Đời lênh đênh ở
Bao đời nay, cuộc sống của những con người ấy đã dập dềnh
theo sóng nước, nếu tính những gia đình có đến bốn, năm đời gắn trọn duyên cùng
dòng sông Lam này thì nhiều vô kể…
Đời vạn chài
Họ mưu sinh trên sông nước trong những ngôi nhà nổi lúp xúp
và lênh đênh trên những mạn thuyền xuôi ngược. Trên sự lênh đênh, vô định ấy có
cả những cụ ông, cụ bà đã sống cả cuộc đời với sông nước cho đến khi nhắm mắt
xuôi tay.
Cuộc sống của họ là một thế giới khác lạ, tách biệt hẳn với
nhịp sống sôi động ở giữa phố phường nhộn nhịp. Cách chân cầu Khe Thơi chừng
200m, là nơi ở của 17 hộ dân với gần 70 nhân khẩu thuộc xóm vạn đò bản Viềng Khử,
xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An.
Cuộc sống lênh đênh của
ngư dân xóm chài Khe Thơi
ngư dân xóm chài Khe Thơi
Xóm vạn đò ở nơi đây có từ bao giờ, cũng chẳng ai nhớ nổi, chỉ
biết nó đã hiện hữu từ rất lâu. Bà con ở Viềng Thử cho biết, cách đây khoảng 5
năm, trên khúc sông Lam, đoạn dưới chân cầu Khe Thơi này có tới cả trăm gia
đình vạn đò trú ngụ.
Bây giờ, phần thì một số đã lên bờ lập nghiệp, phần ngược lên
phía trên, nhưng còn lại cũng khoảng gần 17 gia đình. Dưới chân cầu Khe Thơi
này có khoảng gần chục chiếc thuyền với vài chục nhân khẩu vẫn bám víu vào nhau
sống qua ngày.
Đây là một xóm chài nhỏ bé còn lại từ một làng chài lớn trước
kia, bởi hầu hết những ngư dân trước kia đều đã chuyển nghề vì nhiều lý do khác
nhau. Lúc chúng tôi đến thăm, đang là ngày triều kiệt, nước sông rất cạn, các
thuyền khác bên cạnh cũng phải tìm cách di tản đi nơi khác để đánh bắt, nếu chậm
trễ họ có thể mắc kẹt lại ven bờ cho tới hết đợt triều.
Ông Võ Văn Thanh (57 tuổi), một cư dân xóm chài cám cảnh:
“Tôi năm nay bao tuổi thì cũng ngần ấy năm sống cùng sông nước. Trước tôi thì bố
mẹ, ông bà cũng đều gắn bó với nơi ở nửa thuyền, nửa nhà này. Nhiều khi nhìn cuộc
sống trên bờ tấp nập mà thèm, chỉ thương bọn nhỏ cũng sống mà khác xa với chúng
bạn trên bờ”. Một hộ dân của xóm cho biết, đây là nơi ở mới của họ, trước xóm vạn
chài ở dưới chân cầu Chôm Lôm, do mưa lũ và gió bão nên chính quyền xã đề nghị
chuyển lên ở trên này.
Đứng trên cầu Khe Thơi nhìn xuống, những chiếc lồng của các hộ
dân xóm vạn chài nối dài, kề sát vào nhau như con trăn khổng lồ tựa sát vào bờ
sông. Con đường nhỏ hẹp, nằm bên cạnh chân cầu nối liền với làng vạn chài là nơi
các thương lái ngày ngày tìm đến mua cá đem đi nơi khác bán.
“Những ngày triều xuống, nước chảy khá mạnh, cá thấy động,
thường theo dòng mà di chuyển, đó là dịp để mình kiếm ăn. Nếu may mắn, một ngày
có thể kiếm được cả trăm ngàn chứ không ít. Còn bình thường, một ngày chỉ dăm
chục ngàn thôi, bởi hiện nay cá trên sông Lô cũng chẳng còn nhiều”, lão ngư có
cái tên Tình tâm sự.
Nhấp ngụm trà nhạt, ông lão cười buồn: “Đời vạn chài như sống
đời du mục, vì mưu sinh có mấy khi ở lâu một chỗ, cứ phải lăn lóc nay đây, mai
đó, trần mình để kiếm miếng ăn, trong cuộc sống lúc nào cũng óc ách sóng nước
dưới chân và gió ràn rạt thổi trên đầu. Ấy vậy mà tôi tính đến nay cũng đến bốn
thế hệ gắn bó trên sông nước rồi.
Cứ ở mãi dưới sông có lẽ nghèo mãi thôi mà nếu có kéo nhau
lên bờ biết làm gì để nuôi sống mình. Đời vạn chài chỉ gắn với sông nước, sống
nhờ sông nước, nhiều khi ước ao được lên bờ nhưng vẫn mãi dở dang...”.
Chết rồi còn… gây khổ
Nhiều người bảo xóm chài này vốn có truyền thống “cha truyền
con nối”, tiếp qua bao thế hệ. Những đứa trẻ lên ba, bốn tuổi đã biết bơi, nước
da lúc nào cũng đen sạm, môi thâm tím. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước, sự vất
vả mưu sinh đã khiến họ chẳng mấy quan tâm đến việc gì khác ngoài chuyện kiếm
tiền sống qua ngày.
Lão Tình bày tỏ: “Ở xóm chài này nhà nào lỡ có người qua đời,
thì người còn sống lại khổ. Người ta bảo người sống làm khổ người chết nhưng ở
đây chúng tôi chết đi rồi còn gây khổ cho con, cho cháu. Muốn được chôn ở trên
bờ nhưng cũng không có lấy một đồng để mua mấy tấc đất mà mai táng”.
Buổi chiều tan học,
những đứa trẻ từ đất liền trở về thuyền
những đứa trẻ từ đất liền trở về thuyền
Điều mà cư dân xóm chài phải chấp nhận lâu nay đó là mọi sinh
hoạt như: tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ, nuôi gia súc, gia cầm... đều diễn ra trên
sông. Thậm chí chỉ cần múc nước sông lên và đánh phèn chua cho lắng là có thể sử
dụng làm nước ăn, uống. Nguồn điện sinh hoạt đối với người dân nơi đây bấy lâu
nay đã là cả một sự may mắn. Vì không đảm bảo an toàn cho việc sử dụng điện ở
dưới nước, nên không có hệ thống lưới điện cung cấp điện cho cư dân xóm nổi
này. Họ phải vòng dây lấy điện từ những gia đình trên bờ.
Xóm vạn đò chỉ đông vui, nhộn nhịp khi chiều xuống, bởi khi ấy
lũ trẻ đi học về, người lớn sau một ngày dong thuyền ngược xuôi kiếm sống cũng
trở về neo ở bến để đón lũ nhỏ lên “nhà”, thả mấy con vịt nhốt cả ngày trên
thuyền cho xuống bãi sông kiếm ăn, rồi nhóm lửa trên thuyền nấu bữa cơm chiều.
Phụ nữ, trẻ em lo tắm giặt, nấu nướng, đàn ông túm tụm lại trên một con thuyền
chuyền tay nhau ly rượu. Cứ vậy, năm này qua năm khác, khát khao lên bờ của xóm
vạn đò lại tiếp tục dang dở.
Thấy chúng tôi hỏi chuyện, ông xóm trưởng Võ Văn Vinh tay cầm
chiếc điếu cày, vừa rót ly nước mời khách vừa chậm rãi cầm chiếc đóm châm lửa kể,
xóm vạn đò giờ “đổi thay lắm”, trẻ con nhà ai cũng được đi học, trong xóm đã có
người học đại học, cao đẳng. Nhiều năm nay, không có hộ dân nào sinh con thứ 3.
Người dân xóm vạn đò hôm nay không chỉ biết đánh bắt cá, mà
đã có nhiều đổi mới về kinh tế, như chăn nuôi gia súc và gia cầm. Bà con xóm vạn
đò này ai cũng ao ước được lên bờ để ổn định cuộc sống. Thương cho lũ trẻ, mùa
nắng thì còn lên bờ đi học được, chứ mùa mưa lũ, chúng theo cha mẹ dạt vào khe
núi, cồn bãi nào đó tránh mưa gió thì không thể đến trường.
Mấy năm trước có một số hộ đã lên bờ định cư, một số bỏ đi
nơi khác sinh sống, còn lại gần mười mấy hộ này vẫn chưa nghe chính quyền huyện,
xã có hướng giải quyết, giúp bà con chuyển đổi cuộc sống thế nào.
Chiều muộn, chúng tôi bước lên bờ, mấy đứa nhỏ áo trắng khăn
quàng đỏ rời trường học ở trung tâm xã. Tôi hỏi: “Nhà các cháu ở bên kia sông hả?”.
Mấy đứa nhỏ nhìn tôi ngơ ngác: “Đâu có, nhà tụi con ở đó”, rồi chúng chỉ về
phía mấy con thuyền đang im lìm cắm sào bên bến sông. Từ trên cồn bãi, cách mép
sông cả trăm mét, nhìn xuống khúc sông đã thấy những làn khói bay ra từ những
con thuyền lan tỏa trên mặt sông yên ả…
Tiêu Dao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét