Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Buổi sáng trên sông Cổ Chiên, tôi bắt gặp hình ảnh những thân cò gửi mình trên nhánh lục bình trôi lênh đênh theo con nước ròng để tìm mồi. Mặc những chiếc tàu ngược xuôi đẩy xô từng con sóng nhấp nhô, thân cò khẳng khiu vẫn lom khom, lặn lội tìm mồi. Cảnh gợi nhớ trong tôi những hình ảnh quen thuộc tảo tần một nắng, hai sương qua những vần thơ, những lời ru ầu ơ một thuở.
Những thân cò gửi mình trên nhánh lục bình 
trôi lênh đênh theo con nước ròng để tìm mồi.
Cái thuở chỉ biết nghe ngọt ngào lời ru: “Thân cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non…”; “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…”; “Cái cò, cái vạc, cái nông/ Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò…”;…
Hồn nhiên với giấc ngủ dịu êm bên cánh võng đong đưa với lời ru ầu ơ. Những lời ru giản dị nhưng thấm thía. Những đứa trẻ nằm nôi ngày nào lớn lên mới hiểu tiếng ru ngủ là tình cảm, lời tâm tình và lời gửi gắm của “thân cò” với con chớ không chỉ dành tặng con những giấc ngủ sâu êm.
Trong bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”.
Cái thuở ấy làm sao biết được nỗi nhọc nhằn qua năm nắng mười mưa của thân cò: “Con cò lặn lội bờ sông/ Ngày xuân mòn mỏi má hồng phôi pha”. Nỗi cơ cực trong cảnh đi tìm manh áo, chén cơm: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Cổ dài, mỏ cứng, cánh cong, lưng gù/ Bãi xa sông rộng sóng to/ Vì lo cái bụng đi mò cái ăn”. Đôi cánh cong ấy đã nâng đỡ, che chở, dìu dắt con trọn cả cuộc đời.
Những đứa con đã lớn khôn nhưng vẫn tròn đầy một thuở: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con” (bài thơ “Thân cò”- Chế Lan Viên). Với triết lý sâu sắc, mỗi con người đều được mẹ sinh ra, mẹ là bến đỗ bình yên của cuộc đời con,… Tình mẹ trong cuộc đời mỗi con người với tình yêu thiêng liêng, cao cả và bất diệt!
Nhìn những thân cò trắng bông, mỏng manh, lom khom tìm mồi còn gợi trong tôi hình ảnh lũy tre xanh, con trâu trên luống cày và những hình bóng thân thương, quen thuộc. Những người với tấm thân cò suốt một đời bình lặng, cặm cụi lặn lội sớm hôm, phải chịu muôn vàn đắng cay. Tấm thân cò lặn lội bì bõm trên ruộng lúa mênh mông, nơi mà ta gọi “thẳng cánh cò bay”.
Những tấm thân cò mảnh khảnh đảm đang, cực nhọc làm việc nuôi chồng, nuôi con. Nhà thơ Tú Xương đã tả hình ảnh bà Tú với “thân cò” lầm lũi đầy cảm động: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông”. Người vợ, người mẹ giàu đức hy sinh. Hình ảnh cánh cò dập dìu, thân cò lặn lội mãi sâu đậm trong tôi.
Nhìn những cánh cò chao nghiêng trên sông nước, tôi xin gửi một lời nhắn chân tình: Xin ai đừng để những tiếng cò kêu thảm thiết khi sập bẫy, đừng nhốt những thân mỏng manh trắng bông vào lồng để bán!
Đừng tận diệt những cánh cò bay lả bay la! Hãy để những buổi chiều trên cánh đồng, làng quê, trên sông nước với những cánh cò bay liệng trên bầu trời mênh mông để cảm nhận sự trù phú, thanh bình của vùng đất đồng bằng sông nước!.
23/2/2019
MAI KHA
Theo http://www.baovinhlong.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...