Hồ Văn vào một sáng tháng Giêng mưa phùn trông
như một ngôi làng bình yên và cổ kính. Qua những thăng trầm, Hồ Văn đã trở lại
diện mạo vốn có, là vẻ đẹp của “Tiểu minh đường” xưa kia của Văn Miếu.
Hồ Văn thu hút nhiều bạn trẻ đến xin chữ đầu xuân
Phía nam, trước mặt Văn Miếu là hồ Minh Đường hay còn gọi là
Hồ Văn, dân gian xưa kia thường gọi là hồ Giám. Giữa hồ có gò Kim Châu, trên gò
dựng Phán Thủy đường. Theo ý đồ kiến trúc, đây vốn là cái "Tiểu minh đường"
của Văn Miếu, là một bộ phận khăng khít của toàn bộ công trình kiến trúc chung.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Hồ Văn đã có thời bị bỏ
quên, trở thành nơi hoang vu tách biệt với Văn Miếu. Cho đến hôm nay, khi những
giá trị cổ xưa dần được khôi phục, Hồ Văn lại bừng lên trong sắc xuân.
Một hồ nước trong, quanh bờ cây cối râm mát, một gò đất nổi
giữa hồ trên có một kiến trúc nhỏ đẹp lẩn dưới cành lá sum suê, cảnh này mở đầu
cho một khu kiến trúc sẽ trở thành một tấm gương soi, nhân đôi cảnh trí, có tác
dụng gây cho khách tham quan cảm giác mát mẻ dịu dàng ngay từ khi mới đặt chân
vào khu kiến trúc.
Hai năm trở lại đây, cứ mỗi độ tết đến xuân về, nơi đây lại tấp
nập diễn ra hoạt động cho chữ đầu xuân, thi thư pháp. Nhiều người đến đây xin
chữ, thưởng ngoạn khung cảnh thơ mộng và đi dạo trên những con đường lát gạch
nhỏ trong không gian cổ kính để cảm nhận tiết trời xuân đặc trưng của Hà Nội.
Con đường nhỏ trong mưa xuân, những đôi
nam nữ dìu nhau trong mưa.... khiến nơi đây
mang một nét đẹp cổ xưa, dịu dàng
Một góc quán nhỏ dưới gốc cây trầm mặc, thanh bình
Và nơi những người trẻ đi xin chữ, người già
ngồi uống với nhau chén trà đầu năm...
Mặt hồ tĩnh lặng trong mưa xuân
bừng sáng sắc sen hồng...
Bảo Thoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét