Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

Kỳ công thú chơi lan cổ

Kỳ công thú chơi lan cổ
Hàng năm, vào một ngày xuân đẹp trời, lan trong vườn nở rộ, nhà chủ thường mời gọi dăm ba người bạn chí cốt, thuộc diện "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" đến chơi nhà. Người ta ví: Chăm được một chậu lan quý cũng tựa như chinh phục được một cô gái đẹp. Cuộc chinh phục càng khó khăn thì chiến công càng vẻ vang, và kẻ chiến thắng càng thêm phấn khích, tự hào...
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Chi ở làng Định Công, huyện Thanh Trì (nay thuộc quận Hoàng Mai), Hà Nội, nằm trong một khu vườn quanh năm rợp bóng xanh. Mùa hạ, ngõ vào nhà thơm ngát hương hoàng lan; mùa thu, dìu dịu hương quỳnh. Hương hoa từ trên cao theo gió sớm, sương đêm, buông tỏa xuống mặt đất hiền hòa, tạo nên một bầu không gian thật thanh nhã và mộng mơ.
Qua ba tháng mùa đông khô cằn, khi những màn mưa xuân phơ phất vương bay trong trời đất, ngôi nhà của ông Chi lại chìm ngập trong một bầu hương thơm nồng nàn mà rất đỗi thanh tao. Ấy chính là hương thơm của hàng trăm chậu địa lan đang kỳ rộ hoa.
Trong nền văn hóa cổ truyền các dân tộc Á Đông, sự vần chuyển của một năm thời gian vũ trụ được mã hóa bằng hình tượng các loài hoa quý giá và đặc sắc của bốn mùa: Xuân lan - Hạ liên - Thu cúc - Đông mai (Hoa lan mùa xuân, hoa sen mùa hạ, hoa cúc mùa thu, hoa mai mùa đông). Những gia đình truyền thống ở Hà Nội thường vẫn treo bộ tranh Tứ bình - Tứ quý như thế trong phòng khách.
Hoa lan, tự xa xưa đã được các bậc tiền nhân liệt vào hàng “Vương giả chi hương”, có lẽ không chỉ bởi chúng vốn được lưu truyền trong chốn cung vua phủ chúa cao ngạo, thâm nghiêm, mà chính là bởi chúng mang thứ hương thơm không loài hoa nào trên thế gian sánh nổi. Tuy nhiên, ông cha ta tự xưa chỉ ngưỡng vọng các loài địa lan, tức là các loại hoa được trồng trong đất, do tự tay người chăm sóc. Còn đối với các loài phong lan, tuy muôn hình vạn trạng, thắm sắc, đượm hương, thì cũng vẫn chỉ là cây rừng hoa núi, hoang sơ, lạ lẫm. Người ta yêu địa lan không chỉ bởi sắc đẹp và hương thơm của chúng, mà còn bởi chúng là những tác phẩm nghệ thuật phụ thuộc vào chính bàn tay kinh nghiệm và sự sáng tạo của những người yêu hoa.
Vậy mà, trong vòng khoảng nửa thế kỷ qua, người Hà Nội chỉ loáng thoáng nghe nhắc đến hoa lan qua câu tục ngữ: “Làm chúa chơi lan, làm quan chơi trà”, hoặc là qua áng văn chương tuyệt mỹ của nhà văn người Hà Nội gốc, nổi tiếng hào hoa, lịch lãm Nguyễn Tuân, tác giả "Vang bóng một thời”. Trong những câu chữ được gọt giũa cầu kỳ đến mức điêu luyện ấy, vẫn đau đáu nỗi niềm của một kẻ nặng lòng hoài cổ, đang thả hồn chìm đắm trong những dòng hồi ức lung linh, kỳ ảo, nhớ về vẻ đẹp của thời quá vãng xa xôi tưởng sẽ không bao giờ sống dậy, chỉ còn lại đôi ánh hào quang mờ dần trong niềm tiếc nối khôn nguôi.
Thế rồi, khi nhắc tới khái niệm dân giã như ngọc lan, hoàng lan và sau này, khái niệm đó được làm giàu thêm bởi trăm loài phong lan hoang dã, cùng những giống hoa lan được nuôi trồng theo phương pháp công nghiệp hiện đại, thì dường như không có tên tuổi bất kỳ một loài hoa địa lan cổ truyền nào lọt vào trí não những đứa trẻ Hà Nội sinh ra ở cái thời chiến tranh, bao cấp gian khó dằng dặc ấy. Tôi cũng là một trong số đó, không khác.
Thì bỗng đâu, cũng thầm lặng, nhẹ nhàng như trong khoảnh khắc lìa xa năm xưa, vào một sớm đầu xuân mới, dưới làn nắng nhẹ vương tơ, thấp thoáng hiện lên những dáng vẻ, sắc màu như lạ như quen. Lan Hoàng Vũ như cơn mưa màu cốm non, lan Hoàng Điểm hoa nâu chấm vàng như  gấm thêu, lan Cẩm Tố giò vươn cao, cánh dài thon thả, thanh thoát như cánh tay vũ nữ... Và người Hà Nội, cũng như chợt tỉnh giấc mơ, mừng rỡ đón chào những nàng tiên lan, những nàng tiên chỉ hiện hình trên thế gian, dưới một bầu trời bình yên, sán lạn, và chỉ khoe hương sắc bên những con người không mấy còn cay cực, vật vã bởi cuộc mưu sinh khốn khó. Hà Nội trong những năm cuối thế kỷ XX dường như đã thoáng hiện dáng vẻ của một chốn địa đàng sơ khởi mà bao lớp người chúng ta từng mơ ước.
Và cứ như thể đã quen biết tự trăm năm, người Hà Nội đã không lấy làm lạ lẫm khi gọi tên hàng chục hàng trăm loài địa lan quý hiếm đang tụ hội trở về đất kinh kỳ ngàn tuổi. Nào là Bạch Ngọc, Thanh Ngọc, Thanh Trường, Ngân Biên, Mạc Biên, Cẩm Tố, Hoàng Vũ, Hoàng Điểm, Tiểu Kiều, Đại Kiều... Những tên hoa cao sang, mỹ lệ đến thế mà lạ không, tưởng như ta đã từng biết đến trong những giấc mơ xa.
 Nghe người ta nói, thì hoa lan có tới vài ba trăm loài, với hàng nghìn cá thể khác nhau. Song những dòng lan lưu truyền tại Hà Nội tương truyền có nguồn gốc từ hoàng thành, vương phủ, nên chúng mang hương thơm quý giá hơn hẳn địa lan ở các vùng miền khác trên đất nước. Bởi thế, chúng được giới chơi lan mến chuộng tha thiết.
Cho đến bây giờ, vườn cảnh nhà nghệ nhân Lê Quyết Bội tại làng Nghi Tàm, bên bờ hồ Tây cũng chỉ có dăm bẩy chậu lan bày rải rác quanh bể nước non bộ trước sân nhà. Lão nghệ nhân tóc bạc trắng, thong thả cầm chiếc bình đồng nhỏ, khẽ khàng tưới nước vào từng chậu lan. Ngày xửa ngày xưa, cả một dải đất rộng lớn bên hồ vốn là thủy thổ của các loài địa lan cổ truyền...
Bằng một giọng nói trầm trầm, nghệ nhân kể lại rằng, lan là một loài cây rất kén đất. Vào mùa hanh khô, người ta tát ao, vét bùn. Gạt đi lớp bùn hoa trên mặt, xắn lớp bùn thứ hai đem phơi khô trên sân nắng. Chừng độ ba, bốn, thậm chí cho tới sáu tháng sau, khi bùn khô nẻ, hết sạch tạp chất, sâu bọ, người ta mới đem đập vỡ, sàng lọc, để đưa lên chậu trồng lan.
Ông Nguyễn Luân, một nhà làm hoa chuyên nghiệp của làng Nghi Tàm cho biết, người xưa truyền lại rằng, lan cũng như trà, tựa như các nàng phi tần, quận chúa, tiểu thư khuê các, hiếm khi lộ diện bên ngoài dưới ánh sáng mặt trời gay gắt, sỗ sàng. Lan thường quen ẩn mình dưới tán lá rợp hay giàn thưa che nắng, như người đẹp núp bóng quân vương mà khoe hương sắc. Chuyện xưa kể lại rằng, những khóm hoa trong cung vua phủ chúa sở dĩ tốt tươi, ấy là bởi hàng ngày chúng được các cung tần mỹ nữ dốc công chăm sóc. Các nàng thường lấy nước rửa mặt thơm mùi hương người đẹp mà tưới tắm cho lan. Chờ khi lan trổ hoa, các nàng sẽ có cơ hội đón rước đấng quân vương đến ngự lãm.
Do chậm sinh sôi, nảy nở, nên lan phải được chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo và kỹ lưỡng. Tuy nhiên, do là thứ cây khó tính, nên việc chăm sóc cũng phải vừa mức, tránh sự bất cập cũng như thái quá. Phân bón cho lan cũng không thể tùy tiện, phải ngâm ốc và cá vụn trong nước khoảng độ một năm, cho hoai hết mùi hôi, rồi mới pha loãng mà tưới cho lan. Chớ bao giờ nghĩ tới việc có thể dùng phân hóa học hay thuốc kích thích sinh trưởng. Thế thì thà trồng rau mà hái lá nấu canh.
Nghệ nhân Hai Ninh, cũng người làng Nghi Tàm thì may mắn có được những người con và một đôi đứa cháu kế thừa kỹ nghệ nhân giống và chăm sóc hoa lan giống cổ Hà Nội. Đặc biệt là cậu cháu trai tên là Dũng, đã miệt mài theo học Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Đó là một may mắn hiếm có giữa thời buổi làng đang biến thành phố nhanh đến không tưởng này.
Mặc dù hoa lan mỗi năm chỉ nở có một lần, song kỳ hoa kéo dài chừng vài ba tháng, như thế, hương sắc của nó đã kịp trở thành niềm thân yêu quấn quýt khó rời. Hương hoa lại tùy theo thời khắc hay hướng gió mà tỏa lan gần xa, lúc thắm thiết, sực nức, khi lại nhạt nhòa, xa xôi, như mơ như thực, như có như không. Bởi vậy càng khiến cho kẻ yêu hoa thêm say đắm, chờ đợi, ngóng trông. Còn nhớ trong khúc "Tỳ Bà Hành" nổi tiếng, khi cô gái đẹp bến Tầm Dương buông tay đàn ngưng lặng trên mặt sông đêm, nhà thơ Đường Bạch Cư Dị đã thốt thành lời: "Thử thời vô thanh thắng hữu thanh" (Lúc này lặng tiếng còn hơn cất tiếng). Cái khoảnh khắc lan ngừng tỏa hương giữa hai đợt gió, cũng có thể ví như thế chăng?
Hoa lan có nhiều chủng loại. Mỗi loại thường chọn mùa trổ bông khác nhau. Có thứ lan nở mùa xuân, có thứ lan nở mùa hạ, song có thứ lan nở về mùa thu hay mùa đông. Lại có thứ lan nở cả bốn mùa. Các cụ ta khó tính, giới sĩ phu Bắc Hà vốn thế, vẫn chê lan Tứ thời là thứ dễ dãi, rẻ tiền, như những kẻ xu phụ tiểu nhân ngoài xã hội, không biết giữ phẩm giá tư cách trong sự đổi thay của thời thế. Nói như vậy, quả là cũng oan uổng cho hoa. Song đã gọi là nghệ thuật, là thú chơi, có mấy khi và có mấy ai lại không thiên lệch một đôi phần.
Trong cái thời khắc khởi đầu năm mới, đất trời thanh sạch, nhẹ nhàng, nắng mai phơ phất non tơ, những đóa lan xuân hé nở, vươn lên những cánh nhỏ mềm như lụa nõn, khoe sắc màu thanh tân trang nhã. Làn gió đông dịu dàng chợt đến, chợt đi, mang hương hoa tỏa lan, phảng phất khắp không gian. Lòng người chợt xao xuyến lạ lùng. Và bỗng dưng người ta nảy sinh cái ước muốn được trao gửi, được xẻ chia tâm tình cùng anh em bầu bạn.
Hàng năm, vào một ngày xuân đẹp trời, lan trong vườn nở rộ, nhà chủ thường mời gọi dăm ba người bạn chí cốt, thuộc diện "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" đến chơi nhà. Khách gần, khách xa, đều không thể bỏ lỡ dịp may hiếm có trong năm. Người ta ví: Chăm được một chậu lan quý cũng tựa như chinh phục được một cô gái đẹp. Cuộc chinh phục càng khó khăn thì chiến công càng vẻ vang, và kẻ chiến thắng càng thêm phấn khích, tự hào.
Có lẽ bởi vậy mà trong giới chơi hoa mới nảy sinh thú vui trưng hoa, thưởng hoa, bình hoa. Để mà ở đó, người ta có dịp kể lể, tán tụng, so sánh, phẩm bình vẻ đẹp và hương thơm của từng khóm lá, từng giò hoa. Xưa nay, trong muôn loài hoa cảnh, chỉ có hoa lan, thứ hoa “vương giả chi hương” mới xứng đáng được chủ hoa mở tiệc đón mừng, khao đãi. Thành ngữ “bữa tiệc thưởng hoa” ra đời từ đó cũng nên.
Thực ra, cái đáng quý nhất ở các loài địa lan chính là hương thơm của chúng. Tự xưa, đối với dân các nước Á Đông, thì ngay cả trong các khái niệm thuộc về mỹ cảm, cũng nặng chất duy lý. Tuy hướng đến sự toàn bích, tận thiện, toàn mỹ, song nếu xét nét riêng, thì cái sắc cái hình vẫn không thể sánh nổi cái thanh, cái hương. Bởi thế, tuy hoa trà, hoa mẫu đơn được bầu là chúa các loài hoa mà các bậc tiền nhân vẫn coi chúng là những thứ hữu sắc vô hương, chẳng coi trọng tôn thờ như đối với các loài hoa mang hương thơm như mai hoa, thủy tiên, địa lan...
Tuy mỗi giống địa lan đều có hương thơm đặc trưng riêng khó lẫn, nhưng tựu trung hương thơm của hoa lan rất dịu dàng và thanh tao, nhẹ nhõm và tinh khiết. Lại nói, trong truyện "Vang bóng một thời", nhà văn Nguyễn Tuân đã từng miêu tả sự tinh tế đến mức quá kỳ cầu, sự sang trọng đến mức quá cao xa của thú chơi hoa lan, nhất là khi các bậc tiền nhân tổ chức một bữa tiệc thưởng hoa.
 "Những thú chơi cổ truyền thanh lịch hào hoa cứ thế dần dần sống lại, chẳng cần đến một cuộc hô hào vận động rầm rộ tốn kém nào, phải chăng chúng cũng chính là những tín hiệu có giá trị đích thực từ cuộc sống vật chất và tinh thần ngày một sung túc và hài hòa của người Hà Nội hôm nay..."
Chờ khi trong vườn có đôi giò lan hé nở, nhà chủ thường lấy mươi tờ giấy tốt, làm khung nứa mỏng, nương theo chiều cao của ngọn hoa mà phất đôi ba chiếc lồng bàn nhẹ. Thế rồi dâu gái trong nhà phải rửa sạch từng viên đá cuội trắng tròn, đem tẩm kẹo mạch nha nấu từ mầm lúa nếp, xếp vào những đĩa nhỏ, bầy quanh gốc lan, đậy lồng bàn cho kín. Sau một ngày đêm ủ hương lan như thế, nhà chủ mới mở tiệc trà hay rượu, mời đôi ba người bạn tri âm tri kỷ đến thưởng hoa, và ngâm vịnh thơ phú, bình luận văn chương. Chao ôi, cái thú chơi cao sang đến vậy, thì làm sao có thể tồn tại nổi trong mấy mươi năm chiến tranh giặc giã, Tây Tàu nhộn nhạo, mới cũ bất phân!
Vậy mà chỉ chừng sau mươi lăm năm khi chiến tranh kết thúc, non sông thống nhất, cuộc sống trở lại thanh bình no ấm, thì theo đó, thú chơi hoa lan cũng như thú chơi hoa cảnh, chim cá quý hiếm như thủy tiên, trà hoa, họa mi, hoàng yến, thần tiên, cá rồng... đã phục hồi một cách nhanh chóng.
Gần đây, giới yêu hoa ở Hà Nội gồm các bậc văn nhân, trí giả, nghệ nhân cây cảnh, các bậc cao niên và cả những người trẻ tuổi đã dần dần nhóm họp thành những hội chơi nhỏ. Họ thường đi lại thăm thú vườn tược hoa cảnh lẫn nhau, bàn bạc hỏi nhau cách thức chọn giống, chăm sóc phòng bệnh cho hoa, tìm tòi sưu tập thêm những giống hoa lan quý hiếm, mới lạ. Và họ coi đó là niềm vui đích thực, là những khoảng thư giãn cần thiết, là sự dinh dưỡng tinh thần hữu ích trong cuộc sống còn bộn bề lo âu vất vả hôm nay.
Vườn lan ông Chi, làng Định Công, vườn lan nghệ nhân Hai Ninh, làng Nghi Tàm là những địa chỉ lui tới vô cùng hấp dẫn và quyến rũ của Hà Nội những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Vườn lan của nhà anh Dũng ở làng Nhật Tân cũng là một địa điểm đầy sức thu hút giới chơi lan ở Hà Nội và cả các tỉnh ngoài Bắc, trong Nam. Anh có một lối chơi lan rất cao ngạo. Nếu không gặp được khách mua đúng ý, nói không hợp chuyện, không đáng chỗ trao gửi những đứa con yêu dấu, anh thà để lại vườn, mỗi tuần cắt vài chục giò trưng trong chiếc bình lớn, khiến không gian trong nhà ngoài vườn đều thơm nức như trong động tiên.
Trước nhu cầu thị trường địa lan càng phát triển, mở rộng, các nhà khoa học đầu ngành trồng trọt ở nước ta cũng chẳng thể thờ ơ. Nếu như không nói rằng, nhu cầu đó cũng tạo lập một cơ hội tốt cho họ thể hiện sự tinh nhạy và tài năng chuyên môn. Bắt đầu từ năm 1997, trung tâm hoa cây cảnh thuộc Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành triển khai đề tài khoa học nghiên cứu phát triển các loài hoa địa lan thơm Hà Nội. Chị Phạm Thị Liên là người được giao chuyên nghiên cứu về đề tài nhân giống vô tính trong phòng thí nghiệm để đưa ra trồng đại trà các giống lan quý cổ truyền dân tộc. Đó chính là đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ của chị. Những thú chơi cổ truyền thanh lịch hào hoa cứ thế dần dần sống lại, chẳng cần đến một cuộc hô hào vận động rầm rộ tốn kém nào, phải chăng chúng cũng chính là những tín hiệu có giá trị đích thực từ cuộc sống vật chất và tinh thần ngày một sung túc và hài hòa của người Hà Nội hôm nay...
1/2/2019
Vũ Phương Nguyên
Theo http://www.daibieunhandan.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...