Cùng với Xuân Diệu, Nguyễn Bính là một trong những
nhà thơ tình nổi tiếng nhất của nền văn học Việt Nam. Mang đậm nét dân dã, mộc
mạc, thơ của Nguyễn Bính thường gợi ra những gì thân thuộc, gần gũi mà cũng vô
cùng xúc động với muôn vàn cung bậc cảm xúc. Từ mạch nguồn trữ tình trong thơ
Nguyễn Bính, anh chị hãy bình giảng bài thơ Mưa xuân.
Nguyễn Bính là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng
của Việt Nam, Ông được coi là nhà thơ của làng quê Việt Nam bởi những sáng tác
của ông mang sắc thái dân giã, mộc mạc. Tôi thường nhớ tới Nguyễn Bính mỗi độ
xuân về, nhất là lúc mưa xuân. Những cơn
mưa phùn như rắc bụi trên cỏ cây hoa lá, những cánh hoa bưởi rụng rơi
bên thềm nhà… tất cả đều làm tôi nhớ đến Ông, nhớ đến những sáng tác vô cùng
thân quen và mộc mạc, gần gũi với khung cảnh quê hương yên bình. Trong số các
sáng tác của Nguyễn Bính, tôi thích nhất là bài thơ “Mưa xuân” nằm trong tập
thơ “Lỡ bước sang ngang” năm 1940.
“Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa”
Mở đầu bài thơ là hình ảnh của
một cô gái sống bằng nghề dệt lụa cùng với mẹ già, tấm lòng trong sáng thuần
khiết được ví như cây lụa trắng đã cho ta thấy đây là một cô gái có lòng lương
thiện, luôn nghe lời mẹ. Nhà thơ đã sử dụng lối viết tự sự chân thật và gần gũi
để giới thiệu về cuộc sống hàng ngày của cô gái làm
cho người đọc hiểu hơn về nhân vật trong chuyện.
“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”
Hình ảnh mưa xuân hiện lên thật đẹp
chẳng trách Nguyễn Bính đã lấy hình ảnh này để đặt tên cho bài thơ. Các hình ảnh
như: mưa xuân, hoa xoan, hội chèo đều là những hình ảnh quen thuộc của mùa xuân
và có lẽ đây chính là cơ hội để cô gái có thể gặp chàng trai trong lòng của
mình. Tôi nhớ trong bài thơ Tương
Tư, tác giả cũng đã sử dụng hình ảnh thôn Đoài trong câu thơ: “Thôn Đoài ngồi
nhớ thôn Đông - một người chín nhớ mười thương một người”. Hình ảnh thôn quê hiện
lên thật gần gũi tượng trưng cho tình cảm lứa đôi thật đẹp, đây chính là điểm đặc
sắc trong thơ của Nguyễn Bính mà chúng ta không thể tìm thấy ở các nhà thơ
khác.
Những câu thơ tiếp theo từ “em ngừng
thoi lại giữa tay xinh… cho đến thế nào anh ấy chả sang xem” đã diễn tả tâm trạng
bồi hồi có chút e thẹn của cô gái khi nghĩ đến chàng. Nguyễn Bính đã sử dụng lối
viết tự sự kết hợp với miêu tả đem đến cho người đọc cảm giác rất chân thật, rất
gần gũi, dù không có mặt ở đó nhưng người đọc vẫn có thể hình dung ra mọi hành động của cô gái.
“Em xin phép mẹ vội vàng đi
Mẹ bảo em về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê”
Nguyễn Bính đã thực sự hóa thân vào nhân vật, kể
lại từng chi tiết cũng như diễn biến tâm trạng của cô gái giúp cho người đọc cảm
thấy rất chân thực. Từ “vội vàng” đã cho thấy tâm trạng háo hức của cô gái chỉ
muốn mau chóng đến hội hàng để có thể gặp được chàng, trái tim và lý trí của cô
đều hướng đến chàng.
“Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay dường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”
Những câu thơ vô cùng mộc mạc và giản
dị, những câu nói rất đỗi đời thường, rất đỗi gần gũi với lối
sống thôn quê bình dị đã được Nguyễn Bính sử dụng trong đoạn thơ trên.
Cô gái lặn lội sang thôn Đoài nhưng không hề có ý xem hội mà tâm trí của cô chỉ
hướng đến người thương trong lòng, cô mải miết đi tìm anh trong vô thức. Biện
pháp nhân hóa được sử dụng khéo léo trong hai câu cuối chứng tỏ mọi khi
cô luôn gắn bó với khung cửi và thoi ngà nhưng hôm nay cô đã bỏ mặc tất cả để
đi tìm chàng, đi tìm hạnh phúc của đời mình.
Sự chờ đợi trong vô vọng của cô
gái đã dập tắt niềm hy vọng của cô, tâm trạng chuyển từ hồi hộp nhớ mong đến
trách móc:
“Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”
Những lời trách móc của cô gái rất chân thực, mang nỗi niềm của
người con gái khi yêu mong muốn được gặp chàng để thỏa nỗi nhớ mong nhưng chàng
lại không đến. Những lời ấy làm tôi nhớ đến những lời trách móc của chàng trai
trong bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính: “Hai thôn chung lại một làng - cớ sao
bên ấy chẳng sang bên này”. Bên cạnh những lời trách móc giận hờn ấy chính là sự
hy vọng, hi vọng có thể được gặp người mình thương dù chỉ là một lần.
“Mình em lầm lũi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya”
Chờ hoài mà chàng không đến, cô gái
“lầm lũi” đi về trong màn đêm đầy sương gió mang theo bao nhiêu tâm sự với tủi
hờn. Tôi rất khâm phục Nguyễn Bính trong việc miêu tả diễn biến tâm lý của cô
gái, có lẽ đây chính là yếu tố tạo nên sự thành công và tên tuổi của
nhà thơ. Tâm trạng của cô gái trước khi đi xem hội là rất vui, rất háo hức vì
tin rằng sẽ gặp được chàng, đường dù xa nhưng cô vẫn thấy rất gần điều này thể
hiện rất rõ trong câu: “Thôn Đoài cách có một thôi đê”. Bởi vì cô háo hức muốn
đi gặp chàng nên dù đường xa hay mưa gió cũng chẳng màng, đường dù xa nhưng cô
vẫn thấy rất gần. Nhưng đến khi không gặp được chàng trai, suy
nghĩ của cô gái đã thay đổi hẳn: “Có ngắn gì đâu một dải đê”. Một mình
cô trở về trong sự nhớ nhung, tủi hờn, con đường về nhà trở nên dài hơn bao giờ
hết.
“Em giận hờn anh cho đến sáng
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì
“- Thưa U họ hát …” rồi em thấy
Nước mắt tràn ra em ngoảnh đi”
Nỗi lòng của người con gái khi yêu là
thế, cả đêm cô gái đã trằn trọc không ngủ được, giận hờn anh cho đến khi trời
sáng. Tại sao anh lại lỡ hẹn thề để cho cô phải mong ngóng, hi vọng và rồi thất
vọng, để rồi khi U hỏi đến thì cô chỉ biết ngoảnh mặt khóc.
“Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng: “Hát tối nay?”
Mùa xuân đang dần qua đi, những cơn
mưa xuân đã ngại bay, những cánh hoa xoan đã bị nát dưới giày, hội làng cũng sắp
hết, không biết đến bao giờ cô mới gặp được chàng trai, không biết đến khi nào
mùa xuân kia lại tươi thắm trở lại.
Bài thơ “Mưa xuân” giống như một câu chuyện đã được Nguyễn
Bính kể lại bằng chất thơ mộc mạc và giản dị của mình. Câu chuyện về người con
gái thôn quê ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, tiếc thương
cho cô gái vì mùa xuân đã nhỡ nhàng nhưng cũng cảm phục vì tình yêu mãnh liệt của
cô. Bằng cách sử dụng các hình ảnh đối lập, vận dụng linh hoạt các biện pháp tu
từ kết hợp với lối văn tự sự đi vào lòng người, bài
thơ “Mưa xuân” của Nguyễn Bính đã để mang đến thật nhiều cảm xúc cho người đọc
về tình yêu đôi lứa.
9/6/2019
Nguồn: https://vanmauhocsinh.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét