tình: yêu, ghét, mừng, vui, thương, sợ, ham muốn). Tư liệu quá ít nên đấy chỉ là giả thiết, điều chắc chắn là có sự thay đổi trong cách hiểu khái niệm tâm trong nội dung thơ qua các thời kỳ khác nhau.
Tiêu chí đánh giá: tính tự nhiên, chân thực. Trong việc đánh giá văn học, các nhà nho xưa luôn coi trọng nội dung hơn hình thức, đánh giá cao cái thực, cái chân, coi nhẹ thủ pháp, kỹ xảo: “Lời càng khéo thì càng mất điều chân thực (chân), ý càng kỳ thì càng rơi xuống hư hao” (Nguyễn Văn Siêu). Nhưng chân thực là gì? Chân thực không phải là hiện thực đời sống như cách hiểu của phê bình hiện đại. Chân thực là sự thành thực (hồn nhiên) trong việc bộc lộ tính tình. Vì vậy các nhà nho luôn đề cao sự tự nhiên trong sáng tác: “Văn quý ở chỗ nào?- có người hỏi Nguyễn Đức Đạt. Ông trả lời: “Quý ở tự nhiên”, “Chất như cây, văn như hoa”., “Lý thấu suốt thì văn kỳ lạ, tu dưỡng sâu thì văn mênh mông”. Cũng theo tinh thần ấy mà Nguyễn Văn Siêu đề cao lối sáng tác vô ý khi bàn về vẽ truyền thần cũng là về sáng tạo nghệ thuật nói chung: “Tôi nghĩ: hữu ý không bằng vô ý. Vô ý mà làm nên thì tự nhiên, hữu ý mà làm nên thì sẽ rơi vào khắc hoạch… Nắm được nó (tinh thần sự vật - TBĐ) nơi tâm, thể hiện nó nơi tay, đó là cái gọi là tự nhiên vậy”. Điều cốt yếu trong việc viết văn như vậy là ở việc tu dưỡng tinh thần, đạo đức.
Về phương diện văn bản ta thấy ngôn ngữ trong các bài phê bình phần nhiều mang tính khoa trương, sử dụng nhiều biện pháp tu từ: hình ảnh, nhịp điệu, so sánh ví von, văn nghệ thuật còn lấn át văn khoa học. Ở trên là những đặc điểm cơ bản nhất của tư tưởng lý luận, phê bình văn học trung đại nước ta.
Ghi chú:
1. Trịnh Bá Đĩnh, Tiếp cận văn học Việt Nam từ các lý thuyết phương Tây, Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, số 2-2012.
2. Trần Nho Thìn, Một vài vấn đề đặt ra xung quanh việc phân loại thư tịch của Lê Quá Đôn và Phan Huy Chú, Tạp chí Văn học, số 4-1981, tr.14.
3, 4, 7, 8. Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1981, tr.125, 173, 50, 103.
5. Lưu Hiệp, Văn tâm điêu long, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr.194.
6. Phương Lựu, Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1989, tr.62.
Trịnh Bá Đĩnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013
Theo http://vhnt.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian Với câu chuyện thời gian, tôi và nhiều người khác thường nghĩ ngay tới nhà văn Pháp vĩ đại Ma...