Trong quan niệm thẩm mỹ của người phương Đông nói chung, người
Việt ta nói riêng, hoa có một vị trí đặc biệt. Nhiều loài hoa được gọi bằng những danh xưng mỹ lệ gắn với các giá trị tinh thần, đại diện
cho một đức tính nào đó của con người. Lan được xem là hoa của bậc vương giả (vương
giả chi hoa), cúc là hoa của kẻ ẩn dật (ẩn dật chi sĩ), sen là
hoa của bậc quân tử (liên, hoa chi quân tử giả dã), mẫu đơn là hoa của
bậc quốc sắc thiên hương (quốc sắc thiên hương chi phú quý)…
Trong các loài hoa, mai gốc già cằn cỗi,
cành lá khẳng khiu mà cốt cách thanh cao, tinh thần cứng cỏi (băng
cơ ngọc cốt ngạc chi thanh kỳ) được xem là hoa của bậc tiết tháo (mai hoa
sắc bạch tuyết trung minh - hoa mai sắc trắng sáng trong tuyết).
Mai còn là biểu tượng của mùa xuân đến sau những ngày đông lạnh giá
(mai hung sương tuyết lai tương kiến - mai vượt sương tuyết tìm đến gặp
nhau [với ta]), từ lâu mai đã đi vào văn chương, trở thành một
trong những biểu tượng đẹp, mang nhiều giá trị nhân sinh quan trọng trong thi ca. Dạo quanh một vòng vườn thơ trung đại nước
ta, dễ nhận ra cha ông ta ngày trước yêu quý mai và gởi gắm vào loài hoa này những
quan niệm tốt đẹp về cuộc đời. Có những đóa mai nở mãi trong vườn thơ nước ta
thời ấy, ấm ngời một sắc vàng tươi, đẹp mãi trong mỗi lòng người qua bao nhiêu
năm tháng.
Cành mai nở sớm nhất trong vườn thơ trung đại Việt Nam có lẽ
là cành mai trong bài thơ Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác
(1052-1096), một cao tăng của phái Vô Ngôn Thông:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai).
Đêm qua sân trước một nhành mai).
Đó là nhành mai nở muộn nơi đầu sân trong buổi
sáng lạnh giá khi trăm hoa đã rụng hết rồi. Đó cũng là nhành mai cứng cáp của
cõi lòng an nhiên, tự tại trước những quy luật sinh tử bệnh lão, được
mất hơn thua trong cuộc đời mà bậc tu hành đắc đạo nhận chân được. Đó còn là nhành mai vàng tươi ấm áp của lòng yêu thiên
nhiên, yêu cuộc đời của bậc chân tu nhưng đồng thời cũng là trọng thần có
công lớn trong buổi đầu xây dựng nền độc lập của nước nhà.
Cành mai thực nhưng cũng là cành mai tượng trưng,
thoáng hiện lên ở cuối tác phẩm nhưng cứ tươi mãi, đẹp mãi trong lòng hậu thế.
Cành mai được tôn lên ngôi vị cao nhất có lẽ là mai trong hai
câu thơ dưới đây của Thiền sư Huyền Quang (1254-1334), Tổ sư đời thứ ba của
phái Trúc Lâm Yên Tử:
Ngự sử mai hai hàng chầu chấp
Trượng phu tùng mấy rặng phò quanh.
Ngự sử mai cùng với trượng phu tùng và quân tử trúc hợp thành “tam ích hữu” (ba người bạn có ích). Sách Luận ngữ, thiên Quý thị viết: “Ích giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn” (Bạn có ích gồm ba hạng: ngay thẳng, rộng lượng, biết nhiều). Sách Nguyệt lệnh quảng nghĩa gọi tùng trúc mai là “đông thiên tam hữu”, “đông xuân tam hữu” hoặc “tuế hàn tam hữu” xuất phát từ điển trên. Mai trong câu thơ của Huyền Quang thiền sư là hình ảnh trượng trưng cho bậc lương đống dốc lòng phò vua giúp nước, điều mà Nguyễn Trãi sẽ nói lại sau này. Bởi vậy, hình tượng mai trong câu thơ không còn là nhành mai đơn thuần, đó là mai của một nhân sinh quan tốt đẹp biết bao.
Trượng phu tùng mấy rặng phò quanh.
Ngự sử mai cùng với trượng phu tùng và quân tử trúc hợp thành “tam ích hữu” (ba người bạn có ích). Sách Luận ngữ, thiên Quý thị viết: “Ích giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn” (Bạn có ích gồm ba hạng: ngay thẳng, rộng lượng, biết nhiều). Sách Nguyệt lệnh quảng nghĩa gọi tùng trúc mai là “đông thiên tam hữu”, “đông xuân tam hữu” hoặc “tuế hàn tam hữu” xuất phát từ điển trên. Mai trong câu thơ của Huyền Quang thiền sư là hình ảnh trượng trưng cho bậc lương đống dốc lòng phò vua giúp nước, điều mà Nguyễn Trãi sẽ nói lại sau này. Bởi vậy, hình tượng mai trong câu thơ không còn là nhành mai đơn thuần, đó là mai của một nhân sinh quan tốt đẹp biết bao.
Trong vườn thơ xưa, có một cành mai rừng thanh cao không vướng
mùi tục lụy trong câu thơ thần trong bài thơ Tặng thi Hứa tăng Khắc
Sơn được truyền tụng là của Hoàng giáp Thân Quốc công Nguyễn Trung Ngạn
(1289-1370) làm trong thời niên thiếu:
Dã mai cốt cách nguyên phi tục
Hải hạc phong tư tự bất quần.
Hải hạc phong tư tự bất quần.
(Cốt cách của mai rừng vốn không vướng tục
Phong tư loài hạc biển vốn chẳng phải ở trong bầy). Được xem
là một trong “tuế hàn tam hữu” (ba người bạn của tiết lạnh),
mai thường được gắn với sương, tuyết, với giá lạnh. Trong vườn thơ
nước ta xưa, có một nhành bạch mai được so sánh với tuyết, hình ảnh rất đẹp
trong bài thơ Lưu gia độ của Tể tướng Trần Quang Khải (1241-1294):
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên
(Hoa mai như tuyết chiếu xuống dòng sông lúc tạnh mưa).
(Hoa mai như tuyết chiếu xuống dòng sông lúc tạnh mưa).
Mai sắc vàng cao quý, màu của vinh hiển, vua chúa, là “đệ
nhất đại danh hoa”. Thế nhưng trong thơ Nguyễn Trãi (1380-1442), không chỉ có nhành mai cao sang, quý phái mà có cả những đóa mai
vàng tươi, ấm áp, gần gũi với cuộc đời thanh bạch của bậc đại sĩ giữa cõi
đồng nội, núi rừng, như trong bài Ngôn chí 2:
Ức Trai có lẽ yêu mai hơn cả trong những loài hoa khác, thể
hiện trong bài Đề hoàng ngự sử mai tuyết hiên:
Ngã ái mai hoa kiêm ái nguyệt
Nhất mai nhất nguyệt lưỡng giai nhân.
Nhất mai nhất nguyệt lưỡng giai nhân.
(Ta yêu hoa mai với yêu trăng
Một mai, một trăng cả hai đều là trang giai nhân).
Một mai, một trăng cả hai đều là trang giai nhân).
Trong bài Tự thán 16, ông tự ví mình là cây mai già tiết
tháo, trung trinh:
Khổ trúc chẳng ưa lòng khách bạc
Mão mai sá học nết người thanh.
Mão mai sá học nết người thanh.
Và trong bài Thu nguyệt ngẫu thành, ông cho mai già là người bạn bên song cửa với thú vui sách đàn của kẻ ẩn
dật:
Độc bãi quần thư vô cá sự
Lão mai song bạn lí dao cầm.
Lão mai song bạn lí dao cầm.
(Đọc xong chồng sách không còn việc gì nữa
Bên cội mai già cạnh song cửa mà gảy đàn ngọc giao).
Bên cội mai già cạnh song cửa mà gảy đàn ngọc giao).
Bởi vì ông khẳng định trong bài Mai:
Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi
Ưa mi vì tiết sạch hơn người.
Ưa mi vì tiết sạch hơn người.
Hoa mai không chỉ trang nhã ở màu sắc mà hương thơm cũng thanh thoát, thuần khiết. “Mai hoa ưu vu hương” (cái ưu
việt nhất của hoa mai là ở mùi hương). Trong Hồng Đức quốc âm thi tập, có
một cành mai không chỉ mang cốt tuyết ngọc mà hương thơm cũng dìu dịu,
vương vấn thêm mỗi độ xuân về:
Xuân thêm cốt cách hương càng bội
Tuyết giúp tinh thần ngọc hãy còn […]
Tiếc là đá sắt thêm khoe muộn
Sực nức danh thơm kiếp chẳng mòn.
Tuyết giúp tinh thần ngọc hãy còn […]
Tiếc là đá sắt thêm khoe muộn
Sực nức danh thơm kiếp chẳng mòn.
(Cây mai già - Lê Thánh Tông) Không chỉ được ví với người
quân tử, đáng nam nhi, hoa mai còn được xem là cốt cách, dáng điệu của bậc giai
nhân, kẻ yểu điệu. Trong Truyện Kiều, nhiều lần mai xuất hiện (Thiền trà
cạn nước Hồng Mai, Thờ ơ gió trúc mưa mai, Rụng rời lộc liễu
tan tành gốc mai, Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai, Nàng
thì chiếc bóng song mai…) nhưng có lẽ không ai quên được câu thơ miêu
tả cốt cách thanh tao của nàng Kiều trong những ngày “êm đềm
trướng rủ màn che”: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” và câu thơ tả dáng
vẻ “sượng sùng ngại gió e sương” trong buổi Mã Giám Sinh
mua Kiều: “Điệu buồn như cúc, nét gầy như mai”. Mai tượng trưng cho
người đẹp. Trong Hương miệt hành, truyện thơ chữ Hán ra đời rất sớm từ đầu
thời Lê (có giả thuyết cho rằng đời Trần), nàng con gái xinh đẹp họ
Trương cũng được miêu tả bằng cách so sánh với mai, tuyết, ngọc: “Tuyết
mai cốt cách ngọc tinh thần”.
Mang khí tiết trong sạch, cốt cách thanh cao, là loài hoa cười
sương cợt tuyết, ngạo với gió mưa, mai được những bậc trượng phu tiết tháo yêu quý, xem như người bạn tri giao:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người xưa.
Mai là bạn cũ, hạc là người xưa.
Hai câu thơ nổi tiếng này của Nguyễn Du làm ta nhớ là Lâm Bô,
tức Lâm Hòa Tĩnh (967-1028), nhà thơ đời Tống không có vợ con, suốt
đời chỉ thích trồng mai nuôi hạc, được người đời gọi ông “cưới mai làm vợ,
nuôi hạc làm con” (mai thê hạc tử). Ông có bài Mai hoa rất nổi
tiếng được người đời truyền tụng.
Người xưa cũng đã có thú trồng mai, chơi mai.
Một bậc cao sĩ cả đời ngang tàng ngạo nghễ là Chu Thần Cao Bá
Quát (1809-1855) từng gieo ở đầu non một nắm hạt mai với niềm tin phơi phới
xuân năm sau đến mai sẽ tô điểm cả bầu trời, làm đẹp cho thế gian, thể hiện
trong bài thơ Tài mai:
Thí tương mai tử trịch sơn gian
Nhất ác thanh tư ký bích loan
Ký thử lai thì xuân sắc hảo
Dữ nhân cộng tác họa đồ khan.
Nhất ác thanh tư ký bích loan
Ký thử lai thì xuân sắc hảo
Dữ nhân cộng tác họa đồ khan.
Hoàng Tạo dịch thơ:
Đầu non nắm hạt mai gieo
Giống thanh gửi chốn núi đèo xanh tươi
Nửa mai xuân điểm bầu trời
Bức tranh tuyệt tác cho đời ngắm chung.
Giống thanh gửi chốn núi đèo xanh tươi
Nửa mai xuân điểm bầu trời
Bức tranh tuyệt tác cho đời ngắm chung.
Trong thơ trung đại nước ta ở những năm cuối thế kỷ XIX, có
không chỉ một đóa, một cành mà là cả một gò mọc đầy mai trắng đầy ám ảnh với mơ
ước đất nước sớm thôi bóng giặc Pháp xâm lược, mùa xuân lại ngập tràn khắp bờ
cõi non sông.
Hữu nhật mai cương quy tích thụ
Hội khan tài mĩ tận đông nam.
Hội khan tài mĩ tận đông nam.
(Bồn trung tiểu mai nguyên vận)
(Có một ngày gò mai góp đủ trở lại cỏ cây xưa -
[Sẽ có dịp] cũng nhìn cảnh tươi đẹp khắp cõi đông nam).
(Có một ngày gò mai góp đủ trở lại cỏ cây xưa -
[Sẽ có dịp] cũng nhìn cảnh tươi đẹp khắp cõi đông nam).
Người thể hiện ước mơ đó chính là Nguyễn Thuật (1842-1911), tự
Hiếu Sinh, hiệu Hà Đình, quê làng Hà Lam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng
Bình, Quảng Nam), một trong những vị quan lớn của triều Nguyễn, suốt đời sống
thanh bạch, không thôi trăn trở cho vận nước trong buổi lao đao.
Mai là hoa của mùa xuân. Một cánh mai vàng mang xuân đến. Người
ta từ ngàn xưa yêu quý mai, thì ngàn sau cũng vậy. Người xưa xem mai là bạn
tâm giao, người nay xem hoa là người tri kỷ. Đóa mai vàng tươi cao khiết, nhành
mai cứng cỏi hao gầy vẫn luôn là cảm hứng cho bao thế hệ thi nhân, là đề tài
quan trọng trong thơ ca viết về mùa xuân. Ngày xuân mai nở, dạo quanh vườn thơ
xưa, để thấy trong văn học nước ta thời trung đại có biết bao đóa mai vàng. Đó
là những người bạn tinh thần tin cậy, nơi gởi gắm nhiều quan niệm nhân sinh tốt
đẹp của cha ông ta, là những đóa mai lung linh, đẹp đẽ, tươi mãi muôn đời.
28/2/2017
PHẠM TUẤN VŨ
Nguồn: Văn Hoá Phật
Giáo số Xuân 218-218
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét