Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Hình tượng em trong hai tập Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945) của Xuân Diệu nhìn từ giác độ dục cảm

Hình tượng em trong hai tập Thơ thơ 
(1938) và Gửi hương cho gió (1945) 
của Xuân Diệu nhìn từ giác độ dục cảm
TS Chu Văn Sơn từng nhận đinh: “Thế giới nghệ thuật của một thi sĩ trữ tình thường là một hệ thống gồm ba hình tượng cơ bản Tôi - Em - Thế giới” . Soi chiếu vào “thế giới của chữ tình” trong thơ Xuân Diệu, ông nói thêm: “Với sự chi phối của chữ tình, bộ ba ấy ở Xuân Diệu sẽ có diện mạo cụ thể và đồng bộ …” Bằng cảm quan dục cảm dị tính, TS bước đầu khẳng định: “Em là một giai nhân” (ý chỉ một người con gái).
1. Dẫn nhập
TS Chu Văn Sơn từng nhận đinh: “Thế giới nghệ thuật của một thi sĩ trữ tình thường là một hệ thống gồm ba hình tượng cơ bản Tôi - Em - Thế giới” [1]. Soi chiếu vào “thế giới của chữ tình” trong thơ Xuân Diệu, ông nói thêm: “Với sự chi phối của chữ tình, bộ ba ấy ở Xuân Diệu sẽ có diện mạo cụ thể và đồng bộ …” [2] Bằng cảm quan dục cảm dị tính, TS bước đầu khẳng định: “Em là một giai nhân” [3] (ý chỉ một người con gái).
Xét trường hợp tối giản nhất: tức là, một tác giả chỉ có một tác phẩm duy nhất. Thế nhưng, tác giả ấy cùng tác phẩm của anh ta, như một quy luật tất yếu, khách quan, được biến số hóa; mà bằng ánh sáng lí tưởng thẩm mỹ, thế giới quan, vốn kinh nghiệm lịch sử - xã hội,… nhiều loại hình, đối tượng độc giả cụ thể cùng đi tìm giá trị cho biến số ấy. Như vậy, nhận định của PGS.TS Chu Văn Sơn là chính xác, bởi phù hợp với chiều tiếp nhận phần đa số, phần nội vi - phần đại diện cho thiên hướng tình dục quy phạm [libidinal normativity] có tâm lý và mỹ quan bị kích thích hấp dẫn khác phái - của vấn đề độc giả trong hiện tượng thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.
Em, quả thực, trước hết phải là một người phụ nữ với dung mạo, tính cách xác định và được thể hiện qua những hành vi cụ thể (trong mối tương quan với Anh và với Thế giới). Hơn nữa, với tư cách là một hình tượng nghệ thuật, được sáng tạo bằng cảm quan đồng tính [homoeroticism], người phụ nữ trên trang thơ Xuân Diệu có nhiều hơn một lớp ý nghĩa. Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi bước đầu giải mã hình tượng Em trong hai tập Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945) của Xuân Diệu đặt dưới hai góc nhìn dục cảm dị tính và dục cảm đồng tính.
2. Em từ góc nhìn dục cảm dị tính
2.1. Em người phụ nữ đẹp, Nàng Thơ của khát khao ái tình trong Anh 
Chân dung ngoại hình Em nên hình nên sắc nhờ bút pháp ước lệ - tượng trưng truyền thống của thi ca cổ điển với thứ chất liệu ngôn từ trau chuốt, khuôn mực. Ngoại hình Em kiêu sa, đài các, “đầy tính chất đô thị” [4].
Không hiểu sao, Anh yêu làn tóc của người con gái ấy lắm! Chẳng thế mà, Xuân Diệu giúp Anh vẽ lại tóc Em “quá mỹ miều”:
“Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều”
(Nụ cười xuân)
“Ta choáng không gian, níu tóc ngời:
Tóc mịn đầy tay như suối mát,
Lòng ta vui rợn thú chơi vơi...”
(Gửi trời)
Những câu thơ của Xuân Diệu gợi về sức xuân ứa căng, tràn trề trong lồng ngực cô gái như một cơn lũ rạo rực những khát khao tuổi trẻ. Không được, nó tuôn ra thành suối tóc “xanh tốt”, ánh “ngời” vẻ đẹp xuân thì hấp dẫn, non tươi, lôi hút theo ánh mắt Anh. Mái tóc Em thôi miên cặp mắt trẻ của Anh, khiến “Lòng ta vui rợn thú chơi vơi…” trên cánh vóng tóc Em. Từ “chơi vơi” dùng đắt. Sắc thái ý nghĩa của nó khác so với trong thi cảnh ở một câu thơ khác: “Tương tư nâng lòng lên chơi vơi” (Nhị hồ). “Chơi vơi” trong Nhị hồ diễn tả cái trạng thái mơ hồ, không định vị, không gọi tên được cảm xúc của mình, là sự phát sinh của cảm xúc nội tại - chủ quan. “Chơi vơi” trong Gửi trời là cái niềm vui sướng trẻ thơ của Anh khi được ngụp lặn trong suối tóc Em. Cái ngọt ngào, tươi non làm lòng Anh ngây ngất, bổng bay những cơn say ái tính.
Gương mặt Em đâu khác gì trái ngọt đầu xuân. Mọi sự ngọt ngào căng ứa trong đôi má hồng thơm son phấn:
“Mùa xuân chín ửng trên đôi má”
(Nụ cười xuân)
“Đôi chút hồng đào lên má nở, […]
Son phấn bao giờ đủ tốt tươi;
Sắc màu đẹp quá, áo hơn người.”
(Những kẻ đợi chờ)
Đôi mắt người con gái ấy cũng là mãnh lực nam châm khơi lên niềm khát khao trong Anh:
“Ai ngỡ sau mành đang thấp thoáng,
Duyên thầm se sẽ mắt len đưa.”
(Ý thoáng)
“Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm
Hây hây thục nữ mắt như thuyền”
(Thu)
Và khi đi miêu tả đôi mắt người con gái, Xuân Diệu đặc tả nét mi như Nguyễn Du năm xưa miêu tả Kiều: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”:
“Nhan sắc chớp hàng mi óng ả;
Đầu ta ân ái dịu dàng mưa...”
(Gửi trời)
“Rặng mi dài xao động ánh dương vui”
(Xuân đầu)
Khuôn miệng, đôi môi, nụ cười người con gái được Xuân Diệu miêu tả đầy duyên dáng, làm nảy nở những dục cảm ái tình nơi Anh:
“Cánh hồng kết những nụ cười tươi […]
Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười.”
(Nụ cười xuân)
“Khi tôi đến kiếm trên môi đẹp
Một thoáng cười yêu thoả khát khao.”
(Vì sao?)
“Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng;”
(Xa cách)
“Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm”
(Giục giã)
Em gọi mời quyến rũ thế cho nên cảm xúc trong Anh mới Vô biên đến vậy:
“Trời cao trêu nhử chén xanh êm;
Biển đắng không nguôi nỗi khát thèm;
Nên lúc môi ta kề miệng thắm,
Trời ơi, ta muốn uống hồn em!”
(Vô biên)
Người con gái của Anh kiêu sa biết bao trong những bộ y phục:
“Tôi thấy xiêm nghê nổi gió lùa”
(Nhị hồ)
“Tà áo mới cũng say mùi gió nước”
(Xuân đầu)
Thân người Em cũng thoang thoáng hương xuân thì:
“Thân mình thơm khoá buộc giải hương la,”
(Mơ xưa)
“Chân thơm mang gió lại”
(Kẻ đi đày)
Trong việc khắc họa hình tượng nhân vật nữ (một cách hiểu của Em), Xuân Diệu mượn những chất liệu, bút pháp của văn chương cổ điển, coi đó như một thứ “mẫu gốc” [5] để họa nên hình tượng nhân vật nữ trong đúng cái bối cảnh xã hội - văn hóa đương thời có những va đập giữa những cái cũ - mới, truyền thống - hiện đại, phương Đông - phương Tây. Sự tiếp nhận văn hóa phương Tây cũng có hai mặt của nó. Một mặt, mang lại sự mới mẽ, lạ lẫm cho đời sống vật chất và tinh thần của con người nhưng mặt khác, nó cũng đẩy anh đi xa cái gốc, cái nền văn hóa truyền thống mà anh được sinh thành và nuôi dưỡng. Nếu như sự va đập đó đã hoài thai nên hình thái xã hội dị dạng “thực dân nửa phong kiến” thì riêng đối với văn học, nó trở thành tiền đề để những cái Tôi Thơ mới, không riêng gì Xuân Diệu, có cơ hội và có đủ tiềm lực thực hiện hiện đại hóa, cách tân thơ ca nước nhà những năm đầu của thế kỉ XX. Là người cùng thế hệ, Hoài Thanh khẳng định: “Sự đụng chạm với phương Tây đã làm tan rã bao nhiêu bức thành kiên cố.” [6]
Sự sáng tạo của Xuân Diệu trong việc tái sử dụng những chất liệu, bút pháp miêu tả truyền thống có lẽ là điều ta cần lưu tâm nhất. Bởi, nếu như Xuân Diệu là sự “lại giống” của truyền thống thi ca xưa thì nhiều người đã không ghét Xuân Diệu vì chàng ta “Tây quá”. Rõ ràng, mượn chất liệu cũ, bút pháp cũ nhưng trong cách miêu tả nhân vật nữ của Xuân Diệu có màu sắc của thơ tượng trưng trong văn học học Pháp cuối thế kỷ XIX. Có sự tương giao giữa các giác quan trong những câu thơ mang cốt cách cổ điên phương Đông như: “Tóc mịn đầy tay như suối mát” (Gửi trời), “Mùa xuân chín ửng trên đôi má” (Nụ cười xuân), “Rặng mi dài xao động ánh dương vui” (Xuân đầu), “Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng;” (Xa cách), “Tà áo mới cũng say mùi gió nước” (Xuân đầu),… Ta thấy rõ sự xô đẩy và độ “trượt” liên tiếp của các giác quan trong những câu thơ trên, tạo ra những cảm nhân đa chiều, đầy ý tưởng lãng mạn, mở căng biên độ xúc cảm cho độc giả. Điều này làm nên cái Tây, cái “tính chất đô thị” của hình tượng nhân vật nữ trong thơ Xuân Diệu.
Khi đi xây dựng hình tượng nhân vật nữ, Xuân Diệu chú trọng tô đậm những nét đẹp hình thể, biểu hiện cái non tươi, mơn mởn của sức sắc xuân thì. Vẻ đẹp ấy có khả năng gợi tình, gợi dục ở đối phương. Từ việc tái hiện lại chân dung của nhân vật nữ, Xuân Diệu hướng tới xác lập một mẫu hình lý tưởng mới theo quan niệm thẩm mỹ của thời đại Xuân Diệu. Vẻ đẹp của nhân vật nữ báo hiệu sự phát triển mạnh mẽ của nữ quyền trong phái tính xã hội. phả vào Thơ mới một quan niệm mới, một tư tưởng mới về cái đẹp của con người - cái đẹp mang tính bản thể và tính dục.
2.2. Vì Em quá đẹp nên Em mãi Xa cách và Vô biên
Chân dung ngoại hình của nhân vật nữ trong sáng tác của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám có thể nói là một hình mẫu lý tưởng cho sự đánh giá tuyệt sắc giai nhân thời đại Xuân Diệu. Nhưng vì quá lý tưởng nên chỉ là xa vời, vô biên. PGS.TS Chu Văn Sơn có nhận định: “Nàng còn hiện ra với một đối cực khác: giai nhân hờ hững, phũ phàng.” [7] Ý kiến này có lẽ không xác đáng. Theo quan điểm của mình, chúng tôi cho rằng Em không “hờ hững, phũ phàng” mà do Em quá lý tưởng trong cái nhìn của Anh và khát khao ái tình – giao cảm trong Anh quá lớn, không sao đong cho đầy cái bầu khát thèm; thế nên Em mãi Xa cách và Vô biên.
Trong hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió, nhiều cuộc đối thoại giữa Anh và Em được Xuân Diệu thơ hóa; trong đó Em nhiều lần đáp lại (bằng cả cử chỉ lẫn lời nói) sự nũng nịu và những câu hỏi của Anh đầy ân cần, nhỏ nhẹ:
“Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.
Em xích gần thêm một chút: anh hờn.
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.
Anh sắp giận. Em mỉm cười, vội vã
Đến kề anh, và mơn trớn: "em đây!".
Anh vui liền, nhưng bỗng lại buồn ngay.
Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm.”
(Xa cách)
Đọc đoạn thơ này, đôi trai gái ấy thật dễ thương với những ngúng nguẩy, núng nịu trong trò chơi tình ái. Anh muốn gần Em, Em “xích gần thêm một chút”, rồi “ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa”, “mìm cười, vội vã” và “mơn trớn”, nói dịu dàng “em đây”. Người con gái kia nếu vô tình, hơ hững chắc đã gạt phắt đi, không thèm để ý tới những lời vẩn vơ của Anh. Không, Em có đáp lại, và đã làm Anh vui. Anh buồn vì chính Anh cảm thấy: “thế vẫn còn xa lắm”.
Ngay cả khi Anh nói Anh và Em như
“Em là em, anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.
Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.”
ta cũng chẳng thể nào trách được cô gái là “hờ hững, phũ phàng”, bởi mỗi con người có cả một thế giới nội tâm nhiều ngõ ngách, đầy những biến động tế vi. Đôi khi, ta còn không thể nào gọi tên, đinh vị cảm xúc: “Tương tư nâng lòng lên chơi với”, “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Anh không trách Em, vậy sao PGS.TS Chu Văn Sơn lại nỡ trách Em?
Không chỉ một lần như thế mà trong một lần Hẹn hò:
“Anh đã nói, từ khi vừa gặp gỡ:
"Anh rất ngoan, anh không dám mong nhiều
"Em bằng lòng cho anh được phép yêu;
"Anh sung sướng với chút tình vụn ấy".
Em đáp lại: "Nói gì đau đớn vậy!
"Vừa gặp anh em cũng đã mến rồi
"Em phải đâu là ngọn nước trôi xuôi
"Chưa hy vọng sao anh liền thất vọng?"
(Hẹn hò)
Rõ ràng, xét về các phương châm trong hội thoại, số lượt lời của Em và Anh bằng nhau, câu trả lời của Em hướng đến nội dung câu hỏi của Anh, Em nói cũng đầy thương mến, thân mật. Tức, cuộc đối thoại diễn ra có sự hô ứng, hỏi - đáp giữa người nói và người nghe. Thế nên, không thể nói Em “hờ hững, phũ phàng”.
Rồi khi Anh cất lời trách Em cũng chỉ như chút giận hờn phút chốc của tình yêu:
“Lòng ta là một cơn mưa lũ,
Đã gặp lòng em là lá khoai
Mưa biết tha hồ rơi hạt ngọc,
Lá xanh không ướt đến da ngoài.”
bởi sau nguôi ngoai, Anh lại nghĩ khác:
“Ngày mai nắng mọc, mưa rơi hết,
Mặt tạnh cơn điên, lòng cạn hồ,
Ta sẽ thôi yêu như đã giấu,
Không hề oán hận lá khoai khô.”
(Nước đổ lá khoai)
Vấn đề có lẽ làm nhiều người lấn cấn nhất là khi đọc những câu thơ sau:
“Lời nói ấy về sau đem gió sóng
Cho lòng anh đã định chỉ yêu thôi
Anh tưởng em là của của anh rồi
Em mắc nợ, anh đòi em cho được
Đấy, ai bảo em làm anh mơ ước!
Lúc đầu tiên anh có mộng gì đâu!
Tưởng có nhau ai ngờ vẫn xa nhau,
Em ác quá! Lòng anh như tự xé...?
(Hẹn hò)
Họ dễ nghĩ rằng tình ta tan vỡ, “Lòng anh như tự xé” là do “Lời nói ấy” của Em. Hiểu như vậy có lẽ không đúng, chỉ đơn thuần dựa vào cái tứ mà Anh muốn nói mà thôi chứ không phải cái ý, cái tình Anh muốn nói. Có thể những câu thơ này viết về sự đau khổ của Anh khi Anh và Em không thể nối dài hơn con đường tình yêu. Chính sự đau khổ đôi khi làm con người mất đi sự kiếm soát trong hành vi, đặc biệt là lời nói. Anh trách Em sao trước Em nói “Vừa gặp anh em cũng đã mến rồi” mà giờ đi xa thực ra chẳng phải là trách. Trách để nhẹ cơn nhức nhối phải chia lìa, vậy thôi! Ca dao có lối nói vòng, nói ngược, đôi khi cũng trách cứ người yêu mình, nhưng càng trách lại càng yêu, theo kiểu: “Giận thì giận, mà thương càng thương” vậy. Xuân Diệu có lẽ mượn cái ý nhị, tinh tế của ca dao, dân ca xưa để nói về cái nỗi đau chia xa của mình để bớt sướt mướt, ủy mị, thê lương, để tính nam trong Anh cũng mạnh mẽ, cuồng dại như lúc khao khát yêu Em:
“Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt…”
(Xa cách)
chứ đâu có phải để than trách, thù căm người mình yêu vì nàng “hờ hững, phũ phàng”!
Từ những lập luận để phản biện lại ý kiến của PGS.TS Chu Văn Sơn, chúng tôi xin nhấn mạnh lại: Em không “hờ hững, phũ phàng” mà do Em quá lý tưởng trong cái nhìn của Anh và khát khao ái tình - giao cảm trong Anh quá lớn, không sao đong cho đầy cái bầu khát thèm; thế nên Em mãi Xa cách và Vô biên.
Sự nhận thức về Em của Anh được diễn đạt, hình tượng hóa qua khá nhiều hình thức, khi thì ví Em như một thứ tài sản để rồi:
“Chớ nên tiết kiệm, hỡi nàng tiên!
Ta được em chăng, lại mất liền:”
(Vô biên)
Vốn hy vọng Em là của mình rồi, tình yêu ta trường tồn, vĩnh cửu, để rồi Anh giật mình, thảng thốt:                
“Khi ta trở lại, trời đâu vắng
Lạnh lẽo mày xanh phản má đào.”
(Gửi trời)
“Chân thơm mang gió lại
Tay đẹp ngỡ ngàng chi.
Ngoảnh đầu che sắc thẹn
Nghiêng đầu im bóng mi.”
(Kẻ đi đày)
Nhiều lúc sát kề bên Em, chiếm hữu được thân xác, hình hài Em nhưng sao ta mãi như hai bờ của con sông vô hình mà rộng dài không tưởng - một khoảng cách tầm hồn:
“Dầu chiếm tay em, anh vẫn hay
Rằng anh chỉ nắm cánh chim bay:”
(Muộn màng)
“Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.”
(Trăng)
Không hiểu nhau, Anh muốn hiểu Em bằng được, thế nhưng:
“Anh muốn vào dò xét giấc em mơ.
Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ,
Cũng như em giấu những điều quá thực...”         
(Xa cách)
Tìm vào giấc mơ là tìm vào cõi vô thức Em, tìm đến một thế giời Em là Em nhất để “dò xét”, để truy tìm bản thể Em và tâm hồn Anh trong đáy sâu tiềm thức Em. Ôi! Nhưng Anh đã nhầm! Ngay cả trong những giấc mơ Em cũng không giấu Anh bất cứ điều gì. Bởi Anh vào giấc mơ Em chỉ là bước vào một trạng huống tĩnh của ý thức Em. Tâm hồn Em mênh mông lắm, nó biến động không ngừng nghỉ. Tâm hồn ta rất động, rất phức điệu - cái lẽ, cái “điều quá thực” mà Em giấu Anh và ta giấu nhau, làm ta không thể giao cảm trọn vẹn. Anh thấy xa cách cũng vì lẽ ấy.
3. Em từ góc nhìn dục cảm đồng tính
3.1. Ngụy trang và chuyển vị dục cảm đồng tính - một hình thức “diễn vai”?
M. Foucault trong Lịch sử tình dục [History of Sexuality] xác định đặc tính diễn ngôn của vấn đề tính dục (bao hàm vấn đề giới tính), cự lại và giải thiêng quan điểm bản chất luận, tự nhiên luận về tính dục. Điều đó tạo nên một cách đối thoại, tra vấn với quan điểm của Platon trong luận văn Bữa tiệc [8]: “Bằng việc nhấn mạnh đến những cách thức mà tính dục được viết lên/ viết vào thân thể, những cách làm cho tình dục đồng tính trở thành sự vô hình hay hữu hình về văn hóa, Foucault đã bắt đầu phá vỡ ý niệm về tính dục như một dữ kiện đời sống trong suốt” [9]. Sau này, J. Butler và E.K. Sedgwick phát triển vấn đề mà M.Foucault đặt ra: tính dục (bao hàm cả giới tính) là các diễn ngôn biểu hành. Cụ thể là: “Người ta không sinh ra là đàn bà, đàn ông hay đồng tính: người ta trở thành đàn bà, đàn ông hay đồng tính chỉ trong ngữ cảnh sự trình diễn, biểu hành hay không trình diễn, biểu hành những hành vi nhất định nào đó. Đồng tính không gọi tên một trạng thái tồn tại: nó biểu thị một hữu thể (being) thực hiện một số hành vi nhất định nào đó, kẻ được nhận diện và được phân loại bằng những phạm trù xã hội hơn là những thuộc tính bản chất.” [10]
Như vậy, xuất phát từ những điểm thống nhất trong quan niệm về thuyết đồng tính - “gỡ các hành vi tính dục ra khỏi bản sắc của phái tính”, kế tiếp, lấy đó làm chất nền, các nhà nghiên cứu về lý thuyết đồng tính đi đến minh định một luận đề quan thiết: “Tính dục về bản chất không phải là một đặc điểm cá nhân mà là một phạm trù văn hóa có sẵn” [11]. Nằm trong vấn đề trình diễn, biểu hành những hành vi nhất định nào đó, phái tính, nói riêng, là những “vai diễn” [12] mỗi những “phim trường” văn hóa nhất định; còn đồng tính, nói riêng, là những “vai diễn” trong “phim trường” văn hóa mà dục cảm đồng tính giữ vai trò chủ đạo. Xin nói thêm, đó không chỉ là những “vai diễn” mà vấn đề phái tính tiềm ẩn ngay trong tư cách và vai trò “đạo diễn” của tác giả qua cách “vai” mà anh ta quản lý. Diễn ngôn văn học, theo đó, trở thành những lễ hội carnaval lớn nhỏ, ở đó các nhân vật là trạng huống ngụy trang của chính mính và của người trao, điều hành trạng huống đó cho họ.
“Xuân Diệu sống trong một thời kỳ chặt” [13]. Cái “chặt” cơ bản nhất ở thời Xuân Diệu có thể ví như sợi chão được kết từ những quan niệm ảnh hưởng sâu nặng của tư tưởng Nho giáo chính thống tàn dư trong thượng tầng kiến trúc xã hội. Diễn ngôn tình dục nằm trong quy phạm thực hành trong hôn nhân và hướng đến mục đích sản sinh thế hệ mới. Tình yêu dị giới được coi là “chính dâm” lấy hôn nhân và quan hệ giữa vợ với chồng làm hạt nhân trung tâm. Tình yêu đồng giới bị ngoại vi hóa, dị hóa, rồi dần dần trở thành “lạ mắt thứ đồ chơi”, yếu tố gây cười trong đời sống tinh thần xã hội, vương lại tới tận thời đại bây giờ. Đứng trước hoàn cảnh như thế, chàng Xuân dùng diễn ngôn tính dục mang màu sắc nữ quyền, để ngụy trang dục cảm đồng tính của bản thân một cách đầy khéo léo.
3.2. Em - “vai diễn” dưới sự chỉ đạo của một người “đạo diễn” mang dục cảm đồng tính?
Xuân Diệu rất nhiều lần viết về sự đợi chờ của người con gái, có khi rõ về địa vị xã hội (cung nữ). có khi họ nhòe mờ hoàn toàn về nhân thân. Xuân Diệu đứng ngoài lắng lòng mình nghe những nhịp đập thổn thức của phái nữ, hay đang lắng nghe những khát khao cất tiếng trong sâu xa nội cảm?
Người con gái đợi chờ trong nhiều khoảng thời gian trong ngày. Có khi là trong một sớm mùa xuân tươi mới, nõn nường: 
“Mùa xuân chín ửng trên đôi má
Xui khiến lòng ai thấy nặng nề...
Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người
Chưa từng hẹn đến - giữa xuân tươi.”
Đợi chờ trong “buổi đầu xuân êm ái thế!”, người con gái ấy cũng cảm thấy cái “nặng nề” của việc đợi chờ ai đó. Tuy nhiên. trong những phút “bâng khuâng đợi”, nàng vẫn “làm duyên, đứng mỉm cười”, vẫn len lén niềm hi vọng rằng chàng trai của cuộc đời mình sẽ đến, bỏ qua những lời hẹn trước và đường đột tới bên nàng. Tuổi thanh xuân có bao giờ là hết hi vọng, hết tin yêu vào cái thắm tươi của cuộc đời?
Có khi, chàng Xuân miêu tả cái mòn mỏi ngóng trông cứ chập chờn cùng bóng đêm quánh đặc. Sự đợi chơ trong thời gian đêm khuya luôn là một nỗi ám ảnh của bất cứ một ai chứ không riêng gì những người con gái trong thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu dường như nhập thân vào hình hài của một nàng cung nữ bị giam hãm tựa Kẻ đi đày trong nỗi đợi chờ thương nhớ lặng nhìn tuổi xuân cạn ngày, má đào phai hương sắc:
“Ai giam cung nữ chín lần tường,
Ai ngắt hoa xuân đang độ hương.
Cung nữ cớ chi tàn má thắm;
Hoa xuân đâu nỡ để rơi đường.
Mấy thu công chúa mãi không chồng,
Ngày tháng rơi xuân sang rụng đông!
Khóc dấu không hay đêm cạn hết,
Tình xương trông lệ: gối ra hồng.”
Nàng nhìn rõ cái héo hon của bản thân mà vẫn đằm mình trong sự đợi chờ:
“Giai nhân ai đậy giữa quan tài
Cho liễu người khô, ngọc mắt phai.
Rờn rã con chim ca nửa khúc,
Tên sâu ai dứt chuỗi châu cười.
Chiều đợi chờ
Hôm nay chiều đợi chờ
Nắng nhỏ cành vương vấn.
Sương hồng cây ước mơ;
Em đến; lòng van khấn.
Xuân Diệu còn thấy mình cùng “hội” Những kẻ đợi chờ với những người trinh nữ, đợi chờ tình yêu, đợi chờ người đàn ông của cuộc đời mình, nhưng càng chờ thì càng không thấy. Bài thơ mở đầu bằng lời gọi mời có gì như niềm nở, háo hức, có gì như van vỉ, nài xin những dáng hình bước ngang đời:
“Hỡi các anh đi dáng hững hờ,
Đầu cao, tóc ngược, mắt theo mơ,
Để dành một phút thương ai với!
Ôi! Biết bao nhiêu kẻ đợi chờ.”
Tiếng thơ nghe như tiếng lòng thèm khát được một lần thỏa mãn nỗi “đợi chờ” mà họ đánh đổi bằng tuổi xuấn. Sự đợi chờ còn lấy đi ở “hội” người ấy nhiều hơn thế, trong đó có cả niềm tin yêu vào cuộc sống này:
“Họ chưa hề đẹp, lúc xuân sang
Đem sắc, đem duyên điểm mọi nàng,
Đôi chút hồng đào lên má nở,
Rồi thôi - họ chẳng dám nhìn gương...
Son phấn bao giờ đủ tốt tươi;
Sắc màu đẹp quá, áo hơn người.
Thư tình không lạc trong tay mỏi
Đã nản thêu thùa, kim chỉ ơi!”
Sự hình dung về người tình của họ chẳng rõ mặt, rõ tên, mơ hồ, mộng mị. Tất cả gói lại trong những nếp ngày đợi chờ hóa thành “sa mạc của buồng hoa” đong đầy “nhớ thương”. Họ hướng ra “trước cửa nhà” cững chẳng thấy gì ngoài “gót vặm” - chút dư âm vương lại từ trong hi vọng. Những người thiếu niên bước đi quá đỗi nhanh, tựa hồ một cơn gió, chẳng kịp để “hội” Những kẻ đợi chờ kịp nhớ mặt, ghi tên. Đến thật nhanh mà đi cũng mau lẹ, chớp nhoáng:
“Mỗi ngày, trông những thiếu niên qua
Gót vặm kêu nhanh trước cửa nhà.
Họ chứa nhớ thương - và mỗi tối,
Ấy là sa mạc của buồng hoa…”
Xuân Diệu không đơn thuần là một nhà thơ có xu hướng cảm thức thời gian mà bằng trực cảm của mình cũng cảm thức về không gian đầy tinh tế. Bên trong này là “buồng hoa” héo hon giữa vùng sa mạc nhớ thương. Nhớ thương làm không gian trong này ngột ngạt, bức bối, Những kẻ đợi chờ hướng ra bên ngoài, và cũng chỉ là sự im ắng đến tuyệt đối, bởi dư âm “gót vặm kêu nhanh” chẳng đủ làm xao động, tưới tắm không gian và tâm hồn.
Thế rồi, họ lại lắng nghe tiếng lòng mình âm ỉ trong đêm mùa đông hoang lạnh:
“Mùa đông trên gối rét tê bông;
Múa giữa lòng đơn uổng ấm nồng;
Hồn ước chung đôi, thân lặng lẽ
Vào nằm chia lạnh với chăn không.”
Hai mảng không gian bên ngoài và bên trong chẳng khác gì nhau. Vì thế, trong cẩm nhận của Những kẻ đợi chờ thì tồn tại ở trong hay ở ngoài cũng thế thôi bởi họ đang lạc giữa khoảng không hiện thực rộng lớn hơn - cái nơi mà chỉ thấy “rét tê bông… thân lặng lẽ… chia lạnh với chăn không”. Khoảng không ấy “nuốt chửng” lấy những tinh cầu mơ mộng họ ấp ủ trong lòng: “Hồn ước chung đôi”.
Mơ mộng tan vỡ trong đêm, họ nhận ra:
“Họ nói: thôi mong gặp gỡ gì!
Xuân mình tất cả đã trôi đi...
- Thế rồi họ khóc không nghe tiếng
Trong lúc trăng tàn bạt gió khuya.”
Tiếng khóc âm thầm, chìm khuất vào vũng lầy đêm đen, “trăng tàn bạt gió khuya” là nỗi đau, là tiếng kêu lặng lẽ của những tuổi xuân thèm khát yêu đương mà yêu đương xa vời như giấc mơ, chẳng thể nào hiện hình trong khoảng không hiện thực.
Những câu thơ giàu tính nhục cảm là thành quả của Xuân Diệu - một người “đạo diễn” chỉ dẫn vai nữ của mình diễn rất “đạt”. Không chỉ vì chàng là người “đạo diễn” tài ba mà còn bởi vai nữ ấy có những xúc cảm, tâm tư khát thèm ái tình đồng điệu với cái thèm khát được “chung đôi” đồng giới của chàng Xuân. Những xúc cảm đồng vọng thành những tiếng lời von vỉ, tiếng khóc âm thầm, ai oán suốt năm canh như làm trăng trên cao tàn nhanh, làm gió khuya cũng bạt chiều.
3.3. Nhưng có trường hợp, Xuân Diệu không đơn thuần đứng ngoài làm “đạo diễn” định hướng “lối diễn” cho những “vai” nữ, ngầm ngụy trang dục cảm đồng tính của bản thân mà “mượn giọng”, “giả giọng” nữ, “nhập vai” nữ để trực tiếp tỏ bày.
Hiện tượng “mượn giọng” nữ, “giả giọng” nữ là đã xuất hiện và  trở nên khá phổ biến trong văn học Việt Nam từ thế kỷ XVIII - hiện tượng “nhà nho lại cái” - với những cái tên như: Đặng Trần Côn (Chinh phụ ngâm khúc), Nguyễn Gia Thiều (Cung oán ngâm khúc),… Tạ Chí Đại Trường phân tích hệ hình và căn nguyên của hiện tượng này như sau: “Sự biến hình, dù trong tâm tưởng, và vô ý thức, cũng đã có nguyên nhân từ sự đè nén của quyền lực chính trị, của đạo lý đã bóp mềm con người... Dạng hình mượn (làm người nữ) phối hợp với sự yếu mềm về tâm tính, đủ cho sự giả trang của nho thần che mắt được quyền lực bên trên” [14].
Sẽ là cực đoạn khi quy kết hiện tượng “mượn giọng”, “giả giọng” nói trên là một hình thức ngụy trang và chuyển vị dục cảm đồng tính (dẫu cho trong cả hai tác phẩm có nhiều đoạn xuất hiện những hình ảnh tính giao cùng những câu thơ mang đậm màu sắc nhục cảm, ân ái, truy hoan). “Vai diễn” này, theo chúng tôi, về bản chất, là chủ thể của diễn ngôn tính dục - một hiện tượng có tính xã hội - lịch sử - đặt dưới loại hình tri thức [epistem] và quyền lực [power] của ý thức hệ Nho giáo. Đây là hiện tượng vượt rào giới tính để thiết lập một hệ giá trị mới, thể hiện tư tưởng mới, tiếng nói mới trong văn học trung đại Việt Nam. Riêng trong thơ Xuân Diệu, hiện tượng “mượn giọng”, “giả giọng” cùng là một thủ pháp nghệ thuật, là một kiểu “vai diễn” mà chàng Xuân thủ vai để chuyển vị dục cảm đồng tính sang tái sinh của mình trong văn học.
Khi chưa có tình nhân “chung đôi” thì mời gọi, khát thèm đến nài nỉ, đau thương; tới khi có được rồi lại khẩn thiết mong nhân tình đừng xa. Hãy nghe Lời kỹ nữ thay lời Xuân Diệu níu dây tơ tình ở lại để bền mãi. Sự mong manh của duyên tình khiến người kỹ nữ - “vai diễn” của Xuân Diệu - cảm nhận được rõ ràng nhân tình ái ân chỉ là “khách”:
“Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa;
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi.
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời;
Khách không ở, lòng em cô độc quá.
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,
Tay em đây, mời khách ngả đầu say;
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây,
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.
Chớ đạp hồn em! Trăng về viễn xứ
Đi khoan thai trên ngự đỉnh trời tròn;
Gió theo trăng từ biển thổi qua non;
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn.
Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn,
Chớ để riêng em phải gặp lòng em;
Tay ái ân du khách hãy làm rèm,
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng.”
Để níu giữ “khách”, người kỹ nữ đưa ra nhiều lý do, cả những lý do khách quan và nhất là chủ quan. Chỉ với một mục đích là giữ “khách” ‘ngồi lại cùng em’, nàng ta nào thì trầm trồ, tụng ngợi “trăng sáng quá”, một bữa tiệc ánh sàng hoàng gia đang đợi chàng mê đắm; khẩn thiết quân tử đừng hờ hững, thô tàn với trăng gió đêm nay. Thế là chưa đủ, nàng thỏ thẻ, hiến dâng cả cái xác thân kỹ nữ (“tay ái ân”, “tóc xanh tốt”), cả cái mảnh hồn và tâm tình kỹ nữ (“lòng em cô độc quá”, “hồn của em đây… đặt dưới chân hoàng tử”, “Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn”) để mong khách đừng hờ hững với mình: “Chớ đạp hồn em!”, “Chớ để riêng em phải gặp lòng em;”
Xác thân kỹ nữ thì có thơm tho chi, tâm hồn kỹ nữ thì có thanh bạch chi, mà “khách” phải bận lòng? Dường như cái sự thật chua xót ấy được người con gái thấu tường hơn ai hết. Thế nhưng, chính vì chúng giúp nàng kiếm được “miếng cơm manh áo” nên nàng mong manh hy vọng những niềm vui tô điểm cuộc sống từ việc bản lẻ, bán dần xác thân và tâm tình mình. Sắc sảo tham lam? Hay ngây thơ đến tội nghiệp đây? Cái tham lam gây thương xót của nàng khiến người đọc hẳn không kìm được nước mắt, bởi, dẫu sao kỹ nữ cũng là con người. Bản năng con người khiến họ biết vui buồn, sướng khổ cùng cái đa diện cuộc đời này, chứ đâu phải, đâu chỉ là những loài hoa dại nở rộ bạn hương ban sắc “có điều kiện” cho đời. 
Nỗi đau tinh thần của người kỹ nữ lại ứa máu khi nàng nhận ra cái khoảng cách quá lớn giữa hy vọng và hiện thực:
“Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,
Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành;
Vì mình em không được quấn chân anh,
Tóc không phải những dây tình vướng víu.
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già;
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.” 
Hy vọng dâng đây vô hạn trong cái mộng mị của sóng tình, rồi sóng tình lại xô nàng về thềm cát thực tại. Tại đây, người kỹ nữ ý thức được về vị thế, về sự yếu ớt, bất lực mà vị thế ấy quy định của bản thân; và trên tất thảy, ý thức được nỗi đau - biểu hiện dười hình thức cơn “lạnh lẽo suốt xương da” trong đêm trăng băng giá. Nếu như ở trên, giữa “khách” và người kỹ nữ có lẽ còn gắn nhau bằng cái níu tay của nàng, nhưng giờ đây, mỗi người mỗi ngả. Hai con người ấy không đi về những hướng đối nghịch nhau mà họ ngày một xa nhau bởi người con gái kia câm lặng, bất động trong tiếc nuối: “bến đợi dưới cây già”, còn “khách” và “tình khách” thì chỉ vãng lai, ong bướm như “thuyền qua không buộc chặt” mà thôi. Hình như người kỹ nữ ngây thơ lầm tưởng về một tình yêu nào đó trong lòng “khách” lúc ân ái thì phải? Ngây thơ! Ngây thơ đến tội nghiệp! Cũng chỉ vì cô đơn khôn cùng mà ngây thơ!
“Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt,
Cuộc yêu đương gay gắt vì làng chơi.
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi,
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.
Trông theo bước đi của “khách”, người kỹ nữ ngước nhìn mà đau đớn, bất lực:
“Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.
Du khách đi.
- Du khách đã đi rồi.”
Như vậy, chỉ qua việc đào sâu một vài bài thơ thuộc hiện tượng “mượn giọng”, “giả giọng nữ” trong thơ Xuân Diệu, ta thấy được thêm nhiều điều về hồn thơ và vấn đề nữ quyền được đặt ra trong các thi phẩm của tác giả này. Trước nhất, qua những trang thơ đầy xúc động về tâm sự của một bộ phận hợp thành nên phái tính xã hội - phái nữ, người đọc nhìn ra được cái tình người ấm áp trong tấm chân tình mà chàng Xuân ủ ấp. Chàng thanh niên ấy nhìn thấu những xúc cảm (đặc biệt là nhục cảm) ái tình của người phụ nữ (dù là người con gái thanh tân hay phận kỹ nữ hèn mọn). Để rồi, chàng ta trân trọng, nâng niu, đồng cảm và thương xót cho những kiếp người duyên tình lận đận: người khổ vi đợi chờ, người khổ vì chỉ là “món hàng” bất lực không thể níu giữ chân tình cho riêng mình.
3.4. Ẩn ức và thông điệp qua những “vai diễn” nữ 
Nhưng trên hết, tiếng nức nở của những người phụ nữ trong đêm dường như là tiếng lòng của Xuân Diệu dồn cả vào đó. Có một người nữ nào đó đang tâm sự hay chính là chàng Xuân đang tự thú với bản thân, tự nhận thức về “tình trai” của mình và của người?
Tình yêu dị giới đã vất vả kiếm tìm, níu giữ thì tình yêu đồng giới (một phần của dục cảm đồng tính) còn khó hơn gấp nhiều lần (!?) Điều này sẽ còn phải tranh luận nhiều, nhưng phải thừa nhận rằng, dù ở thời đại nào, tình yêu đồng giới cũng bị thách thực bởi nhiều chướng cản, trong đó có định kiến, thành kiến, hủ kiến, không cho những người rung động trước nhau đến với nhau. Ngay cả khi yêu nhau, có được nhau rồi, bất chấp tất cả để đến với thì trước mắt những cắp đồng giới còn những điều khó nói. Và, chỉ một phút yếu lòng, họ sẽ chẳng thể nào vượt qua để tiếp tục trong cuộc tranh đấu bảo vệ tình yêu…
Thế còn tình dục đồng giới thì sao? Nếu như tình dục dị giới còn ít nhiều ràng buộc (do có sự dị biệt về sinh lý), thì tình yêu đồng giới có mối dây ràng buộc nào giữa hai người đâu để mà kết cho nhau cái nghĩa chứ? Chia ly hay không là do tình cảm mỗi người còn hay không? Nếu được người yêu thương thực sự thì hạnh phúc, còn gặp phải người phũ phàng, trăng hoa thì bị coi như “món hàng” trao tay cũng dễ xảy ra lắm!.
4. Kết luận
Thông qua hình thức diễn ngôn tính dục, Xuân Diệu xây dựng hình tượng nhân vật Em vừa là nữ mà cũng chẳng phải nữ. Nhân vật ấy là nữ khi ta nhìn nhận thơ Xuân Diệu là tiếng thơ mang cảm quan dị tính; là “vai diễn” của Xuân Diệu khi nhìn nhận thơ Xuân Diệu có xuất hiện hình thức ngụy trang và chuyển vị của dục cảm đồng tính của văn học đồng tính. Dù hiểu theo hướng nào ta cũng nhận ra được vẻ đẹp tâm hồn ở con người Xuân Diệu. Đó là một chàng trai có cái nhìn trân trọng, nâng niu vẻ đẹp hình thể, xác thịt cùng những khát khao ái tình nhân bản của người con gái. Đồng thời, chàng Xuân dù đã rất khéo léo ngụy trang và chuyển vị dục cảm đồng tính của bản thân nhưng cái “tình trai” vẫn thật mãnh liệt, cuộn tràn tới mức đau thương. Cái “mã” nhân vật Em như vậy bước đầu được hóa giải và được nhìn nhận rộng mở, đa chiều hơn?
Tài liệu tham khảo:
1. Jefrey Nealon, Susan Searls Giroux: “Queer”, in The Theory Toolbox: Critical Concepts for the Humanities, Arts & Social Sciences. Rowman & Littlefield Publishers, 2003.
2. Tony Purvis. Sexualities, in Patricia Waugh ed. Literary Theory and Criticism: An Oxford Guide. Oxford University Press, 2006.
3. Hoài Thanh - Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam. NXB Văn học, 2009.
4. Chu Văn Sơn. Ba đỉnh cao Thơ mới. NXB Giáo dục, 2003.
5. Tạ Chí Đại Trường: Sử Việt đọc vài quyển. NXB Thanh Văn, 2006.
6. Đỗ Lai Thúy. Bài viết Đáp lời con quái Sphinx hay cội nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu. Tạp chí sông Hương, in ngày 29/09/2008.
7. Trần Ngọc Hiếu. Văn học đồng tính ở Việt Nam – từ những hình thức ngụy trang đến các tự thuật thú nhận. Văn nghệ quân đội, in ngày 13/08/2014.
8. Nguyễn Quốc Vinh. Những nhục thể biến dị và các động thái chuyển vị của dục cảm đồng tính trong văn chương Việt Nam từ và về thời Pháp thuộc (1858-1954), in trong Bút pháp của ham muốn, NXB Tri thức, 2009.
Chú thích:
[1] [2] [3] Ba đỉnh cao Thơ mới, tr.34.
[4] Ba đỉnh cao Thơ mới, tr.45.
[5] Chữ dùng của Chu Văn Sơn trong Ba đỉnh cao Thơ mới, tr.46.
[6] Thi nhân Việt Nam
[7] Ba đỉnh cao Thơ mới, tr.46.
[8] Platon cho rằng: Khởi thủy, loài người có ba giới là nam - nam, nữ - nữ và nam - nữ. Ai cũng có bốn tay, bốn chân, hai đầu và, vì thế, rất khỏe và nảy sinh ý định chống lại thần Zeus. Vị thần của các vị thần này biết vậy, nổi giận và cắt đôi họ ra thành hai nửa tách rời. Các nửa này suốt đời tìm nhau để hợp làm một. Những nửa trước đây vốn là hợp thể nam - nữ thì chỉ tìm người dị giới, còn các nửa trước đây là nam - nam hoặc nữ - nữ thì chỉ say mê với nửa đồng giới kia của mình.
[9] Tony Purvis. Sexualities, tr.435.
[10] Jeffrey Nealon, Susan Searls Giroux. Queer, tr.174.
[11] Jefrey Nealon, Susan Searls Giroux. Queer, tr.170.
[12] Chữ dùng của TS. Trần Ngọc Hiếu trong bài Văn học đồng tính ở Việt Nam - từ những hình thức ngụy trang đến các tự thuật thú nhận
[13] Nhận định của Đỗ Lai Thúy trong bài viết: Đáp lời con quái Sphinx hay cội nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu.
[14] Tạ Chí Đại Trường: Sử Việt đọc vài quyển, tr.67,68.
1/9/2017
Phạm Anh Tuấn
Theo http://nguvan.hnue.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...