Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

Nét riêng trong thơ lục bát Huy Cận

Nét riêng trong thơ lục bát Huy Cận
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh
Nhà thơ Huy Cận (31/5/1919 - 31/5/2019)
Nói đến thành công của Huy Cận trong việc sử dụng thể thơ để sáng tác, không thể không nhắc đến lục bát. Trong di sản ông để lại, mặc dù số lượng lục bát không phải nhiều nhất, song dấu ấn tài năng Huy Cận qua những bài thơ sử dụng thể thơ này là điều đã được thừa nhận rộng rãi. Bên cạnh những “cây lục bát” tên tuổi như Nguyễn Bính, Tố Hữu, Bùi Giáng, và sau này là Nguyễn Duy, thì Huy Cận xứng đáng được dành một vị trí danh dự.
Tuy có quá trình sáng tác trải dài trên 70 năm, thuộc hai giai đoạn trước và sau cách mạng, nhưng những bài lục bát để đời của Huy Cận chủ yếu là ở tập Lửa thiêng, ấn hành trước 1945. Đúng vậy, nếu lục tìm trong vài chục tập thơ của ông xuất bản sau 1945, khó có thể thấy bài lục bát nào sánh được với những Ngậm ngùi, Buồn đêm mưa, Đẹp xưa... được viết trong thời Thơ mới.
Tập Lửa thiêng của Huy Cận có 50 bài thơ, số lượng và tỉ lệ các thể thơ được sử dụng không đồng đều. Cụ thể: thơ 4 tiếng chỉ 2 bài (4%); thơ 5 tiếng: 5 bài (10%); lục bát có 8 bài (16%); thơ 7 tiếng: 19 bài (38%), thơ 8 tiếng có 16 bài (32%). Xem thế đủ thấy, trong giai đoạn Thơ mới, Huy Cận ưu tiên cho thể thơ 7 tiếng và thơ 8 tiếng. Không chỉ về số lượng, giá trị nghệ thuật của những bài tiêu biểu thuộc hai thể thơ này như: Buồn, Áo trắng, Tràng giang… (thơ 7 tiếng), Trình bày, Đi giữa đường thơm, Mai sau… (thơ 8 tiếng) đã đưa Huy Cận vào hàng những cây bút xuất sắc nhất của thơ lãng mạn. Nhưng, góp phần vào việc củng cố vị trí ấy của Huy Cận, không thể không kể đến những sáng tạo ở thể lục bát. Có thể khẳng định: trên hành trình dằng dặc của lục bát Việt Nam, Huy Cận đã thực sự cắm được một dấu mốc ấn tượng.
Vốn sinh thành cùng ca dao, lục bát được sử dụng rộng rãi trong truyện Nôm khuyết danh (Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Phan Trần, Hoàng Trừu…). Ở thể loại truyện Nôm, lục bát vẫn còn mang bộ mặt thuần phác, quê kiểng, mà hiện tượng từ ký sinh ở vị trí gieo vần khiến ngày nay đọc lại, ta thấy thật ngô nghê: Cha tôi trưởng giả nhà quê/ Giàu sang sớm đã sinh thì ba tôi (Tống Trân - Cúc Hoa); Nằm lăn em mới ngủ đi/ Vừa hết canh một sang thì canh năm (Phạm Tải - Ngọc Hoa)… Qua bàn tay của thiên tài Nguyễn Du, lục bát dường như được lột xác. Vẫn những quy cách vần điệu ấy, nhưng câu lục bát trong Truyện Kiều đã trở nên nhuần nhụy, tươi tắn, có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu biểu đạt, diễn tả (tả cảnh, tả người, tả tình, dẫn chuyện, phẩm bình, triết lý). Dù vậy, lục bát của Nguyễn Du vẫn thiên về thuật sự. Việc hàm súc hóa lục bát trong một chỉnh thể thơ trữ tình tinh gọn vẫn còn ở là câu chuyện của tương lai. Những nhà thơ như Tú Xương, Tản Đà sẽ bước tiếp con đường của tiền nhân. Đi hát mất ô (Tú Xương), Thề non nước (Tản Đà), nhất là những bài thơ Đường được Tản Đà dịch bằng lục bát kiểu như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu đã cho Huy Cận những kinh nghiệm quí báu. Đến Thơ mới 1932 - 1945, lục bát đã được không ít nhà thơ thử bút. Viết một đôi bài, có Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử,… viết nhiều hơn có Hồ DZếnh. Tuy nhiên, nếu kể đến một “đối trọng” nặng ký của Huy Cận ở lục bát, thì người đó phải là Nguyễn Bính. Tuy nhiên, tạo nên một cấu trúc trữ tình hoàn chỉnh trong một hình thức thơ đúc nén mang tính cổ điển, ấy là nỗ lực của Huy Cận trong việc cá biệt hóa sáng tạo ở lục bát. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh xếp Huy Cận vào nhóm những tác giả chịu ảnh hưởng của thơ Pháp theo lối tượng trưng. Nhưng nhà phê bình đã tinh ý nhận ra rằng, Huy Cận cũng là một trong số những cây bút tuy chịu ảnh hưởng thơ Pháp, nhưng lại mang trong hồn cốt của mình chất Đường thi.
Chất Đường thi cổ điển ấy thấm nhiễm sâu sắc và chi phối mạnh mẽ đặc điểm tư duy thơ Huy Cận. Sở đắc của ông về thể thơ 7 tiếng có lẽ xuất phát từ điều này. Mỗi khổ thơ trong Tràng giang, Xuân, Vạn lý tình… có thể xem như một bài thất ngôn tứ tuyệt. Viết lục bát, Huy Cận cũng triệt để khai thác những thế mạnh của Đường thi ở kết cấu chặt chẽ, ở tính đăng đối, cách dùng nhãn tự, tính cô đúc, ở thủ pháp dùng tĩnh tả động, dùng hữu hạn để nói cái vô cùng...
Tám bài lục bát có mặt ở tập Lửa thiêng, không có bài nào dài. Dài nhất là bài Trông lên (16 câu), còn lại, có bốn bài 12 câu (Buồn đêm mưa, Thuyền đi, Ngậm ngùi, Xuân ý), ba bài 10 câu (Chiều xuân, Đẹp xưa, Thu rừng). Một sự gặp gỡ đáng lưu ý: phần lớn lục bát của Huy Cận có số câu hầu như tương đương với thơ 7 tiếng - một loại thơ gần với thơ Đường nhất. Trong khi đó, ở thơ 8 tiếng, độ dài lại khác hẳn. Không hiếm những bài khá dài như Đi giữa đường thơm (27 câu), Thân thể (35 câu). Nhạc sầu (37 câu), Trình bày (41 câu)… Độ dài ngắn ở đây không đơn thuần phản ánh mức dồi dào của cảm xúc hoặc sự phong phú của ý tứ cần biểu đạt, mà là ở vấn đề tư tưởng và cấu trúc. Một khi tư tưởng và cấu trúc được đặt ở bình diện thứ nhất, thì thể thơ sẽ là hệ quả của sự lựa chọn. Có một trường hợp đáng xem là minh chứng cho luận điểm này: bài Tràng giang. Trước đó, Huy Cận đã viết bài Chiều trên sông bằng thể lục bát, nhưng ông không vừa ý nên đã viết lại thành bài thơ 7 tiếng để có được một Tràng giang mỹ mãn như ta đã thấy.
Để gia tăng chất Đường thi cổ điển cho lục bát, bên cạnh việc cô đọng hóa bài thơ, Huy Cận còn sử dụng những thủ pháp như “đúc chữ”, tiểu đối, kết hợp lạ kiểu bất ngờ cú pháp… Ông tước bỏ những rườm rà của định ngữ nghệ thuật để lời thơ trở nên thật tinh gọn, hàm súc. Thay vì dùng những cụm từ quen thuộc kiểu “cấu kiện đúc sẵn”, ông thích tạo nên những tổ hợp mới mẻ của riêng mình. “Nỗi hàn bao la”, “rời rạc trong hồn”, “chân xa vắng”, “dặm mòn lẻ loi”, “hướng lạc, phương mờ”, “bốn bề tâm tư”, “dòng mộng tuôn dòn”, “hương  vị đời ngon”, “chiều tê cúi đầu”, “mấy mùa thương đau”… là những sáng tạo ngôn từ như thế. Hầu như ở bài lục bát nào của Huy Cận, ta cũng dễ dàng bắt gặp lối “đúc chữ” ấy. Cũng vậy, câu thơ tiểu đối kiểu “Nghe trời nằng nặng/ nghe ta buồn buồn”, “Trời xa sắc biển/ lá thon mình thuyền”, “Trăm chèo của Nhạc/ muôn lời của Thơ”, “Đèo cao quán chật/ bến đò lau thưa”… khá phổ biến trong tập Lửa thiêng. Tiểu đối nhưng vẫn rất tự nhiên, không gò bó, câu thúc, khiến lời thơ vừa uyên súc cổ điển, vừa trang nhã hiện đại.
Vang lên từ lục bát Huy Cận là giọng sầu thương rất đặc trưng. “Sầu” vốn là thứ “gia bảo” truyền đời của hồn thơ Huy Cận. Nó phổ vào mọi bài thơ, mọi thể thơ. Nhưng có lẽ lục bát với nhịp chẵn đều đặn, với lối bắt vần lưng ở vị trí bất biến đã tạo nên một hiệu ứng âm điệu rất đặc biệt. Bằng lục bát mà Nguyễn Du đã cất lên cái giọng cảm thương không lẫn với bất cứ ai. Cũng với lục bát, điệu hồn sầu thương của Huy Cận có cơ được cất lên thành giọng điệu nghệ thuật rất riêng, ngay cả ở bài thơ vắng bóng chữ “sầu”, chữ “buồn”, chữ “tái tê” - những chữ đã in “dấu vân tay” của ông.
Lục bát là một thể thơ minh triết - nhà ngôn ngữ học Nguyễn Phan Cảnh đã nhận định như thế. Sự minh triết đó thể hiện ở trường nét dư, có nghĩa là, dù cho phát triển đến độ rực rỡ nhất, lục bát vẫn không hề bị vắt kiệt khả năng biểu hiện, ngược lại, nó luôn tạo độ dư, chừa khoảng trống cho sự sáng tạo. Huy Cận là một minh chứng về khả năng tái sử dụng một thể thơ đã quá quen thuộc trong văn học Việt Nam. Sau ông, một số cây bút cũng tìm được ít nhiều vinh quang ở thể lục bát. Dĩ nhiên, trước hết là vấn đề tài năng. Với Huy Cận, tài năng ấy nẩy nở trên một vốn văn hóa thâm hậu, ở đó, có ảnh hưởng của văn học phương Tây, có sự vấn vương với “hồn cũ thịnh Đường”, đồng thời có sự bắt rễ rất sâu vào truyền thống dân tộc.
30-5-2019
Đặng Lưu
Theo http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Văn học Nga và Xô viết còn được đọc ở các nước nào khác? Những kẻ thích bông phèng nói rằng có hai chủ đề mà mọi người đều hiểu: chính t...