Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

Yếu tố vô thức trong tác phẩm Nguyễn Bình Phương

Yếu tố vô thức trong tác phẩm 
Nguyễn Bình Phương
Trong lịch sử tiểu thuyết, đã từng có một Kafka như một nhà văn hiện sinh tiêu biểu, người đã có công đánh thức sự tưởng tượng bị ngủ quên trong thế kỷ XIX (Milan Kundera) để xây dựng tiểu thuyết như tiếng gọi của giấc mơ. Tinh thần Kafka đã được các nhà văn hiện nay viết tiếp. Ở những tác phẩm tiểu thuyết đương đại, nhất là dòng tiểu thuyết ngắn, yếu tố vô thức, giấc mơ tham gia trước hết với tư cách là một phương tiện để tạo nên sự mơ màng, chất thơ trữ tình bàng bạc. Sau đó nó như là một phương thức chuyên chở nội dung: từ bề sâu vô thức, nó lật tẩy toàn bộ bản chất con người đã bị lý trí thường ngày che giấu, hé lộ một đời sống tinh thần sâu kín, đầy ẩn mật của các nhân vật.
Xây dựng tiểu thuyết như sự hòa trộn ảo và thực, chú trọng yếu tố vô thức, các nhà tiểu thuyết ngắn muốn khám phá cuộc sống, con người ở tầng sâu, muốn thể hiện cái tôi bí ẩn trong một dung lượng tiểu thuyết nhỏ hẹp. Tiêu biểu cho lối viết này là Nguyễn Bình Phương, một đại diện cho bút pháp huyền ảo trong dòng tiểu thuyết ngắn đương đại Việt Nam.
Với 6 tác phẩm đã được xuất bản: Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thủy (2003) và Ngồi (2006), Nguyễn Bình Phương được gọi làLục đầu giang tiểu thuyết (Đoàn Ánh Dương). Con sông tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương liên tục được bồi tụ, hội đủ phẩm tính để làm nên phong cách của một trong những cây bút tiêu biểu cho khuynh hướng tiểu thuyết ngắn trong dòng tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Tác phẩm Nguyễn Bình Phương gây ấn tượng với người đọc không ở sự phát triển của cốt truyện, tính cách nhân vật… Nó dẫn dụ bằng những mộng mị, ảo huyền. Chính nghệ thuật hiện thực hư ảo hay là phương thức huyền thoại ấy đã giúp Nguyễn Bình Phương thành công với những trang viết của mình.
Trong dòng tiểu thuyết đương đại, Nguyễn Bình Phương không phải là nhà văn duy nhất tìm thấy khoái cảm thẩm mỹ ở phương thức huyền ảo. Khi Thiên sứ xuất hiện, một cô bé Hoài với những chi tiết kỳ lạ, một thiên sứ - bé Hon với nụ cười và môi hôn thơm mùi sữa… là cảm quan nghệ thuật của Phạm Thị Hoài trong cái nhìn về xã hội với sự lẫn lộn giữa thực và ảo. Rồi Nỗi buồn chiến tranh (tiểu thuyết của Bảo Ninh) như “một giấc mơ dài, một huyền thoại của thời đại”; một tác phẩm được “hình thành trong bóng đêm, trong cơn say, trong cơn điên khùng và hoảng loạn, từ vô thức, man rợ…”(1)… Song, với Nguyễn Bình Phương, yếu tố vô thức, giấc mơ hay là thế giới huyền thoại đã tạo được những ám ảnh nhiều chiều cho sáng tác của mình.
Vô thức là lĩnh vực tinh thần mang màu sắc tâm linh. Nó nằm ngoài sự kiểm soát của ý thức và là tầng sâu nhất trong cấu trúc của thế giới tinh thần. Vô thức gắn liền với một số biểu hiện đặc trưng như: những ẩn ức hay sự kiềm chế bản năng, những trạng thái nguyên thủy của cảm giác và những trạng thái mê sảng mộng mị… Trong đó những giấc mơ là dạng cố định và có tính quy ước nhất. Thoạt kỳ thủy và Ngồi, hai tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Bình Phương được xây dựng chủ yếu từ những chất liệu vô thức này.
Nguyễn Bình Phương sáng tác Thoạt kỳ thủy trong cơn mê sảng, nhập đồng. Tác phẩm này, từ nội dung cho đến các chất liệu lập thể và siêu thực dường như không có dấu hiệu trực tiếp từ chủ thể nhà văn. Nhà văn như đang nhập thân vào chính linh hồn vô thức, cùng lảm nhảm, bất định trong những độc thoại nội tâm, cùng rên xiết theo từng trạng thái mơ của nhân vật. Mà nhân vật trong Thoạt kỳ thủy thì luôn sống trong trạng thái mơ. Tính vẫn thường mơ thấy cảnh mình chọc tiết lợn, lênh láng những máu là máu, Hiền mơ về bố, mẹ… và cả những giấc mơ mang ẩn ức của một người con gái đẹp lấy phải chồng khờ. Thậm chí, Nguyễn Bình Phương còn dành hẳn một phần phụ chú, để ghi lại những giấc mơ của Tính và Hiền. Tìm kiếm con người bên trong con người, tìm kiếm những sự thật tiềm ẩn đằng sau những sự thật chính thức, giấc mơ đã nói thật hồn nhiên những góc khuất tâm hồn con người. Giấc mơ thực chất cũng là một thứ ngôn ngữ nội tâm dưới dạng vô thức, bởi đó là nơi ghi lại những ám ảnh, những xúc cảm nào đó của nhân vật trong cuộc sống đời thường. S. Freud đã chia giấc mơ làm hai phần: nội dung biểu hiện và nội dung tiềm ẩn, trong đó nội dung tiềm ẩn bao gồm những ước muốn, những khát khao mà chính người nằm mơ cũng không thấy được, nó vốn bị nhấn chìm trong vô thức, nó là bờ bên kia của trí tưởng tượng nhưng vẫn chứa đựng bóng dáng cuộc đời thực. Cùng với giấc mơ, Thoạt kỳ thủy còn làm nên “sự hão huyền của ý thức” (Nguyễn Chí Hoan) qua những đoạn lảm nhảm nội tâm của nhân vật chính. Những đoạn lảm nhảm nội tâm của Tính đã góp phần cấu tạo nên chuyện (nó gợi người đọc nhớ đến những đoạn độc thoại nội tâm rắc rối, lộn xộn của Benjamin đần độn trong tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ của Wiliam Faukner). Nhưng từ những rã rời, lộn xộn đó của những dòng vô thức vẫn đọc được bản chất của nhân vật. Có nỗi sợ hãi, cô đơn: “Nó đấy. Lạnh… lạnh lắm, mẹ ạ”; có những băn khoăn, âu lo: “Bố còn gặm chén, không ai hiểu được…”; có cả sự ngưỡng mộ cái đẹp thánh thiện: “Hiền có bả vai tròn. Tròn sáng quắc” và dai dẳng hơn là khát vọng hủy diệt: “Bao nhiêu là yết hầu. Họ phơi ra nhiều quá, bố ạ. Cho lão Khoa một nhát thì kêu”… Những cảm nhận, suy ngẫm khó định hình của con người về chính hiện thực đa tầng của đời sống đã được biểu hiện qua giấc mơ, qua chuỗi lời vô thức.
Đan xen hiện thực và ảo huyền, khai thác điểm nhìn con người từ góc nhìn vô thức, các nhà tiểu thuyết ngắn, trong đó có Nguyễn Bình Phương, đã góp phần thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người trong nền văn học đương đại Việt Nam. Con người được nhìn nhận không phải như những điển hình (cách nhìn con người phổ biến trong văn học thời kỳ 1945-1975), không phải ở những gì biểu hiện ra bề ngoài mà cả trong những thầm kín, bí mật, riêng tư.
Tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, ở góc độ này, không thể không nói là có sự ảnh hưởng thuyết Phân tâm học của S.Freud. Phân tâm học khẳng định vai trò độc lập của vô thức, phủ nhận phần ý thức tuyệt đối của con người trong triết học truyền thống, từ Platon đến Descartes. Theo S. Freud, cái vô thức mới chính là bộ mặt của con người, là một cái tôi đích thực, chi phối mọi hoạt động của con người. Với vô thức, ước muốn làm chủ bản thân của con người chỉ là ảo vọng. Khơi sâu vào phần vô thức chìm khuất trong mỗi con người, nhân vật của Nguyễn Bình Phương có thể chưa thực sự gần gũi với bạn đọc nhưng sức ám ảnh của nó cũng chính là sức hấp dẫn, giá trị của tiểu thuyết.
Thoạt kỳ thủy thực sự là cuộc “giao lưu trong vô thức” (Đoàn Cầm Thi). Với Thoạt kỳ thủy, Nguyễn Bình Phương đã đẩy cuộc thăm dò vô thức đi xa nhất trong số các nhà văn đương đại (ý của Đoàn Cầm Thi).
Sau Thoạt kỳ thủy, năm 2006 tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương được xuất bản, tác phẩmNgồi. Ngoài cấu trúc, cốt truyện, ngôn từ… với rất nhiều mới lạ, Ngồi gây ấn tượng nhất ở sự đan xen ảo và thực, đến nỗi khó phân biệt đâu là thực, đâu là ảo. Bút pháp huyền ảo thể hiện ngay từ đầu tác phẩm với khung cảnh huyễn hoặc, đầy phi lý, thực ít, ảo nhiều, một khung cảnh được miêu tả như thuở khai thiên lập địa nghìn năm trước. Hàng loạt yếu tố phi lý thấp thoáng ẩn hiện trong tác phẩm cũng góp phần làm cho cái thực thêm ảo và cái ảo càng kỳ bí. Nhưng có lẽ bút pháp ảo huyền của Ngồi thể hiện rõ nhất ở trạng thái mơ của các nhân vật, đặc biệt là Khẩn, nhân vật chính của tác phẩm. Sống ở thực tại, một thực tại với quá nhiều những xô bồ, phồn tạp, Khẩn thường hay mơ. Trong những giấc mơ bất chợt mà dai dẳng ấy luôn có hình bóng của Kim, người con gái vừa như là mối tình đầu trong sáng đẹp đẽ của Khẩn, vừa như là sức mạnh cứu vớt tâm hồn anh: “Khi cơn giông kéo đến sát hồ thì mình và Kim gấp mảnh áo mưa chạy về phòng. Chớp loàng nhoàng lướt trên bầu trời, chúng soi tỏ những đám mây to nặng nề đang sà xuống mỗi lúc một thấp. Nước hồ co thắt lạ với màu ghi xám rồi đột ngột cuộn lên như có con vật khổng lồ vùng dậy... Lúc tỉnh dậy, nhớ lại giấc mơ đó mình láng máng rằng mình thực sự còn lại một cái gì nữa chứ không phải chỉ là thế này” (2). Giải mã giấc mơ về Kim, thế giới nội tâm nhân vật Khẩn cũng dần hé lộ. Bằng yếu tố vô thức, giấc mơ đã có một sự khám phá quá trình nổ tung bên trong của ý nghĩ con người. Giấc mơ về Kim cứ mờ tỏ nhưng cái khát khao một chốn bình yên như trong cõi hư vô mộng ảo của Khẩn lại thật hiện hữu. Trong thế giới nội tâm của Khẩn, sau những xô bồ, bấn loạn của cuộc mưu sinh là những khoảng lặng đầy khao khát. Đào sâu vào thế giới nội tâm con người, khám phá những ẩn mật bản ngã của cái tôi bí ẩn, yếu tố vô thức đã làm cho tiểu thuyết như “một bản hòa âm lạ lùng giữa tiếng nói ngọt ngào mê lịm từ thăm thẳm tâm linh với những tiếng gầm gào đầy bạo lực, mánh lới của cuộc mưu sinh thường nhật” (Lời giới thiệu của Nxb Đà Nẵng).
Thực ra vấn đề đào sâu vào thế giới nội tâm con người không phải đến tiểu thuyết đương đại mới được đặt ra. Thạch Lam trong Theo dòng (1941), khi nói về khả năng của một nhà tiểu thuyết lớn, đã cho rằng: “Nhà tiểu thuyết có biệt tài là nhà văn đã diễn tả đúng và thấu đáo cái tâm lý uyển chuyển của người”(3). Theo sự phát triển của thể loại, cùng với những đổi mới về tư duy tiểu thuyết, cùng với những cách tân trên nhiều phương diện, tiểu thuyết Việt Nam ngày càng có khả năng tiếp cận hiện thực bằng cảm hứng đa chiều, nhìn nhận con người “với tư cách là một thế giới cá nhân phong phú, phức tạp, đa dạng, đa chiều, đa tầng trong nhiều mối quan hệ cũng hết sức phức tạp và đa dạng với toàn xã hội và với chính mình”. Lắng nghe những âm vang của tiếng lòng, mỗi nhà văn có cách để khai thác thế giới bí ẩn ấy. Từ những giấc mơ đứt nối, từ những độc thoại vô thức, Nguyễn Bình Phương đã tìm được lối vào cõi thăm thẳm sâu của nội tâm con người. Thoạt kỳ thủy, Ngồi có được sức quyến rũ từ bút pháp huyền ảo ấy.
Đóng vai trò quan trọng kiến tạo nên thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết, giấc mơ, vô thức chi phối cả các yếu tố nghệ thuật khác như giọng điệu, ngôn ngữ... Nếu để miêu tả những xô bồ, nhốn nháo của của cuộc sống ngày thường, nhà văn thường sử dụng lớp từ ngữ trần trụi, thô nhám thì trong thế giới của cái huyền ảo, mộng mị, từ ngữ cũng đầy chất thơ, bay bổng, hư thực: “Đường làng vắng ngắt, trong lũy tre rậm rạp kẽo kẹt một bóng trắng rợn đu đưa thoắt chỗ này thoắt chỗ kia, mềm mại uyển chuyển. Từ cuối làng còn le lói vài ba đốm sáng đỏ đòng đọc. Ngoài đồng nơi phẳng lặng, nơi ánh trăng tha hồ đổ xuống, gió vi vút thổi và những gợn sóng trườn đi, trườn đi mãi mãi...”. Trong cõi mơ, cõi vô thức, Tính vẫn là kẻ luôn khát máu nhưng cũng chưa mất đi ánh sáng thiện lương. Giấc mơ của Tính không chỉ có máu, có chọc tiết, cótrăng đen mà có cả hoa nở, gió thổi, sương trắng, con đường đêm... (4). Ngôn từ thơ mộng cũng góp phần làm tăng chất huyền ảo, hư thực cho tác phẩm. Đi sâu vào vùng mờ tâm linh, khai thác thế giới nội tâm nhân vật, cả Thoạt kỳ thủy và Ngồi đều hướng đến việc sử dụng kiểu ngôn ngữ độc thoại nội tâm mang tính hướng nội rất cao. Thứ ngôn ngữ này gắn với những chập chờn của cõi vô thức, gắn với những mong manh hư ảo của tâm trạng. Chất thơ trong ngôn từ làm cho tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, ở nhiều đoạn, có thể chuyển thành thơ: Liên ôm mặt, tóc xõa ra/ Mạng người không phải là cái lá…/ Phước hồ hỡi/ Thiếu đếch gì, còn khối (5). Cách viết này rất thường gặp trong Thoạt kỳ thủy. Còn ở Ngồi lại có cả những đoạn thơ hình bậc thang với rất nhiều khoảng trắng của ngôn từ, tựa như sự đứt gãy của suy tư, cảm xúc:
Và thế trận của gió…
Gió… gió gió gió… gió
tan tác
bởi
… ánh dương
Xa… a a a… lạ (6)
Xây dựng tiểu thuyết giống cấu trúc của một bản nhạc, những khúc ngân luyến láy đã tạo âm điệu, tiết tấu, khoan sâu vào những vỉa tầng tiềm ẩn trong tâm hồn con người. ý thức khai mở những bí ẩn vô thức quả đã chi phối cách sử dụng từ ngữ, cách tổ chức ngôn ngữ trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Việc hướng nội và miêu tả những dòng tâm tư sâu kín sẽ đem lại vẻ riêng cho ngôn ngữ ở những tác phẩm này, “đó là loại ngôn ngữ giàu chất thơ, ngập tràn biểu tượng và lung linh hư thực” (7). Trong thế giới của vô thức, của giấc mơ, ngôn ngữ cần thiết phải mang tính hình tượng. Hình tượng làm cho ngôn ngữ trở nên lung linh ảo diệu. Ở Thoạt kỳ thủy, hình tượng trở đi trở lại nhiều lần và ám ảnh nhất là trăng. Trăng gắn chặt với cuộc đời Tính như hình với bóng. Vừa chào đời, Tính đã bị ám ảnh bởi trăng, Tính ngợp trong thứ ánh sáng vàng trắng, lạnh lẽo, rên xiết (8). Có một nỗi sợ hãi vô hình từ ánh sáng trong suốt lạnh lẽo đó. Từ đó, theo suốt cuộc đời Tính, trăng ám ảnh như một định mệnh. Hiện thực cuộc sống của Tính, ngột ngạt và đe dọa, hình như cũng được hóa thân vào trăng để dội lên, để quấn chặt lấy nó, không sao thoát được: Trăng đen, trăng vàng, mày to bằng quả bưởi, bằng cái mâm, bằng cái hủng, mày che mất cả tã lót làm tao rét (9). Vừa sợ hãi, vừa thèm thuồng, từ trong vô thức Tính vừa khước từ lại vừa bị mê hoặc bởi trăng. Trăng ám ảnh, đuổi bắt Tính, Tính vùng vẫy giẫy giụa nhưng rồi bị tê liệt… Trăng đã vượt lên sức biểu đạt của một hình tượng để trở thành một biểu tượng, biểu tượng cho sức mạnh kỳ bí, man dại của cõi vô thức siêu hình. Nó là phần nguyên thủy trong con người, là nơi chứa đựng sự vô thức và cái huyền ảo. Nếu biểu tượng có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ thì từ góc độ tâm lý, mối quan hệ của trăng và Tính cũng chính là sự giằng co giữa vô thức và ý thức, giữa ẩn ức và hiện thực. Trong đó cái vô thức, cái ẩn ức là một nguồn lực, đủ xung năng để bung phá, sẵn sàng nhấn chìm ý thức. Cõi vô thức siêu hình ở đây đã được Nguyễn Bình Phương hiện hữu bằng một biểu tượng đầy ám gợi. Chính nó đã giúp người đọc mở ra một trường liên tưởng về những vùng mờ xa huyền ảo, vừa kỳ bí vừa thú vị...Tràng tiếng mõ đều đều trong tác phẩm Ngồi là hình ảnh biểu trưng cho cánh cửa vào thế giới tâm linh, cũng là tượng trưng cho nơi chốn an lành của mỗi cá thể trong cuộc đấu tranh quyết liệt với chính mình. Tiếng mõ như sự ngự trị của đấng siêu hình quyền năng, sự hiện diện của tín ngưỡng Phật giáo, vô hình, tượng trưng nhưng lại có thể dẫn dắt con người vượt qua những thử thách, cám dỗ để tiến tới một sự khải minh. Không chỉ là tiếng gọi vô thức của quá khứ, trong những miên man của nghĩ suy hiện tại, những lúc nhân vật rơi vào trạng thái bất an, tiếng mõ lại vang lên, khi lạnh lùng điểm xuyết cốc, lúc đều đều cốc cốc cốc cốc cốc, đôi chỗ dồn dập cả một tràng dài, rồi lại thổn thức ngắt đoạn… Biểu tượng tràng tiếng mõ mà tác giả đã tạo dựng trong tác phẩm, dù là hư ảo, không biết vang lên từ đâu nhưng lại tượng trưng cho sự thức nhận bên trong của con người.
Với nhiều nhà văn, chi tiết kỳ ảo được coi như yếu tố chức năng hay kỹ thuật thì với Nguyễn Bình Phương, xuất phát từ quan niệm về hiện thực, lại là một yếu tố không thể thiếu trong bức tranh hiện thực mà anh đang tạo dựng. Bởi vậy, trong tác phẩm Nguyễn Bình Phương, thực và ảo cứ hòa lẫn vào nhau đến khó phân biệt. Sử dụng yếu tố kỳ ảo như một cách thức làm nhòe ranh giới của hiện thực, Nguyễn Bình Phương coi trọng việc xây dựng biểu tượng, lấy việc xây dựng biểu tượng như một ký hiệu siêu ngôn ngữ, giúp biểu đạt những điều mà lời nói không thể biểu đạt hết.
Thay đổi tư duy, đổi mới cách nhìn về hiện thực, về con người, các nhà tiểu thuyết đương đại Việt Nam, trong đó có Nguyễn Bình Phương, đã sáng tạo tiểu thuyết như những tiếng gọi của trò chơi, bản hòa tấu của nhiều giọng điệu. Khám phá tầng sâu vô thức, giải mã những bí ẩn tâm linh, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương mang đến cho người đọc những cảm quan nghệ thuật độc đáo, cho thấy niềm đam mê của cây bút này trên con đường làm mới mình và làm mới thể loại. Tìm hiểu yếu tố vô thức sẽ mở ra được cánh cửa dẫn vào thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Với vô thức, giấc mơ, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đã làm cho bức tranh tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới thêm ảo huyền, nhiều màu sắc.
Ghi chú:
1. Đỗ Đức Hiểu, Đổi mới phê bình văn học, Nxb KHXH, Hà Nội, 1994, tr.174.
2, 6. Nguyễn Bình Phương, Ngồi, Nxb Đà Nẵng, 2006, tr.243, 10.
3. Nhiều tác giả, Tuyển tập Thạch Lam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1988, tr.298.
4, 5, 8, 9. Nguyễn Bình Phương, Thoạt kỳ thủy, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003, tr.165, 12, 15, 139.
7. Mai Hải Oanh, Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009, tr.145.
Hoàng Thị Huệ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 327, tháng 9-2011
Theo http://vhnt.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tết bên Nga của nhà văn Việt

Tết bên Nga của nhà văn Việt Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết q...