Nghệ thuật trên bước đường sinh thành đã hiện diện như một chứng
lý xác định những mốc giới trên hướng đi của lịch sử tinh thần con người. Do đó
mọi thăm dò tiến bộ tinh thần đều có thể quy nạp vào tiến trình của tư tưởng,
trong đó có nghệ thuật, văn chương. Văn chương, vì thế, hệ tại ở chỗ nói lên được
sự vươn tới chân thiện mỹ của nhân loại trong tiến trình trên. Trong viễn tượng
đó, những biểu lộ văn chương tự trình bày như một tất yếu và thiết yếu, xâm nhập
những cơ cấu sinh tồn của một khu vực xã hội, do đó tác động trên lý tính con
người, trong chuyển động lịch sử và biến hóa xã hội. Biểu lộ văn chương được
xác định như một dâng hiến vừa là một kiến tạo xã hội. Chúng ta bó buộc nhìn tới
văn chương bằng một nhãn giới tích cực, như thế văn chương sẽ tự bộc lộ bằng những
dáng vẻ năng động của một thế lực, xét như là hệ luận của sự hiện hữu văn
chương. Nhìn về những biểu lộ văn chương chính là nhìn về hệ luận của chúng. Và
một cái nhìn như thế sẽ là một thử thách tâm linh, thử thách đối với người làm
văn chương.
Văn chương, trong ý nghĩa đó, được kể như một dự phóng nhân
loại, đưa con người về trước một triển vọng. Vì vậy sau khi lý hội yếu tính của
những biểu lộ văn chương là một lối nhìn đời tích cực, người thưởng ngoạn buộc
phải lãnh nhận một trách nhiệm trước tác phẩm là tham dự thân thiết với ý nghĩa
của nó. Và chính trong trách nhiệm tham dự đó mà những biểu lộ văn chương, với
khả năng của chúng, tác động tới xã hội, lịch sử qua môi giới người thưởng ngoạn,
người đi tìm ý nghĩa tác phẩm. Nói cách khác, hiện hữu của văn chương chưa phải
là một hiện hữu toàn diện nếu nó chưa tìm được nơi thể nghiệm hệ luận, chưa
phát triển những chiều hướng ý nghĩa gián tiếp, chưa được triển khai chân lý tiềm
ẩn từ trong tác phẩm. Vì vậy nhìn tới văn chương là thêm vào văn chương và đó
cũng là lối trở về với văn chương. Văn chương hôm nay sẽ thôi hành động như một
cội nguồn khoái cảm, thù tạc mà hành động như một thế giá, một động lực, một
tác dụng đưa về một nẻo xoay vần của xã hội. Trong triển vọng đó, văn chương
chính là một hiện tượng, một sự kiện. Đó là ý nghĩa sâu xa nhất của những bày tỏ
văn chương.
Văn chương là gì?
J.P.Sartre đã từng viết một tác phẩm
để trả lời vấn nạn đó. Còn Benedetto Croce đã không tìm được câu trả lời dứt
khoát nếu không nói là không thể trả lời được. Thiết tưởng đây không phải là vấn
đề dung dị bởi vấn nạn đưa ra bao hàm những đòi hỏi về một quan niệm, một thái
độ, một cư xử trước văn chương. Nói cách khác, vì lẽ không có một xác định độc
nhất về yếu tính văn chương, nghĩa là có những dị biệt về quan niệm yếu tính,
cho nên văn chương sẽ hiện ra cho mỗi người một dáng vẻ. Mỗi dáng vẻ đó chỉ là
một khía cạnh mà văn chương gửi đến chúng ta. Do đó cái nhìn trắc diện của người
thưởng ngoạn không đảm bảo cho một xác định chung, không đổ đầy cái yếu tính
làm thành văn chương. Không thể quy về một nhất thống trong việc nhận diện văn
chương, bởi yếu tính của nó là hàm hồ. Mỗi trường phái văn chương quan niệm
hoàn toàn dị biệt nhau về yếu tính đó. Duy có điều có thể dựa vào những chất liệu
xây dựng văn chương này để phân biệt cái khác với văn chương: thực tại và ngôn
ngữ. Từ đó người ta xác nhận thế giới văn chương không chỉ biểu hiện thế giới vật
lý. Văn chương vượt ra khỏi những mô hình khả dụng của chất thể để tạo lập một
hệ thống giá trị ý nghĩa tinh thần. Khẳng định này bao hàm một thái độ nhấn mạnh,
một cái nhìn thiên trọng về ý hướng văn chương. Dĩ nhiên ý hướng này chỉ được
lý hội trong một nhìn nhận tác dụng của văn chương. Ý hướng văn chương là thành
quả của một quy nạp ý nghĩa những bày tỏ văn chương.
Nói khác đi, thái độ đó muốn xác nhận mức độ mãnh liệt có thể có được của sức tác dụng văn chương. Hẳn có người sẽ dò hỏi sức tác dụng đó, nhưng có lẽ đó không phải là vấn đề quan hệ, bởi lẽ những điều kiện của tác dụng văn chương hệ tại ở sự khai mở ý nghĩa của người thưởng ngoạn. Khi ý nghĩa không còn bị chôn vùi trong những sự kiện mô tả, diễn đạt thì bấy giờ văn chương mới có cơ hội phát triển sức hành động của nó. Bao lâu tác phẩm còn ở trong một quán tính bất động, nghĩa là chưa có một đóng góp sáng tạo của người thưởng ngoạn, bấy lâu sức tác dụng không còn là vấn đề. Vì vậy văn chương chỉ có tác dụng khi người ta biết lắng nghe nó và phát triển ý nghĩa của nó. Tác dụng văn chương chỉ có thể có trong một nhìn nhận tiếng nói của nó. Do đó đừng hỏi tác dụng của văn chương khi vẫn xem văn chương như một trò tiêu khiển, thù tạc, một nơi đánh đổi khoái cảm. Thứ văn chương như thế đã bị tàn phá.
Nói khác đi, thái độ đó muốn xác nhận mức độ mãnh liệt có thể có được của sức tác dụng văn chương. Hẳn có người sẽ dò hỏi sức tác dụng đó, nhưng có lẽ đó không phải là vấn đề quan hệ, bởi lẽ những điều kiện của tác dụng văn chương hệ tại ở sự khai mở ý nghĩa của người thưởng ngoạn. Khi ý nghĩa không còn bị chôn vùi trong những sự kiện mô tả, diễn đạt thì bấy giờ văn chương mới có cơ hội phát triển sức hành động của nó. Bao lâu tác phẩm còn ở trong một quán tính bất động, nghĩa là chưa có một đóng góp sáng tạo của người thưởng ngoạn, bấy lâu sức tác dụng không còn là vấn đề. Vì vậy văn chương chỉ có tác dụng khi người ta biết lắng nghe nó và phát triển ý nghĩa của nó. Tác dụng văn chương chỉ có thể có trong một nhìn nhận tiếng nói của nó. Do đó đừng hỏi tác dụng của văn chương khi vẫn xem văn chương như một trò tiêu khiển, thù tạc, một nơi đánh đổi khoái cảm. Thứ văn chương như thế đã bị tàn phá.
Văn chương nào để ca ngợi?
Đi từ xác nhận tiên khởi về ý nghĩa
của văn chương, chúng ta hãy tự thúc đẩy một quan niệm nhìn xét văn chương dưới
khía cạnh tích cực của nó và tạo lập cho văn chương một sức mạnh lập cước trên
một tư thế mới khi cởi mở cõi lòng thu nhận lời nói từ sâu thẳm vọng lên. Nhưng
khía cạnh tích cực đó chỉ bày ra khi văn chương dẫn đưa người đọc về trước vấn
đề, trước hiện hữu của nó hay là cưỡng bách người đọc luôn luôn bị bao hàm
trong tác phẩm, nghĩa là khi văn chương gây ra vừa là một phản động
(répercussion) vừa là một nối kết (adhésion) giữa nó và con người, giữa nó và
xã hội. Trong viễn tượng như thế, văn chương đích thực cần phải được xem như một
hiện tượng.
Một quan niệm về nghệ thuật chính là
một trong những huy động khả thể tính của nghệ thuật. Một quan niệm về văn
chương cũng là cơ hội tìm kiếm chính nó. Và mỗi một quan niệm đều khác, phân biệt,
đối nghịch với những quan niệm có sẵn, điều đó chỉ là một cách thế, nói khác đi
mỗi quan niệm là một tác động của biện chứng nhân loại (dialectique humaine).
Tác động đó có tính chất tất yếu để đưa về cuộc sinh thành mới.
Cuộc sinh thành đó là một vận chuyển
có điều kiện. Vận chuyển đó được ghi nhận qua lý do ngoại tại là thực tại xã hội.
Nói đến lý do ngoại tại tức là đã đặt ra một tương quan thân thiết giữa thực tại
xã hội và biểu lộ văn chương. Người làm nghệ thuật, văn chương thiết yếu gắn bó
với đời, hắn không thể thoát ly khỏi cuộc sống. Hắn phải va chạm thường trực với
đời sống xã hội quanh hắn. Vì vậy mà chúng ta nói nghệ thuật văn chương là một
lối biểu lộ về đời và người. Cuộc đời, thực tại xã hội là chất liệu làm nên văn
chương. Và hẳn là biểu lộ trên thể hiện bằng cái tưởng tượng, nhưng luôn đặt cơ
sở trên chất liệu đó. Và một khi biểu lộ văn chương thành hình, nó phải được gửi
tới kẻ khác và nó chỉ có được ý nghĩa trong một giao cảm với tha nhân. Như vậy
cuộc đời, xã hội vừa làm văn chương thành hình vừa đón nhận văn chương. “Toute
manifestation littéraire, esthétique en son essance, est sociale par ses
contacts avec les groupes divers qui la préparent, l’accueillent, la
condamnent, l’absorbent... Mọi biểu lộ văn chương, với yếu tính là mỹ học,
có tính cách xã hội bởi những giao tiếp của nó với những đám người khác nhau
chuẩn bị cho nó, đón nhận, kết án hay hấp thụ nó...» (1). Nhưng mỗi xã hội
ở trong một thời đại nào đó đều tự chiếm hữu cho mình một thái độ, một cách thế
sống, một lề lối suy tưởng của thời đại đó. Qua một thời đại khác, thái độ,
cách thế, lề lối đó biến đổi theo những vận chuyển lịch sử, tức là biến đổi
theo những cảnh đời mới. Chúng ta có thể đồng ý với Đặng Thai Mai khi ông cho rằng: «Ý
thức rõ rệt về tính cách biến thiên của xã hội là một nguyên lý sáng tác của
văn nghệ» (2).
Đó là một tiền đề quy nạp từ những kinh nghiệm lịch sử văn học. Chừng mực đó chưa đủ, chúng ta cần đi sâu vào mối tương quan giữa văn chương và xã hội hơn nữa. Vẫn biết sự biến hóa của xã hội tác động trên văn chương làm cho văn chương phải đòi hỏi những tình tự, những cách bày tỏ khác biệt, nhưng tác động không chỉ có một chiều. Văn chương trong viễn tượng một hiện tượng, phát biểu một hệ luận là có thể quy định một chế lập xã hội. Văn chương được kể như một sức mạnh có thể góp phần hình thành một thực tại xã hội mới, sắp đặt, tạo dựng cơ cấu sinh hoạt của một cộng đồng nhân quần. Nói khác đi, thực tại xã hội thiết yếu sinh động do một căn bản văn chương. Vì vậy ta có thể lật ngược tiền đề trên rằng ý thức rõ rệt về tác động văn chương là một phần tạo nên biến thiên của xã hội. Hiện tượng văn chương đã trở thành một cơ cấu mới của thực tại xã hội. Văn chương là yếu tố tinh thần cần thiết để một xã hội được duy trì. Đó là tính cách cơ bản của văn chương. Văn chương được coi như nguồn năng lực tự phát động làm cho sinh hoạt xã hội vận chuyển thường xuyên. «Si la littérature exerce une influence, et si le monde n’a pas cessé d’être le monde,... il faut bien admettre que l’expression littéraire a contribué à le maintenir en activité...Nếu văn chương gây một ảnh hưởng, nếu thế giới không ngừng là thế giới, phải nhận rằng biểu lộ văn chương đã giúp vào để thế giới ấy hoạt động» (3). Sự phát triển, tiến hóa của xã hội chỉ có điều kiện thể hiện nếu nó tự soi rọi để lý hội sức trì đọng của mình. Mà trì đọng là hủy thể. Xã hội nào cũng muốn tiến hóa, trong đó sự tiến hóa trí thức cũng quan trọng. Muốn quay trở lại chính mình, xã hội phải căn cứ vào văn chương, bởi văn chương là lối nhìn về thực tại, về những thuộc tính của thực tại đó. Nhìn nhận xã hội là nhìn nhận văn chương. Tóm lại văn chương vừa là cơ sở, vừa là điều kiện vận chuyển và tiến hóa của thực tại xã hội.
Đó là một tiền đề quy nạp từ những kinh nghiệm lịch sử văn học. Chừng mực đó chưa đủ, chúng ta cần đi sâu vào mối tương quan giữa văn chương và xã hội hơn nữa. Vẫn biết sự biến hóa của xã hội tác động trên văn chương làm cho văn chương phải đòi hỏi những tình tự, những cách bày tỏ khác biệt, nhưng tác động không chỉ có một chiều. Văn chương trong viễn tượng một hiện tượng, phát biểu một hệ luận là có thể quy định một chế lập xã hội. Văn chương được kể như một sức mạnh có thể góp phần hình thành một thực tại xã hội mới, sắp đặt, tạo dựng cơ cấu sinh hoạt của một cộng đồng nhân quần. Nói khác đi, thực tại xã hội thiết yếu sinh động do một căn bản văn chương. Vì vậy ta có thể lật ngược tiền đề trên rằng ý thức rõ rệt về tác động văn chương là một phần tạo nên biến thiên của xã hội. Hiện tượng văn chương đã trở thành một cơ cấu mới của thực tại xã hội. Văn chương là yếu tố tinh thần cần thiết để một xã hội được duy trì. Đó là tính cách cơ bản của văn chương. Văn chương được coi như nguồn năng lực tự phát động làm cho sinh hoạt xã hội vận chuyển thường xuyên. «Si la littérature exerce une influence, et si le monde n’a pas cessé d’être le monde,... il faut bien admettre que l’expression littéraire a contribué à le maintenir en activité...Nếu văn chương gây một ảnh hưởng, nếu thế giới không ngừng là thế giới, phải nhận rằng biểu lộ văn chương đã giúp vào để thế giới ấy hoạt động» (3). Sự phát triển, tiến hóa của xã hội chỉ có điều kiện thể hiện nếu nó tự soi rọi để lý hội sức trì đọng của mình. Mà trì đọng là hủy thể. Xã hội nào cũng muốn tiến hóa, trong đó sự tiến hóa trí thức cũng quan trọng. Muốn quay trở lại chính mình, xã hội phải căn cứ vào văn chương, bởi văn chương là lối nhìn về thực tại, về những thuộc tính của thực tại đó. Nhìn nhận xã hội là nhìn nhận văn chương. Tóm lại văn chương vừa là cơ sở, vừa là điều kiện vận chuyển và tiến hóa của thực tại xã hội.
Cuộc sinh thành một quan niệm như thế
làm xuất hiện một nhãn giới mới để diễn dịch một ý nghĩa mới. Lịch sử của nghệ
thuật, văn chương cũng như của triết lý là lịch sử của những thanh trừng. Trong
những lĩnh vực này, người ta thường thanh toán lẫn nhau, bởi lẽ không ai cùng
chấp nhận một tiêu chuẩn chung kể như là một chân lý dùng làm mực thước căn cứ
cho những phán đoán giá trị. Cho dù Ferdinand Brunetière có đi đến một thứ chủ
nghĩa tuyệt đối để cho rằng «il y a une vérité littéraire, có một chân lý
văn chương», đến bây giờ chúng ta vẫn thấy chân lý đó chỉ là một ảo tưởng, chưa
có ai chết cho chân lý đó cả. Vì vậy chỉ có chân lý riêng cho một người, cho một
thứ văn chương. Văn chương dẫn xuất từ cảnh đời của thực tại xã hội và xã hội dựa
trên văn chương. Khi có sự biến đổi cảnh đời đó tức là tự nguồn gốc đã có sự
chuyển động của văn chương. Mỗi xã hội đòi hỏi một căn bản văn chương khác
nhau, cho nên căn bản đó không thể là độc nhất.
Lối nhìn hôm nay về văn chương là muốn
nhấn mạnh đến tính cách căn bản của văn chương đối với xã hội mà từ trước người
ta đã không đặt thành vấn đề. Văn chương được kể như một hiện tượng là vì thế.
Nếu về trước người ta thưởng ngoạn nghệ thuật, văn chương với ý hướng đi tìm
cái đẹp, tìm cảm giác thỏa mãn tinh thần, tìm giải trí, thù tạc, tiêu khiển thì
hôm nay cần phải cởi bỏ những ý hướng trên mới có thể nhập vào hiện tượng văn
chương. Văn chương hôm nay chắc chắn không phải là là một thứ «văn chơi» và người
làm văn chương sẽ không bao giờ là một thứ «văn sĩ bò sát» (danh từ của Đặng
Thai Mai). Tác phẩm hôm nay không chỉ diễn xuất, sáng tạo cái đẹp. Nó đã vượt
qua tinh thần duy mỹ để nhấn mạnh tính chất và tác dụng của văn chương. Nói đến
mỹ học chỉ làm người ta càng cách xa nhau trong suy nghĩ về văn chương. «Le
sentiment esthétique, c’est l’admiration.
Cảm tính mỹ học chính là sự ngưỡng mộ» (4). Đó là điều trước tiên, nhưng ngay vấn đề này người ta vẫn không đồng ý với nhau về bản chất của nó. Lý thuyết duy trí và Victor Basch cho rằng cảm tính mỹ học không có tính cách phổ quát trong những điều kiện giống nhau, trong khi Kant xác nhận ngược lại (5). Cho đến đối tượng của cảm tính này là cái đẹp, người ta vẫn chủ trương khác nhau. Hegel thì cho cái đẹp là «biểu lộ khả xúc của ý tưởng» hay là sự đồng nhất giữa ý tưởng và hình thức;
Cảm tính mỹ học chính là sự ngưỡng mộ» (4). Đó là điều trước tiên, nhưng ngay vấn đề này người ta vẫn không đồng ý với nhau về bản chất của nó. Lý thuyết duy trí và Victor Basch cho rằng cảm tính mỹ học không có tính cách phổ quát trong những điều kiện giống nhau, trong khi Kant xác nhận ngược lại (5). Cho đến đối tượng của cảm tính này là cái đẹp, người ta vẫn chủ trương khác nhau. Hegel thì cho cái đẹp là «biểu lộ khả xúc của ý tưởng» hay là sự đồng nhất giữa ý tưởng và hình thức;
A.G.Baumgarten cho là sự hoàn
thành có thể làm xúc cảm (5); Nguyễn Bách Khoa cho là «một khái niệm hoàn
toàn xã hội», «một khái niệm đẳng cấp», «một khái niệm nhân tạo do ý thức chủ
quan của một xã hội ảnh hưởng qua lại với một thực tại khách quan»
(6); Rémy de Gourmont chủ trương không có cái đẹp tuyệt đối; Maurras, La
Harpe cho là có cái đẹp vĩnh cửu, hợp lý (7). Những quan niệm trên đều
khác nhau, điều đó dễ hiểu bởi vì đúng như lời David Hume nói: «Beauty is
no quality in things themselves, it exists merely in the mind which
contemplates them. Cái đẹp không có tính chất nào nơi chính sự vật, nó chỉ
có trong ý tưởng kẻ thưởng ngoạn những sự vật đó” (8). Hay như Victor
Basch nói: “Le caractère esthétique d’un objet n’est pas une qualité de
cet objet, mais une activité de notre moi, une attitude que nous prenons en
face de cet objet. Tính cách mỹ học của một sự vật không phải là tính chất
của sự vật ấy, nhưng là một hoạt động của bản ngã ta, một thái độ ta có trước sự
vật ấy». Vì thế chỉ có cái đẹp của từng trường hợp, từng cá nhân, từng thời đại.
Mỗi người lĩnh hội cái đẹp qua một ý thức chủ quan và trên một cơ sở ẩn tàng gọi
là ý thức mỹ học (conscience esthétique) của nó. Vậy quan niệm về cái đẹp là một
quan niệm bất định nơi mỗi người, khó có thể có một tiêu chuẩn chung để đo lường
những cấp độ mỹ học.
Lại nữa, một tác phẩm bày tỏ cái đẹp
có đủ tư cách để xác định là một tác phẩm nghệ thuật hay không. A.Lalande cũng
như V.Cousin đều chấp nhận như vậy. Đó là viễn tượng truyền thống mà H.Taine và
nhiều người khác vẫn luôn luôn trung thành. Thiết tưởng cái đẹp chỉ là đời sống
sơ khai của một tác phẩm nghệ thuật, nhất là văn chương. Nó chỉ tác động trên
người thưởng ngoạn bằng một cảm tính chỉ có giá trị đối với ý hướng đi tìm nó.
Đời sống sơ khai trên là cấp bậc yếu kém của cuộc hiện sinh của một tác phẩm
nghệ thuật, chưa thể vươn đến hình thái siêu đẳng của cuộc hiện sinh đó.
Tác phẩm nghệ thuật cũng không
phải để khêu gợi cảm giác như quan niệm của L.Tolstoy: «To evoke in
oneself a sensation which one has experienced before, and having evoked it in
oneself, to communicate this sensation in such a way that others may experience
the same sensation so that other men are infected by these sensations and pass
through them, in this does the activity of Art consist. Gợi lên nơi mỗi
người một cảm giác mà nó có kinh nghiệm trước, và khi đã gợi lên phải truyền cảm
giác đó trong một cách thế nào để kẻ khác được thu nhận và trải qua những cảm
giác đó, hoạt động nghệ thuật hệ tại ở việc đó” (9). Cái đẹp cũng như cảm giác
chỉ dừng lại ở bình diện cảm quan, cũng vì lẽ này mà người ta thường xem tác phẩm
như một trò mua vui. Một tác phẩm nghệ thuật chính thống thiết yếu phải vượt
qua đời sống sơ khai đó để tiến đến một đời sống cao hơn, tác động mãnh liệt và
oanh liệt trên thực tại xã hội của nó.
Ngôn ngữ văn chương
Có điều cần nhắc tới nữa là ngôn ngữ
văn chương vì được quan niệm dung dị cho nên mới dẫn đến đời sống sơ khai như
thế. Triết gia Gaston Bachelard có nói: “Le poète parle au seuil
de l’être. Lời nói của nhà thơ ở ngay bờ hữu thể”. Nhà thơ bày tỏ những gì
ẩn giấu trong bản thể qua sáng tác, tức là ngôn ngữ. Song ngôn ngữ chưa hẳn là
một con đường trực tiếp, đã có sự biến đổi giữa cái tha quy (pour-soi) và cái tự
nội (en-soi). Thiết tưởng con đường dẫn về một tác phẩm nghệ thuật, văn chương
không phải là một con đường thẳng mà là một đường cong. Hiện tượng văn chương
không tác động lên người thưởng ngoạn một cách trực tiếp như trong một cảm tính
của đời sống cảm quan mà tác động theo tiến trình hoạt động lĩnh hội của người
đọc. Sở dĩ người ta không đi đến văn chương một cách tức thì bởi lẽ ngôn ngữ
văn chương là một ngôn ngữ gián tiếp và đa chiều. Lý lẽ này thuộc về quan niệm
hiện tượng văn chương nói trên. “Les habitudes du langage sont, de toute
évidence, la première de ces exigeants fatalités, et ce n’est pas sans raison
que la plupart des grands mouvements littéraires s’accompagnent d’une
révolution linguistique. Những tập quán của ngôn ngữ hết sức hiển nhiên là
cái đầu tiên của những số mệnh bó buộc, và không phải vô lý khi cho rằng hầu hết
những trường phái văn chương lớn đều kéo theo một cuộc cách mạng ngữ học »
(10). Vì vậy ngôn ngữ của nền văn chương này khác hẳn ngôn ngữ nền văn chương
kia. Một nền văn chương đều phát sinh một ngôn ngữ riêng kể như là cá tính nền
văn chương đó. Ngôn ngữ văn chương không phải là một ngôn ngữ vô ngã, nhưng nó
tùy thuộc người sử dụng. Người làm văn chương có thể ức hiếp, đàn áp ngôn ngữ để
buộc nó đảm nhiệm động tác truyền đạt cảm nghĩ của người dùng nó. Vì vậy trong
văn chương, nhất là trong thi ca, ngôn ngữ không còn ý nghĩa của nó. «Le
poète usant des mots pour dire, non pas leur sens seulement, mais au delà
de leur sens leur correspondance incantatoire au monde qu’ils ont charge de
maitriser, on peut le définir comme l’homme qui se sert des mots non pas
seulement selon leur sens mais selon leur pouvoir. Thi sĩ dùng những từ,
không phải chỉ ý nghĩa của chúng mà ở bên kia ý nghĩa đó để nói lên sự giao cảm
thần chú với thế giới mà chúng có nhiệm vụ chế ngự, người ta có thể định nghĩa
thi sĩ như người dùng những từ không phải theo ý nghĩa của chúng mà theo khả
năng của chúng» (11). Muốn lý hội hết ý nghĩa mà người làm văn
chương muốn trình diễn, người thưởng ngoạn phải đi quá ngôn ngữ đó, phải vượt
trên ý nghĩa thông thường, bởi vì ngôn ngữ không nói được hết, nó chỉ có một khả
năng giới hạn. Vì lẽ đó mà Sartre cũng như Parain cho rằng ngôn ngữ phản bội
chúng ta hay những nhà hiện sinh xem ngôn ngữ là một nô tính siêu hình
(servitude métaphysique). Đó cũng là lý do khiến Vũ Bằng viết: «Tiểu thuyết,
cũng như đời, rất khó mà kể lại, rất khó mà tóm thuật, rất khó mà hiểu» (12).
Người làm văn chương trong tình cảnh đó sẽ tìm ra những phương thức để diễn đạt
tình tự, cho nên mặc dù ngôn ngữ là hạn định, hắn cũng có thể trao gửi đến mọi
người những điều hắn muốn nói. Phương thức đó với M.Ponty là làm những tư tưởng
hiện hữu trước ta theo cách thế của những sự vật; với phái tượng trưng là những
ẩn dụ (métaphores)... Những phương thức đó là giá trị kỹ thuật của người sáng tạo.
Lĩnh hội văn chương trước hết phải ghi nhận kỹ thuật, từ đó mới có thể xâm nhập
bản thể văn chương. Mặt khác, vì lẽ văn chương phơi bày một cách gián tiếp với
những vẻ trắc diện của nó, cho nên văn chương có thể có nhiều hình thái ý
nghĩa. Trình độ thưởng ngoạn của người đọc sẽ tạo nên những hình thái này. Như
vậy thưởng ngoạn văn chương với ngôn ngữ của nó không còn là vấn đề dung dị nữa.
Tác phẩm không tự bày tỏ ra tức thì nhưng sự bày tỏ biến thiên theo nỗ lực truy
tầm ý nghĩa của người đọc.
Nói tóm lại, trong triển vọng đưa
vào đích thực những hiện tượng văn chương, cần phải cởi bỏ mọi thái độ dễ dãi
trong ý hướng đón nhận văn chương. Văn chương hôm nay phát sinh từ một sáng tạo
bi thiết. Sáng tạo đó cũng chính là một lối xử thế, một thái độ trước cuộc đời.
Viết là phân trần, là bày tỏ, là lên tiếng. Do đó văn chương hôm nay mang ý
nghĩa đối thoại với cuộc đời, với người. Đối thoại với một tinh thần thẳng thắn,
nghiêm trang như là một hành động thuộc về trí thức. Nơi gặp gỡ, đối thoại đó là
tác phẩm. Tác phẩm là tiếng nói, là thái độ được thể hiện ra. Tác phẩm có tính
cách đối nghịch, vừa là nơi nhập thế vừa là nơi xuất thế của người làm nghệ thuật,
người làm văn chương. Bằng tác phẩm, người làm văn chương tự trình diện với đời,
tự cọ xát với xã hội, tha nhân; hắn tự cột chặt trong những tương quan tha thiết
đó. Từ vị trí đặt định, hắn nhìn về đời và cái nhìn đó nói lên chân lý cho người
khác, cho xã hội. Nhưng cũng bằng tác phẩm, người làm văn chương vươn khỏi xã hội
hắn đang sống; hắn không bị chìm đắm, bị áp đảo bởi xã hội. Văn chương là dự
phóng của xã hội, cho nên người làm văn chương đi trước xã hội. Bởi lẽ chân lý
của hắn là điều kiện tiến hóa của xã hội. Léopardi cho rằng chúng ta thật sung
sướng được trở thành trẻ con nhờ bởi thi ca (13). Trẻ con là sự hồn nhiên trong
sáng và tính chất này là nhân tố mặc khải chân lý trên. Và cũng bởi là điều kiện
tiến hóa cho nên tác phẩm là một lối phò thế. Có thể ví những cảnh đời trong
tác phẩm như những tai nạn mà kẻ phân xử là người thưởng ngoạn, người đọc. Thưởng
ngoạn là tham dự, khai mở những ý nghĩa, giải quyết những vấn đề, những câu hỏi,
bởi vì như Claude Roy nói, viết một tiểu thuyết, một thi phẩm chính là đặt câu
hỏi, chính là tự hỏi và tra hỏi người khác. Vì vậy tác phẩm như một đáp lời cho
người thưởng ngoạn bởi chính người thưởng ngoạn. Tác phẩm được đưa vào đời
chính là qua tác động đó.
Trong viễn tượng như thế, nghệ thuật,
văn chương bao hàm một ý thức, một thái độ trong sáng, một hoạch định gửi về đời,
về một thực tại xã hội. Đặng Thai Mai đã từng nói: «Không có đặc sắc nội
dung thì không có văn học; và nếu như rời tư tưởng ra, nếu không có tư tưởng
thì văn chương chỉ có nghĩa là du dương, lòe loẹt , phù phiếm và vô dụng
mà thôi» (14). Một nền văn chương có giá trị bao giờ cũng bày tỏ được thái
độ và ý thức của người làm văn chương trước xã hội của hắn. Do đó văn chương được
coi như dấu tích của hành động bằng tư tưởng, dấu tích ký thác cho đời, giao ước
với người của kẻ chọn lựa cuộc sống hùng cường là nghệ thuật. Cl.Ed.Magny có
nói: «L’oeuvre littéraire n’est pas simple distraction passagère, mais
trace, repère, témoignage de sa vie spirituelle laissés par l’écrivain, comme
ces sandales qu’Empédocle abandonna, dit-on, aux bords de l’Etna avant de se
lancer vers une dernière aventure. Tác phẩm văn chương không
đơn giản là thứ tiêu khiển chóng qua, nhưng là dấu tích, mốc giới, chứng cớ của
đời sống tinh thần mà người làm văn chương để lại, như đôi dép của nhà hiền triết
Empédocle để lại bên bờ miệng núi lửa Etna trước khi lao mình vào một cuộc
phiêu lưu cuối cùng». Văn chương là di sản mà xã hội là thừa tự. Di sản đó là
giá trị vươn tới mà người làm văn chương dốc lòng sáng tạo, sáng tạo trong sự
thiết tha nồng thắm với đời, với xã hội. Tóm lại, tác phẩm văn chương chính là
một ý thức đang trở thành hành động.
Trong viễn tượng một nền văn chương
như thế, làm thế nào để phán đoán nó? Vẫn biết phê bình là ý thức của văn
chương như P.Souday nói, nhưng phê bình trong hiện tượng văn chương trước hết
biến thái theo cách thế triển khai ý nghĩa với nhiều khuynh hướng khác nhau.
Sự triển khai ý nghĩa đó là sự kéo
dài của lĩnh hội. Một cái nhìn đại thể về hiện tượng văn chương sẽ là cái nhìn
thiếu sót, không thấu triệt mọi khía cạnh của nó. Tác phẩm là một sự chờ đợi được
đổ đầy ý nghĩa từ người thưởng ngoạn. Càng lĩnh hội văn chương càng trườn mình
ra. Như vậy thì phê bình, đúng như viễn tượng của Th.Maulnier, là một thứ dàn cảnh
mà người đọc buộc phải tự mình tìm kiếm vị trí để đi sâu vào văn chương. Người
đọc là người cầm giữ số phận tác phẩm và định đoạt tác phẩm. Người làm văn
chương sinh ra tác phẩm và người đọc là kẻ dưỡng nuôi nó. Tác phẩm lớn lên do
phần đóng góp của những người chung quanh, càng làm quen nó mới dễ nhận nó. Nói
khác đi, động tác phê bình là sự tham dự toàn vẹn với tác phẩm, tham dự lắm khi
như một phiêu lưu cá nhân. E.Jaloux chấp nhận điều này và mới đây thi sĩ Ezra
Pound cũng đồng ý như vậy khi trả lời cho một người phỏng vấn: «Le
meilleur critique est celui qui écrit lui-même. Il fera quelquefois un
commentaire intelligent avant, mais il est plus probable qu’il le fera
après. Người phê bình giỏi nhất là kẻ viết về chính mình. Đôi khi hắn có lời
bình luận khéo léo trước, nhưng có lẽ hắn thường làm việc đó sau» (15). Ý
kiến này chúng ta sẽ không xét tới nhưng phải ghi nhận để nhấn mạnh sự tham dự
hết sức thân thiết vào một tác phẩm của người thưởng ngoạn. Lối phê bình ấn tượng
cũng chú trọng đến những ý niệm, những phản ứng chủ quan trước một tác phẩm văn
chương. Đó là điều kiện thiết yếu để khám phá văn chương. Lĩnh hội sâu sắc là
khám phá, và những ý nghĩa được người thưởng ngoạn mô tả cũng chính là một phán
đoán về sự hiện hữu của văn chương. Như vậy phán đoán giá trị (jugement de
valeur) chỉ là sự biến dạng của phán
đoán sự kiện (jugement de fait), bởi vì sự kiện khi được người
làm văn chương mô tả sẽ trở thành hiện tượng, cắt nghĩa cho thực tại và giá trị
tự tại của hiện tượng đó cũng là một giá trị tiên khởi của văn chương. Matthew
Arnold cho rằng thi ca là một thứ phê bình đời sống cũng bởi lý lẽ trên, vì chọn
lựa cách thế này mà không phải cách thế kia để nhìn về đời trong văn chương
cũng bao hàm một lối phê phán về đời vậy. Nỗ lực nhằm triển khai hiện tượng văn
chương cũng là cách ghi nhận sự phê phán đó của người làm văn chương. Vì vậy
phán đoán về hiện tượng trong văn chương cũng là phán đoán về giá trị văn
chương. Trong tình cảnh đó, người thưởng ngoạn buộc phải lĩnh hội tác phẩm đến
một chừng mực có thể có được, triển khai tác phẩm trong những chiều hướng có ý
nghĩa đó.
Mặt khác, ý hướng lĩnh hội sẽ gặp trở
ngại bởi vì ngôn ngữ văn chương là một ngôn ngữ hàm hồ, mở ra nhiều mặt ý
nghĩa. Vậy muốn lĩnh hội để triển khai, tác động đó phải đua tranh và tranh chấp
cùng ý nghĩa. Nói khác đi, người thưởng ngoạn phải có lấy một chọn lựa giữa những
ý nghĩa mà hiện tượng văn chương có thể khêu gợi ra. Chọn lựa trong một thế tác
động oanh liệt và thực nghiệm trên những người giao tiếp với tác phẩm khiến cho
giữa tác phẩm và những người đó có thể gây ra một xung đột, một mối bất hòa hay
là một tán đồng, ưng thuận trong đời sống tinh thần. Chẳng những thế, sự chọn lựa
đó còn cố gắng xây dựng một ý nghĩa cho tác phẩm, bởi vì hiện tượng văn chương
được mô tả bao giờ cũng soi về đời bằng một ý nghĩa. Người làm văn chương chính
là kẻ làm xuất hiện ý nghĩa của đời, hay theo Blanchot, của cuộc hiện sinh hoàn
toàn là đêm tối và hỗn độn (16).
Sự chọn lựa đó có thể tốt đẹp khi nó có lợi cho tác phẩm, đồng thời có lợi cho cả đám đông mà tác phẩm đó gửi đến. Như thế ý nghĩa hiện tượng văn chương mới được thể nghiệm và lúc đó người làm văn chương được xem như chu toàn việc truyền một sứ điệp mà theo T.S.Eliot là một nhiệm vụ xã hội mà người làm văn chương thời nay buộc phải có (17). Lại nữa, vì tính cách khó đến gần của ngôn ngữ văn chương cho nên sự chọn lựa đó gặp phải khó khăn và cần thiết. Điều đó đòi hỏi ở nhà phê bình khả năng và đức tính thích hợp với hoạt động cắt nghĩa văn chương, với hoạt động tạo cho thế giới sở hữu một ý nghĩa văn chương.
Sự chọn lựa đó có thể tốt đẹp khi nó có lợi cho tác phẩm, đồng thời có lợi cho cả đám đông mà tác phẩm đó gửi đến. Như thế ý nghĩa hiện tượng văn chương mới được thể nghiệm và lúc đó người làm văn chương được xem như chu toàn việc truyền một sứ điệp mà theo T.S.Eliot là một nhiệm vụ xã hội mà người làm văn chương thời nay buộc phải có (17). Lại nữa, vì tính cách khó đến gần của ngôn ngữ văn chương cho nên sự chọn lựa đó gặp phải khó khăn và cần thiết. Điều đó đòi hỏi ở nhà phê bình khả năng và đức tính thích hợp với hoạt động cắt nghĩa văn chương, với hoạt động tạo cho thế giới sở hữu một ý nghĩa văn chương.
Bởi tính cách không ngay thẳng của
ngôn ngữ văn chương mà người thưởng ngoạn luôn luôn bị đặt trong một tình cảnh
tìm kiếm lấy mình. Nếu con người không ngừng là thân phận con người thì văn
chương là cái bẫy nhốt kín mọi người chúng ta mỗi khi va chạm nó. Nói khác đi,
văn chương bao hàm mọi tình trạng đặc biệt của đời, của người nên chúng ta có
thể bắt gặp mình trong đó. Nhưng ý nghĩa của cảnh đời trình diễn trong văn
chương không được bày tỏ minh nhiên cho nên chúng ta phải sống cảnh đời đó để
lý hội nó. Chúng ta cọng thêm vào tác phẩm bằng những cảm nhận, suy tư, phán định;
từ đó xâm nhập bản thể văn chương. Những hoạt động cọng thêm vào tác phẩm đó sẽ
bất toàn nếu người thưởng ngoạn không tự đào luyện được những kinh nghiệm, cọ
xát với những khía cạnh sâu xa, cùng thẳm của cảnh đời. Có được kinh nghiệm như
thế thì lĩnh hội mới phong phú, giàu mạnh. Đúng như P.Bourget quan niệm, trong
văn chương điều kiện đầu tiên để suy tưởng, để gây ra suy tưởng chính là một
kinh nghiệm sinh động (18). Kinh nghiệm có thể hình thành theo nhiều lối. Khi
có kinh nghiệm để sống những cảnh đời trong văn chương, người thưởng ngoạn có
thể đưa những cảnh đời đó về chung quanh mình hoặc có thể đưa mình về những cảnh
đời đó. Trong cả hai trường hợp, người đọc cảm thấy như bị cưỡng bách đi tìm kiếm
lấy mình, trong cùng một thân phận nhân loại, một cảnh giới thế gian nhằm tạo lập
những chiều hướng ý nghĩa song song cuộc hành trình với văn chương. Như thế ý
nghĩa văn chương được phát triển trong một tương giao, một gia nhập thiết tha của
toàn bộ đời sống của người thưởng ngoạn. Nói cho cùng, người đọc là thành phần
của tác phẩm. Tác phẩm bao giờ cũng nắm lấy người đọc để nó được hiện hình.
Trong ý nghĩa đó, phê bình chính là
một khôn ngoan sáng tạo. Một tác phẩm phải được kiện toàn chính nó qua một sự
sáng tạo, phải được tô bồi vào kiến trúc của nó bằng sự xây dựng sinh động của
người thưởng ngoạn. «La poésie n’est pas seulement la création du poète;
elle est la re-création de tous les autres hommes, c’est-à-dire du génie de
l’humanité. Le poète lui-même n’est pas en posture différente des autres hommes
en présence de la poésie déjà créée... Thi ca không phải chỉ là sự sáng tạo
của người làm thơ, nó là sự tái tạo của mọi người khác, nghĩa là của thiên tính
nhân loại. Người làm thơ không ở trong một cảnh ngộ khác với mọi người trước công
trình thi ca đã sáng tạo...» (19). Sự xây dựng đó là một điều thiết yếu bởi văn
chương không độc đoán, duy nhất. Lúc sáng tạo chính là lúc ức hiếp ngôn ngữ,
cho nên lời văn, lời thơ, nói chung là bút pháp, bao giờ cũng chỉ bày tỏ được một
trong toàn bộ tình tự mà người làm văn chương muốn thể hiện. Hay nói theo
Herzog, bút pháp chỉ định một thái độ của người làm văn chương trước chất thể
cuộc đời (20). Muốn hiểu văn chương, phải đi quá một tình tự hay thái độ để như
thế người thưởng ngoạn mới mong bắt gặp tác giả trong một bình diện lớn rộng
hơn, bắt gặp lời phân trần tha thiết. Nghĩa là chữ nghĩa văn chương luôn luôn ở
trong một tình trạng bao hàm những chữ nghĩa khác, vì thế nó phải được diễn dịch,
được phát triển thường trực.
Nhất là trong viễn tượng hiện tượng văn chương, tác động đó như một đòi hỏi tất yếu để quy về những ý nghĩa phong phú của viễn tượng đó. Có điều người ta nghi ngờ đến nỗi bi quan như Blanchot là mọi (danh) từ (mot) tự bản chất đều là lời dối trá, vì thế mà theo ông, thật điên rồ khi tin rằng mỗi danh từ diễn tả hoàn toàn một sự vật. (Sự bất cập và bất lực của ngôn ngữ?).Thiết nghĩ cực đoan đó chẳng khác nào một phủ nhận, một xóa bỏ thực tại vậy. Bởi lẽ nếu văn chương, bản chất là một cơ cấu những từ, là dối trá thì sự hiện diện của nó sẽ không được kể tới. Thực tế trái ngược với điều này. Dù không quyết đoán như René Lalou rằng «toute pensée est exprimable, donc accessible - mọi tư tưởng có thể diễn tả, như vậy có thể hiểu được» (21), ta cũng nhận rằng căn chương trong tư thế của nó không phải là một thứ hư vô chủ nghĩa. Nghĩa là chữ nghĩa văn chương bao giờ cũng nói lên một ý nghĩa nào đó. Tuy nhiên nó luôn luôn đòi hỏi tác thành bằng những ý nghĩa bao hàm do bởi sáng tạo của người thưởng ngoạn. Cũng chính vì vậy muốn đi vào văn chương cần phải có một khôn ngoan. Khôn ngoan đó là điều kiện mở mang văn chương, là xuất phát điểm của văn chương trên hướng tiến vào lịch sử, vào hậu thế của tác phẩm (postérité de l’oeuvre).
Nhất là trong viễn tượng hiện tượng văn chương, tác động đó như một đòi hỏi tất yếu để quy về những ý nghĩa phong phú của viễn tượng đó. Có điều người ta nghi ngờ đến nỗi bi quan như Blanchot là mọi (danh) từ (mot) tự bản chất đều là lời dối trá, vì thế mà theo ông, thật điên rồ khi tin rằng mỗi danh từ diễn tả hoàn toàn một sự vật. (Sự bất cập và bất lực của ngôn ngữ?).Thiết nghĩ cực đoan đó chẳng khác nào một phủ nhận, một xóa bỏ thực tại vậy. Bởi lẽ nếu văn chương, bản chất là một cơ cấu những từ, là dối trá thì sự hiện diện của nó sẽ không được kể tới. Thực tế trái ngược với điều này. Dù không quyết đoán như René Lalou rằng «toute pensée est exprimable, donc accessible - mọi tư tưởng có thể diễn tả, như vậy có thể hiểu được» (21), ta cũng nhận rằng căn chương trong tư thế của nó không phải là một thứ hư vô chủ nghĩa. Nghĩa là chữ nghĩa văn chương bao giờ cũng nói lên một ý nghĩa nào đó. Tuy nhiên nó luôn luôn đòi hỏi tác thành bằng những ý nghĩa bao hàm do bởi sáng tạo của người thưởng ngoạn. Cũng chính vì vậy muốn đi vào văn chương cần phải có một khôn ngoan. Khôn ngoan đó là điều kiện mở mang văn chương, là xuất phát điểm của văn chương trên hướng tiến vào lịch sử, vào hậu thế của tác phẩm (postérité de l’oeuvre).
Ném một cái nhìn đại thể trên văn
chương kể như một hiện tượng cùng sự trở về đích thực với văn chương đó, chúng
ta đã mở ra một quan điểm từ đó lập cước một lề lối sinh hoạt văn chương, nghệ
thuật. Quan điểm đó nhằm thu hồi văn chương khỏi tình trạng vô bằng (gratuit) để
vận động một lối xuất hiện kỳ diệu và thiết thực hơn. Văn chương là sự đời thâu
tóm lại nhưng cũng mở ra những sự đời mới. Đây chính là lúc văn chương muốn bày
tỏ, trao gửi những lời phân trần đến một xã hội mà văn chương trong một tình cảnh
nào đó phải đảm nhận, chu toàn. Ở đây tình cảnh đó chính là bối cảnh lịch sử
đen tối, suy vong diễn ra trùng trùng lớp lớp. Bởi vậy văn chương phải vận động
lịch sử bằng một ý thức hành động thực nghiệm, đi trước xã hội. Chính trong ý
nghĩa này, văn chương trình diễn một lối phò thế bởi sự quy định những chiều hướng
vươn phóng cho một thực tại xã hội, một cộng đồng nhân loại. Nhìn nhận văn
chương trong triển vọng quy định trên, chúng ta sẽ tự tạo dựng một chế lập xã hội
đứng trên những ngả tác động biến đổi của nền văn chương đó. Đặt mình trong bối
cảnh lịch sử hôm nay, những biểu lộ văn chương muốn ở về phía bên kia của sự phản
động, suy tàn. Ý nghĩa của văn chương, do đó, xuất phát từ một thái độ chọn lựa
đứng trên dòng tiến hóa. Văn chương hệ tại nhằm thao diễn một dự phóng biến động
nhằm đặt thành một cơ cấu phát triển nhân loại, có thế văn chương mới là căn bản
của xã hội. Đó chính là quy chế mới của văn chương vậy.
May mắn thay, trải qua cuộc chiến
tranh khốc liệt, tôi vẫn giữ được tờ báo ronéo Hành Động (Huế, 1967),
trong đó có bài trên đây, viết từ 45 năm trước. Thời gian khá dài cho một đổi
thay trong tư tưởng, tuy nhiên tôi vẫn giữ nguyên vẹn những gì mình suy
nghĩ từ thời còn trẻ, giữ nguyên những thuật ngữ bây giờ ít dùng và có thêm những
cái tựa nhỏ. Học văn rồi suy nghĩ về văn chương, những suy nghĩ chắc hẳn đi ra
từ một thời đại xương máu và đau thương, từ một xã hội bạo động và máu lửa, từ
một thế hệ khắc khoải và ưu tư. Văn chương có ích gì trong một thời đại như vậy,
trong một xã hội như vậy, cho một thế hệ như vậy? Tôi vẫn tin rằng văn chương cần
phải có ích, lại càng phải cấp thiết hơn nữa, nếu văn chương ấy biết giúp đời,
cứu người. Văn chương phải cứu vớt được xã hội, rộng hơn, cả nhân loại; thay đổi
được số phận một con người, rộng hơn, số phận của nhân loại. Tôi không cho rằng
đó chỉ là ảo tưởng mà là một niềm tin mãnh liệt, không phải chỉ của một
người mà có thể là của một xã hội, một quốc gia và thế giới. Vấn đề là ai nhận
ra sứ mệnh của người cầm bút, ai là người tự mang lấy trách nhiệm để chứng tỏ với
lịch sử cái mục đích cao cả ấy. Người cầm bút ấy là người vĩ đại và thứ văn
chương ấy mới chính là thứ văn chương đáng để ca ngợi.
Niềm tin ấy bất ngờ được củng cố,
sau 44 năm, nhân đọc bài diễn văn dài của nhà văn đoạt giải thưởng Nobel văn
chương năm 2010. Đó là Mario Vargas Llosa, người Peru. Một nhà văn lớn lên từ một
nền văn hóa Mỹ-Latinh, thu nhận nhiều điều từ văn hóa phương Tây, đã suy nghĩ về
văn chương như thế nào? Trong bài diễn văn ấy, nhà văn nói: «Sartre dạy
tôi rằng ngôn từ là hành động, rằng một cuốn tiểu thuyết, một vở kịch hay một
tiểu luận, trong những giai đoạn nhất định và với những điều kiện thuận lợi, có
thể làm thay đổi cả cục diện của lịch sử. Camus và Orwell dạy tôi rằng văn
chương mà không có đạo đức là văn chương phi nhân, còn Malraux thì dạy tôi rằng
chủ nghĩa anh hùng và anh hùng ca có thể xuất hiện trong thời đại ngày nay cũng
như đã từng xuất hiện vào thời của các Argonauts, thời của Odyssey và Iliad…”.
“Văn chương không còn là
trò chơi nữa. Nó đã trở thành phương tiện nhằm chống lại nghịch cảnh, phương tiện
phản kháng, bạo loạn, phương tiện giúp tôi chạy trốn khỏi những điều không thể
chịu đựng nổi, trở thành ý nghĩa của cuộc đời…Văn chương không chỉ là giải trí,
không chỉ là bài tập của trí não, nhằm mài sắc cảm giác và đánh thức tinh thần
phê phán. Nó là thành tố tuyệt đối cần thiết cho chính sự tồn tại của nền văn
minh…”.
“Văn chương trở thành phép màu
khi nó tặng cho ta hi vọng sở hữu cái mà chúng ta không có, thành người mà
chúng ta không là, sống cuộc đời chưa ai từng sống, trong đó, cũng giống như
các vị thần của người ngoại đạo, chúng ta cảm thấy mình vừa là những kẻ hữu
sinh hữu tử, lại vừa trường sinh bất lão, nó đưa vào tâm hồn chúng ta tinh thần
phản kháng, không chấp nhận gió chiều nào che chiều ấy, đấy là nền tảng của tất
cả những sự nghiệp anh hùng góp phần vào việc làm giảm nhẹ tính chất thô bạo
trong quan hệ giữa người với người”. (22)
Mới đây, trong phần trả lời một cuộc
phỏng vấn của báo Izvestina (Nga), Mario Vargas Llosa lại một lần nữa
khẳng định:“Tôi vẫn quan niệm nhà văn có trách nhiệm, có bổn phận đạo lý tham
gia các cuộc tranh luận trong xã hội, đặc biệt là ở những nước mà mọi chuyện
chưa phải đã êm thắm, mà đấy lại là phần lớn của cả thế giới”.
“Nếu văn học bị hoàn toàn mất liên lạc với những gì đang diễn
ra trong đời thực thì nó sẽ trở thành bèo bọt, hời hợt. Những tác phẩm văn học
vĩ đại bao giờ cũng khắc họa được những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội,
những vấn đề chủ yếu của nó và những mong đợi của con người”.
“Văn chương giúp ta thính nhạy lên rất nhiều đối với tất cả,
từ khổ đau đến hạnh phúc. Và với ý nghĩa đó, tôi hết sức nghiêm túc mà tin rằng
văn chương nghệ thuật có một ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống”.(23)
Làm sao mà lại không có niềm tin? Mấy
mươi năm tôi vẫn trung thành với ý nghĩ của chàng trai trẻ là tôi thuở ấy, bởi
đó không chỉ là niềm tin mãnh liệt, bền bỉ mà còn là niềm khao khát và trên hết,
cũng bởi vì tình yêu mãi mãi đối với văn chương.
CHÚ THÍCH:
(1) F.Baldensperger, La littérature, Paris, 1927, tr.2.
(2) Đặng Thai Mai, Văn học khái luận, Saigon, 1950,
tr.57.
(3) F.Baldensperger, sách đã dẫn, tr. 236.
(4) R.Bayer, Traité d’esthétique, Paris, A.Colin, 1956,
tr.196.
(5) xem A.de Gramont-Lesparre, Essai sur le sentiment
d’esthétique, ..., tr.9,13.
(6) Nguyễn Bách Khoa, Văn chương truyện Kiều, Hà Nội, Thế
Giới, 1953, tr.103,122,124.
(7) xem I.A.Richars, Principles of literary criticism,
..., tr.186.
(8) xem J.C.Carloni, La critique littéraire, Paris, PUF,
1960, tr.57,74.
(9) xem I.A.Richars, sđd, tr.64.
(10) F.Baldensperger, sđd, tr.57.
(11) Thierry Maulnier, Introduction à la poésie
francaise, Paris, Gallimard, 1959, tr.14.
(12) Vũ Bằng, Khảo về tiểu thuyết, Saigon, Phạm Văn
Tươi, 1951, tr.55.
(13) xem Y.Belaval, La recherche de la poésie,...,
tr.11.
(14) Đặng Thai Mai, sđd, tr.171.
(15) tuần báo Arts, số 5 (27/10 - 2/11/1965),
tr.15.
(16) xem M.de Diéguez, L’écrivain et son langage, Paris,
Gallimard, 1960, tr.163.
(17) xem Brooks, An approach to literature, ..., tr.571.
(18) P.Bourget, Nouvelles pages de critique et de
doctrine, Paris, Plon, tập 2, tr.24.
(19) Benedetto Croce, La poésie, Paris, PUF, 1951,
tr.103.
(20) xem Marcel Cressot, Le style et ses techniques,
Paris, PUF, 1956, tr.4.
(21) René Lalou, Défense de l’homme, Paris, 1926, tr.40.
(22) Phạm Nguyên Trường dịch, xem http://nobelprize.org/
http://www.vanchuongviet.org/
(23) Đăng Bẩy lược dịch từ Izvestina.ru, http://tuoitre.vn/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét