Hồng lâu mộng 11
Hồi 51:
Lang băm họ Hồ dùng thuốc hổ lang.
Mọi người thấy Bảo Cầm lấy đề ở những nơi cổ tích trong các tỉnh
mà mình đã đi qua, làm thành mười bài tuyệt cú hoài cổ, trong thơ ám chỉ mười vật,
nên đều nói “Thế thì rất là mới lạ!”
Rồi tranh nhau xem:
1. Xích Bích hoài cổ:
Xích Bích sông kia nước chẳng trôi,
Truyền trơ tên họ chở đi thôi.
Ầm ầm gió thảm theo làn khói,
Biết mấy hồn thiêng quẩn đấy rồi.
2. Giao Chỉ hoài cổ:
Cột đồng đứng vững với thành vàng,
Tiếng rộn ngoài xa khắp bốn phương.
Mã Viện từ đây công rất lớn.
Cần chi nhờ đến sáo Trương Lương?
3. Chung Sơn hoài cổ:
Lợi danh ai nỡ buộc vào thân?
Bỗng chốc lôi nhau xuống cõi trần.
Dùng dẳng suốt đời không dứt được,
Cho người chế giễu lại băn khoăn.
4. Hoài Âm hoài cổ:
Tráng sĩ nên ngừa chó cắn càn,
Vua Tề là lúc sắp vào quan.
Bảo cho đời tục đừng khinh vội,
Một bữa cơm khi chết vẫn ơn.
5. Quảng Lăng hoài cổ:
Ve kêu quạ đậu chóng làm sao,
Giờ cảnh đê Tùy cảnh thế nào?
Vì nỗi xa hoa xưa chiếm hệt,
Cho đời mai mỉa miệng nhao nhao.
6. Đào Diệp độ hoài cổ:
Hoa tàn cỏ héo đợi trên ao,
Rời rã cành đào với lá đào.
Người cũ Lục triều giờ vắng cả,
Ảnh đề chỉ thấy vách treo cao.
7. Thanh Trửng hoài cổ:
Sông hắc mênh mông khéo nghẹn dòng,
Khúc đầu gạn hệt nỗi đau lòng;
Ngán cho chế độ vua nhà Hán,
Cậy gạo muôn năm đáng thẹn thùng.
8. Mã Ngôi hoài cổ:
Phấn son lặng lẽ đẫm mồ hôi,
Thoắt giã thân kia xuống bể khơi.
Vì dấu phong lưu còn sót lại.
Áo quần khe ấy vẫn thơm hoài.
9. Bồ Đông tự hoài cổ:
Tiểu hồng hèn hạ phận tôi đòi,
Lẻn lút đưa đi ghép lứa đôi;
Thôi mẫu dù tra ra việc ấy,
Ả kia đã bị rủ đi rồi.
10. Mai Hoa quán hoài cổ:
Nếu không bên liễu cũng bên mai,
Ai vẽ thuyền quyên vẽ cũng tài.
Sum họp Xuân Hương đừng nghĩ vội,
Gió tây lại vắng một năm trời.
Mọi người xem xong đều khen hay. Bảo Thoa nói:
- Sự tích tám bài đều có chép ở trong sử, còn hai bài cuối
không có sách nào chép, chúng tôi không hiểu rõ, chi bằng làm lại hai bài khác
thì hơn.
Đại Ngọc vội ngăn lại:
- Chị Bảo thật là “gắn phím gẩy đàn”, câu nệ vẽ vời quá. Dù
trong sử sách không chép, các truyện ngoài cũng không nói đến, nên không biết đầu
đuôi ra sao, nhưng chúng ta chẳng đã xem thấy ở hai vở hát là gì? Đến đứa trẻ
lên ba cũng còn biết nữa là.
Thám Xuân nói:
- Chị nói phải đấy.
Lý Hoàn lại nói:
- Vả chăng sách không chép thật, nhưng chính cô ấy đã đi đến
các nơi đó. Xưa nay thường hay đồn nhảm nghe nhảm, những kẻ muốn bới việc thường
cố ý bày ra chuyện cổ tích để lừa dối người đời. Ví như năm trước tôi vào kinh,
thấy ba, bốn chỗ là mộ Quan Công. Sự nghiệp Quan Công trong sử đều chép rõ,
nhưng sao lại có nhiều mộ thế? Chắc là người đời sau kính mến nhân phẩm Quan
Công khi còn sống, rồi từ chỗ kính mến ấy họ bày đặt ra đấy thôi. Khi xem đến bộ
Quảng dư ký, không chỉ riêng Quan Công, cả những người có danh tiếng xưa nay
cũng có nhiều mộ. Trong nhiều cổ tích không tra cứu vào đâu được. Hai bài thơ
này tuy không có căn cứ thực, nhưng nghe người kể chuyện, hát tuồng, hay xem thẻ,
cũng đều nói đến. Những câu tục ngữ trước cửa miệng, bất kỳ trẻ, già, trai, gái
ai ai mà chả biết, chả nói được? Vả chăng, nó có phải sách nhảm như những vở kịch
Mẫu đơn đình, Tây sương ký đâu mà sợ? Vì vậy cứ nên để lại hai bài thơ ấy cũng
không sao.
Bảo Thoa nghe nói mới thôi. Mọi người đoán một lúc, đều không
đúng cả.
Mùa đông ngày ngắn, đã đến bữa cơm chiều, mọi người đều đi ăn
cả. Có người trình Vương phu nhân:
- Anh Tập Nhân là Hoa Tự Phương đứng ở ngoài trình mẹ hắn ốm
nặng, nhớ con gái lắm. Vì vậy hắn đến xin cho em gái về thăm nhà.
Vương phu nhân nói:
- Đó là tình mẹ con, lẽ nào ta lại không cho nó về!
Rồi sai người đến bảo Phượng Thư thu xếp cho Tập Nhân. Phượng
Thư vâng lời, về nhà sai vợ Chu Thụy đến dặn:
- Chị cùng một người đàn bà và hai đứa a hoàn nhỏ đi theo Tập
Nhân về. Chị cắt bốn người có tuổi đi theo xe. Các chị ngồi xe lớn, còn bọn a
hoàn ngồi xe nhỏ.
Vợ Chu Thụy sắp đi, Phượng Thư lại bảo:
- Tập Nhân xưa nay vẫn quen lối giản dị, chị nói rằng tôi bảo
chị ấy phải mặc bộ quần áo lịch sự, mang theo một bọc quần áo to và đẹp, lồng ấp
cũng phải đem cái đẹp. Khi sắp đi, chị bảo chị ta phải đến đây cho tôi xem.
Vợ Chu Thụy vâng lời đi.
Một lúc ăn mặc xong, Tập Nhân đến, hai a hoàn cùng vợ Chu Thụy
mang lồng ấp và bọc quần áo theo sau. Phượng Thư thấy trên đầu Tập Nhân cài mấy
cành thoa vàng giắt hạt châu, rất là lộng lẫy; mặc cái áo da chuột bạch thêu
hoa đào, quần bông màu thông lục thêu kim tuyến, ngoài khoác áo da chuột đen
trong lót đoạn xanh. Phượng Thư cười nói:
- Ba bộ quần áo này đều là của u cho chị, còn đẹp lắm; nhưng
áo khoác thì xoàng quá, bây giờ lạnh chị nên mặc thêm một cái áo lông nữa.
Tập Nhân cười nói:
- Bà Hai vừa cho tôi cái áo da chuột đen, lại còn một cái áo
da chuột bạch nữa, người bảo cuối năm sẽ thêm cái áo lông.
Phượng Thư cười nói:
- Tôi cũng có một cái áo lông, nhưng vì lông đã thò ra ngoài,
không được đẹp, tôi đương định thay, nay tôi hãy để cho chị mặc. Đến cuối năm
bà cho chị cái khác, tôi sẽ đổi. Như thế cũng coi như chị đã giả tôi rồi.
Mọi người đều cười nói:
- Mợ thì cứ quen nói thế. Ngày thường mợ hay rộng rãi, không
biết đã phải bù đắp ngấm ngầm cho bà bao nhiêu rồi. Những khoản bù không đâu ấy
còn tính toán với bà sao được. Bây giờ mợ lại đem những chuyện bủn xỉn nói ra để
làm trò cười.
Phượng Thư nói:
- Khi nào bà nghĩ đến chuyện ấy. Thật ra nó cũng chả phải là
việc chính. Nhưng nếu tôi không trông nom vào đấy, thì còn ra thể diện nhà đại
gia sao được. Thà mình tôi chịu thiệt, để mọi người ăn mặc tử tế, miễn sao tôi
cũng được tiếng tốt, chứ các chị ăn mặc xấu xí như con ma ấy, thì người ta cười
tôi trước, bảo tôi cai quản trong nhà lại để các chị như ăn mày cả một lũ.
Mọi người đều than thở:
- Có ai sáng suốt được như mợ! Trên được lòng bà, dưới biết
thương yêu người hầu.
Phượng Thư sai Bình Nhi mang cái áo màu thạch thanh thêu tám
chùm hoa mặc ngày hôm trước ra, đưa cho Tập Nhân. Lại trông thấy cái bọc áo nhỏ
màu xam xám lót lụa đỏ, trong bọc chỉ có hai cái áo da bọc lông đã mặc dở chừng
và cái áo khoác bằng da. Phượng Thư lại sai Bình Nhi đưa ra một cái bọc lụa màu
trắng bọc thêm cái áo đi tuyết. Bình Nhi lấy ra một cái áo da vượn cũ màu đỏ, một
cái nữa dệt bằng lông chim màu đỏ hơi rung rúc. Tập Nhân nói:
- Một cái còn không mang nổi nữa là.
Bình Nhi cười nói:
- Chị lấy cái áo da vượn này. Nhân tiện tôi lấy cái áo kia ra
bảo người đưa cho cô Hình Tụ Yên. Hôm qua tuyết xuống nhiều, người ta ai cũng mặc
áo da vượn, hoặc áo lông, hàng mười bộ quần áo, màu đỏ rọi xuống tuyết trắng,
trông rất lịch sự! Chỉ có cô ta là mặc mấy cái quần áo cũ, xo vai rụt cổ, trông
thực đáng thương! Giờ tôi mang cái áo này cho cô ấy.
Phượng Thư cười nói:
- Của tôi mà chị tự tiện mang cho người ta. Một mình tôi
phung phí chưa đủ, lại còn thêm chị nhắc đi nữa, càng tốt.
Mọi người cười nói:
- Đó cũng là vì ngày thường mợ có bụng hiếu kính bà, thương
yêu kẻ dưới; nếu mợ là người bủn xỉn, cái gì cũng cóp nhặt cho mình, không nghĩ
đến kẻ dưới, thì cô ấy đâu dám như thế?
Phượng Thư cười nói:
- Cho nên có nó là biết lòng tôi ít nhiều thôi.
Nói xong, lại dặn Tập Nhân:
- Bà nhà chị khỏe thì thôi, nếu có mệnh hệ nào, chị cứ ở lại
cho người về bảo tôi, tôi sẽ sai người mang chăn màn đến cho. Chị đừng nên dùng
chăn màn và gương lược của ai.
Lại dặn vợ Chu Thụy:
- Chắc các chị đã biết khuôn phép nhà này rồi, tôi không phải
dặn nhiều nữa.
Vợ Chu Thụy nói:
- Biết rồi ạ. Chúng tôi đến đấy, sẽ bảo người nhà họ phải
tránh. Nếu cần ở lại, sẽ ở riêng một, hai gian buồng trong.
Nói xong, cùng Tập Nhân đi ra, lại dặn dò đám hầu nhỏ sắp sẵn
đèn lồng, rồi lên xe đến nhà Hoa Tự Phương.
Phượng Thư lại gọi hai bà già ở viện Di Hồng đến bảo:
- Tập Nhân chưa về ngay được đâu. Ngày thường các người biết
a hoàn lớn nào thạo việc thì sai đến trực đêm nhà chú Bảo. Các người phải trông
nom cẩn thận, không được để chú ấy làm càn.
Hai bà già vâng lời đi ra, một lúc về trình:
- Đã cắt Tình Văn và Xạ Nguyệt ở trong nhà rồi, bốn người
chúng tôi sẽ thay phiên nhau trực đêm.
Phượng Thư gật đầu, lại bảo:
- Tối đến bảo chú ấy phải đi ngủ sớm, sáng ra phải dậy sớm.
Một lúc, vợ Chu Thụy về báo tin cho Phượng Thư biết:
- Mẹ Tập Nhân đã chết rồi, Tập Nhân không thể về được.
Phượng Thư đến trình Vương phu nhân, rồi sai người đến vườn Đại
Quan lấy chăn nệm và hộp trang điểm của Tập Nhân. Bảo Ngọc trông cho Tình Văn,
Xạ Nguyệt sửa soạn đâu vào đấy. Sau khi đưa người mang đi rồi, Tình Văn, Xạ
Nguyệt cởi đồ trang sức và đi thay quần áo. Sau đó Tình Văn cứ ngồi sưởi ở cạnh
lò. Xạ Nguyệt cười nói:
- Hôm nay chị đừng giở lối tiểu thư ra nữa, hãy mó tay vào việc
một tí.
- Bao giờ các chị đi hết, tôi sẽ làm cũng chưa muộn. Có các
chị ở đây ngày nào, tôi hãy chơi cho thỏa ngày ấy đi.
- Chị ơi, tôi đi trải giường đây, chị cao hơn tôi hãy bấm cái
bấm ở trên đầu giá gương, để buông cái phủ gương xuống.
Nói xong, liền đi trải giường cho Bảo Ngọc. Tình Văn “hừ” một
tiếng, cười nói:
- Người ta vừa mới ngồi ấm được một tí, chị lại đến quấy rầy!
Bấy giờ Bảo Ngọc đang ngồi buồn, nghĩ mẹ Tập Nhân không biết
sống chết ra sao. Thấy Tình Văn nói thế, liền đứng ngay dậy, bấm cái nút cho vải
phủ gương buông xuống, rồi đi đến cười nói:
- Tôi đã làm xong cả rồi, các chị cứ ngồi đấy cho ấm.
Tình Văn cười nói:
- Ngồi ấm mãi thế nào được. Tôi vừa nghĩ ra, còn chưa mang lồng
ấp vào đây.
Xạ Nguyệt nói:
- Khen cho chị lại nghĩ đến điều đó. Ngày thường cậu ấy có
dùng lồng ấp đâu, vì đã có lò sưởi, không lạnh như ở trong nhà trong, nên hôm
nay không cần.
Bảo Ngọc cười nói:
- Đêm nay hai chị ngủ ở đằng này cả, bên ngoài chỗ tôi nằm
không có người, tôi sợ lắm không ngủ được.
Tình Văn nói:
- Tôi ngủ ở đây, cậu bảo chị Xạ Nguyệt ra bên ngoài mà ngủ.
Khi nói chuyện thì đã hết canh hai, Xạ Nguyệt đã buông rèm
màn xuống, cất đèn, thắp hương, sắp sửa cho Bảo Ngọc đi nằm, rồi hai người mới
đi ngủ. Tình Văn ngủ ngay cạnh lò sưởi, Xạ Nguyệt ra ngủ ở ngoài noãn các.
Đến canh ba, Bảo Ngọc nằm mê, gọi Tập Nhân hai tiếng liền,
không ai trả lời. Tỉnh dậy, biết là Tập Nhân không ở nhà.
Bảo Ngọc bật cười.
Tình Văn cũng tỉnh dậy gọi Xạ Nguyệt:
- Ngay cả tôi cũng đã tỉnh dậy. Thế mà nó nằm ngay ở bên cạnh
đó lại không biết một tý gì, thật là cái thây chết!
Xạ Nguyệt giở mình ngáp dài, cười nói:
- Cậu gọi Tập Nhân, việc gì đến tôi.
Liền hỏi:
- Cậu cần gì?
- Tôi muốn uống nước.
Xạ Nguyệt dậy, chỉ mặc một cái áo bông lụa hồng. Bảo Ngọc
nói:
- Khoác áo da của tôi mà đi, cẩn thận kẻo lạnh đấy.
Xạ Nguyệt nghe nói, quay lại khoác cái áo bằng da con rái cá
lót bông của Bảo Ngọc, đi xuống rửa tay, rót một chén nước nóng, lấy ống nhổ
cho Bảo Ngọc súc miệng, sau mới lấy chén ở tủ chè xuống, tráng qua nước sôi,
rót nửa chén trà đưa cho Bảo Ngọc uống. Xạ Nguyệt cũng súc miệng, uống nửa chén
nước. Tình Văn cười nói:
- Em ơi, cho chị một chén!
- Càng ngày chị càng lên mặt!
- Em ơi, tối mai em đừng làm gì, để chị hầu em cả đêm, có được
không?
Xạ Nguyệt đành phải lấy nước súc miệng và rót nửa chén nước
trà cho Tình Văn uống. Xạ Nguyệt cười nói:
- Cậu và chị Tình Văn đừng ngủ vội, hãy nói chuyện đi, tôi đi
ra ngoài một lúc rồi về.
Tình Văn cười nói:
- Ngoài ấy có ma đang đợi em đấy.
Bảo Ngọc nói:
- Ngoài ấy trăng sáng lắm. Chúng tôi nói chuyện, chị cứ việc
đi.
Vừa nói vừa ho mấy tiếng.
Xạ Nguyệt mở cửa đi ra đằng sau, vén màn nhung lên xem, thấy
trăng sáng thực. Xạ Nguyệt đi ra, Tình Văn định chạy theo dọa đùa chơi. Tình
Văn cậy mình xưa nay khỏe hơn mọi người, không sợ rét, chỉ mặc một cái áo lót,
không mặc áo ngoài, rón rén bước khỏi lò sưởi. Bảo Ngọc ngăn lại:
- Thôi đi, trời rét đấy, không phải chuyện đùa đâu!
Tình Văn xua tay đi theo ra cửa, thấy trăng sáng lung linh. Bỗng
có một cơn gió nhẹ, lạnh buốt đến xương, rởn cả gai ốc trong bụng nghĩ: “Chẳng
trách người ta nói mình đương nóng không nên ra gió. Cơn gió này ghê thật!”
Đương định dọa Xạ Nguyệt, thấy Bảo Ngọc ở trong gọi to:
- Chị Tình Văn ra đấy!
Tình Văn vội quay về cười nói:
- Nào đã dọa chết nó đâu? Cậu lại có vẻ lo lắng thắc thỏm như
đàn bà ấy.
Bảo Ngọc cười nói:
- Không phải tôi sợ bị dọa chết chị ta đâu, một là chị bị lạnh
không nên, hai là chị ta bất thình lình kêu lên, làm người khác giật mình tỉnh
dậy, họ có biết là mình đùa đâu, lại cho là Tập Nhân mới đi vắng một đêm đã thấy
ma thấy mãnh rồi. Chị đi lại kéo cái chăn lên cho tôi một tý.
Tình Văn chạy lại kéo chăn, rồi ủ ngay tay vào đó. Bảo Ngọc
cười nói:
- Tay chị lạnh quá! Tôi đã bảo chị khéo bị rét mà!
Lại thấy hai má Tình Văn đỏ ửng lên, đặt tay vào, thấy lạnh
giá. Bảo Ngọc nói:
- Mau mau vào chăn đây mà ủ đi.
Nói chưa dứt lời, thấy tiếng cửa kêu cạch một cái, Xạ Nguyệt
hớt hải chạy vào cười nói:
- Tôi sợ đến rùng mình! Trông thấy cái gì như người chồm chỗm
trong bóng tối ở đằng sau núi ấy. Tôi định kêu, té ra con gà rừng to. Trông thấy
người nó mới bay ra chỗ sáng. Nếu kêu bừa lên, lại làm ầm ĩ cả nhà.
Vừa nói vừa đi rửa tay, lại cười nói:
- Cậu bảo Tình Văn ra đấy, sao tôi không trông thấy nó. Chắc
nó lại định ra dọa tôi chứ gì?
Bảo Ngọc cười nói:
- Chả phải chị ấy đương ủ ở trong chăn đấy à? Nếu tôi không gọi
mau, thế nào chị cũng bị giật mình.
Tình Văn cười nói:
- Tôi không cần phải dọa, con ranh ấy đã sợ run lên rồi.
Vừa nói vừa chui vào trong chăn, Xạ Nguyệt nói:
- Chị cứ ăn mặc cụt lủn đi ra ngoài phải không?
Bảo Ngọc cười nói:
- Ăn mặc như thế mà cũng đi ra ngoài đấy!
Xạ Nguyệt nói:
- Chị thì chết cũng chả cần phải chọn ngày. Hãy ra đây đứng một
lúc xem lại không rét xé da ra à?
Nói xong mở nắp lò sưởi ra, cầm cái gạt than vùi than hồng xuống,
bỏ thêm hai viên nữa, đậy nắp lại, rồi đến sau bình phong khêu đèn lên, xong mới
đi ngủ.
Tình Văn lúc nãy bị lạnh, bây giờ ấm lên, hắt hơi mấy tiếng.
Bảo Ngọc thở dài:
- Thế nào? Lại bị cảm rồi đấy.
Xạ Nguyệt cười nói:
- Sớm dậy chị ta đã kêu khó chịu, cả ngày không muốn ăn cơm,
bây giờ lại không biết giữ mình, còn định chòng ghẹo người ta. Ngày mai mà ốm
thực là thân làm tội thân!
Bảo Ngọc hỏi:
- Đầu có nóng không?
Tình Văn ho hai tiếng, nói:
- Không can gì, đâu đã yếu ớt đến thế.
Bỗng đồng hồ nhà ngoài keng keng hai tiếng, bà già canh đêm
ho, rồi nói:
- Các cô đi ngủ, mai hãy cười đùa.
Bảo Ngọc khẽ cười, nói:
- Chúng ta đừng nói chuyện nữa, kẻo họ lại nói cho đấy.
Hôm sau trở dậy, quả nhiên Tình Văn thấy mũi tắc, tiếng nặng,
chân tay rời rạc. Bảo Ngọc nói:
- Đừng ai nói ầm lên đấy! Lỡ bà biết, lại bắt về nhà nghỉ. Ở
nhà vẫn tốt, nhưng sợ lạnh, không bằng ở đây. Chị cứ vào nằm trong nhà, tôi sẽ
cho người đi mời thầy thuốc lẻn vào cửa sau xem bệnh cho.
Tình Văn nói:
- Dù thế mặc lòng, cậu cũng nên nói cho mợ Cả biết. Nếu không
chốc nữa thầy thuốc đến, mợ ấy hỏi sẽ nói thế nào?
Bảo Ngọc nghe nói có lý, liền gọi một bà già bảo:
- Bà đi trình với mợ Cả là chị Tình Văn chỉ bị cảm lạnh qua
loa, không nặng đâu. Chị Tập Nhân đi vắng, nếu chị ấy về nhà nghỉ, ở đây không
còn ai trông nom. Tôi sẽ cho mời một thầy thuốc đi luồn cửa sau vào xem bệnh
cho chị ấy, đừng nên để bà Hai biết.
Bà già đi một lúc về nói:
- Mợ Cả dặn là cho uống hai thang thuốc, khỏi thì chớ, nếu
không, nên cho chị ấy về nhà nghỉ. Thời tiết bây giờ không tốt, lây sang người
khác không sao, chứ lây sang các cô thì rầy rà lắm.
Tình Văn nằm ở trong noãn các đương ho, nghe thấy thế, tức
kêu rầm lên:
- Tôi có bị bệnh dịch đâu mà sợ lây đến người khác? Tôi thử
đi ra khỏi chỗ này, xem các người suốt đời có nhức đầu chóng mặt hay không?
Rồi định trở dậy, Bảo Ngọc vội ngăn lại cười nói:
- Đừng nóng thế, đó là mợ ấy sợ bà biết sẽ bị mắng, nên dặn
qua đấy thôi. Chị xưa nay tính hay gắt, chắc bị bốc hỏa lên rồi.
Ngay lúc ấy có người vào trình “Thầy thuốc đã đến”. Bảo Ngọc
đứng dậy nép vào đằng sau tủ sách. Mấy bà già ở cửa sau, đưa thầy thuốc vào. A
hoàn ở trong nhà đều lẩn đi hết, mấy bà già buông màn thêu màu hồng ở noãn các
xuống. Tình Văn nằm ở trong màn thò tay ra. Thầy thuốc trông thấy tay có để hai
móng dài độ hai, ba tấc, nhuộm màu hoa kim phượng, liền quay đầu đi. Bà già vội
mang một mảnh lụa che lên tay. Thầy thuốc bắt mạch một lúc rồi ra nhà ngoài bảo
bọn bà già:
- Bệnh của tiểu thư là ngoại cảm nội trệ. Mấy hôm nay thời tiết
không tốt, chắc là bị cảm hàn xoàng thôi. May tiểu thư ngày thường ăn uống điều
dộ, bệnh không đến nỗi nặng lắm, chẳng qua vì khí huyết yếu sẵn, nên cho uống
vài thang sơ tán là khỏi.
Bấy giờ Lý Hoàn đã sai người bảo a hoàn ở cổng sau và các nơi
tránh đi, nên thầy thuốc thấy trong vườn không có một người con gái nào. Một chốc
ra cửa vườn, vào ngồi ở buồng canh của bọn hầu nhỏ để kê đơn. Bà già nói:
Thầy thuốc vội hỏi:
- Vừa rồi không phải là cô, mà là cậu à? Nhà ấy là buồng
thêu, buông màn xuống để xem mạch, sao lại bảo là cậu.
Bà già cười nói:
- Thầy ơi! Thảo nào đứa bé vừa nói: Hôm nay mời một thầy thuốc
mới đến xem mạch, nên người không biết trong nhà chúng tôi! Nhà ấy là nhà của cậu
tôi, còn người bị bệnh là a hoàn trong nhà, lại là “đại thư” kia đấy, có phải
là buồng thêu của tiểu thư nào đâu? Nếu tiểu thư ốm, thày đâu lại được vào dễ
dàng như thế?
Nói xong cầm đơn thuốc đi.
Bảo Ngọc xem đơn, thấy có kê các vị tử tô, cát cánh, phòng
phong, kinh giới; sau lại kê chỉ thực, ma hoàng. Bảo Ngọc liền nói:
- Chết thật! Hắn chữa bệnh cho con gái như là chữa cho con
trai vậy, dùng thế nào được? Chị ấy có uất trệ chăng nữa, cũng không được dùng
chỉ thực, ma hoàng. Ai mời hắn thế? Tống cổ ngay nó đi! Mời một thầy thuốc quen
đến đây.
Bà già nói:
- Tôi không biết thuốc thày này có hay gì không. Bây giờ sai
đứa hầu nhỏ đi mời thầy thuốc họ Vương đến cũng được. Nhưng còn thày này, thế
nào cũng phải trả tiền xe cho họ, vì khi mời không nói cho phòng tổng quản biết.
- Giả cho nó bao nhiêu?
- Giả ít không tiện, xoàng ra cũng phải một lạng mới đúng lẽ
của nhà ta.
- Trả thầy thuốc họ Vương bao nhiêu?
- Thầy thuốc họ Vương và thầy thuốc họ Trượng, mỗi khi đến
xem bệnh, không phải trả tiền vặt, chẳng qua một năm bốn mùa, đưa lễ một lần
thôi, đó là lệ nhất định hàng năm, còn thày này mới đến, nên trả cho họ một lạng.
Bảo Ngọc liền sai Xạ Nguyệt đi lấy tiền. Xạ Nguyệt nói
- Không biết chị Hoa cất ở đâu.
- Tôi vẫn thấy chị ấy lấy tiền ở cái hòm khảm xà cừ nhỏ, tôi
và chị đi tìm xem.
Hai người vào buồng để đồ đạc của Tập Nhân, mở hòm khảm ra,
thấy ngăn trên để bút mực, quạt, bánh hương túi và khăn mặt; ngăn dưới để mấy
chuỗi tiền. Mở ngăn kéo ra, thấy trong hộp nhỏ có mấy cục bạc và một cái cân tiểu
ly. Xạ Nguyệt lấy một cục bạc và cái cân, hỏi Bảo Ngọc:
- Cái hoa một lạng ở chỗ nào?
- Chị hỏi tôi hay thật, cứ làm như là người mới đến ấy.
Xạ Nguyệt cũng cười, rồi định đi hỏi người khác. Bảo Ngọc
nói:
- Chọn cục nào to nhất trả cho hắn. Đây không phải là buôn
bán, tính toán làm gì!
Xạ Nguyệt nghe nói, bỏ cân xuống, chọn một cục, nhấc đi nhấc
lại, cười nói:
- Có nhẽ cục này một lạng đây. Thà cho hơn một tí, kẻo thầy
kiết ấy không cười chúng ta không biết cân, lại cho là chúng ta bủn xỉn.
Bà già đứng ở cửa cười nói:
- Đó là một thỏi năm lạng, đã cắt đi một nửa rồi, cục này ít
nhất cũng phải hai lạng đấy! Giờ không có dao chặt, cô hãy cất nó đi, chọn một
cục nào nhỏ hơn.
Xạ Nguyệt đã khóa hòm, đi ra cười nói:
- Ai còn tìm được nữa, nhiều ít bà cũng cứ mang đi cho xong!
Bảo Ngọc nói:
- Bảo Dính Yên đi mời thầy thuốc khác đến.
Bà già cầm lấy cục bạc đi ra. Một lúc Dính Yên mời thầy thuốc
họ Vương đến, ông ta trước xem mạch, sau gọi bệnh, khác hẳn thầy thuốc lúc nãy.
Trong đơn quả nhiên không có những vị chỉ thực, ma hoàng, lại
kê những vị đương quy, trần bì, bạch thước, đồng cân đồng lạng cũng bớt hơn đơn
trước. Bảo Ngọc vui mừng nói:
- Đây mới là thuốc cho con gái uống. Tuy có sơ tán, nhưng
không mạnh quá. Năm ngoái tôi cũng bị cảm hàn, ăn uống không tiêu, ông ta xem mạch
xong, bảo tôi không nên dùng những vị thuốc hùm thuốc beo như ma hoàng, thạch
cao, chỉ thực. Tôi và các chị cũng như hoa hải đường trắng mới nở mà mùa thu vừa
rồi cháu Vân đem đến biếu ấy. Tôi còn không dùng, thì các chị dùng thế nào được?
Cũng như những cây dương lớn, người ta trồng ở trên mả, cành lá xanh tốt thực,
nhưng ruột thì rỗng.
Xạ Nguyệt cười nói:
- Mồ mả ngoài đồng không lẽ chỉ có cây dương, mà không có cây
tùng cây bách à? Người ta ghét nhất là cây dương, cây to như thế lại chỉ có một
tí lá. Không có một tí gió nào, nó cũng cứ rào rào luôn. Thế mà cậu cứ so sánh
với cây dương, thực là hèn quá!
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi không dám ví với tùng bách. Ngay Khổng Tử cũng còn nói
“năm rét mới biết tùng bách héo sau”(1). Tùng bách là hai thứ cây cao nhã, người
không biết xấu hổ mới đem nó ra ví bậy thôi.
Nói xong, thấy bà già mang thuốc về, Bảo Ngọc sai lấy cái ấm
bạc đến, sắc ngay ở lò sưởi. Tình Văn nói:
- Cứ đưa cho phòng trà họ sắc! Chứ sắc ở đây mùi thuốc xông
lên, chịu thế nào được.
Bảo Ngọc nói:
- Mùi thuốc còn thơm hơn các mùi hoa đấy! Ngay thần tiên còn
hái thuốc, sắc thuốc, bậc cao nhân dật sĩ cũng hái thuốc trị bệnh nữa là. Thuốc
là một thứ rất quí! Tôi nghĩ trong nhà này mùi thơm gì cũng có, chỉ còn thiếu
mùi thuốc thôi, bây giờ có đủ cả.
Bảo Ngọc lại bảo Xạ Nguyệt sắp sửa các thứ, sai bà già đưa
cho Tập Nhân, khuyên bảo chị ta ít khóc chứ. Mọi việc xong xuôi, Bảo Ngọc mới
sang bên Giả mẫu và Vương phu nhân hỏi thăm rồi ăn cơm.
Phượng Thư bàn với Giả mẫu và Vương phu nhân:
- Ngày vừa ngắn, vừa lạnh, từ nay trở đi, chị Cả cứ cho các
cô ăn cơm ở trong vườn. Khi nào trời ấm sẽ sang đây cũng được.
Vương phu nhân cười nói:
- Chị bàn thế phải đấy. Khi có gió tuyết cũng tiện. Bụng vừa
đói vừa lạnh, lại ăn thức ăn vào, không tốt lắm đâu. Chi bằng lấy năm gian nhà ở
phía sau cửa vườn và hai người trong bọn đàn bà canh đêm ở bên ấy ra thổi nấu
cho chị em họ ăn. Các thứ rau tươi đã chia phần rồi, do phòng tổng quản chi ra,
hoặc lấy tiền, hoặc lấy món ăn. Còn các thứ dã vị như gà rừng, hươu, nai... cứ
chia phần cho họ là được.
Giả mẫu nói:
- Ta cũng muốn thế, nhưng sợ thêm bếp lại thêm việc.
Phượng Thư nói:
- Cũng chẳng thêm việc gì đâu, bên này thêm thì bên kia bớt
đi. Nếu sợ bận việc để các cô ấy bị lạnh, người khác còn khá, chứ em Lâm thì chịu
làm sao được? Ngay cả chú Bảo cũng không thể chịu nổi. Vả chăng, tất cả các cô
chẳng ai được mạnh.
Giả mẫu nói:
- Phải đấy. Lần trước ta cũng định nói, nhưng vì thấy các người
bận nhiều việc. Nay lại thêm việc này ra, tuy các người không dám oán trách gì,
nhưng sẽ cho ta chỉ biết thương lũ cháu nhỏ, không nghĩ đến các người phải bận
rộn việc nhà. Chị đã nói thế thì làm ngay đi.
Lúc ấy Tiết phu nhân và thím Lý đều ngồi ở đấy, Hình phu nhân
và Vưu Thị cũng đến hỏi thăm chưa về. Giả mẫu bảo Vương phu nhân:
- Câu này ta để bụng từ lâu, nay mới nói ra: một là, ta sợ
con Phượng lên mặt, hai là sợ mọi người không phục. Bây giờ các người đều ở
đây, cũng đã từng qua cảnh làm dâu làm con cả, liệu có ai nghĩ được chu đáo như
nó không?
Tiết phu nhân, thím Lý và Vưu Thị đều cười nói:
- Thực là hiếm có! Người khác chỉ nói khéo bề ngoài thôi, chứ
thím ấy mới thực biết thương đến các cô các chú, biết hiếu thuận với cụ.
Giả mẫu gật đầu nói:
- Tôi tuy thương nó, nhưng lại sợ nó sắc sảo quá cũng không tốt
đâu.
Phượng Thư vội cười nói:
- Bà nói nhầm rồi. Người ta thường nói: thông minh sắc sảo
quá sợ không sống lâu. Nói thế rồi tin là thế. Nhưng chỉ có bà là không nên nói
thế và cũng không nên tin thế. Bà thông minh sắc sảo gấp mười cháu, sao lại được
phúc thọ song toàn như thế? Có lẽ ngày sau cháu lại còn được hơn bà nữa kia.
Cháu sẽ sống một nghìn tuổi, chờ khi bà về chầu trời rồi cháu mới chết.
Giả mẫu cười nói:
- Mọi người đều chết, chỉ trơ lại bà cháu ta là hai con yêu
già, còn có gì là thú nữa!.
Chú thích:
Chú thích:
1. Chữ trong sách Luận ngữ.
Hồi 52:
Bình Nhi cố tình giấu việc mất vòng ngọc;
Tình Văn đương ốm, vùng dậy vá áo cừu
Mọi người ra về, riêng có chị em Bảo Thoa ở lại ăn cơm với Giả
mẫu. Bảo Ngọc chợt nhớ đến Tình Văn, liền về vườn trước. Vừa đến nhà, thấy mùi
thuốc thơm sực, không có một người nào, chỉ trơ Tình Văn nằm ở trên giường, mặt
đỏ bừng, người nóng giật. Bảo Ngọc đến lò sưởi hơ tay rồi thò vào chăn sờ trên
người Tình Văn thấy nóng như lửa, liền nói:
- Người khác bỏ đi cũng được, chứ Xạ Nguyệt, Thu Văn sao lại
vô tình bỏ cả đi thế?
Tình Văn nói:
- Thu Văn thì tôi bảo đi ăn cơm, còn Xạ Nguyệt thì chị Bình vừa
đến tìm đi. Hai người thậm thụt, không biết nói gì. Chắc họ nói chuyện tôi ốm,
không chịu dời ra khỏi nhà này chứ gì.
Bảo Ngọc nói:
- Chị Bình không phải là người như thế đâu. Vả chăng chị ta
không biết chị ốm, chắc tìm Xạ Nguyệt để nói chuyện gì đấy, ngẫu nhiên thấy chị
ốm, liền thuận miệng nói là đến thăm chị, đó cũng là câu chuyện mà người ta hay
xử khéo đấy thôi. Chị không chịu dời khỏi nhà này có can gì đến chị ấy. Các chị
xưa nay vẫn tử tế với nhau, quyết không nên vì chút việc không đâu để mất tình
thân.
Tình Văn nói:
- Cậu nói phải đấy, nhưng chỉ ngờ tại sao tự nhiên chị ta lại
giấu tôi?
- Để tôi ra phía cửa sau, đứng dưới cửa sổ nghe xem họ nói những
gì, sẽ về bảo chị.
Nói xong, Bảo Ngọc đi ra cửa sau, đứng nấp dưới cửa sổ nghe,
thấy Xạ Nguyệt khẽ hỏi:
- Làm sao mà chị lại tìm được?
- Hôm ấy, khi rửa tay không thấy, mợ Hai không cho nói ra.
Khi ra khỏi vườn, liền truyền ngay cho bọn bà già ở các nơi phải hết lòng dò
xét. Chúng tôi chỉ ngờ cho a hoàn của cô Hình, vì nó vốn nghèo, từ bé không
trông thấy cái vòng ấy bao giờ, nên nghĩ có nhẽ nó lấy, không ngờ lại là người ở
bên nhà các chị. Hôm ấy già Tống bên này cầm cái vòng đến, bảo là con hầu nhỏ
Trụy Nhi ăn cắp, già ấy trông thấy, định đến trình với mợ Hai, may mợ ấy không
có nhà. Tôi vội cầm lấy vòng, nghĩ cậu Bảo lúc nào cũng để ý đến các chị, muốn
cho hơn người. Năm trước có con Lương ăn trộm ngọc, việc này đã bẵng đi hai
năm, những lúc rỗi vẫn có người nhắc đến cho hả dạ. Bây giờ lại xảy ra một con
ăn trộm vòng vàng, mà lại ăn trộm của người nhà. Cậu ấy thì thế, mà người nhà lại
làm cái việc “vả vào miệng mình”. Vì thế tôi phải dặn dò già Tống, nhất thiết
không được nói cho cậu Bảo biết, cũng không nên nói với người khác nữa, cứ im
đi như không, nếu cụ và bà Hai biết, người sẽ nổi giận. Hơn nữa, chị Tập Nhân
và các chị cũng đâm ngượng mặt. Cho nên tôi chỉ trình mợ Hai rằng: Khi sang bên
mợ Cả về, không ngờ cái vòng tuột ra, rơi xuống bãi cỏ, tuyết phủ lên không tìm
thấy. Nay tuyết tan, nắng chiếu xuống, màu vàng đỏ ối, thì nó vẫn còn đấy, tôi
lại tìm được. Mợ Hai cũng tin thế, nên tôi đến bảo các chị: từ nay trở đi phải
để ý không nên sai nó đi đâu. Đợi chị Tập Nhân về, các chị bàn với nhau tìm
cách đuổi nó đi là xong.
Xạ Nguyệt nói:
- Con ranh ấy đã trông thấy những của ấy rồi, làm sao còn híp
mắt lại!
- Cái vòng ấy có nặng bao nhiêu đâu! Nguyên là của mợ Hai, gọi
là vòng râu tôm, chỉ có hạt châu nặng thôi. Con ranh Tình Văn tính nóng như lửa,
nếu nó biết sẽ không nhịn được đâu. Nó cáu lên sẽ lại đánh mắng làm to chuyện.
Vì thế tôi chỉ bảo riêng chị phải để ý đấy thôi.
Nói xong Bình Nhi ra về.
Bảo Ngọc nghe nói, vừa mừng, vừa giận, vừa than thở: mừng vì
Bình Nhi biết thể tất bụng mình; giận vì con Trụy Nhi ăn cắp; than thở vì con
Trụy Nhi người lanh lẹn như thế lại làm những việc xấu xa. Bảo Ngọc về buồng kể
hết những lời của Bình Nhi cho Tình Văn nghe, rồi nói:
- Chị Bình bảo chị nóng tính, lại đang ốm, nghe thấy sợ ốm
thêm, vì vậy chờ chị khỏi sẽ nói.
Tình Văn giận quá, mày ngài dựng ngược, mắt phượng tròn xoe,
muốn gọi ngay con Trụy Nhi đến, Bảo Ngọc khuyên:
- Bây giờ lại làm ầm lên thì chẳng hóa ra phụ lòng chị Bình đối
với tôi và chị hay sao? Chi bằng hãy nhận lấy tấm lòng tốt của chị ấy, rồi sau
tìm cách đuổi nó đi là xong.
- Mặc dầu cậu nói thế, nhưng tôi tức quá, nhịn sao được?
- Việc ấy có gì đáng tức? Chị cứ nên tĩnh dưỡng đi.
Tình Văn uống nước thuốc thứ hai, đến đêm tuy ra được ít mồ
hôi, nhưng chưa thấy bớt, người vẫn nóng hực, nhức đầu, ngạt mũi, nặng tiếng.
Hôm sau thầy thuốc họ Vương lại đến xem mạch, gia giảm một vài vị. Nóng tuy đỡ
nhưng đầu vẫn nhức. Bảo Ngọc liền bảo Xạ Nguyệt lấy thuốc xông mũi đến cho Tình
Văn ngửi, nếu hắt hơi được mấy cái thì nhẹ ngay. Xạ Nguyệt đi lấy cái hộp pha
lê nhỏ giát vàng đưa cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc mở ra, thấy hình một cô gái bé tóc
vàng, mình trần, hai bên nách lại có cánh, trong đó đựng thuốc tây hạng tốt nhất.
Tình Văn chỉ mải nhìn hình cô gái, Bảo Ngọc nói:
- Ngửi đi, để hả hơi thì không tốt.
Tình Văn liền lấy móng tay khêu một tí để vào mũi chẳng thấy
gì, lại khêu thêm một tí nữa, ngửi thấy một mùi cay gắt xông lên tận óc, hắt
hơi năm sáu cái liền, nước mắt nước mũi chảy giàn giụa. Tình Văn cất hộp đi, cười
nói:
- Cay lắm! Không chịu được! Cho tôi ít giấy.
A hoàn nhỏ đã mang sẵn tập giấy đến. Tình Văn lấy từng tờ ra
hỉ mũi.
Bảo Ngọc cười hỏi Tình Văn:
- Thế nào?
- Dễ chịu hơn. Nhưng thái dương hãy còn nhức.
- Cứ chữa thuốc tây có lẽ khỏi đấy.
Nói xong Bảo Ngọc liền bảo Xạ Nguyệt:
- Chị đến đằng mợ Hai bảo là tôi nói: “Đằng ấy thường có thứ
thuốc cao “Y phơ na” của ngoại quốc dùng để chữa nhức đầu cho tôi một ít.”
Xạ Nguyệt vâng lời đi một lúc, cầm nửa miếng về. Rồi lấy một
mảnh lụa hồng, cắt hai miếng tròn bằng đầu ngón tay, hơ cho thuốc cao chảy, lấy
trâm dàn mỏng ra, Tình Văn soi gương rồi xoa lên hai bên thái dương. Xạ Nguyệt
cười nói:
- Ốm như con ma bù đầu, bây giờ dán cái này lên, xem lại có vẻ
xinh! Mợ Hai dán luôn trông quen mắt nên không khác mấy.
Xạ Nguyệt lại nói với Bảo Ngọc:
- Mợ Hai bảo: ngày mai là sinh nhật ông cậu, bà bảo cậu phải
đi dự lễ. Vậy cậu định mặc quần áo gì, để tôi sắp sẵn; sớm mai khỏi phải bận.
- Tiện cái gì thì mặc cái ấy thôi. Quanh năm chỉ bận về sinh
nhật, biết bao giờ cho xong.
Bảo Ngọc đứng dậy đi đến nhà Tích Xuân xem vẽ. Vừa đến ngoài
cửa, thấy a hoàn của Bảo Cầm là Tiểu Loa ở đằng kia đi tới, Bảo Ngọc vội chạy đến
hỏi:
- Chị đi đâu?
- Hai cô tôi đều ở cả bên nhà cô Lâm, giờ tôi cũng đi sang
đó.
Bảo Ngọc nghe nói, cùng Tiểu Loa quay sang quán Tiêu Tương, gặp
cả chị em Bảo Thoa và Tụ Yên đều ở đây. Bốn người đương ngồi xung quanh lò sưởi
nói chuyện việc nhà việc cửa. Tử Quyên thì ngồi thêu ở trước cửa sổ noãn các.
Trông thấy Bảo Ngọc, mọi người cười nói:
- Lại thêm một người nữa. Không có chỗ cho anh ngồi đâu.
Bảo Ngọc cười nói:
- Thật là một bức tranh đồng khuê tập diễm!(1) Rất tiếc tôi đến
chậm quá! Nhưng dầu sao nhà này cũng ấm hơn các nhà khác, ngồi ở ghế cũng không
thấy lạnh.
Nói xong liền ngồi vào chỗ Đại Ngọc thường ngồi, là chỗ ghế dựa
có trải tấm dd chuột gio. Nhân thấy trong noãn các có một cái chậu bằng ngọc thạch,
trong chậu trồng mấy cụm thủy tiên giống một giò, chỗ nhặt chỗ thưa, Bảo Ngọc
khen nức nở:
- Hoa này đẹp nhỉ! Nhà này càng ấm, mùi hoa càng đượm! Tại
sao hôm qua tôi không trông thấy?
Đại Ngọc cười nói:
- Đó là vợ Lại Đại, tổng quản nhà anh, cho cô Bảo Cầm, có hai
chậu thủy tiên, hai chậu lạp mai. Cô ấy đem cho em một chậu thủy tiên, cho cô
Thám một chậu lạp mai. Em vốn không muốn lấy, lại sợ phụ lòng cô ấy. Giờ anh
thích, xin biếu lại anh, có được không?
- Ở nhà anh cũng có hai chậu, nhưng không đẹp bằng chậu này.
Cô Bảo Cầm đã cho em, sao em lại cho người khác? Không thể thế được.
- Em ngày nào cũng không rời khỏi lò thuốc, đã quen mùi thuốc
lắm rồi, lại còn ngạt thêm mùi hoa nữa thì chịu sao nổi, chỉ tổ ốm thêm thôi. Vả
chăng nhà này sực những mùi thuốc làm hỏng mất mùi hoa đi. Anh mang về bên ấy để
cho hoa được trong sạch, không bị mùi khác lẫn vào.
- Nhà anh hôm nay cũng có người ốm, đương sắc thuốc đấy. Em
không biết à?
- Anh nói mới lạ chứ. Em vô tình nói câu ấy, chứ biết đâu được
việc bên anh? Anh không đến sớm mà nghe truyện cổ tích, bây giờ lại ra vẻ nhớn
nhơ nhớn nhác.
- Ngày mai chúng ta mở thi xã, lại có đầu bài rồi, cứ vịnh
ngay thủy tiên và lạp mai là được.
- Thôi, thôi! Em không dám làm thơ nữa, làm lần nào cũng bị
phạt, thực xấu hổ quá.
Nói xong liền giơ tay che mặt. Bảo Ngọc cười nói:
- Việc gì lại đem anh ra làm trò đùa? Chính anh còn chưa sợ xấu
hổ mà em lại che mặt đi.
Bảo Thoa cười nói:
- Lần sau tôi sẽ mời họp thi xã, có bốn đầu bài thơ, và bốn đầu
bài từ, ai nấy đều phải làm hết. Đầu bài thơ là Vịnh đồ thái cực, hạn vần nhất
tiên, thơ ngũ ngôn, bao nhiêu chữ ở trong vần nhất tiên phải làm hết, không được
bỏ sót một chữ nào.
Bảo Cầm cười nói:
- Nghe đã đủ biết chị không thích mời họp thi xã rồi, rõ ràng
là chị tìm cách làm khó cho người ta thôi. Như vậy là gò ép chỉ lấy những câu ở
trong kinh Dịch xoay đi xoay lại mà điền bừa vào, còn thú gì nữa! Khi tôi lên
tám tuổi, theo cha tôi sang miền bể tây mua hàng. Ngờ đâu ở đó có một cô gái nước
Chân Chân, mới mười lăm tuổi, nét mặt đẹp như một vị mỹ nhân ở bức tranh vẽ của
phương tây, tóc vàng, tết hai đuôi sam, trên đầu cài đầy những mã não, san hô,
ngọc mắt mèo và ngọc xanh, mình mặc áo giáp dệt kim tuyến, tay áo bầng gấm, đeo
dao găm có bịt vàng khảm ngọc. Thực ra người vẽ trong bức tranh cũng không đẹp
bằng! Có người nói cô ta thạo chữ Trung Quốc, giảng được nghĩa ngũ Kinh, biết
làm thơ và điền từ. Vì thế, cha tôi nhờ một người thông ngôn, xin viết cho một
bài thơ do cô ta làm.
Mọi người đều lấy làm lạ. Bảo Ngọc cười nói:
- Em ơi, mang ngay ra đây cho anh xem.
Bảo Cầm nói:
- Em còn để ở Nam Kinh, lấy thế nào được.
Bảo Ngọc nghe nói, rất lấy làm thất vọng, liền nói:
- Thực là vô phúc, tôi không được trông thấy của quí trên đời!
Đại Ngọc cười kéo Bảo Cầm, nói:
- Em đừng nói dối chúng ta. Chắc khi đến đây thế nào em cũng
mang theo những thứ ấy đi, không khi nào lại để ở nhà. Ai thì tin, chứ chị
không bao giờ tin đâu.
Bảo Cầm đỏ mặt lên, cúi đầu mỉm cười không nói gì. Bảo Thoa
cười nói:
- Chỉ có cô Tần mới quen nói những câu như thế. Kể mày cũng
tinh ranh quá lắm đấy!
Đại Ngọc cười nói:
- Em đã mang đến đây thì cho các chị xem với.
Bảo Thoa cười nói:
- Một đống hòm xiểng hãy còn bỏ lổng chổng ở đó. Chưa thu xếp
xong, đã biết ở đâu mà tìm? Để ít lâu thu dọn xong, sẽ lấy ra cho mọi người
xem.
Lại bảo Bảo Cầm:
- Nếu em còn nhớ, sao không đọc cho các chị nghe?
Bảo Cầm nói:
- Em nhớ bài thơ ấy là một bài ngũ ngôn. Con gái nước ngoài
mà biết được như thế cũng là hiếm có đấy.
Bảo Thoa nói:
- Em đừng đọc vội, gọi cả chị Vân đến đây nghe một thể.
Liền bảo Tiểu Loa:
- Mày sang bên nhà, nói là có một mỹ nhân nước ngoài đến
chơi, làm thơ giỏi lắm, mời cô “điên thơ” sang nghe, và dắt cả con “ngốc thơ”
sang nữa.
Tiểu Loa cười rồi đi. Một lúc nghe thấy Tương Vân cười, hỏi:
Vừa nói, vừa cùng Hương Lăng đi vào. Mọi người cười nói:
- Chưa thấy mặt đã thấy tiếng rồi.
Bảo Cầm mời ngồi, rồi đem câu chuyện lúc nãy kể lại cho hai
người nghe. Tương Vân cười nói: “Đọc mau lên”.
Bảo Cầm đọc:
Lầu son đêm trước mơ màng,
Đêm nay thơ lại ngâm vang trong thuyền.
Bể khơi ngùn ngụt mây đen,
Quẩn quanh khí núi tỏa trên rừng dày.
Trăng kia xưa vẫn thế này,
Bể tình sao lại khi đầy khi vơi.
Hán Nam trải mấy xuân rồi,
Lòng này thắc thỏm dễ nguôi được nào.(2)
Mọi người nghe xong, đều nói: “Khó được có người như thế! Giỏi
hơn cả người Trung Quốc chúng ta!”
Nói chưa dứt lời, thì Xạ Nguyệt chạy đến thưa:
- Bà sai người đến bảo cậu Hai sáng mai phải sang bên ông cậu,
nói là bà không được khoẻ, nên không sang được.
Bảo Ngọc vội đứng dậy “Xin vâng”. Rồi hỏi Bảo Thoa, Bảo Cầm:
- Các cô có đi không?
Bảo Thoa nói:
- Chúng tôi không đi. Hôm qua đã cho mang đồ lễ sang rồi.
Mọi người nói chuyện một lúc rồi mới về.
Bảo Ngọc nhường chị em đi trước, còn mình ở lại sau. Đại Ngọc
gọi Bảo Ngọc lại hỏi:
- Tập Nhân độ bao giờ thì về?
- Chắc phải chờ tống táng xong.
Đại Ngọc còn muốn nói nữa, nhưng không nói ra được, đứng ngẩn
người một lúc, rồi nói:
- Thôi anh về đi.
Bảo Ngọc cũng cảm thấy trong bụng có nhiều điều muốn nói,
nhưng không biết nói thế nào, nghĩ một lúc, cười nói:
- Thôi có chuyện gì ngày mai sẽ hay.
Bảo Ngọc xuống thềm, cúi đầu định đi, nhưng lại quay lại hỏi:
- Bây giờ đêm càng dài, một đêm em ho mấy lần? Tỉnh dậy mấy lần?
Đại Ngọc nói:
- Đêm qua đã đỡ rồi, chỉ ho có vài lần thôi, nhưng ngủ được
có một trống canh tư, đã lại dậy rồi.
Bảo Ngọc cười nói:
- Anh có câu chuyện quan hệ muốn nói, bây giờ mới nhớ ra.
Vừa nói, Bảo Ngọc vừa ghé lại gần, khẽ bảo:
- Anh nghĩ đến việc chị Bảo Thoa cho em yến sào...
Chợt thấy dì Triệu đến thăm Đại Ngọc:
- Mấy hôm nay cô đã đỡ chưa?
Đại Ngọc biết ngay là dì Triệu ở bên Thám Xuân về, qua đó tiện
đường rẽ vào hỏi lấy lệ, liền mời ngồi, rồi nói:
- Cám ơn dì nhớ đến cháu, trời lạnh thế mà cũng đến.
Rồi bảo pha nước và đưa mắt cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc hiểu ý liền
đi ra.
Đến bữa cơm chiều, Vương phu nhân lại dặn Bảo Ngọc mai phải
đi sớm. Bảo Ngọc về nhà, trông cho Tình Văn uống thuốc. Đêm hôm ấy, Bảo Ngọc vẫn
để Tình Văn ngủ trong noãn các, tự mình đến ngủ phía ngoài Tình Văn. Bảo Ngọc lại
sai mang lò sưởi ra phía trước noãn các. Xạ Nguyệt ngủ ngay ở cạnh lò sưởi.
Sớm hôm sau, trời chưa sáng, Tình Văn đã gọi Xạ Nguyệt “Dậy
đi thôi ngủ mãi chưa chán à. Em ra bảo người sắp trà nước cho cậu Bảo, rồi chị
đánh thức cậu ấy dậy thì vừa”. Xạ Nguyệt vội mặc áo đứng dậy, nói:
- Chúng ta hãy gọi cậu ấy dậy thay quần áo, phải khênh lò sưởi
đi, rồi hãy gọi bọn bà già vào; vì họ thường nói, không nên cho cậu ấy ngủ ở
trong nhà này, sợ bị lây bệnh. Bây giờ thấy chúng ta ngủ cả một chỗ, chắc họ lại
eo sèo.
Tình Văn nói:
- Chị cũng nghĩ thế.
Hai người vừa mới gọi, thì Bảo Ngọc đã tỉnh, vội đứng dậy mặc
quần áo. Xạ Nguyệt sai bọn hầu nhỏ đến thu xếp đâu vào đấy mới sai bọn Thu Văn
vào hầu. Bảo Ngọc rửa mặt chải đầu xong, Xạ Nguyệt nói:
- Trời u ám lắm, chỉ sợ có tuyết, cậu nên mặc thêm một cái áo
da nữa.
Bảo Ngọc gật đầu, liền đi thay quần áo. A hoàn nhỏ để chén nước
trà sen Phúc Kiến vào cái khay bưng lên, Bảo Ngọc uống hai ngụm. Xạ Nguyệt lại
mang đến cái đĩa nhỏ đựng gừng chế, Bảo Ngọc nhấm một miếng, dặn dò Tình Văn, rồi
sang bên Giả mẫu.
Giả mẫu chưa dậy, nhưng biết Bảo Ngọc đã đến, liền sai mở cửa
gọi vào, Bảo Ngọc thấy Bảo Cầm nằm sau lưng Giả mẫu, quay mặt vào trong chưa dậy.
Thấy Bảo Ngọc mặc cái áo chẽn bằng lụa dệt lông màu hồng thẫm, ngoài khoác áo
da vượn màu đỏ kép đoạn, Giả mẫu hỏi:
- Có tuyết đấy à?
- Nặng trời lắm, nhưng chưa có tuyết.
Giả mẫu liền gọi Uyên Ương đến bảo:
- Mang cái áo lông công hôm nọ ra cho cậu mặc.
Uyên Ương vâng lời đem đến, Bảo Ngọc trông thấy cái áo màu
vàng choáng lộn, màu xanh lấp lánh, không giống cái áo thêu đàn le của Bảo Cầm.
Giả mẫu cười nói:
- Áo này gọi là tước kim nê, người nước Nga La Tư dệt bằng sợi
lông công đấy. Hôm nọ cho em cháu cái áo lông vịt trời còn cái này thì để cho
cháu.
Bảo Ngọc cúi đầu tạ ơn, rồi mặc vào người. Giả mẫu cười nói:
- Sang cho mẹ cháu xem đã rồi hãy đi.
Bảo Ngọc vâng lời đi ra, thấy Uyên Ương đứng ở dưới sân dụi mắt.
Từ hôm Uyên Ương thề không đi lấy chồng, đến nay vẫn không chịu nói chuyện gì với
Bảo Ngọc. Bảo Ngọc ngày đêm áy náy, bây giờ lại thấy chị ta định tránh mình, liền
chạy đến cười hỏi:
- Chị ơi, xem tôi mặc cái áo này có đẹp không?
Uyên Ương hất tay, chạy vào nhà Giả mẫu. Bảo Ngọc đành sang
cho Vương phu nhân xem, lại trở về trong vườn cho Tình Văn, Xạ Nguyệt xem, rồi
mới đến trình Giả mẫu:
- Mẹ cháu đã xem rồi, bảo là quý lắm, dặn cháu phải mặc cẩn
thận đừng làm hư hỏng.
Giả mẫu nói:
- Chỉ còn có cái này thôi, nếu cháu làm hư hỏng thì không còn
cái nào khác nữa. Bây giờ muốn may riêng cho cháu một cái cũng không thể nào có
được.
Nói xong, lại dặn dò: “không được uống nhiều rượu, phải nhớ về
sớm”.
Bảo Ngọc vâng liền mấy câu. Bà già vừa theo ra đến ngoài
hiên, thì anh vú của Bảo Ngọc là Lý Quý, Vương Vinh, cùng Trương Nhược Cẩm, Triệu
Diệu Hoa, Tiền Thăng và Chu Thụy đem theo bốn đứa hầu nhỏ nữa là Dính Yên, Bạn
Hạc, Sừ Dược, Tảo Hồng đeo bọc áo, ôm nệm thắng một con ngựa trắng có yên chạm,
dây cương tết hoa, cả bọn đã đứng chực ở ngoài từ lâu. Bà già lại dặn dò một hồi,
sáu người đều vâng lời, rồi giữ yên và thả bàn đạp xuống. Bảo Ngọc thong thả
lên ngựa, Lý Quý, Vương Vinh bịt hàm thiếc ngựa lại, Tiền Thăng, Chu Thụy đi
trước dẫn đường, Trương Nhược Cẩm, Triệu Diệc Hoa thì đi sát hai bên. Bảo Ngọc
ngồi trên ngựa cười nói:
- Anh Chu, anh Tiền, chúng ta đi sang cửa bên kia, đừng đi
qua thư phòng của ông, khỏi phải xuống ngựa.
Chu Thụy nghiêng người cười nói:
- Ông lớn có ở thư phòng đâu, ngày nào cũng khóa cửa, cậu
không phải xuống ngựa nữa.
Bảo Ngọc cười nói:
- Cửa khóa cũng phải xuống ngựa.
Tiền Thăng, Lý Quỳ đều cười nói:
- Cậu nói phải đấy. Nếu mượn cớ, lười không chịu xuống, nhỡ
ra ông Lại và ông Lâm trông thấy, tuy không nói năng gì, nhưng cũng khuyên bảo
mấy câu. Có điều gì không phải lại đổ diệt cho chúng tôi, bảo chúng tôi không
nhắc cậu giữ.
Bọn Chu Thụy, Tiền Thăng liền đi thẳng ra cửa bên cạnh. Họ
đang nói chuyện, ngẩng mặt lên, thấy Lại Đại đi đến, Bảo Ngọc ghìm ngựa định xuống.
Lại Đại vội đến ôm lấy chân. Bảo Ngọc đứng thẳng trên bàn đạp cười, kéo tay,
nói mấy câu. Rồi lại thấy đứa hầu nhỏ dẫn hai, ba mươi người cầm chổi và thúng
đi đến. Trông thấy Bảo Ngọc, họ đều buông tay đứng sát vào tường, chỉ đứa dẫn đầu
trong bọn vái lạy, hỏi thăm. Bảo Ngọc không biết tên họ nó, cũng mỉm cười gật đầu.
Khi ngựa đi qua rồi, nó mới dẫn cả bọn đi. Ra đến ngoài cửa bên cạnh, đã có mấy
người hầu và phu ngựa của bọn Lý Quý sắp sẵn mười con ngựa chực ở đấy rồi. Vừa
ra khỏi cửa, bọn Lý Quý lên ngựa đi trước, cả đoàn vùn vụt chạy theo.
Ở nhà, Tình Văn uống thuốc không thấy bớt, nóng ruột mắng thầy
thuốc ầm lên: “Chỉ biết lừa người ta lấy tiền! Chứ không có thang nào hay cả”.
Xạ Nguyệt cười khuyên bảo:
- Chị nóng nảy quá. Tục ngữ nói: “Bệnh đến nhanh như núi đổ,
bệnh khỏi chậm như kéo tơ”. Có phải là thuốc tiên của Lão quân đâu mà khỏi ngay
được? Chị cứ nên tĩnh dưỡng vài hôm tự khắc khỏi. Chị càng nóng càng thêm khó
chữa.
Tình Văn lại mắng đám hầu nhỏ:
- Chuồn đi đâu cả rồi! Thấy ta ốm chúng bay bỏ đi hết. Mai
kia khỏi, ta sẽ lột xác chúng bay ra!
A hoàn nhỏ là Định Nhi sợ quá vội vàng đến hỏi:
- Cô bảo gì?
- Chúng nó chết cả rồi, chỉ còn một mình mày hay sao?
Đương nói thì con Trụy Nhi cũng chạy đến. Tình Văn nói:
- Kìa đồ ranh con này! Không gọi nó chẳng thèm đến! Tao phát
tiền lương đây! Chia hoa quả đây! Mày vào ngay đi! Đứng sát lại đây một tí. Tao
có phải là hùm ăn thịt mày đâu mà sợ!
Trụy Nhi đành phải đứng sát lại. Nhân lúc bất ngờ, Tình Văn
nhoài người ra, túm lấy tay nó, rồi cầm cái trâm dài ở cạnh gối đâm bừa vào tay
nó và mắng:
- Để cái tay này làm gì? Không biết cầm cái kim sợi chỉ, chỉ
biết ăn vụng thôi. Mắt ốc nhồi, chân choi choi, nói như vẹt, chả đâm cho nát ra
thì để làm gì.
Trụy Nhi đau quá, kêu ầm lên. Xạ Nguyệt vội gỡ ra, và ấn Tmh
Văn nằm xuống:
- Chị vừa ra được ít mồ hôi, lại muốn chết à. Khi nào khỏi,
đánh nó bao nhiêu chẳng được? Làm gì mà phải ồn lên?
Tình Văn sai người gọi già Tống đến, nói:
- Cậu Bảo vừa mới bảo tôi, nói cho các bà biết, con Trụy lười
lắm, cậu ấy sai gì nó cũng vênh mặt lên, không chịu làm, ngay chị Tập Nhân bảo
gì, nó cũng lẩm bẩm chửi vụng. Hôm nay thế nào cũng phải đuổi nó đi, ngày mai cậu
Bảo về sẽ trình bà sau.
- Tuy thế mặc lòng, cũng nên chờ cô Hoa về, nói cho biết đã,
rồi hãy đuổi nó đi.
Tình Văn nói:
- Cậu Bảo dặn tôi, hôm nay thế nào cũng đuổi nó đi, việc gì
phải chờ cô “hoa” với cô “nụ”? Chúng tôi đã có cách! Mau mau gọi người nhà nó
mang nó về.
Xạ Nguyệt nói:
- Thế cũng được. Sớm muộn nó cũng phải về, cho về sớm ngày
nào càng bớt chuyện ngày ấy.
Già Tống nghe thấy nói thế, đành phải đi gọi mẹ Trụy Nhi đến.
Mẹ nó sắp xếp đồ đạc xong, đến hỏi Tình Văn:
- Sao các cô lại làm thế? Cháu nó có điều gì không phải, các
cô dạy bảo, việc gì lại đuổi nó đi? Cũng nên để thể diện cho tôi một tí chứ.
Tmh Văn nói:
- Thôi, chuyện này chờ Bảo Ngọc về hãy nói, không việc gì đến
chúng tôi.
Người kia cười nhạt:
- Tôi đâu lại dám hỏi cậu ấy? Việc gì mà cậu ấy chẳng nghe
các cô? Dù cậu ấy bằng lòng, mà các cô không bằng lòng, thì cũng chưa chắc đã
ăn thua! Ví như vừa rồi vắng mặt cậu ấy cô cũng gọi thẳng ngay tên cậu ấy ra;
các cô gọi thế được, chứ chúng tôi mà gọi thế, người ta lại cho là quân hỗn
láo!
Tình Văn nghe nói, càng tức, mặt đỏ bừng lên, nói:
- Tôi gọi tên cậu ấy đấy. Chị đến mà mách cụ và bà Hai, bảo
tôi hỗn, xin tống cổ tôi đi!
Xạ Nguyệt nói:
- Chị ơi, chị cứ mang nó về, có điều gì hãy nói sau. Ở đây có
phải là chỗ để chị giảng giải lễ phép đâu?
- Chị có thấy ai giảng giải lễ phép với chúng tôi không?
Không cứ chị, ngay đến mợ Lại và mợ Lâm cũng phải nể chúng tôi ít nhiều. Còn việc
gọi tên cái, là do cụ dặn chúng tôi từ khi cậu ấy còn bé đến giờ. Chắc các chị
cũng biết: vì sợ khó nuôi, nên cụ cho viết tên cái cậu ấy dán ra khắp nơi để mọi
người đều gọi, như thế mới dễ nuôi. Ngay đứa gánh nước, đứa hót phân, đứa ăn
mày cũng đều gọi được cái tên cậu ấy, huống chi là chúng tôi? Hôm nọ mợ Lâm chỉ
gọi một tiếng “cậu” thôi, cụ cũng mắng đấy. Đó là một việc. Hai nữa là, chúng
tôi ở đây thường phải hầu chuyện cụ và bà Hai, nếu không gọi thẳng tên ra, chẳng
nhẽ lại gọi là “cậu” à? Ngày nào không gọi mấy trăm lượt hai chữ “Bảo Ngọc”? Thế
mà chị lại còn bới chuyện ấy ra! Ngày nào chị rỗi, đến chỗ cụ và bà Hai mà nghe
chúng tôi gọi tên cái cậu ấy ra thì sẽ rõ. Vì chị không được hầu gần cụ và bà
Hai, quanh năm chỉ đứng ở ngoài cửa thứ ba, chẳng trách không biết được khuôn
phép của chúng tôi ở trong này! Đây không phải là chỗ chị đứng đâu! Nếu đứng một
lúc nữa, chúng tôi không cần phải nói gì, cũng sẽ có người đến hỏi chị. Chị hãy
mang nó về đi, muốn phân trần điều gì, cứ đến nói với mợ Lâm, nhờ mợ ấy nói với
cậu Bảo. Trong nhà này hàng nghìn người, người nọ chạy đến, người kia chạy đến,
chúng tôi nhận mặt, hỏi tên sao xiết!
Tình Văn nói xong, liền sai a hoàn nhỏ lấy vải lau nền nhà.
Người đàn bà kia nghe nói, không biết trả lời thế nào, cũng
không dám đứng lâu, ức quá, mang Trụy Nhi về. Già Tống liền nói:
- Chả trách chị không biết khuôn phép gì là phải. Con gái chị
ở nhà này mấy lâu, lúc ra về, cũng nên cúi đầu chào các cô ấy. Các cô ấy không
cần đồ lễ gì khác, chỉ cúi đầu chào là đủ rồi. Bảo đi là cắm cổ đi ngay?
Trụy Nhi nghe nói, đành phải quay lại cúi đầu chào Xạ Nguyệt
và Tình Văn, rồi đi chào bọn Thu Vân, nhưng không ai thèm nhìn. Người đàn
bà ấy hậm hực thở dài, không dám nói, đành nuốt giận ra về.
Tình Văn vừa bị nhiễm gió, vừa nổi giận, nên càng thấy người
khó chịu. Vật vã mãi đến lúc lên đèn mới nằm yên. Bảo Ngọc vừa về đến cửa đã thở
dài dậm chân. Xạ Nguyệt vội hỏi đầu đuôi, Bảo Ngọc nói:
- Hôm nay cụ vui, cho tôi cái áo khoác này, ngờ đâu không cẩn
thận, để vạt sau cháy một miếng, may trời đã tối, cụ và bà không để ý đến.
Vừa nói vừa cởi áo ra, Xạ Nguyệt xem thì có một chỗ cháy bằng
ngón tay, liền nói:
- Chắc là lửa ở lồng ấp bắn vào. Nhưng không gì đâu, khẽ mang
ra cho thợ may nào khéo mạng lại là được.
Xạ Nguyệt liền gói áo vào trong bọc, gọi một bà già đến mang
đi thuê mạng, và bảo:
- Làm thế nào đến sáng mai phải xong, nhất thiết không được
nói cho cụ và bà biết!
Bà già đi một lúc lại mang áo về, nói:
- Không những thợ mạng, mà đến thợ may giỏi, thợ thêu, thợ nữ
công, tôi đều đi hỏi hết, họ không biết là thứ hàng gì nên không dám nhận.
Xạ Nguyệt nói:
- Thế thì làm thế nào bây giờ? Ngày mai không mặc cũng được.
Bảo Ngọc nói:
- Cụ và bà nói ngày mai là ngày chính tiệc, phải mặc áo này.
Mới hôm đầu đã bị cháy rồi, thật là chán quá!
Tình Văn nghe xong, không nhịn được, trở mình lại nói:
- Mang lại đây tôi xem nào! Số không được mặc cái áo ấy thì
thôi! Bây giờ lại còn làm rối lên!
Bảo Ngọc cười:
- Nói thế cũng đúng đấy.
Rồi đưa áo cho Tình Văn, lại mang đèn đến để nhìn kỹ một lượt.
Tình Văn nói:
- Đó là chỉ kim tuyến bằng lông công đấy. Nay cũng lấy chỉ
làm tuyến bằng lông công mạng từng hàng cho khít nhau thì cũng có thể nhuế nhóa
được.
Xạ Nguyệt nói:
- Có sẵn chỉ lông công đấy, nhưng ở đây ngoài chị ra còn ai
biết mạng nữa.
Tình Văn nói:
- Biết nói sao đây, tôi cũng đành liều mà làm vậy.
Bảo Ngọc nói:
- Thế sao được? Chị vừa mới đỡ mệt một tí, đã làm việc thế
nào được?
Tình Văn nói:
- Tôi biết thân tôi, cậu không cần phải để ý quá.
Tình Văn đứng dậy quấn tóc, khoác áo, thấy người loạng choạng
mắt hoa đầu váng, không thể gượng được. Nhưng nếu không làm, sợ Bảo Ngọc sốt ruột
đành phải cắn răng ngồi làm, và bảo Xạ Nguyệt xâu chỉ hộ. Tình Văn lấy một sợi
ướm thử rồi cười nói:
- Tuy không giống lắm, nhưng đính vào cũng không khác mấy.
Bảo Ngọc nói:
- Thế cũng đẹp lắm rồi, tìm đâu cho được thợ may Nga La Tư bây
giờ?
Tình Văn liền tháo vải bọc ở trong ra, lấy cái vòng tre tròn
bằng miệng chén, đính vào mặt trái, lấy dao xén chung quanh chỗ rách cho phẳng,
rồi lấy kim khâu hai đường, chia ra ngang dọc. Cứ mạng hai mũi, lại phải ngắm mỗi
phía một lượt. Khốn nỗi đầu nhức, mắt hoa, người mệt mỏi, tinh thần bải hoải, mới
mạng được dăm mũi, Tình Văn đã phải gục xuống gối nghỉ một lúc. Bảo Ngọc ngồi
bên cạnh, lúc hỏi có muốn uống nước không? Lúc bảo hãy nghỉ một tí. Lúc lấy áo
da khoác lên lưng hoặc lấy gối cho cô ta dựa, làm Tình Văn bực mình phải nói:
- Ông trẻ ơi, ông cứ đi ngủ đi, thức đến nửa đêm, ngày mai mắt
hõm lại, thì làm thế nào.
Bảo Ngọc thấy Tình Văn nói vậy, đành phải vội vàng nằm xuống,
nhưng không ngủ được. Một lúc nghe đồng hồ điểm bốn tiếng, thì vừa mạng xong
áo. Tình Văn lấy bàn chải nhỏ khẽ chải cho những lông tơ còn lù xù. Xạ Nguyệt
nói:
- Tốt lắm rồi, không nhìn kỹ thì chẳng biết được đâu.
Bảo Ngọc vội cầm lấy xem, cười nói:
- Thật giống như hệt.
Tình Văn ho mấy lần, mãi mới mạng xong, rồi nói:
- Mạng xong rồi đấy, nhưng vẫn không giống. Thôi tôi cũng chẳng
biết làm thế nào được nữa!
Rồi “úi chà” một tiếng, nằm vật xuống ngủ.
Chú thích:
Chú thích:
1. Các cô gái đẹp họp trong buồng mùa đông.
2. Nguyên văn là thơ ngũ ngôn, vì hạn chế về vần, chúng tôi dịch
theo thể lục bát.
Hồi 53:
Đêm trừ tịch, phủ Ninh tế tổ tiên;
Tối nguyên tiêu, phủ Vinh mở yến tiệc.
Bảo Ngọc thấy Tình Văn mạng xong áo, thì đã kiệt sức rồi, liền
sai a hoàn nhỏ thay nhau đến đấm cho cô ta. Độ ăn xong bữa cơm thì trời đã
sáng. Bảo Ngọc chưa đi vội, sai người mời thấy thuốc ngay. Một lúc, thầy thuốc
họ Vương đến xem mạch, có ý ngờ, hỏi:
- Hôm qua đã khá kia mà, sao hôm nay mạch lại phù hư vi
xúc(1) thế này? Có phải ăn uống nhiều quá không? Nếu không thì do nghĩ quá,
tinh thần mỏi mệt. Bệnh ngoại cảm thì nhẹ thôi, nhưng sau khi ra mồ hôi mà
không biết điều dưỡng thì bệnh nặng chứ không phải vừa đâu.
Thầy thuốc kê đơn. Bảo Ngọc xem thấy đã rút bớt những vị sơ
tán, lại thêm những vị ích thần dưỡng huyết như phục linh, địa hoàng, đương
quy. Bảo Ngọc vừa sai người đi sắc thuốc, vừa thở dài:
- Bây giờ làm thế nào đây? Nếu có mệnh hệ nào thì tội ở ta cả.
Tình Văn nằm ở trên gối, nói:
- Cậu Hai ạ! Cậu cứ làm việc của cậu đi! Tôi mắc phải bệnh
lao đâu mà sợ?
Bảo Ngọc không biết làm thế nào, đành phải đi vậy.
Đến trưa Bảo Ngọc kêu người mệt, cáo từ ra về. Bệnh Tình Văn
tuy nặng thực, nhưng may xưa nay chị ta là người chỉ dùng sức lực chứ không hay
dùng đến trí óc, ăn uống lại thanh đạm, không bao giờ no quá hoặc đói quá. Hơn
nữa, lối bí truyền trong nhà họ Giả là: không cứ người nào, hễ hơi bị cảm gió
ho khan một tí là phải nhịn cơm, rồi sau mới uống thuốc. Vì thế khi Tình Văn bắt
đầu ốm, đã nhịn đói hai, ba ngày, rồi lại uống thuốc điều dưỡng cẩn thận, cho
nên tuy có nhọc mệt, nhưng được tẩm bổ trong mấy ngày, dần dần, cũng đỡ. Độ này
các chị em trong vườn dầu ăn cơm ở buồng mình, thổi nấu rất tiện, Bảo Ngọc muốn
có canh có riêu đều sẵn cả.
Sau khi chôn cất mẹ xong, Tập Nhân đã về. Xạ Nguyệt liền đem
việc Trụy Nhi ăn cắp, việc Tình Văn đuổi nó đi, kể lại đầu đuôi cho Tập Nhân
nghe. Tập Nhân không nói gì chỉ bảo: “Chị ấy cũng nóng nảy quá.”
Vừa qua, Lý Hoàn bị cảm, Hình phu nhân đau mắt, nên bọn
Nghênh Xuân, Tụ Yên sớm tối hầu hạ thuốc thang; em thím Lý lại đón thím ấy và
Lý Văn, Lý Ỷ về nhà mấy hôm. Bảo Ngọc thấy Tập Nhân thường buồn rầu nhớ mẹ,
Tình Văn lại chưa khỏi hẳn, vì thế chẳng ai nghĩ đến việc thi xã cả, mấy kỳ bỏ
qua không họp.
Sang tháng chạp, gần hết năm, Vương phu nhân và Phượng Thư bận
sắm sửa đồ tết. Vương Tử Đằng được thăng chức Đô Kiểm Điểm chín tỉnh. Giả Vũ
Thôn được bổ chức Đại Tư Mã, bàn bạc quân cơ, tham dự triều chính.
Giả Trân mở cửa nhà thờ, sai người quét dọn, bày các đồ thờ
và rước thần chủ ra. Lại quét dọn nhà trên, lấy chỗ treo ảnh tổ tiên. Bấy giờ
hai phủ Vinh, phủ Ninh, trong ngoài trên dưới, đều bận rộn tíu tít cả.
Hôm đó trong phủ Ninh, Vưu Thị đương cùng vợ Giả Dung sửa soạn
đồ thêu và lễ vật đem sang tết Giả mẫu, thì a hoàn bưng vào một cái khay đựng
những thỏi vàng nhỏ để làm món mừng tuổi và nói:
- Hưng Nhi trình mợ: một gói vàng vụn hôm nọ là một trăm tám
mươi ba lạng sáu đồng bảy phân, màu sắc không đều nhau, đúc được tất cả hai trăm
hai mươi thỏi nhỏ.
Nói xong, nó đưa khay vào. Vưu thị xem một lượt, thấy cái thì
kiểu hoa mai, cái kiểu hoa hải đường, cái kiểu “bút đĩnh như ý”(2), cái kiểu
“bát bảo liên xuân”(3). Vưu thị sai cất đi và bảo “Hưng Nhi mang những thỏi bạc
đến đây mau.”
A hoàn vâng lời đi ra.
Một lúc Giả Trân vào ăn cơm, vợ Giả Dung tránh đi một nơi. Giả
Trân hỏi Vưu thị:
- Tiền thưởng tế xuân của chúng ta đã lĩnh chưa?
- Hôm nay tôi đã sai thằng Dung đi lĩnh rồi.
- Nhà ta tuy không phải chờ mấy lạng bạc ấy mới có tiêu, nhưng
ít nhiều cũng là ơn vua. Đi lĩnh ngay mang về đây, rồi đưa sang bên cụ để mua đồ
lễ, tỏ lòng trên đội ơn vua, dưới nhờ phúc tổ. Chúng ta cúng tổ hàng vạn bạc
cũng không sợ, nhưng không bằng mấy lạng bạc này, vừa có thể diện lại được thấm
nhuần ơn vua. Ngoài một vài nhà như chúng ta ra, còn những nhà thế tập nghèo kiết,
nếu không có số bạc này, thì lấy gì mà cúng tổ tiên và ăn tết? Thực là ơn vua rộng
rãi, nghĩ rất chu đáo.
- Đúng đấy.
Họ đương nói chuyện, thì một người vào trình: “Cậu Cả đã về.”
Giả Trận bảo: “Gọi vào.”
Giả Dung xách một cái túi nhỏ bằng vải vàng đi vào. Giả Trân
hỏi:
- Tại sao mày đi mất cả ngày?
- Hôm nay không lĩnh ở bộ Lễ, lại lĩnh ở kho Quang Lộc Tự,
nên phải đến đó. Các vị ở đó đều hỏi thăm sức khỏe cha. Lâu ngày không được gặp,
các ông ấy rất nhớ.
- Họ nhớ gì ta! Giờ đã đến cuối năm rồi, nếu không nhớ đồ tặng,
thì cũng nhớ bữa chén của ta đấy thôi.
Giả Trân nhìn vào cái bọc vải vàng trên có bốn chữ niêm phong
“Ơn vua lâu dài”. Một bên có dấu của bộ Lễ. Lại có một hàng chữ nhỏ viết: Ninh
Quốc Công là Giả Diễn, Vinh Quốc Công là Giả Pháp đời đời được lĩnh thưởng để tế
xuân, tất cả là hai phần, thành bao nhiêu lạng bạc, ngày... tháng... năm... chức
hậu bổ thị vệ long cẩm úy là Giả Dung đã nhận đủ. Viên tự thừa giữ việc này ký
tên đóng dấu.
Giả Trân ăn cơm xong, súc miệng, đi giày, đội mũ, bảo Giả
Dung mang theo gói bạc đến trình Giả mẫu và Vương phu nhân, lại sang trình Giả
Xá và Hình phu nhân, rồi mới về nhà.
Lấy bạc ra rồi, Giả Trân sai đem bỏ cái túi vải vào lư hương
lớn ở nhà thờ đốt đi. Lại bảo Giả Dung:
- Mày sang thím Hai xem, tháng giêng này bên ấy đã định ngày
mời uống rượu tết chưa? Nếu định ngày rồi, phải bảo thư ký kê rõ vào giấy mang
về đây, để đến khi chúng ta mời, khỏi bị trùng. Năm ngoái không để ý đến việc
này, thành ra mấy nhà mời trùng nhau. Người ta có cho là chúng ta vô ý đâu, lại
bảo hai nhà đã bàn định sẵn, sợ tốn kém mời vờ đấy thôi.
Giả Dung vội vâng lời đi ngay. Một lúc cầm về cái giấy kê
ngày bên ấy mời uống rượu tết. Giả Trân xem xong, bảo:
- Đưa cho Lại Thăng xem, nếu mời người ta uống rượu, phải
tránh những ngày đã kê trên này.
Giả Trân ngồi ở trên nhà trông cho bọn hầu nhỏ khênh dọn bình
phong, lau chùi bàn ghế và đồ thờ bằng vàng bạc. Bỗng thấy đứa hầu nhỏ cầm một
cái thiếp và quyển sổ vào trình:
- Tên quản lý họ O ở Hắc Sơn thôn đã đến.
Giả Trân nói:
- Thằng già chết chém này sao hôm nay mới đến?
Giả Dung vội cầm lấy thiếp và sổ mở ra đưa lên. Giả Trân chắp
hai tay ra sau lưng nhìn vào tay Giả Dung, thấy trong thiếp hồng viết: “Con là
quản lý O Tiến Hiếu, cúi đầu chúc ông bà và các cô các cậu mạnh khỏe. Xuân mới
được mọi sự tốt lành, bình an, vinh quý, thăng quan tiến chức, vạn sư như ý.”
Giả Trân cười nói:
- Người nhà quê mà nói có văn vẻ đấy.
Giả Dung cũng cười nói:
- Không cần gì văn, chỉ cốt lời chúc tốt lành thôi.
Rồi hắn giở sổ ra xem, thấy viết:
Hươu to 30 con, hươu nhỏ 50 con, hoẵng 50 con, lợn xiêm 20
con, lợn đồ 20 con, lợn nhớn 20 con, lợn rừng 20 con, lợn nhà ướp 20 con, dê rừng
20 con, dê non 20 con, dê đồ 20 con, dê ướp 20 con, cá chép 200 con, các loại
cá 200 cân, gà, vịt, ngỗng còn sống mỗi thứ 200 con, gà rừng, thỏ mỗi thứ 200
đôi, tay gấu 20 đôi, gân hươu 20 cân, hải sâm 50 cân, lưỡi hươu 50 cái, lưỡi bò
50 cái, trùng trục khô 20 cân, hạt thông, hạt đào, hạt mận mỗi thứ 2 túi, tôm
to 50 đôi, tôm khô 200 cân, than hoa tốt nhất 1000 cân, than vừa 2000 cân, than
củi 30.000 cân, gạo tám tiến 2 gánh, gạo cẩm 50 hộc, gạo nếp trắng 50 hộc, gạo
ré muộn 50 hộc, các thứ hoa màu mỗi thứ 50 hộc, gạo thường 1000 gánh, rau dưa
khô một xe, các thứ lúa gạo súc vật bán đi, tính thành tiền là 2.500 lạng.
Ngoài ra còn biếu riêng cậu cả mấy giống này để chơi: hươu sống 2 đôi, thỏ trắng
4 đôi, thỏ đen 4 đôi, gà cẩm kê sống 2 đôi, vịt tây 2 đôi.
Giả Trân xem xong nói: “Cho nó vào”. Một lúc thấy O Tiến Hiếu
vào, quỳ lạy ở ngoài thềm. Giả Trân sai người đỡ hắn dậy, cười nói:
- Chú hãy còn khỏe nhỉ.
- Nhờ ơn đức của ông, con hãy còn đi được.
- Con chú lớn rồi, sao không bảo nó đi cho.
- Không dám giấu gì ông: con đi quen rồi, nếu không đi buồn
không chịu được. Các cháu đứa nào mà chẳng muốn đến xem phong cảnh nơi đế đô.
Nhưng vì chúng còn trẻ tuổi, sợ đi đường có sự gì thất thố. Để mấy năm nữa sẽ
cho chúng đi, con mới yên tâm.
- Chú đi mất mấy ngày?
- Thưa ông, năm nay tuyết xuống nhiều quá, sâu đến bốn, năm
thước, hôm nọ mới trời ấm tuyết tan, vì thế đường khó đi phải chậm lại mất mấy
ngày. Đi mất một tháng hai ngày. Năm hết tết đến, con sợ ông nóng ruột, nên phải
đi gấp cho kịp.
- Ta đã nói mà, sao hôm nay chú mới đến? Ta vừa xem đơn thì
ra năm nay chú lại định giở ngón bớt xén thì phải?
O Tiến Hiếu vội bước đến gần nói:
- Thưa ông, năm nay mùa màng xấu quá. Từ tháng ba đến hết
tháng tám mưa luôn, không lúc nào tạnh được năm, sáu ngày. Đến tháng chín có một
trận mưa đá, một vùng gần hai ba trăm dặm, người, nhà cửa, súc vật, lương thực
bị hại hàng nghìn hàng vạn, nên mới có thế này. Con không dám nói man.
Giả Trân cau mày nói:
- Ta tưởng ít ra chú cũng phải mang nộp 5000 lạng bạc, chứ có
ngần ấy thì làm được cái gì. Bây giờ chỉ còn có tám, chín trại thôi, năm nay có
đến hai trại kêu bị hạn, bị lụt, chú lại bớt xén, định không cho ta ăn nữa hay
sao?
O Tiến Hiếu nói:
- Ruộng đất của ông còn khá đấy, chứ chỗ anh em con ở cách chỗ
con chỉ độ một trăm mẫu, thì lại kém xa. Họ trông nom tám trại thuộc phủ bên
kia, so với trại của con trông nom còn rộng gấp mấy lần, thế mà những món đưa đến
chẳng qua chỉ đáng hai, ba nghìn lạng bạc thôi, cũng vì bị mất mùa.
- Thực vậy. Bên ta còn có thể được, vì không có việc gì đặc
biệt phải tiêu nhiều, chẳng qua chỉ để dùng trong một năm thôi. Ta tiêu rộng tý
nào tốn tý ấy, bớt được chừng nào đỡ chừng ấy. Vả chăng những lệ thường hàng
năm như tết nhất, mời mọc, ta chịu dày mặt một chút là xong, bì sao được với phủ
bên kia. Ở bên ấy số hoa lợi vẫn như cũ, mà mấy năm nay lại nhiều việc phải
tiêu đến tiền, nhất định không thể thiếu được, phải bù ra rất nhiều, nếu không
lấy ở các người thì còn hỏi vào đâu?
- Bên ấy có nhiều việc, nhưng có xuất lại có nhập. Nhà vua và
quý phi chẳng lẽ lại không chu cấp cho hay sao?
Giả Trân nghe nói, cười bảo Giả Dung:
- Chúng mày nghe đấy, nó nói có đáng buồn cười không?
Giả Dung vội cười nói:
- Các chú là người ở nơi rừng sâu bể thẳm, biết đâu được những
việc ấy? Chẳng lẽ quý phi lại lấy tiền ở kho nhà vua ra cho chúng ta à? Dù người
có muốn chăng nữa, cũng không làm chủ được. Kể ra thì thời nào tiết ấy cũng có
thưởng đấy, nhưng chẳng qua chỉ cho một ít vóc nhiễu, đồ cổ, đồ chơi. Có chăng
cũng chỉ được một trăm lạng vàng, đáng giá hơn một nghìn lạng bạc, thấm vào
đâu? Trong hai năm nay, năm nào mà chẳng phải bù ra mấy nghìn lạng bạc. Năm đầu,
quý phi về thăm nhà, kể cả việc làm vườn hoa, chú tính xem phải tiêu hết bao
nhiêu thì đủ biết. Vài năm sau nếu người lại về thăm nữa, có lẽ đến nghèo xác mất!
Giả Trân cười nói:
- Vì thế bọn người nhà quê là người thực thà, họ chỉ biết việc
bề ngoài chứ biết đâu được bên trong. Lấy hoàng bá làm dùi khánh, chỉ đẹp dáng
bề ngoài, bên trong thì đắng ngắt.
Giả Dung vừa cười, vừa nói với Giả Trân:
- Quả là bên ấy cũng kiệt thật. Hôm nọ con nghe thấy thím Hai
bàn khẽ với Uyên Ương phải ăn cắp những đồ của cụ đem đi cầm.
Giả Trân cười nói:
- Đó là thím Phượng giở trò ma đấy thôi, lẽ nào lại kiết đến
thế? Chắc là thím ấy biết công việc phải tiêu nhiều, tất phải bù vào nhiều,
nhưng không biết nên bớt món tiền nào, mới bày ra cách này, muốn người ta biết
là mình kiết đến như thế. Ta đã tính rồi, chưa đến nỗi túng thiếu lắm đâu.
Nói xong liền sai người tiếp đãi O Tiến Hiếu tử tế.
Giả Trân lại sai người mang lễ vật của O Tiến Hiếu đem đến để
lại mấy thứ cúng tổ, rồi chọn mỗi thứ một ít cho Giả Dung mang sang biếu phủ
Vinh. Lại bớt đủ số cho nhà dùng, còn thừa thì theo thứ tự chia ra từng phần, để
ở dưới thềm, sai người gọi con cháu trong họ đến để nhận phần. Sau đó, phủ Vinh
cũng đưa đến nhiều lễ vật cúng tổ và biếu Giả Trân. Giả Trân trông cho người
nhà bầy biện đồ thờ xong, rồi đi giày, khoác áo da, sai người trải một cái thảm
da chó sói ở trên thềm, chỗ có ánh mặt trời, để sưởi nắng, và xem con cháu đến
lĩnh phần. Thấy Giả Cần cũng đến lĩnh. Giả Trân gọi lại bảo:
- Sao mày cũng đến đây? Ai gọi mày đến?
Giả Cần buông thõng tay thưa:
- Cháu nghe nói bác gọi chúng cháu đến lĩnh phần, cháu đến chứ
không ai gọi cả.
- Những thứ này là ta định để cho chú bác anh em không có
công ăn việc làm. Hai năm trước, mày chưa có việc, ta cũng đã cho rồi. Bây giờ
mày đã được làm công việc ở phủ bên kia, trông nom bọn hòa thượng, đạo sĩ ở miếu,
ngoài tiền lương hàng tháng, số tiền phát cho bọn hòa thượng cũng qua tay mày,
thế mà mày vẫn còn đến lĩnh phần. Sao tham quá thế? Mày thử nghĩ xem: mày ăn mặc
có khác gì bọn người sẵn tiền trong tay không? Trước mày nói không có việc làm,
bây giờ thì thế nào? Vẫn còn kém trước nữa à?
Giả Cần nói:
- Vì nhà cháu nhiều miệng ăn, phải tiêu nhiều.
Giả Trân cười nhạt:
- Mày lại cứ chống chế mãi với ta! Mày tưởng ta không
biết những việc mày làm ở trong miếu à! Ở đấy, mày làm ông lớn, không ai dám
trái lời. Trong tay có tiền, lại ở xa chúng ta, mày tha hồ làm vương làm tướng,
đêm nào cũng tụ tập những bọn vô lại, cờ bạc trai gái đủ thứ, nên mới xác như vờ,
lại còn dám đến đây lĩnh phần nữa à? Mày chẳng lĩnh được gì đâu, có lĩnh trận
đòn thì lĩnh! Để xong tết, ta sẽ bảo chú Hai đuổi mày đi.
Giả Cần đỏ mặt, không dám nói gì. Có người đến trình:
- Bên Bắc phủ vương đem câu đối và túi đến.
Giả Trân sai Giả Dung ra tiếp và nói là mình đi vắng. Giả
Dung đi ra.
Giả Trân đuổi Giả Cần đi, xem mọi người lĩnh phần xong, rồi về
nhà ăn cơm với Vưu thị. Hôm sau lại càng bận việc.
Đến ngày hai mươi chín tháng chạp, các thứ bày biện đầy đủ.
Trong hai phủ, chỗ thờ thần cửa, câu đối, bài treo, đều sơn lại một màu bóng
loáng. Bên phủ Ninh, từ cửa ngoài, nghi môn, nhà khách, noãn các, nhà trong, cửa
thứ ba, cửa nghi môn trong, cửa cấm vào đến chính đường, suốt một dãy các nhà
chính đều mở toang cả. Dưới thềm, hai bên đốt hai hàng nến to và cao đỏ chói
như hai con rồng vàng. Hôm sau Giả mẫu ngồi kiệu bát cống dẫn những người có
phong cáo theo phẩm cấp, mặc triều phục vào cung làm lễ triều hạ. Ăn yến xong,
trở về, đến noãn các bên phủ Ninh, xuống kiệu. Những con cháu không theo vào chầu,
đều xếp hàng đứng chực trước cửa, để Giả mẫu dẫn vào nhà thờ.
Bảo Cầm lần đầu được vào xem nhà thờ họ Giả, để ý ngắm nghĩa
mãi. Nhà thờ này dựng ở bên tây phủ Ninh, trong một cái vườn riêng phía trong
hàng rào sơn đen, có năm gian cửa lớn, trên treo bức hoành viết bốn chữ Giả thị
tôn tử(4), bên cạnh viết “Diễn thánh công Khổng Kế Tông viết”, hai bên có đôi
câu đối:
Lấm đất óc gan, muôn họ thấm nhuần ơn bảo dưỡng.
Ngập trời công đức, trăm năm nghi ngút lễ chưng thường.
Đó cũng là chữ viết của Diễn Thánh công. Đi vào trong sàn, giữa
có đường mai võng lát đá trắng, hai bên đều là tùng bách um tùm, trên nguyệt
đài bầy những đỉnh vạc bằng đồng cổ. Trước nhà bái đường treo bức hoành vàng chạm
chín con rồng, viết chữ Tinh huy phụ bật(5). Đó là chữ của đức vua trước viết.
Hai bên có đôi câu đối:
Sự nghiệp sáng soi cùng nhật nguyệt,
Công danh truyền mãi đến nhi tôn.
Cũng là chữ vua viết.
Trước năm gian chính điện, treo bức hoành sơn xanh vẽ rồng uốn
khúc, viết bốn chữ Thận chung truy viên(6). Bên cạnh lại có đôi câu đối:
Con cháu từ đây nhờ phúc đức,
Nhân dân giờ vẫn nhớ Vinh Ninh.
Đều là chữ vua viết cả.
Bên trong đèn đuốc sáng trưng, trượng thêu màn gấm, tuy có
bày thần chủ, nhưng trông không rõ.
Những người họ Giả chia bên “chiêu” bên “mục”(7) xếp hàng đứng
yên. Giả Kính chủ tế, Giả Xá bồi tế, Giả Trân dâng rượu, Giả Liễn, Giả Tôn dâng
lụa, Bảo Ngọc bưng hương, Giả Xương, Giả Lăng rải thảm tế, giữ cái lư đốt văn.
Bọn nhạc công tấu nhạc. Ba lần dâng rượu, hương bái xong, đốt lụa rót rượu. Lễ
xong, âm nhạc ngừng lại, lui ra. Mọi người theo Giả mẫu đến trước chỗ bày ảnh ở
trên chính đường, màn gấm treo cao, bình phong căng rộng, hương bay nghi ngút,
nến thắp sáng trưng. Chính gian giữa, treo hai bức chân dung của Vinh Quốc công
và Ninh Quốc công, đều mặc áo mãng bào đeo đai ngọc; hai bên lại có mấy bức chân
dung của các vị liệt tổ.
Bọn Giả Hành, Giả Chỉ đứng xếp hàng từ cửa trong ra mãi đến
ngoài thềm chính đường. Ngoài bạo cửa là chỗ Giả Kính, Giả Xá; trong bạo cửa là
chỗ đàn bà đứng. Bọn người nhà và hầu bé đều đứng ngoài nghi môn. Cứ một món ăn
dâng lên đến cửa nghi môn, là bọn Giả Hành, Giả Chỉ đỡ lấy, theo thứ tự đưa đến
tay Giả Kính. Giả Dung là cháu trưởng chi trưởng, nên được đứng với đám đàn bà ở
trong bạo cửa. Mỗi lần Giả Kính đưa món ăn đến trao cho Giả Dung, Giả Dung đưa
lại cho vợ, vợ hắn lại đưa cho Phượng Thư và Vưu Thị; khi đưa đến trước bàn thờ,
thì Vương phu nhân nhận lấy đưa cho Giả mẫu. Giả mẫu đặt lên bàn thờ. Hình phu
nhân đứng ở phía tây bàn thờ, ngoảnh mặt sang phía đông, cùng Giả mẫu dâng cỗ
lên. Đến khi dâng cỗ và chè rượu xong, Giả Dung mới lui ra ngoài, đứng hàng đầu
chỗ bọn Giả Cần.
Lúc này Giả Kính đứng đầu hàng người có tên theo chữ “văn” ở
bên. Giả Trân đứng đầu hàng người có tên theo chữ “ngọc” ở bên, cuối nữa là Giả
Dung đứng đầu hàng người có tên theo bộ “thảo đầu”. Bên tả hàng “chiêư”, bên hữu
hàng “mục”. Trai ở bên đông, gái ở bên tây. Khi Giả mẫu thắp hương lạy rồi, mọi
người đều quỳ xuống làm cho năm gian nhà lớn, ba gian bái đường, hiên trong
hiên ngoài, thềm trên thêm dưới, hai dãy thềm đỏ đều như hoa như gấm, chật ních
không chỗ nào hở. Ngoài nhạc vàng vòng ngọc khẽ chạm leng keng và giày dép sột
soạt khi đứng khi quỳ ra, còn đều im lặng như tờ. không một tiếng động.
Một lúc lễ xong, bọn Giả Kính, Giả Xá lui ra đi sang phủ
Vinh, chờ làm lễ mừng Giả mẫu. Bên phòng Vưu thị, dưới đất trải đầy thảm đỏ, giữa
nhà để một chậu than lớn tráng vàng. Trên giường chính giữa trải một cái nệm da
vượn đỏ mới, đặt một cái gối dựa màu đỏ thêu kiểu vân long bổng thọ(8); ngoài nệm
ngồi lại có cái bao bằng da cáo đen đặt ở trên và cái nệm ngồi bằng da cáo trắng.
Vưu thị mời Giả mẫu ngồi lên đó. Hai bên lại trải nệm da, mời mấy bà bác bà
thím ngang hàng với Giả mẫu cùng ngồi. Bọn Hình phu nhân thì ngồi ở một cái giường
nhỏ cũng trải nệm da, có bức vách chắn ngang. Ở hai bên, có mười hai cái ghế
sơn chạm đối mặt nhau, đều trải nệm lông chuột đen, dưới mỗi cái ghế có một lò
sưởi bằng đồng, để cho chị em bọn Bảo Cầm ngồi. Vưu thị pha trà dâng Giả mẫu, vợ
Giả Dung dâng mời các bà ngang hàng với Giả mẫu, sau Vưu thị lại dâng mời Hình
phu nhân, vợ Giả Dung lại dâng bọn chị em. Phượng Thư, Lý Hoàn thì đứng ở ngoài
chực sẵn.
Dâng nước trà xong, bọn Hình phu nhân đứng dậy hầu Giả mẫu uống.
Giả mẫu cùng chị em nhiều tuổi nói chuyện phiếm mấy câu rồi sai sắp kiệu. Phượng
Thư vội đỡ Giả mẫu lên. Vưu thị cười nói:
- Cháu đã sắp sẵn cơm chiều để mời bà xơi rồi. Hàng năm bà
không hề hạ cố đến các cháu. Bây giờ dùng cơm chiều rồi bà hãy về. Nếu không
thì chẳng hóa ra các cháu không bằng thím Phượng hay sao?
Phượng Thư đỡ Giả mẫu, cười nói:
- Mời bà về nhà xơi cơm, mặc kệ chị ấy.
Giả mẫu cười nói:
- Bên này chị còn phải soạn sửa cúng tế tổ tiên, bận rộn lắm
rồi, giữ ta ở lại để thêm bận à? Vả chăng hàng năm ta không ăn ở đây, các chị
cũng cứ mang sang biếu, vậy cứ biếu đi, ta không ăn hết, để dành đến ngày mai, như
thế chẳng ăn được nhiều hơn ư?
Mọi người nghe vậy đều cười. Giả mẫu lại dặn: “Đêm đến phải cắt
người đèn hương cẩn thận, không được sơ suất đấy”, Vưu thị vâng lời, Giả mẫu đi
ra ngoài, đến trước noãn các, bọn Vưu thị tránh ra sau bình phong, bọn hầu nhỏ
mới dẫn phu kiệu đến mời Giả mẫu lên kiệu. Vưu thị cũng theo bọn Hình phu nhân
đến phủ Vinh.
Kiệu ra khỏi cửa ngoài. Dọc đường, bên đông bầy nghi trượng
và nhạc khí của phủ Ninh, bên tây bày nghi trượng và nhạc khí của phủ Vinh. Những
người đi đường đều phải lùi lại, không được qua đấy.
Về đến phủ Vinh, cửa lớn, cửa chính cũng đều mở suốt vào tận
phía trong. Giả mẫu không xuống kiệu ở noãn các nữa, mà đi qua nhà khách, vòng
sang phía tây, đến thẳng nhà chính. Mọi người xúm theo đến gian giữa nhà Giả mẫu,
cũng có nệm gấm màn thêu, mọi thứ đều mới cả, ở giữa để lò lửa đốt hương tùng
bách và cây bách hợp. Giả mẫu vào ngồi, bọn bà già trình: “Các cụ bà đến làm lễ”.
Giả mẫu đứng dậy định ra đón, thấy mấy bà chị em nhiều tuổi đến nơi. Mọi người
cầm tay nhau cười và mời nhau một lúc. Họ uống trà xong rồi đi. Giả mẫu đưa ra
đến cửa nghi môn mới về chỗ ngồi. Bọn Giả Kính và Giả Xá dẫn các con em đến. Giả
mẫu cười nói:
- Cả năm làm phiền các người rồi, thôi đừng làm lễ nữa.
Một bên trai, một bên gái, tốp này đến tốp khác, lũ lượt vào
làm lễ; bên tả bên hữu đều đặt ghế đối nhau, rồi cứ theo thứ tự lớn bé ngồi nhận
lễ. Bọn hầu nhỏ và a hoàn trong hai phủ cũng theo thứ tự trên dưới đứng làm lễ.
Sau đó phân phát tiền thưởng tết, túi và thỏi vàng, thỏi bạc cho mọi người. Bữa
tiệc hợp hoan bày ra, trai ngồi bên đông, gái ngồi bên tây; uống rượu đồ tô(9),
ăn canh hợp hoan(10), quả cát tường(11) và bánh như ý, xong rồi Giả mẫu vào
trong nhà nghỉ, mọi người mới đi ra.
Tối hôm ấy, các nơi thờ phật và thờ vua bếp đều thắp hương
cúng lễ. Ngoài sân nhà chính của Vương phu nhân, bày vàng hương ngựa giấy cúng
trời đất. Cửa giữa vườn Đại Quan treo đèn lồng, rọi sáng hai bên, các ngả đường
lại đều có giồng cây đèn. Kẻ trên người dưới đều ăn mặc như hoa như gấm. Suốt
đêm, tiếng cười nói ồn ào, pháo nổ không dứt. Đến canh năm ngày hôm sau. Giả mẫu
cùng mọi người theo phẩm tước mặc triều phục, bày toàn bộ nghi trượng vào cung
chào mừng và chúc thọ Nguyên Xuân. Ăn yến xong, Giả mẫu trở về phủ Ninh tế tổ,
rồi mới về nhà. Nhận lễ mừng xong, Giả mẫu thay áo đi nghỉ. Bạn bè đến mừng tết
đều không tiếp, chỉ ngồi nói chuyện với Tiết phu nhân và thím Lý, hoặc đánh cờ,
đánh bài với bọn Bảo Ngọc và chị em Bảo Thoa, Bảo Cầm, Đại Ngọc.
Vương phu nhân và Phượng Thư ngày nào cũng bận về mọi khách đến
uống rượu tết, nhà trong nhà ngoài, chỗ nào cũng bày bàn rượu, bạn bè đi lại
không ngót. Bận rộn suốt bảy, tám ngày mới xong.
Lại sắp đến tết nguyên tiêu, hai phủ Vinh, Ninh đều thắp đèn
kết hoa. Ngày mười một, Giả Xá mời Giả mẫu, hôm sau Giả Trân lại mời Giả mẫu.
Vương phu nhân và Phượng Thư, ngày nào cũng có người mời uống rượu tết.
Đến chiều hôm rằm, Giả mẫu sai người bày mấy bàn tiệc ở phòng
khách lớn, thuê một bọn con hát, treo đầy đèn hoa các màu, dẫn các con cháu
trai gái hai phủ Vinh, Ninh đến ăn tiệc. Giả Kính xưa nay không uống rượu, ăn mặn,
vì thế không mời. Đến ngày mười bảy, tế tổ xong, Giả Kính liền ra ngoài thành
tu đạo. Trong mấy hôm ở nhà, ông ta cũng chỉ ngồi yên lặng trong gian nhà kín,
không hỏi đến việc gì.
Giá Xá lĩnh đồ thưởng của Giả mẫu xong, cáo từ ra về. Giả mẫu
biết ông ta ở đấy cũng không tiện, nên để mặc cho về.
Giả Xá về đến nhà, cùng bọn gia khách thưởng đèn uống rượu,
đàn sáo rộn tai, gấm thêu hoa mắt, cuộc vui của ông ta khác hẳn bên này.
Giả mẫu cho bày hơn mười bàn rượu ở nhà khách, bên cạnh mỗi
bàn đặt một cái kỷ. Trên kỷ đặt lư hương, bình hoa, đốt hương bách hợp của vua
ban; lại có những chậu cảnh nhỏ dài độ tám tấc, rộng bốn năm tấc, cao hai ba tấc,
trong chồng núi giả, đều trồng cỏ hoa tươi tốt; lại có khay chè sơn hay những bộ
chén rót nước trà ngon hạng nhất. Một loạt đều làm bằng gỗ đàn tía chạm trổ, viền
rèm lụa đỏ, đính ngọc, thêu hoa và đề thơ. Nguyên cái rèm này là do tay cô gái
Cô Tô, tên là Tuệ Nương thêu ra. Vì cô ta cũng là con nhà thư hương thế hoạn, rất
giỏi nghề vẽ, chẳng qua ngẫu nhiên thêu thùa vài thứ để chơi, chứ không phải thứ
đem ra ngoài bán. Những hoa thêu trên, theo cành cây hoa lá của các nhà danh họa
từ đời Đường, Tống, Nguyên, Minh để lại, nên cách thức, màu sắc đều đậm đà,
tinh xảo không một ai có thể sánh kịp. Mỗi một cành hoa bên cạnh lại có một bài
thơ, từ, ca, phú của người xưa và đều thêu chữ nổi bằng nhung đen. Hơn nữa cả từ
nét ngoặc, nét chấm, to, nhỏ, liền, cách, đều giống hệt như chữ viết, không phải
lối thêu chữ bán rao có thể sánh kịp. Cô ta không vì nghề này kiếm lợi, nên tiếng
đồn khắp nơi, ít người mua được. Rất nhiều nhà danh gia thế hoạn cũng không có
của này. Vì vậy đời sau gọi là nàng Tuệ Tú. Gần đây, có những kẻ trục lợi, cũng
bắt chước lối thêu của cô ta để lừa người kiếm tiền. Tuệ nương đến mười tám tuổi
thì chết, nên sau không tìm đâu ra bức thêu nào như vậy. Nhà nào có một vài bức,
đều giữ gìn rất cẩn thận. Có một số nhà văn “múa rối”, nhân tiếc sắc đẹp của
nàng, liền tung tin rằng nàng thêu chữ chưa hết vẻ đẹp, so sánh đường kim thêu
với chữ “Tú” có vẻ hơi vội vã. Rồi cùng mọi người bàn bạc, đem đổi chữ “Tú”
thành chữ “Văn”, nên người đời mới gọi là “Tuệ Văn”. Nếu phải là bức thêu của
nàng Tuệ Văn thì giá đắt vô ngần. Trong phủ Giả có ba bức, năm ngoái đã tiến
vua hai bức, chỉ còn lại cái rèm này có mười sáu dải, Giả mẫu cất giữ rất cẩn
thận, không hay bày ra nhà khách, chỉ để trong phòng riêng, khi cao hứng bày tiệc
rượu mới đem ra dùng.
Trong các bình cổ nhỏ có đủ các màu đều cắm cây tuế hàn tam hữu(12)
và hoa ngọc đường phú quý(13). Hai bàn phía trên là chỗ ngồi của Tiết phu nhân
và thím Lý; bên đông bày riêng một tiệc có cái giường nhỏ chân thấp chạm quỳ
long hộ bình(14) có đủ cái tựa lưng, gối dài, nệm da. Trên giường bày một cái kỷ
nhỏ, sơn son thếp vàng rất đẹp, và nhẹ. Trên kỷ bày chén trà, ống nhổ, khăn mặt
và cái hộp kính.
Giả mẫu nằm nghiêng trên giường, cười nói với mọi người một
lúc, lại đeo kính nhìn lên sân khấu rồi nói với Tiết phu nhân và thím Lý:
- Tha lỗi cho tôi già rồi mình mẩy hay đau, để tôi vô phép nằm
nghiêng tiếp chuyện.
Lại sai Hổ Phách ngồi lên giường, cầm cái nắm tay “mỹ
nhân”(15) đấm đùi. Cạnh giường không đặt bàn rượu, chỉ có một cái kỷ cao, trên
bày giá cao, lọ cao và lư hương, ngoài ra lại có một cái bàn nhỏ cao rất xinh
trên bày bát đũa. Bên cạnh bày một bàn rượu cho Bảo Cầm, Tương Vân, Đại Ngọc, Bảo
Ngọc cùng ngồi. Khi đồ ăn mang lên, đều đưa Giả mẫu xem trước, món nào thích để
lên trên bàn nhỏ nếm một ít, còn lại đưa ra bàn bốn người ngồi gần đấy, như thế
cũng xem như ngồi một bàn với Giả mẫu. Phía dưới mới là chỗ của Hình phu nhân và
Vương phu nhân; dưới nữa là chỗ ngồi của bọn Vưu Thị, Lý Hoàn, Phượng Thư và vợ
Giả Dung; bên tây là chỗ ngồi của Bảo Thoa, Lý Văn, Lý Ỷ, Tụ Yên và chị em
Nghênh Xuân. Trên xà nhà, hai bên treo từng chùm đèn pha lê. Trước mỗi bàn rượu
đặt một cây đèn sơn đen hình lá sen rũ xuống, trên lá sen cắm sáp. Cây đèn này
là của bên Tây Dương, làm bằng pha lê, có thể quay vặn được. Lúc này, đèn xoay
lá sen cho ánh sáng hắt ra ngoài để xem hát được rõ. Bao nhiêu cánh cửa và cửa
sổ đều được lấy xuống và treo vào đó bằng các đèn hoa trong cung cho. Trong thềm,
ngoài thềm và giàn hoa hai bên hiên đều treo đèn lồng, đèn pha lê, đèn che lụa,
hoặc thêu, hoặc vẽ bằng lụa, bằng giấy, thứ gì cũng có. Mấy bàn ở trên hiên là
chỗ ngồi của Giả Trân, Giả Liễn, Giả Hoàn, Giả Tôn, Giả Dung, Giả Cần, Giả Vân,
Giả Xương, Giả Lăng.
Giả mẫu sai người đi mời các người trong họ. Nhưng bọn họ có
người đã già, không thích ồn ào, có người đi vắng, có người ốm đau, muốn đến
cũng không đến được. Lại có người ghen giàu thẹn nghèo không chịu đến, có người
thì ghét Phượng Thư, tức giận không đến; lại có người e lệ nhút nhát, không
quen chỗ đông người. Vì thế họ tuy to, nhưng về phía đàn bà chỉ có mẹ Giả Lam
là họ Lâu dắt Giả Lam đến, về phía đàn ông chỉ có Giả Cần, Giả Vân, Giả Trong
và Giả Lăng đến, bốn người hiện đương giúp việc cho Phượng Thư. Kể ra người
không đông mấy, nhưng tiệc nhỏ trong gia đình cũng đủ náo nhiệt lắm rồi.
Vợ Lâm Chi Hiếu dẫn sáu người đàn bà, cứ hai người một khênh
ba cái bàn nhỏ đến, mỗi bàn trải một tấm thảm đỏ, trên để những tiền đồng mới
đúc xâu bằng dây đỏ. Vợ Lâm Chi Hiếu bảo mang hai cái đặt ở cạnh bàn rượu của
Tiết phu nhân và thím Lý, còn một cái đặt ở cạnh giường Giả mẫu. Giả mẫu nói:
“Để ở giữa nhà kia”. Những người đàn bà ấy đã quen khuôn phép nhà này, họ đặt
bàn xuống, rút dây đỏ đi, rồi bỏ tiền ra để ở trên bàn.
Lúc đó, đương hát vở Tây lâu hội(16). Khi sắp tan hát, đứa
đóng vai Vũ Thúc Dạ giận dỗi bỏ đi, đứa đóng vai Văn Báo liền nói đùa: “Anh giận
bỏ đi mặc anh. Hôm nay đúng ngày rằm tháng giêng, trong nhà cụ ở phủ Vinh ăn tiệc,
tôi còn phải cưỡi ngựa này, đến xin mấy thứ quả để ăn mới được”. Câu nói ấy làm
cho Giả mẫu cười ầm lên. Bọn Tiết phu nhân đều nói: “Thằng ranh con này đáng
thương thật!” Phượng Thư liền nói:
- Nó mới có chín tuổi thôi.
Giả mẫu cười nói:
- Nó khéo nói đấy!
Rồi gọi một tiếng “thưởng”. Liền có ba người đàn bà cầm sẵn
các cái giỏ nhỏ, chạy mau đến bàn, mỗi người bốc tiền bỏ vào một giỏ rồi chạy
ra trước sân khấu nói:
- Cụ, bà dì, và các bà trong họ thưởng cho Văn Báo mua quả ăn
đây.
Nói xong họ vất tiền lên sân khấu, chỉ nghe thấy tiếng “loảng
xoảng”, tiền rơi khắp nơi. Giả Trân và Giả Liễn đã sai bọn hầu nhỏ sắp sẵn những
thúng tiền lớn khênh ra.
Chú thích:
Chú thích:
1. Phù hư vi xúc: danh từ mạch lý của Đông y, ý nói khí huyết
suy nhược.
2. Một thứ đồ chơi làm bằng vàng bạc hay ngà voi, có chạm cỏ
chi, hoặc đám mây, để mừng tặng nhau.
3. Tiếng của nhà Phật, là tám thứ quý báu.
4. Nhà thờ họ Giả.
5. Sao Phụ bật sáng ngời.
6. Cẩn thận việc về sau, tưởng nhớ người đã khuất.
7. Theo điển tế tự của Trung Quốc thời trước, trong nhà thờ
thủy tổ ở giữa, hai bên hàng chiêu ở bên tả, hàng mục ở bên hữu, chiêu thuộc
hàng cha, mục thuộc hàng con.
8. Rồng mây chúc thọ.
9. Một thứ rượu nấu bằng cỏ đồ tô, uống vào ngày nguyên đán để
trừ dịch khí.
10. Canh nấu bằng hoa hợp hoan, một thứ hoa màu đỏ, sớm nở tối
cụp, tượng trưng cho sự đoàn kết.
11. Quả ăn vào được phúc lành.
12. Ba người bạn trong mùa rét: tùng, bách, mai.
13. Hoa mẫu đơn.
14. Giống thú trông giống con rồng, có một chân đỡ lấy cái
bình phong.
15. Một cái dùi nhỏ bằng gỗ bọc da hình như nắm tay người con
gái, dùng để đấm mình.
16. Tên vở kịch của Viên Vu Lệnh nhà Thanh soạn, diễn điển Vu
Quyên cùng Mục Tố Huy khi tan khi hợp.
Hồi 54:
Sử Thái Quân bỏ lối chuyện sáo ngày xưa;
Vương Hy Phượng học đòi áo hoa múa hát.
Giả Trân, Giả Liễn sắp sẵn tiền vào trong thúng lớn, nghe thấy
Giả mẫu nói thưởng, liền sai người hầu ném tiền ra, tiếng loảng xoảng khắp trên
sân khấu. Giả mẫu thích lắm. Hai người đứng dậy, người hầu mang bình đựng rượu
bằng bạc mới hâm lên, Giả Liễn cầm lấy, đi theo Giả Trân vào phía trong. Giả
Trân đến trước bàn thím Lý, cúi xuống lấy chén, quay lại Giả Liễn vội rót một
chén; sau cùng rót đến bàn Tiết phu nhân. Tiết phu nhân và thím Lý vội đứng dậy
cười nói:
- Mời hai cậu cứ ngồi, cần gì phải giữ lễ nghi quá?
Lúc đó, trừ Hình phu nhân và Vương phu nhân, các người dự tiệc
đều đứng dậy chắp tay. Giả Trân, Giả Liễn đến trước giường Giả mẫu, vì giường
thấp, hai người phải quỳ xuống. Giả Trân cầm chén quỳ ở phía trước, Giả Liễn cầm
bình rượu quỳ ở phía sau. Tuy chỉ có hai người dâng rượu thôi, nhưng anh em bọn
Giả Tôn cũng đều đứng dậy xếp hàng đi theo; thấy hai người quỳ, quỳ họ cũng đều
quỳ. Bảo Ngọc cũng vội quỳ theo. Tương Vân khẽ đẩy Bảo Ngọc cười nói:
- Bây giờ anh cũng theo người ta mà quỳ làm gì? Đã thế thì
anh cũng đi rót một tuần rượu có hơn không?
Bảo Ngọc cười nói:
- Chốc nữa sẽ rót.
Đợi hai người rót rượu xong, họ mới đứng dậy. Giả Trân lại
rót rượu mời Hình phu nhân và Vương phu nhân. Sau đó cười nói:
- Còn các cô thì làm thế nào đây?
Giả mẫu nói:
- Các anh cứ đi ra để mặc cho họ được thoải mái hơn.
Bọn Giả Trân mới lui ra.
Đêm chừng đã sang canh hai, tuồng hát đang diễn tích “Bát
nghĩa quan đăng”(1). Giữa lúc vui, Bảo Ngọc đứng dậy đi ra ngoài. Giả mẫu hỏi:
- Đi đâu? Ở ngoài đốt pháo dữ lắm, không cẩn thận tàn lửa rơi
vào người thì bỏng đấy!
Bảo Ngọc cười nói:
- Cháu không đi xa đâu, chỉ ra đây một tí rồi về ngay thôi.
Giả mẫu sai bọn bà già theo hầu cẩn thận. Khi Bảo Ngọc ra, chỉ
có Xạ Nguyệt, Thu Văn mấy a hoàn nhỏ đi theo. Giả mẫu liền hỏi:
- Sao không thấy Tập Nhân? Bây giờ nó đã ra vẻ lớn rồi, chỉ
ngồi sai đám hầu nhỏ đi thôi.
Vương phu nhân đứng dậy cười nói:
- Hôm nọ mẹ nó chết, nó có tang, nên không tiện đi ra ngoài.
Giả mẫu gật đầu cười nói:
- Đã đi hầu thì không thể nói hiếu với không hiếu được. Nếu
nó còn ở hầu ta, liệu bây giờ có thể tránh được chỗ này không? Việc ấy cũng như
đã thành lệ rồi.
Phượng Thư vội chạy lại cười nói:
- Đêm hôm nay dù chị ta không có tang nữa, ở trong vườn này
cũng phải trông nom đèn đuốc pháo hoa cho khỏi áy náy. Đã có hát xướng, người
trong vườn ai chẳng lẻn đến xem? Chị ấy cẩn thận, nên ở nhà trông nom các nơi.
Khi tan hát, chú Bảo về ngủ, mọi thứ đã được sắp đặt đầy đủ. Nếu chị ấy cĩmg đến
đây, không ai để ý đến công việc, tan hát ra về, chăn đệm thì lạnh, nước trà
không có, cái gì cũng thiếu cả. Vì thế cháu bảo chị ấy trông nhà, không cần đến
nữa, để khi về, các cái được sắp đặt đầy đủ mọi người khỏi phải lo toan, lại trọn
đạo hiếu của chị ấy, như thế chả hơn hay sao? Nay bà muốn gọi chị ấy, cháu bảo
đi gọi ngay.
Giả mẫu bảo:
- Cháu nói phải đấy. Cháu nghĩ rất là chu đáo, đừng gọi nó nữa.
Nhưng mẹ nó mất bao giờ? Sao ta lại không biết?
- Hôm nọ Tập Nhân có đến trình, bà đã lại quên rồi à?
Giả mẫu nghĩ một lúc, cười nói:
- Ta nhớ ra rồi. Bây giờ trí nhớ ta kém lắm!
Mọi người đều cười nói:
- Cụ nhớ đâu đến những việc ấy.
Giả mẫu thở dài:
- Từ bé nó hầu ta một dạo, rồi hầu cháu Vân, sau đến hầu thằng
quỷ Bảo Ngọc này, làm nó phải chịu dãi dầu mấy năm nay! Nó không phải là bọn hầu
sinh trưởng trong nhà này, chưa được nhờ vả ta mấy, khi mẹ nó chết, ta định cho
nó mấy lạng bạc để chi phí chôn cất, thế rồi cũng quên đi.
Phượng Thư nói:
- Hôm nọ mẹ con đã cho chị ấy bốn mươi lạng bạc, thế là được
rồi.
Giả mẫu gật đầu nói:
- Nếu thế thì thôi. Hôm trước mẹ Uyên Ương chết, ta nghĩ bố mẹ
nó đều ở cả bên nam, không cho nó về chịu tang. Bây giờ chúng nó muốn giữ lễ,
sao không cho hai đứa đến ở một chỗ làm bạn với nhau?
Bèn sai bà già mang hoa quả, đồ ăn và đồ điểm tâm đến cho hai
người ăn. Hổ Phách cười nói:
- Còn phải chờ đến bây giờ nữa. Chị ta đã đến đấy từ lâu rồi.
Sau đó mọi người lại uống rượu xem hát.
Bảo Ngọc đi một mạch về trong vườn, bọn bà già thấy cậu ta về
buồng, không đi theo nữa, chỉ ngồi sưởi ngoài phòng trà cửa vườn và uống rượu,
đánh bài với bọn con gái ở đó. Bảo Ngọc vào đến nhà, thấy đèn sáng trưng, nhưng
không có tiếng người. Xạ Nguyệt nói:
- Có lẽ họ ngủ cả rồi hay sao? Chúng ta khẽ đến dọa chơi.
Hai người rón rén đi lẻn vào vách giường, thấy Tập Nhân cùng
một người nữa đương nằm đối diện với nhau trên giường, đằng kia có hai bà già
ngồi ngủ gật.
Bảo Ngọc cứ tưởng hai người đã ngủ, vừa muốn đi vào, bỗng
nghe Uyên Ương ho một tiếng nói:
- Việc đời khó mà định trước! Cứ lẽ ra, một mình chị ở đây bố
mẹ ở nơi khác, hàng năm các cụ phải chạy ngược chạy xuôi không có chỗ nhất định,
tưởng là khi bà cụ mất, chị không thể về tống táng được. Ngờ đâu bà cụ mất ở
đây, chị lại được về đưa đám!
Tập Nhân nói:
- Đúng đấy, tôi cũng không ngờ được nhìn thấy mặt mẹ tôi. Khi
đến trình bà Hai lại được thưởng bốn mươi lạng bạc. Như thế cũng bõ công cha mẹ
nuôi nấng. Tôi thật không dám mơ ước gì hơn.
Bảo Ngọc nghe nói, quay lại khẽ bảo bọn Xạ Nguyệt:
- Ai ngờ chị ta đã lại đây rồi. Nếu ta vào, chị ấy bực mình sẽ
chạy về mất, chi bằng chúng ta quay lại, để cho họ được yên tĩnh nói chuyện với
nhau. Tập Nhân đương lúc buồn, may được Uyên Ương đến rất tốt.
Họ lại khe khẽ đi ra. Bảo Ngọc đến phía sau núi, đứng lại vén
vạt áo lên. Xạ Nguyệt và Thu Văn cũng đứng lại, quay mặt đi, khẽ cười nói:
- Ngồi xuống rồi hãy cởi quần, cẩn thận kẻo gió thổi vào bụng
đấy!
Hai đứa hầu ở đằng sau biết là Bảo Ngọc đi giải, liền chạy về
phòng trà sấp sẵn nước rửa.
Bảo Ngọc đang đi, có hai người đàn bà đón hỏi: “Ai đấy?” Thu
Văn nói:
- Cậu Bảo đấy, đừng làm ầm lên cho cậu ấy sợ.
Bọn đàn bà vội cười nói:
- Chúng tôi không biết, ngày tết lại sinh chuyện rồi. Các cô
mấy ngày hôm nay vất vả quá.
Nói xong họ đã đi đến trước mặt. Bọn Xạ Nguyệt hỏi:
- Bà mang gì đấy?
- Đồ ăn của cụ sai mang sang cho cô Kim và cô Hoa đấy.
- Ngoài ấy hát vở “bát nghĩa” chứ có hát vở “hỗn nguyên hạp”(2)
đâu, mà lại nảy ra cô Kim với Hoa?
Bảo Ngọc nói:
- Mở hộp ra cho tôi xem nào.
Thu Văn, Xạ Nguyệt mở hai cái hộp ra, hai người đàn bà liền
ngồi xuống. Bảo Ngọc thấy trong hộp đựng những hoa quả bánh trái ngon nhất
trong bữa tiệc, liền gật đầu rồi đi. Bọn Xạ Nguyệt vội đậy nắp hộp lại, cũng đi
theo. Bảo Ngọc cười nói:
- Hai người này xem ra tính tình ôn hòa. nói năng vui vẻ, họ
ngày nào cũng khó nhọc, thế mà lại bảo các chị vất vả suốt ngày; như thế là họ
không tự khoe công lao mình đấy.
Xạ Nguyệt nói:
- Hai người này tết thì tốt thật đấy, nhưng không biết điều
cũng lại ra trò.
Bảo Ngọc nói:
- Các chị là người hiểu biết, họ là người quê mùa đáng
thương, nên chăm lo họ mới phải.
Vừa nói vừa đi ra cửa vườn.
Bọn bà già đương uống rượu đánh bài, thỉnh thoảng cũng chạy
ra nhòm ngó, thấy Bảo Ngọc đi ra, họ cũng theo ra. Đến thềm hoa, thấy hai đứa hầu
nhỏ, một bưng chậu, một cầm khăn tay và lọ sáp thơm đứng chờ ở đó từ lâu. Thu
Văn dúng tay vào chậu nước, nói:
- Chúng bay càng lớn càng đoảng, sao nước lạnh thế này?
Bọn hầu nhỏ cười nói:
- Thưa cô, trời này cháu sợ nước lạnh nên rót nước sôi đấy.
Thế mà lại lạnh mất rồi.
Bỗng có một bà già mang bình nước sôi đi qua, đứa hầu nhỏ liền
nói:
- Bà ơi, cho tôi ít nước để pha.
- Chị ơi, nước pha trà của cụ đấy, chị nên đi múc lấy, có to
chân lên đâu mà sợ!
Thu Văn nói:
- Nước của ai tôi cũng không cần! Nếu bà không đưa, cứ để ấm
nước chè của cụ ra để rửa tay!
Bà già quay lại, nhìn thấy Thu Văn, liền đồ ra ít nước nóng.
Thu Văn nói:
- Đủ rồi! Bà đã già mà chẳng biết gì cả! Ai chẳng biết là của
cụ! Không lấy được, chúng tôi lại dám xin à?
Bà già cười nói:
- Tôi mắt lóa, không nhận ra được cô.
Bảo Ngọc rửa tay xong, bảo đứa hầu nhỏ cầm hộp sáp đổ vào tay
cho xoa. Nhân có nước nóng. Thu Văn, Xạ Nguyệt cũng rửa tay rồi theo Bảo Ngọc
đi.
Bảo Ngọc lấy một bình rượu nóng, bắt đầu rót mời từ thím Lý.
Tiết phu nhân và thím Lý đều cười và mời ngồi, Giả mẫu nói:
- Cháu còn bé, cứ để cho nó rót, chúng ta phải uống cạn chén
này.
Rồi Giả mẫu cầm chén uống trước. Hình phu nhân và Vương phu
nhân đều vội uống. Tiết phu nhân và thím Lý cũng phải cạn chén. Giả mẫu lại bảo
Bảo Ngọc:
- Cháu rót cả cho các chị em nữa, không được rót bừa, bảo họ
đều phải uống hết.
Bảo Ngọc vâng lời, theo thứ tự rót đến Đại Ngọc. Đại Ngọc
không uống, cầm chén lên đưa vào mồm Bảo Ngọc, Bảo Ngọc uống một hơi hết ngay.
Đại Ngọc cười nói: “Cám ơn anh”.
Bảo Ngọc lại rót hộ cho cô ta một chén. Phượng Thư cười nói:
- Chú Bảo không được uống rượu nguội, cẩn thận đấy kẻo lại
run tay, sau không viết được chữ, không giương được cung đâu.
- Em có uống rượu nguội đâu.
- Tôi vẫn biết chú không uống rượu nguội. Đó là tôi dặn qua đấy
thôi.
Bảo Ngọc lại đi rót rượu mời mọi người ngồi phía trong, riêng
có vợ Giả Dung thì sai a hoàn rót; sau ra ngoài hiên rót mời bọn Giả Trân. Một
lúc sau rồi về chỗ.
Sau khi mang đồ nước lên, lại tiếp đến dâng lễ nguyên tiêu.
Giả mẫu liền bảo: “Hãy cho nghỉ hát. Lũ con trẻ đáng thương thực, cho chúng nó
một ít canh nóng, đồ ăn nóng rồi sẽ lại hát”.
Lại sai mang hoa quả và đồ lễ nguyên tiêu cho chúng ăn.
Lúc nghỉ hát, bà già dẫn đến hai cô xẩm kể chuyện, thường vẫn
ra vào trong phủ. Hai người đặt hai cái ghế ở bên cạnh, Giả mẫu bảo họ ngồi và
đưa đàn tì bà cho họ gẩy. Giả mẫu hỏi thím Lý và Tiết phu nhân: “Thích nghe
tích gì?” Hai người đều thưa: “Tích gì cũng được”. Giả mẫu liền hỏi:
- Gần dây có học thêm được chuyện nào mới không?
Hai cô xẩm thưa:
- Có một chuyện về đời Ngũ đại cuối nhà Đường.
Giả mẫu hỏi tên là vở gì. Cô xẩm thưa:
- Vở Phượng cầu loan.
Giả mẫu nói:
- Cái tên cũng hay đấy, nhưng do đâu mà có chuyện ấy? Hãy nói
qua cho ta nghe, hay thì hãy kể.
Cô xẩm thưa:
- Cuối đời Đường, có một vị hương thân, người Kim Lăng, tên gọi
Vương Trung, đã từng làm tể tướng hai triều vua. Sau cáo lão về nhà, chỉ có một
vị công tử tên là Vương Hy Phượng.
Mọi người nghe nói cười ầm lên. Giả mẫu cười nói:
- Thế không trùng tên với con Phượng nhà ta à?
Một bà già vội đứng dậy đẩy cô xẩm nói:
- Đó là tên mợ Hai đấy, không được nói bậy!
Giả mẫu nói:
- Cứ việc nói đi.
Cô xẩm cười đứng dậy nói:
- Chúng cháu thật đáng chết! Không biết là tên mợ Hai!
Phượng Thư cười nói:
- Sợ gì! Cứ nói đi. Nhiều người trùng tên trùng họ chứ.
Cô xẩm lại nói:
- Năm ấy vị hương thân họ Vương cho công tử lên Kinh thi. Một
hôm mưa to, công tử vào trú ở một cái trại. Ngờ đâu trong trại ấy cũng có một vị
hương thân họ Lý, là bạn thân với vị hương thân họ Vương, liền giữ công tử ở lại
thư phòng. Vị hương thân họ Lý không có con trai, chỉ có một tiểu thư tên gọi
là Sồ Loan, cầm kỳ thi họa, món gì cũng giỏi.
Giả mẫu nói:
- Chẳng trách được gọi là phượng cầu loan. Thôi không cần nói
nữa, ta đã đoán ra rồi. Chắc là Vương Hy Phượng muốn lấy Sồ Loan làm vợ chứ gì?
Cô xẩm cười nói:
- Cụ đã xem tích này rồi thì phải?
Mọi người đều nói:
- Truyện nào mà cụ chẳng xem! Dù chưa xem, người cũng đoán ra
được.
- Truyện ấy cũng cùng một lối như các truyện khác thôi, chỉ kể
những giai nhân tài tử, chẳng có thú gì. Nói con gái nhà người ta rất tệ mạt, lại
còn bảo là “giai nhân”! Toàn là đặt chuyện, không căn cứ vào đâu cả. Cứ mở mồm
ra là con nhà “hương thân”, bố không phải thượng thư tất là tể tướng. Hễ là tiểu
thư thì nhất định được yêu quí như ngọc. Tiểu thư ấy tất là hạng thông văn
chương, biết lễ nghĩa, vào bực giai nhân hiếm có. Rồi thấy đứa con trai nào
xinh đẹp, không kể họ hàng, bạn bè, lại nghĩ ngay đến việc trăm năm của mình,
quên cả bố mẹ, bỏ cả sách vở, ma chẳng ra ma, giặc chẳng ra giặc, như thế có giống
bậc giai nhân một tí nào không? Dù có học giỏi đến đâu, mà làm những việc như
thế, cũng không thể gọi là giai nhân được! Ví như một người con trai học hành rất
giỏi mà đi làm giặc, thì phép vua có coi là tài tử mà tha tội cho không? Thế mới
biết bọn làm sách chỉ tự mình bưng miệng mình. Vả chăng, đã nói là nhà thư
hương thế hoạn, tiểu thư nhà đại gia ấy lại thông sách vở, biết lễ nghĩa, mà bà
mẹ cũng vậy, dù khi đã cáo lão về nhà rồi, tất nhiên cũng còn nhiều bà già bà
vú a hoàn theo hầu, thế mà trong truyện hễ xảy ra các việc như vậy, thì lại chỉ
có một a hoàn hầu cận tiểu thư biết thôi! Các người thử nghĩ xem, những người hầu
khác thì làm việc gì? Có phải là sách chép đầu Ngô mình Sở không?
Mọi người đều cười nói:
- Cụ thực moi ra hết những chuyện nói nhảm.
Giả mẫu cười nói:
- Việc ấy cũng có duyên cớ. Trong số người viết truyện, có một
hạng thấy người ta phú quý, đem lòng ghen ghét, hoặc mong muốn điều gì không được,
nên viết ra sách nói xấu. Lại có một hạng người nữa, đọc lệch truyện đi, tự
mình cũng mong sao được gặp giai nhân, nên viết ra truyện để mua vui. Chứ họ có
biết rõ được đạo lý con nhà thi thư thế hoạn là thế nào đâu. Không nói đến những
hạng con nhà đại gia trong các truyện, chỉ nói ngay những nhà bậc bình thường
như nhà chúng ta dây, cũng không hề có những truyện như thế. Đừng để cho họ lau
láu cái mồm! Vì thế, nhà chúng ta xưa nay có cho ai kể những chuyện ấy đâu.
Ngay trong đám a hoàn cũng vậy. Mấy năm nay ta già rồi, con cháu lại ở xa, khi
buồn ta bảo người kể mấy câu cho qua, nhưng hễ cháu nó đến, là ta lại bắt họ
thôi ngay.
Thím Lý và dì Tiết đều cười nói:
- Đó thực là khuôn phép nhà đại gia. Ngay nhà chúng cháu cũng
không cho trẻ con nghe những chuyện nhảm ấy.
Phượng Thư chạy lại rót rượu, cười nói:
- Thôi, thôi! Rượu nguội mất rồi, xin bà uống một chén cho
ráo cổ, rồi hãy vạch hết chuyện nhảm ấy ra. Hồi này có thể gọi là hồi “vạch
chuyện nhảm”, chuyện xảy ra đúng giờ này, ngày này, tháng này, năm này, nơi
này, triều đại này. Bà ơi! Mở miệng khó nói được hai việc “Hai bông hoa nở
chung một cành”, “Thực giả chưa cần nói rõ”(3), cháu hãy sắp đặt người xem đèn,
xem hát đã. Bà mời hai vị thân thích đi uống chén rượu, xem vài vở hát rồi sẽ vạch
những chuyện nói nhảm từ mấy đời trước ra có được không?
Phượng Thư vừa rót rượu vừa cười, mọi người nghe vậy đều cười
lăn ra.
Hai cô xẩm cũng cười nói:
- Mợ nói khéo quá! Mợ mà kể truyện thì thật chúng tôi hết chỗ
kiếm ăn!
Tiết phu nhân cười nói:
- Chị nói ít chứ! Bên ngoài có khách, không như lúc thường
đâu.
Phượng Thư cười nói:
- Bên ngoài chỉ có một mình anh Trân thôi, chúng tôi kể là
anh em, từ lúc bé vẫn thường đùa ngịch với nhau. Mấy năm nay, vì đã có chồng,
nên tôi phải giữ phép anh chồng em dâu, chứ không còn như khi nhỏ nữa. Trong nhị
thập tứ hiếu có chuyện “múa áo ban”(4) các anh ấy không mặc áo hoa múa cho cụ
tôi vui thì tôi phải khó khăn mới làm cho cụ tôi cười, để ăn thêm được một ít,
cho cả nhà vui mừng. Đáng ra phải cảm ơn tôi mới phải, không lẽ lại cười tôi à?
Giả mẫu cười nói:
- Hai ngày hôm nay ta chưa có một trận cười nào thỏa thích,
may có nó nói ra làm ta cười một trận, uống thêm chén rượu nữa.
Giả mẫu uống xong lại sai Bảo Ngọc:
- Đến mời chị cháu một chén.
Phượng Thư cười nói:
- Không cần chú ấy mời, cháu đến nhờ lộc bà đây.
Phượng Thư đến uống hết chén rượu còn thừa của Giả mẫu, và
đưa chén cho a hoàn, bảo lấy chén khác đã ngâm nước nóng mang đến. Các người
trong tiệc cũng đều đứng dậy thay chén đã ngâm nước nóng, rót rượu mới vào, rồi
lại trở về chỗ ngồi.
Cô xẩm thưa:
- Cụ không nghe chuyện, chúng cháu xin gẩy một khúc hát để
người nghe.
- Các người hãy họa bài “Tướng quân lệnh” cho ta nghe.
Hai người liền so dây gẩy đàn, Giả mẫu hỏi:
- Giờ đã canh mấy rồi?
Bọn bà già thưa:
- Canh ba.
Giả mẫu nói:
- Thảo nào đã thấy hơi lạnh.
Bọn a hoàn đã mang sẵn quần áo. Vương phu nhân cười nói:
- Xin cụ vào ngồi ở giường ấm trong noãn các. Hai vị này
không phải là người lạ, để các con tiếp cũng được.
- Đã thế thì chúng ta cùng vào cả, có ấm hơn không?
- Sợ trong ấy không đủ chỗ ngồi.
- Ta đã có cách. Bây giờ không cần nhiều bàn nữa, chỉ dùng độ
hai ba chiếc đặt liền nhau, mọi người ngồi quây quần một chỗ, vừa thân mật lại ấm
áp.
Mọi người đều nói: “Thế mới vui chứ!”
Nói xong liền đứng dậy. Bọn đàn bà dọn hết bàn tiệc đi, dồn
làm ba bàn lớn, lại đặt hoa quả cỗ bàn mới vào. Giả mẫu nói:
- Không phải câu nệ gì, ta cắt đặt đâu, các người phải ngồi đấy.
Nói xong, mời Tiết phu nhân và thím Lý ngồi đối diện bàn
trên, còn mình ngồi trông ra hướng tây. Bảo Cầm, Đại Ngọc, Tương Vân cho ngồi
liền bên cạnh, rồi bảo Bảo Ngọc:
- Cháu ngồi cạnh mẹ cháu.
Bảo Ngọc ngồi ở khoảng giữa Hình phu nhân và Vương phu nhân.
Chị em Bảo Thoa ngồi ở phía tây. Theo thứ tự, Lâu thị ngồi kèm thêm Giả Huân;
Vưu Thị và Lý Hoàn ngồi với Giả Lan; vợ Giả Dung ngồi ở ghế ngang phía dưới.
Giả mẫu nói:
- Anh Trân đẫn bọn anh em về đi, ta sắp đi ngủ đây.
Bọn Giả Trân vâng lời đi vào, Giả mẫu nói:
- Thôi anh về đi, không cần phải vào nữa, kẻo ngồi rồi lại phải
đứng dậy. Anh về mà nghỉ, ngày mai còn có việc cần.
Giả Trân vâng lời, cười nói:
- Xin để cháu Dung ở lại rót rượu mới phải.
- Phải đấy, ta quên mất nó.
Giả Trân dẫn bọn Giả Liễn đi ra. Hai người rất mừng. Giả Trân
sai người đưa Giả Tôn và Giả Hoàng về nhà rồi hẹn Giả Liễn đi mau vui ở chỗ
khác.
Giả mẫu cười nói:
- Giờ ta mới nghĩ ra, ở đây đông người góp vui nhưng không có
một đôi vợ chồng nào. Ta quên đi mất, bây giờ có vợ chồng chắt Dung, thế là
song toàn rồi. Dung ơi! Mày cùng ngồi một chỗ với vợ mày, như thế mới thực là
đoàn viên chứ.
Bọn bà già đem trình đơn hát, Giả mẫu cười nói:
- Bà cháu chúng ta đang vui, lại làm ồn lên. Vả chăng bọn trẻ
con này phải thức đêm, trời lại lạnh, chi bằng cho chúng nó nghỉ, gọi bọn con
hát gái của nhà ta đến đây diễn vài vở và cũng để cho chúng nó nghe luôn.
Các bà già vâng lời đi ra, một mặt bảo người đến vườn Đại
Quan gọi bọn con gái hát, một mặt ra cửa thứ hai truyền cho những người hầu vào
chờ sẵn đấy. Bọn người hầu đến buồng hát, cho những người lớn trong ban về hết,
chỉ để trẻ con ở lại thôi.
Một lúc, người giáo tập ở viện Lê Hương dẫn bọn Văn Quan mười
hai đứa từ cửa nách bên hè đi vào. Họ không kịp mang rương hòm, chỉ có các bà
già đem theo mấy bọc quần áo, vì biết Giả mẫu chỉ thích nghe dăm ba vở thôi.
Các bà già dẫn Văn Quan vào chào, chắp tay đứng yên. Giả mẫu cười nói:
- Trong tháng giêng này, thầy các người không cho ra nghỉ
chơi à! Bây giờ các người hát vở gì? Vừa rồi hát tám khúc “bát nghĩa” nhộn lắm,
làm ta nhức cả đầu. Nên hát khác gì êm ái thì hơn. Các người xem, dì Tiết và
thím Lý đều có ban hát cả, đã nghe bao nhiêu vở hát hay rồi; các cô kia cũng đã
xem và nghe nhiều khúc hát hay. Còn bọn con hát này lại là một ban hát có tiếng
xưa nay, tuy chúng nó còn bé, nhưng hát khá hơn người lớn. Chúng ta đừng chịu
mang tiếng, phải hát vở gì cho thật mới. Bây giờ Phương Quan hãy hát vở “tầm mộng”
dùng đàn và tiêu sáo không cần sênh phách.
Văn Quan cười nói:
- Cụ dạy rất đúng. Vở hát của chúng tôi chắc không lọt tai
các vị mấy, chẳng qua giọng vịt đực, khàn khàn trong cổ họng thôi.
Giả mẫu nói: “Đúng đấy”.
Thím Lý và Dì Tiết đều cười nói:
- Con bé ranh thật! Mày cũng biết theo cụ đi đùa chúng ta à?
Giả mẫu nói:
- Chúng ta gặp thế nào vui thế, chứ không phải kiểu buôn bán
kiếm lời, nên không cần phải hợp thời lắm.
Nói xong lại bảo Quỳ Quan:
- Hát vở “Huệ minh hạ thư”(5) cũng không cần phải vẽ mặt. Chỉ
hát hai vở này để cho hai bà thêm vui thôi. Nếu không cố hát cho hay thì ta
không bằng lòng đâu.
Lũ Văn Quan vâng lời đi ra, sắm sửa lên sân khấu, trước hết
hát vở “tầm mộng”, sau hát vở “hạ thư”. Mọi người ngồi rất im lặng. Tiết phu
nhân cười nói:
- Tôi đã xem hàng mấy trăm ban hát, chưa bao giờ lại chỉ dùng
tiêu với sáo.
Giả mẫu nói:
- Có đấy như vừa rồi vở “Sở giang tình” trong “Tây lâu” thường
chỉ có vai nam thổi tiêu hòa nhịp thôi. Vở này ít khi đem ra họa chung. Đó là
tùy người nghe có quen hay không đấy thôi, chứ có gì là lạ.
Lại trỏ Tương Vân nói:
- Hồi tôi còn nhỏ như nó, đã được xem một ban hát của bố nó
cũng chỉ có một người đánh đàn, hòa vở “thính cầm” trong “Tây sương ký”. Vở “cầm
khiên” trong “Ngọc trâm ký”, nghe ra như thực ấy. Vậy so với vở này thì thế
nào?
Mọi người đều nói: “Thế lại càng khó mà bì nổi”.
Giả mẫu sai mấy người đàn bà đến bảo bọn Văn Quan đàn sáo hát
khúc “đăng nguyệt viên”. Bọn đàn bà vâng lời đi. Vợ chồng Giả Dung rót một lượt
rượu.
Phượng Thư thấy Giả mẫu cao hứng quá, liền cười nói:
- Nhân có các cô xẩm ở đây, chi bằng bảo họ đánh trống, chúng
ta bày cuộc truyền cành mai làm lệnh “xuân hỷ thượng my sao”(6) có nên không?
Giả mẫu cười nói:
- Lệnh ấy hay đấy! Đúng với thời cảnh bây giờ.
Rồi sai người mang cái trống lệnh đóng đanh đồng sơn đen đến
cho các cô xẩm đánh, và lấy một cành mai trên bàn tiệc ra. Giả mẫu cười nói:
- Hễ cành mai truyền đến tay ai mà ngừng trống thì người ấy uống
một chén rượu, và phải nói một câu chuyện mới được.
Phượng Thư cười nói:
- Kể ra thì ai được như bà, muốn đọc cái gì có cái ấy ngay.
Chúng cháu không làm được lại chẳng hóa ra mất vui sao? Phải làm thế nào để người
nhã và người tục đều thưởng thức cả mới thú. Chi bằng trống dứt ở tay người
nào, người ấy phải kể một câu chuyện cười.
Mọi người đều biết Phượng Thư ngày thường tài pha trò, trong
bụng có vô số là chuyện vui mới lạ, nay thấy chị ta nói thế, không những người
trong tiệc, ngay đám hầu lớn nhỏ ở đấy cũng đều thích cả. Chúng liền đi rủ chị
gọi em: “Mợ Hai sắp nói pha trò đấy, mau đến mà nghe”. Một lúc sau, người đến
đông nghịt cả nhà.
Đàn hát xong, Giả mẫu bảo mang ít hoa quả, chè thang cho bọn
Văn Quan ăn. Rồi sai đánh trống. Các cô xẩm đã đánh quen, lúc thưa lúc nhặt,
thánh thót như giọt đồng hồ, dồn dập như vó ngựa chạy, nhanh nhanh như điện vút
qua. Bỗng nhiên tiếng trống dừng lại, cành mai đã đưa đến tay Giả mẫu, mọi người
cười ầm lên. Giả Dung vội đến rót chén rượu. Mọi người cười nói:
- Cụ phải vui trước, để chúng cháu vui nhờ với.
Giả Dung cười nói:
- Cụ kể hay hơn chị Phượng nhiều, xin người nói lên, để chúng
cháu được vui cười.
Giả mẫu cười nói:
- Rượu uống cũng được, nhưng kể chuyện vui thì hơi khó đấy.
Mọi người đều nói:
- Cụ kể hay hơn chị Phượng nhiều, xin người nói lên, để chúng
cháu được vui cười.
Giả mẫu cười nói:
- Chẳng có chuyện gì mới lạ đáng buồn cười cả, thôi già này
đành mặt dày kể một chuyện vậy: “Một nhà có mười người con giai, lấy mười người
con dâu. Chỉ có người con dâu thứ mười là thông minh lanh lợi, mồm mép bẻo lẻo,
bố mẹ chồng rất thương, suốt ngày cứ chê chín người con dâu kia không biết hiếu
thuận. Chín người con dâu ấy ức quá, liền bàn với nhau: chín đứa chúng ta bụng
rất hiếu thuận, nhưng mồm mép không bẻo lẻo bằng con ranh ấy, nên bố mẹ chỉ bảo
nó tốt thôi. Nỗi uất ức này biết kêu ai cho được! Có người nghĩ ra một cách:
Ngày mai chúng ta thắp hương khấn hỏi vua Diêm vương: đã cho chúng tôi sinh ra
làm người, tại sao lại chỉ cho con ranh con ấy cái mồm lém lỉnh, còn chúng tôi
thì đều ăn nói vụng về cả? Tám người kia nghe xong, lấy làm thích thú lắm, đều
nói: nghĩ thế đúng đấy! Hôm sau, họ rủ nhau đến thắp hương ở miếu Diêm vương.
Chín người đều nằm mộng dưới bàn thờ. Chín cái hồn cứ chơ vơ mãi, không thấy
Diêm vương đến. Đương lúc sốt ruột thì Tôn Hành Giả cưỡi mây lộn xuống nhìn thấy
chín cái hồn, liền cầm gậy bít vàng định đánh. Chín cái hồn sợ quá, quỳ xuống
van xin. Tôn Hành Giả hỏi duyên cớ vì sao, chín cái hồn ấy vội tỉ mỉ thuật lại
câu chuyện. Nghe xong, Tôn Hành Giả giậm chân thở dài: Việc này may gặp ta đây!
Chứ gặp Diêm Vương thì người chẳng hiểu ra sao đâu. Chín cái hồn liền nói: Xin
đức đại thánh rủ lòng từ bi cho chúng con được nhờ! Tôn Hành Giả cười nói: Việc
này không khó gì đâu, hôm mười chị em chúng mày hóa kiếp làm người, vừa lúc ta
đến điện Diêm vương, ta đái một bãi xuống đất, con em dâu bé chúng mày uống hết
cả. Bây giờ chúng mày muốn khôn ngoan, lém lỉnh, sẵn nước đái đây ta đái cho mà
uống.
Giả mẫu kể xong, mọi người đều cười ầm lên. Phượng Thư cười
nói:
- Chuyện hay lắm! May mà các cháu đây đều là hạng mồm mép vụng
về cả. Nếu không, cũng phải uống nước đái khỉ rồi đấy.
Lâu Thị, Vưu Thị đều ngoảnh lại Lý Hoàn, cười nói:
- Bọn chúng ta đây ai là người đã uống nước đái khỉ rồi? Đừng
có giả vờ nữa!
Tiết phu nhân cười nói:
- Chuyện vui cốt ở chỗ đúng với cảnh mới đáng buồn cười.
Lúc đó lại đánh trống. Bọn hầu chỉ muốn nghe Phượng Thư nói
chuyện cười, liền khẽ bảo cô xẩm, cứ nghe tiếng đằng hắng thì ngừng trống lai.
Một lúc cành mai đã truyền đi hai lượt, vừa đến tay Phương Thư, bàn hầu nhỏ đằng
hắng, cô xẩm ngừng trống lại. Mọi người đều cười nói:
- Tóm đúng cổ rồi! Thôi uống rượu rồi kể chuyện đi. Nhưng đừng
làm người ta cười đứt ruột đấy!
Phượng Thư nghĩ một lúc, cười nói:
- Một nhà nọ ăn tết tháng giêng, cả nhà xem đèn uống rượu, rất
là náo nhiệt. Nào cụ, nào bà, nào con dâu, cháu dâu, chắt dâu, cháu dâu họ,
cháu họ, chắt họ, cháu nuôi, cháu dây mơ rễ mái, cháu gái, cháu gái ngoại, cháu
gọi bằng bà dì, cháu gọi bằng bà cô... Úi chà! Thật là đông đúc nhộn nhịp!
Mọi người nghe vậy, cười lớn nói:
- Nghe cái miệng rông dài ấy, chưa biết lại định chọc người
nào đấy!
Vưu Thị cười nói:
- Thím mà trêu tôi thì tôi xé mồm ra đấy!
Phượng Thư đứng dậy vỗ tay cười nói:
- Người ta đã phải nói khó nhọc, các người lại cứ quấy rối,
thôi tôi không nói nữa.
Giả mẫu cười nói:
- Cháu cứ nói đi, sau đó thế nào?
Phượng Thư nghĩ một lúc rồi cười nói:
- Sau quây quần cả vào trong một nhà, uống rượu suốt đêm rồi
đâu về đấy.
Mọi người thấy giọng nói có vẻ nghiêm chỉnh, ai nấy im
lặng, ngồi ngây ra nghe, nhưng thấy Phượng Thư lạnh lùng ngừng hẳn lại không
nói nữa. Tương Vân nhìn một lúc lâu. Phượng Thư cười nói:
- Lại kể một chuyện nữa về tết tháng giêng: Có mấy người mang
cây pháo to ra ngoài thành, hàng vạn người đi theo để xem. Có một người sốt ruột
không chờ được, liền lấy hương đốt vụng, thì “ầm” một tiếng. mọi người đều cười
rộ lên, rồi về cả. Người khênh cây pháo lại oán trách người bán pháo cuộn không
chắc, chưa đốt đã nổ rồi.
Tương Vân nói:
- Chẳng lẽ người ấy lại không nghe tiếng à?
Phượng Thư nói:
- Người đó là người điếc.
Mọi người nghĩ một lúc bỗng cười to, lại nghĩ đến câu chuyện
trước chưa nói hết, liền hỏi:
- Câu chuyện nói trước rồi ra thế nào? Nói hết đi.
Phương Thư đập bàn nói:
- Khéo lôi thôi lắm! Ngày mai là ngày mười sáu, hết năm mới rồi,
hết tết rồi, tôi phải trông nom cho người ta dọn dẹp đồ đạc còn biết sau đó ra
thế nào nữa.
Mọi người nghe rồi lại cười ầm lên.
Phượng Thư cười nói:
- Đã canh tư rồi, cứ ý cháu thì bà đã mệt, chúng ta cũng nên
như “thằng điếc đốt pháo” về đi là hơn.
Vưu Thị lấy khăn bịt mồm cười rũ rượi, trỏ Phượng Thư nói:
- Cái con này, thật là miệng nói rông rài!
Giả mẫu cười nói:
- Con Phượng đúng càng ngày càng quen nói rông rài!
Rồi lại bảo:
- Nó đã nhắc đến cây pháo, thì chúng ta cũng lấy pháo ra đốt
để giải rượu.
Giả Dung nghe nói, liền dẫn bọn người hầu dựng cái giá ở sân,
rồi treo sẵn pháo lên. Thứ pháo này là của các nơi đem đến tiến cống, tuy không
to lắm, nhưng làm rất công phu. Khi pháo nổ, sẽ có đủ những sự tích và đủ các
màu sắc, lại kèm thêm pháo hoa. Đại Ngọc vốn người yếu sẵn, không chịu nổi những
tiếng nổ to, Giả mẫu liền ôm cô ta vào lòng. Tiết Phu nhân cũng ôm lấy Tương
Vân. Tương Vân cười nói:
- Cháu không sợ.
Bảo Thoa cười nói:
- Xưa nay nó vẫn thích đốt pháo lớn, còn sợ cái gì.
Vương phu nhân cũng ôm Bảo Ngọc vào lòng. Phượng Thư cười
nói:
- Chúng tôi thì chẳng ai thương cả!
Vưu Thị cười nói:
- Có tôi đây, tôi ôm thím vào lòng nhé. Bây giờ lại làm nũng
rồi đấy. Nghe nói nổ pháo thì thích như “uống nước đái con ong” ấy lại còn làm
bộ.
Phượng Thư cười nói:
- Chờ xong đây, chúng ta sẽ về trong vườn đốt pháo nữa. Tôi
còn đốt giỏi hơn bọn người hầu kia đấy.
Đương nói chuyện thì bên ngoài đã đốt luôn các thứ pháo. Nào
là kiểu “mãn thiên tinh” (sao khắp trời), nào là “cửu long nhập vân” (chín con
rồng lượn trong đám mây), nào là “bình địa nhất thanh lôi” (một tiếng sấm trên
đất bằng), nào là “phi thiên thập hưởng” (mười tiếng nổ tung trên trời). Đốt
pháo xong, lại sai bọn con hát nhỏ đánh một hồi trống “liên hoa lạc” (hoa sen rụng),
rồi rắc đầy tiền trên sàn hát để đám trẻ con lên cướp làm trò vui.
Khi ăn cháo, Giả mẫu nói:
- Đêm dài quá đâm ra đói.
Phượng Thư vội nói:
- Đã sắp sẵn cháo vịt rồi.
- Ta ăn thứ gì thanh đạm thôi.
- Đã có thứ cháo gạo tám nấu với táo để cho các bà ăn chay.
- Ta ăn món ấy thôi.
Lúc đó bàn tiệc đã dọn đi cả, khắp trong ngoài lại bày đặt
các món ăn thanh đạm. Ai muốn gì thì ăn. Súc miệng xong, ai nấy đều về.
Đến sáng hôm mười bảy, Giả mẫu lại sang phủ Ninh làm lễ chờ
đóng cửa nhà thờ, thu dọn ảnh, xong mới về. Hôm ấy Tiết phu nhân lại mời Giả mẫu
đến uống rượu tết. Ngày mười tám, nhà Lại Đại mời. Ngày mười chín nhà Lai Thăng
bên phủ Ninh mời. Ngày hai mươi, nhà Lâm Chí Hiếu mời. Ngày hai mươi mốt, nhà
Đan Đại Lương mời. Ngày hai mươi hai, nhà Ngô Tân Đăng mời. Có ngày Giả mẫu đi,
có ngày Giả mẫu không đi. Khi cao hứng thì đợi cho tiệc tan mới về, không vui
thì chỉ đến một lúc là về ngay. Các bạn hữu lại mời hoặc lại dự tiệc, Giả mẫu
nhất thiết không tiếp, mặc cho Hình phu nhân, Vương phu nhân và Phượng Thư
trông nom. Ngay Bảo Ngọc cũng chỉ đến nhà Vương Tử Đằng thôi, còn đều từ chối cả,
chỉ nói là Giả mẫu giữ lại ở nhà để cho đỡ buồn.
Chú thích:
Chú thích:
1. Vở kịch do Từ Thúc Hồi đời nhà Minh soạn, diễn tích Triệu
Thuẫn người nước Tấn đời Xuân Thu.
2. Một chuyện thần thoại diễn tích Kim Hoa nương nương.
3. Phượng Thư toàn dùng những câu cuối hồi các truyện ra để
pha trò cười.
4. Chuyện ông Lão Lai đã 70 tuổi, còn mặc áo hoa sặc sỡ, múa
hát để bố mẹ vui.
5. Trong Tây sương ký: Khi Tôn Phi Hổ đem quân đến vây chùa
Tướng Quốc, chú tiểu Huệ Minh đã dũng cảm, cầm lá thư của Trương Sinh đưa đến Bạch
Mã tướng quân, nhờ đem quân về giải vây, cứu thoát mẹ con Thôi Oanh Oanh trong
tay giặc.
6. Vui mừng xuân đến cả cuối lông mày ý nói vui mừng quá.
Hồi 55:
Mắng con gái mình, dì Triệu tức nhảm;
Khinh cô chủ bé, mụ Ngô ác ngầm.
Ngày tết đã qua. Lúc này trong cung có vị thái phi bị yếu do
đức vua lấy đạo hiếu trị thiên hạ, nên các phi tần đều bớt món ăn, thôi trang
điểm, không những không về thăm cha mẹ, mà mọi yến tiệc cũng đều bỏ cả. Vì vậy
phủ Vinh trong đêm nguyên tiêu năm nay cũng không có buổi đố đèn. Tết vừa qua,
Phượng Thư bị tiểu sản, phải nằm ở nhà một tháng, không trông nom được công việc,
ngày nào cũng mời hai, ba thầy thuốc đến chữa. Phượng Thư cậy mình khỏe, tuy
không đi ra ngoài,nhưng vẫn lo tính công việc, hễ nghĩ đến điều gì là sai ngay
Bình Nhi sang trình Vương phu nhân. Ai can ngăn cũng không nghe. Vương phu nhân
xem như mất một cánh tay. Một người được bao nhiêu sức lực, nên việc gì quan trọng,
bà ta mới nhìn đến, còn việc lặt vặt trong nhà đều giáo cho Lý Hoàn trông nom.
Lý Hoàn vốn là người trọng đức không trọng tài, đâm ra nuông chiều người dưới
quá. Vương phu nhân liền sai Thám Xuân hợp sức trông nom với Lý Hoàn. Cũng tưởng
chỉ độ một tháng, Phượng Thư khỏi rồi, lại giao giả công việc cho chị ta; nào
ngờ Phượng Thư vốn đã hư nhược, còn trẻ người, không biết giữ gìn, xưa nay lại
hay khoe khôn cậy khéo, nên sức càng yếu thêm, tuy là tiểu sản, nhưng thực ra
trong người hư nhược lắm rồi. Sau một tháng, lại thêm bênh rong huyết. Tuy chị
ta không chịu nói ra, nhưng mọi người thấy mặt mũi vàng vọt, biết ngay là kém
điều dưỡng. Vương phu nhân bắt phải uống thuốc và nghỉ ngơi, không được nghĩ đến
việc gì cả. Phượng Thư cung sợ bệnh nặng thêm, người ta cười chê, nên cũng muốn
nhân lúc rỗi để tĩnh dưỡng, chỉ bực mình không mau được khỏe như cũ. Ngờ đâu uống
thuốc đến ba tháng, bệnh mới đỡ.
Vương phu nhân thấy Phượng Thư như thế, Thám Xuân và Lý Hoàn
mới cáng đáng công việc, sợ trong vườn nhiều người, không trông nom xuể, bèn nhờ
Bảo Thoa trông nom hộ các nơi cho cẩn thận, và dặn: “Bọn bà già thực vô dụng,
ban ngày thì ngủ, đêm đến lại bài bạc. Ta biết cả rồi. Khi chị Phượng còn trông
nom công việc, họ còn chút sợ hãi, bây giờ thì tha hồ bừa bãi. Cháu là người đứng
đắn, các em cháu hãy còn bé cả, ta lại không có thì giờ, nhờ cháu chịu vất vả
trông nom hộ ít ngày. Nếu xảy ra việc gì cháu đến nói với ta, chớ để khi cụ hỏi
đến, lại không biết trả lời ra sao. Có người nào hư, cháu cứ răn bảo, nếu nói
không nghe, sẽ nói cho ta biết, không nên để xảy ra to chuyện.” Bảo Thoa nghe
nói, đành xin vâng lời.
Bấy giờ đã cuối xuân, Đại Ngọc lại ho trở lại. Tương Vân cũng
bị cảm nằm ở Hành Vu Uyển, suốt ngày thuốc men không ngớt.
Thám Xuân và Lý Hoàn ở cách nhau, nên có việc gì, người đi lại
trình báo rất không tiện. Họ bàn với nhau, cứ mỗi buổi sáng cùng đến bàn việc ở
ba gian nhà hoa bên phía nam cửa vườn. Từ sau bữa cơm sáng, đến quá trưa họ mới
về.
Ba gian nhà này là chỗ đứng chực của bọn thái giám trong dịp
Quý phi về thăm nhà. Sau đó bỏ không, chỉ để bọn bà già đến canh đêm. Bây giờ
trời ấm, nên không cần phải sửa sang mấy, chỉ bày biện qua loa cho hai người ngồi
thôi. Nhà này cũng có cái biển đề bốn chữ “phụ nhân dụ đức” (giúp nhân khuyên đức)
người trông nhà thường chỉ gọi là “nhà bàn việc”. Hai người cứ giờ mão đến, giờ
ngọ về. Bọn đàn bà giữ việc, đi lại trình báo không ngớt. Ban đầu, mọi người thấy
một mình Lý Hoàn trông nom, trong bụng đều mừng thầm, vì Lý Hoàn xưa nay là người
trung hậu, chỉ làm ơn chứ không hay phạt ai. Sau thêm Thám Xuân. Thấy vậy ai
cũng yên trí đó là một cô tiểu thư trẻ tuổi, chưa từng ra khỏi buồng the, mà
tính khí xưa nay lại hòa nhã điềm đạm. Vì thế công việc trễ nải hơn khi Phượng
Thư trông nom. Nhưng sau ba, bốn ngày, qua mấy việc, dần dần thấy rõ Thám Xuân
sành sỏi chẳng kém gì Phượng Thư, chỉ khác là tính tình hòa nhã, nói năng dịu
dàng mà thôi.
Vừa hay trong mấy ngày liền, có hàng mười mấy nơi, nào là
vương công hầu bá, quan viên thế tập hoặc là họ hàng, hoặc là bạn thân của hai
phủ Vinh, Ninh, người được thăng chức đổi đi nơi khác, người bị giáng truất, hoặc
có việc tang hay việc hôn, Vương phu nhân phải đi mừng, đi viếng, đưa đón không
lúc nào rỗi, nên bên ngoài lại càng không có ai trông nom. Lý Hoàn và Thám Xuân
ngày nào cũng phải ngồi ở nhà hoa, Bảo Thoa thì lên nhà trên trông nom, đến khi
Vương phu nhân về mới nghỉ.
Ban đêm khâu vá, xong trước khi đi ngủ, họ ngồi kiệu dẫn những
người canh trong vườn đi xem xét các nơi một lượt. Ba người này làm như thế, so
với lúc Phượng Thư giữ việc lại có phần cẩn thận hơn. Vì thế các người hầu
trong ngoài oán ngầm: “Một con quỉ dạ soa vừa ngã, thì ba sao thái tuế lại
lên”, ngay đến cả việc uống trộm chơi trộm ban đêm cũng không được nữa.
Hôm ấy Vương phu nhân đi dự tiệc ở phủ Cẩm Hương Hầu, Lý Hoàn
và Thám Xuân rửa mặt chải đầu xong, đứng chực để đưa ra cửa. Khi Vương phu nhân
đi rồi, hai người mới về nhà hoa ngồi, vừa uống chén nước, thấy vợ Ngô Tân Đăng
đến trình:
- Em dì Triệu là Triệu Quốc Cơ hôm nọ chết, đã trình cụ và bà
Hai, người nói biết rồi, và bảo đến trình cô.
Nói xong, liền buông thõng tay đứng cạnh. Bấy giờ có nhiều
người đến trình việc, đều thăm dò xem Lý Hoàn và Thám Xuân làm ăn thế nào. Nếu
sắp đặt thỏa đáng, thì họ mới sợ, có thiếu sót điều gì, không những họ không phục,
mà khi ra đến cửa ngoài lại còn nói nhiều câu chế giễu, để làm trò cười. Vợ Ngô
Tân Đăng đã có ý định như vậy, nên trước đây đối với Phượng Thư, chị ta tỏ vẻ
ân cần, đưa nhiều ý và tra lệ cũ ra, tùy Phượng Thư lựa chọn mà làm; nhưng bây
giờ chị ta coi thường Lý Hoàn là người thực thà, Thám Xuân là cô gái trẻ tuổi,
nên chỉ nói thõng một câu, để xem ý định của hai người ra sao.
Thám Xuân hỏi Lý Hoàn. Lý Hoàn nghĩ một lúc rồi nói:
- Hôm nọ thấy nói mẹ Tập Nhân chết, có giúp cho bốn mươi lạng
bạc, bây giờ ta cũng nên giúp cho bốn mươi lạng.
Vợ Ngô Tân Đăng liền “vâng” một tiếng, rồi cầm thẻ đi lĩnh tiền.
Thám Xuân nói:
- Chị hãy quay lại đây.
Vợ Ngô Tân Đăng đành phải quay lại. Thám Xuân nói:
- Chị khoan chi tiền. Tôi hỏi chị: Mấy năm trước, các bà dì ở
trong nhà cụ, có người ở trong nhà, có người ở ngoài đến, hai hạng khác hẳn
nhau. Khi có bà con chết thì người ở trong nhà được giúp bao nhiêu? Người ở
ngoài được giúp bao nhiêu? Chị nói cho chúng tôi biết.
Nghe hỏi, vợ Ngô Tân Đăng cuống lên, cười nói:
- Việc ấy không can hệ gì, giúp nhiều hay ít, còn ai dám tị nạnh
nữa.
Thám Xuân cười nói:
- Nói càn thế sao được! Cứ ý tôi thì giúp một trăm lạng mới
phải! Nhưng nếu không theo lệ thì chẳng những các chị cười mà sau này tôi cũng
ngượng mặt với mợ Hai nhà chị.
Vợ Ngô Tân Đăng cười nói:
- Đã thế thì tôi đi tra sổ cũ xem, bây giờ không nhớ được.
Thám Xuân cười nói:
- Chị giữ việc lâu nay, còn chưa nhớ được, lại đến làm khó dễ
chúng tôi? Ngày thường chị đến trình với mợ Hai cũng phải đi tra sổ à? Nếu quả
như thế thì mợ Hai không phải là người cay nghiệt, mà là người rộng lượng đấy.
Thôi chị đi lấy sổ cho tôi xem! Nếu nhỡ việc một ngày, người ta không cho là
các chị sơ suất, lại bảo chúng tôi hồ đồ.
Vợ Ngô Tân Đăng đỏ bừng mặt, quay ra. Các người đàn bà đứng đấy
đều lè lưỡi. Rồi có mấy người nữa vào trình việc.
Một lúc vợ Ngô Tân Đăng mang sổ đến. Thám Xuân giở ra xem, có
hai người ở trong nhà được giúp hai mươi bốn lạng, hai người ngoài đến được
giúp bốn mươi lạng. Ngoài ra còn có hai người ở ngoài nữa: một người được giúp
một trăm lạng, một người được giúp sáu mươi lạng. Hai món tiền này ở dưới đều chua
rõ: một người phải rước linh cữu bố mẹ đi ra tỉnh khác, nên giúp thêm sáu mươi
lạng; một người phải mua đất chôn nên giúp thêm hai mươi lạng. Thám Xuân đưa sổ
cho Lý Hoàn xem, rồi nói:
- Giúp hai mươi lạng thôi. Để sổ này ở đây, chúng tôi còn phải
xem lại.
Vợ Ngô Tân Đăng đi ra.
Bỗng thấy dì Triệu đến, Lý Hoàn, Thám Xuân vội mời ngồi. Dì
Triệu nói:
- Người trong nhà này ai cũng muốn giúi đầu tôi xuống, các cô
hãy làm thế nào cho tôi hả giận mới phải!
Dì Triệu vừa nói vừa khóc sướt mướt. Thám Xuân vội nói:
- Dì nói ai thế? Tôi thật không hiểu. Ai giúi đầu dì xuống?
Xin cứ nói ra, tôi sẽ làm cho dì hả giận.
Dì Triệu nói:
- Chính cô giúi đầu tôi xuống, tôi còn biết kêu ai được nữa?
Thám Xuân đứng dậy nói:
- Tôi đâu dám thế.
Lý Hoàn vội đứng dậy khuyên ngăn. Dì Triệu nói:
- Các người hãy ngồi xuống để tôi nói. Tôi dãi dầu chịu đựng
trong nhà này đã chừng này tuổi đầu, mới đẻ được cô và thằng em cô, thế mà bây
giờ không bằng cả con Tập Nhân. Tôi còn mặt mũi nào nữa. Việc này không riêng
gì tôi, mà cả cô cũng mất thể diện đấy.
Thám Xuân cười nói:
- Thế ra vì việc này à! Tôi nghĩ tôi không bao giờ dám làm việc
gì phạm phép trái lễ.
Thám Xuân ngồi xuống, lấy sổ ra đọc cho dì Triệu nghe, lại
nói:
- Đây là thể lệ của ông cha đặt ra từ trước, ai cũng phải
theo thôi, thay đổi thế nào được? Không những riêng đối với chị Tập Nhân, mà
sau này em Hoàn có lấy người hầu ở ngoài, tất nhiên cũng được đối đãi như Tập
Nhân. Đây không phải là việc tranh giành hơn kém, dì không nên nói đến việc có
thể diện hay mất thể diện. Họ là đầy tớ của bà Hai, tôi phải làm theo lệ cũ. Nếu
tôi làm phải, họ sẽ đội ơn tổ tiên và bà Hai; nếu bảo tôi làm không công bằng,
thì đó là tự họ hồ đồ không biết phúc phận dấy thôi, dù có oán trách tôi cũng mặc.
Dù bà Hai có cho cả cái nhà đi nữa, tôi cũng chẳng được thể diện gì, mà không
cho một đồng nào, tôi cũng chẳng mất thể diện. Cứ ý tôi, hiện giờ bà Hai đi vắng
chưa về, dì nên yên tĩnh giữ sức khỏe, tội gì phải bận lòng thế. Bà Hai rất
thương tôi, vì dì cứ hay tính chuyện, nên mấy lần người rất phiền lòng. Nếu tôi
là con giai được ra ngoài lập công danh, thì đã đành đi một nhẽ. Nhưng tôi lại
là con gái, ăn nói phải giữ gìn từng câu. Trong bụng bà Hai đã biết hết, vì người
tin tôi nên mới bảo tôi trông nom việc nhà. Tôi chưa làm được cái gì đáng kể,
dì đã đến giày vò tôi. Nếu bà Hai biết, sợ tôi khó xử không cho tôi trông nom nữa,
thế mới thật là mất thể diện. Và ngay dì cũng mất thể diện nữa.
- Bà Hai thương cô, cô càng nên dắt díu chúng tôi. Đằng này
cô chỉ làm thế nào cho bà Hai thương, lại đâm ra quên hẳn chúng tôi đi.
Thám Xuân nói:
- Tôi quên sao được. Bắt tôi dắt díu cái gì? Cứ đi hỏi các
người xem. Chủ nào mà chẳng thương những người làm được việc. Đã là người giỏi
thì còn cần ai dắt díu nữa.
Lý Hoàn đứng ở bên cạnh cứ khuyên:
- Dì đừng nóng nảy thế, cũng không nên trách cô ấy. Dù trong
bụng cô ấy muốn dắt díu chăng nữa, cũng không khi nào nói ra miệng được.
Thám Xuân nói:
- Chị Cả cũng hồ đồ! Tôi dắt díu được ai? Có các cô nhà nào lại
đi dắt díu bọn đầy tớ? Họ hay dở thế nào, các người chắc cũng biết đấy, can gì
đến tôi?
Dì Triệu tức tối hỏi:
- Ai bảo cô dắt díu người khác. Nếu cô không trông nom việc
nhà, thì tôi chẳng đến hỏi làm gì. Bây giờ cô nói một là một, hai là hai. Cậu của
cô chết, cô có cho thêm hai, ba mươi lạng, chẳng lẽ bà Hai lại không bằng lòng
hay sao? Rõ ràng bà Hai tốt bụng, chỉ vì các người cay nghiệt đấy thôi. Đáng tiếc
là bà Hai muốn ban ơn cũng không biết ban vào chỗ nào được! Cô cứ yên tâm! Việc
này không phải tiêu tiền của cô đâu! Sau này cô đi lấy chồng, tôi còn mong gì
cô nhìn ngó đến nhà họ Triệu nữa! Bây giờ chưa mọc cánh mà đã quên tổ chỉ chực
chọn cây cao mà bay thôi.
Thám Xuân chưa nghe hết lời, tức tái mặt, nghẹn ngào khóc nức
khóc nở, hỏi:
- Ai là cậu tôi? Cậu tôi đã thăng chức tuần kiểm chín tỉnh rồi!
Bây giờ lại còn một cậu nào nữa. Xưa nay tôi vẫn kính trọng lẽ phải, nhưng khi
nào lại kính trọng đến những hạng thân thích như thế? Dì nói thế thì sao mỗi
khi em Hoàn đi ra, Triệu Quốc Cơ lại phải đứng dậy? Lại phải theo hầu nó đi học?
Sao không giở cái lối ông cậu ra! Ai chả biết dì đẻ ra tôi, cứ vài ba tháng lại
tìm cách gây chuyện, đào bới nhau lên, sợ người ta không biết, nên cố ý bêu ra!
Ai làm cho ai mất thể diện đây! May tôi là đứa biết điều, nếu hồ đồ không giữ lễ
thì đã nóng máu lên rồi.
Lý Hoàn vội vàng khuyên mãi, dì Triệu vẫn cứ càu nhàu không
thôi.
Chợt có người vào nói:
- Mợ Hai sai cô Bình đến có việc.
Dì Triệu mới ngậm miệng không nói nữa. Thấy Bình Nhi đến, dì
Triệu liền cười, mời ngồi, lại vội vàng hỏi:
- Mợ nhà đã khỏi chưa? Tôi định sang thăm nhưng chưa có lúc rỗi.
Lý Hoàn thấy Bình Nhi đến, liền hỏi:
- Đến có việc gì đấy?
- Mợ tôi bảo: em dì Triệu chết rồi, sợ mợ và cô không biết lệ
cũ. Nếu theo lệ thường thì chỉ được cấp hai mươi lạng thôi, nay tùy ý cô châm
chước, thêm ít nhiều nữa cũng được.
Thám Xuân đã lau nước mắt, liền nói:
- Tự dưng vô cớ thêm cái gì? Ai là người “chửa hai mươi bốn
tháng mới đẻ”? Hoặc chăng là người cõng chủ chạy trốn trước trận tiền? Mợ chị
thật khéo quá: bảo tôi bỏ cả lệ đi. Mợ ấy muốn được tiếng tử tế thì cứ việc
vung tiền của bà ra không hề đau xót để lấy lòng người ta. Nhờ chị nói với mợ ấy:
tôi không dám tự ý thêm bớt gì cả. Mợ ấy muốn lấy ơn, chờ khi khỏi đến đây thêm
bao nhiêu thì thêm.
Lúc Bình Nhi đến đã biết việc này, bây giờ nghe nói lại càng
hiểu ý. Thấy Thám Xuân có vẻ tức giận, Bình Nhi không dám giở lối vui đùa như mọi
ngày, cứ thõng tay đứng hầu một bên. Lúc đó Bảo Thoa ở trong buồng trên cũng xuống,
Thám Xuân vội đứng dậy mời ngồi, chưa kịp nói câu gì, đã có người đàn bà đến
trình việc. Thám Xuân vừa mới khóc xong, lên ba, bốn đứa hầu nhỏ bưng chậu nước,
khăn mặt và gương đến. Thám Xuân đương ngồi xếp bằng tròn ở trên giường thấp, một
đứa bưng nước đến trước mặt quỳ xuống giơ cao chậu lên; còn hai đứa cũng đều quỳ
bên cạnh, đưa lên khăn mặt, gương soi và phấn sáp.
Bình Nhi thấy Thị Thư không có ở đây, liền đến vén tay áo,
tháo vòng, lấy cái khăn tay to che vạt áo đằng trước cho Thám Xuân. Thám Xuân vừa
mới thò tay vào chậu nước, đã có một người đàn bà đến trình:
- Thưa mợ, thưa cô, nhà học xin chi tiền học hàng năm cho cậu
Hoàn và anh Lan.
Bình Nhi nói:
- Bà vội gì thế? Cô đang rửa mặt, bà có mở mắt nhìn thấy
không! Sao không ra ngoài kia đứng chờ, lại còn trình cái gì? Trước mặt mợ Hai,
bà cũng dám vô ý như thế à? Cô đây tuy rộng lượng thực, nhưng tôi mà về trình mợ
Hai, nói là các bà không coi cô ra gì, có bị quở phạt thì đừng trách tôi!
Người đàn bà ấy sợ hãi, vội cười nói: “Tôi sơ suất quá!” Rồi
vội vàng lui ra.
Thám Xuân xoa phấn rồi cười nhạt, bảo Bình Nhi:
- Chị đến chậm nên không biết có một việc đáng buồn cười.
Ngay chị Ngô Tân Đăng là người làm việc đã lâu cũng không biết tra sổ rõ ràng,
lại chực đến lòe tôi! May tôi hỏi đến, chị ta lại dám trơ mặt ra nói là quên.
Tôi bảo chị ta, khi có việc đến trình mợ Hai, chị cũng nói là quên rồi đi lục sổ
hay sao? Tôi chắc chủ chị không khi nào chịu để yên cho chị đi tìm!
Bình Nhi nói:
- Nếu chị ta có lần nào như thế, e gân chân bị cắt đứt từ bao
giờ rồi. Cô đừng có tin. Họ thấy mợ Cả lành như bụt, cô lại là vị tiểu thư hay
e lệ, cố nhiên họ sinh lười đến nói bậy đấy thôi.
Bình Nhi lại ngoảnh ra phía ngoài nói:
- Các người cứ việc hỗn láo đi! Chờ mợ Hai khỏi tôi sẽ mách
cho.
Bọn đàn bà ở ngoài cửa đều cười nói:
- Cô là người biết điều. Tục ngữ nói “người nào làm bậy người
ấy chịu”. Chúng tôi có dám dối trá gì chủ đâu. Nay cô chủ là một vị trẻ tuổi được
chiều chuộng quen, cô ấy tức giận, thì chúng tôi chết không có chỗ chôn!
Bình Nhi cười nhạt:
- Các người hiểu nhẽ thế là phải.
Rồi lại cười nói với Thám Xuân:
- Cô đã biết đấy, mợ Hai bận lắm, làm gì mà trông nom đến những
việc ấy! Thế nào cũng không tránh khỏi sơ suất. Tục ngữ nói “người bên cạnh
nhìn rất rõ”. Cô để ý xem, trong mấy năm nay, có việc gì nên thêm nên bớt, mà mợ
Hai chưa kịp làm, thì cô cứ sửa đổi lại. Một là có lợi cho bà Hai, hai là không
phụ tình nghĩa cô đối với mợ tôi.
Bảo Thoa, Lý Hoàn nghe vậy đều cười, nói:
- Chị này giỏi thật! Không trách chị Phượng yêu chị. Chẳng có
việc gì đáng thêm bớt cả, nhưng nghe chị nói, chúng tôi cũng phải tìm vài việc
châm chước mà làm để khỏi phụ câu nói của chị.
Thám Xuân cười nói:
- Tôi tức đầy ruột, đang định đem chị ấy ra nói cho hả giận,
nhưng nghe đến những lời của chị ấy, làm tôi quên hẳn những chuyện trước.
Thám Xuân liền gọi người đàn bà lúc nãy vào hỏi:
- Tiền học hàng năm của cậu Hoàn và anh Lan là dùng vào việc
gì?
- Tiền ăn sáng và mua bút giấy hàng năm ở trong trường, mỗi
người phải tiêu mất tám lạng bạc.
- Những tiền các cậu ấy tiêu, đều ở trong sổ lương hàng
tháng, phần cậu Hoàn do dì Triệu lĩnh hai lạng, phần cậu Bảo Ngọc do Tập Nhân ở
nhà cụ lĩnh hai lạng; phần anh Lan do mợ Cả lĩnh, làm gì mỗi người còn phải
thêm tám lạng nữa! Thì ra đi học là chỉ vì tám lạng bạc ấy à! Từ nay trở đi bỏ
khoản này đi. Chị Bình về trình với mợ chị rằng tôi bảo thế nào cũng phải bỏ
món này.
Bình Nhi cười nói:
- Đáng lẽ bỏ lâu rồi. Năm ngoái mợ tôi đã bảo bỏ đi, nhưng vì
cuối năm bận quá, quên khuấy đi mất.
Người đàn bà đó đành vâng lời đi ra. Lại có người đàn bà ở
trong vườn Đại Quan bưng cơm đến. Thị Thư và Tố Vân mang một cái bàn nhỏ vào.
Bình Nhi vội đứng dậy dọn cơm, Thám Xuân cười nói:
- Chị xong việc rồi thì về, ở đây làm gì nữa.
Bình Nhi cười nói:
- Tôi ở nhà không có việc gì. Mợ tôi bảo đến đây, một là để
trình việc, hai là sợ những người ở đây chưa quen, nên sai tôi đến hầu mợ, hầu
cô giúp các chị em.
Thám Xuân hỏi:
- Sao không mang đồ ăn của cô Bảo đến đây cùng ăn một thể?
A hoàn nghe nói, ra ngoài thềm bảo lũ đàn bà:
- Cô Bảo hôm nay cũng ăn cơm ở đây, bảo họ mang cơm đến.
Thám Xuân quát to:
- Mày không được sai bậy! Những người này đều là các bà trông
nom công việc lớn trong nhà. Chúng mày không biết ai là người trên kẻ dưới, dám
sai các bà ấy đi lấy cơm lấy nước à? Chị Bình đứng đấy, bảo chị ấy đi gọi hộ!
Bình Nhi vội vâng lời đi ra, đám đàn bà khẽ kéo lại:
- Việc gì cô phải đi? Chúng tôi đã có người đi gọi rồi.
Vừa nói họ vừa lấy khăn tay phủi đất ở trên thềm, nói:
- Cô đứng mãi mỏi chân, hãy ngồi nghỉ ngoài nắng một lúc.
Bình Nhi ngồi xuống, có hai bà già ở phòng trà mang cái thảm
rải ra và nói:
- Đá lạnh. Thảm này sạch sẽ đấy, mời cô ngồi tạm.
Bình Nhi gật đầu cười nói: “Cám ơn”.
Một người nữa lại pha một chén nước trà rất ngon đem đến, khẽ
cười nói:
- Đây không phải là trà của chúng tôi thường dùng đâu. Trà
này chỉ để pha cho các cô uống thôi, mời cô hãy uống một chén cho đỡ khát.
Bình Nhi nghiêng mình cầm lấy, rồi trỏ vào bọn đàn bà khẽ
nói:
- Các người chẳng ra cái gì cả! Cô ấy là cô gái con nhà đại
gia, không muốn ra oai nổi giận, đó là người biết giữ giá. Thế mà các bà lại
khinh nhờn cô ấy. Nếu để cô ấy phải cáu lên, dù mang tiếng là người lỗ mãng,
nhưng các bà lại bị thiệt rất nhiều! Cô ấy làm nũng, bà Hai cũng phải chiều một
phần nào, mợ Hai cũng chẳng dám làm gì. Thế mà các bà lại cả gan không coi cô ấy
ra gì, khác nào trứng chọi với đá?
- Chúng tôi khi nào dám cả gan thế? Đó đều tự dì Triệu gây
ra!
- Thôi! Các bà ơi, “giậu đổ bìm leo”, dì Triệu vốn hay nông nổi,
không biết nghĩ xa nghĩ gần, nên việc gì cũng chỉ đổ riệt cho dì ấy. Ngày thường
các bà bụng dạ ghê gớm, chẳng coi ai ra gì, tôi đã biết từ mấy năm nay rồi.
Ngay mợ Hai có tý gì sơ suất là các bà đã nghĩ cách định đè bẹp xuống. Đã thế,
hễ sểnh ra là y rằng các bà tìm cách làm khó dễ. Đã nhiều lần mợ ấy chưa hỏi tội
các bà đấy. Ai cũng cho là mợ ấy ghê gớm, các bà đều sợ cả nhưng chỉ có tôi biết
là trong bụng mợ ấy cũng không phải là không gờm các bà. Hôm nọ chúng tôi đã
bàn đến việc này. Nếu không trên thuận dưới hòa, rồi thế nào cũng sẽ sinh chuyện.
Cô Ba hãy còn trẻ, các bà đều coi thường. Nhưng trong các cô lớn, cô bé ở đây, mợ
Hai cũng phải nể dăm phần. Thế mà các bà lại không coi cô ấy ra gì à?
Chợt Thu Văn đi vào, bọn đàn bà vội chạy đến chào hỏi, rồi
nói:
Thu Văn cười nói:
- Tôi đâu có rỗi được như các bà, chờ thế nào được.
Thu Văn định vào ngay, Bình Nhi vội gọi giật lại. Thu Văn
quay lại thấy Bình Nhi, cười nói:
- Chị đến đây canh gác gì ở ngoài vườn đấy?
Rồi quay lại ngồi vào thảm cạnh Bình Nhi, Bình Nhi khẽ hỏi:
- Trình việc gì?
- Tôi muốn hỏi xem tiền lương của cậu Bảo và tiền lương của
chúng tôi bao giờ mới được lĩnh.
- Việc ấy có quan hệ gì. Cô về báo chị Tập Nhân rằng: hôm
nay, dù có việc gì cũng chớ nên trình. Trình một việc là bị bác một việc, trình
một trăm việc bị bác một trăm đấy!
- Tại sao thế?
Bình Nhi và bọn đàn bà đều kể lại đầu đuôi câu chuyện cho Thu
Văn nghe, và nói:
- Họ đương muốn moi những chỗ quan hệ và những người có thể
diện ra mở đầu, tìm cách áp lép để làm gương cho mọi người đấy. Tội gì bây giờ
cô lại đến trước để chạm vào cái đinh ấy. Nay cô đến trình, nếu họ bác lời cô để
làm gương cho người khác, thì lại động đến cụ và bà Hai, nếu không nhè vào nhà
các cô mà bác đi một vài việc, người ta lại bảo là thiên người nọ vị ngươi kia,
ai dựa vào uy thế cụ và bà Hai thì không dám động đến, chỉ đem những người yếu
thế ra làm bung xung đấy thôi. Cô xem đấy, việc của mợ Hai, họ còn bác đi vài
khoản, có như thế mới chặn được họng mọi người chứ.
Thu Văn lè lưỡi cười nói:
- May gặp chị ở đây, chứ không thì lại bị trát gio vào mặt rồi.
Tôi phải mau mau về báo tin cho chúng nó biết.
Cơm của Bảo Thoa đã mang đến. Bình Nhi vội đứng dậy vào hầu.
Lúc đó dì Triệu đã về rồi, ba người ngồi ở giường ăn cơm. Bảo Thoa ngoảnh về hướng
nam, Thám Xuân ngoảnh về hướng tây, Lý Hoàn ngoảnh về hướng đông, bọn đàn bà ớ
dưới thềm im lặng đứng chờ, bên trong chỉ có a hoàn hầu cận đứng hầu, người
khác không ai dám vào cả.
Lũ đàn bà khẽ bàn tán với nhau:
- Chúng ta bỏ cái lối ấy đi, đừng giữ ý nghĩ xằng bậy nữa. Bà
Ngô cũng còn bẽ mặt nữa là chúng mình đã thấm vào đâu.
Mọi người chờ họ ăn xong mới dám vào trình việc. Bây giờ ở
phía trong thỉnh thoảng có tiếng đằng hắng khẽ, ngoài ra không ai nghe thấy chạm
bát chạm đũa. Một lát sau, một a hoàn vén rèm lên, rồi hai a hoàn khiêng bàn ăn
ra. Trong buồng trà, ba a hoàn bưng sẵn ba chậu nước rửa mặt, đi vào. Một lúc,
họ mang chậu nước và ống nhổ ra, rồi Thị Thư, Tố Vân và Oanh Nhi mỗi người bưng
một cái khay đựng ba tách nước có nắp vào. Sau khi bọn a hoàn kia ra, Thị Thư bảo
đứa hầu nhỏ:
- Chúng bay phải hầu hạ tử tế, không được ngồi lảng một chỗ.
Ta đi ăn cơm rồi sẽ về thay.
Bấy giờ mọi người mới rón rén đi vào trình việc, không dám
nhâng nháo như trước nữa.
Thám Xuân vừa mới nguôi giận, nhân bảo Bình Nhi:
- Tôi có một việc quan hệ, muốn bàn mới mợ chị, nay mới nhớ
ra. Chị về ăn cơm xong, lại đây ngay. Cô Bảo cũng còn ở đây, bốn chúng ta sẽ
bàn với nhau, rồi hỏi mợ chị xem có nên làm hay không.
Bình Nhi vâng lời đi về. Phượng Thư hỏi:
- Làm sao đi lâu thế?
Bình Nhi cười, kể lại những việc vừa mới xảy ra. Phượng Thư
cười nói:
- Cô Ba khá đấy! Ta nói không sai. Chỉ tiếc là cô ấy xấu số
không phải bà Hai đẻ ra.
- Mợ cũng nói vớ vẩn. Cô ấy không phải bà Hai đẻ ra, nhưng ai
dám coi cô ấy kém các cô kia?
- Chị biết đâu được! Con vợ lẽ cũng như con vợ cả thực, nhưng
là con gái thì bì thế nào được với con trai. Sau này đến tuổi lấy chồng, những
hạng khinh bạc thường hay dò hỏi con vợ cả hay con vợ lẽ, chỉ vì con vợ lẽ mà
nhiều người không dạm. Chứ họ biết đâu người tử tế, thì dù đứa ở cũng còn gấp
trăm lần cô tiểu thư kia. Sau này, người nào vô phúc kén chọn con vợ cả thì sẽ
bị lầm, người nào có phúc không câu nệ con vợ lẽ mà lấy được cô ấy thì lại hóa
may.
Phượng Thư lại cười nói với Bình Nhi:
- Chị đã biết mấy năm nay ta phải nghĩ ra bao nhiêu cách tằn
tiện, bớt ăn bớt tiêu, có lẽ người trong nhà ai cũng giận ngầm ta cả. Bây giờ
ta như người “cưỡi hổ” vậy, tuy biết thế, nhưng không thể nào rộng rãi được. Vả
chăng trong nhà này chi nhiều thu ít, việc lớn nhỏ đều phải theo lệ của tổ tiên
đặt ra, nhưng hoa lợi thu vào hàng năm lại kém trước nhiều. Rút bớt món tiêu
đi, thì người ngoài chê cười, mà cụ và bà Hai cũng khó chịu, tôi tớ trong nhà
cũng oán ta cay nghiệt. Nếu không tìm cách tằn tiện ngay từ bây giờ, mấy năm nữa
sẽ phải bù mà hết thôi.
- Mợ nói cũng phải đấy! Sau này công việc ba, bốn cô, hai, ba
cậu và cụ đều mợ phải lo cả.
- Ta đã nghĩ đến những việc ấy rồi, cũng có thể đỡ được chú Bảo
và cô Lâm, một người lấy vợ, một người lấy chồng, có thể không phải tiêu tiền
trong phủ, thế nào cụ cũng bỏ tiền riêng của mình ra cho. Cô Hai là người bên
ông Cả, không phải tính đến. Cô Ba, cô Tư có tiêu hoang chăng nữa, cũng chỉ mỗi
người độ vạn bạc thôi. Cậu Hoàn lấy vợ chỉ tiêu mất độ ba nghìn, nếu không đủ
thì bớt đi một món gì đó là xong. Việc tống táng cụ sau này, cái gì cũng sắp sẵn
cả rồi, chỉ phải tiêu những món lặt vặt chừng dăm, ba nghìn lạng. Nếu biết tằn
tiện ngay từ bây giờ cũng đủ. Chỉ sợ tự nhiên xảy ra một vài việc, thì không biết
xoay vào đâu được. Thôi, chúng ta chẳng nên quá lo đến việc sau này. Chị hãy đi
ăn cơm rồi sang xem họ bàn việc gì. Đây cũng là một dịp may. Ta đang lo không
có người giúp đỡ. Tuy có Bảo Ngọc đấy, nhưng chưa quen việc, có lôi kéo được hắn
cũng chẳng ăn thua gì. Mợ Cả thì hiền như bụt, không làm được việc. Cô Hai lại
càng không được, và cũng không phải là người trong nhà này. Cô Tư thì còn bé,
Anh Lan và cậu Hoàn thì như con mèo nhỏ gặp trời lạnh chỉ chờ có bếp lửa là
chui vào sưởi thôi. Thực là cùng một bụng mẹ đẻ ra, mà hai đứa con lại khác
nhau một trời một vực! Nghĩ đến, ta càng không hiểu. Cô Lâm và cô Bảo thì khá đấy,
nhưng đều là họ ngoại, không tiện trông coi việc nhà. Vả chăng một người như
cái đèn mỹ nhân, gió thổi một cái là tắt, một người thì giữ gìn ý tứ, không phải
việc của mình không bao giờ chịu hé răng, hỏi điều gì cứ nguây nguẩy lắc đầu.
Như thế cũng khó mà bàn với cô ta được. Chỉ còn một mình cô Ba là khá cả trong
lẫn ngoài, lại chính là người nhà này, bà lại rất thương cô ấy, chỉ vì dì Triệu
hay sinh chuyện, nên bề ngoài bà có vẻ hững hờ, nhưng trong bụng lúc nào cũng
thương yêu như Bảo Ngọc. Chứ không giống em Hoàn, chẳng ai thương được. Cứ ý ta
thì đã đuổi nó bước đi từ lâu rồi. Nay cô ấy đã có ý định như thế, cũng nên
chung sức mà làm, có hai người giúp đỡ nhau, ta không đến nỗi lẻ loi nữa. Theo
lẽ phải và lương tâm mà nói, đã có cô ấy giúp, chúng ta càng đỡ phải lo nghĩ và
cũng có lợi cho bà. Kể ra về mặt tâm tư nham hiểm, bấy lâu nay ta đã quá cay
nghiệt, bây giờ cũng nên lùi bước nhìn lại xem, cứ khắc khổ mãi, để cho mọi người
căm giận, ngoài miệng họ cười, nhưng trong bụng họ chứa đầy dao găm, mà hai người
chúng ta chỉ có bốn con mắt và hai quả tim, có lúc không kịp đề phòng sẽ hỏng
việc mất. Nhân lúc thuận chiều này, cô ấy đứng ra trông coi công việc, mọi người
sẽ dẹp quên những nỗi tức giận ngày trước đối với chúng ta. Còn một việc nữa,
tuy ta biết chị rất hiểu việc nhưng chỉ sợ trong lòng chị chưa dứt khoát, nay
ta dặn chị, cô ấy tuy là tiểu thư, nhưng việc gì cũng hiểu thấu, ăn nói biết giữ
gìn, lại là người có học. Như vậy cô ấy sẽ ghê gớm hơn ta. Tục ngữ nói: “Bắt giặc
phải bắt tướng”. Muốn ra oai lần đầu, nhất định cô ấy phải kể đến ta trước. Nếu
cô ấy có bác bỏ công việc gì của ta, chị cũng không nên cãi lại, cứ lễ phép nói
rằng bác như thế mới phải. Nhất thiết đừng sợ ta mất thể diện mà chống lại cô ấy
thì không hay đâu.
Bình Nhi không đợi Phượng Thư nói hết, cười nói:
- Chị xem người hồ đồ quá! Tôi làm trước rồi, bây giờ chị mới
dặn!
- Ta sợ chị chỉ hiềm có ta, không biết đến ai, nên phải dặn
thế; nếu đã biết trước, thì chị lại sáng suốt hơn ta đấy. Nhưng chị lại nóng rồi,
sao cứ luôn mồm “chị chị” “tôi tôi” như vậy?
- Cứ gọi là “chị” đấy! Không bằng lòng thì mặt đây tát đi! Ai
bảo là cái mặt này chưa từng bị tát hao giờ?
- Đồ ranh con này, định nhắc lại việc cũ đã từ bao giờ mới
thôi? Xem ta ốm như thế này mà lại còn trêu tức à! Thôi, lại đây ngồi xuống, gặp
lúc không có ai đến, chúng ta nên cùng ngồi ăn một chỗ.
Bọn Phong Nhi ba, bốn đứa mang cái làn nhỏ đến. Phượng Thư chỉ
ăn cháo yến sào và hai đĩa đồ ăn ngon. Vì phần ăn hàng ngày đã rút bớt, Phong
Nhi mang bốn món ăn của Bình Nhi bày lên bàn và xới cơm. Bình Nhi quỳ một chân
lên mép giường, một chân đứng ở dưới, cùng Phượng Thư ăn cơm. Bình Nhi hầu Phượng
Thư súc miệng xong, dặn dò Phong Nhi mấy câu rồi sang bên Thám Xuân. Đến nơi,
thấy trong nhà im lặng, mọi người đã đi cả.
Mắng con gái mình, dì Triệu tức nhảm;
Khinh cô chủ bé, mụ Ngô ác ngầm.
Ngày tết đã qua. Lúc này trong cung có vị thái phi bị yếu do
đức vua lấy đạo hiếu trị thiên hạ, nên các phi tần đều bớt món ăn, thôi trang
điểm, không những không về thăm cha mẹ, mà mọi yến tiệc cũng đều bỏ cả. Vì vậy
phủ Vinh trong đêm nguyên tiêu năm nay cũng không có buổi đố đèn. Tết vừa qua,
Phượng Thư bị tiểu sản, phải nằm ở nhà một tháng, không trông nom được công việc,
ngày nào cũng mời hai, ba thầy thuốc đến chữa. Phượng Thư cậy mình khỏe, tuy
không đi ra ngoài,nhưng vẫn lo tính công việc, hễ nghĩ đến điều gì là sai ngay
Bình Nhi sang trình Vương phu nhân. Ai can ngăn cũng không nghe. Vương phu nhân
xem như mất một cánh tay. Một người được bao nhiêu sức lực, nên việc gì quan trọng,
bà ta mới nhìn đến, còn việc lặt vặt trong nhà đều giáo cho Lý Hoàn trông nom.
Lý Hoàn vốn là người trọng đức không trọng tài, đâm ra nuông chiều người dưới
quá. Vương phu nhân liền sai Thám Xuân hợp sức trông nom với Lý Hoàn. Cũng tưởng
chỉ độ một tháng, Phượng Thư khỏi rồi, lại giao giả công việc cho chị ta; nào
ngờ Phượng Thư vốn đã hư nhược, còn trẻ người, không biết giữ gìn, xưa nay lại
hay khoe khôn cậy khéo, nên sức càng yếu thêm, tuy là tiểu sản, nhưng thực ra
trong người hư nhược lắm rồi. Sau một tháng, lại thêm bênh rong huyết. Tuy chị
ta không chịu nói ra, nhưng mọi người thấy mặt mũi vàng vọt, biết ngay là kém
điều dưỡng. Vương phu nhân bắt phải uống thuốc và nghỉ ngơi, không được nghĩ đến
việc gì cả. Phượng Thư cung sợ bệnh nặng thêm, người ta cười chê, nên cũng muốn
nhân lúc rỗi để tĩnh dưỡng, chỉ bực mình không mau được khỏe như cũ. Ngờ đâu uống
thuốc đến ba tháng, bệnh mới đỡ.
Vương phu nhân thấy Phượng Thư như thế, Thám Xuân và Lý Hoàn
mới cáng đáng công việc, sợ trong vườn nhiều người, không trông nom xuể, bèn nhờ
Bảo Thoa trông nom hộ các nơi cho cẩn thận, và dặn: “Bọn bà già thực vô dụng,
ban ngày thì ngủ, đêm đến lại bài bạc. Ta biết cả rồi. Khi chị Phượng còn trông
nom công việc, họ còn chút sợ hãi, bây giờ thì tha hồ bừa bãi. Cháu là người đứng
đắn, các em cháu hãy còn bé cả, ta lại không có thì giờ, nhờ cháu chịu vất vả
trông nom hộ ít ngày. Nếu xảy ra việc gì cháu đến nói với ta, chớ để khi cụ hỏi
đến, lại không biết trả lời ra sao. Có người nào hư, cháu cứ răn bảo, nếu nói
không nghe, sẽ nói cho ta biết, không nên để xảy ra to chuyện.” Bảo Thoa nghe
nói, đành xin vâng lời.
Bấy giờ đã cuối xuân, Đại Ngọc lại ho trở lại. Tương Vân cũng
bị cảm nằm ở Hành Vu Uyển, suốt ngày thuốc men không ngớt.
Thám Xuân và Lý Hoàn ở cách nhau, nên có việc gì, người đi lại
trình báo rất không tiện. Họ bàn với nhau, cứ mỗi buổi sáng cùng đến bàn việc ở
ba gian nhà hoa bên phía nam cửa vườn. Từ sau bữa cơm sáng, đến quá trưa họ mới
về.
Ba gian nhà này là chỗ đứng chực của bọn thái giám trong dịp
Quý phi về thăm nhà. Sau đó bỏ không, chỉ để bọn bà già đến canh đêm. Bây giờ
trời ấm, nên không cần phải sửa sang mấy, chỉ bày biện qua loa cho hai người ngồi
thôi. Nhà này cũng có cái biển đề bốn chữ “phụ nhân dụ đức” (giúp nhân khuyên đức)
người trông nhà thường chỉ gọi là “nhà bàn việc”. Hai người cứ giờ mão đến, giờ
ngọ về. Bọn đàn bà giữ việc, đi lại trình báo không ngớt. Ban đầu, mọi người thấy
một mình Lý Hoàn trông nom, trong bụng đều mừng thầm, vì Lý Hoàn xưa nay là người
trung hậu, chỉ làm ơn chứ không hay phạt ai. Sau thêm Thám Xuân. Thấy vậy ai
cũng yên trí đó là một cô tiểu thư trẻ tuổi, chưa từng ra khỏi buồng the, mà
tính khí xưa nay lại hòa nhã điềm đạm. Vì thế công việc trễ nải hơn khi Phượng
Thư trông nom. Nhưng sau ba, bốn ngày, qua mấy việc, dần dần thấy rõ Thám Xuân
sành sỏi chẳng kém gì Phượng Thư, chỉ khác là tính tình hòa nhã, nói năng dịu
dàng mà thôi.
Vừa hay trong mấy ngày liền, có hàng mười mấy nơi, nào là
vương công hầu bá, quan viên thế tập hoặc là họ hàng, hoặc là bạn thân của hai
phủ Vinh, Ninh, người được thăng chức đổi đi nơi khác, người bị giáng truất, hoặc
có việc tang hay việc hôn, Vương phu nhân phải đi mừng, đi viếng, đưa đón không
lúc nào rỗi, nên bên ngoài lại càng không có ai trông nom. Lý Hoàn và Thám Xuân
ngày nào cũng phải ngồi ở nhà hoa, Bảo Thoa thì lên nhà trên trông nom, đến khi
Vương phu nhân về mới nghỉ.
Ban đêm khâu vá, xong trước khi đi ngủ, họ ngồi kiệu dẫn những
người canh trong vườn đi xem xét các nơi một lượt. Ba người này làm như thế, so
với lúc Phượng Thư giữ việc lại có phần cẩn thận hơn. Vì thế các người hầu
trong ngoài oán ngầm: “Một con quỉ dạ soa vừa ngã, thì ba sao thái tuế lại
lên”, ngay đến cả việc uống trộm chơi trộm ban đêm cũng không được nữa.
Hôm ấy Vương phu nhân đi dự tiệc ở phủ Cẩm Hương Hầu, Lý Hoàn
và Thám Xuân rửa mặt chải đầu xong, đứng chực để đưa ra cửa. Khi Vương phu nhân
đi rồi, hai người mới về nhà hoa ngồi, vừa uống chén nước, thấy vợ Ngô Tân Đăng
đến trình:
- Em dì Triệu là Triệu Quốc Cơ hôm nọ chết, đã trình cụ và bà
Hai, người nói biết rồi, và bảo đến trình cô.
Nói xong, liền buông thõng tay đứng cạnh. Bấy giờ có nhiều
người đến trình việc, đều thăm dò xem Lý Hoàn và Thám Xuân làm ăn thế nào. Nếu
sắp đặt thỏa đáng, thì họ mới sợ, có thiếu sót điều gì, không những họ không phục,
mà khi ra đến cửa ngoài lại còn nói nhiều câu chế giễu, để làm trò cười. Vợ Ngô
Tân Đăng đã có ý định như vậy, nên trước đây đối với Phượng Thư, chị ta tỏ vẻ ân
cần, đưa nhiều ý và tra lệ cũ ra, tùy Phượng Thư lựa chọn mà làm; nhưng bây giờ
chị ta coi thường Lý Hoàn là người thực thà, Thám Xuân là cô gái trẻ tuổi, nên
chỉ nói thõng một câu, để xem ý định của hai người ra sao.
Thám Xuân hỏi Lý Hoàn. Lý Hoàn nghĩ một lúc rồi nói:
- Hôm nọ thấy nói mẹ Tập Nhân chết, có giúp cho bốn mươi lạng
bạc, bây giờ ta cũng nên giúp cho bốn mươi lạng.
Vợ Ngô Tân Đăng liền “vâng” một tiếng, rồi cầm thẻ đi lĩnh tiền.
Thám Xuân nói:
- Chị hãy quay lại đây.
Vợ Ngô Tân Đăng đành phải quay lại. Thám Xuân nói:
- Chị khoan chi tiền. Tôi hỏi chị: Mấy năm trước, các bà dì ở
trong nhà cụ, có người ở trong nhà, có người ở ngoài đến, hai hạng khác hẳn
nhau. Khi có bà con chết thì người ở trong nhà được giúp bao nhiêu? Người ở
ngoài được giúp bao nhiêu? Chị nói cho chúng tôi biết.
Nghe hỏi, vợ Ngô Tân Đăng cuống lên, cười nói:
- Việc ấy không can hệ gì, giúp nhiều hay ít, còn ai dám tị nạnh
nữa.
Thám Xuân cười nói:
- Nói càn thế sao được! Cứ ý tôi thì giúp một trăm lạng mới
phải! Nhưng nếu không theo lệ thì chẳng những các chị cười mà sau này tôi cũng
ngượng mặt với mợ Hai nhà chị.
Vợ Ngô Tân Đăng cười nói:
- Đã thế thì tôi đi tra sổ cũ xem, bây giờ không nhớ được.
Thám Xuân cười nói:
- Chị giữ việc lâu nay, còn chưa nhớ được, lại đến làm khó dễ
chúng tôi? Ngày thường chị đến trình với mợ Hai cũng phải đi tra sổ à? Nếu quả
như thế thì mợ Hai không phải là người cay nghiệt, mà là người rộng lượng đấy.
Thôi chị đi lấy sổ cho tôi xem! Nếu nhỡ việc một ngày, người ta không cho là
các chị sơ suất, lại bảo chúng tôi hồ đồ.
Vợ Ngô Tân Đăng đỏ bừng mặt, quay ra. Các người đàn bà đứng đấy
đều lè lưỡi. Rồi có mấy người nữa vào trình việc.
Một lúc vợ Ngô Tân Đăng mang sổ đến. Thám Xuân giở ra xem, có
hai người ở trong nhà được giúp hai mươi bốn lạng, hai người ngoài đến được
giúp bốn mươi lạng. Ngoài ra còn có hai người ở ngoài nữa: một người được giúp
một trăm lạng, một người được giúp sáu mươi lạng. Hai món tiền này ở dưới đều chua
rõ: một người phải rước linh cữu bố mẹ đi ra tỉnh khác, nên giúp thêm sáu mươi
lạng; một người phải mua đất chôn nên giúp thêm hai mươi lạng. Thám Xuân đưa sổ
cho Lý Hoàn xem, rồi nói:
- Giúp hai mươi lạng thôi. Để sổ này ở đây, chúng tôi còn phải
xem lại.
Vợ Ngô Tân Đăng đi ra.
Bỗng thấy dì Triệu đến, Lý Hoàn, Thám Xuân vội mời ngồi. Dì
Triệu nói:
- Người trong nhà này ai cũng muốn giúi đầu tôi xuống, các cô
hãy làm thế nào cho tôi hả giận mới phải!
Dì Triệu vừa nói vừa khóc sướt mướt. Thám Xuân vội nói:
- Dì nói ai thế? Tôi thật không hiểu. Ai giúi đầu dì xuống?
Xin cứ nói ra, tôi sẽ làm cho dì hả giận.
Dì Triệu nói:
- Chính cô giúi đầu tôi xuống, tôi còn biết kêu ai được nữa?
Thám Xuân đứng dậy nói:
- Tôi đâu dám thế.
Lý Hoàn vội đứng dậy khuyên ngăn. Dì Triệu nói:
- Các người hãy ngồi xuống để tôi nói. Tôi dãi dầu chịu đựng
trong nhà này đã chừng này tuổi đầu, mới đẻ được cô và thằng em cô, thế mà bây
giờ không bằng cả con Tập Nhân. Tôi còn mặt mũi nào nữa. Việc này không riêng
gì tôi, mà cả cô cũng mất thể diện đấy.
Thám Xuân cười nói:
- Thế ra vì việc này à! Tôi nghĩ tôi không bao giờ dám làm việc
gì phạm phép trái lễ.
Thám Xuân ngồi xuống, lấy sổ ra đọc cho dì Triệu nghe, lại
nói:
- Đây là thể lệ của ông cha đặt ra từ trước, ai cũng phải
theo thôi, thay đổi thế nào được? Không những riêng đối với chị Tập Nhân, mà
sau này em Hoàn có lấy người hầu ở ngoài, tất nhiên cũng được đối đãi như Tập
Nhân. Đây không phải là việc tranh giành hơn kém, dì không nên nói đến việc có
thể diện hay mất thể diện. Họ là đầy tớ của bà Hai, tôi phải làm theo lệ cũ. Nếu
tôi làm phải, họ sẽ đội ơn tổ tiên và bà Hai; nếu bảo tôi làm không công bằng,
thì đó là tự họ hồ đồ không biết phúc phận dấy thôi, dù có oán trách tôi cũng mặc.
Dù bà Hai có cho cả cái nhà đi nữa, tôi cũng chẳng được thể diện gì, mà không
cho một đồng nào, tôi cũng chẳng mất thể diện. Cứ ý tôi, hiện giờ bà Hai đi vắng
chưa về, dì nên yên tĩnh giữ sức khỏe, tội gì phải bận lòng thế. Bà Hai rất
thương tôi, vì dì cứ hay tính chuyện, nên mấy lần người rất phiền lòng. Nếu tôi
là con giai được ra ngoài lập công danh, thì đã đành đi một nhẽ. Nhưng tôi lại
là con gái, ăn nói phải giữ gìn từng câu. Trong bụng bà Hai đã biết hết, vì người
tin tôi nên mới bảo tôi trông nom việc nhà. Tôi chưa làm được cái gì đáng kể,
dì đã đến giày vò tôi. Nếu bà Hai biết, sợ tôi khó xử không cho tôi trông nom nữa,
thế mới thật là mất thể diện. Và ngay dì cũng mất thể diện nữa.
Thám Xuân vừa nói vừa khóc nức nở. Dì Triệu không trả lời được
câu gì, chỉ nói:
- Bà Hai thương cô, cô càng nên dắt díu chúng tôi. Đằng này
cô chỉ làm thế nào cho bà Hai thương, lại đâm ra quên hẳn chúng tôi đi.
Thám Xuân nói:
- Tôi quên sao được. Bắt tôi dắt díu cái gì? Cứ đi hỏi các
người xem. Chủ nào mà chẳng thương những người làm được việc. Đã là người giỏi
thì còn cần ai dắt díu nữa.
Lý Hoàn đứng ở bên cạnh cứ khuyên:
- Dì đừng nóng nảy thế, cũng không nên trách cô ấy. Dù trong
bụng cô ấy muốn dắt díu chăng nữa, cũng không khi nào nói ra miệng được.
Thám Xuân nói:
- Chị Cả cũng hồ đồ! Tôi dắt díu được ai? Có các cô nhà nào lại
đi dắt díu bọn đầy tớ? Họ hay dở thế nào, các người chắc cũng biết đấy, can gì
đến tôi?
Dì Triệu tức tối hỏi:
- Ai bảo cô dắt díu người khác. Nếu cô không trông nom việc
nhà, thì tôi chẳng đến hỏi làm gì. Bây giờ cô nói một là một, hai là hai. Cậu của
cô chết, cô có cho thêm hai, ba mươi lạng, chẳng lẽ bà Hai lại không bằng lòng
hay sao? Rõ ràng bà Hai tốt bụng, chỉ vì các người cay nghiệt đấy thôi. Đáng tiếc
là bà Hai muốn ban ơn cũng không biết ban vào chỗ nào được! Cô cứ yên tâm! Việc
này không phải tiêu tiền của cô đâu! Sau này cô đi lấy chồng, tôi còn mong gì
cô nhìn ngó đến nhà họ Triệu nữa! Bây giờ chưa mọc cánh mà đã quên tổ chỉ chực
chọn cây cao mà bay thôi.
Thám Xuân chưa nghe hết lời, tức tái mặt, nghẹn ngào khóc nức
khóc nở, hỏi:
- Ai là cậu tôi? Cậu tôi đã thăng chức tuần kiểm chín tỉnh rồi!
Bây giờ lại còn một cậu nào nữa. Xưa nay tôi vẫn kính trọng lẽ phải, nhưng khi
nào lại kính trọng đến những hạng thân thích như thế? Dì nói thế thì sao mỗi
khi em Hoàn đi ra, Triệu Quốc Cơ lại phải đứng dậy? Lại phải theo hầu nó đi học?
Sao không giở cái lối ông cậu ra! Ai chả biết dì đẻ ra tôi, cứ vài ba tháng lại
tìm cách gây chuyện, đào bới nhau lên, sợ người ta không biết, nên cố ý bêu ra!
Ai làm cho ai mất thể diện đây! May tôi là đứa biết điều, nếu hồ đồ không giữ lễ
thì đã nóng máu lên rồi.
Lý Hoàn vội vàng khuyên mãi, dì Triệu vẫn cứ càu nhàu không
thôi.
Chợt có người vào nói:
- Mợ Hai sai cô Bình đến có việc.
Dì Triệu mới ngậm miệng không nói nữa. Thấy Bình Nhi đến, dì
Triệu liền cười, mời ngồi, lại vội vàng hỏi:
- Mợ nhà đã khỏi chưa? Tôi định sang thăm nhưng chưa có lúc rỗi.
Lý Hoàn thấy Bình Nhi đến, liền hỏi:
- Đến có việc gì đấy?
- Mợ tôi bảo: em dì Triệu chết rồi, sợ mợ và cô không biết lệ
cũ. Nếu theo lệ thường thì chỉ được cấp hai mươi lạng thôi, nay tùy ý cô châm
chước, thêm ít nhiều nữa cũng được.
- Tự dưng vô cớ thêm cái gì? Ai là người “chửa hai mươi bốn
tháng mới đẻ”? Hoặc chăng là người cõng chủ chạy trốn trước trận tiền? Mợ chị
thật khéo quá: bảo tôi bỏ cả lệ đi. Mợ ấy muốn được tiếng tử tế thì cứ việc
vung tiền của bà ra không hề đau xót để lấy lòng người ta. Nhờ chị nói với mợ ấy:
tôi không dám tự ý thêm bớt gì cả. Mợ ấy muốn lấy ơn, chờ khi khỏi đến đây thêm
bao nhiêu thì thêm.
Lúc Bình Nhi đến đã biết việc này, bây giờ nghe nói lại càng
hiểu ý. Thấy Thám Xuân có vẻ tức giận, Bình Nhi không dám giở lối vui đùa như mọi
ngày, cứ thõng tay đứng hầu một bên. Lúc đó Bảo Thoa ở trong buồng trên cũng xuống,
Thám Xuân vội đứng dậy mời ngồi, chưa kịp nói câu gì, đã có người đàn bà đến
trình việc. Thám Xuân vừa mới khóc xong, lên ba, bốn đứa hầu nhỏ bưng chậu nước,
khăn mặt và gương đến. Thám Xuân đương ngồi xếp bằng tròn ở trên giường thấp, một
đứa bưng nước đến trước mặt quỳ xuống giơ cao chậu lên; còn hai đứa cũng đều quỳ
bên cạnh, đưa lên khăn mặt, gương soi và phấn sáp.
Bình Nhi thấy Thị Thư không có ở đây, liền đến vén tay áo,
tháo vòng, lấy cái khăn tay to che vạt áo đằng trước cho Thám Xuân. Thám Xuân vừa
mới thò tay vào chậu nước, đã có một người đàn bà đến trình:
- Thưa mợ, thưa cô, nhà học xin chi tiền học hàng năm cho cậu
Hoàn và anh Lan.
Bình Nhi nói:
- Bà vội gì thế? Cô đang rửa mặt, bà có mở mắt nhìn thấy
không! Sao không ra ngoài kia đứng chờ, lại còn trình cái gì? Trước mặt mợ Hai,
bà cũng dám vô ý như thế à? Cô đây tuy rộng lượng thực, nhưng tôi mà về trình mợ
Hai, nói là các bà không coi cô ra gì, có bị quở phạt thì đừng trách tôi!
Người đàn bà ấy sợ hãi, vội cười nói: “Tôi sơ suất quá!” Rồi
vội vàng lui ra.
Thám Xuân xoa phấn rồi cười nhạt, bảo Bình Nhi:
- Chị đến chậm nên không biết có một việc đáng buồn cười.
Ngay chị Ngô Tân Đăng là người làm việc đã lâu cũng không biết tra sổ rõ ràng,
lại chực đến lòe tôi! May tôi hỏi đến, chị ta lại dám trơ mặt ra nói là quên.
Tôi bảo chị ta, khi có việc đến trình mợ Hai, chị cũng nói là quên rồi đi lục sổ
hay sao? Tôi chắc chủ chị không khi nào chịu để yên cho chị đi tìm!
Bình Nhi nói:
- Nếu chị ta có lần nào như thế, e gân chân bị cắt đứt từ bao
giờ rồi. Cô đừng có tin. Họ thấy mợ Cả lành như bụt, cô lại là vị tiểu thư hay
e lệ, cố nhiên họ sinh lười đến nói bậy đấy thôi.
Bình Nhi lại ngoảnh ra phía ngoài nói:
- Các người cứ việc hỗn láo đi! Chờ mợ Hai khỏi tôi sẽ mách
cho.
Bọn đàn bà ở ngoài cửa đều cười nói:
- Cô là người biết điều. Tục ngữ nói “người nào làm bậy người
ấy chịu”. Chúng tôi có dám dối trá gì chủ đâu. Nay cô chủ là một vị trẻ tuổi được
chiều chuộng quen, cô ấy tức giận, thì chúng tôi chết không có chỗ chôn!
Bình Nhi cười nhạt:
- Các người hiểu nhẽ thế là phải.
Rồi lại cười nói với Thám Xuân:
- Cô đã biết đấy, mợ Hai bận lắm, làm gì mà trông nom đến những
việc ấy! Thế nào cũng không tránh khỏi sơ suất. Tục ngữ nói “người bên cạnh
nhìn rất rõ”. Cô để ý xem, trong mấy năm nay, có việc gì nên thêm nên bớt, mà mợ
Hai chưa kịp làm, thì cô cứ sửa đổi lại. Một là có lợi cho bà Hai, hai là không
phụ tình nghĩa cô đối với mợ tôi.
Bảo Thoa, Lý Hoàn nghe vậy đều cười, nói:
- Chị này giỏi thật! Không trách chị Phượng yêu chị. Chẳng có
việc gì đáng thêm bớt cả, nhưng nghe chị nói, chúng tôi cũng phải tìm vài việc
châm chước mà làm để khỏi phụ câu nói của chị.
Thám Xuân cười nói:
- Tôi tức đầy ruột, đang định đem chị ấy ra nói cho hả giận,
nhưng nghe đến những lời của chị ấy, làm tôi quên hẳn những chuyện trước.
Thám Xuân liền gọi người đàn bà lúc nãy vào hỏi:
- Tiền học hàng năm của cậu Hoàn và anh Lan là dùng vào việc
gì?
- Tiền ăn sáng và mua bút giấy hàng năm ở trong trường, mỗi
người phải tiêu mất tám lạng bạc.
- Những tiền các cậu ấy tiêu, đều ở trong sổ lương hàng
tháng, phần cậu Hoàn do dì Triệu lĩnh hai lạng, phần cậu Bảo Ngọc do Tập Nhân ở
nhà cụ lĩnh hai lạng; phần anh Lan do mợ Cả lĩnh, làm gì mỗi người còn phải
thêm tám lạng nữa! Thì ra đi học là chỉ vì tám lạng bạc ấy à! Từ nay trở đi bỏ
khoản này đi. Chị Bình về trình với mợ chị rằng tôi bảo thế nào cũng phải bỏ
món này.
Bình Nhi cười nói:
- Đáng lẽ bỏ lâu rồi. Năm ngoái mợ tôi đã bảo bỏ đi, nhưng vì
cuối năm bận quá, quên khuấy đi mất.
Người đàn bà đó đành vâng lời đi ra. Lại có người đàn bà ở
trong vườn Đại Quan bưng cơm đến. Thị Thư và Tố Vân mang một cái bàn nhỏ vào.
Bình Nhi vội đứng dậy dọn cơm, Thám Xuân cười nói:
- Chị xong việc rồi thì về, ở đây làm gì nữa.
Bình Nhi cười nói:
- Tôi ở nhà không có việc gì. Mợ tôi bảo đến đây, một là để
trình việc, hai là sợ những người ở đây chưa quen, nên sai tôi đến hầu mợ, hầu
cô giúp các chị em.
Thám Xuân hỏi:
- Sao không mang đồ ăn của cô Bảo đến đây cùng ăn một thể?
A hoàn nghe nói, ra ngoài thềm bảo lũ đàn bà:
- Cô Bảo hôm nay cũng ăn cơm ở đây, bảo họ mang cơm đến.
Thám Xuân quát to:
- Mày không được sai bậy! Những người này đều là các bà trông
nom công việc lớn trong nhà. Chúng mày không biết ai là người trên kẻ dưới, dám
sai các bà ấy đi lấy cơm lấy nước à? Chị Bình đứng đấy, bảo chị ấy đi gọi hộ!
Bình Nhi vội vâng lời đi ra, đám đàn bà khẽ kéo lại:
- Việc gì cô phải đi? Chúng tôi đã có người đi gọi rồi.
Vừa nói họ vừa lấy khăn tay phủi đất ở trên thềm, nói:
- Cô đứng mãi mỏi chân, hãy ngồi nghỉ ngoài nắng một lúc.
Bình Nhi ngồi xuống, có hai bà già ở phòng trà mang cái thảm
rải ra và nói:
- Đá lạnh. Thảm này sạch sẽ đấy, mời cô ngồi tạm.
Bình Nhi gật đầu cười nói: “Cám ơn”.
Một người nữa lại pha một chén nước trà rất ngon đem đến, khẽ
cười nói:
- Đây không phải là trà của chúng tôi thường dùng đâu. Trà
này chỉ để pha cho các cô uống thôi, mời cô hãy uống một chén cho đỡ khát.
Bình Nhi nghiêng mình cầm lấy, rồi trỏ vào bọn đàn bà khẽ
nói:
- Các người chẳng ra cái gì cả! Cô ấy là cô gái con nhà đại
gia, không muốn ra oai nổi giận, đó là người biết giữ giá. Thế mà các bà lại
khinh nhờn cô ấy. Nếu để cô ấy phải cáu lên, dù mang tiếng là người lỗ mãng,
nhưng các bà lại bị thiệt rất nhiều! Cô ấy làm nũng, bà Hai cũng phải chiều một
phần nào, mợ Hai cũng chẳng dám làm gì. Thế mà các bà lại cả gan không coi cô ấy
ra gì, khác nào trứng chọi với đá?
- Chúng tôi khi nào dám cả gan thế? Đó đều tự dì Triệu gây
ra!
- Thôi! Các bà ơi, “giậu đổ bìm leo”, dì Triệu vốn hay nông nổi,
không biết nghĩ xa nghĩ gần, nên việc gì cũng chỉ đổ riệt cho dì ấy. Ngày thường
các bà bụng dạ ghê gớm, chẳng coi ai ra gì, tôi đã biết từ mấy năm nay rồi.
Ngay mợ Hai có tý gì sơ suất là các bà đã nghĩ cách định đè bẹp xuống. Đã thế,
hễ sểnh ra là y rằng các bà tìm cách làm khó dễ. Đã nhiều lần mợ ấy chưa hỏi tội
các bà đấy. Ai cũng cho là mợ ấy ghê gớm, các bà đều sợ cả nhưng chỉ có tôi biết
là trong bụng mợ ấy cũng không phải là không gờm các bà. Hôm nọ chúng tôi đã
bàn đến việc này. Nếu không trên thuận dưới hòa, rồi thế nào cũng sẽ sinh chuyện.
Cô Ba hãy còn trẻ, các bà đều coi thường. Nhưng trong các cô lớn, cô bé ở đây, mợ
Hai cũng phải nể dăm phần. Thế mà các bà lại không coi cô ấy ra gì à?
Chợt Thu Văn đi vào, bọn đàn bà vội chạy đến chào hỏi, rồi
nói:
- Cô hãy ngồi nghỉ, trong nhà đã dọn cơm rồi. Chờ ăn xong, cô
hãy vào trình việc.
Thu Văn cười nói:
- Tôi đâu có rỗi được như các bà, chờ thế nào được.
Thu Văn định vào ngay, Bình Nhi vội gọi giật lại. Thu Văn
quay lại thấy Bình Nhi, cười nói:
- Chị đến đây canh gác gì ở ngoài vườn đấy?
Rồi quay lại ngồi vào thảm cạnh Bình Nhi, Bình Nhi khẽ hỏi:
- Trình việc gì?
- Tôi muốn hỏi xem tiền lương của cậu Bảo và tiền lương của
chúng tôi bao giờ mới được lĩnh.
- Việc ấy có quan hệ gì. Cô về báo chị Tập Nhân rằng: hôm
nay, dù có việc gì cũng chớ nên trình. Trình một việc là bị bác một việc, trình
một trăm việc bị bác một trăm đấy!
- Tại sao thế?
Bình Nhi và bọn đàn bà đều kể lại đầu đuôi câu chuyện cho Thu
Văn nghe, và nói:
- Họ đương muốn moi những chỗ quan hệ và những người có thể
diện ra mở đầu, tìm cách áp lép để làm gương cho mọi người đấy. Tội gì bây giờ
cô lại đến trước để chạm vào cái đinh ấy. Nay cô đến trình, nếu họ bác lời cô để
làm gương cho người khác, thì lại động đến cụ và bà Hai, nếu không nhè vào nhà
các cô mà bác đi một vài việc, người ta lại bảo là thiên người nọ vị ngươi kia,
ai dựa vào uy thế cụ và bà Hai thì không dám động đến, chỉ đem những người yếu
thế ra làm bung xung đấy thôi. Cô xem đấy, việc của mợ Hai, họ còn bác đi vài
khoản, có như thế mới chặn được họng mọi người chứ.
Thu Văn lè lưỡi cười nói:
- May gặp chị ở đây, chứ không thì lại bị trát gio vào mặt rồi.
Tôi phải mau mau về báo tin cho chúng nó biết.
Cơm của Bảo Thoa đã mang đến. Bình Nhi vội đứng dậy vào hầu.
Lúc đó dì Triệu đã về rồi, ba người ngồi ở giường ăn cơm. Bảo Thoa ngoảnh về hướng
nam, Thám Xuân ngoảnh về hướng tây, Lý Hoàn ngoảnh về hướng đông, bọn đàn bà ớ
dưới thềm im lặng đứng chờ, bên trong chỉ có a hoàn hầu cận đứng hầu, người khác
không ai dám vào cả.
Lũ đàn bà khẽ bàn tán với nhau:
- Chúng ta bỏ cái lối ấy đi, đừng giữ ý nghĩ xằng bậy nữa. Bà
Ngô cũng còn bẽ mặt nữa là chúng mình đã thấm vào đâu.
Mọi người chờ họ ăn xong mới dám vào trình việc. Bây giờ ở
phía trong thỉnh thoảng có tiếng đằng hắng khẽ, ngoài ra không ai nghe thấy chạm
bát chạm đũa. Một lát sau, một a hoàn vén rèm lên, rồi hai a hoàn khiêng bàn ăn
ra. Trong buồng trà, ba a hoàn bưng sẵn ba chậu nước rửa mặt, đi vào. Một lúc,
họ mang chậu nước và ống nhổ ra, rồi Thị Thư, Tố Vân và Oanh Nhi mỗi người bưng
một cái khay đựng ba tách nước có nắp vào. Sau khi bọn a hoàn kia ra, Thị Thư bảo
đứa hầu nhỏ:
- Chúng bay phải hầu hạ tử tế, không được ngồi lảng một chỗ.
Ta đi ăn cơm rồi sẽ về thay.
Bấy giờ mọi người mới rón rén đi vào trình việc, không dám
nhâng nháo như trước nữa.
Thám Xuân vừa mới nguôi giận, nhân bảo Bình Nhi:
- Tôi có một việc quan hệ, muốn bàn mới mợ chị, nay mới nhớ
ra. Chị về ăn cơm xong, lại đây ngay. Cô Bảo cũng còn ở đây, bốn chúng ta sẽ
bàn với nhau, rồi hỏi mợ chị xem có nên làm hay không.
Bình Nhi vâng lời đi về. Phượng Thư hỏi:
- Làm sao đi lâu thế?
Bình Nhi cười, kể lại những việc vừa mới xảy ra. Phượng Thư
cười nói:
- Cô Ba khá đấy! Ta nói không sai. Chỉ tiếc là cô ấy xấu số
không phải bà Hai đẻ ra.
- Mợ cũng nói vớ vẩn. Cô ấy không phải bà Hai đẻ ra, nhưng ai
dám coi cô ấy kém các cô kia?
- Chị biết đâu được! Con vợ lẽ cũng như con vợ cả thực, nhưng
là con gái thì bì thế nào được với con trai. Sau này đến tuổi lấy chồng, những
hạng khinh bạc thường hay dò hỏi con vợ cả hay con vợ lẽ, chỉ vì con vợ lẽ mà
nhiều người không dạm. Chứ họ biết đâu người tử tế, thì dù đứa ở cũng còn gấp
trăm lần cô tiểu thư kia. Sau này, người nào vô phúc kén chọn con vợ cả thì sẽ
bị lầm, người nào có phúc không câu nệ con vợ lẽ mà lấy được cô ấy thì lại hóa
may.
Phượng Thư lại cười nói với Bình Nhi:
- Chị đã biết mấy năm nay ta phải nghĩ ra bao nhiêu cách tằn
tiện, bớt ăn bớt tiêu, có lẽ người trong nhà ai cũng giận ngầm ta cả. Bây giờ
ta như người “cưỡi hổ” vậy, tuy biết thế, nhưng không thể nào rộng rãi được. Vả
chăng trong nhà này chi nhiều thu ít, việc lớn nhỏ đều phải theo lệ của tổ tiên
đặt ra, nhưng hoa lợi thu vào hàng năm lại kém trước nhiều. Rút bớt món tiêu
đi, thì người ngoài chê cười, mà cụ và bà Hai cũng khó chịu, tôi tớ trong nhà
cũng oán ta cay nghiệt. Nếu không tìm cách tằn tiện ngay từ bây giờ, mấy năm nữa
sẽ phải bù mà hết thôi.
- Mợ nói cũng phải đấy! Sau này công việc ba, bốn cô, hai, ba
cậu và cụ đều mợ phải lo cả.
- Ta đã nghĩ đến những việc ấy rồi, cũng có thể đỡ được chú Bảo
và cô Lâm, một người lấy vợ, một người lấy chồng, có thể không phải tiêu tiền
trong phủ, thế nào cụ cũng bỏ tiền riêng của mình ra cho. Cô Hai là người bên
ông Cả, không phải tính đến. Cô Ba, cô Tư có tiêu hoang chăng nữa, cũng chỉ mỗi
người độ vạn bạc thôi. Cậu Hoàn lấy vợ chỉ tiêu mất độ ba nghìn, nếu không đủ
thì bớt đi một món gì đó là xong. Việc tống táng cụ sau này, cái gì cũng sắp sẵn
cả rồi, chỉ phải tiêu những món lặt vặt chừng dăm, ba nghìn lạng. Nếu biết tằn
tiện ngay từ bây giờ cũng đủ. Chỉ sợ tự nhiên xảy ra một vài việc, thì không biết
xoay vào đâu được. Thôi, chúng ta chẳng nên quá lo đến việc sau này. Chị hãy đi
ăn cơm rồi sang xem họ bàn việc gì. Đây cũng là một dịp may. Ta đang lo không
có người giúp đỡ. Tuy có Bảo Ngọc đấy, nhưng chưa quen việc, có lôi kéo được hắn
cũng chẳng ăn thua gì. Mợ Cả thì hiền như bụt, không làm được việc. Cô Hai lại
càng không được, và cũng không phải là người trong nhà này. Cô Tư thì còn bé,
Anh Lan và cậu Hoàn thì như con mèo nhỏ gặp trời lạnh chỉ chờ có bếp lửa là
chui vào sưởi thôi. Thực là cùng một bụng mẹ đẻ ra, mà hai đứa con lại khác
nhau một trời một vực! Nghĩ đến, ta càng không hiểu. Cô Lâm và cô Bảo thì khá đấy,
nhưng đều là họ ngoại, không tiện trông coi việc nhà. Vả chăng một người như
cái đèn mỹ nhân, gió thổi một cái là tắt, một người thì giữ gìn ý tứ, không phải
việc của mình không bao giờ chịu hé răng, hỏi điều gì cứ nguây nguẩy lắc đầu.
Như thế cũng khó mà bàn với cô ta được. Chỉ còn một mình cô Ba là khá cả trong
lẫn ngoài, lại chính là người nhà này, bà lại rất thương cô ấy, chỉ vì dì Triệu
hay sinh chuyện, nên bề ngoài bà có vẻ hững hờ, nhưng trong bụng lúc nào cũng
thương yêu như Bảo Ngọc. Chứ không giống em Hoàn, chẳng ai thương được. Cứ ý ta
thì đã đuổi nó bước đi từ lâu rồi. Nay cô ấy đã có ý định như thế, cũng nên
chung sức mà làm, có hai người giúp đỡ nhau, ta không đến nỗi lẻ loi nữa. Theo
lẽ phải và lương tâm mà nói, đã có cô ấy giúp, chúng ta càng đỡ phải lo nghĩ và
cũng có lợi cho bà. Kể ra về mặt tâm tư nham hiểm, bấy lâu nay ta đã quá cay
nghiệt, bây giờ cũng nên lùi bước nhìn lại xem, cứ khắc khổ mãi, để cho mọi người
căm giận, ngoài miệng họ cười, nhưng trong bụng họ chứa đầy dao găm, mà hai người
chúng ta chỉ có bốn con mắt và hai quả tim, có lúc không kịp đề phòng sẽ hỏng
việc mất. Nhân lúc thuận chiều này, cô ấy đứng ra trông coi công việc, mọi người
sẽ dẹp quên những nỗi tức giận ngày trước đối với chúng ta. Còn một việc nữa,
tuy ta biết chị rất hiểu việc nhưng chỉ sợ trong lòng chị chưa dứt khoát, nay
ta dặn chị, cô ấy tuy là tiểu thư, nhưng việc gì cũng hiểu thấu, ăn nói biết giữ
gìn, lại là người có học. Như vậy cô ấy sẽ ghê gớm hơn ta. Tục ngữ nói: “Bắt giặc
phải bắt tướng”. Muốn ra oai lần đầu, nhất định cô ấy phải kể đến ta trước. Nếu
cô ấy có bác bỏ công việc gì của ta, chị cũng không nên cãi lại, cứ lễ phép nói
rằng bác như thế mới phải. Nhất thiết đừng sợ ta mất thể diện mà chống lại cô ấy
thì không hay đâu.
Bình Nhi không đợi Phượng Thư nói hết, cười nói:
- Chị xem người hồ đồ quá! Tôi làm trước rồi, bây giờ chị mới
dặn!
- Ta sợ chị chỉ hiềm có ta, không biết đến ai, nên phải dặn
thế; nếu đã biết trước, thì chị lại sáng suốt hơn ta đấy. Nhưng chị lại nóng rồi,
sao cứ luôn mồm “chị chị” “tôi tôi” như vậy?
- Cứ gọi là “chị” đấy! Không bằng lòng thì mặt đây tát đi! Ai
bảo là cái mặt này chưa từng bị tát hao giờ?
- Đồ ranh con này, định nhắc lại việc cũ đã từ bao giờ mới
thôi? Xem ta ốm như thế này mà lại còn trêu tức à! Thôi, lại đây ngồi xuống, gặp
lúc không có ai đến, chúng ta nên cùng ngồi ăn một chỗ.
Bọn Phong Nhi ba, bốn đứa mang cái làn nhỏ đến. Phượng Thư chỉ
ăn cháo yến sào và hai đĩa đồ ăn ngon. Vì phần ăn hàng ngày đã rút bớt, Phong
Nhi mang bốn món ăn của Bình Nhi bày lên bàn và xới cơm. Bình Nhi quỳ một chân
lên mép giường, một chân đứng ở dưới, cùng Phượng Thư ăn cơm. Bình Nhi hầu Phượng
Thư súc miệng xong, dặn dò Phong Nhi mấy câu rồi sang bên Thám Xuân. Đến nơi,
thấy trong nhà im lặng, mọi người đã đi cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét