Sức mạnh của âm nhạc: Thực chất
âm nhạc ẩn chứa sức mạnh rất
bí ẩn
Từ những bản nhạc giao hưởng của Beethoven, Schubert, Mozart…
đến nhạc Rock của Heavy Metal, Led Zeppelin, Guns N’ Roses; từ những bức tranh
thời Phục Hưng của Raphael, Leonardo Da Vinci, Titian… đến những bức ảnh khỏa
thân thời hiện đại; từ bức tượng David trứ danh của Michael Langelo đến con búp
bê ma Anabelle của phim kinh dị Hollywood; từ những kiệt tác văn chương của Ngô
Thừa Ân, Tào Tuyết Cần, William Shakespear, Victor Hugo… đến những tác phẩm văn
học theo trường phái hiện đại và hậu hiện đại, những ngôn tình, đam mỹ… nhân loại
chúng ta vẫn đang vô tư thụ hưởng những sản phẩm tinh thần mà chưa có mấy ai thực
sự quan tâm xem ảnh hưởng của thông tin mà những tác phẩm âm nhạc, hội họa,
hình ảnh và ngôn từ ấy lên sức khỏe tâm thần và thể xác của chúng ta như thế
nào.
Trước khi vào nội dung chính của bài, xin mời các bạn cùng
tham gia một cuộc dạo chơi ngắn qua các miền không gian của âm nhạc.
Khi nghe Dancing Queen, Mama Mia, Chiquitita… của ABBA bạn thấy
gì? Cảm xúc chủ đạo là sự rộn rã, yêu đời, những giai điệu sôi nổi của tuổi trẻ.
Mời bạn chuyển qua bản Rock “Homage for Satan” của nhóm Decide, thật cứ như âm
thanh của lũ quỷ sứ điên loạn mới được phóng thích từ địa ngục. Rồi bạn dời gót
qua miền Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, thật là sao mà dài lê thê, buồn
như trấu cắn, nó chậm như nhịp sống của miền Tây Nam Bộ đầu thế kỷ trước. Chỉ một
cái click chuột trên Youtube, bạn chuyển qua nước Nga êm đềm thời cận đại với
“Khúc chèo thuyền tháng 6” của Tchaikovsky, một nhạc phẩm nằm trong tổ khúc bốn
mùa sẽ đưa bạn lênh đênh trên sóng nước của những dòng sông ở Peterburg, với
tâm hồn bồng bềnh theo những nhịp chèo lúc khoan lúc nhặt. Chặng dừng chân cuối
mời bạn vượt hẳn mấy nghìn năm lịch sử về với Trung Hoa cổ đại thời Chiến Quốc,
ngồi trên non cao mà nghe tiếng nước chảy lúc sầm sập như thiên binh vạn mã,
lúc tí tách thánh thót như giọt gianh của bản “Cao Sơn Lưu Thủy” trong tiếng
dao cầm u trầm cao nhã, dày dặn thâm sâu như lịch sử 5000 năm văn minh Hoa Hạ…
Rõ ràng, thân và tâm chúng ta sẽ trải qua những cung bậc cảm
xúc khác nhau khi nghe các loại nhạc. Vì sao lại thế?
Hai con đường tiếp cận của âm nhạc với tâm và thân
Trong cuốn “Bí mật của nước”, Tiến sĩ Masaru Emoto có làm một
thí nghiệm với âm nhạc của Alan Roubik, một nghệ sĩ dương cầm bậc thầy người Mỹ.
Nhiều thính giả nói rằng họ cảm thấy cơ thể mình trở nên trong suốt khi nghe nhạc
của Alan. Tiến sĩ Emoto đề nghị Alan sáng tác một bản nhạc có tác dụng chữa
lành. Sau đó họ cho nước nghe bản nhạc đó. Đúng như mong đợi, các tinh thể nước
được hình thành vô cùng đẹp và tinh tế.
Nhưng điều kỳ lạ hơn là khi Alan được xem các tấm ảnh tinh thể
nước nghe nhạc của mình, ông kinh ngạc nói rằng đó chính là những hình ảnh ông
thấy trong tâm trí khi sáng tác bài hát này. Như vậy, tư tưởng của Alan đã mang
thông tin, tín tức vào trong bản nhạc và nó đã được nước ghi nhận và lưu giữ.
Tinh thể nước hình thành khi nghe bản “Keys
to my heart” của
Alan Roubik. (Nguồn: dkn.tv)
Âm nhạc phương Tây có cái gốc là từ nhà thờ Thiên Chúa Giáo,
để ngợi ca Thiên Chúa. Người ta cho rằng những nhạc sĩ như Handel đã nhận được
mặc khải của Thiên Chúa trong bản Oratorio nổi tiếng của ông là Trường ca
Messiah. Đây là bản opera được ông viết nhạc nhanh với tốc độ kỷ lục: 24 ngày.
Nội dung bản nhạc ca ngợi Đấng Sáng Thế. Handel đã thuật lại trải nghiệm của
mình khi viết bản hợp xướng “Hallelujah” trong Messiah, “tôi đã nhìn thấy thiên
đàng ngay trước mắt”.
Và Handel không phải là trường hợp duy nhất nhận được sự mặc
khải từ cõi trên. Haydn, cha đẻ của nhạc giao hưởng, cũng sáng tác một bản
Oratorio khác tên là “Đấng Sáng Tạo”. Nội dung bản nhạc nói về sự Sáng Thế của
Thiên Chúa. Ông nói: “Trong cuộc đời tôi, chưa có lúc nào khiến tôi tiến gần đến
Thiên Chúa như khi tôi viết ‘Đấng sáng tạo’, tôi cảm nhận Thiên Chúa vĩnh viễn
tồn tại trong tôi”. Khi “Đấng sáng tạo” được biểu diễn thành công hoàn hảo
trong chương trình năm 1802, khán giả đã đứng dậy vỗ tay khen ngợi, Haydn vui mừng
đứng lên và chỉ tay lên trời, nói: “Bản nhạc này là đến từ nơi đó!”.
Thời hiện đại cũng có một nhạc sĩ có được ý tưởng sáng tác từ
một không gian khác. Paul McCartney của The Beatles đã sáng tác bản Yesterday nổi
tiếng sau một giấc mộng. Cho nên có thể nói rằng nhiều tư tưởng sáng tác của
các nhạc sĩ đến từ một không gian khác mà nhiều khi ngôn ngữ nhân loại không thể
diễn giải nổi. Do vậy mới nói: “Khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng”. Nước
chiếm 70% khối lượng trong cơ thể chúng ta sẽ cảm nhận được những giai điệu
thiên thần này và nó sẽ triển hiện những tinh thể tuyệt đẹp, thánh khiết. Đấy
là tác dụng tích cực của âm nhạc đối với nước trong cơ thể.
Tinh thể nước khi nghe bài hát
“Yesterday”. (Nguồn: dkn.tv)
Nhưng âm nhạc còn có một con đường tương tác khác. Âm thanh
như ta biết chính là tần số rung và âm nhạc chính là âm thanh có giai điệu.
Nhưng đâu chỉ có âm thanh là tần số rung. Mọi vật chất của vũ trụ này đều có tần
số rung. Chiếc bàn kia ta nhìn thấy nó bất động nhưng nó lại được tạo ra bởi những
vi lạp (những hạt cực nhỏ như phân tử, nguyên tử, quark…) và những vi lạp này
chuyển động với tốc độ cực cao. Ví như phân tử gồm nhiều nguyên tử liên kết với
nhau. Mỗi nguyên tử lại bao gồm hạt nhân đứng giữa và điện tử quay quanh hạt
nhân với tốc độ cực nhanh. Trong hạt nhân nguyên tử đứng im lại có những vi lạp
chuyển động cực cao khác và cái mô hình đó cứ thế lặp lại đến nhỏ nữa, nhỏ mãi.
Hiện nay vi lạp nhỏ nhất con người biết được là neutrino, nhưng nó chưa phải nhỏ
nhất. Như vậy tất cả những chuyển động của các vi lạp đó cấu tạo nên một vật đứng
yên như cái bàn đó sẽ khiến cái bàn có một tần số tổng hợp. Cơ thể người cũng
có tần số riêng của nó. Năm 1989, trong một bài báo trên tạp chí khoa học của Mỹ
có tên “21st Century Science and Technology”, nhà khoa học Warren J. Hamerman
đã viết rằng tần số của các chất hữu cơ của cơ thể người là 42 quãng tám, khoảng
570 tỷ Hz.
“Các chất hữu cơ cấu tạo nên con người” mà Hamerman nói đến
chỉ bao gồm các phân tử tạo nên các tế bào của cơ thể xác thịt của chúng ta.
Nhưng phân tử lại cấu tạo bởi nguyên tử, nguyên tử cấu tạo bởi hạt nhân và điện
tử, cứ thế mãi… vậy cái cơ thể cấu tạo bởi nguyên tử là một cơ thể riêng và nó
không chết đi theo thân thể xác thịt. Mắt chúng ta không nhìn thấy được thân thể
này nhưng nó tồn tại. Tương tự còn có các thân thể khác cấu tạo từ những vi lạp
nhỏ hơn cấp nguyên tử và nhỏ nữa mắt ta cũng không thấy được. Ta tạm gọi đó là
các lớp thân thể. Trong thí nghiệm Kirlian của các nhà khoa học Xô Viết thì nó
chính là các lớp hào quang bao quanh thân thể người, nó cũng tương đồng với những
hiểu biết của Thông Thiên Học về thể xác, thể vía, thể trí… của con người.
Các lớp hào quang này có màu sắc khác nhau
vì chúng được cấu
tạo bởi những dạng vi lạp
ngày càng nhỏ (Nguồn: Shutterstock)
Các lớp hào quang này có màu sắc khác nhau vì chúng được cấu
tạo bởi những dạng vi lạp ngày càng nhỏ. Vi lạp càng nhỏ thì tần số rung động
càng lớn. Lấy quang phổ ánh sáng làm ví dụ, ta biết dải màu sắc quang phổ ánh
sáng mà mắt người nhìn thấy được là đi từ đỏ đến tím, tương ứng với các dải tần
số khác nhau. Những tần số ánh sáng quá lớn thì mắt người không thể thấy được
quang phổ của nó. Tương tự như vậy, có những hào quang mà các thiết bị đo không
thể thấy được vì tần số của nó quá lớn.
Và âm nhạc với tần số rung phù hợp sẽ tác động vào lớp thân
thể xác thịt làm từ phân tử này và các lớp thân thể khác làm từ các vi lạp nhỏ
hơn. Âm nhạc có tần số cộng hưởng với tần số rung của lớp thân thể nào sẽ có
tác động đến lớp thân thể đó. Những âm nhạc có tần số rung cao sẽ cộng hưởng và
tác động đến những lớp thân thể vi tế hơn nhục thân có rung động cao, thanh nhẹ
và khiến người ta thăng hoa tới những cảm xúc tư tưởng thánh thiện, gần như thần
thánh. Đồng thời nó cũng tác động đến nước trong cơ thể để tạo nên những tinh
thể đẹp. Ngược lại có những âm nhạc có tần số rung động thấp tác động đến thể
xác thô kệch và đầy dục vọng. Từ đó chúng ta giải thích được tại sao bản
Messiah của Handel có thể khiến người ta gần với Thiên Chúa, còn bản Rock
“Homage for Satan” lại khiến con người gần với quỷ dữ.
Điều này giải thích vì sao âm nhạc có tác động to lớn lên tâm
và thân mà không chờ sự cho phép của ý thức chúng ta. Nghe nhạc vui ta sẽ vui,
nghe nhạc buồn ta sinh ra buồn rầu. Nghe nhạc ủy mị, ta sinh ra sến sẩm. Nghe
nhạc êm đềm ta thư giãn, tâm bình thản thanh tịnh. Nghe nhạc lãng mạn ta đâm ra
mơ mộng. Nghe nhiều nhạc thánh thiện ta cũng trở nên thánh thiện. Hay nghe nhạc
điên loạn ta cũng trở nên điên loạn. Nghe nhạc cổ động đấu tranh, chém giết thì
ta cũng sẽ bị kích động tâm tranh đấu. Dù bạn chủ động hay bị cưỡng chế nghe đi
nghe lại một bản nhạc, thì nó sẽ ám ảnh bạn. Trong đầu bạn sẽ văng vẳng bản nhạc
đó, và tùy theo cảm xúc nó mang lại, nó sẽ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến
bạn bất chấp bạn có muốn hay không.
Rõ ràng là, âm nhạc có thể xây dựng, có thể chữa lành, nhưng
cũng có thể phá hủy con người. Âm nhạc là lợi khí quá lớn trong truyền thông,
trong tâm lý học…
Bởi vậy, kinh Vệ Đà nói rằng: “Vũ trụ tạo lập bởi các âm
thanh”. Thánh Kinh thì viết: “Huyền âm xuất hiện trước nhất và huyền âm ở với
Thượng Đế, huyền âm là Thượng Đế”.
Sức mạnh của âm nhạc trong chiến tranh từ thời cổ đại
Một trong những người đầu tiên biết lợi dụng sức mạnh của âm
nhạc thời Trung Hoa cổ đại là Quản Trọng sống vào thời Xuân Thu cách đây khoảng
hơn 2700 năm. Khi công tử Tiểu Bạch nước Tề lên ngôi lấy hiệu là Tề Hoàn Công,
Bão Thúc Nha tiến cử Quản Trọng. Ông ta hiến kế cho Tề Hoàn Công gửi thư cho Lỗ
Trang Công yêu cầu bắt Quản Trọng giải về nước Tề để xét xử cái tội bắn tên
hành thích ngày trước. Quản Trọng biết mưu này là để cứu mình, nhưng lại e ngại
Lỗ Trang Công nửa chừng đổi ý. Nên trên xe tù, Quản Trọng sáng tác bài ca Hoàng
Hộc để dạy quân áp giải hát.
Quân lính ca hát vui vẻ quên cả mệt nhọc, đẩy cỗ tù xa băng
băng, một ngày đi bằng hai ngày đường. Lỗ Trang Công tỉnh ra cho người đuổi
theo thì không còn kịp nữa.
Người thứ hai biết khéo léo lợi dụng âm nhạc để giành chiến
thắng là Trương Lương, quân sư số một của Lưu Bang. Hạng Vũ bị quân đội nhà Hán
của Hàn Tín bao vây ở Cửu Lý Sơn, phía bắc thành Từ Châu. Tuy nhiên ông ta còn
có 8000 quân tử đệ sẵn sàng liều chết. Nên Trương Lương mới nghĩ ra một kế, ông
sáng tác ra một điệu nhạc tiêu, tiếng tiêu kèm một ca khúc bi lụy tên gọi là
“Bi ca tán Sở”. Tiếng tiêu nỉ non kèm với giọng ca réo rắt thê lương nẫu ruột
khiến cho kẻ địch lòng dạ sắt đá nhất cũng phải mềm yếu suy sụp nhớ nhà nhớ
quê, chán ngán chiến đấu. Họ từ quân đến tướng rủ nhau bỏ trốn gần hết chỉ còn
lại Hạng Vũ trơ trọi. Từ đó mới dẫn đến thất bại của Hạng Vũ ở trận Cai Hạ và Hạng
Vũ phải tự tử bên bờ Ô Giang, kết thúc cuộc Hán Sở tranh hùng.
Trong thế chiến thứ Nhất, quân đội Pháp và Anh đang đụng độ với
quân Đức trong một trận đánh. Vào đêm Giáng sinh, quân đội Đức mời một nhạc sĩ
và một ca sĩ để hát mừng Giáng Sinh. Những ca sĩ hồn nhiên ra khỏi giao thông hào
hát những bài ca Giáng Sinh. Quân lính từ mọi phía cũng hồn nhiên đổ ra nghe nhạc.
Không ngờ, quân lính hai bên nghe nhạc đều xúc động và cuối cùng họ chơi trò đổi
quà Giáng sinh. Sau đó, họ cũng lắng nghe lời cầu nguyện của một tu sĩ. Trong
nhiều tuần sau đó, cả mặt trận đều im tiếng súng. Đó là âm nhạc đã phát huy tác
dụng.
Sức mạnh của âm nhạc được mô tả trong phim ảnh, văn học
Trong bộ phim “Dương Cầm” đạt giải Oscar năm 2003, một nghệ
sĩ dương cầm trốn chạy quân đội Đức quốc xã trong một ngôi nhà đổ nát. Một sĩ
quan Đức bắt được ông ta và yêu cầu ông ta chơi nhạc. Nhưng chính bản nhạc tuyệt
vời đó đã lay động được lòng trắc ẩn của viên sĩ quan. Cuối cùng viên sĩ quan
đã giúp nghệ sĩ dương cầm thoát chết.
Một bộ phim nổi tiếng khác của Đức đạt giải Oscar dành cho
phim nước ngoài hay nhất năm 2006 là phim “Cuộc sống những người khác”. Viên
trung úy Wiesler thuộc Bộ An ninh quốc gia của Đông Đức (Stasi) nhận nhiệm vụ
theo dõi tư tưởng của giới văn nghệ sĩ. Người ông ta được phân công theo dõi là
kịch tác gia nổi tiếng Georg Dreyman. Wiesler đặt máy nghe trộm trong nhà
Dreyman. Hàng ngày ông ta đều mang tai nghe để nghe hết nội dung trao đổi của
Dreyman với Sieland, bạn đời của ông, và với các bạn văn nghệ sĩ cùng chí hướng
cải cách. Tất nhiên, Dreyman không hề biết mình đang bị nghe trộm.
Nhưng từ việc nghe trộm đời sống của Dreyman, viên trung úy lạnh
lùng mới nhận ra điều không bình thường trong cuộc sống và công việc của mình
và ông ta dần thay đổi. Cao trào của bộ phim là khi Dreyman đàn cho Sieland nghe
bản “Sonate vom Guten Menschen” (Khúc ca từ những người lương thiện). Ông nói với
Sieland đại ý rằng, anh không thể tưởng tượng được có những người nghe bản nhạc
này mà lại có thể tiếp tục làm người xấu. Bộ phim chiếu sang hình ảnh của
Wiesler đang đeo tai nghe, trên mặt đầm đìa nước mắt. Kể từ đó ông ngấm ngầm
giúp đỡ Dreyman và Sieland. Wiesler chấp nhận bị thuyên chuyển sang công việc
kiểm thư.
Nhưng từ việc nghe trộm đời sống của Dreyman, viên trung úy
lạnh
lùng mới nhận ra điều không bình thường trong cuộc sống
và công việc của mình
và ông ta dần thay đổi… (Nguồn: Internet)
Độc giả hâm mộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung chắc không thể
quên cuộc đấu âm nhạc long trời lở đất giữa ba đại cao thủ của võ lâm là Hoàng
Dược Sư, Âu Dương Phong và Hồng Thất Công trên đảo Đào Hoa. Họ đấu âm nhạc
nhưng là đấu nội công, ai nội công yếu hơn sẽ không chịu nổi âm thanh của đối
phương. Hoàng Dược Sư sử dụng một cây sáo, Âu Dương Phong đánh thiết tranh, còn
Hồng Thất Công thì sử dụng tiếng hú. Ta hãy xem Kim Dung miêu tả cuộc đấu như
thế nào: “Chỉ nghe tiếng đàn tranh mau dần, tới đoạn cuối thì như chuông trống
cùng khua, muôn ngựa cùng phi, chợt có tiếng êm ái chen vào, một tràng tiếng
tiêu dìu dặt chen vào giữa tiếng đàn tranh… Tiếng thiết tranh tuy vang dội
nhưng thủy chung vẫn không át được tiếng tiêu, hai âm thanh chen lẫn vào nhau,
âm điệu vô cùng quái dị”. Cuộc đấu chưa phân thắng bại thì bất ngờ bị xen ngang
bởi tiếng hú như “rồng ngâm cọp rống” của Hồng Thất Công.
Nhạc làm sao, người hao hao làm vậy
Trong giới Rocker có một lời nguyền, gọi là “Lời nguyện hội
27”. Những ca sĩ nhạc Rock trong cái hội bất đắc dĩ này đều chết trẻ ở tuổi 27.
Trong đó có Brians Jones của ban nhạc Rock huyền thoại The Rolling Stones, ca
nhạc sĩ Jimi Hendrix, ca nhạc sĩ Jim Morrison của ban nhạc Rock The Doors, trưởng
nhóm Rock Nirvana là Kurt Cobain.
Khó có thể cắt nghĩa cái chết kỳ lạ của những ngôi sao nhạc
Rock này. Nhưng người ta có thể liên hệ lối sống dị thường, lắm lúc quái đản của
các Rocker với thứ âm nhạc mà họ đang chơi. Đối với các Rocker, những người
luôn tìm kiếm cảm giác lạ, “phê”, nổi loạn và để luôn luôn giữ được độ “bốc”
thì việc tìm đến ma túy các loại là lẽ thường. Làm sao tâm tính họ có thể trầm
tĩnh sáng suốt được khi họ chơi một thứ âm nhạc điên loạn như thế. Điên loạn và
ma quỷ. Cho nên mới có những những chuyện điên rồ như Ozzy Osbourne hít đàn kiến
lửa, David Bowie và Mick Jagger chung chăn gối, Keith Richards hít tro bụi hỏa
táng của cha, Nikki Sixx chơi heroin trong phòng khách sạn và bị sốc thuốc tưởng
chết, Freddie Mercury chết trẻ vì AIDS do chơi bời phóng đãng, v.v. còn rất nhiều
những ví dụ khác tương tự cho độc giả quan tâm tự tìm hiểu. Rock là một thứ văn
hóa biến dị, xa lạ với những âm thanh đẹp đẽ, từ bi của vũ trụ mà âm nhạc cảm
nhận được. Hẳn độc giả chúng ta còn nhớ trong Kỳ 1, nước không thể tạo được
tinh thể, mà chỉ có những hình thù tán loạn khi nghe nhạc Rock.
Bạn đọc thân mến, vậy là chúng ta đã hiểu được phần nào ảnh
hưởng của âm nhạc đối với tâm và thân của chúng ta từ cái nhìn của khoa học hiện
đại và dựa trên những bằng chứng của cả lịch sử và văn hóa. Tác giả hy vọng bạn
đọc cùng chia sẻ quan điểm của bài viết, từ đó thấy rằng, việc nghe nhạc gì là
một vấn đề cực kỳ quan trọng. Như đã trình bày ở Kỳ 1, cơ thể chúng ta là một
bình nước, âm nhạc sẽ khiến bình nước đó là trong lành hay độc hại. Âm nhạc vừa
là công cụ tuyệt vời để xây dựng vừa là tên hung thần để phá hủy tâm hồn, tùy
vào cách mà ta sử dụng nó.
Cuối bài viết, mời bạn đọc thưởng thức nhạc khúc nổi tiếng thời
cổ đại: “Cao Sơn Lưu Thủy”. Chúc bạn đọc có những phút thư giãn tuyệt vời.
(Bài viết có sử dụng những hình ảnh và kết quả nghiên cứu được
trình bày trong cuốn sách “Thông điệp của nước” và “Bí mật của nước” của Tiến
sĩ Masaru Emoto).
19/9/2018
anguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét