Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Hồng lâu mộng 12

Hồng lâu mộng 12
Hồi 56:
Thám Xuân thông thạo, tìm mối lợi bỏ hẳn lệ xưa;
Bảo Thoa khôn ngoan, ra ơn nhỏ giữ gìn thể thống.
Bình Nhi hầu Phượng Thư ăn cơm súc miệng rửa tay xong mới đến đằng Thám Xuân, thấy ngoài sân im lặng chỉ có mấy bà già và a hoàn đứng bên cửa sổ chực hầu, đang bàn việc nhà, việc ngày tết đến uống rượu ở vườn nhà Lại Đại. Thấy Bình Nhi đến, Thám Xuân bảo ngồi xuống ghế thấp và nói:
- Có chuyện gì đâu. Nhân nghĩ đến việc chúng ta tiêu mỗi tháng hai lạng bạc, bọn a hoàn cũng đã có tiền lương tháng, thế mà hôm trước lại có người trình mỗi tháng chi hai lạng bạc cho mỗi người về tiền phấn sáp nữa. Số tiền này chẳng khác tám lạng bạc tiền học vậy, cứ chồng chất mãi lên. Việc này tuy nhỏ nhưng số tiền có chừng, xem ra chi tiêu như thế là không đúng, tại sao mợ chị không nghĩ đến việc ấy?
Bình Nhi cười nói:
- Việc ấy cũng có duyên cớ. Những thứ các cô dùng đã có lệ định sẵn, mỗi tháng các nơi phải mua đủ, bảo bọn đàn bà đưa đến cho chúng tôi giữ, chẳng qua chúng tôi chỉ sắp cho các cô dùng thôi. Chứ không phải hàng ngày nhận tiền rồi sai người đi mua. Vì thế mãi biện bên ngoài lĩnh tiền cả, rồi hàng tháng sai người theo các phòng giao cho chúng tôi. Số tiền hai lạng hàng tháng của các cô, không phải để mua những thứ ấy đâu, mà cốt để phòng khi các bà các mợ trông nom việc nhà đi vắng, hoặc bận việc, mà các cô dùng ngay đến tiền, thì đỡ phải sai người đi lấy. Làm như thế cốt để cho các cô khỏi phiền đấy thôi. Đủ biết số tiền này không phải để mua những thứ đó. Nhưng nay tôi để ý xem ra thì phần nhiều chị em ở các nhà đều lấy tiền đi mua các thứ. Tôi ngờ rằng, không phải bọn mãi biện ăn bớt hoặc để chậm ngày giờ, thì cũng chuốc lấy của xấu, nhuế nhóa cho xong chuyện.
Thám Xuân và Lý Hoàn đều cười nói:
- Chị cũng để ý thấy rõ việc ấy à? Việc ăn bớt chưa chắc có, chỉ là để chậm thì giờ thôi. Khi nào giục gấp, họ đem ở đâu về đều là những thứ có tên thôi, thực ra chẳng dùng gì được. Rồi vẫn phải lấy hai lạng bạc, sai con em các bà vú đi mua thứ khác về dùng. Người trong phủ đi bao giờ cũng vẫn mua phải hàng xấu, không biết họ làm ăn ra sao? Cứ cửa hàng bên ngoài bỏ đi là họ vác về cho chúng ta dùng.
Bình Nhi cười nói:
- Bọn mãi biện đi mua là cứ thế mãi. Người khác có mua được hàng tốt, thì họ lại không chịu, cứ bảo là người ta xấu bụng muốn tranh chức mãi biện của mình. Vì vậy ai nấy thà chịu lỗi với các mợ các cô, chứ không dám làm mất lòng họ. Chỉ khi nào các cô sai vú già đi mua, họ mới không dám lời ra tiếng vào.
Thám Xuân nói:
- Vì thế trong bụng tôi vẫn áy náy. Phải tiêu phí hai lần tiền mà đồ dùng vẫn vất đi một nửa, chi bằng bỏ cái khoản đưa bọn mãi biện mua ấy đi. Đó là việc thứ nhất. Việc thứ hai, năm ngoái chị cũng đi dự tiệc nhà Lại Đại đấy, chị xem vườn nhà ấy so với vườn nhà ta như thế nào?
- Không bằng một nửa vườn nhà, cây cối hoa quả cũng ít.
- Nhân lúc ta nói chuyện với lũ con gái nhà ấy, họ nói vườn ấy trừ số hoa để cài và măng rau, tôm cá để nhà ăn ra, còn cho người thầu. Một năm cũng thừa được hai trăm lạng. Từ hôm đó ta mới biết từ cái lá sen rách, cái rễ cỏ khô cũng đều đáng tiền cả.
Bảo Thoa cười nói:
- Thực là chuyện của con nhà phú quý! Các cô tuy là tiểu thư nghìn vàng, xưa nay không biết đến việc ấy, nhưng đã là người đọc sách biết chữ, lại không đọc đến thiên “bất tự khí”(1) của ông Chu Tử hay sao?
Thám Xuân cười nói:
- Đã đọc rồi, nhưng chẳng qua là lời nói phù phiếm, khuyên người ta phải cố gắng chứ có gì là thực tế?
Bảo Thoa nói:
- Ông Chu Tử mà là người phù phiếm à? Câu nói nào cũng sát thực tế đó. Cô mới nhận việc có mấy hôm mà lòng đã mê muội về lợi, cho ông Chu Tử là người phù phiếm. Nếu cô đi ra ngoài, thấy nhiều việc lợi hại lớn hơn nữa, có lẽ đến cả ông Khổng Tử cô cũng cho là người phù phiếm hết!
Thám Xuân cười nói:
- Chị là người thông thái như thế lại chưa xem sách Cơ Tử(2) à? Sách có nói: “Bước vào vòng lợi lộc, ở vào địa vị bàn mưu tính kế, thì quên hẳn lời Nghiêu, Thuấn, trái hẳn đạo Khổng, Mạnh”.
- Dưới còn câu gì nữa?
- Đây tôi chỉ cắt câu văn để lấy ý thôi. Nếu đọc xuống câu dưới thì chăng hóa ra lại tự mắng tôi à?
- Trên đời cái gì mà không dùng được, đã dùng được phải đáng tiền chứ. Khen cho cô là người thông minh, ngay những việc to tát, sờ sờ ra đấy, vẫn chưa từng trải.
Lý Hoàn cười nói:
- Bảo người ta đến, chẳng nói gì việc chính, lại mang học vấn ra cãi vã nhau.
Bảo Thoa nói:
- Trong học vấn tức là việc chính đấy. Nếu không nói đến học vấn thành ra sa vào hạng tục mất.
Ba người nói đùa một lúc rồi mới bàn đến việc chính.
Thám Xuân nói tiếp:
- Vườn của chúng ta rộng gấp đôi vườn nhà Lại Đại, cứ tính gấp đôi thôi, một năm cũng có thể được lợi bốn trăm bạc. Bây giờ cho người thầu, bủn xỉn quá, nhà chúng ta không đáng làm như vậy; nhưng không giao hẳn cho vài người trông nom, thì thững thứ đáng tiền bị hủy hoại đi, sẽ bỏ phí của trời. Chi bằng chọn mấy bà già thực thà ở trong vườn, biết việc trồng trái, cho họ đứng lên trông coi. Không bắt họ nộp tô nộp thuế, chỉ mỗi năm biếu xén ít nhiều gì đó. Làm như thế, một là trong vườn có người chuyên trách, sửa sang cây cối, mỗi năm một tốt hơn lên, không phải chờ đến lúc có việc mới cuống cuồng vội vã; hai là hoa màu không đến nỗi bị hủy hoại phí của; ba là bọn bà già được nhờ đấy mà kiếm ít tiền, cũng bỏ cái công vất vả trông nom vườn tược hàng năm; bốn là bớt được những món tiền thuê người sửa hoa, sửa núi, quét dọn. Đem chỗ thừa bù vào chỗ thiếu, như thế cũng được đấy.
Bảo Thoa đương đứng xem bức tranh trên vách, nghe vậy, gật đầu cười nói:
- Hay thật! Như thế thì “trong ba năm chẳng còn ai đói khát nữa.”(3)
Lý Hoàn nói:
- Nghĩ hay đấy! Nếu làm được thế, chắc chắn bà cũng vui lòng. Sự bớt tiêu là việc nhỏ, nhưng trong vườn có người chuyên trách, quét dọn, lại được món tiền, tức là lấy quyền sai khiến, lấy lợi thúc giục, thì ai mà chẳng hết lòng làm việc.
Bình Nhi nói:
- Việc này chỉ cô là có thể nói được thôi. Mợ tôi tuy cũng muốn đấy, nhưng chưa chắc đã chịu ngỏ lời. Hiện giờ các cô đương ở cả trong vườn, đã không bày thêm được trò chơi để giúp vui lại còn sai người đến trông nom sửa sang, mong đỡ tốn tiền, nhất định mợ tôi không tiện nói ra.
Bảo Thoa chạy lại sờ vào mặt Bình Nhi, cười nói:
- Chị há mồm ra cho tôi xem lưỡi răng chị thế nào? Từ sáng đến giờ, cứ mỗi việc chị nói một giọng, không nịnh hót cô Ba, cũng không nói là mợ chị vụng tính. Hễ cô Ba nói một câu, chị lại có một câu đỡ ngay. Cứ việc gì cô Ba nghĩ được, là mợ chị cũng đã nghĩ đến rồi, nhưng chỉ vì có một nhẽ riêng không thể làm được thôi. Bây giờ lại nói là các cô ở trong vườn, không tiện vì sự bớt tiêu mà sai người đến trông nom. Chị em thử nghĩ câu nói ấy xem, nếu thực cho người ta trông nom để lấy tiền, thì ngay một cành hoa, một thứ quả, người ta cũng không cho động chạm đến. Về phần các cô, chắc cũng không ai dám nói gì, nhưng với các cô bé, sợ hàng ngày không khỏi sinh chuyện eo sèo với nhau. Chị ấy biết lo gần lo xa, không chống lại người ta, cũng không tự hạ mình, dù mợ chị ấy không tốt với chúng ta, nay nghe thấy tất nhiên phải xấu hổ mà ăn ở cho tốt, không bằng lòng cũng phải bằng lòng.
Thám Xuân cười nói:
- Sáng hôm nay tôi đang bực mình, nghe chị ấy đến, tôi nghĩ ngay đến chủ chị ấy ngày thường trông nom việc nhà để bọn người hầu lộng hành quen thân, nên lại càng bực thêm. Ngờ đâu chị ấy vào đến nơi, len lét như chuột sợ mèo đứng hầu hàng giờ, thực là đáng thương, rồi lại nói những câu như thế. Chủ chị ấy đối với tôi đã tử tế, chị ấy lại còn nói “không phụ tình nghĩa xưa nay cô đối với mợ tôi!” Nghe câu nói ấy, tôi không những hết giận mà lại còn xấu hổ và đau lòng nữa. Tôi nghĩ kỹ: mình là con gái, đương bực không có người đoái thương, thì còn có gì hay mà đối xử tử tế với người ta nữa?
Nói đến đây, Thám Xuân nước mắt chảy ròng ròng.
Lý Hoàn thấy Thám Xuân nói thiết tha như thế, lại nghĩ đến dì Triệu ngày thường sỉ vả cô ta, và ngay ở trước mặt Vương phu nhân cũng vì dì Triệu mà cô ta phải lụy lây, nên chảy nước mắt, liền khuyên:
- Nhân hôm nay vắng vẻ, chúng ta cùng bàn vài việc, làm thế nào thêm lợi bớt hại, để khỏi phụ lòng ủy thác của bà. Cô nhắc đến những việc không cần thiết ra làm gì.
Bình Nhi nói:
- Tôi đã hiểu rồi. Cô xem ai giỏi thì giao cho người ta đến trông nom là được.
Thám Xuân nói:
- Tuy thế, nhưng cũng phải về trình mợ chị trước đã. Ở đây chúng ta tìm tòi những món lợi nhỏ là không đúng, nhưng vì mợ chị là người hiểu việc nên mới làm như thế; nếu là một người hồ đồ hay ngờ vực ghen ghét, thì tôi không làm đâu, sẽ mang tiếng là tranh khôn, lẽ nào lại không bàn trước với mợ chị.
Bình Nhi cười nói:
- Đã thế để tôi về nói với mợ tôi.
Đi một lúc, Bình Nhi trở lại, cười nói:
- Tôi đã bảo là đi chỉ tốn công thôi. Việc hay như thế lẽ nào mợ tôi lại không bằng lòng!
Thám Xuân nghe nói, liền cùng Lý Hoàn sai người đem danh sách các bà già trong vườn đến xem. Hai người tính xong, chấm được mấy người. Rồi gọi họ đến, Lý Hoàn nói qua cho họ nghe. Ai nấy đều vui mừng. Có người nói:
- Cái rặng tre ấy cứ giao cho tôi sửa sang, một năm trừ măng ở trong nhà ăn rồi, còn có thể nộp thêm một số tiền nữa.
Người khác lại nói:
- Cái thửa đất trồng lúa kia xin giao cho tôi, hàng năm thóc gạo nuôi chim không phải lấy tiền ở trong phủ, tôi còn có thể nộp thêm một số tiền nữa.
Thám Xuân đang muốn nói, thì có người vào trình:
- Thầy thuốc đã vào vườn thăm cho cô Sử.
Bọn bà già ra đón, Bình Nhi liền nói:
- Chỉ miệng các bà thôi, thì một trăm người cũng không được trang trọng, sao không gọi vài người coi việc đi đón?
Người trình việc nói:
- Có bà Ngô và bà Đan đang chờ đón ở ngoài cửa Tụ Cẩm về phía tây nam rồi.
Bình Nhi thấy thế mới thôi.
Các bà đi rồi. Thám Xuân hỏi: “Việc ấy thế nào?” Bảo Thoa cười nói:
- Người nào trước trót lọt sau tất trễ nải, người khéo nói tất là hám lợi.
Thám Xuân gật đầu khen phải, liền trỏ mấy người ở trong danh sách cho Lý Hoàn, Bảo Thoa và Bình Nhi xem. Bình Nhi vội mang giấy bút đến. Ba người nói:
- Già Chúc là người đứng đắn, vả chăng chồng con bà ấy đời đời đều trông nom việc sửa sang rặng tre. Bây giờ nên giao cả việc này cho bà ấy. Già Điền vốn là nhà làm ruộng, bao nhiêu lúa má rau cỏ ở Đạo Hương thôn, tuy để làm cảnh chơi, không cần phải bày biện nhiều lắm, nhưng nếu có bà ấy theo thời tiết chăm bón cẩn thận, thì chẳng hơn hay sao?
Thám Xuân lại cười nói:
- Tiếc rằng Hành Vu Uyển và viện Di Hồng, đất đai rộng thế mà chẳng có thứ gì đáng tiền!
Lý Hoàn cười nói:
- Hành Vu Uyển lại càng quan trọng hơn! Hiện giờ những hoa thơm cỏ thơm bán ở hiệu hàng hương, ở các chợ và các đền miếu, chẳng phải đều là những thứ ở trong đây hay sao? Tính ra, ở đấy lại càng thu được nhiều lợi hơn! Trong viện Di Hồng, không kể các thứ, chỉ riêng hoa hồng, hai mùa xuân hạ cũng có tới bao nhiêu bông! Lại còn các thứ hoa tường vi, nguyệt quý, bảo tường, kim ngân, đằng hoa ở chung quanh hàng rào, hái về phơi khô rồi bán cho hiệu chè, hiệu thuốc cũng được khá nhiều tiền đấy.
Thám Xuân cười, rồi gật đầu nói:
- Mẹ chị Oanh Nhi hầu cô Bảo biết hái đấy. Dạo trước bà ấy hái ít hoa về phơi khô, tết thành lẵng hoa, bầu rượu đem cho tôi chơi. Cô đã quên rồi à?
Bảo Thoa cười nói:
- Tôi vừa mới khen chị, giờ chị lại trêu chọc tôi.
Ba người đều lấy làm lạ hỏi:
- Thế là thế nào?
Bảo Thoa nói:
- Không thể làm thế được. Bên nhà các chị còn bao nhiêu là người thạo việc, lại nhàn rỗi chẳng làm lụng gì cả. Bây giờ tôi mà đưa người đến, tất nhiên họ sẽ coi thường. Tôi đã nghĩ hộ cho các chị một người. Bên viện Di Hồng có già Diệp là mẹ Dính Yên, bà ấy thực thà lắm, lại chơi thân với mẹ Oanh Nhi bên nhà tôi. Chi bằng giao việc này cho già Diệp, có điều gì bà ấy không biết, thì không cần chúng ta phải nhắc, bà ấy cứ đến bàn bạc với mẹ Oanh Nhi là được rồi. Nếu già Diệp không làm, mà giao cho người khác, thì đó là tùy tình riêng của họ, người ngoài có ai muốn nói nhảm gì cũng không thể oán chúng ta được. Làm như thế các chị được tiếng công bằng, lại thêm chạy việc.
Lý Hoàn và Bình Nhi đều nói: “Phải đấy”.
Thám Xuân cười nói:
- Dù thế, nhưng cũng còn sợ họ thấy lợi quên mất cả lẽ phải.
Bình Nhi cười nói:
- Không việc gì đâu. Hôm nọ Oanh Nhi còn nhận già Diệp làm mẹ nuôi, mời ăn mời uống, hai nhà đối đãi với nhau rất tử tế.
Thám Xuân nghe nói thế mới thôi. Họ lại bàn định với nhau chọn thêm mấy người nữa, đều là những người đã được chú ý từ trước, rồi lấy bút khuyên tên.
Một lúc sau, bà già vào trình “thầy thuốc đã về rồi” và đưa đơn thuốc lên. Ba người xem xong, sai người đưa ra ngoài lấy thuốc sắc cho Tương Vân uống. Thám Xuân, Lý Hoàn bảo cho mọi người biết:
- Người nào coi giữ chỗ nào, cứ theo mùa nào thức ấy trừ số trong nhà để dùng không kể, còn thì cho bán lấy lợi, cuối năm sẽ tính sổ.
Thám Xuân cười nói:
- Tôi lại nghĩ ra một việc: nếu cuối năm tính sổ, tất phải nộp tiền ở phòng thu chi, lại thêm một người giữ. Món tiền đã lọt vào tay họ, sẽ lại bị bớt xén một lần nữa. Bây giờ tôi nghĩ ra việc này, giao cho các bà, không qua tay bọn quản gia. Dù họ tức đấy nhưng cũng không dám nói. Đến cuối năm, các bà phải nạp tiền cho họ, chờ gì họ chẳng giở lối mè nheo? Vả chăng trong một năm bất cứ việc vì, chủ được một phần, họ cũng vớ nửa phần, đó là lệ cũ xưa nay ai cũng biết cả, ấy là chưa kể đến chỗ ăn vụng ăn trộm. Bây giờ việc trong vườn này là do chúng ta đặt ra, chứ không phải qua tay họ, thì hàng năm cứ nộp tiền vào nhà trong mới phải.
Bảo Thoa cười nói:
- Cứ ý tôi, nhà trong cũng không cần phải thu tiền, vì thu người này nhiều, người kia ít, lại thêm bận ra. Chi bằng hỏi họ xem ai nhận phần nào thì phải đứng ra gánh lấy một việc gì đó, chẳng qua cũng chỉ là những việc của các người ở trong vườn cần dùng thôi. Tôi tính hộ các chị em phải tiêu những món gì. Quanh quẩn cũng chỉ có mấy món như phấn, sáp, hương, giấy. Mỗi cô có mấy người hầu đều có lệ định sẵn; ngoài ra thì chổi quét, thúng hót rác, phất trần và đồ ăn của chim, hươu, thỏ trong các nhà. Những thứ này họ phải nhận hết, không phải ra lĩnh tiền ở phòng thu chi nữa. Chị thử tính xem, như thế đỡ được bao nhiêu?
Bình Nhi cười nói:
- Tuy mấy việc nhỏ mọn ấy, nhưng tính cả năm cũng đỡ được hơn bốn trăm lạng bạc đấy.
Bảo Thoa cười:
- Còn phải nói nữa! Một năm bốn trăm lạng, hai năm tám trăm lạng, cũng có thể thừa mua mấy gian nhà cho thuê, hay mấy mẫu ruộng xấu đấy, nhưng họ khó nhọc cả năm cũng nên cho họ kiếm ít lời để tiêu riêng việc nhà chứ! Chúng ta cốt để thêm món lợi, bớt tiêu phí, nhưng cũng không nên làm quá, bớt được vài trăm lạng bạc mà mất thể thống thì cũng không đúng. Vì thế làm việc này, phòng thu chi bên ngoài một năm đỡ phải tiêu tốn, năm trăm lạng bạc, cũng đỡ phần chật vật, mà những người ở bên trong và các bà già trước đây không có việc làm cũng sẽ kiếm được tý chút. Cây cối trong vườn mỗi năm cũng được tốt tươi thêm lên. Các chị cũng có các thức mà dùng, như thế không đến nỗi mất thể thống. Nếu chỉ vì bớt tiêu thôi, thì kiếm đâu mà chẳng ra tiền? Hễ có được món lợi gì cũng nộp vào của công cả, có lẽ cả trong lẫn ngoài, họ sẽ oán trách ầm lên, như thế chẳng mất thể thống của nhà các chị hay sao? Vả lại trong vườn này có mấy chục bà già, mà chỉ cho mấy người này, tất nhiên người khác sẽ oán trách là không công bằng. Như tôi nói lúc nãy, họ phải nộp có mấy thứ thôi, kể cũng rộng rãi đấy. Hằng năm trừ những thứ ấy ra, mỗi người thừa thiếu mặc, đều phải bỏ ra mấy quan tiền, rồi góp cả lại, đem chia đều cho các bà già ở trong vườn. Những người này tuy không trông nom việc ấy thật, nhưng ngày đêm họ đều phải hầu hạ ở trong vườn, phải đóng cửa, mở cửa, thức khuya dậy sớm, khi mưa khi tuyết, các cô đi đâu họ phải khiêng kiệu, chèo thuyền, kéo xe đi tuyết, bao nhiêu việc khó nhọc, họ đều phải cáng đáng cả. Quanh năm họ chịu vất vả, nay trong vườn có món lợi, thì cũng phải cho họ được nhờ tý chút. Lại còn một chuyện rất nhỏ cũng cần nói toạc ra: các bà này chỉ biết vơ phần nhiều về mình, không chịu chia cho ai. Dù ngoài mặt chẳng ai dám nói ra, nhưng trong bụng họ sẽ không phục. Họ sẽ mượn việc công để làm việc tư, ngắt ít quả bẻ ít hoa, chắc các bà kia cũng chẳng kêu vào đâu được. Nay họ cũng được hưởng lợi một ít, thì chỗ nào các bà kia không trông nom xuể, sẽ có họ trông nom hộ.
Các bà già nghe thấy bàn định như thế, đã không bị phòng thu chi cai quản, lại không phải tính sổ với Phượng Thư, một năm chỉ phải bỏ ra mấy quan tiền thôi, họ đều vui vẻ nói:
- Chúng tôi bằng lòng! Như thế còn hơn là bị họ giày vò mà vẫn phải bỏ tiền ra nộp!
Những người không được trông nom vườn, thấy nói hàng năm không phải làm cũng được hưởng ít tiền, đều vui vẻ nói:
- Các bà kia làm lụng vất cả, đáng được món tiền để tiêu pha, chứ chúng tôi có làm gì đâu mà lại ngồi không hưởng lợi!
Bảo Thoa cười nói:
- Các bà không nên từ chối, đây là phần của các bà đáng hưởng. Chỉ cần các bà ngày đêm chịu khó đừng lười, đừng để mặc cho người ta uống rượu đánh bạc, thế là được rồi. Tôi cũng không muốn nhận trông nom việc này đâu, nhưng chắc các bà cũng đã biết, dì tôi phó thác tôi năm, bảy lần, và bảo: bây giờ mợ Cả thì bận, các cô hãy còn bé, nhờ tôi trông nom giúp. Tôi không nghe lời lại làm dì tôi bận lòng. Mẹ tôi hay ốm luôn, việc nhà lại bận, tôi vốn là người sốt sắng hão, ngay hàng xóm láng giềng có việc cần tôi cũng đến giúp đỡ huống chi là dì tôi ủy thác! Ai oán trách tôi cũng chẳng cần. Nếu chỉ cốt lấy tiếng khen, để họ rượu chè cờ bạc, sinh chuyện lôi thôi, thì tôi còn mặt mũi nào trông thấy dì tôi nữa? Khi đó ngay các bà cũng mất thể diện, có ăn năn cũng muộn. Các cô ở trong ấy, cái vườn hoa rộng ấy, đều nhờ các bà trông nom cả, vì tôi coi các bà là người hầu hạ đã ba, bốn đời, xưa nay vẫn giữ được khuôn phép, thì mọi người nên đồng lòng cùng nhau giữ lấy thể thống. Nếu các bà lại dung túng người khác, để mặc họ uống rượu đánh bạc, dì tôi nghe thấy, mắng bảo các bà còn khá, chứ đến tai mấy người quản gia, họ không cần trình dì tôi, cứ mắng thẳng các bà, chẳng hóa ra già không trót, vẫn bị bọn trẻ lên mặt dạy đời. Họ là quản gia, có quyền trông nom các bà thực, nhưng nếu mình giữ thể diện thì họ khinh rẻ sao được? Vì thế tôi nghĩ hộ các bà cách kiếm lời thêm, cũng muốn cho mọi người hết lòng cẩn thận trông nom cái vườn được chu tất, để những người coi việc, thấy cách sắp đặt cẩn thận chu đáo, họ không phải bận lòng đến, trong bụng lại chẳng kính phục hay sao! Như thế mới không phụ lòng tôi tính toán những việc có lợi cho các bà. Các bà nên nghĩ kỹ những lời tôi nói.
Mọi người đều vui vẻ thưa:
- Cô nói phải lắm. Từ nay các mợ các cô cứ yên tâm. Các mợ các cô có lòng thương đến chúng tôi như thế, nếu chúng tôi không thể tất lòng trên, thì trời đất cũng không dung.
Chợt vợ Lâm Chí Hiếu đến trình:
- Gia quyến bên phủ Chân ở Giang Nam đến kinh đô, vào cung triều hạ, hiện sai người mang lễ đến thăm.
Nói xong liền đưa tờ giấp kê đồ lễ lên. Thám Xuân cầm lấy xem: mười hai tấm đoạn thêu, mười hai tấm đoạn các thứ, mười hai tấm the các màu, mười hai tấm lụa, tất cả đều là đồ vua dùng. Hai mươi bốn tấm the đoạn, lụa các màu trong cung dùng.
Xem xong, Lý Hoàn và Thám Xuân nói:
- Thưởng cho họ phong bao(4) hạng nhất.
Rồi lại sai người đến trình Giả mẫu. Giả mẫu cho gọi Lý Hoàn, Thám Xuân, Bảo Thoa đến xem qua lễ vật. Lý Hoàn xếp cả vào một bên, dặn người giữ kho:
- Chờ bà Hai về xem rồi mới được cất đi.
Giả mẫu liền nói:
- Nhà họ Chân không như nhà khác đâu. Đã thưởng phong bao hạng nhất cho bọn đàn ông rồi, sợ chốc nữa họ lại sai bọn đàn bà đến hỏi thăm đấy, phải sắp sẵn phần thưởng.
Chưa nói dứt lời, đã có người vào trình: “Bốn người đàn bà ở phủ Chân đến hỏi thăm”. Giả mẫu sai người dẫn vào. Bốn người này trạc ngoài bốn mươi, ăn mặc chẳng khác bà chủ mấy. Chào hỏi xong, Giả mẫu sai lấy bốn cái ghế thấp cho họ ngồi. Bọn người tạ ơn, chờ bọn Bảo Thoa ngồi rồi mới dám ngồi. Giả mẫu hỏi:
- Đến Kinh từ bao giờ?
Bốn người đứng dậy trình:
- Hôm qua vào Kinh, hôm nay bà tôi dẫn cô Ba vào cung “thỉnh an” (5), vì thế sai chúng tôi đến hầu cụ và hỏi thăm các cô.
- Mấy năm nay không thấy bà nhà vào Kinh, không ngờ bây giờ lại vào.
- Vâng, năm nay có chiếu chỉ gọi vào.
- Gia quyến vào cả à?
- Cụ bà, cậu cả, hai vị tiểu thư cùng các vị lệnh bà đều không ai vào, chỉ có một mình bà tôi dẫn cô Ba vào thôi.
- Cô ấy đã có người hỏi chưa?
- Chưa có.
- Cô Cả và cô Hai nhà các chị rất thân với nhà ta.
- Vâng. Hàng năm các cô viết thư về, nói vẫn nhờ quý phủ chăm sóc.
- Có gì là “chăm sóc”? Vừa là bạn thân, lại là họ hàng, tất phải như thế chứ. Cô Hai nhà các chị cũng tốt, tính nết nhũn nhặn, vì thế chúng ta mới đi lại thân mật luôn.
- Đó là cụ nói nhũn đấy.
- Cậu Cả các người cũng ở với cụ nhà à?
- Vâng ạ.
- Năm nay cậu ấy bao nhiêu tuổi rồi? Đã đi học chưa?
- Năm nay cậu ấy mười ba tuổi. Người vốn xinh xắn, nên cụ chúng tôi rất thương, từ bé tính bướng bỉnh, ngày nào cũng trốn học, ông bà chúng tôi không tiện quở mắng lắm.
- Cũng không phải như thằng cháu ta ở đây chứ? Cậu ấy tên là gì?
- Cụ chúng tôi quý cậu ấy như ngọc, lại người trắng trẻo, nên đặt tên là Bảo Ngọc.
Giả mẫu ngoảnh vào Lý Hoàn, cười nói:
- Thế ra cũng gọi là Bảo Ngọc?
Bọn Lý Hoàn vội khép nép cười:
- Từ xưa đến nay, hoặc đồng thời hay khác đời, có rất nhiều người trùng tên.
Bốn người cười nói:
- Khi đặt tên cậu ấy, chúng tôi trên dưới ai cũng ngờ ngợ, hình như có một nhà bạn thân nào cũng có người đặt tên như thế, chỉ vì đã mười năm nay không vào kinh, nên không nhớ rõ được.
Giả mẫu cười nói:
- Cháu ta đấy. Ai vào đây ta bảo.
Bọn đàn bà và a hoàn vâng lời đến gần mấy bước. Giả mẫu cười nói:
- Vào trong vườn gọi cậu Bảo Ngọc nhà ra đây, để cho bốn bà xem cậu Bảo này có bằng cậu Bảo nhà họ không.
Bọn bà già đi, một lúc đưa Bảo Ngọc đến. Bốn người trông thấy, đứng dậy cười nói:
- Làm cho chúng tôi giật nảy mình lên! Nếu chúng tôi không vào trong phủ này mà lại gặp ở chỗ khác, thì cho ngay là cậu Bảo nhà chúng tôi cũng theo vào Kinh đấy!
Họ đến kéo tay Bảo Ngọc, hỏi vắn hỏi dài. Bảo Ngọc cũng cười hỏi thăm họ. Giả mẫu cười nói:
- So với cậu nhà các người thế nào?
Lý Hoàn cười nói:
- Cứ theo như bốn bà này vừa mới nói, thì chắc hình dáng hai cậu giống nhau.
Giả mẫu cười nói:
- Đâu lại có việc khéo thế? Những trẻ con các nhà đại gia mới đẻ ra đã xinh đẹp, trừ những người trên mặt có tàn tật xấu lắm không kể, còn thì trông cũng xinh xắn cả, việc ấy cũng không có gì là lạ.
Bốn người cười nói:
- Giờ xem ra hình dáng hai cậu giống nhau, và theo cụ vừa nói, thì tính khí bướng bỉnh cũng giống nhau. Nhưng theo chúng tôi thì cậu đây tốt nết hơn cậu nhà chúng tôi đấy.
Giả mẫu cười nói:
- Thế nào?
- Vừa rồi chúng tôi kéo tay cậu ấy nói chuyện cũng đủ biết. Chứ cậu bên nhà chúng tôi thì đã cho chúng tôi sỗ sàng rồi. Đừng nói là kéo tay, ngay từ đồ dùng, chúng tôi động đến một tý là cậu ấy đã không bằng lòng. Những người cậu ấy sai bảo lại đều là bọn con gái cả.
Bốn người ấy chưa nói dứt lời, chị em Lý Hoàn đã không nhịn được, đều cười ầm lên. Giả mẫu cũng cười nói:
- Bây giờ chúng ta sai người đến thăm cậu Bảo nhà các người, nếu họ kéo tay cậu ấy, tất nhiên cậu ấy cũng phải cố nhịn. Chả cứ trẻ con nhà này hay bên ấy, dù chúng có bướng bỉnh ương gàn thế nào chăng nữa, khi gặp người lạ đến cũng phải giữ lễ phép đúng đắn. Dù đã không biết giữ lễ phép, cũng không khi nào để cho nó gàn bướng mãi được. Người lớn nuông chiều nó, cũng chỉ vì một là thấy nó có vẻ dễ coi, hai là nó biết giữ lễ phép hơn người lớn, ai trông thấy cũng phải yêu phải thương, nên mới chợp mắt bỏ qua, nuông chiều nó một chút. Nếu cứ một mực bất chấp kẻ quen người lạ, làm xấu mặt cả người lớn, thì dù xinh đến đâu cũng đáng đánh chết.
Bốn người đều cười nói:
- Cụ dạy phải lắm. Tuy cậu Bảo nhà chúng tôi tính nết ương gàn thật, nhưng khi có khách, cũng biết giữ lễ phép hơn cả người lớn, vì thế ai trông thấy cũng yêu, cứ bảo rằng: làm sao lại còn đánh cậu ấy? Có biết đâu khi ở nhà, cậu ấy coi trời bằng vung, cả gan dám nói những câu, dám làm những việc mà người lớn không hề dám nói, dám làm. Vì thế ông bà chúng tội giận lắm, nhưng cũng không biết làm thế nào. Trẻ con thì hay chơi bời lêu lổng, sợ phải đi học, những nết xấu ấy còn có thể sửa chữa được. Tệ nhất là cái tính ương gàn bướng bỉnh có ngay từ lúc mới lọt lòng, thì chịu làm sao cho được.
Chợt có người vào trình: “Bà Hai đã về”. Vương phu nhân vào hỏi thăm Giả mẫu, bốn người đứng chào, nói qua loa mấy câu chuyện. Giả mẫu bảo đi về nghỉ. Vương phu nhân dâng nước mời Giả mẫu rồi đi ra. Bốn người cũng cáo từ, đến chỗ Vương phu nhân nói chuyện việc nhà một lúc, rồi họ ra về.
Giả mẫu vui mừng, gặp ai cũng khoe: có một Bảo Ngọc nữa, hình dáng tính nết cũng như cháu ta. Mọi người đều nghĩ các nhà thế hoạn đại gia giống tên nhau cũng nhiều, bà nuông chiều cháu giai cũng là việc thường, chẳng có gì đáng lạ, nên cũng không để ý đến. Duy có Bảo Ngọc tính nết ngây thớ vẩn, cho là bốn người này nói thế để làm vui lòng Giả mẫu đấy thôi. Sau về trong vườn thăm bệnh Tương Vân. Tương Vân liền bảo:
- Thôi anh tha hồ mà đùa mà nghịch. Trước thì “một sợi không thành dây, một cây không thành rừng”, nay đã có bạn rồi. Cứ nghịch tràn đi, có bị đánh dữ thì lần đến với cái anh ở Nam Kinh kia.
Bảo Ngọc nói:
- Chuyện hoang đường mà cô cũng tin? Lại còn có Bảo Ngọc khác nữa à?
- Thế thì tại sao đời Liệt quốc có Lạn Tương Như, mà đời nhà Hán cũng có Tư Mã Tương Như.
- Cái ấy đã đành đi rồi, còn như hình dáng giống nhau như hệt thì làm gì có?
- Thế tại sao người nước Khuông trông thấy ông Khổng Tử lại cho là Dương Hóa?(6)
- Khổng Tử và Dương Hóa mặt giống nhưng tên khác; Lạn và Tư Mã tên giống nhưng mặt lại khác. Riêng tôi và hắn không lẽ lại giống cả mặt lẫn tên?
Tương Vân không biết trả lời thế nào, liền cười nói:
- Anh chỉ cãi bướng, tôi không nói với anh nữa. Có cũng mặc, không cũng mặc, chẳng việc gì đến tôi.
Nói xong Tương Vân đi nằm.
Bảo Ngọc đâm ra ngờ ngợ: “Nếu bảo là không thì hình như cũng có, nếu bảo có thì mắt mình lại chưa trông thấy”.
Trong bụng bứt rứt, về buồng nằm ngẫm nghĩ mãi, đâm ra ngủ mê, thấy mình đi vào trong một vườn hoa, Bảo Ngọc lấy làm lạ nói:
- Trừ vườn Đại Quan của chúng ta ra, còn có cái vườn nào đây?
Đương lúc ngờ ngợ, thấy có mấy đứa gái bé đi đến, đều là a hoàn cả. Bảo Ngọc lại lấy làm lạ nói:
- Trừ Uyên Ương, Tập Nhân, Bình Nhi ra, còn đám nào đây?
Bọn a hoàn đó cười nói:
- Sao cậu Bảo Ngọc lại đến đây?
Bảo Ngọc cho là nói mình, chạy lại cười nói:
- Ngẫu nhiên tôi đi chơi đến đây, không biết là vườn hoa của vị thế giao(7) nào. Nhờ các chị đưa tôi đi xem.
- Thì ra không phải là cậu Bảo nhà chúng mình! Trông hắn cũng sạch sẽ ăn nói lại lém lỉnh đấy.
- Thế ra trong nhà đây cũng lại có cậu Bảo Ngọc à?
- Cụ và bà nhà chúng tao đặt tên hai chữ “bảo ngọc” cho cậu chúng tao, cốt để giữ gìn cho cậu ấy được sống lâu và tránh hết tai nạn. Cậu ấy cũng thích cho chúng tao gọi tên. Mày là thằng bé con ở đâu đến đây, cũng dám gọi bậy! Giờ hồn không chúng tao đánh cho nát xác ra!
Lại một a hoàn khác cười nói:
- Thôi chúng ta về đi, đừng để cậu Bảo Ngọc trông thấy.
Lại nói:
- Nói chuyện với thằng bé con thối này làm chúng mình cũng thối lây!
Bảo Ngọc buồn rầu nói:
- Xưa nay chưa từng bị ai đối xử tệ bạc với mình, sao bọn này lại như thế? Không lẽ lại có một người như ta à?
Vừa nghĩ vừa tiện bước đi đến một ngôi nhà, Bảo Ngọc lấy làm lạ nói:
- Trừ viện Di Hồng ra, lại còn có một cái nhà như thế này à?
Rồi lên thềm, vào hẳn phía trong, thấy trên giường có một người nằm, bên cạnh có mấy đứa con gái đương thêu thùa, cười đùa với nhau. Người trẻ tuổi nằm ở trên giường thở dài một tiếng, một a hoàn cười hỏi:
- Cậu Bảo, sao không ngủ mà lại thở dài thế? Chắc là vì cô em đương yếu, cậu mới buồn bực vớ vẩn chứ gì?
Bảo Ngọc nghe nói, giật mình thấy người trẻ tuổi trên giường nói:
- Ta thấy cụ nói, trong kinh cũng có một anh Bảo Ngọc tính nết cũng giống ta, ta vẫn không tin. Nhưng vừa rồi ta nằm mê đi vào một cái vườn hoa to ở trong kinh, bỗng gặp mấy chị đều cho ta là thằng ranh con bẩn thỉu, không thèm nhìn đến. Ta tìm mãi mới đến được cái buồng của anh ấy, thấy anh ấy đương nằm ngủ, nhưng chỉ có cái xác thôi, còn hồn thì đi đâu rồi ấy.
Bảo Ngọc nói:
- Tôi vì đi tìm Bảo Ngọc mới đến đây, thế ra anh là Bảo Ngọc à?
Người nằm trên giường vội chạy xuống kéo tay, cười nói:
- Thế ra anh cũng là Bảo Ngọc? Phải chăng là giấc chiêm bao?
- Sao lại là chiêm bao? Thực lắm đấy chứ!
Hai bên chưa nói dứt lời, có người đến bảo:
- Ông gọi cậu Bảo đấy.
Hai người đều sợ cuống lên. Một Bảo Ngọc chạy đi, một Bảo Ngọc vội gọi giật lại: “Bảo Ngọc, mau về đây!” “Bảo Ngọc, mau về đây!”
Tập Nhân ngồi bên cạnh thấy Bảo Ngọc nằm mê, gọi tên mình, liền đánh thức dậy, cười hỏi:
- Bảo Ngọc ở đâu?
Bảo Ngọc đã tỉnh, nhưng tinh thần hãy còn bàng hoàng, liền trỏ ra ngoài cửa nói:
- Hắn vừa mới đi kia kìa.
- Thôi, cậu nằm mê rồi. Cậu thử dụi mắt nhìn kỹ xem, đó là bóng cậu ở trong cái gương đấy.
Bảo Ngọc nhìn lên, thì ra cái gương lớn sừng sững đứng trước mặt. Không nhịn được, Bảo Ngọc bật cười. Một a hoàn đã đem sẵn nước và ống nhổ đến cho Bảo Ngọc súc miệng.
Xạ Nguyệt nói:
- Không trách được, cụ thường bảo: nhà có trẻ con không nên treo nhiều gương, vì người còn bé chưa cứng vía, soi gương nhiều, khi ngủ tất sợ hãi nói mê. Bây giờ lại đem kê giường ngủ ở trước cái gương lớn, lúc nhớ buông cái màn che xuống còn khá, sau này trời càng nóng, càng mệt, thì còn nghĩ gì đến buông màn gương nữa? Vừa rồi cũng là vì quên buông màn gương xuống. Khi nằm trước gương chơi đùa với bóng rồi ngủ đi, thành ra hay mê mẩn nói nhảm; nếu không thì sao mình lại gọi tên mình? Chi bằng ngày mai dời giường đi chỗ khác thì hơn.
Bỗng Vương phu nhân sai người đến gọi Bảo Ngọc.
Chú thích:
1. Tức là Chu Hy, tên chữ là Trọng Hối, Hối Ông, Khảo Đình hay Chu Văn Công, là một nhà lý học đời Tống. Đời sau thường gọi là Khảo Đình học phái. Bất tự khí là không nên bỏ phí vật gì
2. Hình như tác giả bịa ra để cười cho vui, chứ không có người như thế.
3. Chữ trong sách Luận ngữ.
4. Tiền mừng tuổi, hoặc thưởng, ngoài gói bằng giấy đỏ.
5. Trong thời phong kiến, việc đến hỏi thăm vua chúa, hoàng hậu, hoặc quí tộc bậc cao, đều gọi là “thỉnh an”.
6. Trong sách Luận ngữ khi ông Khổng tử đến nước Khuông, người nước Khuông tưởng là Dương Hóa, liền đến vây lại.
7. Bạn thân với nhau, đời này đến đời khác.
Hồi 57:
Tử Quyên khôn ngoan, đặt chuyện thử lòng cậu Bảo;
Tiết Di hiền hậu, đem lời an ủi cô Lâm.
Vương phu nhân muốn dẫn Bảo Ngọc đến chào Chân phu nhân. Bảo Ngọc nghe nói, rất vui, vội thay quần áo, theo Vương phu nhân đi ngay. Thấy phong cảnh nhà họ Chân cũng chẳng khác phong cảnh phủ Vinh và phủ Ninh mấy, có một vài nơi còn lịch sự hơn. Hỏi kỹ ra, cũng có một cậu tên là Bảo Ngọc. Chân phu nhân giữ lại ăn cơm, hết ngày mới về. Bảo Ngọc vẫn chưa tin. Tối về nhà, Vương phu nhân bảo phải sắp tiệc thật long trọng, tìm một ban hát có tiếng để mời mẹ con Chân phu nhân đến dự. Hai hôm sau, mẹ con Chân phu nhân không kịp cáo từ, trở về chỗ làm quan.
Hôm ấy Bảo Ngọc thấy Tương Vân gần khỏi, mới sang thăm Đại Ngọc. Gặp lúc Đại Ngọc đang ngủ trưa, Bảo Ngọc không dám đánh thức, nhân thấy Tử Quyên ngồi ở ngoài hiên thêu thùa, liền đến hỏi:
- Đêm hôm qua cô ấy đã đỡ ho chưa?
- Hơi đỡ rồi.
- A di đà phật! Thôi cũng nên khỏi đi!
- Cậu mà cũng niệm phật, thực là việc lạ!
- Người ta thường bảo “Bệnh gấp hay uống thuốc bừa”.
Bảo Ngọc thấy Tử Quyên mặc cái áo bông mỏng bọc lụa, ngoài khoác áo đoạn xanh, liền giơ tay xoa vào người cô ta vừa nói:
- Khí trời xấu mà mặc phong phanh thế này, ngồi ở trước gió, lỡ ra ốm thì lại khổ.
Tử Quyên nói:
- Từ nay trở đi, chúng ta có nói chuyện gì thì nói, chứ đừng táy máy chân tay. Bây giờ đã lớn rồi, lỡ người ta trông thấy, không ra sao đâu, lại làm cho những kẻ bậy bạ nói vụng. Cậu không để ý đến việc ấy, cứ cợt nhả như lúc còn bé thế nào được? Cô tôi thường dặn chúng tôi không được đùa cợt với cậu. Gần đây, những khi cậu đến thăm, cô tôi cũng muốn tránh cậu nhưng sợ không tránh được đấy!
Tử Quyên liền đứng dậy mang đồ thêu sang phòng khác.
Bảo Ngọc thất thế, trong bụng như bị giội một chậu nước lạnh, đứng ngẩn người ra nhìn rặng tre. Giữa lúc ấy già Chúc đương cuốc đất trồng tre và quét lá ở đấy. Như người mất hồn, Bảo Ngọc ngồi ngay trên hòn đá, nước mắt chảy ròng ròng. Một lúc lâu, nghĩ quanh nghĩ quẩn, không biết làm thế nào. Tuyết Nhạn đến nhà Vương phu nhân lấy nhân sâm về qua đấy, thấy một người tay chống cằm, ngồi ngây ra trên hòn đá dưới gốc cây đào, không phải ai lạ, chính là Bảo Ngọc. Tuyết Nhạn ngờ ngợ: - “Trời lạnh thế này, cậu ấy ngồi một mình ở đấy làm gì? Mùa xuân này chỉ có những hạng rồ dại mới liều như thế, chẳng lẽ cậu ấy cũng mắc bệnh ngốc à?” Liền chạy lại, ngồi xuống cười nói:
- Cậu ngồi đây làm gì thế?
Bảo Ngọc trông thấy Tuyết Nhạn liền nói:
- Chị đến tìm tôi làm gì đây? Chị không phải là con gái à? Cô ấy đã giữ kẽ không cho các chị gần tôi, chị lại đến đây, nhỡ để người ta trông thấy, lại chẳng sinh chuyện đồn đại à? Thôi chị về ngay đi.
Tuyết Nhạn nghe nói, cứ tưởng Bảo Ngọc bị Đại Ngọc trêu tức, đành phải về nhà. Đại Ngọc hãy còn ngủ, Tuyết Nhạn đưa nhân sâm cho Tử Quyên. Tử Quyên hỏi:
- Bà đương làm gì?
- Đương ngủ trưa, vì thế phải chờ một lúc. Tôi kể cho chị nghe câu chuyện này đáng buồn cười: lúc chờ bà, tôi cùng chị Ngọc Xuyến nói chuyện ở dưới nhà, tự nhiên dì Triệu vẫy tôi đến. Tôi tưởng chuyện gì, té ra dì ấy xin phép bà về nhà túc trực đám ma người em, sáng mai thì đưa. Đứa hầu nhỏ theo dì ấy là Tiểu Cát Tường không có quần áo, muốn mượn cái áo lụa nguyệt bạch của tôi. Tôi nghĩ: bọn họ cũng được cấp hai cái áo như mọi người, sợ đem ra mặc đi đưa đám thì hỏng, nên không dám mặc áo của mình, lại đi mượn của người khác. Mượn làm hỏng áo cũng là việc nhỏ, nhưng tôi nghĩ xưa nay dì ấy đối với chúng ta chẳng tử tế gì. Vì thế tôi bảo: quần áo trâm vòng của tôi, cô tôi giao cho chị Tử Quyên giữ cả. Bây giờ tôi phải trình cô tôi như thế mất nhiều thì giờ lắm, lại làm lỡ việc của dì thôi. Chi bằng dì mượn chỗ khác là hơn.
- Con ranh này láu lắm. Mày không bằng lòng cho người ta mượn, lại đổ cho ta và cô, để người ta khỏi oán mày. Dì ấy đi bây giờ hay sáng mai?
- Đi ngay đấy, có lẽ bây giờ đã đi rồi.
Tử Quyên gật đầu. Tuyết Nhạn nói:
- Có lẽ cô còn chưa dậy, không biết ai làm cho cậu Bảo tức giận, đương ngồi khóc ở ngoài kia kìa!
- Cậu ấy ngồi ở đâu?
- Ở dưới cây đào sau đình Thấm Phương.
Tử Quyên vội bỏ đồ thêu xuống, dặn Tuyết Nhạn:
- Phải cẩn thận, ngồi chực đấy. Cô có hỏi thì nói ta ra ngoài một tí rồi về ngay.
Tử Quyên ra khỏi quán Tiêu Tương, chạy một mạch đi tìm Bảo Ngọc. Tử Quyên mỉm cười nói:
- Tôi nói câu ấy, chẳng qua cũng chỉ muốn giữ tiếng tốt cho cả mọi người thôi, thế mà cậu tức giận, ra ngồi chỗ gió máy mà khóc, lỡ ốm thì làm thế nào!
Bảo Ngọc cười nói:
- Ai tức? Tôi nghe chị nói cũng phải. Các chị bây giờ đối với tôi thế này, rồi người khác cũng thế, dần dần chẳng ai thèm nhìn đến tôi. Tôi nghĩ thế đâm ra tủi thân.
Tử Quyên liền ngồi sát vào Bảo Ngọc. Bảo Ngọc cười nói:
- Vừa rồi đứng đối diện nói chuyện, chị còn bỏ chạy sao bây giờ lại ngồi sát vào bên cạnh tôi?
- Cậu quên rồi à? Mấy hôm trước cậu và cô Lâm đương nói chuyện với nhau thì dì Triệu đi vào, giờ thấy dì ấy đi vắng, tôi mới đến hỏi cậu. Hôm nọ cậu mới nhắc một câu “yến sào”, rồi không nói gì nữa, bây giờ tôi muốn đến hỏi cậu việc ấy.
- Việc ấy không quan hệ gì, chẳng qua tôi nghĩ chị Bảo là khách đến ở đây, mà cô Lâm đã ăn yến sào thì phải ăn luôn, cứ xin mãi cũng ngượng. Món yến sào tuy không tiện xin bà, nhưng tôi đã bày tỏ với cụ biết, có lẽ người cũng đã bảo chị Phượng rồi. Tôi định nói với cô ấy, nhưng chưa nói hết. Bây giờ đâu như mỗi ngày đã cho cô ấy một lạng yến sào, thế là được rồi.
- Thế ra cậu nói hộ. Cảm ơn cậu đã hết lòng nghĩ đến cô tôi. Tôi cứ ngờ tại làm sao tự nhiên cụ lại nhớ đến, hàng ngày lại sai người mang sang cho cô tôi một lạng yến sào. Té ra là thế.
- Ngày nào cũng phải ăn cho quen, ăn độ hai, ba năm thì khỏe được.
- Ở đây ăn quen rồi, sang năm về nhà lấy tiền đâu mà ăn được thứ ấy.
Bảo Ngọc nghe nói giật mình hỏi:
- Ai về nhà ?
- Cô tôi về Tô Châu.
- Chị lại nói hão rồi. Tô Châu là nguyên quán thực, nhưng bà cô tôi đã mất, không có người trông nom, nên phải đón cô ấy về ở đây. Thế thì sang năm về Tô Châu ở với ai? Chị lại nói dối rồi.
- Cậu khinh người quá! Chỉ có họ Giả nhà cậu là họ to người nhiều hay sao? Không lẽ trừ nhà cậu, các nhà khác chỉ có một bố, một mẹ, họ hàng không còn ai nữa à? Cô tôi đến đây là vì cụ thương cô ấy còn bé, tuy có chú bác, cũng không bằng bố mẹ nên mới đón về đây ở tạm mấy năm đấy thôi. Khi đi lấy chồng, thế nào cũng phải trở về nhà họ Lâm, chứ có nhẽ nào con gái nhà họ Lâm, lại suốt đời ở nhà họ Giả? Nhà họ Lâm tuy nghèo không có bát ăn, nhưng là dòng dõi thư hương, không khi nào chịu đem người nhà mình giao cho bà con để chịu tiếng chê cười. Vì thế sang năm sớm thì mùa xuân, muộn thì mùa thu, dù ở đây không ai đưa về, thì nhà họ Lâm chắc cũng có người đến đón. Đêm hôm nọ cô tôi bảo tôi nói với cậu, những đồ chơi lúc còn bé, có thứ gì của cô tôi đưa lại, cậu sẽ soạn ra để trả cô tôi; cô tôi cũng đã soạn sẵn những thứ cậu cho cô tôi rồi.
Bảo Ngọc nghe nói như sét đánh ngang tai. Tử Quyên thử ngồi xem Bảo Ngọc trả lời ra sao, nhưng chờ mãi chẳng thấy nói câu gì, đương định hỏi thì thấy Tình Văn đến tìm Bảo Ngọc nói:
- Cụ gọi đấy, ngờ đâu cậu lại ở đây!
Tử Quyên cười nói:
- Cậu ấy đến hỏi thăm bệnh cô tôi, tôi nói mãi cậu ấy cũng chẳng tin, thôi chị dẫn cậu ấy về đi.
Nói xong, liền đi về nhà.
Tình Văn thấy Bảo Ngọc đờ người ra, đầu toát mồ hôi, mặt xám nhợt, vội kéo về thẳng viện Di Hồng. Tập Nhân thấy th sợ quá, cho là bị cảm gió. Bảo Ngọc nóng không thì khá, đằng này hai mắt lại trợn lên, bọt mép xùi ra, đưa gối thì nằm, đỡ dậy thì ngồi; đưa nước thì uống, mê man chẳng biết gì cả. Mọi người thấy thế nháo cả lên, nhưng chưa dám đi trình Giả mẫu, vội sai người đi tìm già Lý trước.
Một lúc già Lý đến, nhìn hồi lâu, hỏi mấy câu, Bảo Ngọc cũng không trả lời; lấy tay sờ vào mạch, ấn mạnh hai cái vào huyệt nhân trung ở môi trên, vết ấn khá sâu mà cũng không thấy đau. Già Lý kêu lên một tiếng “úi chao, hỏng mất rồi!” Rồi ôm đầu khóc ầm lên.
Tập Nhân vội kéo già Lý lại hỏi:
- Già xem có đáng lo ngại hay không, hãy nói cho chúng tôi biết, để đi trình cụ và bà Hai, việc gì mà khóc ầm lên thế?
Già Lý đập giường vật gối nói:
- Hỏng cả rồi! Thôi uổng công tôi cả một đời!
Tập Nhân nghĩ già Lý là người đã già, nhiều kinh nghiệm, nên mời lại xem; giờ nghe thấy già nói thế, tin là thực, cũng khóc ầm lên. Tình Văn kể lại việc vừa rồi cho Tập Nhân biết, Tập Nhân chạy thẳng đến quán Tiêu Tương, thấy Tử Quyên đương hầu Đại Ngọc uống thuốc. Tập Nhân không kịp đắn đo gì, hỏi ngay Tử Quyên:
- Vừa rồi cô nói với cậu Bảo những câu gì thế? Cô đến mà xem! Cô đi mà trình cụ, tôi mặc kệ đấy!
Nói xong liền ngồi phịch xuống ghế.
Đại Ngọc thấy Tập Nhân nét mặt giận dữ, có ngấn nước mắt, bộ dạng khác hẳn, cũng đâm hoảng sợ, liền hỏi:
- Làm sao thế?
Tập Nhân lặng im một lúc rồi khóc:
- Không biết cô Tử Quyên nói những câu gì làm cậu ngốc ấy mắt đờ ra, tay chân lạnh toát, không nói dược nữa. Già Lý bấm cũng không biết đau. Các bà già đều nói là không ăn thua gì nữa, ở bên ấy đương khóc ầm lên. Có lẽ bây giờ thì chết rồi!
Đại Ngọc nghe nói thế, nghĩ già Lý là người có nhiều kinh nghiệm mà cũng nói là chết thì chắc là chết thật, liền “ọe” một tiếng, bao nhiêu thuốc vừa uống, mửa ra hết cả, ruột gan cồn cào, ho rũ rượu hồi lâu. Bỗng chốc mặt đỏ gay, tóc rối bù, mắt sưng húp, gân nổi lên, cứ gục đầu xuống mà thở. Tử Quyên vội đến đấm lưng. Đại Ngọc gục xuống gối thở một lúc, rồi đẩy Tử Quyên nói:
- Chị không phải đấm nữa! Cứ mang thừng đến thắt cổ tôi cho chết đi là hơn!
Tử Quyên nói:
- Tôi có nói gì đâu? Chẳng qua nói đùa mấy câu, cậu ấy lại tưởng thật.
Tập Nhân nói:
- Cô lại không biết cậu ngốc ấy, nói đùa câu gì cũng cho là thật à?
Đại Ngọc nói:
- Chị nói những câu gì, phải đến nói lại đi, cậu ấy mới tỉnh lại được.
Tử Quyên nghe nói liền bước xuống giường, cùng Tập Nhân đi đến viện Di Hồng. Giả mẫu và Vương phu nhân cũng đều ở cả đấy. Vừa trông thấy Tử Quyên, Giả mẫu mắt đã nảy lửa liền mắng:
- Con ranh con này nói những câu gì với nó đấy?
Tử Quyên vội trình:
- Con có dám nói gì đâu, chỉ nói đùa mấy câu thôi.
Bảo Ngọc vừa trông thấy Từ Quyên đã “úi chào” một tiếng, rồi khóc òa lên. Mọi người thấy thế mới yên tâm. Giả mẫu kéo Tử Quyên lại, vì cho là nó đã làm điều gì có lỗi với Bảo Ngọc, nên bắt xin lỗi. Không ngờ Bảo Ngọc nắm chặt lấy tay Tử Quyên không chịu buông, rồi nói:
- Cô có đi thì mang cả tôi đi nữa!
Mọi người không hiểu, hỏi kỹ mới vỡ chuyện Tử Quyên nói đùa Đại Ngọc sắp về Tô Châu. Giả mẫu nhỏ nước mắt nói:
- Ta cứ tưởng có việc gì quan hệ kia, té ra là một câu nói đùa, lại mắng Tử Quyên: - Con ranh này, ngày thường mày là đứa thông minh nhanh nhẹn, mày vẫn biết nó sẵn có tính ngớ ngẩn, sao tự nhiên lại lừa nó làm gì?
Tiết phu nhân khuyên:
- Cháu Bảo xưa nay là người thật thà, cô Lâm lại đến đây ở từ lúc bé, hai người cùng với nhau đến tận bây giờ, so với người khác thì thân mật hơn nhiều. Bây giờ đột nhiên lại nói dối là sắp đi, không cứ cháu là người thực thà ngớ ngẩn, ngay người lớn kiên gan đến đâu cũng phải thương tâm. Bệnh không quan hệ gì, cụ và dì cứ yên tâm, cho uống một vài thang thuốc là khỏi.
Lúc đó có người vào trình:
- Vợ Lâm Chi Hiếu và vợ Lại Đại đến hỏi thăm.
Giả mẫu nói:
- Cảm ơn các bà có lòng nghĩ đến, mời các bà vào chơi.
Bảo Ngọc nghe nói đến chữ “Lâm”, liền kêu ầm lên:
- Thôi hỏng rồi! Người nhà họ Lâm đã đến đón cô ấy về đấy, đuổi ngay họ đi!
Giả mẫu liền nói:
- Đuổi ngay họ đi!
Lại dỗ dành Bảo Ngọc:
- Đây không phải là người họ Lâm đâu, người họ Lâm chết hết cả rồi, không có ai đến đón nó nữa, cháu cứ yên tâm.
Bảo Ngọc nói:
- Dù ai cũng mặc! Trừ cô Lâm ra, không ai được gọi là họ Lâm cả!
Giả mẫu nói:
- Chẳng có ai là họ Lâm đến đây, bao nhiêu người họ Lâm đều đuổi đi cả rồi.
Giả mẫu lại dặn mọi người:
- Từ nay trở đi không được cho bà Lâm Chi Hiếu đến vườn này. Chúng bay cũng không được nói đến chữ “Lâm”. Nghe rõ lời ta dặn chưa?
Mọi người vâng lời, không ai dám cười.
Một lúc, Bảo Ngọc trông thấy trên cái tủ thập cẩm bày một cái thuyền bằng vàng của người nước ngoài đem đến, liền nói ầm lên:
- Kia có phải là cái thuyền đến đón cô Lâm không? Thuyền đậu ở đấy rồi!
Giả mẫu vội sai Tập Nhân lấy cái thuyền xuống. Bảo Ngọc giơ tay đòi. Tập Nhân đưa đến. Bảo Ngọc giấu ngay vào trong chăn cười nói:
- Thôi còn đi vào lối nào?
Vừa nói vừa nắm chặt lấy Tử Quyên không chịu buông ra.
Một lúc có người trình:
- Thầy thuốc đã đến.
Giả mẫu vội sai mời vào. Vương phu nhân, Tiết phu nhân và Bảo Thoa tạm lánh vào nhà trong. Giả mẫu ngồi cạnh Bảo Ngọc. Thầy thuốc họ Vương vào, thấy nhiều người, vội đến chào Giả mẫu, rồi cầm tay Bảo Ngọc bắt mạch một lúc. Tử Quyên đành phải cúi đầu xuống. Thầy thuốc họ Vương cũng không hiểu ra sao, đứng dậy nói:
- Cậu đây mắc bệnh “cấp thống mê tâm”. Cổ nhân thường đã nói: “Có nhiều chứng đờm mê khác nhau: có người vì khí huyết suy yếu, ăn uống không tiêu đâm mê, có người vì giận dỗi quá, đờm sộc lên đâm mê, có người bị đau khổ quá đờm tắc lại.” Đây cũng là chứng đờm mê do đau khổ bất chợt, chỉ chốc lát bị đờm tắc lại đấy thôi, nhẹ hơn các chứng đờm khác nhiều.
- Ông hãy nói cho tôi biết bệnh cháu có đáng lo ngại hay không, ai bảo ông đọc cả tràng sách thuốc ra?
Thầy thuốc họ Vương vội chắp tay cười nói:
- Không đáng ngại, không đáng ngại.
- Chắc không đáng ngại chứ?
- Thực không đáng ngại, nếu có việc gì xin trách cứ ở tôi.
- Quả vậy thì mời người ra ngồi chơi ngoài kia kê đơn. Chữa khỏi ta sẽ sắp sửa đồ lễ, bắt cháu phải thân hành đến tạ, nếu có xảy ra việc gì, ta sai người đến kéo đổ nhà thái y đấy.
Thầy thuốc họ Vương cứ cúi đầu cười nói:
- Không dám ạ, không dám ạ.
Vì ông ta nghe thấy Giả mẫu nói: “Sẽ sắp đồ lễ sai Bảo Ngọc đến tạ”, nên luôn miệng nói “không dám”, chưa nghe câu nói đùa là đến kéo đổ nhà thái y, nên vẫn cứ “không dám” mãi, Giả mẫu cùng mọi người đều cười ầm lên.
Một lúc, uống thuốc vào, Bảo Ngọc đã yên tĩnh hơn trước, nhưng vẫn không chịu buông Tử Quyên ra, cứ nói:
- Nếu buông ra, thế nào cô ấy cũng về Tô Châu.
Giả mẫu và Vương phu nhân không biết làm thế nào, đành phải cho Tử Quyên ở luôn đấy với Bảo Ngọc, rồi cho Hổ Phách đến hầu Đại Ngọc. Đại Ngọc lại thường cho Tuyết Nhạn đến thăm hỏi. Đến chiều, Bảo Ngọc đã đỡ, Giả mẫu và Vương phu nhân mới về nhà, nhưng một đêm sai người hỏi thăm đến mấy lần. Già Lý dẫn già Tống cùng mấy già khác đến trông nom cẩn thận. Tử Quyên, Tập Nhân và Tình Văn ngày đêm ở liền bên cạnh. Lúc nào Bảo Ngọc ngủ thì lại mơ mộng giật mình kinh hoảng, hết khóc Đại Ngọc đã đi, lại khóc có người đến đón. Những lúc ấy, Tử Quyên lại phải an ủi mới yên.
Giả mẫu lại sai lấy các thứ thuốc quí bí truyền như: “khư tà thủ linh đơn” và “khai khiếu thông thần tán” cho uống, hôm sau lại uống thuốc của thầy thuốc họ Vương, bệnh mới đỡ dần. Bảo Ngọc trong bụng đã tỉnh, nhưng vì sợ Tử Quyên về mất, nên cố ý làm ra dáng điên dại. Tử Quyên từ hôm ấy rất là hối hận, nên ngày đêm vất vả cũng không dám oán trách gì. Tập Nhân bây giờ đã yên lòng, cười bảo Tử Quyên:
- Bệnh này do cô gây ra, thì cô phải đến chữa. Chẳng có ai như cậu ngốc nhà ta “thấy gió cho là mưa”, nếu cứ mãi thế, chẳng biết rồi sẽ ra làm sao!
Bấy giờ Tương Vân đã khỏi, ngày nào cũng đến thăm Bảo Ngọc, thấy Bảo Ngọc đã tỉnh, liền diễn lại dáng dấp lúc mê cho Bảo Ngọc xem, làm Bảo Ngọc gục đầu xuống gối cười.
Trước kia Bảo Ngọc không biết mình ngây dại như thế, nên thấy người ta nói vẫn chưa tin. Lúc vắng người, Tử Quyên ngồi bên cạnh, Bảo Ngọc nắm tay hỏi:
- Sao chị lại nói dọa tôi thế?
- Chẳng qua tôi nói đùa thôi, cậu lại cho là thật.
- Chị nói có tình có lý, sao lại bảo là nói đùa?
- Những câu ấy tôi đặt ra cả đấy. Họ Lâm thực chẳng còn ai, còn chăng cũng chỉ là những người họ rất xa, mà không ở Tô Châu, đi tản mác ra các tỉnh cả rồi. Có ai đến đón, cụ cũng chẳng cho cô ấy đi nào.
- Dù cụ có cho cô ấy đi, tôi cũng chẳng nghe.
- Thật không nghe chứ? Chỉ sợ nói mồm thế thôi. Bây giờ cậu đã lớn, đã định nơi hỏi vợ rồi, vài năm nữa sẽ cưới, thì trong con mắt cậu còn biết đến ai nữa?
Bảo Ngọc lại giật mình hỏi:
- Ai hỏi vợ? Hỏi ai?
- Kỳ trong năm tôi nghe thấy cụ nói định hỏi cô Cầm cho cậu; nếu không thì sao lại thương cô ấy quá thế?
- Ai cũng bảo tôi ngớ ngẩn, nhưng thực ra chị lại ngớ ngẩn hơn tôi! Chẳng qua đó là câu nói đùa đấy thôi. Cô ấy đã nhận lời với nhà ông hàn lâm họ Mai rồi. Nếu định hỏi cô ta thì tôi đâu lại còn đến nỗi thế này? Trước kia tôi đã thề, đập cả hòn ngọc đi, chị chẳng ngăn tôi là gì? Tôi vừa ốm khỏi mấy hôm nay, chị lại đến chọc tức tôi. - Vừa nói Bảo Ngọc vừa nghiến răng nghiến lợi, lại nói: - Bây giờ tôi chỉ muốn chết ngay lập tức, moi hẳn ruột ra cho các chị xem, còn cả da và xương đều hóa ra một đống gio, rồi lại hóa ra một đám khói, gặp cơn gió to bay tan đi hết, thế là xong chuyện! - Nói xong lại khóc.
Tử Quyên vội bịt mồm Bảo Ngọc lại, lau nước mắt cho cậu ta, rồi cười nói:
- Cậu đừng có nóng nảy. Vì tôi sốt ruột, nên mới thử cậu đấy thôi.
Bảo Ngọc lại lấy làm lạ hỏi:
- Tại sao chị lại sốt ruột?
- Cậu cũng biết tôi không phải là người nhà họ Lâm, tôi cũng như chị Tập Nhân và chị Uyên Ương đấy thôi. Tôi tình cờ được sang ở với cô Lâm, cô ấy đối với tôi rất tử tế, coi tôi hơn những người hầu mang từ Tô Châu đến nhiều, chúng tôi không rời nhau một giờ một phút. Bây giờ cô ấy mà về thì tôi cũng phải đi theo. Nhà tôi ở cả đây, tôi không đi thì phụ mối tình bấy lâu chúng tôi ăn ở với nhau, mà đi ra thì phải bỏ cả gia đình. Vì thế tôi vẫn áy náy, cố bịa đặt những câu nói ấy để hỏi cậu. Ngờ đâu cậu lại ngốc nghếch làm nhộn lên như thế!
- Thế ra chị lo về việc ấy, chị lại là người ngốc nốt! Từ nay chị đừng lo nữa nhé! Tôi nói vắn tắt một câu cho chị nghe: sống chúng ta sống chung một chỗ; chết thì chúng ta cùng hóa ra gio, ra khói một chỗ, chị nghĩ thế nào?
Tử Quyên nghe nói, trong bụng đương đắn đo, chợt có người vào trình:
- Cậu Hoàn và anh Lan đến hỏi thăm.
Bảo Ngọc nói:
- Cứ ra bảo cảm ơn các cậu ấy. Ta vừa mới ngủ, không cần phải vào nữa.
Bà già vâng lời đi ra.
Tử Quyên cười nói:
- Bây giờ cậu đã khỏi rồi, nên để tôi về trông nom cô bên kia chứ?
- Phải đấy, hôm qua tôi đã định cho chị về, nhưng lại quên mất. Giờ tôi đã khỏi hẳn rồi, thôi chị về đi.
Tử Quyên nghe nói, liền sửa soạn chăn đệm và đồ trang sức. Bảo Ngọc cười nói:
- Hôm nọ tôi trông thấy trong hộp đồ trang sức của chị có hai, ba cái gương, chị để lại cho tôi cái gương nhỏ hình hoa sen. Tôi sẽ để ở đầu giường để soi lúc đi ngủ và đi đâu mang theo cho nhẹ.
Tử Quyên đành phải để cái gương lại, sai người mang đồ đi trước, chào mọi người rồi về quán Tiêu Tương.
Mấy hôm thấy Bảo Ngọc như thế, Đại Ngọc đâm ra ốm thêm, khóc luôn mấy lần. Nay thấy Tử Quyên về, hỏi ra mới biết Bảo Ngọc đã khỏi, Đại Ngọc lại cho Hổ Phách về hầu Giả mẫu. Đêm khuya vắng người, Tử Quyên cởi áo đi ngủ, thủ thỉ cười nói với Đại Ngọc:
- Cậu Bảo thực tâm đấy, nghe thấy chúng ta sắp đi, đâm ra ốm ngay.
Đại Ngọc không trả lời. Tử Quyên ngừng một lúc, rồi lại nói một mình:
- Động không bằng tĩnh,(1) kể ra ở đây đối với chúng ta cũng tử tế đấy. Điều khác thì dễ, chứ cái việc từ bé đến lớn cùng ở với nhau một chỗ, cùng biết tính nết nhau, mới thực là khó.
Đại Ngọc gắt:
- Mấy hôm nay chị không biết mệt à, bây giờ không ngủ đi lại còn nói lảm, nói nhảm gì thế?
- Không phải tôi nói nhảm đâu, cũng là thực bụng vì cô đấy. Tôi buồn cho cô đã mấy năm nay, không có cha mẹ, anh em, ai là người biết thương mình? Gặp lúc này, cụ còn khỏe mạnh sáng suốt, cần phải lo việc lớn của mình đi. Tục ngữ nói “Tuổi già nóng lạnh bất thường”. Nếu cụ có mình nào, lúc đó dù có xong việc, cũng sợ chậm trễ ngày giờ, khó được như ý muốn. Bọn công tử vương tôn tuy nhiều, nhưng người nào mà chẳng năm thê bảy thiếp, nay đông mai tây? Dù họ có lấy được một bà tiên, cũng chỉ độ dăm ba đêm rồi lại gạt ra một nơi. Thậm chí nhiều người có mới nới cũ, trở mặt thù hận nữa. Nhà người ta có người, có thế, thì không sao, chứ như cô đây, cụ sống ngày nào còn khá, cụ mà chết đi thì mặc cho người ta hất hủi thôi. Vì thế tôi bàn với cô, cần phải lo liệu trước đi. Cô là người sáng suốt, chẳng lẽ không nghe câu tục ngữ: “Hàng vạn lạng vàng dễ kiếm, một người tri kỷ khó tìm” hay sao?
- Con này điên rồi! Sao mới đi có mấy ngày đã đổi hẳn tính nết thế? Ngày mai ta phải trình cụ cho mày về, ta không dám dùng mày nữa.
- Những câu tôi nói đều đúng cả, cốt nhắc cô để ý đấy thôi, chứ có bảo cô đi làm bậy gì đâu. Sao lại phải trình cụ, tôi bị mắng thì cô được lợi gì?
Nói xong liền đi ngủ.
Đại Ngọc ngoài miệng nói thế, nhưng trong bụng cũng có phần thương cảm, chờ Tử Quyên đi ngủ rồi, liền khóc suốt đêm, đến sáng mới chợp mắt. Hôm sau gượng dậy rửa mặt súc miệng ăn ít cháo yến sào. Rồi có Giả mẫu sang thăm và dặn dò mấy câu.
Ngày sinh nhật Tiết phu nhân đã đến, từ Giả mẫu trở xuống, ai cũng có lễ mừng; Đại Ngọc cũng phải đưa đến mừng hai thứ đồ thêu. Hôm ấy, Tiết Phu nhân sắp một ban hát nhỏ, mời Giả mẫu và Vương phu nhân đến dự. Chỉ có Bảo Ngọc và Đại Ngọc là vắng thôi. Đến chiều tàn tiệc, Giả Mẫu tiện đường đến thăm hai người một lần nữa rồi mới về nhà.
Hôm sau, Tiết phu nhân lại bảo Tiết Khoa mời những người làm công đến dự tiệc. Bận rộn đến ba, bốn ngày mới xong.
Tiết phu nhân trông thấy Hình Tụ Yên là người đoan trang nhã nhặn, nhưng là con nhà thanh bạch, một cô gái áo vải quần thô, nên muốn hỏi cho Tiết Bàn. Nhưng sợ Tiết Bàn là người lông bông, nhỡ lại làm khổ con gái nhà người ta. Đương lúc ngần ngại, chợt nghĩ ngay đến Tiết Khoa, xem hai người này giống như một đôi vợ chồng trời xe sẵn, liền bàn với Phượng Thư. Phượng Thư cười nói:
- Xưa nay cô còn lạ gì tính mẹ chồng tôi, việc này để tôi liệu dần.
Nhân lúc Giả mẫu đến thăm, Phượng Thư liền nói:
- Cô cháu có một việc muốn nhờ bà, nhưng không tiện nói ra.
- Việc gì?
Phượng Thư liền nói rõ câu chuyện muốn cầu  hôn. Giả mẫu cười nói:
- Việc ấy rất tốt, có gì mà không tiện nói ra? Để ta sẽ nói chuyện với mẹ chồng chị, thế nào mà chẳng bằng lòng.
Về nhà, cho người gọi Hình phu nhân đến, Giả mẫu tự nhận đứng ra làm mối. Hình phu nhân nghĩ: họ Tiết là nhà dòng dõi, hiện nay giàu có. Tiết Khoa kể ra cũng xinh trai, lại có Giả mẫu đứng ra làm mối. Được dịp liền nhận lời ngay.
Giả mẫu mừng lắm, sai người mời Tiết phu nhân đến. Hai người gặp nhau tất nhiên cũng có những câu đun đẩy. Hình phu nhân liền sai người đi nói việc ấy với vợ chồng Hình Trung. Vợ chồng y đến ở đây cốt là nhờ vả Hình phu nhân, thì làm gì mà chẳng bằng lòng, liền luôn miệng nói:
- Việc ấy hay lắm.
Giả mẫu cười bảo:
- Ta vốn hay  hứng việc, xong rồi chả biết tạ bà mối được bao nhiêu?
Tiết phu nhân cười nói:
- Điều đó tất nhiên rồi, chỉ sợ tạ một vạn bạc, người cũng không thèm nhận thôi. Nhưng có một việc, cụ đã đứng lên làm mối thì phải tìm một vị chủ hôn mới được.
Giả mẫu cười:
- Gì chẳng có, chứ hạng què chân cụt tay thì nhà chúng ta cũng có vài mống.
Rồi sai người gọi mẹ con Vưu Thị đến. Giả mẫu nói rõ việc ấy cho họ nghe, hai người đều vội vàng ngỏ lời mừng.
Giả mẫu dặn:
- Khuôn phép nhà ta chị đã biết đấy, xưa nay hai nhà thông gia không hề so đọ về lễ cưới lễ xin. Bây giờ chị đứng ra lo liệu hộ ta, không nến dè sẻn quá, cũng không nên hoang phí quá, thu xếp việc hai nhà cho xong rồi trình ta biết.
Vưu Thị vội vâng lời. Tiết phu nhân mừng lắm, về nhà bảo viết thiếp mời, đưa sang phủ Ninh. Vưu Thị xưa nay vẫn biết tính nết Hình phu nhân, định không muốn nhận việc ấy, nhưng vì Giả mẫu phó thác nên phải vâng lời, đành cứ lựa theo ý Hình Phu nhân mà làm. Còn Tiết phu nhân là người thế nào cũng xong, nên cũng dễ nói.
Việc Tiết phu nhân hỏi Hình Tụ Yên làm nàng dâu, trong phủ ai cũng biết cả. Hình phu nhân muốn đón Hình Tụ Yên ra ngoài ở.
Giả mẫu nói:
- Điều đó có ngại gì. Hai đứa chúng nó có giáp mặt nhau đâu. Vả lại ngoài bà dì ra chỉ có một cô chị chồng, một cô em chồng, thì có can gì? Chúng nó là con gái cả, cũng nên cho chúng nó gần gũi nhau.
Hình phu nhân nghe vậy mới thôi.
Tiết Khoa và Tụ Yên trước kia có lần gặp nhau ở giữa đường, đại để hai bên đều bằng lòng nhau. Song Tụ Yên giữ kẽ, không muốn lui tới chuyện trò với chị em Bảo Thoa, hơn nữa Tương Vân hay chế giễu, nên càng giữ ý. Có diều Tụ Yên là người đọc sách hiểu lễ, dù là phận gái cũng không tỏ ra giả hổ giả thẹn, làm bộ làm dạng như ai. Bảo Thoa từ ngày gặp Tụ Yên, nghĩ đến cảnh nhà cô ta túng thiếu, bố mẹ người ta thì tuổi cao đức cả, bố mẹ cô ta chỉ rượu bét nhè, chẳng chăm nom gì con cái. Hình phu nhân đối với cô ta chẳng qua tình nghĩa bề ngoài, không phải thực bụng thương yêu. Vả lại, Tụ Yên ở chung với Nghênh Xuân, một người thì ý tứ đứng đắn, một người thì có xác không hồn, tự mình không trông nom chu tất nổi mình, còn trông nom người khác sao được. Vì vậy những đồ dùng hàng ngày có khi thiếu thốn, không ai săn sóc tới, Tụ Yên cũng không hề hé miệng nói với ai.
Bảo Thoa thường ngấm ngầm giúp đỡ, cũng không dám cho Hình phu nhân biết, vì sợ sinh ra lắm chuyện. Bây giờ duyên may run rủi, không ai ngờ hai nhà lại thành thông gia với nhau. Trong bụng Tụ Yên rất mến Bảo Thoa, cũng mến cả Tiết Khoa, nên khi chuyện trò với nhau, Bảo Thoa thường gọi ngay là em.
Một hôm, Bảo Thoa đến thăm Đại Ngọc, Tụ Yên cũng đến đó. Hai người gặp nhau ở giữa đường, Bảo Thoa mỉm cười gọi Tụ Yên lại, rồi hai người cùng đi đến sau vách đá. Bảo Thoa cười hỏi:
- Trời rét như thế này, sao em lại không mặc áo kép?
Tụ Yên cúi đầu không trả lời. Bảo Thoa biết ngay là có duyên cớ gì đây, liền cười hỏi:
- Chắc là tiền lương tháng này em không lĩnh được chứ gì? Chị Phượng kể cung vô tâm thật.
Tụ Yên nói:
- Chị ấy vẫn trả lương đúng ngày đấy! Nhưng vì cô em sai người đến bảo: một tháng không tiêu hết hai lạng bạc đâu, phải bớt một lạng đưa cho thày mẹ em, nếu cần cái gì, dùng của chị Hai cũng được. Chị thử nghĩ xem, chị Hai là người thực thà không để ý việc gì cả. Những thứ em dùng chị ấy không hề nói, nhưng bọn hầu có phải là hạng ít mồm đâu, người nào chả hay sinh chuyện. Dù ở ngay nhà ấy, em thật không bao giờ dám sai bảo họ. Cứ độ dăm ba ngày em lại phải bỏ ít tiền ra cho họ uống rượu, ăn quà sáng. Giờ lại bớt đi một lạng. Hôm nọ em phải đưa giấu cái áo bông cho người mang đi cầm, lấy mấy quan tiền về tiêu đấy.
Bảo Thoa thở dài:
- Hiện giờ gia quyến nhà họ Mai còn ở cả chỗ làm quan, năm sau mới về đây. Nếu họ ở đây thì em Cầm về nhà chồng, rồi sẽ bàn đến việc của em ra khỏi chỗ này là yên chuyện. Nhưng bây giờ việc em Cầm chưa xong, chắc em Khoa cũng không dám cưới vợ trước. Thật là một việc khó xử. Nếu để chậm vài năm nữa, sợ em bị dãi dầu quá đâm ra ốm mất. Để chị bàn với mẹ chị xem. Số tiền một lạng bạc em cứ đưa phăng cho họ, thế là yên chuyện. Sau này em đừng cho bọn kia ăn uống nữa. Họ châm chọc gì mặc họ, em chẳng cần nghe, nói chán thì thôi. Nếu em có thiếu thứ gì, cứ đến bảo chị, đừng có e lệ. Từ ngày em đến đây, chị em ta vẫn tử tế với nhau, chứ có phải sau ngày dạm hỏi nhau mới thế đâu. Nếu em sợ người ngoài bàn tán, thì cứ khẽ sai a hoàn đến bảo chị là được.
Tụ Yên cúi đầu xin vâng.
Bảo Thoa lại trỏ viên ngọc đeo ở quần Tụ Yên hỏi:
- Ai cho em đấy?
- Chị Ba cho em đấy.
- Chị ấy thấy ai cũng có, chỉ một mình em là không, sợ người ta chê cười, nên mới đưa lại cho em. Đó là chị ấy thông minh chu tất đấy. Có điều em phải biết rằng, những đồ trang sức này là của các cô tiểu thư ở các nhà quan sang mới dùng. Em cứ nhìn chị xem, từ đầu đến chân, chị có những đồ trang sức lộng lẫy ấy đâu. Trước đây bảy tám năm, chị cũng có, nay kém trước nhiều. Vì thế cái gì thấy bớt thì tự mình bớt đi. Sau này đem về nhà chồng, có lẽ còn hàng hòm những đồ vô dụng. Chúng ta bây giờ không bì với họ được, phải theo nề nếp nhà mình.
- Chị đã nói thế, em sẽ về tháo viên ngọc ra là hơn.
- Em cũng đừng nên thế. Người ta cho mình, không đeo họ sẽ ngờ. Chị chẳng qua chợt nhắc đến thôi, sau này sẽ hay.
Tụ Yên xin vâng và hỏi:
- Bây giờ chị đi đâu?
- Chị đến quán Tiêu Tương đây. Em hãy về lấy cái phiếu cầm đồ đưa cho a hoàn mang đến, chị sẽ chuộc hộ cho, rồi đến tối sẽ sai người đưa lại, sớm tối phải mặc, nếu không thì bị gió lạnh không được đâu! Nhưng không biết em đem cầm ở hiệu nào?
- Đâu như hiệu Hằng Thư ở đường Cổ Lâu Tây ấy.
- Thế ra lại vào nhà mình rồi! Nếu bọn làm công biết thì họ sẽ bảo: người chưa đến mà quần áo đã đến trước.
Tụ Yên nghe vậy, biết ngay là hiệu của nhà Bảo Thoa, không nói gì cả, đỏ mặt lên, cười rồi chạy đi.
Bảo Thoa đến quán Tiêu Tương gặp Tiết phu nhân cũng đến thăm và đương ngồi nói chuyện với Đại Ngọc. Bảo Thoa cười nói:
- Mẹ đến lúc nào? Con không biết.
- Mấy hôm nay ta bận, không đến thăm cháu Bảo và cháu Đại được. Hôm nay đến thì cả hai cháu đều đã khá rồi.
Đại Ngọc mời Bảo Thoa ngồi rồi nói:
- Việc đời khó mà biết trước được. Cứ nói về việc dì và mợ Cả tôi lại thành ra thông gia với nhau?
Tiết phu nhân nói:
- Các cháu hãy còn bé, biết thế nào được? Người trước có nói “Nhân duyên nghìn dặm xe vào một dây”. Ông Nguyệt Lão trông nom việc nhân duyên, đã biên vào sổ trước, ngầm lấy một sợi dây tơ buộc chân hai người lại. Đã hợp duyên nhau thì dù hai nhà cách sông cách biển, hoặc thù hằn với nhau thế nào cũng có dịp thành vợ thành chồng. Việc này thực không ai ngờ đến. Có khi bố mẹ đôi bên đều bằng lòng, hoặc là luôn luôn ở gần nhau, tưởng thế nào cũng thành đôi thành lứa, nhưng ông Nguyệt không xe dây, cũng không thể sum họp với nhau được. Ví như việc hôn nhân của hai chị em cháu đây, bây giờ không biết ở gần trước mắt hay là ở tận góc biển chân trời!
Bảo Thoa nói:
- Mẹ động nói việc gì cũng kéo chúng con vào.
Vừa nói vừa gục vào lòng mẹ, cười nói:
- Thôi chúng ta về đi.
Đại Ngọc cười nói:
- Xem kìa! Lớn như thế kia rồi, hễ vắng dì thì ra vẻ đạo mạo, nhưng có dì, lại giở lối làm nũng.
Tiết phu nhân lấy tay xoa vào người Bảo Thoa, thở dài bảo Đại Ngọc:
- Chị cháu đây không khác gì chị Phượng ở bên cụ, hễ có việc quan trọng là ta phải bàn với nó; lúc không có việc gì nó cũng làm cho ta vui lên. Ta thấy nó như thế cũng khuây khỏa nỗi buồn rầu.
Đại Ngọc nhỏ nước mắt thở dài:
- Chị ấy lại giở những trò ấy ra để trêu tức cháu là người không có mẹ, cố ý nêu cái cảnh khổ của cháu ra.
Bảo Thoa cười nói:
- Mẹ ơi, mẹ xem cô ấy quá quắt thế, lại bảo con hay làm nũng.
Tiết phu nhân nói:
- Không trách được em nó đau xót là phải, cha mẹ mất cả, không còn ai là người thân, nghĩ thật đáng thương.
Tiết phu nhân lại vỗ về Đại Ngọc, cười nói:
- Cháu ơi, đừng khóc nữa. Cháu thấy ta thương chị cháu, đâm ra buồn rầu, nhưng không biết bụng ta càng thương cháu lắm đấy! Chị cháu tuy không còn cha, nhưng có mẹ, có anh thì cũng hơn cháu. Ta thường nói với cha cháu, bụng ta thương cháu lắm, nhưng không tiện tỏ ra bên ngoài, ở đây lắm người nhiều lời, người nói tốt thì ít, nói xấu thì nhiều. Họ có biết đâu cháu không có chỗ nương tựa, đáng để cho người ta thương; chẳng qua thấy cụ thương cháu, họ cũng hùa theo đó thôi.
Đại Ngọc cười nói:
- Dì đã nói thế, ngày mai cháu xin nhận dì làm mẹ. Nếu dì không nhận, thì chỉ là dì thương miệng thương môi thôi.
- Không chê thì cháu cứ nhận.
Bảo Thoa vội vàng nói:
- Không nhận được đâu.
Đại Ngọc nói:
- Tại sao không nhận được?
- Tôi hãy hỏi cô, tại sao anh tôi chưa lấy vợ mà lại hỏi em Hình cho em tôi trước? Thế là vì lẽ gì?
- Anh ấy đi vắng, hay là ngày giờ không hợp, vì thế hỏi cho em trước.
- Không phải thế đâu. Anh tôi đã nhắm một chỗ rồi, chỉ chờ khi nào về thì lo đấy thôi, nhưng cũng không cần nói tên người ấy ra. Tôi bảo cô không nhận là mẹ được. Cô thử nghĩ xem.
Nói xong Bảo Thoa nháy mắt nhìn mẹ mà cười.
Đại Ngọc nghe thấy nói thế, liền gục đầu vào người Tiết phu nhân nói:
- Nếu dì không đánh chị ấy, cháu không chịu đâu!
Tiết phu nhân ôm Đại Ngọc cười nói:
- Cháu đừng nghe lời chị cháu, nó nói đùa đấy thôi.
Bảo Thoa cười nói:
- Ngày mai mẹ cứ đến nói với cụ, xin cô ấy làm dâu, chẳng hơn đi tìm người ngoài à?
Đại Ngọc xông lên định túm lấy, Bảo Thoa cười nói:
- Mày điên à?
Tiết phu nhân vội cười ngăn lại, lấy tay gạt hai người ra. Bà ta lại bảo Bảo Thoa:
- Ngay cô Hình ta cũng còn sợ bị anh con giày vò, vì thế phải hỏi cho em con, huống chi cháu Lâm, ta không khi nào lại hỏi cho anh con đâu. Trước kia cụ định hỏi em con cho Bảo Ngọc, nhưng vì nó đã có người hỏi; nếu không thì cũng vừa đôi phải lứa đấy. Hôm nọ ta hỏi cô Hình cho em con, cụ còn nói đùa: “Ta định hỏi người nhà bên ấy, chưa hỏi được, ngờ đâu lại bị bên ấy sang hỏi một người nhà ta.” Tuy là câu nói đùa, nhưng nghĩ kỹ ra cũng có ý đấy. Bảo Cầm đã có nơi, ta không còn người nào gả cho bên ấy nữa. Nhưng chẳng lẽ không giúp được một câu nói hay sao? Ta xem Bảo Ngọc cũng xinh xắn, cụ lại thương nó, nếu tìm người ngoài, chắc cụ không bằng lòng, chi bằng hỏi em Lâm cho nó, như thế chẳng được vẹn toàn mọi mặt hay sao?
Đại Ngọc trước còn ngồi ngây ra nghe, sau thấy nói đến mình, liền đỏ mặt, kéo Bảo Thoa cười nói:
- Tôi chỉ đánh chị thôi! Tại sao chị khêu chuyện để dì nói như thế?
- Lạ thật! Mẹ tôi nói cô, việc gì cô lại đánh tôi?
Tử Quyên vội chạy lại cười nói:
- Dì đã có ý định như thế, sao không đến nói với cụ?
Tiết phu nhân cười nói:
- Con bé này vội cái gì thế! Chắc là mày muốn cô mày đi lấy chồng, để mày cũng đi kiếm một anh chồng nhỏ chứ gì?
Tử Quyên đỏ mặt cười nói:
- Dì già, nói lẫn rồi!
Đại Ngọc trước còn mắng:
- Việc gì đến con ranh con này!- Sau thấy thế cũng cười nói: - A di đà phật! Đáng! đáng! Đáng! Cũng bị trát gio vào mặt rồi đấy!
Mẹ con Tiết phu nhân và các bà già, a hoàn đều cười ầm lên và nói:
- Dì tuy nói đùa, nhưng không sai mấy. Lúc nào rỗi, dì đến bàn với cụ xem, rồi dì làm mối cho đôi bên nên vợ nên chồng, thật là ổn thỏa mọi đường.
Tiết phu nhân nói:
- Ta mà nói ra, nhất định cụ sẽ vui mừng.
Chợt Tương Vân đi vào, tay mang một phiếu cầm đồ, cười nói:
- Mảnh giấy nợ gì đây?
Đại Ngọc nhìn không biết là cái gì. Bọn bà già đứng đấy đều cười nói;
- Cái này hay lắm! Phải mất gì chúng tôi mới bảo cho!
Bảo Thoa vội cầm lấy xem, thì chính là cái phiếu cầm đồ của Tụ Yên vừa nói lúc nãy, liền gấp ngay lại.
Tiết phu nhân nói:
- Bà già nào đánh rơi cái giấy cầm đồ thì phải, tìm trả ngay cho họ, chắc rồi họ lại tìm cuống lên thôi. Cháu nhặt được ở chỗ nào đấy?
Tương Vân hỏi:
- Thế nào là giấy cầm đồ?
Bọn bà già cười nói:
- Cô này thật là ngớ ngẩn, đến tờ giấy cầm đồ cũng không biết!
Tiết phu nhân thở dài:
- Không trách được nó là tiểu thư ngàn vàng còn trẻ tuổi, thì làm gì biết được cái này? Nó có trông thấy cái này bao giờ đâu? Dù người trong nhà có, nó cũng chẳng được trông thấy. Đừng cười nó, tất cả các cô ở đây, xem ai cũng thành ngớ ngẩn cả.
Bọn bà già đều cười nói:
- Vừa rồi cô Lâm cũng chẳng nhận ra được. Không nói các cô làm gì, ngay đến cậu Bảo hay đi ra ngoài cũng chưa chắc đã trông thấy cái này.
Tiết phu nhân kể rõ đầu đuôi cho họ nghe. Tương Vân và Đại Ngọc cười nói:
- Hạng người này thật chỉ nghĩ cách kiếm tiền thôi. Hiệu cầm đồ của dì có cái này không?
Mọi người cười nói:
- Câu hỏi ngớ ngẩn nhỉ! Trên đời này “Quạ nào lại chẳng đen đầu”, làm gì có hai giống quạ?
Tiết phu nhân lại hỏi:
- Cháu nhặt được ở đâu đấy?
Tương Vân đương muốn nói, thì Bảo Thoa nói lấp đi:
- Đó là phiếu cầm quá hạn, đã xóa sổ từ bao giờ rồi. Hương Lăng nhặt lấy mang về lừa cho họ chơi đấy thôi.
Tiết phu nhân nghe thay thế cho là thật, nên không hỏi nữa. Một lúc sau có người vào trình:
- Mợ Cả ở phủ hên kia đến mời dì sang nói chuyện.
Tiết phu nhân đứng dậy đi. Bấy giờ trong nhà không có ai, Bảo Thoa mời hỏi Tương Vân:
- Nhặt được ở đâu thế?
- Con Triện Nhi, a hoàn của em dâu chị, lẻn đưa cái giấy ấy cho Oanh Nhi. Oanh nhi gấp vào trong sách, tưởng là tôi không trông thấy. Chờ họ đi rồi, tôi giở ra xem, không biết là cái gì, thấy các chị ở đây, nên cầm đến để cho xem.
Đại Ngọc liền hỏi:
- Không lẽ cô ấy cũng phải cầm quần áo à? Đã cầm rồi sao lại còn đưa giấy cho chị?
Bảo Thoa thấy hỏi thế, không tiện giấu, kể lại việc vừa rồi cho hai người nghe. Đại Ngọc nghe nói, “cùng chung cảnh ngộ, thỏ chết cáo thương”, cũng thở than thương cảm. Tương Vân tức quá nói:
- Để tôi đi hỏi chị Hai xem! Tôi sẽ mắng cho bọn bà già và a hoàn một trận để các chị hả giận, có đươc không?
Tương Vân định chạy đi ngay. Bảo Thoa kéo lại cười nói:
- Cô lại điên rồi, hãy ngồi xuống đây đã nào!
Đại Ngọc cười nói:
- Nếu là con trai, có lẽ cô sẽ sẵn sàng dẹp hẳn những nỗi bất bình; cô lại định đóng vai Kinh Kha, Nhiếp Chính(2) đó phải không? Thật đáng buồn cười!
Tương Vân nói:
- Đã không cho tôi đến hỏi chị Hai, thì ngày mai sẽ đón cô Hình đến ở với chúng ta có hơn không?
Bảo Thoa cười nói:
- Để ngày mai bàn xem đã.
Ngay lúc đó có người vào trình:
- Cô Ba và cô Tư đến chơi.
Ba người nghe nói liền im hẳn, không nhắc đến chuyện ấy nữa.
Chú thích:
(1). Ý nói đi không bằng ở lại.
(2). Kinh Kha và Nhiếp Chính: hai người nghĩa hiệp đời Chiến Quốc. Kinh Kha nhận lời với con vua nước Yên, đến giết Tần Vương, không trúng, bị quân Tần giết chết. Nhiếp Chính nhận lời với Nghiêm Trọng Tử, giết vua Hàn Ai Hầu và Hiệp Lũy rồi cắt mũi khoét mặt tự tử
Hồi 58:
Dưới bóng hạnh, phượng giả khóc hão huyền;
Bên cửa the, tình thật nghĩ vơ vẩn.
Bọn Thám Xuân hỏi thăm xong, mọi người cười đùa một lúc rồi đâu về đây.
Ngờ đâu trong cung lão thái phi chết, các bà mệnh phụ đều phải vào triều theo thứ tự chịu tang. Có sắc ban xuống cả nước, những nhà có chức tước, trong một năm không được mở tiệc hát xướng; dân chúng thì ba tháng không được cưới xin. Mẹ con, bà cháu Giả mẫu ngày nào cũng phải vào triều dự tế, đến giờ mùi mới được về. Sau hai mươi mốt ngày làm lễ ở cung bên cạnh, mới rước linh đến tiên lăng, ở huyện Hiếu Từ. Từ Kinh đến lăng, phải đi về mất mười ngày. Khi rước linh đến đấy, lại phải để vài ngày nữa mới đặt vào địa cung (cung ở dưới đất) thế là công việc vừa vặn mất một tháng. Vợ chồng Giả Trân ở phủ Ninh cũng phải đi tế. Hai phủ vắng người, vì thế họ bàn với nhau, trong nhà không có chủ, phải nói dối là Vưu thị “ở cữ” để ở nhà trông nom công việc cả hai phủ.
Lại nhờ Tiết phu nhân vào ở trong vườn, trông nom bọn chị em và a hoàn. Bấy giờ bên nhà Bảo Thoa đã có Tương Vân và Hương Lăng; bên nhà Lý Hoàn tuy thím Lý về rồi, nhưng cứ dăm ba ngày lại đến một lần. Giả mẫu lại giao Bảo Cầm cho thím ấy trông nom, bên Nghênh Xuân đã có Tụ Yên; Thám Xuân thì việc nhà bận rộn, thỉnh thoảng dì Triệu cùng Giả Hoàn lại cứ đến quấy rầy, rất là khó chịu; nhà Tích Xuân thì hẹp quá không có chỗ cho Tiết phu nhân ở. Giả mẫu lại căn dặn Tiết phu nhân nhiều lần nhờ trông nom Đại Ngọc. Tiết phu nhân xưa nay vẫn thương yêu Đại Ngọc, nhân địp này, liền dọn đến quán Tiêu Tương cùng ở với cô ta. Tất cả thuốc men, ăn uống đều được trông nom cẩn thận. Đại Ngọc cảm kích quá, từ đấy cũng gọi Tiết phu nhân là mẹ, gọi Bảo Thoa bằng chị, Bảo Cầm bằng em, thân thiết như chị em ruột, hơn hẳn mọi người. Giả mẫu thấy thế cũng rất vui vẻ yên tâm.
Tiết phu nhân chỉ trông nom các chị em và ngăn cấm bọn a hoàn thôi; còn những việc lớn nhỏ trong nhà đều không hay nhắc đến. Vưu Thị ngày nào cũng sang, nhưng chỉ điểm đầu chiếu lệ chứ không lên mặt oai quyền. Vả lại, trong nhà trên dưới chỉ còn một mình chị ta trông nom, lại ngày nào cũng phải sắm sửa các thứ ăn mặc, đồ dùng đưa đến chỗ Giả mẫu và Vương phu nhân, vì thế cũng rất khó nhọc.
Lúc này cả chủ nhà lẫn người giữ việc ở hai phủ Ninh, phủ Vinh đều rất bận rộn. Có người phải theo vào chầu, có người phải trông nom công việc ở nơi nhà trọ, có người đi trước sắp đặt nơi nghỉ trọ, nên ở nhà không có ai cầm đầu đứng đắn cả. Họ hoặc nhuế nhóa cho qua chuyện, hoặc tụ tập, đàn đúm với bọn giữ việc tạm thời, ỷ thế làm càn. Bên phủ Vinh chỉ còn có Lại Đại cùng mấy người trông nom việc ngòai thôi. Những người xưa nay Lại Đại quen dùng để giúp việc cũng phải đi cả, tuy mượn người khác thay, nhưng đều mới lạ, chưa quen việc. Vả chăng bọn họ đều là hạng ngú ngớ hoặc bớt xén bừa bãi, hoặc trình báo vu vơ, hoặc cất nhắc liều lĩnh, việc gì cũng hỏng, chỗ nào cũng sinh rắc rối, không thể kể ra hết được. Thấy bọn con hát ở các nhà quan đều cho về cả, bọn Vưu thị liền bàn nhau, cũng trình với Vương phu nhân cho mười hai con hát về. Có người nói:
- Bọn này đều là những người mua về, bây giờ không cho học hát nữa, nhưng có thể giữ lại để sai khiến, chỉ cho bọn giáo tập(1) về thôi.
Vương phu nhân nói:
- Bọn học hát không thể so với lũ người sai khiến được. Họ là con nhà tử tế, vì không có nghề gì, nên bán đi để cho học hát. Chúng nó đã bôi râu vẽ mặt mấy năm rồi. Bây giờ nhân dịp này, cho mỗi người mấy lạng bạc để chúng về. Ngày trước các cụ cũng đã đặt ra lệ này. Chúng ta không nên làm việc thất đức bụng dạ hẹp hòi. Hiện giờ còn mấy người ở lại đã lâu, vì duyên cớ gì không muốn về nhà thì nên cho nó ở lại để sai khiến, chờ khi lớn lên sẽ gả cho những người hầu ở trong nhà.
Vưu thị nói:
- Ta nên hỏi mười hai con hát này, đứa nào muốn về sẽ cho mấy lạng bạc và báo tin cho bố mẹ nó đến nhận, như thế mới phải. Không gọi người nhà nó đến, lỡ ra có những kẻ bậy bạ mạo tên đến lĩnh, rồi lại đem đi bán ở chỗ khác, như thế chẳng phụ công ơn mình hay sao? Đứa nào không muốn về thì cho ở lại.
Vương phu nhân cười nói:
- Nói thế phải đấy.
Vưu thị sai người báo cho Phượng Thư biết rồi truyền xuống phòng tổng quản cấp cho mỗi người giáo tập tám lạng bạc, làm gì tùy ý. Một mặt tra xét những sổ sách đồ đạc ở viện Lê Hương và sai người đến canh đêm.
Khi gọi mười hai đứa bé đến hỏi kỹ càng thì đến quá nửa không muốn về nhà. Có đứa nói, tuy còn bố mẹ, nhưng chỉ chuyên muốn bán con đi thôi, nay trở về lại sợ bị mang đi bán lần nữa; có đứa nói bố mẹ chết rồi, bị anh em chú bác mang đi bán; có đứa nói không có chỗ nào nương tựa; có đứa nói mến ơn chủ không muốn bỏ đi. Chỉ có bốn, năm đứa là xin về.
Vương phu nhân đành cho chúng ở lại. Bốn, năm đứa kia thì giao cho bọn mẹ nuôi, đợi bố mẹ đẻ chúng đến nhận sẽ trả. Những đứa không muốn về thì chia đến ở các nhà trong vườn. Giả mẫu giữ lại Văn Quan để sai khiến, giao Phương Quan cho Bảo Ngọc, Nhụy Quan cho Bảo Thoa, Ngẫu Quan cho Đại Ngọc, Quỳ Quan cho Tương Vân, Đậu Quan cho Bảo Cầm, Ngải Quan cho Thám Xuân, Vưu Thị xin nhận Già Quan. Mọi người được chốn yên thân, như chim sổ lồng, ngày nào cũng ra vườn chơi đùa. Bọn trẻ này không thạo may vá thêu thùa, không quen sai khiến, ai cũng biết nên không chấp nó. Cũng có mấy đứa biết nghĩ, lo sau này ra đời không có nghề làm ăn, nên tự bỏ nghề cũ, học lấy những công việc may vá thêu thùa.
Hôm ấy chính là ngày đại tế trong triều, Giả mẫu dậy từ canh năm đến chỗ nghỉ ăn lót dạ rồi vào triều. Cơm sáng xong, về nhà trọ nghỉ, ăn bữa cơm trưa, nghỉ một lúc, vào triều dự hai buổi tế trưa và tối. Sau đó về nhà trọ nghỉ, ăn cơm tối rồi mới về phủ. May sao chỗ trọ là ngôi miếu của một ông quan to, có sư vãi trông nom, nhà cửa rất là sạch sẽ, có hai dãy phòng bên đông và bên tây. Phủ Vinh thuê dãy phòng bên đông, phủ Bắc Tĩnh vương thuê dãy phòng bên tây. Bọn thái phi, thiếu phi hàng ngày thường đến nghỉ ở đấy, cùng đi về với Giả mẫu, nên cùng trông nom giúp đỡ lẫn nhau.
Giả mẫu và Vương phu nhân phải đi đưa ma một tháng, bọn a hoàn và bà già đều rỗi việc, thường ra chơi đùa ở trong vườn. Các bà già hầu hạ ở trong viện Lê Hương cũng gọi về và cắt đi sai vặt ở các nơi, thành ra trong vườn lại nhiều thêm mấy chục người.
Bọn Văn Quan trước kia đứa thì tính nết kiêu ngạo, đứa thì cậy thế bắt nạt kẻ dưới, đứa thì thích ăn ngon mặc đẹp, đứa thì chanh chua chỏng lỏn, phần nhiều không biết yên phận. Vì thế bọn bà già đều oán ngầm, nhưng không dám cãi cọ với chúng. Bây giờ chúng thôi không học hát nữa, mọi người đều được hả dạ. Có người thì bỏ qua; có người bụng dạ ẹp hỏi vẫn nhớ thù xưa, nhưng vì chúng đã về các phòng, nên không ai dám động đến.
 Một hôm vừa gặp ngày thanh minh, Giả Liễn sắm sửa đồ lễ thường năm, dẫn Giả Hoàn, Giả Tôn, Giả Lan đến chùa Thiết Hạm tế lễ đốt vàng. Giả Dung bên phủ Ninh cũng dẫn người trong họ đem đồ lễ đến tế. Bảo Ngọc vì ốm chưa khỏi hẳn, nên không đi được. Ăn cơm xong Bảo Ngọc kêu mệt, Tập Nhân nói:
- Hôm nay tốt giời, cậu hãy đi ra ngoài chơi, kẻo ăn cháo rồi đi ngủ ngay thì khó tiêu.
Bảo Ngọc chống gậy đi giày ra ngoài sân chơi. Gần đây công việc trong vườn đều giao cho các bà già trông nom, người nào việc ấy, ai cũng bận rộn. Có người sửa trúc, có người đẵn cây, có người trồng hoa, có người gieo đậu, trong ao lại có các cô lái đò chèo thuyền lấy bùn, trồng sen. Tương Vân, Hương Lăng, Bảo Cầm cùng một số a hoàn đều ngồi trên đá xem họ làm việc cho vui. Bảo Ngọc cũng lững thững đi đến. Tương Vân trông thấy cười nói:
- Tống cổ cái thuyền này đi, họ đến đón cô Lâm đấy!
Mọi người đều cười ầm lên. Bảo Ngọc đỏ mặt lên, cười nói:
- Khi ốm còn ai nói hay được? Cô lại còn nhắc để làm trò cười!
Tương Vân cười nói:
- Bệnh ấy khác hẳn mọi chứng bệnh, chính mình chuốc lấy trò cười, lại đi nói người ta.
Bảo Ngọc cũng ngồi xuống xem mọi người đang tấp nập làm việc. Tương Vân nói:
- Đây có gió, đá lại lạnh, anh ngồi một tí rồi về thôi. Bảo Ngọc định đến thăm Đại Ngọc, chống gậy đứng dậy, cáo từ mọi người rồi đi theo con đê ở cầu Thấm Phương. Hai bên dây liễu rủ vàng, hoa đào khoe thắm; một cây hạnh lớn ở sau núi đá hoa đã rụng cả, lá râm xanh om, trên cây có nhiều quả hạnh nhỏ bằng hạt đậu. Bảo Ngọc liền nghĩ:
- Ốm mất mấy hôm, thành ra phụ cả hoa hạnh này! Không ngờ nay đã “Lá xanh rợp bóng quả đầy cành” rồi!- Bảo Ngọc nhìn mãi cây hạnh không thôi. Lại nghĩ đến việc Hình Tụ Yên sắp lấy chồng, tuy việc trai lấy vợ, gái lấy chồng là lẽ tất nhiên, nhưng lại thiếu mất một cô gái trong sạch, chỉ độ vài năm nữa chắc lại “lá xanh rợp bóng quả đầy cành”. Mấy hôm nữa, cây hạnh này quả rụng cành trơ; mấy năm nữa cô Tụ Yên cũng chẳng tránh khỏi má hồng phai nhạt, mớ tóc bạc phơ! Bảo Ngọc đâm ra thương tâm, chỉ nhìn cây hạnh thở dài. Đương lúc than thở, chợt có con chim sẻ bay đến, kêu ríu rít trên cành, Bảo Ngọc lại đâm ngơ ngẩn, nghĩ bụng: “Chắc khi hoa hạnh nở, con chim sẻ đã từng đến đây, nay thấy không còn hoa, chỉ có lá nên nó kêu ríu rít. Tiếng kêu này tất là tiếng khóc than gì đây? Tiếc rằng Công Dã Tràng(2) không ở đây, nên không hỏi được con chim ấy. Nhưng không biết sang năm khi cây hạnh nở hoa, liệu con chim sẻ này còn nhớ mà bay đến để họp mặt với hoa nữa không?”
Đương nghĩ vơ vẩn, thì có ánh lửa từ bên kia núi rọi sang, con chim sẻ sợ bay đi mất. Bảo Ngọc giật mình, lại nghe thấy bên ngoài có tiếng quát: “Ngẫu Quan, mày muốn chết! Làm sao lại mang giấy tiền đến đây mà đốt? Ta về trình các mợ cho mà xem, liệu xác mày đấy!” Bảo Ngọc càng nghi hoặc, liền đi vòng sang núi xem, thấy Ngẫu Quan nước mắt giàn giụa, ngồi ở đấy tay vẫn cầm mồi lửa, ngồi trước đống gio giấy tiền mà than khóc, Bảo Ngọc vội hỏi:
- Chị đốt giấy tiền cho ai đấy? Đừng đốt ở đây! Có đốt cho bố mẹ anh em, thì nói rõ tên họ ra, tôi sẽ bảo người hầu làm cho một cái bao giấy, viết tên họ vào đấy rồi đem mà đốt.
Ngẫu Quan trông thấy Bảo Ngọc, không nói câu gì. Bảo Ngọc hỏi mãi nó cũng chẳng trả lời. Chợt thấy một bà già hằm hằm chạy đến kéo Ngẫu Quan, mồm lảm nhảm: “Tao đã trình các mợ rồi, các mợ ấy giận lắm!” Ngẫu Quan tính còn trẻ con, nghe nói, sợ mất thể diện nên không chịu đi. Bà già nói:
- Tao bảo mày không được nhông nháo quá như thế! Bây giờ không làm bậy được như lúc còn ở ngoài đâu! Đây là chỗ nghiêm cấm đấy. - Lại trỏ Bảo Ngọc nói: - Ngay cậu chúng tao đây cũng phải giữ khuôn phép, mày là hạng gì mà dám đến đây làm bậy? Rồi cũng chỉ là đồ vất đi thôi. Hãy đi theo tao!
Bảo Ngọc vội nói:
- Cô ấy có đốt giấy tiền đâu, cô Lâm bảo cô ấy đốt giấy vụn đấy, bà không biết rõ, lại đi mách nhầm.
Ngẫu Quan chẳng hiểu ra sao, trông thấy Bảo Ngọc lại càng sợ thêm. Thấy Bảo Ngọc bênh mình, trong bụng đương lo hóa mừng, liền nói bướng:
- Bà trông thực là giấy tiền à? Tôi đốt giấy vụn của cô Lâm đấy.
Bà già cúi xuống nhặt mảnh giấy còn sót lại ở đống gio lên nói:
- Mày còn cãi bướng à? Có chứng cớ đây, đi lên nhà tao sẽ nói chuyện với mày.
Liền cầm tay Ngẫu Quan chực lôi đi.
Bảo Ngọc vội kéo Ngẫu Quan lại, lấy gậy gạt tay bà già, nói:
- Bà cứ bắt cô ấy đi. Tôi nói thực cho bà biết: đêm qua tôi nằm mê, thấy thần hạnh hoa đòi một bó giấy tiền, bảo phải sai người lạ đốt, không được sai người trong nhà, bệnh tôi mới chóng khỏi. Vì thế tôi đưa giấy tiền nhờ cô Lâm nói với cô đem đốt và khấn hộ, không cho một ai biết, nên hôm nay mới dậy được. Không may bà lại trông thấy. Bây giờ tôi mà khó chịu là tại chạm phải vía bà đấy! Bà lại còn muốn đi mách cô ấy à? Cô Ngẫu Quan đến chỗ các mợ cứ theo thế mà nói cho tôi.
Ngẫu Quan nghe nói càng đắc ý, lại kéo bà già đi. Bà già vất giấy tiền xuống, cười xin Bảo Ngọc:
- Vì tôi không biết, nếu cậu trình bà thì còn gì là đời tôi nữa? Bây giờ tôi về trình với các mợ là cậu ra lễ thần, tôi trông lầm đấy.
Bảo Ngọc nói:
- Bà mà không trình thì tôi cũng không nói.
- Tôi trót trình rồi, các mợ bảo phải mang nó lên. Bây giờ đành chỉ nói là cô Lâm gọi nó về rồi.
Bảo Ngọc gật đầu bằng lòng. Bà già liền đi ngay.
Bảo Ngọc hỏi kỹ Ngẫu Quan:
- Đốt giấy tiền cho ai đấy? Đốt cho bố mẹ anh em, tất phải nhờ người ngoài, chắc cô lại có mối tình riêng gì đây?
Ngẫu Quan thấy Bảo Ngọc vừa mới che chở cho mình và cũng có những tâm tư giống mình, lòng càng cảm kích, khó bề giấu giếm được, liền rơm rớm nước mắt nói:
- Việc này của tôi, trừ Phương Quan  nhà cậu và Nhụy Quan ở nhà cô Bảo ra, không có người thứ ba nào biết nữa. Hôm nay bất chợt cậu trông thấy, đành phải nói thực với cậu, nhưng cậu không được nói cho người khác biết. - Rồi nó lại khóc - Tôi không tiện nói thẳng với cậu, cậu cứ về đi, khi vắng người cậu khẽ hỏi Phương Quan sẽ biết. - Nói xong bùi ngùi đi về.
Bảo Ngọc trong lòng buồn bực, đành đi đến quán Tiêu Tương thăm Đại Ngọc. Thấy Đại Ngọc người gầy đáng thương, hỏi ra đã đỡ hơn trước nhiều. Đại Ngọc cũng thấy Bảo Ngọc gầy hơn trước nhiều, nhớ đến việc hôm nọ, nước mắt lại giàn giụa. Cô ta nói chuyện qua loa mấy câu rồi giục Bảo Ngọc về nghỉ. Bảo Ngọc đành phải đi về. Nhớ đến việc lúc nãy, Bảo Ngọc muốn hỏi Phương Quang, nhưng có Tương Vân, Hương Lăng ở đấy đang nói chuyện với Tập Nhân và Phương Quan, nên không tiện gọi nó, sợ người ta tra hỏi, đành phải nín lại.
Một lúc sau, Phương Quan đi gội đầu với mẹ nuôi. Nhưng mẹ nuôi nó lại cho con gái đẻ gội trước, rồi mới đến Phương Quan. Phương Quan thấy thế, cho là mẹ nuôi bênh con đẻ liền nói:
- Mẹ lấy nước thừa của con gái cho tôi gội à? Tiền lương tháng của tôi mẹ lấy cả, không biết đã phải nhờ vào tôi, lại còn cho tôi dùng những đồ thừa!
Mẹ nó xấu hổ quá, đâm ra cáu giận, mắng:
- Đồ vô ơn này! Chẳng trách người ta thường nói là “xướng ca vô loài”. Mày dù hay đến đâu, đã nhập vào bọn ấy cũng đến hỏng thôi! Mới ba tuổi ranh đã biết bới lông tìm vết, lời ong tiếng ve, chả khác gì con lừa cắn quanh!
Hai mẹ con cãi nhau ầm lên.
Tập Nhân vội sai người ra bảo:
- Làm ồn vừa chứ! Tại sao cứ nhè lúc cụ đi vắng là cãi nhau om sòm, không ai chịu lựa lời êm thắm nói chuyện với nhau.
Tình Văn nói:
- Đó là Phương Quan bới việc, chẳng biết nó làm ầm cái gì? Mới biết được vài vở hát, đã tưởng mình giết được tướng giặc, bắt được kẻ làm phản ấy!
Tập Nhân nói:
- Ông ghê bà cũng gớm!(3) Người già cư xử bất công, con bé thì cũng đáng ghét.
Bảo Ngọc nói:
- Không trách được Phương Quan. Người xưa nói: “Con giun xéo lắm cũng phải quằn”. Ở đây nó không có bố mẹ họ hàng, chẳng ai trông nom; bà ấy đã lấy tiền của nó, lại còn giày vò nó, thì trách sao được?
Lại hỏi Tập Nhân:
- Một tháng nó được bao nhiêu tiền lương? Từ nay chị nhận lấy lương mà trông nom nó, chẳng nhẹ việc hay sao?
- Tôi làm gì chả trông nom được, cứ gì phải mấy đồng tiền của nó, để người ta chửi cho đấy?
Nói xong Tập Nhân đứng dậy vào trong nhà lấy một lọ dầu móc hoa, trứng gà, xà phòng thơm, dây buộc tóc, gọi bà già đến bảo:
- Bà mang cho Phương Quan, dặn nó lấy nước khác mà gội, đừng làm ồn lên nữa.
Mẹ nuôi Phương Quan càng xấu hổ nói:
- Đồ bội bạc! Cứ bảo tao ăn bớt tiền của mày! - Rồi đánh nó mấy cái.
Phương Quan khóc ầm lên, Bảo Ngọc chạy ra, Tập Nhân vội ngăn lại:
- Cậu ra làm gì? Để tôi đi bảo mụ ấy.
Tình Văn vội chạy ra, trỏ vào mẹ nuôi Phương Quan nói:
- Bà già mà không biết điều! Bà không cho nó nước gội đầu, chúng tôi mới phải cho nó. Bà không biết xấu hổ, lại còn vác mặt đi đánh nó, nó còn học nghề ở ban hát liệu bà có dám đánh nó không?
- Một ngày nhận mẹ là nghĩa suốt đời. Nó hỗn láo, tôi đánh nó đấy!
Tập Nhân gọi Xạ Nguyệt bảo:
- Tôi không quen cãi nhau với ai. Tình Văn nóng tính quá. Chị ra đe mẹ ấy mấy câu.
Xạ Nguyệt chạy ra nói:
- Bà hãy im đi. Tôi hỏi bà: không riêng chỗ chúng tôi ở đây, mà cả trong vườn này, bà xem có ai dám mắng mỏ con cái ở trong nhà chủ không? Dù là con đẻ của bà nữa, đã cho đi ở các phòng, phạm lỗi gì, đã có người chủ đánh mắng. Sau nữa có các cô, các chị lớn tuổi mới đánh mắng được thôi, ai cho phép bà ở ngoài đến sấn sổ vào những việc không đâu? Nếu bà còn làm thế, thì bảo chúng nó đến đây học chúng tôi cái gì? Càng già càng vô phép! Hôm nọ bà thấy mẹ Trụy Nhi đến làm ầm lên, giờ bà cũng lại định học mụ ấy phỏng? Các bà hãy bình tâm. Mấy hôm nay, người nọ ốm, người kia ốm, cụ lại bận việc, nên tôi chưa đi trình được thôi. Chờ ít lâu, tôi sẽ trình hết, để các bà nhụt bớt cái lối hung hăng đi mới được! Vả lại, cậu Bảo ốm mới khỏi, chúng tôi cũng chẳng dám nói to, bà lại dám đánh người, để nó tru tréo lên thế! Chủ mới đi khỏi nhà có mấy ngày, các bà đã coi trời bằng vung, mắt không coi ai ra gì cả! Có lẽ sau này các bà đánh cả chúng tôi đấy! Nó cũng không cần gì hạng mẹ nuôi như thế đâu! Không có bà thì nó bị đống rác mục vùi đi mất hay sao?
Bảo Ngọc giận quá, cầm gậy đập vào ngưỡng cửa nói:
- Bọn bà già này đều là ruột đồng gan sắt cả. Thật là việc lạ. Đã không trông nom lại còn hành hạ chúng nó. Trời đất cứ mãi thế này thì biết làm sao được?
Tình Văn nói:
- Biết làm cái gì? Cứ tống cổ cả đi, không cần cái hạng bánh vẽ ấy là được.
Bà già này xấu hổ quá, không nói lại câu nào. Phương Quan thì mặc cái áo bông cánh màu hoa hải đường, cái quần rộng ống bằng lụa xanh chấm hoa, tóc đen nhánh rủ ra đằng sau, đứng khóc sướt mướt như người tắm nước mắt vậy.
Xạ Nguyệt cười nói:
- Làm cho cô Oanh Oanh trở thành chị Hồng Nương vừa mới bị đòn. Không đi ăn mặc cho tử tế, lại để thế à?
Tình Văn chạy lại kéo Phương Quan đi gội đầu, rồi vắt lau khô, bới tóc lên, sau đó bảo nó mặc quần áo và dẫn về bên này.
Ngay sau đó, bà già ở nhà bếp lên hỏi:
- Cơm chiều có rồi, đã mang lên được chưa?
Đứa hầu nhỏ nghe đoạn, vào hỏi Tập Nhân. Tập Nhân cười nói:
- Vừa rồi cãi nhau ầm ĩ, không để ý là mấy giờ rồi.
Tình Văn nói:
- Cái quái ấy không biết giở chứng gì, lại phải đem đi sửa thôi!
Nói xong lấy đồng hồ ra xem và bảo:
- Chờ một tý nữa thì vừa đấy.
Rồi đứa hầu nhỏ đi ra.
Xạ Nguyệt cười nói:
- Nhắc đến chuyện nghịch, lại muốn đánh cho Phương Quan mấy cái. Hôm qua chính nó cứ táy máy cái quả lắc mãi, nên đồng hồ mới không chạy được.
Đương nói chuyện thì đồ ăn đã sửa soạn xong.
Một lúc đứa hầu nhỏ bưng cái hộp lên đứng đấy, Tình Văn, Xạ Nguyệt mở ra xem, vẫn là bốn món ăn thường.
Tình Văn cười nói:
- Đã khỏi rồi mà vẫn cho ăn mấy món thanh đạm! Cứ cháo với dưa muối mãi đến bao giờ!
Nhìn thấy trong hộp còn một bát canh thịt lợn nướng nấu với măng tươi, Tình Văn vội bày ở trước mặt Bảo Ngọc. Bảo Ngọc đến bàn húp một húp, nói:
- Canh ngon lắm!
Mọi người đều cười:
- Phật sống ơi! Đã mấy hôm nay không trông thấy đồ ăn mặn. Chẳng trách mà thèm như thế!
Vừa nói họ vừa bưng bát canh lên khẽ thổi. Thấy Phương Quan đứng ở bên cạnh, họ đưa cho nó, bảo:
- Mày cũng tập hầu đi, đừng ngớ ngẩn thế nữa. Khẽ thổi thôi, đừng cho nước dãi bắn vào.
Phương Quan nghe lời, thổi mấy cái rất nhẹ nhàng. Mẹ nuôi nó bưng cơm đứng chực ở cửa ngoài. Trước khi Phương Quan mới đến, bà ta đã nhận nhau từ bên ngoài, rồi cùng vào viện Lê Hương. Bà này là người hầu hạng ba ở phủ Vinh, chẳng qua chỉ làm việc giặt giũ, chưa được vào trong các phòng bao giờ, nên chưa biết khuôn phép. Nay mới được vào trong vườn, theo bọn con gái về các buồng. Ngay lúc đầu bà ta bị Xạ Nguyệt làm cho một trận, đã biết thân biết phận phần nào. Bà ta rất lo Phương Quan không nhận làm mẹ nuôi, sẽ có nhiều chỗ không lợi, nên trong lòng muốn mua chuộc bọn này. Thấy Phương Quan thổi canh, bà ta chạy vào cười nói:
- Nó chưa thạo, coi chừng đánh vỡ bát, để tôi thổi cho.
Vừa nói vừa bưng lấy. Tình Văn quát to:
- Ra mau! Nó có đánh vỡ bát nữa cũng chưa đến lượt bà thổi! Sao bà vô cớ được chạy vào trong buồng này? - Rồi lại mắng bọn a hoàn nhỏ - Chúng mày mù à! Bà ấy không biết thì phải bảo chứ!
Bọn a hoàn nhỏ đều nói:
- Chúng tôi nói, bà ấy không tin, đuổi bà ấy cũng không ra, thành ra chúng tôi bị mắng lây, nghĩ thật bực! Bà đã biết chưa? Chỗ chúng tôi vào được thì bà cũng chỉ được đến nửa chừng thôi, không thể vào hẳn nơi đó. Huống chi bà lại lần cả vào những chỗ chúng tôi không được vào. Việc ấy đã đành, bà lại còn dám giơ tay đỡ lấy bát cháo, thò mồm vào thổi nữa.
Vừa nói vừa đẩy mụ ấy ra. Mấy bà già chờ dưới thềm đón lấy hộp không, thấy mụ ấy đi ra, đều cười nói:
- Bà chị chưa lấy gương soi mặt mà đã đi vào à?
Mụ ấy xấu hổ đâm ra tức giận, nhưng đành phải nín nhịn đi ra.
Phương Quan thổi mấy cái, Bảo Ngọc cười nói:
- Mày thử nếm xem đã vừa ăn chưa?
Phương Quan cho là nói đùa, cứ cười nhìn bọn Tập Nhân. Tập Nhân nói:
- Em cứ nếm một tí có việc gì đâu?
Tình Văn nói:
- Xem ta nếm đây này.
Nói xong liền húp một miếng. Phương Quan thấy thế cũng húp một miếng rồi nói: “Được rồi!” Liền đưa lên B Ngọc húp hết nửa bát, ăn mấy miếng măng và nửa bát cháo, thế là xong bữa. Mọi người dọn dẹp mang ra. Bọn hầu nhỏ bưng chậu nước vào, súc miệng, rửa mặt xong, bọn Tập Nhân mới đi ăn cơm.
Bảo Ngọc đưa mắt liếc Phương Quan. Phương Quan vốn tính khôn, lại học hát mấy năm, việc gì mà nó chẳng hiểu? Nó giả cách đau bụng không ăn cơm.
Tập Nhân nói:
- Đã không ăn cơm thì ở lại đây hầu. Để phần cháo cho đấy, lúc nào đói thì ăn.
Nói xong rồi đi ra.
Bảo Ngọc đem việc gặp Ngẫu Quan vừa rồi, mình bịa ra để che lỗi cho nó thế nào, và Ngẫu Quan bảo về hỏi Phương Quan thế nào, kể lại một lượt cho nó nghe, lại hỏi:
- Nó tế ai đấy?
Phương Quan mắt đỏ hoe, thở dài nói:
- Việc này nói ra thì chị Ngẫu Quan cũng vớ vẩn quá!
- Thế nào?
- Chị ấy tế chị Dược Quan mới chết đấy!
- Hai người là bạn với nhau thì tế cũng phải.
- Có phải bạn bè gì đâu? Chẳng qua nghĩ vớ vẩn đấy thôi. Chị ấy đóng vai học trò. Dược Quan đóng vai hề. Hai người thường làm vợ chồng, hằng ngày lên hát, ra bộ thân mật với nhau, lần này lần khác, chúng nó vớ vẩn y như vợ chồng thật. Sau thành ra thương yêu nhau. Khi Dược Quan chết, chị ấy khóc lóc chết đi sống lại, đến nay cũng vẫn chưa quên, vì thế cứ đến ngày Tết là đốt vàng cho Dược Quan. Sau này Nhụy Quan bù vào vai ấy, chúng tôi thấy chị ấy lại thân mật như Dược Quan ngày trước, liền hỏi. - Tại sao có người mới đã quên ngay người cũ? Chị ấy nói: “Không phải quên đâu. Cũng như người đàn ông góa vợ, sau khi lấy vợ khác, nhưng vẫn giữ mối tình chung thủy không bao giờ quên hẳn người vợ đã chết. Nếu vì người chết mà giữ tiết ở lại trọn đời, không lấy người khác, như vậy không đúng, người chết sẽ băn khoăn”. Cậu xem chị ấy nói thế có phải điên ngốc đáng cười hay không?
Bảo Ngọc nghe những câu chuyện ngốc ấy, hợp với tính ngốc của mình, đâm ra vừa mừng vừa thương, cho là chuyện lạ, nói:
- Trời đã sinh ra những người như vậy, còn cần gì đến ta là hạng râu mày ô trọc làm nhơ nhuốc cả cõi trần - Nhân lại kéo Phương Quan dặn:
- Đã vậy tôi có một câu dặn cô. Nếu tôi gặp thẳng Ngẫu Quan, tất sẽ không tiện, nên nhờ cô nói giúp.
Phương Quan hỏi việc gì. Bảo Ngọc nói:
- Từ nay không nên đốt giấy tiền nữa. Giấy tiền là dị đoan của người sau đặt ra, chứ không phải lời dạy của Khổng Tử. Sau này hễ gặp ngày tết thì chỉ thắp một lò hương, lòng thành tâm niệm, tự nhiên sẽ cảm ứng. Hạng người ngu xuẩn có biết đâu, bất kỳ thần phật hoặc người chết, họ đều chia ra thứ bậc, thế nọ thế kia, có biết đâu cốt lấy “lòng thành” làm chủ. Ngay những ngày loạn ly hốt hoảng, hương khói không có, gặp đống đất, đống cỏ nào sạch sẽ là tế cũng được. Không những người chết đến hưởng, mà cả quỷ thần cũng hưởng. Cô xem trên bàn của tôi vẫn đặt cái lư hương, tôi có tâm sự gì, không cứ ngày nào, thường thường thắp hương; có chè mới cúng một chén chè, có nước trong cúng chén nước, hoặc có hoa quả mới, hoặc đồ chay đồ mặn cũng đem lên cúng. Chỉ cốt ở lòng thành, thần phật sẽ lại hưởng. Cho nên nói: cốt ở lòng kính, không ở nghi tiết hão huyền. Từ nay nhớ bảo cô ấy không nên đốt giấy tiền nữa.
Phương Quan nghe nói, vâng lời.
Một lúc, ăn cơm xong, có người về trình: cụ và bà Hai đã về.
Chú thích:
(1). Người dạy.
(2). Học trò Khổng tử, ông biết nghe hiểu tiếng chim.
(3). Nguyên văn: một bàn tay vỗ không nên tiếng.
Hồi 59:
Bến Liễu Diệp, tủi phận yến oanh;
Hiên Giáng Vân nhở tay ấn quyết.
Nghe nói cụ đã về, Bảo Ngọc liền mặc thêm quần áo chống gậy sang thăm. Giả mẫu bấy nay vất vả, cần phải nghỉ sớm để đến canh năm hôm sau lại vào chầu.
Gần đến ngày đưa ma, Uyên Ương, Hổ Phách, Phỉ Thúy, Pha Ly, đều bận sắn sửa đồ vật cho Giả mẫu; Ngọc Xuyến, Thái Vân, Thái Hà thì sắm sửa đồ vật cho Vương phu nhân, rồi giao tay cho bọn đàn bà giữ việc mang đi. Tất cả sáu a hoàn và mười bà già theo hầu, không kể đàn ông. Sưốt ngày sắm sửa xe kiệu và hành nghi. Uyên Ương, Ngọc Xuyến ở lại trông nhà. Trước mấy hôm đã sắp sẵn chăn màn và đồ bài trí, giao cho bốn, năm người đàn bà cùng mấy người đàn ông ngồi xe mang đến bầy sẵn ở nhà trọ.
Đến ngày ấy, Giả mẫu dẫn vợ Giả Dung ngồi một kiệu, Vương phu nhân ngồi một kiệu theo sau, Giả Trân cưỡi ngựa dẫn bọn gia đinh đi hộ vệ. Lại có mấy cái xe lớn cho bọn bà già, a hoàn ngồi, và để mấy bọc quần áo thường dùng. Tiết phu nhân cùng Vưu thị dẫn mọi người tiễn ra đến cổng ngoài rồi mới về.
Giá Liễn sợ đi đường có sự gì không tiện, liền sắm sửa cho bố mẹ hắn đi theo kịp kiệu Giả mẫu và Vương phu nhân, còn mình cũng đem người nhà theo sau hộ vệ.
Trong phủ Vinh, Lại Đại cắt thêm người canh đêm, đóng hết các cửa nhà ngoài ở hai phủ, chỉ để cái cửa nhỏ ở phía tây cho mọi người ra vào. Chiều đến, đóng cửa nghi môn, các cửa nách đông, tây sau trước trong vườn đều khóa cả, chỉ mở một cái cửa sau phòng Vương phu nhân là nơi các chị em thường ra vào, và cửa đông thông sang nhà Tiết phu nhân thôi. Vì hai cửa này đều ở trong nhà không cần phải khóa. Bên trong thì Uyên Ương cùng Ngọc Xuyến đóng cửa buồng trên lại, rồi dẫn bọn a hoàn và bà già xuống ngủ ở buồng dưới. Đêm nào vợ Lâm Chí Hiếu cũng dẫn độ mười bà già lên canh, trong xuyên đường lại có thêm nhiều người hầu cầm canh. Công việc xếp đặt ổn thỏa đâu vào đấy cả.
Một buổi sáng, Bảo Thoa ngủ dậy vén màn bước xuống giường, thấy người hơi lạnh, mở cửa nhìn ra sân thấy đất ướt rêu xanh, vì lúc canh năm có mưa lấm tấm. Bảo Thoa gọi Tương Vân dậy. Rửa mặt chải đầu xong, Tương Vân nói:
- Hai má thấy ngứa, có lẽ bị rôm đây.
Liền hỏi Bảo Thoa lấy một ít bột tường vi để xoa. Bảo Thoa nói:
- Hôm nọ còn thừa, cho cả em Cầm rồi, ở bên cô Tần có nhiều, tôi cũng muốn xin một ít, nhưng năm nay không ngứa, nên quên mất.
Rồi sai Oanh Nhi đi xin. Oanh Nhi sắp đi thì Nhụy Quan nói:
- Tôi cùng đi với chị, nhân tiện đến thăm Ngẫu Quan một thể.
Hai người đi ra khỏi Hành Vu Uyển.
Trên đường họ nói chuyện cười đùa, bất giác đã đến bến Liễu Diệp, theo bên bờ rặng liễu, thấy lá mới điểm xanh, dây tơ vàng rũ, Oanh Nhi cười hỏi Nhụy Quan:
- Chị có biết đan đồ bằng dây liễu không?
- Đan cái gì?
- Đan cái gì chẳng được? Đồ chơi, đồ dùng đều được cả. Tôi sẽ ngắt một ít để nguyên lá, đan một cái lẵng, rồi cắm ít hoa chơi cho thích.
Oanh Nhi chưa đi lấy bột xoa vội, giơ tay bẻ rất nhiều cành liễu non, bảo Nhụy Quan cầm, rồi vừa đi vừa đan lẵng hoa. Đi đường thấy hoa, cũng bẻ mấy cành đan thành một cái lẵng hoa có quai xách rất khéo. Trên cành có nhiều lá xanh, để hoa lên trông lại càng đẹp.
Nhụy Quan thích quá cười nói:
- Chị cho tôi nhé!
- Cái này đem biếu cô Lâm, khi về chúng ta sẽ bẻ nhiều để đan mấy cái nữa cùng chơi.
Nói xong đi đến quán Tiêu Tương.
Đại Ngọc đương lúc trang điểm buổi sáng, trông thấy lẵng hoa cười nói:
- Ai đan cái lẵng này mà đẹp thế?
Oanh Nhi nói:
- Cháu đan đem biếu cô đấy.
Đại Ngọc cầm lấy, cười nói:
- Không trách, ai cũng khen chị khéo tay, cái này trông rất nhã.
Vừa xem vừa bảo Tử Quyên treo vào nhà trong.
Oanh Nhi vào hỏi thăm Tiết phu nhân rồi mới xin bột xoa, Đại Ngọc sai Tử Quyên gói một gói đưa cho Oanh Nhi, nói:
- Tôi đã đỡ rồi, hôm nay muốn đi ra ngoài chơi. Chị về thưa với chị Bảo không phải đến thăm tôi, cũng không dám phiền chị ấy đến thăm mẹ nữa. Tôi gội đầu xong, sẽ cùng mẹ sang bên ấy ăn cơm cho vui.
Oanh Nhi vâng lời đi ra, đến buồng Tử Quyên tìm Nhụy Quan. Thấy Nhụy Quan và Ngẫu Quan đương mải nói chuyện không rời nhau ra được. Oanh Nhi cười nói:
- Cô Lâm cũng đi đấy. Chị Ngẫu Quan sang trước với tôi, chờ ở bên ấy, chẳng hơn à?
Tử Quyên nói:
- Phải đấy, ở nhà, nó cứ nghịch ngợm khó chịu lắm.
Vừa nói vừa lấy cái khăn, gói thìa đũa của Đại Ngọc đưa cho Ngẫu Quan, bảo:
- Mày hãy mang cái này đi trước, thế cũng là một chuyện sai đấy.
Ngẫu Quan cầm lấy, cười hì hì, cùng Oanh Nhi và Nhụy Quan theo bờ rặng liễu đi về. Oanh Nhi lại bẻ ít dây liễu, ngồi ngay  trên hòn đá đan lẵng  hoa, sai Nhụy Quan mang bột về trước. Nhưng hai đứa thích xem đan, khi nào chịu bỏ đi? Oanh Nhi cứ giục:
- Các chị không đi thì tôi không đan nữa.
Ngẫu Quan liền bảo Nhụy Quan:
- Tao đi với mày xong rồi sẽ trở lại.
Oanh Nhi đang đan thì con gái già Hà là Xuân Yến đến, cười hỏi:
- Chị đan gì đấy?
Nhụy Quan, Ngẫu Quan cũng đến.
Xuân Yến nói với Ngẫu Quan:
- Hôm nọ chị đốt giấy gì để cho dì tôi trông thấy thế? Dì tôi định đi trình, bị cậu Bảo dọa cho mấy câu, dì ấy tức giận, đem kể hết với mẹ tôi. Các người ở bên ngoài hai, ba năm, chứa chất những mối thù hằn gì đến bây giờ vẫn chưa gỡ ra?
Ngẫu Quan cười nhạt:
- Có thù hằn gì? Họ không biết thế nào là đủ, lại còn oán chúng tôi! Ở bên ngoài hai năm nay, không biết đã vớ của chúng tôi bao nhiêu thứ rồi. Chị thử xem có đúng thế không?
Xuân Yến cũng cười nói:
- Bà ấy là dì tôi nên không tiện nói ra. Chẳng trách cậu Bảo thường nói: “Khi con gái chưa đi lấy chồng, khác nào một hạt châu rất quý; lấy chồng rồi, không hiểu sao lại sinh ra rất nhiều tật xấu. Dù vẫn là hạt châu đấy, nhưng đã trở thành hạt châu chết, phai mờ ánh sáng; đến già thì không phải là hạt châu, mà là mắt cá đấy! Cũng là một người, sao lại hóa ra ba dạng như thế?” Tuy là nói nhảm, nhưng nghĩ kỹ thì rất  đúng. Người ta không biết, cứ bảo mẹ tôi và dì tôi, hai chị em giờ càng già càng thích tiền. Lúc trước ở nhà các bà ấy cứ oán là không có công ăn việc làm. Nhờ có cái vườn này tôi được gọi vào làm, lại may mắn được cắt vào hầu ở viện Di Hồng. Ở nhà không những đã đỡ một miệng ăn, hàng tháng lại thừa được bốn, năm trăm đồng tiền, thế mà vẫn không đủ. Về sau cả hai chị em bà ấy được cắt vào trông nom viện Lê Hương, Ngẫu Quan nhận dì tôi, Phương Quan nhận mẹ tôi làm mẹ nuôi, mấy năm nay thực ra cũng dễ chịu. Bây giờ vào ở trong này, mỗi người một nơi, nhưng lòng tham vẫn chưa chán. Chị xem thế có đáng buồn cười không. Sau đó dì tôi cãi nhau với Ngẫu Quan, mẹ tôi cãi nhau với Phương Quan một trận. Vì Phương Quan muốn gội đầu, mẹ tôi không cho. Hôm qua khi lĩnh tiền lương tháng về, ai đẩy mẹ tôi cũng chả chịu đi. Mua các thứ gội đầu thì lại chỉ dành riêng cho tôi. Tôi nghĩ: Dù mình có tiền hay không, muốn gội, chỉ nói một tiếng với chị Tập Nhân, Tình Văn, Xạ Nguyệt là được, cần gì phải nhờ như vậy cho bẽ mặt. Vì thế tôi không gội. Sau đó mẹ tôi gọi em tôi gội rồi mới đến Phương Quan, nên mới xảy ra chuyện cãi nhau. Rồi lại chực thổi canh cho cậu Bảo. Chị xem có đáng tức cười không? Khi mẹ tôi mới vào đây, tôi đã nói rõ cả khuôn phép nhà này rồi, mẹ tôi không tin, cứ ra điều ta biết đây, chỉ chuốc lấy bẽ mặt thôi. May mà trong vườn nhiều người, không nhớ rõ ai là thân thuộc với ai, nếu có người nhớ ra, họ còn coi nhà tôi ra gì nữa. Bây giờ chị lại còn ngồi đan cái này. Chị nên biết bao nhiêu những thứ ở đây đều do dì tôi trông nom cả, từ khi được mảnh đất này, dì tôi giữ nó hơn là giữ cơ nghiệp của riêng mình, ngày nào cũng thức khuya dậy sớm, tự mình vất vả đã đành, lại bắt chúng tôi phải đến trông nom, chỉ sợ người ta phá phách. Nhưng nếu tôi trông nom thì lại sợ làm lỡ công việc của tôi. Bây giờ hai chị em bà ấy trông nom cẩn thận lắm, từ một ngọn cỏ cũng không cho ai động đến, thế mà chị lại ngắt những hoa đẹp, bẻ những cành non thế này, các bà ấy đến đây trông thấy, sẽ oán chị đến chết đấy.
Oanh Nhi nói:
- Người khác bẻ thì không được, chứ tôi bẻ thì được. Từ khi chia đất cho các bà ấy, hàng ngày chưa kể số hoa đưa về các phòng, chỉ riêng những hoa để chơi thôi, ai trông nom thứ gì, phải hái một ít đưa đến cho các cô và a hoàn dùng, còn hoa cắm lọ nữa là đằng khác. Nhưng cô tôi nói: không phải đưa gì cả, khi nào cần sẽ lấy. Rút cục vẫn chưa lấy qua lần nào. Bây giờ tôi có ngắt một ít, các bà ấy cũng chẳng nói vào đâu được.
Chưa nói dứt lời, bà dì Xuân Yến đã chống gậy đến, Oanh Nhi và Xuân Yến mời ngồi. Thấy Oanh Nhi bẻ nhiều liễu non, bọn Ngẫu Quan hái nhiều hoa tươi, bà  ta rất là khó chịu, nhưng nhìn cái lẵng đan lại không tiện nói ra, liền bảo Xuân Yến:
- Tao bảo mày đi trông, mày cứ ham chơi không chịu đi. Có ai gọi đến, mày lại bảo là tao sai mày. Lấy tao làm bung xung để mày được vui chơi cho thích phải không?
Xuân Yến nói:
- Dì vừa được sai tôi, lại vừa lo sợ, bây giờ còn mắng tôi. Chẳng lẽ đem chia tôi ra làm mấy mảnh?
 Oanh Nhi cười nói:
- Bà đừng tin lời con bé Yến, chính nó bẻ và nhờ tôi đan hộ đấy. Tôi đuổi nó chẳng đi.
 Xuân Yến cười nói:
- Chị đừng nói đùa, kẻo dì tôi lại cho là thật đấy!
Bà này vốn người ngu xuẩn, lại thêm tuổi già mê muội, chỉ biết hám lợi không nể nang gì ai cả. Bà ta đang xót ruột, nhưng không làm thế nào được, nay thấy Oanh Nhi nói, liền cậy già, cầm gậy đánh Xuân Yến mấy cái và mắng:
- Con ranh con này! Tao bảo mày, mày lại còn nỏ mồm! Mẹ mày giận mày lắm, đang nghiến răng, nghiến lợi, muốn xé xác mày ra đấy! Mày lại định đánh song đánh nga với tao phải không?
Xuân Yến bị đánh vừa tức vừa xấu hổ, khóc nói:
- Chị Oanh nói đùa dì tưởng thực lại đánh tôi! Tại sao mẹ tôi giận tôi? Tôi có làm điều gì nhầm lỗi “Lấy râu nọ cắm cằm kia đâu?”
Oanh Nhi chỉ định nói đùa, không ngờ bà già tưởng thực nổi giận, liền đứng dậy ngăn lại cười nói:
- Tôi vừa mới nói đùa, bà lại đánh chị ấy, như thế không phải là làm bẽ mặt tôi hay sao?
Bà già nói:
- Cô đừng sấn sồ vào việc của chúng tôi, không nhẽ vì có cô ở đây mà chúng tôi không được phép dạy con cháu hay sao?
Nghe thấy những câu ngu xuẩn ấy, Oanh Nhi tức đỏ mặt lên, buông tay xuống, cười nhạt:
- Bà muốn dạy nó lúc nào chẳng được? Tôi mới nói đùa một câu mà bà đã làm như thế! Đấy bà cứ việc dạy đi!
Nói xong liền ngồi xuống đan lẵng hoa.
Ngay lúc ấy mẹ Xuân Yến đến quát mắng:
- Mày không đi múc nước, còn đứng đấy làm gì?
Bà già kia nói theo:
- Chị đến mà xem? Con gái chị chẳng coi tôi ra gì, đang cãi lại tôi đấy!
Mẹ Xuân Yến chạy đến hỏi:
- Làm sao thế dì? Con bé này không coi mẹ ra gì đã đành, lại còn dám khinh thường cả dì mày nữa à?
Oanh Nhi liền kể rõ đầu đuôi cho bà ta nghe. Nhưng dì nó có để cho nói đâu, cứ cầm hoa và cành liễu ở trên hòn đá đưa cho mẹ nó xem và nói:
- Chị xem con chị đấy! Lớn như thế mà còn mang người đến làm hại tôi, bảo tôi nói ai được.
Mẹ Xuân Yến vẫn còn tức về việc Phương Quan, lại giận Xuân Yến không làm được vừa lòng mình, liền chạy đến tát nó một cái và mắng:
- Con đĩ này, mày mới lên thớ được bao lâu, đã lại theo đòi những gái lẳng lơ tệ bạc. Tao không dạy được chúng mày phỏng? Con nuôi tao không dạy được chứ con đẻ chẳng lẽ tao cũng không dám dạy hay sao? Tao tưởng bọn ranh con chúng mày đã vào được những nơi chúng tao không được vào, thì cứ ở đấy mà hầu hạ cho đến chết, lại còn ra đây mà đi theo trai à?
Vừa nói vừa cầm lấy cành liễu giơ tận mặt nó, hỏi:
- Đây là cái gì? Mày đem cái gì của mẹ mày đây?
Oanh Nhi vội nói:
- Cái này là của tôi đan đấy, bà đừng có giở lối chửi mèo quèo chó!
Bà già này rất ghét bọn Tập Nhân, Tình Văn, vì biết những a hoàn lớn trong nhà đều có quyền thế và thể diện hơn, nên chỉ nể mặt bề ngoài, nhưng trong lòng vẫn bực tức, đâm ra giận lây cả người khác. Nay thấy Ngẫu Quan lại là kẻ thù của chị mình, nên càng sinh bực tức thêm.
Xuân Yến khóc chạy về viện Di Hồng. Mẹ nó sợ bọn Tình Văn hỏi, nó kể cả ra, mình sẽ bị mắng, nên chạy theo gọi với:
- Mày trở lại đây! Tao bảo đã rồi hãy đi.
Xuân Yến khi nào chịu trở lại. Mẹ nó tức quá, vội chạy theo. Xuân Yến quay lại trông thấy, liền chạy biến đi. Mẹ nó cứ cố đuổi không ngờ bị trượt rêu ngã, làm cho bọn Oanh Nhi cười ầm lên. Oanh Nhi tức quá vất cả hoa và cành liễu xuống sông, rồi đi về nhà. Bà già này tiếc đứt ruột chỉ niệm phật, rồi mắng:
- Con ranh tai ác này! Làm hại bao nhiêu là hoa. Thiên lôi thế nào cũng đánh mày!
Rồi hái hoa đưa đi các phòng.
Xuân Yến chạy thẳng về nhà, gặp Tập Nhân đi thăm Đại Ngọc, liền ôm chầm lấy và nói: 
- Cô cứu tôi với mẹ tôi đánh tôi đấy.
Tập Nhân thấy mẹ nó đến, liền nổi giận nói:
- Ba ngày nay bà đánh hết con nuôi đến con đẻ, có phải bà định khoe nhiều con đấy không? Bà không coi phép tắc ra gì cả?
Bà già này mới đến mấy ngày, thấy Tập Nhân không hay nói, cho là tốt nết, liền nói:
- Cô không biết, đừng nên động chạm đến việc của chúng tôi. Chỉ tại các cô nuông chiều nó đấy.
Tập Nhân tức quá ngoắt trở lại, Xạ Nguyệt đương phơi khăn ở dưới cây hải đường, nghe ồn ào, liền nói:
- Chị cứ mặc kệ, xem mụ ấy làm trò gì!
Rồi đưa mất cho Xuân Yến, Xuân Yến hiểu ý, chạy thẳng đến chỗ Bảo Ngọc. Mọi người đều cười nói: “Thật là việc xưa nay chưa từng có bao giờ”. 
Xạ Nguyệt nói với bà già:
- Bà hãy bớt giận đi. Chẳng lẽ những người ở đây nói với bà không đắt lời hay sao.
Thấy Xuân Yến chạy đến bên cạnh. Bảo Ngọc cầm lấy tay nó, nói:
- Chị đừng sợ, đã có tôi đây!
Xuân Yến khóc, kể lại việc bọn Oanh Nhi vừa rồi. Bảo Ngọc cáu nói:
- Chị cứ ở trong này chơi, việc gì lại mang lỗi cả với họ hàng nữa.
Xạ Nguyệt nói với bà già và mọi người:
- Chả trách bà già này bảo chúng tôi không được động chạm vào việc của họ. Chúng tôi không biết, nhầm to rồi. Bây giờ mời một người khác có thể động chạm được, chắc bà ấy mới phục và mới biết phép tắc!
Liền quay lại bảo đứa hầu nhỏ:
- Mày đi gọi chị Bình đến đây, nếu chị ấy bận thì gọi già Lâm.
Đứa hầu nhỏ vâng lời đi ngay. Bọn đàn bà đều cười nói:
- Bà nên xin ngay với các cô cho gọi em bé lại. Cô Bình mà đến thì không hay đấy!
Bà già nói:
- Dù cô nào đến chăng nữa cũng phải có lý có lẽ, không khi nào mẹ dạy con mà người khác lại cấm đoán được.
Mọi người cười nói:
- Bà có biết cô Bình nào không? Chính cô Bình ở nhà mợ Hai đấy! Tử tế ra cô ấy chỉ mắng mấy câu thôi, nếu cô ấy đã đổi nét mặt thì bà liệu cuốn gói sớm.
Một lúc đứa hầu nhỏ về trình:
- Cô Bình đương bận, hỏi tôi có việc gì, tôi kể lại, cô ấy bảo: “Hãy tống cổ mụ ấy ra, bảo già Lâm lôi sang cửa bên cạnh đánh cho bốn mươi roi là xong”.
Bà này thấy vậy sợ quá, khóc sướt mướt, van xin Tập nhân: “Vất vả mãi tôi mới được vào đây. Vả chăng tôi là đàn bà góa, trong nhà không có ai, chỉ muốn một lòng hầu hạ các cô trong này, sẽ không lo lắng gì, các cô cũng tiện, nhà chúng tôi cũng đỡ lo. Nếu tôi phải bỏ chỗ này, tự đi tìm kiếm sinh nhai, chưa chắc đã đủ sống.”
Tập Nhân thấy thế, dịu lòng nói:
- Bà muốn ở đây mà lại không biết giữ phép tắc, không biết nghe lời, dám đánh bậy, đâu lại có hạng người như bà không hiểu gì cả. Ngày nào cũng om sòm, làm mất cả thể thống, để người ta cười cho.
Tình Văn nói:
- Mặc kệ mụ ấy, cứ tống cổ đi là xong. Hơi đâu nói mãi.
Bà già này lại van xin mọi người:
- Tôi dù có lỗi, nhờ các cô dạy bảo, từ nay tôi xin chừa. Như thế chả phải là các cô đã để lại âm đức hay sao?
Rồi lại nói với Xuân Yến: 
- Chưa đánh được con, mẹ đã phải chịu tội. Con ơi! Xin hộ mẹ đi!
Bảo Ngọc thấy thế thương hại, liền cho ở lại và bảo:
- Không được làm ầm lên nữa! Nếu còn thế thì nhất định đánh đuổi đi. 
Chợt Bình Nhi chạy đến hỏi là việc gì. Tập Nhân nói:
- Thôi xong rồi, nhắc đến làm gì nữa.
Bình Nhi cười nói:
- “Chỗ tha người được cứ nên tha”. Ta hãy bỏ qua đi cho bớt việc. Nhưng nghe đâu những người lớn người nhỏ ở các nhà đều làm bậy cả, hết chỗ nọ đến chỗ kia, làm tôi không biết trông nom chỗ nào cho phải.
Tập Nhân cười nói:
- Tôi cứ tưởng chỉ có bên chúng tôi là họ làm bậy thôi, thế ra còn mấy chỗ nữa à?
Bình Nhi cười nói:
- Thế đã thấm vào đâu. Tôi vừa tính với mợ Trân, ba bốn ngày nay xảy ra tám chín việc rồi. Việc bên chị là việc nhỏ, đáng kể gì, còn những việc tầy trời đáng bực và đáng buồn cười nữa kia.
Hồi 60:
Đem phấn mạt ly thay cho bột tường vi;
Biếu mai quế lộ lòi ra bột phục linh.
Tập Nhân hỏi Bình Nhi:
- Việc gì mà rối rít lên như thế?
- Đều là những việc bất ngờ, thật cũng buồn cười. Để mấy hôm nữa tôi sẽ nói với chị, bây giờ chưa có manh mối gì, và tôi cũng không được rỗi.
Nói chưa dứt lời, thấy người gái hầu của Lý Hoàn đến hỏi:
- Chị Bình ở đây à! Mợ chờ chị đấy, sao không thấy chị đến?
Bình Nhi quay ra cười nói:
- Tôi đến đây! Tôi đến đây!
Tập Nhân cười nói:
- Vì mợ chị ta ốm, chị ta khác nào cái bánh thơm, ai cũng muốn giật lấy.
Bình Nhi quay đi ra.
Bảo Ngọc gọi Xuân Yến:
- Chị đi theo mẹ chị, đến đằng cô Bảo, nói lại với Oanh Nhi mấy câu, đừng để chị ấy mếch lòng.
Xuân Yến cùng mẹ đi ra. Bảo Ngọc lại dặn với:
- Không nên nói trước mặt cô Bảo, sợ Oanh Nhi lại bị quở đấy.
 Hai mẹ con vâng lời, vừa đi vừa nói chuyện. Xuân Yến nói:
- Ngày thường con khuyên mẹ không nghe. Tội gì lại gây ra chuyện lôi thôi thế?
Mẹ nó cười nói:
- Con ranh này, đi đi thôi! Tục ngữ nói: “Không trải qua việc thì người không khôn được”. Tao đã biết rồi. Mày lại còn vặn tao nữa à?
- Nếu mẹ biết thân biết phận, được ở đây lâu, sẽ có nhiều điều hay. Con nói cho mẹ biết, cậu Bảo thường nói: Tất cả người hầu trong phủ như bọn chúng con, không cứ ở trong hay ở ngoài, cậu ấy sẽ trình với bà Hai cho về để cha mẹ được quyền gả bán. Mẹ xem việc ấy có hay hay không?
- Chuyện ấy có thực không?
- Ai nói dối làm gì?
Mẹ nó niệm Phật luôn mồm.
Khi đến Hành Vu Uyển, thấy Bảo Thoa, Đại Ngọc và Tiết phu nhân đương ngồi ăn cơm. Oanh Nhi đi pha nước, Xuân Yến cùng mẹ nó lẻn đến trước mặt Oanh Nhi cười nói:
- Lúc nãy có câu sỗ sàng, tôi đến xin lỗi, xin chị đừng giận.
Oanh Nhi cười mời ngồi, rồi đi pha nước. Mẹ con nó nói bận việc, cáo từ ra về. Chợt thấy Nhụy Quan chạy ra gọi:
- Mẹ ơi! Chị ơi! Hãy đứng lại đã.- Rồi nó chạy đến đưa cho hai mẹ con một gói.- Đây là bột tường vi đưa cho Phương Quan xoa mặt.
Xuân Yến cười nói:
- Chị cẩn thận quá sợ bên ấy không có cái này à? Sao lại còn mất công gửi cho nó.
Nhụy Quan nói:
- Của chị ấy là của chị ấy, của tôi đưa lại là của tôi. Chị thế nào cũng mang về cho chị ấy!
Xuân Yến đành phải cầm lấy. Hai mẹ con trở về, gặp Giả Hoàn, Giả Tôn cũng vừa đến thăm Bảo Ngọc. Xuân Yến nói với mẹ:
- Để con vào thôi, mẹ không cần phải vào.
Mẹ nó nghe lời, bảo gì nghe thế, không dám cưỡng lại. Xuân Yến đi vào, Bảo Ngọc biết là về trình, liền gật đầu. Xuân Yến biết ý, không nói câu gì, đứng một lát rồi quay ra, đưa mắt cho Phương Quan. Ra đến ngoài, Xuân Yến khẽ nói với Phương Quan về việc Nhụy Quan gửi cho nó gói bột tường vi. Bảo Ngọc không có chuyện gì nói với Giả Hoàn và Giả Tôn, liền cười hỏi Phương Quan:
- Tay cầm cái gì đấy?
Phương Quan đưa cho Bảo Ngọc xem và nói:
- Bột tường vi để thoa rôm đấy.
- Chị ấy chu tất quá!
Giả Hoàn nghe nói, nghểnh cổ ra nhìn, ngửi thấy thơm thơm, liền cúi xuống lấy mảnh giấy ở trong ống giày ra cười nói:
- Anh cho em một nửa!
Bảo Ngọc đành phải cho hắn. Phương Quan nghĩ bụng: gói này là của Nhụy Quan tặng mình, không nên cho người khác, liền gạt đi, cười nói:
- Đừng động vào đấy, để tôi đi lấy cho thứ khác.
Bảo Ngọc hiểu ý, liền bảo gói lại và cười nói:
- Đem gói kia lại đây mau.
Phương Quan cầm lấy gói này cất đi, rồi tìm thứ bột của mình thường dùng ở trong hộp ra. Khi mở hộp không thấy gì cả, trong bụng ngờ ngợ: “Sáng ngày còn một ít, sao bây giờ lại hết?” Hỏi mọi người, không ai biết cả, Xạ Nguyệt nói:
- Bây giờ mà còn hỏi đến cái ấy, người trong nhà, ai thiếu lấy dùng đấy thôi. Cô cứ gói một ít bột gì đó cho họ cũng được. Ai biết đâu đấy? Mau cho họ về để chúng mình còn ăn cơm.
Phương Quan nghe nói, liền gói một ít mạt lỵ(1) mang ra. Giả Hoàn trông thấy mừng quá, giơ tay đỡ lấy. Nhưng Phương Quan lại vất lên trên giường. Giả Hoàn đành đến giường cầm lấy giắt vào trong người rồi cáo từ ra về.
Từ ngày Giả Chính đi vắng, Vương phu nhân không ở nhà, Giả Hoàn ngày nào cũng cáo ốm trốn học. Bây giờ được gói bột, hớn hở về tìm Thái Vân. Gặp lúc Thái Vân đương nói chuyện với dì Triệu, Giả Hoàn cười hì hì nói:
- Tôi có gói phấn này tốt lắm, cho chị để xoa mặt. Chị thường nói bột tường vi xoa rôm tốt hơn phấn ngân tiêu mua ở ngoài nhiều. Chị thử xem có phải bột này không?
Thái Vân giở ra xem, “xì” một tiếng, cười nói:
- Cậu xin của ai đấy?
Giả Hoàn kể lại chuyện vừa rồi. Thái Vân cười nói:
- Họ cho cậu là người nhà quê, đánh lừa cậu đấy! Thứ này không phải là bột tường vi đâu, chính là phấn mạt lỵ đấy.
Giả Hoàn xem lại, thấy phấn này đỏ hơn, ngửi cũng thơm thơm, cười nói:
- Thứ này cũng tốt đây, chả khác gì hột tường vi đâu, chị giữ lấy mà xoa, dù sao cũng cứ tốt hơn thứ phấn mua ở ngoài.
Thái Vân đành phải cất đi.
Dì Triệu liền nói:
- Khi nào nó chịu cho mày thứ tốt. Ai bảo mày đi xin, trách sao được chúng nó chả trêu đùa. Cứ như tao thì mang vất giả vào mặt chúng nó. Nhân dịp này mày đến mắng cho chúng nó, làm toang hoang ra một mẻ, để cho cả nhà nháo lên, thế mới gọi là báo thù chứ. Mấy tháng sau chả lẽ còn ai bới những chuyện bẩn này ra hỏi mày nữa à? Dù có hỏi, mày cũng có mồm chứ. Bảo Ngọc là anh, mày không dám động đến, chứ những hạng chó mèo ở nhà nó, mày cũng không dám sao?
Giả Hoàn nghe nói chỉ cúi đầu. Thái Vân liền nói:
- Tội gì như vậy! Dù sao cũng nên nhịn đi là phải.
Dì Triệu nói:
- Mặc tao, không can gì đến mày. Cứ vịn lấy cớ này mắng cho bọn con đĩ ấy một trận mới được.
Lại trỏ Giả Hoàn nói:
- Hừ! Đồ khốn nạn hèn nhát, đáng để cho bọn ranh con nó trêu tức! Ngày thường tao mắng mày một câu, hoặc vô ý lấy nhầm cái gì của mày, thì mày đã cứng đầu cứng cổ, nổi gân, trợn mắt, hất hủi tao; bây giờ bị bọn ranh con ấy trêu, mày câm không dám nói. Thế mà lại muốn ngày sau để người trong nhà này phải nể sợ. Mày không có cái tài ấy đâu, tao cũng tức thay cho mày!
Giả Hoàn nghe đoạn, vừa xấu hổ vừa nổi nóng, nhưng không dám đi, chỉ xua tay nói:
- Mẹ biết ăn, biết nói sao lại không dám đi, cứ xui con đi gây chuyện? Nếu họ đến trường mách con phải đòn, mẹ có thương con không? Đã bao lần mẹ xui con đi, khi xảy ra chuyện, con bị đánh đòn mẹ cũng đành phải cúi đầu chịu thôi. Bây giờ lại còn xui con đi cãi nhau với bọn hầu nhỏ! Mẹ không sợ chị Ba, cứ dám đi con mới phục!
Nghe nói như đâm vào ruột, Dì Triệu gào lên:
- Tao đẻ nó ra mà tao phải sợ nó, thì nhà mày còn có thể thống gì?
Vừa nói vừa cầm gói phấn chạy biến vào trong vườn.
Thái Vân ngăn mãi không được, đành phải lánh sang buồng khác. Giả Hoàn cũng lánh ra chơi ngoài cửa nghi môn.
Dì Triệu đỏ mặt tía tai hằm hằm đi vào vườn, mẹ nuôi Ngẫu Quan là già Hạ trông thấy liền hỏi:
- Bà dì đi đâu đấy?
Dì Triệu đập tay nói:
- Bà xem đấy! Bọn hát ranh con mới vào nhà này được ít ngày đã lá mặt lá trái, khinh người nọ, trọng người kia. Người khác tôi không bực, nhưng lại để bọn ranh trêu tức thì còn ra làm sao nữa?
Già Hạ nghe câu nói trúng với ý mình, liền hỏi:
- Việc gì thế?
Dì Triệu kể lại việc chúng khinh rẻ Giả Hoàn, đem cho phấn giả.
Già Hạ nói:
- Bây giờ dì mới biết à? Thế đã thấm vào đâu. Hôm nọ chúng đốt giấy tiền ở đây, cậu Bảo cũng còn bênh đấy. Có những cái người ta chưa mang đến mà nó đã nói ngay là không dùng được, không sạch sẽ, thế thì đốt giấy tiền không kiêng à? Dì thử nghĩ xem, nhà này ngoài bà Hai ra, còn ai bằng dì? Dì không ra tay đấy thôi, chứ dì ra tay, ai lại không sợ? Cứ ý tôi, nhân dịp mấy con ranh này không phải là hạng người trong nhà, dù có gây chuyện với chúng cũng không sao đâu. Hãy cứ lấy hai việc này, làm cho ra nhẽ, tôi sẽ làm chứng cho. Dì có ra oai chuyến này, sau mới trị nổi họ được. Các cô các mợ cũng không nỡ vì bọn đĩ ranh con ấy mà bắt bẻ dì đâu?
Dì Triệu nghe đoạn, càng cho là có lý, liền nói:
- Việc đốt giấy tiền tôi không biết, bà kể rõ cho tôi nghe.
Già Hạ kể ra hết và nói:
- Dì cứ việc nói ra, nếu xảy chuyện gì đã có tôi giúp sức.
 Dì Triệu nghe càng đắc ý, đánh bạo vào thẳng viện Di Hồng.
Lúc đó Bảo Ngọc đã sang thăm Đại Ngọc, Phương Quan cùng Tập Nhân đương ăn cơm, thấy dì Triệu đến đều đứng dậy:
- Mời dì xơi cơm. Có việc gì mà vội thế?
Dì Triệu không trả lời, chạy ngay đến vất gói phấn vào mặt Phương Quan, trỏ mắng:
- Con đĩ này! Mày chẳng qua là hạng con đĩ rạc rài, tao bỏ tiền mua mày về để cho học hát. Đứa đầy tớ hạng bét nhà tao cũng còn sang hơn. Thế mà mày lại dám “Nhìn người đặt cỗ” à? Anh Bảo Ngọc đã cho nó rồi, mày còn giữ lại. Người ta xin của mày đấy à? Mày đưa cái này đánh lừa thằng Hoàn, tưởng nó không biết đấy! Hay dở gì thì chúng nó cũng là anh em ruột vớinhau, cũng là chủ cả, mày lại dám khinh nó à?
Phương Quan không chịu nổi, vừa nói vừa khóc:
- Hết bột tường vi rồi, sợ cậu ấy không tin, tôi phải đưa thứ phấn này. Ai bảo phấn này là không tốt? Tôi có học hát, nhưng không phải đi hát ở bên ngoài. Tôi là con gái bé, biết thế nào là đĩ với thõa! Dì không thể mắng được tôi, tôi không phải là người dì mua về. “Con hầu lạy thằng ở”, cũng đều là bọn đầy tớ cả thôi!
Tập Nhân vội kéo nó lại.
- Không được nói bậy.
Dì Triệu tức run người lên, chạy lại tát Phương Quan hai cái. Tập Nhân đứng dậy ngăn:
- Dì không nên trẻ con như nó, để chúng tôi bảo nó cho.
Phương Quan bị đánh hai cái, khi nào chịu thôi. Nó lăn lóc giẫy giụa, khóc ầm lên:
- Dì đánh được tôi à? Lấy gương soi mặt đã rồi hãy đánh người! Dì cứ đánh đi, tôi không thiết sống nữa.
Rồi nó lao vào trong lòng dì Triệu. Mọi người vừa ngăn vừa kéo nó lại.
Tình Văn khẽ kéo Tập Nhân nói:
- Mặc kệ họ, cứ để cho họ đánh nhau xem rồi ra sao. “Xểnh chúa nhà, gà mọc đuôi tôm”, người này đến đánh, người kia đến đánh, cứ mãi thế này thì còn làm ăn sao được!
Những người đi theo dì Triệu đứng bên ngoài, nghe thấy thế trong bụng lấy làm hể hả, đều niệm Phật: “Ai ngờ lại có ngày hôm nay!” Bọn bà già xưa nay tức sẵn Phương Quan, thấy vậy cũng đều lấy làm thích thú.
Ngẫu Quan, Nhụy Quan đương chơi với nhau. Quỳ Quan ở với Tương Vân, Đậu Quan ở với Bảo Cầm, được tin, liền đến bảo hai đứa kia:
- Phương Quan bị người ta bắt nạt, chúng ta cũng bẽ mặt, phải đến làm toang hoang một trận mới hả giận được. Bốn đứa còn tính trẻ con, chỉ muốn làm thế nào trả thù cho chị em, chứ đã biết nghĩ xa nghĩ gần gì, liền chạy cả vào viện Di Hồng. Đậu Quan chạy ngay đến lao người vào dì Triệu suýt nữa bị ngã. Ba đứa kia kéo cả đến, kêu khóc ầm lên, chúng tay túm đầu húc, vây chặt lấy dì Triệu. Bọn Tình Văn vừa cười, vừa giả vờ đến gỡ ra. Tập Nhân giằng lấy đứa này thì đứa kia lại chạy mất, liền nói:
- Chúng bay muốn chết cả à! Có điều gì oan ức, cứ nói ra, chứ làm điều trái ngược thế này thì coi sao được!
Dì Triệu không biết làm thế nào, cứ chửi mắng ầm lên.
Ngẫu Quan, Nhụy Quan mỗi đứa nắm lấy một tay; Đậu Quan, Quỳ Quan đứng chặn đằng trước đằng sau nói:
- Có giỏi thì đánh chết cả bốn đứa chúng tôi đi!
Phương Quan nằm thẳng đẵng dưới đất, khóc lặng người đi. Đương lúc giằng co thì Tình Văn đã sai Xuân Yến đi trình Thám Xuân. Vưu thị, Lý Hoàn, Thám Xuân dẫn Bình Nhi và mấy người đàn bà đến, mắng át bốn đứa, hỏi nguyên cớ ra sao. Dì Triệu tức quá, phùng má trợn mắt, hút hơi kể lể đầu đuôi. Vưu thị, Lý Hoàn không trả lời, chỉ cản bốn đứa kia.
Thám Xuân thở dài:
- Có việc gì quan hệ đâu! Dì nóng nảy quá. Tôi đương muốn mời dì đến nói một câu chuyện, thảo nào bọn a hoàn về nói, không biết dì ở đâu, té ra lại đến đây sinh chuyện! Thôi mời dì về nhà với tôi.
Vưu thị và Lý Hoàn cũng cười nói:
- Mời dì lên nhà khách, chúng ta bàn bạc.
Dì Triệu không biết làm thế nào, đành theo ba người này về, nhưng miệng vẫn kể lể lôi thôi. Thám Xuân liền nói:
- Bọn trẻ con này vốn hay chơi đùa. Khi thích, dì cười đùa với chúng mấy câu, không thích thì thôi mặc kệ chúng. Chúng có điều gì không đúng, dì chỉ nên xem như con mèo, con chó cắn càn, đáng tha thì tha, không đáng tha thì bảo bọn đàn bà giữ việc quở phạt chúng, tội gì không biết tự trọng mà lại gào thét ầm lên, làm mất cả thể thống. Dì thử xem dì Chu, có ai dám khinh nhờn đâu, mà dì ấy cũng chẳng gây chuyện với ai. Xin dì hãy về nhà dẹp cơn giận lại, đừng nghe kẻ nói bậy xúc xiểm, để cho người ta cười mình là ngu ngốc, chỉ tốn công lo việc vu vơ hão huyền cho người ta thôi. Trong bụng có tức chết đi nữa, dì cũng nên nín nhịn mấy ngày, chờ bà Hai về sẽ liệu.
Dì Triệu nghe vậy lặng thinh không nói lại được, đành phải về nhà.
Thám Xuân bực quá, nói với Lý Hoàn và Vưu Thị:
- Nhiều tuổi như thế mà còn làm những việc không để cho người ta nể! Câu chuyện có ra gì đâu, cũng cãi nhau ồn lên, không biết giữ gìn thể thống! Tai hay nghe nhảm, bụng lại nông nổi, hơi một tý là làm tung lên cho to chuyện. Chắc có đứa đầy tớ đê hèn nào thấy dì ấy ngu ngốc, mới xúi giục để nhờ đó cho hả giận chứ gì?
Thám Xuân càng nghĩ càng tức, sai người dò xem ai xui giục. Bọn đàn bà vâng lời đi ra, nhìn nhau cười nói:
- Mò thế nào được kim ở dưới đáy biển?
Rồi gọi người hầu dì Triệu và những người trong vườn đến hỏi, ai cũng nói là không biết. Họ không làm thế nào được, đành về trình Thám Xuân:
- Tra ngay thì khó, phải thong thả xem đứa nào hay bép xép sẽ về trình để cô quở phạt.
Thám Xuân dần dần nguôi giận. Vừa hay Ngải Quan khẽ đến trình:
 - Già Hạ ngày thường không ưa Phương Quan, nên hay  bịa chuyện. Hôm nọ đổ cho Ngẫu Quan đốt giấy tiền, may có cậu Bảo nhận cho, già ấy mới không dám nói. Hôm nay tôi đi đưa cái khăn cho cô, gặp già ấy đương thầm thào to nhỏ với dì Triệu một lúc lâu, thấy tôi đến, già ấy mới bỏ đi.
 Thám Xuân nghe nói, biết rõ ẩn tình, đoán bọn này cùng về một hùa, tức tối lẫn nhau, nhưng chỉ ậm ừ, cũng chưa cho thế là đúng.
Ngờ đâu cháu ngoại già Hạ là Tiểu Thiền được cắt vào hầu Thám Xuân, thường đi mua hộ các thứ cho bọn a hoàn ở đấy, nên lũ hầu gái đều đối với nó từ tế. Hôm ấy ăn cơm xong, Thám Xuân ngồi ở nhà trên làm việc, Thúy Mặc ở lại trông nhà, bèn sai Tiểu Thiền gọi đứa bé con đi mua bánh.
Tiểu Thiền cười nói:
- Tôi vừa mới quét xong cả cái sân, mỏi chân lắm, chị sai người khác đi vậy.
Thúy Mặc cười nói:
- Tao còn bảo ai nữa? Mày chịu khó đi ngay, tao sẽ nói cho nghe một chuyện rất hay. Mày đi cửa sau, nhân tiện về nói cho bà mày biết, phải cẩn thận đấy.
Liền đem việc Ngải Quan mách bà nó cho nó nghe.
Tiểu Thiền nhận ngay tiền nói:
- Con ranh con này cũng định bới móc người ta. Để tôi đi mách cho.
Nó đứng dậy đi ra, đến cửa sau, thấy những người ở trong bếp rỗi việc, đều ngồi nói chuyện trên thềm. Già Hạ cũng ở đấy. Tiểu Thiền bảo một bà già đi mua bánh, còn mình thì vừa làu nhàu vừa đem chuyện mới rồi kể cho già Hạ nghe. Già Hạ vừa tức vừa sợ, muốn đi tìm ngay Ngải Quan để hỏi; lại muốn đến kêu oan với Thám Xuân. Tiểu Thiền ngăn lại, nói:
- Bà đến đó định nói thế nào? Tại sao bà biết được chuyện này? Như thế chỉ thêm lúng túng không được đâu. Cháu nói thế để bà liệu chừng, chứ việc gì phải vội thế?
Bỗng thấy Phương Quan đi đến, gõ vào cánh cửa, cười nói với vợ họ Liễu ở trong bếp:
- Thím Liễu ơi, cậu Bảo nói: món ăn bữa chiều hôm nay, làm thứ gì mát mát chua chua, đừng cho dầu thơm vào, ăn thêm ngán thôi.
Thím Liễu cười nói:
- Biết rồi. Hôm nay có cần gì mà lại sai chị đến bảo tôi. Nếu chị không sợ bẩn thì hãy vào đây chơi đã.
Phương Quan đi vào, bỗng thấy một bà già tay cầm một đĩa bánh đến. Phương Quan hỏi đùa:
- Bánh nóng này ai mua thế? Tôi nếm trước một miếng nào.
Tiểu Thiền cầm lấy đĩa bánh nói:
- Của người ta mua đấy. Các chị thì thèm gì thứ này.
Thím Liễu trông thấy cười nói:
- Cô Phương, cô muốn ăn thứ bánh này? Tôi vừa mới mua cho chị cô ăn đấy. Nó chưa ăn, còn cất nguyên ở kia, chưa ai động đến.
Nói xong cầm đĩa bánh đưa cho Phương Quan, lại nói:
- Cô chờ đấy, tôi đi pha cho cô ấm trà.
Rồi đi đun nước.
Phương Quan cầm cái bánh giơ lên mặt Tiểu Thiền nói:
- Ai thèm ăn bánh của chị! Cái này không phải là bánh à? Tôi nói đùa đấy thôi, chứ chị có lạy, tôi cũng chả thèm ăn!
Nói xong bẻ chiếc bánh vất cho con chim sẻ để đùa chơi và nói:
- Thím Liễu đừng tiếc của nhé, tôi về sẽ mua hai cân biếu thím.
Tiểu Thiền tức quá lườm nó nói:
- Ông thiên lôi có mắt làm sao không đánh chết con quái này đi. Nó lại còn trêu tức tôi? Tôi thì bì với chúng nó sao được. Có người biếu xén, có người xin làm tôi tớ, luồn lụy tâng bốc chúng nó để nhờ nói giúp.
Mọi người đều nói:
- Các cô thôi đi! Ngày nào gặp nhau cũng càu nhàu như thế.
Có mấy người sáng ý, thấy chúng cãi nhau, sợ sinh chuyện, đều chạy đi cả. Tiểu Thiền cũng không dám nói câu gì, chỉ lảu bảu chạy về.
Thím Liễu thấy mọi người đi rồi, liền chạy ra hỏi Phương Quan:
- Cô đã nói câu chuyện hôm nọ chưa?
- Nói rồi. Chờ một vài hôm nữa sẽ nhắc lại. Chỉ bực cái mụ Triệu chết hụt ấy lại cãi nhau với tôi một trận. Rượu mai quế lộ hôm nọ chị ấy đã uống chưa? Chị ấy có đỡ không?
- Uống hết rồi. Nó thích thứ ấy lắm, nhưng không tiện xin cô lần nữa.
- Có đáng gì, để tôi xin thêm một ít cho chị ấy.
Thím Liễu có đứa con gái năm nay mười sáu tuổi, là con thứ năm, nên đặt tên là Năm. Cô Năm tuy là con gái người nấu bếp, nhưng dáng người cũng khá, xấp xỉ sánh với Bình Nhi, Tập Nhân, Uyên Ương, Tử Quyên. Chỉ vì người yếu, nên chưa có việc làm. Gần đây thím Liễu thấy nhiều a hoàn trong phòng Bảo Ngọc làm những công việc nhẹ, lại nghe nói sau này Bảo Ngọc sẽ cho họ về cả, nên muốn xin cho con mình ghi tên vào hầu. Đương lúc chưa có người đưa vào thì may sao thím Liễu trước kia lại là người hầu ở viện Lê Hương, chăm nom nâng giấc bọn Phương Quan rất cẩn thận, hơn các bà mẹ nuôi khác. Bọn Phương Quan đối với thím cũng rất tử tế. Nhân đó thím Liễu nhờ Phương Quan nói với Bảo Ngọc cho con vào hầu, Bảo Ngọc đã bằng lòng, nhưng gần đây lại ốm và bận việc, nên chưa tiện nhắc lại.
Phương Quan về viện Di Hồng, vào trình Bảo Ngọc. Bấy giờ vì dì Triệu làm ầm ỹ, Bảo Ngọc trong bụng khó chịu, nhưng há miệng mắc quai, đành chờ cho cãi nhau xong, Thám Xuân bảo dì Triệu về rồi mới từ Hành Vu Uyển quay về, khuyên nhủ Phương Quan, một lúc, dàn xếp xong xuôi. Thấy Phương Quan muốn xin rượu mai quế lộ cho con Năm. Bảo Ngọc nói:
- Hãy còn đấy, tôi không uống mấy, cô đưa cho nó.
Nói xong, bảo Tập Nhân lấy ra. Thấy trong chai không còn mấy, Bảo Ngọc đưa cả cho Phương Quan.
Phương Quan mang chai rượu đi. Gặp lúc thím Liễu dẫn con Năm đi dạo chơi ở góc nhà bên cạnh, vừa về đến bếp, ngồi nghỉ uống nước. Thấy Phương Quan cầm cái chai bằng pha lê nhỏ cao độ năm tấc, trông lấp lánh, trong đựng độ nửa chai nước màu đỏ như son, thím Liễu cho là rượu nho của Bảo Ngọc vẫn uống. Hai mẹ con liền nói:
 - Cô hãy ngồi đây, để tôi đi đun nước.
Phương Quan cười nói:
- Chỉ còn có ngần ấy thôi, cho thím cả cái chai đó.
Con Năm nghe xong, mới biết là rượu mai quế lộ, cầm lấy ngay, rồi cám ơn Phương Quan, lại nói:
- Hôm nay mát giời, tôi đi chơi cho khuây, nhưng ở phía sau chẳng có gì thú, chỉ rặt những hòn đá lớn, những cây cao và bức tường sau nhà thôi, không có cảnh gì đẹp cả.
Phương Quan hỏi:
- Sao chị không đi nữa?
Thím Liễu nói:
- Tôi không cho nó đi, sợ các cô ở đây không biết nó, bất chợt mà gặp những người không vừa mắt thì lại thêm chuyện. Ngày mai cô đưa nó vào hầu rồi lo gì không có người dẫn nó đi chơi! Chỉ sợ chơi lắm đâm chán thôi.
- Sợ gì? Đã có tôi!
- Úi chà! Cô ơi, chúng tôi thấp cổ bé họng, bì thế nào được với các cô.
Nói xong đi pha trà đem lại. Nhưng Phương Quan khi nào thèm uống. Chỉ súc miệng rồi về.
 Thím Liễu nói:
  - Ta đương giở tay, con Năm tiễn cô ấy một tý.
 Con Năm đi tiễn, thấy không có người lạ, liền kéo Phương Quan hỏi:
- Chị đã nhắc việc ấy cho tôi chưa?
- Tôi nói dối chị hay sao? Tôi thấy trong phòng đương thiếu hai người hầu, chưa có ai thay: một là chị Hồng Ngọc, mợ Hai lấy đi, hai là chị Trụy Nhi. Nay lấy thêm chị vào cũng chẳng phải là thừa. Nhưng chị Bình thường nói với chị Tập Nhân: “Việc gì phải động đến người, đến tiền, có thể chậm được thì cứ để chậm. Hiện giờ cô Ba đương muốn tìm cớ đưa người ra. Ngay bên nhà chị ấy cũng phải bác đi mấy việc. Lại định bới cả nhà chúng tôi, nhưng không bới ra được việc gì, như thế thì chị tội gì đã vội đâm đầu vào lưới? Nói mà bị bác thì sau này muốn lấy cũng không được, quá muộn mất rồi. Hãy cứ yên đi một dạo, chờ cụ và bà Hai rỗi, sẽ nói với người, dù việc to như trời cũng phải xong.”
- Chị nói thế nhưng tính tôi nóng không chờ được. Nếu tôi vào làm, một là mẹ tôi được mở mày mở mặt, cũng bõ công đẻ ra tôi; hai là tôi có lương tháng, nhà cũng được rộng rãi; ba là tôi được hởi dạ, bệnh sẽ chóng khỏi. Có phải mời thày uống thuốc cũng đỡ tốn tiền.
- Những lời chị nói, tôi biết cả rồi. Chị cứ yên tâm.
Nói xong Phương Quan đi về.
Con Năm trở về, hai mẹ con đều cám ơn Phương Quan. Mẹ nó nói:
- Không ngờ lại được những thứ này. Tuy là của quý thực, nhưng uống nhiều sinh nóng, chi bằng rót một ít mang đi biếu người khác, mình lại được ơn.
- Biếu ai?
- Biếu anh con cậu mày một ít. Nó bị bệnh nóng cũng muốn uống rượu này. Ta rót nửa chén đưa cho nó.
Nghe vậy con Năm ngồi lặng một lúc, mặc cho mẹ rót nửa chén và đem chai rượu cất vào trong chạn. Sau đó nó cười nhạt:
- Cứ ý con thì không nên cho anh ấy. Lỡ có người biết lại xảy ra lôi thôi.
- Cần gì mà phải sợ. Sợ gì cái ấy. Chúng ta vất vả hầu  hạ, kiếm được chút ít thứ này thứ nọ là lẽ tất nhiên, chứ có phải đi ăn trộm đâu?
 Thím Liễu không nghe lời con, đi thẳng một mạch đến là anh. Đứa cháu đương nằm. Trông thấy cả nhà vui mừng, liền đem pha với nước lạnh cho cháu uống một bát, trong bụng nó khoan khoái, mắt sáng lên, đầu mát dần. Còn thừa nửa chén, nó lấy giấy bịt lại để trên bàn.
 Ngay lúc ấy có mấy đứa hầu nhỏ là bạn chơi thân với cháu thím Liễu, đến hỏi thăm, trong đó có Tiền Hòe là cháu họ dì Triệu. Bố mẹ Tiền Hòe hiện giữ sổ trong kho, còn nó thì được cắt đến hầu Giả Hoàn đi học. Nhà nó cũng khá, nhưng chưa lấy vợ. Ngày thường thấy con Năm xinh đẹp, nó cố xin với bố mẹ hỏi làm vợ, và đã nhờ bà mối đến nói ba bốn lần. Vợ chồng họ Liễu thì bằng lòng, riêng con Năm nhất định không thuận, nhưng chưa nói ra, vì thế vợ chồng họ Liễu cũng chưa dám nhận lời.
Gần đây con Năm lại muốn vào hầu trong vườn, nên không nhắc đến việc ấy nữa. Chờ dăm ba năm sau khi trở về, sẽ lấy chồng ở bên ngoài. Nhà Tiền Hòe thấy thế, cũng thôi không đến hỏi. Tiền Hòe không lấy được con Năm, trong bụng vừa tức vừa xấu hổ, nhất định tìm cách lấy cho bằng được mới thỏa lòng. Hôm nay nó cùng bạn đến chơi nhà cháu thím Liễu, không ngờ thím Liễu lại ở đây.
 Thấy một lũ người đến, trong đó có Tiền Hòe, thím Liễu nói lảng là bận việc, đứng dậy ra về. Anh và chị dâu vội nói:
- Sao cô không uống nước đã về ngay? Cám ơn cô đã nhớ đến cháu.
Thím Liễu cười nói:
- Sợ ở nhà gọi cơm, khi nào rỗi, tôi sẽ lại sang thăm cháu.
Người chị dâu liền lấy một gói giấy ở trong ngăn kéo ra, cầm ở trong tay, tiễn thím Liễu ra đến cạnh tường, dúi đưa cho thím, cười nói:
- Anh có trực nhật ở ngoài cửa suốt năm ngày chẳng vớ được món bổng nào. Hôm qua có một ông quan ở Việt Động đến thăm, đem biếu trên nhà hai giỏ bột phục linh, còn lại một giỏ để làm quà cho người canh cửa, anh cô cũng được chia một ít. Ở đó có nhiều cây tùng bách sống hàng nghìn năm, chỉ nguyên lấy nhựa phục linh hòa với thuốc là được, không biết làm thế nào mà bột trắng ngần như vậy? Tối hôm qua, tôi giở ra xem, đẹp quá, trắng như tuyết. Họ bảo: thứ nhất là, hòa với sữa người, sáng dậy uống một bát, bổ lắm. Thứ hai là dùng sữa bò; không dùng được sữa thì dùng nước lã đun sôi cũng được. Tôi nghĩ cháu đằng ấy ăn cũng tốt. Sáng hôm nay cho hầu nhỏ đưa đến, nhưng nó nói là khóa cửa, và cháu bên ấy cũng đi đâu vắng. Tôi vẫn muốn sang thăm và mang cho cháu gói này, nhưng các vị chủ đi vắng cả, chỗ nào cũng canh gác cẩn thận, tôi lại không có việc gì, đến thế nào được. Vả chăng hai ngày hôm nay nghe nói có người trong nhà làm bậy, sang đó mà bị vạ lây lại thêm khổ. Cô đến thật là đúng lúc, nhờ mang về hộ cho cháu.
Thím Liễu cám ơn rồi về. Vừa đi đến trước cửa bên cạnh, có một đứa bé con cười nói:
- Thím đi đâu thế? Trên nhà sai người gọi ba, bốn lượt đấy, bắt ba, bốn đứa chúng tôi đi tìm các ngả. Thím ở đâu về? Đường này lại không phải là đường đi về nhà thím, tôi lấy làm ngờ lắm.
Thím Liễu cười nói:
- Con khỉ con này!.
Chú thích:
(1). Cây hoa nhài.
Tào Tuyết Cần
Dịch giả: Dư Anh Thời
Theo https://www.sachhayonline.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng đư...