Hà Nội đầu thế kỷ XX chứng kiến quá trình thay da mạnh mẽ
trong diện mạo phố phường và trong lối sống của một bộ phận thị dân, mang lại ảnh
hưởng tiêu cực đến hệ giá trị văn hóa truyền thống Hà Nội. Tuy bị lấn át, song
văn hóa Hà Nội không bao giờ biến tan, nó chỉ tạm thời thu mình vào trong cái
khuất khúc của đời sống thị thành. Vẻ đẹp của văn hóa Hà Nội được lưu giữ, bảo
tồn và truyền bá trong đời sống dân gian thông qua những thức quà ẩm thực trên
phố phường Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Hà Nội bốn mươi năm đầu thế kỷ XX thay đổi đến độ người yêu
Hà Nội từ cốt tủy như Thạch Lam còn cảm thấy lạ lẫm trên chính mảnh đất bản
thân đang gắn bó. Sống giữa sự va chạm văn hóa Đông - Tây và sự thay da đổi thịt
triệt để trong diện mạo cuộc sống đất kinh kỳ, Thạch Lam vẫn cố gắng kiếm tìm
những giá trị văn hóa truyền thống - với một niềm tin bất diệt đã được nhà văn
nâng tầm thành quan điểm sáng tác: Thạch Lam đi tìm cái đẹp giữa cái bình dị đời
thường, bởi cái đẹp tồn tại ngay bên cạnh chúng ta. Chúng đang nương náu, nép
mình trong vỏ bọc của cuộc sống thường ngày, cho nên nhiệm vụ cao cả của người
cầm bút là khiến chúng có cơ hội được trông nhìn, thưởng lãm và nâng niu.
Với quan điểm nghệ thuật như thế, đến tập tùy bút Hà Nội
băm sáu phố phường, Thạch Lam như thể đã đi xuyên qua những tiêu cực trong cuộc
sống Hà Nội bấy giờ để khám phá những vẻ đẹp văn hóa đang ẩn mình. Tìm thấy được
văn hóa là tìm thấy được hồn cốt dân tộc từ ngàn năm xưa. Thạch Lam, bằng tình
yêu Hà Nội, đã nhận ra giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long đang nép mình
trong những nơi khuất khúc của phố phường, đang ngủ say trong những thức quà ẩm
thực lưu truyền ngàn đời. Đó chính là những giá trị văn hóa Hà Nội còn mãi, mặc
cho hiện thực đầy khắc nghiệt phong ba.
2. Giải quyết vấn đề
2.1. Nét Hà Nội truyền thống trong diện mạo phố phường
Phố phường Hà Nội giờ đây đã trở nên Âu hóa, những lối kiến
trúc cổ kính năm xưa đã nhượng lại mảnh đât diện mạo cho cách quy hoạch kiến
trúc đô thị theo quan điểm tư bản chủ nghĩa. Để tìm kiếm những giá trị văn hóa
còn vương vấn lại giữa phố thị xa hoa, hẳn Thạch Lam phải dụng công tìm hiểu và
huy động bằng hết sự nhạy cảm trong các giác quan. Không tìm được văn hóa truyền
thống nơi đường lối, Thạch Lam tiến sâu vào các con ngõ nhỏ, khuất lấp giữa cái
bề thế xa hoa. Và chính ở đây, diện vẻ của một Hà Nội ngàn năm tuổi - thật may
mắn - vẫn còn được bảo tồn:
"Chỉ còn một vài cái ngõ con ... ngõ Phất Lộc, ngõ Trung
Yên ... mấy ngọn cỏ trên mảnh tường cổng ô Quan Chưởng, là gợi dấu vết của Hà Nội
cũ. Ngày ấy, đường hẹp, chắc hàng xóm láng giềng ăn ở với nhau thân mật hơn.
Người cùng hàng phố tự coi như có một liên lạc cùng nhau. Bên này một cửa hàng
tạp hoá có đầy đủ quả sơn đen, có chồng giấy bản và ống bút nho, có cô hàng thuỳ
mị mà hàng phố vẫn khen là gái đảm đang. Bên kia, nhà một ông cụ Tú, có tiếng
trẻ học vang, có cậu học trò xinh trai đứng hầu chè thầy bên tràng kỷ." [4,
30]
Thạch Lam truy hồi quá khứ từ những dấu vết còn vương của một
thời đã cách xa. Chạm vào những điều bé nhỏ như ngọn cỏ trên mảnh tường ô Quan
Chưởng mà dường như cả một miền ký ức hiện lên với diện vẻ thanh bình nhất. Thạch
Lam gợi về hình ảnh phố thị quá khứ, cũng tìm lại cho độc giả văn hóa xóm giềng
nồng nàn đậm đà phong vị Hà Nội: gắn bó bền chặt trong sự ý nhị, tinh tế và
toát lên chất văn chương phong nhã hào hoa của người Hà Nội muôn năm cũ.
2.2. Nét Hà Nội truyền thống trong văn hóa ẩm thực
Nhưng thứ lưu giữ văn hóa đậm sâu nhất vẫn phải là ẩm thực Hà
Nội. Đây là trọng tâm trong tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường. Thạch Lam dồn
hết tâm sức vào ngòi bút để phác thảo bức tranh ẩm thực Hà Nội những năm đầu thế
kỷ XX với nhiều tầng lớp, màu sắc, hình dạng.
Ông trải nghiệm văn hóa ẩm thực ở những nơi bình dị hơn cả:
các quán xá nhỏ bé, những gánh quà rong. Thạch Lam có một lòng tin sâu đậm vào
sức mạnh bảo tồn các giá trị văn hóa của hàng quà rong Hà Nội. Các gánh hàng
rong phục vụ từ sáng đến khuya, dành đến nhiều hạng người trong xã hội, ở đó từng
khoảng khắc cuộc sống thị thành cũ như ngưng đọng lại. Người ta đắm mình trong ẩm
thực, trò chuyện cùng nhau và tạm rời bỏ những phận vị chức năng mà cuộc sống
hành chính gán ghép cho họ. Ăn quà rong là một thứ nghệ thuật dân dã, bởi lẽ
không thể tùy tiện chọn thưởng thức thứ quà ăn chơi ấy: mỗi món quà rong phải
ăn đúng thời điểm, phải chọn đúng người bán thì mới thấy hết thảy cái thú vị, đẹp
đẽ trong phong vị ẩm thực phố phường xưa. Người Hà Nội sành ăn có tiếng, không
phải vì họ kén chọn hay phức tạp hóa hoạt động ăn uống thường ngày. Đó là cốt
cách người Tràng An, đại diện cho mảnh đất ngàn năm văn vật. Người Hà Nội cẩn
trọng, lịch thiệp ngay trong hoạt động đơn thuần nhất, và với tâm hồn hào hoa
đã trở thành bản tính, người Hà Nội nâng tầm việc ăn uống trở thành nghệ thuật
thưởng thức ẩm thực. Văn hóa Hà Nội khác biệt văn hóa các vùng miền khác ở tính
cách nghệ sĩ, thấm nhuần chất văn chương.
Khi đã trải nghiệm hầu hết các thức quà Hà Nội, Thạch Lam đã
đúc kết cho độc giả một kết luận thật sự thú vị và hoàn toàn xác đáng: Những
giá trị văn hóa không hề tồn tại quá cách xa chúng ta, nó được lưu giữ chính
trong các món ăn chúng ta thưởng thức hằng ngày. Sự bền vững của những thức quà
truyền thống chính là sức sống bất diệt của văn hóa nguồn cội. Đặt trong hoàn cảnh
Hà Nội thập niên bốn mươi đã trải qua thời gian dài sống trong sự chi phối của
những thứ văn minh lạc điệu với văn hóa truyền thống, các thức quà dân dã mang
phong vị quê hương vẫn khéo léo tồn tại và vẫn được ưa chuộng bởi vô vàn cư dân
thị thành. Đó phải chăng là lời khẳng định đanh thép về khả năng bất tử của cội
nguồn dân tộc?
Thạch Lam nói với người đọc rằng quà Hà Nội không phải chỉ có
hơn chục món ăn được trình bày trên trang viết của Hà Nội băm sáu phố phường.
Vẫn còn đó trên những cung đường phố cổ hàng hà sa số những món ăn độc đáo. Thế
nhưng, những thức quà được Thạch Lam lựa chọn giới thiệu, phần nhiều trong đó
là thức quà truyền thống mang phong vị quê hương Việt Nam từ biết bao thế hệ kể
trước. Nguyễn Tường Vinh không quá đề cao các món ăn hợp "mốt" thời đại,
chỉ hiện ra trong thoáng chốc như sao băng mùa hạ rẽ ngang bầu trời đêm rồi lại
tan biến như chưa từng đọng lại dấu vết. Chúng không phải là biểu hiện của văn
hóa truyền thống, bởi lẽ bề dày phong tục được bồi đắp từ ngàn đời nay không thể
dễ dàng biến mất khi xu hướng thưởng thức của thị dân đối thay. Chỉ có những
món quà quê hương - là phở, bún chả, cốm, hay những thức quà khác - mới đủ khả
năng trở thành điểm trung chuyển văn hóa truyền thống Hà Nội. Vì chúng đã chứng
minh sức sống mãnh liệt trong lịch sử dân tộc, băng qua cơn phong ba của cuộc
giao tranh văn minh - văn hóa và chứng tỏ sức sáng tạo tuyệt vời của người Việt
trong quá trình tiếp biến, lưu truyền các thức quà trong đời sống cộng đồng. Thạch
Lam kết luận cho quan điểm nêu trên như sau:
"Xét những thức quà của ta, thực có nhiều thứ quà ngon,
mùi vị rất dồi dào. Phần nhiều là thức quà có từ xưa, đã có nề nếp, có quy củ hẳn
hoi, và mang trong hương vị cái mùi ngon đằm thắm của đất nước nhà. Sản phẩm của
đồng ruộng, của núi sông, những thứ quà ấy là dấu hiệu sự thưởng thức của người
mình, vừa tao nhã lại vừa chân thật." [4, 103-104]
Cũng từ kết luận trên, người đọc nhận ra sự liên hệ mang tính
phát kiến: Quà Hà Nội không phải chỉ để trông nhìn và hấp thụ như bao món ăn đời
thường. Dẫu cho quà Hà Nội chẳng cao sang như món ăn đến từ các hiệu khách, không
quá cầu kì so với món ăn từ các vùng miền lân cận - chúng vẫn là những thức quà
giản dị từ ngàn đời nay như phở, bún chả hay cốm, thế nhưng việc thưởng thức
quà Hà Nội lại chứng tỏ phẩm chất văn hóa của chủ thể thưởng thức. Ăn quà không
còn là hoạt động hấp thụ chất dinh dưỡng. Thưởng quà Hà Nội còn để thấm nhuần
hơn nữa tư tưởng văn hóa truyền thống rất riêng của mảnh đất kinh kỳ. Có ai thưởng
thức cốm làng Vòng, gói trong lá sen Hồ Tây, lại đi vốc từng nắm lớn? Trong
bài Một thứ quà của lúa non: Cốm, Thạch Lam đã nói về cách thưởng cốm rất
riêng của người Hà Nội hào hoa thanh lịch. Ăn cốm phải ăn một cách từ tốn,
thong thả, tựa như đang nhâm nhi và khám phá những giá trị bí ẩn nằm trong hạt
cốm bé nhỏ kia. Có ăn chậm, vừa ăn vừa ngẫm ngợi, mới trông nhìn ra cái hương sắc
đất trời của một vùng nội cỏ quê hương đang thấm dần trong từng giác quan của
người thưởng thức. Đó mới chính là cách thưởng thức quà Hà Nội đúng nghĩa, khởi
phát trong lòng người những nét thú vị bất ngờ trong một hoạt động tưởng chừng
như là công việc thường ngày vô nghĩa lý về mặt văn hóa. Bởi thế, Thạch Lam sau
khi khảo sát những thức quà Hà Nội nổi bật ở chốn ba mưoi sáu phố phường, đã
đúc kết cho độc giả một luận điểm xác đáng về thú ăn chơi của người Hà Nội, hay
cũng là kết luận về một phong cách sống: "Biết ăn, biết chơi như một
thước đo trình độ văn hóa của con người" [9, 160]. Đây là quan điểm mới
mẻ, là đóng góp của Thạch Lam đối với chuyên ngành nghiên cứu văn hóa dân tộc học.
Nguyễn Tường Vinh không nhìn nhận văn hóa của một thành phố bằng cách đi tìm
các bảo tàng mỹ thuật hay các công trình đền đài thành quách, đó là cái nhìn
truyền thống (không phủ nhận khả năng nhận định khá chính xác nếu sử dụng quan
điểm này). Ông đi tìm văn hóa trên một phương diện khác, có lẽ chính bản thân
Thạch Lam đã nhìn ra đó là con đường chưa ai đủ dũng cảm khám phá, phương diện ẩm
thực và việc ăn chơi. Thạch Lam khẳng định quan điểm nhìn nhận văn hóa của
mình:
"Ăn và chơi, phải, đó là hai điều hành động mà trong ấy
người ta tỏ rõ cái tâm tình, cái linh hồn mình một cách chân thực nhất. Với lại
đó không phải là hai cái hành động cốt yếu của đời ư? Trong sự ăn chơi, có cả dấu
hiệu của dân thành thị, cả những tật xấu hay nết hay, những cái yếu hèn cũng những
cái kiêu ngạo." [4, 105]
Góc nhìn ấy tạo ra hướng đi mới, khiến vấn đề văn hóa ẩm thực
nhận được sự quan tâm xác đáng hơn. Các thức quà, với Nguyễn Tường Vinh, không
còn là món ăn thuần túy theo cách cắt nghĩa giản dị thông thường. Nó là văn hóa
bản xứ, cũng đồng thời là công cụ phát hiệu những giá trị đang tiềm ẩn trong
cái lạ lẫm hay khuất lấp của thời đại đương thời. Cách mỗi người thưởng thức
món ăn, lựa chọn địa điểm vui chơi chính là biểu hiện rõ nét và có tính xác thực
lớn lao cho việc đo đếm trình độ văn hóa của con người ấy. Thạch Lam bảo với
chúng ta: "... hãy để ý quan sát bọn người ngồi ăn trong hiệu kia, nhận
xét những cử chỉ, những nét mặt, và những tiếng cười của họ. Một cách cầm đũa,
một cách đưa lên húp canh, bảo cho ta biết nhiều về một hạng người hơn là trăm
pho sách. Và nhất là những thức mà họ ăn ...Bảo cho tôi biết ăn gì, tôi sẽ nói
anh là người thế nào" [4, 106]. Ẩm thực là văn hóa. Cách ăn uống phản
ánh tầm văn hóa mỗi cá nhân. Quan niệm ấy tưởng chừng giản đơn, dễ phát hiện
nhưng trên thực tế mấy người dành sự quan tâm? Chỉ khi Nguyễn Tường Vinh, bằng
con tim yêu văn hóa Hà Nội và sự nhạy cảm thiên phú của người nghệ sĩ đích thực,
đến với thi đàn văn chương và công bố luận điểm ấy - qua những ý vị nhẹ nhàng
đã trở thành bản thể, vấn đề nghiên cứu ẩm thực như là thước đo xác định tầm
văn hóa cộng đồng mới nhận được những cái nhìn thiện cảm và bao dung hơn. Như
thế, ăn uống không phải phạm trù đời sống tầm thường. Đối với Thạch Lam, ăn uống
là cái ý thích của con người, hoàn toàn đủ tư cách đứng ngang hàng với những sở
thích thanh nhã bởi tất cả, tựu trung lại, dù là ẩm thực hay thi ca cũng đều chứng
tỏ nhận thức tư duy xã hội của chủ thể theo đuổi nó. Vậy nên, Thạch Lam gửi gắm
đôi lời thầm thì đến độc giả: "Chúng ta đã khinh bỉ cái ăn, cái uống quá,
tuy không tự thú rằng những cái đó là cần, rằng tự mình vẫn thích. Giờ đến lúc
phải nên thẳng thắn, và thành thực: Trọng cái mình yêu và công nhận cái mình
thích." [4, 104]
Chân thành với bản thân để hiểu rõ hơn về chính cuộc sống
đang diễn ra trước mắt, đó là quan niệm nhân sinh Thạch Lam âm thầm nhắn gửi độc
giả qua những trang văn viết về ẩm thực. Khi bản thân chân thành với chính
mình, tự khắc con người sẽ có khả năng tìm ra những giá trị văn hóa truyền thống
- những vẻ đẹp có chút gì đó đặc biệt và đáng yêu - đang ẩn mình, nương náu bên
trong lớp vỏ ngoài tưởng chừng tầm thường, bé nhỏ, không có gì đáng bận tâm.
Hà Nội đầu thế kỷ XX chứng kiến quá trình thay da đổi thịt mạnh
mẽ trong diện mạo phố phường và trong lối sống của một bộ phận thị dân làm việc
tại Hà Nội. Sự thay đổi trong lối sống mang lại ảnh hưởng tiêu cực đến hệ giá
trị văn hóa truyền thống Hà Nội. Tuy bị lấn át, song văn hóa Hà Nội không bao
giờ biến tan, nó chỉ tạm thời thu mình vào trong cái khuất khúc của đời sống thị
thành đang ngày một tân thời Âu hóa. Vẻ đẹp của văn hóa Hà Nội được lưu giữ, bảo
tồn và truyền bá trong đời sống dân gian thông qua những thức quà ẩm thực trên
phố phường Hà Nội. Đó là lời khẳng định của Thạch Lam ẩn chứa trong từng trang
văn Hà Nội băm sáu phố phường.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Bằng, 2002, Miếng ngon Hà Nội, NXB VHTT,
Hà Nội.
2. Lý Khắc Cung, 2004, Văn vật ẩm thực đất Thăng Long, NXB
Văn học dân tộc, Hà Nội.
3. Vũ Khiêu, Bằng Việt, Nguyễn Vinh Phúc (đồng chủ biên),
2005, Hình ảnh người Hà Nội trong văn học nghệ thuật cận và hiện đại, NXB Văn học,
Hà Nội.
4. Thạch Lam, 2014 (tái bản), Hà Nội băm sáu phổ phường, NXB
Hội nhà văn, Hà Nội.
5. Trần Đăng Suyền, Lê Quang Hưng (đồng chủ biên), 2017 (tái
bản), Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
5. Nguyễn Thành Thi, 2000, Phong cách văn xuôi nghệ thuật Thạch
Lam, Luận án tiến sĩ văn học, TP Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Ngọc Tiến, 2017, Đi ngang Hà Nội, NXB Trẻ, TP HCMinh.
7. Nguyễn Ngọc Tiến, 2017, Đi dọc Hà Nội, NXB Trẻ, TP HCMinh.
8. Nguyễn Ngọc Tiến, 2017, Đi xuyên Hà Nội, NXB Trẻ, TP HCMinh.
9. Lê Minh Truyên, 2004, Thạch Lam với Tự lực văn đoàn, Luận
án tiến sĩ ngữ văn, Hà Nội.
10. Nguyễn Phượng, 2015, Dấu ấn hiện đại của văn xuôi Thạch
Lam qua truyện ngắn Hai đứa trẻ:
http://nguvan.hnue.edu.vn/
11. Trần Văn Toàn, 2016, Diễn ngôn về Hà Nội trong văn học Việt
Nam nửa đầu thế kỷ XX:
http://nguvan.hnue.edu.vn/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét