Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Hồng lâu mộng 21

Hồng lâu mộng 21
Hồi 101:
Vườn Đại Quan đêm trăng rợn hồn ma
Chùa Tán Hoa quẻ thần ghê điềm lạ
Phượng Thư về nhà, thấy Giả Liễn vẫn chưa về, liền bảo đầy tớ sắm sửa hành lý và các đồ cần dùng của Thám Xuân. Lúc đó trời đã bắt đầu tối. Phượng Thư sực nghĩ đến Thám Xuân, muốn đến thăm, liền gọi Phong Nhi và hai a hoàn nữa đi theo, một người thứ ba cầm đèn lồng đi trước.
Ra khỏi cửa, thấy bóng trăng đã lên, chiếu sáng như nước. Phượng Thư liền cho người cầm đèn về. Đến dưới cửa sổ phòng trà, nghe bên trong có người nói rì rầm như khóc, như cười lại như bàn bạc cái gì, chắc lại bọn bà già trong nhà bàn tán chuyện gì đây, trong lòng Phượng Thư tức bực, liền bảo Tiểu Hồng:
- Mày vờ như không để ý.,vào hỏi dò và nói khéo cho ra đầu đuôi.
Tiểu Hồng vâng lời đi.
Phượng Thư cùng Phong Nhi đến trước cửa vườn. Cửa chưa đóng, chỉ khép hờ. Hai thầy trò vừa đẩy cửa đi vào. Bóng trăng trong vườn càng sáng lung linh; bóng cây che khắp mặt đất im bặt tiếng người, cảnh tượng rất là thê lương tịch mịch. Hai người vừa muốn đi theo con đường đến Thu Sảng trai, bỗng có tiếng gió vi vút thổi qua, lá cây trên cành rơi xuống, cả vườn nổi lên một loạt những tiếng lắc cắc. Trên cành cây có tiếng sột soạt, làm cho chim quạ đậu đó đều giật mình hay lên. Phượng Thư vừa mới uống rượu, gặp gió, cảm thấy trong mình rởn gai. Phong Nhi đi sau cũng rụt cổ nói:
- Rét thật !
Phong Thư chịu không nổi. liền hảo Phong Nhi:
- Mau về đem cái áo khoác da trắng tới đây, ta chờ mày ở nhà cô Ba.
Phong Nhi cũng muốn về nhà mặc thêm áo, chỉ chờ lệnh là vội vàng chạy về.
Phượng Thư cất bước đi chưa xa, bỗng đằng sau có tiếng “phì phì” như là người nào ngửi hít cái gì, chị ta sợ dựng tóc gáy. Ngoảnh đầu lại thì thấy một vật gì đen lù lù hai tròng con mắt lóng lánh như ngọn đèn, đang ở sau giơ mũi lên định hít chị ta. Phượng Thư sợ khiếp vía, buột miệng kêu “ai!”. Thì ra đó là một con chó to. Con chó ấy cụp đuôi chạy một mạch lên núi đất mới đứng lại rồi quay về phía Phượng Thư mà giơ chân lên.
Phượng Thư hoảng sợ, lật đật đi tới Thu Sảng trai. Lúc gần đến cửa, vừa vòng qua trái núi, thì thấy có bóng người thoáng qua trước mặt. Phượng Thư trong bụng ngờ vực, còn cho
đó là một a hoàn ở phòng nào, liền hỏi:
- Ai thế ?
Hỏi luôn hai tiếng, chẳng thấy có ai ra. Chị ta hồn xiêu phách lạc, mơ mơ màng màng hình như sau lưng có người nói:
- Cháu đây mà, thím không nhận được sao?
Phượng Thư vội vàng ngoảnh đầu lại nhìn thì thấy người ấy hình dung yểu điệu, áo quần bảnh bao, trông rất là quen thuộc, nhưng không nhớ ra người ở nhà nào, phòng nào. Lại nghe người ấy nói:
- Bụng thím chỉ nghĩ đến việc hưởng vinh hoa phú quý, còn câu nói của cháu năm nọ về việc “lập cơ nghiệp muôn đời” thì vứt xuống biển đông cả rồi.
Phượng Thư nghe nói, cúi đầu nghĩ ngợi, vẫn không nhớ ra là ai. Người ấy cười nhạt, nói:
- Hồi đó, thím yêu cháu như thế nào? Nay thím quên cả rồi à?
Phượng Thư nghe nói, mới nhớ ra người ấy là Tần thị, vợ trước của Giả Dung, liền nói:
- Ái chà! Chị đã chết rồi, sao lại đến đây ?
Rồi chị ta nhổ toẹt một cái, quay người định đi. Không ngờ vấp phải hòn đá, ngã lăn ra và cảm thấy mình y như trong giấc chiêm bao tỉnh dậy. Mồ hôi tuôn ra như tắm. Lúc đó Phượng Thư sợ dựng tóc gáy, nhưng vẫn tỉnh táo, vừa thấy Tiểu Hồng và Phong Nhi thấp thoáng đi đến, Phượng Thư sợ bị họ cười, vội vàng đứng dậy, và nói:
- Bọn chúng mày làm gì mà đi lâu thế? Mau đưa áo lại đây cho ta.
Phong Nhi chạy lại hầu chị ta mặc, còn Tiểu Hồng thì tới đỡ chị ta đi.
Phượng Thư nói:
- Ta vừa đến đấy, họ ngủ cả rồi, ta đi về thôi.
Rồi vội vàng cùng hai a hoàn về nhà. Lúc đó Giả Liễn đã về, Phượng Thư thấy thần sắc chồng có vẻ thay đổi, không như mọi hôm, định hỏi, nhưng lại biết tính tình thường ngày của chồng, nên không dám hỏi đột ngột, đành phải đi ngủ.
Đến canh năm Giả Liễn vội dậy, định tới nhà viên thái giám tổng lý trong nội là Cừu Thế An để dò hỏi công việc. Nhưng vì còn sớm, thấy trên bàn có tờ háo hôm qua mới đưa đến liền cầm lên xem.Trong báo ghi việc thứ nhất là: “Bộ lại tâu xin chọn gấp viên lang trung, vâng chỉ theo lệ cũ mà làm việc” - Việc thứ hai là: “Bộ hình dâng lên một bản tấu của quan tiết độ sứ Vân Nam là Vương Trung nói về việc mới bắt được một bọn phạm tội đưa trộm súng và thuốc đạn ra khỏi biên giới, gồm mười tám người, người thứ nhất tên là Bào Âm, là người nhà quan thái sư Trấn quốc công Giả Hóa ". Giả Liễn ngẫm nghĩ một chút rồi xem tiếp. Việc thứ ba là: “Tờ tâu của quan thứ sử Tô Châu là Lý Hiếu hạch về tội thả lỏng bọn gia nô, cậy thế lăng nhục quan dân, đến nỗi vì hiếp dâm không được mà giết chết ba người trong nhà tiết phụ. Hung phạm là Thì Phúc, xưng là người nhà Giả Phạm thế tập chức hàm bực ba".
Giả Liễn thấy tin ấy, trong bụng bứt rứt, định xem tiếp việc thứ ba, lại sợ chậm mất không gặp được Cừu Thế An. Giả Liễn mặc áo không kịp ăn uống gì. Vừa lúc Bình Nhi bưng trà lại anh ta uống hai hớp, rồi ra ngoài cưỡi ngựa đi ngay. Bình Nhi liền cất áo quần của hắn vừa thay.
Lúc đó Phượng Thư còn chưa dậy. Bình Nhi nói:
- Đêm nay tôi nghe mợ ngủ không được, để tôi đấm hộ cho mà chợp mắt một tý.
Phượng Thư cũng không nói gì. Bình Nhi biết chị ta bằng lòng, liền bò lên giường, ngồi bên người, đấm nhè nhẹ. Phượng Thư có vẻ muốn ngủ, bỗng nghe bên kia Xảo Thư khóc. Phượng
Thư lại mở mắt. Bình Nhi liền nói sang:
- Già Lý ơi! Già làm sao thế. Em khóc rồi phải dỗ và ru nó đi chứ. Già cũng mê ngủ thật!
Già Lý ở bên kia mơ màng tỉnh dậy, nghe Bình Nhi nói thế, trong bụng tức tối, liền phát bẳn vỗ mạnh mấy cái, miệng càu nhàu:
- Đồ ranh con chết non này! Cứ ỳ xác ra không chịu ngủ, nửa đêm gà gáy, khóc con mẹ mày đấy.
Bà ta vừa nói vừa nghiến răng, nhắm mình con bé véo một cái, con bé khóc thét lên.
Phượng Thư nghe thấy, nói:
- Chết chưa! Chị xem mụ ấy lại đay nghiến con bé rồi! Chị qua bên kia, đánh chết con mụ ác nghiệt cho tôi, rồi bế con bé lại đây.
Bình Nhi cười, nói:
- Mợ đừng giận, mụ ta làm gì dám đay nghiến em bé? Chắc là không cẩn thận chạm phải nó đó thôi. Bây giờ đánh mụ ta mấy cái cũng chẳng quan hệ gì, nhưng đến hôm sau vắng mình, người ta lại bàn tán, bảo nửa đêm gà gáy cũng lôi người ra
đánh.
Thượng Thư nghe nói. im lặng một hồi lâu, rồi thở dài nói:
- Chị thử nghĩ xem: giờ đây có phải là lúc nhà mình đang thịnh vượng không? Sau này ta chết đi, bỏ lại con bé ấy, thì chưa biết nó đến thế nào!
Bình Nhi cười, nói:
- Mợ nói cái gì vậy? Mới canh năm tảng sáng, tại sao lại nghĩ đến việc chết chóc?
Phượng Thư cười nhạt, nói:
- Chị chưa hiểu điều đó, chứ tôi thì đã biết rõ rồi. Tôi cũng chẳng sống được lâu nữa đâu! Tuy rằng mới có hai mươi lăm tuổi đầu, nhưng cái gì người ta chưa thấy mình cũng đã thấy, cái gì người ta chưa ăn mình cũng được ăn, về phần ăn mặc cũng được đầy đủ, tất cả những cái gì trên đời này có, mình đều có cả. Tức khí cũng chán rồi, tranh hơn cũng đủ rồi, dù phần chữ “thọ” có thiếu một chút cũng thôi.
Bình Nhi nghe nói, bất giác mắt đỏ hoe. Phượng Thư cười:
- Chị đừng giả bộ từ bi! Tôi chết các chị lại càng mừng. Các chị lại một lòng một dạ ăn ở vui vẻ với nhau khỏi phải nhìn tôi như cái gai trong mắt. Chỉ có một việc, các chị biết điều thì thương lấy con bé là được !
Bình Nhi càng thêm nước mắt dầm dề. Phượng Thư cười, nói:
- Thôi đừng bêu xấu nữa! Tôi đã chết ngay đâu mà chị khóc sớm thế! Tôi không chết, khéo chị lại khóc cho tôi chết đấy !
Bình Nhi nghe nói, vội vàng nín khóc, và nói:
- Mợ nói làm người ta đau lòng!
Chị ta vừa nói vừa đấm, Phượng Thư mới mơ màng ngủ đi.
Bình Nhi ở trên giường vừa bước xuống, thì nghe tiếng chân đi bên ngoài, không ngờ Giả Liễn đi chậm. Cừu Thế An đã vào chầu. Giả Liễn không gặp, phải trở về, trong bụng đang bực nên vào đến nhà liền hỏi Bình Nhi:
- Chúng nó còn chưa dậy à?
- Chưa ạ.
Giả Liễn vừa đi vào vừa hất cái màn rồi cười nhạt và nói:
- Giỏi thật! Giờ mà còn chưa dậy, bỏ mặc tất cả hay sao !
Rồi hắn lại giục pha trà uống. Bình Nhi vội rót một chén trà đưa lại. Nguyên là bọn a hoàn và bà già thấy Giả Liễn đi rồi, đều lăn ra ngủ, không ngờ hắn đã về, nên chưa hề sắm sửa gì cả. Bình Nhi liền đưa thứ trà hâm lại đến. Giả Liễn nổi giận, giơ chén trà lên, vứt đánh chát một tiếng chén trà vỡ tan.
Phượng Thư giật mình, sợ toát mồ hôi kêu: “Ái chà”, mở mắt ra thì thấy Giả Liễn giận hầm hầm, ngồi một bên. Bình Nhi thì đang khom lưng nhặt những mảnh chén vỡ. Phượng Thư nói:
- Sao cậu lại về ngay thế ?
Hồi lâu không thấy Giả Liên trả lời, chị ta đành phải hỏi lại lần nữa. Giả Liễn to tiếng:
- Mợ không muốn cho tôi về, thế muốn tôi chết ở ngoài ấy à ?
Phượng Thư cười nói:
- Sao lại nói thế? Mọi hôm không thấy cậu về mau như hôm nay. Tôi hỏi một tiếng, có gì mà giận.
Giả Liễn lại gào lên:
- Không gặp thì làm gì mà chẳng về mau.
Phượng Thư cười:
- Không gặp thì phải chịu phiền một tý, mai đi sớm hơn, tự nhiên sẽ gặp.
- Mình rõ thật ăn cơm nhà vác ngà voi ! Việc ở nhà chất đống, chẳng ma nào giúp, vô duyên vô cớ đi lo việc cho người, chạy mất mấy ngày hôm nay, chẳng được cái gì cả. Thế mà chính người đương sự lại ở nhà phè phởn, sống chết chẳng hay. Còn nghe nói định khua chuông gõ trống, tiệc tùng, hát xướng làm lễ sinh nhật nữa đấy! Rõ thật chạy uổng chân.
Hắn vừa nói vừa nhổ toẹt xuống đất, lại mắng Bình Nhi.
Phượng Thư nghe nói, tức nghẹn cổ họng, định cãi lại, nhưng nghĩ ngợi một chút, lại nín nhịn, rồi miễn cưỡng cười lấy lòng, nói:
- Tội gì mà cậu nổi giận như thế? Sáng dậy tinh sương đã hò hét với tôi làm gì? Ai bảo cậu chuốc lấy việc người ta? “Đã trót thì trét”, phải lo liệu giùm người ta. Tôi chưa thấy ai có việc rầy rà, mà còn có gan bày ra tiệc tùng hát xướng.
- Mợ cũng nói thế à? Đến mai mợ thử hỏi xem?
Phượng Thư lấy làm lạ. nói:
- Hỏi ai?
- Hỏi ai à. Hỏi ông anh mợ ấy!
- Anh tôi ấy à?
- Không phải anh ấy thì còn ai nữa!
- Anh ấy có việc gì mà bảo cậu chạy hộ.
- Mợ còn như người ở trong hũ ấy!
- Thật là kỳ quặc! Tôi chả biết một chút gì cả.
- Mợ làm gì mà biết được? Việc này ngay cả thím và dì cũng không biết. Một là vì tôi sợ thím và dì lo lắng; hai là mợ lại đang mệt cho nên tôi bảo im đi, không cho trong này biết. Việc ấy nói ra thật người ta phải giận! Hôm nay mợ không hỏi thì tôi cũng không tiện nói ra. Mợ thử nghĩ xem, ông anh mợ làm việc có ra người nữa không! Mợ có biết bên ngoài họ gọi anh ta là gì không?
- Họ gọi anh ta là gì?
- Họ gọi anh ta là gì à? Họ gọi anh ta là “Vương nhân” (1)
Phượng Thư phì cười:
- Anh ấy không gọi là Vương Nhân thì gọi là gì nữa?
- Mình đoán xem chữ Vương này viết như thế nào? Đó là chữ “Vong Nhân” tức là quên mất hết cả nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
- Người đâu lại độc mồm độc miệng rủa người ta như thế?
- Không phải họ rủa anh ta đâu! Hôm nay tôi nói thẳng cho mợ biết, kẻo mợ không biết ông anh mợ hay hớm như thế nào. Mợ cũng biết anh ta làm lễ sinh nhật cho chú Hai anh ta đấy chứ!
Phượng Thư nghĩ ngợi một lúc, rồi nói:
- Ái chà! Thế à! Tôi quên hỏi cậu: sinh nhật cậu Hai có phải là về mùa đông không? Tôi nhớ năm nào chú Bảo Ngọc cũng đi dự lễ. Trước đây ông lớn được thăng chức, bên cậu Hai đưa phường hát sang mừng, tôi còn nói trộm: "Cậu Hai keo cú, không bì được với cậu Cả” (2). Bọn họ trong nhà cũng còn như gà chọi ấy. Chẳng thế mà vừa rồi lúc cậu Cả qua đời, cậu Hai là em ruột lại còn ra mặt nhận thầu các việc đấy. Vì thế, hôm ấy tôi nói nhân ngày sinh nhật của chú ấy, nhà mình mừng trả lại một ban hát để khỏi mắc nợ bà con. Nay lại làm lễ sinh nhật sớm như thế, không biết là có ý gì.
- Mợ thực như còn mê ngủ ấy! Ông anh mợ khi đến kinh, nhân dịp đám ma của cậu Cả, liền bày ra lễ điếu. Anh ta sợ chúng ta cản trở nên không bàn gì đến, quả nhiên vớ được mấy ngàn lạng bạc. Sau cậu Hai trách anh ta, bảo không nên vơ vét hết cả như thế, anh ta không biết làm thế nào, liền giả cách mượn tiếng ngày sinh nhật của cậu Hai, lại tung lưới ra định vơ một món nữa, để cho cậu Hai khỏi giận. Thật là anh ta không quản gì bà con bạn hữu, mùa đông hay mùa hạ, người ta biết hay không. Rõ thật xấu hổ! Mợ có biết tôi dậy sớm làm gì không? Hiện nay có việc xảy ra ở miền biển, quan ngự sử tâu lên, hạch cậu Cả làm thiếu hụt công quỹ. Nay cậu Cả đã chết, nên bắt em là Vương Tử Thắng, cháu là Vương Nhân bồi thường. Hai chú cháu hoảng lên, đến tìm tôi nhờ nói giúp. Tôi thấy họ khiếp sợ, vả chăng việc này lại quan hệ đến thím và mợ, nên mới nhận lời. Tôi định tìm ông thái giám họ Cừu làm tổng lý trong nội lo liệu giúp, hoặc giả xê xích giữa quan sau và quan trước như thế nào đó cho xong. Không ngờ tôi đến chậm, ông ta vào chầu mất. Mình thì uổng công dậy sớm, chạy vạy, còn bọn họ ở nhà lại lo bàn bạc bày đặt tiệc tùng hát xướng đấy. Mợ bảo thế có tức hay không ?
Phượng Thư nghe nói, mới biết Vương Nhân như thế, nhưng tính chị ta vốn hay bào chữa “cái tốt phô ra, xấu xa đậy lại” nên nghe Giả Liễn nói như thế, liền bảo:
- Anh ấy có thế nào đi nữa, cũng là anh vợ của cậu. Vả lại việc này, cậu Cả đã mất và cậu Hai đang sống đó đều cảm ơn cậu. Chẳng biết nói gì, việc nhà tôi, tôi đành phải ba luồn bảy lụy nhờ cậu, chả lẽ lại làm lụy người khác, để khi vắng mặt họ chửi tôi à?
Nói xong, chị ta chảy nước mắt, lật chăn lên, ngồi dậy, búi tóc, mặc áo.
- Mợ không cần như th,. đó là vì anh mợ không ra hồn người, chứ tôi có nói gì mợ đâu. Đã thế tôi đi ra, mợ lại ốm, tôi đã dậy rồi mà chúng nó còn ngủ, cha ông nhà ta có cái thói ấy không? Bây giờ mợ làm như con người vô sự, chẳng phải trông nom việc gì. Tôi mới nói một câu mà mợ đã dậy: đến mai kia tôi có quở trách họ, không lẽ mợ đều chịu thay cho họ sao? Thật chẳng ra sao cả!
Phượng Thư nghe vậy, mới nín khóc, nói:
- Trời không còn sớm nữa, tôi cũng nên dậy. Cậu đã nói thế, thì cậu để tâm lo liệu giùm cho họ. Đó là tình nghĩa của cậu đối với tôi. Vả chăng, cũng không riêng một mình tôi, bà Hai nghe vậy chắc cũng mừng.
- Phải rồi, biết rồi đấy! Mợ chẳng phải dạy tôi nữa.
Bình Nhi nói:
- Mợ dậy sớm làm gì? Hôm nào mợ cũng dậy vào giờ nhất định kia mà. Không biết cậu mang cái nóng nảy ở đâu về, lại đem chúng tôi ra mà giày vò cho hả giận. Tội gì thế! Mợ thật đã hết lòng hết sức với cậu rồi, có việc gì mà không phải do mợ ra tay cáng đáng? Tôi nói không phải, chứ cậu đã ngồi hưởng sẵn bao nhiêu, lần này lo giúp cho mợ một tý việc, lại dính líu đến mấy tầng, mà đã làm bộ làm tịch như thế, rõ không sợ người ta chán ngán? Mà nào có phải việc riêng gì một mình mợ! Chúng tôi dậy chậm, cậu giận là phải, đằng nào chúng tôi cũng chỉ là tôi tớ. Còn mợ đây vất vả mãi nên đã mang ốm, thì làm gì cho thêm khổ! - Chị ta nói rồi, mắt đỏ lên.
Giả Liễn vốn đang bực sẵn, nhưng địch sao nỗi vợ cả, nàng hầu vừa xinh đẹp lại ăn nói mềm mỏng, sắc sảo như thế. Hắn liền cười nói:
- Đủ rồi! Thôi, thôi! Một mình mợ ấy cũng đã đủ không cần cô phải nói nữa. Đằng nào tôi cũng là người ngoài, bao giờ tôi chết đi, các người sẽ rảnh rang.
Phượng Thư nói:
- Cậu đừng nên nói thế, ai biết được ai ra sao? Cậu không chết, khéo tôi chết đấy! Chết sớm ngày nào càng được rảnh rang ngày ấy.
Nói đến đó, Phượng Thư lại khóc oà lên. Bình Nhi phải khuyên một hồi.
Lúc ấy trời đã sáng trưng, ánh nắng mặt trời xuyên ngang cửa sổ. Giả Liễn cũng không tiện nói nữa, đứng dậy đi ra.
Phượng Thư đang gội đầu rửa mặt, chợt thấy a hoàn nhỏ bên nhà Vương phu nhân qua nói:
- Bà lớn bảo hỏi mợ Hai xem hôm nay mợ có qua bên nhà ông cậu không? Nếu mợ đi thì gọi mợ Hai Bảo cùng đi một thể.
Phượng Thư vì câu chuyện vừa rồi đã chán ngấy, giận họ nhà mình làm cho mình bẽ mặt, lại thêm một mẻ sợ trong vườn đêm qua, thật không còn đầu óc nữa, liền nói:
- Mày về thưa với bà lớn, ta còn một vài việc chưa làm xong, hôm nay không thể đi được. Vả lại việc nhà họ cũng chẳng phải là quan trọng gì. Mợ Hai Bảo muốn đi thì cứ đi thôi.
A hoàn nhỏ vâng lời rồi về trình lại.
Thượng Thư chải đầu thay áo xong, nghĩ bụng: dầu mình không đi cũng nên tin cho người ta biết. Vả lại, Bảo Thoa vẫn còn là cô dâu mới, ra ngoài, tất nhiên mình phải trông nom một chút. Vì thế chị ta qua gặp Vương phu nhân, mượn cớ để thoái thác, rồi đi sang phòng Bảo Ngọc. Thấy Bảo Ngọc ăn mặc chỉnh tề nằm nghiêng trên giường, hai mắt chằm chằm nhìn Bảo Thoa
chải đầu, Phượng Thư đứng bên cửa, Bảo Thoa ngoảnh lại mới thấy, vội vàng đứng dậy mời ngồi. Bảo Ngọc cũng bò dậy. Phượng Thư cười, ngồi xuống.
Bảo Thoa trách bọn Xạ Nguyệt:
- Các chị thấy mợ Hai đi vào, sao không báo gì cả.
Xạ Nguyệt cười nói:
- Mợ Hai đi vào, liền xua tay bảo đừng nói.
Phượng Thư nói với Bảo Ngọc:
- Chú chưa đi, còn chờ gì nữa? Chẳng có ai lớn người còn tính khí trẻ con như thế. Người ta chải đầu, chú bò lại xem cái gì? Cả ngày ở chung chạ trong nhà, còn nhìn chưa chán à? Không sợ bọn a hoàn họ cười cho hay sao?
Nói xong, chị ta cười khì, rồi lại nhìn Bảo Ngọc mà bĩu môi. Bảo Ngọc tuy khó chịu nhưng không để ý. Bảo Thoa thì thẹn đỏ mặt, im lặng cũng khó coi, nhưng chẳng biết nói gì cho phải. Thấy Tập Nhân bưng trà đến, cô ta cũng vờ vẫn đưa túi
thuốc ra.
Phượng Thư đứng dậy cười, cầm lấy và nói:
- Em Hai ạ, em cứ mặc áo mau lên, để mặc chúng tôi.
Bảo Ngọc cũng lăng xăng tìm cái này, tìm cái nọ. Phượng Thư nói:
- Chú đi trước đi thôi, đời nào lại có cái lý các cậu chờ các mợ cùng đi bao giờ?
Bảo Ngọc nói:
- Tôi chỉ ngại cái áo này không đẹp, không bằng mặc cái áo lông công của cụ cho năm trước, đẹp hơn.
Phượng Thư liền trêu Bảo Ngọc:
- Thế sao chú lại không mặc?
- Mặc áo ấy hơi sớm quá.
Phượng Thư chợt nhớ ra, biết mình lỡ lời. May mà Bảo Thoa cũng là bà con bên ngoại của họ nhà Vương, nhưng trước mặt bọn a hoàn cũng thấy khó coi. Tập Nhân đỡ lời:
- Mợ Hai không biết đấy, chứ cô mặc được, cậu ấy cũng không mặc.
Phượng Thư nói:
- Sao thế ?
- Thưa mợ, cậu tôi, làm việc gì cũng thực là kỳ quặc. Năm nọ nhân ngày sinh nhật ông cậu Hai, cụ cho cậu tôi cái áo ấy, không ngờ hôm đó áo bị cháy mất một chỗ. Lúc ấy mẹ tôi ốm nặng, tôi không ở nhà. Hồi đó hãy còn mồ ma chị Tình Văn. Nghe nói chị ấy ốm, nhưng suốt đêm vẫn mạng lại cái chỗ cháy ấy, hôm sau cụ mới không nhận thấy. Năm ngoái, một hôm cậu ấy đi học, trời lạnh tôi bảo Bồi Dính đem cái áo ấy đi cho cậu ấy mặc, không ngờ cậu thấy nó, lại nhớ tới Tình Văn, cho nên nhất định không mặc nữa, bảo tôi cất cho cậu ấy suốt đời.
Phượng Thư không đợi nói xong, liền bảo:
- Cô nhắc đến Tình Văn, tôi cũng thương cho nó! Con bé ấy mặt mũi thân hình đều khá, chỉ có mồm miệng sắc sảo. Thế rồi không biết bà Hai nghe lời bịa đặt ở đâu làm cho nó phải chết. Lại còn một việc, hôm nọ tôi thấy con gái mụ Liễu ở nhà bếp, gọi con Năm đó. Con bé ấy giống hệt như Tình Văn. Trong bụng tôi định gọi nó vào đây. Tôi hỏi mẹ nó, mẹ nó rất mừng.Tôi nghĩ con Tiểu Hồng ở phòng chú Bảo sang hầu bên tôi, mà tôi chưa trả người cho chú ấy, nên định đem con Năm thế vào. Nhưng chị Bình lại nói: “Hôm nọ bà Hai đã dặn, những người giông giống Tình Văn, không sai đến ở nhà chú Bảo”, cho nên tôi phải gác lại. Bây giờ, chú Bảo đã có vợ, thì còn sợ gì nữa ? Để tôi gọi nó vào đây. Không biết chú Bảo có bằng lòng không? Nếu chú ấy mà nhớ Tình Văn thì chỉ nhìn con Năm là được.
Bảo Ngọc đã định đi, nhưng nghe nói đến chuyện ấy lại ngẩn người ra. Tập Nhân nói:
- Sao lại không bằng lòng, đáng lẽ đã gọi nó đến rồi, chỉ vì lời nói của bà Hai đấy thôi.
Phượng Thư nói:
- Đã thế, thì mai tôi cho nó đến, bà Hai hỏi thì đã có tôi.
Bảo Ngọc nghe nói. mừng rỡ vô cùng, qua nhà Giả mẫu. Còn Bảo Thoa thì thay quần áo.
Phượng Thư thấy hai vợ chồng họ yêu quý quấn quít nhau như thế, nghĩ đến bộ dạng Giả Liễn vừa rồi, thật là đau lòng, không thể ngồi rán nữa, bèn đứng dậy cười nói với Bảo Thoa:
- Em với chị sang bên cụ đi.
Rồi chị ta đi ra. Hai người đến gặp Giả mẫu. Bảo Ngọc cũng đang trình với Giả mẫu việc đi qua nhà ông cậu.
Giả mẫu gật đầu nói:
- Cháu đi đi thôi, nhưng đừng uống nhiều rượu và về sớm một chút, người cháu mới khỏe đấy.
Bảo Ngọc vâng lời đi ra. Vừa đến giữa sân, lại quay lại ghé vào tai Bảo Thoa nói mấy câu, chẳng biết là nói gì. Bảo Thoa cười:
- Phải rồi, cậu đi nhanh lên thôi.
Rồi chị ta giục Bảo Ngọc đi. Giả mẫu cùng Phượng Thư và Bảo Thoa vừa nói được mấy câu, thì thấy Thu Văn vào nói:
- Cậu Hai sai Bồi Dính về mời mợ Hai.
Bảo Thoa nói:
- Cậu ấy lại quên cái gì mà bảo nó trở về?
Thu Văn nói:
- Tôi bảo a hoàn nhỏ đi hỏi Bồi Dính, thì nó nói là cậu Hai quên không dặn trước. Cậu ấy bảo tôi về thưa với mợ Hai rằng: nếu mợ đi thì đi mau lên, nếu không đi thì đừng có đứng trước gió đấy.
Giả mẫu, Phượng Thư và bọn a hoàn, bà già đứng đấy đều cười ồ.
Bảo Thoa đỏ mặt, “xì” Thu Văn một cái và nói:
- Khéo cái con vớ vẩn này! Thế mà mày cũng hốt hoảng chạy về nói à?
Thu Văn cũng cười, rồi về bảo a hoàn nhỏ đi ra mắng Bồi Dính, Bồi Dính vừa đi vừa ngoảnh lại nói:
- Cậu Hai vội vàng bắt tôi xuống ngựa cho được và bảo về nói, nếu tôi không nói, sau này cậu hỏi ra, thế nào cũng mắng tôi. Giờ tôi nói cũng bị mắng!
A Hoàn nhỏ cười, chạy về nói lại. Giả mẫu nói với Bảo Thoa:
- Cháu đi đi thôi, đừng để nó nhớ đấy.
Bảo Thoa nghe nói, không thể đứng lại được nữa, lại bị Phượng Thư trêu cho một mẻ, thấy khó coi quá, đành phải ra đi.
Lúc đó vừa thấy ni cô ở chùa Tán Hoa là Đại Liễu đến. Cô ta hỏi thăm sức khoẻ Giả mẫu, chào Phượng Thư rồi ngồi xuống uống trà. Giả mẫu hỏi:
- Sao lâu nay ni cô không đến?
- Vì mấy hôm nay, ở miếu làm chay, có mấy bà quan thường nghỉ lại đó, nên không được rảnh. Hôm nay có ý đến trình với cụ: ngày mai có một nhà làm chay, không biết cụ có thích hay không? Nếu thích thì xin mời cụ tới vãn cảnh chùa chơi.
- Tại sao phải làm chay?
- Tháng trước đây, ở phủ cụ Vương không được yên ổn, thấy ma thấy quỷ gì ấy. Ban đêm bà lớn nằm mơ thấy quan lớn về. Vì thế, hôm qua đến miếu nói với chúng con, định hứa nguyện đốt hương trước đức phật “Tán Hoa” làm một đàn chay thủy lục bốn mươi chín ngày, để xin ngài phù hộ cho người nhà yên ổn. Người chết lên trời, người sống được phúc. Do đó con không được rảnh dể tới hỏi thăm cụ.
Phượng Thư ngày thường rất ghét những việc ấy. Nhưng từ hôm nọ thấy ma, trong lòng cứ ngờ vức. Giờ nghe Đại Liễu nói thế, bỗng tâm tính ngày thường thay đổi đi một nửa, đã có vài phần tin, liền hỏi Đại Liễu:
- Phật “Tán Hoa” là ai? Tại sao ngài lại đuổi được tà, trừ được quỷ?
Đại Liễu nghe hỏi, biết rằng chị ta đã có ý tin, liền nói:
- Mợ muốn hỏi đức Phật ấy thì tôi xin nói cho mợ biết. Đức Phật “Tán Hoa” nguồn gốc rất sâu, đạo hạnh rất lạ, sinh ra ở nước Đại Thụ phương tây. Cha mẹ ngài làm nghề hái củi. Khi
sinh ngài, đầu có ba sừng, trán mọc bốn mắt, mình cao tám thước, hai tay dài chấm đất. Cha mẹ ngài cho là yêu tinh, đem vứt vào núi băng. Ai ngờ trên núi ấy có một con khỉ già đắc đạo, đi ra kiếm ăn, thấy trên đầu đức Phật, có làn khói trắng xông lên ngất trời, hùm beo đều phải xa lánh. Con khỉ biết người này có lai lịch khác thường, liền bế về trong động nuôi nấng. Không ngờ đức
Phật đã mang sẵn tính chất thông minh, biết giảng đạo Phật, ngày nào cũng cùng con khỉ tham thiền, đàm đạo, nói làu làu làm cho hoa trời bay xuống phất phới. Sau một ngàn năm, ngài bay lên thành Phật. Đến nay trên núi còn thấy chỗ giảng kinh, hoa trời man mác, ai cầu gì cũng linh ứng. Ngài thường hiện hình, cứu vớt tai nạn cho người ta. Vì thế người đời mới dựng miếu tô tượng phụng thờ.
Phượng Thư nói:
- Điều đó có gì làm bằng cứ ?
- Mợ lại khéo bài bác. Cần gì phải có bằng cứ mới rõ là Phật. Nếu mà nói dối, thì cũng chỉ lừa được một vài người thôi, không lẽ xưa nay bao nhiêu người sáng suốt cũng đều bị lừa cả ư? Mợ nghĩ xem, chỉ có nhà Phật là từ xưa tới nay, khói nhang không dứt, thế thì phải có gì linh nghiệm trong việc hộ nước giúp dân, người ta mới tin phục chứ?
Phượng Thư nghe nói rất có lý, liền bảo:
- Đã thế thì ngày mai tôi đi xem. Trong miếu bà có thẻ không? Tôi đến xin một quẻ. Nếu mà trên thẻ nói rõ được việc trong bụng tôi, thì từ nay tôi sẽ tin.
- Thẻ của miếu chúng tôi rất là linh nghiệm. Ngày mai mợ đến xin một quẻ thì biết.
Giả mẫu nói:
- Thế thì cháu cứ đợi cho đến ngày kia là ngày mùng một sẽ đi xin.
Nói xong, Đại Liễu uống nước rồi đến gặp Vương phu nhân hỏi thăm sức khỏe và về.
Đến tảng sáng ngày mồng một, Phượng Thư miễn cưỡng sai người sửa soạn xe ngựa, dẫn Bình Nhi và nhiều đầy tớ khác đến chùa Tán Hoa. Đại Liễu cùng bọn ni cô đón vào chùa. Sau khi uống trà xong, Phượng Thư liền rửa tay đến trên điện lớn thắp hương. Phượng Thư cũng không để ý gì, đi xem tượng thánh, chỉ một lòng thành kính, khấu đầu rồi giơ ống thẻ lên, đem những việc thấy ma và thân thể đau ốm khấn vái một hồi. Vừa lắc được mấy cái, bỗng “soạt” một cái trong ống bật ra một chiếc thẻ. Phượng Thư lại khấu đầu rồi nhặt lên xem thì thấy viết:
“Quẻ thứ ba mươi ba, thượng thượng đại cát”.
Đại Liễu vội vàng xem sổ thì thấy trên thẻ viết: “Vương Hy Phượng mặc áo gấm về làng”.
Phượng Thư thấy mấy chữ ấy, giật nẩy mình, vội hỏi Đại Liễu:
- Xưa cũng có người gọi ta Vương Hy Phượng à?
- Mợ rất là thông hiểu xưa nay, không lẽ cũng không biết chuyện ông Vương Hy Phượng đời nhà Hán đi cầu quan à?
Chu Thụy đứng một bên cười, nói:
- Năm trước cô xẩm họ Lý đã kể câu chuyện ấy. Chúng tôi thấy cô ấy kể cũng trùng tên với mợ, nên tôi không cho kể nữa.
Phượng Thư cười:
- Ừ, phải đấy, thế mà tôi quên mất.
Chị ta nói xong, xem phía dưới, thấy viết:
Năm xa làng nước trọn đôi mươi,
Áo gấm nay về vườn cũ chơi.
Ong đã hái hoa thành được mật,
Vì ai cay đắng, ngọt vì ai?
Người đi đến. Âm tín chậm. Việc kiện nên giải hoà. Việc hôn nhân hãy bàn lại.
Phượng Thư xem xong cũng không rõ ràng lắm.
Đại Liễu nói:
- Xin mừng cho mợ, thẻ này rất hay. Mợ từ lúc nhỏ, sinh trưởng ở đây, đã khi nào về Nam Kinh đâu. Giờ đây, ông lớn làm quan ngoài, hoặc giả đón gia quyến đến, rồi nhân tiện về thăm nhà, thế chẳng phải là mợ “mặc áo gấm về làng” đó sao?
Cô ta vừa nói, vừa sao ra một bản thẻ khác, trao cho a hoàn.
Phượng Thư cũng nửa tin nửa ngờ. Đại Liễu dọn cổ chay ra, Phượng Thư chỉ nếm một tý, rồi đặt đũa xuống định về, lại đưa số tiền hương đèn. Đại Liễu giữ mãi không được, đành phải để cho chị ta về. Phượng Thư về đến nhà, gặp Giả mẫu và Vương phu nhân hỏi đến thẻ rồi bảo người giảng nghĩa, tất cả đều rất lấy làm mừng: “Hoặc giả ông lớn thật có ý định như thế thì chúng ta đi một chuyến cũng hay”
Phượng Thư thấy mọi người nói thế, nên cũng tin.
Một hôm Bảo Ngọc ngủ trưa dậy, không thấy Bảo Thoa, đang định hỏi thì Bảo Thoa đi vào. Bảo Ngọc hỏi:
- Đi đâu mãi không về?
- Tôi xem quẻ thẻ cho chị Phượng một chốc.
Bảo Ngọc nghe nói, liền hỏi. Bảo Thoa đọc lên một lượt những lời trong quẻ thẻ. Rồi nói:
- Trong nhà, ai cũng nói tốt, theo ý tôi thì trong bốn chữ “áo gấm về làng” còn có duyên cớ khác, sau này sẽ rõ.
Bảo Ngọc nói:
- Mợ cứ hay nghi, giải nghĩa lệch lạc ý thánh, bốn chữ “áo gấm về làng” từ xưa tới nay, đều cho là tốt, nay mợ lại nói là có duyên cớ! Theo như mợ nói, thì bốn chữ “áo gấm về làng” ấy còn có cách giảng giải khác nữa hay sao?
Bảo Thoa đang định giảng thêm, thì thấy bên nhà Vương phu nhân sai người sang mời mợ Hai. Bảo Thoa liền đi sang ngay.
Chú thích:
(1) Theo âm Trung Quốc thì chữ Vương và chữ Vong đều đọc như nhau, cho nên mượn chữ “Vương nhân” đồng âm để rủa Vương Nhân là người quên mất nhân nghĩa.
(2) Tức Vương Tử Đằng
Hồi 102:
Phủ Ninh Quốc, ruột thịt bị tai ương
Vườn Đại quan, phù thủy trừ yêu quái
Vương phu nhân sai người đến gọi Bảo Thoa. Bảo Thoa vội vàng đến hỏi thăm sức khỏe. Vương phu nhân nói:
- Em Ba con sắp đi lấy chồng, con là chị dâu, phải dặn dò, bảo ban nó, cũng là tình chị em. Vả lại nó là con bé hiểu biết, ta xem con cũng hòa hợp với nó. Nhưng nghe nói thằng Bảo nghe em nó sắp đi, cứ khóc mãi. Con cũng phải khuyên nó mới được. Hiện nay ta cứ nay ốm mai đau, chị Hai con thì ba bữa khỏe, hai bữa ốm, con có hiểu việc đôi chút, cũng nên nhìn ngó công việc, đừng chỉ lặng thinh, sợ làm mất lòng người ta. Việc nhà sau này con đều phải lo cả.
Bảo Thoa vâng lời. Vương phu nhân lại nói:
- À, còn một việc nữa, chị Hai con hôm qua đem con gái nhà mụ Liễu đến, nói cho vào hầu các con.
- Hôm nay chị Bình mới đưa đến, nói là theo ý của mẹ và chị Hai.
- Phải đấy. Chị Hai con nói với ta, ta thấy điều đó cũng không quan hệ gì, bác đi không tiện. Nhưng có một điều, ta thấy con bé ấy, bộ dạng mặt mày không phải là người yên phận lắm đâu Trước đây vì bọn a hoàn ở nhà Bảo Ngọc cứ như là yêu tinh, ta mới đuổi đi mấy đứa. Con cũng đã biết điều đó, cho nên mới dọn về nhà ở. Giờ đây đã có con, cố nhiên là không phải như trước nữa. Ta nói với con, chẳng qua phải để ý một chút đấy thôi. Trong nhà các con, chỉ có con bé Tập Nhân còn có thể dùng được.
Bảo Thoa vâng lời, lại nói vài câu nữa rồi về. Sau khi ăn cơm, Bảo Thoa sang nhà Thám Xuân, cố nhiên là ân cần khuyên giải, không cần phải nói kỹ.
Ngày hôm sau, Thám Xuân định lên đường, lại qua từ giã Bảo Ngọc. Bảo Ngọc cố nhiên là khó lòng chia tay. Thám Xuân lại đưa chuyện cương thường đại thể ra nói, ban đầu Bảo Ngọc cúi đầu làm thinh, sau lại đổi buồn làm vui, hình như có ý tỉnh ngộ. Thấy vậy, Thám Xuân yên lòng, từ biệt mọi người, ngồi kiệu lên đường.
Trước kia bọn chị em đều ở trong vườn Đại Quan, nhưng từ khi Giả Phi chết rồi, vườn cũng không sửa sang lại nữa. Đến khi Bảo Ngọc cưới vợ, Đại Ngọc chết. Tương Vân, Bảo Cầm về
Nhà, trong vườn ít người, tiết trời lại lạnh, nên bọn chị em Lý Hoàn, Thám Xuân, Tích Xuân đều dời về chỗ cũ. Nhưng gặp lúc hoa nở trăng trong, họ vẫn hẹn nhau vào vườn dạo chơi như trước. Nay Thám Xuân đi rồi, Bảo Ngọc thì từ lúc ốm không ra khỏi cửa, càng chẳng có ai cao hứng nữa. Vì thế, trong vườn vắng vẻ chỉ có mấy người ở đấy trông nom.
Hôm nọ, Vưu thị qua đưa Thám Xuân lên đường, vì trời đã chiều, muốn khỏi phải đi xe, liền qua cái cửa trong vườn năm kia mở thông sang phủ Vinh mà về. Chị ta cảm thấy lâu đài còn nguyên như cũ, mà cảnh vật rất đỗi thê lương, một dãy tường hoa chẳng khác gì nương vườn trồng trọt, trong lòng buồn bã, hình như áy náy vì việc gì. Khi về đến nhà, người chị ta phát nóng. Gắng gượng một vài ngày rồi cũng phải nằm xuống. Ban ngày còn nhẹ, đến đêm người nóng lạ thường. Nói mê nói sảng liên miên. Giả Trân vội vàng mời thầy xem bệnh. Thầy thuốc nói vì bị cảm, nay bệnh đã truyền vào túc dương minh vị kinh (1) cho nên mới nói nhảm như thấy cái gì, phải hạ thì mới yên được.
Vưu thị uống luôn hai thang không bớt chút nào, mà lại phát điên lên. Giả Trân cuống quít, liền bảo Giả Dung:
- Con đi ra ngoài kia xem có thầy thuốc giỏi thì mời mấy người đến xem.
- Ông thầy này trước đây là đắt khách nhất đấy, chỉ sợ bệnh mẹ con không thể chữa bằng thuốc được.
- Nói nhảm! Không uống thuốc thì không lẽ cứ để mặc đấy à?
- Không phải con nói không chữa, nhưng vì hôm trước mẹ đi sang phủ tây, rồi sau về qua vườn. Khi về đến nhà thì người phát nóng, không khéo gặp phải ma quái gì đấy. Ngoài kia có ông Mao Bán Tiên là người phương Nam, bói rất linh ứng, chi bằng mời ông ta đến bói xem, nếu đoán ra việc gì thì theo ông ta mà làm; nếu không ăn thua, sẽ mời thầy thuốc giỏi khác.
Giả Trân nghe nói, lập tức cho người mời vào. Mao Bán Tiên đến, ngồi trong thư phòng uống nước xong, liền hỏi:
- Quý phủ gọi tôi, không hiểu hỏi việc gì? Giả Dung nói:
- Mẹ tôi bị bệnh, xin thầy bói cho một quẻ.
- Đã thế thì lấy nước sạch rửa tay, bày hương án ra, để tôi bói một quẻ xem.
Một lúc người nhà bày đặt xong, ông ta kéo cái ống thẻ ở trong bọc ra, đến trước hương án, kính cẩn vái một cái, trong tay lắc ống thẻ, miệng khấn: “Thái cực lưỡng nghi, hun đúc giao cảm, sinh ra đồ thư mà biến hoá vô cùng. Thần thánh xuất hiện, nên thành tâm cầu thì thế nào cũng ứng. Nay có tín chủ Giả mỗ, nhân vì mẹ đau, thành tâm xin các vị Phục Hy, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, bốn vị thánh nhân, chứng giám ở trên, thành cảm thiêng liêng, có dữ báo dữ, có lành báo lành, xin trước ba hào nội tượng”.
Ông ta móc tiền trong ống gieo lên trên khay và nói:
- Thiêng lắm, hào thứ nhất là “giao”. - Lại cầm ống lắc một cái nữa, đổ ra nói: - “đơn” - đến hào thứ ba lại là “giao” (2)
Ông ta nhặt tiền lên, miệng khấn: “Nội hào đã cho, nay xin ba hào ngoại tượng, để xong một quẻ”. Khi gieo xong rồi thì ra quẻ “đơn chiết đơn” (3)
Mao Bán Tiên cất ống và thẻ, tiền đi, ngồi xuống, nói:
- Mời ngồi, mời ngồi để tôi xem cho kỹ, quẻ này là quẻ “Vị tế” (4) “thế hào” là hào thứ ba, “ngọ hoả” gặp lúc hao tài tốn của, nhất định là có việc gì xúi quẩy. Nay ngài hỏi bệnh cho mẹ dung thần là hào đầu, thật là hào “phụ mẫu”, động sinh ra “quan quỉ”, trên năm hào lại có một tầng “quan quỉ” nữa, cho nên theo tôi thì bệnh bà nhà ta khá nặng đấy. Nhưng còn may, còn may, giờ đây còn nước “tý hợi ngưng đọng”, “dần mộc” động sinh ra hoả, trên “thế hào” động sinh ra "tứ tôn", trở lại “khắc quỉ”. Vả lại "nhật nguyệt sinh thần", cách hai ngày nữa, tý thủy “quan quỉ”, đụng chỗ không thì đến ngày tuất sẽ khỏi. Nhưng trên hào “phụ mẫu” “biến quỉ”, chỉ e ông cụ nhà ta cũng có quan ngại ít nhiều. Ngay cả “thế hào của bản thân, kiếp cũng quá nặng đến ngày thủy vượng thổ suy cũng không tốt.
Ông ta nói xong, liền vểnh râu ngồi yên.
Giả Dung ban đầu thấy ông ta giở trò ma, trong bụng nhịn không được, chỉ muốn cười, sau nghe ông ta giảng lý trong quẻ rất rõ ràng, lại nói sợ cha mình cũng không yên, liền hỏi:
- Thầy đoán rất tài, nhưng không biết mẹ tôi bị bệnh gì?
- Cứ như quẻ này, “thế hào” thủy hoả khắc nhau, tất nhiên là hàn hỏa ngưng kết. Nếu muốn đoán cho rõ ràng, bói cỏ thi (5) cũng không rõ lắm, phải dùng "đại lục nhâm", thì mới đoán được đúng.
- Thầy cũng đều biết cả à?
- Cũng biết ít nhiều.
Giả Dung liền xin ông ta xem cho một quẻ và báo ra một giờ. Ông ta liền vẽ lên cái khay, bày các thần tướng ra mà tính thì là bạch hổ trong cung tuất. Quẻ này gọi là “phách hoả”. Bạch hổ tức là hung tướng, nếu gặp vượng khí sẽ bị dẹp lại không thể làm hại. Nay lại gặp "tử thần" "tử sát", và thời lệnh giam hâm thành ra hổ đói, tất sẽ làm hại người. Cũng như phách thần bị kinh sợ mà tiêu tán, cho nên gọi là "phách hoá" (6). Quẻ này đoán rằng con người bị mất vía, lo phiền liên miên, bị bệnh thì sẽ chết, kiện thì bị lo sợ. Cứ tượng mà xét thì ngày chiều hổ tới nên nhất định mắc bệnh vào lúc chiều tối. Trong tượng lại nói: “Phàm ai mà bói đúng quẻ này thì nhất định là nơi vườn cũ có hổ nấp làm dữ, hoặc là có hình dáng, có tiếng động". Nay ngài vì cha mẹ mà bói, đúng vào câu: hổ ở dương thì đàn ông phải lo, ở âm thì đàn bà phải lo. Quẻ này rất là hung dữ, nguy hiểm!
Giả Dung nghe chưa xong, trên mặt thất sắc nói:
- Thầy nói rất đúng, nhưng so với quẻ trước, xem ra không hợp lắm, như thế có can gì không?
- Ngài đừng có vội, để tôi thong thả xem lại đã.
Ông ta cúi đầu xuống, lầm rầm một lúc rồi nói:
- May lắm, có cứu tinh rồi! Tính ra thì ở cung “Tỵ”, có quỉ thần giải cứu, gọi là "phách hoá hồn quý", trước lo mà sau mừng, không can gì đâu, cần phái cẩn thận ít nhiều là được.
Giả Dung trả tiền bói rồi tiễn ông ta ra.
Giả Dung vào nhà thưa với Giả Trân:
- Bệnh mẹ mắc phải là do hồi chiều tối ở bên vườn vì gặp “phục thi bạch hổ” nào đó.
- Mày nói mẹ mày hôm trước đi qua vườn mà về, khéo không lại gặp cái gì ở đấy cũng nên. Mày có nhớ việc thím Hai mày vào vườn về rồi bị ốm không? Thím ấy tuy không thấy gì, nhưng sau bọn a hoàn và bà già đều nói lúc đó trên núi có một vật gì lông lá xồm xoàm, mắt như cái đèn lồng to tướng lại biết nói nữa. Nó đuổi thím Hai, làm thím Hai về rồi khiếp mà sinh ốm.
- Con vẫn còn nhớ. Con còn nghe Bồi Dính bên nhà chú Bảo nói, chị Tình Văn thì làm thần hoa phù dung ở trong vườn, khi cô Lâm chết thì giữa trời có tiếng âm nhạc, nhất định cô ta cũng trông coi hoa gì rồi đấy. Trong vườn nhiều yêu quái như thế thì nguy thật! Trước kia, người nhiều, dương khí thịnh, đi lại luôn không ngại gì, nay gặp lúc vắng vẻ mà mẹ đi qua đó, không biết lại giẫm phải hoa gì cũng nên, không thì cũng lại gặp phải vị nào rồi đấy? Quẻ ấy bói cũng đúng đấy.
- Thế ông ta bảo có can gì không?
- Cứ như ông ta nói thì đến ngày tuất sẽ khỏi. Chỉ mong sao cho khỏi được hai ngày hoặc chậm lại hai ngày thì hay.
- Thế là thế nào?
- Nếu ông ta mà đoán đúng thì sợ cha cũng không được yên.
Đang nói chuyện thì nghe bên trong nhà kêu:
- Mợ đòi ngồi dậy sang bên vườn, bọn a hoàn giữ không được.
Giả Trân chạy vào yên ủi thì nghe Vưu thị miệng nói lảm nhảm:
- Người mặc áo đỏ đến gọi ta! Người mặc áo xanh đến đuổi ta.
Bọn a hoàn đứng đấy vừa sợ vừa buồn cười.
Giả Trân liền sai người đi mua ít vàng giấy, đưa vào vườn đốt. Quả nhiên đêm ấy Vưu thị đổ mồ hôi, bệnh giảm được đôi phần. Đến ngày tuất, dần dần khoẻ hẳn. Từ đó, một đồn mười, mười đồn trăm, ai cũng nói trong vườn Đại Quan có quỉ. Bọn coi vườn sợ quá. không còn dám sửa sang cây cối, vun tưới cỏ rau gì cả. Trước thì ban tối không ai dám qua lại, đến nỗi chim muông lấn người, gần đây, thậm chí ban ngày cũng hai ba người cầm khí giới mới dám đi. Cách đó ít lâu, quả nhiên Giả Trân cũng ốm, nhưng không mời thầy thuốc chữa nữa, nhẹ thì đến vườn đốt vàng xin khất, nặng thì bói toán cầu cúng. Giả Trân khỏi thì bọn Giả Dung nối tiếp nhau ốm. Mấy tháng trời liên tiếp như vậy, làm cho cả hai phủ đều sợ. Từ đó, nghe tiếng chim kêu, gió thổi, và từng gốc cây ngọn cỏ, người ta cũng cho là yêu tinh cả. Các khoản cho thầu trong vườn nhất thiết bỏ hết, tiền chi tiêu hàng tháng, các phòng đều phải tăng thêm, làm cho phủ Vinh càng
chật vật. Bọn coi vườn không còn mơ ước gì nữa, ai cũng muốn bỏ đó mà đi, thường bịa ra những chuyện yêu quái để đòi dời ra. Sau đó họ đóng chặt cửa vườn lại, không ai dám vào, làm cho lầu cao gác rộng, quán ngọc đài dao đều trở thành nơi chim muông nương đậu.
Anh ngoại Tình Văn là Ngô Quý nhà ở ngay trước cửa vườn. Từ khi Tình Văn chết, nghe nói cô ta làm thần hoa, cho nên cô vợ anh ta cứ tối đến là không dám ra khỏi cửa. Hôm đó, Ngô Quý đi ra mua đồ vật, cô vợ anh ta bị cảm sẵn, ban ngày uống lầm thuốc nên đến đêm Ngô Quý về nhà, thì thấy vợ đã chết nằm trên giường. Người ngoài thấy mụ ta là người không đứng đắn, liền bịa chuyện nói là yêu quái leo tường ra hút hết tinh cho nên chị ta chết. Giả mẫu nghe nói, hoảng sợ, liền sai một số người vây kín lấy phòng ở của Bảo Ngọc, chia canh tuần phòng nghiêm ngặt. Bọn a hoàn nhỏ, đứa thì nói thấy người mặt đỏ, đứa thì nói thấy người con gái rất đẹp, bàn tán không ngớt, làm cho Bảo Ngọc luôn luôn khiếp sợ. May được Bảo Thoa vững vàng, nghe bọn a hoàn nói nhảm, liền doạ đòi đánh, nên những lời nói bịa đặt ấy cũng ngày một đỡ. Khốn nỗi, người ở các phòng đều sợ người, sợ quỉ, nơm nớp không yên, nên phải thêm người canh đêm, do đó, sự ăn tiêu càng tốn.
Chỉ có Giả Xá không tin lắm, bảo:
- Cái vườn yên tĩnh như thế, làm gì có ma quỉ.
Ông ta liền chọn ngày gió mát, ấm trời, dẫn một số người nhà cầm khí giới, vào vườn dò xem có động tĩnh gì không. Mọi người khuyên, ông ta không nghe. Khi vào vườn, quả nhiên âm khí ghê người. Giả Xá mạnh dạn tiến vào, nhưng bọn người đi theo thì đều so đầu rụt cổ. Trong đó, có một anh trẻ tuổi, bụng đã khiếp sợ, bỗng nghe “soạt” một tiếng, ngoảnh nhìn thì thấy một vật gì năm sắc chói lọi hay qua. Anh ta khiếp quá, kêu cái “ái chà” một tiếng, hai chân mềm nhũn, liền ngã ngay xuống. Giả Xá ngoảnh lại hỏi thì anh ta hồi hộp thưa:
- Chính mắt cháu trông thấy một con yêu tinh mặt vàng râu đỏ, áo tía xiêm xanh chạy vào hốc núi sau rừng cây.
Giả Xá nghe nói cũng hơi chột dạ, liền hỏi:
- Chúng bay đều thấy cả à?
Có mấy người cùng nói hùa theo:
- Sao lại không thấy, nhưng vì có ông lớn ở đấy, chúng con không dám kinh động, còn giữ vững tinh thần được.
Giả Xá nghe nói sợ hãi, cũng không dám đi nữa vội vàng trở về, dặn bọn hầu nhỏ không được nhắc đến, cứ nói đi xem khắp nơi chẳng thấy có gì. Thực ra thì trong bụng ông ta cũng tin, định đến phủ Chân Nhân mời pháp sư đến đuổi ma. Ngờ đâu bọn người nhà dầu không có chuyện chúng cũng còn bịa ra, huống gì bây giờ chúng thấy Giả Xá cũng sợ, nên chẳng những không giấu mà lại còn bịa đặt ra nhiều điều làm cho ai nghe cũng phải lè lưỡi.
Giả Xá chẳng biết làm thế nào, đành phải mời đạo sĩ đến vườn hoá phép trừ tà. Đạo sĩ chọn ngày tốt, trước hết lập một đàn tràng ở điện "Tỉnh thân ", trên hay tượng Tam thanh; hai hên bày hình ảnh hai mươi tám vị sao và bốn đại tướng là Mã, Triệu, Ôn, Chu; bên dưới bày tranh ba mươi sáu thiên tướng. Hương hoa đèn đuốc bày khắp cả nhà. Chuông trống và các đồ pháp bảo bày
la liệt hai bên. Các thứ cờ cắm theo màu sắc năm phương. Ty đạo kỷ sắp đặt bốn mươi chín vị đạo sĩ làm người chấp sự, để riêng một ngày làm lễ tĩnh đàn. Ba vị pháp quan hành hương lấy nước xong, rồi mới nổi hiệu trống lên. Các vị pháp sư đều đội mũ thất tinh, mặc áo pháp y cửu cung bát quái, đi giày đằng vân, tay cầm hốt ngà, liền dâng biểu mời các vị thánh. Lại đọc một ngày kinh Động Nguyên, để trừ tai, đuổi tà, và tiếp phúc, rồi sau đó ra bảng triệu tướng. Trên bảng viết: đại pháp sư, linh bảo phù lục diễn giáo ba cõi Thái ất, Hỗn nguyên, Thượng thanh, ra lệnh cho các thần ở địa phương đều đến nghe lệnh sai khiến”.
Ngày hôm ấy, các người trên dưới ở hai phủ, cậy có pháp sư bắt yêu, đều vào vườn xem, ai cũng nói:
- Pháp lệnh lớn thật! Gọi thần sai tướng rầm lên như thế, bất luận yêu quái nhiều hay ít cũng đều sợ chạy hết.
Mọi người đều chen nhau đến trước đàn. Đạo sĩ nhỏ dựng cờ và phướn lên đứng theo năm phương, chờ chực hiệu lệnh của pháp sư. Ba vị pháp sư, một vị tay cầm bảo kiếm và bưng nước phép; một vị cầm cờ đen có vẽ thất tinh và một vị cầm roi đánh yêu quái bằng gỗ đào, đều đứng ở trước đàn. Bỗng thấy pháp khí dừng lại rồi thì bên trên đánh ba tiếng lệnh, trong miệng pháp sư đọc câu thần chú, cờ năm phương bày rải rác ra xung quanh. Pháp sư bước xuống đàn, gọi người nhà dẫn đi đến các chỗ lầu gác, đình, đài, nhà cửa, hiên phòng, cho đến chân núi, bến nước, rảy nước phép, rồi dùng gươm chỉ vẽ một chốc, trở về đánh luôn mấy tiếng lệnh, đem cờ thất tinh tung lên. Các đạo sĩ thì đem cờ và phướn nhóm lại một chỗ. Pháp sư lại cầm roi đánh
yêu quái đánh luôn ba cái vào giữa khoảng không. Bọn người nhà đều cho là bắt được yêu quái, giành nhau lại xem. Khi đến tận nơi thì chẳng thấy hình dáng tiếng tăm gì cả. Chỉ thấy bọn pháp sư gọi các đạo sĩ đưa bình.lọ đến bắt yêu quái nhốt lại, dán giấy lên trên. Pháp sư dùng bút son viết bùa sai người mang về giữ lại ở một cái tháp trong chùa rồi hạ đàn và làm lễ tạ thần tướng. Giả Xá kính cẩn tạ ơn các pháp sư.
Anh em Giả Dung sau đó cứ cười mãi, nói:
- Bày biện một cách đồ sộ như thế, bọn mình cứ tưởng là bắt được yêu quái cho nhìn một tý xem ra làm sao, ai ngờ lại có thế thôi, biết họ có thật bắt được yêu quái không?
Giả Trân nghe nói, mắng:
- Đồ ngu! Yêu quái khi nhóm lại thì thành hình, khi tan ra thì thành khí, hiện nay có biết bao nhiêu thần tướng ở đây, yêu quái còn dám hiện hình ra à? Cốt sao thu lấy khí yêu, không cho nó quấy nhiễu nữa, thế là pháp lực đấy.
Mọi người nửa tin nửa ngờ, hãy chờ xem không thấy hiệu nghiệm gì rồi sẽ nói.
Bọn người dưới biết là yêu quái bị bắt, trong bụng hết nghi ngờ, nên không sợ sệt như trước nữa, về sau quả nhiên chẳng có ai nhắc đến. Bọn Giả Trân khỏi bệnh, bình phục như cũ đều cho là nhờ có thần lực của pháp sư. Riêng có một tên hầu nhỏ cười và nói:
- Trước kia ma quái như thế nào, tôi cũng chả biết, còn như hôm theo ông lớn vào vườn, thì rõ ràng là một con gà trống rừng bay qua, thằng Thuyên khiếp sợ, mù mắt, nói như chuyện thật? Bọn chúng tôi nói dối dùm cho nó, ông lớn cho là thật, làm chúng mình được xem một đàn tràng vui nhộn.
Mọi người nghe nói, nhưng chẳng ai dám tin. Rút cục vẫn không ai vào ở trong vườn.
Một hôm Giả Xá rảnh việc, đang định gọi người dọn vào trông nom trong vườn, sợ đêm hôm có quân gian trốn núp ở đó. Vừa muốn truyền lời ra gọi, bỗng thấy Giả Liễn đi vào hỏi thăm sức khoẻ và thưa:
- Hôm nay con sang bên nhà cậu Cả, nghe có tin bịa đặt nói là chú Hai bị quan tiết độ hạch về tội không chịu xem xét để bọn tuỳ thuộc thu thuế lương gạo quá nặng, tâu xin cách chức.
Giả Xá nghe xong, giật mình, nói:
- Có lẽ là tin bịa đặt thôi? Hôm trước chú Hai viết thư về, nói Thám Xuân ngày nọ đến nơi, chọn ngày giờ tốt đưa em mày tới miền biển, dọc đường gió yên sóng lặng, cả nhà không cần lo nghĩ. Lại còn nói quan tiết độ nhận làm bà con, thết tiệc chúc mừng, lẽ nào đã làm bà con rồi lại còn hặc nhau? Hãy khoan nói gì cả, con cứ đến bộ lại dò cho rõ ràng rồi về nói với ta.
Giả Liễn tất tưởi ra đi, chưa đến nửa ngày đã về, thưa lại:
- Con vừa đến bộ lại dò xem thì quả nhiên chú Hai bị hặc. Bản tâu dâng lên, may nhờ ân đức của hoàng thượng, không giao xuống bộ, liền xuống chiếu chỉ nói: "Không xem xét bọn quan dưới thu thuế lương gạo quá nặng, làm hại nhân dân, tội đáng cách chức. Nhưng nghĩ rằng mới làm quan ngoài, chưa quen việc cai trị nên bị bọn quan dưới che giấu. Vậy chỉ giáng ba cấp, gia ân cho vẫn làm chức viện ngoại bộ công như trước và truyền phải về kinh ngay". Tin này là đúng đấy. Lúc con đang nói chuyện ở bộ lại thì có một viên tri huyện ở Giang Tây được đưa vào bệ kiến cũng vừa đến đó. Nói đến chú Hai nhà ta, ông ta rất là cảm kích. Ông ta nói chú Hai là một vị quan rất tốt, nhưng dùng người không đúng. Bọn người nhà ở ngoài rêu rao lừa dối, khinh rẽ viên chức ở dưới, làm chú Hai mang tiếng. Quan tiết độ biết đã lâu, ngài cũng nói. Chú Hai là người tốt, không hiểu sao bây giờ ông ta lại hặc. Chắc là quan tiết độ thấy tệ quá, sợ sau này xảy ra vạ lớn, cho nên mượn việc không xét người dưới mà hặc để giảm nhẹ tội, cũng chưa biết chừng.
Giả Xá ngắt lời bảo Giả Liễn:
- Con hãy đi trình với thím Hai. Khoan trình với bà là được.
Giả Liễn liền đi ra trình lại với Vương phu nhân.
Chú thích:
(1) Một danh từ Đông y, nghĩa là đường kinh lạc từ dạ dày đi xuống chân.
(2) Thầy bói dùng ba đồng tiền gieo xuống khay: ngửa cả ba đồng là “giao”, sấp một đồng là “đơn”, sấp hai đồng là “sách”, sấp ba đồng là “trùng”, rồi theo đó mà tính ra là quẻ gì.
(3) “Đơn chiết đơn” là cách tình các quẻ đơn trong kinh Dịch.
(4) Tên một quẻ trong kinh Dịch.
(5) Bói cỏ thi là đếm cây cỏ thi để mà bói theo phép kinh dịch.
(6) Các chữ như thế hào, bạch hổ, phách hoả, tử thần, tử sát, v.v.. đều là danh từ riêng trong phép bói toán đời xưa.
Hồi 103:
Giở kế độc ác, Kim Quế tự giết mình
Không hiểu đạo thiền, Vũ Thôn gặp người cũ
Giả Liễn sang nhà Vương phu nhân nói rõ đầu đuôi. Đến hôm sau anh ta vào trong bộ thu xếp ổn thỏa rồi, về nhà đem việc thu xếp ở bộ lại nói với Vương phu nhân. Vương phu nhân liền hỏi:
- Cháu dò chắc rồi à? Nếu quả như thế, chú cũng bằng lòng, mà cả nhà cũng yên tâm. Còn làm quan ngoài thì thật là không làm được! Nếu không gặp việc như thế mà về thì có lẽ bọn tầm bậy kia còn chôn cả mạng chú đi nữa kia.
- Sao thím biết?
- Từ khi chú Hai cháu đi làm quan ngoài tới nay, chẳng thấy gửi một đồng tiền nào về nhà, mà lại lấy mất bao nhiêu tiền nhà đem đi. Cháu xem đấy, bọn đi theo chú thì chồng ở ngoài chưa được mấy lâu mà vợ ở nhà đã hoa vàng xuyến bạc, trang điểm lộng lẫy. Không phải chúng ở ngoài che mắt chú mà làm tiền là gì? Thế mà chú cháu cũng để mặc cho chúng làm bậy. Nếu xảy ra chuyện chẳng lành thì chẳng những mất chức quan của mình, mà cả chức quan của cha ông để lại cũng mất luôn nữa.
- Thím nói cũng phải. Vừa rồi cháu nghe chú bị hặc, cũng sợ cuống lên. Đến khi dò hỏi rõ ràng mới yên tâm. Cháu cũng muốn chú làm quan ở kinh yên ổn mấy năm, mới giữ tròn được thanh danh cả đời người. Dầu cụ có nghe thấy, chắc cũng yên lòng, chỉ cần thím lựa lời nói cho nhẹ nhàng một chút.
- Ta hiểu rồi, cháu lại đi dò hỏi thêm nữa xem.
Giả Liễn vâng lời, định ra đi. Bỗng thấy một bà già ở bên nhà Tiết phu nhân, ra vẻ hoảng hốt, chạy đến. Vào đến nhà Vương phu nhân, bà ta cũng không hỏi thăm sức khỏe, mà nói ngay:
- Bà nhà chúng tôi bảo đến trình với bà lớn ở đây, bên nhà chúng tôi nguy lắm, lại xảy ra việc rồi!
Vương phu nhân vội hỏi:
- Có việc gì thế?
- Nguy lắm, nguy lắm!
Vương phu nhân hừ một tiếng, bảo:
- Đồ lẩm cẩm! Có việc gì quan hệ thì mụ cứ nói ra xem nào?
- Cậu Hai nhà tôi đi vắng, không có người đàn ông nào ở nhà, việc này xảy ra biết làm thế nào! Nhờ bà lớn cho mấy cậu sang lo liệu giùm cho.
Vương Phu nhân nghe nói, chẳng hiểu ra sao, hoảng lên nói:
- Mời các cậu sang để làm gì chứ?
- Mợ cả nhà tôi chết mất rồi!
Vương phu nhân nghe nói, nhổ toẹt một cái rồi nói:
- Cái thứ đàn bà ấy chết đi thì thôi, có đáng gì mà cũng làm rầm lên như thế?
- Không phải chết bình thường mà là chết một cách ám muội. Nhờ bà lớn mau cho người sang lo liệu hộ.
Bà ta nói xong định chạy về.
Vương phu nhân vừa tức, vừa buồn cười, liền nói:
- Bà già này rõ lẩn thẩn! Anh Liễn ạ, anh sang xem, đừng nghe cái mụ ngu ngốc ấy.
Bà già kia không nghe câu “cho người sang”, mà chỉ nghe “đừng nghe mụ ấy “, liền đâm giận, bỏ chạy về.
Bên này Tiết phu nhân đang lúc cuống quít, chờ mãi không thấy ai đến. Vừa thay bà già về, bà ta hỏi ngay:
- Dì sai ai đến?
Bà già thở dài:
- Người ta khi có việc nguy cấp mới biết. Bà con thân thiết xem chừng cũng chẳng ăn thua gì? Dì chẳng những không chịu giúp đỡ nhà ta mà còn mắng tôi là ngu ngốc?
Tiết phu nhân nghe nói vừa tức vừa hoảng, liền bảo:
- Dì không nhìn thì cô nói thế nào?
- Dì đã không nhìn thì chắc rằng cô nhà ta lại càng không nhìn nốt, nên tôi không đến nói.
Tiết phu nhân nhổ toẹt một cái và nói:
- Dì là người ngoài. Cô là con ta, sao lại không nhìn được.
Bà già nghe nói mới nhớ ra:
- Phải rồi! Đã thế thì để tôi đi nói.
Đang nói thì thấy Giả Liễn đến chào Tiết phu nhân, ngỏ lời hỏi thăm rồi nói:
- Thím cháu nghe nói mợ nó mất đi, hỏi bà già không rõ gì cả. Thím cháu rất sốt ruột, sai cháu sang hỏi lại cho rõ ràng, và bảo cháu ở đây lo dùm, nên như thế nào, dì cứ nói để liệu.
Tiết phu nhân đang tức, ngồi khóc thầm, nghe Giả Liễn nói, vội vàng trả lời:
- Thật làm phiền cậu. Tôi đã nói dì đối đãi với tôi rất tử tế nhưng con mụ già ấy nói không rõ, suýt nữa làm hỏng việc. Mời cậu ngồi xuống để thong thả, tôi nói cho cậu nghe.
Đoạn lại nói tiếp:
- Không có việc gì khác, chỉ vì con dâu tôi chết không phải bình thường!
- Chắc là vì chú em mang tội, mợ ta buồn giận mà chết chứ gì?
- Nếu đượcc như thế thì đã phúc! Mấy tháng trước đây, ngày nào nó cũng cứ đi chân không, bỏ xoã tóc làm như con điên. Sau nghe em cậu (1) bị tội chết, nó có khóc một trận, nhưng sau đó lại bôi son đánh phấn. Tôi nói thì nó làm ầm lên. Không chịu nổi nên tôi cứ để mặc. Hôm gần đây không biết tại sạo nó bảo con Hương Lăng đến ở chung với nó. Tôi bảo nó: “Mày có con Bảo Thiềm rồi, còn gọi con Hương Lăng làm gì? Vả lại mày vẫn không thích con Hương Lăng, tội gì mà làm cho thêm tức giận? Nó nhất định không nghe. Tôi không biết làm thế nào, đành phải bảo Hương Lăng tới phòng nó. Tội nghiệp con Hương Lăng, không đám cưỡng lời tôi, phải mang bệnh mà đến. Ai ngờ nó đãi Hương Lăng rất tốt, tôi cũng vui mừng. Cô em của cậu (2) biết thế liền nói: “Chỉ sợ chẳng phải tốt thật đâu”. Tôi cũng không để ý. Mấy hôm đầu, Hương Lăng ốm nằm. nó tự tay đi nấu canh cho Hương Lăng ăn. Không ngờ Hương Lăng vô phúc, vừa bưng canh thì tay nó bị bỏng, vỡ cả bát canh. Tôi chắc rằng nó sẽ giận lây Hương Lăng. Nhưng nó không giận rồi tự lấy chổi quét sạch. múc nước chùi đất. Hai đứa vẫn tử tế với nhau như thường. Chiều hôm qua, nó lại bảo con Bảo Thiềm làm hai bát canh để ăn chung với Hương Lăng. Cách một lúc thấy bên nhà nó ồn lên. Con Bảo Thiềm hoảng hốt kêu to. Sau đó con Hương Lăng cũng
kêu và vịn tường đi ra gọi người. Tôi vội vàng sang thì thấy con dâu tôi lỗ mũi con mắt đều chảy máu, đang vật vã giữa đất, hai tay cào bụng, hai chân giãy đành đạch, làm cho tôi chết khiếp đi được. Tôi xem bộ dạng thì rõ là nó uống phải thuốc độc. Bảo Thiềm liền khóc lên và níu lấy Hương Lăng, nói là Hương Lăng bỏ thuốc độc giết chết mợ nó. Tôi xem Hương Lăng không phải là người như thế. Vả chăng nó ốm, dậy cũng không được, làm sao mà bỏ thuốc độc giết được người. Khốn nỗi, con Bảo Thiềm cứ nói chắc chắn như thế. Cậu Hai xem, tôi làm thế nào bây giờ. Tôi đành phải bảo bọn bà già trói con Hương Lăng lại, giao cho con Bảo Thiềm và khoá trái cửa phòng lại. Tôi và em hai cậu (3), ngồi giữ suốt đêm, chờ cho bên phủ mở cửa mới đi nói được. Cậu Hai ạ! Cậu là người thông hiểu, việc này bây giờ làm thế nào đây?
Giả Liễn nói:
- Bên nhà họ Hạ đã biết chưa!
- Cũng phải xử trí thế nào cho rõ ràng đã rồi mới báo tin cho họ được.
- Theo tôi thì việc này phải báo quan mới xong. Chúng ta cố nhiên là nghi cho con Bảo Thiềm. Nhưng người ta sẽ hỏi tại sao con Bảo Thiềm lại bỏ thuốc độc giết chết cô nó. Nếu mà gán cho Hương Lăng thì đáng còn có lý.
Đang nói chuyện thì thấy bọn con gái hầu ở bên Phủ Vinh đi vào thưa:
- Mợ Hai chúng tôi đến đấy!
Giả Liễn tuy là anh chồng, nhưng vì hai bên đã biết nhau từ lúc nhỏ, nên cũng không cần tránh. Bảo Thoa vào chào mẹ và Giả Liễn, rồi vào nhà trong ngồi với Bảo Cầm.
Tiết phu nhân theo vào, đem chuyện vừa rồi nói lại cho Bảo Thoa nghe, Bảo Thoa liền nói:
- Nếu bắt trói Hương Lăng thì ra mình cũng nói Hương Lăng bỏ thuốc giết người à? Mẹ nói canh ấy do Bảo Thiềm nấu thì nên trói nó lại mà hỏi, một mặt cho người báo tin với nhà họ Hạ; một mặt đi báo quan mới phải.
Tiết phu nhân nghe nói có lý, liền hỏi Giả Liễn. Giả Liễn nói:
- Em Hai nói rất phải. Việc báo quan thì tôi phải đi, phải dặn trước những người bộ hình thì khi khám nghiệm và lấy khẩu cung họ mới giúp đỡ mình. Còn việc trói Bảo Thiềm, tha Hương Lăng thì hơi khó.
Tiết phu nhân nói:
- Không phải là tôi muốn trói Hương Lăng, nhưng sợ Hương Lăng trong khi ốm lại bị oan, hoảng lên mà tự tử, thì lại thêm một nhân mạng nữa, nên mới trói mà giao cho Bảo Thiềm, đó cũng là có ý.
Giả Liễn nói:
- Tuy nói như vậy, nhưng làm như thế thì lại hoá ra mình giúp cho Bảo Thiềm rồi. Nếu tha thì tha cả; trói thì trói cả; vì ba người ấy ở chung một chỗ. Chỉ nên sai người yên ủi riêng Hương
Lăng là được.
Tiết phu nhân liền sai người mở cửa đi vào. Bảo Thoa sai mấy người đàn bà theo đến giúp sức trói Bảo Thiềm.
Lúc đó, thấy Hương Lăng đã khóc lóc, chết đi sống lại. Còn Bảo Thiềm thì hớn hở đắc ý, sau nó thấy người ta định trói mình thì gào lên, nhưng người Phủ Vinh quát nạt, rồi trói lại và mở cửa ra để sai người trông nom cho tiện.
Người tin cho nhà họ Hạ cũng đã đi. Nhà họ Hạ trước kia không ở trong kinh, nhân vì gần đây cảnh nhà sa sút, lại nhớ con gái nên mới dọn ra ở kinh. Người cha đã mất, chỉ còn có mẹ, lại lập tự Hạ Tam là một đứa tầm bậy, phá sạch cơ nghiệp. Hắn cũng thường đến nhà họ Tiết. Kim Quế vốn là người dâm đãng, chịu cảnh phòng không sao nỗi. Chị ta ngày ngày tơ tưởng Tiết Khoa không được, nên có vẻ như người đói không chọn thức ăn. Nhưng khốn nỗi, Hạ Tam lại là một thằng ngốc, tuy có hiểu biết ít nhiều, nhưng cũng chưa dám ăn nằm với nhau. Vì thế, Kim Quế thường về nhà, giúp hắn ít nhiều tiền bạc.
Hôm đó, Hạ Tam đang mong Kim Quế về, thì thấy người nhà họ Tiết đến, bụng hắn nghĩ thầm: “Chừng lại mang cái gì về đây?” Không ngờ nghe nói là cô uống thuốc độc chết, hắn liền nổi nóng, kêu gào ầm ĩ. Mẹ Kim Quế nghe nói cũng vừa khóc vừa gào:
- Con gái ta ở nhà nó vô duyên vô cớ, tại sao lại uống thuốc độc?
Bà ta vừa kêu vừa khóc, rồi cùng người con đi ngay không chờ thuê xe nữa. Họ Hạ nguyên là một nhà buôn bán, nay không có tiền thì còn giữ sĩ diện gì. Con bà ta chạy trước, còn bà ta thì cùng một bà già ăn mặc rách rưới ra khỏi cửa, dọc đường phố, vừa khóc vừa kêu rồi thuê một cái xe xộc xệch đi thẳng đến nhà họ Tiết. Vào nhà, bà ta cũng chẳng bắt chuyện với ai, liền gọi: “Con ơi, con hỡi!” và bắt đền người.
Lúc đó Giả Liễn còn đến bộ hình nhờ người ta giúp đỡ, ở nhà chỉ có Tiết phu nhân, Bảo Thoa và Bảo Cầm, họ chưa bao giờ thấy cái cảnh tượng như thế, nên đều khiếp sợ không dám lên tiếng. Muốn nói phải chăng với bà ta, nhưng bà ta không chịu nghe, cứ một mực nói:
- Con gái tôi ở nhà bà có được sung sướng gì đâu? Hai vợ chồng nó bấy nay cứ sớm tối đánh chửi nhau như mổ bò. Các người lại không để cho hai vợ chồng nó ở một chỗ, bàn cách đem rể tôi nhốt vào nhà giam, lâu ngày không thấy mặt nữa. Mẹ con các người có bà con tốt, hưởng ung sướng đã đành,sợ để nó đấy gai mắt, nên sai người đánh thuốc giết chết nó đi, rồi nói là nó uống thuốc độc! Con tôi làm sao mà lại uống thuốc độc?
Vừa nói bà ta vừa đâm bổ đến trước mặt Tiết phu nhân. Tiết phu nhân đành phải lùi lại sau, nói:
- Bà thông gia này! Bà hãy nhìn con một chút, hỏi lại con Bảo Thiềm rồi hãy nói nhảm cũng chưa muộn!
Bảo Thoa và Bảo Cầm vì có đứa con nuôi họ Hạ ở ngoài nên không tiện ra can ngăn, bênh vực, chỉ ở trong nhà hoảng hốt.
May sao Vương phu nhân cho vợ Chu Thụy đến trông nom. Mụ vừa vào cửa, trông thấy một bà già, đang chỉ vào mặt Tiết phu nhân vừa khóc vừa mắng. Vợ Chu Thụy biết là mẹ Kim Quế, liền chạy lại nói:
- Đây là bà thông gia đấy à? Mợ cả uống thuốc độc có can gì đến bà dì chúng tôi đâu? Bà không được làm ầm ĩ như thế!
Mẹ Kim Quế hỏi:
- Bà là ai ?
Tiết phu nhân thấy có người, mạnh dạn hơn, liền nói:
- Bà này người bên phủ Giả, là bà con chúng tôi đấy?
- Ai không biết nhà bà có bà con nương tựa. Có như thế mới bắt thằng rể tôi vào nhà giam được chứ? Không lẽ bây giờ để cho con gái tôi chết oan hay sao?
Nói đến đó, bà ta liền nắm lấy Tiết phu nhân mà bảo:
- Bà giết con gái tôi bằng cách nào, để cho tôi xem!
Vợ Chu Thụy khuyên:
- Bà cứ đi xem, không cần phải lôi lôi kéo kéo nữa.
Rồi mụ giơ tay đẩy ra. Con nuôi họ Hạ liền chạy lại, quát:
- Nhà mụ cậy thế bên phủ Giả, đến đánh mẹ tôi à?
Nói xong, nó vác ghế ném một cái. nhưng không trúng. Bọn người theo hầu Bảo Thoa nghe bên ngoài làm ồn lên, vội vàng ra xem, sợ vợ Chu Thụy bị lép vế, đều kéo bè, nửa khuyên nửa quát. Mẹ con nhà họ Hạ nổi khùng lên, nói:
- Biết thế lực của phủ Vinh rồi đấy! Nhưng con gái nhà chúng tao đã chết rồi, giờ đây chúng tao không cần gì đến tính mạng nữa.
Nói xong, chúng định chạy lại liều mạng với Tiết phu nhân. Người ở đấy tuy nhiều nhưng không sao cản nổi. Đúng như người xưa nói: “Một người liều mạng, muôn người khó chống”. Đang lúc gay go thì Giả Liễn dẫn bảy tám tên gia nhân đến. Trông thấy thế, Giả Liễn bảo kéo con họ Hạ ra và nói:
- Các ngươi không được làm càn, có điều gì cứ nói tử tế. Mau mau dọn dẹp trong nhà, các quan trong bộ hình sắp đến khám nghiệm rồi đấy.
Mẹ Kim Quế đang hung hăng, chợt thấy Giả Liễn đến quát nạt, mọi người đều buông tay đứng hầu. Bà ta thấy tình hình này cũng không biết Giả Liễn là người nào ở bên phủ Giả. Lại
thấy con mình đã bị mọi người tóm lấy, và nghe nói hộ hình sắp đến khám. Bà ta vốn định hễ thấy xác của con là trước hết làm cho một trận tan nát rồi mới đi kêu oan. Không ngờ ở đây họ đã đi báo quan trước, nên bà ta cũng non đi ít nhiều.
Tiết phu nhân khiếp sợ, đâm ra ngơ ngác, vợ Chu Thụy nói:
- Bọn họ đến, không nhìn con gái họ mà lại dày vò dì. Chúng tôi có lòng tốt đến khuyên, lại có một tên đầu bò ở đâu chạy đến, đánh bậy, nói bậy ở giữa chỗ các mợ. Thì ra không còn có phép vua gì nữa.
Giả Liễn nói:
- Giờ đây không cần nói lý với nó nữa, chỗc nữa sẽ đánh nó và hỏi: đàn ông thì có chỗ của đàn ông. Trong này đều là các cô các mợ cả, vả có mẹ nó rồi lại không nhìn được chị nó hay sao? Nó chạy vào đây để mà ăn cướp à?
Bọn người nhà vừa đổ vừa tìm cách đe nẹt nó. Vợ Chu Thụy cậy có nhiều người, liền nói:
- Bà Hạ! Bà không hiểu gì cả? Đã đến đây bà cũng nên hỏi cho rõ đen trắng chứ? Cô gái nhà bà tự mình uống thuốc độc mà chết, không thì cũng là con Bảo Thiềm giết chết chủ nhà. Tại sao bà không hỏi rõ ràng, không nhìn xác chết con gái mà đã vu vạ cho người ta? Không lẽ chúng tôi lại chịu cho con dâu tự nhiên vô cớ mà chết oan hay sao? Hiện nay đã bắt Bảo Thiềm trói lại rồi. Vì cô gái nhà bà muốn lây bệnh, gọi Hương Lăng đến ở chung một nhà, cho nên cả hai người đều bị bắt giữ lại ở đây. Chúng tôi vẫn định chờ bà đến chính mắt trông thấy bộ hình khám nghiệm rồi hỏi cho ra manh mối mới được!
Bà mẹ Kim Quế lúc bấy giờ thế cô, đành phải theo vợ Chu Thụy đến phòng con gái, thì thấy chị ta đầy mặt máu đen, nằm sóng sượt trên giường. Bà ta liền khóc và gào. Bảo Thiềm thấy người nhà nó đến, cũng gào lên:
- Cô nhà ta có bụng tốt đối với con Hương Lăng, bảo nó ở chung, ai ngờ nó lại thừa dịp thuốc chết cô!
Lúc đó, người nhà họ Tiết đều ở đấy, liền đồng thanh quát bảo:
- Nói nhảm! Hôm qua mợ ăn phải canh mới bi chết. Canh ấy không phải là mày nấu hay sao?
Bao Thiềm nói:
- Canh thì do tôi nấu, khi bưng lên, tôi có việc đi ra, không thiết Hương Lăng dậy bỏ gì nào trong ấy.
Bà mẹ Kim Quế chưa nghe nói hết, đã vội chạy lại chỗ Hương Lăng. Mọi người ngăn lại. Tiết phu nhân liền nói:
- Xem bộ dạng này thì bị thạch tín thuốc chết đấy. Vật này trong nhà quyết không có, bất luận là Hương Lăng hay Bảo Thiềm thế nào cũng có đứa mua cho nó. Chốc nữa ra bộ hình hỏi, sẽ không chối được. Giờ hãy đem con dâu đặt nằm ngay ngắn để quan đến khám.
Bọn bà già tới sửa sang ngay ngắn. Bảo Thoa nói:
- Chốc nữa toàn là đàn ông vào đấy. Các bà hãy đi thu xếp các đồ dùng của phụ nữ lại.
Khi xem thì thấy dưới nệm giường có cái gói giấp vo tròn thành một cục. Bà mẹ Kim Quế trông thấy, liền nhặt lên mở ra xem, thấy không có gì, liền vứt đi. Bảo Thiềm trông thấy, nói:
- Bằng cứ ở đây rồi! Tôi biết gói giấy ấy: Mấy hôm trước đây, chuột phá dữ lắm, mợ về bên nhà nhờ cậu tìm cho, đem về để trong hộp đồ trang sức. Chắc là Hương Lăng trông thấy, rồi dùng nó để thuốc chết mợ. Nếu không tin thì các bà xem trong hộp trang sức xem còn có nữa không?
Bà mẹ Kim Quế nghe lời nói của Bảo Thiềm, lấy hộp ra thì chỉ có mấy cái trâm bạc. Tiết phu nhân liền nói:
- Tại sao những đồ trang sức khác đâu không còn nữa?
Bảo Thoa gọi người mớ rương và tủ ra, đều trống không, liền nói:
- Đồ đạc của chị, ai lấy đi thế? Cái này thì phải hỏi Bảo Thiềm mới được.
Bà mẹ Kim Quế trong bụng hơi lo, thấy Tiết phu nhân tra hỏi Bảo Thiềm, liền nói:
- Đồ đạc của cô nó, nó biết sao được.
Vợ Chu Thụy nói:
- Bà đừng nói thế. Tôi biết cô Bảo ngày nào cũng ở cạnh mợ cả, sao lại không biết?
Bảo Thiềm thấy hỏi găng quá, chối quanh cũng không được đành phải nói:
- Mợ thường mang về bên nhà, tôi giữ được à?
Mọi người liền nói:
- Giỏi thật! Phỉnh lấy của con gái hết rồi, bảo con tự tử để vu vạ cho chúng tôi? Giỏi thật! Chốc nữa, quan khám xong có hỏi. chúng tôi cứ nói như thế.
Bảo Thoa bảo người nhà:
- Ra ngoài kia, nói với cậu Hai Liễn. Đừng có thả người nhà họ Hạ ra.
Trong này bà mẹ Kim Quế cuống lên, liền mắng Bảo Thiềm:
- Con ranh kia đừng có nói nhảm, cô đem đồ đạc về nhà bao giờ thế?
Báo Thiềm nói:
- Giờ đây đồ đạc là việc nhỏ, đền mạng cho cô là việc lớn.
Bảo Cầm nói:
- Có đồ đạc là có người đền mạng? Mau mau nói với anh Hai Liễn hỏi cho rõ việc con nhà họ Hạ mua thạch tín, để chốc nữa trả lời với bộ hình cho tiện.
Bà mẹ Kim Quế hoảng hốt nói:
- Con Bảo Thiềm nhất định là bị quỉ ám, nói nhảm, nói bậy. Cô nhà ta có mua thạch tín bao giờ? Nói như thế, thì nhất định là Bảo Thiềm thuốc chết đấy!
Bảo Thiềm tức quá, kêu ầm lên:
- Người khác vu vạ cho tôi đã đành, sao bà cũng vu vạ cho tôi? Nhà bà chẳng đã thường nói với cô tôi rằng: chẳng tội gì mà chịu khổ, phá cho nó một trận. Người mất, của hết, rồi cứ cuốn đồ đạc vào một gói, đi lấy chồng khác tốt hơn. Bà có nói câu ấy không ?
Bà mẹ Kim Quế còn chưa trả lời, thì vợ Chu Thụy đã nói ngay:
Đấy là người nhà bà nói đấy nhé. còn chối đằng trời.
Bà mẹ Kim Quế tức quá. nghiến răng nghiến lợi, mắng
Bải Thiềm:
Tao đối xử với mày không đến nỗi tệ bạc? Sao mày dám buông lời định chôn chết tao? Chốc nữa hầu quan, tao sẽ nói là mày thuốc chết cô đấy!
Bảo Thiềm tức trợn mắt. nói:
- Xin bà lớn thả Hương Lăng ra, không việc gì mà làm tội oan người khác. Lúc hầu quan tôi sẽ có cách nói.
Bảo Thoa bắt được đầu mối, liền sai người thả Bảo Thiềm ra, và nói:
- Chị là người sáng suốt, linh lợi, tội gì mà chịu oan. Có việc gì thì cứ nói trắng ra cho mọi người rõ, có phải là xong việc không ?
Bảo Thiềm cũng sợ đến cửa quan sẽ chịu khổ, liền nói:
- Mợ cả chúng tôi ngày nào cũng oán trách, nói: “Mình thế này, làm sao lại gặp phải bà mẹ đui mắt, không gả mình cho cậu Hai, lại gả cho con người u mê bậy bạ ấy? Nếu mà được ở chung với cậu Hai một ngày, thì có chết cũng cam! Hễ nói đến đó mợ lại giận Hương Lăng. Ban đầu tôi cũng chẳng để ý, sau thấy mợ thân mật với Hương Lăng, tôi tưởng là Hương Lăng bày
vẽ gì cho mợ ấy rồi. Không ngờ việc nấu canh hôm qua có dụng ý không tốt.
Bà mẹ Kim Quế nói chẹn ngay:
- Lại càng nói nhảm! Nếu nó muốn thuốc Hương Lăng, sao lại thuốc lấy mình?
Bảo Thoa liền hỏi:
- Chị Hương Lăng, hôm qua chị có ăn canh không?
Hương Lăng nói:
- Mấy hôm trước đây, tôi ốm không cất đầu dậy được, mơ bảo tôi ăn canh, tôi không dám nói không ăn, vừa định gượng dậy thì bát canh đã đổ mất, trở lại làm cho mợ phải dọn dẹp khó khăn, trong lòng tôi áy náy mãi. Hôm qua, nghe gọi tôi ăn canh, tôi ăn không được, không biết làm thế nào, lúc đang định ăn thì đầu lại choáng váng. Thấy chị Bảo Thiềm bưng đi, tôi đang mừng thầm, vừa nhắm mắt thì mợ ăn canh và bảo tôi nếm thử, tôi cũng cố gắng nuốt hai ngụm.
Hương Lăng nói chưa xong thì Bảo Thiềm đã đỡ lời:
- Phải rồi, tôi nói thật ra thôi. Hôm qua mợ bảo tôi làm hai bát canh, nói là để ăn chung với Hương Lăng. Tôi tức quá, nghĩ bụng: “Hương Lăng là cái thứ gì mà mình phải nấu canh      cho nó ăn? Tôi cố ý bỏ thêm mắm muối vào một bát, làm dấu sẵn: chính là để cho Hương Lăng ăn. Tôi vừa định bưng lên thì mợ ngăn lại, bảo ra ngoài gọi đứa bé thuê chiếc xe, hôm nay về bên nhà. Tôi đi ra nói xong trở về, thì thấy cái bát nhiều muối để trước mặt mợ. Tôi sợ để mợ ăn thấy mặn thì lại mắng tôi. Đang lúng túng không biết làm thế nào mà mợ đi ra, tôi nhân khi mợ sơ ý không nhìn thấy, liền đánh tráo bát canh chỗ Hương Lăng qua chỗ mợ. Thật cũng là số mệnh xui nên như thế. Mợ trở vào cầm bát canh đến bên giường Hương Lăng, quát: “Mày phải nếm một tý chứ?” Hương Lăng cũng không biết mặn, hai người đều ăn xong. Tôi còn cười Hương Lăng miệng không biết mùi gì, ai ngờ cái mợ chết tiệt ấy muốn thuốc Hương Lăng, chắc chắn là nhân lúc vắng tôi, mợ rắc thạch tín vào, cũng không biết là tôi đánh tráo bát. Thật là: “Lẽ trời rõ rệt, mình lại tự hại mình vậy!”
Mọi người nghe nói, nghĩ lại trước sau, thật là không sai một chút nào, liền tha Hương Lăng ra, đỡ cho cô ta nằm lên giường như trước.
Bà mẹ Kim Quế có tật giật mình, việc lại rõ ràng, còn toan chối cãi. Bọn Tiết phu nhân mỗi người một điều, định bắt con bà ta đền mạng cho Kim Quế.
Đang lúc lời qua tiếng lại ồn ào thì Giả Liễn ở ngoài kêu lên:
- Không cần nói nhiều làm gì, mau mau thu xếp cẩn thận, quan lớn bộ hình sắp đến đấy?
Mẹ con họ Hạ hoảng sợ, nghĩ rằng đường nào mình cũng phải chịu thiệt, bất đắc dĩ quay lại xin với Tiết phu nhân:
- Muôn ngàn đều không phải, cũng là do con gái tôi hư thân. Đó là tự nó làm nó chịu, nếu để bộ hình khám nghiệm thì thể diện nhà ta cũng khó coi. Xin bà thôi việc ấy đi cho!
Bảo Thoa nói:
- Cái đó không được, đã cáo quan rồi, làm sao mà thôi được?
Bọn vợ Chu Thụy vừa dọa vừa khuyên:
- Nếu muốn thôi việc, chỉ có cách bà Hạ tự mình đứng ra xin đừng khám, chúng tôi không nói gì phải trái là thôi.
Giả Liễn ở ngoài cũng dọa thằng con. Thằng này tình nguyện đến gặp quan bộ hình, làm giấy cam kết xin đừng khám.
Mọi người đều bằng lòng. Tiết phu nhân sai người mua quan tài chôn cất Kim Quế.
Giả Vũ Thôn được thăng chức phủ doãn ở kinh và coi luôn việc thu thuế. Một hôm Vũ Thôn đi khám đất ruộng khai khẩn ở ngoài kinh đô, dọc đường qua huyện Tri Cơ, đến bến Cấp Lưu, đang định đi đò sang bờ bên kia, nhưng chờ dân phu nên tạm dừng kiệu lại. Vũ Thôn thấy bên đường có một toà miếu nhỏ, tường vách sụp đổ, để lộ ra mấy cây thông già, xem bộ cũng xanh um cổ kính, ông ta xuống kiệu, thong thả đi vào, thấy trong miếu tượng thần đã bị tróc mất lớp sơn trên mình, nhà cửa xiêu vẹo, một bên bia đá đã vỡ, dấu chữ lờ mờ, xem không rõ nữa. Ông ta định đi ra sau miếu thì thấy có một cây bách xanh biếc, dưới có một gian nhà tranh, trong nhà có một vị đạo sĩ, đang nhắm mắt ngồi nhập định. Vũ Thôn lại gần thì thấy người này diện mạo rất quen, mường tượng hình như đã gặp ở nơi nào, nhưng nghĩ không ra. Người đi theo định quát. Vũ Thôn ngăn lại, rồi thong thả đi tới nơi, gọi:
- Vị đạo sĩ già ơi!
Đạo sĩ hé mở hai mắt, khẽ cười và nói:
- Quan lớn có việc gì?
- Tôi từ kinh đô ra tra xét công việc, dọc đường qua đây, thấy vị đạo sĩ già yên lặng tu hành, có vẻ đắc đạo, chắc là đạo hạnh sâu rộng. Tôi muốn đánh bạo xin ngài dạy bảo.
Đến có chỗ đến, đi có phương đi.
Vũ Thôn biết người này chắc có lai lịch gì đây, liền vái dài một cái và hỏi:
- Đạo sĩ già bắt đầu đi tu từ đâu mà làm nhà ở đây? Miếu này tên là gì? Trong miếu cả thảy có mấy người? Hoặc muốn tu thật, thiếu gì núi cao? Hoặc muốn kết duyên sao không chọn chỗ đường lắm ngã ?
- “Hồ Lô” (4) còn có thể yên mình, hà tất phải làm nhà ở núi cao. Miếu mất tên đã lâu, bia vỡ còn đấy, hình bóng theo nhau, hà tất phải tu hành mộ hoá (5). Có phải như bọn “Ngọc ở trong hòm chờ giá bán, thoa nằm trong hộp đợi thời bay” đâu.(6)
Vũ Thôn vốn là người thông minh, ban đầu nghe nói hai chữ "Hồ lô", sau lại nghe câu “thoa. ngọc”, chợt nhớ đến việc Chân Sĩ Ẩn, lại ngắm nghía kỹ người đạo sĩ một hồi nữa, thấy dung mạo của ông ta vẫn giống như trước, liền đuổi người đi theo ra, và hỏi:
- Ngài có phải là Chân lão tiên sinh không?
Đạo sĩ kia mỉm cười, và nói:
- “Chân” là gì, “Giả” là gì. Phải biết rằng “Chân” tức là “Giả”, “Giả” tức là “Chân”.
Vũ Thôn nghe nói đến chữ “Giả”, càng không nghi ngờ gì nữa, liền lại vái chào và nói:
- Học sinh này từ khi nhờ tiên sinh khảng khái giúp đỡ, vào kinh may mắn thi đậu, được bổ nhậm ở quý huyện, mới biết lão tiên sinh đã thoát nơi phàm tục, lên đến cõi tiên. Học sinh tuy băn khoăn tưởng nhớ, nhưng nghĩ mình là kẻ tục, lại ở chốn phong trần, không thể nào được thấy mặt tiên. May sao lại gặp ở đây, xin tiên ông dạy bảo cho kẻ ngu muội này. Nếu được tiên ông đoái đến, học sinh xin thờ phụng để sớm tối được nghe lời dạy bảo.
Vị đạo sĩ kia đứng dậy đáp lễ, nói:
- Bần đạo ngoài cái chiếu bồ ra, không còn biết trong thiên hạ này có vật gì. Những điều quan lớn nói vừa rồi, bần đạo này không hiểu gì cả.
Nói xong, lại ngồi xuống như trước.
Vũ Thôn trong lòng ngờ vực, nghĩ thầm:
- Nếu không phải là Sĩ Ẩn thì sao diện mạo nói năng giống hệt như thế? Từ khi cách biệt đến nay đã mười chín năm, mà sắc mặt như cũ, chắc là ông ta tu luyện thành công cho nên không chịu nói rõ việc trước. Nhưng mình đã gặp ân nhân, không thể để lỡ mất dịp. Xem chừng thì không thể lấy việc giàu sang làm cho ông ta động lòng, còn về chuyện vợ con, lại càng không cần nói nữa.
Vũ Thôn nghĩ rồi. lại nói:
- Tiên sư đã không chịu nói rõ việc trước, trong lòng kẻ học sinh này sao đành được?
Vũ Thôn đang định nói thì thấy người nhà vào thưa:
- Trời sắp tối, mời quan lớn mau mau qua sông.
Vũ Thôn bối rối chưa biết nghĩ sao, thì người đạo sĩ kia nói:
- Mời quan lớn mau qua bờ bên kia, sẽ có lúc gặp mặt, chậm trễ thì sẽ nổi sóng gió. Nếu quả có lòng tưởng đến thì ngày khác bần đạo này sẽ xin chờ ở bến đò để nói chuyện.
Nói xong, ông ta nhắm mắt lại, ngồi im.
Vũ Thôn chẳng có cách gì, đành phải cáo từ đi ra. Đang định đi qua đò, thì thấy một người chạy đến như bay.
Chú thích:
(1) Tức Tiết Bàn.
(2) Tức Bảo Thoa.
(3) Tức Bảo Cầm.
(4) Cái bầu. Ở đây có ý nhắc đến cái miếu Hồ Lô mà Vũ Thôn trọ trước kia.
(5) Mộ hóa là một danh từ đạo Phật, nghĩa là tìm người có duyên tu hành, có khi chỉ việc tìm kiếm vật chất.
(6) Hai câu thơ cũ của Giả Vũ Thôn ngâm hồi ở trong miếu Hồ Lô (xem hồi một)
Hồi 104:
Kim cương say, cá nhỏ gây thành sóng lớn
Công tử ngốc, thương thừa nhớ lại tình xưa
Giả Vũ Thôn vừa định qua đò, bỗng thấy một người đến trước mặt và nói:
- Bẩm ông lớn, cái miếu ngài vừa dạo chơi đó bốc cháy rồi.
Vũ Thôn ngoảnh lại nhìn thì thấy lửa cháy ngất trời, gió bay đầy đất. Vũ Thôn nghĩ thầm:
- Lạ thật! Mình vừa đi ra, chưa xa bao nhiêu, lửa ở đâu đã cháy? Phải chăng là Sĩ Ẩn hoá kiếp ở đấy? Muốn quay trở lại, nhưng lại sợ lỡ chuyến qua sông; nhưng nếu không quay lại, thì không đành lòng. Nghĩ một lát ông ta liền hỏi:
- Vừa rồi anh có thấy người đạo sĩ đi ra không?
- Con theo ông lớn đi ra, con đau bụng, đi rẽ ra một chút. Khi ngoảnh lại thấy một đám lửa đỏ rực. Thì ra trong miếu ấy bị cháy, nên chạy đến báo với ông lớn chứ không hề thấy có người đi ra.
Vũ Thôn có ý ngờ vực, nhưng ông ta là người ham mê danh lợi, đâu có chịu quay lại xem, liền bảo người kia:
- Anh ở đây chờ lửa cháy tàn, vào xem người đạo sĩ có ở đó nữa hay không, rồi lập tức về báo cho ta biết.
Người kia đành phải vâng lời, ở lại chờ xem.
Vũ Thôn qua sông rồi đi tra xét qua loa mấy nơi, gặp công quán liền vào nghỉ. Hôm sau Vũ Thôn lại đi một độ đường nữa, vào cửa kinh đô, bọn nha dịch đón tiếp, tiền hô hậu ủng. Vũ Thôn ngồi trong kiệu, nghe thấy bọn dẹp đường đi phía trước gào thét, liền hỏi việc gì. Họ dắt một người đến quỳ ở trước kiệu, và bẩm:
- Thằng này say rượu, không biết tránh lại còn xông vào. Chúng con quát, nó lại mượn cớ say rượu làm ầm lên, nằm ngay ra giữa đường, nói là chúng con đánh nó.
Vũ Thôn liền nói:
- Ta cai trị địa phương này, chúng mày đều là dân của ta, biết ta đi qua, cứ uống rượu mà không chịu tránh, lại còn dám vu vạ à?
Người kia nói:
- Tôi uống rượu là tiền của tôi. Tôi nằm là nằm đất vua. Dầu cho quan lớn cũng không can thiệp được.
Vũ Thôn nổi giận:
- Thằng này trong mắt không còn pháp luật kỷ cương gì cả! Hỏi xem tên nó là gì?
Người kia trả lời:
- Tên gọi là “thần rượu” Nghê Nhị.
Vũ Thôn nghe xong nổi giận bảo:
- Chúng bay đánh cho nó một trận, xem có phải là “Thần rượu” không?
Bọn thủ hạ đè Nghê Nhị xuống đánh cho mấy roi thật đau. Nghê Nhị đau quá, tỉnh cả rượu, van lạy xin tha.
Vũ Thôn ngồi trong kiệu cười khà khà:
- Cái đồ “kim cương” gì mà như thế! Ta hãy chưa đánh màỵ vội, cho người giải vào nha môn rồi thong thả sẽ hỏi mày sau.
Bọn nha dịch vâng lời, trói Nghê Nhị lại bắt đi. Nghê Nhị van xin cũng không ăn thua.
Vũ Thôn vào cung phục mệnh rồi về nha môn, cố nhiên là không còn thì giờ đâu nghĩ đến việc ấy nữa. Những người ở ngoài phố tụm năm tụm ba đồn đại với nhau.
- Nghê Nhị cậy thế cậy mạnh, mượn rượu vu vạ cho người ta, chuyến này lọt vào tay cụ lớn Giả có lẽ khó mà được tha!
Câu chuyện ấy đồn đến tai vợ và con gái Nghê Nhị. Đêm ấy quả nhiên không thấy lão về. Con gái lão đến tìm ở các sòng bạc. Người ở các sòng bạc đều nói như thế. Con gái lão liền khóc lóc Mọi người đều nói:
- Cô đừng có hoảng. Cụ già là người cùng họ với phủ Vinh. Có cậu Hai gì ở phủ Vinh quen biết cha cô. Cô cùng mẹ đi tìm cậu ta nhờ nói dùm cho thì sẽ được tha ngay.
Con gái Nghê Nhị nghĩ lại mới nhớ: “Phải đấy, cha mình thường nói có quen với cậu Hai họ Giả kề bên nhà, sao mình lại không đi tìm cậu ta?” Cô ta vội vàng về nói với mẹ, rồi hai mẹ con đi tìm Giả Vân. Hôm đó vừa lúc Giả Vân đang ở nhà, thấy hai mẹ con nó đến, liền mời ngồi. Mẹ Giả Vân rót nước mời uống. Mẹ con họ Nghê kể rõ chuyện Nghê Nhị bị cụ lớn Giả bắt, và nói:
- Nhờ cậu Hai nói giúp một tiếng để được tha ra.
Giả Vân nhận lời, và nói:
- Có gì cái quái ấy, tôi đến phủ Tây nói một tiếng thì sẽ được tha ngay. Cụ Giả hoàn toàn nhờ bên phủ tây nhà tôi mới làm được quan to như thế, chỉ cần sai người đi nói một tiếng là xong thôi.
Mẹ con họ Nghê mừng rỡ, về nhà, liền đến phủ nói cho Nghê Nhị biết, bảo ông ta đừng sợ, đã xin với cậu Hai Giả, cậu ta sốt sắng nhận lời, hứa nói giúp, sẽ được tha đấy. Nghê Nhị nghe nói cũng mừng.
Ngờ đâu Giả Vân từ hôm đưa lễ, Phượng Thư không nhận. Anh ta thấy khó coi, nên cũng không hay qua phủ Vinh. Bọn coi cửa ở phủ Vinh thường chiều đón ý chủ mà làm việc. Chủ muốn cho ai đến thì người ấy mới có thể diện. Khi đến, họ mới vào báo. Nếu chủ nhà có vẻ không để ý thì dù là bà con trong họ, họ cũng không báo, cứ kiếm cớ đẩy đi cho xong chuyện. Hôm ấy Giả Vân đến Phủ, nói:
- Tôi muốn vào hỏi thăm sức khoẻ của cậu Hai Liễn.
Bọn coi cửa nói:
- Cậu Hai không ở nhà, khi nào cậu ấy về chúng tôi sẽ nói hộ.
Giả Vân định nói xin vào hỏi thăm sức khỏe của mợ Hai, lại sợ bọn coi cửa chán ghét, đành phải quay ra. Hắn về đến nhà lại bị mẹ con nhà họ Nghê đến giục và nói:
- Cậu Hai thường nói bên quí phủ không cứ là cửa quan nào, nói một tiếng ai cũng nghe. Giờ đây cụ Giả cũng là người họ của quí phủ, lại không phải là việc gì thì lớn lắm, mà còn xin không được, chẳng hoá ra chúng tôi uổng công xin với cậu Hai sao?
Giả Vân bẽ mặt quá, nhưng vẫn nói cứng:
- Hôm qua bên nhà chúng tôi có việc, chưa đi được; hôm nay sai người đi thế nào cũng được tha ngay. Việc ấy có to tát gì!
Mẹ con họ Nghê nghe nói cũng tin là thực. Không ngờ gần đây Giả Vân không được vào cửa chính nữa, hắn liền quanh ra phía sau, định vào vườn tìm Bảo Ngọc, nhưng cửa vườn khóa kỹ, lại đành phải buồn rầu lủi thủi ra về. Giả Vân nghĩ bụng: “Năm mình vay Nghê Nhị ít bạc, mua hương liệu đưa đến, họ mới cho mình coi việc trồng cây. Bây giờ mình không có tiền lo lót thì họ từ chối. Kể ra họ chẳng có tài gì, chẳng qua chỉ vung tiền của cha ông ra cho người ngoài vay lấy lời. Nhưng nhà nghèo khổ như nhà mình, muốn vay một lạng cũng không được. Họ tưởng là giữ được suốt đời không nghèo đấy hẳn. Họ có biết đâu tiếng tăm bên ngoài không tốt, mình không nói đấy thôi, chứ nếu nói ra thì những việc kiện cáo và nhân mạng biết bao nhiêu mà kể”. Giả Vân vừa đi vừa nghĩ, về đến nhà, đã thấy mẹ con họ Nghê đang chờ. Giả Vân hết cách che đậy, liền nói:
- Phủ tây đã sai người đi nói, nhưng họ bảo là Giả đại nhân không nghe. Bây giờ mẹ con bà phải nhờ Lãnh Tử Hưng là con rể người đầy tớ nhà ta là Chu Thụy, mới ăn thua.
Mẹ con họ Nghê nghe xong, liền nói:
- Thể diện như cậu Hai còn không ăn thua, nếu mà nhờ đến đầy tớ thì lại càng không ăn thua nữa.
Giả Vân bẽ mặt quá, nổi nóng nói:
- Các người không biết, chứ bây giờ đầy tớ lại hơn chủ nhà nhiều đấy?
Mẹ con họ Nghê nghe nói, chẳng còn cách gì đành phải cười nhạt mấy tiếng và nói:
- Thật phiền cho cậu Hai phải tốn công chạy vạy mất mấy ngày? Chờ ông nhà tôi ra, sẽ xin đến tạ ơn.
Mẹ con họ Nghê ra về đi nhờ người khác. Nghê Nhị được thả ra. Hắn chỉ bị đánh mất gậy, chứ cũng chẳng có tội gì.
Nghê Nhị về nhà, vợ con hắn kể cho hắn ta nghe chuyện Giả Vân không chịu xin dùm. Hắn đang uống rượu, nghe nói, tức quá, định đi tìm Giả Vân, nói:
- Thằng bé đê tiện vô lương tâm kia? Trước kia nhà nó không có cơm ăn, muốn chạy chọt vào phủ kiếm việc làm, nhờ tao giúp cho. Giờ đây tao có việc, nó lại bỏ mặc. Giỏi thật! Nếu tao mà nói ra thì ngay cả hai phủ kia cũng đừng hòng được vô sự!
Vợ con hắn vội vàng khuyên:
- Chà! Ông cứ nốc rượu rồi vào nói những câu chẳng còn trời đất nào. Hôm trước chẳng phải vì say rượu gây ra tai vạ mà bị đánh hay sao? Vết thương vẫn chưa khỏi, ông đã lại nói nhảm rồi!
- Không, nhẽ mình bị đánh rồi sợ họ à? Chỉ sợ không lần ra được đầu mối thôi? Khi ở nhà giam, tôi quen biết mấy người bạn có nghĩa khí. Nghe họ nói thì họ Giả chẳng những ở nhiều trong kinh thành này mà còn ở rải rác các tỉnh cũng không phải ít. Hôm trước đây có mấy người nhà họ Giả bị giam trong ngục, tôi nghĩ nhà họ Giả ở đây, tuy bọn ít tuổi, và lũ đầy tớ không tốt, nhưng những người nhiều tuổi thì còn khá, tại sao lại phạm tội? Tôi hỏi dò thì nghe nói là bọn ấy cùng một họ với họ Giả nhưng đều ở tỉnh ngoài. Họ đã bị xét hỏi kỹ càng rồi mới giải vào đây định tội. Tôi nghe vậy mới an tâm, còn thằng ranh con Giả Vân, đã quên ơn phụ nghĩa như thế, thì tôi sẽ mách với người bạn nói nhà hắn cậy thế khinh người như thế nào, đặt nợ nặng lãi bóc lột dân đen như thế nào, lấy ép vợ người như thế nào, để họ tung,chuyện đồn đại đến tai quan đô ngự sử trị cho hắn một phen thì mới biết tay lão Nghê Nhị này!
Vợ hắn nói:
- Ông uống rượu rồi ngủ đi thôi. Họ cướp con gái nhà ai? Làm gì có việc ấy? Đừng nói nhảm nữa.
- Bà mày ở nhà làm gì biết việc bên ngoài? Năm trước lôi ở trong sòng bạc gặp thằng Trương nói vợ nó bị nhà họ Giả cướp mất. Nó còn bàn với tôi, tôi trở lại khuyên nó mới im chuyện(1). Không biết thằng Trương hiện giờ đi đâu, hai năm nay không thấy. Nếu gặp mặt nó, tôi sẽ bày cho nó một cách, để thằng Hai Giả ranh con kia sẽ chết với tôi cho mà xem! Muốn tốt thì liệu mà lễ lạy ông Nghê đây mới xong.
Nói xong, hắn ta ngả mình ra, miệng còn lảm nhảm một hồi nữa mới ngủ. Vợ con hắn chỉ cho là câu nói khi say rượu nên cứ thây kệ. Hôm sau dậy sớm, Nghê Nhị lại đến sòng bạc.
Giả Vũ Thôn về đến nhà, nghĩ một đêm, rồi đem chuyện dọc đường gặp Chân Sĩ Ẩn nói cho vợ nghe. Vợ hắn liền trách:
- Tại sao không quay lại xem?
Nói xong, nước mắt ròng ròng. Vũ Thôn nói:
- Ông ta là người ngoài cuộc, không chịu ở một chỗ với chúng mình đâu.
Đang nói chuyện thì bên ngoài chuyển lời vào bẩm:
- Người hôm trước ông lớn dặn đi xem tình hình miếu bị cháy đã trở về.
Vũ Thôn khoan thai bước ra. Người nha dịch kia hỏi thăm sức khoẻ rồi nói:
- Con vâng lệnh ông lớn quay lại không đợi lửa cháy tàn, liền xông vào trong lửa để tìm vị đạo sĩ kia. Không ngờ chỗ ông ta ngồi cũng cháy mất rồi. Con chắc là vị đạo sĩ kia đã bị chết cháy. Bức tường bị đổ về phía sau mà vị đạo sĩ chẳng thấy tăm tích đâu cả. Chỉ có cái chiếu bồ và cái bầu thì còn nguyên vẹn. Con tìm xác ông ta khắp nơi, nhưng chẳng thấy một mẩu xương nào. Con sợ ông lớn không tin, định đem cái chiếu bồ và cái bầu về làm chứng, ai ngờ vừa cầm lấy thì nó đều hóa ra tro cả.
Vũ Thôn nghe xong, trong bụng biết Sĩ Ẩn đã thành liên, liền bảo người nha dịch đi ra. Lúc về phòng ông ta cũng không nhắc đến chuyện Sĩ Ẩn đã hoá kiếp, sợ vợ không hiểu đâm ra thương cảm. Ông ta chỉ nói rằng không thấy dấu vết gì cả, chắc là vị đạo sĩ đã chạy trước rồi.
Vũ Thôn ra ngoài, một mình ngồi ở thư phòng, đang suy nghĩ về câu nói của Sĩ Ẩn. Chợt có người nhà lên trình:
- Trong nội có chỉ truyền ông vào xét công việc. Vũ Thôn vội vàng lên kiệu vào trong nội thì nghe người ta nói:
- Hôm nay quan lương đạo tỉnh Giang Tây là Giả Chính bị hặc về kinh, đang vào triều tạ tội.
Giả Vũ Thôn vội vàng đến nội các, gặp các vị đại thần rồi xem chỉ ý nhà vua nói về khoản xử lý công việc miền ven biển không tốt. Sau đó ông ta vội vàng ra ngoài tìm Giả Chính, trước hết nói mất câu ngỏ ý, đáng tiếc cho Giả Chính, rồi sau đó chúc mừng và hỏi thăm chuyện đi đường.
Giả Chính cũng kể lại kỹ lưỡng chuyện sau khi cách biệt tới nay.
Giả Vũ Thôn nói:
- Sớ tạ tội ông đã dâng lên chưa?
- Đã dâng lên rồi, chờ xem chỉ ý nhà vua giao xuống.
Đang nói, thì nghe trong cung truyền chỉ nhà vua gọi Giả Chính. Giả Chính vội vàng vào. Các quan thân thiết với Giả Chính đều ở đấy chờ tin. Một hồi lâu, mới thấy Giả Chính ra, trên đầu mồ hôi đầm đìa. Mọi người đón hỏi:
- Chỉ ý nói việc gì?
Giả Chính lè lưỡi nói:
- Khiếp quá! Khiếp quá! Cảm ơn các vị đại nhân có lòng lo lắng đến tôi, may mà không việc gì.
- Chỉ ý hỏi về những việc gì?
- Hỏi về vụ án mạng trộm súng ở tỉnh Vân Nam. Trong tờ tâu nói rõ là người nhà quan nguyên thái sư Giả Hóa. Hoàng thượng nhớ đến tên cụ tổ nhà tôi nên mới hỏi. Tôi vội vàng khấu đầu tâu rõ: cụ tổ nhà tôi là Đại Hóa. Hoàng thượng bật cười, lại hỏi: “Người trước đây bổ thượng thư bộ binh, sau dáng xuống phủ doãn, có phải cũng gọi là Giả Hóa không?”
Lúc ấy Giả Vũ Thôn cũng đứng một bên, nghe nói giật nẩy mình, liền hỏi:
- Ông lớn tâu như thế nào?
- Tôi thong thả tâu: “Quan thái sư Giả Hoá là người Vân Nam; còn người hiện làm phủ doãn cũng họ Giả thì ở Chiết Giang”. Hoàng thượng lại hỏi: Giả Phạm bị thứ sử Tô Châu tâu hặc đó, là người họ nhà ngươi à? Tôi khấu đầu tâu “Vâng”. Hoàng thượng liền đổi sắc mặt truyền: “Thả bọn gia nô cưỡng chiếm vợ con dân lành, còn ra sự thể gì nữa?” Tôi không dám tâu gì. Hoàng thượng lại hỏi: “Giả Phạm là người thế nào với nhà người?” Tôi vội vàng tâu: “Là người họ xa” Hoàng thượng hừ một tiếng rồi truyền chỉ cho ra. Có lạ không.
Mọi người nói:
- Cũng kỳ thật? Làm sao mà một lúc có những hai việc liền?
Giả Chính nói:
- Sự việc thì chẳng có gì lạ, chỉ lạ ở chỗ đều là người họ Giả không tốt. Kể ra thì họ chúng tôi người nhiều, và đã lâu đời nên chỗ nào cũng có. Hiện giờ tuy chẳng có việc gì, nhưng rốt cục Hoàng thượng nhớ lấy một chữ “Giả” là không hay.
- Thật là thật, giả là giả, chứ sợ gì?
- Trong bụng tôi chỉ trông sao đừng phải làm quan, nhưng không dám cáo lão. Hiện nay ở nhà chúng tôi hai chức thế tập, điều đó cũng chẳng biết làm thế nào.
Vũ Thôn nói:
- Nay ông lớn lại làm ở bộ công, chắc làm quan ở kinh thì chẳng có việc gì.
Giả Chính nói:
- Làm quan ở Kinh tuy là vô sự, nhưng tôi đã làm quan ngoài hai lần rồi, thì cũng không thể nói được nữa.
Mọi người nói:
- Phẩm hạnh và việc làm của ông lớn, chúng tôi đều kính phục. Ông Cả cũng là người tốt, chỉ cần kiềm thúc các cháu cho nghiêm một chút là được.
Giả Chính nói:
- Tôi vì ít khi ở nhà, nên không xem xét đến việc các cháu mấy, trong bụng tôi rất lấy làm áy náy. Hôm nay các vị nhắc đến, chúng ta đều là chỗ thân, hoặc giả nghe nhà cháu ở phủ đông có việc gì không làm đúng khuôn phép chăng?
Mọi người nói:
- Cũng không nghe việc gì khác. Chỉ có mấy ông thị lang không được vừa ý lắm, và trong bọn nội giám cũng có vài người không bằng lòng. Chắc cũng chẳng sợ gì đâu, nhưng cần dặn dò bên nhà cháu ngài, phải để ý đến mọi việc là được.
Mọi người nói xong, vái chào nhau rồi ra về.
Giả Chính về nhà, con cháu đều ra đón. Trước hết Giả Chính hỏi thăm sức khỏe của Giả mẫu, sau đó con cháu đến hỏi thăm sức khỏe của Giả Chính, rồi cùng nhau về phủ. Bọn vương phu nhân cũng đến đón tiếp ở nhà Vinh Hi. Giả Chính trước hết đến lạy chào Giả mẫu, trình qua về chuyện sau khi xa cách. Giả mẫu hỏi tin tức của Thám Xuân. Giả Chính đem chuyện cưới Thám Xuân trình lại rõ ràng, và nói thêm:
- Con lên đường gấp quá, không kịp đến đó từ biệt. Tuy con không chính mắt trông thấy, nhưng nghe người bên nhà thông gia đến nói thì rất tốt. Ông bà hên nhà thông gia đều nói, xin gửi lời hỏi thăm sức khỏe của bà, và còn nói, mùa đông năm nay hoặc mùa xuân sang năm, có thể đổi về kinh. Được như thế thì rất tốt. Nhưng bây giờ nghe nói miền biển có việc, chỉ sự đến lúc đó lại không đổi về được.
Giả mẫu lúc đầu cho là Giả Chính bị giáng về kinh. Thám Xuân ở nơi đất khách xa xôi, không ai là bà con quen biết nên trong lòng thương cảm; sau nghe Giả Chính nói rõ việc quan, lại biết Thám Xuân khỏe mạnh nên cũng đổi buồn làm vui, liền cười bảo Giả Chính đi ra. Sau đó, anh em Giả Chính gặp nhau, bọn con cháu lạy chào, định đến sáng ngày mai thì bái yết từ đường.
Giả Chính về đến phòng, bọn Vương phu nhân chào hỏi, rồi Giả Liễn và Bảo Ngọc lại lạy chào lần nữa. Giả Chính thấy Bảo Ngọc so với lúc mình lên đường thì quả nhiên mặt mũi đầy đặn hơn, xem bộ cũng yên tĩnh, chứ không hề biết anh ta ngây dại, cho nên rất mừng, không buồn bực về việc bị giáng. Giả Chính nghĩ thầm: may nhờ mẹ mình khéo lo liệu. Lại thấy Bảo Thoa thì chín chắn; Giả Lan thì văn nhã tươi đẹp, ông ta vui mừng lộ ra nét mặt. Riêng Giả Hoàn là vẫn như trước, nên không yêu lắm. Nghỉ ngơi một hồi, Giả Chính sực nhớ: “Sao mà hôm nay thiếu một người?” Vương phu nhân biết ông ta nhớ đến Đại Ngọc, vì thư nhà trước kia không nói đến. Hôm nay ông ta lại vừa về nhà, đang lúc vui mừng, nói thẳng ra không tiện, nên chỉ nói
là Đại Ngọc đang ốm. Không ngờ trong bụng Bảo Ngọc đã như dao đâm, chỉ vì cha mới về, đành phải dằn lòng ngồi hầu.
Vương phu nhân bày tiệc tẩy trần, rồi con cháu dâng rượu. Phượng Thư tuy là cháu dâu, nhưng hiện coi việc nhà, nên cũng theo bọn Bảo Thoa dâng rượu.
Giả Chính cho dâng một tuần rượu, rồi bảo mọi người về nghỉ. Lại bảo bọn người nhà, không phải chờ chực, đợi đến sáng mai khi bái yết từ đường xong rồi sẽ vào chào.
Dặn dò xong, Giả Chính cùng Vương phu nhân nói qua về chuyện sau khi từ biệt, những việc khác Vương phu nhân đều không dám nói. Giả Chính lại nhắc đến chuyện Vương Tử Đằng, Vương phu nhân cũng không dám tỏ ra đau buồn. Giả Chính lại nói việc Tiết Bàn, Vương phu nhân chỉ nói đó là tự nó làm nó chịu; rồi nhân tiện đem việc Đại Ngọc chết nói cho Giả Chính biết. Giả Chính giật nẩy mình, chảy nước mắt và than thở mãi. Vương phu nhân nín không được cũng phải khóc. Bọn Thái Vân đứng bên, vội vàng kéo áo bà ta. Vương phu nhân nín khóc, lại nói mấy câu chuyện vui mừng, rồi đi ngủ.
Sáng hôm sau, Giả Chính đến từ đường làm lễ, bọn con cháu đều đi theo. Ông ta ngồi trong phòng một bên từ đường, gọi Giả Liễn và Giả Trân đến, hỏi việc trong nhà. Giả Trân lựa việc
gì nên nói thì nói. Giả Chính bảo:
- Ta mới về nhà, cũng không tiện tra hỏi cặn kẽ, nhưng nghe bên ngoài người ta nói, bên nhà anh càng lộn xộn hơn trước, mọi việc phải cẩn thận mới được. Anh bây giờ cũng nhiều tuổi rồi, phải dạy bảo con cái, đừng để chúng ra ngoài gây chuyện. Anh Liễn cũng nghe đấy. Không phải là ta vừa về đã trách đến các anh đâu, nhưng ta có nghe, nên mới nói. Các anh cần phải cẩn thận mới được.
Bọn Giả Trân mặt đỏ bừng lên, chỉ trả lời "Vâng", không dám nói gì khác. Rồi Giả Chính cũng bỏ qua.
Giả Chính trở về phủ tây, người nhà lạy chào xong, Giả Chính lại vào nhà trong, bọn hầu gái làm lễ.
Bảo Ngọc nhân hôm qua Giả Chính hỏi đến Đại Ngọc, Vương phu nhân trả lời là bị ốm, trong lòng đau xót âm thầm, và khi Giả Chính bảo về phòng, dọc đường đã nhỏ khá nhiều nước mắt. Về đến phòng, thấy Bảo Thoa đang nói chuyện với Tập Nhân, anh ta buồn bực, một mình ngồi ở nhà ngoài. Bảo Thoa bảo Tập Nhân bưng trà ra. Biết anh ta sợ cha tra hỏi bài học, nên mới thế, đành phải tới an ủi. Bảo Ngọc mượn cớ ấy nói với Bảo Thoa:
- Đêm nay mợ ngủ trước đi, tôi cần nghỉ ngơi một chỗc. Giờ đây không thể như trước nữa, nói điều này quên điều khác, cha mà biết thì sẽ không hay. Mợ ngủ trước đi, bảo Tập Nhân ngồi với tôi một lát.
Bảo Thoa nghe cũng có lý, liền vào phòng ngủ trước. Bảo Ngọc khẽ bảo Tập Nhân, nhờ gọi Tử Quyên đến muốn hỏi câu chuyện. Nhưng Tử Quyên hễ gặp tôi thì khi nào vẻ mặt cũng giận, cần có chị đến khuyên giải trước để chị ta nghe ra mới được.
Tập Nhân nói:
- Cậu nói muốn nghỉ ngơi, tôi cũng mừng. Tại sao lại nghỉ ở chỗ ấy? Có chuyện gì ngày mai cậu hỏi không được à?
- Tối hôm nay tôi mới rảnh, nếu ngày mai mà ông lớn bảo làm việc gì thì tôi không còn lúc nào rỗi nữa. Chị ơi, chị mau mau gọi chị ấy lại đây.
- Nếu không phải mợ Hai gọi thì chị ta không tới đâu.
- Vì thế phải có chị đến nói rõ trước với chị ta mới được.
- Cậu bảo tôi nói với chị ấy như thế nào?
- Chị còn chưa biết bụng tôi và bụng chị ta à? Cũng đều là vì cô Lâm cả thôi. Chị cũng biết tôi không phải là người phụ bạc. Nhưng bây giờ, các người làm cho tôi thành ra một người phụ bạc rồi?
Nói đến đó Bảo Ngọc lại nhìn vào nhà trong, lấy tay chỉ và nói:
- Tôi vốn không bằng lòng chị ấy, chỉ vì bà và bọn họ bày mưu lập kế, tự dưng làm chết cô Lâm. Dầu cô ta chết thì cũng cho tôi nhìn một chút chứ. Nói thật ra cô ta có chết cũng không oán trách gì tôi. Chắc chị cũng đã nghe bọn cô Ba nói, cô Lâm lúc chết rất giận tôi. Tử Quyên vì chuyện cô Lâm cũng giận tôi hết sức. Chị thử nghĩ tôi có phải là người vô tình không? Tình Văn chỉ là một a hoàn, cũng chẳng có gì tốt cho lắm, mà chị ta chết đi, tôi nói thật với chị, tôi còn làm văn tế chị ta nữa đấy. Việc đó chính mắt cô Lâm cũng trông thấy. Giờ đây cô Lâm chết, không lẽ lại không bằng Tình Văn hay sao? Thế mà đến cả chuyện tế cô ta, tôi cũng không tế được một lần nào. Nếu cô Lâm có thiêng vẫn còn biết đến thì thế nào cô ta lại chẳng giận tôi!
- Cậu muốn tế thì cứ tế ai ngăn cấm cậu?
- Tôi từ khi khỏe dậy, cũng định làm một bài văn tế, không biết tại sao bây giờ không còn chút thông minh nào nữa. Muốn tế người khác, thì làm qua loa đi cũng được, chứ tế cô Lâm mà lời văn quê kệch một chút là nhất định không được. Vì thế tôi muốn gọi Tử Quyên đến để hỏi rõ tâm sự của cô Lâm, vì chị ta biết rõ cô ấy. Khi tôi chưa ốm thì trong đầu óc còn nghĩ ra, từ khi đau, tôi không nhớ gì nữa. Chị nói cô Lâm đã khoẻ rồi, sao bỗng chốc lại chết? Khi cô ta còn khoẻ, tôi không đến thì cô ta nói gì? Lúc tôi đau, cô ta không đến, thì cô ta nói những gì? Những đồ dùng của cô ta tôi lừa lấy được, mợ Hai nhà chị nhất thiết không cho tôi động đến, không biết là có ý gì?
- Mợ Hai chị sợ cậu thương tâm mà thôi, còn có ý gì nữa?
- Tôi không tin, cô Lâm đã nghĩ đến tôi, tại sao khi chết lại đốt tập thơ đi, không để lại cho tôi làm kỷ niệm? Lại nghe nói khi cô ta chết, trên trời có tiếng nhạc, nhất định cô ta đã thành thần, hoặc đã lên tiên. Tôi tuy đã thấy quan tài, nhưng không biết trong quan tài có cô ta hay không?
- Cậu nói rõ vớ vẩn! Người không chết làm sao lại đặt chiếc quan tài không, làm như người chết được?
- Không phải đâu! Phàm người thành tiên thì hoặc đem cả hình hài, hoặc trút bỏ hình hài để lên tiên - Chị ơi, chị cứ gọi Tử Quyên lại đây!
- Bây giờ hãy để tôi đến bày tỏ tấm lòng của cậu, nếu chị ta chịu đến còn khá; không đến thì còn phải nói nhiều. Dầu cho chị ta có đến, nhưng thấy cậu chị ta cũng không chịu nói kỹ đâu. Theo ý tôi, ngày mai chờ khi mợ Hai lên trên nhà, tôi sẽ hỏi lại chị ta cho thật tường tận rồi có rỗi tôi sẽ thong thả nói lại với cậu.
- Chị nói cũng phải, nhưng chị không biết tôi sốt ruột lắm.
Hai người đang nói chuyện thì thấy Xạ Nguyệt ra bảo:
- Mợ Hai nói đã đến canh tư rồi, mời cậu vào đi ngủ thôi. Chị Tập Nhân chắc là thích nói chuyện, say sưa quá quên mất cả giờ giấc rồi đấy.
Tập Nhân nghe xong, liền nói:.
- Đến giờ ngủ rồi, có chuyện gì mai hãy nói.
Bảo Ngọc chẳng biết làm thế nào, đành phải đi vào, lại ghé vào tai Tập Nhân nói nhỏ:
- Ngày mai thế nào cũng đừng quên nhé.
- Biết rồi. Xạ Nguyệt vênh mặt lên cười nói:
- Hai người lại thầm thụt gì rồi đây. Đã thế sao không nói rõ với mợ Hai, rồi đến bên chị Tập Nhân mà ngủ? Mặc cho các người nói chuyện một đêm, chúng tôi cũng thây kệ.
Bảo Ngọc xua tay nói:
- Không cần nói làm gì.
Tập Nhân tức giận nói:
- Con ranh con này, mày lại nói điêu, đến mai tao sẽ xẻo cái miệng mày ra!- Rồi chị ta ngoảnh lại nói với Bảo Ngọc:
- Cũng là tự cậu cả đấy. Nói chuyện mất những bốn canh mà vẫn chẳng ra đầu cuối gì cả.
Chị ta vừa nói, vừa đưa Bảo Ngọc vào phòng, rồi ai về phòng người ấy.
Đêm đó, Bảo Ngọc không ngủ, đến ngày mai vẫn còn tơ tưởng việc ấy. Bỗng nghe bên ngoài truyền lời vào:
Bà con bạn hữu nhân ông lớn mới về, đều muốn đưa ban hát đến làm lễ mừng. Ông lớn từ chối mãi, bảo không cần phải hát xướng, để nhà ta dọn rượum mời bà con bạn hữu tới nói chuyện cho vui. Đã định đến ngày kia dọn rượu mời khách vì thế đến nói cho trong nhà biết.


(1) Đây là chuyện của Giả Liễn chứ không phải Giả Vân.
Hồi 105:
Quân Cẩm y khám biên phủ Ninh quốc
Quan ngự sử tâu hặc châu Bình An
Giả chính đang bày tiệc mời khách uống rượu, bỗng thấy Lại Đại vội vàng chạy vào nhà Vinh Hi thưa:
- Có quan Cẩm y vệ là ông Triệu dẫn mấy vị ty thuộc, nói đến chào mừng. Con hỏi tên họ chức tước để vào trình. Ông Triệu nói: “Chúng tôi là chỗ rất thân thiết, không cần phải làm như thế”. Ông ta vừa nói vừa xuống xe đi vào, mời ông lớn và các vị mau ra đón tiếp.
Giả Chính nghe nói, nghĩ bụng: "Mình với ông Triệu, không hề đi lại, sao ông ta cũng đến? Hiện giờ đang có khách, mời ông ta ở lại không tiện, mà không mời cũng không tiện"
Giả Chính đang ngẫm nghĩ, thì Giả Liễn nói:
- Chú mau mau đi ra thôi. Còn nghĩ ngợi nữa thì người ta vào đến nơi mất.
Đang nói thì thấy người nhà ở cửa thứ hai vào thưa:
- Ông Triệu đã vào đến cửa thứ hai rồi.
Bọn Giả Chính vội vàng bước ra đón, thì thấy Triệu Toàn mặt mày hớn hở không nói gì cả, lên thẳng nhà khách, có năm sáu vị ty thuộc đi theo, cũng có người quen, cũng có người không quen, nhưng không ai nói một câu. Bọn Giả Chính trong bụng băn khoăn, không biết ra sao, đành phải theo vào mời ngồi.
Bà con bạn hữu cũng có người biết mặt Triệu Toàn, nhưng thấy ông ta cứ vác mặt lên, không để ý đến ai, chỉ cầm lấy tay Giả Chính cười và nói mấy câu thăm hỏi. Thấy quang cảnh không tốt, có người tránh vào nhà trong, có người thì buông tay đứng hầu.
Giả Chính đang định nói chuyện, thì thấy người nhà hoảng hốt chạy vào báo:
- Đức Tây Bình vương đã đến.
Giả Chính vội vàng ra đón, đã thấy đức vương đi vào. Triệu Toàn bước nhanh lại hỏi thăm sức khoẻ, rồi bẩm:
- Vương gia đã đến, các vị đi theo, hãy dẫn bọn phủ dịch canh giữ các cửa trước và sau.
Các quan vâng lời đi ra.
Bọn Giả Chính biết là chuyện không hay, vội vàng quỳ xuống đón tiếp. Tây Bình vương giơ hai tay đỡ dậy, rồi cười bảo:
- Không có việc gì thì không dám đến đây đường đột; nay vâng chỉ nhà vua giao công việc phải làm. Vậy đòi ông Xá ra nhận chỉ. Hiện nay cả nhà yến tiệc chưa tan, chắc là có bà con bạn hữu ở đây, như vậy không tiện. Vậy mời các vị bà con bạn hữu đều về đi, chỉ giữ người trong nhà này ở lại chờ thôi.
Ông Triệu thưa:
- Vương gia tuy ban ơn như thế, nhưng vị vương gia làm việc ở phủ bên đông thẳng thắn, chắc đã niêm phong cửa ngõ rồi.
Mọi người nghe vậy biết là việc này liên can đến cả hai phủ, chỉ lo không biết làm thế nào để thoát thân. Lại thấy vương gia cười bảo:
- Các vị cứ đi ra. Gọi người đưa họ ra cho ta và nói với quan viên ở phủ Cẩm y rằng: đây đều là bạn hữu thân thích, bất tất phải tra xét, mau mau thả cho họ ra.
Bọn bạn bè quen thuộc nghe nói, liền chạy một mạch như bay, riêng Giả Xá và Giả Chính khiếp sợ, mặt tái mét, người run lẩy bẩy.
Được một lát thấy vô số vệ quân tiến vào, canh giữ các cửa. Tất cả người nhà từ trên đến dưới, không được đi đâu một bước. Triệu Toàn liền trở mặt, trình với Vương gia:
- Mời Vương gia tuyên đọc chỉ ý để bắt tay làm việc.
Bọn vệ quân đều xắn áo giơ tay chờ chỉ ý.
Tây Bình vương thong thả nói:
- Bản chức vâng chỉ ý nhà vua, dẫn quan Cẩm y phủ là Triệu Toàn đến tra xét gia sản của Giả Xá.
Bọn Giả Xá nghe nói, đều sụp lạy dưới đất. Vương gia liền đứng phía trên, nói:
- Có chỉ ý truyền rằng: Giả Xá giao thông với quan ngoài, ỷ thế ức hiếp kẻ yếu, phụ ơn của trẫm, và làm nhơ nhuốc đến công đức của cha ông. Nên cách chức thế tập đi - Khâm thử.
Triệu Toàn liền gọi ngay:
- Bắt Giả Xá đưa ra, còn nữa thì canh giữ lấy.
Lúc đó, Giả Xá, Giả Chính, Giả Liễn, Giả Trân, Giả Dung, Giả Tường, Giả Chi, Giả Lan đều ở đấy, chỉ trừ Bảo Ngọc nói dối bị ốm, ở lẩn bên nhà Giả mẫu. Giả Hoàn thì xưa nay ít khi ra tiếp khách cho nên họ chỉ canh giữ có mấy người đó.
Triệu Toàn lập tức gọi người nhà, truyền bảo các viên ty thuộc, dẫn bọn vệ quân chia đi từng phòng khám xét tài sản và ghi sổ. Câu nói ấy chẳng quan hệ lắm, nhưng đối với bọn Giả Chính thì từ trên đến dưới đều hồi hộp nhìn nhau; còn bọn vệ binh và người nhà họ thì hớn hở xoa tay, định tới các nơi để hành động ngay.
Tây Bình Vương bảo:
- Nghe nói ông Xá và ông Chính ở chung mà ăn riêng. Vậy cứ theo chỉ ý, chỉ tra xét gia tư của Giả Xá, ngoài ra thì hãy niêm phong từng phòng lại, để chúng ta tâu lên, rồi chờ trên định đoạt.
Triệu Toàn đứng dậy thưa:
- Trình với Vương gia: Giả Xá và Giả Chính chưa chia gia tài. Nghe nói hiện giờ người cháu là Giả Liễn coi chung việc nhà, không thể không khám xét hết thảy.
Tây Bình Vương nghe xong, cũng không nói gì. Triệu Toàn liền nói:
- Đức Vương cho phép tôi thân đến khám xét nhà Giả Xá và Giả Liễn mới được.
Tây Bình vương vội nói:
- Khoan đã. Hãy tin cho người nhà trong biết, bảo bọn đàn bà con gái tránh đi rồi hãy khám xét cũng không muộn.
Nói chưa dứt lời, bọn gia nô và vệ quân của Triệu Toàn đã dắt người trong nhà đưa đường, chia đi khám xét các nơi.
Vương gia quát:
- Không được làm ồn, để bản chức tự mình đi khám xét!
Nói xong Vương gia từ từ đứng dậy dặn bảo:
- Những người đi theo ta. Không một đứa nào được đi đâu, đều phải đứng đấy mà chờ. Chốc nữa xem xét xong sẽ về trình để ta ghi sổ.
Đang nói thì thấy một viên quan ty cẩm y quỳ xuống bẩm:
- Ở trong kia xét được đồ quần áo ngự và nhiều vật cấm không dám tự tiện động đến, xin Vương gia chỉ bảo.
Một chốc lại có một nhóm người đón Tây Bình vương mà trình:
- Ở nhà phía đông, xét ra được hai rương văn khế nhà và ruộng đất, một rương phiếu vay nợ, đều là lấy lãi trái phép.
Triệu Toàn liền nói:
- Đồ bóc lột nặng lãi! Tịch thu hết là phải. Mời Vương gia ngồi xuống đây, bọn chúng tôi đi tra soát cho hết, để chờ định đoạt.
Đang nói thì thấy quan trưởng sử ở vương phủ tới bẩm:
- Quân canh cửa chuyển lời vào thưa: chúa thượng đặc phái Bắc Tĩnh Vương đến đây truyền chỉ ý, xin mời Vương gia ra tiếp.
Triệu Toàn nghe nói, nghĩ bụng:
- Rõ đen đủi, gặp phải vị vương mù mở này! Bây giờ vị vương kia đến, mình sẽ dễ ra oai đây.
Ông ta vừa nghĩ, vừa chạy ra đón, thì thấy Bắc Tĩnh vương đã đến nhà khách lớn, rồi đứng ngoảnh mặt ra ngoài mà truyền:
- Có chỉ ý, Triệu Toàn ở phủ Cẩm y nghe truyền.
Rồi ông ta lại nói:
- Vâng chỉ: giao quan Cẩm y chỉ bắt Giả Xá xét hỏi; ngoài ra giao Tây Bình vương tuân theo chỉ ý mà làm. Khâm thử.
Tây Bình vương nhận được chỉ ý, rất là vui mừng, liền cùng Bắc Tĩnh vương ngồi xuống, sai Triệu Toàn giải Giả Xá về phủ. Bọn người đang khám xét ở trong, nghe nói Bắc Tĩnh vương đến, đều kéo nhau ra. Khi nghe nói Triệu Toàn đi rồi, mọi người tiu nghỉu, đành phải đứng hầu chờ lệnh. Bắc Tĩnh vương liền chọn hai người ty thuộc thực thà và hơn mười người vệ quân già; còn nữa, đuổi ra hết.
Tây Bình vương nói:
- Tôi đang tức về lão Triệu, may được Vương gia đến truyền chỉ ý, không thì ở đây sẽ bị thiệt hại nặng.
Bắc Tĩnh vương nói:
- Tôi ở trong triều, nghe nói vương gia vâng chỉ khám xét nhà họ Giả, tôi rất yên lòng, chắc là ở đây không đến nỗi thiệt hại lắm. Không ngờ lão Triệu làm càn như thế. Nhưng không biết hiện ông Chính và Bảo Ngọc ở đâu? Trong ấy không biết đã bị tan tác như thế nào rồi?
Mọi người thưa:
- Giả Chính thì bị giữ lại ở phòng dưới, còn trong nhà thì đã bị khám xét lung tung.
Bắc Tĩnh vương liền bảo bọn ty thuộc:
- Mau mau đưa Giả Chính tới đây, ta hỏi chuyện.
Mọi người vâng lời, dẫn Giả Chính đến, Giả Chính quỳ xuống, ứa nước mắt, xin nhờ ơn trên giúp đỡ. Bắc Tỉnh vương liền đứng dậy, nắm lấy và nói:
- Ông đừng lo.
Rồi nói rõ chỉ của vua. Giả Chính cảm kích chảy nước mắt, hướng về phía bắc tạ ơn, rồi lại đứng dậy chờ lệnh. Vương gia nói:
- Ông Chính, vừa rồi lúc ông Triệu ở đây, bọn vệ quân trình bẩm có những đồ cấm và văn tự cho vay nặng lãi, chúng tôi cũng khó che giấu. Đồ cấm vốn là sắm cho quý phi, chúng tôi tâu rõ cũng không can gì chỉ có khế cho vay nợ thì phải nghĩ cách gì mới được? Bây giờ ông hãy dẫn bọn ty thuộc đem gia sản ông Xá ra trình, thế là xong. Nhất thiết không được giấu giếm mà mang lấy tội.
Giả Chính thưa:
- Kẻ phạm tội này đâu dám giấu giếm, nhưng di sản ông cha chúng tôi thật chưa hề chia, duy có những đồ đạc ở trong nhà người nào là của riêng người ấy mà thôi.
Hai vị vương gia liền nói:
- Việc ấy cũng không can gì, chỉ đem những đồ vật bên nhà ông Xá giao ra là được.
Vương gia lại dặn bọn ty thuộc theo lệnh mà làm, không được lục soát lung tung. Bọn ty thuộc vâng lệnh đi ra.
Bên nhà Giả mẫu thì bọn đàn bà cũng đang bày yến tiệc trong nhà. Vương phu nhân nói:
- Bảo Ngọc không ra ngoài ấy, coi chừng cha mày giận đấy!
Phượng Thư đang ốm, vừa thở hổn hển vừa nói:
- Tôi xem chừng chú Bảo cũng không phải là sợ người, có lẽ chú ấy thấy ngoài kia người tiếp khách nhiều rồi, nên ở trong này trông nom. Nếu ông lớn nghĩ ở trong này thiếu người, thì thím nói chú Bảo ra, như thế không hơn à!
Giả mẫu cười, nói:
- Con Phượng ốm như thế mà miệng lưỡi còn khéo léo sắc sảo.
Đang lúc cao hứng thì thấy người nhà bên Hình phu nhân hoảng hốt chạy thẳng đến và gào lên:
- Cụ bà, bà lớn ơi, nguy... nguy to! Vô số kẻ cướp đi giày đội mũ đến rồi!Họ dốc rương đổ hòm ra cướp hết cả đồ đạc!
Bọn Giả mẫu nghe nói ngơ ngác. Lại thấy Bình Nhi đầu bù tóc rối, tay dắt Xảo Thư la khóc om sòm, chạy đến nói:
- Nguy to rồi! Tôi đang cùng em Xảo ăn cơm, bỗng thấy Lai Vượng bị người ta trói lại dẫn đến, nói: “Cô mau mau chuyển lời vào mời các bà tránh đi. Ngoài kia Vương gia sắp tới tịch biên gia sản đấy”. Tôi nghe nói, suýt chết khiếp! Đang định vào phòng lấy đồ vật quan trọng, thì bị một bọn người xô bừa đổ nhào ra. Ở đây, ai có cái gì nên mang, nên mặc thì thu xếp mau lên.
Hình phu nhân và Vương phu nhân nghe nói, hồn vía lên mây, không biết nên làm thế nào. Riêng có Phượng Thư, lúc đầu trợn trừng trợn trạc rồi sau ngã lăn ra đất. Giả mẫu nghe chưa xong, khiếp quá, nước mắt đầm đìa, không còn nói ra lời.
Lúc đó những người trong nhà, lôi kéo nhau rối rít cả lên. Lại nghe tiếng thét:
- Bảo đàn bà con gái tránh đi, vương gia vào đấy.
Bọn Bảo Thoa, Bảo Ngọc còn chưa biết làm thế nào. Lũ a hoàn, bà già còn đang kéo nhau lung tung. Chợt thấy Giả Liễn thở hồng hộc chạy vào nói:
- May lắm! May lắm! Nhờ Vương gia cứu cho chúng ta rồi.
Mọi người đang định hỏi, Giả Liễn thấy Phượng Thư chết nằm giữa đất, vừa khóc vừa gọi rối rít; lại thấy Giả mẫu cũng khiếp ngất đi, thở không được nữa, hắn càng hoảng lên. May nhờ có Bình Nhi gọi Phượng Thư tỉnh dậy, sai người vực lên giường. Giả mẫu cũng tỉnh lại, khóc lóc mê mẫn, nằm ở trên giường, Lý Hoàn khuyên lơn an ủi mãi. Sau đó Giả mẫu bình tĩnh lại, Giả Liễn mới nói rõ việc hai vương gia ban ơn, nhưng sợ Giả mẫu và Hình phu nhân nghe tin Giả Xá bị bắt, sẽ sợ chết khiếp, nên không dám nói rõ, đành phải đi ra lo liệu công việc. Hắn vào đến nhà, thấy đồ đạc bị cướp gần hết, rương hòm đều bị phá tung.
Giả Liễn đang hoảng hốt, hai mắt trợn ngược, ngẩn ngơ rơi nước mắt, thì lại nghe bên ngoài gọi, đành phải đi ra. Lúc đó thấy Giả Chính đang cùng bọn ty thuộc khai các đồ đạc, một người xướng:
- Đồ thủ sức bằng vàng đỏ cộng một trăm hai mươi cái, có đủ các thứ châu báu. Hạt trân châu mười ba chuỗi. Mâm vàng nhạt hai chiếc. Bát vàng hai đôi, thìa vàng bốn mươi chiếc, bát bạc lớn tám mươi cái. Mâm bạc hai mươi chiếc. Đũa ngà bịt vàng hai nắm. Hồ rượu mạ vàng hai cái. Chén mạ vàng ba đôi. Khay trà hai cái. Đĩa bạc bảy mươi sáu cái. Chén rượu bằng bạc ba mươi sáu cái. Da cáo đen mười tám tấm. Da cáo xanh sáu tấm. Da điêu ba mươi sáu tấm. Da cáo vàng ba mươi tấm. Da cầy mười hai tấm. Da ngoài màu xám sáu mươi tấm. Da cáo màu xám bốn mươi tấm. Da dê màu vàng sẫm hai mươi tấm. Da hồ ly hai tấm. Áo da cáo vàng hai chiếc. Da cáo trắng nhỏ hai mươi mảnh. Nỉ ngoại ba mươi thước. Len hai mươi ba thước. Nhung mười hai thước. Áo lót da chuột thơm mười chiếc. Da chuột đậu bốn mảnh. Nhung ngỗng trời một cuộn. Da hươu rằn một tấm. Áo lót da cáo hai cái. Da cầy một cuộn. Nệm lông vịt bảy bộ. Da chuột xám một trăm sáu mươi tấm. Da lợn rừng tám tấm. Da hổ sáu tấm. Da hải báo ba tấm. Da hải long mười sáu tấm. Da dê màu gió bốn mươi mảnh. Da dê màu đen sáu mươi ba tấm. Mũ da cáo màu huyền mười bộ. Mũ hình dao mười hai bộ. Mũ da điêu hai bộ. Da cáo nhỏ mười sáu tấm. Da cầy sông hai tấm. Da rái cá hai tấm. Da mèo ba mươi lăm tấm. Vải Nhật mười hai thước. Đoạn tơ một trăm ba mươi cuộn. The lụa một trăm tám mươi cuộn. Tơ lông ba mươi cuộn. Nhung tây ba mươi cuộn. Đoạn thêu tám cuộn. Vải mỏng ba bó. Vải nhiều màu ba bó. Áo da nhiều màu một trăm ba mươi chiếc. Áo lụa kép bông ba trăm bốn mươi chiếc. Đồ chơi bằng ngọc ba mươi hai cái. Đai chín bộ. Đồ dùng bằng đồng và thiếc trên năm trăm cái. Đồng hồ mười tám cái. Hạt Triều châu chín chuỗi. Áo thêu các màu ba mươi tư chiếc. Nệm dựa bằng đoạn thêu thượng hạng ha bộ. Áo quần cung trang tám bộ. Đai ngọc một chiếc. Đoạn vàng mười hai cuộn. Bạc Triều châu năm ngàn hai trăm lạng. Vàng đỏ năm mươi lạng. Tiền bảy ngàn quan (1). Tất cả đồ dùng trong nhà đều niêm phong và vào sổ. Các toà nhà của vua cho phủ Vinh đều phải kê khai. Những tờ văn khế về nhà cửa ruộng đất, giấy tờ của người nhà, cũng đều niêm phong cả.
Giả Liễn đứng bên nghe trộm. không thấy xướng đến đồ vật của mình, trong bụng đang ngờ vực. Bỗng nghe hai vương gia hỏi Giả Chính:
- Khi tịch biên gia sản trong đó có giấy cho vay nợ, rõ ràng là bóc lột. Vậy do ai làm? Ông Chính cứ khai thực mới được.
Giả Chính nghe nói, quỳ giữa đất, đập đầu và nói:
- Thật kẻ phạm tội này không coi việc nhà, nên không biết gì hết, xin hỏi cháu là Giả Liễn sẽ rõ.
Giả Liễn vội vàng đi tới, quỳ xuống bẩm:
- Hòm văn khế ấy đã lục soát được ở trong nhà kẻ phạm tội này thì còn đâu dám chối cãi. Chỉ xin Vương gia rộng thương cho. Còn chú kẻ phạm tội này thật là không biết gì đến.
Hai Vương gia nói:
- Cha anh đã bị tội, thì phải xử chung vào một án. Bây giờ anh nhận lấy, cũng là phải lẽ. Hãy cho người giữ Giả Liễn lại, còn tất cả đều nhốt lỏng ở trong nhà. Ông Chính phải cẩn thận chờ chỉ nhà vua. Chúng tôi vào cung phúc chỉ (2). Ở đấy đã có quan quân canh giữ.
Nói đoạn, hai vương gia lên kiệu ra cửa. Bọn Giả Chính quì ở cửa thứ hai tiễn đưa. Bắc Tĩnh vương giơ tay lên nói:
- Xin cứ yên lòng.
Xem mặt Vương gia tỏ vẻ thương hại.
Lúc bấy giờ, tinh thần Giả Chính mới ổn định, nhưng hãy còn ngơ ngác. Giả Lan liền nói:
- Mời ông vào trong nhà xem cụ một chút.
Giả Chính nghe nói, vội vã đứng dậy đi vào, thì thấy bọn đàn bà con gái ở các cửa sổ cứ nhao nhao lên, không biết là họ định làm gì. Giả Chính cũng không có bụng dạ nào mà xét hỏi, một mạch đi thẳng vào phòng Giả mẫu, thì thấy người nào người nấy, nước mắt đầm đìa. Vương phu nhân và Bảo Ngọc ngồi vây chung quanh Giả mẫu, lặng lẽ không nói gì. Mọi người chảy nước mắt, còn Hình phu nhân thì ngồi khóc sướt mướt. Thấy Giả Chính đi vào, mọi người đều nói:
- Hay lắm! Hay lắm!
Họ liền nói với Giả mẫu:
- Ông lớn vẫn vào đây như thường. Không cai gì cả. Xin cụ cứ yên lòng.
Giả mẫu chỉ hơi thở thoi thóp, hé mở hai mắt ra nói:
- Con ơi, không ngờ mẹ lại còn thấy con!
Nói chưa dứt lời, Giả mẫu đã khóc ầm lên. Thế rồi cả nhà đều khóc. Giả Chính sợ mẹ khóc mãi sinh ốm, liền cầm nước mắt lại mà nói:
- Mẹ cứ yên tâm. Việc vốn không nhỏ, nhưng nhờ ơn của chúa thượng, của hai vị Vương gia rủ lòng thương. Anh Cả tuy tạm thời bị bắt hỏi, nhưng khi sự việc rõ ràng, chúa thượng sẽ còn ban ơn. Giờ đây tất cả của cải còn lại trong nhà này, không động chạm đến nữa đâu.
Giả mẫu thấy Giả Xá không ở đấy thì lại đau lòng. Giả Chính yên ủi mãi mới thôi. Mọi người đều không dám ra về. Riêng có Hình phu nhân về đến nhà mình, thấy cửa đã khoá chặt và niêm phong, bọn a hoàn và bà già đều bị nhốt vào mấy gian nhà. Chẳng biết đi vào đâu, bà ta liền khóc rống lên, đành phải đi sang nhà Phượng Thư, thì thấy bên cửa thứ hai cũng có giấy niêm phong, chỉ cửa trong nhà là còn mở; phía trong có tiếng khóc nghẹn ngào không ngớt. Hình phu nhân đi vào, thấy Phượng Thư mặt xanh như tàu lá, nhắm mắt nằm yên. Bình Nhi ngồi một bên khóc thầm. Hình phu nhân trung là Phượng Thư chết rồi, lại khóc ầm lên. Bình Nhi đón lại và nói:
- Bà đừng khóc. Khi khiêng mợ cháu về, tưởng là đã chết, nhưng để yên một chốc lại tỉnh lại, khóc lên mấy tiếng, bây giờ đờm đã hạ, hơi thở điều hòa, tinh thần hơi bình phục. Xin hà cũng
nên yên nghỉ một tý; nhưng không biết cụ thế nào rồi?
Hình phu nhân cũng không trả lời, lại đi sang nhà Giả mẫu. Thấy trước mắt đều là người nhà của Giả Chính, nghĩ đến mình thì chồng con bị bắt, dâu ốm nguy cấp, con gái chịu khổ, hiện nay thân mình chẳng biết về đâu. Trước cảnh đó ai chẳng khuyên lơn, an ủi. Bọn Lý Hoàn sai người thu xếp nhà cửa, mời Hình phu nhân tạm nghỉ. Vương phu nhân sai người hầu hạ.
Giả Chính ở ngoài thậm thọt lo âu, cứ xoắn râu, xoa tay chờ chỉ của nhà vua. Chợt nghe bọn lính canh ở ngoài thét ầm lên.
- Anh là người bên nào? Đã đụng phải chúng ta đây thì ghi vào sổ, bắt lấy nộp cho các quan ở phủ Cẩm y.
Giả Chính đi ra ngoài xem, thấy là Tiều Đại. liền hỏi:
- Tại sao anh lại chạy đến đây!
Tiều Đại thấy hỏi, liền kêu trời kêu đất khóc mà nói:
- Ngày nào tôi cũng khuyên can mấy ông hư thân ấy, họ lại cho tôi là kẻ oan gia. Ông lại không biết Tiều Đại này theo hầu cụ cố trước đây đã từng chịu khổ như thế nào hay sao? Hôm nay đến tình cảnh này: cậu cả Trân và anh Dung đều bị Vương gia nào bắt đi cả rồi; các bà trong nhà đều bị nha dịch trong phủ nào đó lôi đi đến nỗi đầu bù tóc rối, đem nhốt vào một gian nhà không; bọn chó má ấy đều lồng lên như lang như hổ, có gì chúng lục soát ra để vào một chỗ; đồ gỗ thì chúng đánh nát bét, đồ sứ thì chúng đập cho vỡ đi. Chúng nó lại còn định trói cả tôi. Tôi sống đã tám chín mươi tuổi đầu, chỉ có đi theo cụ cố trói người ta, đâu lại để cho họ trói mình? Tôi nói tôi là người phủ tây, rồi bỏ đi ra. Bọn họ không nghe, bắt giải đến đây, ai ngờ ở đây cũng thế. Giờ đây tôi cũng không cần sống nữa, quyết liều mạng với bọn này thôi!
Tiều Đại nói xong, liền đập đầu. Bọn nha dịch thấy ông ta tuổi già, lại nghe hai vương gia dặn, nên cũng không dám làm dữ, liền nói:
- Ông già yên lặng một chút. Đây là chúng tôi vâng lệnh nhà vua. Ông hãy nghĩ một chút, để chờ tin tức.
Gỉa Chính nghe nói, tuy để mặc ông ta, nhưng bụng như dao cắt, liền nói:
- Thế là hết! Thế là hết! Không ngờ nhà mình suy sụp đến thế này!
Đang khi hoảng hốt, chờ tin trong cung, bỗng thấy Tiết Khoa thở hồng hộc chạy vào, nói:
- Chà! Khó khăn lắm mới vào đây được! Bác ở đâu rồi?
Giả Chính nói:
- Cháu đến đúng lúc quá! Ngoài ấy sao mà họ cho cháu vào?
- Cháu năn nỉ mãi và cho họ một ít tiền nên mới vào được
Giả Chính đem việc bị lục soát nhà nói cho anh ta biết, nhờ anh ta dò la tin tức và nói:
- Đang lúc cấp bách này cũng không kịp đưa tin cho bà con bạn hữu, chỉ có cháu là có thể thông tin được.
- Việc ở đây cháu chưa biết rõ; còn việc ở phủ đông thì cháu đã nghe nói rồi.
- Vậy thì phạm tội gì thế?
- Hôm nay cháu nhân việc đi dò tin về tội của anh cháu, thấy trong nha môn nói có hai vị ngự sử nghe tin đồn đại anh cả Trân quyến rũ con nhà thế gia đánh bạc. Khoản này còn nhẹ. Còn có một khoản nặng là cường chiếm vợ lương dân làm lẽ, người ta không theo, liền áp bức người ta chết. Quan ngự sử kia sợ không chắc, bắt Bào Nhị nhà mình đem đi, lại còn kéo ra một người họ Trương nữa. Chỉ sợ ngay cả đô sát viện cũng có lỗi, vì họ Trương trước đã kiện rồi.
Giả Chính nghe chưa hết, liền giẫm chân, nói:
- Còn gì nữa! Thôi! Thôi!
Ông ta thở dài, rồi nước mắt chảy xuống ròng ròng. Tiết Khoa yên ủi mấy câu, lại ra ngoài dò la. Cách độ nửa ngày, anh ta trở vào, nói:
- Tình hình không tốt, cháu đi dò ở bộ hình, không nghe tin hai vương gia phúc chỉ, chỉ nghe nói hôm nay Lý ngự sử hặc quan châu Bình An xu nịnh các quan trong kinh, chiều theo ý quan trên, làm hại nhân dân, gồm mấy khoản lớn. Giả Chính vội vàng nói:
- Việc người ta thì mặc kệ, cháu chỉ dò xem việc nhà mình như thế nào thôi.
- Nói đến Bình An châu tức là có việc chúng ta đấy, ông quan trong kinh bị hặc tức là ông Cả nhà ta. Người ta tố cáo ông Cả bao thầu trong việc kiện tụng. Tình hình như lửa cháy đổ thêm đầu. Các quan trong triều đều lo trốn tránh không kịp, ai còn dám đưa tin. Còn bọn bà con bạn hữu vừa ở đây ra về, người thì về nhà, người thì dừng lại chỗ xa để nghe ngóng. Đáng giận là những người trong họ đây, dọc đường đều nói: “Công nghiệp cha ông để lại, bây giờ gây ra biến cố này, không biết thế tước ấy sẽ bay đến đầu người nào, để chúng mình được mở mắt một chút...”
Giả Chính chưa nghe xong liền giẫm chân nói:
- Đó là vì ông Cả nhà ta hồ đồ quá. Bên phủ đông cũng không ra thể thống gì cả! Giờ đây bà và chị Liễn không biết chết hay sống! Cháu lại cứ đi dò xem, để ta vào bên chỗ bà xem một chút. Nếu có tin gì cho biết sớm một tý thì tốt.
Đang nói thì nghe nhà trong kêu ầm lên:
- Cụ bà nguy lắm rồi.
Giả Chính vội vàng chạy vào.
Chú thích:
(1) Trong bảng kê này có một số không rõ là vật gì, chúng tôi lược đi không dịch.
(2) Sau khi vâng chỉ nhà vua đi làm việc xong, trở về tâu lại với vua.
Tào Tuyết Cần
Dịch giả: Dư Anh Thời
Theo https://www.sachhayonline.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thoáng mây bay

Thoáng mây bay Chương 1 Loại hoa tím 1971 Thảo buông bút, thở một hơi dài thoải mái: – Xong xuôi … Nhìn qua Tuấn, thấy bạn còn đang hý hoá...