Hồng lâu mộng 7
Hồi 31:
Xé tan cái quạt, nghìn vàng mua lấy một trận cười
Điềm ứng kỳ lân, hai sao (1) gặp nhau khi đầu bạc
Tập Nhân thấy mình khạc máu tươi ra đất thì lạnh hẳn một nửa
người. Cô ta thường ngày nghe người ta nói: “Lúc trẻ mà thổ huyết, thì sẽ chết
non, có sống chăng nữa, cũng là người bỏ đi”. Nghĩ vậy, những chuyện mong ước vẻ
vang sung sướng mai sau, bất giác lạnh hẳn như đống tro tàn, nước mắt cô ta ở
đâu lại ròng ròng chảy xuống. Bảo Ngọc thấy Tập Nhân khóc, bụng cũng chua xót,
liền hỏi:
- Chị thấy trong người thế nào?
Tập Nhân cười gượng:
- Người tôi vẫn khỏe, có việc gì đâu?
Bảo Ngọc định lập tức sai người hâm rượu, lấy huyết sơn dương
và thuốc viên lê động đến. Tập Nhân kéo tay lại, cười nói:
- Việc không cần mà cậu cứ làm nhộn lên, phiền đến mọi người,
rồi họ lại oán tôi là nông nổi. Bây giờ không ai hay cả, cậu cứ làm ồn lên, người
ta biết thì cậu và tôi đều không hay ho gì. Ngày mai cậu nên cho một đứa bé đi
mời ông lang họ Vương cho tôi uống một thang thuốc là khỏi. Như thế thì không
ai biết, chẳng hơn hay sao?
Bảo Ngọc nghe nói có lý, liền thôi không gọi ai, tự mình đến
bàn, rót chén nước đưa cho Tập Nhân súc miệng.
Tập Nhân biết Bảo Ngọc không đành dạ, nếu không để cậu ta
chăm sóc mình, chắc sẽ không nghe, lại làm bận rộn đến người khác, chi bằng cứ
để mặc kệ đấy. Vì thế Tập Nhân ngồi tựa trên giường, mặc cho Bảo Ngọc phục dịch.
Trời vừa sáng, Bảo Ngọc không kịp rửa mặt chải đầu, vội mặc
áo đi mời Vương Tế Nhân. Vương đến, hỏi cặn kẽ đầu đuôi, biết nguyên do bệnh
này chẳng qua bị thương tổn chút ít thôi. Vương liền cho ít thuốc viên, chỉ bảo
cách dùng, cách uống và xoa. Bảo Ngọc nhớ lấy, về trong vườn cứ theo thế điều
trị.
Hôm ấy chính là tiết Đoan dương, người ta dùng cành ngải treo
cửa và bùa dấu đeo tay. Đúng giờ Ngọ, Vương phu nhân sửa tiệc rượu mời mẹ con họ
Tiết đến ăn tết. Bảo Ngọc thấy Bảo Thoa lãnh đạm, không trò chuyện với mình, biết
là vì việc hôm nọ. Vương phu nhân thấy Bảo Ngọc buồn chán, cho là vì việc Kim
Xuyến hôm trước, có ý bẽn lẽn, nên không muốn hỏi. Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc ngồi
thừ ra đấy, cho là vì hôm nọ có lỗi với Bảo Thoa, trong bụng khó chịu, cho nên
dáng người uể oải. Phượng Thư thì vì chiều hôm trước Vương phu nhân kể lại cho
nghe chuyện Bảo Ngọc với Kim Xuyến, biết là Vương phu nhân không vui, khi nào
mình còn dám cười nói, nên lẳng lặng theo Vương phu nhân, bảo gì làm nấy. Chị
em Nghênh Xuân thấy ai nấy buồn tẻ, thì cũng không vui. Vì thế họ ngồi một lúc
rồi tản đi mỗi người mỗi ngả.
Đại Ngọc xưa nay chỉ thích tan chứ không thích tụ, điều đó
cũng có lý, Đại Ngọc nói: “Người ta có họp thì phải có tan, lúc họp thì vui, đến
khi tan, thì tránh sao khỏi buồn? Đã buồn thì đâm ra thương nhớ, chi bằng không
họp nữa là hơn. Cũng như đóa hoa, khi nở thì người ta yêu mến, đến khi tàn càng
khiến người ta thương tiếc, chẳng thà đừng nở là hơn”. Vì thế khi người ta cho
là vui, thì cô ta lại đâm ra buồn. Tính tình Bảo Ngọc lại chỉ muốn cho người thường
họp mà đừng tan, hoa thường nở mà đừng tàn; đến khi tiệc tan hoa tàn, dù có
thương tiếc muôn phần, cũng không thể kéo lại. Vì thế bữa tiệc hôm nay mọi người
đều cụt hứng ra về, Đại Ngọc thì không sao, nhưng Bảo Ngọc lại rất buồn rầu, về
buồng than dài thở vắn.
Vừa khi Tình Văn đem quần áo lại cho Bảo Ngọc thay, đánh rơi
cái quạt xuống đất, làm gãy một nan xương.
Bảo Ngọc liền mắng:
- Đồ ngu! Đồ ngu! Không biết sau này làm ăn ra thế nào? Mai
kia chị một mình đương lấy cơ nghiệp, không lẽ việc gì cũng không suy trước
tính sau hay sao?
Tình Văn cười nhạt:
- Cậu Hai độ này đâm ra nóng nẩy quá, cũng nên nể mặt nhau một
tí. Hôm nọ cậu đã đánh chị Tập Nhân, hôm nay lại xoi mói cả tôi. Muốn đấm đá ai
là tùy ở cậu. Tôi chỉ đánh rơi một cái quạt thôi, có phải việc lớn lao gì cho
cam. Khi trước biết bao nhiêu người đánh rơi đánh vỡ: nào bình pha lê, nào bát
mã não, chẳng thấy cậu gắt bao giờ; nay có cái quạt mà cậu làm ra như vậy? Nếu
không bằng lòng thì cậu đuổi ngay chúng tôi đi, tìm người khác giỏi thạo hơn đến
hầu rồi cho chúng tôi ra, mỗi người mỗi ngả, chẳng hay hơn sao?
Bảo Ngọc nghe nói, tức run người lên, nói:
- Chị không phải lo, rồi cũng có ngày mỗi người mỗi ngả.
Tập Nhân ở bên kia nghe thấy, vội chạy ra nói với Bảo Ngọc:
- Tự dưng vô cớ, sao lại như thế? Tôi đã bảo mà, hễ vắng tôi
lúc nào là y như có chuyện.
Tình Văn cười nhạt:
- Chị đã biết thế sao không đến mau, để cậu ấy khỏi phải sinh
bực. Từ trước đến nay chỉ có một mình chị là biết hầu hạ cậu ấy thôi, còn chúng
tôi có biết cái gì đâu. Chỉ vì chị hầu hạ khéo nên hôm nọ mới bị đá vào bụng!
Chúng tôi vụng dại thế này, không biết rồi ra sẽ còn phạm những tội lỗi gì!
Tập Nhân nghe mấy câu ấy, vừa bực tức, vừa xấu hổ, muốn nói lại,
nhưng thấy Bảo Ngọc giận quá tái mặt lại, nên đành phải dịu lời, nói:
- Em ơi! Hãy ra ngoài kia, đó là chúng tôi không phải với em
đấy.
Tình Văn nghe thấy hai tiếng “Chúng tôi”, cho ngay là Tập
Nhân muốn nói cô ta với Bảo Ngọc, trong bụng đâm ra ghen, liền cười nhạt mấy tiếng:
- Tôi chả biết ai là “Chúng tôi” cả, đừng để tôi phải hổ thẹn
thay cho ai! Các người làm những việc thầm kín với nhau, giấu thế nào được tôi!
Tôi cứ nói thẳng: ngay các cô nhà này cũng còn chưa với lên được, huống chi chị
cũng như tôi, thế mà lại dám gọi “Chúng tôi” à?
Tập Nhân xấu hổ quá, tím bầm mặt lại, biết mình nói nhầm. Bảo
Ngọc nói:
- Các chị đứng tức khí nhau nữa, ngày mai tôi sẽ cất nhắc chị
lên.
Tập Nhân vội kéo tay Bảo Ngọc nói:
- Chị ta là người hồ đồ, phân trần phải trái làm gì. Vả chăng
cậu xưa nay là người có lòng, những việc to hơn nữa cũng còn bỏ qua, sao hôm
nay lại thế?
Tình văn cười nhạt:
- Tôi vốn là người hồ đồ, ai thèm nói chuyện với tôi.
Tập Nhân nói:
- Chị cãi nhau với tôi hay là cãi nhau với cậu Hai? Nếu là giận
tôi thì chị chỉ nên nói tôi thôi, đừng đả động đến cậu ấy, nếu giận cậu ấy thì
không nên nói ầm lên cho mọi người biết. Vừa rồi tôi muốn đến dàn xếp, khuyên
giải cho êm cửa êm nhà, thế mà chị lại kiếm chuyện vặc nhau cả với tôi! Chị chẳng
ra giận tôi, cũng chẳng ra giận cậu Hai, cứ bắt quàng bắt xiên, hết chuyện này
sang chuyện nọ. Ý chị định thế nào? Thôi tôi không nói nữa, để phần chị nói.
Tập Nhân liền chạy ra ngoài.
Bảo Ngọc bảo Tình Văn:
- Chị không cần phải cáu kỉnh nữa, tôi đoán được bụng chị rồi.
Tôi sẽ trình với bà: giờ chị đã lớn, nên cho chị về, chị có bằng lòng không?
Tình Văn nghe vậy, trong lòng đau xót, liền rơm rớm nước mắt,
nói:
- Việc gì tôi phải về? Cậu ghét tôi, tìm cách đuổi tôi đấy
thôi, như vậy sao đành?
Bảo Ngọc nói:
- Tôi chưa hề thấy có chuyện cãi cọ nhau như thế này bao giờ.
Nhất định là chị muốn về. Tôi sẽ trình với bà cho chị về là yên chuyện.
Nói xong đứng dậy chực đi ngay.
Tập Nhân vội kéo Bảo Ngọc lại nói:
- Cậu định đi đâu đấy?
Bảo Ngọc nói:
- Tôi đi trình bà đây.
Tập Nhân cười nói:
- Cậu thật chẳng có ý tứ gì cả! Cậu đi trình sẽ làm chị ấy xấu
hổ. Nếu quả chị ấy muốn về, thì hãy chờ khi hết hẳn cơn giận đã, lúc nào sẽ
trình với bà cũng chưa muộn. Bây giờ cậu cho là việc chính, hấp tấp đi trình
ngay, chẳng làm bà sinh nghi hay sao?
Bảo Ngọc nói:
- Bà không ngờ đâu, tôi sẽ nói rõ là chị ấy sinh chuyện để
đòi về đấy thôi.
Tình Văn khóc lóc:
- Tôi sinh chuyện để đòi về bao giờ? Cậu giận tôi, kiếm chuyện
để dọa nạt tôi. Cậu cứ đi mà trình: tôi thà đập đầu chết ngay ở đây, chứ không
chịu ra khỏi nhà này.
Bảo Ngọc nói:
- Thế mới lạ chứ! Chị không về, lại cứ sinh chuyện lôi thôi
mãi. Thế này tôi không chịu nổi, chị về đi cho yên chuyện!
Nói xong nhất định đi trình.
Tập Nhân thấy ngăn không nổi, đành phải quỳ xuống. Bọn Bích
Ngân, Thu Vân, Xạ Nguyệt thấy mấy người cãi nhau dữ quá, đều cứ lẳng lặng đứng ở
ngoài nghe. Sau thấy Tập Nhân quỳ xuống van xin, họ liền rủ nhau quỳ cả xuống.
Bảo Ngọc vội đỡ lấy Tập Nhân dậy, thở dài một cái, ngồi phịch xuống giường, bảo
mọi người đứng cả dậy; rồi nói với Tập Nhân:
- Bây giờ bảo tôi làm thế nào cho phải đây? Lòng tôi vỡ rạn cả
rồi, có ai biết cho đâu?
Nói xong nước mắt tràn ra. Thấy Bảo Ngọc chảy nước mắt, Tập
Nhân cũng khóc. Tình Văn đứng bên cạnh cũng khóc. Bỗng thấy Đại Ngọc đến, Tình
Văn liền đi ra.
Đại Ngọc cười nói:
- Khéo chưa, ngày tết có việc gì mà khóc thế? Hay là tranh
nhau ăn bánh chưng, rồi giận nhau đấy?
Bảo Ngọc và Tập Nhân đều cười. Đại Ngọc nói:
- Anh Hai ơi, chả đợi anh nói em cũng đã biết cả rồi.
Đại Ngọc lại vỗ vào vai Tập Nhân cười nói:
- Thưa bà chị dâu, cho em biết với, tất là hai anh chị đương
cãi nhau, nếu chị nói với em, em sẽ dàn hòa giùm cho.
Tập Nhân đẩy Đại Ngọc ra nói:
- Thưa cô, cô nói nhảm gì thế? Tôi đây chỉ là một đứa con hầu
thôi.
Đại Ngọc cười nói:
- Chị bảo chị là con hầu, nhưng em coi chị như là chị dâu.
Bảo Ngọc nói:
- Vạ gì mà em cứ hay khoác chuyện dở cho chị ấy. Thôi đừng
như thế. Nếu ai nói câu ấy, em nên ngăn đi mới phải, thế mà bây giờ lại chính tự
miệng em nói ra.
Tập Nhân cười nói:
- Cô ơi! Cô không biết bụng tôi, chỉ khi nào tắt thở, chết đi
là xong chuyện!
Đại Ngọc cười nói:
- Chị mà chết thì không biết người khác thế nào, chứ tôi thì
tôi cũng phải khóc đến chết thôi.
Bảo Ngọc nói:
- Chị mà chết thì tôi đi tu.
Tập Nhân nói:
- Cậu nên đứng đắn một chút. Sao lại nói nhảm thế.
Đại Ngọc giơ hai ngón tay lên, bĩu môi cười nói:
- Hai lần đi tu rồi đấy nhé! Từ giờ trở đi, tôi sẽ xem, liệu
anh ấy làm hòa thượng mấy lần.
Một lúc Đại Ngọc đi rồi, có người đến nói: “Cậu Tiết mời”. Bảo
Ngọc đi ngay, vì biết Tiết Bàn mời uống rượu, không thể từ chối được. Mãi chiều
tan tiệc mới về. Bảo Ngọc đang ngà ngà say, lảo đảo về đến sân, thấy đã đặt sẵn
cái giường tựa để hóng mát, lại có người nằm ngủ ngay đó. Bảo Ngọc tưởng là Tập
Nhân, liền ngồi cạnh giường lay dậy hỏi: “Đỡ đau chưa?” Người kia vùng dậy nói:
“Sao, lại còn gọi tôi làm gì?”.
Bảo Ngọc nhìn lại, không phải Tập Nhân, mà chính là Tình Văn.
Bảo Ngọc kéo Tình Văn ngồi bên cạnh, cười nói:
- Chị càng ngày càng làm nũng quen thân. Sớm hôm nay chị đánh
rơi cái quạt, tôi nói vài câu, thế mà chị dám cãi lại những lời như vậy. Chị
nói tôi đã đành, chị Tập Nhân có bụng tốt đến can, chị lại vặc nhau cả với chị ấy.
Chị nghĩ xem thế có đúng không?
Tình Văn nói:
- Nóng nực thế này, cứ lôi lôi kéo kéo làm gì thế! Lỡ ra người
ta trông thấy thì còn ra làm sao nữa! Thân tôi vốn không đáng ngồi ở đây!
Bảo Ngọc cười nói:
- Đã biết là không đáng thì sao lại nằm xuống đây?
Tình Văn chẳng biết trả lời thế nào, cười khì một cái rồi
nói:
- Cậu không đến đây thì được, chứ đã đến thì tôi không xứng
đáng. Thôi tôi dậy để đi tắm rửa đây. Chị Tập Nhân và chị Xạ Nguyệt đã tắm rửa
cả rồi, tôi sẽ gọi lại cho cậu.
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi vừa mới uống rượu xong, cũng muốn rửa. Nếu chị chưa rửa,
thì xách nước lại đây, hai chúng ta cùng rửa.
Tình Văn xua tay cười nói:
- Thôi! Thôi! Tôi chả dám đụng tới ông trẻ. Còn nhớ hôm nào
chị Bích Ngân hầu cậu tắm rửa, chẳng biết làm những trò gì, cho đến hai ba giờ,
chúng tôi không tiện vào đấy. Khi tắm xong, vào xem, thấy nước ở dưới đất, ngấm
ướt cả đến chân giường, ngay trên chiếu cũng dầm dề cả nước, chẳng biết tắm rửa
ra thế nào. Chúng tôi đã cười với nhau trong mấy hôm liền. Tôi chẳng hơi đâu đi
lấy nước, mà cậu cũng không cần tắm chung với tôi. Hôm nay mát trời, tôi cũng
không tắm đâu, để tôi đi múc một chậu nước đến cậu rửa mặt, chải đầu thôi. Vừa
rồi Uyên Ương đem cho mấy thứ quả tươi ướp trong lọ thủy tinh kia, cậu bảo họ
mang đến cho cậu ăn không hơn à?
Bảo Ngọc cười nói:
- Đã như thế, chị không tắm, thì đi rửa tay, mang thứ quả ấy
đến cho tôi ăn.
Tình Văn nói:
- Đã bảo tôi là hạng ngu xuẩn, cầm cái quạt cũng đánh rơi
gãy, đáng đâu lấy quả cho cậu ăn, lỡ ra đánh vỡ cả khay, thì lại càng to chuyện.
Bảo Ngọc cười nói:
- Các đồ vật cốt để cho người ta dùng thôi, chị thích đập cái
gì cứ việc mà đập. Chị thích cái này, tôi thích cái kia, mỗi người đều có một ý
thích. Ví như cái quạt cốt là để quạt, chị thích xé nó ra mà chơi thì cứ việc
xé, nhưng đừng nhân lúc giận mà đem xé nó ra cho hả. Cũng như cái chén, cái
khay, cốt để đựng các đồ vật, nếu chị thích nghe tiếng vỡ, thì cứ đập đi cũng
được, đừng nên nhân khi tức giận mà đập. Thế cũng là biết yêu đồ vật đấy.
Tình Văn cười nói:
- Đã thế cậu đưa cái quạt đây cho tôi xé, tôi thích nghe tiếng
xé lắm.
Bảo Ngọc đưa cái quạt cho Tình Văn. Quả nhiên “Xoạt” một tiếng,
cái quạt bị xé ra làm đôi, rồi cứ “Xoạt xoạt” luôn mấy tiếng nữa.
Bảo Ngọc đứng cạnh cười nói:
- Tiếng xé hay đấy! Xé nữa mà nghe.
Xạ Nguyệt ở đâu chạy đến, trừng mắt nhìn, gắt lên:
- Ác nghiệt vừa vừa chứ!
Bảo Ngọc giật ngay lấy cái quạt ở tay Xạ Nguyệt, đưa cho Tình
Văn. Tình Văn cầm lấy xé ra làm mấy mảnh, rồi hai người cười ầm lên.
Xạ Nguyệt nói:
- Thế là thế nào? Lại đem cái quạt của tôi ra làm trò đùa đấy
à?
Bảo Ngọc cười nói:
- Chị mở cái hộp quạt của tôi ra chọn lấy một cái mà dùng.
Quí hoá gì cái này?
- Đã thế thì mang hết cả quạt ra đây để tha hồ cho chị xé có
được không?
- Chị vào mang cả ra đây.
- Không khi nào tôi làm trò tai ác như thế. Tay chị ta chưa
què thì tự đi mà lấy.
Tình Văn cười rồi tựa vào giường nói:
- Giờ tôi mệt rồi, ngày mai lại xé.
Bảo Ngọc cười nói:
- Người xưa có câu “Nghìn vàng khó mua được một tiếng cười” mấy
cái quạt có đáng là bao?
Bảo Ngọc vừa nói vừa gọi Tập Nhân. Tập Nhân thay quần áo chạy
ra. Giai Huệ, một a hoàn nhỏ đến nhặt các mảnh quạt rách mang đi, rồi mọi người
ngồi hóng mát ở đấy.
O0o
Trưa hôm sau, Vương phu nhân và chị em Bảo Thoa, Đại Ngọc
đương ngồi ở trong buồng Giả mẫu, có người vào trình “Cô Sử đến”. Một lúc, Sử
Tương Vân và nhiều a hoàn, vú bõ đi vào sân. Bọn Bảo Thoa, Đại Ngọc vội xuống
thềm đón. Chị em bạn trẻ hàng tháng vắng mặt, bây giờ gặp nhau, tất nhiên là
vui vẻ thân mật. Một lúc vào trong buồng, đi chào hỏi mọi người.
Giả mẫu liền bảo:
- Trời nóng nực thế này, cháu cởi bớt quần áo ngoài ra.
Tương Vân vội đứng dậy cởi áo.
Vương phu nhân cười nói:
- Chả thấy ai mặc như thế cả. Mặc vào để làm gì?
Tương Vân cười nói:
- Đó là thím Hai bảo cháu mặc đấy, chứ cháu có muốn mặc những
thứ này đâu!
Bảo Thoa đứng cạnh cười nói:
- Dì không biết cô Sử thích mặc cả quần áo của người khác nữa
kia đấy. Còn nhớ kỳ tháng ba, tháng tư năm ngoái, khi cô ấy ở đây, đã mặc áo,
đi cả giày, đeo cả thắt lưng của cậu Bảo. Thoạt nhìn, giống hệt cậu Bảo, chỉ
khác hai bên tai đeo hoa thôi. Cô ấy đứng tựa ở sau ghế, làm cụ tưởng lầm cứ gọi:
“Bảo Ngọc, cháu lại đây. Cẩn thận không thì cái đèn treo trên kia rơi tàn vào mắt
đấy”. Cô ấy cứ đứng cười, không đi. Sau mọi người không nhịn được, cười phá
lên, cụ cũng cười nói: “Nó ăn mặc giả trai càng dễ coi hơn”.
Đại Ngọc nói:
- Việc ấy đã thấm vào đâu? Hồi tháng giêng năm trước cô ta
sang đây ở được vài ngày, trời xuống tuyết. Hôm ấy bà và mợ đi lễ tổ về, bà cởi
cái áo khoác lông vườn màu đỏ ra. Lừa lúc bà không trông thấy, cô ấy mặc ngay
vào người, vừa rộng vừa dài, lại lấy cái khăn thắt ngang lưng, rồi ra sân sau
cùng bọn a hoàn đập tuyết chơi, không ngờ trượt chân ngã, bùn lấm khắp người.
Nói xong mọi người nhớ lại chuyện ấy, đều cười ầm lên.
Bảo Thoa cười hỏi vú Chu:
- Cô bé nhà vú độ này còn hay quấy nữa không?
Vú Chu chỉ cười. Nghênh Xuân cười nói:
- Hay quấy đã đành rồi, nhưng tôi lại ghét cô ta hay nói nhiều
quá. Có khi đi ngủ vẫn còn lảm nhảm, hết nói lại cười, không biết những chuyện
nhảm ấy từ đâu đem đến.
Vương phu nhân nói:
- Có lẽ bây giờ cháu đã khá rồi. Độ trước nghe nói có người đến
xem mặt, thế là cháu đã sắp sửa về nhà chồng rồi, lẽ nào lại còn như trước.
Giả mẫu hỏi:
- Thế lần này sang chơi, cháu định ở lại hay về ngay?
Vú Chu cười nói:
- Cụ không thấy cô ấy đã mang cả quần áo sang đây, khi nào lại
không ở chơi mấy ngày?
Tương Vân hỏi:
- Anh Bảo có ở nhà không?
Bảo Thoa cười nói:
- Cô ấy chẳng nhớ ai, chỉ nhớ cậu Bảo thôi. Vì hai người
thích chơi đùa với nhau, thế thì vẫn chưa đổi được tính hay quấy.
Giả mẫu nói:
- Bây giờ các cháu đã lớn rối đừng gọi tên tục nhau ra nữa.
Vừa nói xong, thì Bảo Ngọc chạy đến cười nói:
- Em Vân đã sang đấy à? Hôm nọ anh cho người đi đón, sao em
không sang?
Vương phu nhân nói:
- Bà vừa nói xong, chúng nó lại gọi tên tục nhau cả rồi.
Đại Ngọc nói:
- Anh cô có cái gì đẹp để dành cho cô đấy.
Tương Vân hỏi:
- Cái gì đấy?
Bảo Ngọc cười nói:
- Em tin lời cô ấy à! Mấy hôm không gặp, đã thấy lớn lên rồi.
Tương Vân cười hỏi:
- Chị Tập Nhân có khỏe không?
Bảo Ngọc nói:
- Vẫn khỏe, cảm ơn em nhớ đến.
Tương Vân nói:
- Tôi mang cái vật đẹp này sang cho chị ấy đây.
Nói xong, Tương Vân giở cái khăn lụa, lấy ra một gói con. Bảo
Ngọc nói:
- Lại cho cái gì đẹp đấy? Chi bằng em cho chị ta mấy cái nhẫn
ngọc thạch thanh màu đỏ, như hôm nọ đã đưa sang đây ấy.
Tương Vân cười hỏi:
- Đây là cái gì?
Mở gói ra, mọi người xem, quả nhiên một gói bốn chiếc nhẫn
màu đỏ là thứ nhẫn đã cho mang sang lần trước.
Đại Ngọc cười nói:
- Các chị em xem cô ta như thế đấy. Hôm nọ cho người đưa sang
các thứ nhẫn cho chúng tôi, tại sao cô không đưa cả sang một thể, có tiện hơn
không? Hôm nay cô lại tự mình mang sang. Tôi cứ tưởng là cái gì mới lạ kia, hoá
ra vẫn là thứ nhẫn này. Cô thực là người hồ đồ.
Tương Vân cười nói:
- Chính chị mới hồ đồ, để tôi kể rõ đầu đuôi cho mọi người
nghe, xem ai hồ đồ? Tôi đưa thứ gì cho các cô, thì sai người mang sang, không
phải dặn dò, chỉ cần xem qua một lượt cũng đã biết ngay rồi. Nhưng nếu sai người
ta đưa cái gì cho các chị a hoàn, là tôi phải dặn dò cẩn thận, thứ này đưa cho
chị này, thứ kia đưa cho chị kia. Người sai đi mà biết được rành mạch còn khá,
nếu gặp phải người vớ vẩn, không nhớ được rõ, cứ đưa bừa đi, tên nọ đánh ra tên
kia, sẽ bị nhầm lẫn hết. Nếu bà già đi còn khá, nhưng hôm nọ tôi lại sai đứa bé
con mang sang, làm thế nào mà dặn dò cho nó nhớ hết những tên họ của a hoàn bên
này? Bây giờ chính tay tôi mang sang đưa cho họ, chẳng rành rọt hơn hay sao?
Tương Vân nói rồi bỏ gói nhẫn ra, bảo:
- Chị Tập Nhân một chiếc, chị Uyên Ương một chiếc, chị Kim
Xuyến một chiếc, chị Bình Nhi một chiếc. Tất cả là bốn người. Thế thì bọn trẻ
con nhớ rành mạch làm sao được?
Mọi người đều cười nói:
- Quả là rõ ràng.
Bảo Ngọc cười nói:
- Vẫn mồm mép liến thoắng, chẳng chịu thua ai.
Đại Ngọc cười nhạt:
- Nếu cô ấy nói không rành mạch thì đáng đeo con “Kỳ lân
vàng” thế nào được?
Nói xong liền chạy đi chỗ khác. May sao mọi người không ai
nghe thấy, chỉ có Bảo Thoa bĩu môi cười. Bảo Ngọc thấy thế, hối hận mình đã lỡ
lời; thấy Bảo Thoa cười, cũng cười theo. Bảo Thoa thấy Bảo Ngọc cười, vội đứng
dậy, lần đến nói chuyện với đại Ngọc.
Giả mẫu bảo Tương Vân:
- Uống nước trà xong, cháu đi nghỉ một lúc, rồi đến thăm các
chị cháu. Ngoài vườn mát đấy, cháu sẽ đi chơi với các chị ấy.
Tương Vân vâng lời, gói bốn cái nhẫn lại, nghỉ một lúc, rồi
đi thăm Phượng Thư. Bọn vú bõ, người hầu cùng đi theo. đến đó, mọi người cười một
lúc, rồi sang vườn Đại Quan, vào thăm Lý Hoàn; ngồi một lát, lại sang viện Di Hồng
tìm Tập Nhân. Tương Vân quay lại bảo bọn người hầu: “Các cô không phải theo
tôi. Ai muốn đi thăm bà con cứ đi, để một mình Thúy Lũ theo hầu tôi là đủ”.
Mọi người vâng lời, để Tương Vân, Thúy Lũ ở lại đấy, rồi đi
thăm bà con.
Thúy Lũ nói:
- Hoa sen này làm sao không nở?
Tương Vân nói:
- Chưa đến mùa.
- Cái hoa này cũng như hoa trong ao nhà ta, đó là hoa kép.
- Hoa ở đây không bằng hoa của nhà ta.
- Bên này có hoa thạch lựu bốn năm cành xúm xít lại, chùm nọ
nằm chồng lên chùm kia, sao mà đẹp thế!
- Hoa cỏ cũng như người ta vậy. Khí mạch mà đầy đủ, thì càng
lớn càng đẹp.
Thúy Lũ lắc đầu nói:
- Cô nói thế cháu không tin, nếu bảo rằng cây cối cũng như
người ta, thì sao cháu không thấy người nào trên đầu lại mọc thêm một cái đầu nữa?
Tương Vân bật cười:
- Ta đã bảo em không nên nói nhiều, thế mà em cứ thích nói. Hỏi
thế thì người ta trả lời làm sao được? Trong trời đất, vật gì cũng đều nhờ âm
dương mà sinh ra, chính hay tà, kỳ hay quái, biến hoá đủ đường, cũng đều do âm
dương thuận hay nghịch mà ra. Ngay những giống từ khi mới sinh, ít người trông
thấy, rút cuộc đều cùng một lẽ cả.
- Nếu nói như thế thì từ khi có trời đất đều là âm dương cả
à?
- Con bé này ngớ ngẩn quá! Càng nói càng bậy, thế nào lại “Đều
là âm dương cả”. Vả lại, hai chữ âm dương chỉ là một, nghĩa là hết dương đến
âm, hết âm đến dương, chứ không phải hết âm mới sinh ra dương, hay là hết dương
mới sinh ra âm đâu.
- Thực là mơ hồ chán chết đi được! Thế nào là âm với dương?
Chẳng có hình có bóng à? Cháu chỉ hỏi cô, cái hình dạng âm dương nó ra thế nào?
- Âm với dương chẳng qua là khí thôi. Nhờ có khí ấy, các vật
mới thành hình chất. Ví như trời là dương, thì đất là âm; nước là âm, thì lửa
là dương; mặt trời là dương, thì mặt trăng là âm.
- Phải đấy, bây giờ cháu hiểu rồi. Chẳng trách người ta gọi mặt
trời là “Thái dương”, người xem số gọi mặt trăng là sao “Thái âm”, đó là lẽ thế
đấy.
- A di đà phật! Bây giờ em mới hiểu ra.
- Những cái ấy có âm dương đã đành rồi, còn đến ruồi, muỗi,
sâu, bọ, hoa cỏ, mảnh ngói, viên gạch cũng có âm dương cả sao?
- Cái gì mà chẳng có, ví như một lá cây cũng có âm dương khác
nhau, mặt ngửa lên trời là dương, mặt úp xuống đất là âm.
Thúy Lũ gật đầu cười nói:
- Thế à! Bây giờ cháu mới hiểu. Cái quạt chúng ta cầm ở tay
đây, thế nào là âm, thế nào là dương?
- Mặt phải là dương, mặt trái là âm.
Thúy Lũ gật đầu cườì, còn muốn tìm mấy thứ nữa để hỏi, nhưng
chưa nghĩ ra. Chợt cúi đầu nhìn thấy Tương Vân đeo cái dây có con kỳ lân vàng,
liền cầm lấy cười hỏi:
- Cái này có âm dương không hở cô?
- Muông chạy, chim bay, thì giống đực là dương, giống cái là
âm, cái gì mà chẳng có.
- Thế thì con kỳ lân của cô đeo đó là đực hay cái?
- Tôi cũng không biết.
- Thế thì thôi vậy. Tại sao cái gì cũng có âm dương mà chúng
ta lại không có?
Tương Vân sa sầm nét mặt nói:
- Đồ ngu! Thôi cút đi, càng hỏi càng nói tầm bậy.
- Cái đó có gì mà cô không bảo cho cháu biết. Cháu cũng hiểu
rồi, cô đừng vặn vẹo cháu nữa.
- Em hiểu thế nào?
- Cô là dương, cháu là âm.
Tương Vân lấy khăn lụa bịt mồm cười. Thúy Lũ nói:
- Nói đúng mà cô lại cười à.
- Đúng lắm, đúng lắm!
- Người ta thường nói chủ nhà là dương, đầy tớ là âm, ngay những
lẽ thường như thế, mà em cũng không hiểu hay sao?
- Em hiểu lắm rồi.
Hai người đi đến dưới giàn hoa tường vi, Tương Vân trỏ tay bảo:
- Em xem kìa, cái gì vàng lóng lánh như đồ trang sức của ai
đánh rơi.
Thúy Lũ vội chạy đến nhặt lên tay, cười nói:
- Cái này sẽ phân biệt ra được âm dương!
Nói rồi cầm con kỳ lân của Tương Vân xem. Tương Vân muốn xem
cái mới nhặt được, nhưng Thúy Lũ không chịu đưa, cười nói:
- Cái này là cái bảo bối, cô không xem được đâu! Lạ chưa? ở
đâu mà đến đây? Xưa nay cháu không trông thấy ở ai có cái này cả.
- Đưa tôi xem nào.
Thúy Lũ xòe tay ra cười nói:
- Đây mời cô xem.
Tương Vân nhìn xem, thì ra một con kỳ lân vàng, so với con của
mình đeo vừa to vừa có văn vẻ hơn. Tương Vân nâng lấy để vào lòng bàn tay, đứng
ngẩn người ra, lặng lẽ không nói một lời. Chợt thấy Bảo Ngọc ở đầu kia đi tới,
cười nói:
- Em đứng dưới ánh mặt trời này làm gì? Tại sao không đi tìm
Tập Nhân?
Tương Vân vội giấu con kỳ lân đi và nói:
- Em định đến đây, chúng ta cùng đi một thể.
Nói xong, hai người cùng đi đến viện Di Hồng.
Tập Nhân đương ở dưới thềm, đứng tựa bao lan hóng mát, thấy
Tương Vân đến, vội vàng ra đón, dắt tay nhau cười nói hàn huyên, rồi vào nhà mời
ngồi. Bảo Ngọc liền nói:
- Em nên sang sớm là phải, anh có một cái đẹp lắm, chỉ để chờ
em thôi!
Nói xong sờ vào người một lúc rồi kêu “Ái chà” một tiếng, hỏi
Tập Nhân:
- Cái ấy của tôi, chị cất có phải không?
- Cái gì kia chứ?
- Con kỳ lân lấy được hôm trước ấy mà.
- Ngày nào cậu cũng đeo luôn trong mình, lại còn hỏi tôi?
Bảo Ngọc vỗ tay một cái nói:
- Thôi, tôi đánh rơi mất rồi, tìm ở đâu được bây giờ?
Rồi đứng dậy chực đi tìm.
Tương Vân nghe thấy thế, biết là của Bảo Ngọc đánh rơi, cười
nói:
- Anh có con kỳ lân ấy từ bao giờ?
- Hôm nọ tình cờ người ta cho tôi, nhưng không biết đánh rơi ở
đâu và từ lúc nào? Tôi thực là hồ đồ quá.
Tương Vân cười nói:
- Nó là đồ chơi, mà anh cũng hoảng lên như thế.
Liền đưa con kỳ lân ra cười hỏi:
- Anh xem, có phải con này không?
Bảo Ngọc trông thấy vui mừng khôn xiết.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ.
Hồi 32:
Giải bày hết tâm can, Bảo Ngọc đâm ra mê mẩn
Không chịu được sỉ nhục, Kim Xuyến đành phải liều thân
Bảo Ngọc trông thấy con kỳ lân, trong bụng rất vui sướng, giơ
tay cầm lấy, cười nói:
- May em nhặt được! Nhưng tại sao em lại nhặt được?
Tương Vân cười nói:
- May mà là cái này, chứ mai sau đánh rơi cái ấn, chả lẽ anh
cũng chịu hay sao?
Bảo Ngọc cười nói:
- Mất cái ấn, chỉ là việc thường, chứ mất cái này thì anh thật
đáng chết.
Tập Nhân pha nước đem lại mời Tương Vân uống, rồi cười nói:
- Cô ơi, hôm nọ tôi nghe cô có tin mừng lớn.
Tương Vân đỏ mặt, ngoảnh đầu đi phía khác uống nước, không trả
lời. Tập Nhân cười nói:
- Bây giờ cô lại đâm ra xấu hổ. Còn nhớ một buổi chiều năm
nào, chúng ta ngồi ở gác bên tây nói chuyện với nhau không? Khi ấy cô không thẹn
thò gì cả, sao bây giờ cô lại thẹn?
Tương Vân lại đỏ bừng mặt lên gượng cười nói:
- Chị còn nhắc lại việc ấy làm gì! Lúc bấy giờ chúng ta đằm
thắm với nhau lắm, sau mẹ tôi chết, nhà tôi dọn đi ở xa, vì thế người ta mới
gán chị cho anh Bảo, bây giờ tôi đến đây, chị đối đãi với tôi không còn như trước
nữa.
Tập Nhân cũng đỏ mặt lên, cười nói:
- Thôi đi, lúc trước thì một điều chị, hai điều chị, nhờ tôi
chải đầu, rửa mặt, lấy cái nọ, chơi cái kia; bây giờ lại làm ra bộ tiểu thư. Cô
đã thế, thì tôi còn dám gần gũi sao được?
Tương Vân nói:
- A di đà phật! Oan uổng quá! Tôi mà như thế thì chết ngay lập
tức. Chị xem, trời nóng thế này, vừa đến đây, tôi lại thăm chị trước tiên. Chị
không tin, thử hỏi con Lũ xem. Khi tôi ở nhà, từng giờ từng phút, không lúc nào
không nhắc nhở đến chị?
Tập Nhân và Bảo Ngọc nghe nói, đều cười:
- Nói đùa mà lại cho là thực, cô vẫn còn giữ tính nóng nẩy ấy.
- Chị có biết đâu, cứ nói nhưng câu chọc tức người ta, rồi lại
trách người ta nóng tính.
- Hôm nọ cô gửi quà cho các cô bên này, tôi cũng đã được một
phần rồi. Hôm nay cô lại thân hành mang nhẫn đến cho tôi, thế mới biết không
bao giờ cô quên tôi. Tôi nói thế để thử bụng cô đấy thôi. Cái nhẫn có đáng là
bao? Thế đủ biết lòng thực của cô.
Tương Vân hỏi:
- Ai đưa cho chị?
- Cô Bảo đưa cho tôi.
Tương Vân thở dài:
- Thế ra cô Bảo cho chị à? Tôi cứ tưởng là cô Lâm. Khi tôi ở
nhà, luôn luôn nghĩ đến các chị em bên này, Không ai tốt bằng Cô Bảo. Tiếc rằng
chúng tôi không phải là chị em ruột. Nếu tôi được một người chị ruột như thế,
thì có mồ côi cha mẹ cũng không lo.
Nói xong, mắt đỏ hoe. Bảo Ngọc nói:
- Thôi, thôi, đừng nhắc đến chuyện ấy nữa.
Tương Vân nói:
- Nhắc đến chuyện ấy thì sao? Tôi biết bụng anh rồi. Anh chỉ
sợ cô Lâm nhà anh nghe thấy, lại tức tối vì tôi chỉ biết khen cô Bảo thôi. Có
phải thế không?
Tập Nhân đứng cười khì một tiếng, nói:
- Cô Vân bây giờ lớn lên, bụng dạ thẳng thắn, có gì nói tuột
ngay ra.
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi thường bảo mấy chị em các cô thực khó nói chuyện quá,
quả là không sai.
Tương Vân nói:
- Thôi xin anh đừng nói nữa, lại làm cho tôi bực mình. Bây giờ
trước mặt tôi thì anh nói thế, nhưng khi gặp cô Lâm nhà anh, chẳng biết anh lại
tán tụng đến thế nào.
Tập Nhân nói:
- Thôi đừng nói chuyện đùa nữa, tôi có một việc cần nhờ cô
- Việc gì đấy?
- Có một đôi giày, tôi đã cắt vải rồi, nhưng mấy hôm nay người
không được khỏe, nên không làm được. Cô có rỗi làm giúp hộ tôi.
- Lạ thật! Nhà chị bao nhiêu là người khéo, biết thêu thùa,
biết cắt may, tại sao lại nhờ tôi làm? Công việc của chị nhờ ai mà chả được?
Tập Nhân cười nói:
- Cô lại hồ đồ rồi! Cô vẫn chưa biết à? Những đồ thêu thùa
trong nhà này, có phải người biết thêu thùa là làm được đâu!
Tương Vân nghe nói, biết ngay là giày của Bảo Ngọc, cười nói:
- Đã thế thì tôi làm hộ chị. Nhưng có một điều là, có thực của
chị thì tôi mới làm, chứ của người khác thì tôi không làm đâu.
- Cô lại khéo giở trò! Tôi là người thế nào mà dám nhờ cô
thêu hộ giày. Nói thực với cô, đây không phải là giày của tôi. Nhưng bất cứ của
ai, nếu cô làm hộ thì tôi biết ơn cô là đủ rồi.
- Cứ lẽ ra tôi đã làm hộ chị nhiều thứ rồi, bây giờ chắc chị
cũng hiểu vì sao tôi không làm hộ.
- Tôi vẫn chưa hiểu gì cả.
- Tôi nghe nói đã có lần mang cái quạt của tôi ra sánh với
cái quạt của người ta, rồi tức bực cắt tan ra. Tôi biết, chị lại còn giấu tôi
à? Bây giờ chị lại bảo tôi làm, thế ra tôi là đầy tớ các người đấy nhỉ?
Bảo Ngọc cười nói:
- Hôm trước, thực không biết cái đó là của em làm!
Tập Nhân cười:
Cậu ấy thực không biết là của cô làm, đó là tôi nói dối cậu ấy
rằng gần đây ở ngoài phố có em bé làm quạt rất khéo, cắt được những kiểu hoa lạ
lắm. Tôi lấy một cái đem về xem có đẹp hay không. Cậu ấy tin là thật, đưa cho
người này người nọ xem, không ngờ lại làm cô Lâm tức giận, đem cắt ra làm đôi.
Sau cậu ấy lại bảo tôi thuê làm một cái khác, tôi mới nói thực là của cô làm. Cậu
ấy thấy vậy hối hận không biết chừng nào!
Tương Vân nói:
- Như thế lại càng lạ lắm. Việc gì đến cô Lâm mà cô ấy phải tức.
Cô ấy đã biết cắt, chắc cô ấy phải biết làm.
Tập Nhân nói:
Cô ấy không làm đâu. Như thế mà cụ còn sợ cô ấy khó nhọc đấy!
Thầy thuốc lại bảo nên tĩnh dưỡng nhiều cho khỏe. Như vậy thì ai còn dám phiền
cô ấy làm nữa? Năm ngoái, suốt cả năm cô ấy chỉ làm được có một cái túi hương,
giờ đã nửa năm rồi, vẫn chưa thấy đụng đến kim chỉ.
Đương nói thì có người vào trình “Có khách ở phố Hưng Long đến
chơi, ông gọi cậu Hai ra tiếp”. Bảo Ngọc nghe nói, biết ngay là Giả Vũ Thôn,
trong bụng rất khó chịu. Tập Nhân vội đi lấy quần áo. Bảo Ngọc vừa xỏ giày vừa
lẩm bẩm: “Đã có ông ngồi tiếp ông ta là đủ rồi, việc gì lần nâo cũng đòi gặp
tôi”.
Tương Vân phe phẩy cái quạt cười nói:
- Vì anh khéo chiều khách, nên ông mới bảo anh ra tiếp.
- Nào phải ông bảo đâu, chỉ tại cái lão ấy muốn gặp tôi đấy
thôi.
- Chủ mà nhã thì khách năng đến chơi, chắc là anh có nhiều điều
tốt làm ông ta lưu ý đến, mới muốn gặp anh.
- Thôi, thôi, tôi không dám hứng lấy những cái nhã ấy, chẳng
qua tôi là một người tục, tục nhất trong đám tục, không muốn đi lại với hạng
người ấy!
- Cái tính ấy vẫn chưa chịu bỏ. Bây giờ anh lớn rồi, dù anh
không muốn thi đỗ cử nhân tiến sĩ, thì cũng nên năng gặp gỡ những bậc quan
sang, bàn đến bước đường tiến cử để ra gánh vác việc đời, giúp nước giúp dân,
nên cần phải có bạn bè qua lại. Chứ quanh năm anh cứ luẩn quẩn với bọn chị em
chúng tôi, thì còn làm được trò trống gì nữa?
Bảo Ngọc nghe thấy những câu ấy, trái tai lắm, liền nói:
- Xin mời cô sang ngồi chơi bên nhà khác. Chứ nhà tôi đây thực
làm nhơ bẩn đến những người hiểu việc trị nước giúp dân ấy.
Tập Nhân vội nói đỡ
- Thôi, cô đừng nói chuyện với cậu ấy nữa. Kỳ trước cô Bảo
cũng có một lần nói đến việc này, cậu ấy không nể mặt, đằng hắng một tiếng rồi
xỏ giày đi luôn. Cô Bảo đang nói, thấy cậu ấy bỏ đi, thẹn đỏ mặt lên, không biết
nên nói hay đừng. May là cô Bảo, chứ cô Lâm thì chưa biết sinh chuyện đến thế
nào, khóc lóc đến thế nào. Nhắc đến chuyện này, người ta phải kính phục cô Bảo,
cô ấy ngồi một lúc rồi về. Tôi không đành lòng, cho là cô ấy thế nào cũng giận,
không ngờ sau đã lại tử tế như thường, thực là người có độ lượng, bụng dạ rất
là rộng rãi. Ai ngờ cậu ấy lại không chơi thân với cô ta! Còn cô Lâm, hễ thây cậu
ấy giận là cô ta không cần nhìn đến, dần dần cậu ấy lại phải đến xin lỗi, cứ thế
không biết bao nhiêu lần.
Bảo Ngọc nói:
- Cô Lâm có bao giờ nói những câu nhảm ấy đâu? Nếu nói đến
thì tôi đã xa cô ấy từ lâu rồi.
Tập Nhân và Tương Vân lắc đầu cười nói:
Những câu ấy mà nhảm à?
Đại Ngọc biết trước là Tương Vân sang chơi thế nào Bảo Ngọc
cũng nhắc đến chuyện con kỳ lân, nghĩ bụng: “Gần đây Bảo Ngọc hay xem những
chuyện tiểu thuyết, phần nhiều giai nhân, tài tử được gặp nhau là do những đồ
chơi lặt vặt, khéo léo xe nên, hoặc là do uyên ương, hoặc là do phượng hoàng,
hoặc là vòng ngọc, dây vàng, hoặc là khăn giao(1) dây loan đều nhờ những vật nhỏ
ấy mà thỏa được ý nguyện suốt đời”. Nay thấy Bảo Ngọc có con kỳ lân, tất sẽ mượn
cái ấy mà sinh chuyện, hòng khêu gợi tình tứ với Tương Vân chăng? Vì thế Đại Ngọc
lẳng lặng đi đến, tùy cơ để dò xét ý tứ hai người, không ngờ vừa tới nơi, nghe
thấy Tương Vân đương nói việc trị nước giúp dân, và nghe Bảo Ngọc trả lời:
“Không khi nào cô Lâm lại nói nhưng câu nhảm ấy, nếu nói đến, tôi đã xa cô ấy
lâu rồi”.
Đại Ngọc nghe vậy, mừng mừng, sợ sợ, tủi tủi, thương thương.
Mừng là: mắt mình không nhầm, ngày thường vẫn cho anh ấy là ngưòì tri kỷ, giờ
quả thực như vậy. Sợ là: trước mặt người khác, anh ấy vẫn nghĩ đến mình, vẫn
khen ngợi mình, đủ biết mối tình nồng nàn không hề e ngại tý gì; tủi là: anh đã
là tri kỷ của tôi, thì tất nhiên tôi cũng là tri kỷ của anh. Anh và tôi đã là một
đôi tri kỷ, thì tại sao lại còn có chuyện “vàng” với “ngọc”. Mà dù có chuyện
“vàng ngọc” thì vàng ngọc ấy đáng lẽ là của anh và của tôi, chứ tại sao lại còn
có cô Bảo Thoa nữa? Thương là: cha mẹ mất sớm, dù có những lời ghi lòng tạc dạ,
nhưng không có ai tác thành cho ta. Vả chăng, gần đây đã chớm có bệnh, tinh thần
hoảng hốt. Thầy thuốc bảo: “Khí suy huyết kém, sợ rồi sinh ra chứng lao”. Tôi
dù là tri kỷ của anh, nhưng sợ không thể chờ lâu được. Anh dù là tri kỷ của
tôi, nhưng tôi bạc mệnh thì làm thế nào? Nghĩ đến nông nỗi ấy, Đại Ngọc không cầm
nổi nước mắt; muốn đi vào để gặp nhau, nhưng lại nghĩ hơi trẽn, đành gạt nước mắt
quay về.
Bảo Ngọc vội vàng mặc quần áo rồi đi ra, thấy Đại Ngọc lững
thững đi trước, hình như đương gạt nước mắt, liền chạy ngay đến, cười hỏi:
- Em ơi, đi đâu đấy? Làm sao lại khóc? Lại ai có lỗi với em
thế?
Đại Ngọc quay lại thấy Bảo Ngọc, liền gượng cười nói:
- Em có khóc đâu.
- Em xem, nước mắt chưa ráo, lại còn nói dối à!
Vừa nói, Bảo Ngọc vừa giơ tay lên lau nước mắt hộ, Đại Ngọc vội
lùi lại mấy bước nói:
- Anh lại muốn chết đấy! Làm trò gì mà ngứa ngáy chân tay như
thế?
- Mải nói chuyện quá anh quên hẳn đi, tay tự nhiên ngứa ngáy,
không nghĩ gì đến sống hay chết cả.
- Chết thì đáng kể gì, chỉ có điều là phải bỏ lại vàng, và
con kỳ lân nào đó, thì làm thế nào!
Câu ấy làm cho Bảo Ngọc phát cáu, vội chạy đến hỏi:
- Em nói không câu này, là rủa tôi hay là chọc tức tôi?
Đại Ngọc nghĩ ngay đến việc hôm trước, hối hận mình đã trót
nông nổi, liền cười nói:
- Anh đừng cáu vội, em nói lỡ lời đấy. Câu ấy có can hệ gì
đâu? Thế mà mắt đã nổi gân lên, mồ hôi đã toát ra.
Vừa nói vừa đến gần giơ tay lau mồ hôi cho Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc nhìn một lúc rồi nói:
- Em hãy cứ yên tâm.
Đại Ngọc ngẩn người ra một lúc rồi nói:
- Có việc gì mà em không yên tâm? Em không hiểu câu nói của
anh. Anh nói lại xem thế nào là yên tâm với không yên tâm?
Bảo Ngọc thở dài một cái hỏi:
- Quả thực em không hiểu câu ấy à? Không lẽ lòng anh gắn bó với
em từ bấy lâu nay đều là nhầm cả hay sao? Ngay đến tính nết của em, anh cũng
không biết chiều chuộng, chả trách ngày nào em cũng vì anh đâm ra bực tức.
Đại Ngọc nói:
- Quả thực em không hiểu câu nói yên tâm hay không yên tâm.
Bảo Ngọc lắc đầu thở dài:
- Thôi em đừng giấu anh nữa. Nếu quả thực em không hiểu câu ấy,
thì không những uống cả tấm lòng của anh bấy lâu nay, mà phụ cả tâm lòng của em
đối với anh nữa. Chỉ vì em không yên tâm, thành ra đau ốm luôn. Nếu em được
khoan khoái một chút, thì bệnh đến nỗi nào ngày càng nặng như thế.
Đại Ngọc nghe nói, người choáng lên như sấm ran sét đánh, ngẫm
nghĩ từng ly từng tí, mới biết câu nói ấy rất thấm thía, hơn là moi tự trong
gan trong ruột mình ra, có hàng vạn câu muốn nói, nhưng không nói ra được nửa lời,
chỉ cứ trừng trừng nhìn Bảo Ngọc. Bấy giờ trong bụng Bảo Ngọc cũng có hàng vạn
câu muốn nói, nhưng không biết bắt đầu từ câu gì, nên cũng trừng trừng nhìn Đại
Ngọc. Hai người đứng đờ người ra một lúc, rồi Đại Ngọc ho một tiếng, nước mắt
ròng ròng, quay đầu chực chạy. Bảo Ngọc vội kéo lại nói:
Đại Ngọc gạt nước mắt, đẩy tay Bảo Ngọc ra nói:
- Còn có câu gì đáng nói nữa? Những câu anh muốn nói em biết
cả rồi.
Nói xong cắm đầu chạy ngay.
Bảo Ngọc vẫn cứ đứng ngẩn người ra nhìn. Lúc ra đi, Bảo Ngọc
vội quá, nên không mang quạt. Tập Nhân sợ trời nóng, cầm quạt đuổi theo, thấy Đại
Ngọc đứng đấy một lúc; Đại Ngọc đi, còn trơ Bảo Ngọc ở đấy, Tập Nhân vội chạy lại
nói:
- Cậu quên không mang quạt, may tôi trông thấy, mang lại cho
cậu.
Bảo Ngọc đương thờ thẫn vẩn vơ, nghe tiếng Tập Nhân, cũng
không nhận ra được là ai, chỉ đờ mặt ra nói: “Em ơi! Nỗi lòng của anh lâu nay
không dám nói ra, bây giờ anh cả gan nói ra, dù chết anh cũng cam lòng! Vì em
mà anh đeo bệnh, nhưng đành cứ chịu, không dám nói với ai. Chỉ khi nào em khỏi
bệnh, thì may ra bệnh anh mới khỏi được. Cả trong giấc ngủ mơ màng, anh cũng
không bao giờ quên được em!”
Tập Nhân nghe nói, sợ hoảng hồn kêu to “Trời giết tôi!” Vội đẩy
Bảo Ngọc ra nói:
- Cậu nói gì thế? Bị ma làm hay sao? Còn không đi à?
Bảo Ngọc tỉnh lại, mới biết là Tập Nhân, thẹn đỏ mặt lên,
nhưng người vẫn ngớ ngẩn, liền cầm lấy cái quạt đi luôn, không nói câu gì.
Bảo Ngọc đi rồi, Tập Nhân ngẫm nghĩ lời nói vừa qua, tất là
vì Đại Ngọc mà thốt ra, xem thế thì sau này e xảy việc không hay, làm cho người
ta đáng ghê, đáng sợ. Biết tính thế nào để tránh khỏi cái tai vạ xấu xa này?
Tập Nhân đang đứng ngẩn người ra suy nghĩ, chợt Bảo Thoa ở đường
kia đi đến cười nói:
- Trời nắng chang chang thế này mà chị đứng bêu ra đấy làm
gì?
Tập Nhân vội cười nói:
- Có hai con chim sẻ đánh nhau, trông thấy cũng hay hay, nên
tôi đứng xem.
Bảo Thoa nói:
- Cậu Bảo vừa mặc quần áo đi đâu thế? Tôi muốn gọi lại hỏi,
nhưng thấy cậu ấy cứ cuống cuồng lên, nói chẳng ra đầu ra cuối, nên tôi cũng
không hỏi, để mặc cậu ấy đi.
- Ông tôi gọi cậu ấy đấy.
- Ái chà! Trời nắng thế này, gọi cậu ấy đến làm gì? Lại quở
phạt điều gì chăng?
- Không phải thế, nghe đâu có khách nào muốn gặp cậu ấy đấy.
- Cái ông khách nào chả có ý tứ gì cả, trời nắng thế này
không ở nhà cho mát, lại đâm đầu đến đây làm gì?
- Cô cũng nói thế ư?
- Con bé Vân ở trong nhà các chị làm gì đấy?
- Cô ấy với chúng tôi vừa ngồi nói chuyện phiếm với nhau. Cô
xem, đôi giày của tôi dán hôm trước, ngày mai sẽ nhờ cô ấy làm hộ.
Bảo Thoa nghe vậy, nhìn chung quanh không có ai, mới cười
nói:
- Chị là người sáng suốt, thế mà sao có lúc không thể tất cho
người ta? Gần đây tôi xem thần sắc, cử chỉ và lời ăn tiếng nói nửa kín nửa hở của
cô ấy, biết rằng ở nhà cô ấy không được tự chủ tý nào! Nhà cô ấy sợ tiêu pha tốn
kém, nên không thuê người may vá, hầu hết mọi cái đều tự tay người dì cô ta làm
lấy cả. Mấy lần sang đây, hễ vắng người là cô ta lại kể với tôi về việc cửa việc
nhà, làm lụng mệt chết đi được. Tôi hỏi đến chuyện chi tiêu trong nhà thế nào,
thì mắt cô ấy đỏ hoe lên, miệng ấp úng, nói không ra lời. Xem tình cảnh cô ấy mồ
côi mẹ từ bé, tất nhiên là chịu khổ. Trông thấy cô ấy, tự nhiên bụng tôi lại thấy
đau xót!
Tập Nhân nghe vậy, vỗ tay nói:
- Phải rồi! Phải rồi! Thảo nào tháng trước tôi nhờ cô ấy đánh
hộ mười cái dây con bướm. Mấy hôm sau, cô ấy mới cho người mang sang, và nói:
“Hãy dùng tạm những thứ dây thô này, chờ khi nào thong thả, tôi sang ở luôn bên
ấy, sẽ làm thứ khác đẹp hơn”. Giờ nghe cô nói, tôi mới nghĩ ra những việc chúng
tôi nhờ trước đây, cô ấy đều không tiện từ chối. Nhưng có biết đâu cô ấy ở nhà
cũng phải làm lụng vất vả, thâu canh suốt sáng như thế! Thực là tôi hồ đồ thực,
chứ biết thế này thì tôi không dám nhờ cô ấy mới phải.
- Lần trước cô ấy có nói với tôi, ở nhà phải làm việc khuya đến
tận canh ba; nếu làm hộ ai một tí gì thì bọn các bà các mợ bên ấy lại có vẻ
không bằng lòng.
- Khốn nỗi cái cậu bướng bỉnh nhà ta, bất cứ việc lớn hay nhỏ,
nhất thiết không để cho người trong nhà làm, mà tôi thì lại không làm xuể.
- Mặc cậu ấy! Cứ bảo người khác rồi nói dối mình làm là được.
- Giấu thế nào được. Cậu ấy nhận ra ngay. Thôi để tôi làm dần
vậy.
- Thôi, chị đừng ngại, để đấy tôi làm hộ cho một ít cũng được.
- Thật thế chứ? Nếu vậy thì phúc cho tôi quá! Chiều hôm nay
tôi sẽ mang đến nhờ cô.
Nói chưa dứt lời, chợt có một bà già chạy đến báo:
- Tin đâu đưa đến bất ngờ! Kim Xuyến tự dưng đâm đầu xuống giếng
chết rồi!
Tập Nhân giật mình vội hỏi:
- Kim Xuyến nào đấy?
- Lại còn Kim Xuyến nào nữa? Kim Xuyến ở hầu bà Hai ấy. Hôm
trước không biết vì việc gì nó bị đuổi; về nhà kêu trời kêu đất, khóc hết nước
mắt, cũng không ai để ý đến. Rồi cũng chẳng ai để ý nó đi đâu, sau có người
gánh nước nói: “Ở cái giếng đằng đông nam, có xác người chết”. Tôi chạy đi nhờ
người vớt lên, không ngờ lại là nó! Họ nháo lên chữa chạy, nhưng có ăn thua gì!
Bảo Thoa nói:
- Lạ nhỉ.
Tập Nhân lắc đầu thở dài, nghĩ đến ngày thường cùng chung cảnh
ngộ, tự nhiên nước mắt trào ra. Bảo Thoa tất tưởi chạy sang bên Vương phu nhân.
Tập Nhân thì quay về nhà.
Bảo Thoa đến buồng Vương phu nhân, thấy im lặng như tờ, Vương
phu nhân đương ngồi một mình, sụt sùi khóc ở trong buồng. Bảo Thoa không tiện gợi
ra nữa, đành ngồi ghé một bên. Vương phu nhân hỏi:
- Cháu ở đâu đến đây?
- Cháu ở bên vườn sang.
- Nếu ở vườn sang, có gặp em Bảo không?
- Cháu mới trông thấy cậu ấy mặc quần áo đi ra, không biết đi
đâu!
Vương phu nhân lắc đầu thở dài:
- Cháu có biết mới xảy ra một việc lạ không? Con Kim Xuyến tự
nhiên đâm đầu xuống giếng chết rồi.
- Tự nhiên vô cớ, sao chị ấy lại đâm đầu xuống giếng? Lạ nhỉ?
- Hôm nọ nó đánh vỡ của ta một cái đồ dùng, ta nóng tiết đánh
nó vài cái, rồi đuổi nó đi. Ta chỉ định làm ra thế mấy hôm rồi lại gọi nó về,
không ngờ nó phẫn chí đâm đầu xuống giếng chết. Thế không phải tội lỗi ta hay
sao?
Bảo Thoa cười nói:
- Dì là người nhân từ, nên nghĩ như thế. Chứ cháu đoán thì
không phải nó tức bực mà đâm đầu xuống giếng đâu, có lẽ nó đứng gần, hay đùa
nghịch gì ở bên giếng, sểnh chân bị ngã chăng? Nó ở nhà này bị bó buộc quen rồi,
bây giờ được ra ngoài, tất là đi chơi đùa các nơi cho thích, chứ đến nỗi nào tức
khí như thế. Nếu vì tức khí mà liều lĩnh, thì chẳng qua là hạng hồ đồ, không
đáng tiếc làm gì?
Vương phu nhân lắc đầu thở dài:
- Dù sao trong bụng ta vẫn không yên được!
Bảo Thoa cười nói:
- Xin dì đừng nghĩ ngợi quá đến việc này; nếu không đành dạ,
thì cho họ mấy lạng bạc để tống táng nó, thế là trọn tình chủ nhà đối với người
ở rồi.
Vương phu nhân nói:
- Vừa rồi ta đã đưa cho mẹ nó năm mươi lạng bạc. Ta còn muốn
cho thêm hai cái quần áo mới của chị em cháu, để khâm liệm cho nó, nhưng chị
Phượng nói không có bộ nào mới may, chỉ có cháu Lâm có hai bộ để mặc ngày lễ
sinh nhật. Ta xem ra, cháu Lâm ngày thường vốn hay tự lự; vả chăng bản mệnh nó
lại có nhiều tai nạn, đã cho nó làm lễ sinh nhật, giờ đem làm đồ khâm liệm cho
người khác, lại chẳng đáng kiêng hay sao? Vì thế ta đã cho gọi thợ may đến may
một bộ áo mới cho nó. Nếu là đứa hầu khác, thì chỉ cho nó vài lạng bạc là đủ.
Con Kim Xuyến tuy là đứa hầu, nhưng ngày thường nó vẫn ở gần gụi ta, so với con
đẻ, cùng chả kém gì mấy.
Nói đến đây, nước mắt bà ta lại trào ra. Bảo Thoa vội nói:
- Dì cũng chẳng cần gì phải gọi thợ đến may nữa. Trước cháu
có may hai bộ, mang ra cho nó, chả đỡ hay sao? Vả lại khi nó còn sống vẫn thường
mặc quần áo cũ của cháu, kích thước cũng vừa vặn.
- Dù thế mặc lòng, nhưng cháu không kiêng hay sao?
- Xin dì cứ yên lòng, cháu không bao giờ để ý đến chuyện ấy.
Vừa nói vừa đứng dậy đi. Vương phu nhân liền sai người đi
theo.
Một lúc, Bảo Thoa mang quần áo đến, thấy Bảo Ngọc ngồi cạnh
Vương phu nhân, nước mắt giàn giụa, đương nghe Vương phu nhân giảng giải điều
gì. Thấy Bảo Thoa đến, liền thôi không nói nữa. Trước tình cảnh ấy, Bảo Thoa
xét lời nói, xem nét mặt, đã hiểu được phần nào rồi. Vương phu nhân gọi mẹ Kim
Xuyến đến, đưa cho bọc quần áo mang về.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Theo sách thuật dị: có một giống người ở dưới biển như
cá (giao nhân), dệt ra được thứ lụa đẹp, gọi là lụa giao.
Hồi 33:
Coi anh như thù, giọng lưỡi ton hót
Đẻ con bất hiếu, roi vọt dập vùi
Vương phu nhân gọi mẹ Kim Xuyến đến, cho mấy cái trâm vòng và
bảo mời sư đến đọc kinh siêu độ cho nó. Mẹ Kim Xuyến cúi đầu tạ ơn đi ra.
Khi Bảo Ngọc tiếp Vũ Thôn xong trở về, nghe tin Kim Xuyến xấu
hổ tự vẫn, lòng rất đau xót, vừa bước vào cửa, lại bị Vương phu nhân quở trách
một trận, không trả lời được câu nào. Chợt thấy Bảo Thoa đi vào, Bảo Ngọc nhân
dịp lẻn ra ngoài, thờ thẫn không biết đi đâu, cứ tay chắp sau lưng, đầu cúi gầm,
miệng than thở, lững thững đi ra phòng khách. Vừa qua tấm bình phong, Bảo Ngọc
đâm phải một người từ ngoài bước vào. Người kia quát to “Đứng lại”, Bảo Ngọc giật
nảy mình, ngẩng đầu lên nhìn, té ra là Giả Chính. Bảo Ngọc lạnh hẳn người đi,
đành chắp tay đứng bên cạnh.
Giả Chính nói:
- Mày làm sao mà cúi đầu ủ rũ như vậy? Vừa rồi ông Vũ Thôn đến
chơi, muốn gặp mày, gọi mãi mày mới chịu đến. Khi đến thì ăn nói toàn là những
chuyện vụn vặt, nhỏ nhặt,không có một chút khoát đạt lưu loát nào. Tao xem mày
vẻ mặt lúc nào cũng đầy rẫy những lo phiền, tình dục. Bây giờ làm gì mày lại
than dài thở ngắn? Như thế này vẫn chưa được đủ, chưa được hả dạ hay sao?
Bảo Ngọc vốn tay lém lỉnh. Nhưng vì lúc này thương nhớ Kim
Xuyến quá, đang băn khoăn không thể chết theo nó được nên cha quở mắng thế nào
cũng mặc, cứ đứng đờ người ra.
Giả Chính đáng ra cũng không bực. Nhưng thấy Bảo Ngọc sợ quá,
ăn nói khác hẳn ngày thường, nên đã nổi giận đôi phần. Giữa lúc ấy có người gác
cửa vào trình:
- Có người bên phủ Trung Thuận Thân Vương xin vào hầu cụ lớn.
Giả Chính nghe nói, trong bụng nghi hoặc: “Xưa nay ta không hề
chơi bời với phủ Trung Thuận, tại sao hôm nay lại có người đến đây?” Vừa nghĩ vừa
bảo mời vào ngồi trong nhà khách. Ông ta vội vào nhà trong thay áo, rồi ra tiếp,
té ra là quan trưởng phủ ở phủ Trung Thuận. Hai bên chào nhau xong, ngồi uống
nước trà. Chưa kịp chuyện trò gì, thì quan trưởng phủ đã nói ngay:
- Không phải hạ quan này dám đường đột đến qúi phủ. Hôm nay tới
đây là theo lệnh trên, xin phiền ngài vì Vương gia chúng tôi mà giúp cho, không
những Vương gia chúng tôi được nhờ ơn, ngay cả bọn hạ quan chúng tôi cũng cảm tạ
khôn xiết.
Giả Chính nghe nói, nghĩ mãi không biết chuyện gì, vội đứng dậy
cười hỏi:
- Ngài đã thừa lệnh đức Vương đến đây, nếu có việc gì, cứ
truyền rõ cho, chúng tôi xin tuân lệnh.
Quan trướng phủ cười nhạt:
- Không phải làm gì cả, chỉ xin ngài nói cho một câu là xong.
Trong phủ chúng tôi có một con hát đóng vai nữ tên là Kỳ quan, mấy hôm nay
không thấy về, cho đi tìm cũng không thây nó ở đâu. Chúng tôi phải cho người đi
dò các nơi. Ở trong thành mười người thì tám người nói: Gần đây nó chơi thân với
cậu em ngậm ngọc ở đây. Vì tôn phủ không phải như các nhà thường, nên không dám
thiện tiện đến bắt. Bởi vậy hạ quan phải vào trình đức Vương. Ngài nói: “Con
hát khác mất trăm đứa cũng không cần, nhưng tên Kỳ quan này là người cẩn thận,
chắc chắn, biết lựa dịp ứng đáp, rất hợp ý già này, không thể nào bỏ nó được”.
Vì thế, chúng tôi đến nhờ ngài bảo cậu Hai cho tên Kỳ quan về, để thỏa lòng
Vương gia chúng tôi thiết tha mong đợi, và chúng tôi cũng đỡ phải đi tìm vất vả.
Nói xong, hắn liền vái một cái.
Giả Chính nghe nói, vừa sợ vừa giận, liền cho gọi Bảo Ngọc, Bảo
Ngọc không biết là việc gì, vội chạy ra ngay.
Giả Chính hỏi:
- Thằng đáng chết kia! Mày ở nhà đã không chịu học hành thì
thôi, lại còn dám càn bậy, làm những việc trái phép à? Tên Kỳ quan là người hầu
thân của đức vua Trung Thuận. Mày là hạng người hèn hạ, dám quyến rũ nó, làm vạ
lây đến ta!
Bảo Ngọc nghe nói giật mình, vội thưa:
- Thực con không biết việc này! Ngay hai chữ “kỳ quan” con
cũng chẳng hiểu là cái gì, huống chi lại buộc cho con tiếng quyến rũ nữa.
Nói xong rồi khóc.
Giả Chính chưa kịp nói câu gì, quan trưởng phủ cười nhạt:
- Thôi, cậu đừng chối quanh nữa, cậu giấu nó ở nhà, hay biết
nó ở đâu, xin cứ nói ra, để chúng tôi đỡ phải vất vả lại không cảm ơn cậu lắm
hay sao?
Bảo Ngọc nói:
- Thực tôi không biết gì cả. Hay là người ta đồn bậy, cũng
chưa biết chừng.
Quan trưởng phủ cười nhạt:
- Hiện có chứng cớ, sao cậu cứ cãi quanh. Trước mặt cụ lớn,
tôi nói ra, tất cậu bị quở phạt. Bảo rằng không biết người ấy thì cái dây lưng
đỏ của nó sao lại ở người cậu?
Bảo Ngọc nghe nói câu ấy, hồn vía lên mây, mắt trợn lên, mồm
đờ ra, trong bụng nghĩ: “Sao hắn lại biết cả những việc rất kín của mình. Thế
thì việc khác cũng không tài nào giấu được. Chi bằng ta nói quanh cho hắn về, để
khỏi tiết lộ những chuyện khác”. Liền nói:
- Ngài đã biết đầu đuôi việc Kỳ quan, nhưng có việc lớn là nó
mua nhà, sao ngài lại không biết? Tôi nghe nói hình như nó về Tử Đàn bảo, ở
phía đông giao, cách thành độ hai mươi dặm gì ấy. Nó có mua mấy mẫu ruộng và
làm mấy gian nhà ở đấy. Có lẽ nó về đấy cũng nên.
Quang trưởng phủ cười nói:
- Thế thì nhất định nó về đấy rồi, để tôi đi tìm xem. Nếu thấy
thì thôi, bằng không, tôi lại đến phiền cậu.
Nói xong hắn vội vàng đi.
Giả Chính nghe xong, tức quá, mắt trợn lên, mồm xệch ra, vừa
tiễn viên quan trưởng phủ ra, vừa ngoái lại quát Bảo Ngọc: “Không được đi đâu!
Trở về tao sẽ bảo mày!” Đưa viên quan kia ra rồi, Giả Chính quay về, thấy Giả
Hoàn dẫn mấy tên hầu nhỏ rối rít chạy đến. Giả Chính quát:
- Đánh chết những đứa kia đi cho tao!
Giả Hoàn trông thấy cha, sợ quá, run lên cầm cập, vội chạy lại,
đứng cúi đầu. Giả Chính hỏi:
- Mày chạy đi đâu? Những người theo hầu đâu cả, sao không ai
trông nom nó, để nó chạy nhông như ngựa thế này?
Rồi ông ta thét lên:
- Những đứa dẫn mày đi học chạy đâu cả?
Giả Hoàn thấy cha giận quá, nhân dịp nói:
- Con có chạy đâu, chỉ vì khi đi qua bên giếng, thấy một a
hoàn chết đuối, con xem người ấy đầu sao mà to thế, người sao mà lớn thế!
Giả hình nghe vậy, giật mình, nghĩ bụng “Vô cớ mà ai lại đâm
đầu xuống giếng thế? Nhà ta từ đời ông đời cha đều cư xử rộng rãi, nhân từ với
kẻ dưới, có bao giờ xảy ra việc thế này? Có lẽ gần đây vì ta lười nhác, không
trông nom việc nhà, để bọn người nhà lộng quyền giở lối cay nghiệt, đến nỗi xảy
ra tai vạ, liều mình tự vẫn. Nếu người ngoài biết thì tiếng tăm ông cha mình
còn ra làm sao nữa”. Rồi ông ta quát: “Gọi Giả Liễn và Lại Đại đến đây!”
Bọn hầu bé vâng lời định đi, thì Giả Hoàn vội đến nắm lấy áo
Giả Chính rồi qùi xuống nói:
- Xin cha hãy bớt giận. Việc này trừ những người ở trong nhà
mẹ con ra, thì không ai biết một tí gì. Con nghe đẻ con nói...
Nói đến đấy, nó liền trông ra xung quanh. Giả Chính biết ý, lừ
mắt nhìn đám hầu bé. Đám hầu đều vội lui ra bên ngoài.
Giả Hoàn nói khẽ:
- Đẻ con nói: “Hôm nọ anh Bảo ở nhà mẹ con, kéo chị a hoàn là
Kim Xuyến định cưỡng gian nhưng không được, rồi đánh chị ấy một trận, chị ấy tức
quá đâm đầu xuống giếng chết!”
Chưa nghe dứt lời, Giả Chính giận quá, mặt xám lại, quát to:
“Lôi thằng Bảo Ngọc đến đây!” Ông ta vừa nói vừa chạy vào thư phòng, quát lên:
- Hôm nay ai còn đến ngăn, thì ta sẽ mang hết cả mũ áo, cân
đai và gia tài giao cho người ấy với thằng Bảo Ngọc. Ta đành chịu là người có tội,
cạo trọc mớ tóc phiền não này đi, tìm đến nơi thanh vắng để khỏi nhục đến tiền
nhân, vì đã đẻ đứa con ngỗ nghịch này!
Những môn khách và người hầu thấy Giả Chính như thế, biết
ngay là vì ông ta giận Bảo Ngọc, nên ai nấy đều trợn mắt lè lưỡi, chạy đi ra
ngoài cả. Giả Chính thở hồng hộc, ngồi ưỡn người trên cái ghế tựa, nước mắt
giàn giụa, quát lên mấy tiếng: “Lôi thằng Bảo ra đây! Mang thừng gậy ra đây!
Đóng hết cả các cửa lại! Hễ đứa nào mà báo tin cho nhà trong biết, thì ta đánh
chết ngay lập tức!”
Bọn người hầu thấy vậy, đành phải vâng lời đứng yên. Có mấy
người chạy đi bắt Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc thấy Giả Chính truyền phải đứng yên không được chạy,
lại thêm Giả Hoàn nói chêm vào mấy câu, biết ngay là có chuyện dữ. Bảo Ngọc đi
loanh quanh ở ngoài hiên, muốn nhờ người vào báo tin cho nhà trong, nhưng không
gặp ai cả. Ngay Bồi Dính cũng không biết đi biệt đâu mất. Đương lúc ngóng chờ,
thì có một bà già đến, Bảo Ngọc mừng như bắt được của báu, liền chạy lại kéo bà
già nói:
- Bà chạy ngay về nói: ông sắp đánh tôi đấy! Việc rất cần, bà
về báo ngay cho tôi một tiếng!
Một đằng thì Bảo Ngọc vội quá, nói không được rõ ràng; một đằng
thì bà già lại điếc đặc, không nghe rõ là nói gì, nên câu: “Nói ngay một tiếng”
bà ta lại nghe ra “Nhảy ngay xuống giếng”, liền cười nói:
- Nó nhảy xuống giếng thì thây kệ nó, chứ việc gì đến cậu mà
phải sợ?
Bảo Ngọc thấy bà ấy điếc, liền cáu lên:
- Bà ra gọi một đứa hầu nhỏ của tôi đến đây mau lên!
Bà già nói:
- Việc gì mà chẳng yên? Đã thu xếp xong cả rồi. Bà Hai lại
cho nó quần áo, cho nó tiền bạc, còn gì mà chẳng yên?
Bảo Ngọc đương lúc cấp bách không biết làm thế nào, thì bọn
người hầu của Giả Chính vào giục đi ra ngay. Giả Chính trông thấy Bảo Ngọc, mắt
đỏ ngầu lên, không kịp hỏi đến những tội, như đi ra ngoài thì đùa bỡn bọn chèo
hát, trao tặng của riêng, ở trong nhà thì bỏ học hành, cưỡng gian đầy tớ gái của
mẹ, chỉ thét: “Khóa miệng nó lại, đánh cho chết đi!”
Bọn người hầu không dám trái lệnh, đành phải dằn Bảo Ngọc xuống
cái ghế dài, cầm gậy to, đánh độ mười cái. Bảo Ngọc biết rằng mình có van cũng
chẳng tha nào, đành khóc rống lên. Giả Chính cho là đánh khẽ quá, đá thằng cầm
gậy, rồi giật lấy gậy, đánh thật mạnh mấy cái.
Bảo Ngọc xưa nay chưa từng chịu đau đớn như thế bao giờ, lúc
đầu còn biết đau, khóc ầm lên; đến sau hơi thở dần dần yếu đi, kêu không ra tiếng.
Những môn khách thấy thế, sợ xảy ra chuyện không hay, liền chạy cả đến khuyên ngăn.
Nhưng Giả Chính khi nào chịu nghe? Ông ta nói:
- Các người hỏi xem những việc nó làm có đáng tha hay không?
Tội ở các người ngày thường cứ hay nuông nó để nó hư hỏng thế này, lại còn đến
khuyên ngăn à. Mai đây nó phạm tội giết cha giết vua, thì các người còn can vào
lối nào?
Mọi người thấy câu nói dữ ấy, biết là Giả Chính bực lắm rồi,
liền nhao lên đi tìm người vào báo nhà trong.
Vương phu nhân nghe nói, không kịp đến trình Giả mẫu, liền mặc
áo, bất chấp có người hay không, vịn vào một a hoàn xăm xăm chạy thẳng vào thư
phòng. Bọn môn khách và người hầu đều tránh không kịp.
Giả Chính đương muốn đánh nữa, thấy Vương phu nhân đến, cơn
giận lại càng như lửa cháy đổ dầu thêm. Cái gậy cứ lia lịa vụt xuống càng nhanh
càng mạnh. Hai đứa đè Bảo Ngọc vội buông tay ra. Bảo Ngọc đã nằm sóng sượt,
không cựa quậy được nữa.
Giả Chính còn muốn đánh nữa, nhưng bị Vương phu nhân giữ gậy
lại. Giả Chính nói:
- Thôi! Thôi! Hôm nay lại làm cho ta tức đến chết mới thôi
đây!
Vương phu nhân khóc nói:
Thằng Bảo đáng đánh thực, nhưng ông cũng nên giữ lấy sức khỏe.
Trời nóng nực, cụ lại đương khó ở; đánh chết thằng Bảo Ngọc là việc nhỏ, nếu cụ
lo nghĩ sinh ốm, thì chẳng hóa ra việc to hay sao?
Giả Chính cười nhạt:
- Thôi đừng nói những câu ấy nữa. Đẻ ra cái giống ác nghiệt
này, thì tôi cũng mang tội bất hiếu rồi! Ngày thường hễ tôi quở phạt nó lần
nào, là y như có người đến bênh nó. Chi bằng nhân ngày hôm nay kết liễu cái đời
thằng chó chết này đi để khỏi tai vạ về sau.
Nói xong ông ta định lấy thừng thắt cổ Bảo Ngọc cho chết đi.
Vương phu nhân liền ôm lấy Bảo Ngọc khóc:
- Đã đành ông lo dạy con, nhưng cũng nên nghĩ đến tình vợ chồng
một chút. Nay tôi đã năm mươi tuổi đầu, chỉ có một mụn tội nợ này thôi, nếu
đánh nó để răn dạy, thì tôi không dám can ngăn. Nhưng ông định đánh chết nó,
thì chẳng hóa ra ông cố tình đoạn tuyệt đời tôi hay sao? Ông định thắt cổ cho
nó chết, thì hãy thắt cổ tôi trước, mẹ con tôi không dám oán trách nửa lời, để
khi chết xuống âm ty, mẹ con tôi sẽ nương tựa nhau.
Nói xong, bà ta ôm lấy Bảo Ngọc khóc ầm lên.
Giả Chính thở dài, vào ghế ngồi, nước mắt nhỏ xuống như mưa.
Vương phu nhân thấy Bảo Ngọc mặt nhợt hẳn, hơi đã yếu đi. Cái quần đùi xanh mặc
trong người đẫm cả máu, khi cởi thắt lưng ra, thấy từ mông xuống đùi, chỗ thâm
chỗ tím, chỗ thì nổi cục, chỗ thì toạc thịt ra, chẳng còn tý nào nguyên vẹn cả.
Bà ta bất giác òa khóc to và kêu lên:
- Đứa con xấu số này.
Nhân câu “Đứa con xấu số” bà ta lại nhớ ngay đến Giả Châu, liền
gọi ngay tên Giả Châu lên khóc và nói:
- Nếu con còn sống, thì dù chết một trăm đứa con khác ta cũng
không cần!
Thấy Vương phu nhân đi ra, Lý Hoàn, Phượng Thư và chị em
Nghênh Xuân, Thám Xuân đều chạy đến; nghe thấy Vương phu nhân khóc và gọi tên
Giả Châu, người khác không sao, chứ Lý Hoàn thì nhịn làm sao được, chị ta cũng
sụt sùi thổn thức khóc theo. Giả Chính thấy thế, lại nước mắt ròng ròng chảy xuống.
đương lúc nhốn nhao, thì a hoàn vào trình: “Cụ đã đến”. Nói chưa dứt lời, đã
nghe ở ngoài cửa sổ có tiếng nói run run:
- Đánh chết ta trước đã, rồi hãy đánh chết nó, thế là yên
chuyện!
Giả Chính thấy mẹ sang, vừa hoảng sợ vừa thương xót, vội chạy
ra đón. Giả mẫu vịn vào một a hoàn đi đến, đầu lắc lư, hơi thở hổn hển. Giả Chính
đến gần, cúi đầu cười nói:
- Trời đương nóng nực thế này, mẹ có việc gì, cứ gọi con đến
truyền bảo, cần gì phải thân hành đến đây?
Giả mẫu nghe nói, liền đứng lại thở một lúc rồi quát ầm lên:
- Thế ra anh cũng thèm nới chuyện với tôi à! Tôi có câu chuyện
muốn nói, nhưng đời tôi không đẻ được người con nào khác, còn bảo tôi nói với
ai bây giờ?
Giả Chính nghe câu nới khác hẳn ngày thường, liền rưng rưng
nước mắt quì xuống:
- Con sở dĩ phải dạy dỗ nó, là vì muốn làm rạng vẻ ông cha;
giờ mẹ nói thế thì con chịu sao nổi?
Giả mẫu nghe nói nhổ toẹt một cái nói:
- Ta mới nói có một câu, anh đã không chịu được, thế thì anh
vác gậy đánh vùi đánh dập thằng Bảo như thế kia, liệu nó có chịu được không?
Anh nói rằng anh dạy dỗ con cái để làm rạng vẻ ông cha thế thì ngày trước cha
anh đã dạy anh như thế nào?
Nói xong, tự nhiên nước mắt ròng ròng, Giả Chính gượng cười
nói:
- Xin mẹ đừng thương cảm làm gì, chỉ vì lúc nãy con nóng tính
quá. Từ giờ trở đi con không dám đánh nó nữa.
Giả mẫu cười nhạt:
- Anh không cần giận lây với tôi. Nó là con anh, muốn đánh thế
nào anh cứ đánh. Chắc rằng mẹ con bà cháu chúng tôi ở đây chỉ làm phiền anh
thôi, chi bằng xa anh ra là hết chuyện.
Nói xong liền sai người: “Sắp sẵn kiệu, ta cùng bà mày và thằng
Bảo đi về Nam Kinh ngay”... Người nhà đành phải vâng lời.
Giả mẫu bảo Vương phu nhân:
- Chị không nên khóc lắm. Bây giờ thằng Bảo nó còn bé, thì chị
thương nó. Sau nó lớn lên, ra làm ông nọ ông kia, chưa chắc nó đã nhớ đến công
lao chị đứt ruột đẻ ra nó đâu. Bây giờ chị không thương nó, sau sẽ bớt được sự
bực tức cũng chưa biết chừng.
Giả Chính nghe vậy, vội cúi đầu nói:
- Mẹ nói câu ấy thì con không còn có chỗ nào mà đứng ở trên đời
này nữa.
- Rõ ràng anh làm cho ta không còn có chỗ nào đứng, mà lại
còn đổ lỗi cho ta? Chỉ có cách là chúng ta đi hẳn, thì anh sẽ được rảnh rang,
chả còn ai dám ngăn cấm anh đánh nó nữa!
Giả mẫu bảo người hầu: “Sắm sửa ngay hành lý và xe kiệu để ta
đi”. Giả Chính liền quỳ rạp xuống, cúi đầu lạy.
Giả mẫu đến xem Bảo Ngọc, thấy lần này Bảo Ngọc bị đòn đau
quá, không như những lần trước. Vừa thương cháu, vừa giận con, Giả mẫu khóc mãi
không thôi. Vương phu nhân cùng Phượng Thư khuyên giải hồi lâu, mới nguôi dần,
không khóc nữa.
Bọn a hoàn, vú bõ chạy đến chực kéo Bảo Ngọc dậy. Phượng Thư
mắng:
- Bọn mày khéo hồ đồ! Sao không mở mắt ra mà nhìn. Người như
thế, dìu đi sao được. Hãy về mang cái ghế mây dài đến đây!
Mọi người nghe nói, vội chạy đi mang cái ghế dài đến, đặt Bảo
Ngọc nằm xuống, theo Giả mẫu và Vương phu nhân đưa về nhà Giả mẫu.
Giả Chính thấy Giả mẫu chưa nguôi cơn giận, không dám tự tiện
bỏ về, cũng đi theo luôn. Thấy Bảo Ngọc bị đánh đau quá. Vương phu nhân cứ kêu
con luôn miệng và nói: “Nếu mày chết đi cho anh Châu mày sống, thì bố mày không
đến nỗi tức giận thế này, và cũng không uổng tấm lòng tao suốt nửa đời người.
Bây giờ mày có mệnh hệ nào, bỏ tao ở lại một mình, thì tao biết trông cậy vào
đâu. Thằng ngu đần này!”
Bà ta cứ kêu rồi lại khóc, khóc rồi lại kêu. Giả Chính nghe vậy,
lòng càng chán ngán, hối hận rằng lẽ ra mình không nên đánh quá tay như thế.
Trước hết đến khuyên Giả mẫu. Giả mẫu rưng rưng nước mắt nói:
- Con hư thì phải dạy, nhưng anh không nên đánh nó đến thế!
Anh không đi đi, còn đứng ở đây làm gì? Hay là anh chưa vừa lòng, còn muốn cho
nó chết hẳn thì mới hả lòng hả dạ hay sao?
Giả Chính nghe nói, vâng lời đi ra.
Tiết phu nhân, Bảo Thoa, Hương Lăng, Tập Nhân và Tương Vân
cũng đều chạy lại. Tập Nhân trong lòng đau xót, nhưng không tiện nói ra, thấy mọi
người quây lấy Bảo Ngọc, người thì đổ nước, người thì quạt hầu, còn mình chẳng
biết chen tay vào đâu, liền ra ngoài, sai đưa hầu nhỏ đi tìm Bồi Dính đến hỏi:
- Đang yên đang lành, chẳng có chuyện gì, tại sao lại bị đánh
đau như thế, mà mày không về báo tin ngay?
- Tôi cũng không ở đấy. Khi đánh đến nửa chừng, tôi mới biết
tin, vội đến hỏi nguyên do, thì ra vì việc con hát Kỳ quan và việc chị Kim Xuyến.
- Tại sao ông lại biết những việc ấy?
- Việc con hát Kỳ quan có thể là cậu Tiết ngày thường hay
ghen tuông, không làm cách nào hả giận được, nên đã xúi giục người nào đến ton
hót ông. Còn việc chị Kim Xuyến thì cậu Ba nói ra. Tôi nghe người hầu ông nói
thế.
Tập Nhân nghe hai việc này gần khớp như nhau, trong lòng đã
tin đến tám chín phần, liền quay trở về, thấy mọi người đang xúm lại chữa cho Bảo
Ngọc. Công việc xong xuôi, Giả mẫu sai người khiêng Bảo Ngọc cẩn thận về nhà.
Ai nấy vâng lời, ba chân bốn cẳng, khiêng Bảo Ngọc về viện Di Hồng, đặt nằm yên
ở trên giường. Rối rít một lúc lâu, rồi kéo nhau vế. Bấy giờ Tập Nhân mới đến hầu
và căn vặn hỏi han cặn kẽ câu chuyện.
Hồi 34:
Mối tình ngổn ngang, thấy tình cô em càng thêm thấm thía
Lỗi lầm chồng chất, lấy lầm khuyên anh xiết nỗi buồn rầu
Giả mẫu và Vương phu nhân đi rồi, Tập Nhân chạy đến bên cạnh
Bảo Ngọc, nhỏ nước mắt hỏi:
- Tại làm sao mà cậu bị đánh đau đến thế?
Bảo Ngọc thở dài:
- Hỏi làm gì nữa? Chẳng qua cũng vì những việc ấy thôi! Nửa
mình tôi đau lắm, chị thử xem đánh vào những chỗ nào.
Tập Nhân khẽ luồn tay cởi cái quần lót ra, mới chạm vào người
một tý, Bảo Ngọc đã nghiến răng kêu “Đau”. Tập Nhân vội dừng tay lại, mãi ba bốn
lần mới cởi ra được. Nhìn thấy nửa mông trên có những vết lằn nổi lên rộng bằng
bốn ngón tay, vừa thâm vừa tím, Tập Nhân nghiến răng nói:
- Mẹ ơi! Làm sao mà lại đánh ác quá thế? Ngày thường cậu nghe
lời tôi, thì đâu đến nỗi này. May không chạm đến gân cốt, chứ thành tật thì còn
làm ăn gì.
Tập Nhân đương nói thì a hoàn vào báo “Cô Bảo đến”, Tập Nhân
biết là không kịp mặc quần lót, liền lấy ngay cái chăn giải giường đắp lên cho
Bảo Ngọc. Bảo Thoa tay cầm viên thuốc đi vào, đưa cho Tập Nhân:
- Chiều hôm nay chị lấy rượu mài viên thuốc này bôi cho cậu ấy,
để tan những máu ứ đi, sẽ chóng khỏi đấy.
Bảo Thoa lại quay sang hỏi Bảo Ngọc:
- Bây giờ cậu đã khá chưa?
Bảo Ngọc cảm ơn nói:
- Đã hơi khá, mời chị ngồi.
Bảo Thoa thấy Bảo Ngọc mở mắt ra nói chuyện, đã khá hơn lúc
nãy, trong bụng cũng đỡ lo, chỉ lắc đầu thở dài:
- Nếu cậu sớm chịu nghe lời mọi người thì đâu đến nỗi như
ngày hôm nay? Chả cứ cụ và dì mà ngay chúng tôi trông thấy cũng phải đau lòng.
Bảo Thoa nói được nửa chừng thì nín hẳn lại, hối hận không
nghĩ kỹ, tự nhiên má đỏ lên, đầu cúi xuống, không nói nữa. Nghe những lời thân
mật, có ngụ ý sâu xa, lại thấy Bảo Thoa nín bặt không nói, má đỏ, đầu cúi xuống,
tay mân mê dải áo, có dáng e lệ thẹn thò, không thể nào hình dung hết được, Bảo
Ngọc trong lòng càng thêm cảm động, bao nhiêu đau đớn hình như đã trút sạch ra
ngoài chín tầng mây. Bụng nghĩ: “Ta chẳng qua bị đánh có vài cái, thế mà chị em
ai cung tỏ vẻ thương xót, thật là đáng thân, đáng kính! Nếu một ngày kia ta có
mệnh hệ nào, thì không biết họ thương cảm đến đâu! Họ đối với ta thật tử tế như
thế, dù ta có chết ngay, được họ thương tiếc nhường này, thì sự nghiệp cả đời
ta có trôi ra bể đông, cũng không đáng tiếc. Trong chốn u minh, nếu không thư
thái tâm tình thì thật là con quỷ hồ đồ!” Lại thấy Bảo Thoa hỏi Tập Nhân:
- Tại sao ông tự dưng đâm giận mà đánh cậu ấy như thế?
Tập Nhân liền kể cho Bảo Thoa nghe những câu Bồi Dính nói lúc
nãy. Bảo Ngọc vẫn chưa biết Giả Hoàn nói xấu mình, thấy Tập Nhân nói, lại vương
cả đến Tiết Bàn. Sợ Bảo Thoa chạm lòng, Bảo Ngọc gạt lời Tập Nhân, và nói:
- Anh Tiết không khi nào lại thế, các chị đừng nên đoán bậy.
Bảo Thoa biết ngay là Bảo Ngọc sợ mình không đành dạ, nên
dùng lời ngăn Tập Nhân đi. Trong bụng nghĩ thầm: “Anh ấy bị đánh như thế, lại
không nghĩ gì đến đau đớn, vẫn còn quá cẩn thận, sợ mang lỗi với người ta. Thật
là anh đã hết sức giữ gìn đối với chúng tôi. Nhưng sao anh không lo đến những
việc lớn ở ngoài, để ông được vui lòng, thì đến nỗi nào bị đòn như thế. Anh sợ
tôi chạnh lòng nên ngắt lời chị Tập Nhân, nhưng tôi còn lạ gì tính nết anh tôi
xưa nay là người ngông cuồng, phóng đãng, không một chút dè chừng hay sao? Ngày
trước vì việc Tần Chung đã xảy ra những chuyện long trời lở đất. Bây giờ câu
chuyện này càng ghê gớm hơn nhiều”. Bảo Thoa nghĩ vậy, cười nói:
- Chúng ta cũng không nên oán trách người này người khác, cứ
ý tôi thì vì anh Bảo xưa nay thường hay chơi bời với những người ấy, nên ông mới
nổi giận. Dầu anh Tiết tôi là người ăn nói không biết giữ gìn, buột miệng nói
ra việc của anh Bảo, cũng không phải là có ý bới móc đâu: một là vì câu chuyện
có thực, hai là vì anh tôi không hay nghĩ đến những chuyện dè chứng nhỏ nhặt.
Chị Tập Nhân từ bé đến giờ chỉ biết có anh Bảo là người giữ gìn cẩn thận thôi,
chứ anh tôi thì coi trời bằng vung, hễ bụng nghĩ gì, là nói tuột ra.
Tập Nhân thấy Bảo Ngọc gạt câu chuyện Tiết Bàn đi, biết ngay
là mình nói hớ, sợ Bảo Thoa buồn rầu; sau thấy Bảo Thoa nói thế, lại đâm ra xấu
hổ, không biết nói gì. Bảo Ngọc nghe Bảo Thoa nói vừa đường hoàng, thẳng thắn,
lại gỡ được lòng hoài nghi của mình, trong người càng rạo rực. Đương muốn nói nữa,
bỗng thấy Bảo Thoa đứng dậy nói:
- Ngày mai tôi sẽ lại thăm, anh cố tĩnh dưỡng đi. Vừa rồi tôi
đưa viên thuốc cho chị Tập Nhân, đến chiều bôi đi thì sẽ bớt đấy.
Nói xong đi ra. Tập Nhân theo đến ngoài sân nói:
- Phiền cô quá. Hôm nào cậu Bảo khỏi, sẽ sang tận nơi cám ơn.
Bảo Thoa quay lại cười nói:
- Có gì đâu? Chị cứ khuyên anh ấy tĩnh dưỡng, đừng nghĩ ngợi
lan man, sẽ chóng khỏi ngay. Anh ấy muốn ăn cái gì chơi cái gì thì cứ khẽ sai
người sang bên tôi mà lấy, chả cần để cho cụ và dì tôi cùng mọi người biết nữa.
Nếu đến tai dượng tôi thì dù việc chẳng can gì, nhưng sau lỡ xảy chuyện e không
hay đấy.
Nói xong rồi đi.
Tập Nhân quay về, trong bụng rất cảm ơn Bảo Thoa.
Khi vào nhà, trông thấy Bảo Ngọc có dáng im lặng, trầm ngâm,
giở thức giở ngủ, Tập Nhân bèn ra ngoài buồng rửa mặt chải đầu. Bảo Ngọc nằm
thiếp trên giường, mông đau như kim châm, dao cắt, người nóng như lửa đốt, hễ cựa
quậy một tý, là phải kêu lên mới chịu được. Bấy giờ trời sắp chiều, Tập Nhân đi
ra, trong nhà chỉ có vài ba a hoàn đứng hầu, không có việc gì đáng sai, Bảo Ngọc
liền bảo:
- Các cô hãy đi ra ngoài rửa ráy, khi nào tôi gọi sẽ đến.
Mọi người đều đi ra.
Bảo Ngọc đương nằm mê man, thấy Tưởng Ngọc Hàm tiến vào, kể
việc phủ Trung Thuận tìm bắt hắn. Một chốc lại thấy Kim Xuyến đến khóc lóc, kể
lể vì tại cậu mà tôi phải đâm đầu xuống giếng. Bảo Ngọc nửa tỉnh nửa mê, không
để ý đến. Đương lúc bàng hoàng hoảng hốt, chợt có người lay dậy, nghe những tiếng
khóc lóc thảm thương, Bảo Ngọc giật mình thức tỉnh giương mắt nhìn, thì không
phải người nào xa lạ mà chính là Đại Ngọc. Ngỡ là mình nằm mê, Bảo Ngọc vội
vươn người lên nhìn chòng chọc vào tận mặt người kia, thì thấy hai mắt sưng bằng
hai quả nhót, nước mắt giàn giụa trên mặt, không phải Đại Ngọc thì còn là ai? Bảo
Ngọc muốn nhìn nữa, nhưng vì nửa người phía dưới đau quá không thể chịu nổi, liền
kêu “Ối chào” một tiếng, rồi lại nằm vật xuống, thở dài và nói:
- Em lại đến đây làm gì? Mặt trời mới lặn, đất hãy còn nóng,
nếu bị cảm nắng, thì làm thế nào? Anh bị đòn, không đau lắm đâu. Anh giả cách
làm ra thế này để đánh lừa họ đồn đại đến tai ông đấy thôi, em đừng tin là thực.
Bấy giờ Đại Ngọc khóc không ra tiếng, cứ nức nở sụt sùi càng
thêm não ruột. Bảo Ngọc nói xong, Đại Ngọc lòng càng ngổn ngang trăm mối, nghẹn
ngào không nói ra lời, lúc lâu mới ngập ngừng:
- Từ rày anh nên chừa đi nhé!
Bảo Ngọc thở dài một tiếng:
- Em cứ yên tâm, đừng nói nữa. Anh có vì những người ấy mà chết
đi, thì cũng cam lòng.
Chợt người ngoài vào báo: “Mợ Hai đến đấy”. Đại Ngọc biết
ngay là Phượng Thư đến, vội đứng dậy nói:
- Tôi ra sân sau đây, chốc nữa sẽ đến.
Bảo Ngọc kéo Đại Ngọc lại nói:
- Ấy mới lạ chứ, việc gì mà sợ chị ấy?
Đại Ngọc giậm chân khẽ nói:
- Anh trông mắt tôi đây này! Rồi họ mang chúng ta ra làm trò
cười đấy.
Bảo Ngọc vội buông tay ra. Đại Ngọc liền rảo cẳng đi quanh
sau giường, vừa ra đến sân sau, thì Phượng Thư đã ở ngoài bước vào, hỏi Bảo Ngọc
“Đã khá chưa? Muốn ăn gì thì bảo người sang bên chị mà lấy”. Tiếp đó là Tiết
phu nhân đến. Một chốc Giả mẫu lại sai người đến.
Mãi lúc lên đèn, Bảo Ngọc chỉ húp hai ngụm cháo rồi mê mẩn nằm
thiếp đi. Sau đó bọn vợ Chu Thụy, vợ Ngô Tân Đăng và vợ Trịnh Hảo Thời, mấy người
già này xưa nay vẫn năng lui tới, nghe tin Bảo Ngọc bị đòn, họ đều đến thăm. Tập
Nhân vội ra đón và khẽ cười nói:
- Các thím đến hơi chậm, cậu ấy đã ngủ rồi.
Liền dắt bọn họ sang nhà bên ngồi, pha nước mời uống. Mấy bà
này lẳng lặng ngồi một lúc, rồi nói với Tập Nhân:
- Lúc nào cậu dậy, chị nói hộ, chúng tôi sang thăm.
Tập Nhân nhận lời đưa họ đi ra, vừa quay vào thì Vương phu
nhân sai một bà già sang nói:
- Gọi một người nào hầu cậu Hai sang cho bà hỏi.
Tập Nhân nghĩ một lúc, rồi quay lại khẽ bảo bọn Tình Văn, Xạ
Nguyệt, Đàn Vân và Thu Văn:
- Bà gọi đấy, các em ở nhà hầu hạ cẩn thận nhé, chị đi một tí
rồi về.
Nói xong, Tập Nhân cùng bà già ra khỏi vườn, đi lên nhà trên.
Vương phu nhân đương ngồi trên giường phe phẩy cái quạt ba
tiêu, trông thấy Tập Nhân đến, liền bảo:
- Con bảo ai sang chả được, lại bỏ nó mà đi, thì ai hầu hạ
nó.Tập Nhân cười nói:
- Cậu ấy vừa mới ngủ, mấy a hoàn bên nhà bây giờ đã biết hầu
rồi, xin bà cứ yên lòng. Con nghĩ bà có việc gì cần dặn bảo, nếu sai bọn họ
sang, sợ nghe không hiểu lại lỡ mất việc.
- Cũng không có việc gì, chỉ hỏi giờ nó đau ra làm sao thôi.
- Cô Bảo đưa thuốc sang, con xoa cho cậu ấy, thấy đã khá hơn.
Trước đau lắm, nằm không yên, giờ đã ngủ được.
- Nó đã ăn gì chưa?
- Cụ vừa cho một bát cháo, cậu ấy húp được hai ngụm, thì kêu
khát lắm, đòi uống nước mơ. Con sợ nước mơ là thứ hay thu vào, mà cậu ấy vừa bị
đánh, lại không cho kêu, e rằng máu nhiệt đọng ở trong tim, nếu uống, trong bụng
cồn cào, bệnh sẽ nặng thêm thì làm thế nào? Vì thế con ngăn mãi cậu ấy mới chịu
thôi, chỉ hòa một ít nước quả mai khôi canh đặc với nước đường, uống được nửa
chén nhỏ, lại bảo chán, không thơm không ngọt gì cả.
- Ối chà! Sao con chẳng nói sớm cho ta biết? Hôm nọ có người
biếu mấy chai nước thơm, ta định cho nó một ít, nhưng sợ nó làm phí của, nên
không cho. Giờ nó đã chán không muốn uống nước mai khôi thì con mang hai chai
này về, cứ lấy độ một thìa con pha vào một bát nước thì thơm lừng lên.
Nói xong, liền gọi Thái Vân đem mấy chai nước móc thơm hôm nọ
ra, Tập Nhân nói:
- Chỉ xin hai chai thôi, nhiều sợ bỏ đi phí của. Khi nào dùng
hết, sẽ lại sang xin.
Thái Vân đi một chốc, mang hai chai đến đưa cho Tập Nhân. Tập
Nhân nhìn thấy hai chai pha lê chừng ba tấc, trêncó nút bạc xoáy trôn ốc, dán
giấy vàng, một chai đề chữ: “Mộc tê thanh lộ”(1), một chai đề chữ “Mai khôi
thanh lộ”(2). Tập Nhân cười nói:
- Thứ này chắc quý lắm! Chai nhỏ thế thì chứa được bao nhiêu?
- Thứ đem tiến vua đấy. Con không thấy dán giấy vàng ở trên
nút à? Phải cất đi cẩn thận cho nó, không được bỏ phí của.
Tập Nhân vâng lời, sắp đi ra, Vương phu nhân lại gọi:
- Hãy đứng lại, ta sực nhớ điều này muốn hỏi con!
Tập Nhân vội quay lại. Vương phu nhân thấy trong buồng không
có ai, liền hỏi:
- Ta nghe đâu thằng Hoàn ton hót gì với ông, nên thằng Bảo bị
đòn, có phải thế không? Có gì con cho ta biết, ta không nói lộ với ai đâu.
- Con không nghe thấy điều ấy bao giờ, hình như cậu Hai giấu
một người con hát của tước Vương nào ấy, người ta đến trình với ông, nên cậu ấy
mới phải đòn.
Vương phu nhân lắc đầu nói:
- Việc ấy đã đành rồi, lại còn việc khác nữa kia.
- Việc khác thì con không biết. Bây giờ trước mặt bà, con xin
cả gan nói thẳng, cứ lẽ ra thì...
Tập Nhân nói nửa chừng rồi lại nín bặt, Vương phu nhân nói:
- Có gì con cứ nói ra.
- Xin bà đừng giận con mới dám nói.
- Con cứ nói, ta giận cái gì.
- Đúng ra thì cậu Bảo cần phải có ông dạy bảo luôn mới được;
nếu người không trông nom đến, thì không biết chừng sau này cậu ấy sẽ còn gây
ra nhiều chuyện.
Vương phu nhân nghe vậy, liền chắp tay niệm Phật, chợt gọi Tập
Nhân:
- Con ơi! Con nói đúng đấy, ta cũng nghĩ thế; thực ra, có phải
ta không biết dạy con đâu! Khi trước anh Châu mày còn sống, ta dạy bảo nó như
thế nào, lẽ nào bây giờ ta lại không biết dạy bảo thằng Bảo. Nhưng có một điều
này: bây giờ ta đã năm mươi tuổi đầu rồi, chỉ có một mình nó, từ bé đến giờ, nó
lại ốm yếu luôn. Cụ lại quý nó như vàng như ngọc, nếu dạy bảo nhiều quá, lỡ xảy
ra điều gì, cụ sẽ buồn rầu, trong nhà đâm ra lủng củng, thì lại càng không hay
nữa. Vì thế ta nuông chiều nó. Không ngờ đâm ra hư hỏng. Ta thường lựa lời dạy
bảo khuyên can, có khi đến khóc, nhưng nó cũng chỉ nghe được một lúc thôi, rồi
đâu lại hoàn đây, nên mới xảy ra nông nỗi này. Nếu nó bị đánh chết, thì mai sau
ta còn trông cậy vào ai nữa!
Nói xong nước mắt lại ròng ròng nhỏ xuống.
Tập Nhân thấy Vương phu nhân đau khổ như thế, trong bụng buồn
rầu, nước mắt cũng rơi lã chã:
- Cậu Hai là con đẻ của bà, khi nào bà lại không thương?
Chúng con là kẻ dưới hầu hạ lâu nay, nếu được mọi sự yên ổn, thật là phúc lớn.
Chứ cứ như thế này, thì làm sao cho yên bề hầu hạ được. Ngày nào giờ nào con chẳng
khuyên ngăn cậu ấy! Nhưng khuyên ngăn mãi cậu ấy vẫn không tỉnh ngộ. Lại có những
hạng người cứ hay thậm thụt với cậu ấy, chẳng trách được cậu ấy đến nỗi thế
này. Chúng con khuyên ngăn mãi cũng không tiện, bây giờ bà nhắc đến, con lại nhớ
ra một việc, muốn trình bà xem người định đoạt ra sao; nếu bà có bụng ngờ, thì
không những lời con nói không ăn thua gì, mà ngay con chết cũng không có chỗ
chôn.
Vương phu nhân nghe câu nói có ý tứ, liền hỏi:
- Con ơi, có điều gì con cứ nói thẳng ra. Lâu nay ta thấy mọi
người xung quanh ai cũng khen con. Ta vẫn cho là con chẳng qua chăm lo hầu hạ Bảo
Ngọc, hòa nhã với mọi người, thế thôi. Ngờ đâu những câu con nói vừa đây, đều
là việc lớn, rất hợp ý ta. Vậy con có điều gì, cứ nói thẳng ra, miễn là đừng để
cho người ngoài biết là được.
- Con chẳng nói điều gì khác cả, con chỉ muốn bà tìm cách nào
cho cậu ấy dọn ngay ra ở ngoài, không ở trong vườn nữa là xong chuyện.
Vương phu nhân nghe nói, giật nẩy mình, vội kéo tay Tập Nhân
hỏi:
- Làm gì có chuyện ấy! Xin bà đừng quá nghĩ, đó chẳng qua là
ý riêng của con đấy thôi. Bây giờ cậu Hai đã lớn rồi, các cô ở trong ấy cũng đã
lớn cả, vả chăng cô Lâm và cô Bảo lại chỗ chị em con cô, con dì. Kể ra là chỗ
chị em đấy, nhưng đằng la con gái, đằng là con trai, ngày đêm cùng ở một chỗ,
đi đứng không tiện, lẽ nào chẳng làm cho người ta phải lo lắng, lỡ ra có ai
nhìn thấy, thì họ có cho là việc trong nhà đâu. Tục ngữ có câu: “Phải nghĩ trước
khi có việc”. Trên đời biết bao việc bất trắc xảy ra, phần nhiều là do mình vô
tình, nhưng người ngoài họ để ý, lại cho là mình định tâm làm như vậy, rồi đem
đi nói xấu. Vì vậy không đề phòng nhất định không được. Vả lại ngày thường tính
nết cậu Hai thế nào, bà cũng đã biết cả rồi: cậu ấy cứ thích chơi đùa với bọn
chúng con. Nếu không phòng ngừa trước đi, lỡ xảy ra sai lầm gì, không cứ việc
thực hay hư, hễ nhiều người thì tất nhiên lắm chuyện. Những kẻ xấu bụng xấu dạ,
họ có kiêng nể ai. Hễ bằng lòng ra thì khen tốt hơn đức Phật, không bằng lòng
thì họ chê bai không bằng giống súc vật. Sau này có ai nói tốt cậu Hai thì mọi
người cũng chỉ chợp mắt bỏ qua thôi, nếu như có người nới xấu cậu ấy một câu,
thì chúng con dù có tan xương nát thịt, tội nặng muôn vàn, cũng chỉ là việc nhỏ,
nhưng tiếng tăm, phẩm cách suốt đời của cậu ấy, chẳng hóa ra mất hết hay sao?
Lúc bấy giờ, trước mặt ông nhà, bà cũng khó nói. Tục ngữ có câu: “Quân tử phòng
thân”, chi bằng phòng ngừa ngay từ giờ là hơn. Bà bận việc, cố nhiên không có
thì giờ nghĩ đến những chuyện ấy. Chúng con không nghĩ đến thì thôi, chứ đã
nghĩ ra mà không trình bà biết thì tội càng nặng. Con lâu nay vì việc này mà
ngày đêm áy náy, không dám nói với ai. Chỉ có ngọn thần đăng chứng tỏ nỗi lòng
mà thôi.
Vương phu nhân nghe nói như sét đánh bên tai, chạnh nhớ đến
việc Kim Xuyến, trong bụng càng yêu quý Tập Nhân, liền cười nói:
- Con ơi, con có lòng chăm lo chu tất thế, ta há lại chẳng
nghĩ đến hay sao? Nhưng vì bấy lâu bận việc, ta quên mất. Những câu nói hôm nay
làm ta tỉnh ngộ. Con nghĩ thật chu đáo giữ trọn thanh danh cho mẹ con ta, ta
không ngờ con lại tốt như vậy. Thôi con hãy về đi, ta sẽ liệu cách. Nhưng có một
điều này, con đã nói như thế, thì ta sẽ giao thằng Bảo cho con, lúc nào con
cũng phải để ý trông nom giữ gìn nó, tức là con giữ gìn ta đấy. Chắc chắn là ta
không phụ công con đâu.
Tập Nhân luôn luôn vâng lời. Về đến nhà, thấy Bảo Ngọc dậy, Tập
Nhân bèn kể lại chuyện bà cho hai chai nước thơm. Bảo Ngọc mừng lắm, lập tức
sai pha ra uống, thấy thơm tho lạ thường. Trong bụng nhớ ngay Đại Ngọc, Bảo Ngọc
muốn sai người đi mời, nhưng lại sợ Tập Nhân ngăn lại, liền tìm cách sai Tập
Nhân sang nhà Bảo Thoa mượn sách.
Tập Nhân đi rồi, Bảo Ngọc liền gọi Tình Văn đến bảo:
- Chị sang bên cô Lâm xem cô ấy làm gì? Nếu cô ấy hỏi thì bảo
tôi đã khá rồi.
- Chẳng có việc gì, tự nhiên trơ tráo sang đấy sao tiện? Phải
có một chuyện gì cho có việc chứ?
- Chẳng có việc gì đáng nói cả.
- Hoặc bày cách sang cho cái gì, hay sang mượn cái gì, nếu
không thì tôi đến đấy biết nói thế nào?
Bảo Ngọc nghĩ một lúc, rồi giơ tay lấy hai cái khăn lụa cũ
đưa cho Tình Văn, cười nói:
- Được rồi, chị cứ bảo rằng tôi sai chị đưa cái này cho cô ấy.
- Thế mới lạ chứ. Cô ấy cần hai mảnh khăn lụa dung dúc này
làm gì? Chỉ tổ làm cho cô ấy giận, lại bảo cậu đùa cô ấy thôi.
Bảo Ngọc cười nói:
- Chị cứ yên tâm, thế nào cô ấy cũng hiểu.
Tình Văn đành phải cầm lấy khăn lụa, đến quán Tiêu Tương, gặp
Xuân Tiêm đương đứng phơi khăn mặt ở ngoài hiên. Thấy Tình Văn đến, Xuân Tiêm vội
xua tay nói: “Cô ấy ngủ rồi”. Tình Văn đi vào nhà, tối như mực, vẫn chưa thắp
đèn, Đại Ngọc nằm ở trên giường, hỏi “Ai đấy?” Tình Văn vội trả lời: “Tình Văn
đây”. Đại Ngọc hỏi: “Sang làm gì đấy?”. Tình Văn nói: “Cậu Hai bảo mang khăn lụa
sang cho cô đây”.
Đại Ngọc nghe nói, trong bụng đâm ra buồn bực, nghĩ một mình:
“đưa khăn lụa sang cho ta để làm gì đây?” Rồi hỏi:
- Khăn lụa này ai cho cậu ấy? Chắc đẹp lắm thì phải. Bảo cậu ấy
để dành đưa cho người khác, chứ tôi không cần thứ ấy.
Tình Văn cười nói:
- Đó là khăn lụa cũ thường ngày dùng đấy thôi, không phải
khăn mới đâu.
Đại Ngọc nghe nói, càng bực mình, đắn đo một lúc, rồi mới
nghĩ ra, liền nói:
- Thôi chị cứ để đấy mà về.
Tình Văn đành để xuống đấy, quay ra về, đi đường ngẫm nghĩ,
không hiểu ý tứ ra sao cả.
Đại Ngọc đã hiểu ý Bảo Ngọc cho đưa khăn lụa sang, đâm ra ngơ
ngẩn say sưa, nghĩ bụng: bây giờ Bảo Ngọc đã biết thể tất nỗi đau khổ của ta,
đã là điều làm cho ta đáng mừng; ta có ý nghĩ vậy, không biết sau này ra sao,
đã là điều làm cho ta đáng thương; tự nhiên vô cớ, mang hai mảnh lụa cũ đến, nếu
chỉ nhìn hai mảnh lụa mà không hiểu ý sâu xa của ta, đó là điều làm ta đáng cười;
còn chuyện sai người lén lút tặng cho ta, đó là điều khiến cho ta đáng sợ; ta cứ
hay khóc, nghĩ cũng vô ích, đó là điều làm cho ta đáng xấu hổ”. Đại Ngọc nghĩ
quanh nghĩ quẩn, tự nhiên đâm ra nóng lòng sốt ruột, trong bụng vẩn vơ, liền bảo
thắp đến, rồi không nghĩ đến việc kiêng tránh hiềm nghi, vội vùng dậy mài mực
nhúng bút, lấy ngay hai mảnh lụa cũ ra viết:
I
Lệ chan chứa hão, lệ rơi hoài,
Ngấm ngầm vì đâu giọt ngắn dài?
Mảnh lụa giao này ơn biết mấy,
Vì ai khôn xiết nỗi thương ai,
II
Giọt ngọc dòng châu lặng lẽ rơi,
Suốt ngày vơ vẩn suốt ngày rồi?
Gối kia áo nọ lau nào sạch,
Vết ố mầu hoen cũng mặc thôi.
III
Khăn nào lau sạch hết dòng châu,
Dấu cũ sông Tương biết ở đâu.
Sẵn đó trước song, ngàn ngọn trúc,
Ngấn thơm biết có nhuộm thêm mầu?
Đại Ngọc toan viết nữa, nhưng người rạo rực lên, mặt nóng bừng
bừng, liền đến chỗ đài gương, mở cái phủ bằng gấm ra soi, thấy mặt đỏ hơn cánh
hoa đào, đoán chừng bệnh đã bắt đầu từ đấy. Một lúc lên giường nằm, vẫn còn cầm
mảnh lụa đăm đắm suy nghĩ.
Tập Nhân sang đến bên Bảo Thoa thì Bảo Thoa lại sang bên nhà
Tiết phu nhân vắng. Tập Nhân về không, đến đầu canh hai, Bảo Thoa mới về.
Bảo Thoa vẫn biết tính nết Tiết Bàn, trong bụng ngờ là hắn
xui người đến mách tội Bảo Ngọc; sau khi nghe Tập Nhân nói, lại càng tin lắm.
Thực ra, Tập Nhân chỉ nghe Bồi Dính nói, mà Bồi Dính cũng đoán phỏng thôi, chưa
có gì là chứng cớ đích xác, nhưng cứ đổ riệt cho hắn.
Tiết Bàn xưa nay vẫn có tiếng ấy, nhưng lần này không phải tự
hắn gây nên, trái lại, người ta cứ dựng đứng đổ riệt cho hắn, không sao cãi lại
được. Hôm ấy hắn uống rượu ở ngoài phố về, vào chỗ Tiết phu nhân, thấy Bảo Thoa
ngồi ở đấy. Hắn nói ba hoa mấy câu, chợt như nhớ đến, liền hỏi:
- Nghe nói Bảo Ngọc bị đòn, là tại làm sao thế?
Tiết phu nhân đang khó chịu về việc này, thấy hắn hỏi, liền
nghiến răng nói:
- Giống oan nghiệt, chả biết phải trái gì cả, cứ sinh chuyện
ra, lại còn vác mặt đến đây hỏi ta à?
Tiết Bàn thấy thế, tức quá, đứng ngẩn người ra hỏi:
- Tôi sinh chuyện cái gì?
- Mày lại còn giả vờ à? Ai cũng bảo việc ấy do mày xúi bẩy cả.
- Thế thì người ta bảo tôi giết người, mẹ cũng tin à?
- Ngay em mày cũng biết là mày xúi bẩy đấy, chẳng lẽ nó lại đổ
oan cho mày sao?
Bảo Thoa vội ngăn lại:
- Mẹ và anh đừng làm ầm lên thế; đen trắng sau này dần dần sẽ
rõ.
Rồi quay lại nói với Tiết Bàn:
- Anh có xúi bẩy hay không, việc cũng đã rồi, đừng cãi cọ nữa,
kẻo lại bé xé ra to. Em khuyên anh từ nay trở đi đừng làm càn ở ngoài và cũng đừng
chọc vào công việc của người ta. Anh xưa nay là người không biết giữ gìn, ngày
ngày chơi bời đùa đẫy với bọn họ, không xảy ra việc gì thì thôi, lỡ xảy ra, dù
anh không làm, người ta vẫn quàng vào cổ. Chả cứ ai, ngay em cũng phải ngờ!
Tiết Bàn vốn là người bụng thẳng như ruột ngựa, thấy gì thì
nói tuột ngay ra. Hắn không nhịn được những chuyện giấu đầu hở đuôi thế nây, lại
thấy Bảo Thoa ngăn không nên đi ra ngoài chơi bời, mẹ cho là mình nói bậy, làm
Bảo Ngọc bị đòn. Tức quá, hắn hung hăng thề bồi, cố cãi cho ra. Hắn lại mắng
sang mọi người: “Đứa nào dám đổ tội cho tôi, tôi sẽ bẻ gãy răng chúng nó! Rõ
ràng là nhân câu chuyện Bảo Ngọc bị đòn, chúng nó không biết lấy gì tâng công,
mới mang tôi ra làm bung xung! Bảo Ngọc có phải là vua nhà trời chăng? Cha nó mới
đánh nó một trận, thế mà cả nhà làm ồn lên đến mấy ngày. Hình như lần này nó có
lỗi gì, nên dượng ấy mới đánh mấy roi, không hiểu sao cụ lại biết được, cho là
anh Trân mách, rồi gọi anh ấy đến mắng cho một trận. Bây giờ lại quàng vào cho
tôi. Tôi không sợ nữa đâu, nhất định tôi đánh chết Bảo Ngọc rồi sẽ đền mạng”.
Hắn vừa thét ầm ĩ vừa vác cái chèn cửa chạy đi. Tiết phu nhân
sợ quá, lôi Tiết Bàn lại mắng:
- Thằng khốn nạn này muốn chết đấy! Mày định đi đánh ai? Hãy
đánh tao trước đã!
Tiết Bàn mắt quắc lên thét nói:
- Vì sao mẹ lại không cho tôi đi? Không dưng sao mẹ lại vu tội
cho tôi? Sau này hễ Bảo Ngọc còn sống ngày nào, thì tôi còn phải mang vạ miệng
ngày ấy, chi bằng hai đứa đều chết cả, thế là yên chuyện.
Bảo Thoa vội đến can ngăn:
- Anh hãy cố nhịn đi nào! Mẹ giận nói thế, anh chẳng có một lời
khuyên ngăn. Không cứ gì mẹ, dù người ngoài đến khuyên anh, cũng là vì có bụng
tốt cốt để anh chứa bớt đi thôi!
- Bây giờ mày lại nói thế, chắc là mấy đã mách đấy!
- Anh chỉ biết trách tôi, chứ anh không tự trách anh không biết
suy đi xét lại gì cả.
- Mày chỉ trách tao không suy đi xét lại, sao mày không biết
trách Bảo Ngọc cứ hay đi ra ngoài giở nhưng trò trêu cợt gió trăng? Chưa kể
chuyện khác, hãy nói chuyện Kỳ quan hôm nọ cho mà nghe. Tao đã gặp Kỳ quan hàng
mười lần rồi, nó chưa hề nói một câu thân mật với tao; thế mà Bảo Ngọc mới gặp
nó có một lần, chưa biết tên nó là gì, đã cho ngay cái thắt lưng rồi. Vậy thì
cái việc ấy, có phải tao mách không?
Tiết phu nhân và Bảo Thoa vội nói:
- Lại còn nhắc đến chuyện ấy! Chính vì chuyện ấy mà nó bị đòn
đấy! Thế thì chắc là mày mách rồi.
- Thực là tức chết đi được! Buộc tội thế nào tôi cũng chẳng cần,
chỉ tức một nỗi vì Bảo Ngọc mà làm nhộn lên, như là trời nghiêng đất lệch ấy?
Bảo Thoa nói:
- Ai làm nhộn lên! Tự anh vác gậy cầm dao lại còn bảo ai!
Tiết Bàn thấy Bảo Thoa nói câu nào cũng có lý hơn là những
câu mẹ hắn nói, khó lòng mà cãi lại được; vì thế hắn muốn tìm cách chặn lời Bảo
Thoa để không còn ai cãi lại được mình nữa. đương lúc tức giận không kịp đắn
đo, hắn nói ngay:
- Em ơi! Thôi đừng cãi nhau với anh nữa. Anh đã biết rõ bụng
em rồi. Trước mẹ đã nói với anh: em có cái khóa vàng, muốn chọn người nào có ngọc
mới lấy. Em để ý thấy Bảo Ngọc có cái ấy, chẳng trách được bây giờ động một tí
là em bênh nó.
Bảo Thoa nghe vậy tức điên người, kéo Tiết phu nhân khóc nói:
- Mẹ ơi! Me có nghe thấy anh ấy nói gì đấy không?
Tiết Bàn thấy em khóc, biết rằng mình nói quá lời, cũng đâm
ra giận dỗi về buồng nằm.
Tiết phu nhân cũng rất bực, song lại khuyên Bảo Thoa:
- Ngày thường con vẫn biết thằng súc sinh ấy ăn nói sỗ sàng rồi.
Thôi ngày mai mẹ sẽ bảo nó đến xin lỗi con.
Bảo Thoa tức quá, muốn làm thế nào cho hả giận nhưng lại sợ mẹ
không yên lòng, nên đành gạt nước mắt trở về nhà, khóc lóc một đêm. Sáng hôm
sau, Bảo Thoa trở dậy, không thiết gì rửa mặt chải đầu, vội mặc quần áo sang
thăm mẹ. Vừa gặp lúc Đại Ngọc đứng một mình dưới bóng hoa, hỏi đi đâu. Bảo Thoa
nói: “Đi về nhà”. Nói rồi cắm cổ đi ngay. Đại Ngọc thấy Bảo Thoa có vẻ buồn rầu,
mắt như đang khóc, không giống mọi ngày, liền đứng đằng sau cười nói:
- Chị cũng nên giữ mình cẩn thận. Dù có khóc ra hai vò nước mắt,
cũng không thể chữa lành được vết đòn đâu!
Bảo Thoa trả lời thế nào, hồi sau sẽ rõ.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Nước móc pha với quế.
(2). Nước móc pha với nước hoa mai khôi có mùi thơm
Hồi 35:
Ngọc Xuyến được nếm canh lá sen
Oanh Nhi khéo tết dây hoa mai
Bảo Thoa biết rõ là Đại Ngọc đay nghiến mình, nhưng nghĩ đến
mẹ và anh, nên cứ đi một mạch không hề quay đầu lại.
Đại Ngọc vẫn đứng ở dưới bóng hoa, xa xa nhìn sang viện Di Hồng,
thấy Lý Hoàn, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân và các a hoàn đi hết lớp này đến
lớp khác, chỉ vắng có Phượng Thư thôi. Đại Ngọc trong lòng ngờ vực: “Tại sao
Phượng Thư không sang thăm Bảo Ngọc? Nếu bận việc gì, cũng nên chạy sang một
tý, an ủi mấy câu để lấy lòng bà và mợ mới phải. Không sang, tất có duyên cớ gì
đây”. Đại Ngọc vừa ngẩng đầu lên nhìn, thấy một đám người ăn mặc lòe loẹt đến:
Giả mẫu vịn vào vai Phượng Thư, theo sau là Hình phu nhân, Vương phu nhân, sau
nữa là dì Chu, bọn a hoàn và các bà già đang đi vào viện Di Hồng.
Đại Ngọc tự nhiên gật đầu nghĩ ngay đến chỗ còn bố mẹ thì
sung sướng gì bằng, thế là nước mắt lại tràn trên mặt. Một lúc, Tiết phu nhân
và Bảo Thoa cũng đến. Bỗng Tử Quyên ở đằng sau chạy đến nói:
- Cô ơi! về uống thuốc đi kẻo nguội rồi!
- Mày làm cái trò gì thế, chỉ cứ giục thôi. Tao uống hay
không, có việc gì đến mày?
- Cô vừa mới bớt ho đã lại không chịu uống thuốc. Giờ tháng
năm, dù trời nắng, nhưng cũng phải cẩn thận mới được. Vừa sáng dậy, không nên đứng
lâu chỗ ẩm thấp. Thôi cô nên về nghỉ đi.
Nghe câu nhắc ấy, Đại Ngọc mới thấy chân hơi buôn buốt, đứng
ngẩn người ra một lúc, rồi thong thả vịn vào Tử Quyên về quán Tiêu Tương. Đại
Ngọc vào đến sân, thấy chỗ nào cũng bóng trúc rườm rà, dấu rêu mờ tỏ, chợt nghĩ
câu trong Tây Sương ký:
Rêu xanh lấp lánh sương rơi,
Lối đi vắng vẻ, nào ai ra vào ?
Liền thầm thở dài: “Song Văn tuy mệnh bạc, nhưng còn có mẹ
già, em bé, chứ Đại Ngọc này, cả mẹ già, em bé cũng không.
Người xưa có câu: “Hồng nhan bạc phận”. Ta chẳng phải là hồng
nhan, sao mà bạc phận thế? Đại Ngọc vừa nghĩ vừa đi, không ngờ con anh vũ đậu ở
ngoài hiên, trông thấy Đại Ngọc về, liền vỗ cánh kêu lên một tiếng. Đại Ngọc giật
mình, nói:
- Mày muốn chết đấy! Vẩy cả bụi lên đầu tao.
Con anh vũ bay ngay lên trên cầu, gọi: “Tuyết Nhạn! Cô về đấy,
vén rèm lên”.
Đại Ngọc đứng lại, lấy tay gõ vào cái cầu hỏi:
- Đã lấy thêm nước và đồ ăn cho nó chưa?
Con anh vũ thở dài một cái hệt như giọng Đại Ngọc ngày thường
than thở, rồi nó đọc ngay câu: “Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ, biết sau ta chết
ai là người chôn?” Đại Ngọc và Tử Quyên nghe vậy, cười ầm lên.
Tử Quyên nói:
- Ngày thường cô hay ngâm câu này, thảo nào nó chả nhớ được.
Đại Ngọc liền sai mang cầu xuống, treo vào cái móc ở ngoài cửa
sổ hình mặt nguyệt, rồi đi vào trong nhà, ngồi tựa cửa sổ. Uống thuốc xong, thấy
bóng trúc bên ngoài chiếu vào màn the, suốt nhà lờ mờ êm dịu, ghế đệm mát lạnh.
Không cách giải buồn, Đại Ngọc liền đứng trong cửa sổ, đùa với con anh vũ, rồi
đem những thơ từ ngày thường của mình thích, dạy cho nó đọc.
Bảo Thoa về đến nhà, thấy mẹ đương chải đầu. Trông con về, Tiết
phu nhân cười hỏi:
- Mới sáng dậy, sao con đến ngay đây làm gì?
- Con sang thăm mẹ xem có được khoẻ không? Hôm qua khi con về
rồi, anh con có còn giở trò gì nữa không?
Bảo Thoa vừa nói vừa ngồi ghế bên cạnh mẹ, nức nở khóc, Tiết
phu nhân thấy con khóc, cũng khóc theo, rồi khuyên:
- Con ơi, con đừng bực bội nữa, để rồi ta có cách trị nó. Nếu
con có thế nào, thì ta còn trông cậy vào ai?
Tiết Bàn ở ngoài nghe thấy, liền chạy vào, đứng trước Bảo
Thoa vái luôn mấy cái, rồi nói:
- Em ơi, em tha lỗi cho anh lần này. Hôm qua anh đi uống rượu
về muộn, giữa đường gặp lại bạn, về nhà vẫn chưa tỉnh. Ngay anh cũng không biết
đã nói nhảm những câu gì, chả trách em giận là phải.
Bảo Thoa đương che mặt khóc, nghe anh nói, bật cười, nhổ xuống
đất một cái và nói:
- Thôi anh đừng giở lối phường chèo ấy ra nữa! Tôi biết anh
không ưa gì mẹ con tôi, tìm cách làm cho mẹ con tôi xa nhau, thì anh mới thỏa
lòng.
Tiết Bàn cười nói:
- Em ơi! Tại sao em lại nói nhưng câu ấy, thì ta sống làm sao
được? Xưa nay em không lắm điều, hay nói những câu nhảm nhí kia mà.
Tiết phu nhân nói luôn:
- Mày bảo em mày nói nhảm nhí, thế những câu chiều hôm qua
mày nói với nó liệu có nghe được không? Mày đâm mê rồi!
Tiết Bàn nói:
- Thôi, mẹ đừng giận, mà em cũng đừng nên buồn rầu. Từ giờ trở
đi, con không đi uống rượu với chúng nó nữa, thế có được không?
Bảo Thoa cười nói:
- Em phân bua câu nói ấy nhé.
Tiết phu nhân nói:
- Mày mà quyết chí như thế thì rồng sẽ đẻ trứng!
Tiết Bàn nói với Bảo Thoa:
- Nếu em còn thấy anh đi uống rượu với chúng nó, thì cứ nhổ
vào mặt và gọi anh là giống súc vật, chứ không phải là người, như thế có được
không? Có đâu chỉ vì anh mà hai mẹ con ngày nào cũng lo ngay ngáy như vậy! Vì
anh mà mẹ phải tức giận thì còn khá; chứ vì anh mà em phải lo nghĩ luôn, thì
anh thật không phải là người nữa. Bây giờ cha mất rồi, anh đã không biết hiếu
thuận với mẹ, trông nom đến em, lại để mẹ phải tức bực, phải buồn rầu, thì anh
thực không bằng giống súc vật!
Nói xong, hắn không cầm được nước mắt.
Tiết phu nhân đã thôi không khóc, giờ nghe thấy hắn nói thế,
lại đâm ra đau xót. Bảo Thoa gượng cười nói:
- Anh quấy rối đã chán rồi, bây giờ lại còn làm cho mẹ khóc nữa
à!
Tiết Bàn lau nước mắt cười nói:
- Tôi có làm cho mẹ phải khóc bao giờ đâu? Thôi! Thôi! Vứt
chuyện ấy đi, không nói nữa, bảo Hương Lăng pha nước cho em uống.
Bảo Thoa nói:
- Tôi không uống nước, chờ mẹ rửa mặt xong, mẹ con tôi sẽ đi
đây.
Tiết Bàn nói:
- Cái vòng cổ của em, nên chá lại đi.
- Vàng choáng lên thế kia, còn phải chá lại làm gì nữa?
- Giờ em nên may thêm quần áo, thích màu gì, hoa gì, thì cứ bảo
anh.
- Các bộ quần áo này tôi cũng chưa mặc phỉ, lại còn may nữa
làm gì?
Một lúc Tiết phu nhân và Bảo Thoa đến vườn thăm Bảo Ngọc. Vào
đến viện Di Hồng, thấy ngoài hiên nhà bên có nhiều a hoàn bà già đứng, Tiết phu
nhân biết ngay là Giả mẫu đang ở đấy. Hai mẹ con vào chào hỏi mọi ngưòì. Thấy Bảo
Ngọc nằm ở trên giường, Tiết phu nhân hỏi: “Đã khá chưa”. Bảo Ngọc vội gượng dậy,
miệng thưa “đã khá rồi. Cứ để cho dì và chị bận lòng mãi, cháu không đành
lòng”.
Tiết phu nhân vội đỡ Bảo Ngọc nằm xuống và hỏi:
- Muốn dùng cái gì, thì cứ bảo dì.
Bảo Ngọc cười nói:
- Vâng, hễ cháu cần cái gì, sẽ sang thưa với dì.
Vương phu nhân lại hỏi:
- Con muốn ăn gì, mẹ cho người mang sang.
Bảo Ngọc cười nói:
- Con chẳng muốn ăn gì, chi thích ăn thứ canh lá sen và ngó
sen lần trước đã làm, xem chừng ngon hơn cả.
Phượng Thư đứng ngoài cười nói:
- Cả nhà nghe đấy! Những thức chú ấy thích ăn không lấy gì
làm quí trọng lắm, chỉ phải tốn công sai bảo nấu nướng thôi. Thế mà chú ấy lại
cứ thích ăn những thứ ấy.
Giả mẫu liền giục đi làm ngay! Phượng Thư cười nói:
- Xin bà đừng vội, để cháu nghĩ xem, không biết những cái
khuôn ấy ai giữ...
Rồi quay lại bảo bà già đi hỏi nhà bếp. Bà già đi một lúc về
trình:
- Nhà bếp nói: “Đã mang nộp cả lên nhà trên rồi”.
Phượng Thư nghĩ một lúc rồi nói:
- Tôi cũng nhớ họ đã nộp cả lên rồi, không biết lại giao cho
ai giữ? Có thể là đã giao cho phòng trà.
Tiết phu nhân cầm lấy xem, thì ra cái hộp nhỏ, trong đựng bốn
cái khuôn bằng bạc, dài độ hơn một thước, rộng độ một tấc, trên mặt đục những lỗ
xấp xỉ như hạt đậu, giống hình hoa cúc, hoa mai, hoặc như tua sen, củ ấu. Tất cả
có tới ba bốn mươi thứ rất là tinh xảo. Tiết phu nhân ngoảnh lại phía Giả mẫu
và Vương phu nhân cười nói:
- Bên phủ nhà cái gì cũng đẹp tột bậc, ăn một bát canh mà
cũng dùng đến không thứ này. Nếu không nói ra, có lẽ tôi trông cũng không hiểu
thứ này dùng để làm gì.
Phượng Thư cướp lời nói ngay:
- Cô không biết, đó là đồ sắm sửa để dâng thức ăn lên Quý phi
năm trước đấy. Họ nghĩ ra lối này, nhưng không biết in trên mặt thế nào, đành
phải mượn mùi thơm mát của lá sen, kỳ thực toàn nhờ chất canh ngon cả. Tôi ăn
chẳng thấy thú vị gì. Nhưng đã ai được ăn luôn món này? Chỉ làm có lần ấy thôi,
không biết tại sao hôm nay chú Bảo lại nhớ đến.
Nói xong, Phượng Thư cầm lấy hộp ấy đưa cho một bà già dặn bảo
nhà bếp lập tức bắt mấy con gà, lại thêm đồ gia vị, nấu mười bát canh mang lên.
Vượng phu nhân nói:
- Sao làm nhiều thế ?
Phượng Thư cười nói:
- Vì thứ này ngày thường không hay làm, bây giờ chú Bảo đã nhắc
đến, mà chỉ làm cho một mình chú ấy ăn, không mời cụ, bà dì và mẹ, thì không tiện.
Chi bằng nhân tiện làm cho cả nhà ăn, cháu cũng nhờ đấy được nếm món ăn mới lạ.
Giả mẫu cười nói:
- Con khỉ này, mày khéo lắm! Mang tiền công ra để lấy lòng
người ta.
Câu ấy làm cho cả nhà cười ầm lên.
Phượng Thư vội cười nói:
- Không can gì, bữa tiệc nhỏ này cháu xin thết.
Rồi quay lại bảo bà già xuống dặn nhà bếp:
- Phải làm cho thật ngon, rồi lĩnh tiền ở sổ chi của ta.
Bà già vâng lời đi ngay.
Bảo Thoa đứng một bên cười nói:
- Tôi đến đây đã mấy năm nay, để ý xem xét, thì chị Hai dù
khéo đến đâu, cũng còn kém cụ nhiều.
Giả mẫu liền nói:
- Giờ ta đây già rồi, còn khéo vào đâu nữa? Khi bằng tuổi
cháu Phượng, ta hơn nó nhiều. Bây giờ nó tuy không bằng ta lúc thời trẻ, nhưng
cũng đã khá hơn dì cháu nhiều. Trông thấy dì cháu thật đáng thương, không biết
ăn nói, cứ trơ như khúc gỗ, trước mặt bố mẹ chồng, chả biết ân cần vồn vã gì cả.
Còn cháu Phượng thì mồm mép bẻo lẻo, trách nào người ta chả thương?
Bảo Ngọc cười:
- Bà nói thế, thì nhưng người nói năng không khéo, đều không
đáng thương à?
Giả mẫu nói:
- Người nói không khéo cũng có chỗ đáng thương; người giọng
lưỡi khéo léo mà có chỗ đáng ghét, thì không bằng người không nói khéo còn hơn.
Bảo Ngọc cười nói:
- Thế thì chị cả không hay nói, bà cũng thương như chị Phượng.
Nếu chỉ bảo những người khéo nói mới đáng thương, thì đám chị em đây chỉ đáng
thương chị Phượng và cô Lâm mà thôi.
Giả mẫu nói:
- Nói đến đám chị em, thì không phải trước mặt dì đây ta nói
lấy lòng đâu; cứ thực mà nói, trong bốn đứa cháu gái nhà này, không ai bằng
cháu Bảo cả. Tiết phu nhân vội cười nói:
- Cụ lại có chỗ thiên vị rồi.
Vương phu nhân cười nói:
- Không phải cụ nói dối đâu, người thường nói riêng với tôi
là cháu Bảo khéo lắm.
Bảo Ngọc định gợi câu chuyện ra, cốt để Giả mẫu khen Đại Ngọc,
không ngờ cả nhà lại khen Bảo Thoa, thật là một việc ngoài ý nghĩ. Bảo Ngọc
nhìn Bảo Thoa cười. Nhưng Bảo Thoa đã ngoảnh đi nói chuyện với Tập Nhân rồi.
Chợt có người sang mời về ăn cơm. Giả mẫu đứng dậy, dặn Bảo
Ngọc “phải tĩnh dưỡng cẩn thận!”. Lại dặn dò đám a hoàn một lần nữa, rồi vịn
vào Phượng Thư, mời Tiết phu nhân đi. Mọi người ra khỏi buồng, Giả mẫu còn hỏi
canh đã được chưa? Lại bảo Tiết phu nhân: “Muốn ăn thứ gì cứ nói với tôi. Tôi sẽ
bảo cháu Phượng làm cho chúng ta ăn”. Tiết phu nhân cười nói:
- Cụ cứ hay bắt vằn bắt vẻ chị Phượng, chứ thường khi làm thức
ăn đem dâng người, thì người có ăn được mấy đâu.
Phượng Thư cười nói:
- Thôi, xin dì đừng nói thế, bà tôi chỉ hiềm thịt người chua
thôi, nếu không chua, bà tôi đã ăn luôn cả tôi rồi!
Giả mẫu và mọi người cười ầm lên. Bảo Ngọc ở trong nhà cũng
không nhịn được cười. Tập Nhân cười nói:
- Mồm mép mợ Hai làm người ta sợ chết đi được!
Bảo Ngọc cười nói với Tập Nhân:
- Chị đứng lâu thế chắc mệt lắm.
Liền kéo Tập Nhân đến ngồi bên cạnh. Tập Nhân cười nói:
- Thôi quên mất rồi, nhân tiện cô Bảo ở đây, cậu bảo cô ấy
cho Oanh Nhi sang xe hộ mấy sợi dây.
- May mà chị nhắc tôi đấy.
Bảo Ngọc liền ngẩng đầu ra cửa sổ nói:
- Chị Bảo, ăn cơm xong, chị cho Oanh Nhi sang đây xe hộ mấy sợi
dây, liệu nó có rảnh không?
Bảo Thoa quay lại nói:
- Được rồi, chốc nữa tôi sẽ cho nó sang.
Bọn Giả mẫu chưa nghe rõ đều đứng lại hỏi việc gì. Bảo Thoa
nói lại. Giả mẫu liền bảo:
- Cháu ạ! Cháu cho nó sang xe hộ em nó mấy sợi dây. A hoàn ở
bên này rỗi cả đấy, cháu cần sai bảo gì, thích ai, cứ gọi nó sang.
Tiết phu nhân và Bảo Thoa đều cười nói:
- Cứ cho nó sang thôi, bên nhà có việc gì sai bảo đâu, cả
ngày chỉ ngồi rồi gây chuyện với nhau thôi.
Mọi người đang đi, chợt bọn Tương Vân, Bình Nhi, Hương Lăng
hái hoa phượng tiên ở bên núi trông thấy, liền chạy lại chào.
Một lúc ra khỏi vườn. Vương phu nhân sợ Giả mẫu mệt, muốn mời
vào ngồi nghỉ ở buồng trên. Giả mẫu thấy mỏi chân, liền gật đầu, bằng lòng.
Vương phu nhân vội sai a hoàn về trước xếp đặt chỗ ngồi. Bấy giờ dì Triệu cáo bệnh,
chỉ có dì Chu và bọn bà già a hoàn chạy ra vén rèm, giải nệm, đặt cái tựa lưng.
Giả mẫu vịn Phượng Thư đi vào, cùng Tiết phu nhân đều ngồi. Bảo Thoa, Tương Vân
thì ngồi ở dưới. Vương phu nhân tự tay dâng nước mời Giả mẫu. Lý Hoàn thì mời
Tiết phu nhân. Giả mẫu bảo Vương phu nhân:
- Chị cứ ngồi xuống đây nói chuyện, mặc cho chị em nó hầu.
Vương phu nhân mới ngồi xuống một cái ghế nhỏ, rồi bảo Thượng
Thư:
- Dọn cơm của bà ra đây, thêm mấy món ăn nữa.
Phượng Thư vâng lời đi ra, sai người sang bên nhà Giả mẫu, bọn
bà già vội truyền ra. Bọn a hoàn đều chạy đến cả.
Vương phu nhân sai người mời các cô đến. Một lúc, chỉ có Thám
Xuân, Tích Xuân đến thôi. Nghênh Xuân trong người khó ở, nên không đến. Đại Ngọc
thì không cần phải nói, mười bữa chỉ ăn độ năm, nên chẳng ai để ý đến.
Một chốc đến bữa ăn, mọi người sắp đặt bàn ghế. Phượng Thư để
một nắm đũa ngà vào trong khăn tay, đứng bên dưới cười nói:
- Bà và dì không cần phải mời nhau, để mình cháu nói là đủ.
Giả mẫu cười bảo Tiết phu nhân:
- Ừ thì chúng ta cứ như thế.
Tiết phu nhân cười gật đầu. Thượng Thư đặt bốn đôi đũa, hai
đôi ở trên là của Giả mẫu và Tiết phu nhân, hai đôi ở một bên là của Bảo Thoa
và Tương Vân. Vương phu nhân và Lý Hoàn đều đứng ở dưới trông nom người đưa đồ
ăn. Phượng Thư vội lấy bát đũa sạch, chọn đồ ăn để đưa cho Bảo Ngọc.
Một chốc người hầu bưng canh lá sen đến. Giả mẫu xem xong,
Vương phu nhân ngảnh lại thấy Ngọc Xuyến đứng ở đấy, liền sai đem canh cho Bảo
Ngọc. Phượng Thư nói:
- Một mình nó không mang nổi đâu.
May có Oanh Nhi và Hỷ Nhi đến, Bảo Thoa biết chúng nó đã ăn
cơm cả rồi, liền bảo Oanh Nhi:
- Cậu Hai bảo em sang xe hộ ít dây đấy, em cùng đi sang với
Ngọc Xuyến.
Hai người vâng lời cùng đi.
Oanh Nhi nói:
- Đường thì xa, canh thì nóng, mang đi thế nào được?
Ngọc Xuyến cười nói:
- Chị cứ yên tâm, tôi sẽ có cách.
Nói xong, nó sai một bà già để các thức ăn vào khay, bảo mang
đi theo, còn hai cô đi không. Đến trước cửa viện Di Hồng, Ngọc Xuyến mới bưng lấy,
cùng Oanh Nhi đi vào buồng. Bọn Tập Nhân, Xạ Nguyệt, Thu Văn đương cười đùa với
Bảo Ngọc, thấy họ đến, vội cười nói:
- Sao khéo thế? Hai cô cùng đến một lúc.
Họ bưng lấy khay. Ngọc Xuyến ngồi ngay xuống ghế, Oanh Nhi
không dám ngồi. Tập Nhân mang cái ghế chân đến, Oanh Nhi cũng không dám ngồi.
Bảo Ngọc thấy Oanh Nhi đến, rất là vui mừng. Khi thấy Ngọc
Xuyến, lại nghĩ ngay đến chị nó là Kim Xuyến, trong bụng vừa thương xót vừa xấu
hổ, liền bỏ Oanh Nhi, chỉ nói chuyện với Ngọc Xuyến. Tập Nhân thấy Bảo Ngọc
không đả động gì đến Oanh Nhi, sợ Oanh Nhi mủi lòng, lại thấy nó không chịu ngồi,
liền kéo sang buồng mình uống nước nói chuyện.
Trong nhà thì bọn Xạ Nguyệt sắp đặt bát đũa mời Bảo Ngọc ăn
cơm, nhưng Bảo Ngọc không ăn, cứ hỏi chuyện Ngọc Xuyến:
- Đẻ chị có được khỏe không
Ngọc Xuyến tỏ vẻ hờn dỗi, mắt không nhìn đến Bảo Ngọc, lúc
lâu mới trả lời một câu “khỏe”. Bảo Ngọc có vẻ không vui một chốc lại cười hỏi:
- Ai bảo chị mang đồ đến đây cho tôi đấy.
- Bà và mợ Hai, chứ còn ai nữa.
Bảo Ngọc thấy mặt Ngọc Xuyến buồn rầu, biết ngay là vì việc
Kim Xuyến, định dịu giọng hòa nhã để dử chuyện cô ta, nhưng vì nhiều người không
tiện, liền tìm cách bảo họ đi ra, rồi mới cười hỏi tẩn mẩn. Trước thì Ngọc Xuyến
không bằng lòng, sau thấy Bảo Ngọc không có tí gì là bực tức cả, dù mình ăn nói
sỗ sàng thế nào, Bảo Ngọc vẫn ôn tồn hòa nhã, thì lại đâm ra khó coi, nên nét mặt
đã tỏ ra vài phần tươi tỉnh.
Bảo Ngọc liền cười bảo Ngọc Xuyến:
- Chị ơi, chị mang hộ canh lại đây cho tôi ăn.
- Tôi không quen bón cơm cho ai cả, để chờ họ đến sẽ cho cậu
ăn.
- Tôi không đòi chị bón cho tôi ăn đâu, tôi đau không đi được,
mới nhờ chị mang giúp cho tôi ăn. Sau đó chị về mà ăn cơm, kẻo chậm lại bị đói.
Nếu chị không lấy giúp, tôi đành phải chịu đau đi lấy vậy.
Bảo Ngọc cố gượng mãi, nhưng không xuống giường được mồm luôn
luôn kêu “Ái chà”. Ngọc Xuyến thấy thế, nhịn không được, liền đứng dậy nói:
- Thôi nằm xuống, thật là oan nghiệt đời nào để lại, bây giờ
báo ứng trước mắt, trông thấy rành rành!
Nói xong cười khì một tiếng, rồi đi bưng canh đến.
Bảo Ngọc cười nói:
- Chị ơi, chị có giận, chỉ nên cáu gắt ở đây thôi, khi đến chỗ
cụ và bà, thì nét mặt nên vui vẻ một chút. Nếu cứ thế này, chị sẽ bị mắng đấy.
- Thôi, ăn đi! Tôi biết cả rồi, cậu đừng giở giọng đường mật
ra đây nữa.
Bảo Ngọc ăn mấy thìa, giả vờ kêu không ngon.
Ngọc Xuyến bĩu môi nói:
- A di đà phật, thứ này mà bảo là không ngon, thì chả còn cái
gì ngon nữa!
- Chả có mùi mẽ gì cả, chị không tin thì nếm một tí mà xem.
Ngọc Xuyến tức quá, nếm một thìa. Bảo Ngọc cười nói:
- Ngon đấy nhỉ!
Bấy giờ Ngọc Xuyến mới hiểu ý Bảo Ngọc đánh lừa mình, liền
nói:
- Trước cậu bảo không ngon, bây giờ lại bảo ngon, thì tôi
không cho cậu ăn nữa.
Bảo Ngọc cứ cười tràn đòi ăn, Ngọc Xuyến không cho ăn, gọi
mang cơm lên.
Khi a hoàn mang cơm đến, thì có người vào trình:
- Có hai vú nhà cụ Phó đến hỏi thăm cậu.
Bảo Ngọc biết ngay là vú nhà quan thông phán Phó Thí.
Nguyên Phó Thí là môn sinh của Giả Chính, xưa nay nhờ thế lực
họ Giả mà làm nên. Giả Chính đối đãi hắn cũng tử tế hơn, không như nhưng người
khác. Hắn thường sai người qua lại thăm hỏi.
Bảo Ngọc vốn ghét bọn đàn ông thô tục và đàn bà ngu xuẩn,
nhưng tại sao lần này lại sai mời hai bà già ấy vào? Tất nhiên có duyên cớ. Vì
Bảo Ngọc nghe nói nhà Phó Thí có người em gái tên gọi Phó Thu Phương, sắc tài vẹn
hai, cũng là viên ngọc quý trong khuê các. Mắt tuy chưa trông thấy, nhưng tấm
lòng trộm nhớ thầm yêu rất là chân thành, kính cẩn. Nếu không để cho hai bà này
vào, sợ coi nhẹ Phó Thu Phương chăng, vì vậy Bảo Ngọc vội sai người ra mời.
Phó Thí là nhà mới phất lên. Thu Phương lại có nhan sắc thông
minh hơn người, Phó Thí cậy có em gái như thế, nên chỉ muốn kết thân với nhà
hào quý, chứ không chịu gả cho người thường, mà đám hào quý thì khinh hắn là
con nhà nghèo hèn, thấp kém, không thèm hỏi đến, vì thế cô ta lỡ thời, đã hai
mươi ba tuổi, vẫn chưa lấy ai. Sở dĩ Phó Thí đi lại thân mật với họ Giả, cũng
là có một ý nghĩ đấy.
Hai bà già đến đây lại là hạng ngu xuẩn không biết gì. Được Bảo
Ngọc mời vào, ngoài câu hỏi thăm ra, họ không nói được lời nào. Ngọc Xuyến thấy
người lạ đến, không cãi nhau với Bảo Ngọc nữa, tay cầm bát canh đứng ngẩn ra
nghe. Bảo Ngọc thì cứ ngoảnh lại nói chuyện với hai bà già, vữa ăn cơm vữa giơ
tay đòi bát canh. Cả Bảo Ngọc và Ngọc Xuyến cứ nhìn chòng chọc vào hai bà già
kia, không ngờ tay giơ mạnh quá, đụng đổ bát canh, nước canh sánh cả vào tay Bảo
Ngọc. Ngọc Xuyến không bị bỏng, giật mình một cái, vội cười nói: “Làm sao thế
này?”.
Đám a hoàn vội chạy đến đỡ lấy bát. Bảo Ngọc không biết chính
tay mình bị bỏng, lại hỏi Ngọc Xuyến:
- Chị bỏng ở đâu? Có đau không?
Ngọc Xuyến cùng mọi người cười ầm lên. Ngọc Xuyến nói:
- Chính cậu bị bỏng, lại còn hỏi tôi. Bảo Ngọc nghe nói, mới
biết mình đã bị bỏng. Mọi người vội đến thu dọn. Bảo Ngọc không ăn cơm nữa, rửa
tay uống nước, lại nói chuyện với hai bà già. Sau đó họ cáo từ ra về. Bọn Tình
Văn đi tiễn đến bên cầu mới trở lại.
Hai bà già vừa đi vừa bàn tán, một bà già cười nói:
- Chả trách được, người ta thường nói cậu Bảo này bề ngoài
thì xinh đẹp, mà bên trong thì hồ đồ, chỉ là của để nhìn chứ không phải để ăn,
quả nhiên là ngây ngô! Chính mình bị bỏng tay, lại đi hỏi người khác có đau
không.
Bà kia cười nói:
- Lần trước tôi sang, thấy nhiều người nhà bên ấy nói chuyện,
thì cậu ấy ngây ngô thực, bị mưa to ướt như con gà luộc ấy, thế mà lại bảo người
khác “mưa to đấy, tránh đi mau”. Bà xem, có đáng buồn cười hay không? Thường
lúc vắng người, cậu ấy ngồi cười khóc một mình; trông thấy con chim yến, thì
nói chuyện với con chim yến; trông thấy con cá ở dưới sông, thì nói chuyện với
con cá; nhìn thấy sao tỏ trăng sáng, không thở ngắn than dài, cũng rên thầm rỉ
kín. Vả chăng tính nết cậu ta rất là nhu nhược, nhịn nhục cả với bọn a hoàn hầu
bé. Yêu quý mọi thứ, ngay từ sợi chỉ cũng cho là đẹp, nhưng đến lúc phung phí
thì dù hàng nghìn hàng vạn cậu ta cũng không cần.
Hai người bàn tán và đi ra khỏi vườn.
Tập Nhân thấy mọi người đi rồi, liền dắt Oanh Nhi đến hỏi:
- Tết những dây gì?
Bảo Ngọc cười bảo Oanh Nhi:
- Từ nãy đến giờ, chỉ mải nói chuyện, tôi quên hẳn chị đi,
phiền chị sang đây, không có việc gì khác đâu, chỉ nhờ chị tết hộ mấy cái dây
thôi. Oanh Nhi hỏi:
- Tết dây để buộc cái gì?
- Chả buộc vào cái gì, chị cứ theo mỗi kiểu tết hộ tôi mấy
cái.
Oanh Nhi vỗ tay cười nói:
- Thế thì làm thế nào được! Nếu làm thế thì mười năm cũng
chưa xong.
Bảo Ngọc cười nói:
- Chị ơi, chị rỗi chẳng có việc gì, thì cứ làm hộ tôi.
Tập Nhân cười nói:
- Làm một lúc thì xong thế nào được. Giờ hãy chọn mấy cái cần
thì làm trước.
Oanh Nhi nói:
- Còn cái gì cần nữa? Chẳng qua là dây đeo quạt, dây đeo túi
thơm, dây đeo quần chứ gì?
Bảo Ngọc nói:
- Dây đeo quần cũng được.
Oanh Nhi hỏi:
- Quần của cậu màu gì?
- Màu đỏ thắm.
- Màu đỏ thắm phải có dây đen, thì nhìn mới đẹp, hay là màu
thạch thanh mới nổi.
- Màu hoa thông hợp với màu gì?
- Màu hoa thông hợp với màu hồng điều.
- Thế mới tươi đẹp. Trong các màu nhã nhặn, phải thêm cái màu
tươi đẹp nữa.
- Tôi rất thích màu thông xanh pha với màu liễu vàng.
- Thôi được, chị tết hộ tôi một dây màu hồng điều, một dây
màu thông xanh.
- Tết những kiểu gì?
- Có mấy kiểu?
- Kiểu bó hương, kiểu ghế rút rế, kiểu mắt voi, kiểu xếp
chéo, kiểu liên hoàn, kiểu hoa mai, kiểu lá liễu...
- Hôm nọ chị tết hộ cô Ba kiểu gì đấy?
- Kiểu hoa mai chồng lên nhau.
- Kiểu ấy đẹp đấy.
Rồi gọi Tập Nhân mang chỉ đến. Thấy một bà già đứng ở ngoài cửa
sổ nói: “Cơm các cô được rồi đấy!”. Bảo Ngọc nói:
- Thôi các chị đi ăn cơm đi, ăn xong trở lại đây.
Tập Nhân cười nói:
- Đương có khách, chúng tôi đi sao tiện?
Oanh Nhi vừa gỡ chỉ vừa cười:
- Sao chị lại nói thế, cứ đi ăn cơm đi.
Tập Nhân bấy giờ mới đi, để hai đứa hầu nhỏ ở lại.
Bảo Ngọc vừa xem Oanh Nhi tết, vừa hỏi chuyện phiếm:
- Chị mười mấy tuổi rồi?
- Mười sáu tuổi.
- Chị họ gì?
- Tôi họ Hoàng.
- Họ với tên xứng nhau quá, thực là con chim hoàng oanh.
- Chính tên tôi là Kim Oanh. Nhưng cô tôi cho là khó gọi, nên
chỉ gọi là Oanh Nhi, bây giờ gọi đã quen rồi.
- Thế là cô Bảo thương chị lắm đấy. Sau này cô ấy đi lấy chồng,
thế nào chị cũng đi theo.
Oanh Nhi bĩu môi cười một cái.
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi thường bảo chị Tập Nhân: không biết sau này anh nào có
phúc vớ được cả hai cô cháu nhà chị!
Oanh Nhi cười nói:
- Cậu chưa biết, dáng điệu chỉ là phụ thôi, cô tôi còn có nhiều
cái tốt mà ở đời này không mấy người có.
Bảo Ngọc thấy Oanh Nhi có dáng xinh xắn, dịu dàng, cười nói
như ngây, trong bụng đã xiêu xiêu, nay lại nghe nhắc đến Bảo Thoa thì nhịn sao
được. Liền hỏi:
- Chị ấy có nhưng cái gì tốt, chị thử kể rành mạch cho tôi
nghe nào?
- Tôi kể cho cậu nghe, nhưng cậu không nên nói lại cho cô tôi
biết đấy nhé.
- Cố nhiên!
Đương nói chuyện thì bên ngoài có tiếng nói: “Làm sao mà lại
lặng lẽ như tờ thế này?” Hai người nhìn ra, thì chính là Bảo Thoa. Bảo Ngọc mời
ngồi. Bảo Thoa ngồi xuống hỏi Oanh Nhi:
- Tết cái gì đấy?
Bảo Thoa vừa hỏi vừa nhìn vào tay Oanh Nhi, thấy Oanh Nhi mới
tết được một nửa cái dây, Bảo Thoa cười nói:
- Tết cái này để làm trò gì? Hãy tết cái dây đeo viên ngọc đã
Câu nói ấy làm Bảo Ngọc nhớ ra, vỗ tay cười nói:
- Chị Bảo nói phải đấy, tôi quên đi mất. Nhưng tết màu gì cho
đẹp được?
Bảo Thoa nói:
- Các màu thường nhất định không thể dùng được. Màu đỏ lại lẫn
màu. Màu vàng thì không nổi, màu đen thì tối quá. Cứ ý tôi, nên lấy chỉ kim tuyến
xe lẫn với chỉ đen bóng, sợi nọ xe lẫn sợi kia, tết như thế mới đẹp.
Bảo Ngọc nghe nói mừng lắm, gọi dồn Tập Nhân mang ngay chỉ
kim tuyến ra. Bấy giờ Tập Nhân đương mang hai bát đồ ăn đến, nói với Bảo Ngọc:
- Lạ thật! Vừa rồi bà cho người mang sang cho tôi hai bát đồ
ăn.
Bảo Ngọc cười nói:
- Chắc hôm nay nhiều đồ ăn, nên mới đưa sang cho cả các chị.
Tập Nhân nói:
- Không phải thế đâu, đưa sang đích danh cho tôi, nhưng lại
không bắt sang lạy tạ, thế mới lạ chứ?
Bảo Thoa cười nói:
- Cho chị thì chị cứ ăn, việc gì còn phải ngần ngại?
Tập Nhân nói:
- Xưa nay chưa có như thế bao giờ, làm tôi khó nghĩ quá.
Bảo Thoa bĩu môi cười nói:
- Có thế mà cũng khó nghĩ? Sau này còn có nhiều việc làm chị
khó nghĩ hơn thế nữa kia!
Tập Nhân nghe câu nói có ngụ ý gì đây, nhưng biết Bảo Thoa
xưa nay không phải là hạng giọng lưỡi chua chát hay chế giễu người. Vả lại nghĩ
đến hôm trước, Vương phu nhâncó ý biệt đãi mình, nên không nhắc đến câu nói ấy
nữa, rồi đem đồ ăn đến cho Bảo Ngọc xem, và nói:
- Tôi đi rửa tay đã, rồi sẽ mang chỉ ra.
Tập Nhân ăn xong, rửa tay, lấy chỉ kim tuyến ra đưa cho Oanh
Nhi. Bấy giờ Tiết Bàn đã sai người sang gọi Bảo Thoa về.
Bảo Ngọc đương ngồi xem xe dây, thấy hai a hoàn của Hình phu
nhân đem đến cho hai thứ quả, và hỏi:
- Cậu đã đi lại được chưa? Nếu đi được thì sáng mai sang
chơi, bà tôi lúc nào cũng nhớ đến cậu đấy.
Bảo Ngọc vội nói:
- Thế nào tôi cũng phải sang thăm sức khỏe bác. Tôi đã đỡ đau
rồi, xin bác cứ yên tâm.
Rồi mời họ ngồi xuống, và bảo Thu Văn mang một nửa thứ quả ấy
sang cho Đại Ngọc. Thu Văn sắp đi, đã thấy tiếng Đại Ngọc nói ở ngoài sân. Bảo
Ngọc vội bảo mời vào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét