S
|
uy ngẫm với thời gian” (*) là tập nghiên cứu, phê bình mới nhất của nhà báo Nguyễn Hoàn. Tập sách gồm 20 bài viết thuộc các lĩnh vực khác nhau, tập trung vào mảng lịch sử - nhân vật lịch sử, báo chí, văn học và âm nhạc. Cuốn sách được chia làm bốn phần chính, ngoài phần phụ lục là: “Tìm trong lịch sử”, “Duyên văn”, “Nghề báo”, “Nhạc Trịnh - Những góc nhìn”. Trong bốn phần ấy, Nguyễn Hoàn đã kỳ công, cần mẫn và say mê nghiên cứu, luận giải, đem đến cho bạn đọc những tư liệu quý giá, những điểm mới trong cách nhìn nhận đánh giá vấn đề. Nhiều bài viết có sự đầu tư, công phu và đạt được chất lượng tư tưởng và học thuật nên ghi lại dấu ấn trong lòng bạn đọc.
Thành công của Nguyễn Hoàn ở thể loại báo chí là điều mà bạn đọc đã từng ghi nhận. Tuy nhiên, anh không dừng lại ở đó, anh còn thử bút trên nhiều lãnh địa khác như lịch sử, văn học, âm nhạc… Anh viết với nhiều thể loại như bút ký, phóng sự, phê bình, nghiên cứu…Chứng tỏ Nguyễn Hoàn là con người đa diện, bởi ở anh có một nội lực thâm hậu trong việc “thu” và “phát” ở mọi địa hạt.
Bước rẽ của anh trên con đường nghiên cứu, phê bình có nhiều gập ghềnh, nhưng anh vẫn theo đuổi, vì đã trót nặng nợ, đa mang. Có lần anh tâm sự: Nghệ thuật vốn dĩ ở trong máu thịt của tôi, tôi yêu văn chương, học văn chương và thích sáng tạo…
Trở lại cuốn “Suy ngẫm với thời gian”, tôi thiết nghĩ những vấn đề được Nguyễn Hoàn quan tâm, luận bàn không phải “khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa ai có”, những vấn đề đó cũng đã được một số học giả nghiên cứu, phê bình quan tâm. Chứng tỏ sức sống nội tại của nó vẫn là một lực hấp dẫn lớn đối với đội ngũ nghiên cứu, phê bình và nó cũng đặt ra một thử thách không nhỏ đối với những người nghiên cứu, phê bình về sau. Nguyễn Hoàn là thế hệ đến sau, liệu anh có khám phá những điều gì mới không so với những người trước đó đã viết, hay anh chỉ làm công việc minh chứng cho những kết quả đã tiên liệu. Thế nhưng khi đọc xong công trình “Suy ngẫm với thời gian”, tôi khẳng định với bạn đọc cuốn sách đã vượt qua được thử thách đáng kể này. Tác giả đã chỉ ra được những đóng góp to lớn của các nhân vật lịch sử đối với quê hương, đất nước, những nhận xét rất tinh về một số nhà thơ, tìm ra những nét mới về mặt nội dung và phương thức biểu hiện của một số thi phẩm của các nhà thơ hiện đại, cũng như khẳng định những giá trị nhân văn trong nhạc Trịnh Công Sơn… Nguyễn Hoàn đã chỉ ra được cái “bản tướng, tinh hoa, tinh huyết” (Chu Văn Sơn), tìm ra nét riêng biệt, độc đáo của từng vấn đề mà anh luận bàn như “Thượng thư Lê Trinh, người tôn vua Duy Tân và cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi án chém”; “Tổng Bí thư Lê Duẩn với chân lý “Lao động, tình thương, lẽ phải”; “Tư tưởng đổi mới của Tổng Bí thư Lê Duẩn”; “Đối thoại với những tín niệm của Hoàng Phủ Ngọc Tường”; “Chiều kích đặc biệt của con người trong nhạc Trịnh Công Sơn”…
Như chúng ta đã biết, trong nghiên cứu, phê bình có một nguyên tắc bất thành văn là mỗi khi cầm bút viết thì phải viết một cái gì đó mới, dù cái mới ấy có ít ỏi đi chăng nữa cũng đều quý hóa, chứ không nhất quyết lúc nào cũng phải “chưa ai khơi, chưa ai có”, nhưng lại tuyệt đối không hạ bút viết những vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Ở công trình “Suy ngẫm với thời gian”, tôi thấy đều có được những cái mới như thế với những mức độ “mặn”, “nhạt” khác nhau. Nguyễn Hoàn tỏ ra khá nhạy cảm, tinh tế, vi diệu trong việc đánh giá, nhận định, giải quyết các vấn đề thấu đáo, thuyết phục, được xem là những kết luận cuối cùng xác đáng, trả về với giá trị đích thực của nó. Bài viết “Thượng thư Lê Trinh người tôn vua Duy Tân và cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi án chém” có những đóng góp nhất định về mặt nghiên cứunhân vật lịch sử, về việc dựng chân dung nhân vật lịch sử. Tác giả đã len vào từng tư liệu lịch sử để làm sáng rõ chân dung Thượng thư Lê Trinh. Ông là một nhân vật nổi tiếng trong thời gian làm quan cho triều Nguyễn. Đó là vị quan thanh liêm, yêu nước, thương dân…Những lúc vận nước nguy nan, ngặt nghèo, ông đã tham mưu cho triều đình những kế sách quý báu, một lòng tận trung. Tác giả khẳng định đóng góp sáng giá nhất của Thượng thư Lê Trinh trong thời gian đương làm quan là “việc tôn vua Duy Tân lên ngôi, sau khi thực dân Pháp phế truất vua Thành Thái và việc không xử chém Phan Châu Trinh, mặc dầu Pháp gây sức ép…” . Cũng như có công lao “trong việc phò tá, dạy dỗ, giúp đỡ nhà vua học hành...” . Kết thúc bài viết, tác giả kết luận: “Thượng thư Lê Trinh đã góp phần nói lên tấm lòng trung trinh của người Quảng Trị trước sóng gió lịch sử, nói lên cái “văn chất bân bân” của người Quảng Trị mà vua Tự Đức đã từng ngợi khen” .
“Tư tưởng đổi mới của Tổng Bí thư Lê Duẩn” là bài viết thực sự công phu, có giá trị lịch sử, lý luận và thực tiễn. Bài viết có những kiến giải đích đáng, sâu sắc về những tư tưởng đổi mới của Đảng nói chung và của Tổng Bí thư Lê Duẩn nói riêng trong những năm tiền Đổi mới đất nước. Nguyễn Hoàn đã thể hiện được năng lực nghiên cứu và sự sắc nhạy trong việc phát hiện ra cái mới, cái tích cực về tư tưởng đổi mới của Tổng Bí thư Lê Duẩn mà các nhà nghiên cứu khác ít lưu tâm như “cải tiến chế độ quản lý kinh tế”, chỉ thị “khoán 100” đến những bước đột phá về “đổi mới tư duy kinh tế” trong cơ chế bao cấp…
Bài “Tổng Bí thư Lê Duẩn với chân lý “Lao động, tình thương, lẽ phải”, tác giả đã tập trung làm sáng rõ hệ giá trị Chân Thiện Mỹ. Hệ giá trị ấy chính là “Lao động, tình thương, lẽ phải”. Theo Tổng Bí thư Lê Duẩn, muốn có một xã hội phát triển, văn minh, bền vững…luôn có sự tổng hòa cả ba mặt “Lao động” (sức mạnh kinh tế), “Tình thương” (sức mạnh văn hóa) và “Lẽ phải” (sức mạnh con người). Bởi lẽ, “sức mạnh kinh tế không thể tách rời sức mạnh văn hóa, sức mạnh con người và sức mạnh của văn hóa, của con người phải được hiện thực hóa trong sức mạnh kinh tế”. Hệ giá trị đó đã được thực tiễn chứng minh từ sau những năm Đổi mới đất nước mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện. Cuối cùng, tác giả khẳng định sức mạnh của chân lý mà đồng chí Lê Duẩn nêu lên được “bắt rễ rất sâu từ trong mạch nguồn truyền thống và văn hóa của dân tộc, là chân lý độc lập, tự chủ và sáng tạo, chân lý đó chính là minh triết Lê Duẩn, minh triết Việt Nam” .
Công trình còn có những bài bình thơ - đơn vị là tác phẩm thơ. Ở những bài viết này, Nguyễn Hoàn lại chứng tỏ được năng lực phẩm bình trong việc lựa chọn những thi phẩm của những tác giả một thời được coi là tiêu cực, là “mộng rớt”, hay những bài thơ mới ra đời của những nhà thơ đương đại. Cái khó ở chỗ, anh phải tiếp cận, khám phá, lẩy ra được cái thần thái, cái phẩm chất mỹ học của mỗi bài thơ trong tính vẹn toàn của nó như “Bản sắc Huế qua bài thơ “Tạm biệt” của Thu Bồn”, “Tây tiến của Quang Dũng”, “Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm”…Với một giọng phê bình chừng mực, chín chắn và văn phong khúc chiết, chặt chẽ, Nguyễn Hoàn đã chỉ ra được những tinh tế, vi diệu trong mỗi bài thơ.Với những hiện tượng mới xuất hiện, anh rất thận trọng khi đánh giá, nhận định. Anh không tán thành những biểu hiện thái quá, cực đoan trong sáng tác, nhưng lại không tỏ ra nặng lời dè bỉu làm nản chí những nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm của nhà thơ. “Cây thơ trẻ Võ Văn Luyến” là một bài viết như thế.
Trong nghiên cứu, phê bình, cái mới được hiểu không chỉ là những vấn đề hoàn toàn mới, mà còn được hiểu là những vấn đề đã được các nhà nghiên cứu khác đã bàn đến, nay lại được đưa ra bàn lại, bàn thêm, bàn sâu hơn. Trường hợp nhạc Trịnh Công Sơn là một điển hình. Tính đến thời điển này, có rất nhiều nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc, văn học viết về Trịnh Công Sơn và nhạc Trịnh để lại hàng chục công trình, hàng trăm bài viết. Tiếp thu những thành quả của những nhà nghiên cứu đi trước, nhưng Nguyễn Hoàn lại không dẫm lên lối mòn quen thuộc, anh đã vận dụng lý thuyết thi pháp học, lý thuyết liên văn bản…để nghiên cứu nhạc Trịnh, đem lại luồng sinh khí mới trong cách nhìn nhận về Trịnh Công Sơn, về lĩnh vực âm nhạc của ông. Tôi trộm nghĩ, những trang viết về âm nhạc và cuộc đời của Trịnh Công Sơn được xem là phần thăng hoa, lung linh và cũng có khả năng mê hoặc đối với bạn đọc khi đến với lãnh địa nhạc Trịnh. Tôi rất đồng cảm với John C. Schafer trong việc đánh giá bài viết “Chiều kích đặc biệt của con người trong nhạc Trịnh Công Sơn”, đó là “một trong những bài hay nhất tôi đã đọc về Trịnh Công Sơn”.
Tập “Suy ngẫm với thời gian” của Nguyễn Hoàn không chỉ dừng lại ở sự nghiên cứu nhân vật lịch sử, âm nhạc, giải mã các tác phẩm văn học…mà anh còn tiến sâu thêm một cấp nữa. Đó là siêu phê bình hay là phê bình của phê bình. Anh đã thử sức trong việc đánh giá công trình “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng” của thạc sĩ Ban Mai do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2008. Sau khi đọc xong bài viết, tôi nhận thấy Nguyễn Hoàn rất tinh tế trong việc anh đã chỉ ra được những sai lệch, thiếu sót của tập sách “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng”. Anh viết dưới dạng đối thoại. Tính đối thoại ở chỗ, Nguyễn Hoàn kiên quyết, dứt khoát và triệt để bác bỏ những lập luận phiến diện, thiếu cơ sở lịch sử và khoa học trong việc đánh giá về Trịnh Công Sơn, về nhạc phản chiến của Trịnh và chiến tranh Việt Nam.
Như việc thạc sĩ Ban Mai cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là “người Việt lại bắn giết người Việt”, là “từ đâu tới”, là “cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” của các nước lớn”, là “thân phận da vàng người Việt ngày nay đã thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa?”…Từ đó, Nguyễn Hoàn đã khẳng định Ban Mai “vay mượn, tán đồng những quan điểm lệch lạc, xuyên tạc” và “hoài nghi giá trị của nền độc lập mà cả dân tộc phải đổ biết bao xương máu hi sinh để giành lại được” (tr.188). Truy tìm những nguyên nhân đó, anh khẳng định tác giả “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng” do “không thấu suốt “hoàn cảnh xã hội” mà nhạc Trịnh ra đời” và đã bỏ qua “không khí thời đại” của nhạc Trịnh và trong nhạc Trịnh” (tr.194), tức là tác giả “không đảm bảo nguyên tắc “lịch sử và lôgic”, không dựa vào chân lý lịch sử hiển nhiên, khách quan mà dựa vào những quan điểm sai lầm, nhất là quan điểm về chiến tranh Việt Nam. Anh cho rằng khi nghiên cứu về nhạc Trịnh Công Sơn không thể bỏ qua những yếu tố đó, tuy nhiên “viết về Trịnh Công Sơn và nhạc phản chiến của ông, không thể không đề cập đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam và thái độ phản chiến của ông. Chỉ khi có sự đánh giá đảm bảo đúng đắn, khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử về cuộc chiến đã qua, về thái độ phản chiến của Trịnh Công Sơn…, từ đó mới vinh danh một cách xứng đáng về giá trị dòng nhạc phản chiến yêu nước của Trịnh Công Sơn, về những đóng góp của Trịnh Công Sơn đối với phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên đô thị” (tr.183-184).
Như việc thạc sĩ Ban Mai cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là “người Việt lại bắn giết người Việt”, là “từ đâu tới”, là “cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” của các nước lớn”, là “thân phận da vàng người Việt ngày nay đã thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa?”…Từ đó, Nguyễn Hoàn đã khẳng định Ban Mai “vay mượn, tán đồng những quan điểm lệch lạc, xuyên tạc” và “hoài nghi giá trị của nền độc lập mà cả dân tộc phải đổ biết bao xương máu hi sinh để giành lại được” (tr.188). Truy tìm những nguyên nhân đó, anh khẳng định tác giả “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng” do “không thấu suốt “hoàn cảnh xã hội” mà nhạc Trịnh ra đời” và đã bỏ qua “không khí thời đại” của nhạc Trịnh và trong nhạc Trịnh” (tr.194), tức là tác giả “không đảm bảo nguyên tắc “lịch sử và lôgic”, không dựa vào chân lý lịch sử hiển nhiên, khách quan mà dựa vào những quan điểm sai lầm, nhất là quan điểm về chiến tranh Việt Nam. Anh cho rằng khi nghiên cứu về nhạc Trịnh Công Sơn không thể bỏ qua những yếu tố đó, tuy nhiên “viết về Trịnh Công Sơn và nhạc phản chiến của ông, không thể không đề cập đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam và thái độ phản chiến của ông. Chỉ khi có sự đánh giá đảm bảo đúng đắn, khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử về cuộc chiến đã qua, về thái độ phản chiến của Trịnh Công Sơn…, từ đó mới vinh danh một cách xứng đáng về giá trị dòng nhạc phản chiến yêu nước của Trịnh Công Sơn, về những đóng góp của Trịnh Công Sơn đối với phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên đô thị” (tr.183-184).
Văn phong của Nguyễn Hoàn trong “Suy ngẫm với thời gian” cũng rất lạ. Lạ là bởi, anh không đóng hộp, nghiêm nghị, tư biện cũng không bông phèng dễ dãi, mà có lúc hàn lâm, có lúc bình tán rôm rã. Từ đó, tạo ra một giọng văn có cá tính, không trộn lẫn với ai nên đã tạo ra được dấu ấn riêng, đường nét riêng trên con đường định hình một phong cách nghiên cứu, phê bình Nguyễn Hoàn. Điều đó cũng đúng, bởi một lẽ là trong đời người nghiên cứu, phê bình, hạnh phúc nhất là tạo được cho mình một phong cách riêng và phong cách đó lại được đồng nghiệp và bạn đọc thừa nhận.
Nếu góp ý cho công trình này, tôi thiết nghĩ, chính sự nhiệt thành, say mê của anh, nên ở rải rác một số bài viết đã sử dụng quá nhiều tư liệu để minh chứng cho vấn đề mà anh bàn đến, mặc dù tôi vẫn biết đây là dụng ý của anh, nhưng đôi chỗ lại tạo ra một độ loãng không cần thiết nhất định.
Gấp lại tập “Suy ngẫm với thời gian” của tác giả Nguyễn Hoàn, tôi cho rằng anh có ưu điểm là ở năng lực, khả năng khái quát tổng hợp được vấn đề. Khi anh nghiên cứu một vấn đề hay một yếu tố nhỏ lẻ, thì anh cũng khái quát hóa thành các luận điểm, tìm ra được bản chất của hệ thống các vấn đề dựa trên thực tiễn và được soi sáng dưới ánh sáng của những hệ thống quan điểm cơ bản của mỹ học Mác - Lênin và những lý luận hiện đại về thi pháp học, liên văn bản… Nhờ có những thao tác và phương pháp tiếp cận cũng như những kết quả nghiên cứu thuyết phục, công trình tự nó có ý nghĩa tiếp sức cho nghiên cứu, phê bình hôm nay, trong khi một số bạn đọc khẳng định nghiên cứu, phê bình đương đại đã “bỏ trốn trận địa”. Đọc “Suy ngẫm với thời gian”, chúng tôi là những cây bút thuộc thế hệ sau Nguyễn Hoàn đã học được ở anh ý thức nghiên cứu khoa học nghiêm túc, công phu, tìm tòi và sáng tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét