Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

Giấc mơ gẫy cánh

Giấc mơ gẫy cánh
Phòng bảo vệ mịt mù khói thuốc. Năm ông thầy cả trẻ lẫn già với hai ông bảo vệ trường là bảy ngồi quanh ấm trà to tướng trên cái bàn cũ hoen ố, hơi thọt một chân thành ra đã kê rồi vẫn lệch. Trường Hòa Bình có cả thảy chín mạng đàn ông. Số chín là cùng dương trong quan niệm về âm dương ngũ hành. Số chín là số rất đẹp. Thầy Hiệu trưởng vẫn bảo thế lúc tâng tâng rượu. Này, ngày xưa nơi ngự của vua là Cửu trùng, quan chức ngày xưa có chín bậc gọi là Cửu phẩm, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc đặt ra chín châu, lại còn đúc chín cái đỉnh đồng gọi là cửu đỉnh, công cha nghĩa mẹ được ví với chín chữ cù lao, phụ nữ mang thai chín tháng mười ngày, sông thì có Cửu Long mà ngày xưa á, đắp rồng, vẽ rồng chỉ tối đa là chín con thôi nhé, Cửu Long tranh châu. Thấy chưa, trường mình có chín ông đàn ông, hay chưa, đúng là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thầy hiệu trưởng đầu hói, người lùn, béo, bụng phệ và dáng đi lũn cũn tên Long hay nói thế mỗi khi rượu vào. Có lần thầy Đại - giáo viên Văn, cao tuổi nhất hội đồng nên vẫn được đồng nghiệp trêu đùa là Đại trưởng cự - đốp chát giọng nửa thật pha nửa đùa: Đúng rồi, ở âm ty củ tỉ là nơi chín suối gọi là Cửu tuyền và trong tổ tôm, chắn cạ còn có cả Cửu vạn nữa ông ạ, mà trong kho tàng câu đố còn có câu “trùng trục như con chó thui, chín mắt, chín mũi, chín tai, chín đầu” nữa cơ. Thầy hiệu trưởng cú lắm nhưng không để lộ ra mặt, cười hề hề. Đúng là thầy Đại trưởng cự có khác. Hà hà.
Thầy Long hiệu trưởng không ưa gì thầy Đại. Thầy Đại là cái gai trong mắt thầy Long. Không ưa thì không ưa nhưng đố dám làm gì. Thầy Đại cao tuổi nhất hội đồng, dạy giỏi, nghiệp vụ số một của phòng, cây đa cây đề sum suê tỏa bóng.
Cái cảm giác rằng đằng sau cái bộ mặt nghiêm nghị kia, đằng sau thái độ nghiêm túc chấp hành, lắng nghe ý kiến cấp trên kia của thầy Đại luôn luôn là sự khinh thị - ám ảnh thầy Long. “Mày tưởng mày là ai. Mày chỉ là thằng học trò nghịch ngợm và láu cá của tao thôi”, bao nhiêu năm trời Long dường như luôn thấy câu nói đó vang vang trong tai mình. Dù chưa bao giờ thầy Đại tỏ ra kiêu ngạo, hay cậy cao tuổi, cậy mình là thầy giáo cũ mà nói hay làm gì quá thể. Chỉ thi thoảng lúc trà dư tửu hậu, vui vẻ, không có khoảng cách, ngứa tai lắm thầy Đại mới nói vài câu như thế. Chẳng hạn một chữ tiếng Anh không biết, nhưng thầy hiệu trưởng gần như giờ chào cờ nào cũng nhắc nhở học sinh và giáo viên rằng thì là trường mình phải cố gắng phấn đấu để giữ vị trí “Tốp ten” trong huyện, trong khi cả cái huyện này có mỗi chín trường trung học cơ sở, hoặc là lúc thầy Long nói với cánh giáo viên trẻ “ôi trời, các cậu còn trẻ, cánh tớ U50 rồi”. Ngứa tai lắm, thế là có lần thầy Đại bảo, anh Long này, anh có biết U50 là gì không? Để cho thầy Long ngẩn ra vài chục giây, thầy Đại tiếp: U là viết tắt từ tiếng Anh under nghĩa là dưới, không đủ, chưa đến, U50 như anh nói là tất cả những người dưới 50 tuổi, thế thì mấy thầy mấy cô kia cũng đều là U50 cả, tất cả bọn học trò trường ta đến đứa mới đẻ cũng là U50. Thầy Long ngượng lắm nhưng vẫn gượng cười, đúng là thầy Đại gừng càng già càng cay, quả thật em bắt chước người ta, nói mà chẳng hiểu, gọi là thực bất… bất tri… cái gì ấy nhỉ, à bất tri kỳ vĩ, đúng không thầy. Nói xong thì thầy Long rút điện thoại trong túi ra, bấm, bấm vuốt vuốt rồi lảng. Từ đấy không thấy thầy Long dùng ngoại ngữ nữa. Thực ra thì không phải là chỉ mình thầy Đại ngứa tai buồn cười vì những câu như thế của thầy Long hiệu trưởng. Các thầy, cô khác, nhất là cánh giáo viên trẻ, nhiều người biết, biết nhưng chỉ cười thầm, nói vụng, giễu nhại với nhau. Không phải ai cũng có cái thế, cái thuật như thầy Đại mà nói. Ôi trời, cái thời buổi này, mà nói cho cùng thời buổi nào chẳng thế, phận thảo dân kiếm được việc làm, giữ được cái thân là khôn, hơi đâu mà chết vì những điều nhạt thếch.
Trong những câu chuyện hài mà cánh giáo viên vẫn thì thầm cho nhau nghe, mà không những trong trường, nó còn lan sang cả trường khác có cái câu đố “Thằng Long để lạc mất dê. Cái nón đội về cây gậy cầm ngang”. Long chịu, không hiểu là cái quái gì, chỉ lõm bõm nghe được, lại thấy bọn giáo viên rúc rích cười, Long đoán già đoán non là câu ấy xỏ xiên mình, và đoán non đoán già rằng chắc chắn là lão Đại thâm nho chứ chẳng còn ai vào đây nữa. Thầy Long không đủ trí khôn và tầm văn hóa để hiểu cái chữ Long vứt đi chữ g, thêm mũ vào chữ O và dấu huyền là cây gậy cầm ngang thì ra cái sự đời, sự đời như cái lá đa, đen như mõm chó chém cha sự đời ở trong ca dao.
Tóm lại là trường Hòa Bình có chín ông đàn ông, một hiệu trưởng, hai bảo vệ, và sáu giáo viên. Trong số sáu giáo viên nam thì năm người thường xuyên tụ tập ở phòng bảo vệ, còn Tùng thì hãn hữu lắm. Tùng là giáo viên Toán, ba tư tuổi, một mẫu điển hình của giữ gìn sức khỏe, vệ sinh, sạch sẽ, gọn gàng, chỉn chu cẩn thận. Tùng không hút thuốc lá, cái ấy thì đã hẳn. Bia rượu cũng không. Áo quần lúc nào cũng là lượt thẳng thớm, đầu tóc bóng mượt, giầy không bám một hạt bụi. Tùng ít khi uống nước ở trường, mất vệ sinh gớm chết lên được, nước mất vệ sinh, cốc chén mất vệ sinh. Hãn hữu phải uống Tùng khẽ chím môi vào chỗ miệng chén ở trên cái quai, chẳng ai uống kiểu như thế, chẳng ai uống chỗ ấy cả, nghĩa là chỗ ấy chưa có cái miệng bẩn thỉu của ai động vào, nghĩa là khả năng lây lan truyền nhiễm bệnh tật ở chỗ ấy là ít nhất. Trong túi thầy lúc nào cũng có chiếc khăn mùi xoa trắng muốt, thoang thoảng mùi nước hoa đắt tiền.
Thầy Tùng giống thầy Long ở cái điểm lùn. Cao có một mét rưỡi tính cả đôi giày. Nước da thì trắng trẻo chẳng đến nỗi nào nhưng quả mặt thì hao hao lưỡi cày đồng Cổ Loa, nghĩa là thót ở hai đầu và phình ra ở khoảng giữa. Mắt thì hơi trô trố và miệng thì hơi vô vổ. Lỗ mũi cũng hơi hơi hứng mưa. Môi trên mong mỏng và lúc nói thì hơi cong cong điệu đà. Tất cả các đường nét trên khuôn mặt Tùng đều ở trạng thái gần gần đến một trạng thái nào đó. Nó mơ mơ hồ hồ, kiểu thế mà không hẳn thế.
Xung quanh thầy Tùng là cả rừng giai thoại, chả hiểu đúng sai ra làm sao. Nào là chuyện thầy đi chơi với người yêu bao giờ trong túi cũng phải có lọ ôxy già, trước khi bú ti bạn gái thầy phải dùng ôxy già làm vệ sinh cả mươi mười lăm phút. Nào là chuyện thầy vắt chanh vào chỗ của vợ trước khi chiến đấu để khử trùng.
Những giai thoại vừa nói, phần nhiều là thêm dấm, đổ ớt nhưng chuyện có thật trăm phần trăm là thầy Tùng nói bất đẳng thức Cô-si và bất đẳng thức Cau-chy là hai bất đẳng thức khác nhau hoàn toàn của hai nhà toán học cũng khác nhau trong khi đó chỉ là cách phiên âm khác nhau tên của cùng một người. Thầy Tùng được xếp vào loại đầu to óc bằng quả nho, nói văn vở tí thì thuộc diện “không phải tại chú dốt mà tại mẹ chú quên cho iôt vào canh”. Thầy Tùng dạy thì cứ gọi là thảm họa, cái giọng đều đều, nhàn nhạt, nhỏ nhỏ, tay cầm viên phấn rón ra rón rén, vừa viết bảng vừa bịt mồm, lúc nào cũng ngay ngáy lo hít phải bụi phấn mắc ho lao thì tâm trí đâu mà phấn đấu trở thành tấm gương tự học và sáng tạo được. Thầy Tùng hướng dẫn học sinh làm toán thì bố thằng học sinh nào hiểu được, mà cóc cần hiểu kiến thức chỉ cần hiểu được thầy nói gì đã là siêu nhân rồi. Có ai đó ví nghề dạy học như là nghề chèo đò. Tôi thì chả thích cách ví ấy, nhưng nếu quả là ông thầy dạy chữ như ông lái đò thì thầy Tùng là ông lái đò đưa hành khách từ bến mê này sang bến mê khác, càng đi càng mịt mù sương khói. Dốt nát không phải là tội, nhưng dốt nát thì đừng chọn cái nghề đi làm thầy người khác. Cứ bảo sao ngày xưa học trò kính thầy thế, tình thầy trò nó thiêng liêng thế. Ngày xưa thầy tài cao, đức trọng, trò vượt suối, trèo non, tầm sư học đạo, làm gì mà chẳng trọng. Bây giờ thì có khi chẳng muốn tí nào cũng bị bắt phải học thầy, chán bỏ mẹ ra, lấy đâu ra kính với chẳng trọng.
 Đã có lần phụ huynh học sinh nó mang cái bài kiểm tra Tùng chấm đến gặp thầy hiệu trưởng. Mẹ tiên sư cái thằng phụ huynh ấy, không biết nó học lớp mấy mà đểu thế. Nó ngồi một lúc, khen thầy hiệu trưởng phong độ, mắt tinh, mắt sáng, rồi đang lúc thầy Long khoe khoang, nó giơ cái bài kiểm tra ra như là làm một bài test kiểm tra: Đố thầy không đeo kính mà đọc được dòng mực đỏ ở ô lời phê. Thầy Long vốn dốt, mắc hợm, nghiêng ngó một tí rồi phán “Bài nàm tốt, nhưng chữ sấu”. Thằng phụ huynh học sinh phá lên cười, đúng là thầy giỏi thật, chỉ có các thầy mới hiểu nhau, vợ chồng nhà cháu cả đêm qua chả dịch được chữ gì. Cứ tưởng nhà trường nuôi cá sấu hay trồng cây sấu gì, hóa ra thầy bảo cháu viết chữ xấu, ha ha. Thầy Long nghe xong, nhìn lại mới biết nó xỏ mình, ngượng đỏ cả chân lông trứng cá. Đợi phụ huynh học sinh về, gọi ngay thầy Tùng lên quạt cho một trận lên bờ xuống ruộng và kết luận: từ nay cấm viết linh tinh vào ô lời phê, chỉ được viết Tốt, Khá, Bình thường, Yếu… thế thôi.
Tùng tốt nghiệp đại học chính quy hẳn hoi, ừ nhưng mà cái trường đó ở đồng rừng, người nhà Tùng có một ông làm chức gì to to oai oai ở trường. Bằng thì sáng choang, lương thì ăn theo bằng đại học, ngạch giáo viên trung học cơ sở chính có kém gì ai nhưng mà chuyên môn của Tùng yếu quá, học lớp sáu còn chẳng ra hồn nói gì đến dạy lớp tám. Mà đáng lẽ trước khi nghĩ ra cái phong trào “chống ngồi nhầm lớp” nên nghĩ ra phong trào “chống đứng nhầm bục giảng”.
 Có người cắc cớ hỏi: Sao không thải những giáo viên như thế đi, chọn người có năng lực vào. Hỏi câu ấy thể hiện sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng. Này, đầy thằng còn ỉa ra quần kia kìa, chẳng làm được cái việc gì kia kìa còn chẳng đuổi được, ngày ngày tháng tháng ung dung ngồi chơi xơi nước, máy lạnh điều hòa, đến hạn nâng lương nữa là, yếu chuyên môn thì đã là cái gì. Mà đâu phải chỉ có mình Tùng yếu chuyên môn, thiếu cha gì đứa yếu. Có đuổi được hết không? Ông đuổi tôi đi, nhưng nhớ là bố tôi, anh tôi, ông trẻ tôi, bố vợ của bạn tôi đuổi được ba đời nhà ông đấy. Đuổi đi, chỉ sợ không dám đuổi, đuổi phát xách dép về luôn, chỉ sợ đuổi rồi mai lại phải đến năn nỉ xin lỗi, do “thiếu hiểu biết”. Đuổi hết thì thành “hai không” - không thầy, không cô à? Mà có yếu chuyên môn thì mới cần bồi dưỡng, mới cần học tập nâng cao trình độ. Làm cái chó gì mà cứ be toáng lên, giải sai cái phương trình thì có là cái gì, làm mất nghiệm chứ gì, mất nghiệm thì có mất tiền trong túi các ông các bà không.
Nói là nói thế, nhưng phụ huynh rồi học sinh nó kêu nhiều quá nên ban giám hiệu không dám cho Tùng dạy toán nữa. Tùng được phân công dạy môn công nghệ, cái môn trước khi “thay sách giáo khoa” người ta gọi là kỹ thuật. Nghĩa là một cái môn dạy bọn trẻ từ nấu cơm đến làm cỗ, từ trồng rừng sang trồng hoa, rau màu, nuôi gà nuôi chó, nối dây điện, là quần áo… Tùng chả thắc mắc. Dạy cái đếch gì mà chả lĩnh lương. Tùng dạy công nghệ cũng chẳng ra gì. Nhưng cái môn ấy thì chẳng bao giờ khảo sát, kiểm tra, không có thì thiếu mà có thì thừa. Học sinh nó cũng chẳng cần biết thầy dạy thế nào, miễn cuối năm, cuối kỳ được điểm cao cao. Tùng dạy công nghệ nhàn tểnh nhàn tênh, vào lớp ổn định, kiểm tra bài cũ mười lăm hai mươi phút, đọc cho học sinh chép mấy cái đề mục với vài cái gạch đầu dòng là hết bài, thời gian còn lại cho học sinh chép tranh trong sách giáo khoa. Nhàn thì sướng nhưng nhàn quá cũng chán, thành thử Tùng đi học thạc sĩ. Thạc sĩ, ối chà chà, quá là oách xà lách.
Sáng, Tùng đột ngột xuất hiện ở phòng bảo vệ, một sự kiện lạ lùng. Tùng nhoẻn miệng cười chào mọi người, sau khi cố gắng nín nhịn để khỏi ho sặc sụa vì khói thuốc. Tùng thỏ thẻ, nhỏ nhẹ ngỏ nhời mời các thầy cuối buổi chiều, sau cuộc họp hội đồng thì đi “uống cốc bia cho mát”. Tùng nói xong bấy nhiêu lời thì đứng dậy, nhẹ nhàng, duyên dáng, khẽ cúi đầu, chìa tay ra bắt từng người, vừa bắt tay vừa khẽ nghiêng người vừa nói thầy cố gắng thu xếp nhé, chẳng mấy khi.
Hôm nay, bố bảo liệu có bão hay động đất gì không? Thầy Hải giáo viên tiếng Anh hỏi thầy Thực lúc Tùng vừa đi khuất.
Mày chẳng biết cái gì cả. Mang tiếng là giáo viên ngoại ngữ đọc nhiều chữ Tây mà chẳng hiểu đời cái đếch gì. Nó đang câu. Chuẩn bị quy hoạch cán bộ. Sang năm bà Lan nghỉ hưu.
Nhưng con nghĩ, cả trường này ủng hộ chị Hòa. May ra anh Tùng được vài người.
Thằng này càng nói càng lẫn, thế thì nó mới mời mày uống bia. Thầy Đức dạy thể dục cắt ngang. Nó lên hiệu phó nay mai đấy. Mày muốn tiến thân thì tranh thủ cơ hội đi.
Nhưng phải nằm trong quy hoạch nguồn đã chứ.
Nguồn, nguồn cũng có nhiều loại, nguồn nước sông, nước suối, nhưng lại có cả nguồn từ trên trời rơi bịch phát xuống đấy, cãi đi. Bác Đại trưởng cự đánh giá thế nào về vú cại này?
Chiều nay tao không đi uống bia. Thầy Đại thủng thẳng.
Tôi cũng thế.
Em theo Đại trưởng cự.
Tóm lại là không ai đi hết.
Ông bảo vệ đứng dậy, gõ trống. Sân trường đang ầm ĩ, náo nhiệt chỉ một lát đã vắng ngơ vắng ngắt.
Buổi chiều, vừa tan cuộc họp, Tùng vội vã đứng dậy. Cái dáng vẻ cẩn thận, từ tốn đến chậm chạp mọi ngày đâu mất, thay vào đó là cái gì đó hơi hấp tấp, vội vàng.
Thầy Đại, thầy Đại, em mời thầy …
Chiều nay tớ phải chở bà vợ về quê, mai có giỗ ông chú ruột. Anh em cứ vui vẻ nhé. Thầy Đại nói rồi xách cặp ra xe.
Tùng lại lật đật chạy đến níu thầy Thực, thầy Đức. Ai cũng kiếm lý do chối từ.
Mọi người đi cả, mặt Tùng nghệt ra, nhìn theo, mồ hôi lấm chấm rịn trên trán.
Thầy Long nhìn cái mặt của thầy Tùng thì không nhịn được cười. Thầy bước đến bên thằng đàn em thân cận, đệ tử ruột trung thành, con gà cúc cung tận tụy.
Ông là thạc sĩ mà bản lĩnh chính trị xoàng bỏ mẹ. Làm sao mà mặt nghệt ra như cứt ngâm thế. Chúng nó không đi càng đỡ tốn. Anh đây thì chú chả mời.
Một lời như tỉnh giấc mơ. Mặt Tùng lập tức chuyển sang màu xun xoe.
Dạ mời anh, em mời…
Đi, hôm nay, tớ và cậu sẽ bàn chuyện với chú sếp.
Dạ quý hóa quá. Trăm sự nhờ anh.
Thầy Long rút điện thoại hỏi han, mời mọc, líu tíu một hồi, cười như ma cù, OK, OK ríu cả lưỡi rồi quay sang bảo Tùng. Mười lăm phút nữa, chú sếp đồng ý rồi.
Mặt Tùng tươi roi rói như hoa, lại ríu rít xun xoe cảm ơn sếp. Thầy Long ưng ý lắm. Đời làm tướng được thằng đàn em nó hiểu mình khác gì chim hồng hộc có mấy cái lông trụ cánh. Thằng này tuy dạy dốt nhưng cũng biết cách đón ý lãnh đạo, tận tụy, cúc cung, trung thành một mực, lại được cái tiền bạc dư thừa. Dùng được. Chân giường, cạp liếp của mình phải chọn được cái thằng như thế, chứ chọn cái thằng cha vơ chú váo hoặc cái con rán sành ra mỡ, chỉ biết công việc với chuyên môn suốt ngày đòi dân chủ với bàn bạc tập thể thì thôi rồi Lượm ơi.
Hai thầy trò vừa đến nơi thì con Civic màu đỏ của chú sếp cũng tới. Đóng cửa xe cái uỵch, chú sếp chìa tay, tươi cười. Đúng giờ nhé, không sai một phút luôn.
Tùng không biết uống bia. Nhìn thầy Long với anh sếp cho lát chanh mỏng với tí muối tinh nhét vào cổ chai ken rồi tu chùn chụt, Tùng ngưỡng mộ và cảm động đến rơi nước mắt. Tùng thấy các anh mình sao mà giỏi, mà sành, mà cao siêu đến thế. Tùng đờ cả người, đến khi anh sếp nhắc lần thứ hai mới nhớ là mình chưa uống ngụm nào. Ba lần vít Tùng mới nuốt được nửa chai, nửa chai mà đầu óc đã lâng lâng ở đẩu ở đâu rồi. Thầy Long với anh sếp thì ngang sức ngang tài, vỏ chai loảng xoảng ríu vào nhau mà ngã. Tùng lơ mơ, ngẩn ngơ cười phụ họa, gật đầu minh chứng, chẳng biết là anh sếp với thầy Long thì thào bàn tính những gì.
Gần nửa tháng, không khí trường trung học cơ sở Hòa Bình nóng hẳn lên do các hoạt động tranh cử của thầy Tùng. Đột nhiên có một thầy Tùng khác, trên môi luôn thường trực nụ cười. Có một thầy Tùng đến từng nhà các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên, lao công, bảo vệ trong trường thăm hỏi, tặng quà, nói chuyện, tràn ngập một tình thân mến thân.
Thầy Long cũng chẳng để thầy Tùng đơn thương độc mã làm cánh chim cô đơn giữa biển người, song hành với nỗ lực cá nhân của thầy Tùng, thầy Long vừa ngấm ngầm, vừa công khai mở cuộc vận động, dọn đường cho thằng đàn em cục cưng của mình. Dẫu chú sếp đã bật đèn xanh và hứa hẹn: hôm ấy, em sẽ về dự, cái phiếu tay bác in, em với bác sẽ kiểm, muốn sao thì sao, muốn giăng là giăng, trời đất này là của thằng nào? Cũng chẳng cần cao phiếu, miễn là lọt vào quy hoạch cho nó đúng trình tự, đỡ gợn, đỡ lăn tăn sủi bọt thế thôi nhưng thầy Long vẫn muốn chiến thắng đàng hoàng, không đủ số phiếu cần thiết thì cũng mấp mé, có tác nghiệp như lời chú sếp nói thì cũng vừa vừa thôi. Phải giữ sỹ diện cho thằng em và cũng là giữ thể diện cho mình. Đành rằng chú sếp là người thân cận về tuổi tác là đàn em, lại có mối quan hệ tiền hàng sâu đậm nhưng nếu số phiếu Tùng đạt được quá thấp thì không những xấu mặt Tùng, còn xấu mặt cả thầy Long, ai đời làm hiệu trưởng mà không chỉ đạo được giáo viên nó bỏ phiếu theo ý mình, thế thì uy tín ở đâu, quyền lực ở đâu, vai trò lãnh đạo để ở đâu. Ôi chao, nghĩ mình phương diện quốc gia, quan trên trông xuống người ta trông vào. Chịu khó lúc đầu một chút phần hậu kỳ nó nhẹ nhàng, gọn gàng. Trắng trợn thì cũng có mức độ. Không thể khôn ngoan có hạn, khốn nạn có thừa được. Mà cũng phải để cho cái thằng Tùng nó biết thế nào là vất vả, cũng phải ném nó xuống nước bắt nó vùng vẫy, có chìm thì mình đội nó lên, mình ném cho cái phao chứ không thể để nó phởn phơ nhởn nhơ vứt ra nắm tiền là xong chuyện. Thì đành là mua ghế. Nhưng cái ghế này nó khác, hàng hóa này nó là hàng hóa siêu cao cấp, nó là sinh mệnh chính trị. Chuyện đùa nhà anh. Nghĩ thế, làm thế, thôi thì cả nhu lẫn cương, cả nhược lẫn cường, cả văn lẫn võ, cả âm lẫn dương, cao đơn hoàn tán, đông tây y kết hợp, thầy Long đều làm hết. Từng đi lên bằng những cuộc chiến sinh tử, còn chiêu trò gì mà xa lạ với thầy Long.
Tiếng gõ cửa nhẹ nhàng ý tứ vang lên. Thầy Long vội bấm chuột vào hình cái dấu nhân trên cửa sổ chương trình Media Player Classic Home Cinema để tắt cái phim “Nữ sinh tỉnh X quan hệ với bạn trai trong nhà nghỉ”. Vào đi Tùng ơi. Thầy Long chỉ nghe tiếng gõ cửa là biết Tùng đến. Tùng mở cửa bước vào.
 Anh ạ.
Thầy Long chỉ tay ra phía bộ Đồng Kỵ góc phòng, chú pha ấm trà, từ sáng chưa pha, bận quá. rồi thầy mở website tin tức, đọc tin vớ tin vẩn để nghĩ về cái khác cho cái cột cờ nó hạ xuống. Tình hình hết căng thẳng, thầy Long mới bước ra. Bận quá, thầy Long nói, rồi làm một tụp hết nửa chén trà, trong khi Tùng chỉ khẽ chạm môi, rồi để xuống, ngồi với lãnh đạo lại sắp có việc trọng đại cậy nhờ, uống chỗ quai chén nghe có gì không ổn.
Tình hình thế nào rồi? Thầy Long hỏi trong khi ấn điếu thuốc vào giữa hai môi.
Dạ thưa anh. Thầy Tùng trả lời trong lúc ý tứ, xòe bật lửa châm thuốc cho đại ca. Dạ thưa anh. Em đã gặp gỡ mọi người rồi. Số người nhận lời ủng hộ cũng khá khá, nhưng cũng chưa biết thế nào, em lo lắm, trăm sự nhờ anh giúp đỡ.
Yên tâm, anh chẳng giúp chú thì giúp ai. Giúp chú cũng là giúp anh mà nói rộng ra là giúp cho cái trường này, giúp cho nền giáo dục của xã Hòa Bình chúng ta. Để cái con quỷ cái kia nó nhảy lên thì khác gì gà bới bát nhang.
Thầy Long cười ha hả, nói tiếp: Nó mà nên, anh em mình thằng trưởng thằng phó có phải là trong ấm ngoài êm không. Có ấm êm thì mới nghĩ tới phát triển. Đúng không ông thạc sỹ?
Ối anh quá lời. Thạc sỹ là trong khoa học thôi, chứ còn trường đời, còn thực tế cuộc sống em chỉ là đứa học trò của anh. Mà anh ơi, hôm nọ anh sếp bảo, chỉ cần năm chục phần trăm…
Năm chục cái gì, bần cùng mới thế. Thầy Long cau mặt. Nói thật với chú mày, thằng sếp nó có quyền, có thế thật nhưng thực ra còn trẻ người non dạ, lắm cái chưa sâu bằng anh đâu. Chú phải có trong nguồn quy hoạch, nhưng phiếu của chú phải cao nhất, thế mới không đứa nào nói được lúc ở trên các anh ấy làm quy trình. Nào, bây giờ anh em mình tính toán xem nó ra làm sao. Con này… ờ, thằng này, ờ ờ…
Trong lúc thầy Long với thầy Tùng đang tính toán, đếm đếm đoán đoán thì ở dưới phòng bảo vệ bảy vì tinh tú đang bàn luận sôi nổi trong mịt mù khói thuốc.
Ôi giời, cũng lại đâu vào đó thôi, B52 đã rải thảm rồi. Thầy Đức bình luận sau khi nhấp ngụm chè.
Chẳng thay đổi được gì thì tôi cũng sẽ làm theo lương tâm mình. Thầy Đại lên tiếng.
Đúng thế, ít nhất mình cũng thực hiện cái quyền dân chủ của mình đúng không anh Đại? 
Cái gì? Ông có lãng mạn tiểu tư sản, tư tưởng xa xỉ quá không? Hay ông lơ ngơ như quả mơ, hay ông cầm tinh con giả vờ, dân chủ, cái ấy có, nhưng ở đây, ở cái trường trung học cơ sở Hòa Bình này thì nó tuyệt chủng lâu rồi, nó hóa thạch lâu rồi, nó đã hóa thạch trong cái gọi là quy chế dân chủ dấu son đỏ chót trong tủ hồ sơ của ông chăn dê để lạc ấy, dưới mấy cái đĩa DVD phim sex mà bố ấy hay xem ấy.
Gớm bố làm gì mà nóng. Trường mình vẫn có dân chủ đấy chứ, đã là dân thì phải nghe lời ông chủ.
Được, thằng này được. Bác Đại trưởng cự thấy không, anh em mình mà giới thiệu thằng này vào quy hoạch, nó mà làm lãnh đạo thì anh em mình quần đùi không có mà mặc. Ha ha.
Cái nhà cô Hòa thì chả chịu khởi động gì cả. Lúc nào cũng em không có khả năng và không thích làm lãnh đạo, em chọn nghề giáo viên thì em sẽ làm cô giáo đến lúc nghỉ hưu. Thế thì khó lắm. Có vào quy hoạch thì cũng treo thôi.  
Nhưng các bố dự đoán thế nào?
Nó có người ôm, người đỡ hết rồi, mọi thứ cũng chỉ là diễn trò thôi, anh em mình cũng chỉ là diễn viên quần chúng bất đắc dĩ cho có phần náo nhiệt rực rỡ thôi.
Mà tất cả tại bố Đại trưởng cự, bố dạy dỗ thế nào mà nảy nòi ra cái thằng học sinh ngon lành cành đào thế. Hôm nào, bố báo cáo cái chuyên đề đi cho anh em học tập.  
Lúc công an ập vào hốt ổ trong khách sạn Anh Đào Hoa thì thầy Long vẫn đang với một em trẻ đẹp. Ôi chao, khác hẳn bà vợ hơn hai tuổi vừa già vừa béo, cao to đen hôi, cục mịch, quê mùa. Đang lúc ì ọp thì công an vào, mặt xám ngoét như đổ chàm, chân tay lẩy bẩy như cò bợ gặp mưa. Thầy Tùng thì hoàn cảnh có khá hơn, phần vì tính thầy vốn ưa sạch sẽ và sợ lây bệnh, phần vì tửu lượng kém lên hơi buồn ngủ, thế nên dù em kia EVATOHO lõa thể nhưng thầy thì vẫn áo bỏ trong quần nghiêm ngắn nằm bên cạnh. Nhưng biên bản thì vẫn bị lập như thường. Chỉ có chú sếp là thoát hiểm ngoạn mục. Chú đánh nhanh thắng nhanh, xong việc vứt cho con em tờ 200 đỏ chót rồi bảo ra ngoài. Lúc công an vào thì chú sếp một mình ngủ trên giường, chẳng làm đếch gì được nhau. Thậm chí chú công an còn phải xin lỗi vì đã làm phiền. Hú vía.
Cuộc họp làm quy hoạch cán bộ của trường trung học cơ sở Hòa Bình đáng lẽ diễn ra vào buổi chiều hôm sau thế là tạm hoãn. Thế là gẫy cánh một giấc mơ.
21/10/2014
Đàm Huy Đông
Theo http://www.daibieunhandan.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...