Hiện sinh, tình yêu, cái chết trong
ca từ ở miền Nam giai đoạn
1954 - 1975
So với những trào lưu hiện đại chủ nghĩa có tính chất tiền
phong, mối quan tâm hàng đầu của chủ nghĩa hiện sinh chưa phải là vấn đề hình
thức nghệ thuật mà là vấn đề đổi mới cách nhìn về con người và thế giới.
Tuy nhiên, đúng như Jean-Paul Sartre nhận xét, “người ta là
nhà văn không phải vì đã viết cái gì mà vì viết như thế nào”. Chủ nghĩa hiện
sinh đã đem đến cho văn học thế giới những tác gia và tác phẩm lớn, vì cùng với
quan niệm hiện sinh về con người tự do, nó đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn
hiện tượng luận vào sáng tạo nghệ thuật và đã nâng nghệ thuật miêu tả hiện tượng
luận lên đến đỉnh cao.
Vận dụng hiện tượng luận, văn học hiện sinh tìm cách miêu tả
thật chi tiết, cụ thể kinh nghiệm của con người trong một thời điểm nhất định
và xem đó là cái thực. Với trào lưu này, điều quan trọng là miêu tả những hiện
tượng diễn ra trước ý thức của con người chứ không phải là giải thích, diễn
dịch hay phân tích. Chủ nghĩa hiện sinh không tin rằng cái tôi là một trung tâm
của chân lý có khả năng nắm bắt hiện thực như nó vốn có. Cái tôi nhà văn chẳng
qua là một ý thức hướng về thế giới, một thế giới mờ đục, không dễ thấu
hiểu, vì nó bị che giấu, ta chỉ có thể nhìn thấy mặt ngoài của sự vật và
khám phá một phần bản chất của nó thông qua những hiện tượng mà ta tiếp nhận
được. Nói như vậy không có nghĩa là hiện tượng có thể xuyên tạc bản chất, bởi
bản chất chính là toàn thể các hiện tượng chứ không phải là cái gì khác.
Miêu tả hiện tượng luận là từng bước và từ nhiều góc độ vén bức màn cho ta
nhìn thấy thế giới qua những bức tranh trắc diện của nó 1.
Tuy không giải thích, không phân tích, nhưng bằng sự miêu tả,
văn học nghệ thuật sáng tạo ra ý nghĩa. Sứ mạng của con người là ban phát ý
nghĩa: “con người bị kết án phải có ý nghĩa”, như Merleau- Ponty đã nói. Mọi
cái nhìn, mọi hành vi của con người, kể cả những hành vi vô tình, đều là những
ý nghĩa. Con người không thể hiểu thấu bản chất của sự vật, nhìn thấu bản
thể của đối tượng, biết đến tận đáy của sự vật. Điều này chỉ xảy ra nếu đó là
cái nhìn của Thượng đế hoặc nếu đó là một sự vật trong suốt và bất biến. Trên
thực tế, con người chỉ có thể nhìn sự vật từ một góc độ, mỗi cái nhìn khai mở
cho ta thấy một khía cạnh, một phương diện của sự vật mà thôi2.
Trên bình diện sáng tác văn học, chủ nghĩa hiện sinh đã đem lại
cho văn học miền Nam (1954 - 1975) những thay đổi đáng kể, với quan niệm nghệ
thuật về con người cô đơn trong một thế giới phi lý, với ngôn ngữ và kỹ thuật
miêu tả hiện tượng luận. Đây có thể là ảnh hưởng tự phát, nhưng cũng có thể
là ảnh hưởng tự giác, ở những nhà văn trực tiếp đọc lý thuyết và sáng tác
văn học hiện sinh Tây Âu. Cung Tích Biền, một người trong cuộc, ghi nhận: “Do
có đồng khí tương cầu, chủ nghĩa hiện sinh đã có đất gieo mầm tại miền Nam một
thời. Nó là dòng chảy, từ tư duy đến hành động, thái độ sống; nơi mỗi cá thể
thành những tập thể quần chúng; từ cục bộ trí thức đã lan tỏa đến một tầng lớp
xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lãnh vực văn chương nghệ thuật, âm nhạc,
hội họa”3.
Trên bình diện lý thuyết, trí thức miền Nam, nhất là trí
thức khuynh tả, chịu ảnh hưởng Sartre khá sâu đậm. Còn trên bình diện cảm thụ,
độc giả Sài Gòn đọc Camus nhiều hơn Sartre và do đó, ảnh hưởng của Camus về mặt
nghệ thuật có lẽ sâu sắc hơn. Phạm Công Thiện tinh tế khi nhận xét rằng “về
con người thì Sartre cho rằng hiện hữu có trước yếu tính (L’existence précède
l’essence), nhưng về nghệ thuật văn nghệ thì Sartre gián tiếp cho rằng yếu tính
có trước hiện hữu (L’essence précède l’existence)”4. Nói theo ngôn ngữ ngày
nay, tác phẩm văn xuôi và kịch của Sartre phần nào có yếu tố minh họa cho triết
học.
Liên quan đến chủ đề tình yêu trong sáng tác văn nghệ ở miền
Nam, thế giới tính dục như là xung năng chi phối đời sống con người trở thành một
mô-típ ám ảnh qua ngòi bút của Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường, Túy Hồng,
Nguyễn Thị Thụy Vũ… Thực tiễn tiếp nhận văn học cho thấy giữa phong hóa dân tộc
và những tác phẩm có yếu tố tính dục từng diễn ra những bất hòa, xung đột.
Tiểu thuyết Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng bị phê phán một cách cực
đoan vào giữa những năm 1960 là một trường hợp tiêu biểu.
Hình tượng thị giác, hình tượng âm thanh và hình tượng ngôn từ
trong văn nghệ có thể là sự tái hiện từ tiềm thức hay vô thức của người nghệ
sĩ. Những ám ảnh tuổi thơ và những chấn thương tinh thần thường để lại dấu
vết dài lâu trong tâm hồn con người. Theo tinh thần phân tâm học, “đứa trẻ
nào, tác phẩm ấy”. Những ảnh tượng từ thời thơ ấu đã bao năm mất hút trong lớp
trầm tích của quá khứ, nhờ một sự khơi gợi tình cờ nào đó, bỗng sống dậy và trở
thành cảm hứng của người nghệ sĩ.
Trong lĩnh vực âm nhạc, mối quan hệ giữa phân tâm học hiện
sinh và sáng tác văn nghệ có thể được minh họa qua một số ca khúc của Phạm Duy
và Lê Uyên Phương.
Bên cạnh những bài hát hay viết cho tuổi thơ mang âm hưởng
dân ca như Em bé quê, Ông trăng xuống chơi…, Phạm Duy có những ca khúc viết
về thời niên thiếu, trong đó phải kể đến Kỷ niệm và Tóc mai sợi vắn sợi dài.
Bài đầu là tâm nguyện của một người muốn trở về trú ẩn trong tuổi thơ bình
an: Cho đi lại từ đầu/ Chưa đi vội về sau/ Xin đi từ thơ ấu/ Đi vui và bên
nhau/ Trong tim thì sôi máu/ Khóe mắt có trăng sao/ Bông hoa cài trên áo/ Trên
môi một nguyện cầu… Bài sau là nỗi luyến tiếc về một mối tình thơ dại qua
câu ca dao “Tóc mai sợi vắn sợi dài/ Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”:
Đời sống trôi hoài không nghỉ ngơi/ Đời sống kéo dài nỗi trần ai/ Bao nhiêu
bao nhiêu thiên trường ca/ Không qua không qua câu mẹ hò.
Rời bỏ kháng chiến, giã từ miền Bắc vào miền Nam từ năm
1951, cuộc sống đô thị Sài Gòn hẳn có tác động làm thay đổi tư duy âm nhạc của
Phạm Duy. Khoảng giữa những năm 1960 ông bắt đầu đưa yếu tố nhục cảm vào ca
khúc, mới đầu còn nhẹ nhàng trong những bài Cỏ hồng, Nha Trang ngày về,
như chính nhạc sĩ thừa nhận5. Ở đây người tình đưa người tình lên đồi cao Đà Lạt
(Rước em lên đồi cỏ thơm mùi sữa/ Níu em yêu ngồi trên bãi cỏ tơ/ Giương đôi
tay ôm thân tròn ơn mưa móc/ Hãy xõa mái tóc rũ trên vai anh mòn); hay người
tình ngồi một mình trên bãi biển Nha Trang mà nhớ nhung (Lớp sóng mơn man thịt
mềm da ngát hương/ Nào ngờ sóng cuốn trôi đi lầu vàng trên bãi hoang…) thì
tình yêu cũng đã bước từ giai đoạn thuần khiết cảm tính sang giai đoạn nhục
tính.
Về mặt này Phạm Duy táo bạo hơn rất nhiều so với lớp nhạc sĩ
trẻ viết tình ca thời đó như Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Anh Việt
Thu, Trầm Tử Thiêng, Ngô Thụy Miên… Trịnh Công Sơn hiền lành chỉ viết được rất
mơ hồ: Ru đời đi nhé, ôi môi ngon này giữa trần gian/ Ru từng chiếc bóng
lênh đênh vào giấc ngủ ngon/ Cho tôi tay gối mong manh/ Cho tôi ôm lấy vai
thon…
Trịnh Công Sơn không dám qua mặt Xuân Diệu (Đã hôn rồi, hôn
lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt); còn
Phạm Duy thì không chịu dừng ở đó. Những năm cuối của cuộc chiến tranh, ông còn
viết Vỉa hè ca, Tục ca với ca từ thật sống sượng: Tôi có người yêu đ. to
như mông Thẩm Thúy Hằng/ Cái đ. nhìn qua khiến ta phải ngỡ ngàng…
Tất nhiên, ở Sài Gòn lúc đó chẳng mấy người chịu hát những
bài “ngợi ca tính dục” thô thiển của Phạm Duy; thậm chí đây là một trong nhiều
lý do khiến nhà phê bình Nguyễn Trọng Văn diễn thuyết và in sách Phạm Duy
đã chết như thế nào?. Vấn đề là tại sao tác giả của những tuyệt phẩm Quê
nghèo, Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung, Giọt mưa trên lá, Nghìn trùng xa cách… lại
chịu viết những bài hát câu khách và nổi loạn như vậy. Ở đây có ảnh hưởng của
cuộc giải phóng tính dục sôi nổi đương thời từ phương Tây mới tràn vào các đô
thị miền Nam; đồng thời cộng hưởng với tâm trạng bất an, mệt mỏi, rệu rã,
mất phương hướng mà cuộc chiến tranh đem lại. Cho nên ám ảnh tính dục lúc đó gắn
liền với ám ảnh về cái chết. Khao khát tính dục như một lối thoát khỏi ám ảnh
về cái chết. Ngược lại, cái chết là bi kịch mà cũng đồng thời là giải thoát.
Ở miền Nam, người biểu hiện nỗi ám ảnh về cái chết ấn tượng
nhất là đôi song ca Lê Uyên và Phương. Với hai tập nhạc cùng xuất bản năm
1970 (Khi loài thú xa nhau và Yêu nhau khi còn thơ) được chính tác giả
giới thiệu với công chúng Đà Lạt và Sài Gòn, Lê Uyên Phương trở thành hiện tượng
độc đáo của đời sống văn nghệ miền Nam giai đoạn đó. Nhạc tình của Lê Uyên
Phương kêu gọi tuổi trẻ tận hưởng tình yêu khi cái chết cận kề, chết bởi chiến
tranh hay bởi bệnh tật, tận hưởng như lần yêu nào cũng là lần yêu cuối. Cũng vì
ám ảnh của cái chết mà hạnh phúc không bao giờ trọn vẹn, luôn luôn trong trạng
thái chơi vơi, mong manh, thoáng chốc. Ca từ của Lê Uyên Phương là sự kết hợp
của hơi hướng phân tâm học và hơi hướng hiện sinh, kết nối ám ảnh tính dục với
ám ảnh về cái chết: Một chiều mưa áo trắng đưa nhau/ Bên kia đời tình
buông nửa vời/ Lần này đây đã hết cho nhau/ Thôi điên cuồng thịt da rã rời
[…] Cuộc tình đó như qua ngày đông/ Phòng lạnh giá môi xô nụ hôn/ Người nằm đó
xin cho được yên/ Còn tìm đâu áo mát thanh xuân/ Ấp hơi nồng trên da thịt đầy/
Còn tìm đâu gối thắm đê mê/ Còn gì đâu… (Đưa người tuyệt vọng).
Thế giới tình yêu trong ca khúc Lê Uyên Phương không chỉ là
hoa thơm trái ngọt, gió thổi mây trôi, chim bay bướm lượn như tình ca thời
lãng mạn. Trong thế giới đó, mê say đi liền với ê chề, nồng nàn đi liền với
chua cay, đắm đuối đi liền với chán chường. Có lúc tác giả gọi thế giới đó là
“vũng lầy”: Ta sống trong vũng lầy/ Một ngày vùi dần còn vùi sâu còn vùi
sâu trong ngao ngán không dứt hết cơn ê chề/ Ta sống trong vũng lầy/ Một
ngày vùi dần còn vùi sâu còn vùi sâu trong ngao ngán không dứt hết một lần
đau (Vũng lầy của chúng ta).
Trong đời thực, Lê Uyên và Phương là đôi nghệ sĩ khởi nghiệp
từ Đà Lạt giống như Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, nhưng có điều khác là họ trở
thành đôi tình nhân, rồi trở thành bạn đời chia sẻ một quãng đời trong nước đến
một chặng đời ở hải ngoại. Nếu tiếng hát Khánh Ly biểu cảm những ca khúc hòa hợp
được yếu tố hiện sinh, siêu thực và tinh thần Thiền học của Trịnh Công Sơn;
thì tiếng hát Lê Uyên diễn tả nỗi đắng cay pha mùi khoái lạc hiện sinh cộng với
nỗi hoang mang sợ hãi trầm thống trước điềm báo về cái chết. Phương, từ một vết
đau trên da thịt luôn nghĩ về phút giây vĩnh biệt người tình đã sẻ chia, đồng cảm
với ông trong âm nhạc và trong cuộc đời: Giờ này còn cầm tay/ Cầm chắc
mối duyên bẽ bàng/ Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng/ Cầm giá buốt thương đau/ Ngày
mai ta không còn thấy nhau (Cho lần cuối).
Không phải ngẫu nhiên mà Thế Uyên đặt nhan đề cho một bài viết
về ca khúc Lê Uyên Phương là Tình ca - ranh giới sống chết: “Những tình
tự chất liệu nguyên, hoang sơ như một đám cỏ tranh trên đồi, những xúc động
nguyên thủy của nam nữ, tất cả qua giọng ca của một người nữ như còn run rẩy
trong cơn làm tình và tê dại toàn thân trong đau đớn vì tình yêu đã bay đi. Và
thích thú hơn, hình như tôi đã nghe thấy, cảm thấy thứ tình yêu ranh giới sống
chết ấy”.
Lê Uyên và Phương đã đi đến cùng ranh giới đó, và cũng như
sự an bài của định mệnh, họ đã không vượt qua được lời nguyền của sự chia cắt,
khi hai người tưởng đã an trú nơi xa xứ, sau khi đã vượt qua những thử thách của
hoàn cảnh. Lê Uyên Phương đã tiên tri cho số phận mình khi chính tác giả sớm viết
bài Requiem cho linh hồn nghệ sĩ: Màn đêm mở huyệt sâu/ Mộng đời xin dài
lâu/ Một vì sao lạ rơi/ Nghe hồn tê tái trên dòng hương khói bay/ Ái ân ơi đừng
phụ lòng ta/ Nhớ thương sâu xin gửi người xa/ Khóc nhau trong cuộc đời/ Giấc mơ
xưa khăn phủ vành sô/ Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau/ Chết bên nhau thật là
hồn nhiên (Dạ khúc cho tình nhân).
Thật ra trong ca từ âm nhạc miền Nam đâu phải chỉ mình Lê
Uyên Phương nói về cái chết. Phạm Duy, Trịnh Công Sơn còn nói nhiều hơn. Nhưng
cái chết trong ca khúc của các tác giả này là cái chết hiện thực, cái chết do
chiến tranh phi lý; còn cái chết trong ca khúc Lê Uyên Phương là ám ảnh của định
mệnh cá nhân, gần với sự kết hợp đối nghịch giữa xung năng tính dục và chấn
thương tâm lý trong phân tâm học.
Chủ nghĩa hiện sinh đi vào xã hội miền Nam vào thời buổi chiến
tranh khốc liệt đầy bi đát. Những khái niệm “quê hương lưu đày”, “địa ngục”,
“cô đơn”, “phi lý”, “buồn nôn”, “thời gian hữu hạn”… không phải là những từ ngữ
văn nghệ thuần túy mà ứng với thực trạng của quê hương. Cái chết không còn là
một ám ảnh siêu hình mà là sự thật, gắn với người thân yêu, với những địa
danh, những trận đánh có thực. Tình ca của Trịnh Công Sơn bấy giờ là “tình ca
của người mất trí”: Tôi có người yêu chết trận Pleime/ Tôi có người yêu
ở chiến khu Đ/ Chết trận Đồng Xoài/... Tôi có người yêu chết trận Ba Gia/
Tôi có người yêu vừa chết đêm qua/ Chết chẳng hẹn hò, chết thật tình cờ/
Không hận thù, nằm chết như mơ (Tình ca của người mất trí).
Trong khi đó, những người tình nhân trong ca khúc Phạm Duy
đứng trước một dự báo thảm khốc. Người trở về trong cuộc chiến tranh lần thứ
nhất là “anh thương binh chống nạng cày bừa… có con trâu xanh hết lòng giúp
đỡ” với niềm vui và hy vọng. Còn người trở về trong cuộc chiến tranh thứ hai
này, nếu may mắn là “trên đôi nạng gỗ… tật nguyền chai đá”, còn rủi ro
là: Anh trở về hàng cây nghiêng ngả/ Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa/
Anh trở về trên chiếc băng ca/ Trong trực thăng sơn màu tang trắng […] Anh trở
về chiều hoang trốn nắng/ Poncho buồn liệm kín hồn anh/ Anh trở về bờ tóc em
xanh/ Chít khăn sô lên đầu vội vã… (Kỷ vật cho em, thơ Linh Phương).
Đời sống bi thảm đó dẫn con người đến những thái độ chọn
lựa khác nhau. Âm nhạc Phạm Duy là một thái độ. Ông từng “khóc cười theo vận
nước nổi trôi”, rồi ông tỏ thái độ bất cần dư luận, làm một “hippy già” ca
ngợi những “hippy trẻ mặc áo rách đứng bên nhà thờ”. Theo chúng tôi, về mặt ca
từ, ca khúc thể hiện rõ nhất tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh trong gia tài
âm nhạc Phạm Duy là bài Một ngày… một đời…: Một ngày cho Tổ quốc/ Một
ngày quên nợ nước/ Một ngày cho vợ con/ Một ngày cho tình nhân/ Một ngày
đang cười ngất/ Một ngày ôm mặt khóc/ Một ngày bạn bè đông/ Một ngày chợt cô
đơn…/ Hỡi, hỡi ôi, thân phận làm người/ Ôi thân phận làm người!
Phạm Duy là một tài năng quái kiệt, là “tháp Bayon bốn mặt”
như cách nói của Chế Lan Viên, thậm chí là “người nhiều mặt”. Sau những tình
ca, kháng chiến ca, tâm ca, đạo ca, tục ca, khi Hiệp định Paris được ký kết
năm 1973, ông lại có bình ca, ngợi ca hòa bình: Sống sót trở về, tên cường
đạo lau kiếm/ Xé áo giang hồ, xin chèo đò trên bến/ Sống sót trở về, quên
màu hồng gái điếm/ Trút phấn son rồi, xin mặc lại áo huyền/ Sống sót trở về,
tôi tạ từ vũ khí/ Sống sót trở về, tôi trở lại nhỏ bé/ Sống sót trở về, đeo một
bầu rượu quý/ Sống sót trở về, vui một mình… tôi đi! (Bình ca 2: Sống
sót trở về).
Sau thơ Nguyễn Bắc Sơn, có lẽ đây là lần đầu tiên, trong ca
khúc có từ “gái điếm”, điều đó nói lên sự táo bạo trong sử dụng ngôn ngữ của
Phạm Duy. Ông không ngại ngần dùng ngôn ngữ vỉa hè, bụi bặm, vì ông cho nó
cũng có vẻ đẹp riêng. Về bản thân, dù có những lúc loạng choạng, ngả nghiêng,
ông vẫn là người nghệ sĩ yêu nước, theo cách của ông. Những bài kháng chiến
ca, những trường ca Mẹ Việt Nam, Con đường cái quan… nói lên điều đó. Hơn nữa,
về một phương diện nào đó, ta còn có thể gọi Phạm Duy là người nghệ sĩ hiện
sinh: ông ca ngợi giá trị con người, hạnh phúc trần thế, khát vọng tự do và sống
như một cá thể tự do.
Tuy nhiên, người ta lại dè dặt khi muốn áp dụng khái niệm
“dấn thân” hay “nhập cuộc” của chủ nghĩa hiện sinh vào trường hợp Phạm Duy. Có
lẽ vì cái tôi của ông lớn quá, đôi khi bất chấp những trách nhiệm đạo đức.
Hình ảnh con chuồn chuồn “khi vui nó đậu, khi buồn nó bay”, như hình bìa một tập
hồi ký Phạm Duy, rất thích hợp với tính cách con người công dân và con người
nghệ sĩ của ông.
Nói đến văn nghệ dấn thân ở miền Nam, người ta thường nhắc đến
những ca khúc xuống đường, những bài ca tranh đấu của các nhạc sĩ sinh viên
trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Gắn bó với phong trào này, từng
cất tiếng hát bên cạnh các nhạc sĩ sinh viên, Trịnh Công Sơn đã đi từ Ca
khúc da vàng đến Kinh Việt Nam và Ta phải thấy mặt trời. Từ cảm xúc về người
nô lệ da vàng ngủ yên, ngủ yên trong căn nhà nhỏ, đèn thắp thì mờ (Đi tìm
quê hương), Trịnh Công Sơn cất tiếng hát ngợi ca đoàn người đi vào quê
hương/ cầm ý thức xây tương lai mình/ cầm huyết thống đi cho nối liền,
nối hai miền… (Hành ca); và vẽ ra viễn cảnh ngày vui lớn sẽ qua trăm
cầu/ Mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu/ cho hai miền trùng phùng lòng thấy
nao nao/ Ngày Nam đêm Bắc tình chan trong mắt/ sẽ thấy trăm bình minh ngọt
ngào… (Huế - Sài Gòn - Hà Nội). Danh hiệu “người nghệ sĩ dấn thân” thật
thích hợp khi nói về trường hợp Trịnh Công Sơn.
Từ lý thuyết và quan niệm về con người và cuộc đời, chủ
nghĩa hiện sinh đi vào cách sống và lối sống, với những ảnh hưởng khá tế nhị và
phức tạp. Một mặt, không thể chối cãi rằng việc du nhập triết học và văn nghệ
hiện sinh góp phần dẫn đến phản ứng “nổi loạn”, “tận hưởng cuộc đời” của một
bộ phận thanh niên nông nổi không tìm thấy đường đi trong chiến tranh, như
Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Xuân, Thế Nguyên, Nguyễn Trọng Văn đã từng chỉ ra.
Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng trào lưu triết học và văn
nghệ đó gợi lên những suy tư, trăn trở về thân phận con người, ý thức trách
nhiệm trước tình cảnh đất nước và chọn lựa thái độ ứng xử cũng như hành động
nhập cuộc vì tha nhân. Có thể nói chủ nghĩa hiện sinh đã đáp ứng nỗi ưu tư của
con người muốn tự khẳng định khuôn mặt tinh thần của mình trong điều kiện nước
sôi lửa bỏng của dân tộc, đòi hỏi người trí thức không thể đứng “bên dòng
lịch sử”.
Họ đã sống cái triết lý đó chứ không phải làm công việc dịch thuật hay thông tin thuần túy bằng ngôn ngữ lãnh đạm của khoa học. Lữ Phương, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Hiếu Đằng… từng kể lại rằng ý thức trước thực trạng đất nước khiến họ tham gia kháng chiến được xúc tác về tư tưởng không chỉ của chủ nghĩa Marx mà còn của chủ nghĩa hiện sinh.
Họ đã sống cái triết lý đó chứ không phải làm công việc dịch thuật hay thông tin thuần túy bằng ngôn ngữ lãnh đạm của khoa học. Lữ Phương, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Hiếu Đằng… từng kể lại rằng ý thức trước thực trạng đất nước khiến họ tham gia kháng chiến được xúc tác về tư tưởng không chỉ của chủ nghĩa Marx mà còn của chủ nghĩa hiện sinh.
Vì vậy, cần phải thấy hết tính chất đa dạng và phức tạp
trong ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam trước đây. Một là ảnh hưởng
chiều sâu trong giới trí thức ở đại học, giới học giả và văn nghệ sĩ có tầm
nhìn về văn hóa. Hai là ảnh hưởng chiều rộng có tính chất phổ cập trong giới
sáng tác và một bộ phận công chúng thời thượng. Ba là ảnh hưởng có tính chất
nghịch chiều nơi một số trí thức khuynh tả, vừa tiếp thu tinh thần dấn thân,
phản kháng của chủ nghĩa hiện sinh, vừa phê phán tính chất học đòi, làm dáng của
văn nghệ hiện sinh ở một đất nước đang có chiến tranh và bị lệ thuộc.
Như vậy là chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam đã được tiếp cận từ
nhiều góc nhìn khác nhau, những góc nhìn chắc chắn không thoát khỏi sự tác động
của bối cảnh xã hội cũng như lập trường chính trị của người viết, nhưng hầu hết
đều cho thấy tinh thần độc lập và tự trọng của người trí thức, nói theo những
suy nghĩ riêng của mình mà không rập khuôn, một giọng.
Chủ nghĩa hiện sinh là triết học của một thời đại không lặp lại.
Việc tiếp nhận, truyền bá, vận dụng nó cũng là “cơ duyên” của lịch sử. Nó đã đến
trong cái bối cảnh bi đát của xã hội miền Nam những năm 1954 - 1975, khi con
người khao khát tự do và quyền sống, mong muốn suy tư về chính tự do và thân
phận làm người. Sau chiến tranh, hoàn cảnh xã hội thay đổi, chủ nghĩa hiện
sinh không còn chỗ đứng trong sinh hoạt trí thức.
Từ khi Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới năm 1986, sáng tác
và khảo luận về chủ nghĩa hiện sinh từng bước được phép tái bản và thu hút một
lượng công chúng mới từ giới trẻ, trong đó có văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, tiếng
vang của nó không còn sâu rộng như ở miền Nam thời chiến tranh.
Chú thích:
1. Theo Trần Thái Đỉnh: Hiện tượng học là gì?, Nxb. Hướng Mới, Sài Gòn, 1969, tr. 31-60.
2. Theo Trần Thái Đỉnh: Sđd, tr. 116-135 .
3. Cung Tích Biền: “Hiện sinh, một thời kỷ niệm”. Trong Về một dòng văn chương, Nxb. Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 69.
4. Phạm Công Thiện: Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Nxb. An Tiêm, Sài Gòn, 1966, tr. 46.
5. Phạm Duy, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Nxb. Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007, tr. 17.
1. Theo Trần Thái Đỉnh: Hiện tượng học là gì?, Nxb. Hướng Mới, Sài Gòn, 1969, tr. 31-60.
2. Theo Trần Thái Đỉnh: Sđd, tr. 116-135 .
3. Cung Tích Biền: “Hiện sinh, một thời kỷ niệm”. Trong Về một dòng văn chương, Nxb. Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 69.
4. Phạm Công Thiện: Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Nxb. An Tiêm, Sài Gòn, 1966, tr. 46.
5. Phạm Duy, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Nxb. Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007, tr. 17.
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí Sông Hương 352, SDB 29.6.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét