Một trong hai họa sĩ nổi danh nhất thế kỷ XVII ở Pháp là
Claude Lorrain. Những bức tranh phong cảnh của ông khiến người ta xao xuyến bởi
chất thơ và thủ pháp diễn tả không gian tinh tế. Nổi tiếng nhất là bức tranh Cuộc
viếng thăm của Nữ hoàng Sheba (The Embarkation of the Queen of
Sheba), vẽ năm 1648.
Một khung cảnh bình minh đang lên huy hoàng, sự kiện về chuyến
đi thăm Đức vua Salomon của Nữ hoàng Sheba như khiến cho phong cảnh cảng biển rực
rỡ hơn thường ngày. Những con thuyền lớn đã sẵn sàng. Những con thuyền nhỏ đang
cập bờ để đón đoàn người. Cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập, xốn xang. Phía bên
tay phải bức tranh là Nữ hoàng Sheba trong chiếc váy hồng tha thướt cùng đoàn
tùy tòng đang bước xuống bậc thềm, nơi con thuyền nhỏ trang trí cầu kỳ đã chờ sẵn.
Cận cảnh là đám người đang bốc vác những hòm rất nặng lên chiếc thuyền con khác
theo chỉ đạo của viên tướng mặc áo choàng đỏ đứng quay lưng lại phía người xem.
Dường như họ đang chuẩn bị cho một chuyến đi dài ngày như câu chuyện được ghi lại
trong kinh Cựu Ước đầy chất lãng mạn về mối tình của Nữ hoàng và Vua Salomon.
Cuộc viếng thăm của Nữ hoàng Sheba, sơn dầu
của Claude Lorrain, kích thước 149,1x196,7cm,
đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia London
Điều khiến cho bức tranh nổi tiếng có lẽ không phải câu chuyện
đó, vì thực chất dẫu có vẽ ra một quang cảnh thật rộn ràng của ngày khởi đầu
hành trình nhưng rõ ràng điều Claude Lorrain muốn hướng đến không hoàn toàn là
sự kiện. Tất cả chỉ là cái cớ cho ông vẽ ra quang cảnh cảng biển giả tưởng thời
La Mã - chủ đề lặp đi lặp lại trong tranh của ông suốt thập niên 40 của thế kỷ
XVII. Sự cuốn hút của ánh nắng, cái lung linh của ánh nước và quan trọng hơn hết
là không gian thấu suốt của buổi sớm, khi ánh nắng bắt đầu xé mây để rắc những
hạt nắng vàng xuống mặt nước. Một đường chân trời thấp được vẽ ra cho thấy cái
bao la của cả khoảng trời. Bầu không khí như vẫn còn hơi sương mờ mờ phía xa.
Người ta cũng nhận thấy rằng, thủ pháp tạo không gian theo luật
thấu thị đã được Lorrain thể hiện tài tình khi ông tạo ra một đường chéo hết sức
tự nhiên của bậc thềm tòa lâu đài phía bên phải cảng biển, nơi Nữ hoàng đang bước
xuống. Ngọn hải đăng tiếp nối phần hậu cảnh đã khiến không gian này càng được đẩy
xa tít tắp.
Theo trào lưu tìm về với những chuẩn mực của nghệ thuật thời
Hy La, thế kỷ XVII, những họa sĩ như Lorrain hầu như đã phải đến tận những phế
tích thành Rome để nghiên cứu và tìm cho mình hình mẫu. Lorrain và Nicola
Poussin là hai họa sĩ nổi danh thời bấy giờ bởi những bức tranh phong cảnh cổ sử
đầy chất thơ. Chính tác phẩm này đã tạo nên cho ông vị thế mà hầu hết họa sĩ
đương thời cũng như hậu thế phải ngưỡng mộ. Nếu nhìn tổng thể, chất lãng mạn và
hoài cổ dường như đậm nét bởi bối cảnh được tạo ra là cho một câu truyện huyền
thoại. Nhưng rõ ràng khi quan sát kỹ vào từng chi tiết của bức tranh thì thấy rằng,
chính tòa lâu đài bên phải có thể xem là biểu tượng về sự kính ngưỡng của ông với
nghệ thuật Phục hưng. Đồng thời chi tiết chiếc cột Corinth - một phế tích thời
La Mã được dựng lên chiếm toàn bộ chiều cao phía trái bức tranh lại là ký ức được
sống dậy thời hiện tại. Tất cả tạo nên một thành trì vững chãi của nghệ thuật
mà bức tranh là lời ngợi ca khôn xiết.
Trong những nghiên cứu về nghệ thuật sau này, các nhà mỹ thuật
sử châu Âu đã đánh giá vai trò của Claude Lorrain như một bậc thầy đã đi trước
chủ nghĩa Ấn tượng thế kỷ XIX, khi ông thường xuyên tập trung mô tả sự thay đổi
đến tinh tế của không gian, cảnh vật qua những thời điểm khác nhau trong ngày. Ở
hầu hết tác phẩm cảng biển của ông, sự tương phản giữa bầu trời và ánh nước đã
làm nên thi hứng bất tận. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, chính Lorrain đã tạo
dựng nên tình yêu cho J.M.W.Tunner - họa sĩ Anh thế kỷ XVIII với những quang cảnh
biển hùng tráng và rực rỡ. Cũng bởi vậy mà Claude Lorrain đã được xem là bậc thầy
của mọi thời đại về nghệ thuật tranh phong cảnh.
7/12/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét