Hồi 26:
Cầu Phong Yêu, nói lóng đưa tình kín,
Quán Tiêu Tương xuân buồn tỏ nỗi riêng.
Sau ba mươi ngày tĩnh dưỡng, Bảo Ngọc không những người đã khỏe,
mà vết thương trên mặt cũng khỏi hẳn, lại về ở vườn Đại Quan.
Gần đây, khi Bảo Ngọc ốm, Giả Vân đem người nhà đến trông
nom, ngày đêm ở luôn đấy. Hồng Ngọc cùng bọn a hoàn cũng đến ở đấy trông nom Bảo
Ngọc. Hai bên ngày ngày trông thấy nhau, lâu dần thành quen. Hồng Ngọc thấy Giả
Vân tay cầm cái khăn lụa giống hệt khăn của mình đánh mất ngày trước, muốn hỏi
nhưng sợ không tiện. Từ ngày hòa thượng và đạo sĩ đến, không cần nhiều đàn ông
hầu nữ, Giả Vân lại đi trồng cây. Việc này Hồng Ngọc muốn bỏ khuây đi, nhưng
không sao bỏ nổi, muốn hỏi lại sợ người ngờ vực. Đương lúc dùng dằng suy nghĩ,
tâm trí bàng hoàng, bỗng nghe ngoài cửa sổ có người hỏi: "Chị Hồng có ở
nhà không?"
Hồng Ngọc nghe hỏi, đứng trong cửa sổ trông ra, té ra Giai Huệ,
một a hoàn nhỏ cùng ở trong nhà này, liền trả lời: "Có nhà, em vào
đây".
Giai Huệ chạy vào, ngồi ngay lên giường, cười nói:
- Thực may quá! Em đang ở trong nhà rửa đồ đạc, thì cậu Bảo
sai đưa chè sang cho cô Lâm, chị Hoa giao cho em mang đi. May gặp lúc cụ cũng
sai người đưa tiền sang cho cô Lâm, và đang chia cho các chị bên ấy. Thấy em đến,
cô Lâm bốc hai nắm cho em, không biết bao nhiêu, chị giữ hộ em.
Nó giở khăn lụa, đổ tiền ra. Hồng Ngọc đếm rành rọt số tiền,
rồi cất đi.
Giai Huệ hỏi:
- Mấy hôm nay trong bụng chị thế nào? Cứ như ý em, chị nên về
nhà ở vài ngày, mời thầy lang đến xem, uống vài thang thuốc thì khỏi đấy.
Hồng Ngọc nói:
- Em nói gì thế? Chị vẫn khỏe, về nhà làm gì?
- Em nghĩ ra rồi, cô Lâm thường ốm yếu, hay uống thuốc, chị
nên xin thuốc của cô ấy mà uống cũng được.
- Em nói nhảm! Thuốc có phải là của uống bừa được đâu?
- Chị nghĩ như vậy không phải là cách lâu dài, cứ lười uống
thuốc sau này sẽ nguy đấy!
- Sợ gì? Thà chết sớm đi cho rảnh.
- Đang yên lành sao lại nói những câu ấy?
- Em biết đâu tâm sự của chị!
Giai Huệ gật đầu nghĩ một lúc rồi nói:
- Chẳng trách được, chỗ này khó ở lắm. Hôm nọ cụ bảo, mấy
ngày cậu Bảo ốm, người hầu đều vất vả cả. Bây giờ cậu ấy đã khỏi, đi lễ tạ các
nơi rồi, nên thưởng tiền cho các người phục dịch. Như em còn bé, không được thưởng,
cũng chẳng oán trách gì. Còn chị sao lại không được liệt vào hạng thưởng? Em chẳng
phục tí nào. Như chị Tập Nhân dù được thưởng cả mười phần cũng đáng, chẳng nên
tức bực làm gì. Nói thẳng ra, ai bì được với chị ấy? Chưa nói ngày thường chị ấy
hết lòng phục dịch cậu Bảo, mà nếu chẳng phục dịch, cũng không bỏ được chị ấy.
Đáng tức là bọn Tình Văn, Ỷ Hà lại được liệt vào hạng thưởng phần thứ nhất, chỉ
vì chúng nó có vai có vế, nên mọi người đều tâng bốc chúng nó lên. Chị tính thế
có đáng tức không?
- Việc gì mà phải tức. Tục ngữ nói "Rạp dù làm dài đến
nghìn dặm, cũng không có tiệc nào là tiệc không tàn". Có ai ăn đời ở đời với
nhau mãi đâu? Chẳng qua độ dăm ba năm, mỗi người đi mỗi ngả, còn ai nhìn ngó đến
ai nữa?
Mấy câu này làm cho Giai Huệ lòng rất cảm động, mắt đỏ ngầu
lên, nhưng vô cớ mà khóc cũng không tiện, nó đành phải gượng cười nói:
- Chị nói rất phải. Thế mả hôm nọ cậu Bảo còn bảo: nào là thu
xếp buồng ở, nào là may quần áo mới, như là câu chuyện còn đầm ấm lâu dài hàng
mấy trăm năm nữa!
Hồng Ngọc nghe xong cười nhạt, đương muốn nói nữa, thì một a
hoàn chưa để tóc(1) chạy lại, tay cầm các mẩu hoa và hai tờ giấy, nói:
- Chị vẽ kiểu hoa này vào giấy giúp em.
Nói xong nó vứt cho Hồng Ngọc, rồi quay người chạy đi ngay. Hồng
Ngọc gọi với, hỏi:
- Ai bảo mày mang đến đây? Chưa nói đã chạy! Ai nướng bánh chờ
mày, mà mày vội vàng thế! Mày sợ bánh nguội đi chăng?
A hoàn nhỏ ở ngoài cửa sổ nói với một câu:
- Chị Ỷ Hà bảo mang đến cho chị đấy.
Nó lúng búng nói những gì rồi rảo cẳng chạy đi ngay.
Hồng Ngọc bực mình, ném mẩu hoa vào một chỗ, rồi mở ngăn kéo
tìm bút. Tìm mãi, chỉ thấy toàn những bút cùn, liền nói:
- Có cái bút mới hôm trước vứt đâu mất rồi? Sao nghĩ mãi
không ra? - Vừa nói, Hồng Ngọc vừa để ý ngẫm nghĩ, rồi cười nói: - Phải rồi,
chiều hôm nọ Oanh Nhi mang về.
Rồi bảo Giai Huệ:
- Em đi lấy hộ chị nhé.
- Chị Hoa còn đương chờ em đi lấy cái hòm cho chị ấy, thôi chị
đi mà lấy vậy.
- Chị ấy chờ em mà từ lúc nãy đến giờ em vẫn còn ngồi nói
chuyện lau láu đấy à? Nếu chị không bảo em đi, làm gì có chuyện chị Hoa chờ em?
Con ranh này hư lắm!
Nói xong, Hồng Ngọc đi ngay ra viện Di Hồng, đến thẳng phòng
Bảo Thoa. Vừa đến cạnh đình Thấm Phương, thấy vú Lý của Bảo Ngọc đi đến. Hồng
Ngọc đứng lại cười nói:
- Vú Lý! Vú ở đâu đến đây? Sao lại đến chỗ này?
Vú Lý đứng lại vỗ tay nói:
- Này xem, bỗng dưng vô cớ lại vẩn vơ nghĩ đến cậu Vân, cậu
"Vũ" nào đó, bắt tao phải đi tìm ngay. Ngày mai mà trên nhà biết, thì
còn ra gì nữa?
Hồng Ngọc cười nói:
- Vậy vú cũng theo lời cậu ấy mà đi gọi người ta sao?
- Không theo lời thì làm thế nào?
- Nếu người ấy biết điều đừng đến là phải.
- Nó không phải là đứa ngốc, việc gì nó chẳng đến?
- Nếu người ấy đến thật, thì vú đừng nên cùng đi với người
ta; để mặc một mình hắn ta lại đây xem sao!
- Tao đến bảo hắn thôi, chứ hơi đâu cùng đi với hắn! Tao về
sai một đứa a hoàn nhỏ hay một bà già nào đưa hắn đến là đủ rồi.
Nói xong, chống gậy đi ngay.
Hồng Ngọc nghe nói đứng ngẩn ra một lúc, chạy vội đi lấy bút.
Một chốc, một a hoàn nhỏ chạy đến, trông thấy Hồng Ngọc đứng
đấy, liền hỏi:
- Chị Lâm đứng đây làm gì thế?
Hồng Ngọc ngẩng lên, thấy a hoàn nhỏ tên là Trụy Nhi, liền hỏi:
- Mày đi đâu đấy?
- Tôi đưa cậu Vân đến đây.
Nói xong, nó chạy đi ngay.
Hồng Ngọc vừa mới đi đến trước cầu Phong Yêu, thấy Trụy Nhi dẫn
Giả Vân đến. Giả Vân vừa đi vừa đưa mắt nhìn Hồng Ngọc. Hồng Ngọc giả làm bộ
nói chuyện với Trụy Nhi, nhưng mắt vẫn liếc nhìn Giả Vân. Bốn mắt thình lình gặp
nhau, Hồng Ngọc đỏ mặt lên, né mình vào một chỗ, rồi đi đến Hành Vu uyển.
Bấy giờ Giả Vân theo Trụy Nhi đi quanh co đến viện Di Hồng.
Trụy Nhi vào trình trước, rồi mới dẫn Giả Vân vào. Giả Vân nhìn lên, thấy trong
sân lơ thơ có mấy ngọn núi đá, trên trồng chuối, có hai con hạc đứng rỉa cánh ở
dưới gốc cây thông. Trên thềm treo mấy cái lồng đẹp, trong có nhiều thứ chim lạ,
xung quanh có năm gian nhà nhỏ, cánh cửa chạm các thứ hoa mới đẹp, trên treo một
cái biển có bốn chữ lớn: "Di hồng khoái lục". Hắn nghĩ bụng: "Vì
có bốn chữ này, thảo nào mới gọi là "viện Di Hồng". Đương nghĩ thì
phía trong bức lụa che cửa sổ có tiếng cười nói: "Mời vào. Hai ba tháng
nay ta quên bẵng cháu!" Giả Vân nghe đúng là tiếng Bảo Ngọc, vội vàng chạy
vào, ngẩng đầu nhìn thấy vàng ngọc, tranh ảnh chói lọi rực rỡ, nhưng không thấy
Bảo Ngọc ở đâu. Ngoảnh lại thấy bên trái có một cái giá gương, một đôi a hoàn độ
mười lăm, mười sáu tuổi ở đằng sau gương đi ra nói: "Mời cậu Hai vào ngồi
chơi nhà trong".
Giả Vân vội vã đáp lời, mắt không dám nhìn thẳng, đến gần một
cái tủ che bằng lụa biếc, có cái giường nhỏ vẽ sơn, trên giăng cái màn màu đỏ
thêu hoa vàng. Bảo Ngọc mặc quần áo thường, chân đi giày, ngồi tựa trên giường
xem sách. Thấy Giả Vân vào, Bảo Ngọc bỏ sách xuống cười đứng dậy. Giả Vân vội
chạy lại hỏi thăm sức khỏe. Bảo Ngọc mời ngồi trên ghế, cười hỏi:
- Tháng trước gặp cháu, ta hẹn đến thư phòng chơi, nhưng bận
việc luôn, thành ra quên mất.
Giả Vân cười nói:
- Thật là không may cho cháu, lại gặp lúc chú khó ở, bây giờ
chú đã khỏe hẳn chưa?
- Khỏe lắm rồi. Chú nghe nói mấy hôm đó cháu cũng vất vả lắm!
- Phận sự cháu đáng phải vất vả, nay chú được khỏe, thực phúc
cho cả nhà ta.
Một a hoàn bưng nước trà lại mời uống. Giả Vân mồm nói chuyện
với Bảo Ngọc, mắt cứ lấm lét nhìn trộm a hoàn. Người này dáng dong dỏng cao, mặt
trái xoan, mặc cái áo màu hồng nhạt, vai khoác khăn lụa xanh, quần nhiễu trắng.
Chẳng phải ai xa lạ, mà chính là Tập Nhân. Khi Bảo Ngọc ốm, Giả Vân đến ở đây
phục dịch luôn mấy ngày, nên đã nhớ được một nửa tên những người ở trong nhà. Hắn
cũng biết Tập Nhân được coi thân hơn so với tất cả những người hầu trong buồng
Bảo Ngọc. Nay thấy chị ta pha trà đưa lên mời, lại có Bảo Ngọc ngồi bên cạnh, hắn
liền đứng dậy cười nói:
- Sao chị lại pha nước cho tôi uống? Tôi đến nhà chú không phải
là khách, để tôi rót lấy cũng được.
Bảo Ngọc nói:
- Cháu cứ ngồi yên đấy. Bọn a hoàn ở đây chỉ cốt có việc ấy
thôi.
Giả Vân cười nói:
- Tuy chú nói thế, nhưng đối với các chị ở trong nhà chú đây,
khi nào cháu dám vô lễ?
Nói xong hắn ngồi xuống uống nước.
Bảo Ngọc cùng Giả Vân nói mấy câu chuyện phiếm, nào con hát
nhà ai hát hay, vườn hoa nhà ai đẹp, a hoàn nhà ai lịch sự, tiệc tùng nhà ai
linh đình, nhà ai có của báu, nhà ai có vật lạ. Giả Vân chỉ lựa lời nói xuôi
chiều mà thôi. Nói chuyện một lúc, thấy Bảo Ngọc có vẻ uể oải, hắn liền xin về.
Bảo Ngọc giữ lại qua loa một tí rồi nói:
- Hôm nào rỗi cháu cứ đến chơi.
Rồi lại sai a hoàn là Trụy Nhì đưa ra.
Giả Vân đi ra khỏi viện Di Hồng, thấy xung quanh không có ai,
liền đi thong thả, tiếng nhỏ tiếng to, hỏi chuyện Trụy Nhi:
- Em bao nhiêu tuổi? Tên họ là gì? Cha mẹ em làm gì? Em ở nhà
chú Bảo được mấy năm rồi? Một tháng được bao nhiêu tiền lương? Trong nhà chú Bảo
có tất cả bao nhiêu a hoàn?
Trụy Nhi cứ theo từng câu hỏi một trả lời. Giả Vân lại hỏi:
- Người vừa nói chuyện với em có phải là Tiểu Hồng không?
- Đúng tên chị ấy là Tiểu Hồng đấy. Cậu hỏi làm gì?
- Mấy lần chị ấy hỏi em có trông thấy chiếc khăn lụa không.
Em không có hơi đâu mà nghĩ đến chuyện ấy. Hôm nay chị ấy lại hỏi, lại bảo em cố
tìm được, chị ấy sẽ tạ ơn. Vừa rồi, chị ấy nói ở trước cửa Hành Vu Uyển, cậu
cũng nghe thấy đấy. Không phải em nói dối cậu đâu. Cậu ơi, cậu đã nhặt được thì
cho lại em, để xem chị ấy tạ ơn em thế nào.
Nguyên tháng trước Giả Vân đến đây trồng cây, có nhặt được
chiếc khăn lụa, biết là người trong vườn này đánh rơi, nhưng không rõ của ai.
Nay nghe Hồng Ngọc hỏi Trụy Nhi, Giả Vân biết là khăn của cô ta, trong lòng xiết
bao mừng rỡ. Bây giờ lại thấy Trụy Nhi hỏi xin, Giả Vân nghĩ ngay một kế, liền
rút cái khăn ở trong tay áo ra đưa cho Trụy Nhi và bảo:
- Tôi cho em, nếu em được tạ ơn thì không nên giấu tôi.
Trụy Nhi vâng lời, cầm lấy khăn, đưa Giả Vân ra, rối về tìm Hồng
Ngọc.
Sau khi tiễn Giả Vân về, Bảo Ngọc có vẻ mỏi mệt, lơ mơ nằm
nghiêng trên giường. Tập Nhân chạy lại, ngồi bên cạnh giường, lay Bảo Ngọc nói:
- Lại chực ngủ đấy à? Nếu buồn, cậu đi ra ngoài chơi có hơn
không?
Bảo Ngọc cầm lấy tay Tập Nhân cười nói:
- Tôi muốn đi chơi, nhưng không thể xa em được.
- Dậy đi thôi.
Tập Nhân vừa nói vừa kéo tay Bảo Ngọc. Bảo Ngọc nói:
- Đi chơi chỗ nào bây giờ? Buồn lắm!
- Cậu cứ đi ra ngoài chơi tự khắc vui, chứ cứ nghĩ những chuyện
vụn vặt càng thêm buồn thôi.
Bảo Ngọc buồn rầu, đành phải nghe lời Tập Nhân, ra khỏi cửa
phòng, đứng trên hành lang ngắm chim một lúc, rồi ra ngoài sân. Đến khe Thấm
Phương, xem đàn cá vàng. Lại thấy sườn núi bên kia có hai con hươu nhỏ chạy rất
nhanh, Bảo Ngọc không thể hiểu ra sao. Đương lúc thơ thẩn, thấy Giả Lan ở đằng
sau, tay cầm cái cung nhỏ chạy đến. Trông thấy Bảo Ngọc, Giả Lan đứng lại, cười
nói:
- Thế ra chú ở nhà, cháu cứ tưởng chú đi chơi rồi.
- Mày lại nghịch dại rồi. Tự nhiên vô cớ bắn nó làm gì?
- Hôm nay cháu không học, ngồi rỗi biết làm gì? Vì thế cháu tập
bắn cung.
- Coi chừng đấy, có ngã gãy răng, đến lúc ấy mới kinh.
Bảo Ngọc nói xong, luôn chân đi đến trước cửa một ngôi nhà,
thấy đuôi phượng ve vẩy, sáo rồng vi vu(2). Ngước mắt nhìn lên, đó là quán Tiêu
Tương. Tiện bước chạy vào, trông thấy rèm tương rủ xuống, tiếng người vắng
tanh. Đến trước cửa sổ, thấy ở trong màn the thoảng ra một mùi hương êm dịu. Bảo
Ngọc ghé mắt sát vào cửa sổ nhìn, nghe tiếng thở dài khe khẽ và hát câu: Suốt
ngày mê mẩn bồi hồi, tình riêng chán ngắt...(3). Bảo Ngọc nghe xong, tự nhiên
trong lòng rạo rực, nhìn kỹ thì Đại Ngọc đương nằm ngả lưng trên giường. Bảo Ngọc
ở ngoài cửa sổ cười nói:
- Sao lại hát câu ấy?
Rồi vén rèm đi vào.
Đại Ngọc biết mình vô ý, tự nhiên mặt đỏ bừng lên, liền lấy
tay áo che, rồi quay vào phía trong giả cách ngủ. Bảo Ngọc đến định lay gọi Đại
Ngọc, thấy bà vú và hai bà già chạy đến nói:
- Cô tôi đương ngủ, chốc nữa tỉnh dậy cậu hãy đến.
Vừa nói xong thì Đại Ngọc quay mình lại ngồi dậy cười nói:
- Nào ai ngủ?
Bọn bà già thấy Đại Ngọc dậy, cười nói:
- Thế mà chúng tôi tưởng cô đã ngủ rồi.
Và gọi Tử Quyên:
- Cô dậy rồi, đi lên hầu.
Đại Ngọc ngồi trên giường, giơ tay sửa lại tóc, rồi cười hỏi
Bảo Ngọc:
- Người ta đương ngủ, anh đến đây làm gì?
Bảo Ngọc thấy Đại Ngọc mắt hơi lim dim, mặt hơi đỏ, tâm thần
tự nhiên xiêu xiêu, ngồi ngả trên cái ghế tựa cười nói:
- Vừa rồi cô nói gì thế?
- Tôi có nói gì đâu?
- Tôi lại cho cô một cái "búng"(4) bây giờ! Tôi
nghe hết cả rồi.
Hai người đương nói chuyện thì Tử Quyên đến, Bảo Ngọc cười
nói:
- Mang thứ trà ngon của nhà chị ra đây pha cho tôi uống.
Tử Quyên nói:
- Nhà chúng tôi đây làm gì có trà ngon, muốn uống trà ngon
thì chờ chị Tập Nhân đến.
Đại Ngọc nói:
- Mặc kệ anh ấy, em hãy đi múc nước cho tôi đã.
Tử Quyên nói:
- Cậu ấy là khách, nên pha nước cho cậu ấy uống trước đã rồi
hãy đi múc nước.
Nói xong đi pha nước, Bảo Ngọc cười nói:
- Chị a hoàn này tốt đây! "Nếu tôi được cùng tiểu thư đa
tình sum vầy phượng loan, quyết chẳng để chị trải nện quạt màn"(5).
Đại Ngọc nổi ngay cơn giận lên, cúi gằm mặt xuống hỏi:
- Anh Hai, anh nói gì thế?
- Tôi có nói gì đâu!
Đại Ngọc liền khóc nói:
- Bây giờ anh lại giở trò, đi ra ngoài học những câu đầu đường
xó chợ, rồi đem về lặp lại cho tôi nghe. Anh xem những tiểu thuyết nhảm nhí, rồi
đem tôi ra làm trò cười. Tôi là một cái đồ chơi giải buồn cho các người à!
Vừa khóc vừa nhảy xuống giường, chực chạy ra ngoài.
Bảo Ngọc sợ quá, vội cản lại nói:
- Em ơi, anh lỡ lời đáng chết, xin em đừng mách ai. Nếu anh
còn dám nói câu ấy nữa, mồm sẽ lên đinh râu và sẽ thối lưỡi.
Giữa lúc ấy, Tập Nhân chạy đến nói:
- Ông gọi cậu đấy, về mặc quần áo ngay đi.
Bảo Ngọc nghe nói, như sét đánh bên tai, không nghĩ gì đến việc
khác nữa, cắm đầu cắm cổ chạy về thay quần áo.
Ra khỏi vườn, thấy Bồi Dính chực ở cửa ngoài, Bảo Ngọc hỏi:
- Ông gọi tao có việc gì, mày có biết không?
Bồi Dính nói:
- Cậu đi mau lên, đến đó sẽ biết.
Vừa nói vừa giục Bảo Ngọc.
Đi qua buồng khách, trong bụng Bảo Ngọc vẫn nghi ngờ, bỗng
nghe thấy bên góc tường có tiếng cười khanh khách, ngoảnh lại thấy Tiết Bàn vỗ
tay nhảy xổ lại cười nói:
- Nếu không nói là dượng gọi thì khi nào anh lại chịu ra
ngay.
Bồi Dính cũng cười, rồi quì xuống. Bảo Ngọc đứng ngẩn người một
lúc, mới biết là Tiết Bàn đánh lừa mình. Tiết Bàn vội vái chào nhận lỗi và nói:
- Xin đừng quở phạt thằng bé này. Việc này là do tôi nhờ nó
đi đấy.
Bảo Ngọc đành chịu, không biết làm thế nào, chỉ cười hỏi:
- Anh đánh lừa tôi cũng được, nhưng việc gì phải mượn tiếng
cha tôi? Tôi sẽ đến mách dì, để người xử cho việc này, liệu có nên không?
Tiết Bàn vội nói:
- Vì tôi muốn anh đến mau, nên quên hẳn những câu kiêng kỵ,
sau này anh muốn đánh lừa tôi, cũng lại mượn tiếng cha tôi, thế là xong chuyện.
- Ối chà, nói câu ấy lại càng đáng chết nữa!
Rồi Bảo Ngọc quay sang Bồi Dính bảo:
- Giống phản chủ này còn quì mãi làm gì đây?
Bồi Dính vội đứng dậy lạy tạ.
Tiết Bàn nói;
- Nếu không phải việc cần, tôi không dám làm phiền anh như thế.
Chỉ vì ngày mai, mồng ba tháng năm, là ngày sinh của tôi, không biết lão Trình
Nhật Hưng ở hàng bán đồ cổ tìm đâu được những ngó sen tươi vừa to vừa dài, lại
trắng muốt; những quả dưa hấu rất to; một con cá tươi rất dài và con lợn Xiêm
đã được xông hương cây bách là của nước Xiêm La đem đến cống(6). Anh xem, bốn
thứ này đã dễ tìm đâu cho ra? Cá và lợn tuy là món quí, chỉ khó tìm thôi, còn
ngó sen và dưa hấu, không biết họ làm thế nào mà có được! Trước hết tôi đem
dâng mẹ tôi, rồi cho đem biếu bà và dì, bác. Còn để lại một ít, nếu tôi ăn một
mình sợ tổn phúc. Nghĩ đi nghĩ lại, ngoài tôi ra chỉ có anh là đáng ăn thôi. Vì
thế, tôi đặc biệt đến mời anh. May sao lại có một phường hát mới đến, chúng ta
cùng chơi vui một hôm, anh nghĩ thế nào?
Hai người vừa nói vừa đi vào thư phòng, thấy bọn Thiềm Quang,
Trình Nhật Hưng, Hồ Tư Lai, Đan Sính Nhân và phường hát đều đã ở đấy rồi. Thấy
Bảo Ngọc vào, mọi người đứng dậy chào hỏi một lượt. Uống nước trà xong, Tiết
Bàn sai bày tiệc rượu. Bọn hầu trai vội vàng đi bày tiệc rồi mọi người vào ngồi.
Bảo Ngọc trông thấy dưa hấu và ngó sen đều là của lạ, cười
nói với Tiết Bàn:
- Tôi chưa có gì mừng anh mà lại đến quấy thế à?
- Thế ngày mai anh định mang thứ gì đến mừng?
- Tôi chẳng mang cái gì cả. Nói đến tiền bạc hay đồ ăn đồ mặc,
thì toàn không phải là của tôi. Chỉ có một tờ giấy viết chữ hay là một bức vẽ mới
đúng là của tôi đáng đem đến mừng.
- Anh nói đến bức vẽ, tôi lại nhớ tới hôm nọ ở một nhà kia,
có bức vẽ xuân cung rất đẹp, trên có viết nhiều chữ, nhưng tôi không xem kỹ, chỉ
thấy chỗ lạc khoản hình như chữ canh hoàng gì ấy, trông đẹp quá chừng.
Bảo Ngọc nghe xong, trong bụng ngờ ngợ, liền nói:
- Những bức vẽ xưa nay tôi đều đã được xem qua, chẳng có nhà
danh họa nào tên là Canh Hoàng cả.
Nghĩ một lúc, phì cười lên, sai người lấy bút viết hai chữ
vào lòng bàn tay rồi hỏi Tiết Bàn:
- Anh chắc hai chữ ấy là canh hoàng đấy chứ?
- Sao lại không chắc?
Bảo Ngọc xòe bàn tay ra cho hắn xem và nói:
- Có phải hai chữ này không? Thực ra hai chữ này không khác
chữ canh hoàng là mấy.
Mọi người xem thì ra hai chữ Đường Dần(7), đều cười nói:
- Chắc là hai chữ này rồi, lúc đó cậu Tiết có lẽ mắt hoa nên
không thấy rõ, cũng chưa biết chừng.
Tiết Bàn nghĩ thấy cụt hứng, cười nói:
- Nào ai biết nó là "đường" hay là "kẹo".
Đương nói chuyện thì đứa hầu nhỏ vào trình: "Cậu Phùng lại
chơi". Bảo Ngọc biết ngay là Phùng Tử Anh, con quan Thần Vũ tướng quân
Phùng Đường. Bọn Tiết Bàn bảo mời vào. Nói chưa dứt lời, đã thấy Phùng Tử Anh
tươi cười bước vào. Mọi người vội đứng dậy mời ngồi. Phùng Tử Anh nói:
- Tốt lắm! Chả cần phải đi đâu nữa, cứ ở nhà vui thú với nhau
là được.
Bảo Ngọc, Tiết Bàn đều cười, nói:
- Lâu lắm không gặp được anh. Bác nhà có được mạnh khỏe
không?
Tử Anh đáp:
Tiết Bàn thấy trên mặt Tử Anh có vết thương hơi tím, cười hỏi:
- Lại đánh nhau với ai mà có vết thương trên mặt?
Phùng Tử Anh cười nói:
- Từ khi đánh con ông đô úy họ Cừu bị thương, tôi đã hối hận
và nhớ mãi việc ấy, không dám nóng nẩy, thì còn đánh nhau với ai? Vết thương ở
trên mặt là tại hôm nọ tôi đi săn ở núi Thiết Võng, bị con chim ưng đập cánh
trúng đấy.
Bảo Ngọc hỏi:
- Bao giờ thế?
- Đi từ hôm hai mươi tám tháng ba đến hôm qua mới về.
- Thảo nào hôm mồng ba mồng tư vừa rồi tôi đến dự tiệc nhà
anh Thẩm không thấy anh. Tôi định hỏi, nhưng lại quên mất. Anh đi một mình hay
cả bác cũng đi?
- Vì cha tôi đi, tôi không thể từ chối được, nên phải cùng đi
Chứ tôi có phải hóa rồ đâu. ở nhà mấy anh em cùng nhau uống rượu nghe hát, chẳng
vui hơn sao, tội gì mà lại chuốc lấy sự bực tức vất vả vào người. Chuyến đi này
trong sự không may lại gặp sự rất may.
Bọn Tiết Bàn thấy hắn uống nước rồi, đều nói: "Xin mời
vào tiệc, có chuyện gì sẽ nói sau". Tử Anh nghe xong đứng dậy nói:
- Cứ lẽ ra, tôi phải ở lại hầu rượu các anh là đúng, nhưng hiện
giờ có việc rất cần, tôi phải đi, xong đó quay về trình cha tôi ngay, thực
không thể ở lại được.
Tiết Bàn, Bảo Ngọc khi nào chịu nghe, cố sống cố chết giữ lại
không cho đi. Tử Anh cười nói:
- Lạ quá, chúng ta sống với nhau trong bấy nhiêu năm, khi nào
lại có cái đối xử với nhau như thế? Thực tôi không thể theo lời được. Nếu nhất
định giữ tôi, xin mang cốc lớn ra đây tôi uống hết hai cốc là được.
Mọi người nghe nói, đành thôi không nài nữa. Tiết Bàn cầm
chai, Bảo Ngọc cầm cốc, rót đầy hai cốc to. Tử Anh đứng dậy uống một hơi hết. Bảo
Ngọc nói:
- Anh hãy nói hết cái chuyện "không may lại gặp
may" cho chúng tôi nghe đã, rồi mới được đi.
Tử Anh cười nói:
- Bây giờ không thể nào nói hết được. Cũng vì việc ấy, tôi muốn
sửa một bữa tiệc, mời các anh đến chơi nói chuyện và còn có việc nhờ đến các
anh nữa.
Nói xong, chắp tay chào rồi đi.
Tiết Bàn nói:
- Càng nói càng làm cho người ta sốt ruột lên, không thể nhịn
được! Bao giờ anh mới nói rõ cho người ta đỡ mong.
Tử Anh nói:
- Lâu thì mười ngày, chóng thì tám ngày nữa.
Vừa nói vừa chạy ra ngoài cửa, cưỡi ngựa đi.
Mọi người trở về, theo thứ tự ngồi lại uống rượn, một lúc mới
tan tiệc.
Bảo Ngọc về trong vườn, Tập Nhân ở nhà đương băn khoăn không
biết Bảo Ngọc sang hầu Giả Chính, lành dữ ra sao. Bỗng thấy Bảo Ngọc về, say lướt
khướt, hỏi duyên cớ, Bảo Ngọc kể hết đầu đuôi. Tập Nhân nói:
- Người ta đương sốt lòng sốt ruột chờ đợi. Cậu cứ mải vui,
chẳng nghĩ gì cả. Cậu cũng nên sai người về báo tin mới phải!
Bảo Ngọc nói:
- Tôi vẫn định cho người về báo tin, nhưng gặp anh Phùng Tử
Anh đến, nên trót quên mất.
Nói xong thấy Bảo Thoa chạy đến cười nói:
- Anh ăn trước những thứ gì ngon lạ ở bên nhà tôi đấy?
Bảo Ngọc cười nới:
- Nhà chị có thứ gì ngon lạ, tất nhiên là để dành cho chúng
tôi trước.
Bảo Thoa lắc đầu cười nói:
- Hôm qua anh tôi mời riêng tôi, tôi không ăn, bảo để dành lại
biếu người khác. Tôi tự nghĩ mình kém phúc, không đáng ăn những thứ ấy.
Nói xong a hoàn pha nước uống, rồi nói chuyện phiếm.
Đại Ngọc nghe nói Giả Chính gọi Bảo Ngọc, suốt ngày không thấy
về, trong bụng cũng áy náy lo thay cho cậu ta. Sau bữa cơm chiều, nghe nói Bảo
Ngọc đã về, Đại Ngọc định đến hỏi xem có xảy việc gì không? Đang lững thững đi,
thấy Bảo Thoa cũng đi vào vườn. Đại Ngọc liền chạy theo sau. Vừa đến cầu Thấm
Phương, thấy các giống thủy cầm(8) đương tắm trong ao, không nhận ra được giống
gì, toàn những màu sắc lóng lánh, trông đẹp lạ thường. Đại Ngọc đứng dừng lại
xem một lúc rồi đi đến viện Di Hồng, thì cửa đã đóng, Đại Ngọc liền gõ cửa.
Không ngờ Tình Văn và Bích Ngân đương cãi nhau. Thấy Bảo Thoa
đến, Tình Văn liền giận lây cả cô ta, lủng bủng nói ở trong nhà: "Lúc bận
cũng như lúc rỗi, cứ đến ngồi lì ra đấy, làm cho người ta mãi nửa đêm gà gáy
cũng chưa được đi ngủ". Chợt lại nghe có tiếng người gõ cửa, Tình Văn lại
càng cáu lên, chẳng hỏi là ai, nói ngay:
- Ngủ cả rồi, ngày mai hãy đến.
Đại Ngọc xưa nay vẫn biết thói quen của đám a hoàn hay mải
chơi, có lẽ chúng nó không nhận được tiếng của mình, cho là đứa a hoàn nào gọi,
nên không mở cửa. Vì thế lại gọi to:
- Tôi đây! Sao không mở cửa ngay?
Tình Văn vẫn không nghe rõ, lại gắt lên:
- Chị là ai cũng mặc kệ, cậu Bảo đã dặn tôi nhất thiết không
để người nào vào!
Đại Ngọc nghe nói, đứng ở ngoài cửa tức lắm, định quát to
nhưng lại nén giận, tự nghĩ: "Tuy nhà cậu cũng như nhà mình, nhưng mình vẫn
là khách. Bây giờ bố mẹ chết rồi, không có chỗ nương tựa, mình phải đến ở nhờ
đây, có giận cũng vô ích". Đại Ngọc nghĩ vậy, nước mắt chảy xuống ròng
ròng, về không tiện, đứng cũng không tiện. Đương lúc phân vân, nghe ở trong nhà
có tiếng cười nói, lắng tai mãi thì ra tiếng Bảo Ngọc và Bảo Thoa. Đại Ngọc
càng giận, nghĩ quanh nghĩ quẩn, sực nhớ tới việc sáng hôm nay: "Có lẽ vì
anh ấy giận ta, cho là ta đi mách anh ấy. Nhưng khi nào ta lại mách! Anh ấy
không chịu nghe ngóng kỹ, lại giận ta đến nỗi này à! Hôm nay không cho ta vào,
liệu ngày mai không gặp mặt được sao?" Càng nghĩ càng đau xót, thôi thì mặc
kệ rêu xanh sương lạnh, đường hoa gió lùa, một mình thơ thẩn, đứng dưới bóng
cây bên góc tường, rầu rầu thổn thức, nức nở nghẹn ngào!
Đại Ngọc vẫn sẵn dáng điệu tuyệt vời, nhan sắc hiếm có. Ngờ
đâu trận khóc này làm chim chóc đương đậu trên cành liễu, khóm hoa gần đấy,
cũng xào xạc bay xa, không nỡ nghe những tiếng khóc than ai oán. Thực là:
Hoa choáng hồn lên buồn tẻ bấy;
Chim bừng mắt dậy ngẩn ngơ đâu!
Vậy có bài ca rằng:
Cô Tần tài sắc tuyệt vời,
Một mình hiu quạnh ra ngoài buồng thêu.
Giọng than chưa ngớt nghẹn ngào,
Hoa tơi bời rụng, chim xào xạc bay.
Đại Ngọc đương lúc than khóc, chợt nghe thấy kẹt một tiếng,
cánh cửa mở, có một người đi ra.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Đời Thanh con gái còn nhỏ thì cạo quanh đầu, chỉ để chỏm
giữa. Đến khi lớn mới để tóc.
(2). Đuôi phượng là hình dung lá trúc, sáo rồng là hình dung
tiếng gió thổi qua lá trúc.
(3). Câu ớ Tây Sương Ký.
(4). Ngày xưa người Trung Quốc trai gái đùa nhau, thường lấy
ngón tay cái và ngón tay giữa nhíp lại, xát nhau cho bựt ra thành tiếng.
(5). Mượn lời trong truyện Tây Sương, Trương Sinh nói với Tiểu
Hồng là đầy tớ của Thôi Oanh Oanh.
(6). Sự thực chỗ này chưa rõ, xin dịch đúng nguyên văn, đợi
nghiên cứu sau.
(7). Tên một nhà danh họa đời Minh, cũng hơi gíống như chữ
"canh hoàng". Tiết Bàn vì dốt nên đọc sai.
(8). Thủy cầm: như các giống vịt, ngỗng, le, cốc v.v... thích
ở dưới nước.
Hồi 27:
Đình Trích Thúy, Dương Phi đùa bướm trắng;
Mộ Mai Hương, Phi Yến khóc hoa tàn.
Đại Ngọc đương lúc than khóc, chợt cửa mở, Bảo Thoa ở trong bước
ra, bọn Bảo Ngọc, Tập Nhân đều tiễn ra cửa. Đại Ngọc muốn chạy đến hỏi Bảo Ngọc,
nhưng lại sợ người ta biết, làm cho Bảo Ngọc xấu hổ, vì thế Đại Ngọc đứng né ra
một bên để cho Bảo Thoa đi. Đợi Bảo Ngọc đóng cửa rồi, Đại Ngọc mới trở lại
nhìn vào cửa gạt nước mắt, cảm thấy không còn thú vị gì, liền lủi thủi quay về
cởi đồ trang sức ra.
Ngày thường, bọn Tử Quyên, Tuyết Nhạn vẫn biết tính nết Đại
Ngọc; lúc rỗi ngồi buồn, không cau mày cũng thở dài, nhiều khi bỗng đang yên
lành, không biết vì sao cũng rơm rớm nước mắt. Trước còn có người khuyên ngăn,
hoặc cho là cô ta nhớ bố mẹ, nhớ quê hương hay bị oan ức điều gì, nên họ tìm lời
an ủi. Nhưng sau hàng năm hàng tháng lúc nào cũng thế, mọi người lâu dần cũng
quen đi, chẳng ai để ý đến nữa, vì thế họ mặc kệ cho cô ta ngồi buồn một mình,
cứ lẻn ra ngoài chơi.
Đại Ngọc tựa vào bao lan giường, hai tay ôm lấy đầu gối, nước
mắt giàn giụa, ngồi ngây như một pho tượng, mãi đến canh hai mới đi nằm.
Hôm sau là ngày hai mươi sáu tháng tư, đến giờ mùi, là sang
tiết Mang chủng. Theo tục cổ, đến ngày này, các nơi bày lễ vật cúng tiễn hoa thần.
Vì rằng sau đó sang mùa hạ, các thứ hoa đều tàn, thần hoa lui về, nên phải làm
lễ tiễn, nhất là trong khuê các lại càng náo nức hơn. Vì thế các người ở trong
vườn Đại Quan ai nấy đều dậy sớm. Bọn con gái nhỏ hoặc lấy bông hoa cành liễu bện
thành kiệu, ngựa, hoặc dùng gấm vóc, the lụa xếp thành cờ quạt tàn lọng, cái
nào cũng buộc bằng chỉ ngũ sắc, treo trên từng ngọn cây, từng cành hoa. Trong
vườn giải thêu phất phới, cành hoa chờn vờn. Các chị em đều tô son điểm phấn,
làm cho đào thẹn hạnh nhường, yến ghen oanh tủi, vẻ tươi đẹp không thể tả hết
được. Bấy giờ chị em bọn Bảo Thoa, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, Lý Hoàn,
Phượng Thư và cháu Đại Thư, Hương Lăng cùng bọn a hoàn đều đến chơi đùa cả ở
trong vườn, riêng Đại Ngọc không thấy đâu cả. Nghênh Xuân hỏi:
- Sao không thấy em Lâm? Cô bé này lười quá! Bây giờ hãy còn
ngủ à?
Bảo Thoa nói:
- Chị em hãy ngời chờ đây, để tôi đi bắt cô ấy đến.
Nói xong rẽ mọi người ra, đi thẳng đến quán Tiêu Tương.
Trong khi đi, gặp bọn Văn Quan tất cả mười hai cô bé cùng đi
đến, bèn đứng lại chào hỏi, nói mấy câu chuyện rồi đi. Bảo Thoa quay lại bảo:
Nói xong đi quanh đến quán Tiêu Tương. Ngẩng đầu nhìn, thấy Bảo
Ngọc đi tới. Bảo Thoa đứng lại cúi đầu ngẫm nghĩ: "Bảo Ngọc và Đại Ngọc từ
bé cùng ở một nơi, anh em họ nhiều lúc không biết tránh sự hiềm nghi, cười đùa
không giữ ý, vui giận bất thường; vả chăng Đại Ngọc tính nết nhỏ nhen, lại hay
ghen ghét, bây giờ mình đến đấy, một là không tiện cho Bảo Ngọc, hai là Đại Ngọc
sinh ngờ, chi bằng ta trở về là hơn". Nghĩ xong, Bảo Thoa định quay đi tìm
chị em khác, thì trước mặt có một đôi bướm trắng to bằng cái quạt, con xuống
con lên, theo gió bay lượn, rất là đẹp mắt. Bảo Thoa muốn bắt để chơi, liền lấy
cái quạt ở trong tay áo ra, định đập xuống đất. Không ngờ đôi bướm cứ lên lên
xuống xuống, lượn lượn bay bay, rồi chúng luồn qua khe hoa, khóm liễu, chờn vờn
định bay qua sông, làm cho Bảo Thoa cứ rón rén đuổi theo mãi đến đình Trích
Thúy ở bên ao. Bấy giờ mồ hôi đầm đìa, hơi thở hổn hển, Bảo Thoa đành thôi
không đuổi nữa. Quay về, nghe trong đình có tiếng người nói rì rầm. Nguyên cái
đình này xây ở trong hồ, bốn mặt đều có lan can chạm trổ, chung quanh dán giấy
kín. Bảo Thoa đứng lại, lắng tai nghe, thấy nói:
- Chị xem cái khăn lụa này nếu quả là của chị đánh rơi, thì
chị giữ lấy; nếu không phải, tôi sẽ đem trả lại cậu Vân.
- Sao lại không phải của tôi! Đưa đây cho tôi xin.
- Thế thì chị thưởng cho tôi cái gì nào? Lẽ nào tôi lại đưa
không cho chị?
- Tôi đã hứa với em, không khi nào tôi lại đánh lừa em.
- Tôi đưa giả chị, chị tạ ơn tôi đã đành rồi, còn người bắt
được, chị không tạ người ta à?
- Em đừng nói nhảm, người ta là chủ nhà, bắt được cái gì của
chúng ta thì phải trả lại, còn đòi tạ ơn à?
- Nếu chị không tạ, thì tôi trả lời người ta thế nào? Vả
chăng, cậu ấy dặn tôi ba bốn lần, nếu chị không tạ ơn thì không được lấy khăn lại.
- Thôi được, cầm cái này về cho người ta, tức là tôi tạ ơn đấy.
Nhưng phải thề đi, em có nói chuyện này với ai không?
- Tôi mà nói với ai thì mồm sẽ lên đinh, ngày sau sẽ chết
điêu chết đứng.
Lại nghe có người nói:
- Chúng ta cứ mải nói chuyện, khéo không ở ngoài có người
nghe trộm đấy. Chi bằng mở toang cửa sổ ra, có ai trông thấy chúng ta ở trong
này, họ sẽ cho là chúng ta nói chuyện tếu với nhau thôi. Khi họ đến gần đây,
chúng ta trông thấy sẽ thôi không nói nữa.
Bảo Thoa đứng ngoài nghe vậy, giật mình nghĩ bụng: "Xưa
nay những đứa gian dâm trộm cướp, bụng dạ đều ra trò cả! Nếu mở cửa, thấy ta ở
đây, lẽ nào chúng nó không hổ thẹn? Vả lại nghe tiếng hệt như tiếng con Hồng ở
phòng Bảo Ngọc, nó xưa nay vẫn to gan, không coi ai ra gì. Nó là đứa a hoàn điêu
ngoa, quỉ quái bực nhất. "Người cùng làm phản, chó cùng nhảy qua tường".
Nay ta biết được sự xấu xa của nó, nếu không cẩn thận, không những thêm chuyện,
mà ta cũng chẳng hay ho gì. Bây giờ lánh đi một nơi thì không kịp, chi bằng
dùng lối "kim thiền thoát xác"(1) mới được". Bỗng nghe kẹt một
tiếng, Bảo Thoa liền cố ý đi nặng bước, cười hỏi:
- Chị Tần, tôi xem chị trốn đi đâu nào?
Vừa nói vừa cố ý đi rảo bước.
Hồng Ngọc và Trụy Nhi ở trong đình, vừa mở cửa sổ ra, đã thấy
Bảo Thoa nói thế, rồi rảo bước đi lên, hai người đều sợ hãi. Bảo Thoa ngoảnh lại
cười hỏi:
- Các chị giấu cô Lâm ở đâu?
Trụy Nhi nói:
- Tôi có thấy cô Lâm đâu.
Bảo Thoa nói:
- Tôi vừa mới ở bên kia hồ, trông thấy cô Lâm ngồi đấy quấy
nước chơi, tôi muốn lẳng lặng đến để cô ấy giật mình, nhưng chưa tới nới, cô ấy
đã trông thấy, liền đi rẽ sang phía đông rồi mất hút. Có lẽ cô ấy nấp ở trong
này?
Bảo Thoa cố ý vào tìm, lại quay ra, miệng lẩm bẩm:
- Nhất định cô ta nấp ở trong hang núi này. Nếu gặp phải rắn
nó cắn cho một cái thì xong đời.
Vừa nói vừa đi, trong bụng cười thầm: "Thế là ta nói
quanh che giấu đã trôi, chẳng biết chúng nó nghĩ thế nào".
Hồng Ngọc nghe vậy, tin là thực, đợi Bảo Thoa đi xa, liền kéo
tay Trụy Nhi lại bảo:
- Thôi hỏng rồi ! Cô Lâm núp ở trong này, nhất định nghe thấy
những câu chuyện của chúng ta.
Trụy Nhi nghe nói ngồi thừ ra một lúc, Hồng Ngọc lại hỏi:
- Thế thì bây giờ làm thế nảo?
- Nghe thấy thì nghe, chứ có động chạm gì đến ai! Người nào
lo việc người ấy là xong.
- Cô Bảo nghe thấy chẳng sao, chứ cô Lâm miệng hay xoi bói, bụng
hay khe khắt, nghe thấy mà đi nói tung ra thì làm thế nào?
Đương nói chuyện, thấy bọn Văn Quan, Hương Lăng, Tư Kỳ, Thị
Thư đi đến. Hai người nói lảng ra chuyện khác rồi cười đùa với bọn này.
Phượng Thư ở bên kia sườn núi vẫy tay gọi. Hồng Ngọc vội vàng
bỏ mọi người chạy đến, cười hỏi:
- Mợ gọi cháu có việc gì?
Phượng Thư ngắm nghía một lúc, thấy Hồng Ngọc sạch sẽ nhanh
nhẹn, ăn nói có duyên, liền cười hỏi:
- Hôm nay bọn a hoàn của ta không đi theo hầu. Ta nhớ ra một
việc, muốn sai mày đi, không biết mày có làm nổi không? Nói năng có được rành mạch
không?
- Mợ có việc gì xin cứ bảo, nếu cháu nói không rành mạch, làm
hỏng việc, mợ cứ trách phạt.
- Mày ở nhà cô nào? Để khi ta sai đi, có ai đến tìm, ta sẽ
nói hộ.
- Cháu ở nhà cậu Bảo.
- Thế ra mày ở nhà cậu Bảo đấy à? Thảo nào! Thôi được, nếu cậu
ấy đến hỏi thì ta nói hộ. Mày về nhà ta bảo chị Bình: dưới cái giá mâm sứ Nhữ
Châu để trên cái bàn ở nhà ngoài, có một gói bạc một trăm hai mươi lạng, là để
trả tiền công thợ thêu. Khi nào vợ Trương Tài đến thì cân ngay trước mặt, đưa
cho chị ta mang đi. Lại còn việc nữa: lấy cái túi nhỏ ở đầu giường mang đến đây
cho ta.
Hồng Ngọc nghe xong, vâng lời đi ngay. Một lúc trở lại, không
gặp Phượng Thư ở trên sườn núi nữa. Thấy Tư Kỳ ở trong hang núi ra, đương đứng
thắt lưng, Hồng Ngọc chạy lại hỏi:
- Chị có biết mợ Hai ở đâu không?
- Tao không biết.
Hồng Ngọc quanh đi tìm các nơi, gặp Thám Xuân, Bảo Thoa đang
ngồi xem cá ở bên hồ. Hồng Ngọc lại gần cười nói:
- Thưa hai cô, có biết mợ Hai đi đâu không?
Thám Xuân nói:
- Đến nhà mợ Cả mà tìm.
Hồng Ngọc đến thôn Đạo Hương, thấy bọn Tình Văn, Ỷ Hà, Bích
Ngân, Tử Tiêu, Xạ Nguyệt, Thị Thư, Nhập Họa, Oanh Nhi cùng đi lại. Tình Văn
trông thấy Hồng Ngọc nói ngay:
- Con này động điên sao? Không tưới hoa ngoài sân, không cho
chim ăn, không pha trà, chỉ chạy nhông thôi.
Hồng Ngọc nói:
- Hôm qua cậu Hai bảo: sáng nay không cần tưới hoa nữa, cứ
cách một ngày tưới một lần. Chim thì tôi cho ăn lúc chị còn đương ngủ kia.
Bích Ngân nói:
- Còn nước trà thì sao?
Hồng Ngọc nói:
- Hôm nay không phải phiên của tôi, có trà hay không, đừng hỏi
đến tôi.
Ỷ Hà nói:
- Chị nghe miệng nó nói đấy! Thôi các chị đừng hỏi nữa, mặc kệ
cho nó đi chơi.
Hồng Ngọc nói:
- Các chị thử hỏi xem, tôi có đi chơi không? Mợ Hai vừa bảo
tôi đi lấy cái này đây.
Nói xong, nó đưa cái túi cho mọi người xem, ai nấy nín lặng,
không nói gì nữa, rồi bỏ đi cả.
Tình Văn cười nhạt:
- Thảo nào! Thế ra nó đã trèo lên được cành cao, nên mới coi
thường chúng ta. Không biết nó đã ăn đã nói được những câu gì? Đã ai biết tên
biết tuổi nó là gì, mà nó vênh mặt lên như thế? Lần này không hề gì, chứ lần
sau thì liệu đấy! Thôi từ nay trở đi nó có giỏi thì ra khỏi cái vườn này, cứ ngồi
được mãi ở trên cành cao ấy,mới cho là tài.
Tình Văn vừa nói vừa đi.
Hồng Ngọc nghe nói, không tiện cãi lại, chỉ cố nén giận đi
tìm Phượng Thư. Đến buồng họ Lý, quả gặp Phượng Thư đương ngồi nói chuyện ở đấy.
Hồng Ngọc vào trình:
- Chị Bình nói: khi mợ đi, chị ấy đã cất gói bạc rồi. Vợ
Trương Tài đến lấy, chị ấy đã cân trước mặt và giao cho mang đi rồi.
Hồng Ngọc lại đưa cái túi ra, thưa:
- Chị Bình bảo tôi đến trình mợ: Vừa rồi Lai Vượng đến hỏi
xem mợ có truyền bảo gì, để nó còn phải sang bên kia; chị Bình đã theo ý mợ bảo
nó đi rồi.
Phượng Thư cười nói:
- Nó theo ý ta như thế nào mà bảo Lai Vượng đi?
- Chị Bình bảo: mợ tôi nhắn lời hỏi thăm mợ bên ấy. Cậu Hai
không có ở nhà. Dù có chậm vài hôm, xin mợ cứ yên lòng. Khi nào mợ Năm khỏe, mợ
tôi sẽ cùng mợ Năm sang thăm. Hôm trước mợ Năm sai người đến nói: bà mợ có nhắn
tin hỏi thăm sức khỏe của mợ, lại muốn nhờ cô bên ấy tìm hộ mấy viên thuốc
"duyên niên thần nghiệm vạn toàn đan". Nếu có thì mợ sai người mang đến
đưa cho mợ tôi. Sau có người đi, sẽ tiện đường đem sang cho bà mợ.
Hồng Ngọc nói chưa dứt lời, Lý Hoàn cười nói:
- Ô chà! Tao không hiểu mày nói gì, cứ "mợ, mợ, "cậu,
cậu" lôi ra một tràng.
Phượng Thư cười nói:
- Chả trách chị không hiểu là phải. Đó là câu chuyện bốn năm
gia đình khác nhau.
Rồi quay lại Hồng Ngọc cười nói:
- Con bé này khá đấy, mày nói cũng rành mạch, chứ không như
những đứa khác cứ ấp a ấp úng, nói lý nhí như muỗi kêu ấy. Chị không biết, bây
giờ trừ mấy a hoàn và bà già hầu tôi ra, tôi không muốn nói với ai cả: Một câu
nói của mình, họ kéo dài ra làm hai ba đoạn, đứt quãng từng chữ từng câu, lai
nhai ấp úng, chỉ tổ làm cho mình nóng tiết lên, chứ họ có biết gì đâu. Bình Nhi
nhà tôi trước cũng thế đấy. Tôi thường bảo nó có phải nói như tiếng muỗi mới gọi
là mỹ nhân đâu? Tôi dạy nó nhiều lần, nên bây giờ nó mới khá đấy.
Lý Hoàn cười nói:
- Có phải ai cũng láu lỉnh như thím đâu!
Phượng Thư nói:
- Con bé này cũng khá đấy. Vừa rồi hai lần nói chuyện, tuy
không nhiều mấy, nhưng lời nói cũng gãy gọn.
Nói xong quay lại Hồng Ngọc cười bảo:
Hồng Ngọc nghe nói bật cười. Phượng Thư nói:
- Mày cười gì? Mày cho tao còn trẻ, hơn mày mấy tuổi, lại chực
làm mẹ mày à? Mày mơ ngủ hay sao! Mày xem có những người lớn hơn mày nhiều, cứ
chực gọi tao là mẹ, tao cũng chẳng thèm nhìn. Thế này là tao cất nhắc mày đấy!
Hồng Ngọc cười nói:
- Không phải cháu cười thế đâu. Cháu cười là cười mợ nhận nhầm
thứ bậc đấy thôi. Mẹ cháu đã là con nuôi mợ rồi, bây giờ mợ lại nhận cháu làm
con nuôi.
Phượng Thư nói:
- Mẹ mày là ai?
Lý Hoàn cười nói:
- Thím không nhận được nó à? Nó là con gái Lâm Chi Hiếu đấy.
Phượng Thư nghe xong rất lấy làm lạ, nói:
- Thế ra con gái nó đấy à? - Lại cười nói: - Hai vợ chồng Lâm
Chi Hiếu đần độn thế, suốt ngày không ai cạy mồm nó nói một câu. Ngày thường
tôi vẫn bảo: hai người này lấy nhau thực là tốt đôi, một người điếc, một người
câm. Ai ngờ lại đẻ ra được đứa con sắc sảo nhanh nhẹn thế này! Mày mười mấy tuổi?
- Cháu mười bảy tuổi.
- Tên là gì?
- Nguyên trước là Hồng Ngọc, vì trùng tên với cậu Bảo, nên đổi
là Tiểu Hồng.
Phượng Thư nghe nói, cau mày lại, ngoảy đầu một cái rồi bảo:
- Rõ chán thật! Được ngọc có lẽ sướng lắm hay sao, người này
cũng "ngọc", người kia cũng "ngọc".
Rồi quay sang nói với Lý Hoàn:
- Chị không biết, tôi đã bảo mẹ nó: vợ Lại Đại bây giờ lắm việc,
chẳng còn biết ai với ai trong phủ này nữa. Tôi nhờ mụ ấy tìm hộ hai a hoàn, mụ
ấy chỉ nhận lời cho xong, rồi không những không đi tìm, lại còn đưa con đi hầu
chỗ khác. Hay là con nó đến hầu tôi không được tử tế chăng?
Lý Hoàn cười nói:
- Thím đa nghi lắm. Con người ta đi hầu đã lâu rồi, đến giờ
thím mới bảo, thì còn trách gì mẹ nó?
Phượng Thư cười nói:
- Đã thế thì ngày mai tôi sẽ nói với chú Bảo tìm người khác
thay cho con bé này đến ở với tôi. Nhưng liệu mày có bằng lòng không?
Hồng Ngọc cười nói:
- Bằng lòng hay không, cháu không dám nói. Nhưng nếu được hầu
mợ thì cháu học được cách ăn ở lui tới, học được việc lớn việc nhỏ, sẽ khôn biết
ra nhiều.
Bỗng có a hoàn của Vương phu nhân lại mời, Phượng Thư cáo từ
Lý Hoàn ra về. Hồng Ngọc cũng về viện Di Hồng.
Đêm qua về, Đại Ngọc ngủ không được, sáng nay dậy muộn, nghe
nói chị em ở trong vườn đương mở hội tiễn hoa. Sợ người ta cười là lười, Đại Ngọc
rửa mặt chải đầu xong, vội vàng đi ngay. Mới ra ngoài sân, thấy Bảo Ngọc đi vào
cười nói:
- Hôm qua em có mách gì việc anh không? Anh áy náy cả đêm.
Đại Ngọc liền quay đầu lại bảo Tử Quyên:
- Dọn nhà đi, buông cửa sổ xuống, xem con chim yến đã về
chưa, bỏ rèm xuống, chận cái đôn đá sư tử lại, đốt lò hương rồi đậy nắp lại.
Nói xong đi ra.
Bảo Ngọc thấy quang cảnh ấy, chỉ cho là vì việc trưa hôm qua,
có biết đâu lại còn cả cái tội buổi tối nữa? Bảo Ngọc cứ đứng chắp tay vái
chào. Đại Ngọc vẫn không thèm nhìn, bỏ đi ra, tìm các chị em.
Bảo Ngọc buồn bực, nghĩ bụng:
- Cứ xem bộ dạng này, thì không phải là vì việc buổi trưa hôm
qua. Nhưng buổi chiều ta về nhà đã muộn, không gặp cô ta, còn va chạm với cô ấy
vào lúc nào?
Vừa nghĩ vừa đi theo sau.
Thấy Bảo Thoa và Thám Xuân ngồi xem hạc múa, Đại Ngọc cũng đến
đó. Ba người cùng đứng nói chuyện. Sau thấy Bảo Ngọc đến, Thám Xuân cười nói:
- Anh Bảo có khỏe không? Suốt ba hôm nay em không được gặp.
Bảo Ngọc cười hỏi:
- Em có được mạnh không? Hôm nọ anh gặp chị Cả, có hỏi thăm
em.
Thám Xuân nói:
- Anh lại đây, em hỏi chuyện.
Bảo Ngọc nghe nói, từ giã Bảo Thoa và Đại Ngọc đến ngồi ở dưới
cây thạch lựu. Thám Xuân hỏi:
- Mấy hôm nay cha có gọi anh không?
- Không gọi.
- Hôm nọ em thoáng nghe như cha gọi anh.
- Chắc người ta nghe nhầm đấy, cha có gọi anh đâu.
- Mấy tháng nay em có dành dụm được mười quan tiền, anh cầm lấy,
khi nào ra chơi phố, thấy có bức chữ hay vẽ đẹp, hoặc đồ chơi xinh xắn, anh mua
hộ mang về cho em.
- Thỉnh thoảng anh cũng có đi qua các nhà, các miếu ở trong
thành, ngoài thành, chẳng thấy cái gì mới lạ, xinh xắn cả, chỉ có những đồ
vàng, ngọc, đồng, sứ, và những thứ đồ cổ không có chỗ vất; rồi đến các thứ vóc,
nhiễu và các đồ ăn thức mặc thôi.
- Ai cần gì đến những thứ ấy! Như lần trước anh mua cái lẵng
hoa bằng cành liễu, hộp phấn bằng rễ trúc, cái lồng ấp bằng đất thó, trông rất
đẹp, em thích lắm. Mà chị em ai cũng thích cả. Họ coi những thứ này như của
báu, có cái nào là cướp mất cái ấy.
- Nếu em thích những cái ấy, thì chẳng đáng mấy đồng tiền, cứ
cho người nhà mang mấy quan tiền đi, sẽ mua được hàng xe.
- Bọn người nhà biết gì? Anh đi chọn lấy cái gì mộc mạc mà
không tục, thì mua nhiều về cho em. Em sẽ thêu cho anh một đôi giày như lần trước
mà còn tỉ mỉ kỹ càng hơn, anh nghĩ có được không?
Bảo Ngọc cười nôi:
- Em nói đến đôi giày, anh lại nhớ câu chuyện trước. Có lần
anh đi đôi giày ấy, gặp cha, người lấy làm khó chịu, hỏi giày này ai thêu cho.
Anh không dám nói là em thêu, chỉ nói mợ cho trong dịp sinh nhật anh. Cha thấy
thế, không nói gì, một lúc mới phàn nàn: "Tội gì mả hao tốn sức người, phí
phạm nhiễu lụa, để thêu cái thứ ấy!" Sau về anh nói chuyện với Tập Nhân, Tập
Nhân nói: "Như thế đã đành, dì Triệu lại còn oán là khác. Dì ấy bảo, anh
em ruột giày rách đằng giày, tất rách đằng tất, chẳng ai thèm nhìn đến, lại đi
thêu những thứ ấy!"
Thám Xuân nghe nói, sa sầm nét mặt xuống, nói:
- Anh xem, câu nói hồ đồ biết chừng nào! Em có phải lả hạng
người chỉ để thêu giày đâu. Em Hoàn không có phần riêng của nó sao? Áo quần có
phần áo quần, giày tất có phần giày tất, gái hầu, bà già cũng đầy cả nhà, sao lại
thở ra những câu oán trách ấy? Định nói cho ai nghe đấy! Chẳng qua lúc rỗi em
muốn thêu một đôi chơi, trong đám anh em, thích ai thì cho; đó là tùy bụng em,
chứ ai bắt buộc? Thực là dì ấy ghen quàng!
Bảo Ngọc gật đầu cười nói:
- Em không biết, bụng người ta lại nghĩ khác kia.
Thám Xuân nghe nói, càng cáu lên, ngoảy đầu nói:
- Anh cũng hồ đồ nốt. Dì ấy nghĩ thế đấy, nhưng chẳng qua là
ý nghĩ của hạng người hèn mọn mà thôi. Mặc dì ấy, muốn nghĩ thế nào thì nghĩ,
chứ em chỉ biết bà và cha thôi, ngoài ra em không cần ai hết. Ngay trong đám
anh chị em, ai tốt với em, thì em tốt giả, bất cứ là con nàng hầu, vợ lẽ. Đáng
ra em không nên nói dì ấy, nhưng vì dì ấy u mê quá chừng! Lại có một chuyện
đáng buồn cười nữa: lần trước em đưa tiền nhờ anh mua đồ chơi hộ em, vài hôm
sau gặp em, dì ấy kêu túng kêu thiếu. Em mặc kệ, chẳng để ý đến. Sau khi bọn a
hoàn ra rồi, dì ấy quay lại trách móc em, bảo em để dành tiền chỉ đưa cho anh
thôi, không đưa cho thằng Hoàn. Nghe dì ấy nói thế, vừa buồn cười vừa bực mình,
em chạy ngay đến chỗ mẹ.
Đương nói thì Bảo Thoa ở đằng kia cười nói:
- Chuyện xong chưa, lại đây. Thế mới rõ ra là anh em với nhau
bỏ hết cả mọi người, đem nhau đi nói chuyện riêng, chúng tôi nghe không được
hay sao?
Thám Xuân, Bảo Ngọc đều cười chạy lại.
Không thấy Đại Ngọc ở đấy, Bảo Ngọc biết ngay là cô ta tránh
đi chỗ khác. Rồi nghĩ: "Hãy để chậm vài hôm, chờ cô ta bớt giận, mình sẽ đến".
Nhân cúi đầu nhìn thấy nhiều thứ hoa phượng tiên, thạch lựu, như nền gấm giải rụng
từng chùm xuống đất, Bảo Ngọc than thở:
- Hẳn là cô ta trong bụng còn tức giận, nên không nhặt những
hoa rụng này. Để ta nhặt đi, ngày mai sẽ lại hỏi cô ấy.
Bảo Thoa rủ cả bọn đi về phía sau chơi. Bảo Ngọc nói:
- Tôi sẽ đến sau.
Chờ cho hai người đi xa, Bảo Ngọc mới nhặt những hoa rụng, rồi
trèo non lội nước, qua cây luồn hoa, đi đến chỗ cùng Đại Ngọc chôn hoa đào hôm
trước. Gần đến nơi, còn ở bên kia dốc núi, đã nghe tiếng nghẹn ngào, khóc than
kể lể, ai nghe cũng phải đau lòng. Bảo Ngọc nghĩ bụng: "Không biết a hoàn
nhà ai có điều gì oan ức, lại chạy đến đây mà khóc thế?" Vừa nghĩ vừa dừng
bước lại, nghe thấy những lời than khóc như sau:
Hoa bay hoa rụng ngập trời,
Hồng phai hương lạt ai người thương hoa?
Đài xuân tơ rủ la đà,
Rèm thêu bông khẽ đập qua bên ngoài.
Kìa trong khuê các có người,
Tiếc xuân lòng những ngậm ngùi vẩn vơ.
Vác mai rảo bước bước ra,
Lòng nào nỡ giẫm lên hoa thế này?
Vỏ du tơ liễu đẹp thay,
Mặc cho đào rụng, lý bay đó mà.
Sang năm đào lý trổ hoa,
Sang năm buồng gấm biết là còn ai?
Tháng ba tổ đã xây rồi,
Trên xà hỏi én quen người hay không?
Sang năm hoa lại đâm bông,
Biết đâu người vắng, lầu hồng còn trơ?
Ba năm sáu chục thoi đưa,
Gươm sương dao gió những chờ đâu đây.
Tốt tươi xuân được mấy ngày,
Chốc đà phiêu dạt, bèo mây thêm sầu.
Nở rồi lại rụng đi đâu,
Người chôn hoa nhĩmg rầu rầu đòi cơn.
Cầm mai lệ lại ngầm tuôn,
Dây trên cành trụi hãy còn máu rơi.
Chiều hôm quyên lặng tiếng rồi,
Vác mai về đóng cửa ngoài buồn tênh!
Ngả người trước ngọn đèn xanh,
Ngoài song mưa tạt, bên mình chăn đơn.
Mình sao vơ vẩn từng cơn?
Thương xuân chi nữa lại hờn xuân chi?
Thương khi đến, hờn khi đi,
Đến lừ đừ đến, đi lỳ lỳ đi.
Ngoài sân tiếng khóc rầm rì,
Chẳng hồn hoa đấy, cũng thì hồn chim.
Chim càng lặng lẽ, hoa thêm sượng sùng.
Thân này muốn vẫy vùng đôi cánh,
Nơi chân trời liệng cảnh hoa chơi!
Nào đâu là chỗ chân trời,
Nào đâu là chỗ có đồi chôn hoa?
Sẵn túi gấm đành ta nhặt lấy,
Chọn nơi cao che đậy hương tàn.
Thân kia trong sạch muôn vàn,
Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ.
Giờ hoa rụng có ta chôn cất,
Chôn thân ta chưa biết bao giờ.
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ,
Sau này ta chết, ai là người chôn?
Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn,
Cũng là khi khách hồng nhan về già.
Hồng nhan thấm thoắt xuân qua,
Hoa tàn người vắng ai mà biết ai!
Bảo Ngọc nghe xong, bất giác đứng ngẩn người ra, ngã vật xuống
đất.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Con ve lột xác, nghĩa là biến đổi thân hình mình để người
khác không trông thấy.
Hồi 28:
Ngọc Hàm tặng thắt lưng, gợi được mối tình;
Bảo Thoa cởi chuỗi thơm, lộ ra vẻ thẹn.
Chỉ vì việc tối hôm trước, Tình Văn không chịu mở cửa, Đại Ngọc
ngờ rằng chủ ý của Bảo Ngọc. Hôm sau lại gặp ngay kỳ "tiễn hoa",
đương lúc tâm hồn u uất, chưa thoát ra được, lại thêm gợi lòng thương xuân, mối
buồn rười rượi, vì thế cô ta nhặt lấy tất cả những cánh hoa rơi rụng, đem đi
chôn cất để cám cảnh cho hoa và thương xót cho mình. Đại Ngọc khóc lên mấy tiếng,
rồi ngâm luôn mấy câu thơ. Không ngờ Bảo Ngọc đứng bên kia nghe thấy, lúc đầu
chỉ gật đầu than thở, sau nghe rõ bốn câu:
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ,
Sau này ta chết ai là người chôn?
...Hồng nhan thấm thoắt xuân qua,
Hoa tàn nguời vắng ai mà biết ai!
Bảo Ngọc thương cảm quá, thình lình ngã vật trên sườn núi,
bao nhiêu hoa rụng nhặt được ở trong tay rơi vãi cả ra đất. Bảo Ngọc nghĩ ngay
đến Đại Ngọc sắc đẹp như hoa, mặt trong như trăng, sau này ắt cũng có lúc không
thể tìm thấy nữa, lẽ nào chả đứt ruột nát gan! Đại Ngọc đã có lúc không thể tìm
thấy, cứ thế suy ra, những người như Bảo Thoa, Hương Lăng, Tập Nhân, cũng đều
thế cả. Bọn Bảo Thoa đã vậy thì thân mình sẽ ở đâu? Thân mình còn chả biết ở
đâu, đi đâu, thì nơi này, vườn này, hoa này, liễu này, biết thuộc về ai? Bảo Ngọc
suy nghĩ miên man hết chuyện này sang chuyện khác, không biết đến giờ phút ấy,
muốn làm vật xuẩn ngốc, không hiểu một tí gì, trốn vòng tạo hóa, thoát khỏi lưới
trần, liệu có thể gỡ nổi mối đau thương ấy không. Thực là:
Bóng hoa đâu vẫn bên mình,
Tiếng chim đâu vẫn rành rành bên tai.
Đại Ngọc đương lúc thương cảm, chợt nghe sườn núi bên có tiếng
than khóc, trong bụng nghĩ: "Ai cũng cười ta có bệnh si, chăng lẽ lại có
người si nữa hay sao?" Ngẩng đầu nhìn thì ra Bảo Ngọc. Đại Ngọc liền phỉ
thui nói:
- Hừ? Ngỡ ai, hóa ra lại là anh chàng thâm độc chết non!
Vừa nói đến hai tiếng "chết non", Đại Ngọc bưng miệng
thở dài, rồi chạy biến đi mất.
Bảo Ngọc đương khi đau xót, thấy Đại Ngọc chạy, biết cô ta
trông thấy mình rồi trốn đì. Nghĩ nông nỗi thật buồn tênh, Bảo Ngọc lom khom trở
dậy, xuống núi theo đường cũ trở về viện Di Hồng. May sao trông thấy Đại Ngọc
chạy đằng trước, Bảo Ngọc vội vàng đuổi theo, nói:
- Cô hãy đứng lại, tôi biết rằng bây giờ cô không thèm nhìn đến
tôi nữa. Nhưng tôi xin nói một câu rồi chúng ta sẽ chia tay.
Đại Ngọc ngoảnh lại, thấy Bảo Ngọc, định kệ thây, nhưng lại
nghe: "Chỉ xin nói một câu rồi sẽ chia tay", Đại Ngọc đành phải đứng
lại:
- Câu gì xin anh cứ nói.
- Xin cho vài câu, cô có thèm nghe hay không?
Đại Ngọc liền quay đầu chạy, Bảo Ngọc theo sau than:
- Biết nông nỗi ngày nay, thì thà đừng gặp nhau từ trước.
Đại Ngọc nghe vậy, đành phải đứng lại, hỏi:
- Trước là thế nào? Mà nay là thế nào?
Bảo Ngọc nói:
- Ái chà! Khi cô mới đến đây, có phải ngày ngày chúng ta cùng
chơi đùa với nhau không? Thứ gì tôi thích, cô cũng thích, thì cô cứ việc lấy
đi; thứ gì tôi thích ăn, thấy cô cũng thích ăn, tôi cất cẩn thận để phần cô.
Hai đứa ăn một bàn, ngủ một giường. Cái gì bọn a hoàn chưa nghĩ chu đáo, tôi sợ
cô giận, nên đều tính trước hộ bọn họ. Tôi cho rằng: anh em ta từ nhỏ đến lớn,
gần gụi nhau, thân thiết nhau, thì cũng nên hòa thuận với nhau hơn hẳn các người
mới phải. Ngờ đâu cô lớn lên lòng khác hẳn, không coi tôi vào đâu, ba ngày chẳng
thèm nhìn, bốn ngày chẳng thèm gặp, chỉ để ý những người xa lắc xa lơ, như chị
Bảo, chị Phượng gì đó. Tôi chẳng có anh chị em ruột thịt nào cả. Tuy có đấy,
nhưng cô đã chẳng biết là con khác mẹ hay sao? Tôi với cô đều là con một, chắc
chúng ta cũng cùng một ý nghĩ, ngờ đâu phí cả tấm lòng, thật là có oan khôn đường
bày tỏ?
Nói xong, nước mắt ròng ròng nhỏ xuống.
Đại Ngọc tai nghe mắt thấy trước câu nói và quang cảnh ấy, bất
giác lòng dịu hẳn đi, nước mắt tự nhiên nhỏ xuống ròng ròng, cúi đầu không nói
gì. Bảo Ngọc thấy tình thế như vậy, nói luôn:
- Tôi biết rồi, giờ tôi cũng chẳng tốt gì! Nhưng dù sao, tôi
cũng không dám có điều gì lầm lỗi với cô. Nếu có, cô cũng nên bảo tôi, răn tôi,
hoặc mắng tôi mấy câu, đánh tôi mấy cái, tôi không dám mủi lòng. Ngờ đâu cô
không thèm nhìn đến tôi, để tôi nghĩ mãi, chẳng biết đầu đuôi ra sao, lắm phen
phải kinh hồn mất vía! Nếu tôi chết đi, cũng là con quỉ chết oan, dù nhờ các vị
cao tăng, cao đạo đọc kinh sám hối, cũng chẳng có thể siêu sinh được; chỉ có
cô, nói rõ ngành ngọn cho, may ra tôi mới được hóa kiếp!
Đại Ngọc nghe xong, câu chuyện tối qua tự nhiên bay đâu hết sạch,
liền nói:
- Anh đã nói thế, thì tại sao tối hôm qua tôi đến, anh lại
không cho a hoàn mở cửa?
Bảo Ngọc kinh ngạc nói:
- Chuyện ấy ở đâu mà ra? Nếu tôi có làm thế thì tôi chết
ngay!
Đại Ngọc phỉ thui:
- Vừa mới sáng sớm đã nói chết với sống, không kiêng à! Có
nói là nói, không nói là không, việc gì mà anh phải thề.
Bảo Ngọc nói:
- Tối hôm qua, thực không thấy em đến, chỉ có chị Bảo Thoa đến
một lúc rồi về thôi.
Đại Ngọc nghĩ một lúc, cười nói:
- Phải rồi. Chắc là bọn a hoàn lười không muốn dậy, đâm ra
nói bừa, gắt bậy. Chuyện ấy cũng có thể có được.
- Chắc thế, để anh về hỏi xem đứa nào, phải răn bảo chúng mới
được.
- Anh cũng nên răn bảo các cô ấy, cứ lẽ ra tôi không đáng
nói. Nhưng lần này có lỗi với tôi là chuyện nhỏ, chứ lần sau không may có lỗi với
cô Bảo, cô "Bối" nào đấy, tất xảy chuyện to.
Nói xong, nhoẻn miệng cười. Bảo Ngọc nghe xong, nghiến răng bực
bội, sau lại cười phá lên.
Hai người đương nói chuyện, thấy a hoàn đến mời đi ăn cơm, họ
liền đi ngay. Vương phu nhân thấy Đại Ngọc, hỏi:
- Cô Lâm uống thuốc của ông lang họ Bảo có khá không?
Đại Ngọc thưa:
- Cũng vẫn thế thôi. Bà còn bảo cháu uống thuốc của thầy lang
họ Vương nữa.
Bảo Ngọc thưa:
- Mẹ không biết bệnh cô Lâm là chứng nội thương, tiên thiên
kém lắm, không chịu nổi sương gió! Chỉ nên uống vài thang sơ tán phong hàn, rồi
uống thuốc viên mới tốt.
Vương phu nhân nói:
- Hôm nọ thầy thuốc có nói tên một thứ thuốc viên, nhưng ta
quên mất.
Bảo Ngọc thưa:
- Con biết rồi. Thuốc ấy gọi là nhân sâm dưỡng vinh hoàn.
- Không phải.
- Hay là bát trân ích mẫu hoàn, tả qui, hữu qui, nếu không phải
thì lại là bát vị địa hoàng hoàn.
- Đều không phải cả. Ta nhớ có hai chữ "kim cương"
gì ấy.
Bảo Ngọc vỗ tay cười nói:
- Xưa nay chưa nghe thấy có tên "kim cương hoàn"
bao giờ. Nếu có kim cương hoàn tất nhiên phải có bồ tát hoàn.
Câu ấy làm cả nhà cười ầm lên. Bảo Thoa mỉm cười:
Có lẽ là thiên vương bổ tâm đan thì đúng hơn.
Vương phu nhân cười nói:
- Chính là tên ấy đấy, bây giờ ta đâm ra hồ đồ! Bảo Ngọc nói:
- Mẹ không hồ đồ đâu, chỉ tại người gọi là kim cương hay là bồ
tát làm cho mẹ hồ đồ đấy thôi.
- Mày định chọc cả mẹ mày à? Coi chừng cha mày lại cho mày ăn
đòn đấy.
- Chắc cha con cũng không vì việc ấy mà đánh con đâu!
Vương phu nhân lại nói:
- Đã có thứ thuốc ấy, ngày mai bảo đi mua một ít về mà uống.
Bảo Ngọc nói:
- Thuốc ấy chẳng ăn thua gì đâu. Mẹ cứ cho con ba trăm sáu
mươi lạng bạc, con sẽ làm cho cô ấy một tễ thuốc viên, chắc nhắn chưa uống hết
tễ thuốc bệnh sẽ khỏi.
- Mày chỉ nói bậy. Thuốc gì mà đắt đến thế?
- Thật thế, thuốc ấy khác hẳn các thuốc khác. Tên thuốc này rất
lạ, nói một lúc không thể hết được. Chỉ nói nhau đàn bà đẻ con so, nhân sâm có
lá ba trăm sáu mươi lạng cũng chưa đủ. Lại còn hà thủ ô lớn như con rùa, phục
linh đởm ở rễ cây tùng nghìn năm; những thứ thuốc như thế cũng chưa lấy gì làm
lạ, còn phải chọn thứ thuốc đầu vị nữa. Nói ra làm người ta phải rùng mình. Trước
kia anh Tiết Bàn có xin con đơn thuốc ấy, hai ba năm sau con mới cho, anh ấy
mang đi tìm đến hai ba năm nữa, tốn hết hơn một nghìn lạng bạc mới chế xong. Mẹ
không tin, cứ hỏi chị Bảo sẽ biết.
Bảo Thoa cười, xua tay nói:
- Tôi không biết, tôi cũng chẳng nghe thấy ai nói chuyện ấy
bao giờ. Anh đừng bảo dì hỏi tôi.
Vương phu nhân cười nói:
- Con bé Bảo tốt đấy, nó không hay nói dối.
Bảo Ngọc nghe vậy quay ngay lại, vỗ tay nói:
- Con nói thực đấy, thế mà mẹ lại bảo con nói dối. Nói xong,
Bảo Ngọc ngoảnh lại nhìn, thấy Đại Ngọc đương ngồi ở sau lưng Bảo Thoa mỉm cười,
rồi lấy ngón tay vẽ vào mặt ra hiệu chế diễu Bảo Ngọc.
Phượng Thư đương ở nhà trong, trông nom người bày bàn, nghe vậy,
liền chạy lại cười nói:
- Việc này có thật đấy. Chú Bảo không nói dối đâu. Hôm nọ,
anh Tiết có đến nhờ con tìm hộ hạt trân châu, con hỏi, anh ấy nói là để chế thuốc.
Anh ấy còn phàn nàn: "Thà chẳng chế cho xong, biết đâu lại có nhiều chuyện
rắc rối!" Con hỏi thuốc gì, anh ấy nói là đơn thuốc của chú Bảo cho. Anh ấy
còn nói nhiều thứ nữa kia, con không nhớ hết, anh ấy lại nói: "Nếu không
thì tôi mua ở đâu chả được mấy hạt trân châu, chỉ vì cần những hạt đã giắt ở
trên đầu, nên phải đến đây tìm thím, không có thì lấy những hạt đính ở cành hoa
cũng được. Sau này tôi sẽ đem những hạt khác tốt hơn giả lại thím". Con
đành phải lấy hai hạt đương cài trên đầu đưa cho anh ấy. Lại còn phải dùng một
đoạn lụa hồng dài ba thước, rồi lấy bát sữa nghiền nhỏ, đem trộn với bột mới được.
Phượng Thư nói một câu, Bảo Ngọc niệm Phật một câu. Sau đó
nói: "Có mặt trời chứng giám". Phượng Thư nói xong, Bảo Ngọc lại nói:
- Bây giờ mẹ nghĩ xem, chẳng qua là làm gượng đấy thôi, cứ
theo đúng cách thức trong đơn, thì phải lấy những châu ngọc ở trong ngôi mộ của
những người giàu sang cài đầu ngày xưa khi chết đem chôn theo mới hay. Nhưng
bây giờ không lẽ vì đơn thuốc lại đi đào bới người ta lên sao tiện. Vì thế chỉ
dùng những thứ của người sống đeo cũng được.
Vương phu nhân nghe rồi nói:
- A di đà Phật! Ai nỡ làm thế! Người ta chết mấy trăm năm rồi,
lại còn đào thây bới xương lên để làm thuốc, thì còn linh nghiệm gì.
Bảo Ngọc quay lại nói với Đại Ngọc:
- Em có nghe không? Lẽ nào chị Phượng cũng theo anh mà nói dối
em à?
Bảo Ngọc ngoảnh mặt lại hỏi Đại Ngọc, nhưng mắt lại liếc sang
bên Bảo Thoa.
Đại Ngọc liền kéo Vương phu nhân nói:
- Mợ xem, chị Bảo không chịu vào hùa với anh ấy, thành ra anh
ấy lại đi hỏi cháu.
Vương phu nhân nói:
- Bảo Ngọc cứ hay bắt nạt em mày.
Bảo Ngọc cười nói:
- Mẹ không biết nguyên do việc này. Chị Bảo khi trước ở nhà,
anh Tiết làm việc gì chị ấy cũng không biết. Bây giờ lại sang ở bên này, tất
nhiên càng không biết nữa. Cô Lâm ngồi ở đằng sau, cho là con bịa chuyện ra nói
dối, nên cười giễu con.
Đương nói chuyện thì a hoàn ở buồng Giả mẫu đến mời Bảo Ngọc
và Đại Ngọc về ăn cơm. Đại Ngọc không đợi Bảo Ngọc, liền đứng dậy kéo a hoàn
đi. A hoàn nói:
- Hãy chờ cậu Bảo cùng đi một thể.
- Anh ấy không ăn đâu. Chúng ta đi thôi. Tôi đi trước đây.
Nói xong, Đại Ngọc đi ra ngay.
Bảo Ngọc nói:
- Hôm nay con ăn cơm với mẹ.
Vương phu nhân nói:
- Thôi, thôi, hôm nay ta ăn chay, con về bên ấy mà ăn.
- Con cũng ăn chay.
Nói xong Bảo Ngọc bảo a hoàn đi về rồi chạy đến ngồi vào bàn
ăn. Vương phu nhân cười bảo bọn Bảo Thoa:
- Các cháu cứ đi ăn, mặc kệ nó.
Bảo Thoa cười nói:
- Ăn hay không, anh cũng nên đi với cô Lâm mới phải; bụng cô
ta đang khó chịu đấy.
Bảo Ngọc nói:
- Mặc kệ cô ta, chốc nữa là xong hết.
Ăn xong, Bảo Ngọc phần thì sợ Giả mẫu mong, phần cũng nhớ Đại
Ngọc, vội vàng bảo lấy nước súc miệng. Thám Xuân, Tích Xuân đều cười:
- Anh Hai sao lúc nào cũng vội vã thế? Ăn uống mà cũng lật đật
như vậy.
Bảo Thoa cười nói:
- Anh ấy ăn xong rồi còn phải đi thăm cô Lâm, chứ ở đây làm
gì?
Bảo Ngọc uống nước xong, sang ngay nhà phía tây. Đi đến phòng
Phượng Thư, thấy Phượng Thư đang đứng ghếch chân trên ngưỡng cửa cầm cái ngoáy
tai gợi răng và trông mười đứa hầu nhỏ vần mấy chậu hoa. Thấy Bảo Ngọc đến, Phượng
Thư cười nói:
- May quá, chú lại viết hộ chị mấy chữ.
Bảo Ngọc đành phải theo vào buồng. Phượng Thư sai người đem
bút giấy ra nói:
- Chú viết: Bốn mươi tấm đoạn trơn màu đỏ, bốn mươi tấm đoạn
thêu rồng, một trăm tấm the hạng tốt đủ các màu, vòng cổ bằng vàng bốn chiếc.
- Thế nào? Không phải sổ mua bán, cũng không phải là giấy kê
đồ lễ, viết thế này để làm gì?
- Chú cứ viết, miễn sao chị hiểu là được.
Bảo Ngọc nghe nói, đành phải viết vậy.
Phượng Thư vừa cầm tờ giấy, vừa cười nói:
- Còn điều này nữa, không biết chú có bằng lòng không? Bên
nhà chú có con a hoàn tên là Hồng Ngọc, tôi muốn lấy nó sang đây, ngày mai tôi
sẽ cho đứa khác sang thay nó, liệu có được không?
- Bên nhà tôi nhiều người lắm, chị thích đứa nào, cứ việc lấy,
cần gì phải hỏi tôi.
- Nếu thế thì tôi gọi nó về nhé.
- Được, chị cứ việc gọi.
Nói xong, Bảo Ngọc chực đi ngay. Phượng Thư nói:
- Chú hãy đứng lại, tôi còn nói câu này nữa.
- Bà đang gọi tôi, có việc gì khi về sẽ hay.
Bảo Ngọc sang bên phòng Giả mẫu, đã thấy ăn xong cả rồi. Giả
mẫu hỏi:
- Ăn cơm bên mẹ cháu có gì ngon không?
- Chả có gì ngon cả, nhưng cháu lại ăn thêm được một bát.
Rồi hỏi:
- Cô Lâm ở đâu?
Giả mẫu nói:
- Ở trong nhà kia kìa.
Bảo Ngọc đi vào, thấy một a hoàn đương ngồi dưới đất quạt bàn
là, hai a hoàn ngồi trên giường xe chỉ, Đại Ngọc đang cúi xuống cầm kéo cắt cái
gì. Bảo Ngọc chạy đến cười nói:
- Ái chà! Em làm gì đấy, vừa ăn xong đã cúi gằm đầu xuống,
khéo lại nhức đầu thôi.
Đại Ngọc không trả lời, cứ ngồi may. Bỗng có một a hoàn nói:
- Góc miếng lụa này còn nhăn, phải là lại mới được.
Đại Ngọc vứt kéo xuống nói:
- Mặc kệ nó, một chốc nữa là xong.
Bảo Ngọc nghe nói, sinh ra buồn rầu. Bỗng bọn Bảo thoa, Thám
Xuân đến, nói chuyện với Giả mẫu. Một lúc, Bảo Thoa vào nhà trong, hỏi:
"Em làm gì đấy?". Thấy Đại Ngọc đương cắt may, Bảo Thoa cười nói:
- Giỏi quá nhỉ. Em biết cả việc may cắt rồi đấy.
Đại Ngọc cười nói:
- Đó chẳng qua là câu chuyện lừa dối người thôi.
Bảo Thoa cười nói:
- Tôi kể cho cô nghe câu chuyện buồn cười: Vừa rồi chỉ vì tôi
bảo không biết gì đến việc thuốc, nên anh Bảo cũng lấy làm khó chịu đấy.
Đại Ngọc nói:
- Mặc kệ anh ấy, một chốc là xong hết.
Bảo Ngọc gọi Bảo Thoa:
- Bà muốn đánh xúc xắc, không có ai, chị ra mà đánh vậy.
- Thế ra tôi chỉ vì đánh xúc xắc mà đến đây à?
Nói xong Bảo Thoa đi ngay.
Đại Ngọc nói:
- Thôi anh cũng đi đi, ở đây có con hùm, khéo nó cắn cho đấy.
Bảo Ngọc thấy Đại Ngọc vẫn cúi xuống cắt, không để ý đến
mình, đành phải cười nói:
- Em nên ra đi dạo chơi, rồi về khâu cũng chưa muộn.
Đại Ngọc vẫn không trả lời. Bảo Ngọc liền hỏi đám a hoàn:
- Ai bảo cô ấy khâu thế?
Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc hỏi bọn a hoàn, liền nói:
- Ai bảo tôi khâu thì mặc tôi, việc gì đến cậu Hai!
Bảo Ngọc muốn nói nữa, thấy có người đến báo: "Bên ngoài
có người mời cậu", liền đứng dậy ra ngay.
Đại Ngọc ngoảnh ra ngoài nói:
A di đà Phật! Khi anh trở về, tôi có chết cũng xong.
Bảo Ngọc ra ngoài, thấy Bồi Dính chạy lại nói:
- Người nhà cậu Phùng đến mời.
Bảo Ngọc biết ngay là câu chuyện hôm nọ, liền bảo: "Mang
quần áo ra đây". Rồi quay vào thư phòng.
Bồi Dính vào ngay cửa thứ hai đứng đợi người hầu. Thấy một bà
già đi ra. Bồi Dính nói:
- Cậu Bảo đương ở thư phòng, chờ lấy quần áo đi chơi, bà về
đưa tin ngay cho họ biết.
- Con mẹ mày! Cậu Bảo đứng ở ngoài vườn, những người hầu đều
theo ra đó cả, mày lại vào đây đưa tin à?
- Bà mắng là phải, tôi thực là hồ đồ.
Bồi Dính chạy vào cửa thứ hai phía đông, gặp bọn hầu nhỏ
đương đá cầu ở con đường trước cửa. Bồi Dính báo cho chúng biết. Một đứa chạy
ngay đi, một chốc mang bọc quần áo đến, đưa cho Bồi Dính đem về thư phòng.
Bảo Ngọc thay quần áo xong, sai người thắng ngựa và cho bốn đứa
tiểu đồng là Bồi Dính, Sừ Dược, Song Thụy, Song Thọ theo hầu. Họ đi thẳng đến
nhà Phùng Tử Anh. Có người vào báo, Tử Anh ra cửa mời vào. Tiết Bàn cũng đã đến
đấy từ lâu Lại có cả bọn con hát nhỏ và người hay đóng vai nữ là Tưởng Ngọc Hàm
cùng kỹ nữ ở viện Cẩm Hương là Vân Nhi nữa. Chào nhau xong, mọi người ngồi uống
nước.
Bảo Ngọc cầm chén nước trà cười nói:
- Hôm nọ anh nói việc "may trong không may" làm cho
tôi ngày đêm nghĩ ngợi, không biết là việc gì? Hôm nay cho gọi, tôi phải đến
ngay.
Phùng Tử Anh cười nói:
- Các anh thực thà quá. Chẳng qua tôi đặt lời ra đấy thôi.
Nguyên tôi thành tâm sửa một tiệc rượu mời các anh, nhưng sợ các anh từ chối,
nên tôi bịa ra như thế, ngờ đâu các anh lại tin là thực.
Mọi người nghe xong cười ầm lên. Tiệc bày ra theo thứ tự mời
ngồi. Phùng Tử Anh trước hết bảo bọn con hát trẻ đến rót rượu, rồi bảo Vân Nhi
mời ba chén.
Tiết Bàn mới uống mấy chén, bụng đã xiêu xiêu, cầm tay Vân
Nhi nói:
- Cô có khúc nào mới lạ, hát cho tôi nghe, tôi sẽ uống hết một
vò rượu, thế có được không?
Vân Nhi nghe nói, gẩy đàn tì bà rồi hát:
Oan nghiệt đôi nhà, khó mà gỡ ra, nhớ khi đi khỏi, vẫn áy náy
đến người xa. Trai lơ sắc sảo, ai mà vẽ hệt được dáng điệu đôi ta. Nhớ đêm trước
thì thào ở dưới rặng hoa trà, chị thì lấm lét, anh cố lân la, trước tam tào đem
ra tra, thôi chối sao được mà!
Hát xong cười nói:
- Tôi hát xong rồi, cậu uống cả vò đi.
Tiết Bàn cười nói:
- Chưa đáng uống. Hát bài nào hay hơn kia!
Bảo Ngọc cười nói:
- Hãy nghe tôi nói đã: cứ uống bừa đi như thế, dễ say mà chẳng
có thú gì. Tôi uống trước một chén lớn, rồi ra một cái lệnh mới, hễ ai không
theo, phải phạt mười chén lớn, đuổi ra ngoài tiệc, bắt rót rượu mời mọi người.
Phùng Tử Anh và Tưởng Ngọc Hàm đều nói:
- Phải đấy, phải đấy!
- Bây giờ phải nói bốn chữ: "bi", "sầu",
"hỉ", "lạc" (1), nhưng phải tả ra thân phận người con gái,
và nói rõ cớ gì mà có bốn chữ ấy. Xong rồi uống một chén rượu. Khi uống, phải
hát một bài mới, đến cuối, phải tức khắc đọc một câu gì, hoặc là câu sẵn có ở trong
tứ thư, ngũ kinh, hoặc là câu thơ câu đối cũ.
Tiết Bàn không chờ nói hết, đứng ngay dậy, gạt đi:
- Tôi không dự cuộc ấy đâu, đừng có tính vào đấy. Các anh định
đùa tôi chứ gì!
Vân Nhi đứng dậy đẩy hắn ngồi xuống, cười nói:
- Sợ cái gì? Ngày ngày cậu chỉ biết rượu chè thôi, chẳng lẽ lại
thua cả tôi nữa à? Tôi cứ việc nói. Nói phải thì thôi, không phải, chịu phạt mấy
chén là cùng, có say đã chết ai? Bây giờ cậu trái lệnh, phải uống mười chén lớn
rồi đành chịu đi rót rượu mời người ta à?
Mọi người đều vỗ tay khen hay quá! Tiết Bàn không làm thế nào
được, đành phải ngồi xuống, nghe Bảo Ngọc nói:
Gái này thương, buổi đương xuân, trơ trọi trong buồng;
Gái này buồn, tham hầu, chàng phải xa vắng luôn!
Gái này mừng, buổi sớm soi gương đẹp quá chừng;
Gái này vui, áo xuân mỏng mảnh đánh đu chơi.
Mọi người nghe đều khen "hay"! Chỉ có Tiết Bàn vênh
mặt lắc đầu:
- Không hay, đáng phạt!
Mọi người hỏi:
- Sao lại đáng phạt?
Tiết Bàn nói:
- Anh ấy nói tôi chẳng hiểu gì cả, sao lại không đáng phạt?
Vân Nhi liền dúi Tiết Bàn một cái, cười nói:
- Cứ ngồi yên, nghĩ sẵn câu của mình đi. Đến lượt mà không
nói được thì phải phạt đấy.
Rồi Vân Nhi gẩy đàn theo, Bảo Ngọc hát:
Bao giờ hết, giọt lệ tương tư rơi đỏ ngòm,
Bao giờ nở, xuân về hoa liễu trước lầu son,
Nằm trằn trọc, song the, mưa gió buổi hoàng hôn.
Nghĩ vẩn vơ, mối sầu mới cũ cùng đổ dồn!
Nuốt không trôi, rượu vàng gạo ngọc nào biết ngon,
Soi không rõ, đứng trước gương lăng mặt héo hon!
Nét ngài cau cau lại, giọt đồng hồ dồn dập hơn.
Chao ôi! Nào khác gì: trôi đi, nước biếc dòng man mác,
Dừng lại, non xanh bóng chập chờn.
Hát xong, mọi người khen hay, chỉ có Tiết Bàn nói:
- Chẳng hay gì cả.
Bảo Ngọc uống chén rượu đầu, rồi cầm miếng lê và đọc một câu:
Hoa lẽ mưa đẫm cửa cài then. Thế là xong một lệnh.
Đến lượt Phùng Tử Anh nói:
Gái này thương, chàng mắc bệnh nặng nằm trên giường,
Gái này sầu, gió thổi lầu tranh sập đổ nhào.
Gái này mừng, đầu lòng sinh đôi sướng quá chừng,
Gái này vui, lẻn bước ra vườn đào để chơi.
Nói xong cầm chén rượn hát:
Mình là hạng thông minh,
Mình là kẻ đa tình,
Mình là giống ma quỉ kỳ quái yêu tinh.
Mình là bậc thần tiên, nhưng phép không linh.
Đây bảo mình, mình cứ làm thinh,
Thấy nói đến nơi nào vắng vẻ, dò xét cho rành.
Mới biết là đây thương hay không thương mình!
Hát xong, uống chén rượn, rồi đọc câu: "Trăng tỏ lều
tranh nhộn tiếng gà". Thế là xong lệnh.
Rồi đến lượt Vân Nhi nói:
Gái này thương, sau này nào biết chốn tựa nương?
Tiết Bàn cười nói:
- Con ơi! Đã có bố Tiết mày đây, sợ gì?
Mọi người đều nói:
- Đừng phá đám! Đừng phá đám!
Vân Nhi lại nói:
Gái này buồn, cái mụ dầu kia đánh mắng luôn!
Tiết Bàn nói:
- Hôm nọ tao gặp mẹ mày, tao đã bảo mụ ấy không được đánh mắng
mày kia mà.
Mọi người đều nói:
- Còn nói nữa, sẽ phạt mười chén rượu.
Tiết Bàn vội tự vả vào mồm, nói:
- Không có tai à! Cấm không được nói nữa!
Vân Nhi lại nói:
Gái này mừng, trong nhà ở với bạn tình chung,
Gái này vui, buông tay tiêu sáo gảy đàn chơi.
Nói xong liền hát:
Tháng ba đậu mới trồi hoa,
Sâu kia đâu đã lân la đục rồi.
Đục vào cũng uổng công thôi,
Trên hoa tấp tểnh lên ngồi đánh đu.
Khen cho mi cũng gan to,
Ta không nở nữa, đục rau được nào?
Hát xong uống chén rượu, rồi đọc câu: "Hoa đào mơn mởn".
Thế là xong lệnh.
Đến lượt Tiết Bàn. Hắn nói:
- Giờ tôi nói này: Gái này thương...
Rồi ngừng lại, không nói được. Phùng Tử Anh cười nói:
- Thương cái gì? Nói nhanh lên.
Tiết Bàn mắt trợn tròn nói:
- Gái này thương...
Rồi cứ ho gằn mãi mới nói được một câu:
- Gái này thương, thân này lấy phải anh chàng "rùa
đen"(2).
Mọi người nghe xong, cười ầm lên. Tiết Bàn nói:
- Cười cái gì? Tôi nói thế không phải à? Người con gái lấy phải
thằng chồng mất dạy, thì chả đau ruột hay sao?
Mọi người cười rũ rượi:
- Anh nói phải đấy, thôi đọc câu dưới đi.
Tiết Bàn lại trợn mắt nói:
- Gái này buồn... - rồi tắc tị, không nói được.
Mọi người hỏi:
- Buồn cái gì?
Tiết Bàn đọc tiếp:
- Gái này buồn, phòng thêu gấu ngựa nó luồn chạy ra.
Mọi người cười ầm lên:
- Đáng phạt, đáng phạt! Câu trước còn có thể tha được, câu
này không thông một tí nào.
Nói xong toan rót rượu phạt.
Bảo Ngọc nói:
- Nhưng mà ghép vần cũng khá đấy.
Tiết Bàn nói:
- Quan giữ lệnh đã cho được rồi, các anh còn nhắng lên gì!
Mọi người nghe thấy mới thôi.
Vân Nhi cười nói:
- Đến hai câu dưới càng khó đấy, tôi nói hộ cậu nhé.
Tiết Bàn đáp:
- Bậy nào! Thế ra ta không mở miệng được à? Nghe này: Gái này
mừng, đuốc hoa trời đã sáng trưng còn nằm.
Mọi người nghe đọc, đều lấy làm lạ hỏi nhau:
- Sao câu này lại nhã thế?
Tiết Bàn lại nói:
- Gái này vui, con cu nghí ngoáy định chui ngay vào.
Mọi người nghe xong, đều quay đầu nói:
- Đáng chết, đáng chết! Thôi hát đi!
Tiết Bàn liền hát:
- Một con muỗi kêu vo vo vo.
Mọi người đều ngơ ngác nói:
- Khúc hát gì đấy?
Tiết Bàn lại hát:
- Hai con nhặng kêu vù vù vù.
Mọi người đều nói:
- Thôi, thôi đi!
Tiết Bàn nói:
- Các anh thích nghe không, đó là khúc mới đấy, gọi là khúc
hát vo vo. Nếu các anh không buồn nghe thì cả lượt cuối cũng xin miễn.
Mọi người đều nói:
- Thôi tha cho, đừng làm nhỡ cả người khác.
Rồi đến Tưởng Ngọc Hàm đọc:
Gái này thương, xa nhau biền biệt mong chàng về ngay,
Gái này buồn, muốn mua dầu quế, nhưng còn tiền đâu.
Gái này mừng, nhụy hoa đèn đã nối chằng vào nhau,
Gáí này vui, xướng tùy giờ đã sánh đôi thuận hòa.
Nói xong hát:
Khen thay vẻ đẹp trời sinh,
Khác nào tiên ở bồng doanh xuống trần.
Tuổi này vừa độ thanh xuân.
Phượng loan tìm bạn, trăm phần khéo khôn.
Ối chà! Sông Ngân dọi, trống canh dồn,
Khêu đèn ta khẽ màn loan cùng vào.
Hát xong uống chén rượu, cười nói:
- Thơ từ tôi không biết mấy, may hóm nọ thấy đôi câu đối, tôi
chỉ nhớ được một vế, nay gặp trên bàn tiệc này cũng có vật ấy.
Nói xong, uống cạn chén rượn, cầm cái hoa quế lên đọc: Mùi
hoa buổi sớm ấm ran cả người(3).
Mọi người đều cho là được. Thế là xong lệnh.
Tiết Bàn nhảy lên la hét ầm ĩ:
- Không được, không được! Phải phạt! Phải phạt! Trong tiệc
này làm gì có bảo bối, sao lại nói đến bảo bối?
Tưởng Ngọc Hàm ngơ ngác nói:
- Có bảo bối nào đâu?
Tiết Bàn nói:
- Anh còn chối à! Thử nói lại xem.
Tưởng Ngọc Hàm đọc lại một lần nữa. Tiết Bàn nói:
- Hai chữ "tập nhân" không phải "bảo bối"
là gì? Các anh không tin, thử hỏi anh ấy xem.
Nói xong giơ tay trỏ vào Bảo Ngọc. Bảo Ngọc rất khó chịu, đứng
dậy nói:
- Anh Tiết đáng phạt bao nhiêu?
Tiết Bàn nói "đáng phạt, đáng phạt!". Sau đó cầm
chén rượu uống một hơi hết.
Phùng Tử Anh và Tưởng Ngọc Hàm hỏi duyên cớ vì sao. Vân Nhi
liền nói cho họ biết. Tưởng Ngọc Hàm vội đứng dậy nhận lỗi. Mọi người đều nói:
Một chốc, Bảo Ngọc ra ngoài đi giải, Tưởng Ngọc Hàm theo ra.
Hai người đứng ở dưới thềm, Tưởng Ngọc Hàm lại xin lỗi một lần nữa. Bảo Ngọc thấy
hắn mềm mại nhu mì, liền nắm chặt lấy tay nói:
- Lúc nào rỗi sang chơi tôi nhé. Tôi muốn hỏi một điều, trong
ban hát ta có một người tên là Kỳ Quan, nổi tiếng nhất thiên hạ, tiếc tôi vô
duyên, không được gặp.
Ngọc Hàm cười đáp:
- Đó là tên tục của tôi đấy.
Bảo Ngọc mừng lắm, giậm chân cười nói:
- Thực là may, thực là may! Quả nhiên tiếng đồn không sai. Giờ
mới gặp lần đầu, biết làm thế nào đây.
Nghĩ một lúc rồi lấy cái quạt ở trong tay áo ra, cởi viên ngọc
ở dây quạt đưa cho Kỳ Quan và nói:
- Vật nhỏ này không đáng bao nhiêu, gọi là tỏ mối tình ngày
hôm nay.
Kỳ Quan cầm lấy, cười nói:
- Tôi không có công gì, đâu đáng nhận đồ tặng. Nhưng thôi,
tôi cũng có một vật lạ, sáng hôm nay mới thắt vào người, hãy còn mới nguyên,
xin tặng lại cậu, để tỏ lòng quý mến của tôi.
Nói xong hắn vén áo lên, cởi cái thắt lưng lụa màu hồng, thắt
trong áo lót, đưa tặng Bảo Ngọc và nói:
- Cái thắt lưng này là đồ cống của nữ quốc vương nước Phiến
Hương, mùa hè thắt vào, da thịt thơm nức, không có mồ hôi. Hôm nọ Bắc Tĩnh
vương cho, tôi vừa mới thắt vào người. Tôi không bao giờ định tặng ai. Xin cậu
cởi cái thắt lưng của cậu ra cho tôi.
Bảo Ngọc nghe nói mừng quá, vội nhận ngay, và cởi thắt lưng
màu hoa tùng của mình đưa cho Kỳ Quan. Hai người vừa thắt xong, nghe thấy tiếng
kêu to: "Ta bắt được rồi".
Tiết Bàn ở đâu nhảy ra kéo hai người lại nói:
- Hai người này bỏ rượu không uống, trốn tiệc ra ngoài, định
làm trò gì đây? Đưa ngay ra đây cho ta xem!.
Hai người đều chối không có cái gì cả. Tiết Bàn không nghe.
Phùng Tử Anh thấy vậy ra can mới thôi. Mọi người về chỗ, uống rượu đến chiều mới
tan.
Bảo Ngọc về đến trong vườn, cởi áo, uống nước. Tập Nhân thấy
mất viên ngọc đeo ở quạt, liền hỏi:
- Vứt đâu mất rồi?
- Đi ngựa đánh rơi mất.
Tập Nhân cũng không hỏi lại nữa. Đến lúc đi ngủ, thấy Bảo Ngọc
thắt cái thắt lưng đỏ như máu, Tập Nhân đã đoán ra được tám chín phần, bèn nói:
- Cậu có cái thắt lưng đẹp nhỉ. Thôi, giả cái thắt lưng của
tôi đây.
Bảo Ngọc nghe nói mới nhớ ngay cái thắt lưng trước là của Tập
Nhân, đáng ra không nên đem cho người khác mới phải, bụng rất hối hận, nhưng
không tiện nói ra, đành phải tươi cười:
- Thôi tôi xin đền chị cái khác vậy.
Tập Nhân nghe nói, cúi đầu than thở:
- Tôi biết cậu vẫn hay giở trò ấy. Từ nay, cậu không nên lấy
cái của tôi đem cho bọn đốn mạt nào. Cậu thật chẳng suy nghĩ gì cả.
Tập Nhân muốn nói mấy câu nữa, nhưng lại sợ Bảo Ngọc đương
say phát cáu, nên đành phải đi ngủ.
Hôm sau dậy, Bảo Ngọc cười nói:
- Đêm qua chị mất trộm mà không biết, thử nhìn xuống quần
xem.
Tập Nhân cúi đầu, thấy cái thắt lưng của Bảo Ngọc tự nhiên lại
thắt vào mình. Tập Nhân biết rằng ban đêm Bảo Ngọc đánh tráo, vội vàng cởi ngay
ra và nói:
- Tôi không thèm cái này, vứt ngay nó đi.
Bảo Ngọc thấy thế, liền dịu dàng khuyên giải. Tập Nhân không
biết làm thế nào, đành phải thắt vậy. Sau đó Bảo Ngọc đi ra ngoài, Tập Nhân mới
cởi ra, vứt vào cái hòm không, rồi lại thắt cái thắt lưng của mình.
Bảo Ngọc cũng không để ý đến việc ấy nữa. Nhân hỏi:
- Hôm qua ở nhà có việc gì không?
Tập Nhân nói:
- Mợ Hai sai người đến gọi Hồng Ngọc sang bên ấy. Nó muốn chờ
cậu về, nhưng tôi nghĩ việc này cũng không quan trọng, nên đã cho nó sang rồi.
- Thôi cũng được. Việc ấy tôi đã biết rồi, không cần phải chờ
tôi nữa.
- Hôm qua Quý phi cho Hạ thái giám đem một trăm hai mươi lạng
bạc về, bảo phải đến quán Thanh Hư làm lễ cầu an trong ba ngày, từ mồng một đến
mồng ba và bảo ông Trân dẫn cả nhà ra đấy dâng hương lễ Phật. Lại còn đồ thưởng
về tết Đoan ngọ nữa.
Nói xong, sai đứa hầu bé đem các đồ vật ra; một đôi quạt hạng
nhất trong cung, hai chuỗi hạt châu xạ hương, hai tấm là, một bức mành phù
dung.
Bảo Ngọc thấy những vật ấy thích lắm, hỏi Tập Nhân:
- Những người khác cũng được thế này chứ?
- Cụ được thêm một cây như ý thơm, một cái gối mã não. Bà và
dì Tiết mỗi người được thêm một cây như ý. Cậu với cô Bảo bằng nhau. Cô Lâm và
cô Hai, cô Ba, cô Tư mỗi cô được một cái quạt và vài hạt châu, không có gì nữa.
Mợ Cả, mợ Hai mỗi người hai tấm the, hai tấm lụa, hai cái túi thơm, hai thoi
thuốc.
- Thế là nghĩa làm sao? Sao lại không cho cô Lâm mà cho cô Bảo
bằng tôi? Hay là nghe nhầm đấy?
- Hôm qua mang ra xem, phần nào phần nấy có biên thẻ cả, sao
lại nhầm được? Phần cậu gởi ở phòng cụ, để tôi đến lấy. Cụ dặn đến sớm mai, trống
canh năm, cậu phải vào tạ ơn.
- Phải vào mới được chứ.
Nói xong Bảo Ngọc bảo Tử Quyên:
- Chị mang những cái này đưa cho cô lâm, bảo là phần của tôi
đấy, cô ấy thích cái gì, cứ để lại mà dùng.
Tử Quyên đem đi, một chốc về nói:
- Cô Lâm bảo hôm qua cô ấy cũng đã có phần rồi, cậu cứ để lại
mà dùng.
Bảo Ngọc nghe nói, sai người cất những thứ ấy đi. Rửa mặt
xong, Bảo Ngọc sang chào Giả mẫu, thấy Đại Ngọc từ đầu kia đi lại. Bảo Ngọc chạy
ngay lại cười nói:
- Anh bảo em chọn lấy những thứ của anh mà dùng, sao em không
lấy?
Đại Ngọc quên hết những chuyện hờn giận Bảo Ngọc hôm nọ, chỉ
nghĩ đến việc lúc này thôi, liền nói:
- Nhà em ít phúc, không đáng dùng những thứ ấy. Chúng em chẳng
qua chỉ là hạng cỏ rác thôi, so đâu được với cô Bảo là người "vàng"
người "ngọc".
Nghe thấy Đại Ngọc nhắc đến hai chữ "vàng",
"ngọc", Bảo Ngọc đâm ra ngờ, liền nói:
- Người ngoài nói "vàng, "ngọc" thế nào mặc họ,
chứ bụng anh mà nghĩ đến điều ấy, thì trời tru đất diệt, muôn kiếp không được
làm người!
Đại Ngọc nghe vậy, biết ngay là Bảo Ngọc có ý nghi ngờ, vội
cười nói:
- Thật chán chưa! Cứ thề với bồi? Ai để ý đến "vàng",
"ngọc" làm gì?
- Khó nói cho em biết tâm sự của anh, sau này em sẽ hiểu. Anh
xin thề rằng, trừ bà và cha mẹ anh ra, thì em là người thứ tư của anh đấy.
Không còn có người thứ năm nảo nữa.
- Anh không cần phải thề, em biết bụng anh vẫn nghĩ đến
"cô em", nhưng khi nào gặp "cô chị" lại quên khuấy "cô
em" đi.
- Em hay đa nghi, anh không phải hạng người thế đâu.
- Hôm nọ cô Bảo không hùa theo những câu nói dối của anh, vì
cớ gì anh lại quay sang hỏi em? Nếu phải là em, thì không biết anh đối xử như
thế nào?
Đương nói chuyện thì Bảo Thoa từ phía trước đi đến, hai người
mới rời nhau ra, Bảo Thoa trông thấy rõ ràng, nhưng giả lờ như không, cứ cúi đầu
đi qua. Bảo Thoa sang bên Vương phu nhân ngồi một lúc, rồi sang bên Giả mẫu, đã
thấy Bảo Ngọc ngồi đấy rồi.
Bảo Thoa nhớ lại trước kia mẹ mình nói chuyện với Vương phu
nhân về việc vị sư cho cái khóa vàng, bảo chờ ngày sau ai có ngọc mới kết hôn,
vì thế chỉ muốn tìm cách tránh xa Bảo Ngọc. Hôm nọ Nguyên Xuân lại cho các thứ
cũng như Bảo Ngọc, trong lòng càng thêm áy náy khó nghĩ. May sao Bảo Ngọc lại
hay quấn quít với Đại Ngọc, lúc nảo cũng tâm tâm niệm niệm đến Đại Ngọc, nên Bảo
Thoa cũng không để ý đến việc ấy Chợt đâu Bảo Ngọc cười nói: "Chị Bảo cho
tôi xem cái chuỗi hột thơm của chị nào?" Lúc này Bảo Thoa đang đeo chuỗi hột
thơm ở cánh tay bên trái, thấy Bảo Ngọc hỏi, đành phải tháo ra.
Nhưng vì Bảo Thoa da thịt nõn nà, mập mạp, tháo mãi không được.
Bảo Ngọc đứng bên cạnh thấy bắp thịt trắng muốt, đâm ra thèm muốn, nghĩ thầm:
"Nếu cái bắp tay này mà ở vào người cô Lâm, may ra có lúc được mó một cái;
nhưng lại ở vào tay cô Bảo thì ta thực là kém phúc". Chợt nghĩ đến chuyện
vàng và ngọc, Bảo Ngọc ngắm nghía đến dáng điệu Bảo Thoa, thấy da mặt nõn nà,
khóe mắt long lanh, không đánh sáp mà làn môi vẫn đỏ, không kẻ mày mà nét ngài
vẫn xanh, so với Đại Ngọc lại có vẻ phong lưu thùy mị riêng, Bảo Ngọc bất giác
đứng ngẩn người ra. Đến khi Bảo Thoa đưa chuỗi hạt, Bảo Ngọc quên đi không buồn
cầm lấy.
Bảo Thoa thấy thế, cảm thấy ngượng ngùng, liền vứt chuỗi hạt
xuống, toan quay người đi, thấy Đại Ngọc đứng ở bực cửa, ngậm cái khăn lụa cười.
Bảo Thoa nói:
- Chị không chịu được gió, sao lại ra đứng trước ngọn gió làm
gì?
Đại Ngọc cười nói:
- Tôi mới ở trong buồng ra đấy, chỉ vì nghe thấy trên trời có
tiếng chim kêu, chạy ra nhìn, thì ra là "con nhạn ngớ ngẩn"(4).
Bảo Thoa nói:
- "Con nhạn ngớ ngẩn" ở đâu? Cho tôi xem với.
Đại Ngọc nới:
- Tôi vừa đến nơi, nó vụt bay mất.
Nói xong cầm cái khăn ném thẳng vào mặt Bảo Ngọc. Bảo Ngọc
không biết, tự nhiên thấy khăn tay tạt vào mặt, liền kêu "ái chà" một
tiếng.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Thương, buồn, mừng, vui.
(2). Dùng để chế anh chồng cho vợ đi ngoại tình.
(3). Nguyên văn là "hoa khí tập nhân tri trú noãn".
Hai chữ "tập nhân" trùng với tên Tập Nhân, a hoàn của Bảo Ngọc, nên Tiết
Bàn mới lấy đó để chế nhạo Bảo Ngọc.
(4). Dùng để chế giễu người ngốc.
Hồi 29:
Người hưởng phúc, phúc nhiều, còn cầu xin thêm phúc,
Gái si tình, tình nặng, càng luẩn quẩn vì tình.
Bảo Ngọc đương ngơ ngẩn đứng nhìn, chợt Đại Ngọc ném khăn vào
mặt, giật mình hỏi "Ai thế?", Đại Ngọc lắc đầu cười nói:
- Xin lỗi! Vì chị Bảo muốn xem "con nhạn ngớ ngẩn",
tôi ra hiệu cho chị ấy, không ngờ lỡ tay ném phải anh.
Bảo Ngọc dụi mắt, định nói nữa, nhưng không tiện.
Một lúc Phượng Thư đến nói: "Mồng một này sê làm chay ở
quán Thanh Hư". Và hẹn bọn Bảo Thoa, Bảo Ngọc, Đại Ngọc đến xem hát. Bảo
Thoa cười nói:
- Thôi, thôi! Trời nóng thế này, vở hát gì cũng xem cả rồi,
tôi không đi đâu.
- Chỗ ấy cũng mát, hai bên lại có lầu. Chúng ta định đi xem,
thì trước đó vài hôm, tôi sai người đến bảo bọn đạo sĩ dời đi chỗ khác, rồi
quét lầu sạch sẽ, che thêm rèm, không cho người ngoài vào miếu, như thế cũng tốt
đấy! Việc này tôi đã trình mẹ rồi, nếu các cô không đi, một mình tôi cũng đi. Mấy
hôm nay buồn chết đi được. Ở nhà có hát tôi cũng chẳng được thư thái ngồi xem.
Giả mẫu cười nói:
- Đã thế thì ta cũng đi xem với cháu.
Phượng Thư cười nói:
- Bà đi càng hay. Nhưng cháu lại không được thoải mái.
- Hôm ấy ta sẽ ngồi ở lầu giữa, cháu ngồi ở lầu bên. Cháu
không cần phải giữ phép tắc đứng bên cạnh ta, như thế có được không?
- Nếu thế thì thật là bà thương cháu quá.
Giả mẫu lại dặn Bảo Thoa:
- Hôm ấy cháu cũng nên đi, bảo cả mẹ cháu đi nữa. Ngày dài nhàn
rỗi thế này ở nhà cũng chỉ ngủ thôi.
Bảo Thoa đành phải vâng lời.
Giả mẫu lại sai gọi người đi mời Tiết phu nhân, tiện đường đến
thưa với Vương phu nhân cho cả bọn chị em cùng đi một thể. Vương phu nhân một
là người không được khỏe, hai là sửa soạn tiếp đãi người của Nguyên Xuân sai
ra, nên đã cáo trước không đi. Nay nghe Giả mẫu bảo thế, cười nói:
- Bà đã cao hứng, thì cứ sai người vào trong vườn bảo ai muốn
đi chơi thì đi.
Tin đó truyền ra, người khác không nói, chứ bọn a hoàn hàng
tháng không được ra khỏi cửa, nghe vậy ai mà chẳng muốn đi, dù chủ có lười, họ
cũng tìm hết cách giục đi cho được. Vì thế bọn Lý Hoàn đều nhận lời cả. Giả mẫu
lại càng vui, liền sai người đi quét dọn sắp xếp công việc.
Đến mồng một, trước cửa phủ Vinh, xe kiệu nhộn nhịp, người ngựa
tấp nập, những người giữ việc trong phủ biết là Quí phi làm lễ cầu phúc, Giả mẫu
thân hành đến lễ Phật, vả lại mồng một đầu tháng, lại sắp đến tết Đoan dương,
nên các đồ đạc cần dùng đều được sắp đặt gọn gàng đâu đấy, khác hẳn ngày thường.
Một lúc, bọn Giả mẫu đi ra. Giả mẫu ngồi một cái kiệu tám người
khiêng; Lý Hoàn, Phượng Thư, Tiết phu nhân, mỗi người ngồi một kiệu bốn người
khiêng; Bảo Thoa, Đại Ngọc ngồi chung một cái xe bát bảo, cho che tàn xanh,
chung quanh đính chân chỉ hạt bột; Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân ngồi chung
cái xe bánh sơn đỏ, có che tàn hoa. Rồi đến bọn a hoàn của Giả mẫu: Uyên Ương,
Anh Vũ, Hổ Phách, Trân Châu; a hoàn của Đại Ngọc là Tử Uyên, Tuyết Nhạn, Anh
Kha; a hoàn của Bảo Thoa là Oanh Nhi, Văn Hạnh; a hoàn của Nghênh Xuân là Tư Kỳ,
Tư Quất; a hoàn của Thám Xuân là Thị Thư, Thúy Mặc; a hoàn của Tích Xuân là Nhập
Họa, Thái Bình; a hoàn của Tiết phu nhân là Đồng Hỷ, Đồng Quý; lại mang theo cả
Hương Lăng và a hoàn là Trân Nhi; a hoàn của Lý Hoàn là Tô Văn, Bích Nguyệt; a
hoàn của Phượng Thư là Bình Nhi, Phong Nhi, Tiểu Hồng. Hai a hoàn của Vương phu
nhân là Kim Xuyến, Thái Vân cũng theo đến đó. Người vú ẵm Đại Thư ngồi riêng một
xe. Lại còn bọn a hoàn làm việc nặng và đám vú già cùng bọn đàn bà theo hầu. Xe
đỗ đặc nghịt cả quãng đường.
Kiệu Giả mẫu đã đi quãng xa, đằng sau vẫn chưa ngồi xong. Người
nọ nói: "Tao không đi chung với mày". Người kia nói: "Mày ngồi bẹp
cả túi của mẹ tao". Xe này người nói: "Cái hoa của tôi rơi đâu mất".
Xe kia người kêu: "Cái quạt của tôi gẫy rồi". Cười cười nói nói ầm ĩ
cả lên.
Vợ Chu Thụy thấy vậy, chạy đi chạy lại nói:
- Các cô! Ở ngoài đường phải coi chừng, người ta cười cho đấy.
Nói hai ba lần họ mới chịu im.
Phía trước, các đồ chấp sự bày đến quán Thanh Hư. Bảo Ngọc cưỡi
ngựa đi trước kiệu Giả mẫu để dẫn đường. Người trên phố đều đứng hai bên xem. Gần
đến quán, tiếng chiêng tiếng trống nổi lên, đạo sĩ họ Trương mặc lễ phục, cầm
hương dẫn các đạo sĩ đứng bên đường đón tiếp. Vừa đến cửa, nhìn thấy la liệt những
tượng bản thổ, thành hoàng, Giả mẫu liền xuống kiệu. Giả Trân dẫn con cháu đến
đón. Phượng Thư đến từ trước cũng mang bọn Uyên Ương ra đón. Thấy Giả mẫu xuống
kiệu, Phượng Thư vội chạy lại đỡ. Chợt có một đạo sĩ nhỏ độ mười hai, mười ba
tuổi, cầm cái kéo cắt nến, muốn nhân dịp lẩn đi chỗ khác, không ngờ đâm vào người
Phượng Thư. Phượng Thư giơ tay tát nó một cái, làm thằng bé ngã lộn nhào, Phượng
Thư mắng:
- Giống khốn nạn này, mày chạy đi đâu?
Đạo sĩ nhỏ không kịp nhặt kéo, định tháo chạy, lại gặp ngay bọn
Bảo Thoa xuống xe, những vú già và người nhà vây kín xung quanh. Khi đạo sĩ nhỏ
chạy ra, mọi người đều hét ầm lên "Bắt! Bắt! Đánh Đánh!". Giả mẫu
nghe vậy hỏi việc gì. Giả Trân vội vàng lại hỏi. Phượng Thư đi lên đỡ Giả mẫu
và nói:
- Có một đạo sĩ nhỏ đi cắt tàn nến, không chịu tránh ra chỗ
khác, cứ đâm bừa vào người.
Giả mẫu nghe nói liền bảo:
- Dẫn nó lại đây, đừng làm thằng bé sợ. Nó là con nhà thường
dân, xưa nay được nuông chiều quen, đã bao giờ trông thấy những cảnh rầm rộ như
thế này? Nếu làm nó sợ thì thật đáng thương! Cha mẹ nó thấy thế, lẽ nào không
đau xót.
Nói xong, bảo Giả Trân dắt đứa bé ấy lại. Thấy nó tay cầm cải
kéo cắt tàn nến quì xuống đất run lẩy bẩy, Giả mẫu sai Giả Trân đỡ nó dậy, bảo đừng
sợ, rồi hỏi nó bao nhiêu tuổi. Đứa bé không nói ra lời. Giả mẫu nói: "Thằng
bé thực đáng thương!" Lại bảo Giả Trân: "Cháu dẫn nó ra cho nó ít tiền
ăn quà và đừng ai nạt nộ nó!" Giả Trân vâng lời dẫn nó ra.
Giả mẫu dẫn mọi người đi lễ, lần lượt xem phong cảnh các nơi.
Đám hầu nhỏ đứng ngoài, thấy bọn Giả mẫu đi vào cửa thứ hai, lại thấy Giả Trân
gọi người dẫn đạo sĩ nhỏ ra, cho nó mấy trăm đồng tiền, dặn không được dọa nạt
nó. Người nhà nghe vậy liền dắt nó đi.
Giả Trân đứng ở bên thềm hỏi: "Quản gia đâu?" Bọn hầu
nhỏ gọi ra ngoài: "Gọi quản gia!" Lâm Chi Hiếu lập tức sửa lại mũ, chạy
lên, đứng trước mặt Giả Trân. Giả Trân bảo:
- Nơi này rộng rãi, hôm nay lại có nhiều người. Những anh cần
sai đến thì cho họ vào cả trong nhà. Người nào không cần thì cho sang ở nhà bên
kia. Anh cho mấy đứa bé đứng chực sẵn ở cửa thứ hai và cửa nách hai bên, để chờ
xem có cần truyền bảo gì, đã nghe ra chưa? Hôm nay các cô các mợ đều chơi ở
đây, không được cho một người ngoài nào vào cả.
Lâm Chi Hiếu vâng vâng dạ dạ luôn mồm.
Giả Trân nói:
- Thôi cho lui.
Lại hỏi:
- Thằng Dung đâu sao không thấy?
Nói chưa dứt lời, đã thấy Giả Dung tay cài khuy áo, ở trong
gác chuông chạy ra. Giả Trân nói:
- Mày xem tao ở đây không thấy nóng, mà mày lại đi hóng mát
à.
Rồi truyền cho người nhà mắng Giả Dung.
Biết Giả Trân là người khó tính, không thể trái ý được, một đứa
hầu nhỏ chạy ngay lên xì vào mặt Giả Dung. Nhưng thấy Giả Trân trừng mắt nhìn,
nên lại phải mắng Giả Dung lần nữa:
- Ông còn chả sợ nóng, nữa là cậu, lại dám đi hóng mát à?
Giả Dung đành cứ buông thõng tay đứng yên, không dám nói một
câu nào. Trông thấy thế, không những bọn Giả Vân, Giả Bình, Giả Cần run lên;
ngay đến bọn Giả Liễn, Giả Biền, Giả Huỳnh cũng đều sợ hãi. Người nào cũng lẻn
vào mé tường, lần lượt chuồn đi hết.
Giả Trân quay lại bảo Giả Dung:
- Mày còn đứng làm gì đấy? Sao không lấy ngựa về nhà bảo mẹ
con nhà mày rằng: cụ và các cô, các mợ đã đến cả rồi, phải đến hầu ngay.
Giả Dung nghe nói, chạy ra gọi luôn mấy tiếng: "Đem ngựa
lại đây". Rồi lẩm bẩm: "Sáng sớm ra chẳng chịu làm gì, bây giờ lại cứ
hạch sách mình!" Lại quay mắng đứa hầu: "Tay mày bị trói đấy à? Sao
không dắt ngựa lại?" Hắn muốn sai đứa hầu nhỏ đi, nhưng lại sợ có ai mách
chăng, nên đành phải tự mình đi lấy.
Giả Trân sắp đi, thấy Trương đạo sĩ đứng ở bên cạnh cười nói:
- Cứ lẽ ra, tôi không như người khác, phải ở trong nhà hầu hạ
là phải; nhưng vì trời nóng, các vị tiểu thư đều đến đấy cả, tôi không dám thiện
tiện vào, xin ông cho phép. Nếu cụ hỏi đến, hoặc người muốn đi xem chỗ nào, đã
có tôi đứng chờ sẵn ở đây.
Giả Trân biết Trương đạo sĩ là người thế mạng(1) của Vinh Quốc
công ngày trước, lại được đức tiên hoàng gọi là "Đại Ảo tiên nhân",
giờ đang giữ ấn ty Đạo lục, được phong là "Chung liễu chân nhân". Các
vị vương công, các quan phiên trấn đều tôn là thần tiên, không ai dám khinh nhờn.
Vả chăng ông ta thường đi lại trong hai phủ, các bà các cô đều biết cả. Thấy
ông ta nói thế, Giả Trân cười bảo:
- Chúng ta là chỗ người nhà với nhau, sao ông lại như vậy. Nếu
ông còn nói nữa, tôi sẽ vặt râu đấy. Thôi, hãy đi theo tôi.
Trương đạo sĩ cười ha hả, theo Giả Trân đi lên.
Đến trước Giả mẫu, Giả Trân nghiêng mình cười nói:
- Cụ Trương vào hầu bà.
Giả mẫu nghe nói vội bảo "mời vào". Giả Trân dắt
Trương đạo sĩ vào. Trương đào sĩ cười ha hả nói:
- Đức Phật sống lâu! Người vẫn mạnh khỏe bình yên đấy chứ?
Xin chúc các mợ, các cô vui mạnh luôn. Đã lâu không được vào phủ thăm, nay xem
khí sắc cụ hơn trước nhiều.
Giả mẫu cười nói:
- Lão thần tiên, người có được mạnh khỏe không?
- Nhờ phúc lộc của cụ, tiểu đạo vẫn được mạnh khỏe. Người khác
không kể, riêng chỉ nhớ cậu Hai thôi. Không biết lâu nay cậu ấy có được khỏe
luôn không? Hôm hai mươi sáu tháng tư, ở đây có làm lễ thánh đản Già thiên đại
vương. Người đến lễ không đông lắm, nên các thứ đều giữ được sạch sẽ, tôi có
cho người mời cậu ấy đến ngoạn cảnh, sao lại bảo cậu ấy không có ở nhà?
- Cháu nó không có ở nhà thực.
Rồi Giả mẫu quay lại gọi Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc vừa đi giải vào, vội chạy đến chào Trương đạo sĩ.
Trương đạo sĩ ôm lấy, hỏi han, rồi quay lại Giả mẫu cười nói:
- Cậu Hai xem ra càng ngày càng phát phúc.
Giả mẫu nói:
- Bề ngoài thì khỏe, nhưng trong người nó vẫn phiền vì nỗi
cha nó cứ bắt nó học nhiều, làm thằng bé càng ốm thêm.
Trương đạo sĩ nói:
- Hôm nọ tôi qua thăm mấy nơi, thấy chữ cậu ấy viết rất tốt,
thơ làm rất hay, sao ông nhà lại còn phàn nàn là cậu ấy lười học? Cứ ý tiểu đạo
này thì đừng nên bắt cậu ấy học quá sức
- Tôi xem cậu ấy bóng dáng, nói năng, đi đứng, giống hệt đức
Quốc công nhà ta ngày trước vậy.
Nói xong hai mắt rưng rưng. Giả mẫu cũng nước mắt ròng ròng,
nói:
- Thật thế, bao nhiêu con cháu nhà này chẳng được đứa nào giống
ông cháu cả, chỉ có cháu Ngọc là giống thôi.
Trương đạo sĩ lại quay sang Giả Trân nói:
- Bóng dáng đức Quốc công nhà ta ngày trước, các cậu không biết
đã đành đi rồi, có lẽ ngay ông Cả, ông Hai cũng không nhớ rõ thì phải.
Ông ta lại cười ha hả:
- Hôm nọ tôi đến chơi một nhà, thấy một vị tiểu thư năm nay độ
mười lăm tuổi, dáng điệu rất đẹp. Tôi nghĩ cậu em cũng nên dạm vợ đi thôi. Nói
đến cô ta, người đẹp, tư chất thông minh, lại con nhà gia thế, thực là xứng
đôi. Không biết ý cụ nghĩ thế nào? Tiểu đạo này không dám đường đột. Mong người
cho biết mới dám nói đến.
Giả mẫu nói:
- Trước kia có một nhà sư bảo số thằng bé này không nên lấy vợ
sớm, chờ lớn lên hãy hay. Người cứ thăm dò hộ xem, không cần nhà giàu sang, cốt
tìm đứa có dung mạo là được. Có thế nào người đến nói cho tôi biết. Dù nhà họ
có nghèo, thì giúp cho ít bạc là xong. Chỉ có dáng dấp và tính nết con người là
khó tìm thôi.
Phượng Thư cười nói:
- Cụ Trương, cụ chưa đổi bùa cho con cháu tôi à? Thế mà hôm nọ
cụ còn trâng tráo cho người đến xin tấm đoạn vàng? Tôi không đưa lại sợ mất thể
diện.
Trương đạo sĩ cười vang lên nói:
- Xem kìa, mắt tôi mờ rồi, không trông thấy mợ ở đây, nên
không cám ơn. Bùa ký danh đã có sẵn rồi. Hôm nọ định mang đến, không ngờ có các
lệnh bà đến đây làm lễ cầu phúc, nên tôi quên mất. Đạo bùa vẫn đặt ở trước bàn
thờ Phật kia, để tôi lại lấy.
Nói xong Trương đạo sĩ chạy lên điện chính, một lúc bưng cái
khay xuống, trên có đặt một cái túi vóc đỏ. Trương đạo sĩ rút bùa ra đưa cho vú
nuôi của Đại Thư. Trương đạo sĩ chực bế Đại Thư, Phượng Thư cười nói:
- Người cầm bùa đưa cũng được, việc gì phải đặt lên khay?
Trương đạo sĩ nói:
- Tay không được sạch, cầm sao được? Đặt vào khay thì thanh tịnh
hơn.
Phượng Thư cười nói:
- Người bưng cái khay ra, làm tôi giật mình. Tôi không biết
là người đưa bùa, cứ tưởng người đến xin bố thí!
Mọi người nghe nói cười ầm lên. Giả Liễn cũng không nhịn được
cười. Giả mẫu quay lại bảo:
- Con khỉ kia, mày không sợ sa xuống địa ngục phải cắt lưỡi
à?
Phượng Thư cười nói:
- Chỗ ông cháu với nhau không hề gì. Vì sao ông ấy cứ thường
bảo cháu lo gom góp âm công, nếu chậm thì sẽ chết non?
Trương đạo sĩ cũng cười nói:
- Tôi mang cái khay ra là có ý dùng cả hai việc, không phải để
nhận bố thí, mà muốn mượn viên ngọc của cậu Hai đặt vào đó đem ra cho chúng bạn
và con cháu học trò ở xa đến xem.
Giả mẫu nói:
- Việc gì người phải lật đật chạy đi chạy lại, cứ dắt cháu Bảo
ra ngoài ấy cho người ta xem, rồi bảo nó vào cũng được.
Trương đạo sĩ nói:
- Cụ không biết: tiểu đạo đã hơn tám mươi tuổi, nhờ phúc dư của
cụ, vẫn còn khỏe mạnh; ở ngoài ấy nhiều người hôi hám khó chịu, vả lại trời
nóng nực, cậu ấy không chịu quen, lỡ ra bị cảm thì phiền lắm.
Giả mẫu nghe nói, liền bảo Bảo Ngọc tháo viên ngọc
"thông linh" ra, đặt vào khay. Trương đạo sĩ cẩn thận bỏ trong túi
vóc bưng ra.
Giả mẫu đưa mọi người đi ngoạn cảnh các nơi rồi lên lầu. Giả
Trân trình:
- Trương đạo sĩ đã mang ngọc về.
Trương đạo sĩ bưng cái khay bước lên lầu cười nói:
- Nhờ có tiểu đạo này, mọi người mới được xem ngọc của cậu
Hai, thực là hiếm có. Họ không có gì kính biếu, gọi có mấy đồ pháp giới của họ
đem đến làm lễ mừng. Tuy nó không quí hóa gì, nhưng cậu cũng có thể giữ lấy mà
chơi, hoặc thưởng cho người khác cũng được.
Giả mẫu nghe nói, nhìn vào khay, thấy có bốn năm mươi thứ,
cái là ngọc hoàng, cái là ngọc quyết, cái thì khắc sự sự như ý, cái thì khắc tuế
tuế bình an, đều nạm giát bằng châu báu vàng ngọc cả, liền nói:
- Người khéo bày vẽ, họ là những người xuất gia, ở đâu có cái
này. Sao lại làm như thế? Tôi không thể nhận được.
Trương đạo sĩ cười nói:
- Đó là lòng thành của họ, tiểu đạo này không thể ngăn được Nếu
cụ không nhận, thì họ cho tiểu đạo này là hạng hèn hạ, không phải môn hạ của
quí phủ.
Giả mẫu đành bảo người nhận. Bảo Ngọc cười nói:
- Thưa bà, cụ Trương đã nói thế, không tiện từ chối, nhưng
cháu cũng không dùng những thứ này, chi bằng đưa cho người hầu của cháu, phân
phát cho những người nghèo túng.
Giả mẫu cười nói:
- Phải đấy.
Trương đạo sĩ vội ngăn lại:
- Cậu Hai muốn làm phúc đấy, nhưng thứ này dầu chẳng đáng quí
báu gì, chỉ là đồ dùng thôi. Nếu phân phát cho người nghèo, họ không biết dùng,
cũng vô ích, sẽ làm hư phí đi. Cậu muốn giúp đỡ người nghèo, sao không phát tiền
cho họ?
Bảo Ngọc nghe nói liền sai cất đi, và dặn mang tiền đến phát
cho người nghèo.
Nói chuyện xong, Trương đạo sĩ đi ra.
Giả mẫu cùng mọi người lên lầu, ngồi ở gian giữa. Bọn Phượng
Thư ngồi ở gian phía đông. Bọn a hoàn đứng hầu ở gian phía tây. Một lúc Giả
Trân lên trình: "Đã gắp thăm trước bàn thờ thần, vở thứ nhất là Bạch xà
ký".
Giả mẫu hỏi:
- Là tích gì?
- Tích vua Cao Tổ nhà Hán chém rắn trắng nước khi khởi
binh(2). Vở thứ hai là "Hốt đầy giường"(3).
Giả mẫu gật đầu nói:
- Hát vở thứ hai cũng được. Ý Phật đã thế, chúng ta đành phải
theo.
Lại hỏi đến vở thứ ba. Giả Trân nói:
- Vở "Nam kha mộng"(4).
Giả mẫu yên lặng không nói gì. Giả Trân lui xuống, đi ra
ngoài đốt sớ, đốt vàng mã, rồi bắt đầu hát.
Bảo Ngọc ngồi cạnh Giả mẫu, sai đứa bé bưng cái khay lúc nãy
lại, đeo viên ngọc vào người rồi lục tìm các thứ, đưa từng cái cho Giả mẫu xem.
Giả mẫu thấy một con kỳ lân bằng vàng, trên đầu có đính lông chìm trả, liền cầm
lấy cười nói:
- Hình như ta đã trông thấy con cái nhà ai đeo con này rồi.
Bảo Thoa cười nói:
- Cô Sử có một con, nhưng bé hơn.
Giả mẫu nói:
- Thế ra cháu Vân cũng có à?
Bảo Ngọc nói:
- Khi cô ấy đến, sao cháu không trông thấy.
Thám Xuân cười nói:
- Chị Bảo thực hay để ý, cái gì cũng nhớ được.
Đại Ngọc cười nhạt:
- Việc khác thì chị ấy để ý ít thôi, chỉ có vật người ta đeo
trên người là chị ấy để ý đến nhiều.
Bảo Thoa nghe nói ngoảnh đi, vờ như không nghe thấy.
Nghe nói Sử Tương Vân cũng có vật này, Bảo Ngọc liền cầm con
kỳ lân giấu vào trong người. Sau lại nghĩ: "người ta sẽ cho mình biết cô Sử
có, nên mới giữ lại vật này". Bảo Ngọc tay cầm con kỳ lân, mắt vẫn lấm lét
nhìn xung quanh. Mọi người không để ý đến, chỉ có Đại Ngọc liếc mắt nhìn rồi gật
đầu, như có ý khen ngợi. Thấy vậy, Bảo Ngọc bối rối khó chịu, liền bỏ con kỳ
lân ra, nhìn Đại Ngọc cười nói:
- Con này đẹp đấy, tôi lấy hộ em. Khi về em sẽ lấy dây đeo nó
có được không?
Đại Ngọc lắc đầu:
- Tôi không thích.
- Em không thích thì tôi lấy vậy.
Nói xong Bảo Ngọc lại cầm lấy. Ngay lúc đó Vưu thị là vợ Giả
Trân, Hồ thị là vợ kế Giả Dung, hai mẹ chồng, nàng dâu cũng đến chào Giả mẫu.
Giả mẫu nói:
- Các cháu đến đây làm gì? Ta rỗi việc nên đi chơi một lúc
thôi.
Bỗng thấy một người vào báo: "Người nhà Phùng tướng quân
đến".
Nghe tin phủ Giả ra miếu làm chay, Phùng Tử Anh sai người sắm
sửa các thứ dê, lợn, chè, hương đến lễ. Phượng Thư vội vàng sang lầu giữa vỗ
tay cười nói:
- Ái chà! Cháu không dè chừng việc nây. Chỉ nghĩ là bà cháu
ta rỗi việc đến đây chơi thôi. Thế mà người ta lại cho là làm chay, đưa đồ lễ đến.
Việc này là tại bà cả. Cháu có mang sẵn tiền thưởng gì đâu?
Nói xong thấy hai người đàn bà nhà họ Phùng trèo lên lầu. Hai
người này chưa đi, lại có người nhà quan thị lang họ Triệu mang lễ đến. Thế rồi
hết nhà nọ đến nhà kia, nghe nói đàn bà con gái phủ Giả ra miếu làm chay, họ
xa, bạn gần đi lại xưa nay, đều đưa lễ đến cả.
Giả mẫu bấy giờ mới thấy băn khoăn, nói:
- Chẳng qua rỗi, ta đi chơi, chứ có phải trai tiếu gì đâu, lại
làm phiền cho mọi người.
Giả mẫu xem hát đến chiều thì về. Hôm sau không muốn đi nữa.
Phượng Thư nói:
- "Đã trót thì phải trét"(5), đã làm kinh động người
ta, thì ngày mai lại cứ đi chơi cho vui.
Bảo Ngọc từ lúc nghe Trương đạo sĩ nói với Giả mẫu về chuyện
mách mối vợ, trong lòng rất khó chịu. Về nhà đâm ra cáu kỉnh, bực bội, nói luôn
miệng: "Từ giờ trở đi, không thèm nhìn mặt lão Trương nữa". Mọi người
không biết duyên cớ vì sao. Đại Ngọc lại bị cảm nắng. Vì hai lẽ đó nên hôm sau
Giả mẫu không đi. Phượng Thư dẫn mọi người cùng đi.
Bảo Ngọc thấy Đại Ngọc ốm, trong bụng không yên, cơm cũng biếng
ăn. Thỉnh thoảng lại đến hỏi thăm, chỉ lo Đại Ngọc không biết lành dữ thế nào.
Đại Ngọc nói:
- Anh đi mà xem hát, ở nhà làm gì?
Bảo Ngọc nhân việc hôm qua Trương đạo sĩ mách mối, bụng đã
khó chịu. Giờ thấy Đại Ngọc nói thế, lại nghĩ: "Người khác không biết bụng
ta còn có thể tha thứ được. Không ngờ cả Đại Ngọc cũng hắt hủi mình!" Vì
thế càng bực tức bội phần. Nếu như ngày thường, ai nói câu ấy cũng không đến nỗi
nào, nhưng nay chính Đại Ngọc nói, lại có một ý nghĩa khác. Thế là Bảo Ngọc sa
sầm nét mặt, nói:
- Tôi thật đã nhận nhầm cô! Thôi, thôi!
Đại Ngọc cười nhạt nói:
- Anh nhận nhầm gì tôi? Tôi có gì đáng sánh với người ta.
Bảo Ngọc chạy ngay đến tận mặt Đại Ngọc nói:
- Cô nói gì? Thế là cô đành lòng rủa tôi bị trời tru đất diệt
rồi.
Đại Ngọc chưa hiểu ra sao, Bảo Ngọc lại nói:
- Hôm nọ chỉ vì việc ấy mà tôi phải thề. Hôm nay cô lại cho
tôi một câu nữa. Nếu tôi bị trời tru đất diệt thì liệu có ích gì cho cô không?
Đại Ngọc nghe đến đây, mới nhớ hôm trước, mình đã lỡ lời, vừa
tức vừa thẹn, liền nức nở khóc và nói:
- Nếu tôi nỡ lòng rủa anh thì tôi cũng bị trời tru đất diệt!...
Vì đâu có câu chuyện này? Tôi biết hôm qua Trương đạo sĩ nói đến chuyện dạm vợ,
anh sợ tôi làm ngăn trở mối duyên lành của anh, trong bụng anh bực tức, nên
mang tôi ra giày vò.
Nguyên Bảo Ngọc từ bé vẫn có chứng si tình hẹp hòi, lại luôn
luôn ở bên cạnh Đại Ngọc, hai bên gần nhau, kẽ tóc chân tơ, tâm tình tương đắc.
Bây giờ Bảo Ngọc đã hơi biết mùi đời, được xem nhiều sách nhảm nhí, được gặp
nhiều cô gái phong lưu trong các nhà bạn thân và họ hàng xa, đều không ai bằng
Đại Ngọc cả. Vì thế Bảo Ngọc đã ôm sẵn nỗi niềm tâm sự, nhưng chưa tiện nói ra,
nên mỗi khi Đại Ngọc hoặc mừng, hoặc giận, Bảo Ngọc đều tìm hết cách thăm dò
kín đáo. Đại Ngọc cũng có bệnh si tình ấy, lại cũng dùng lối vờ vẫn để thăm dò:
"Vì nếu anh đã tìm cách che giấu nỗi lòng chân thật của anh thì tôi cũng
tìm cách che giấu nỗi lòng chân thực của tôi". Hai bên cứ vờ vẫn thăm dò
nhau. Như vậy hai cái giả gặp nhau, nhất định sẽ lòi cái thực. Ngoài ra, còn những
việc lặt vặt xảy ra không tránh khỏi lời qua tiếng lại.
Lúc này Bảo Ngọc nghĩ bụng: "Người khác không biết bụng
mình còn có thể tha thứ được, lẽ nào Đại Ngọc lại không biết trong lòng ta,
trong mắt ta lại chỉ có có ấy thôi à? Cô ấy không gỡ nỗi buồn cho ta thì chớ, lại
còn đưa ra những câu lấp họng ta, lòng ta giờ nào, phút nào cũng nghĩ đến cô ấy,
nhưng có bao giờ cô ấy nghĩ đến ta đâu". Bảo Ngọc nghĩ vậy, nhưng không
nói được ra lời. Đại Ngọc thì nghĩ: "Vẫn biết bụng anh bao giờ cũng để ý đến
tôi, tuy có câu "vàng ngọc sánh đôi", nhưng khi nào anh lại tin lời
nhảm nhí ấy mà không yêu quí tôi? Tôi dù có nhắc đến chuyện "vàng và ngọc",
anh cũng nên lờ đi như không nghe thấy, thế mới thực là anh yêu quí tôi, không
có mảy may gì giả dối cả. Nhưng mỗi khi tôi gợi đến chuyện "vàng và ngọc",
anh lại cứ cuống cuồng lên, đủ biết bụng anh lúc nào cũng nghĩ đến chuyện
"vàng và ngọc". Anh sợ tôi ngờ vực, cố ý làm ra vẻ sửng sốt để đánh lừa
tôi".
Xem ra, hai người vốn một ý nghĩ, nhưng có những khía cạnh
khác nhau.
Trong bụng Bảo Ngọc lại nghĩ: "Tôi thì thế nào cũng được,
chỉ cần cô vui thôi, dầu vì cô mà phải chết ngay tôi cũng bằng lòng. Điều này
cô biết hay không cũng mặc, chỉ cốt ở lòng tôi thôi. Như thế mới là cô gần tôi,
không phải xa tôi".
Đại Ngọc lại nghĩ: "Anh chỉ nên lo phần anh là hơn. Anh
tốt tự nhiên tôi cũng tốt. Cớ gì anh lại vì tôi mà mang lỗi. Có biết đâu lỗi ở
anh chính là lỗi ở tôi. Thế là anh không muốn cho tôi gần anh, mà lại có ý làm
cho tôi phải xa anh đấy".
Như vậy họ muốn gần nhau lại hóa ra xa nhau. Những ý nghĩ
riêng tây ấy ấp ủ trong người họ từ lâu khó mà nói hết, chẳng qua chỉ hình dung
bên ngoài mà thôi.
Bảo Ngọc lại nghe thấy Đại Ngọc nói đến ba chữ "mối
duyên lành", trái hẳn ý nghĩ của mình, lại càng héo hon trong dạ, nói chẳng
ra lời, liền cáu tiết, dứt viên "ngọc thiêng" ở cổ ra, nghiến răng vứt
phăng xuống đất, nói:
- Cái đồ chết tiệt này! Tao đập tan mày đi là xong chuyện.
Nhưng viên ngọc này rắn chắc lạ thường, vứt thế nào nó cũng vẫn
y nguyên không hề gì. Bảo Ngọc thấy không vỡ, định quay lại tìm cái đập. Đại Ngọc
thấy thế, liền khóc:
- Làm gì lại đem đập cái của câm ấy? Anh đập nó, chẳng thà đập
tôi còn hơn!
Thấy hai người cãi nhau, bọn Tử Quyên, Tuyết Nhạn vội lại
khuyên ngăn. Sau thấy Bảo Ngọc cố sống cố chết đập viên ngọc, liền chạy lại cướp
lấy, nhưng không cướp được.
Thấy trận cãi nhau này kịch liệt hơn mọi lần trước nhiều,
chúng đành phải đi gọi Tập Nhân. Tập Nhân vội vàng chạy đến, cướp lấy viên ngọc.
Bảo Ngọc cười nhạt:
- Tôi đập cái của tôi, việc gì đến các chị?
Tập Nhân thấy Bảo Ngọc mặt xám lại, mắt đỏ ngầu lên, chưa bao
giờ giận đến như thế, liền kéo tay lại cười nói:
- Cậu cãi nhau với cô ấy, việc gì mà lại đập viên ngọc ra. Nếu
nó vỡ thì cô ấy đành lòng thế nào được.
Đại Ngọc đương khóc, nghe thấy câu nói đúng đáy lòng mình, liền
cho rằng Bảo Ngọc còn kém cả Tập Nhân, lại càng đau lòng khóc to lên. Vì buồn bực
quá đỗi, nên nước thuốc hương nhu giải thử vừa mới uống vào, đã không cầm được,
ọe một cái, nôn ra hết. Tử Quyên vội chạy đến, lấy cái khăn lụa đỡ lấy, Đại Ngọc
ọe luôn mấy lần, thuốc thấm hết cả cái khăn. Tuyết Nhạn vội đến vuốt ngực. Tử
Quyên nói:
- Dù tức giận đến thế nào nữa, cô cũng nên giữ gìn sức khỏe.
Vừa mới uống được một nước thuốc, giờ vì cãi nhau với cậu Bảo, nôn ra hết cả, nếu
sinh ốm, liệu cậu Bảo có đành tâm được không?
Bảo Ngọc nghe câu nói trúng tim đen mình, lại cho Đại Ngọc
không bằng Tử Quyên. Đại Ngọc khi ấy mặt đỏ nhừ, đầu nặng trĩu, vừa khóc vừa thở,
nước mắt, mồ hôi chảy xuống đầm đìa, người càng ẻo lả. Bảo Ngọc thấy thế hối hận:
"Mình không nên bắt bẻ cô ấy. Bây giờ xảy ra nông nỗi này, mình lại không
thể chịu thay cho cô ấy được." Trong bụng nghĩ thế, nước mắt cũng tự nhiên
nhỏ xuống.
Tập Nhân đương trông nom Bảo Ngọc, thấy hai người đều khóc,
trong bụng cũng đâm ra chua xót, liền nắm lấy tay Bảo Ngọc, thấy lạnh như tiền,
muốn khuyên Bảo Ngọc đừng khóc, nhưng một là sợ Bảo Ngọc có điều gì uất ức
trong lòng, hai là sợ phật lòng Đại Ngọc, không bằng cùng khóc cả là họ sẽ
buông tha nhau. Vì vậy, Tập Nhân cũng chảy nước mắt khóc theo. Tử Quyên vừa thu
dọn những nước thuốc, vừa khe khẽ quạt cho Đại Ngọc. Thấy cả ba người đều khóc,
chẳng nói chẳng rằng, Tử Quyên đâm ra thương cảm, cũng lấy khăn lụa chùi nước mắt.
Bốn người ngồi nhìn nhau khóc, chẳng nói năng gì. Sau Tập
Nhân gượng cười bảo Bảo Ngọc:
- Cậu không cần nhìn cái gì khác, cứ nhìn cái dây đeo ngọc,
thì cũng không nên cãi nhau với cô Lâm nữa.
Đại Ngọc nghe nói, không nghĩ gì đến mình đương ốm, chạy ngay
lại cướp lấy cái dây, tiện tay cầm kéo cắt nát ra. Tập Nhân và Tử Quyên muốn giật
lại, nhưng đã đứt làm mấy đoạn rồi.
Đại Ngọc khóc:
- Ta thực uổng công, anh ấy không cần đâu, đã có người khác
đeo cho cái dây đẹp hơn kia.
Tập Nhân vội cầm lấy viên ngọc nói:
- Làm gì như thế? Đây cũng là lỗi tự tôi hay bép xép.
Bảo Ngọc bảo Đại Ngọc:
- Cô cứ việc cắt đi, tôi không đeo ngọc cũng chẳng sao.
Mấy người chỉ lo cãi nhau ở trong nhà, ngờ đâu bọn bà già thấy
Đại Ngọc nôn mửa, khóc ầm lên. Bảo Ngọc lại đập viên ngọc, không biết sinh chuyện
đến thế nào. Họ vội vàng sang trình Giả mẫu và Vương phu nhân. Giả mẫu và Vương
phu nhân đều không biết vì duyên cớ gì, liền cùng nhau sang vườn xem. Thấy thế,
Tập Nhân thì oán Tử Quyên tại sao lại cho cụ và bà lo sợ. Tử Quyên thì oán Tập
Nhân cho là tự Tập Nhân sai người đi trình.
Giả mẫu và Vương phu nhân đến nơi, thấy Bảo Ngọc và Đại Ngọc
đều chẳng nói năng gì, hỏi ra cũng chẳng có chuyện gì cả, liền buộc tội cho Tập
Nhân và Tử Quyên:
- Tại sao chúng mày không hầu hạ cẩn thận, bây giờ xảy ra
chuyện cãi nhau ầm ĩ như thế, chúng mày lại bỏ mặc đấy à?
Rồi răn mắng một trận. Hai người chỉ đành đứng im không dám
nói lại một câu. Giả mẫu dắt Bảo Ngọc đi ra, mới êm chuyện.
Đến hôm sau, mồng ba là ngày sinh nhật của Tiết Bàn. Trong
nhà bày rượu chè hát xướng. Mọi người trong phủ Giả đều đến cả. Bảo Ngọc từ
ngày xẩy chuyện với Đại Ngọc, chưa lúc nào giáp mặt nhau, đâm ra hối hận, buồn
rầu, còn bụng dạ nào đi xem hát nữa. Nên cáo ốm không đi.
Hôm trước Đại Ngọc bị trúng nắng qua loa thôi, không đến nỗi
nặng, nay nghe thấy Bảo Ngọc không đi, nghĩ bụng "Anh ấy xưa nay là người
thích uống rượu nghe hát, thế mà hôm nay lại không đi, chắc vì hôm trước giận
ta. Nếu không phải thế thì chắc là anh ấy thấy ta không đi, nên cũng không có bụng
dạ nào đi một mình. Hôm nọ ta cắt cái dây đeo ngọc, thật không nên tí nào. Chắc
là anh ấy không đeo ngọc nữa, ta phải xâu lại, anh ấy mới chịu đeo". Nghĩ
thế trong bụng Đại Ngọc lại hối hận trăm phần.
Giả mẫu thấy hai người giận nhau, cho là hôm nay đi xem hát,
chúng gặp nhau, thế là xong chuyện. Không ngờ cả hai người đều không đi cả. Giả
mẫu liền than thở: "Già này chẳng hiểu vì oan nghiệt từ đời nào để lại,
sinh ra hai đứa oan gia ngớ ngẩn kia, không ngày nào là chúng không làm cho ta
phải bận lòng. Tục ngữ nói rất đúng: "Không phải oan gia không họp mặt".
Bao giờ ta nhắm mắt tắt hơi, tha hồ cho hai đứa chúng mày cãi nhau, khi đó mắt
ta không trông thấy, lòng ta không biết buồn rầu, thế là xong chuyện. Nhưng nào
nó đã tắt hơi cho đâu!"
Giả mẫu tự trách mình rồi khóc.
Chuyện này không ngờ đến tai Bảo Ngọc và Đại Ngọc. Xưa nay
hai người chưa từng nghe câu tục ngữ "không phải oan gia không họp mặt"
bao giờ. Nay nghe thấy, họ đều như người được ngộ đạo, đều cúi đầu nghiền ngẫm
ý nghĩa câu ấy, rồi nước mắt lã chã lưng tròng. Hai người tuy không gặp mặt,
nhưng một ở quán Tiêu Tương, đứng trước gió gạt lệ, một ở viện Di Hồng, ngắm mặt
trăng thở dài! Thực là "người ở hai nơi, tình chung một mối".
Tập Nhân khuyên Bảo Ngọc:
- Bao nhiêu chuyện không phải, đều tự cậu cả. Ngày thường ở
trong nhà, bọn hầu trai có cãi cọ với các chị em, hoặc là hai bên tranh giành
điều gì, hễ nghe thấy, cậu mắng ngay bọn họ là ngu xuẩn, không biết thể tất bụng
dạ người con gái. Thế mà bây giờ cậu lại tự mình gây chuyện như thế? Ngày mai
là tết mồng năm, nếu cậu và cô Lâm đối với nhau còn như kẻ thù, thì cụ càng
thêm buồn, nhất định cả nhà không được yên. Theo ý tôi, cậu nên nuốt giận đi, đến
xin lỗi cô ấy, rồi lại đối xử với nhau như trước, như vậy chẳng tốt hay sao?.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Ngày xưa. những người quan quí không tự mình đi tu được,
kiếm người khác tu thay, để được phúc hoặc chuộc tội. Người ấy gọi là thế mạng.
(2). Lưu Bang trước khi khởi nghĩa, chém chết con rắn trắng.
Đêm ấy có người đàn bà đến khóc: "Con rắn trắng này là con Bạch Đế, bị con
Xích Đế (tức Lưu Bang) chém chết". Sau quả nhiên Lưu Bang giết được Hạng
Vũ, lên làm vua tức vua Cao Đế nhà Hán.
(3). Hốt bầy đầy giường; chép chuyện Quách Tử Nghi đời Đuờng,
có bảy con trai và tám chàng rể đều làm quan cao và sống lâu.
(4). Tên vở kịch do Thang Hiển Tổ đời Minh soạn, tả việc Thuần
Vu Phần, đời nhà Đường. Thuần nhân ngày sinh nhật, uống rượu say nằm ngủ ở dưới
cây hòe, về bên phía Nam cạnh nhà, mộng thấy đến nước Đại Hòe An lấy công chúa,
làm quan thái thú quận Nam Kha hai mươi năm. đẻ được năm trai hai gái, đều hiển
quí cả, sau đánh nhau với giặc bị thua, phải cách chức, công chúa đã chết. Lúc
tỉnh dậy, mặt trời chưa lặn. chén rượu hãy còn nguyên ở bàn. Khi ra gốc cây
hòe, thấy có tổ kiến, ông ta cảm thấy cuộc đời phút chốc, công danh cũng như giấc
mộng vậy, liền bỏ nhà lên núi học đạo, chẳng thiết gì việc đời nữa.
(5). Nguyên văn: "Đắp tường phải lễ thổ thần" nghĩa
cũng như trên.
Hồi 30:
Bảo Thoa mượn cái quạt, nói cạnh cả hai bên;
Đại Ngọc từ hôm cãi nhau với Bảo Ngọc, trong bụng hối hận,
nhưng không lẽ tự mình đến làm lành trước, vì thế ngày đêm buồn rầu, bâng
khuâng như mất cái gì, Tử Quyên đoán biết tâm lý ấy, liền khuyên nhủ:
- Việc hôm nọ là tự cô nóng nảy quá. Người khác không biết rõ
tính nết cậu Bảo, chứ chúng ta lẽ nào lại cũng không biết hay sao? Chỉ vì viên
ngọc, đến nỗi cãi nhau mấy lần rồi.
Đại Ngọc gắt:
- Thôi! Mày lại đến đây bới móc tội của ta hộ người à? Thế
nào là ta nóng nảy?
Tử Quyên cười nói:
- Tự nhiên vô cớ, sao cô lại cắt cái dây đeo ngọc đi? Thế chả
phải lỗi cậu Bảo chỉ có ba phần, mà lỗi cô những bảy phần hay sao? Tôi xem ngày
thường cậu ấy đối với cô rất tốt, chỉ vì cô khó tính thường vặn vẹo cậu ấy, nên
đến nỗi vậy.
Đại Ngọc muốn nói lại, chợt ngoài sân có tiếng gọi cửa, Tử
Quyên lắng tai nghe, cười nói:
- Thôi tiếng cậu Bảo rồi, chắc lại đến xin lỗi đấy.
Đại Ngọc bảo không được mở cửa. Tử Quyên nói:
- Cô lại không phải rồi. Trời nóng nực thế này, không mở cửa,
để cậu ấy đứng bêu mãi ngoài nắng thì chịu thế nào được?
Nói xong liền ra mở cửa, thì quả là Bảo Ngọc. Tử Quyên vừa mời
vào vừa cười nói:
- Tôi cứ tưởng là cậu không thèm đến nhà này nữa, ai ngờ bây
giờ lại đến.
Bảo Ngọc cười nói:
- Việc bé mà các chị lại cứ xé ra to, ngại gì mà ta chẳng đến?
Ta có chết chăng nữa, hồn ta một ngày ít ra cũng đến đây trăm lần! Thế nào? Cô
em đã khỏe hẳn chưa?
- Người khỏe đấy, nhưng bụng vẫn bực tức khó chịu.
- Ta biết rồi, việc gì mà phải bực tức!
Bảo Ngọc cười đi vào, thấy Đại Ngọc đương ngồi trên giường
khóc.
Đại Ngọc trước vẫn không khóc. Từ lúc thấy Bảo Ngọc đến,
trong bụng đâm ra thương cảm, không thể cầm được nước mắt. Bảo Ngọc đến gần giường
cười nói:
- Em ơi! Người đã khá chưa?
Đại Ngọc chỉ gạt nước mắt, không trả lời.
Bảo Ngọc liền ngồi ghé vào cạnh giường cười nói:
- Anh vẫn biết rằng em không giận anh, nhưng nếu anh không đến,
người ta thấy thế, sẽ cho anh em ta lại cãi nhau. Nếu phải chờ họ đến khuyên giải
thì chẳng hóa ra anh em ta không có tình thân mật hay sao? Chi bằng, ngay bây
giờ em muốn đánh, muốn mắng anh thế nào tùy em, nhưng chỉ thiết tha xin em đừng
lờ anh đi thôi.
Nói xong lại gọi "em ơi" mấy tiếng.
Trong bụng Đại Ngọc vẫn định bỏ lờ Bảo Ngọc đi, nhưng bấy giờ
nghe thấy câu: "Nếu để người ngoài biết là chúng ta cãi nhau thì chẳng hóa
ra anh em ta không có tình thân mật" mới thấy rõ mình với Bảo Ngọc thân
hơn người khác. Vì thế Đại Ngọc không nhịn được, liền khóc:
- Anh không cần phải lừa tôi! Từ giờ trở đi, tôi không dám
thân cận với cậu Hai nữa. Xin cứ coi như tôi đã ra khỏi nhà này rồi.
- Thế em định đi đâu?.
- Tôi về nhà tôi.
- Anh cũng đi theo.
- Thế ngộ tôi chết thì sao?
- Em mà chết thì anh đi tu.
Đại Ngọc vừa nghe thấy câu ấy, mặt sầm ngay lại hỏi:
- Anh muốn chết à? Sao nói dại thế? Nhà anh có bao nhiêu chị
em, một ngày kia họ đều chết cả, liệu thân anh xẻ ra làm mấy mảnh để đi tu? Mai
đây tôi sẽ mang câu này kể lại cho người ta biết, để xem họ nói ra làm sao!
Bảo Ngọc tự biết mình nói câu ấy hấp tấp quá, hối không kịp,
mặt đỏ bừng lên, cúi đầu không dám nói gì.
Khi đó trong nhà không có ai. Đại Ngọc hai mắt trừng trừng
nhìn Bảo Ngọc một lúc, tức quá, hừ một tiếng, rồi không nói được câu gì. Thấy mặt
Bảo Ngọc tím bầm lại, Đại Ngọc liền nghiến răng, lấy ngón tay dí vào trán Bảo
Ngọc một cái, nói:
- Anh thật là...
Chỉ nói lên được hai tiếng, liền thở dài một cái, lại lấy
khăn lụa, lau nước mắt.
Bảo Ngọc lúc bấy giờ nỗi lòng chan chứa, vì trót lỡ lời, nên
trong bụng rất là hối hận. Sau thấy Đại Ngọc dí một cái, không nói ra lời, đành
chỉ ngậm ngùi than khóc. Trong bụng thương cảm, Bảo Ngọc lại nước mắt ròng ròng
chảy xuống, muốn lấy khăn lau nước mắt, nhưng lại quên không mang đi, liền lấy ống
tay áo lau.
Đại Ngọc đương khóc, thấy Bảo Ngọc lấy vạt áo the cải hoa sen
mới toanh ra lau nước mắt, liền vừa lau nước mắt, vừa quay đi lấy khăn lụa ở
trên gối vứt vào lòng Bảo Ngọc, không nói một câu, rồi lại che mặt khóc. Bảo Ngọc
thấy Đại Ngọc vứt cho cái khăn, liền cầm lấy chùi nước mắt rồi xích lại gần,
giơ tay kéo một tay Đại Ngọc cười nói:
- Ruột gan anh nát nhừ ra cả rồi, em còn cứ khóc làm gì mãi?
Thôi đi đi, chúng ta cùng đến thăm bà.
Đại Ngọc hất tay ra nói:
- Ai kéo co với anh! Bây giờ lớn rồi, anh cứ giở cái thói cợt
nhả ấy ra, không biết điều gì cả.
Nói chưa dứt lời, đã thấy có tiếng the thé ở ngoài: "Khá
nhỉ!" Trong lúc bất ngờ, hai người đều giật nẩy mình, quay lại nhìn, thấy
Phượng Thư đã đến, cười nói:
- Bà đương kêu trời kêu đất kia kìa, bảo chị lại xem các em
đã làm lành với nhau chưa? Chị bảo không cần, chỉ độ vài hôm là họ lại tử tế với
nhau đấy thôi. Bà mắng chị, bảo chị lười. Bây giờ chị đến, quả nhiên đúng như lời
chị nói. Chị chẳng thấy các em có điều gì đáng cãi nhau cả, thế mà cứ ba ngày
yêu quí nhau, lại hai ngày giận dỗi nhau, càng lớn càng quá trẻ con. Bây giờ cầm
tay nhau mà khóc, thế thì hôm nọ tại sao lại như hai con gà chọi ấy? Thôi các
em hãy theo chị sang thăm bà để cụ già được yên tâm.
Phượng Thư liền kéo Đại Ngọc đi.
Đại Ngọc quay lại gọi bọn a hoàn, nhưng chẳng thấy người nào.
Phượng Thư nói:
- Lại gọi chúng nó làm gì? Đã có tôi hầu cô đây.
Liền kéo Đại Ngọc đi. Bảo Ngọc chạy theo sau.
Họ ra khỏi vườn, đến thẳng nhà Giả mẫu, Phượng Thư cười nói:
- Cháu đã bảo không cần phải lo nghĩ hộ họ, tự họ sẽ tử tế với
nhau. Bà không tin, nhất định bắt cháu phải đi dàn hòa, khi cháu đến nơi, đã thấy
hai người ngồi xúm lại một chỗ, xin lỗi lẫn nhau, họ giữ chặt lấy nhau như móng
chân diều hâu quắp gà con vậy. Thế thì còn cần ai đến dàn hòa nữa?
Câu nói ấy làm cho cả nhà cười ầm lên.
Bấy giờ Bảo Thoa đương ngồi đấy. Đại Ngọc không nói một câu
gì, ngồi nhích lại gần Giả mẫu. Bảo Ngọc cũng không biết nói gì, liền quay lại
nói với Bảo Thoa:
- Hôm sinh nhật anh Cả, tôi không được khỏe, lại không có gì
đem đến mừng, cả đến cúi đầu chào cũng không có. Anh Tiết không biết tôi ốm, lại
tưởng tôi tìm cớ thoái thác. Chị có gặp anh ấy, nhờ nói hộ cho tôi.
Bảo Thoa cười nói:
- Khéo hay vẽ chuyện. Dù anh có đến được cũng không dám làm
phiền, huống chi người anh lại không được khỏe? Chỗ anh em cùng ở với nhau mà lại
cứ để bụng những việc vặt ấy, thành ra xa nhau mất.
- Chị thể tất cho tôi được như thế là tốt rồi. Sao chị không ở
lại nghe hát?
- Tôi sợ nóng, nghe được hai khúc, muốn đi ra, nhưng khách vẫn
còn ngồi đông, nên tôi phải kiếu ốm, rồi đi ngay.
Bảo Ngọc nghe nói, tự nhiên thấy hơi ngượng, vội buột miệng
cười nói:
- Chị người đẫy đả, thảo nào họ cứ ví chị với Dương quí phi.
Bảo Thoa nghe nói, bực lắm, định nói lại, nhưng không tiện;
nghĩ một chốc, mặt đỏ bừng lên, liền cười nhạt:
- Tôi giống Dương quí phi, nhưng không có người anh em nào giỏi,
có thể làm được Dương Quốc Trung.
Đương nói thì đứa hầu nhỏ là Tĩnh Nhi tìm không thấy cái quạt,
cười hỏi Bảo Thoa:
- Chắc là cô giấu cái quạt của cháu, xin cô cho lại cháu.
Bảo Thoa trỏ vào mặt đứa hầu, quát mắng:
- Mày liệu hồn đấy! Mày đã thấy tao đùa với ai chưa? Mày hãy
đi mà hỏi những cô nào ngày thường cứ hay tí toét cười đùa với mày ấy!
Tĩnh Nhi nghe xong, chạy mất.
Bảo Ngọc biết mình lại nói lỡ lời, bấy giờ đứng trước mặt nhiều
người, càng thấy trơ trẽn, khó coi hơn là lúc va chạm với Đại Ngọc, liền lảng
ra bắt chuyện với người khác.
Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc chế giễu Bảo Thoa, trong bụng lấy làm
đắc ý, muốn nhân đó nói châm vào cho buồn cười, không ngờ Tĩnh Nhi tìm quạt, bị
Bảo Thoa mắng cho mấy câu, Đại Ngọc liền đổi giọng hỏi:
- Chị Bảo, chị nghe hai khúc hát gì thế?
Bảo Thoa trông thấy Đại Ngọc ra vẻ đắc ý, đoán ngay là vừa rồi
Đại Ngọc thích chí thấy Bảo Ngọc chế giễu mình, liền cười đáp:
- Tôi xem vở Lý Quì mắng Tống Giang, sau lại đến xin lỗi.
Bảo Ngọc cười nói:
- Chị học rộng, chuyện cũ, chuyện mới hiểu nhiều, sao vở này
chị lại không biết, nói ra một tràng như thế? Vở này gọi là vở Phụ kinh thỉnh tội(1)
đấy.
Bảo Thoa cười nói:
- Thế ra vở này là Phụ kinh thỉnh tội à? Các người học rộng mới
biết Phụ kinh thỉnh tội, chứ tôi thì biết sao được?
Bảo Ngọc và Đại Ngọc có tật giật mình, nghe chưa hết câu, mặt
đã đỏ bừng lên.
Phượng Thư tuy không hiểu tại sao, thấy nét mặt ba người,
cũng đã đoán được một phần, liền cười nói:
- Trời nóng thế này, ai lại ăn gừng sống thế?
Mọi người không hiểu, nói:
- Có ai ăn gừng sống đâu.
Phượng Thư cố ý lấy tay sờ lên má, tỏ vẻ ngơ ngác:
- Không ai ăn gừng sống, làm sao lại nóng ran thế này?
Bảo Ngọc, Đại Ngọc nghe thấy lại càng khó chịu. Bảo Thoa còn
muốn nói nữa, nhưng thấy Bảo Ngọc đổi hẳn nét mặt, xem ra quá hổ thẹn, nên
không tiện nói thêm, đành chỉ cười xòa một cái cho xong chuyện. Những người
khác không hiểu ý bốn người này nói chuyện gì, cũng đều cười theo.
Một lúc, Bảo Thoa và Phượng Thư đi rồi, Đại Ngọc nói với Bảo
Ngọc:
- Anh lại đụng phải con người ghê gớm hơn tôi rồi. Có ai dốt
nát vụng về như tôi, cứ tha hồ cho người ta nói?
Bảo Ngọc thấy Bảo Thoa hay để ý, bụng đã khó chịu rồi, giờ lại
thấy Đại Ngọc cũng hay chấp nhặt, nên đành nín nhịn, buồn rầu đi ra.
Lúc này trời nóng, lại vừa ăn cơm sáng xong, các nơi cả thầy
lẫn tớ đều thấy mỏi mệt trong quãng ngày dài. Riêng có Bảo Ngọc cứ chắp tay sau
lưng đi loanh quanh, đến nơi nào cũng thấy lặng lẽ không một tiếng động. Từ nhà
Giả mẫu ra, Bảo Ngọc rẽ sang phía tây, đi qua xuyên đường, đến sân nhà Phượng
Thư. Thấy cửa ngoài đóng, biết là thói quen của Phượng Thư, hễ đến mùa nực, buổi
trưa là phải nghỉ một lúc, nên không tiện đi vào, Bảo Ngọc rẽ sang cửa bên, vào
buồng Vương phu nhân, thấy mấy đứa a hoàn đương cầm kim chỉ ngủ gật. Vương phu
nhân thì đang nằm ngủ ở giường mát trong nhà; Kim Xuyến ngồi bên cạnh bóp đùi
cho bà ta, mắt cũng đang lim dim. Bảo Ngọc rón rén đi đến trước mặt nó, nắm cái
hạt châu đeo tai và giật nhẹ một cái. Kim Xuyến mở bừng mắt nhìn. Bảo Ngọc khẽ
cười hỏi:
- Buồn ngủ quá thế kia à?
Kim Xuyến mím môi cười, hất tay Bảo Ngọc ra, lại nhắm mắt lại.
Bảo Ngọc trông thấy Kim Xuyến, có ý quyến luyến không muốn rời, liền ngoái đầu
nhìn Vương phu nhân, thấy vẫn nhắm mắt. Bảo Ngọc mở cái túi ở trong mình, lấy một
viên thuốc hương huyết nhuận tân(2) ra, đút vào mồm Kim Xuyến. Kim Xuyến cũng
không mở mắt, ngậm mồm lại.
Bảo Ngọc lại gần nắm lấy tay Kim Xuyến khẽ cười nói:
- Ta sẽ nói với bà xin chị về để chúng ta cùng ở chung với
nhau.
Kim Xuyến không trả lời. Bảo Ngọc lại nói:
- Chờ bà dậy, ta sẽ nói.
Kim Xuyến mở mắt đẩy Bảo Ngọc một cái, cười nói:
- Việc gì mà phải vội thế. Tục ngữ có câu: "Cái trâm
vàng rơi xuống giếng, đã về ai thì chỉ là của người ấy thôi". Chả lẽ cậu
còn chưa hiểu sao? Tôi bảo cậu việc này hay hơn: cậu đi sang nhà bên đông mà bắt
cậu Hoàn và chị Thái Vân.
Bảo Ngọc cười nói:
- Họ làm gì mặc họ. Chúng ta chỉ nói việc chúng ta thôi.
Bỗng Vương phu nhân trở mình dậy, tát vào mặt Kim Xuyến một
cái và mắng:
- Con đĩ hèn hạ này! Các cậu nhà này đều bị chúng mày làm hư
hỏng cả!
Bảo Ngọc thấy Vương phu nhân dậy, chạy biến mất.
Kim Xuyến một bên má đỏ ửng lên, không dám nói câu gì. Bọn a
hoàn thấy Vương phu nhân dậy, đều chạy đến.
Vương phu nhân liền gọi Ngọc Xuyến đến bảo:
- Gọi mẹ mày đến mang chị mày về.
Kim Xuyến nghe thấy nói thế, vội quì xuống khóc:
- Từ rày con không dám thế nữa, xin bà cứ việc đánh, cứ việc
chửi, nhưng đừng đuổi con như thế, thì con đội ơn bà như trời như bể. Con theo
hầu bà đã mười năm nay, bây giờ bà đuổi con về, con còn mặt mũi nào trông thấy
người ta nữa?
Vương phu nhân vốn người hiền lành, chưa từng đánh a hoàn bao
giờ, nay thấy Kim Xuyến làm việc vô sỉ, giận quá, không nén được, liền tát nó một
cái, mắng nó mấy câu. Kim Xuyến van xin cũng không cho ở lại, cuối cùng bắt mẹ
nó là bà già họ Bạch mang nó về. Kim Xuyến đành phải ngậm hờn nuốt tủi đi ra.
Bảo Ngọc thấy Vương phu nhân dậy, cụt hứng, chạy về vườn Đại
Quan, thấy ánh nắng chói trời, bóng cây rợp đất, chung quanh im lặng, chỉ nghe
tiếng ve kêu mà thôi. Đi đến dưới giàn tường vi, có tiếng người thổn thức, Bảo
Ngọc nghi hoặc, đứng lại lắng nghe, quả nhiên thấy một người ngồi đó. Bấy giờ
khoảng giữa tháng năm, cây tường vi đang hoa lá tốt tươi. Bảo Ngọc khe khẽ đứng
ngoài nhìn vào, thấy ở dưới giàn hoa một cô gái bé đương ngồi xổm, tay cầm cái
trâm cài đầu vạch xuống đất, lặng lẽ chảy nước mắt. Bảo Ngọc nghĩ bụng:
"Không có lẽ con bé thơ dại này cũng học cô Tần chôn hoa chăng?" Rồi
lại than thở: "Nếu quả thật nó cũng chôn hoa, thì khác nào nàng Đông Thi bắt
chước nhăn mặt(3) không những chẳng có gì lạ, lại đáng chán là khác!" Nghĩ
xong liền gọi cô con gái kia bảo:
- Cô đừng nên bắt chước cô Lâm nhé!
Nói chưa dứt lời, ngoảnh lại nhìn kỹ, thấy người này lạ mặt,
không phải a hoàn, mà là người trong đám mười hai cô học hát. nhưng không rõ
đóng vai "nam" hay "nữ", "lão" hay "hề".
Bảo Ngọc lè lưỡi, bịt mồm lại, nghĩ bụng: "May mà mình
không hấp tấp. Hai lần trước cũng vì hấp tấp làm cho cô Tần tức giận, Bảo Thoa
nghi ngờ. Bây giờ mình còn mắc lỗi với bọn họ, lại càng thêm khó xử". Vừa
nghĩ vừa bực mình, không nhận ra được người đó là ai. Lại để ý ngắm kỹ, thấy
người này mày xanh như núi mùa xuân, mắt sáng như sóng mùa thu, mặt nõn nà,
lưng thon thon, vẻ người óng ả thướt tha, không khác gì Đại Ngọc. Bảo Ngọc
không nỡ rời bước, đứng ngây người ra, thấy nó đương cầm cái trâm vàng, không
phải là đào đất chôn hoa, mà là vạch chữ.
Bảo Ngọc nhìn kỹ cái trâm đưa đẩy từng vạch, từng chấm từng
móc, tính tất cả là mười tám nét; liền lấy ngón tay theo thế viết vào trong
lòng bàn tay mình để đoán ra chữ gì? Nghĩ mãi mới biết nó viết chữ "tường"
của hoa tường vi. Bảo Ngọc lại nghĩ: "Nhất định nó đang làm thơ làm từ gì
đây. Bây giờ nó trông thấy hoa, lòng cảm xúc, trong khi cao hứng, nẩy ra mấy vần,
lại sợ quên, nên vạch xuống đất để đắn đo cân nhắc, cũng chưa biết chừng! Ta
hãy chờ xem nó còn viết thêm những chữ gì". Vừa nghĩ vừa nhìn, thấy cô này
vạch đi vạch lại, quanh quẩn vẫn là chữ "tường".
Một người thì ngồi ngây ra vạch chữ "tường", vạch
đi vạch lại đến mấy mươi lần; một người đứng ngoài cũng ngây ra, hai mắt chòng
chọc nhìn cái trâm đưa đẩy. Bảo Ngọc nghĩ bụng: "Con bé này nhất định có
tâm tư thầm kín gì đây. Nhìn bộ dạng này, chắc nó có bao điều buồn bực nấu
nung! Người nó mỏng mảnh yếu ớt như thế, thì chịu sao được những sự dằn vặt ấy?
Tiếc rằng ta không thể chịu đỡ được cho nó một phần".
Về mùa này, mưa nắng thất thường, hễ một đám mây nhỏ kéo đến
là có thể mưa ngay. Bỗng đâu cơn gió nổi lên, trận mưa ầm ầm như trút nước. Bảo
Ngọc trông thấy cô bé bị những giọt mưa từ trên nhỏ xuống, quần áo ướt đẫm, liền
nghĩ: "Thân hình nó thế kia, chịu sao nổi trận mưa rào bắn xói vào người?"
Không thể nín được, Bảo Ngọc gọi ngay:
- Thôi đừng viết nữa, người ướt hết cả rồi.
Cô bé nghe nói giật mình, ngẩng đầu nhìn, thấy người bảo đừng
viết ấy đương đứng ngoài giàn hoa. Một là vì Bảo Ngọc nét mặt xinh đẹp; hai là
vì hoa lá um tùm, chỉ hở có một nửa mặt, nên người con gái cho là một chị a
hoàn nào, chứ không biết là Bảo Ngọc. Nó liền cười nói:
- Cảm ơn chị nhắc bảo cho. Nhưng không lẽ ngoài ấy lại có cái
gì che mưa chăng?
Bảo Ngọc tỉnh người, kêu một tiếng, mới thấy lạnh buốt toàn
thân. Cúi đầu nhìn mình, cũng ướt hết, liền kêu: "Hỏng rồi!" Rồi chạy
một mạch về viện Di Hồng, trong lòng vẫn áy náy về con bé ấy không có chỗ tránh
mưa.
Hôm sau là tiết Đoan dương, mười hai cô hát trong bọn Văn
Quan đều được nghỉ học, ra vườn chơi. Bảo Quan đóng vai nam, Ngọc Quan vai nữ,
đều đến chơi đùa với Tập Nhân ở viện Di Hồng. Gặp mưa, mọi người đóng cửa lại,
lấp các cống cho nước đọng đầy sân, rồi đuổi bắt le vịt, khâu cánh, thả ở sân
chơi. Tập Nhân thì ngồi ở ngoài hiên cười đùa.
Bảo Ngọc thấy cửa đóng, liền lấy tay đấm. Người trong nhà
đang mải cười đùa, không ai để ý đến. Một lúc lâu, trong nhà nghe thấy tiếng đập
cửa thình thình, ai nấy đều cho là không khi nào Bảo Ngọc lại về lúc này. Tập
Nhân cười nói:
- Ai lại gọi cửa bây giờ? Không mở được.
Bảo Ngọc nói:
- Tôi đây.
Xạ Nguyệt nói:
- Hình như tiếng cô Bảo.
Tình Văn nói:
- Nói bậy! Cô Bảo đến làm gì?
Tập Nhân nói:
- Để tôi ra khe cửa nhìn xem, đáng mở thì mở, không nên để
cho họ phải dầm mưa.
Nói xong liền theo đường hành lang nhìn ra ngoài, thấy Bảo Ngọc
ướt như chuột lột, Tập Nhân vừa hoảng sợ, vừa buồn cười, vội ra mở cửa, cúi
lưng, vỗ tay nói:
- Ai biết đâu bây giờ cậu về? Sao mưa to thế mà cũng đi?
Bảo Ngọc trong bụng đang bực tức, chỉ định có người ra mở cửa
là đá cho mấy cái. Cửa vừa mở, Bảo Ngọc không cần nhìn xem ai, cứ tưởng là một
a hoàn nào, liền đá một cái vào cạnh sườn. Tập Nhân kêu "Ối chà!" một
tiếng. Bảo Ngọc còn mắng thêm:
- Đồ hèn mạt! Ngày thường tao đối đãi tử tế, chúng mày nhờn
quen, càng ngày càng mang tao ra làm trò cười!
Nói xong, nhìn xuống, thấy Tập Nhân khóc, mới biết mình đá nhầm,
vội cười nói:
- Ối chà! Chị đấy à? Tôi đá phải chỗ nào đấy?
Xưa nay Tập Nhân chưa bị đánh mắng lần nào; nay thấy Bảo Ngọc
phát cáu trước mặt mọi người, đá mình một cái, thì vừa xấu hổ vừa tức giận, lại
vừa đau. Muốn sinh chuyện, nhưng lại nghĩ: chưa chắc Bảo Ngọc đã định tâm đá
mình, nên đành nén bụng nói: "Cậu có đá trúng tôi đâu, sao cậu không về
thay áo quần đi?"
Bảo Ngọc vào buồng, cười nói:
- Tôi từ bé đến giờ, lần này mới là lần đầu phát cáu đánh người,
không ngờ lại đánh nhầm phải chị!
Tập Nhân cố chịu đau, đi thay quần áo cho Bảo Ngọc, cười nói:
- Tôi là người đầu, thì bất cứ việc lớn nhỏ, hay dở, đều tự
tôi mà ra. Nhưng cậu cũng đừng nghĩ đánh được tôi rồi sau này quen tay đi cứ
đánh bừa.
- Vừa rồi quả tôi không chủ ý nào.
- Ai bảo cậu chủ ý? Xưa nay việc đóng cửa, mở cửa vẫn giao
cho bọn hầu nhỏ. Chúng nó hỗn láo quen, nhiều lần làm cho người ta phải tức
lên, thế mà chúng nó chẳng biết sợ hãi là cái gì. Nếu chính chúng nó ra mở cửa,
cậu đá cũng lả phải. Nhưng vừa rồi vì tôi dở hơi, không để cho chúng nó ra mở.
Trời tạnh mưa, bọn Bảo Quan, Ngọc Quan đều về cả, Tập Nhân thấy
đau ở cạnh sườn, trong lòng rộn rực, liền bỏ bữa cơm chiều không ăn. Đến tối, cởi
quần áo ra, thấy bên cạnh sườn có một chỗ tím to bằng cái bát, Tập Nhân giật
mình sợ hãi, nhưng không tiện nói ra, đến lúc đi ngủ vẫn thấy đau. Trong khi mơ
màng, thỉnh thoảng lại thốt ra một tiếng kêu "ối chà!"
Bảo Ngọc thấy Tập Nhân ra dáng mệt mỏi, trong bụng không
đành. Đến nửa đêm, lại nghe tiếng kêu, biết Tập Nhân bị đá mạnh quá, Bảo Ngọc
trở dậy, khẽ cầm đèn lại soi. Đến cạnh giường, thấy Tập Nhân ho lên hai tiếng,
nhổ ra một cục đờm, rồi lại kêu "ối chà". Tập Nhân mở mắt nhìn, thấy
Bảo Ngọc, giật mình hỏi:
- Cậu làm gì thế?
- Trong khi ngủ, chị cứ kêu luôn, tất là bị đá đau lắm,để tôi
xem thế nào.
- Tôi nhức đầu lắm, cổ họng lại lờm lợm có mùi tanh, cậu thử
soi xuống đất xem.
Bảo Ngọc nghe nói, cầm đèn soi, thấy một cục máu tươi, sợ hãi
nói:
- Thôi thế này thì nguy mất.
Tập Nhân thấy thế, lạnh đi một nửa người.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Mang roi đến chịu tội. Đời Chiến quốc, Liêm Pha mang roi
từ nhà đến xin lỗi Lạn Tương Như.
(2). Một viên thuốc trắng và thơm để thấm nhuần nước bọt.
(3). Đời Chiến quốc có nàng Tây Thi, nhan sắc tuyệt vời, khi
nhăn mặt lại càng đẹp. Ở phía đông trong làng có một người con gái rất xấu, thấy
thế cũng bắt chước. Nhưng khi cô ta nhăn mặt, người giàu trông thấy phải đóng cửa,
không dám nhìn, người nghèo trông thấy phải đem cả vợ con trốn đi nơi khác.
Tào Tuyết Cần
Dịch giả: Dư Anh Thời
Theo https://www.sachhayonline.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét