Những nhân vật cải cách
1- Họ Khúc
Cải cách, đổi mới để phát triển đất nước là xu thế tất yếu
trong lịch sử. Trong lịch sử Việt Nam cũng đã có nhiều cuộc cải cách, đổi mới cả
về kinh tế - xã hội, hành chính, chế độ…
Những tài liệu dưới đây được trích từ báo Quảng Nam giới thiệu
những nhân vật (và những trào lưu) nổi bật trong lịch sử Việt Nam của GS. sử học
Văn Tạo, hầu giúp độc giả ôn lại trang sử cũ, vừa gửi một thông điệp cho những
ai quan tâm đến tình hình cải cách, đổi mới hiện nay.
Bên cạnh những bài học quý từ thành công lẫn thất bại trong
những cuộc cải cách trong lịch sử nhằm chấn hưng đất nước mà người xưa gửi lại
cho hậu thế, còn một điều nhắn gửi đâu đó nữa: đó là vai trò cá nhân của những
người trực tiếp nắm giữ vận mệnh của dân tộc. Rằng, quyền lực và danh vọng của
mỗi cá nhân mang giữ trọng trách có thể tan biến theo thời gian, nhưng niềm
vinh quang hay nỗi ô nhục mà họ đem lại sẽ còn hằn mãi lên gương mặt của cộng đồng.
Đền thờ Khúc Thừa Dụ ở Hải Dương.
Cuộc cải cách của họ Khúc
Thời điểm lịch sử thực hiện cải cách là: sau hơn một thiên
niên kỷ đấu tranh chống ngoại xâm, đến những năm cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, lực
lượng ta cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa… đã mạnh hơn xưa. Bọn thống
trị ngoại xâm đã suy yếu do cuộc khủng hoảng Hậu Đường và sự phản kháng mạnh mẽ
của dân tộc ta. Nhân cơ hội đó, Khúc Thừa Dụ đứng lên nắm quyền tự chủ dân tộc.
Họ Khúc nắm được khâu trọng yếu là cải cách cơ cấu hành
chính. Trước đó cơ cấu hành chính do bọn xâm lược dựng lên là theo phương thức
“nắm từ trên xuống”, từ tiết độ sứ đến quân lệnh… mục đích là để đàn áp, bóc lột.
Nay họ Khúc thay bằng cơ cấu hành chính “nắm từ dưới lên”, nắm từ cơ sở là cấp
xã và trên thì thay chế độ “quận, huyện, hương” của nhà Đường bằng cơ chế mới.
Giao Châu trước chia thành quận, huyện. Dưới huyện là hương
và xã. Hương có đại hương (160-540 hộ), tiểu hương (70-150 hộ). Xã có đại xã
(40-60 hộ), tiểu xã (10-30 hộ). Nhưng bọn thống trị chưa bao giờ với tay được đến
xã và không đặt được chức xã quan. Họ Khúc đã đặt ra các chức “chánh lệnh trưởng”
và “tá lệnh trưởng” -tức các xã quan trông coi các xã… Trên xã là “hương” thì
Khúc Hạo đã đổi “hương” thành “giáp”, mỗi giáp có khoảng gần 10 xã. Lại “định
ra hộ tịch”, “lập sổ khai hộ khẩu, kê rõ họ tên, quê quán” nhằm nắm vững dân số
và thông hiểu dân tình, điều mà đô hộ nhà Đường không thể nào làm được (biện
pháp này cho đến nay chúng ta vẫn còn thực hiện).
Cùng với trọng tâm cải cách hành chính, đã tiến hành cả cải
cách kinh tế, văn hóa, xã hội. Về kinh tế, thực hiện chính sách “Bình quân thuế
ruộng, tha bỏ lực dịch”. Nếu trước kia bọn đô hộ bóc lột siêu kinh tế, mặc sức
vơ vét của dân, nhiều tầng thu và thu nhiều loại thuế, thì nay họ Khúc căn cứ
vào cách phân phối ruộng đất theo chế độ công xã (tức toàn bộ ruộng đất đều là
công hữu, được phân chia cho các hộ canh tác), đánh thuế một cách bình quân
theo ruộng đất mà các hộ được phân chia. Bỏ hẳn thuế đinh. Người thu thuế không
phải là xã quan tức chánh lệnh trưởng hay tá lệnh trưởng mà là phó tri giáp,
theo mô hình cống nạp liên danh của phương thức sản xuất châu Á, khắc phục được
sự phiền hà sách nhiễu của các xã quan cũng như nạn thu thuế nhiều tầng nhiều
loại trước đó, tránh cả được nạn thất thu cho ngân sách Giao Châu.
Còn lực dịch trước là một thứ khổ sai, bắt dân đi mò trai lấy
ngọc, săn voi lấy ngà… nay họ Khúc thực hiện “tha bỏ lực dịch”. Đó là một sự “cởi
trói cho dân”, có tác dụng to lớn đến việc thu phục nhân tâm, ổn định xã hội.
Chính lệnh về văn hóa xã hội được ghi vắn tắt là “khoan, giản,
an, lạc”. Khoan là khoan sức cho dân. Giản là quản lý giản dị, gần dân sao cho
dân dễ hiểu, dễ thấm, dễ thực hành… An là đem lại bình yên cho cuộc sống. Chính
quyền nắm sát dân đến tận xã, quản lý hộ khẩu, hộ tịch, giúp ích cho việc giữ vững
trật tự trị an… Lạc là hệ quả cuối cùng của các biện pháp trên, nhờ thực hiện cải
cách mà “Nhân dân đều được yên vui” bớt được hờn, giận, oán, sầu…
Thành công và hiệu quả lâu dài của cải cách là đem lại sự vững
vàng và ổn định cho đất nước. Đối nội là củng cố và phát huy được quyền độc lập
tự chủ. Đối ngoại chống lại được mọi kẻ thù, giữ được chính quyền trong mấy chục
năm, tạo tiền đề thuận lợi cho các bước phát triển của đất nước.
Nếu sau các cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Triệu
Quang Phục… trước đây, dân tộc ta chỉ giữ được chính quyền trong một thời gian
ngắn rồi lại bị bọn xâm lược quay lại thống trị, thì nay cuộc giành chính quyền
và cải cách của họ Khúc đã mở đầu cho một quá trình liên tục đấu tranh giành
cho kỳ được độc lập dân tộc.
2- Lý Công Uẩn
Sự nghiệp đổi mới của Lý Công Uẩn là sự mở đầu và có hiệu quả
lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc: Từ “Đổi mới triều đại đến đổi mới đế đô, đổi
mới xã hội”, trong đó đổi mới đế đô là cơ bản. Nhìn lại có thể coi đó là: “Nắm
khâu chủ yếu để tiến hành đổi mới mà trước hết là đổi mới tư duy (biểu hiện ở
“Chiếu dời đô”).
Tượng đài vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội.
Ảnh: Thắng Nguyễn - Tinh Tế.
Đổi mới triều đại
Đầu thế kỷ XI, triều Tiền Lê lâm vào khủng hoảng sâu sắc, từ
khủng hoảng xã hội dẫn đến khủng hoảng cung đình. Năm 1005, Lê Long Việt được
Lê Đại Hành truyền ngôi cho, lên ngôi được 3 ngày đã bị em (con thứ cùng mẹ) là
kẻ tham ô, tàn bạo Lê Long Đĩnh giết. Các em là Long Ngận và Long Kính chiếm giữ
Phù Lan (sau là xã Phù Vệ huyện Đường Hào) vẫn chống lại triều đình. Long Đĩnh
cho vây thành, lương cạn, Long Ngận bắt Long Kính đem nộp. Long Kính bị chém,
Long Ngận được tha tội. Long Đĩnh lại cho quân đi đánh Ngự – Man Vương Long
Đinh đang chiếm giữ Phong Châu. Long Đinh đầu hàng. Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều)
chiếm được quyền hành thi hành những chính sách tàn bạo: Lê Văn Hưu đã ghi “Ngọa
Triều giết anh, tự lập làm vua, bạo ngược với dân chúng để thỏa lòng hung ác…”.
Ngô Sĩ Liên viết: “Vua làm việc càn dở, vua cướp ngôi thích dâm đãng…”. (Đại Việt
sử ký toàn thư, quyển 1). Khủng hoảng xã hội, khủng hoảng cung đình đòi hỏi phải
giải quyết. Lịch sử tất yếu phải dẫn đến “đổi mới triều đại”: Nhà Lý thay Tiền
Lê.
Từ đổi mới đế đô đến đổi mới xã hội
Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi. Đó cũng là thời điểm lịch sử
mà sự nghiệp “đổi mới đế đô” đã đến độ chín muồi. Đổi mới đế đô là một sự kiện
lịch sử trọng đại, có quan hệ đến tiền đồ, vận mệnh của quốc gia. “Chiếu dời
đô” của Lý Thái Tổ đã nêu rõ: “Ngày xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh 5 lần dời
đô, nhà Chu đến đời Thành Vương 3 lần dời đô, há phải các vua đời Tam Đại ấy
theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm thế nào cốt để mưu nghiệp lớn, chọn chỗ
ở giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân,
nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”.
Dời đô “cốt để mưu nghiệp lớn…, cho vận nước lâu dài, phong tục
giàu thịnh”. Rõ ràng việc dời đô ra Thăng Long có ý nghĩa kinh tế sâu sắc. Và
thực tế là, Thăng Long với thế “Rồng cuộn, hổ ngồi bốn phương tụ hội” như Chiếu
dời đô nói, đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam, sau hơn 100 năm độc lập tự chủ (từ
Khúc đến Tiền Lê, 907-1009) tiến lên đáng kể. Giao thông vận tải đã có dấu hiệu
mở mang. Để thông thương giữa miền Bắc và miền Trung các đoạn sông đào (được gọi
chung là “Kênh nhà Lê”) cứ tiếp nối nhau hoàn thành. Trước đã đào đến núi Đồng
Cổ; năm 983 lại đào từ Đồng Cổ đến sông Bà Hòa (Thanh Hóa), đến năm 1003 lại
vét kênh Đa Cái thông tới Hoan Châu (Nghệ An). Năm 1009, đào sông từ cửa ải Chi
Long qua núi Đinh Sơn đến sông Vũ Lũng (Thanh Hóa). Có thể nói, một thị trường
dân tộc thống nhất tiền tư bản chủ nghĩa xuất hiện đòi hỏi phải có một đô thị
trung tâm là đế đô. Nơi đó không đâu hơn là Thăng Long.
“Chiếu dời đô” đã từ đổi mới tư duy kinh tế dẫn đến “đổi mới
đế đô” - một tất yếu lịch sử phải diễn ra, tạo tiền đề thuận lợi cho đổi mới
chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, đánh dấu một bước phát triển mới của xã hội
Đại Việt, củng cố vương nghiệp nhà Lý, giữ gìn cho được độc lập dân tộc, thống
nhất đất nước.
Những thành công trong dựng nghiệp của triều Lý là nguyên
nhân dẫn đến thắng lợi kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt với sự ra đời
của bài thơ nổi tiếng “Nam quốc sơn hà” - một bài thơ được các sử gia coi như
“Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của Đại Việt.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân để triều Lý tồn tại
hơn 200 năm (1010-1225) một triều đại tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc.
Tất cả không tách rời khỏi kết quả của sự nghiệp “đổi mới” ban đầu kể trên của
Lý Công Uẩn, trong đó nổi bật nhất là “đổi mới đế đô”.
3- Trần Thủ Độ
Vào đầu thế kỷ XIII, vương triều Lý đã suy thoái đến cực điểm.
Khủng hoảng diễn ra triền miên, khủng hoảng cung đình đi đôi với khủng hoảng
toàn diện của xã hội.
Khu lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ ở Thái Bình.
Như nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã khái quát: “Vua chơi bời vô độ,
hình chính không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liên miên, nhà Lý suy
từ đấy”. Nhân cơ hội ấy ngoại xâm đến quấy rối biên cương. Đây chính là thời điểm
mà lịch sử cần có người tài trí ra giúp nước và Trần Thủ Độ đã xuất hiện với
quy luật: “Thời thế tạo anh hùng và anh hùng lại tác động tích cực tới thời thế”.
Sự nghiệp lớn lao của ông là thực hiện “đổi mới vương triều”,
Trần Thủ Độ đã “đạo diễn” cho việc đổi mới vương triều từ Lý sang Trần bằng cuộc
đảo chính cung đình, gọn nhẹ, táo bạo, không đổ máu và thành công.
Trần Thủ Độ nhận ra rằng quan trọng nhất là đổi mới kinh tế
xã hội : Trước hết là chuyển dần công hữu ruộng đất thành tư hữu như sử ghi:
“Năm Quý Sửu (1253), tháng 6, bán ruộng công, mỗi diện là 5 quan tiền (bấy giờ
gọi mẫu là diện) cho phép nhân dân mua làm ruộng tư. Lúc đó muốn giải thể nhanh
chế độ công xã nguyên thủy, chuyển sang công xã nông thôn có tư hữu, đẩy mạnh sản
xuất, phát triển kinh tế hàng hóa - tiền tệ mà không có lệnh nhà nước ban hành
cho phép tư hữu hóa ruộng đất thì không thực hiện được. Ngoài quyết định cơ bản
ấy còn có hàng loạt biện pháp kinh tế khác như:
– Phát triển nông nghiệp: Đắp đê ngăn lũ, ngăn mặn, khai
kênh tưới, tiêu. Không chỉ coi trọng việc tăng sản xuất lúa gạo, mà còn chú ý cả
tới trồng cây ăn quả, cây phòng hộ;
– Đẩy mạnh phát triển công, thương; - Định ra các phường buôn
bán, sản xuất ở thủ đô Thăng Long… (quy hoạch 61 phường ở kinh thành Thăng Long
để tiện quản lý công, thương…). “Khoan sức cho dân”, nhà nước không đánh thuế
thân mà chỉ đánh thuế đinh theo sở hữu ruộng đất…
Đổi mới kinh tế có tác động tích cực tới đổi mới văn hóa. Tuy
Phật giáo vẫn là quốc giáo nhưng Khổng giáo ngày càng có tác dụng tích cực đối
với một xã hội mà pháp trị đang từng bước nâng cao. Về học hành, khoa cử, vua
xuống chiếu mời nho sĩ trong nước đến Quốc học viện giảng tứ thư, lục kinh. Thi
cử được đổi mới, tăng thêm các học vị trong khoa bảng. Trước đây chưa chọn tam
khôi thì nay đặt ra lệ chọn tam khôi là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Cùng
năm 1239, mùa thu, đã công bố thể lệ tổ chức thi các khoa thông tam giáo. Thừa
nhận tam giáo (Nho, Phật, Lão) “đồng nguyên”. Đó là một tiến bộ về tư tưởng tôn
giáo so với thế giới đương thời. Bởi vì ở thế kỷ XIII, kỳ thị tôn giáo, chiến
tranh tôn giáo trên thế giới vẫn nặng nề, nhưng ở Việt Nam thì “tam giáo” đó vẫn
song song tồn tại và phát triển. Nhà nước lại cho mở các khoa thi thông tam giáo
để khích lệ sự đoàn kết, thống nhất. Tư tưởng pháp trị biểu hiện về mặt văn
hóa, khoa học là cho soạn thảo luật pháp thành văn: Năm Canh Dần (1230), mùa
xuân, tháng 3, khảo xét các luật lệ của triều trước soạn thành Quốc triều thống
chế và sửa đổi hình luật, lễ nghi gồm 20 quyển kiến trúc, trang trí nội thất
cung đình cùng nhu cầu về triều y, phẩm phục, trang sức dân gian cũng khiến sản
xuất thủ công, mỹ nghệ phát triển với Thăng Long 61 phố phường…
Múa hát trong cung đình và vui chơi hát xướng trong dân gian phát triển, biểu hiện những cuộc vui chung sau những yến tiệc của anh em tông tộc Trần triều cũng như vua quan trong cung đình. Nhân dân thì vui với thơ, ca, đấu vật, múa rối… Nhờ vậy mà sử chép: “Bấy giờ, quốc gia vô sự, nhân dân yên vui”.
Múa hát trong cung đình và vui chơi hát xướng trong dân gian phát triển, biểu hiện những cuộc vui chung sau những yến tiệc của anh em tông tộc Trần triều cũng như vua quan trong cung đình. Nhân dân thì vui với thơ, ca, đấu vật, múa rối… Nhờ vậy mà sử chép: “Bấy giờ, quốc gia vô sự, nhân dân yên vui”.
Nhìn chung lại: Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, nhân dân
được yên vui - tất cả đã biểu hiện bước tiến bộ của xã hội đầu Trần do “đổi mới”
mang lại mà Trần Thủ Độ là người có công đầu. Đó là nguyên nhân chính khiến khi
giặc Nguyên Mông đến xâm phạm bờ cõi (lần thứ nhất năm 1257), Trần Thủ Độ đã có
thể tin tưởng và quyết tâm chống xâm lăng, biểu lộ ra ở câu trả lời nhà vua một
cách vô cùng đanh thép: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.
4- Hồ Quý Ly
Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly diễn ra vào cuối thế kỷ XIV đầu
thế kỷ XV (1395-1407) nhằm giải quyết khủng hoảng toàn diện của xã hội cuối thời
Trần, từ khủng hoảng kinh tế xã hội, khủng hoảng hệ tư tưởng dẫn đến khủng hoảng
thiết chế xã hội và cao nhất là khủng hoảng cung đình.
Rồng đá trong thành nhà Hồ.
Bắt đầu là đổi mới triều đại, giải quyết khủng hoảng cung
đình. Năm 1393, thấy họ Trần bất lực, Nghệ Tông đã nói với Quý Ly: “Bình Chương
(tức Quý Ly) là họ thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả.
Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, quan gia nếu giúp được
thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua”. Thực tế đó
đã như một di chúc truyền ngôi. Vì vậy cuộc lên ngôi của Hồ Quý Ly năm 1400 như
một sự chín muồi trong yêu cầu giải quyết khủng hoảng cung đình: Hồ lên thay
Trần.
Tiếp theo là cải cách thiết chế chính trị xã hội và hệ tư tưởng
phong kiến với các biện pháp cụ thể: - Phát triển đội ngũ quan lại phong kiến
quan liêu thay thế dần phong kiến quý tộc. Năm 1375, Nghệ Tông “xuống chiếu chọn
các quan viên biết luyên tập võ nghệ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là người
tôn thất, đều cho làm tướng coi quân”. Đề cao Khổng giáo, mở nhiều khoa thi tuyển
chọn nhân tài từ bình dân thay thế quý tộc. Hạn chế Phật giáo, không ưu đãi
tăng ni và phát triển chùa chiền như thời Trần mà còn có những biện pháp giảm
thiểu: “Năm 1396, tháng Giêng xuống chiếu sa thải các tăng đạo chưa đến tuổi
50 trở lên, bắt phải hoàn tục…”. Không theo nếp Tiền Lê, Lý, Trần phong tặng
quan tước cho quý tộc tôn thất. Không đưa nhiều tôn thất họ Hồ vào bộ máy nhà
nước. Hồ Hán Thương “cấm người tông thất, cung nhân không được xưng quý hiệu,
người vi phạm bị trị tội”. Trong giữ nước, nếu nhà Trần triệu tập Hội nghị Bình
Than chỉ có vương hầu quý tộc đến bàn việc chống giặc, thì nhà Hồ trong chuẩn bị
chống Minh lại chỉ triệu tập quan lại trong triều và quan lại đứng đầu các lộ
tham dự Hội nghị Tây Đô, nhằm đề cao tác dụng và trách nhiệm của hệ phong kiến
quan liêu, lấy Nguyễn Phi Khanh - ông thân sinh ra Nguyễn Trãi (không phải người
tôn thất) làm Hàn lâm học sĩ. Đạo quân - thần đã thay thế quan hệ tông tộc.
Quan trọng nhất là thực hiện cải cách kinh tế - xã hội với
các biện pháp:
1- “Hạn điền” mục tiêu là nhằm hạn chế chiếm hữu lớn về đất
đai của quý tộc phong kiến. “Năm 1397, tháng 6 (âm lịch) xuống chiếu hạn chế
danh điền (ruộng tư). Riêng đại vương và trưởng công chúa thì số ruộng không hạn
chế. Đến thứ dân thì số ruộng là 10 mẫu. Người nào có nhiều thì tùy ý được lấy
ruộng để chuộc tội. Bị biếm chức hay mất chức cũng được làm như vậy. Số ruộng
thừa phải hiến cho nhà nước”. “Hạn điền” đánh vào nền tảng kinh tế của quyền uy
chính trị của phong kiến quý tộc. Tuy vậy cải cách này cũng chỉ là nửa vời. Bởi
vì, trong khi xã hội đang có yêu cầu tư hữu hóa ruộng đất để phát triển kinh tế
hàng hóa tiền tệ và giải quyết nạn đói, thì số lượng đất ngoài 10 mẫu được lấy
ra lại bị sung công “hiến cho nhà nước” biến thành quan điền.
2- Cải cách quan hệ sở hữu sức lao động bằng biện pháp “hạn
nô”. Năm 1401, lập phép hạn chế gia nô: “chiếu theo phẩm cấp được có số lượng
khác nhau, còn thừa phải dâng lên. Mỗi tên được trả 5 quan tiền…”. Mục tiêu
cũng là đánh vào cả thế và lực của phong kiến quý tộc nhưng cũng là cải cách nửa
vời. Bởi vì đáng lẽ “hạn nô” để giải phóng sức sản xuất xã hội thì đây lại “đưa
nô sung công” và “sung vào quân địch” củng cố chế độ phong kiến quan liêu. Cũng
có thể nói như ngôn ngữ ngày nay là “hạn nô” đúng ở “đầu vào” nhưng sai ở “đầu
ra”.
3. Cải cách tiền tệ - Phát hành tiền giấy - một biện pháp mới,
lần đầu tiên được thực hiện ở Đại Việt: “Năm 1396, tháng 4, bắt đầu phát hành
(tiền giấy). Đề ra những biện pháp nghiêm ngặt để thực thi: “- Kẻ làm tiền giả
bị tội chết, ruộng đất, tài sản bị tịch thu. - Cấm tuyệt tiền đồng, không được
chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các
xứ. Kẻ nào vi phạm cũng bị trị tội như trên”. Nguyên nhân có thể do yêu cầu
phát triển của kinh tế Đại Việt mà Hồ Quý Ly đã cảm nhận được. Nhưng thực tế
thì là: Ngay từ thời “thịnh Trần” (có thể kể đến Anh Tông, Minh Tông) tuy đồng
tiền đã được sử dụng rộng rãi nhưng chưa có nhu cầu phát hành tiền giấy. Huống
chi cuối Trần kinh tế đã suy thoái, tiền giấy ra đời không những chưa cần thiết
mà còn gây phiền hà cho dân chúng (người giàu, thương nhân không muốn thi hành
vì không tin ở giá trị đồng tiền. Nông dân ít tiền khó mua được hàng hóa. Người
có thể tích lũy được tiền tệ thì lo lắng, không yên tâm…). Việc đề ra những biện
pháp cưỡng ép nghiêm ngặt như trên đã phần phản ánh sự mất lòng dân.
4. Cải cách văn hóa, giáo dục: Khuyến khích sử dụng chữ Nôm,
tự mình làm thơ chữ Nôm và giải nghĩa Kinh thi bằng chữ Nôm. - Phát huy tác dụng
Nho giáo: Năm 1392 làm sách Minh Đạo (“Con đường sáng”) 14 thiên (cho Chu Công
là tiên thánh, Khổng Tử là tiên sư”, nêu ra “bốn chỗ đáng ngờ trong sách Luận
ngữ”. Năm 1395 dịch thiên “Vô dật” (Không lười biếng) trong Kinh thư ra chữ Nôm
nếu tấm gương của các vua hiền thời xưa để dạy vua Thuận Tông. - Đề cao lối học
thực dụng cần thiết cho ca chế quan liêu: Phê phán những người chỉ biết chắp
nhặt văn chương, tuy học rộng nhưng viễn vông. Năm 1397, ban hành chính sách
khuyến học cho mở trường đến các phủ châu, ban quan điền để chi về việc học. -
Cải tiến thi cử, mở nhiều khoa thi kén chọn người tài. Chỉ riêng khoa thi Thái
học sinh năm 1400 đã có 20 người thi đỗ, trong đó có những danh nho như Nguyễn
Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Mộng Tuân…’
5. Cải cách về quân sự: - Năm 1401 lập sổ hộ tịch để bổ sung
quân ngũ. Đóng thuyền đinh sắt để chiến đấu, chấn chỉnh lại tổ chức quân đội, bổ
thêm hương quân. Trong chiến đấu, áp dụng thuật “làm vườn không nhà trống”. Xây
dựng thêm thành trì mới, cấu trúc lại các thành trì cũ.
Nhìn chung lại : Cải cách Hồ Quý Ly là toàn diện, lấy kinh tế
xã hội làm trọng tâm, trong đó “hạn điền”, “hạn nô” là quan trọng nhất. Nhưng
“hạn điền”, “hạn nô” không triệt để. Cải cách tiền tệ, ý đồ thì tốt, nhưng kinh
tế xã hội chưa có nhu cầu. Cải cách văn hóa, giáo dục có tiến bộ nhưng cũng
không tránh khỏi bị những phản ứng của Phật giáo lúc đó vẫn còn cần thiết cho
đám quần chúng nông dân khổ ải. Cải cách quân sự có cái mới nhưng chưa coi trọng
chiến tranh nhân dân, còn dựa vào thành hơn là “dựa vào lòng người”… Mặc dầu vậy,
cải cách xã hội của Hồ Quý Ly cũng có cống hiến đáng kể cho sự phát triển kinh
tế, văn hóa, xã hội của dân tộc. Nếu không bị giặc Minh tàn phá thì cũng đưa lại
những tiến bộ đáng kể cho đất nước. Những mục tiêu cải cách mà Hồ Quý Ly mong
muốn, sau này đã được Lê Thánh Tông kế thừa, phát huy mặt tích cực, phủ định
cái tiêu cực, dẫn tới thành công.
5- Lê Thánh Tông
Cải cách hành chính của Lê Thánh Tông nhằm giải quyết khủng
hoảng thiết chế chính trị diễn ra từ cuối đời Trần với yêu cầu thay thế thiết
chế chính trị phong kiến quý tộc Phật giáo bằng thiết chế chính trị phong kiến
quan liêu Nho giáo - điều mà Hồ Quý Ly muốn làm nhưng chưa làm được.
Tượng thờ ba vị vua Lê Thánh Tông tại
Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Hà Nội.
Tư duy chỉ đạo (hay như ngày nay nói là “đổi mới tư duy”) của
Lê Thánh Tông là nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh.
Cải cách việc phân cấp đơn vị hành chính
Thời Lý - Trần, đất nước còn chia thành “trấn, lộ, phủ, huyện,
châu…”. Nếu Lê Thái Tổ chia cả nước làm 3 đạo, Lê Thái Tông chia cả nước làm 5
đạo (còn ở dưới vẫn là lộ, trấn, phủ, châu, huyện, xã, sách, trang, động…) thì
đến Lê Thánh Tông (năm Quang Thuận thứ 7/1466) đã thay đổi hẳn: Bỏ các đơn vị
lộ, trấn.
Năm 1489 đã định rõ quy mô xã: “Định lệnh các xã: Xã nào đủ
500 hộ rồi mà số hộ dư ra lại được 100 trở lên có thể thành một xã nhỏ nữa thì
phải báo, rồi xếp lại tâu lên, để xếp thành xã khác, cho thêm rộng bản đồ”. Đồng
thời Lê Thánh Tông ra lệnh cho 12 xứ thừa tuyên (không kể Phủ Trung Đô - NV) điều
tra hình thế sông, núi, sự tích xưa nay của các nơi trong hạt mình, vẽ thành bản
đồ, ghi chú rõ ràng rồi gửi về Bộ Hộ để làm bản đồ địa lý.
Cải cách bộ máy hành chính
Mục tiêu chung là “Nâng cao quyền lực nhà vua, xây dựng nên bộ
máy hành chính có hiệu lực, hạn chế đến mức thấp nhất sự phân quyền và sự lộng
hành của các công thần”. Tư tưởng chỉ đạo được Lê Thánh Tông nêu rõ: “Quy chế
trước kia đặt quan phần nhiều lấy quan to, tước cao. Chế độ ngày nay đặt quan đều
lương ít, trật thấp. Số quan đặt ra so với trước tăng rất nhiều, nhưng tiền
lương chi tiêu so với trước thì vẫn thế. Đã không có người nào ăn hại mà trách
nhiệm lại có nơi quy kết, khiến cho quan to, quan nhỏ đều ràng buộc với nhau.
Chức trọng, chức khinh cùng kiềm chế lẫn nhau. Uy quyền không bị lợi dụng, thế
nước vậy là khó lay. Hình thành thói quen giữ đạo lý, theo pháp luật mà dứt bỏ
tội khinh nhân nghĩa, phạm ngục hình”.
Thực hiện chủ trương này, nhà vua cho bãi bỏ ngay chức tể tướng
(đã từng có người như Lê Sát lộng quyền sát hại nhiều công thần – NV) cùng các
chức tả, hữu tướng quốc, bộc xạ, đại hành khiển… Đồng thời đặt ra 6 bộ, mỗi bộ
do một thượng thư đứng đầu. Ngoài 6 bộ còn có các viện, các, giám, đài, ty coi
sóc các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật… Một cơ chế nhà nước pháp quyền
văn minh, thịnh trị đã hình thành. Từ đó mà có thể tiến hành cải cách về quân sự,
về quản lý kinh tế, tài chính, văn hóa, thi cử, pháp luật… Đặc biệt là coi trọng
việc lựa chọn hiền tài bổ sung vào đội ngũ quan lại. Việc lựa chọn hiền tài được
tiến hành vừa qua khoa cử, vừa qua tiến cử.
Về khoa cử, nhờ cải cách chế độ thi cử nên trong 38 năm trị
vì với 12 khoa thi, Lê Thánh Tông đã chọn được 501 tiến sĩ trong đó có 10 trạng
nguyên, mà nhiều người có tài năng đã cống hiến nhiều cho đất nước. Còn về tiến
cử thì vừa để không bỏ sót nhân tài, vừa để tuyển chọn được nghiêm minh, nhà
vua đã quy định:
“Lục bộ, lục khoa, ngự sử đài mà tiến cử bậy thì chịu tội
giáng hay bãi chức, nếu tiến cử được người giỏi thì nhất định sẽ được khen thưởng”.
Nổi bật nhất là về cải cách pháp luật để nâng cao pháp trị:
Đã làm ra được Bộ luật Hồng Đức còn gọi là Quốc triều hình luật mà cho đến nay
các nhà luật học thế giới còn đánh giá cao. Giáo sư luật học trường ĐH Luật
Harward, Oliver Oldman, Chủ nhiệm khoa Đông Á đã nhận xét: “Triều đại nhà Lê ở
Việt Nam vào thế kỷ đặc biệt của mình (thế kỷ XV - thời kỳ Phục hưng ở châu Âu
- NV) đã nỗ lực xây dựng một quốc gia dân tộc vững mạnh để bảo vệ quyền tư hữu
hợp pháp của con người thông qua hệ thống pháp luật tiến bộ, trong đó có nhiều
điều đã có thể sánh ngang về mặt chức năng với những quan điểm pháp luật ở
phương Tây thời cận đại” (The Le Code - Nguyễn Ngọc Huy, Tạ Văn Tài,… Ohio
University Press Athens Ohio - London 1987).
Nhìn chung, cải cách hành chính của Lê Thánh Tông đã là nhân
tố quyết định tạo nên triều đại phong kiến nhà Lê huy hoàng, thịnh trị nhất
trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Cuộc cải cách đã để lại cho ngày nay nhiều
bài học quý giá.
6- Đào Duy Từ
Đào Duy Từ xuất thân trong một gia đình xướng ca; người xã
Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa; thông suốt kinh sử, rất giỏi thiên văn,
thuật số.
Đền thờ Đào Duy Từ ở Bình Định.
Theo Đại Nam thực lục tiền biên, năm 1592 có khoa thi hương ở
Thanh Hóa, Hiến ty cho Duy Từ là con phường chèo, nên gạch tên khỏi danh sách
thí sinh dự thi. Duy Từ buồn bực quay về…
Với vị thế xã hội như vậy, dù tài giỏi đến đâu cũng không có
điều kiện thi thố tài năng; cho nên quyết định đầu tiên của Đào Duy Từ là phải
đổi mới vị thế xã hội của mình để có thể đem tài năng ra cống hiến cho xã hội.
Trước sự khủng hoảng triền miên của Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài,
ông quyết tìm đường lập thân ở phương Nam. Nhưng cũng phải qua hơn 30 năm
(1592-1625), sau bao gian nan lặn lội, ông mới vào gặp được chúa Nguyễn.
Sau khi đọc bài “Ngọa Long Cương ngâm” của Đào Duy Từ do người
tiến cử là Trần Đức Hòa dâng lên, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin dùng và trao cho
chức Nha úy nội tán, tước Lộc - Khê hầu, trông coi việc quân cơ trong ngoài và
tham lý quốc chính. Với vị thế của tước hầu, Đào Duy Từ đã đem hết tài năng ra
góp phần đổi mới xã hội Đàng Trong.
Đổi mới về quân sự
Trước hết là cống hiến về lý luận quân sự. Công trình vừa kế
thừa lý luận quân sự ở Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo, vừa có phát triển,
đổi mới, bổ sung:
– Phát triển sâu thêm tư tưởng lấy nhân nghĩa làm đầu của Trần
Hưng Đạo, Nguyễn Trãi: “Vi đại nghĩa, thắng hung tàn”.
– Đổi mới về kỹ thuật quân sự như xây đắp tường lũy, đánh hỏa
công, sử dụng hỏa khí (hỏa hổ), pháo binh, đánh thủy lôi… mà thời Trần chưa
có.
– Bổ sung thêm những yếu tố quân sự lấy từ tri thức dân gian,
sử dụng những nguyên, vật liệu cần thiết cho quân nhu, quân giới, hậu cần lấy từ
cuộc sống dân gian.
Thứ đến là: Xây đắp tường lũy - cải tiến vũ trang. Trong cuộc
nội chiến trường kỳ giữa Bắc - Nam, Trịnh - Nguyễn này, xét tương quan lực lượng
thì lúc này chưa có khả năng thống nhất được đất nước, nên thái độ tích cực nhất
của Đào Duy Từ là cố giành cho được hòa bình, hưu chiến. Như vậy thì Đàng Trong
phải làm sao cho vững mạnh, giữ yên được bờ cõi trước sự xâm lấn của Đàng
Ngoài. Đào Duy Từ đã dựa vào biên giới tự nhiên là sông Gianh, nuôi chí giữ yên
bờ cõi bằng xây đắp tường lũy. Ông tâu với chúa: “Thần xem từ cửa biển Nhật Lệ
đến núi Đâu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùn lầy sâu đọng, nhân đó dùng làm hào
rãnh; trong thì đắp lũy…” gây hình thế hiểm yếu để bảo vệ cõi bờ. Cạnh đó là đổi
mới việc tuyển quân, chọn tướng, tin dùng cả những bại tướng nhà Mạc chạy vào
Nam, như Mạc Cảnh Huống, Mạc Kính Điển. Cải tiến vũ khí, ngoài bộ binh, tượng
binh còn sử dụng pháo binh và súng tay đi kèm với pháo…
Đổi mới trong kinh tế
Vừa khuyến khích phát triển công, thương, vừa cải tiến thu
chi tài chính. Biểu hiện cụ thể như giảm thuế thu bằng hiện vật, tăng thu thuế
bằng tiền, bãi bỏ lệnh độc quyền của triều đình thu mua các sản vật công, nông
nghiệp để nhân dân có thể tự do mua, bán với thương nhân trong và ngoài nước,
thúc đẩy được cả công, nông nghiệp lẫn nội, ngoại thương cùng tiến lên… Sản xuất
phát triển, nhà nước tăng thu thuế khóa bảo đảm cho sự vận hành của bộ máy quốc
gia và chi phí quân lương.
Đổi mới văn hóa, khoa cử
Tuy vẫn tuyển chọn nhân tài qua khoa cử, nhưng đã coi trọng
thực tế và thực dụng hơn. Cụ thể như ngoài thi văn sách ra, còn cho thi : “Viết
chữ Hoa văn”, người nào trúng được làm việc ở ba ty…
Về nghệ thuật, ông coi trọng các loại hình văn hóa, nghệ thuật
dân gian, đặc biệt thúc đẩy phát triển nghệ thuật tuồng vốn là truyền thống của
Đàng Trong. Đào Duy Từ cũng trở thành một trong những vị tổ sư của ngành hát tuồng.
Còn về thơ văn thì các bài Tư dung vãn, Ngọa Long Cương ngâm của Đào Duy Từ đã
mở đầu cho một trào lưu sáng tác thơ quốc âm ở Đàng Trong, làm phong phú thêm
cho văn học dân tộc.
Năm 1634 Đào Duy Từ lâm bệnh nặng qua đời. Nhưng chỉ với 8
năm phò chúa, ông đã làm nên nghiệp lớn lao được nhà Nguyễn ghi công: “… công
nghiệp rõ ràng, đứng đầu công thần khai quốc”.
7- Trịnh Cương
Trong lịch sử cổ - trung đại Việt Nam có nhiều cuộc cải cách,
đổi mới, nhưng cải cách tài chính thì chỉ có một, đó là cuộc cải cách của Trịnh
Cương (1716-1729).
Phủ Trịnh ở Thanh Hóa.
Cải cách diễn ra trong bối cảnh lịch sử nửa đầu thế kỷ XVIII,
xã hội Đại Việt đang vận hành theo xu thế chung của thời đại: đẩy mạnh quá
trình tư hữu hóa ruộng đất, tăng cường kinh tế hàng hóa, tiền tệ, phát triển
công (chủ yếu là thủ công nghiệp), thương (kể cả nội ngoại thương) đưa đất nước
tiến lên. Nhưng khó khăn là rất lớn, vì sự trì trệ bảo thủ của nền tảng kinh tế
phong kiến phương Đông Nho giáo và cuộc khủng hoảng toàn diện đã diễn ra từ cuối
thế kỷ XVII sau hơn 100 năm nội chiến (1527-1672).
Trịnh Cương kế ngôi chúa năm 1709 khi đất nước vừa chấm dứt
thời kỳ nội chiến kéo dài hơn 100 năm, nhưng hậu quả chiến tranh để lại vô cùng
nặng nề. Nông nghiệp sa sút, đê điều ít tu bổ, thiên tai và sâu bệnh phá hại
mùa màng liên tiếp xảy ra, đói khổ triền miên, nông dân phiêu tán.
Trịnh Cương sớm nhận thức ra khâu chủ yếu cần giải quyết là
kinh tế tài chính. Tư duy cải cách được bộc lộ trong “Phong niên vịnh” của ông
năm 1721: “Rút bớt những sự lộng lẫy, xa hoa. Bỏ hẳn những việc phiền nhiễu, hà
khắc. Hiểu rõ đạo lý, răn đừng kiêu căng tự mãn và khuyên nên chuộng điều tiết
kiệm. Trước phải xén bớt của những kẻ có nhiều, thêm vào cho những người có
ít…” (Ngô, Cao Lãng “Lịch triều tạp kỷ”, tr. 38).
Để đi đến cải cách trước hết phải thực hành “Biến pháp” gồm
10 điều nhằm chỉnh đốn kỷ cương phép nước, tu bổ đê điều, chỉnh đốn lại việc
thi cử; việc trị nhậm của các quan chức các tỉnh biên cương; tha các tù tội nhẹ
đang bị giam giữ; thuế má không tận thu vì dân thiếu đói; đình hoãn việc bắt
phu làm việc; phát chẩn và cấp đỡ cho dân đói kém; định lệ cứ ba năm khảo công
một lần để định việc thưởng phạt; khắc phục tình trạng bang giao với Trung Quốc
còn phiền hà.
Trong quản lý kinh tế thì thực hành ngay 2 biện pháp lớn:
1. Định lại thể lệ quân cấp công điền: “Người được hưởng phần
ruộng, từ quan viên đến người quan, quá, cô, độc và phế tật đều được tùy theo
suất số mà liệu lượng cấp cho phần ruộng. Những ruộng ẩn lậu còn ở ngoài sổ điền
vẫn được miễn thuế, cũng đem quân cấp cho dân…” (Cương mục, sđd tr. 85-86). Ưu
đãi giới viên chức, quan liêu bằng việc tăng thêm phần ruộng cho các quan lại,
binh lính và khi có việc “do quan dịch nặng nề bức bách” thì “cho phép bán ruộng
công khẩu phần” tức mở rộng diện cho sự tấn công của chế độ sở hữu tư nhân vào
ruộng công, tăng cường xu thế tích tụ ruộng đất.
2. Cấm quan viên thiện tiện lập trang trại, khuyến khích dân
phiêu tán khẩn hoang. Cụ thể là nghiêm cấm việc lấn chiếm trái phép để thu hồi
đất công, phân lại ruộng đó cho dân phiêu tán khẩn hoang nhằm phát triển tư hữu
nhỏ của nông dân.
Sau 7 năm thi hành các biện pháp trên mới tiến hành cuộc cải
cách tài chính, gồm 10 hạng mục:
1. Xóa bỏ phép binh lệ, làm lại sổ hộ, bỏ tên người đã chết,
thêm số người đến tuổi vào sổ hộ để chịu thuế.
2. Định phép chia đều thuế khóa và tạp dịch cho cả dinh và điền.
3. Đánh thuế ruộng tư.
4. Thu thuế khai thác và tiêu thụ đồng, quế, muối.
5. Giảm bớt viên chức để giảm bớt chi lương bổng.
6. Thi hành phép đánh thuế tô (thuế ruộng), dung (thuế thân),
điệu (thuế sai dịch).
8. Thu thuế các loại thổ sản khác.
9. Thu thuế đất ở đô thị.
10. Định ra các thể lệ giảm, miễn thuế…
Ngoài cải cách tài chính, Trịnh Cương còn thực hiện nhiều
chính sách hỗ trợ cho cải cách như:
– Định rõ lệnh cấm uống rượu.
– Định phép khảo công để đối với viên quan ở các trấn, ty để
thi hành việc giáng truất hay cất nhắc.
– Hạ lệnh cho nhân dân được phép ca tụng hoặc chê bai việc tốt
hoặc xấu của quan lại.
– Hạ lệnh giải tán binh quyền vì “các thân thuộc họ Trịnh giữ
binh quyền trọng đại quá e sẽ sinh biến”.
Cải cách tài chính của Trịnh Cương đã đem lại một số thành quả
là:
– Tạm thời giải quyết được khó khăn về tài chính, ổn định được
tình hình, củng cố được kỷ cương, trật tự xã hội sau hơn 100 năm nội chiến.
– Giảm bớt được nạn đói khổ cho nông dân, có năm được mùa.
– Tăng cường thêm một bước phát triển xã hội theo xu thế
chung của thời đại là: thúc đẩy quá trình tư hữu hóa ruộng đất, phát triển kinh
tế hàng hóa tiền tệ, tăng cường thị trường nội địa để phát triển ngoại thương.
Nhưng mặt khác thì thuế khóa còn quá nặng nề chưa khoan thư
được sức dân sau chiến tranh, những khó khăn cơ bản của xã hội chưa được giải
quyết. Nguyên nhân chính vẫn là chưa tìm được giải pháp thoát ra khỏi cuộc khủng
hoảng toàn diện mà cải cách tài chính của Trịnh Cương chỉ là một giải pháp tình
thế chưa giải quyết được tận gốc của các mâu thuẫn cơ bản của xã hội.
8- Minh Mạng
Cải cách hành chính của vua Minh Mạng diễn ra vào nửa đầu thế
kỷ XIX, khi xã hội phong kiến Việt Nam đã lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện.
Đó là khủng hoảng của một nền kinh tế phong kiến lạc hậu, kìm
hãm sự phát triển kinh tế hàng hóa tiền tệ đã khởi sắc từ cuối Trần được đẩy mạnh
thời Lê sơ (tuy còn bị hạn chế bởi chính sách trọng nông ức thương). Quá trình
tiếp xúc với thị trường thế giới trong thời Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn phân tranh
rồi phát triển tiếp trong thời Tây Sơn ngắn ngủi… bị đình trệ.
Minh Mạng không nhằm giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng ấy
mà trước mắt chỉ nhằm giải quyết khủng hoảng thiết chế chính trị đang diễn ra
sâu nặng, cấp thiết phải giải quyết mới củng cố được vương triều. Bắt đầu với
việc củng cố hệ tư tưởng Khổng giáo - Tống Nho, củng cố hệ tư tưởng bảo thủ, đề
cao tuyệt đối cương thường Nho giáo “quân thần, phu phụ, phụ tử”, lấy đó làm cơ
sở để đào tạo nhân tài, bỏ ngoài tai mọi đề nghị cải cách đổi mới, mở cửa ra
bên ngoài tiếp thu những tinh hoa mới của thời đại. Trên cơ sở đó thực hiện cải
cách hành chính một cách quy mô.
I- Phân chia lại địa giới và các cấp hành chính
Đến Gia Long vẫn còn các cấp thành, doanh, trấn, thì nay Minh
Mạng bỏ hết, thống nhất lãnh thổ thành 30 tỉnh. Theo đó, phân đặt cấp tỉnh (năm
1831, Minh Mạng chia các doanh, trấn từ Quảng Trị trở ra làm 18 tỉnh. Năm 1832
từ Thừa Thiên trở vào thành 12 tỉnh); phân đặt cấp trực thuộc tỉnh : phủ, huyện,
châu ; phân đặt cấp xã dưới phủ, huyện, châu; bảo lưu cấp tổng đã có từ thế kỷ
XVII làm cấp trung gian đô đốc xã.
Chính quyền 4 cấp được bắt đầu hoạch định từ đây. Đó là cái
sáng tạo thành công trong cải cách hành chính của Minh Mạng mà đến nay chúng ta
còn kế thừa.
II- Cải cách bộ máy hành chính
1- Bãi bỏ chức tham tụng (tức tể tướng dễ lộng quyền) thay bằng
một nội các do 4 viên quan hàng tam, tứ phẩm cùng quản lý.
2- Đặt ra cơ mật viện có nhiệm vụ dự bàn những việc cơ mưu,
trọng yếu giúp đỡ việc quân sự.
3- Kế thừa cơ chế đã có về lục bộ (lại, hộ, lễ, binh, hình,
công) đứng đầu là thượng thư (còn gọi là tổng đốc) và lục tự đứng đầu là các tự
khanh để giám sát kiềm chế lẫn nhau.
4- Cải cách các cơ quan chuyên trách về văn hóa như:
Quốc tử giám do đốc học và phó đốc học đứng đầu nhằm cải tiến
việc giáo dục, tuyển sinh, khoa cử. Hàn lâm viện, đứng đầu là chưởng viên học
sĩ và trực học sĩ, chuyên việc từ hàn như soạn thảo các chiếu, sách, chế, cáo,
biểu, thư từ ngoại giao, sắc phong, văn bia…
5- Cải cách cơ quan thông vận, như thông chính sử ty chuyên vận
chuyển giấy tờ, văn thư, sổ sách giữa triều đình và các địa phương; bưu chính
ty chuyên trách chuyển vận công văn toàn quốc.
6- Cải cách cấp tỉnh - đặt tổng đốc đứng đầu tỉnh lớn, tuần
phủ đứng đầu tỉnh nhỏ. Tổng đốc có thể kiêm hạt 1 hay 2 tỉnh nhỏ.
7- Cấp phủ, huyện, châu thì đặt tri phủ (tri phủ có thể kiêm
hạt 1 hay 2 huyện, châu).
8- Cấp xã là cấp cơ sở có xã trưởng và phó xã trưởng (sau đổi
là lý trưởng, phó lý) do dân bầu lên, nhà nước phê duyệt, có các kỳ mục giúp việc.
Xã có dưới 50 người đặt một lý trưởng. Xã hơn 50 người có một phó lý. Hơn 150
người có 2 phó lý…
Bộ máy như vậy có thể bảo đảm được nguyên tắc tập trung quyền
tối thượng vào tay nhà vua, phân quyền kiềm chế kiểm soát lẫn nhau giữa quan lại
các ngành, các cấp vừa bảo đảm được tính tập trung vừa tăng cường được tính thống
nhất của mỗi quốc gia với một lãnh thổ rộng lớn từ trước tới nay chưa từng có.
Nhưng cải cách có những mặt hạn chế cơ bản là:
1- Củng cố thêm hệ tư tưởng Tống Nho vốn đã trì trệ, bảo thủ,
khước từ mọi đổi mới, hạn chế mọi việc canh tân.
2- Nặng về củng cố vương quyền, nhẹ về cải thiện dân sinh.
3- Quá khâm phục thiên triều, sao chép Mãn Thanh, thiếu nhìn
xa thấy rộng ra thế giới để tiếp thu được những tiến bộ, văn minh nhân loại
trong thời đại mới.
Hệ quả tiêu cực của cải cách là bộ máy phong kiến quan liêu độc
đoán đó càng được củng cố chặt chẽ bao nhiêu thì sự đổi mới tư duy, canh tân đất
nước càng khó khăn, chậm trễ bấy nhiêu.
Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến khi bọn
phương Tây xâm lược đến đã không đề kháng nổi.
9- Nguyễn Trường Tộ
Khác với Khúc Thừa Dụ, Lý Công Uẩn, Lê Thánh Tông… vừa là người
đề xướng cải cách vừa là người chỉ đạo thực hiện nên đem lại nhiều kết quả,
Nguyễn Trường Tộ chỉ với vai trò đề xướng cải cách không có quyền chỉ đạo thực
hiện nên kết quả không nhiều. Nhưng tư duy đổi mới của ông lại có tác dụng lịch
sử lớn lao.
Nó góp phần không nhỏ vào việc giải quyết khủng hoảng của hệ
tư tưởng ở Việt Nam thế kỷ thứ XIX - đưa dần hệ tư tưởng tư sản dân chủ vào phủ
định hệ tư tưởng phong kiến đã lỗi thời.
Nguyễn Trường Tộ là một trí thức bình dân thông minh, ham học;
một nhà yêu nước giàu lòng tự tôn, tự hào dân tộc; một trí thức không màng công
danh, phú quý.
Ông là một nhà cải cách đi từ đổi mới tư duy đến đổi mới hành
động. Tư duy của ông được biểu hiện cụ thể trong các điều trần mà tiêu biểu là:
Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ; kế hoạch làm cho dân giàu, nước mạnh;
kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước; về khả năng lấy lại ba tỉnh miền Tây;
báo cáo về gặp viên lãnh sự Tây Ban Nha; tổ chức gấp việc khai mỏ và đào tạo
chuyên viên; kế hoạch thu hồi sáu tỉnh Nam Kỳ; bàn về quan hệ với nước ngoài;
canh tân và mở rộng quan hệ ngoại giao; nên mở cửa không nên đóng kín…
Nguyễn Trường Tộ đã đề cập yêu cầu cải cách một cách toàn diện;
cả về kinh tế (công, nông, thương nghiệp, tài chính); văn hóa (giáo dục, ngôn
ngữ), xã hội (cải thiện đời sống), chính trị (nội trị, ngoại giao, quốc phòng).
Tinh thần khoa học của cải cách được thể hiện nổi bật ở hai
điểm:
1- Coi trọng phát triển lực lượng sản xuất xã hội, với những
đề nghị cụ thể như: “mua đóng thuyền máy”, “khai thác tài nguyên”, “đào thiết cảng”,
“ký hợp đồng với nước ngoài”, “mở rộng quan hệ với Pháp và các nước”, “cử người
đi đào tạo về sửa chữa thuyền máy”, “đào tạo chuyên viên về mỏ”, “gửi người
sang Pháp học kỹ thuật”, “gửi sinh viên sang Singapore học sinh ngữ”… Ông tin rằng
làm như thế thì “không ngoài mấy trăm năm nữa các nước phương Đông cũng nhờ đó
mà đánh bại phương Tây”.
2- Phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là coi trọng việc
chuyển giao công nghệ.
Về kỹ thuật nông nghiệp, Nguyễn Trường Tộ không chỉ đề ra yêu
cầu phát triển sức sản xuất mà còn coi trọng việc bảo vệ môi trường sinh thái:
“Săn thú không săn thú bầy, không bắt thú con; bắt cá không
tát cạn ao đầm; không đốt rừng để săn thú; sói chưa tế thú không được săn; rái
chưa tế cá không được thả lưới… Không giết vật có thai, không phá tổ hốt trứng…”.
Về công nghiệp thì coi trọng khả năng thu hút vốn đầu tư từ
nước ngoài: “Hiện nay các hội buôn của họ sang nước ta, có hội thì xin mở đường
xe lửa suốt cả Nam Bắc, có hội muốn khai mỏ dọc theo các núi, có hội muốn xin
thuyền đi dọc biển để tiễu phỉ, có hội muốn thông đường buôn bán…”. Về mỏ thì:
“Xin gấp rút mời một vài người Tây có thể tin cậy được, hậu đãi họ… theo ven
núi ven biển mà tìm kiếm… rồi sau chọn lấy những mỏ tốt nhất mà để lấy dành lại
về sau để tự khai thác…”.
Nhìn chung lại toàn bộ các điều trần của Nguyễn Trường Tộ đều
chứa đựng một tinh thần yêu nước nồng nàn, một ý chí tự lập tự cường sâu sắc, một
tấm lòng tự tôn, tự hào dân tộc cao cả, coi trọng phát huy trí thông minh, lòng
ham học, tinh thần cầu tiến bộ của nhân dân ta với lòng mong muốn làm cho dân
giàu nước mạnh, đất nước được độc lập tự do.
Nhưng những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ không được triều
đình chấp nhận. Chỉ cho thi hành được một vài việc nhỏ như: Lập đoàn đi tìm mỏ
than, đào xong kênh Sát ở Nghệ An, mua sắm được một số thiết bị, khí cụ khoa học
và công nghệ, mời được mấy kỹ thuật viên.
Mặc dù vậy, tư duy cải cách của Nguyễn Trường Tộ đã có tác dụng
đi đầu cho cả một trào lưu cải cách, đổi mới ở cuối thế kỷ thứ XIX với nhiều
nhân vật cải cách có tên tuổi như Nguyễn Lộ Trạch, Đinh Văn Điền, Phạm Phú Thứ,
Bùi Viện… Tư duy cải cách của Nguyễn Trường Tộ là một điển hình về đổi mới tư
duy thời cận đại Việt Nam. Sang đầu thế kỷ XX thì tư duy cải cách, đổi mới ở Việt
Nam đã đơm hoa kết trái trong phong trào Duy tân cải cách do Phan Bội Châu,
Phan Châu Trinh đề xướng. Hai nhà yêu nước kiệt xuất này đã gây nên một làn
sóng Duy tân mở đầu cho trào lưu cách mạng dân tộc dân chủ tư sản Việt Nam ở đầu
thế kỷ XX.
10- Phong trào đổi mới đầu thế kỷ XX
9 cuộc cải cách trong lịch sử Việt Nam trước thế kỷ 20 đều gắn
với tên tuổi cá nhân các nhà khởi xướng. Chỉ đến cuộc thứ 10, đầu thế kỷ thứ XX
sự nghiệp “đổi mới” mới trở thành một phong trào quần chúng.
Một lớp học ở làng Hành Thiện, Nam Định
trong phong trào Đông
Kinh Nghĩa Thục.
Phong trào ra đời nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng toàn diện
của xã hội Việt Nam, trong đó mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp lồng vào
nhau phát triển đến độ cao khi mà tình thế cách mạng còn chưa chín muồi.
Duy Tân hội do Phan Bội Châu đề xướng
Năm 1904, Phan Bội Châu lập Duy Tân hội, có Đặng Thái Thân,
Tăng Bạt Hổ, Mai Lão Bạng, Cường Để… tham gia theo tinh thần dân chủ tư sản với
chính thể quân chủ lập hiến. Chủ trương là giành độc lập dân tộc bằng vũ trang
tranh đấu và cầu ngoại viện. Ba mục tiêu nhằm đạt tới là:
1/ Khai dân trí (mở trí khôn cho dân).
2/ Chấn dân khí (nâng cao khí dân).
3/ Thục nhân tài (vun trồng nhân tài). Hành động cụ thể:
1/ Phải cùng nhau lập hội giúp đỡ người du học.
2/ Phải họp vốn lập hội kinh tế (khuyến quốc dân tự trợ du học văn - 1905).
Cổ vũ hợp quần tranh đấu bằng những lời thống thiết: Hải ngoại huyết thư (1906) thì nêu cao 10 giới đồng tâm, Hòa lệ cống ngôn (Gửi lời nói hòa cùng nước mắt) 1907 thì kêu gọi “Lấy nhiệt thành làm chính… lấy đạo đức, dũng mãnh, lý tưởng, mưu lược sảng khoái, khoa học, thao kiếm… làm phụ, lấy yêu nước làm mục đích mà gánh vác giang sơn… Với quan điểm “Thời thế tạo ra anh hùng mà anh hùng cũng tạo ra thời thế” đã nêu cao lý tưởng: “Sống mà nhục thà chết mà vinh”. “Không tự do thà chết”… Gọi tỉnh quốc hồn (1907) kêu gọi đoàn kết, chấn hưng kinh tế: “Lời rằng hợp của nên giàu. Hợp người nên mạnh, nước nào dám trêu”…
1/ Khai dân trí (mở trí khôn cho dân).
2/ Chấn dân khí (nâng cao khí dân).
3/ Thục nhân tài (vun trồng nhân tài). Hành động cụ thể:
1/ Phải cùng nhau lập hội giúp đỡ người du học.
2/ Phải họp vốn lập hội kinh tế (khuyến quốc dân tự trợ du học văn - 1905).
Cổ vũ hợp quần tranh đấu bằng những lời thống thiết: Hải ngoại huyết thư (1906) thì nêu cao 10 giới đồng tâm, Hòa lệ cống ngôn (Gửi lời nói hòa cùng nước mắt) 1907 thì kêu gọi “Lấy nhiệt thành làm chính… lấy đạo đức, dũng mãnh, lý tưởng, mưu lược sảng khoái, khoa học, thao kiếm… làm phụ, lấy yêu nước làm mục đích mà gánh vác giang sơn… Với quan điểm “Thời thế tạo ra anh hùng mà anh hùng cũng tạo ra thời thế” đã nêu cao lý tưởng: “Sống mà nhục thà chết mà vinh”. “Không tự do thà chết”… Gọi tỉnh quốc hồn (1907) kêu gọi đoàn kết, chấn hưng kinh tế: “Lời rằng hợp của nên giàu. Hợp người nên mạnh, nước nào dám trêu”…
Từ sự tích cực chuẩn bị về tư tưởng, Hội đã phát triển ra khắp
ba kỳ, liên kết với phong trào Yên Thế, tổ chức phong trào Đông Du, đưa hàng
trăm thanh niên yêu nước sang Nhật học tập các ngành quân sự, chính trị, khoa học…
nhằm đi tới một cuộc đấu tranh vũ trang cứu nước. Cuối cùng đã tổ chức ra Việt
Nam Quang Phục hội với Việt Nam Quang phục quân, có nhiệt tâm vũ trang cứu nước,
tuy sự nghiệp chưa thành…
Cao trào đấu tranh đòi cải cách do Phan Châu Trinh chủ trương
Phan Châu Trinh cổ vũ nhân dân đi vào con đường dân chủ tư sản,
đã mạnh mẽ lên án chế độ phong kiến quá hủ bại, lỗi thời, đề cao dân quyền.
Trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18-2-1922 Phan Châu Trinh cũng nêu ba mục
tiêu như Phan Bội Châu, nhưng khác ở điểm thứ 3, không phải là “Thục nhân tài”
mà là hậu dân sinh, chủ trương không bạo động vũ trang mà cũng không “cầu ngoại
viện”. Trong tác phẩm “Tỉnh quốc hồn ca” (1907) Phan Châu Trinh đề cao dân quyền
với ba nội dung là: “dân tộc, dân chủ, dân sinh”. Về dân tộc, dân chủ, cổ vũ
tinh thần “Đoàn kết thương yêu nhau”, “Làm việc vì dân vì nước”, “Có chí mạo hiểm”,
“Dám chết vì nghĩa”. Về dân sinh, khuyến khích thực dụng: “Học lấy một nghề”,
“Chung vốn làm ăn”, “Tang ma giản dị”, “Cải tiến máy móc”, “Làm ăn có giờ giấc”,
“Không mê tín dị đoan”, “Sản xuất nhiều mặt hàng”, “Tổ chức y tế tinh tường”
(Nguyễn Văn Dương. Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 1995).
Trước một đại chúng đang khao khát tự do, hạnh phúc… tư tưởng cải cách của Phan Châu Trinh được dân chúng đón nhận như đại hạn gặp mưa, nhanh chóng biến thành hành động cụ thể. Một phong trào tự nguyện phát triển sản xuất nông phẩm hàng hóa (hồi, quế, tằm tơ…), lập hội buôn, phát triển văn hóa, giáo dục, bài trừ hủ tục mê tín, cải thiện dân sinh (cắt tóc ngắn, ăn ở vệ sinh)… Nhanh chóng lan rộng ở nhiều nơi trong nước; và cao nhất là biến thành một phong trào đấu tranh dân chủ xin xâu, chống thuế, đòi cải cách dân chủ, có nơi tự phát tiến tới vũ trang chống thực dân và phong kiến tay sai…
Trước một đại chúng đang khao khát tự do, hạnh phúc… tư tưởng cải cách của Phan Châu Trinh được dân chúng đón nhận như đại hạn gặp mưa, nhanh chóng biến thành hành động cụ thể. Một phong trào tự nguyện phát triển sản xuất nông phẩm hàng hóa (hồi, quế, tằm tơ…), lập hội buôn, phát triển văn hóa, giáo dục, bài trừ hủ tục mê tín, cải thiện dân sinh (cắt tóc ngắn, ăn ở vệ sinh)… Nhanh chóng lan rộng ở nhiều nơi trong nước; và cao nhất là biến thành một phong trào đấu tranh dân chủ xin xâu, chống thuế, đòi cải cách dân chủ, có nơi tự phát tiến tới vũ trang chống thực dân và phong kiến tay sai…
Phong trào Đông Kinh nghĩa thục do Lương Văn Can chủ trì
Đông Kinh nghĩa thục là một tổ chức hoạt động công khai, hợp
pháp ở miền Bắc trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng nhằm đổi mới tư duy và hành động
theo hướng dân chủ tư sản. Phong trào có liên hệ mật thiết với các phong trào
khác đương thời ở cả Bắc, Trung, Nam thu hút được nhiều nhà khoa bảng, trí thức
tiến bộ tham gia với nhiều biện pháp hữu hiệu như:
1. Mở trường Đông Kinh nghĩa thục (từ tháng 3-1907) tại số 4,
Hàng Đào, do Lương Văn Can và Nguyễn Quyền lãnh đạo. Học sinh lúc đông nhất lên
tới hàng nghìn người. Gọi là một phong trào vì còn phát triển ra nhiều cơ sở
khác. Ngay ở Hà Nội, ngoài trường Hàng Đào còn có Mai Lâm nghĩa thục, Ngọc Lâm
nghĩa thục. Ở Hà Đông có các trường ở Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Ứng Hòa,
Thường Tín… Ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình mỗi tỉnh đều có một, hai
trường.
2. Sưu tầm, biên soạn, in ấn sách báo, tài liệu tuyên truyền
giáo trình giảng dạy. Từ di sản, giáo dục, văn hóa dân tộc có tham khảo tân
thư, tân văn Trung Quốc, Nhật Bản, trường đã biên soạn được nhiều công trình,
sách giáo khoa có giá trị như: Quốc dân độc bản; Nam Quốc giai sự; Nam Quốc địa
dư; Quốc văn giáo khoa thư; Luân lý giáo khoa thư.
3. Giảng dạy, tuyên truyền cổ động. Ngoài giảng dạy, phát
hành sách báo còn tổ chức bình văn, diễn thuyết với nội dung lấy từ tân thư,
tân văn từ các sách báo kể trên, cùng với Hải ngoại huyết thư của Phan Bội
Châu, Tỉnh quốc hồn ca của Phan Châu Trinh, Bài phú cải lương của Nguyễn Thượng
Hiền… Phong trào phát triển mạnh mẽ đến mức: “Buổi diễn thuyết người đông như hội.
Kỳ bình văn khách tới như mưa”, có tác động tích cực làm chuyển biến xã hội
theo hướng dân giàu, nước mạnh, tiến bộ, văn minh, bước đường cần thiết để đi tới
giải phóng dân tộc.
Cuộc vận động yêu nước của Huỳnh Thúc Kháng
Huỳnh Thúc Kháng là một trong những nhà khởi xướng và tham
gia phong trào cải cách ở Nam Trung Bộ với Phan Châu Trinh, bị thực dân Pháp
đày đi Côn Đảo (1908-1921). Khi ra tù, cụ tiếp tục lao vào con đường cứu nước
theo hướng công khai, hợp pháp, được tín nhiệm, trúng cử làm Viện trưởng Viện
Dân biểu Trung Kỳ (1926-1928), chủ bút báo Tiếng Dân, một cơ quan ngôn luận
công khai với xu hướng cải lương yêu nước. Tiếng Dân nhằm: - Công khai phê phán
bọn phong kiến hủ bại và bọn thực dân bóc lột hà khắc - Cổ động phong trào tân
tộc - Đả phá lệ khoa cử lỗi thời - Cổ vũ con đường thực nghiệp, hô hào lập các
hội nông, công, thương… Cuộc vận động có tác động tích cực đến phong trào đấu
tranh dân tộc dân chủ như đồng chí Trường Chinh nhận xét: “Cụ Huỳnh Thúc
Kháng đã gây được một tiếng vang lớn có lợi cho cách mạng, đã thét “Tiếng Dân”
giữa kinh thành Huế”. Đó chính là tiền đề để cụ Huỳnh tiến bước trên con đường
cứu nước, đến với Hồ Chủ tịch, với cách mạng để có cống hiến ngày càng lớn lao
cho dân tộc.
Nhìn chung lại cao trào cải cách, đổi mới đầu thế kỷ XX đã kế
thừa một cách xuất sắc truyền thống cải cách, đổi mới của ông cha và là cái cầu
nối từ con đường cứu nước tiền vô sản đến con đường cách mạng với mục tiêu “Dân
giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” hiện nay.
VĂN TẠO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét