Đối với tất cả các tác giả văn học trung đại nói chung, đặt vấn
đề cá tính sáng tạo, theo đúng cái nghĩa khắt khe của từ này, có lẽ chưa hẳn đã
xác đáng, bởi trong một nền văn học mà yếu tố phi ngã nhiều khi nổi bật lên như
một định đề trung tâm, thì không phải đã có nhiều tác giả có ý thức mạch lạc về
hoạt động sáng tạo nghệ thuật của mình. Với những truyện Nôm bác học ở thời kỳ
đầu của sự hình thành thể loại như Song Tinh bất dạ (1), khi mà các yếu
tố của văn học bình dân vẫn còn xâm thực, thì đặt vấn đề tìm hiểu cá tính sáng
tạo càng là một yêu cầu nan giải. Tuy nhiên, Song Tinh bất dạ cũng
không thể nằm ngoài quy luật chung của sáng tạo văn học, nghĩa là ngôn ngữ văn
học, dù ở giai đoạn sơ khai của một thể loại bác học, vẫn thể hiện tài năng của
tác giả. Do vậy, tìm hiểu ngôn ngữ của Song Tinh bất dạ ít nhiều sẽ
giúp chúng ta nhận diện được trong sự năng văn, năng ý, đâu là yếu tố kế thừa,
phát huy truyền thống ngôn ngữ dân gian, đâu là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa
bác cổ và đâu là sắc diện riêng của tác giả.
Nói về ngôn ngữ của Song Tinh bất dạ, có lẽ, biểu
hiện độc đáo nhất, đồng thời cũng là sự trội vượt lớn nhất của Nguyễn Hữu Hào
so với các tác giả truyện Nôm về mặt tài năng nghệ thuật và bản lĩnh sáng tạo,
là sự miêu tả yếu tố sắc dục một cách táo bạo, mà theo nhiều người,
khi đặt trong bối cảnh sáng tác lúc ấy là khá liều lĩnh. Điều lạ là, ngỡ chừng
khi viết về những chuyện nóng ấy, văn chương sẽ sống sượng, thô ráp,
sẽ khiến người đọc có lúc phải đỏ mặt tía tai vì thẹn thùng, nhưng ở Song
Tinh bất dạ, chuyện phòng the tuy được miêu tả khá tỉ mỉ nhưng ngôn ngữ sắc dục
vẫn thấm đượm cái trang nhã, kín đáo, e ấp của thơ cổ. Đây quả là sự hấp dẫn
tuyệt thú của ngôn ngữ thi ca, cần phải được tìm hiểu, đánh giá một cách nghiêm
túc.
1. Ngôn ngữ sắc dục trong Song Tinh bất dạ
Truyện Nôm tài tử - giai nhân, thông thường, là đứa con tinh
thần của các nhà nho tài tử, những con người thị tài, đa tình, sống chủ tình, vị
tình, chứ không lụy công danh. Nguyễn Hữu Hào có phải là nhà nho tài tử hay
không, còn nhiều điểm cần xem xét, nhưng Song Tinh bất dạ là truyện
Nôm tài tử - giai nhân, thì không còn gì phải bàn cãi. Vì là truyện tài tử -
giai nhân, nên tình là âm hưởng chủ đạo. Song Tinh bất dạđậm đặc chất
tình, song không phải tình trong lễ, tình trong trắng của buổi ban sơ, khi tình
trong như đã nhưng mặt ngoài vẫn còn e, mà là một thứ tình gắn liền với
chữ dục, với thú vui ân ái xác thịt rất trần tục của con người. Cũng
là dục, nhưng lại không phải thứ dục cuồng loạn, xuất phát từ bản
năng của con người, mà là chữ dục gắn liền với cái tình của
người nam và nữ. Vì vậy, ngôn ngữ tuy táo bạo mà không thô lỗ, sống sượng bởi
nó xuất hiện rất tự nhiên, như một nhu cầu bản thể của con người.
Song Tinh có phải là kẻ si tình, ủy mị và yếu đuối “hơn bất kỳ
một chàng trai nào khác” trong truyện Nôm Việt Nam, như lời của Lê Thị Hồng
Minh hay không, chúng tôi chưa đủ cơ sở để bàn luận. Bởi đối với vấn đề tình cảm,
thiết nghĩ khó có thể so sánh về mức độ hơn thua; ngoài việc nó có thể khác
nhau về cách thức và mức độ thể hiện, tùy theo xu hướng và thị hiếu thẩm mỹ của
bản thân mỗi người cầm bút và thời đại sáng tác. Nhưng Song Tinh, đúng là đôi
khi đã đi ngược lại cái chuẩn mực ngàn năm của lễ giáo nho phong đặc định cho
những người quân tử. Cái gì là trung hiếu làm đầu, cái gì là tu thân,
tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, những sứ mệnh cao cả suốt bao thời đặt lên vai
đấng nam nhi, giờ chẳng còn nghĩa lý gì ngoài một mảnh tình con, chút má hồng.
Nhưng Song Tinh lụy tình thì cũng chỉ biết ôm mối tương tư mà sinh trọng bệnh, biếng nhác học hành, hồn xiêu phách tán, ngất lên xỉu xuống không dưới bốn lần, nghĩa là vẫn cam tâm thụ động trong chữ luân thường, chẳng dám mạnh dạn đối diện với tình yêu. Xét về phương diện này, người con gái trong Song Tinh bất dạ còn táo bạo, liều lĩnh hơn gấp ngàn lần. Nhân vật nữ tự tử, trong truyện Nôm, con số ấy không ít. Nhưng phần nhiều họ khi liều một thác cũng chỉ trách cao xanh ghen ghét má hồng mà đày đọa người trinh nữ, có mấy ai dám “điểm mặt chỉ tên”, mắng thẳng bọn quyền thần (tác nhân trực tiếp và có thực gây ra mọi khổ ải), dám nghĩ việc làm vợ thái tử là một sự nhơ danh, như nàng Nhụy Châu. Một người con gái, thoát thai từ bối cảnh không gian văn hóa đầu TK XVIII lại dám đưa ra phương thuốc đem người mà chữa cho người mới yên, thì có lẽ chẳng mấy ai táo bạo hơn nàng Thể Vân của Song Tinh bất dạ.Và vào thời buổi mà quan niệm nam đáo nữ phòng nam tắc loạn, nữ đáo nam phòng nữ tắc dâm đã thấm nhuần trong tâm thức dân gian, một nàng tiểu thư khuê các thông hiểu tam cương ngũ thường, am tường công, dung, ngôn, hạnh lại vì sự tương tư bệnh trọng của người trong mộng mà tự ý hẹn hò, thề thốt chuyện trăm năm với tâm niệm trong cơn nguy hiểm chi nề tiết danh, thì nàng Nhụy Châu, quả là đã gây ra một cú sốc không nhỏ. So với Phan Trần dám tự ý làm loạn thiền môn, và Thúy Kiều, dám xăm xăm băng lối vườn khuya một mình sang tự tình với người yêu - những kẻ mà người đời đã dùng làm tấm gương để răn dạy con cái: đàn ông chớ kể Phan Trần, đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều - chưa cần vội vã kết luận ai táo bạo hơn ai, nhưng rõ ràng, Song Tinh bất dạ đã đi trước về mặt thời gian. Nói vậy, thì Song Tinh, rồi Nhụy Châu, Thể Vân, chẳng phải đã là tiền thân, dự báo cho sự xuất hiện của vô vàn những chàng Phan nàng Kiều trong truyện Nôm các thế kỷ sau?
Nhưng Song Tinh lụy tình thì cũng chỉ biết ôm mối tương tư mà sinh trọng bệnh, biếng nhác học hành, hồn xiêu phách tán, ngất lên xỉu xuống không dưới bốn lần, nghĩa là vẫn cam tâm thụ động trong chữ luân thường, chẳng dám mạnh dạn đối diện với tình yêu. Xét về phương diện này, người con gái trong Song Tinh bất dạ còn táo bạo, liều lĩnh hơn gấp ngàn lần. Nhân vật nữ tự tử, trong truyện Nôm, con số ấy không ít. Nhưng phần nhiều họ khi liều một thác cũng chỉ trách cao xanh ghen ghét má hồng mà đày đọa người trinh nữ, có mấy ai dám “điểm mặt chỉ tên”, mắng thẳng bọn quyền thần (tác nhân trực tiếp và có thực gây ra mọi khổ ải), dám nghĩ việc làm vợ thái tử là một sự nhơ danh, như nàng Nhụy Châu. Một người con gái, thoát thai từ bối cảnh không gian văn hóa đầu TK XVIII lại dám đưa ra phương thuốc đem người mà chữa cho người mới yên, thì có lẽ chẳng mấy ai táo bạo hơn nàng Thể Vân của Song Tinh bất dạ.Và vào thời buổi mà quan niệm nam đáo nữ phòng nam tắc loạn, nữ đáo nam phòng nữ tắc dâm đã thấm nhuần trong tâm thức dân gian, một nàng tiểu thư khuê các thông hiểu tam cương ngũ thường, am tường công, dung, ngôn, hạnh lại vì sự tương tư bệnh trọng của người trong mộng mà tự ý hẹn hò, thề thốt chuyện trăm năm với tâm niệm trong cơn nguy hiểm chi nề tiết danh, thì nàng Nhụy Châu, quả là đã gây ra một cú sốc không nhỏ. So với Phan Trần dám tự ý làm loạn thiền môn, và Thúy Kiều, dám xăm xăm băng lối vườn khuya một mình sang tự tình với người yêu - những kẻ mà người đời đã dùng làm tấm gương để răn dạy con cái: đàn ông chớ kể Phan Trần, đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều - chưa cần vội vã kết luận ai táo bạo hơn ai, nhưng rõ ràng, Song Tinh bất dạ đã đi trước về mặt thời gian. Nói vậy, thì Song Tinh, rồi Nhụy Châu, Thể Vân, chẳng phải đã là tiền thân, dự báo cho sự xuất hiện của vô vàn những chàng Phan nàng Kiều trong truyện Nôm các thế kỷ sau?
Những nhân vật nổi loạn kiểu này là đứa con tinh thần của
Nguyễn Hữu Hào hay chỉ đơn thuần là sự mô phỏng hình tượng nhân vật trong
nguyên tác, đến nay, chúng tôi chưa đủ luận cứ và luận chứng để khẳng định, một
hạn chế do không thể đối chiếu với bản truyện Định tình nhân (2) của
Trung Quốc. Nhưng ngôn ngữ và cách thức mô tả quá ư tỉ mỉ, chi tiết những chuyện
phòng the của đôi lứa thì chắc chắn phải phát xuất từ sự táo bạo, thậm chí là
vượt thời đại của nhà nho Nguyễn Hữu Hào.
Tình yêu trong Song Tinh bất dạ không phải chỉ bằng
tình cảm, tinh thần đơn thuần, mà còn là thứ tình yêu bằng da, bằng thịt, bằng
xúc cảm nhục dục. Không phải chung chung mà là hạnh phúc cụ thể, bao gồm cả sự
thỏa mãn xác thịt. Nguyễn Hữu Hào say sưa miêu tả cuộc ân ái của chàng Song với
hai người vợ trẻ. Học giả Hoàng Xuân Hãn diễn nghĩa đoạn này như sau: “Thể
Vân trở về phòng mình ở phía tây. Song Tinh và Nhụy Châu giao tình âu yếm cho
bõ lúc phân ly. Nàng thì đóa hoa gặp lúc xuân sang, nhị đào quẹn tuyết tươi mởn,
cánh quỳ đượm sương ướt nhuần. Rồi như vua Sở Tương vương mộng gặp thần nữ ở
Đài Dương, cuộc mây mưa dồn từng chặp… Bóng trăng chưa tắt, dùi chuông cầm canh
vẫn nện…
Canh này qua canh khác, hết kề nhau bên trướng, lại cạnh nhau sau bình phong. Nàng ta mồ hôi quẹn má, mái tóc lỏng trâm. Tiếng điêu đầu đã báo quá trưa. Vẫn ngủ giấc dài hơn ban tối, mộng chơi chốn tiên ở non Vu. Mặt trời đã xế, chiếu xiên mành. Bấy giờ tỉnh giấc, nhìn ra còn tưởng bóng trăng. Hai người ngồi dưới trướng nhìn nhau thỏa thích, gẫm lại thấy bõ khi thương nhớ nhau xa cách chia lìa. Trong khi hai người còn trong lòng cảm kích, ngoài mặt đua cười, thì ngoài sân châu chấu đã bay đớp vào rèm, và ở núi tây chim cuốc đã kêu rêu. Cò bay về tổ lấp loáng trên trời. Bên chùa tiếng chuông chiều trỗi. Trên lầu, trống canh đã gióng thu không.
Canh này qua canh khác, hết kề nhau bên trướng, lại cạnh nhau sau bình phong. Nàng ta mồ hôi quẹn má, mái tóc lỏng trâm. Tiếng điêu đầu đã báo quá trưa. Vẫn ngủ giấc dài hơn ban tối, mộng chơi chốn tiên ở non Vu. Mặt trời đã xế, chiếu xiên mành. Bấy giờ tỉnh giấc, nhìn ra còn tưởng bóng trăng. Hai người ngồi dưới trướng nhìn nhau thỏa thích, gẫm lại thấy bõ khi thương nhớ nhau xa cách chia lìa. Trong khi hai người còn trong lòng cảm kích, ngoài mặt đua cười, thì ngoài sân châu chấu đã bay đớp vào rèm, và ở núi tây chim cuốc đã kêu rêu. Cò bay về tổ lấp loáng trên trời. Bên chùa tiếng chuông chiều trỗi. Trên lầu, trống canh đã gióng thu không.
Nhụy Châu còn ngồi tựa bình phong, ngẫm nghĩ sự vui thích vừa
qua, thì chàng ta nhớ lại đám cưới ly kỳ, một lễ hai phòng. Chàng đi ra rồi
quay gót vào phòng Thể Vân. Đôi lứa họp nhau hứng thú tưng bừng. Cuộc ái ân dồn
dập, như mưa nhiều trận, hồ khan tràn trìa. Đèn sáng lòa chiếu, lồng bóng trong
gương. Nệm ướt quần hoen. Vui vẻ, cùng nhau nói cười, quên hết những điều trách
móc hôm trước. Chàng lại toan bày trò chơi mới. Nhìn ra ngoài đã thấy mặt trời
lên trên núi bên đông”(3).
Nguyễn Hữu Hào đã mạnh dạn miêu tả chuyện phòng the, điều mà
trước đây trong thi ca trung đại chưa từng có. Tuy nhiên, sự táo bạo đó lại ẩn
sau một lớp ngôn ngữ ước lệ, tượng trưng quen thuộc của thi pháp trung đại. Do
vậy, tác phẩm, tuy nói về cái xúc cảm nhục dục rất đời thường của con người, lại
được trang trí bằng một lớp áo bóng bẩy của những ngôn từ ẩn dụ, điệu đà. Người
đọc cho dù ít kiến thức sách vở, không hiểu điển Đài Dương gợi chuyện Sở Tương
vương mộng gặp thần nữ ở Đài Dương rồi cùng nhau ái ân thỏa tình, hay điển kẻ
sĩ chơi tiên chốn non Vu, cùng người tiên mây mưa thỏa nguyện… thì với những
cách nói ẩn dụ giàu hình ảnh, như: nhụy đào mơn mởn, cánh quỳ đượm sương,
đảo chày đã trướng lại bình, má đào phấn quẹn, tóc xanh lỏng cài… cũng có thể
ít nhiều mường tượng ra cảnh vui chăn gối. Ở đây có một sự nhầm lẫn nhỏ trong
cách diễn nghĩa của học giả Hoàng Xuân Hãn. Chưa thôi nắn nguyệt lại xoang
chày kình là lối nói bóng bẩy để chỉ các động tác trong sinh hoạt tình dục
chứ không phải là bóng trăng chưa tắt, dùi chuông cầm canh vẫn nện, hay trận
song đài là lối ẩn dụ chỉ cảnh sinh hoạt một chồng hai vợ, chứ không phải
là trò chơi mới như học giả luận giải. Kỳ thực, phải giải thích những
hình ảnh này, đối với một học giả thấm nhuần nho phong như Hoàng Xuân Hãn, kể
cũng có nhiều điều bất tiện.
Nguyễn Hữu Hào không chỉ tả. Khi tả, người nghệ sĩ đứng lui
vào hậu trường sân khấu, kể và tả về chuyện của người khác nên sẽ không lo người
ta nhìn thấy mình đỏ mặt tía tai. Ông còn để cho nhân vật hỏi nhau, trò chuyện
với nhau về những điều khép lại sau cánh màn. Cũng có lúc, nhân vật là một cặp vợ
chồngmà người vợ thấm thía nỗi tủi niềm thương trong đêm hoa chúc lạnh
lẽo, ong bướm bặt hơi, chỉ có một mình thức dậy lại ngồi thở than. Và
cũng chính người vợ từng ý thức về chuyện xuân bất tái lai ấy, lại chủ
động lân la gợi chuyện nghìn vàng một khắc để qua sao đành, nhắc nhở người
quân tử dẫu nặng thề, song le có chữ thức thì kiến cơ; thậm chí dường
như van nài ngào nghẹn: tính gương Chàng đã chẳng nhơ, cũng xin đoái thiếp
trăng hoa thẹn thùng.
Cũng có lúc, nhân vật lại là hai cô gái, táo bạo hết sức,
tinh nghịch hết sức song không hề gợi lên ở người đọc một chút cảm thức nào về
sự vô duyên nhi nữ. Bởi lời họ hỏi nhau trong buổi đầu trùng lai thật ý nhị:
Nàng rằng: Ngày đẹp hoa phòng
Đào thơ gặp trận gió dông thế nào?
Một câu hỏi quá tò mò, thóc mách đến đáng giật mình của một
cô gái chưa từng biết đến chuyện chăn gối. Nếu điều cấm kỵ ấy được hỏi bằng lời
ăn tiếng nói hằng ngày, hẳn nhiều người sẽ phải chau mày vì sự vô duyên, trơ
trơ như đá của người con gái mà theo quan điểm đạo đức khi đó là không đủ
đức hạnh. Thế nhưng sự tò mò rất đàn bà ấy của nàng không trở nên sống sượng,
vô duyên. Tất cả là nhờ nét nghĩa hàm ẩn, duyên dáng của những ngôn từ ước lệ, ẩn
dụ. Sau này, chúng ta không có cơ hội thấy lại cặp đôi nhân vật nữ nào dám mạnh
dạn hỏi nhau về chuyện hoa phòng như vậy nữa. Nguyễn Hữu Hào đã tạo ra một cuộc
đối thoại táo bạo, hiện đại bậc nhất trong văn học trung đại về quan niệm tình
dục, mà vẫn giữ được sự trang nhã, uyên bác cho ngôn ngữ nhân vật và cho tác phẩm.
2. Ngôn ngữ sắc dục trong một số tác phẩm văn chương trung đại
Thực ra, không phải đến Song Tinh bất dạ, chuyện phòng
the của đôi lứa mới được đề cập. Từ TK XVI, trong tập thiên cổ kỳ bút Truyền
kỳ mạn lục (4), Nguyễn Dữ đã không ít lần tỏ ra táo bạo và phóng túng khi
thể hiện quan hệ yêu đương không lành mạnh giữa Trình Trung Ngộ và Nhị
Khanh (Truyện cây gạo), giữa Hà Nhân và hai nàng Đào, Liễu (Truyện kỳ ngộ ở Trại
Tây), giữa sư Vô Kỷ và Đào Hàn Than (Truyện nghiệp oan của Đào thị)… Cách tác
giả tả cảnh nam nữ giao tình thật mộc mà nhân vật nói chuyện yêu
đương cũng bằng một phong cách rất trực, không cần rào trước đón sau. Đây
là một đoạn trong Truyện kỳ ngộ ở Trại Tây: Sinh rủ rê hai ả đến chơi chỗ
trọ của mình, chuyện trò đằm thắm.
Chàng lả lơi cợt ghẹo, hai ả thẹn thò nói rằng: “Chúng em việc xuân chưa trải, nhụy thắm còn phong, chỉn e mưa gió nặng nề, hoặc không kham nổi cho những tấm thân hoa mềm yếu”. Sinh khuyên lơn dịu ngọt rồi cùng tắt đèn đi nằm, lửa đượm hương nồng, ân ái mười phần thỏa nguyện.
Chàng lả lơi cợt ghẹo, hai ả thẹn thò nói rằng: “Chúng em việc xuân chưa trải, nhụy thắm còn phong, chỉn e mưa gió nặng nề, hoặc không kham nổi cho những tấm thân hoa mềm yếu”. Sinh khuyên lơn dịu ngọt rồi cùng tắt đèn đi nằm, lửa đượm hương nồng, ân ái mười phần thỏa nguyện.
Tác giả không ngại ngần để nhân vật, đặc biệt lại là nhân vật
nữ, nói lên quan niệm được sống cho thỏa nguyện: Nghĩ đời người ta, thật chẳng
khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú
vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc
hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa (Truyện cây gạo)...
Nếu nói về mức độ táo bạo, những hành động trên đâu kém
gì Song Tinh bất dạ. Có điều, nó được diễn tả bằng tiếng Hán, do đó
ít nhiều cũng có sự hạn chế, đặc biệt là về khả năng liên tưởng. Số lượng người
đọc và hiểu tiếng Hán không nhiều như truyện Nôm. Khả năng tác động đến trí tưởng
tượng, liên tưởng của người đọc không nhanh và trực tiếp như những vần thơ viết
bằng ngôn ngữ dân tộc của Song Tinh bất dạ.Hơn nữa, chuyện ân ái
trong Truyền kỳ mạn lục không phải tình ân ái của người bình thường.
Nó chỉ diễn ra giữa những chàng trai trẻ bị coi là thất phu đa dục, hoặc lòng
có nhiều vật dục, bị hồn ma của các cô gái hoặc loại nguyệt quái hoa yêu mê hoặc,
quyến rũ. Thế nên, những vần thơ mê mệt sắc tình kể trên đội lốt vần thơ của
loài ma giống quỷ, không giống yếu tố sắc dục trong Song Tinh bất dạ là
sắc dục của những con người bình thường, những kẻ định tình, có nhu cầu yêu
thương, hưởng trọn thú vui đời thường, coi tình yêu trọn vẹn là sự hòa hợp tâm
hồn và niềm đam mê thể xác. Chưa kể Truyền kỳ mạn lục là một tập đoản
thiên tiểu thuyết, nghĩa là những vần thơ đậm chất sắc dục kia chỉ là một bông
hoa điểm xuyết trên cái nền thảo nguyên văn xuôi rộng lớn, trái với Song
Tinh bất dạ viết về tình yêu bằng ngôn ngữ, thể loại chính của toàn văn bản.
Mặt khác, ở những truyện loại này trong Truyền kỳ mạn lục, luôn luôn có sự
đối lập giữa những vần thơ say sưa men tình của người nghệ sĩ Nguyễn Dữ đồng cảm,
thăng hoa cùng khát vọng ái ân chính đáng của lứa đôi, và lời phê bình gay gắt
đứng trên quan điểm Nho giáo của nhà nho nghiêm khắc Nguyễn Dữ, coi phận nam
nhi nặng gánh sơn hà xã tắc chứ không phải lụy đắm một chữ tình. Vì vậy, đôi
khi, hạnh phúc ái ân trong Truyền kỳ mạn lục không được coi là hạnh
phúc trần thế đáng ca ngợi mà là những chuyện tà dâm của giống yêu ma, đáng sợ,
cần khuyến cáo, trừng phạt, mà kết cục xảy đến với những kẻ bị coi là “đa dâm” ấy
thường không tốt đẹp. Do vậy, những vần thơ tưởng chừng là táo bạo kia, có lẽ,
về thực chất cũng chưa đi ra ngoài quỹ đạo của quan niệm ái tình phong kiến.
Khác hẳn với Song Tinh bất dạ, nói về chuyện phòng the mà dí dỏm, tinh nghịch,
hóm hỉnh như cái bản chất vui tươi, chính đáng của nó trong đời thường.
Sau Song Tinh bất dạ, nói đúng hơn là ngoài Song
Tinh bất dạ, trong kho tàng truyện Nôm Việt Nam, kể cả truyện bác học và
bình dân, không thấy có tác phẩm nào mà yếu tố sắc dục lại được miêu tả táo bạo,
hấp dẫn và trực diện đến thế. Tình yêu của Dao Tiên và Lương Phương Sinh là một
mối tình thuần khiết, là sự hòa hợp của hai trái tim yêu, dẫu có khát vọng lứa
đôi nhưng trong sáng, thanh cao, không bợn dục vọng tư tình; vậy nên những câu
thơ của Truyện Hoa tiên cũng không mảy may dư âm của dục vọng (5).
Rồi như Phan Tất Chánh và Trần Kiều Liên (Phan Trần), yêu
nhau làm hoen ố cửa thiền, vậy mà vào phút giây cao trào của tình cảm, khi đôi
lứa nhận ra mối duyên tiền định qua tín vật đính ước mẹ cha để lại, biểu hiện của
họ cũng chỉ đến mức:
Cành trâm thích, quạt chữ bài
Rành rành hai họ hai người song song
Hoặc như Truyện Kiều (6), tuy nhân vật nữ
chính trong mười lăm năm truân chuyên đã có tới hai lần lưu lạc chốn thanh lâu,
vậy mà tác giả cũng chỉ dùng những điển tích hàm ẩn kín đáo để miêu tả cảnh phượng
chạ loan chung, sống làm vợ khắp người ta như: dãi gió dầm mưa, ong qua bướm lại,
mưa Sở mây Tần, gió táp mưa sa, lá gió cành chim… Biểu hiện táo bạo nhất của
Nguyễn Du là miêu tả vẻ đẹp khỏa thân của mỹ nữ, nhưng cũng không dùng ngôn ngữ
tả thực, tỉ mỉ đến từng chi tiết mà được khoác một lớp áo bóng bẩy, hoa mỹ, khiến
người đọc phải liên tưởng, tưởng tượng:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên
Lối miêu tả theo kiểu tá khách hình chủ, vẽ mây nảy trăng ấy
thật khác hẳn với những cảnh làm tình trắng trợn, lộ liễu, không cần bất cứ lá
nho che đậy nào mà đôi ba tiểu thuyết diễm tình hiếm hoi của văn xuôi chữ Hán
Việt Nam đã tái hiện. Đó là cuộc tình tay ba giữa Dương Giới và Ngô Kiều Nương,
Xa Viên Nương trong Việt Nam kỳ phùng sự lục. Đó là cuộc tình tay năm
mà vẫn “trong ấm ngoài êm” giữa công tử Triệu Kiệu với hai chị em tiểu thư Lan
Nương, Huệ Nương và hai nàng hầu Xuân Hoa, Thu Nguyệt trongHoa viên kỳ ngộ tập,
sáng tác cuối TK XVIII, có một đoạn, có lẽ có thể xem là sex vào bậc nhất
của văn chương Việt Nam thời trung đại (Hoa viên kỳ ngộ tập).
Nếu nói về mức độ lộ liễu, sống sít, thì rõ ràng một tác phẩm
truyện Nôm táo bạo đến như Song Tinh bất dạ cũng không thể so sánh với
những tiểu thuyết diễm tình cuối TK XVIII. Tất nhiên, đây không hẳn đã là căn cứ
để đánh giá mức độ tả thực bởi các tác phẩm ở những thể loại khác nhau, hiển
nhiên sẽ chịu sự chi phối của những đặc trưng thi pháp thể loại khác nhau. Ngôn
ngữ Song Tinh bất dạ nói riêng và ngôn ngữ truyện Nôm nói chung, về
cơ bản vẫn là ngôn ngữ thơ. Vốn dĩ thơ đã là thể loại lấy hình ảnh để gợi hình ảnh,
với thơ trung đại thì tính chất ước lệ, tượng trưng, ẩn dụ của ngôn từ lại càng
được nhấn mạnh, khác hẳn bút pháp bạch miêu kể mộc, không tô vẽ, và
đòi hỏi cụ thể, chính xác đến từng chi tiết của tiểu thuyết trung đại. Đó chính
là lý do khiến cho phong cách ngôn ngữ tình dục ở Song Tinh bất dạ và
các truyện Nôm khác, khác hẳn với ngôn ngữ tình dục của các tác phẩm văn xuôi
chữ Hán, đặc biệt là các tiểu thuyết diễm tình.
3. Đôi lời luận bàn
Trở lại với hiện tượng Song Tinh bất dạ, vấn đề đặt
ra là, tại sao một tác phẩm xuất hiện ở thời kỳ đầu định hình thể loại, lại
dung chứa một nội dung cải cách đột khởi dường ấy. Tại sao những tuyệt
phẩm về sau - những đỉnh cao của truyện Nôm tài tử giai nhân, kết tựu những số
phận, những câu chuyện tình bất hủ rồi sẽ đi vào ký ức nhân gian - lại không thể
vượt qua tác phẩm sơ khai này về sự táo bạo và vượt thoát liều lĩnh của ngôn ngữ
sắc dục. Có lẽ, sẽ là chưa đủ và chưa đúng nếu chỉ đề cập đến tài năng và bản
lĩnh sáng tạo của tác giả. Hơn tất cả, cần phải đặc biệt nhấn mạnh vào sự tác động
của bối cảnh kinh tế, xã hội và không gian văn hóa, văn học đặc thù Đàng Trong
thời Trịnh - Nguyễn. Hiển nhiên, chính sự giải phóng về mặt tư tưởng Nho gia kết
hợp với không khí thị dân phóng khoáng của thời đại đã đem lại cơ hội phát triển
và sức sống mãnh liệt cho loại truyện tình yêu (thậm chí tình dục).
Bên cạnh đó, việc chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn học đô thị
Trung Quốc qua con đường giao thương hoặc di tản của một bộ phận Minh hương - một
nhân tố hình thành tầng lớp thị dân ở Đàng Trong thời mở cửa (chứ không bị lọc
qua con mắt của các nhà nho sứ thần như văn học Đàng Ngoài), cũng là một trong
những lý do đem đến cho tác phẩm một sắc thái khác với những tác phẩm truyện
Nôm Đàng Ngoài.
Như vậy, từ sự tái hiện ngôn ngữ sắc dục trong Song Tinh
bất dạ và một số tác phẩm văn học trung đại, chúng ta có thể phần nào hình
dung lại diện mạo văn học dân tộc những thế kỷ trước, từ nhân sinh quan đến
quan điểm sáng tác của đội ngũ nhà nho, từ đặc trưng thi pháp từng thể loại đến
tổng quan thi pháp văn học trung đại… Vượt ra khỏi lãnh thổ văn học thuần túy,
bài viết hy vọng có thể bước đầu tiếp cận vấn đề theo những gợi mở của góc nhìn
văn hóa, làm tiền đề cho sự tìm hiểu, lý giải sâu sắc, hệ thống và toàn diện
hơn về một hiện tượng văn học, và rộng hơn, một dấu ấn văn hóa.
Ghi chú:
1. Còn có tên gọi khác là Truyện Song Tinh, được
Nguyễn Hữu Hào- nhân vật “trí thức hiếm” ở Đàng Trong thế kỷ XVIII - viết tại
Quảng Bình, khoảng sau năm 1704. Cùng với ba tác phẩm Truyện Hoa tiên,
Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Song Tinh bất dạ được coi là một trong những
mốc lớn của thể tài truyện Nôm bác học; trong đó, Song Tinh bất dạ và Truyện
Hoa tiên là những dấu son khởi đầu cho sự hình thành thể loại (lần lượt ở
Đàng Trong và Đàng Ngoài), Truyện Kiều là đỉnh cao, “tập đại thành” của
truyện Nôm nói riêng và văn học cổ Việt Nam nói chung, Lục Vân Tiên là
dấu chấm, khép lại một thời vàng son mà thể truyện Nôm từng ngự trị trên văn
đàn dân tộc TK XVIII-XIX.
2. Tiểu thuyết Minh - Thanh mà Nguyễn Hữu Hào phỏng theo để
sáng tác nên tác phẩm Song Tinh bất dạ.
3. Nguyễn Hữu Hào, Truyện Song Tinh, Hoàng Xuân Hãn
giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội, 1987, tr.208.
4. Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục, Nxb Văn học, Hà Nội,
2001.
5. Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện, Truyện Hoa tiên, Đào
Duy Anh khảo đính, chú thích, giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội, 1978.
6. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Đào Duy Anh khảo chứng, hiệu đính và chú
giải, Nxb Văn học, Hà Nội, 1984.
Trần Thanh Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét