Dù muốn hay không, trong sự vận động không ngừng của tự nhiên
và cuộc sống, con người luôn luôn phải trả lời câu hỏi - thay đổi hay không
thay đổi? Bởi thay đổi và thay đổi không ngừng là quy luật vận hành của tạo
hóa. Vì thế một cá nhân hay một xã hội chậm thay đổi, sẽ hủy hoại sức sống, làm
cho thực thể lụi tàn. Chẳng thế mà, Norman Kingsley Mailer (1923-2007) - một
tiểu thuyết gia, nhà báo, nhà tiểu luận, nhà viết kịch, nhà làm phim, diễn viên
và nhà hoạt động chính trị tự do người Mỹ, đã để lại danh ngôn nổi tiếng rằng:
“Có một luật lệ của cuộc đời vô cùng tàn nhẫn và công bằng rằng người ta phải
thay đổi, hoặc nếu không sẽ phải trả giá nhiều hơn để vẫn giữ nguyên như cũ”.
Đành rằng con người, đa phần đều nhận thức được tầm quan trọng
của sự thay đổi, nhưng cũng lại rất ngại thay đổi, cũng như không dám thay đổi.
Bởi như Charles Brower - cố vấn pháp lý cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - thẩm phán của
tòa án khiếu nại Iran - Hoa Kỳ năm 1983, đã đúc kết: “Con người phần lớn
cảm thấy thoải mái với những vấn đề cũ hơn là với những giải pháp mới”. Mặt
khác để thay đổi bất cứ điều gì, chủ thể đều cần phải được quyền tự do hành động,
đều cần phải thay đổi cách nghĩ. Vì thế, những con người, hoặc “thể xác bị
nhốt sau những chấn song sắt”, hoặc là “tù nhân trong chính trí óc bị đóng
chặt của mình”, sẽ rất khó có sự thay đổi, nếu không chịu một sức ép nào
đó.
Ngoài ra, bởi khát vọng trường tồn, cũng khiến người ta không
muốn ra đi, không muốn kết thúc. Chẳng thế mà Tề Cảnh Công (547 TCN-490 TCN) đã
từng có lần bày tỏ trong nước mắt với quần thần, rằng ngài vô cùng tiếc nuối, bởi
sẽ có một ngày nào đó ngài phải rời xa ngai vàng - từ bỏ nước Tề tươi đẹp. Để rồi
ngay lập tức, có một vị quan liêm chính đã tâu với nhà vua rằng: Thưa đức vua,
nếu một triều đại cứ được phép tồn tại mãi, hay một người cứ được làm vua
mãi, chẳng hạn như vua Nghiêu vua Thuấn vẫn giữ ngai vàng cho đến bây giờ, thì
giờ này chắc tôi và ngài, chỉ là những kẻ chăn vịt, đội nón lá đứng ngoài đồng.
Và không biết lời thẳng thắn này đã làm cho nhà vua tỉnh ngộ đến đâu, nhưng rõ
ràng đó là một lời cảnh tỉnh sắc bén, hài hước, như dội gáo nước lạnh vào cái
khao khát trường tồn kia.
Vì dục vọng quá mãnh liệt của mình, mà con người đôi khi như
mù quáng - chống lại cái quy luật “có sinh - có diệt” của tạo hóa, mà không chịu
chấp nhận, đổi thay. Chính điều này, đã khiến cho nhân loại phải chịu biết bao
đau thương - chết chóc, tụt hậu, bởi những cái “thây ma” của những thực thể đã
quá lỗi thời, nhưng vẫn cứ ngắc ngoải ôm mộng trường tồn. Và xin cùng lắng nghe
phát biểu sau đây của Steve Jobs (1955-2011) - một doanh nhân và nhà sáng chế lỗi
lạc người Mỹ: “Không ai muốn chết. Thậm chí cả những người muốn tới thiên đường
cũng không muốn phải chết để lên được đó. Và cái chết là điểm đến của tất cả
chúng ta, không ai có thể trốn thoát. Và nên như vậy, bởi Cái chết có lẽ là
phát minh tốt nhất của Sự sống. Nó là tác nhân thay đổi của cuộc sống. Nó xóa
cái cũ để mở đường cho cái mới. Ngay bây giờ là bạn, nhưng một ngày không xa
hôm nay, bạn dần dần sẽ trở nên già và bị xóa đi. Tôi xin lỗi nếu điều đó nghe
có vẻ cường điệu, nhưng đó hoàn toàn là sự thật”.
Thomas Alva Edison (1847-1931) - nhà phát minh vĩ đại có
ảnh hưởng lớn tới nhân loại, đã từng nói: “Bất mãn là sự cần thiết đầu tiên cho
thay đổi và tiến bộ”. Như vậy sự tự huyễn, hay tìm cách ngụy biện, cùng sự bưng
bít, dối lừa, để cốt làm cho con người bằng lòng trước hiện thực, đôi khi
sẽ là một thủ pháp hòng giúp thực thể trốn tránh sự thay đổi. Và rõ ràng ở
một xã hội, mà những bất mãn của công chúng không thể được giải tỏa, thì sự cần
thiết phải thay đổi là một nhu cầu tất yếu. Tất nhiên thay đổi xã hội chẳng thể
diễn ra một sớm một chiều, cũng như chẳng bao giờ dễ dàng, nhưng nó không thể
không diễn ra, bởi “nó cần thiết để sống còn”, như Les Brown-một diễn
giả động lực, người dẫn chương trình truyền hình, một cựu chính trị gia người Mỹ,
và cũng từng là thành viên của Hạviện Ohio, đã tổng kết.
Con người sinh ra vốn bị chi phối bởi những niềm tin, mà điều
này luôn mang bản chất hai mặt, tích cực và tiêu cực. Bởi nó còn tính thời sự,
cũng như tính thực tiễn của nó. Và sự thực là: “Thế giới tưởng chừng như thật
điên rồ mà chúng ta đang chứng kiến là kết quả của một hệ niềm tin không hoạt động.
Để nhìn thế giới khác đi, chúng ta phải sẵn lòng thay đổi hệ niềm tin của mình,
để quá khứ trôi qua, mở rộng nhận thức về hiện tại và làm tan chảy nỗi sợ hãi
trong tâm tưởng”, như William James (1842-1910) - nhà tâm lý học và triết
học tiên phong người Mỹ đã chỉ ra. Trong khi đó, cố chấp lại là một thuộc tính
bản năng đeo bám con người, chưa kể nếu đó là những niềm tin đã từng tạo dựng sự
nghiệp cho họ, làm nên chính con người họ, thì việc rũ bỏ nó, sẽ càng thêm khó
khăn biết nhường nào (!)
Cuộc sống thật nghiệt ngã, mọi thứ sẽ đều phải thay đổi, sẽ đều
phải ra đi. Dẫu vậy, bởi “sinh hữu hạn, tử bất kỳ”, mà dự báo thời điểm
ra đi, thật chẳng dễ dàng, thậm chí có khi còn là bất khả. Nhưng rõ ràng sự ra
đi đúng lúc của những thực thể, thuận theo dòng chảy của tạo hóa, luôn là điều
cần thiết, là tiền đề thúc đẩy cho cái mới, cái tiến bộ sớm ra đời. Vì vậy “Con
người không bao giờ được lãng phí thời gian vô ích để tiếc nuối quá khứ, hay
phàn nàn về những thay đổi khiến mình khó chịu, bởi thay đổi là bản chất của cuộc
sống”, thông điệp mà Anatole France (1844-1924) - nhà thơ, nhà báo, tiểu
thuyết gia người Pháp đoạt giải Nobel Văn học năm 1921, đã
gửi gắm. Và để kết thúc, người viết xin được chia sẻ một danh ngôn nói về
cái chết, sự thay đổi, và sự bất tử của Alfred Adler (1870-1937) - một bác
sĩ, chuyên gia tâm thần học, người sáng lập trường phái tâm lý học cá nhân người
Áo: “Cái chết thực sự là lời chúc phúc lớn lao dành cho nhân loại, không có nó
không thể có sự thay đổi, sự tiến bộ. Những người bất tử sẽ không chỉ
ngăn trở và làm thối chí người trẻ tuổi, họ còn thiếu đi sự kích thích cần thiết
để sáng tạo”.
31 Tháng 10 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét