Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Hoài Khanh: Giòng dung nham đã đọng hương đời

Hoài KhanhGiòng dung nham 
đã đọng hương đời
Một hôm sực nhớ câu kinh
Không phải chỗ trụ mà sinh tâm mình...
(Hoài Khanh, Sám hối)
Những năm 30 của thế kỷ XX mang đậm dấu ấn của sự đổi mới nền văn học Việt Nam. Một cuộc cách tân toàn diện từ văn, thơ, đến tân nhạc đã tạo cơn địa chấn văn học mà dấu ấn vẫn ghi đậm mãi đến ngày nay. Trong bối cảnh đó, năm 1933 Hoài Khanh chào đời, nghe người chung quanh hát những ca khúc tân thời như Bẽ bàng (1935),Nghệ sĩ hành khúc (1936) của Lê Yên; Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung, nghe bài thơ mới Tình Già (1932) của Phan Khôi, chứng kiến Tự Lực Văn Đoàn bỏ cũ theo mới… một giòng thơ Hoài Khanh đã theo tuổi lớn nhanh…
Sáng sớm thứ ba ngày 24-9-2013, những cơn mưa bóng mây thoạt đến thoạt đi không ngăn được anh Chu Trầm Nguyên Minh và tôi ngược về hướng Cù Lao Phố Biên Hòa tìm thăm lại anh Hoài Khanh, hiện đang nằm bệnh từ sáu tháng nay do tai biến.
Trên đường anh Chu Trầm Nguyên Minh bồi hồi kể lại thuở anh và chị Tùng Vân vừa mới thành hôn dăm bữa, hai vợ chồng cùng về Biên Hòa ra mắt anh chị Hoài Khanh. Dạo đó nhà anh Hoài Khanh vườn cây trái thênh thang.
Tôi thì lại mơ màng theo quyển thơ tự chép từ các tạp chí Văn của mình dạo trẻ, và Hoài Khanh cũng có dự phần:
Về đây đá núi ngủ buồn
Cỏ ngu ngơ động cánh chuồn chuồn bay
Về đây ngắm lại bàn tay
Ngón dài ngón ngắn có ngày có đêm
Lần rồi có phải không em
Tình yêu đó cũng hao mềm như sương
(Hoài Khanh, Đồng Vọng)
Và...
Gió nghiêng từng trận luân hồi
Mùa xưa cánh động nghe rời rạc đi
Trong tôi thân thể thầm thì
Máu và xương có hồi qui nhịp mùa
Tóc dài trên tuổi lưa thưa
Với hai đầu gối đong đưa lá cành
Nụ cười là để cây xanh
Yêu nhau là để hai ngành vu vơ
(Hoài Khanh, Lời thân thể)
Ôi nhịp nhàng là cánh chuồn chuồn, đóm tình nồng cháy theo nguồn máu xương, những bài lục bát tuôn tràn, hừng hực như đến từ núi lửa trào dâng

Chả trách, Bùi Giáng khi đọc thơ Hoài Khanh phải thốt lên: "Anh chưa quá hai mươi tuổi, anh làm những vần thơ mà Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Hiếu tái sinh nghe được phải lạnh mình trước cái vĩ đại, hồn nhiên của một tài hoa chưa ráo máu đầu".
Từ Dâng rừng (1957) đến Thân phận (1962), Lục bát (1968), Gió bấc-trẻ nhỏ-đóa hồng và dế (1970), Hương sắc mong manh (2006), giòng thơ của Hoài Khanh đã ngược suối nguồn uyên nguyên để chân diện mục từng khoắc khoải nỗi đời.
Bao nhiêu lần Hoài Khanh đã ngồi lại bên giòng sông đời để thầm thì nói, thầm thì nghe tiếng nghìn trùng kể lể cuộc tồn vong:
Bến sông này bến sông này
Trăng xưa phủ xuống hàng cây gục đầu
Người xưa chừ biết là đâu
Này trăng gió cũ này câu giã từ…
Hắn đã về giữa dòng sông nước chảy
Của Á Châu nhược tiểu khổ đau này…
Và đi trên những buổi chiều
Dường nghe nước lũ dâng triều cô đơn…
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu...
Qua sông là một nhịp cầu
Qua tôi là một kiếp sầu vô chung
Giòng sông đời vẫn lạnh lùng hờ hững, rải tung trên bước thời gian từng nỗi héo sầu, Hoài Khanh vẫn từng ngày trăn trở hằn nỗi đời lên mặt từng vệt buồn sâu, người bạn thân Phạm Công Thiện khi nói về Hoài Khanh đã phải thốt lên: “Nghe sự im lặng của Khanh, tôi cảm thấy Thượng đế, tôi cảm thấy Quỉ ma, tôi cảm thấy tiếng nói của một ngàn đêm, hai ngàn đêm, triệu ngàn đêm, tiếng nói của muôn triệu ngàn đêm vọng về hiu hắt trong lòng nhân thế. Tôi không muốn nghe, cũng như bao nhiêu người khác cũng không muốn nghe, bởi vì đó là tiếng nói của sự thật: Tiếng nói của giòng sông vạn ngàn năm chảy trôi vể biển. Giòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù… (Phạm Công Thiện, Nỗi cô đơn của Hoài Khanh)”

Rời xe bus số 12, lên xe thồ đi thêm khoảng hơn mười cây số, chúng tôi dừng chân trước Tịnh xá Ông Tám và được hướng dẫn đi thêm vài trăm mét, phía trước chúng tôi, xa xa, đã thấy chị Hoài Khanh đứng đợi trước ngôi nhà mang số 121. Dù chỉ thua anh Hoài Khanh vài tuổi, nhưng dáng chị đủ cho mọi người đoán ra một nhan sắc thời xuân. Chị vồn vã đưa chúng tôi vào nhà. Anh Chu Trầm Nguyên Minh vẫn còn xúc động khi gặp lại gia đình anh Hoài Khanh sau hơn 40 năm. Vật đổi sao dời, vườn nhà anh Hoài Khanh bây giờ hẹp hơn nhiều sau khi con đường mới băng qua, nhưng sự mới mẻ đó chẳng làm anh nguôi hoài niệm.
Về đây trầm túy mặn nồng
Phiến du từng chuyến thôi lòng lắng nghe
Về đây bụi khói tàu xe
Chân đi hồn lạc tiếng ve hạ tàn
Về đây nghìn cõi âm vang
Đêm sâu rừng ruộng vui tan cuộc nào
(Hoài Khanh, Nhập định)
Nằm nghỉ ngơi trên giường với khó khăn của nửa bên người chưa hồi phục, anh Hoài Khanh vẫn vui và dòn tiếng chuyện trò níu lại từng ký ức với anh Chu Trầm Nguyên Minh. Thỉnh thoảng chị Hoài Khanh ghé vào, khi thì mang nước, khi thì hỏi thăm anh có mệt không. Anh tươi cười nói: “có bạn cũ về thăm làm sao mệt nổi”. Anh còn hào hứng dự tri khoảng nửa tháng sau sẽ đi đứng thoải mái. Được thế thì bằng hữu vui biết bao. 81 tuổi đời có gì vui hơn gia đình, bằng hữu, sách vở bao quanh.
Anh hào hứng kể về tập sách anh dịch của Heidegger sắp được ấn hành, anh bồi hồi ôn lại những vần thơ, nhữnghoài bão cả đời chưa vẹn, hoài ấp ủ.
Lê Ngọc Trác trong bài viết Từ lục bát "nâu" đến lục bát "thiền" đã nói về cuộc chuyển đổi giòng thơ Hoài Khanh sau năm 2000 như một thế tất yếu của thi nhân qua những bão giông, khổ đau, cô đơn tận cùng trong cuộc đời để đưa vào thơ mình những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Cái nhìn nhận đó chưa hẳn đúng với một Hoài Khanh, một con người luôn hực lửa nhân bản trong thể nghiệm nỗi đời qua mọi khía cạnh của nhân sinh. Những cái tất nhiên của cuộc sống, những nỗi trầm luân của con người đều thấp thoáng đâu đó trong các tập thơ:
Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Bấy nhiêu rồi nhỉ hỡi trần gian kia?
Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa…
vi vu mầu gió đi mùa

núi non đồng vọng cũng thừa xót thương
đã nghe đất dậy môi trường
cõi miên viễn bỗng vô thường thanh âm...
Tâm hồn - ấy cõi đau ngầm
Cười trong lệ tủi lạc lầm nhân gian
Tham sân, trí trá, hung tàn
Tâm hồn từ ấy tan hoang còn gì!
Như một kẻ khoắc khoải đi tìm câu hỏi, như một gã chăn trâu trong Thập ngưu Đồ, chăn trâu rồi để trâu mất bao bận, rốt ráo tìm thấy rồi, bình tâm chợt nhạt nhòa cái lẩn quẩn của nỗi đời được còn thua hơn, xả dần mọi buộc ràng để khi thỏng tay vào chợ tâm hồn thanh thản như gió thổi đồng không:
Đêm xưa bỗng một đóa hồng
Nở ra giữa cõi vô cùng tịch nhiên
Đêm kia tôi mộng bình yên
Làm sương rơi rụng trên miền vô thanh...
Cái gì hễ mất lại còn
Hễ không là có, hễ tròn là lăn
Ngày xưa có một dấu chân
Bước qua bãi cát sông Hằng nhẹ tênh
Khi hỏi anh muốn gởi gắm điều gì cho cõi tạm, anh Hoài Khanh chỉ thốt lên hai từ Nhân bản. con người vốn dĩ như cây sậy, niềm ước mong kêu gọi nhau sống đúng con người sao quá đỗi khó khăn. Những vần thơ và khát vọng anh như một tiếng kêu bi thống cho thân phận con người. Tôi lấy chiếc gối kê tay anh, lấy mảnh giấy trắng choàng vào quyển sách đặt lên gối khi anh có ý muốn viết cho Quán Văn ít giòng đề tặng. Dùng sức còn lại của nửa thân thể chưa hồi phục, anh gắng viết mấy câu:
Hắn đã về giữa giòng sông nước chảy
Của Á Châu nhược tiểu khổ đau này
Hắn đã về giữa cát buồn sa mạc
Của Phi Châu quằn quại suốt trời mây
Nghe ra sao sầu nặng kiếp người muôn phương. Những quyết định lớn lao của cõi người Sinh, Lão, Bệnh, Tử không phải do ta chọn đã đành, nhưng hoài bão giữa cõi sống cũng như những đám lục bình trôi nổi, vô định để khát vọng vẫn là niềm mơ, một hy vọng sẽ đến hơn là một cái hộp pandora đã mở(*), phơi trần những sự thật phũ phàng.
cõi Á Châu này sao lại sinh ra tôi
để ngắm hoài dòng sông trôi những mái lá nghèo nàn
những mắt sâu mờ đục còn khao khát cõi nào?
những thân hình gầy guộc và đồng lúa xanh
có chăng một bình nguyên trên Trường Sơn?…
ôi khoảng hư vô khủng khiếp một đời

phút giây vỡ tan tành mảnh pha lê
tôi quờ quạng vào đâu để tìm lại
những mộng của tôi
và hồn của ai
(Cỏ Khô và Lửa)
Tữ giã anh Hoài Khanh trong luyến tiếc và hẹn sẽ gặp nhau khi anh hồi phục, chúng tôi đi bộ ngược về hướng cũ để chờ xe thồ vào đón. Qua một quán thức ăn chay, sẵn đã trưa, chúng tôi ghé vào thưởng thức hương vị thiền gia như chị Hoài Khanh đã từng giới thiệu quán này. Khi nghe chúng tôi nói đi thăm một thi nhân già hiện đang nằm liệt bán thân, bà chủ quán nhận ra ngay, không phải bởi anh Hoài Khanh là một thi nhân nổi tiếng, nhưng là hình ảnh thường xuyên mỗi sáng trước bình minh: chị Hoài Khanh đẩy anh trên xe lăn tản bộ dọc con đường mới mở, đón từng ngày mới cùng nhau.
Hóa ra dù với anh chiếc hộp pandora(*) chưa thấy, nhưng dù sao cạnh anh nguồn hạnh phúc nhỏ nhoi đã hiện diện bên tháng ngày nằm nghe đời giữa căn bệnh hắt hiu. Hình ảnh hai anh chị dìu nhau trong tuổi thu tàn vẫn đẹp ngời như niềm tin còn sót lại sau cơn bão rớt thời gian.
Ta ơi một kiếp vô hình
Bóng sương mầu cỏ nhớ mình không nguôi
Mai kia đóm lửa tan rồi
Về trong gió bụi nhớ thời lưu vong
(HK, Về trong gió bụi nhớ thời lưu vong)
Giòng dung nham, giòng cuồng lưu tuôn trào òa vỡ một thời, nay đã đọng kết dãy phù sa màu mỡ. giòng thơ đời từ đó rộ thêm hoa. Thời gian bình thản trôi, đâu đó vẫn còn có nhiều người hoài nhớ một giòng lục bát ngọt ngào nhiều cảm xúc, giòng lục bát Hoài Khanh
Ghi chú:
(*) Trong thần thoại Hy Lạp chiếc hộp Pandora các vị thần trên đỉnh núi Olympus đã tặng cho nàng Pandora và dặn kỹ rằng không được mở chiếc hộp đó ra. Nhưng với sự tò mò của mình, Pandora đã mở chiếc hộp ra và tất cả những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian … và chiếc hộp chỉ còn sót lại một chút “hy vọng” mang tên Pandora cho loài người để có thể tiếp tục sống.
29-9-2013
ĐẶNG CHÂU LONG
Nguồn: http://www.banvannghe.com/
Theo http://www.art2all.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Văn học Nga và Xô viết còn được đọc ở các nước nào khác? Những kẻ thích bông phèng nói rằng có hai chủ đề mà mọi người đều hiểu: chính t...