Tiếp cận Tràng giang (Huy Cận)
từ phương diện thế giới nghệ
thuật
Sẽ chẳng có ai, hoặc nếu có sẽ rất ít
người, phản đối việc Hoài Thanh trao cho Xuân Diệu danh xưng: “nhà thơ mới nhất
trong các nhà thơ mới”; có lẽ bởi, chàng Xuân đã đi trọn và bước lên đỉnh cao
trên con đường cách tân thi ca hiện đại Việt Nam những năm 1932 - 1945. Xuân Diệu
“mới” quá, “Tây” quá, nên khi đọc những vần thơ “ảo não bậc nhất” mang “cái hồn
buồn của Đông Á”, “khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi
đất này” của Huy Cận, người ta dễ khẳng định tiếng thơ ông “cũ nhất trong các
nhà thơ mới”. Âu đó cũng là cái phản xạ đầu tiên, là quán tính trong tư duy.
1. Dẫn nhập
Sẽ chẳng có ai, hoặc nếu có sẽ rất ít người, phản đối việc Hoài Thanh trao cho
Xuân Diệu danh xưng: “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” [1]; có lẽ bởi, chàng Xuân đã đi trọn và bước
lên đỉnh cao trên con đường cách tân thi ca hiện đại Việt Nam những năm 1932 -
1945. Xuân Diệu “mới” quá, “Tây” quá, nên khi đọc những vần thơ “ảo não bậc nhất”
mang “cái hồn buồn của Đông Á”, “khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm
ngầm trong cõi đất này” của Huy Cận, người ta dễ khẳng định tiếng thơ ông “cũ
nhất trong các nhà thơ mới”. Âu đó cũng là cái phản xạ đầu tiên, là quán tính
trong tư duy.
Tiếng thơ Huy Cận “trẻ lắm”! Sức sống của “hồn buồn” Huy Cận còn trường cửu. Bởi
lẽ, đó là “hồn buồn” của tuổi hai mươi, của lá non trên cành còn ngơ ngác lay động
bởi cơn gió đầu tiên, của loài chim non rụt rè xòa đôi cánh nhỏ. Những trang nhật
kí Lửa thiêng của “cái hồn buồn Đông Á” [2] là tiếng lòng “người thơ đi trốn cô
đơn”. Đó phải chăng là cái nỗ lực vươn lên đầy cường mãnh của tuổi hai mươi, là
điều làm nên sức sống trường cửu cho một “hồn buồn”.
Tự ngày Huy Cận góp “hồn buồn” vào thi đàn 32 - 45, bài
thơ Tràng giang đã trở thành kinh điển, kinh điển của một “hồn buồn”,
một góc buồn Thơ mới. Đó là “hồn buồn”, góc buồn bàng bạc màu sắc Đường thi, lại
vừa tươi mới cái tâm tư trẻ tuổi. Tràng giang được đưa vào giảng dạy
trong nhà trường phổ thông từ khá lâu. Không ít nhà nghiên cứu đi trước đã “mổ
xẻ”, bình giá bài thơ này theo nhiều góc nhìn khác nhau. Trong giới hạn của bài
viết, người viết hướng đến tái hiện lại mô hình của thế giới nghệ thuật (TGNT)
trong Tràng giang từ việc phân tích những đặc tính của cái Tôi trữ
tình và không gian nghệ thuật của bài thơ; cũng như lược điểm một vài phương thức
kiến tạo TGNT ấy qua những tiêu chí về cách sử dụng và bút pháp cấu tạo hình ảnh,
biểu tượng. Từ đó, bài viết đưa ra một cách tiếp cận mới cho bài thơ Tràng
giang trong nhà trường phổ thông và cho các sáng tác của Huy Cận trước
Cách mạng tháng Tám.
2. Vài điều giới thuyết
2.1. Từ
một khái niệm quen thuộc trong thực tiễn và lý luận văn học
TGNT là một thuật ngữ mang tính khái niệm được sử dụng ngày
càng phổ biến trong đời sống văn nghệ và trong học thuật. Nó được sử dụng khi
chúng ta có nhu cầu diễn đạt ý niệm về cái chỉnh thể bên trong của sáng tác nghệ
thuật (một tác phẩm, một trào lưu, một quá trình sáng tác của tác giả).
Khái niệm này, trong học thuật, được đưa ra bàn luận theo hai
hướng chính:
Hường thứ nhất nhìn TGNT là một đối tượng xác định, một khái
niệm của lý luận văn học. Hướng khai thác này xuất hiện trong nhiều tài liệu
như cuốn Từ điển thuật ngữ văn học [tr.302,303]; Lý luận văn học [tr.81]
(tập 2, do Trần Đình Sử chủ biên); tiếp sau đó là cuốn Con đường đi vào
thế giới nghệ thuật của nhà văn [tr.78] (Nguyễn Đăng Mạnh),… Hướng thứ hai
biểu hiện thông qua việc diễn đạt theo những cách nói hình tượng, bóng bẩy như
trong Hàn Mặc Tử - tác phẩm và dư luận [tr. 208-238] (Phan Cự Đệ), Thế
giới nghệ thuật ca dao (Phạm Thu Yến), hay Ba đỉnh cao Thơ mới [87,
tr.24] (Chu Văn Sơn), …
Tham khảo những định nghĩa của các tác giả trong những tài liệu
kể trên, chúng tôi đi đến cách hiểu về khái niệm TGNT như sau:
Thứ nhất, TGNT là một mô hình thế giới mới được xây dựng
trong tác phấm nghệ thuật từ những nguyên liệu đời sống. Hình hài của nó được
quán xuyến bởi nguyên tắc tư tưởng - thẩm mỹ nhất định của người nghệ
sĩ. Đó là một chỉnh thể nghệ thuật sống động, cảm tính, được xây cất
bằng vật liệu ngôn từ và các phương thức, phương tiện nghệ thuật đặc thù.
Khẳng định TGNT là một chỉnh thế ngoài việc chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa
các yếu tố còn giúp người nghiên cứu tránh được những suy diễn chủ quan, lệch lạc,
trong việc khám phá, chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật.
Thứ hai, chính vì là đứa con tinh thần của nghệ sĩ, TGNT
luôn hàm chứa và thể hiện quan niệm riêng của người nghệ sĩ về thế giới,
con người và bản thân sự sáng tạo. Đó không phải là một thế giới tĩnh mà là một thế
giới động, phản ánh những biến chuyển tinh vi và phức tạp trong tư tưởng của
người nghệ sĩ, sau nữa là muôn động thái của đời sống hiện thực. Như thế, TGNT,
một mặt phản ảnh thế giới hiện thực, mặt khác nó biểu hiện khát vọng chân, thiện,
mĩ và khao khát sáng tạo của nhà văn.
Thứ ba, cấu trúc của một TGNT được xác lập bởi hai
thành tố cơ bản: không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật. Trong thực tiễn,
hai thành tố này ít khi tách rời và tồn tại độc lập, riêng rẽ một cách tuyệt đối,
mà thường đan bện, quấn quýt vào nhau tạo nên một phức hợp không - thời gian,
chất nền của một TGNT.
2.2. …
đến việc đặt khái niệm vào trong hệ thống thể loại thơ trữ tình
GS Trần Đình Sử quan niệm: “Văn bản thơ không chỉ gồm câu chữ, vần điệu, ngắt
nhịp,… mà bao gồm cả thế giới hình tượng bên trong như một thế giới sống đặc
thù. Phải miêu tả thế giới ấy, cho dù nó khác với thực tế như thế nào, có vẻ vô
lí như thế nào. Đó chính là thế giới chủ quan nội cảm của tác phẩm.”[3]
Thơ trữ tình là sản phẩm của cái chủ quan, là sự cảm biểu của chủ thể trữ tình
trong một không - thời gian nhất định, được ví như “bản tự thuật của tâm trạng”
(Poxpelop), “những vương quốc chủ quan” (Bielinxki). TGNT thơ trữ tình ở mỗi thời
đại, mỗi trào lưu sáng tác mang những nét đặc trưng cho thi pháp thời đại, trào
lưu ấy. Nếu thế giới thơ trữ trung đại đa phần xoay quanh hai thành tố: Cái Ta
và Thế giới, thì đến thơ ca hiện đại (đặc biệt trong trường hợp phong trào Thơ
mới) lại là Cái Tôi và Thế giới. Do vậy, TGNT trong thơ trữ tình thể hiện rõ
qua hai hình tượng: hình tượng cái tôi và hình tượng thế giới. Cái Tôi trữ tình
là hình tượng trung tâm của thơ trữ tình, mang vẻ đẹp độc đáo không lặp lại.
Hình tượng thế giới tồn tại trong thơ trữ tình với vai trò là khách thể để chủ
thể - cái Tôi trữ tình thể hiện mình. Tất nhiên, hình tượng thế giới (cũng như
hình tượng cái tôi nói trên) thực chất đều là hình tượng nghệ thuật, chúng được
xây cất theo những nguyên tắc thẩm mỹ riêng của nhà thơ.
3. Tái hiện thế giới nghệ
thuật trong Tràng giang
3.1. Cái
Tôi trữ tình - “hồn buồn” trẻ phương Đông
Muốn tiếp cận được thế giới nghệ thuật của thơ phải nhận diện được cái Tôi trữ
tình. Không phải nhà thơ xưng “tôi” thì cái Tôi mới được bộc lộ mà cái Tôi ấy
còn được bộc lộ qua tư thế trữ tình, giọng điệu trữ tình hay mẫu hình lí tưởng
mà hồn thơ ấy tôn thờ. Bên cạnh cái Tôi trữ tình thì Thế giới - hiểu như môi
trường tự nhiên và xã hội bao quanh cái Tôi (không gian, thời gian, các nhân vật
trữ tình) là yếu tố không thể thiếu để xây dựng nên thế giới nghệ thuật thơ.
3.1.1. Cái Tôi mênh mang nỗi buồn
Mỹ học Thơ mới đề cao cái Đẹp, cái Tuyệt đối, cái Vô cùng, cái Cao siêu; và đã
Đẹp là luôn gắn với cái Buồn. Riêng Huy Cận từng cho rằng: “Cái đẹp bao
giờ cũng hơi buồn” (Kinh cầu tự). Nỗi buồn của cái Tôi trữ tình trong Tràng
giang cứ chất chồng tầng tầng lớp lớp, hiện hữu như từng cơn sóng gợn mặt
nước sông dài. Buồn man mác từ sự cộng hưởng của điệp âm “ang” trong hai tiếng
“tràng giang” ở nhan đề và chữ thứ ba và thứ tư của câu thơ đầu tiên. “Tràng
giang” đọc lên nghe như có dư âm vang xa, trầm buồn, gẩy lên khúc điệu buồn êm
nhẹ mà thiết tha vô cùng.
“Hồn buồn” Huy Cận không tĩnh tại, bất biến như cái buồn của Đường thi, mà vận
động, luân chuyển theo diễn trình của từng khổ thơ. Tại khổ thứ nhất, cảm xúc uốn
mình từ “buồn điệp điệp” đến “sầu trăm ngả”, gắn với sự vận động của tạo vật.
Sóng lan xa, lan rộng mãi chẳng khác nào lòng người “buồn điệp điệp”. Nỗi buồn ấy
jeos dài theo cùng những con sóng, rồi chia đôi thành hai nửa “song song”, để rồi,
vỡ tan thành mối “sầu trăm ngả”, tan loãng trong thế giới Tràng giang.
Sự tan loãng của nỗi buồn kết đọng trong những mảnh vỡ. Chơi vơi từng mảnh, từng
mảnh trong không gian. Buồn thấm vào cái “lơ thơ” của những cồn đất giữa sông,
hoang vắng cùng cái “đìu hiu” se sắt gió thu. Buồn mong manh đi tìm nhịp đập của
sự sống con người với niềm hi vọng có thoáng lên chút nghi hoặc, phân vân mà
hình như cũng tự phủ nhận sự tồn tại của con người:
“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”.
Buồn đi tìm sự sẻ chia, sự cứu cánh nhưng rồi chỉ thấy trước mắt:
“Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”
Trước mắt chỉ “sâu chót vót” cái thinh không vời vợi, chỉ dài miên man từng đợt
sóng sông nối đuôi nhau chạy tới chân trời, chỉ rộng ra muôn mẫu khoảng trời
hoàng hôn. Nỗi buồn cứ mỗi ngày một lan rộng, có chiều hướng gia tăng và bao trọn
lấy không gian. Con người ôm nỗi buồn mà khuất lập vào cái mênh mông của sóng
nước. Nỗi buồn khởi sinh tự trong lòng lại đâu có bé nhỏ như xác thân hữu hạn,
rồi cũng chỉ nó mới đủ sức đong đếm cái mênh mông ngoại cảnh.
Từ khổ hai đến khổ ba, nỗi buồn dường như bất động, cứ sưng phù lên, réo lên từng
nhịp hối thúc. Hàng hàng lớp lớp bèo trôi dạt, con người chơ vơ vì mất đi một
điểm tựa tinh thần. Và, con người lại ra đi tìm dấu vết của sự sống con người:
“Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,”
Chữ “không” hằn in lên trang thơ thật phũ phàng. Đó là cái cách mà Huy Cận tuyệt
đối hóa sự vắng lặng của bốn bề chung quanh, để rồi day dứt mãi một nỗi buồn lạc
đâu mất tình đời, tình người - “niềm thân mật”. Dòng Tràng giang từ đầu
tới cuối chỉ là một khoảng không vô cùng vô tận, cắt đứt mọi liên lạc của cảnh
với cảnh, người với người. Nó nuốt chửng lấy hi vọng của con người, một “chút”
cũng quá xa xôi!
Khép lại thi phẩm, nỗi buồn hóa thân trong dáng dấp của khao khát đoàn tụ, sum
vầy, được yêu thương với hình ảnh: “Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”. Huy
Cận là người lập lờ gọi tên nỗi buồn “buồn điệp điệp”, rồi chính ông cũng là
người giải mã nỗi buồn cho độc giả cùng thấu:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Nỗi buồn ấy được Huy Cận lý giải là “lòng quê”, là tình cảm thương nhớ của thi
nhân hướng về quê hương. Từ láy nguyên “dợn dơn” thực sự là một sự sáng tạo của
riêng Huy Cận khi nó diễn tả được nhiều điều trong tâm hồn cái Tôi trữ tình. “Dợn
dợn” là cảm giác rợn ngợp của con người trong cảnh dài rộng, hoang vắng của
sông nước Tràng giang? “Dợn dợn” biểu hiện nỗi cô đơn, trống vắng của cái
Tôi Huy Cận? “Dợn dợn” nghe như nỗi khắc khoải nhớ quê hương tự phát trong lòng
người?
Huy Cận từng tự nhận: “Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm.” Đúng thế, hồn thơ
Huy Cận là cái ”hồn buồn” vừa mang nét đẹp Á Đông vừa mang tinh thần dân tộc. Nỗi
buồn Huy Cận thực sự “ảo não” [4], “Và nghe thơ Huy Cận, tự nhiên lòng ta lấy
cái cảm thương không cùng của thi sĩ và trước nhất, ta cảm thương người thi sĩ
rất nhiều cảm thương, Ta muốn nâng linh hồn bơ vơ kia, ôm lấy an ủi.”
3.1.2. Cái Tôi trữ tình triết luận
về nhân sinh
“Triết
học là bộ môn nghiên cứu về những vấn đề chung và cơ bản của con người, thế giới
quan và vị trí của con người trong thế giới quan, những vấn đề có kết nối với
chân lý, sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức, và ngôn ngữ.” [5] Triết lý của thi ca cũng hướng đến
thể hiện tư duy của con người về một đối tượng nào đó của tự nhiên và xã hội.
Hành động sáng tác thi ca, vì thế, về bản chất, cũng là một hành động thuyết lý về những vấn đề nhân sinh và xã hội thông qua việc thể hiện những biến điệu của
tâm hồn con người.
Triết lý của một tác phẩm thơ trữ tình, cũng như nhiều loại hình văn học khác,
tổn tại ở hai dạng thức: trực tiếp và gián tiếp. (1) Triết lý hiển ngôn là dạng
triết lý nhà văn phát biểu quan niệm trực tiếp trên bề nổi câu chữ. Dạng triết
lý này dễ nhận thấy, có khả năng vượt thoát khỏi những văn cảnh cụ thể của tác
phẩm để sống cuộc đời độc lập. (2) Triết lý hàm ẩn, gọi tắt là triết
lý ẩn. Triết lý của nhà văn không được phát biểu trực tiếp ở tầng nghĩa thứ
nhất của câu chữ, mà qua hình tượng nghệ thuật, người đọc tự lĩnh hội quan niệm
và đúc rút thành những châm ngôn. Bởi vậy, triết lý chỉ khẳng định được sự tồn
tại của nó ở môi trường văn cảnh cụ thể như cá trong nước, chim trên trời. Triết
lý gián tiếp linh động, được minh định để có những hình thái chung và đặc biệt
riêng đối với từng cá nhân/ từng nhóm độc giả. Hơn nữa, giống với sự nắm bắt những
nấc thang ý nghĩa hàm ẩn của một tác phẩm nghệ thuật nói chung, việc khai hiện
triết lý ẩn thường không hề dễ dàng như triết lý hiển ngôn. Nó là một công đoạn,
thậm chí là một quá trình, đòi hỏi thời gian, độ tinh nhạy khi tiếp xúc với ký hiệu vật chất - ngôn từ - tác phẩm và nhất là độ sâu sắc của tư duy và những trải
nghiệm nơi người tiếp nhận.
Thơ
Huy Cận khắc khoải trong những nỗi buồn nhân thế, luôn hướng đến triết luận về
thế thái nhân sinh. Một bài thơ tưởng như thuần biểu hiện cảm xúc như Tràng
giang cũng gợi lên được nhiều ý niệm sâu xa về cuộc đời của riêng cái Tôi
Huy Cận, cũng phần nào của cuộc đời của mỗi con người sống trong dòng chuyển
lưu sinh hóa.
Trong Tràng giang, ta thấy xuất hiện một trường hình ảnh nhỏ bé, đơn độc,
chơ vơ giữa sóng nước mênh mang, giữa đất trời tĩnh vắng. Đó là “con thuyền
xuôi mái”, là “củi một cành khô”, là “lơ thơ cồn nhỏ”, là “bến cô liêu”, là
“bèo dạt… hàng nối hàng” và là “chim nghiêng cánh”. Tất cả đều gợi cảm giác bập
bềnh, nổi nênh, vô định, như phó mặc cho dòng nước đẩy đưa. Đó dường như không
còn là những sự vật của hiện thực khách nữa mà ẩn chứa những cảm nghiệm sâu xa
về sự trôi nổi của kiếp người hữu hạn giữa cuộc đời rộng dài vô thủy vô chung.
Xét cho đến cùng, chúng chỉ là những biến thể đồng dạng của nhau, là sự hình
hóa, vật hóa cái “hồn buồn” của cái Tôi trữ tình mà thôi. Đồng dạng nhưng không
đồng nhất. Mỗi một biến thể lại mang một vẻ riêng, vừa thể hiện sự vận động của
nỗi buồn, vừa đưa đến những ý niệm mới, tiến gần biểu hiện những cảm nghiệm
mang tính cá thể về cuộc đời và hoàn cảnh của riêng cái Tôi trữ tình.
Trong sự cảm nghiệm về cuộc đời con người giữa dòng sinh hóa, Huy Cận gây ám ảnh
cho người đọc bởi hình ảnh: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Cách đảo ngữ danh
từ trung tâm “củi” (trong cụm danh từ gốc “một cành củi khô”) lên đầu tô đậm
hình ảnh về một sự vật bé nhỏ, không còn sức sống, kéo liên tưởng người đọc hướng
tới ý niệm về thân phận con người nói chung. Đó không chỉ là hình ảnh của riêng
cái Tôi trữ tình, của Huy Cận, của cả một thế hệ những nhà thơ mới: “Cái tôi cô
đơn, tội nghiệp của các nhà thơ mới dường như đã tìm thấy sự tương hợp tuyệt diệu
trong cành củi khô lạc loài của Huy Cận” [6]; mà còn gợi cảm thức về cuộc sống của bất
cứ ai. Sống trong dòng lưu chuyển sinh hóa, con người đâu có khác chi một cành
củi nhỏ bé. Dòng sinh hóa ấy chẳng qua là “bề khổ”. Con người, vì nhiều lẽ, bị
đẩy đưa, lưu lạc “mấy dòng”. Nào thì tham lam, sân hận, si mê; nào thì những lẽ
riêng - chung; nào thì sợi dây trói “vô thường”;… Con người đôi khi suy nghĩ và
hành động bằng vô thức, cảm tính, bản năng, phản xạ thứ nhất, rồi lắm khi vắt đến
giọt chịu đựng cuối cùng, sẽ lại phó mặc cho sông đời, biển đời đưa đẩy. Chỉ một
câu thơ mà Huy Cận nói hộ những nỗi niềm về thân phận của thế hệ mình và nói hộ
cả những điều ta đang trải qua mà “vô minh”, chẳng thể hay biết. Cảm thương cho
mình, cho thế hệ mình cũng là khi thi nhân cảm thương cho chúng sinh, nhân loại.
Ý tưởng đó còn lan mãi tới câu thơ: “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng”. “Hàng nối
hàng” bèo dạt khác với “Củi một cành khô lạc mấy dòng” ở chỗ: Củi chỉ một cành
thôi mà “lạc mấy dòng” đã thấy đáng thương, tội nghiệp lắm rồi; nay, bèo cũng mỏng
manh, yếu ớt khác chi củi mà “hàng nối hàng” dập dồi giữa sóng nước. Không phải
một mà nhiều cảnh bèo cũng chung cảnh ngộ như củi, cũng “lạc mấy dòng” mà thôi.
Thiết nghĩ mọi quy luật khách quan của tạo hóa có loại trừ ai?
Nhận định triết lý về con người và cuộc đời trên đây lạc quan hay bi quan dễ đi
vào con đường chủ quan duy ý chí. Có một điều chắc chắn rằng: những gì Huy Cận
ngầm biểu thị qua những ám hiệu ngôn từ cho thấy cảm quan biện chứng khi xác định
vị trí, thân phận của con người trong vũ trụ. Người ta sẽ không nỡ lòng trách
Huy Cận, bởi chuyện của những sự vật nhỏ bé, yếu ớt giữa sóng nước mênh mang
không chỉ là chuyện của vật, “không chỉ là chuyện một mình Huy Cận” [7] mà là “nỗi buồn chung của con người” [8]. Đó là nỗi buồn nhân thế từ ngàn xưa:
“Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Ðộc sảng nhiên nhi thế há.”
vọng về theo cơn sóng gợn để lay động tâm thức nhà thơ. Vũ trụ
vô thường, tuyệt đối, vô cùng chỉ con người nhỏ bé hữu hạn. GS Phan Cự Đệ đã gọi
đó là: “Cái buồn trong cuộc đời thực thành những dòng lệ trong văn chương”.
Cái Tôi trữ tình triết luận về nhân sinh trong Tràng giang đưa đến những
kiến giải thấu đáo hơn về cái Tôi mênh mang nỗi buồn trong thơ Huy Cận. Được
đánh giá là “ảo não bậc nhất”, nỗi buồn trong thơ Huy Cận thường vô cớ, tự phát
và siêu hình. “Hồn buồn” “ảo não”, bơ vơ đó vẫn chưa xác lập được trạng thái đồng
nhịp phách, càng chưa khơi được nguồn sống trong tạo vật và cuộc đời chung:
“Ôi! Nắng vàng sao mà nhớ nhung!
Có ai đàn lẻ để tơ chùng?
Có ai tiễn biệt nơi xa ấy
Xui bước chân đây cũng ngại ngùng.”
(Nhớ hờ)
“Ảo não bậc nhất” nhưng nỗi buồn trong Tràng giang nói
riêng và trong những sáng tác trước Cách mạng của Huy Cận nói chung rất đạm, rất
thanh, rất nhẹ. Nó không có cái sôi réo, hậm hực, gắt gay của như người bạn thơ
Xuân Diệu:
“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.”
(Vội vàng)
“Người ta khổ vì cố chen ngõ chật,
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào.
Rồi bị thương người ta giữ gươm dao,
Không muốn chữa, không chịu lành thú độc.”
(Dại khờ)
Đi tới tận cùng của vấn đề, đó là nỗi buồn thương về cuộc đời,
kiếp người. Buồn như vậy mới thực sự Đẹp, cái Đẹp của Mỹ học Thơ mới.
3.1.3. Nỗi
buồn thơ xưa ngả bóng trên trang thơ Huy Cận - một cảm thức về con người vũ trụ,
thiên nhân - nhưng không sao làm già nua hồn trẻ chàng Huy. Bởi, “Cái tiếc sớm,
cái thương ngửa ấy chẳng qua là sự trá hình của lòng ham đời, là cái tật dĩ
nhiên của kẻ yêu sự sống.” [9] Cái Tôi trữ tình luôn có khát vọng
vươn lên kiếm tìm hơi thở của cuộc sống con người dẫu lạc trong không gian
sông nước Tràng giang. Hơn nữa, khi tiếp tục lý giải căn nguyên của nỗi
buồn của Huy Cận, ta còn nhận ra nhiều điều hơn nữa về “chiếc hồn linh hồn nhỏ” [10] này.
Men theo diễn trình tuyến tính của ngôn từ bài thơ, ta có thể thấy Huy Cận có
ít nhất hai lần đi kiếm tìm dấu vết sự sống của con người giữa không gian Tràng
giang cách li, cô lập.
Lần thứ nhất, ông gửi niềm hi vọng cứu cánh vào: “tiếng làng xa vãn chơ chiều”.
Làng là một không gian quần tụ của một cộng đồng người, cuộc sống của làng xóm
tự ao đời nay có bao giờ tĩnh mịch, mà luôn sôi động với những nỗi buồn, niềm
vui. “Tiếng làng” thực chất là tiếng nói của con người, của nhiều người. Còn chợ
vốn là nơi tấp nập, đông vui, là nơi thể hiện trọn vẹn sức sống, thuần phong mĩ
tục của một vùng đất. Cả hai không gian gắn với hai âm thanh mà Huy Cận đang hướng
về đều hứa hẹn sẽ khuấy động không gian, xua tan đi cái vắng lặng, hoang vu của
không gian thơ. Nhưng “tiếng làng” chỉ ở “xa”, chợ lại đúng vào lúc “chợ chiều”
đã vãn. Còn gì buồn hơn một ngày tàn, chiều tàn và chợ tàn! Tiếng thơ nghe băn
khoăn, khắc khoải qua đại từ nghi vấn phủ định “đâu.”
Lần thứ hai, ông gửi niềm hi vọng cứu cánh vào những “đò”, những “cầu” - vốn là
những sự vật mang lại hy vọng xóa mờ khoảng cách địa lý - tâm hồn giữa đôi bờ
sông nước, rút ngắn được cách ngăn giữa chủ thể trữ tình với tình đời, tình người.
Nhưng mọi thứ đều trống không, chỉ có “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Sắc xanh
pha vàng (cùng với màu bạc ở hình ảnh: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”) là những
sắc màu hiếm hoi trong bức họa Tràng giang. Hai sắc xanh và vàng ấy
không gợi được sự sống, sự trù phú tốt tươi của một vùng đất mà đó là cái màu của
héo úa, màu buồn trong ráng chiều. Sự tàn phai, nhợt nhạt ấy kéo nỗi buồn trở về.
Huy Cận hai lần đi kiếm tìm dấu vết, hơi thở sự sống con người. Nhưng, thất bại!
Hy vọng ánh lên rồi cũng thành thất vọng, “mới sau câu vui, lại có câu sầu” [11]. Dẫu sao điều đáng ghi nhận ở “hồn buồn”
Huy Cận đó là khát khao vượt thoát cảnh buồn và nỗi buồn bản thân để hướng về
cõi nhân sinh. Huy Cận nhúng mình vào không gian, lạc bước cô đơn rồi cũng
không thể tự mình cứu rồi bằng hi vọng mong manh. Cái Tôi trữ tình đã “lĩnh
mang giùm tất cả cho nhân gian” “hận sầu dài dặc lâu bền nó gieo họa trong lòng
bọn thi sĩ” [12]. Đó thực sự là điều đáng trân trọng ở một
hồn thơ “ảo não bậc nhất”.
Điều trân trọng trong nỗi buồn của cái Tôi trữ tình trong Tràng giang được
thể hiện khi ngẫm cho thật kĩ ý vị mà hai câu cuối cùng của thi phẩm gửi gắm. Đọc
hai câu thơ kết thúc ấy, độc giả có kiến văn sẽ liên tưởng tới những câu thơ
trong Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu):
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
GS Trần Đình Sử đã thực sự rất tinh khi nhìn ra được cái mới của Huy Cận so với
ý thơ của thi nhân Thôi Hiệu của Trung Hoa. Ông viết: “Xưa Thôi Hiệu tìm giấc
mơ tiên chỉ thấy hư vô, lòng khát khao một cõi quê hương thực tại. Nay Huy Cận
một mình đối diện với khung cảnh vô tình, dợn lên nỗi khát khao quê nhà ấm áp.
Một đằng là ý thức về thực tại, một đằng là ý thức về tình người.” [13] Nhận định nói trên của GS Trần Đình
Sử hẳn còn sạn, đặc biệt ở những chữ như “khung cảnh vô tình” cần phải có sự
bàn luận thêm; vì theo tôi, khung cảnh Tràng giang dường như không
“vô tình” mà còn rất đậm tình người nữa kia. Nhưng cái tuyệt tinh mà GS Trần
Đình Sử đã phát hiện ra được sự khác nhau cơ bản giữa ý thơ của Thôi Hiệu và
Huy Cận. Thôi Hiệu, đúng là ý thực được thực tại về một lầu Hoàng Hạc đã chỉ
còn là một huyền ức xa xăm, mịt mờ khói sương đã vây bủa lấy giấc mơ tiên của
thi nhân. Vậy nên, ông nhớ quê hương như một sự neo đậu về chiếc bến hiện thực
mà thôi. Huy Cận thì khác. “Hồn buồn” Huy Cận khẳng định “Không khói hoàng hôn
cũng nhớ nhà”, không cần nhìn một hình ảnh gợi lên sự ấm áp, sum vầy, mầ vẫn
“nhớ nhà”. Đó là một nỗi nhớ chẳng có một duyên cớ chi, không cần sự tác động của
ngoại cảnh, mà tự khởi phát trong nội cảm con người. Ắt hẳn, nỗi nhớ ấy phải
đau đáu, day dứt, luôn trực chờ để cuộn xoáy, trào dâng.
Cách nói phủ định này hướng đến khẳng định cái da diết của nỗi nhớ, gợi nhắc tới
những câu thơ của Thâm Tâm khi viết Tống biệt hành:
“Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
Là một nhà thơ mới, Huy Cận ít nhiều, thậm chí mãnh liệt với khát khao khẳng định
cái bản ngã, đề cao tính chủ quan trong cảm nhận của nội giới cá thể. Vì thế,
cùng với những nhà thơ cùng thời, Huy Cận sử dụng cách nói phủ định sự tác động
của ngoại cảnh trong việc sinh thành và nuôi lớn cái Hứng của thi nhân. Tâm hồn
họ đã dồn tụ quá nhiều tâm tư, nên đâu cần tới những cái cớ để “tức cảnh sinh
tình”. Điều này có thể coi như sự diễn giải, minh định cho nhận định của Hoài
Thanh khi bàn về nỗi buồn trong thơ Huy Cận: “Cái buồn tỏa ra từ một hồn người
cơ hồ không biết đến ngoại cảnh”, bởi “Nguồn thơ đã sẵn trong lòng, đời thi
nhân không cần có nhiều chuyện.”[14]
Thêm nữa, Huy Cận đang đứng trên mảnh đất quê hương mình; vậy, cớ sao “lòng
quê” lại luôn “dợn dợn”? Có lẽ bởi nỗi buồn của chàng Huy hôm nay là nỗi buồn của
một con người mang trong mình tâm trạng và nỗi lòng của kẻ “thiếu quê hương”,
cũng là tâm trạng và nỗi lòng của một thế hệ thanh niên trước Cách mạng - “bơ
vơ như những đứa con bị lạc mất mẹ” (Hoài Thanh). Nỗi buồn của Huy Cận khi được
lý giải theo hướng này thực sự mang tinh thần thời đại, tinh thần dân tộc, mang
hơi thở của tình yêu nước thầm kín.
Có nhiều ý kiến cho rằng Thơ mới là tiếng nói của những tâm hồn tiểu tư sản yếu
ớt, yếm thế. Rồi tới tận ngày hôm nay, khi tiếp cận thi phẩm này của Huy Cận,
người ta vẫn e dè, hoặc làm ngơ vấn đề tình yêu nước thầm kín của thi nhân.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng “lòng quê” có dáng dấp của niềm nhớ nước
thương nhà trong cảnh lầm than. Lặn trong bề sâu của nỗi buồn số phận là tiếng
buồn thương của những người con mất nước. Dưới chế độ kiểm duyệt gắt gao của “Mẫu
quốc” Pháp, tình cảm ấy chỉ được bộc bạch một cách gián tiếp qua những nỗi buồn
không tên, bâng quơ, tự phát. Tâm sự của Huy Cận là tâm sự của cá nhân, cũng là
tâm sự của một thế hệ thanh niên lúc bấy giờ. Với cách cảm, cách nghĩ mới, khổ
thơ đậm màu sắc Đường thi bậc nhất của Tràng giang gây được ấn tượng
mạnh mẽ bởi tinh thần thời đại, tâm sự dân tộc mà Huy Cận âm thầm gửi gắm qua
những ký hiệu ngôn từ. “Hồn buồn” Huy Cận “trẻ lắm” vì lẽ ấy.
3.1.4. Nhìn
lại một cách tổng thể về hạt nhân trung tâm của TGNT Tràng giang -
cái Tôi trữ tình - “hồn buồn” trẻ, ta nhận ra một cái Tôi luôn trăn trở, quẩn
quanh trong những điệu buồn man mác, điệu buồn giàu tính nhân văn và giàu tinh
thần dân tộc. Bản ngã Huy Cận khát khao vươn lên cao mà chiếm lĩnh cái vô cùng
vô tận của không gian Tràng giang nhưng ý thức về sự hữu hạn, nhỏ bé
của bản thân khiến khát khao trở thành ảo vọng. Sự vươn tới cái Tuyệt đích, Vô
cùng, Cao siêu là điều không tưởng, ngay cả với những cánh bướm lãng mạn, bổng
bay như thế hệ những nhà thơ mới 32 - 45. Họ “càng đi sâu càng lạnh”, càng khát
khao thì càng chán chường. Họ hiện thực hóa khát kháo bằng nỗi buồn, nỗi buồn mới
đủ sức thâu trọn “trời rộng, sông dài”. Dưới những lớp sóng chữ buồn vời vợi là
bậc thềm phù sa của tình đời, tình người, tình cảm quê hương đất nước, làm nên
trụ nền, đảm bảo cho giá trị tồn tại của Tràng giang. Cái Tôi trữ
tình trong Tràng giang nói riêng và các sáng tác trong Lửa
thiêng nói chung, đặt trong mối quan hệ với văn học xưa, là sự pha trộn
hài hòa giữa màu sắc cổ điển với tinh thần thời đại mới; đặt trong mối tương
quan với vườn hoa cái Tôi cá nhân Thơ mới là một hoa lạ, vừa mơn mởn “hồn buồn”
của tuổi trẻ, vừa có vẻ đẹp chiều sâu ý nhị và thâm trầm.
3.2. Không
gian nghệ thuật
3.2.1. Không
gian thiên nhiên quê hương, đất nước - không gian của cái Tuyệt đích, Vô cùng
a. Tràng giang trước hết là một bức họa với chất liệu
ngôn từ nghệ thuật. Nó họa lại một không gian sông nước mênh mông, rộng lớn với
bốn chiều kích dài - rộng - cao - sâu. Ở chiều kích nào cũng được đẩy lên tới
cái Tuyệt đích, Vô cùng, cấu trúc nên không gian khối hộp, mà hạt nhân trung
tâm là cái Tôi trữ tình luôn khát khao chiếm lĩnh, bao trọn.
Bài thơ “được sông Hồng gợi tứ” [15]. Vậy thì chí ít, dòng sông trên trang
thơ Huy Cận sẽ có dáng hình của sông trên bất cứ mảnh đất nào của nước ta, chứ
không nhất thiết phải là sông Hồng. Thế nên, Huy Cận định danh cho không gian ấy
là Tràng giang. Cái tên đẩy nhẹ cánh cửa ngôn từ, hé mở một không gian có
gì như cổ kính, trang trọng lắm. Điệp âm “ang” giao thoa về ngữ âm, tạo hình
trong trí tưởng tượng người đọc về một dòng sống dài vô tận, rộng mênh mang.
Dòng tràng giang đã được cảm nhận từ hai thước đo: thước đo địa lý và
thước đo lịch sử. Tràng giang không chỉ vô thủy vô chung dưới góc
nhìn của địa lý mà trầm tích trong dòng chảy ấy là bề dày lịch sử - văn hóa. Có
một dòng sông chảy song hành cùng dòng chảy miên viễn của thời gian vũ trụ, khởi
nguyên từ thượng nguồn quá khứ, lặng lờ trong thực tại và miên man tới tận
tương lai vô cực. Một sự bề thế đáng tự hào của dòng sông đất nước, quê hương
mình!
Trong bài thơ, Huy Cận cứ nhắc mãi về cái ấn tượng “trời rộng”, “sông dài” từ lời
đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” đến tận câu thơ cuối khổ thứ hai:
“Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. Không gian được mở ra ở tầm thấp lẫn tầm
cao: trên là “trời rộng” thênh thang, dưới là “dòng dài” miệt mài chảy trôi,
kéo mãi tới tận chân trời. Ấn tượng về sự “rộng” “dài” của không gian được tấu
lên từ dòng thơ đầu của khổ thứ nhất: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. Sóng trên mặt sông chỉ “gơn”, chỉ lăn tăn, miên man không dứt khiến dòng sông mềm
như một dải lụa, uốn nhẹ thân mình trong gió chiều miên man. Từ láy “điệp điệp”
trước nhất miêu tả động thái của từng lớp sóng sông. Từng con sóng nhỏ nối đuôi
nhau, kéo nhau hết lớp nọ đến lớp kia đưa nhau đến tận cùng khoảng giới hạn của
đường chân trời xa xăm. Nói là giới hạn, chứ biết đường chân trời chẳng qua chỉ
là cái giới hạn tương đối mà con người tự huyễn hoặc để thỏa mãn nhu cầu chiếm
lính vũ trụ của mình. Không gian thơ được mở ra tới vô cùng.
Khi đã hình dung cái Tuyệt đích của không gian Tràng giang ở bề “rộng”
“dài”, Huy Cận đẩy không gian bằng chiều kích thứ ba và thứ tư - chiều cao và
chiều sâu. Một không bốn chiều được xác lập cũng là khi sự vô biên, tính chất
vũ trụ của Tràng giang vững chãi ở chiếc ngai vàng Tuyệt đích:
“Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”
Phê bình hai câu thơ này, PGS.TS Chu Văn Sơn đã thể hiện được
khả năng thẩm bình tuyệt hay, tuyệt khéo của mình: “Câu trên là sự vô biên được
mở về chiều cao. Câu dưới là sự vô biên về cả bề rộng và chiều dài. Có một khoảng
không gian đang giãn nở ra trong cụm từ “nắng xuống trời lên”. Hai động từ ngược
hướng “lên” và “xuống” đem lại một cảm giác chuyển động rất rõ rệt. Nắng xuống
đến đâu, trời lên đến đó. Và nó được hoàn tất bởi cụm từ “sâu chót vót”.” Trong
lời bình của PGS.TS Chu Văn Sơn, ông đã diễn lại bằng văn xuôi cái ý tưởng cấu
trúc hình ảnh thơ của Huy Cận. Huy Cận đã tưởng tượng nắng như một cây sào có
khả năng giãn nở hai đầu. Một đầu soi chiếu, đâm vào lòng sông, đầu kia chống
trời lên cao vút. Nắng trở thành một thực thể nhị chức năng, mở rộng không gian
ra ở chiều sâu và tầm cao. Sự đẩy căng biên độ không gian tạo nên một hiệu ứng
cộng hưởng bất ngờ “sâu chót vót”. Trước nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây
là một sáng tạo về chữ nghĩa của Huy Cận. Tôi nghĩ không hẳn. Đó chẳng qua là sự
ngôn từ hóa một cảm nhận lưỡng diện tính về một hiện tượng trong hiện thực
khách quan mà thôi. Tôi đánh giá rất cao nhà thơ Huy Cận ở phương diện, còn
phương diên sáng tạo chữ nghĩa có lẽ cần có thời gian thẩm định thêm (!?)
Để rồi đến câu thơ: “Mênh mông không một chuyến đô ngang”. Căn cước để xác định
rạch ròi giữa các chiều kích bị xóa mờ; để rồi, ấn tượng đó gói lại trong một từ
láy “mênh mông”. Chỉ thế thôi cũng đủ để nói về cái Tuyệt đích, Vô cùng của
không gian Tràng giang.
b. Không
gian Tràng giang không chỉ rộng dài, cao sâu tuyệt đối, vô cùng mà
qua những bộ mã ngôn từ mà Huy Cận đưa đến độc giả, ta còn nhận ra một Tràng
giang hoang vu, vắng lặng cũng vô cùng, tuyệt đối. Tràng giang chính
vì đã vững chãi trên ngai vàng Tuyệt đích, thế nên chẳng khác nào một không
gian rơi vào quên lãng, cách ly hoàn toàn với sự sống của con người. Có thuyền
trên sông nhưng “thuyền xuôi mái” chẳng bàn tay người chèo lái, dẫn đưa; có
làng nhưng tiếng làng xa ngái như có như không, có chợ nhưng chợ chiều đã tắt
tiếng người; rồi không đò, không cầu. Chỉ có riêng một cái Tôi lằng lặng cùng
sóng nước, càng khát khao tình đời, tình người, càng cố nương theo ngọn “gió
đìu hiu” đi tìm hơi thở cuộc sống thì càng thật vọng, ê chề. Không gian cồn nhỏ
“lơ thơ” giữa sóng nước là sự thu nhỏ của Tràng giang giữa biển đời.
Một không gian chơi vơi, và như bị quên lãng, không ai nhắc tên, không ai nhớ đến.
c. Lý giải không gian nghệ thuật của Tràng giang như là tiêu biểu cho khung
cảnh thiên nhiên quê hương, đất nước dẫn ta tới vẻ đẹp trù phú của một vùng
trên lãnh thổ nước nhà, và giúp ta cảm nhận được tình yêu, niềm tự hào của Huy
Cận đối với cảnh sắc quê hương. Chính tình yêu, niềm tự hào ấy khiến: “Thơ viết
về thiên nhiên đất nước là một sở trường, một điểm mạnh của Huy Cận” [16]. Nhưng từ góc nhìn của Mỹ học Thơ mới,
không gian sông nước của Tràng giang xứng đáng được coi là biểu hiện
của cái Tuyệt đích, cái Vô cùng, cái Cao Siêu. Sau này, nghệ thuật là cái Tuyệt
đích, cái Vô cùng, cái Cao siêu trở thành quan niệm nghệ thuật, quan điểm mỹ học
có tính chất tông chỉ của nhóm Xuân Thu và Dạ Đài. Nhưng vì đi quá xa và cực
đoan hóa về mặt quan niệm - tư tưởng, vậy nên, nhóm Xuân Thu vô tình đã khiến
văn nghệ bị phủ lấp bởi một màn sương bí ảo, ly gián hiện thực. Nghệ thuật mà
Xuân Thu đề cao thuần túy nảy sinh, tồn tại rồi cũng tự phục vụ (tức tự cung tự
cấp) trong cõi vô thức, tâm linh, khó mở rộng được phạm vi ảnh hưởng tới độc giả.
Không gian Tràng giang được đón nhận nồng nhiệt đến vậy ắt bởi cái
Tuyệt đích, Vô cùng, Cao siêu mà Huy Cận mang đến đêu bắt rễ từ tình yêu quê
hương đất nước, từ khát khao giao cảm chân thành trong trái tim của một người
nghệ sĩ.
Sự
ứng chiếu, giao thoa giữa chủ thể và ngoại giới, trong đa số các trường hợp,
mà Tràng giang là một điển hình, được biểu hiện bằng mối tương giao
giữa tình và cảnh: mỗi một động thái của cảnh đều có sự dẫn chiếu với một trạng
thái, tâm tình của cái Tôi trữ tình.
Cảnh trong không gian nghệ thuật Tràng giang rất có tình. Trời, sông
vô tình sao “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”? Sóng vô tình sao “buồn điệp
điệp”? Thuyền nước vô tình sao “Thuyền về nước lại” bỏ không một khoảng trống
“sầu trăm ngả”? Gió vô tình sao “đìu hiu”? Bến vô tình sao “cô liệu”? Nhiều người
nhìn vào những cuộc chia ly trong không gian Tràng giang, để rồi nói cảnh
nơi đây vô tình. Tôi nghĩ vô tình thì không hẳn, mà đúng hơn là cảnh đang bị
cái Tôi trữ tình chủ quan hóa để rồi mất mối dây liên lạc với nhau, với bến đỗ
và với đời. Xa nhau, thuyền nước cũng buồn, hơn nữa là “sầu”. Cách ly với bàn
tay chèo lái của con người thuyền “xuôi mái”, ủ ê. Xa rời một điểm tựa, một bến
đỗ, củi, bèo lênh đênh. Bị lãng quên, bỏ rơi, bến “cô liêu” sầu tủi. Có quá nhiều
cuộc chia ly trong không gian Tràng giang, nhưng không phải chúng không cần
nhau nữa, không có cảm xúc gì khi mất nhau. Cảnh đã được Huy Cận thổi hồn, để rồi
hóa thân thành những số phận hoặc phải chia lìa, hoặc bị bỏ rơi, bị quên lãng,
hoặc lênh đênh, trôi nổi. Sự nhân cách hóa những sự vật vô giác vô tri đã làm
cho không gian Tràng giang mang cái màu sắc buồn man mác, rồi càng ngày càng thấm
sầu.
Không chỉ có vậy, như đã khẳng định ở trên những sự vật trong không gian Tràng
giang là biến thể đồng dạng của nhau, là sự hình hóa, vật hóa, xác hóa cái
“hồn buồn” của cái Tôi trữ tình Hay nói một cách khác, Tràng giang thực
sự là nơi ứng chiếu, giao thoa của chủ thể và khách thể, của tình và cảnh. Từ một
dòng sông cụ thể, nhà thơ suy ngẫm về những dòng sông quê hương; từ một nỗi buồn
cá nhân, nhà thơ suy ngẫm về kiếp người giữa cuộc đời.
Những câu thơ như: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, “Sóng gợn tràng giang
buồn điệp điệp” rồi rất rất nhiều những hình ảnh thơ là kết quả của thủ pháp
nhân cách hóa sự vật kể trên đều khiến độc giả suy tư, rằng, cảm xúc đó, tâm
tình đó của chủ thể hay ngoại giới, của cảnh hay của người. Tình như hòa vào cảnh
để cảm nhận cảnh, để thấy cảnh cũng như những sinh thể sống có hồn, cũng ăm ắp
tâm tư. Cảnh thấm đẫm nỗi buồn của con người mà trở nên lênh đênh, biệt ly, bị
bỏ rơi. Sự đồng điệu, hô ứng đó càng cho thấy bút pháp “tả cảnh ngụ tình” truyền
thống vẫn có một ý nghĩa và vai trò quan trọng trong quá trình tạo tác văn
chương nghệ thuật của thi nhân muôn đời.
3.2.3. Không
gian mang dấu ấn thế giới quan phương Đông - một chỉnh thể thống nhất của những
mặt đối lập
Triết học phương Đông nhấn mạnh sự thống nhất trong mối quan hệ giữa con người
và vũ trụ với công thức bộ ba “Tam tài”: thiên - địa -nhân là một nguyên tắc
“thiên nhân hợp nhất”. Ta lưu tâm tới triết học Trung Hoa - nền triết học có
truyền thống lịch sử lâu đời nhất (hình thành cuối thiên niên kỷ II đầu thiên
niên kỷ I TCN) - quan niệm con người là thành tố, tiểu vũ trụ, tế bào trong hệ
thống, đại vũ trụ và cơ thể lớn của thế giới. Ta từng bắt gặp quan niệm này
trong Nam hoa kinh (Trang Tử): “Vạn vật dữ ngã vi nhất” (Vạn vật với
ta là một). Như vậy con người cũng chứa đựng tất cả những tính chất, những điều
huyền bí của vũ trụ bao la. Từ điều này cho ta thấy hình thành ra các khuynh hướng
như: khuynh hướng duy tâm của Mạnh Tử thì cho rằng vũ trụ, vạn vật đều tồn tại
trong ý thức chủ quan và trong ý niệm đạo đức Trời phú cho con người. Ông đưa
ra quan điểm: “Vạn vật giai bị ư ngã” (Vạn vật đều có đủ trong ta). Ở phương
Đông khuynh hướng duy vật chưa rõ ràng; đôi khi, còn đan xen với duy tâm, mặc
dù nó là kết quả của quá trình khái quát những kinh nghiệm thực tiến lâu dài của
nhân dân Trung hoa thời cổ đại. Quan điểm duy vật được thể hiện rõ ở học thuyết
Âm dương. Tuy nó còn mang tính chất trực quan, chất phác, ngây thơ và có những
quan điểm duy tâm, thần bí về lịch sử xã hội, nhưng trường phái triết học này
đã bộc lộ rõ khuynh hướng duy vật và tư tưởng biện chứng tự phát của mình trong
quan điểm về cơ cấu và sự vận động, biến hóa của sự vật hiện tượng trong tự
nhiên cũng như trong xã hội. Nó đưa đến quan niệm nhị nguyên về vũ trụ: âm và dương, hai
nguyên lý đối lập và bổ sung nhau, không thể tách khỏi nhau của mọi sự vật. Như
vậy, thế giới được coi như một sự vận hành của hai nguyên lý xen kẽ trong thời
gian và đối lập trong không gian.
Tới thời điểm này, sẽ thật là dư thừa nếu tiếp tục luận bàn về sự tiếp biến văn
hóa Trung Hoa của văn hóa nước ta. Thơ mới là phong trào thi ca với lực lượng xung
yếu là những người trí thức tiểu tư sản có tư tưởng cởi mở, dung hòa được nhiều
làn gió văn hóa từ bốn phương thổi tới, trong đó, văn hóa Trung Hoa vẫn luôn là
nền văn hóa có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng nhất, kế đó mới là văn hóa Pháp.
Sự ảnh hướng đó trong thơ Huy Cận nói chung và Tràng giang nói riêng
là rất rõ ràng, mà rõ nhất là khi đi tìm hiểu kết cấu không gian nghệ thuật của
thi phẩm. Không gian mang tư cách của một chỉnh thể thống nhất những mặt đối lập:
hữu - vô, thực - ảo,
Thực chất hai cặp phạm trù này không tách bạch nhau mà hòa lẫn nhau trong Tràng
giang. Cụ thể, cái Hữu là những thực thể, tổn tại trước mắt của cái Tôi trữ
tình; cái Vô nằm trong hy vọng, mường tượng, là những hư ảnh vụt hiện trong ý
thức như những bong bóng xà phòng, rồi tắt ngấm khi đập phải bức tường của hiện
thực.
Cái Hữu tồn tại xuyên suốt dọc chiều dài bài thơ, luôn hiện ra trong sự nhỏ bé,
yếu ớt, mỏng manh, lênh đênh giữa sóng nước, bị bỏ rơi, bị lãng quên. Nó gợi ý
niệm về con người và cuộc đời. Đó là “con thuyền xuôi mái”, là “củi một cành
khô”, là “lơ thơ cồn nhỏ”, là “bến cô liêu”, là “bèo dạt… hàng nối hàng” và là
“chim nghiêng cánh”. Hữu là cái hiện tồn của cuộc đời, và cuộc đời trong nhãn
quan của cái Tôi Huy Cận là như vậy. Tất cả đều gợi buồn, nỗi buồn của cá nhân
cái Tôi trữ tình đồng vọng với nỗi buồn nhân thế.
Cái Vô tồn tại như những điểm sáng, quầng sáng nhỏ nhoi lấm tấm trên cái màu buồn
mà cái Hữu bao bọc lấy trang thơ. Nó vụt sáng trong tâm tưởng, trong hy vọng, trong
khát khao của cái Tôi trữ tình; để rồi, chính hiện thực hoặc chính cái Tôi ấy
phủ nhận sự tồn tại của cái Vô, kéo mình trở về đối diện với hiện thực. Đó là
“tiếng làng xa vãn chợ chiều”, là cầu, là đò nối liền đôi bờ sông nước.
Cái Tôi trữ tình ở đây đôi khi còn phân vân về sự tồn tại của cái Vô nữa. “Đâu
tiếng làng xa vãn chợ chiều”. Từ “đâu” đa sắc thái: vừa nghe như một lời khẳng
định đâu đây có tiếng làng phát ra từ một khu chợ tàn chiều thu đó, vừa nghe
như một lời phân vân có hay không âm thanh của cuộc sống con người kia, vừa
nghe như một lời phủ nhận phũ phàng chẳng có cái nhịp thở phập phồng của cuộc sống
ở xa xôi kia đâu. Dù có hay không có thì âm thanh, hơi thở, nhịp điệu cuộc sống
đều chỉ như ảo vọng: hoặc xa xôi hoặc viễn tưởng. Và dường như không muốn tự
huyễn hoặc bản thân, cái Tôi ấy chấp nhận trong thất vọng:
“Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật.”
Sự tồn tại song hành của những cặp phạm trù đối lập hữu - vô, thực - ảo cho thấy
được tính chất nhị nguyên trong kết cấu không gian nghệ thuật của Tràng
giang - một không gian phản ánh nguyên lý tổn tại và phát triển của thế giới
theo quan niệm của triết học phương Đông, và cụ thể là triết học Trung Hoa. Nó
khắc sâu thêm sự ứng chiếu, giao thoa giữa chủ thể và ngoại giới. Cái Tôi trữ
tình đã điền vào khoảng trống của không gian Tràng giang sự vụt hiện
của cái Vô, cái Ảo, khiến những ý niệm về cuộc đời và con người không chỉ tồn tại
những lẽ “vô thường” tất yếu với những kiếp chúng sinh trầm luân trong biển đời
mà tại đó còn những ước mơ, hy vọng, khát khao mong manh, mơ hồ ẩn hiện trong
tiềm thức, vô thức của con người.
Ngoại giới nhị nguyên; ý thức con người còn đa diện, phức tạp hơn nhiều. Bởi ý
thức, từ cái nhìn cấu trúc, là một mặt phẳng tọa độ với hai trục tung - hoành
giao cắt, mỗi trục lại là một tiểu hệ thống thống nhất các thành tố. Trục hoành
ý thức gồm tri thức, tình cảm và ý chí; giao cắt với trục tung ý thức bao gồm:
tự ý thức, tiềm thức và vô thức. Ý thức của cái Tôi trữ tình trong không gian
nghệ thuật Tràng giang cũng phức tạp và đa diện như thế! Cái Hữu, cái
Thực đưa đến cho cái Tôi trữ tình những nhận thức về con người và cuộc đời, nảy
sinh nỗi buồn cá nhân đồng vọng trong nỗi buồn nhân thế; để rồi từ đó, chính
cái Tôi ấy, bằng sức mạnh tinh thần và khát khao giao cảm cấu thành cái Vô, cái
Ảo điền vào khoảng trống của không gian. Quá trình đó cũng diễn ra tương tự ở kết
cấu trục tung của ý thức chủ thể: cái Vô, cái Ảo tồn tại trong tiềm thức và vô
thức thực chất là sản phẩm từ sự tự ý thức về mình của cái Tôi trữ tình giữa
không gian trời nước mênh mang.
4. Lược điểm về phương thức
kiến tạo thế giới nghệ thuật trong Tràng giang
4.1. Thể
thơ và kết cấu bài thơ:
Cấu trúc bài thơ Tràng giang gồm 4 khổ thơ, mỗi khổ mang dáng dấp của một bài
thơ thất ngôn tứ tuyệt luật Đường. Nói là mang dáng dấp bởi có xuất hiện những
khổ thơ thất vận khá rõ, như khổ đầu và khổ cuối:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng. […]
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Luật Đường đối với thơ cách luật yêu cầu gieo vấn bằng, phải
xuất hiện vần ngay ở tiếng cuối của dòng thơ thứ nhất, vần ở vị trí này có chức
năng dẫn vần ở các câu 2, 4, 6, 8 (với kết cấu hoàn chỉnh), ở các câu 2, 4 (với
kết cấu tứ tuyệt). Soi chiếu luật Đường vào hai khổ thơ nói trên sẽ thấy Huy Cận
thất vận.
Dẫu sao, việc niêm kết từng khổ thơ mang dáng dấp thơ tứ tuyệt luật Đường đã
khiến toàn bộ Tràng giang bàng bạc màu sắc Đường thi, màu sắc cổ điển.
Điều đáng chủ ý nhất là việc niêm kết (nhất thiết không phải là chắp dính) các
khổ thơ không tạo ra một vết gợn đứt gãy nào. Mỗi một khổ thơ đều có tính độc lập
tương đối, là một mắt xích trong chuỗi kết cấu. Kiến trúc hạ tầng của bài
thơ Tràng giang có thể hình dung như một tòa nhà bốn tầng được niêm kết
với nhau bằng chất vôi vữa của sự vận động trong hình tượng và cảm xúc trữ
tình.
Một bài luật thi của thơ Đường là một cơ thể có sinh mệnh, nằm trong những quy
luật chung của thế giới, tức cũng phải có sự cân bằng âm dương của thiên địa,
những quan hệ, sự vận hành của nó cũng phải theo lẽ Đạo. Đó là một cấu trúc chỉnh
thể, một “tiểu vũ trụ” với cơ cấu tuần hoàn khép kín, với quy luật vận hành nội
tại chặt chẽ, mở ra những liên tưởng sâu xa. Khi đã áp dụng thể thơ luật Đường
vào sáng tác thì mọi hiệu ứng thẩm mỹ của thể thơ này sẽ quy định đến kết cấu của
văn bản, hình tượng và cảm xúc thơ. Mỗi một hình thức thể loại sẽ dẫn chiếu tới
một kiểu kết cấu tương ứng. Điều ấy khiến kiến trúc hạ tầng của bài thơ là một
kết cấu có tính tuần hoàn, khép kín - tính đóng - với những quan hệ,
vận động nội tại, chuyên chở được những nỗi buồn mênh mang, những tâm tình trầm
lắng, suy tư, chiêm nghiệm về con người và cuộc đời của cái Tôi trữ tình
trong Tràng giang. Vấn đề này không còn vướng mắc bởi đã được minh định
khi tái hiện thế giới nghệ thuật trong Tràng giang ở phần trên.
4.2. Những
thủ pháp tiêu biểu
4.2.1. Sử dụng hình ảnh, biểu tượng
Hình ảnh, biểu tượng là một trong những phương thức quan trọng xây dựng TGNT
trong thơ. Huy Cận là người có khả năng ghi nhận một cách chân thực mà
không kém phần ấn tượng những hình tượng trong thực tế khách quan. Đó là những
hình tượng rất đỗi quen thuộc trong đời sống thường nhật nhưng qua nhãn quan của
nhà thơ lại trở nên độc đáo, riêng biệt.
Hệ thống hình ảnh trong Tràng giang là hình ảnh chân thực của quê
hương, đất nước hiện lên với những nét vẽ giản dị, là sản phầm của sự quan sát
kỹ lưỡng, tinh nhạy hòa trong tình yêu con người, niềm tự hào thầm kín mà mãnh
liệt với mảnh đất này. Nhưng trên hết, hình ảnh thơ trong Tràng giang giàu
tính biểu tượng. Có những biểu tượng đã trở thành ước lệ, khuôn sáo từ trong
thi ca cổ điển như: dòng sông, con thuyền, gió, bến, bèo, đò, cầu, mây cao
núi bạc, cánh chim,… Có những hình ảnh thơ cùng ý nghĩa biểu tượng những là sự
phát hiện táo bạo của chàng Huy, tiêu biểu nhất là hình ảnh: “Củi một cành khô
lạc mấy dòng”. Tất cả đều gợi ra những ý niệm về con người và cuộc đời hết sức
ám ảnh và sâu sắc. Sự đan xen giữa những hình ảnh cũ và mới tạo nên sự hòa hợp
giữa chất cổ điển và tinh thần hiện đại, cũng như sức hấp dẫn và độ sâu sắc cho
bài thơ
4.2.2. Những tìm tòi mới trong
bút pháp tạo hình
Trong bút pháp tạo hình, Huy Cận đặc biệt chú trọng tới việc khai thác những
hình ảnh, chi tiết “tả thực”. Như đã nói ở trên, đa phần các hình ảnh thơ đều
là sản phầm của sự quan sát kỹ lưỡng, tinh nhạy hòa trong tình yêu con người,
niềm tự hào thầm kín mà mãnh liệt với mảnh đất này mà nhà thơ có được.
Hình ảnh: “Củi một cành khô lạc mấy dòng” sẽ còn được nhiều người nhắc đến như
một kiểu mẫu trong bút pháp tạo hình. Bởi lẽ. nó không chỉ hay trong cách mà
Huy Cận khai thác một thi liệu quen thuộc, gần gũi từ hiện thực đời sống và
phương thức tạo hình của Huy Cận độc đáo vô cùng. “Củi” đã nhỏ bé, khô héo, xơ
xác, thế nhưng còn ấn tượng hơn nữa khi Huy Cận liên kết hình ảnh ấy với một loạt
những đặc tính đi kèm. Củi đã bé nhỏ nay nó chỉ có “một cành” ít ỏi, rồi lại
còn “khô”, cằn cỗi, vậy mà phải lênh đênh, trôi dạt “lạc mấy dòng”. Câu thơ dường
như không một chữ thừa. Tất cả cùng liên hợp. cộng hưởng ý nghĩa để hình ảnh “củi”
gây ấn tượng mạnh mẽ về sự lẻ loi, đơn độc, bơ vơ và mất phương hướng. Bên cạnh
đó, đặt trong bối cánh chung của khổ thơ đầu, hình ảnh củi ở câu bốn tạo ra sự
tương phản với cái mênh mông, tít tắp của sông nước, tô đậm sự đơn chiếc, cô lẻ.
5. Kết luận
Từ những điều đã trình bày trên đây, ta có thêm những hiểu biết
về hồn thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám. Đó là một hồn thơ “ảo não bậc nhất”
nhưng trên hết, nỗi buồn cá nhân nhà thơ là nỗi buồn thời thế, nỗi buồn thời đại,
tất cả đồng vọng trong nỗi buồn rất nhân văn của con người. Hồn thơ Huy Cận là
sự giao thoa của màu sắc thi ca cổ điển phương Đông với một cái Tôi sáng tạo độc
đáo thể hiện trong những khám phá mới của nhà thơ từ trong nội dung -tư tưởng
đến hình thức - nghệ thuật. Huy Cận là một trí thức tiểu tư sản trẻ tuổi, trẻ
lòng đang cảm nghiệm về những điều đã được cảm nghiệm từ nhiều thế kỷ. Trong
khi cảm nghiệm, người thanh niên ấy không quên cái trẻ của mình, không quên gắn
những điều mình đang cảm nghiệm trong thời đại mình đang sống.
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Cự Đệ - Trần Đình Hượu
- Nguyễn Trác. Văn học Việt Nam (1900- 1945).
NXB Giáo dục, 2005.
2. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử -
Nguyễn Khắc Phi (chủ biên). Từ điển thuật ngữ văn học. NXB Giáo dục, 2012.
3. Trần Đình Sử (chủ
biên). Lý luận văn học, tập 2. NXB ĐHSP HN, 2012.
4. Nguyễn Đăng Mạnh. Con
đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. NXB Giáo Dục, 2002.
5. Hoài Thanh - Hoài
Chân. Thi nhân Việt Nam. NXB Văn học, 2009.
6. Trần Đình Sử. Những thế
giới nghệ thuật thơ. Nxb Giáo dục, 1997.
7. Nhóm tác giả, Vũ Nguyên tổng
hợp và biên soạn. Tác giả trong nhà trường: Huy Cận. NXB Văn học,
2007.
8. Hà Minh Đức biên soan. Nhà
văn nói về tác phẩm. NXB Văn học, 1998.
Chú thích:
[4] Chữ dùng của Xuân Diệu khi nhận
định vè tập thơ Lửa thiêng, nguyên văn: "Lửa thiêng là một bản
ngậm ngùi dài, là một tập thơ ảo não vào bậc nhất”.
[10] Trích hai câu thơ trong bài: “Ê
chề” (tập Lửa thiêng): “Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu”.
[13] Nhận định của GS Trần Đình Sử
trong bài viết: “Tràng giang của Huy Cận”, in trong cuốn Những thế giới
nghệ thuật thơ.
[15] Trích trong bài viết: “Một số ý
kiến về hai bài thơ Tràng giang và Đoàn thuyền đánh cá”, in
trong cuốn Nhà văn nói về tác phẩm (Hà Minh Đức biên soạn).
[16] Trích trong bài viết: “Đất nước
và thiên nhiên trong thơ Huy Cận” (Xuân Diệu), in trong cuốn Tác giả trong
nhà trường: Huy Cận.
3/10/2017
Phạm Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét