Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Nữ thi sĩ Anh Thơ trong phong trào Thơ mới

Nữ thi sĩ Anh Thơ 
trong phong trào Thơ mới
I. Mở đầu
Phong trào Thơ mới (1932-1945) ra đời đã có ảnh hưởng rất lớn, rất quan trọng đến Văn học Việt Nam, nó đã mở ra một cuộc cách tân sâu sắc và toàn diện cho thi ca Việt Nam đầu thế kỷ XX. Chính vì vậy mà Thơ mới nổi bật với những đặc trưng không giống với thi ca của bất kỳ giai đoạn nào.
Thư nhất là các nhà thơ mới đã chối từ thực tại xã hội tầm thường để quay về với quá khứ tươi đẹp điều này có thể thấy trong sáng tác của Thế Lữ, Chế Lan Viên, Vũ Đình Liên,…
Thứ hai là đề cao cái tôi cá nhân như trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận,... 
Thứ ba là các nhà thơ mới vẫn luôn mang trong mình một tâm sự yêu nước thầm kín thiết tha, sự trân trọng, nâng niu cái đẹp như trong sáng tác của Bàng Bà Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ,…
Trong phong trào Thơ mới, những cây bút nữ chiếm vị trí không nhỏ đã có những đóng góp quan trọng vào sự hình thành và phát triển của nền thơ ca dân tộc. Nhà thơ Nguyễn Thị Manh Manh là một trong số những người đi tiên phong cho sự lên ngôi và thắng thế của Thơ mới. Các tên tuổi khác như Mộng Tuyết, Ngân Giang, Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ đã bước vào làng Thơ mới và để lại những dấu ấn riêng.
Sự xuất hiện tiếp nối nhau của các cây bút nữ tuy không gây bất ngờ trên thi đàn những năm ba mươi, bốn mươi, tuy không khiến độc giả sửng sốt nhưng đã trở thành hiện tượng khiến làng thơ rộn ràng. Bởi lẽ, tất cả họ đều đã hội nhập với phong trào bằng tâm hồn, cảm xúc và giọng thơ mang hương sắc riêng, ăm ắp thiên tính nữ. Mỗi nữ sĩ mang một hơi thở khác nhau, riêng biệt và trong những nữ sĩ ấy nhóm chúng tôi xin được giởi thiệu đến cô và các bạn một nhà thơ nữ vừa chân tình lại vừa mộc mạc “Nữ thi sĩ Anh Thơ”.
II. Nội dung
1. Giới thiệu về  Nữ thi sĩ Anh Thơ
1.1. Cuộc đời
Tên thật là Vương Kiều Ân, còn có các bút danh khác là Kiều Việt Thị, Kiều Việt Hương. Sinh ngày 25/1/1921 tại Thị xã Ninh Giang (thuộc tỉnh Hải Dương cũ). Cha là Vương Đan Lộc, đỗ tú tài khoa Thi Hương cuối cúng của chế độ nhà Nguyễn. Mẹ là Kiều Thị Thư, con gái cụ phó bảng Kiều Oánh Mậu.
Từ bé Anh Thơ chịu nhiều ảnh hưởng  thơ văn yêu nước của ông ngoại, thấm được chất thơ dân gian trong các chuyện kể của bà nội. Bảy tuổi bà đã mê thơ và dấu cha mẹ làm thơ.
14 tuổi có thơ đăng các báo Đông Phương, tiểu thuyết thứ Năm, báo Đàn Bà,…
Năm 1939 được giải thưởng thơ của Tự Lực Văn Đoàn với tập “Bức Tranh Quê”. Năm 1941 cộng tác với Báng Bá Lân ra tập thơ “Xưa”.Năm 1942 cộng tác với Quỳnh Dao ra báo Đông Tây. Năm 1943 xuất bản tiểu thuyết “Răng Đen” (Nhà xuất bản Nguyễn Du).
Anh Thơ đã tập hợp với các chị Vân Đài, Hằng Phương, Mộng Tuyết lần đầu tiên ra tập thơ chung của nữ lấy tên là “Hương Xuân”, do nhà xuất bản Nguyễn Du xuất bản.
Cuối năm 1944, đầu năm 1945 Anh Thơ viết tập thơ “Đói” miêu tả thảm cảnh của nhân dân lao động nhất là nhân dân ta trong nạn đói. Tập này bị kiểm duyệt, nay chỉ còn hai bài.
Tháng 4/1945 bà thoát ly gia đình theo Cách mạng. Trong thời gian này bà viết nhiều thi ca, hò, vè để cổ động phong trào phụ nữ. Cách mạng Tháng 8 thành công bà được bầu vào Ban thường vụ phụ nữ tỉnh Bắc Giang.
Năm 1947 bà lên Bắc Sơn công tác. “Kể chuyện Vũ Lăng”, ra đời trong thời kỳ này đánh dấu sự mở đầu cho giai đoạn thơ ca Cách Mạng. Năm 1948 về làm báo Phụ nữ, năm 1949 kết nạp vào Đảng. Từ năm 1950 đến 1955, bà thành lập “Chi hội Văn nghệ” đầu tiên của tỉnh Bắc Giang và viết truyện ngắn. Năm 1956, Anh Thơ là một thành viên trong đoàn Nhà văn Việt Nam sang thăm Liên Xô. Từ năm 1960 đến 1965 bà về công tác tại Nhà Xuất Bản Văn Học. Từ 1965 đến 1969 bà vào tuyến lửa Quảng Bình-Vĩnh Linh. Từ 1970 đến 1975 công tác tại Tạp chí “Báo mới”, làm biên ủy phụ trách thường trực. Từ năm 1975 bà đi thực tế miền Nam tập “Quê Chồng” ra đời. Từ 1980 đến 1982 tập Hồi ký “Từ Bến Sông Thương” được hoàn thành và đầu năm 1986 ra mắt bạn đọc.
Ngày 14 tháng 3 năm 2005 bà mất tại Hà Nội do bệnh ung thư phổi.
Anh Thơ được Nhà Nước tặng Huân chương kháng chiến Hạng nhì, Huân chương chống Mỹ hạng nhất, Huy Chương về thế hệ trẻ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Huy hiệu cộng tác Phụ nữ 10 năm của Hội liên hiệp phụ nữ Trung ương và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật năm 2007.
1.2. Các tác phẩm chính của Anh Thơ
Các tác phẩm đã xuất bản:
Về thơ có: Bức Tranh Quê, tập thơ Xưa, Hương Xuân, Kể chuyện Vũ Lăng, Theo cánh chim câu, Đảo ngọc, Hoa dứa trắng, Mùa xuân màu xanh, Quê chồng.
Về tiểu thuyết thì có tiểu thuyết “Răng đen”.
Về Hồi ký có “Từ bến sông thương”.
1.3. Quan niệm của Anh Thơ về cuộc đời và nghệ thuật
Trong  suốt  quá  trình  sáng  tác,  Anh  Thơ  luôn  trăn  trở,  suy nghĩtìm tòi để tạo cho mình có một phong cách sáng tạo riêng, độc đáo. Bà quan niệm: “Thơ phải ngắn gọn, không nên rườm rà, phải nói ít viết ít mà người đọc lại hiểu nhiều. Thơ hay phải là những gì tinh túy, vĩnh cửu nhất từ tâm hồn con người. Người làm thơ cũng đừng cầu kỳ câu chữ quá mà khiến cho người đọc khi đọc rồi cứ phải suy luận”. Quan điểm này được thể hiện rõ nét trong các sáng tác của bà. Từ tập Bức tranh quê, với lối viết giản dị, chân chất mà mộc mạc, dễ đi vào lòng người cho đến sau Cách mạng, những con người kháng chiến cũng hiền lành, giản dị mà dũng cảm. Bên cạnh quan niệm thơ ca phải ngắn gọn, nói ít, viết ít mà người đọc dễ hiểu Anh Thơ còn có cách nhìn mới về cuộc đời, về nghệ thuật. Đó là để sáng tác được những tác phẩm hay, có giá trị người nghệ sĩ cần phải đi thâm nhập cuộc sống, phải lăn lộn với cuộc sống để hiểu đời, hiểu người. Quan điểm này cũng đã được Anh Thơ đúc kết và trải nghiệm. Sau cách mạng và kháng chiến, Anh Thơ đã trải qua rất  nhiều công việc khác nhau như làm báo, công tác phụ nữ, cứu thương… và bà cũng đã đi rất nhiều nơi từ Bắc vô Nam, từ miền xuôi đến miền ngược.
2. Cảm hứng sáng tác chủ đạo trong thơ Anh Thơ với Phong trào “Thơ mới”.
2.1. Tình yêu thiên nhiên
Xưa nay thiên nhiên là một đề tài vĩnh cửu trong thơ ca. Khác hẳn là vượt lên lối “thác ngụ cổ điển”, Thơ mới với sự bùng phát của ý thức cá nhân đã như phát hiện lại thiên nhiên. Và Anh Thơ đã không thoát khỏi điều ấy. Nhắc đến thơ Anh Thơ, người ta nghĩ nhiều đến tập “Bức tranh quê”, đó là tập thơ đầu tay góp phần đưa nữ sĩ vào làng văn. Đã từng có nhận xét cho rằng: “Ưu điểm nổi bật của Anh Thơ ở tập thơ đầu tay này là bút pháp tả cảnh: chỉ vài chi tiết, chị đã gợi tả được thần thái cảnh vật. Có lẽ đây là sự kết hợp của một tâm hồn nhạy cảm còn nhiều xao xuyến của tuổi mới lớn, với một sự hiểu biết đời sống chốn thôn quê. Những hình ảnh thân quen của thiên nhiên, của quê hương đã đi vào thơ chị một cách nhẹ nhàng mà đằm thắm. Mỗi bài thơ mang một dáng vẻ riêng, một màu sắc riêng đó là nhờ ngòi bút chấm phá, khắc  họa mà Anh Thơ sử dụng, và diều đặc biệt hơn đó là do tâm hồn tuổi trẻ của tác giả, một tâm hồn tràn ngập sự yêu đời, lãng mạn, ẩn trong đó là cả một tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương dạt dào, da diết. Qua  cảm xúc ,ánh mắt của nhà thơ nữ Anh Thơ thì những cảnh vật cũng trở nên mềm mại, dịu dàng, nữ tính như một cô gái mới lớn vậy.
“Và nhè nhẹ trong tơ trăng phơ phất
Khóm tre xanh lướt gió uốn cung đàn
Làng xóm lặng đi say trong giấc ngát
Những hương đào hương lý dậy miên man.”
(Đêm trăng xuân)
Tuổi thơ êm đềm gắn bó với cánh đồng bát ngát, còn cò, bên sông, quê hương sớm chiều mưa nắng. Chính điều này là nền tảng khơi nguồn cho dòng suối cảm xúc trong thơ bà với phong cách thơ bình dị mà sâu sắc qua từng câu chữ, qua bao cảnh sắc vùng thôn quê mộc mạc giản dị mà rất đỗi thân quen. Dù ở chốn thị thành, dù quen với nếp sống đô hội, vẫn có trong máu thịt mình cái hồn quê. Đó là tiếng ru con của người mẹ, là những câu ca dao, là lũy tre làng, là chiếc cổng đình, là con đường vàng rơm mùa gặt… Nhưng một hồn quê thấm đẫm trong thi ca như Nguyễn Bính thì thật hiếm. Về nặt này, với bức tranh quê, Anh Thơ đứng kề bên Nguyễn Bính, Anh Thơ khiến cho người đọc phải sửng sốt trước nhưng câu thơ tả cảnh quê vừa  chân thực vừa đẹp lạ lùng của bà, mới có cảnh xuân thôi mà đã hiện lên với bao dáng vẻ, khi là một hiều xuân với:
“Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió
Nhưng trâu bò thong thả cúi ăn mưa”.
Khi là một đêm xuân:
“Tàu chuối láng tre mặt trăng xấu hổ
Khóm tre già đội gió đứng bên ao”.
Khi là một cành trăng xuân:
“Đồng trăng lặng lẽ sương mù buông bát ngát
Ao âm thầm mây tối ngập miên man”
Suốt dọc những trang thơ của bà khung cảnh thiên nhiên hiện lên với những bức tranh quê là những con đường ven đê, đó là đàn cò trắng… Ngòi bút của nhà thơ đã tạo nên nững bước chấm phá màu sắc khá đẹp. Nếu như cảnh thoáng buồn ở khổ thơ đầu thì giờ đây đã được dung hòa lại, bằng cái màu sắc của sự sống dù đó chỉ là ngọn cỏ.
“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ”.
Thiên nhiên trong thơ Anh Thơ hiện lên thơ mộng hiền hòa. Bên cạnh những đồng lúa xanh rờn, những đàn cò tung cánh bay thì dòng sông, bến đò trở thành một hình ảnh cũng rất quen thuộc trong những vần thơ của bà: bến đò đêm trăng, bến đò ngày mưa, bến đò ngày phiên chợ,… Bên đò lúc vắng lặng không bóng người bởi những ngày mưa, cũng có lúc ồn ào nhôn nhịp vào những ngày chợ phiên.Cảnh vật được chấm phá, phối sắc hài hòa, ý vị. Có màu tím của hoa xoan, màu biếc của cỏ non, sắc đen của bầy sáo, màu xanh rờn của đồng lúa. Và nổi bật nhất, xinh tươi nhất là chiếc yếm thắm của cô thôn nữ, cô đang cần mẫn cào cỏ trên ruộng lúa.
Anh Thơ sử dụng từ láy tượng hình một cách đắc địa, làm nổi bật cái êm đềm, vắng lặng, xôn xao của cảnh vật trong một chiều xuân mưa bụi: êm êm, im lìm, vắng lặng, tơi bời, vu vơ, rập rờn, thong thả.
“Chiều xuân” là một bức cổ hoạ xinh xắn.Không phải cảnh lầu son gác tía, mà là cảnh bình dị, thân thuộc nơi đồng quê, làng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ ngày xưa, là hồn xuân xứ sở. “Chiều xuân” là một bài thơ hay và đậm đà.
“Mưa đổ bụi êm đềm trên bến vắng
Đò biếng lười nằng nặc nước sông trôi…
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời .”
Mở đầu bài “chiều xuân” tác giả miêu tả khung cảnh chiều xuân trên một bến đò vắng ở vùng thôn quê Đồng bằng Sông Hồng. Thiên nhiên hiện lên hiền hòa, êm đềm những cơn mưa bụi li ti rơi nhẹ tắm mát cho những chồi non, cơn mưa xuất hiện trên trang thơ bà rất nhẹ nhàng, lặng lẽ trên bến đò vắng khách, cảnh vật thoáng chút buồn tĩnh lặng, se thêm cái lạnh của tâm hồn bằng sự trống trải.
“Mưa bụi êm đềm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc dưới sông trôi”
Nhịp mưa rơi, nhịp con song vỗ nhẹ, nhịp con dò đong đưa trên mặt nước hòa vào nhau, tạo nên bức tranh sâu lắng bao cảm xúc. Ánh mắt nhà thơ lại chuyển hướng tới một điểm nhìn mới và ở đó nhà thơ cũng bắt gặp được sự tĩnh lặng đang bao trùm.
“Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”
Cảnh chiều xuân có gì đó như vắng lặng,đượm buồn thì trái ngược lại với “Cảnh trưa hè” với những gam màu nổi bật, tươi vui, trẻ trung. Đó là màu trắng tinh khôi của của mây, sắc đỏ của lựu, hay màu vàng rực rỡ của những chú bướm hòa quyện lại tạo nên một bức tranh vô cùng bắt mắt.
“Trời trong biết không qua mây gợn trắng
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng
Lũ bướm vàng lơ đãng bước bay qua”.
Xuân, hạ, thu, đông là quy luật vận động của vũ trụ, của thiên nhiên thì trong thơ Anh Thơ cũng không thể thiếu .
“Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay”
(Sang thu)
Đặc biệt nhất là viết về mùa hè, Anh Thơ như không ăn không ngủ chỉ đứng yên lặng quan sát sự chuyển tiếp của thời gian,không gian đến từng giây phút , được tác giả viết ra các bài thơ: “Vào hè” “Sáng hè”, “Trưa hè”, “Chiều hè”, “Đêm hè”… Những hình ảnh cánh đồng lúa, cánh diều, tiếng ve, ánh sáng đom đóm, bờ tre làng, hay làn khói lan tỏa từ những mái tranh… trở nên thật sống động và đáng yêu.
Không chỉ có những hình ảnh của thiên nhiên, làng quê đi vào thơ Anh Thơ; mà còn có cả những tâm tình, tình yêu con người cũng trở nên đằm thắm, sâu sắc trong thơ Anh Thơ.
“Ngoài cổng chợ từng dẫy người bán lá
Các ông già chống gậy đến tranh mua
Cùng trong lúc dắt nhau cười hỉ hả
Đĩ  con mừng được mẹ sắm bùa tua”
(Tết mồng năm)
Hay trong cảnh “Chợ chiều”
“Bên ao vắng nước bèo dềnh ngập tối
Chòm tre xanh im lặng đứng ôm bờ
Một ông lão ăn mày dò dẫm lối
Bước gậy lần thăm quán ngủ bơ vơ”
Tình yêu thiên nhiên được thể hiện rõ nét ,sâu sắc trong tập thơ “Bức tranh quê”. Bên cạnh đó tâm tình đó lại được thể hiện trong đa số những sáng tác của bà. Trong tập “Quê chồng” (1979) những hình ảnh đặc trưng của miền quê sông nước Nam bộ: chiếc xuồng máy, nhà sàn, cây mắm, cây đước... hiện lên một cách rất thực, rất sinh động:
“Xuồng chạy về đâu, máy nổ nhanh
Nhà sàn vùn vụt, mái lênh đênh
Mắm chen chân đước, rừng trên nước
Cả lặng im trùm giữa lặng tênh”
Cảm hứng sáng tác về quê hương, về thiên nhiên xuyên suốt trong quá trình sáng tác của Anh Thơ thể hiện được phần nào con người bà, một tình yêu gắn bó, sâu đậm giữa con người nhà thơ và thiên nhiên.
2.2. Tình yêu con người
Con người và thiên nhiên là hai hình ảnh xuyên suốt trong sáng tác của nữ thi sĩ Anh Thơ, bên cạnh tình yêu quê hương được thể hiện qua những vần thơ mộc mạc, gần gủi, thì hình ảnh con người cũng được thể hiện một cách rõ nét, chân thực. Hình ảnh con người Việt Nam đã đi vào trong văn, thơ một cách tự nhiên với những hình ảnh bình dị, chất phác. Những vẻ đẹp đó chính là thước đo, là chuẩn mực của cái đẹp. Trong thơ của Anh Thơ, con người xuất hiện một cách tự nhiên, chân thực. Họ sống, tồn tại trong một không gian thôn quê nên dường như họ mang trong mình những nét đẹp rất mộc mạc, trong sáng, đậm đà chân quê.
Vẻ đẹp của những con người Việt Nam, trước hết là những cô gái quê, mỗi người con gái đều mang trong mình vẻ duyên dáng, chân thật, dù cho họ là những cô gái đang làm cỏ như trong bài thơ chiều xuân, hình ảnh cô gái thật giản dị, gần gủi:
Trong đồng hoa lúa xanh dờn và ướt lặn
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa .
(Chiều xuân)
Trong thơ của Anh Thơ dừờng như con người và thiên nhiên hòa quyện vào nhau, con người là chủ thể của thiên nhiên, tác giả lấy những hình ảnh thôn quê để làm nổi bật lên cô nàng yếm thắm..
Không chỉ là những cô gái duyên dáng nhà nhơ của chúng ta còn mang hình ảnh của những ông cụ, bà cụ mạng những suy tư trong cuộc sống:
Ngoài ngõ lội, ông già lần buớc gậy
Thăm đồng về lo lắng cứ không vơi.
Trong bếp uớc mẹ cu ngồi sàng sẩy
Mắt băn khoăn thỉnh thoảng ngước trông trời.
(Chiều thu)
Vẻ đẹp con người còn được thể hiện qua những cảnh sinh hoat đời thường, khi viết về những người dân quê nghèo khó, một nắng hai sương, chân lấm tay bùn Anh Thơ không dùng những hình ảnh quê mùa để miêu tả họ mà thay vào đó là những con người chất phác, hiền lành, thật thà. Qua đó thể hiện được tình yêu quê hương, yêu con người của tác giả như trong bài thơ chợ ngày đông:
Mụ hàng cá luôn mồm xoa xuýt rét,
Chị gánh rau lập cập đỗ quang mây.
(Chợ ngày đông)
Hay là ông thầy bói, bà bán bún:
Những thầy bói ôm tráp ngồi sốt ruột,
Các bà già bán bún lặng nhìn nhau.
(Chợ ngày thu)
Tình yêu con người còn được thể hiện qua tình yêu nam nữ:
Giờ một mình em ngắm liễu đây!
Thu chưa se sắt đã thân gầy.
Anh đi buổi mới mù mây nước
Chớp mắt hai mùa sương trắng bay!
(Chớp mắt)
Đó là tình yêu nam nữ bình dị chân thành và đầy những mong nhớ, đợi chờ…
Và cuối cùng điều mong đợi nhất trong tình yêu cũng đuợc nhà thơ mang vào trong những vần thơ du duơng ngọt ngào thắm tình nhưng mộc mạc:
Chú rể thẹn, ngập ngừng đưa bước chậm
Quần chúc bâu sột soạt chưa phai hồ.
Áo nâu thắm cô dâu nghiêng nón thấm
Đôi má đào trào lệ nhớ nhà cô.
(Đám cưới)
Bên cạnh đó còn rất nhiều hình ảnh đó là những mụ già bán cá những chị hành rau, chị hàng quạt, bà bán bùn hay những cụ già những bô lão... từ đây có thể thấy nhà thơ như yêu thuơng hết thẩy những con người bình dị nhấy lắng nghe những cái thở dài hay những khó khăn của họ.
Nếu như hình ảnh của những con người ở vùng thôn quê được Anh Thơ thể hiện một cách chân thực, giản dị, đậm đà chân quê thì hình ảnh những con người kháng chiến cũng được thể hiện một cách chân thật, là hình ảnh của con người yêu nước và căm thù giặc. Họ những người con của tổ quốc, là những người mẹ, người chị, người chiến sĩ..., họ vừa tham gia sản xuất, xây dựng đất nước, vừa mang trong mình ngọn lửa chống giặc ngoại xâm, họ sẵn sàng chiến đấu khi có giặc. Đó là hình ảnh của những cô gái hậu phương vừa tăng gia sản xuất, vừa chuyên chở lương thực ra chiến tuyến; là hình ảnh của người dân công trong Gánh thóc khao quân đầy tinh thần trách nhiệm; hay là hình ảnh của người chiến sĩ Bình ca ngày cũng như đêm, không quản gian khổ, đói rét vẫn truy kích giặc đến cùng… Tất cả những con người đó, họ không những chiến đấu để làm chủ cuộc đời mình mà hơn thế nữa họ là con người đảm nhận sứ mệnh vĩ đại của lịch sử, đó là chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương đất nước.
Trong thơ Anh Thơ, hình ảnh bao trùm, xuyên suốt và có sức lay động lòng người nhất là hình ảnh người phụ nữ yêu nước thương dân, một lòng với cách mạng. Họ là những con người luôn sẵn sàng hi sinh vì đất nước, lặng lẽ góp sức mình vào cuộc kháng chiến. Đó là hình ảnh của người phụ nữ trong Kể chuyện Vũ Lăng, mặc dù khốn khổ, nghèo khó, vất vả, nhưng chị đã đặt tình yêu quê hương, tổ quốc lên trên, chị đã vượt qua những đau khổ của cá nhân để ca ngợi, để vui cùng niềm vui của nhân dân, để cùng chia sẻ những khó khăn, nỗi buồn với họ; hay là hình ảnh của cô giáo nơi hậu phương không quản đêm đông giá lạnh, quan tâm dìu dắt học sinh; là hình ảnh của cô kỹ sư chăn cừu, cô coi những chú cừu như con nhỏ, chăm lo cho chúng từng bữa ăn, giấc ngủ trong đêm đông hay ngày nắng gắt; là hình ảnh của những người phụ nữ dân quân vừa bám làng sản xuất, vừa chiến đấu; là những người con gái trẻ đã không tiếc cả tuổi thanh xuân của mình quên đi hạnh phúc riêng tư để hy sinh thân mình cho Tổ quốc... Qua những hình ảnh đó, có thể thấy rằng hình ảnh người phụ nữ trong thơ Anh Thơ là những người anh hùng nhưng cũng lại hết sức khiêm tốn, dịu dàng, nhân hậu, lặng lẽ tỏa sáng,họ lặng lẽ hy sinh hạnh phúc của bản thân để đấu tranh bảo vệ đất nước, vì nước quên thân, vì tổ quốc quên mình.
Anh Thơ đã thể hiện tình yêu của mình dành cho con người với những hình ảnh chân thực, đẹp nhất. Dù cho họ là những con người thôn quê chân lấm tay bùn; hay là những cô gái hậu phương tham gia chiến đấu, thì những con người đó đều mang trong mình vẻ đẹp riêng, nhưng điểm chung là họ luôn mang trong mình dòng máu yêu quê hương, đất nước.  
2.3. Cái tôi trữ tình
Nói như Hoài Thanh “Trong xã hội Việt Nam xưa không có cá nhân, chỉ có đoàn thể… Cũng có những bậc kỳ tài xuất đầu lộ diện. Thảng hoặc họ cũng ghi hình ảnh họ trong văn thơ,… Mỗi khi nhìn vào tâm hồn hay đứng trước loài người mênh mông, hoặc họ không tự xưng hoặc họ ẩn mình sau chữ “ta”, một chữ có thể chỉ chung nhiều người…”[1]. Có thể nói việc xưng “tôi” chính là bước đầu tiên của việc thể hiện “cái tôi” trong tác phẩm, là nền tảng để hình thành nên tính “tự họa” trong văn chương. Và trên thi đàn Việt Nam những cách xưng hô mang tính tự ý thức về bản thể cá nhân, trước khi được định hình thành cái tôi cũng phác họa được phần nào. Đó là lời trăn trở của Nguyễn Du:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khắp Tố Như” [2]
Nhưng có lẽ việc thể hiện đó chưa phải là sự tự ý thức một cách vẹn toàn. Nên chăng, cái tôi phải được điểm màu thêm hương, nổi bật trong miếng trầu têm cánh phượng của hồ xuân hương:
“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quyện rồi” [3]
Thời đại của những bức tranh thủy mặc dần xa, nơi mà con người hiện lên qua một nét mực, như một chấm đen nhỏ nhoi trước thiên nhiên kỳ vĩ. “Cái tôi” dường như được “vẽ” rõ ràng hơn, dẫu màu còn nhạt sắc còn phai, nhưng diện mạo con người thì đã dần lộ diện. Để đến một ngày, khi biến động của thời đại xô vào những luồng tư tưởng của giải phóng và cách tân ùa qua, nâng cánh cho những bức chân dung tiên phong đầu tiên của người Việt Nam hiện hữu. Trong những bức chân dung tự họa đó, ta dường như nhận ra ngay Anh Thơ với những tông màu mới mẻ còn chưa kịp khô và thoảng những hương nồng.
Trong sáng tác văn học, không phải ai cũng thể hiện được cái Tôi của mình trên trang viết. Cái Tôi gắn liền với cá tính sáng tạo của một người cầm bút. Điều đó đòi hỏi người viết phải thể hiện được cái riêng có giá trị thẩm mỹ cao, có khả năng đóng góp tích cực cho nền văn học chung.
Cái Tôi trữ tình là chủ thể của hành trình sáng tạo thi ca, có vai trò quan trọng trong thơ với tư cách là trung tâm để bộc lộ lại tất cả suy nghĩ, tình cảm, thái độ được thể hiện bằng một giọng điệu riêng. Một cái tôi trữ tình phong phú tựa như viên nam châm luôn luôn có sức hút về phía mình sự giàu có của cuộc đời.Đặc điểm của cái tôi trữ tình phụ thuộc vào phong cách của mỗi nhà thơ, của các trào lưu, khuynh hướng. Chính vì vậy, mỗi thời đại có một kiểu cái tôi trữ tình đóng vai trò chủ đạo. Đi vào tìm hiểu cái tôi trữ tình trong thơ của nữ thi sĩ Anh Thơ, chúng ta nhận thấy ở thơ bà chủ yếu ở các dạng thái: Cái tôi trữ tình ngợi ca tự hào, Cái tôi trữ tình đời tư thế sự, cái tôi trữ tình chiêm nghiệm triết lý.                    
Có lẽ cuộc sống đã ngấm sâu vào máu thịt nên nữ sĩ Anh Thơ đã tự nhận xét về mình: "Nhờ đã thuộc cảnh hiểu người" nên bà không cảm thấy khó khăn gì khi trải lòng lên trang giấy. Đọc tác phẩm của Anh Thơ, người đọc cảm thấy khoan khoái, mới lạ nhưng hết sức tự nhiên:
“Ta nhớ nàng Thơ xưa mến yêu,
Chiều xuân đủng đỉnh cáng yêu kiều.
Trao hồn man mác tình non nước,
Những vận thơ vàng phơi phới gieo”.
(Chiếc cáng thơ)
Dù không được đào tạo qua một trường lớp văn chương nào trên ghế nhà trường, nhưng thơ của Anh Thơ vẫn nặng ở chiều sâu ý nghĩa. Cái tôi trữ tình nhà thơ luôn hòa nhập cùng cuộc sống, cái tôi ấy không bao giờ là một cá nhân cách biệt mà nằm trong cấu trúc cuộc sống, để tìm sự đồng cảm, san sẻ những nghĩ suy, chiêm nghiệm.Vì thế, ta bắt gặp trang thơ của Anh Thơ bàng bạc chất triết lý - chiêm nghiệm. Thơ bà không dừng lại ở cảm quan bề ngoài mà luôn đi sâu vào bên trong đối tượng để khám phá, phát hiện bản chất của vấn đề, biểu lộ một hồn thơ giàu suy tưởng và đa cảm:
“Tôi đến Clouj
Những ngọn đồi bao quanh thành phố
Những nhà thờ cò
Tháp chuông nhọn hoắt trời xanh.
Từng từng cửa nắng long lanh...
Những mắt người xinh gặp gỡ.
Tất cả... và tất cả...:
Đều làm tôi yêu mến thân tình.
Nhưng làm cho lòng tôi xao xuyến.
bâng khuâng...
Trong nhà kính, rèm xanh mát rượi”.
(Ở vườn thực vật Clouj. Tôi muốn nói)
Cái tôi cá nhân cả thể với nhiệt tình cống hiến cho lý tưởng.Vậy nên chúng ta hiểu cái tôi trữ tình trong thơ là sự bày tỏ cảm xúc riêng của nhà thơ trước cái vấn đề của xã hội, trước sự phát triển của lịch sử dân tộc. Sẽ không có được thơ trữ tình chính trị Anh Thơ nếu thiếu đi cái tôi cá nhân, nếu không có con người nhiệt huyết trong thơ ca cách mạng cận hiện đại.
“Tôi muốn nói cùng các bạn bè xa
Từ người con gái anh hùng Xô-viết.
Trên giường bệnh ôm trái tim da diết
Bút giấy bên mình, lo viết cho Việt Nam
Đến người con trắng giải băng tang.
Thương nhớ Bác từ phương trời Thụy điền
Hắn hôm nay các chị càng xao xuyến.
Với những lời vẫn trang sách sáng ngời.
Đã góp phần chiến thắng cho quê tôi”.
(Hai nhăm năm)
Và cái Tôi trữ tình còn được thể hiện qua những vần thơ mang âm điệu của tình yêu đôi lứa, của tình cảm gia đình, với những hình ảnh thiên nhiên rất đỗi bình dị, hòa lẫn với nỗi nhớ nhung da diết:
“Em về anh lại bay đi
Nhớ nhau cả một mùa hè, nắng khơi
Sáng nay, gió gọi cửa ngoài
Se se lá mướp hoa cài  ánh sương
Chân trời mây trắng ngổn ngang
Mắt ai, mây có ngợp đường chia xa?
Đường anh, em đã từng qua
Bên dòng Đa nuýp nhìn hoa nhớ người
Mùa thu bên ấy, tuyết rơi
Mùa thu Hà Nội liễu phơi tơ vàng…”
(Sao thu về quá vội vàng)
Cái Tôi trữ tình ca ngợi tự hào, vui mừng trước cảnh thắng lợi của cách mạng, sự đổi mới của quê hương, đất nước:
“Tôi đón tin vui Hà Bắc
Giữa trời Hà Nội trăng tròn.
Con số trăm linh hai biết mấy yêu thương.
Tôi thầm để lòng tôi lắng đượm.
Quê hương! Những đồng bằng sông Đuống
Mùa về năm tấn cầm tay
Nhữmg đồi sỏi Hiệp Hòa đã khoác xanh cây!
Những mương máng Bạch Đằng hắn dang dậy song
Khoai Trung Hòa đã đi từng luống rộng.
Ruộng chia bờ thửa, bờ vùng…”
(Đón tin vui Hà Bắc) 
Thơ trữ tình thực chất là “Sự chiếm lĩnh bằng nghệ thuật các loại kinh nghiệm đời sống qua cái Tôi cỏ nhõn”. Vậy nên, chúng ta hiểu cái Tôi trữ tình trong thơ là sự bày tỏ cảm xúc riêng của nhà thơ trước các vấn đề của xã hội, trước sự phát triển của lịch sử dân tộc.
3. Nghệ thuật trong thơ Anh Thơ
3.1. Đối tượng thẩm mỹ
3.1.1. Cảnh quê tình quê trong thơ Anh Thơ
Cảnh sắc thiên nhiên mang đậm hương vị làng quê
Trong tập Bức tranh quê, ta bắt gặp những cảnh sắc thiên nhiên rất giản dị, mộc mạc, gần gũi với cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam.
Thứ nhất là hình ảnh đồng ruộng - một không gian rộng lớn - với gốc rơm, gốc rạ với hình ảnh những cánh đồng trải dài vô tận, những bông lúa vàng tươi chín nặng trĩu bông qua những tác phẩm như Đêm hè, Đại hạn…
Thứ hai là hình ảnh đê làng được tác giả miêu tả qua những tác phẩm như Trở rét, Lụt. Con đê làng đã gắn bó biết bao kỷ niệm với tuổi thơ - cái tuổi thả diều, đá bóng, chăn trâu đã được Anh Thơ miêu tả và cảm nhận bằng những nét rất cụ thể, rất chi tiết nhưng cũng rất đặc trưng của cảnh thiên nhiên Bắc Bộ Việt Nam.
Thứ ba là hình ảnh con đò, dòng sông. Dòng sông là nơi phù sa ngưng đọng, bồi đắp, là nơi neo đậu của con đò, còn con đò từ lâu đã là phương tiện đi lại quen thuộc của người dân quê. Do đó, trở về với làng quê, hình ảnh con đò, dòng sông như là một ám ảnh trong thơ Anh Thơ. Ta bắt gặp rất nhiều bài thơ viết về bến đò - dòng sông ở mọi thời điểm, mọi không gian khác nhau như Bến đò trưa hè với không gian rộng lớn; Bến đò đêm trăng lại là khung cảnh rất nên thơ, đầy sức sống với con thuyền, dòng sông, với cô gái nhỏ và ánh trăng vàng…
Thứ tư là cảnh bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông của quê hương đất nước đã đi vào trong thơ Anh Thơ. Dưới con mắt quan sát và sự cảm nhận tinh tế của tác giả thì bốn mùa đã hiện lên thật sinh động - thật phong phú với những chi tiết, hình ảnh, màu sắc mang những đặc trưng rõ rệt của từng mùa. Mùa xuân với những màn mưa bụi, mưa xuân mang lại một sức sống mới cho cây cối đâm chồi nảy lộc mang lại sự trẻ trung ấm áp cho lòng người, điều này được Anh Thơ thể hiện qua những tác phẩm như Chiều xuân, Ngày xuân, Đêm xuân… Với mùa hè, Anh Thơ lại rất có cảm hứng, chính vì vậy Anh Thơ có cả Vào hè, Sáng hè, Trưa hè, Chiều hè… Mùa hè trong thơ Anh Thơ với cái nắng hạ chói chang, gay gắt như muốn thiêu đốt cảnh vật nhưng có lúc lại rất thoáng đạt với đám mây trắng bồng bềnh, với cánh diều dang cánh bay, với màu đỏ tươi của hoa lựu và lũ bướm vàng rập rờn bay:
“Trời trong biếc không qua mây gợn trắng
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa.
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng,
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua”.
(Trưa hè)
Mùa thu trong thơ Anh Thơ không phải là mùa thu đìu hiu của thơ cổ mà là một mùa thu sinh động đầy âm thanh, sắc màu, sức sống của một làng quê, điều này được Anh Thơ thể hiện qua những tác phẩm như Sang thu, Chiều thu, Đêm thu.Còn mùa đông thì lại ấm áp hơn khi con người tìm đến với nhau bên bếp lửa và quanh cối gạo với những câu chuyện phiếm:
“Trong bếp, lửa chập chờn bên cối gạo,
Mặc tiếng chày thình thịch xuống thời gian.
Bạn hàng xóm họp nhau và chuyện hảo
Khói thuốc lào mờ mịt tỏa bay lan”.
(Đêm trăng đông)
Cảnh sinh hoạt lao động nơi làng quê
Cuộc sống của người dân quê sau lũy tre làng tưởng chừng như một ốc đảo khép kín, nhưng trong cuộc sống êm ả, bằng phẳng đó vẫn diễn ra những hoạt động sôi nổi, những cảnh lao động nhộn nhịp đông vui của người dân quê và Anh Thơ đã phản ảnh rất rõ nét điều đó.Thứ nhất là cảnh chợ quê với nhiều bài thơ viết về chợ như Chợ ngày xuân, Chợ mùa hè, Chợ chiều… Anh Thơ đã tả một cách tỉ mỉ nhưng bao quát toàn cảnh của những phiên chợ quê từ lúc chợ vẫn còn thưa thớt người cho đến khi chợ thực sự đông đúc tấp nập và không khí ồn ào, sôi nổi của người mua, kẻ bán, tất cả đã tạo nên những âm thanh sinh động, nhộn nhịp.Thứ hai là cảnh ngày mùa với những cánh đồng lúa vàng trĩu bông, với cánh cò trao liệng và đặc biệt là tiếng nói, tiếng cười, niềm vui sướng, niềm hạnh phúc đang tràn ngập trên gương mặt của những cụ gà, những chàng trai, cô gái khi có một vụ mùa bội thu.
Những lễ hội phong tục mang đậm bản sắc dân tộc
Anh Thơ đã tái hiện lại nhiều lễ hội dân gian truyền thống. Đó là: Hội rằm tháng giêng với hơi xuân tươi trẻ của lòng người, của cảnh vật, hay ngày Tết Đoan ngọ của người Việt Nam với tục ăn Tết giết sâu bọ và chỉ bằng một vài nét phác thảo, Anh Thơ đã làm sống dậy cả một tín ngưỡng văn hóa của những cư dân nông nghiệp. Trong tâm thức của người dân Việt Nam, họ luôn tin rằng buổi sớm ăn rượu nếp sẽ trừ được sâu bọ; nhuộm móng tay sẽ phòng được bệnh tật; tắm nước giếng thì rôm sẽ lặn hết và đeo bùa tua thì bình an vô sự. Ngày rằm tháng bảy là Tết Trung Nguyên, còn gọi là ngày xá tội vong nhân hay ngày cúng cô hồn, cũng được Anh Thơ miêu tả qua bài Rằm tháng bảy; đặc biệt là Tết Nguyên Đán với những biểu tượng văn hóa đặc sắc rất dân tộc đó là hình ảnh cây nêu, là trang phục của ngày Tết, là nồi bánh chưng vào đêm ba mươi và tục thờ cúng tổ tiên… tất cả đã được tái hiện khá đậm nét trong thơ Anh Thơ:
Những hình ảnh về thiên nhiên, con người, những lễ hội:
Trời hơi lạnh và nắng vàng hơi hửng
Lúa xanh đồng rợn sóng tận chân mây
Vài con én liệng ngang trời lơ lửng,
Từng lũ cò phấp phới đậu rồi bay.
Dọc đường cỏ ven sông cùng trẩy hội,
Những bà già lần hạt nhẩm cầu kinh,
Lũ con gái rộn ràng cười nói, nói
Khoe hàm răng đen nhánh, mắt đa tình.
Cùng mấy cậu áo là, quần lụa mới
Tập lê giầy như tập nhấc chân đi.
Trong khi gió ngang đường tung phấp phới
Giải yếm đào cùng với giải khăn thi.
(Ngày xuân)
3.1.2. Đối tượng là con người
Như đã nói ở trên, con người luôn là một đối tượng không thể thiếu trong các sáng tác của nhà thơ, nhà văn. Và Anh Thơ cũng vậy.
Trong thơ Anh Thơ, tất cả những người đã sống, đã tồn tại trong không gian làng quê đều được thể hiện rất rõ nét, rất chân thực song cũng rất sinh động. Đó trước hết là những cô gái quê như cô thôn nữ, cô gái tát nước, cô gái làng… mỗi người làm những công việc khác nhau song họ đều mang đậm vẻ duyên dáng, hồn hậu, chân thật. Bên cạnh hình ảnh những cô gái quê là những chàng trai mộc mạc, bình dị, mang đậm chất quê qua Ngày xuân, Chiều hè. Ngoài ra hình ảnh con người hiện lên trong không gian làng quê còn rất nhiều, đó là những mụ bán cá, những chị hàng rau, chị hàng quạt, bà già bán bún hay những cụ già, những bô lão, những ông thầy bói… họ hiện lên gắn liền với những cảnh sinh hoạt đời thường chất phác, giản dị, chân quê:
Mặc bô lão rượu say cười chuếnh choáng
Ô móc vai thất thểu cố theo sau.
ở lại chợ nhìn người mua dần lảng
Bọn ế hàng ngán ngẩm với ruồi bâu.
(Tàn chợ)
Khi viết về người dân quê chân lấm tay bùn Anh Thơ không hề miêu tả họ với những nét thô thiển, quê mùa mà ngược lại rất chân chất, đáng yêu, đáng nhớ qua đó thể hiện tấm lòng yêu thương con người, yêu quê hương của tác giả.
3.2. Thể thơ
3.2.1. Thể thơ tự do
Đây là thể thơ mà Anh Thơ sử dụng nhiều nhất trong các sáng tác của mình. Bà đến với thể thơ tự do không đơn thuần chỉ là sự thay đổi hình thức thể loại mà là do độ chín của tâm hồn, sự phù hợp để diễn tả những trạng thái tình cảm. Anh Thơ sử dụng thể thơ này thường là lời kể, lời trần thuật nên câu thơ thường phóng khoáng, có sự mở rộng dung lượng phản ánh, điều này được Anh Thơ thể hiện qua những tác phẩm như: Nam Bắc một nhà, Thế giới cùng chung vui; Gió phương Bắc, Nắng phương Nam; Mái trăng non; Lá phiếu hôm nay…
3.2.2. Thể thơ tám chữ
Đây là thể thơ được Anh Thơ sử dụng tương đối nhiều. Qua thể thơ này, Anh Thơ đã giúp cho chúng ta có thêm những hiểu biết, những cảm nhận về bức tranh phong cảnh, bức tranh cuộc sống của con người; giúp người đọc như đang được đắm mình vào cảnh quê, được sống lại không khí của thôn quê hay cuộc sống lao động, chiến đấu của con người mới:
Tre lả lướt nghiêng đầu cho nước gội
Cau thẳng mình dang lá đón mưa rơi,
Đồng chìm xuống bông lúa vàng rũ rợi,
Ao rềnh lên bè rau muống xanh tươi.
Trên nhà vắng gió lùa hơi ướt át,
Cu bé ngồi nhào đất nặn tò te.
Dưới bếp lạnh, lũ gà vào bới rác
Mặc đàn ruồi, đàn nhặng lượn vo ve.
Ngoài đường lội một vài người về chợ
Trĩu gánh hàng như trĩu quang mưa.
Yên ổn nhất trong gian chuồng êm cỏ
Lũ lợn nằm mát mẻ ngủ quên trưa.
(Mưa)
Ngoài ra còn có các bài: Qua đỉnh đèo Ngang, Mùa chiêm mới, Theo cánh chim câu…
3.2.3. Thể thơ lục bát
Ở thể thơ này, Anh Thơ đã thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo của mình. Bà không mô phỏng hoàn toàn ca dao và lục bát dân tộc mà lựa chọn những đặc điểm, yếu tố thích hợp của lục bát, ca dao để sáng tác cho phù hợp với tâm hồn của con người thời đại. Có nghĩa là Anh Thơ đã biết phát huy giá trị tích cực của thơ ca dân tộc để đem đến cho thơ ca những giá trị phù hợp với thực tế đời sống và thế giới nội tâm của nhà thơ. Tiêu biểu là các bài Ru con, Hoa dứa trên mộ chị Sáu, Ngõ chợ Khâm Thiên….
Hàng hoa ngồi sát hàng rau
Chợ vào vôi vữa quét sâu lối ngoài.
Óng đen lại guốc sơn mài
Ni-lông vàng tím treo dài cửa nghiêng
Biển căm thù, cắm bốn bên.
Những vành khăn trắng thoáng lên bóng mành
Tay người xếp gạch chia ngăn.
Cửa không lại ghép, bếp làn lại khơi.
Vài con lợn đất, bom vùi.
Lại nắm trên mẹt hồng phơi cửa ngoài.
Xe vào ai đứng bên ai
Gạo thơm từ đất, ruộng ngoài thành, thơm
Tay ai muối cải dưa giòn.
Thúng cam bán tết đỏ son mặt hàng.
Chật đường xẻ ủi hố bom
Chợ ta hợp với yêu thương ngõ dài.
(Ngõ chợ Khâm Thiên)
3.2.4. Thể thơ bảy chữ
Cũng là một thể thơ được nữ sĩ sử dụng khá nhiều. Với thể thơ này, Anh Thơ đã có sự cách tân qua kết cấu, qua ngắt nhịp, hiệp vần linh hoạt, để từ đó không chỉ diễn tả cảnh vật phong phú, đa dạng mà còn thể hiện tình cảm, tâm trạng của tác giả. Có thể kể ra các bài như Xuân quê, Nắng, Ta đi vá núi…
3.2.5. Thể thơ năm chữ
Ngoài những thể thơ trên thì đến với sáng tác của Anh Thơ cũng không thể thiếu đi thể thơ năm chữ này. Đây là thể thơ cũng được Anh Thơ sử dụng nhiều như các bài: Tiếng chim tu hú, Cầu ma Thiên Lãnh, Vá áo, Tết về…
Nắng hè đỏ hoa gạo
Nước sông Thương trôi nhanh
Trên đường quê rảo bước
Gió nam giỡn lá cành.
Bỗng tiếng chim tu hú
Đưa từ vườn vải xa
Quả bắt đầu chín lự
Ngọt như nỗi nhớ nhà.
(Tiếng chim tu hú)
Với thể thơ này, Anh Thơ thường chia làm nhiều khổ và nối liền mạch thơ để diễn tả cảm xúc. Nhà thơ thường thiên về lối kể, tả, để diễn tả tình cảm yêu thương, trìu mến của mình. Tham gia kháng chiến, bảo vệ và xây dựng đất nước.
3.3. Ngôn ngữ trong thơ Anh Thơ
Một phần không nhỏ tạo nên thành công trong thơ của nữ sĩ này là về phương diện ngôn ngữ.Mặc dù không cầu kì nhưng lại mang một giá trị nghệ thuật cao đối với bạn đoc - những người yêu thích thơ của bà.Và tất nhiên ngôn ngữ phải thật đi sát với hiện thực, với cuộc sống hằng ngày của con người, đơn giản nhưng sâu sắc, bình dị nhưng lại có hồn. Đó chính là ngôn ngữ của nữ sĩ Anh Thơ - một nhà thơ có nét riêng và độc đáo trong làng văn thơ Việt Nam trong phong trào thơ mới.
3.3.1. Ngôn ngữ bình dị gần gũi với đời thường
Ngôn ngữ thơ Anh Thơ không nghiêng về ước lệ, tượng trưng cũng không uyên bác hoa mĩ mà ta tìm thấy được ở đó như một góc trời quê lặng lẽ, khiêm nhường, chuyên chở những vấn đề bình dị trong cuộc sống đời thường. Tác giả sử dụng rất nhiều lời ăn tiếng nói hằng ngày, những từ ngữ địa phương, khẩu ngữ, thành ngữ dân gian. Ta bắt gặp những từ ngữ rất bình dị, rất đời thường như “chửi đổng”, “lon ton”, “cái đĩ”, “nhớn nhác”, “bới rác”… nhưng cũng rất mộc mạc, chân chất như chính con người quê:
“Mụ bán cá đặt thúng ngồi chửi đổng
Chị hàng rau mất chỗ chạy lon ton”
(Họp chợ)
3.3.2. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, có tính biểu tượng
Xuất hiện trong những dòng thơ của tác giả, ta thấy được những nét phong phú trong thơ của bà.Những hình ảnh xuất hiện khác nhau, lần lượt trôi chảy trong những vần thơ ấy. Ta có thể bắt gặp tất cả mọi hình ảnh vốn có ở một làng quê Việt Nam trong mọi thời điểm: từ cây đa, bến nước, ruộng đồng:
“Mưa vừa tạnh, nắng bừng trên quán mới,
Trên cây đa lấp loáng gió lao xao.
Trên những giải lưng diều bay phấp phới,
Các cô nàng lẳng lơ nón quai thao”.
(Chợ ngày xuân)
Cho đến những con đường đưa ta đến với mọi miền đất nước, tất cả đều rất giản dị, gần gũi song cũng đậm đà bản sắc Việt Nam, điều này được Anh Thơ thể hiện qua những tác phẩm như: Tàn chợ, Ôi con tàu biết mấy yêu thương.
3.4. Giọng điệu
3.4.1. Giọng điệu nhẹ nhàng, mềm mại giàu nữ tính
Anh Thơ đã góp vào thơ Việt một giọng thơ độc đáo, một hồn thơ chân thực - một giọng điệu buồn, nhẹ nhàng nhưng đôi lúc cũng nhanh và gấp gáp, vui tươi.
Giữa một làng Thơ mới nhiều phong cách, đa giọng điệu, Anh Thơ vẫn nhẹ nhàng trở về với phong cách làng quê và đã khẳng định được phong cách, giọng điệu riêng biệt của mình, giọng điệu mềm mại, hiền hòa. Có lúc là cái nhìn rất giàu nữ tính của tác giả khi bắt gặp nét duyên dáng, yểu điệu của các cô thôn nữ với giải lưng điều, nón quai thao… qua bài Chợ ngày xuân; còn trong bài Quê chồng lại là giọng điệu thân thương, trìu mến của Anh Thơ đối với những bà con, cô bác ở quê chồng, với những mất mát, khổ đau mà họ đã phải trải qua. Chất giọng mềm mại, nhẹ nhàng của Anh Thơ đã chứng tỏ được chiều sâu tâm hồn tác giả - một hồn thơ nhạy cảm với thiên nhiên, với vạn vật.
3.4.2. Giọng điệu trữ tình tha thiết, giàu cảm xúc
Cuộc sống với tình người tha thiết là nơi hồn thơ Anh Thơ tìm đến với những cảm xúc ngọt ngào sâu lắng, thơ Anh Thơ ở đâu cũng phảng phất chất giọng ấm áp. Có thể thấy chất giọng ấm áp, thiết tha, giàu cảm xúc là âm hưởng xuyên suốt trong sáng tác của Anh Thơ. Với giọng điệu này, Anh Thơ không chỉ tái hiện lại cuộc sống bình dị, đơn sơ, thân quen của nông thôn xưa mà còn bày tỏ tình cảm yêu thương đằm thắm, trân trọng đối với gia đình, đồng nghiệp và đất nước những năm trước và sau cách mạng. Tiêu biểu là các bài: Chúng ta không mất, Sau thu về quá vội vàng, Lòng mẹ, Bé yêu ơi hãy đợi…
3.4.3. Giọng điệu rắn rỏi, tự tin khúc chiết
Bên cạnh những giọng điệu đã trình bày ở trên, thì trong thơ Anh Thơ cũng không thiếu một giọng rắn rỏi, khúc chiết này, tuy là một nhà thơ nữ nhưng với Cách mạng bà luôn mang lại một sự mãnh mẽ trong những vần thơ làm cho người đọc tưởng tưởng như chính con người bà.
Trong bài Tiếng súng đầu tiên, với giọng điệu dõng dạc, mạnh mẽ, Anh Thơ đã làm sống dậy tinh thần quyết tâm đánh giặc của nhân dân:
“Cô nghĩ gì? Khi tiếng súng vang ngân
Trời Thanh Hóa rụng hàng đàn qua Mỹ?
Phát súng mở đầu cho em, cho chị
Cho chúng ta xông thẳng diệt thù”.
Bên cạnh đó, ta còn bắt gặp trong thơ Anh Thơ giọng thơ đầy niềm tin, niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng của cả dân tộc, qua các bài thơ như: Em tiễn đưa anh; Nam Bắc một nhà, thế giới cùng vui chung; Ôi con tàu biết mấy yêu thương…
Tấm lòng yêu thơ ca và yêu những gì thân thuộc giản dị của quê hương cùng tài năng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của Anh Thơ, người mang đến cho chúng ta hình ảnh làng quê trong trẻo và thiết tha của thiên nhiên, một tâm hồn trong sáng và đầy nghĩa tình, như nhà phê bình văn học Hà Minh Đức đã ví thơ Anh Thơ như một “mùa hoa đồng nội” - một sự so sánh ấm áp và khách quan.
Giọng điệu của bà luôn man mác cái gì đó buồn nhưng không kém phần sôi nổi, lạc quan trước cuộc sống còn nhiều gian khổ của con người. Điều đó đã làm nên một nữ sĩ Anh Thơ cho chúng ta tự hào.
III. Tổng kết
Những đóng góp của Anh Thơ đối với nền thi ca dân tộc là không nhỏ. Nữ sĩ đã tạo cho mình có một chỗ đứng vẻ vang trong phong trào Thơ mới cũng như một vị trí quan trọng trong làng thơ Việt Nam hiện đại. Có thể nói, cùng với các nhà thơ tiền chiến, chúng ta ghi nhận một cách trân trọng các gia tài quý giá của Anh Thơ đóng góp cho phong trào văn học và lịch sử với một bộ sưu tập bằng thơ về sinh hoạt và phong tục nông thôn Bắc Bộ một thời và nhiều sưu tập tiếp theo trong suốt nửa thế kỉ chiến tranh và hòa bình. Đặc biệt là sự khai phá của Anh Thơ qua tập Bức tranh quê, đó là một sự bùng nổ về nghệ thuật tả chân, mà không những các nhà thơ, ngay cả Anh Thơ sau đó cũng kế thừa.Đã có nhiều huân chương tặng thưởng cho Anh Thơ nhưng dẫu có thêm vẫn rất xứng đáng với công đầu của bà.
Tài liệu tham khảo:
1. Anh Thơ (1941), Bức tranh quê (thơ), NXB Hội nhà văn.
2. Tuyển tập Anh Thơ (Thơ - Văn xuôi) NXB Văn học Hà Nội - 1987
3. http://vi.wikipedia.org/
4. http://dl.vnu.edu.vn/
5. http://poem.tkaraoke.com/
6. http://newvietart.com/.
Chú thích:
[1] Một thời đại trong thi ca - Hoài Thanh - Trích thi nhân Việt Nam.
[2] Độc Tiểu Thanh Ký - Nguyễn Du.
[3] Mời trầu - Hồ Xuân Hương.
19/6/2014
Theo http://jostuandung.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...