Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Từ "Thân phận" đến "Lục bát"

Từ "Thân phận" đến "Lục bát"
Hoài Khanh là một thi sĩ nổi tiếng của hai mươi năm văn học miền Nam. Nhưng bên cạnh vóc dáng một thi sĩ, ông còn là một nhà khảo luận, một dịch giả, một nhà xuất bản có uy tín, một chủ bút tạp chí văn học có ảnh hưởng trong văn giới…
Hoài Khanh là bút hiệu, tên thật của ông là Võ Văn Quế, sinh ngày 3 tháng 6 năm 1933 tại phường Đức Nghĩa, huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Thuở nhỏ ông học chưa hết chương trình tiểu học thì trong nước có cuộc kháng chiến chống Pháp, ông và cùng một số bạn bè rời bỏ trường học vào chiến khu tham gia kháng chiến dù tuổi còn quá nhỏ.
Sau năm 1954, ông trở về Sài Gòn và làm nhiều nghề để tự mưu sinh. Ông tự học, trau giồi sinh ngữ, hầu hết kiến thức đều do trường đời chứ không phải trường học. Ông từng là chủ bút tạp chí văn học Giữ Thơm Quê Mẹ do nhà Lá Bối xuất bản. Ông cũng là người điều hành nhà xuất bản Ca Dao, một nhà xuất bản đã in được những tác phẩm có giá trị. Trước năm 1975, ông đã về mở một trại chăn nuôi ở Biên Hòa ven bờ sông Đồng Nai như một hành động ở ẩn xa lánh những phiền phức của đời sống ồn ào phức tạp ở Sài Gòn. Hiện giờ, ông vẫn còn sống đạm bạc ở cuộc đất cũ đó ở tuổi với tuổi già gần tám mươi... Sống một cuộc đời lam lũ nông dân cuốc đất trồng khoai như cái tên nói lái mà bạn bè thân tình với ông hay gọi. Hoài Khanh là Hành Khoai.
Tác phẩm đã xuất bản của ông về thi ca: Dâng Rừng 1957; Thân phận 1962; Lục Bát 1968; Gió Bấc; Trẻ Nhỏ Đóa Hồng và Dế 1970; Hương sắc Mong Manh 2006, (in ở hải ngoại).
Về truyện ngắn: Trí Nhớ Hoang Vu và Khói 1970. Về dịch thuật: Buông Xả Thanh Thản, dịch Martin Heidegger; Thế Giới Tính Dục, dịch Henry Miller; Đâu Mái Nhà Xưa, dịch Hermann Hesse; Quê Hương Tan Rã, dịch Chinua Achebe; Giáo Dục và Ý Nghĩa Cuộc Sống, dịch Krishnamurti; Nghệ Thuật Truyền Thống và Chân Lý, dịch Walter Kaufmann...
Mỗi một vị trí văn chương nghệ thuật của ông đều có nét khác biệt và đặc sắc riêng. Nhưng theo tôi thì chân dung một thi sĩ có lẽ thể hiện được căn cốt và sắc diện văn chương nhất của ông. Thơ của ông có khi là chung những nỗi niềm của thời đại Việt Nam chiến tranh, khi mà sự có mặt của hơn 500 ngàn lính Hoa kỳ hiện diện trong đất nước gây ra nhiều biến chuyển trong đời sống toàn dân. Như nhà văn Phạm Công Thiện đã viết, Hoài Khanh là một người thi sĩ cô đơn...
“Tôi muốn đuổi anh đi ngay, tôi muốn đuổi một hình ảnh hãi hùng; Tôi muốn được thanh bình trong tâm hồn trong những tháng ngày này bởi vì đây là hình ảnh bi đát của Đời, của con người, của một kẻ bị đày giữa bãi đất hoang tàn của nghĩa địa trần gian. Nhìn nét mặt Hoài Khanh, tôi thấy sự Chết, tôi thấy Bệnh hoạn. Đau khổ. Quàn quại. Khắc khoải. Ray rứt. Xao xuyến. Hãi hùng. Hoang liêu. Cô đơn; tôi thấy sự Chiến bại, sự thất vọng của con người. Nghe sự im lặng của Khanh tôi cảm thấy Thượng đế, tôi cảm thấy Quỷ ma. Tôi cảm thấy Tiếng nói của một ngàn đêm, hai ngàn đêm, triệu ngàn đêm, tiếng nói của muôn triệu ngàn đêm vọng về hiu hiu trong lòng nhân thế...”
Đây là một đoạn trong bài đề tựa tập thơ Thân Phận “Nỗi cô đơn của Hoài Khanh” của Phạm Công Thiện. Hình như ông muốn nói đến con người thi sĩ suy tư về cuộc đời, với một chút tiềm ẩn nỗi niềm của người muốn phá phách bằng chữ nghĩa qua cái không gian thi ca bàng bạc song hành giữa mộng tưởng và thực tại. Thơ của Hoài Khanh tràn đầy suy tư về thân phận con người…
Khi nhắc đến tên tuổi thi sĩ Hoài Khanh, tôi nghĩ đến doạn văn trong Thi Nhân Việt Nam của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh ”Khi nói đến Hoài Khanh hẳn có người đã nhớ ngay đó là một nhà thơ ôm cột đèn giữa phố mà ngỡ là đang ôm Em trong vòng tay” Rồi người ta lại liên tưởng đến những vần tâm tình mà thi nhân đã ghi lại cho quê hương:
”Tôi lớn lên ven bờ sông Cà Ty
Với giữa hai triền núi Cú và Tà Dôn
Lưu luyến nhìn biển cả gọi hồn đi tám hướng...”
Hình ảnh một chàng si tình ôm cột đèn để tưởng tượng đang ôm người tình sao mà gần gũi đời sống đến thế. Con phố đông đảo người qua lại mà chỉ có một chàng cô đơn. Và, quê hương bản quán chàng thi sĩ, với những địa danh quen thuộc của xứ Phan Thiết có ảnh hưởng gì không tới tâm tư của chàng...
Tôi nghĩ hình như thiên nhiên phong thủy cũng có ảnh hưởng nhiều đến tâm tư tình cảm con người. Ma Bình Thuận đã nổi danh trong ngôn ngữ Việt Nam vì cái không gian tạo dựng từ những tủi hờn vong quốc của người dân Chiêm Thành tồn tại từ bao nhiêu đời và không khí của u uẩn của những nỗi niềm khó ngỏ bằng lời cứ ám ảnh mãi con người. Thơ của Hoài Khanh là thơ của những tháp Chàm cô độc trên những triền cát trắng xoãi dài tới biển khơi. Thơ và người đã lớn lên từ những triền núi thẳm sâu với tầm nhìn hướng vọng về biển cả xa xôi. Thơ và quê hương của ông hình như có những liên quan siêu hình mà người đọc thơ ông có thể mơ hồ cảm thấy.
Nhà Thơ Hoài Khanh là người chăm sóc bài vở cho tạp chí văn nghệ Giữ Thơm Quê Mẹ. Tạp chí này ra mắt số đầu tiên vào năm 1965 do nhà Lá Bối in và phát hành. Tạp chí có sự công tác của những cây bút lẫy lừng thời đó như Phạm Công Thiện, Nhất Hạnh, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Hữu Tường, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Dương Nghiễm Mậu, Võ Hồng, Kim Tuấn,... Chủ trương của tạp chí có khuynh hướng Phật giáo, đi trở lại về nguồn cội để chống lại ảnh hưởng của thời thế chiến tranh. Tuy có tuổi thọ khá ngắn ngủi nhưng cũng có ảnh hưởng văn chương ở thời kỳ đó và cả sau này. Nếu quan niệm rằng những tạp chí văn chương đã phản ánh nhanh nhất và chân xác nhất bộ mặt văn học hiện tại thì những nhà nghiên cứu văn học sử không thể nào bỏ qua sự nghiên cứu về tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ này. Nó như một phần biểu hiện tâm tư của một thời đại văn học đầy biến động lúc góp mặt trên trường văn trận bút…
Nhà thơ Hoài Khanh còn là người chủ trương nhà xuất bản Ca Dao đã in và giới thiệu được nhiều tác giả và tác phẩm có giá trị và nhiều ảnh hưởng đến văn học Việt Nam đã in được nhiều tập thơ, nhiều tập văn xuôi có giá trị. Riêng về bộ môn khảo luận, với chủ trương mở rộng cửa để đón nhận những tư tưởng mới với những cuốn dịch thuật về triết học, về Thiền học hoặc những tác giả thời danh trên thế giới, nhà xuất bản này được xem như là một cơ sở xuất bản có uy tín từ kỹ thuật in ấn đẹp, trình bày trang nhã, nôi dung lại đứng đắn phong phú chọn lọc. Giới trí thức và nhất là lớp tuổi trẻ sinh viên học sinh là những thành phần độc giả chính yếu của nhà xuất bản và là tầng lớp đông đảo nhất của nền văn học miền nam suốt hai mươi năm.
Hoài Khanh cũng còn là một dịch giả đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm chọn lọc từ văn chương của nhân loại. Không những là dịch giả mà còn là người giới thiệu những danh tác của văn chương nhân loại. Ông chọn lựa tác phẩm để dịch với sự thận trọng và thích thú của một người tìm được sự học hỏi trong công việc dịch thuật. Trước khi đi vào tác phẩm ông tìm hiểu về tác giả và phác họa lại những nét chính yếu để từ tác giả có thể tìm được những nét đặc thù của tác phẩm. Những bài giới thiệu ngắn nhưng cô đọng được viết như những phụ lục đã giúp cho người đọc dễ dàng thu nhận hơn những ý tưởng và thông điệp mà các nhà văn lớn của thế giới muốn diễn đạt. Những tác phẩm mà Hoài Khanh chọn lựa để dịch đều không phải là những cuốn sách của thị hiếu độc giả nhưng lại là nhu cầu bức thiết cho những người muốn tìm hiểu về văn chương thế giới.
Những tác phẩm mà ông đã giới thiệu và chuyển dịch sang Việt ngữ với danh sách khá dài. Như ông đã dịch “Krishnamurti cuộc đời & tư tưởng“ từ nguyên tác của René Fouère. Như “Thế giới Tính Dục” từ nguyên tác của Henry Miller. Như “Quê Hương Tan Rã" dịch cùng với Nguyễn hiến Lê từ nguyên bản của Chinua Achebe. Như "Buông xả thanh thản" dịch từ nguyên tác của Martin Heidegger. Như “Đâu mái Nhà Xưa”, “Đôi Bạn Chân Tình”, "Hành Trình sang phương Đông” từ nguyên tác của Hermann Hesse, “Tuổi trẻ và Cô đơn” từ nguyên tác của Rskine Caldwell, “Con đường thuốc lá“ từ nguyên tác của William Sormeset Maugham, ”Mozart cuộc đời và nghệ thuật” từ nguyên tác của Percy Young, “Tchaikovsky cuộc đời và nghệ thuật” của Percy Young, “Beethoven một phiến tài tình thiên cổ lụy" từ nguyên tác của JohnWilliam Navin Sullivan... ông còn là người dịch nhiều thi tuyển và giới thiệu nhiều chân dung thi sĩ từ thi ca trẻ đến thi ca Châu Phi. Tôi thích những bản dịch mà ngôn ngữ đượm nhiều chất thơ đã làm cho bản dịch gần gũi với nguyên tác hơn. Thí dụ cũng có nhiều người đã dịch Hermann Hesse. Nhưng ở bản dịch của Hoài Khanh tôi thấy được nét thơ mộng và lãng mạn của những vần thơ khiến sự cảm nhận khi đọc tăng thêm phần thú vị. Cũng như khi đọc những bài thơ dịch từ các thi sĩ nổi tiếng trên thế giới, tôi có cảm tưởng đi gần với những thông điệp mà thi sĩ muốn bày tỏ. Đó là những cảm nhận sơ sài của một người đọc và chưa phải là nhận định đúng mức. Tôi đọc những bản dịch của Hoài Khanh và có cảm giác đang đi trên một con đường khá thú vị của thi ca mà tôi trân trọng và thực tình yêu mến...
Hai tập thơ đã làm cho Hoài Khanh nổi tiếng là Thân Phận và Lục Bát in vào những năm thệp niên 70. Lúc ấy tôi đang ở tuổi 20 và cũng đã đọc thơ Hoài Khanh trên các tạp chí văn nghệ. Tôi khoái thơ lục bát của ông vì nó mang lại một phong vị thơ khác với những người viết trước và viết sau ông. Thơ của ông có một chỗ riêng. Những cuốn sách của nhà xuất bản Ca Dao thì lại làm tôi gần gũi với thi ca ông thêm nhiều hơn. Những cuốn sách nhỏ dày chỉ hơn 200 trang của những tác giả thời danh viết về văn chương về triết học ngắn nhưng hàm xúc đã làm tôi say mê và trong cái cảm giác háo hức đi tìm kiến thức để có một căn bản học thuật. Có những cuốn sách về Krisnamurti, về Hoelderlin, về Nietzsche, về thi ca, về thiền đã mở ra nhiều cánh cửa cho tôi bước vào. Tôi cũng rất thích những loạt bài đăng trên tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ về thi ca Phi Châu. Lúc đó, thi ca của một châu lục ấy đã lôi cuốn rất nhiều cho một câu học trò nhiều bỡ ngỡ với thi ca thế giới như tôi.
Về sau này, thời gian gần đây, tôi đọc lại Hoài Khanh với suy nghĩ khác. Cái cảm giác náo nức thời tuổi trẻ đã không còn khi đọc. Thay vào đó, là những cảm giác của người đã trải qua nhiều ngõ quanh trong cuộc đời và thấy ẩn tàng đâu đó trong ngôn ngữ trong hình tượng thi ảnh có một thế giới khác, lãng đãng, mù không. Thơ gợi lại suy tư. Thơ bỗng nhiên có khi là hình bóng gần cận khuôn dáng của mình. Những bài lục bát làm tôi nhớ lại một thời yêu thi ca và đọc thơ như là một cách để trường hành theo đoạn đường dài muôn dặm từ Nguyễn Du cho đến bây giờ. Đọc lại những bài như “Ngồi Lại Bên Cầu” hay “Nhớ Nguyễn Du", từ những vần lục bát đến thơ tám chữ, tôi lại bùi ngùi và hồi nhớ lại một thời thanh xuân của mình. Bây giờ, đã qua tuổi sáu mươi, sao lòng mình vẫn còn rung động…
Thi sĩ Hoài Khanh còn sống tại Việt Nam, và đời sống tuổi già đạm bạc. Tôi chỉ nghe kể chuyện lại. Như nhà thơ Thành Tôn khi về Việt Nam có ghé thăm anh ở Biên Hòa có kể về nơi chốn mà anh đã về sống ẩn dật từ mấy chục năm qua. Như bức thơ email mà thi sĩ Hoài Khanh gửi cho anh Phạm văn Nhàn đăng trên Thư Quán Bản Thảo với tâm tình của một bạn văn nghệ tâm sự với người cùng quê mà cũng đồng điệu của mình.
Tôi xin mượn lời một tác giả viết về Hoài Khanh, tác giả Thích Phước An:
“Dường như càng về già thì Hoài Khanh càng sống trọn vẹn hơn với cái “Vòm vô biên” ấy, cái ”trong tinh thể bội phần chiêm bao” ấy. Đặc biệt là nơi ẩn dụ sông Hằng, dòng sông mà khi còn tại thế ít nhất một lần đức Phật đã dừng chân lại… Đọc đoạn kinh Đức Thế Tôn đi đến con sông Hằng, tôi nhớ đến bài Dấu Chân Từ Phụ của Hoài Khanh:
“cái gì hễ mất là còn
hễ không là có hễ tròn là lăn
ngày xưa có một dấu chân
bước qua bãi cát sông Hằng nhẹ tênh”
Hôm đến Biên Hòa thăm Hoài Khanh khi ngồi nói chuyện trong phòng khách nhìn lên vách tôi thấy ông có treo hình của Đức Phật xa hơn chút nữa là hình của Martin Heidegger. Tôi nhìn hai tấm hình và tự nghĩ rằng chắc bây giờ ông không còn buồn vì những dòng sông kia vẫn chảy xa mù nữa đâu.
Và chẳng phải ông đã tìm lại được cội nguồn của một dòng sông rồi đó hay sao?”
Phần nhiều mọi người đều nhìn Hòai Khanh như một thi sĩ. Nhưng trên bộ môn văn, ông cũng có những đóng góp đáng kể. Ông viết văn với cố gắng trong phong thái dung dị gần cận đời thường nhưng lại chất chứa nhiều suy niệm ẩn tàng bên trong. Những nhân vật của ông hình như lẩn khuất những câu hỏi của vấn nạn cuộc đời trong hoàn cảnh của chiến tranh, của quá khứ và thực tại trộn lẫn. Đọc tập truyện ngắn của ông, thấy được một đời sống mà chiến tranh như bóng đen âm u đang bao trùm đất nước.
Đó là tập truyện “Trí nhớ hoang vu và Khói” của ông do nhà xuất bản Ca Dao in năm 1970. Tập sách mỏng chỉ hơn 100 trang gồm bốn truyện ngắn: Cho Lòng Thở Than, Thành Phố Đi Rồi, Thắp Một Ngọn Đèn và Trí Nhớ Hoang Vu và Khói. Không gian và thời gian của truyện cũng như các nhân vật truyện đều phảng phất ảnh hưởng của chiến tranh của những mầm mống bất an cho con người cho xã hội. Dù nhân vật đang ở đâu, nơi chốn nào, thành phố hay thôn quê, cũng có những ưu tư của thời thế, dù không trực tiếp nhưng bàng bạc. Có lẽ cái nhìn về thực tế đời sống quá bi quan như vậy nên ông đã rời bỏ đời sống xô bồ phức tạp ở Sài Gòn để về sống coi như ẩn dật ở Biên Hòa.
Theo cảm nhận của riêng tôi, hình như thơ văn của ông cũng đều có chung một vấn nạn và hành động viết như Roland Barthes định nghĩa là một "phong cách đề xuất câu trả lời rõ ràng rành mạch về cuộc đời” Đời sống có ngàn muôn câu hỏi nhưng viết văn hay làm thơ cũng chỉ có một mục đích suy tưởng về cuộc đời, về chính con người nghệ sĩ và chính cả xã hội đang sống. Thơ của ông như bảng lảng một không gian khác song hành với cuộc sống còn văn thì thực tế hơn trong cảm nhận của người cầm bút…
Tôi đọc bài thơ Ngồi Lại Bên Cầu của Hoài Khanh và tập truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Phong Giao, thư ký tòa soạn tạp chí Văn và chủ trương nhà xuất bản Giao Điểm. Hình như Trần Phong Giao có một biệt nhãn nào đó với Hoài Khanh và đặc biệt lắm mới lấy nhan đề của một bài thơ Hoài Khanh làm nhan đề tập truyện ngắn của mình. Dù rằng trước đó với bút hiệu Phong Nhã trong mục điểm sách của nhật báo Tự Do ngày chủ nhật 24 tháng Năm 1962, Trần Phong Giao đã có nhận định khá nặng nề về tập thơ Thân Phận của Hoài Khanh.
Nhà văn họ Trần viết: ”vẫn trong những câu lục bát thi điệu cố hữu của dân tộc, tôi đã tìm thấy dấu vết thứ hai của existentialisme in hằn trên tâm hồn Hoài Khanh. Chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết thuyết hiện sinh, Hoài khanh đã nhìn đời một cách vô cùng lệch lạc. Một sa mạc mênh mông, một tinh cầu giá lạnh, một giòng sông bơ vơ, một nghĩa trang sầu thảm đó là thế giới dưới mắt người thơ...
… Trong mấy năm gần đây chúng ta được nghe nhắc nhở nhiều tới triết thuyết hiện sinh. Không phải hiện sinh của Heidegger hoặc Kierkegaard mà gần gũi hơn của Sartre và Camus. Và nói tới Sartre là chúng ta thường liên tưởng ngay tới vai trò triết gia vô thần của ông. Hoài Khanh chịu ảnh hưởng của Sartre rất nhiều. Phải chăng anh là một nhà thơ vô thần?
Trước hết chúng ta thấy Hoài Khanh nói nhiều tới Thượng Đế. Hai chữ Thượng Đế viết hoa song lại không xác định rõ là Jesus, là Mohamed, là Thích Ca Mâu Ni…”.
Riêng trong ý nghĩ của tôi nếu tìm dấu vết trực tiếp của Sartre trong tập thơ Thân Phận của Hoài Khanh thì không tìm thấy được rõ ràng. Còn ảnh hưởng gián tiếp thì tùy cảm quan của mỗi người. Theo bức thư của chính Hoài Khanh gửi nhà văn Phạm văn Nhàn cũng có nhắc đến Trần Phong Giao và chính ông Trần đã xác định với ông cũng chỉ là những ngộ nhận đã qua…
Tôi chỉ là một người đọc thơ và đi tìm những thích thú của thơ cho tôi. Thành ra, có rất nhiều chất chủ quan và nhiều cảm tính. Tôi thích thơ Hoài Khanh vì cái thể cách của thơ ông và cái không gian thơ chất chứa trong ngôn ngữ. Tôi mường tượng thấy một vũ trụ khác, tôi phảng phất nhìn những hiện tượng có chút xa lạ với đời thường nhưng lại có gần cận kỳ lạ với tâm tưởng tôi. Những dòng sông, không còn là những dòng nước thực tại mà với tôi nó như những nguồn đời hoặc xuôi hay ngược đều có chung một nguồn cội. Nó nhắc nhở đến một dòng nhân sinh nhiều bến đỗ. Và con người, nhỏ bé biết bao trong thân phận của mình. Suy niệm về thượng đế, về con người, hay về chính cái Tôi của mình dẫn đến một câu hỏi khó trả lời mà Hoài Khanh đã giải đáp trong thi ca.
Đọc trong Thư Quán Bản Thảo có bức thư của thi sĩ Hoài Khanh nhắc về cô nữ sinh viên Văn Khoa Phạm kim Thịnh. Ông đã viết và đề nghị với Thư Quán Bản Thảo đề cập đến trường hợp bức thư của cô Phạm Kim Thịnh và việc từ chối cuộc phỏng vấn của cô và không đi gặp mặt cô ta lần sau để khi hay tin sau biến cố 1975 cả gia đình cô dùng ghe vượt biển đã bị cướp giết chết khiến ông rất ân hận.
Chuyện cô Phạm Kim Thịnh xin phỏng vấn nhà thơ Hoài Khanh là vì trong học trình cử nhân chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm do giáo sư Thanh Lãng hướng dẫn có chương trình giúp các sinh viên đi thu thập tài liệu về các nhà văn nhà thơ Việt Nam hiện đại. Cô Thịnh gửi thư đến xin phép phỏng vấn với các câu hỏi đính kèm nhưng ông từ chối. Và sự việc ấy đã gây cho ông áy náy và ân hận cả một thời gian dài. Chính trong những lần thư từ bằng email hoặc điện thoại với các thân hữu ở cả Việt Nam và ở hải ngoại ông đều nhắc tới nỗi ân hận của mình.
Hoài Khanh được nhắc nhở nhiều trong những ghi nhận của văn học sử của hai mươi năm văn học miền Nam. Có nhiều cây bút phê bình văn học uy tín đã viết về vóc dáng thi sĩ này. Thí dụ như Bùi Giáng trong ”Đi vào cõi thơ”. Như Trần Tuấn Kiệt trong ”Thi ca Việt Nam hiện đại”. Như Nguyễn Tấn Long và Phan Canh trong ”Thi Nhân Việt Nam”. Như UyênThao trong ”Thơ Việt hiện đại”. Như Nguyễn Đình Tuyến trong ”Những nhà thơ hôm nay”. Như Cao Thế Dung trong ”Văn học hiện đại: thi ca và thi nhân”… Nhiều nhiều lắm. Thành ra có dư luận cho rằng vì Hoài Khanh không ở trong phe nhóm văn nghệ nào trong sinh hoạt văn học thời kỳ đó nên chưa được chú ý đúng mức. Theo tôi, cả danh sách những tác phẩm phê bình văn học trên cùng với những bài khác trên các tạp chí văn học của Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Tam Ích,... thì Hoài Khanh không phải là một vóc dáng thi ca mờ nhạt. Trái lại, đó là một vóc dáng thi ca được yêu mến của giới thưởng ngoạn và góp nhiều công trình vào sự nghiệp văn hóa của dân tộc.
Nhà thơ Bùi Giáng viết trong ”Đi vào cõi thơ” phác họa vài nét về chân dung thi sĩ :
”Từ Dâng Rừng tời Thân Phận, Hoài Khanh đi một bước riêng biệt choáng váng trong dòng lục bát của ông. Ông không bị ảnh hưởng nào gò bó. Ông chỉ chịu ảnh hưởng của trời, của gió, của sương, của dòng sông, bến quạnh quê hương.
Thỉnh thoảng cố nhiên ông bị vướng lụy trong bầu khí hậu văn nghe của hiện tình đất nước chia năm xẻ bảy, ông gượng gạo viết vài bài khổ nhọc không có cách điệu bồng bềnh bất tuyệt trầm hùng của ông. Nhưng đó là trường hợp hy hữu thôi. Riêng biệt những bài xuất thần bi ca của ông thì quả thật vô song bát ngát”
Nhà phê bình Đặng Tiến đã nhận định về tập thơ đầu tay Dâng Rừng như sau: ”Hoài Khanh của Dâng Rừng là một chàng trai vui tươi hý hửng với những buổi mai hồng hẹn hò một hoàng hôn ngập nắng...
Niềm vui dễ dãi ấy đã tìm đến những vần điệu cổ điển, cổ điển đến thành khuôn sáo. Đọc Dâng Rừng sẽ bắt gặp những lời những ý những cảm xúc những vần điệu tiền chế.
Tâm hồn dễ dãi như vậy, kỹ thuật làm thơ khuôn sáo như vậy, thi phẩm đã không tạo cho Hoài Khanh một chỗ đứng nào cả”.
Nhưng Bùi Giáng thì viết ngược lại, viết trong kinh ngạc: ”Anh chưa quá hai mươi tuổi anh làm những vần thơ mà Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Hiếu tái sinh nghe được phải lạnh mình trước cái vĩ đại hồn nhiên của một tài hoa chưa ráo máu đầu. Cái vẻ ngây thơ thăm thẳm của lời thơ chỉ những thiên tài xuất chúng mới có được. Những ”làm ơn che khuất”, những ”ngọn xiêu gió thành, những ”chỉ đau lòng lệ, những "tôi còn gì nữa là tôi’, những ”rằng không dù cũng vâng lời thành không”, những "rung lòng dưới lối em đi”, những ”lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt”, những "gió bao lần từng trận nhớ thương đi”... chính chúng là dấu hiệu, là bằng chứng tuyệt đối của thiên tài.”
Tập thơ Thân Phận. Là thơ của một người cô đơn sống lạc lõng trong đời mang theo những vết hằn tâm thức lưôn nhức buốt không thôi. Thân phận. Là những bài thơ của một người luôn suy niệm để trả lời một câu hỏi viết để làm gì và ta sống hôm nay cho ai và ta hiện hữu có điều gì ý nghĩa. Có thể Thân Phận là những bài thơ nối tiếp dòng thi ca đã có tự ngàn xưa. Viết về Thân Phận, một sinh viên ở Huế là Cao Quảng Văn đã viết: ”ông tưởng tượng thế nào Niềm Vui của tôi khi đọc được Thân Phận? Một ngạc nhiên thích thú của một người vừa “đắc thân” sau nhiều năm tháng “vong thân” Tôi đã dẹp hết sách vở (mặc dù mai mốt vào thi) đốt đèn bạch lạp nhìn ra trăng sáng bên ngoài, nghe tiếng ri rỉ, van vỉ, giun dế và ngâm thơ cho một mình nghe, chỉ vì sợ người nghe thấy.
Mỗi bài thơ là một khúc tình ca đằm thắm, một bi ca nồng nàn là một giai âm thanh sắc. Trọn tập thơ, cả mấy chục bài cả mấy ngàn câu. Vì câu nào cũng ý vị đáo để cả. Tắt một lời, Thân phận là một khúc bi ca dài đã làm cho thời gian ngắn lại,”
Còn tập Lục Bát thì sao? Có gì đặc sắc như Thân Phận? Thơ lục bát của Hoài Khanh có khác biệt so với những người làm thơ trước, đồng thời hay sau. Thơ từ ca dao, từ Nguyễn Du đã thành âm điệu quen thuộc trên sáu dưới tám và người làm thơ sẽ rất dễ dàng bị vướng vào những khuôn sáo để thành nhàm chán. Trước Hoài Khanh, như Cung Trầm Tưởng, như Hoàng Anh Tuấn,... đồng thời như Viên Linh, Trần Đức Uyển, và sau như Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Trúc Ly,... mỗi người đều có những phong thái riêng để thành những sắc thái riêng biệt mỗi người mỗi vẻ mỗi khí hậu, mỗi thế giới riêng. Thế giới của Lục Bát Hoài Khanh theo Tuệ Sỹ là nơi chốn của tiếng ru đồng vọng về từ dòng truyền thống thi ca xa xưa và lời ru hời thăm thẳm thiên thu của mẹ...
Tôi là người đọc và tôi tìm được nhiều bài sáu tám tôi thích và tôi cảm. Có những câu thơ gợi lại những nỗi niềm riêng về nơi chốn cũ về mối tình xưa:
“Chim bay tàn bóng sa mù
thôi sương ở lại đền bù tuổi tôi
nằm đây lạnh suốt mặt trời
hoài thương quá khứ đã ngùi phiêu linh
phố xưa hồn đẫm lệ mình
sông xưa triều đã lênh đênh mấy mùa...”
Trong tập Thân Phận, tôi thích bài Ngồi Lại Bên Cầu. Những câu thơ mà đã có rất nhiều người xưng tụng. Như Đặng Tiến, như Trần Tuấn Kiệt. Như Bùi Giáng. Như Nguyễn Tấn Long. Và đăc biệt như nhà văn Trần Phong Giao đã mượn hai câu thơ cuối để mỡ đầu cho tập truyện ngắn cùng tên Ngồi Lại Bên Cầu của mình:
“Rồi em lại ra đi như đã đến
dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.”
Thơ của ông cũng nói về chiến tranh trong một thời kỳ mà cường độ chém giết đã ở mức cao nhất. Hoài Khanh làm thơ về tình yêu. Về suy niệm thân phận con người. Về những ý thức siêu hình. Về một con người cô đơn bi quan. Về một khung trời thi ca mênh mang của một kiếp người chịu thua mạng số. Và thơ của ông hình như lúc nào cũng ngấm ngầm những phá phách của một người tuy không muốn mà phải chiều theo sắp xếp của Thượng đế trên cao. Và, với chiến tranh, ông bôi đen tâm tư với nỗi buồn rầu bất lực. Thí dụ như bài thơ “Những chiều tiếng súng” trong tập Thân phận:
“Tay tôi bóp những chiều tà
với cồn phố cũ với ga ven rừng
với ngày tháng ở sau lưng
yêu em lòng thấy vô cùng đớn đau
cung quanh còn có gì đâu
nghe ầm tiếng súng đời sâu dưới mồ”
Nguyễn Mạnh Trinh
Nguồn: http://phusaonline.free.fr/
Theo http://www.art2all.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...