Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Hồng lâu mộng 22

Hồng lâu mộng 22
Hồi 106:
Gây tai ương, Vương Hy Phượng xiết bao hổ thẹn
Tránh họa hoạn, Giả thái quân cầu khấn phật trời
Giả chính nghe nói Giả mẫu nguy cấp, vội vàng vào xem, thấy Giả mẫu khiếp sợ, khí ngược lên cổ. Vương phu nhân và Uyên Ương gọi mãi mới tỉnh, rồi cho uống thuốc viên “sơ khí an thần”. Dần dần Giả mẫu hơi đỡ nhưng cứ thương tâm chảy nước mắt. Giả Chính đứng một bên khuyên:
- Bọn chúng con hư thối, gây nên tai vạ, để mẹ chịu sợ hãi. Mẹ có thư thái ít nhiều thì bọn con mới có thể ở ngoài lo liệu; nếu mẹ có mệnh hệ nào thì tội chúng con lại càng thêm nặng!
Giả mẫu nói:
- Ta sống đã hơn tám mươi tuổi. Từ khi còn là con gái, về nhà chồng, đều nhờ phúc ấm cha ông, chưa bao giờ thấy việc như thế này. Giờ già rồi, nếu nhìn thấy các con chịu tội, bụng ta sao đành? Chi bằng nhắm mắt để mặc các con.
Nói rồi lại khóc.
Lúc đó Giả Chính bối rối vô cùng. Bỗng nghe bên ngoài nói: “Thưa ông lớn, trong cung có tin ra”.
Giả Chính vội vàng đi ra, thì thấy quan trưởng sử phủ Bắc Tĩnh vương đến nói:
- Xin mừng cho ngài.
Giả Chính cảm ơn, mời ngồi và hỏi:
- Vương gia có chỉ dụ gì ?
- Vương gia chúng tôi và Tây Bình quận vương vào nội phúc chỉ tâu rõ việc quan lớn sợ hãi, và lời cảm kích ơn vua. Chúa thượng rất thương và nghĩ tới quí phi mất chưa bao lâu, không nỡ làm tội, nên vẫn gia ân cho ngài nhậm chức viên ngoại bộ công như cũ. Gia sản bị niêm phong, chỉ đem phần của Giả Xá nhập vào của công, còn nửa đều trả lại, và truyền chỉ cho ngài phải tận tâm làm chức vụ. Chỉ có khế cho vay, thì sai Vương gia chúng tôi tra xét. Nếu có khoản nào lấy lãi nặng quá lệ, thì đều nhập vào của công, còn những khoản lấy lãi đúng lệ, cùng giấy tờ nhà cửa ruộng đất, đều trả lại hết. Giả Liễn thì bị cách chức tha về.
Giả Chính nghe xong, liền đứng dậy sụp lạy cảm tạ ơn vua, lạy tạ ơn Vương gia, và nói:
- Xin quan trường sứ bẩm giúp: “sáng mai tôi sẽ đến cửa cung tạ ơn và đến Vương phủ lạy tạ.”
Viên trướng sứ ra về.
Một lát, chỉ vua truyền ra, quan thừa biện tuân theo chỉ ý, tra rõ tất cả, cái gì nhập vào của công thì nhập; cái gì trả lại thì trả. Tha Giả Liễn ra, còn bao nhiêu đàn ông đàn bà thuộc về nhà Giả Xá, thì đều kê sổ nhập quan. Đáng thương trong nhà Giả Liễn, ngoài những giấy tờ hợp lệ được trả lại, còn nửa tuy chưa xung công hết cả, nhưng đã bị bọn người tra soát cướp hết, chỉ trơ lại đồ dùng mà thôi.
Giả Liễn ban đầu sợ phạm tội, sau được tha, đã là may mắn. Đến khi nghĩ lại những của cải dành dụm mấy năm nay cùng với của riêng của Phượng Thư, gần năm bảy vạn lạng bạc, một lúc hết sạch, làm sao khỏi đau lòng. Vả lại cha thì đang bị giam ở phủ Cẩm y; Phượng Thư thì ốm nguy ngập, nên hắn vừa buồn bả vừa đau xót. Lại thấy Giả Chính rưng rưng nước mắt, gọi hắn mà bảo:
- Ta vì bận việc quan, không trông nom việc nhà được, mới bảo vợ chồng cháu đến coi giúp. Việc cha cháu làm, đã đành khó lòng khuyên can, còn việc cho vay lấy lãi ấy, thì do ai làm ? Vả lại việc ấy không phải là hạng nhà chúng ta nên làm. Nay bị xung công, tuy tiền bạc không quan hệ, nhưng tiếng tăm đồn đại thì còn ra gì nữa.
Giả Liễn quỳ xuống thưa:
- Cháu lo việc nhà thật là không dám có chút gì tư túi. Sổ sách ra vào có bọn Lại Đại, Ngô Tân Đăng, Đái Lương ghi chép. Chú gọi bọn ấy tra hỏi thì rõ. Hiện mấy năm nay. bạc ở kho chi nhiều thu ít, tuy chưa phải bù nhưng ở các nơi đã thiếu hụt nhiều. Xin chú hỏi thím thì biết. Còn những món tiền cho vay lấy lãi ấy, ngay cháu cũng không hiểu là bạc ở đâu, phải hỏi bọn Chu Thụy và Lai Vượng mới biết.
- Cứ như cháu nói, ngay cả việc trong nhà cháu còn không biết, thì những việc trên việc dưới, cháu lại càng không biết nữa! Bây giờ ta cũng không tra hỏi cháu làm gì. Hiện nay cháu là người vô tội, phải mau mau dò la tin tức về cha cháu và việc anh Trân xem sao ?
Giả Liễn trong lòng uất ức, nước mắt dàn dụa, vâng lời đi ra. Giả Chính than thở luôn miệng, nghĩ bụng: “Cha ông mình khó nhọc về việc nhà vua, lập nên công nghiệp mới được hai chức thế tước, nay đều phạm tội, đều bị cách cả. Xem chừng
bọn con cháu, không một đứa nào nên thân ! Trời ơi là trời ! Họ Giả nhà mình sao đến nỗi suy sụp như thế ? Mình tuy nhờ ơn trên thương đến, trả lại gia sản, nhưng rồi việc ăn tiêu cả hai nơi, phải dồn về một chỗ. Một mình ta chèo chống sao nỗi ? Vừa rồi thằng Liễn nói lại càng lạ: “chẳng những trong kho không có bạc mà lại còn nợ nần thiếu thốn. Thì ra mấy năm nay chỉ có tiếng hão bên ngoài. Mình sao mà ngu dại đến như thế ? Nếu thằng Châu còn sống thì còn có người giúp đỡ. Bảo Ngọc tuy lớn cũng là vô dụng”. Giả Chính nghĩ đến đó, nước mắt đầm đìa thấu áo, rồi lại nghĩ: “Mẹ mình tuổi cao như thế, con cháu chưa phụng dưỡng được một ngày nào mà lại làm cho mẹ già khiếp sợ chết đi sống lại tội này mình còn biết để cho ai. “
Giả Chính đang một mình buồn bã, bỗng thấy người nhà vào bẩm:
- Bà con bạn hữu đến hỏi thăm.
Giả Chính cảm ơn hết thảy mọi người và nói:
- Trong nhà gặp lúc không may, chỉ vì tôi không biết dạy bảo con cháu, cho nên đến nông nỗi này.
Có người nói:
- Từ lâu chúng tôi đã biết. ông Cả làm việc không được đứng đắn. Anh cả Trân bên kia lại càng kiêu căng phóng túng. Nếu vì làm việc quan lầm lẫn mà phải lỗi, thì cũng không hổ, bây giờ mình gây nên vạ, lại làm liên lụy đến ông Hai.
Có người nói:
- Người ta làm xằng cũng nhiều, nhưng cũng không thấy quan ngự sứ hặc tâu. Nếu không phải là ông cả Trân làm mếch lòng bạn bè, thì đâu đến nỗi như thế !
Có người nói:
- Cũng không nên trách quan ngự sử. Chúng tôi nghe chính là người nhà ở phủ đây cùng mấy thằng vô lại ở ngoài làm ầm ĩ lên. Quan ngự sử sợ hặc tâu không thật, cho nên dỗ chúng nói ra. Tôi nghĩ quí phủ đây đối đãi với tôi tớ rất khoan dung, làm sao còn có việc ấy ?
Có người nói:
- Bọn đầy tớ không thể nuôi đứa nào hết. Hôm nay ở đây đều là bạn bầu thân thiết cả, tôi mới dám nói. Ngay khi ngài làm quan ngoài, tôi cũng không thể tin chắc rằng ngài không ham tiền. Tiếng tăm ở ngoài sở dĩ không tốt, đều là do bọn tôi tớ gây ra. Ngài cũng nên để ý đề phòng. Nay tuy không động đến gia sản của ngài, nhưng nếu gặp lúc chúa thượng ngờ vực, thì sẽ không hay.
Giả Chính nghe nói, trong lòng hoảng sợ, liền hỏi:
- Các vị nghe tiếng tăm của tôi ra sao ?
Mọi người nói:
- Chúng tôi tuy không biết sự thực. Nhưng nghe người ngoài nói lúc ngài làm quan lương đạo, có bảo bọn người nhà đòi tiền thế nào đó.
Giả Chính nghe xong, liền nói:
- Tôi thật thề với trời xưa nay chưa hề dám nghĩ đến chuyện đó. Nhưng vì bọn tôi tớ ớ ngoài lừa gạt người ta mà gây nên chuyện, thì tôi cũng phải chịu tội.
Mọi người nói:
- Giờ đây sợ cũng vô ích, chỉ cần đem bọn người nhà xét tra cho nghiêm; nếu có đứa nào chống lại chủ nhà, xét cho ra mà nghiêm trị là được.
Giả Chính nghe nói gật đầu. Vừa lúc đó thấy người ngoài cửa vào thưa:
- Cậu Tôn sai người đến nói bận việc không đến được, cho người đến hỏi thăm, và bảo ông lớn phải nhận trả số bạc mà ông Cả nợ của cậu ta.
Giả Chính trong lòng bực bội, chỉ nói:
- Biết rồi !
Mọi người đều cười nhạt và nói:
- Người ta hảo Tôn Thiệu Tổ bà con với ngài là người gàn dở. Quả thật là đúng ! Hiện nay ông nhạc bị soát nhà, chàng rễ chẳng những không đến trông nom giúp đỡ mà lại vội vàng đến đòi nợ. Thật là vô lý !
Giả Chính nói:
- Bây giờ hãy chưa cần nói. Việc hôn nhân ấy là do anh tôi làm sai. Cháu gái tôi chịu khổ đã đủ bây giờ lại quàng đến cả tôi đấy.
Đang nói thì thấy Tiết Khoa đi vào thưa:
- Tôi dò nghe Triệu Toàn ở phủ Cẩm y nhất định đòi trị tội như lời quan ngự sử hặc, sợ rằng ông Trân và ông Cả sẽ bị tội nặng.
Mọi người đều nói:
- Ông lớn cần phải đi xin với Vương gia, làm sao kiếm cách cứu vãn mới được. Nếu không thì cả hai nhà sẽ tan tành.
Giả Chính vâng lời và cảm tạ, rồi mọi người ra về.
Lúc đó, chừng vừa lên đèn, Giả Chính vào thăm Giả mẫu, thấy Giả mẫu hơi đỡ. Về đến phòng ông ta oán trách vợ chồng Giả Liễn không biết gì hết. Bây giờ xảy ra chuyện cho vay lấy lãi, làm cả nhà mang tiếng. Bây giờ mới biết rõ Phượng Thư làm. Ông ta rất tức tối, nhưng thấy Phượng Thư hiện đang ốm nặng, chị ta cái gì đều bị mất hết. Cố nhiên trong lòng đau đớn. Vì vậy cũng không tiện quở trách, đành tạm nín nhịn không nói gì.
Hôm sau, Giả Chính vào cung tạ ơn và đến các phủ Bắc Tĩnh và Tây Bình lạy tạ. Xin hai Vương gia xét thương anh và cháu mình. Hai vương gia đều nhận lời. Giả Chính lại đến nhà các quan đồng liêu thân thiết xin họ giúp đỡ. Giả Liễn thấy tình hình cha và anh xem chừng không xong, chẳng biết làm thế nào đành phải về nhà. Bình Nhi ngồi trông nom Phượng thư và khóc lóc. Thu Đồng ngồi ở buồng bên cạnh oán trách Phượng Thư. Giả Liễn chạy đến một bên, thấy Phượng Thư chỉ còn thoi thóp, dầu có bao nhiêu lời trách móc, cũng không thể nói ra.
Bình Nhi khóc nói:
- Nay đã đến nỗi này, của cải mất rồi, không thể trở lại được nữa. Mợ như thế này, cũng phải mời thầy thuốc xem một chút mới được chứ !
Giả Liễn đâm cáu:
- Chà! Mạng tao đây khó lòng mà giữ trọn. Còn trông coi đến nó được à ?
Phượng Thư nghe nói, hé mắt ra nhìn một cái, tuy không nói gì, nhưng nước mắt trào ra. Thấy Giả Liễn ra rồi, chị ta bèn nói với Bình Nhi:
- Chị đừng có u mê không hiểu nữa. Đã đến nỗi nước này. Chị còn lo đến ta làm gì ? Ta chỉ mong chết ngay bây giờ càng hay. Chỉ cần chị còn nhớ đến ta, sau ta chết rồi, chị nuôi nấng con Xảo cho khôn lớn, ta ở nơi âm ty cũng cảm kích tình nghĩa của chị.
Bình Nhi nghe nói, càng khóc nức nở. Phượng Thư lại nói:
- Chị cũng là người hiểu đời. Dù họ không đã động đến ta. Nhưng thế nào cậu ấy cũng oán trách ta. Việc này tuy bên ngoài gây nên, nhưng nếu ta không tham lãi, thì cũng chẳng có việc gì đến ta. Giờ đây uổng phí bao nhiêu tâm lực suốt đời lo dành phần hơn người ta. Nay trở lại thua kém họ ! Ta còn mang máng nghe nói việc của anh cả Trân là do cưỡng ép vợ lương dân làm vợ lẽ. Nó không theo nên bức hiếp nó đến chết. Trong việc này lại có người họ Trương. Chị nghĩ xem còn có ai nữa? Việc ấy mà xét ra, thì cậu Hai nhà ta không sao tránh khỏi tội. Lúc đó ta còn mặt mũi nào mà nhìn người ta nữa? Ta muốn chết ngay. Nhưng lại không chịu nỗi những việc nuốt vàng sống, hoặc uống thuốc độc. Chị còn muốn mời thầy thuốc làm gì. Thế có phải chị không thương ta mà lại làm hại ta không.
Bình Nhi càng nghe càng đau xót, nghĩ lại cũng khó xử, chỉ sợ Phượng Thư tìm cách tự tử, nên cứ ngồi giữ miết không rời. May mà Giả mẫu không biết rõ đầu đuôi, nên gần đây trong người có hơi đỡ. Lại thấy Giả Chính vô sự, Bảo Ngọc và Bảo Thoa ngày nào cũng ở luôn bên cạnh mình, nên cũng hơi yên lòng. Giả mẫu xưa nay vốn yêu Phượng Thư, liền bảo Uyên Ương:
- Mày đem một ít đồ vật của riêng ta cho con Phượng, và đem một ít tiền giao cho con Bình để lo hầu hạ con Phượng chu đáo rồi thong thả ta sẽ xếp đặt.
Giả mẫu lại bảo Vương phu nhân trông nom Hình phu nhân. Lúc đó phủ Ninh đã xung công, tất cả của cải, nhà cửa, đất đai và bọn gia nô đều ghi sổ tịch thu hết. Giả mẫu sai người đưa xe đón Vưu thị và con dâu qua bên này, phủ Ninh tấp nập như thế mà nay chỉ còn lại mẹ con Vưu thị và Bội Phượng, Giải Loan, ngay một người hầu cũng không có. Giả mẫu chỉ cho một ngôi nhà để ở liền vách với chỗ ở của Tích Xuân. Lại sai bốn bà già và hai a hoàn hầu hạ. Tất cả vật dụng cơm nước đều do nhà bếp lớn chia phần đưa đến. Áo quần đồ đạc thì do Giả Mẫu đưa cho. Còn nhưng món tiêu dùng lặt vặt cũng do phòng kế toán chu cấp theo như tiền lương tháng của mỗi người bên phủ Vinh. Tiền tiêu dùng của bọn Giả Xá, Giả Trân và Giả Dung ở phủ Cẩm y thì phòng kế toán không biết lấy ở khoản gì ra mà chi nữa. Hiện giờ Phượng Thư không còn gì; Giả Liễn ở ngoài mắc nợ rất nhiều. Giả Chính không hiểu việc nhà, chỉ cho rằng đã giao cho người ta, tự nhiên có kẻ trông nom. Giả Liễn không còn cách gì. Nghĩ đến các nhà thân thiết thì nhà Tiết phu nhân đã suy sụp. Vương Tử Đằng đã chết, còn các nhà bà con káhc thì đều không thể giúp đỡ cho mình. Hắn đành phải sai người ngấm ngầm tới các trại bán đỡ ruộng đất lấy vài ngàn lạng để tiêu phí trong nhà giam. Bọn tôi tớ thấy chủ thất thế, cũng nhân dịp làm càn, giả danh mượn trước một số địa tô ở trại phía đông để tiêu vụng.
Giả mẫu thấy chức tước của cha ông để lại bị cách mất, con cháu đang bị giam, chờ ngày tra hỏi. Hình phu nhân và Vưu thị đêm ngày khóc lóc. Phượng Thư bệnh tình nguy cấp, tuy có Bảo Ngọc, Bảo Thoa ở bên cạnh, nhưng chỉ có thể khuyên giải chứ không thể chia nỗi lo âu được. Vì thế, đêm ngày phiền muộn, lo trước nghĩ sau, nước mắt không bao giờ khô.
Một hôm, trời đã về chiều. Giả mẫu bảo Bảo Ngọc về phòng, rồi một mình gắng gượng dậy. Bà ta bảo bọn Uyên Ương đi thắp hương ở các phật đường, lại bảo thắp hương ở giữa sân, rồi chống gậy đi ra. Hổ Phách biết là Giả Mẫu định lễ phật, liền trải nệm hồng ra. Giả mẫu thắp hương, quỳ xuống sụp lạy mấy lần, niệm phật một hồi, rồi ứa nước mắt khấn trời đất:
- Trời phật ở trên, tôi là họ Sử, dâu nhà họ Giả, thành kính cầu khẩn, xin đức phật rủ lòng từ bi. Nhà họ Giả chúng tôi mấy đời nay không dám ngang tàng làm bậy. Tôi giúp chồng dạy con, tuy không làm được điều thiện, cũng không dám làm điều ác. Chắc là vì bọn con cháu kiêu sa dâm dật, phí phạm của trời đến nỗi cả nhà bị khám xét. Hiện nay con cháu bị giam, chắc hẳn dữ nhiều lành ít, đó đều là tội tại một mình tôi không biết dạy bảo chúng nó cho nên đến nông nỗi này. Giờ đây tôi xin trời phù hộ người bị giam gặp dữ hoá lành; người có bệnh mau mau mạnh khỏe, dầu cả nhà có tội, tôi tình nguyện xin chịu một mình. Chỉ mong tha thứ cho bọn con cháu. Nếu trời thương tôi thành tâm kính cẩn, thì xin cho tôi chết sớm, mà khoan dung tội lỗi cho bọn con cháu ?
Giả mẫu lâm râm cầu khẩn đến đó, rồi bất giác thương tâm nghẹn ngào khóc lóc.
Bọn Uyên ương, Trân Châu vừa khuyên giải vừa dìu vào phòng.
Vương phu nhân dẫn Bảo Ngọc, Bảo Thoa tới hỏi thăm sức khoẻ. Thấy Giả mẫu thương khóc, ba người cũng đều khóc lóc. Bảo Thoa lại có một nỗi khổ tâm khác -anh mình đang bị giam, sau này xử án không biết có được giảm nhẹ hay không? - Cha mẹ chồng tuy rằng vô sự, nhưng gia nghiệp đã tiêu điều; Bảo Ngọc vẫn còn rồ dại, không có chút chí khí, nghĩ đến việc chung thân sau này, lại càng khóc lóc thảm thiết hơn. Giả mẫu và Vương phu nhân, Bảo Ngọc thấy Bảo Thoa như thế, cũng có một nỗi thương cảm riêng, nghĩ bụng: “Bà tuổi già. không được yên tâm. Cha và mẹ thấy quang cảnh này ắt phải đau lòng. Bọn chị em tan tác chia phôi càng ngày càng ít. Nhớ lại hồi ở trong vườn ngâm thơ lập xã, vui vẻ biết chừng nào ? Từ khi em Lâm qua đời, mình buồn bực cho đến nay, lại có chị Bảo làm bạn khóc lóc luôn cũng không tiện. Vả lại thấy chị ta lo cho anh, nhớ đến mẹ, đêm ngày mặt ủ mày chau. Nay thấy chị ta khóc lóc thảm thiết, trong lòng lại càng không nỡ. Do đó Bảo Ngọc cũng nức nở khóc. Bọn Uyên ương, Thái Vân, Oanh Nhi, Tập Nhân trông thấy ai nấy cũng đều có mối lo buồn riêng, nên đều đua nhau khóc. Các a hoàn thấy vậy thương tâm cũng khóc lên, không còn có ai khuyên giải. Tiếng khóc cả nhà như rung trời chuyển đất, bọn bà già canh đêm hoảng sợ, vội vàng tin cho Giả Chính biết.
Giả Chính đang buồn bực ở thư phòng, nghe bọn người nhà Giả mẫu báo tin, trong bụng hoảng hết, vội vàng chạy vào.
Xa xa nghe tiếng khóc vang lên rất đông. Giả Chính tưởng là Giả mẫu có việc gì, hồn phách rụng rời. Chạy vội vào, thấy mọi người ngồi thừ ra khóc, ông ta mới yên lòng, liền nói:
- Cụ thương tâm thì cả nhà nên khuyên giải mới phải. Tại sao lại kéo bè mà khóc như thế ?
Mọi người nghe tiếng Giả Chính vội vàng nín khóc, nhìn nhau ngơ ngác. Giả Chính lại gần yên ủi Giả mẫu và trách mắng bọn họ mấy câu. Mọi người đều nghĩ thầm: “bọn mình vốn sợ bà thương tâm, nên đến khuyên giải, tại sao lại quên bẳng đi; cùng nhau khóc lóc như vậy.”
Đang lúc ngẩn ngơ thì thấy một bà ở bên nhà Sử hầu đi vào hỏi thăm sức khoẻ của Giả mẫu và mọi người xong, liền nói.
- Ông lớn, bà lớn và cô nhà chúng tôi sai chúng tôi đến nói: “ Nghe thấy bên phủ đâu có việc, nhưng vốn không quan hệ gì chẳng qua bị kinh khủng trong một lúc thôi. Sợ ông bà lo phiền, cho nên bảo chúng tôi đến thưa chuyện.” Ông Hai ở đây
chẳng có gì đáng sợ. Cô chúng tôi vốn muốn sang đây, nhưng vì chẳng bao lâu nữa thì về nhà chồng, nên không sang được.
Giả mẫu nghe nói, không tiện cảm ơn, chỉ nói:
- Các bà về nói hộ, chúng tôi có lời hỏi thăm sức khoẻ.
Đây là vận nhà chúng tôi gặp bước như thế. Cảm ơn ông bà bên nhà tưởng đến. Hôm khác sẽ xin qua tạ ơn. Cô nhà các bà về nhà chồng, chắc chú rễ thì không cần phải nói nữa, còn gia tư nhà họ ra sao ?
Hai người đàn bà thưa:
- Gia tư thì cũng chẳng sao. Nhưng cậu rể người rất xinh xắn, tính lại hiền hoà. Chúng tôi đã thấy mặt mấy lần, xem chừng không khác cậu Bảo đây mấy, và nghe nói, văn tài cũng giỏi.
Giả mẫu nghe xong, vui mừng nói:
- Thế thì tốt lắm ! Đó là phúc của cô ấy. Nhưng mà nề nếp nhà chúng ta còn theo lễ phương Nam. Vì thế chúng ta không được thấy mặt chú rể mới. Hôm trước tôi còn nghĩ đến người bên họ ngoại nhà tôi. Tôi chỉ yêu nhất là cháu nó, một năm ba trăm sáu mươi ngày thì ở đây đến trên hai trăm ngày. Nay đã lớn như thế, tôi định kiếm cho nó một người chồng tốt. Nhưng vì chú nó không ở nhà, tôi không tiện làm chủ. Cháu nó đã có phúc lấy được chú rể tốt, thì tôi cũng yên lòng. Tháng này nó về nhà chồng, tôi vốn định qua uống chén rượu mừng, không ngờ nhà chúng tôi xảy ra việc thế này, lòng tôi nóng như nước sôi, đâu còn sang bên ấy được ? Các bà về nói tôi có lời hỏi thăm. Mọi người bên này cũng đều gửi lời hỏi thăm. Các bà lại nói hộ với cháu nó đừng nghĩ gì đến tôi. Tôi nay đã hơn tám mươi tuổi, dầu có chết cũng không phải thiếu phúc nữa. Mong sao cho cháu nó về nhà người ta, vợ chồng hòa thuận, bách niên giai lão là tôi yên lòng.
Giả mẫu nói đến đó, lại rơi nước mắt.
Người đàn bà kia nói:
- Cụ bà không cần phải thương tâm. Cô tôi về nhà chồng, đến hôm làm lễ hồi môn rồi thế nào cũng cùng cậu rể tới chào cụ lúc đó cụ thấy mặt sẽ vui mừng đấy.
Giả mẫu gật đầu.
Người đàn bà kia đi ra rồi, cũng không ai nghĩ đến chuyện ấy nữa, chỉ có Bảo Ngọc nghe rồi ngẩn người ra một lúc, nghĩ bụng cứ thế này, ngày này qua ngày khác, mình khó mà sống nổi. Tại sao người ta sinh ra con gái cứ lớn lên lại phải đi
lấy chồng ? Khi đã lấy chồng thì hình như biến thành một con người khác. Em Sử như thế, lại bị chú ép gả cho người ta, sau này cô ta có gặp mình cũng sẽ không nhìn ngó gì đến nữa. Ta nghĩ một con người mà đã đến lúc không ai nhìn đến thì còn sống mà làm gì ? “ Nghĩ đến đó, Bảo Ngọc lại thương tâm, nhưng thấy Giả mẫu vừa mới yên lặng nên không dám khóc nữa, đành chỉ ngồi buồn rũ.
Được một lúc, Giả Chính không đành lòng, lại vào thăm Giả mẫu. Thấy mẹ đã hơi đỡ, ông ta liền gọi Lại Đại bảo đem sổ những người nhà coi việc trong toàn phủ điểm lại một lượt. Trừ bọn người thuộc về Giả Xá đã xung công, còn lại hơn ba mươi nhà, cả trai gái gồm hai trăm mười hai người. Giả Chính bảo gọi bốn mươi mốt người đàn ông hiện đang làm việc trong phủ vào hỏi về việc tiêu dùng may năm nay. thu vào bao nhiêu, chi ra bao nhiêu. Giả Chính xem thì thấy tiền thu không đủ chi, lại thêm mấy năm nay, tiêu dùng về việc trong cung. Trong sổ có nhiều khoản phải vay mượn bên ngoài. Lại tra về khoản địa tô tỉnh Đông thì thấy mấy năm gần đây địa tô nạp vào không bằng một nửa so với đời cha ông, mà tiêu dùng lại nhiều hơn gấp mười lần. Giả Chính không xem thì thôi, xem rồi hoảng lên, giẫm chân nói:
- Chết thật ! Ta tưởng là cháu Liễn coi việc thế nào cũng biết lo lắng, ai ngờ mấy năm nay, năm Dần đã tiêu lan sang tiền năm Mão. Thế mà vẫn tô điểm bề ngoài. Cho bổng lộc thế chức (1) là việc không quan hệ gì, làm gì mà chẳng suy sụp ! Bây giờ mình mới biết dành dụm thì đã muộn rồi.
Nghĩ đến đó, ông ta cứ đi đi lại lại, chẳng còn biết làm cách nào.
Mọi người biết.Giả Chính không quen việc nhà, có sốt ruột cũng vô ích, liền nói:
- Ông lớn không cần phải lo phiền, nhà nào cũng như thế cả. Nếu tính tổng cộng lại thì ngay nhà đức vương cũng không đủ tiêu, chẳng qua chỉ trau chuốt bộ mặt ngoài, đến đâu hay đây thôi. Giờ đây ông lớn nhờ ơn chúa thượng mới có chút gia sản này. Nếu bị xung công hết, không lẽ ông lớn không ăn tiêu nữa.
Giả Chính quát:
- Nói nhảm ! Bọn tôi tớ chúng bay là đồ vô lương tâm cả ! Lúc chủ nhà còn khá thì chúng bay tiêu pha bừa bãi, đến khi hết sạch, mỗi đứa bỏ đi mỗi nơi. Kể gì chủ nhà chết với sống ? Giờ đây chúng bay nói không bị tịch thu niêm phong là tốt, nhưng chúng bay biết sao được tiếng tăm ở bên ngoài. Gốc đã khó giữ thì còn chịu sao nổi bọn chúng bay ở ngoài làm càn, nói láo, lừa gạt người ta ? Khi xảy ra chuyện thì chúng bay đổ vào đầu chủ nhà là xong ! Giờ nghe nói việc ông Cả, anh Trân là do Bào Nhị. Người nhà chúng ta rêu rao lộ chuyện. Nay xem sổ này không có tên Bào Nhị nào cả, là tại làm sao.
Mọi người thưa:
- Tên Bào Nhị không ở trong danh sách này. Trước kia hắn ở bên phủ Ninh. Vì cậu Hai thấy hắn ta thật thà mới gọi hai vợ chồng hắn qua bên này. Sau vợ chết, hắn lại về phủ Ninh. Lúc ông lớn bận việc ở cửa quan, cụ bà, bà lớn, các ông đều đi lên lăng. Cậu Trân coi hộ việc nhà, đem hắn sang, sau đó hắn lại đi ngay. Mà năm nay ông lớn không coi việc nhà, làm gì mà biết những chuyện ấy ! Ông lớn cứ tưởng rằng trên danh sách không có tên chỉ có một người ấy thôi, không biết rằng là cũng có tôi tớ của họ, rồi tôi tớ cũng lại có tôi tớ nữa đấy.
Giá Chính nói:
- Thế thì chết thật!
Rồi ông ta nghĩ rằng trong một lúc chưa có thể xử trí dứt khoát, đành phải quát mọi người lui ra, nhưng trong bụng đã có ý sẵn sàng, hãy chờ xem quan trên xét hỏi bọn Giá Xá ra sao rồi sẽ định sau.
Một hôm, Giả Chính đang ngồi trù tính ở thư phòng, bỗng một người vội vàng chạy vào trình:
- Xin mời ông lớn vào cung mau để hầu chuyện.
Giả Chính nghe nói trong bụng hoảng hốt, đành phải đi vào cung.
Chú thích:
1. Tức là đời đời nối chức.
Hồi 107:
Cho của thừa, Giả mẫu hiểu nghĩa lớn
Phục chức cũ, Giả Chính đội ơn trời
Giả chính vào triều, gặp các vị đại thần viện khu mật, lại gặp các vị vương gia, Bắc Tỉnh vương nói:
- Hôm nay chúng tôi gọi ông đến theo chỉ ý, hỏi ông mấy việc.
Giả Chính vội vàng quỳ xuống.
Các đại thần liền nói:
- Những việc anh ông giao thông với quan ngoài, cậy thế mạnh áp bức người hèn, dung túng con cháu đánh bạc, cưỡng chiếm vợ lương dân làm lẽ, nó không theo, bức hiếp đến chết, ông có biết không!
Giả Chính thưa:
- Tôi từ khi đội ơn Chúa thượng, nhậm chức học chính xong, đi tra xét việc phát chẩn, hết mùa đông năm kia mới về nhà. Sau đó lại được sai đi làm các việc công trình, rồi được nhậm chức lương đạo tỉnh Giang Tây, bị hặc về kinh, vẫn làm ở bộ Công, đêm ngày không dám lười biếng. Tất cả mọi việc trong nhà, tôi đều không để ý xem xét. Tôi thật là u mê không biết dạy bảo con cháu, phụ ơn thánh thượng, dám xin Chúa thượng trị tội nặng.
Bắc Tỉnh Vương cứ thế mà tâu lên. Được một lát, trong cung truyền chỉ vua ra, Bắc Tỉnh Vương thuật lại rằng:
- Chúa thượng nhân việc ngự sứ hặc tâu Giả Xá giao thông với quan ngoài, cậy mạnh áp bức người hèn, theo lời quan ngự sử kia tâu lên thì Giả Xá đi lại với Châu Bình An, bao thầu trong việc kiện tụng. Sau khi tra hỏi Giả Xá theo lời khai của Giả Xá thì Châu Bình An vốn là chỗ bà con thông gia qua lại, chưa hề có can thiệp đến việc quan. Quan ngự sứ kia cũng không nêu ra được chứng cứ rõ rệt. Duy có việc cưỡng bức lấy quạt của anh chàng Thạch ngốc nào đó là có thật. Nhưng đó chỉ là đồ chơi, không thể xem như việc công bức lấy của cải của lương dân. Anh chàng Thạch ngốc kia tự tử cũng là do nó điên dại mà làm như thế, không phải việc bức bách làm cho người ta chết. Nay hoàng thượng khoan hồng, đày Giả Xá ra nơi đài trạm (1) làm việc để chuộc tội. Còn khoản hặc Giả Trân cưỡng chiếm vợ lương dân làm vợ lẽ, nó không theo bức hiếp nó phải chết thì xét theo nguyên án ở đô sát viện, thấy chị Hai họ Vưu là vợ chưa cưới của Trương Hoa, hứa gả từ khi ở trong thai, vì anh ta nghèo khổ tự nguyện thoái hôn. Mẹ chị Vưu bằng lòng gả cho em Giả Trân làm vợ lẽ, không phải là cưỡng chiếm. Đến khoản chị Ba họ Vưu tự vẫn, tự ý đem chôn, không báo quan thì xét như sau: “Chị Ba họ Vưu là em vợ Giả Trân. Nguyên Giả Trân muốn gả chồng cho chị ta, nhân vì người ta đòi lại vật đính hôn rồi người ngoài lại rêu rao nói xấu, nên cô ta hổ thẹn tự tử, không phải là Giả Trân bức bách mà chết. Giả Trân là một viên chức thế tập, chẳng biết pháp luật, chôn trộm mạng người, đáng lẽ phải trị tội nặng. Nhưng nghĩ anh ta vẫn là con cháu nhà công thần, không nỡ làm tội nên cũng theo lệ khoan hồng, cách chức thế tập, sai tới ven biển làm việc để chuộc tội. Giả Dung tuổi trẻ, không liên can gì được tha bổng. Giả Chính coi việc nhà không đúng đắn, nhưng vì làm quan ngoài đã lâu, mọi việc cũng siêng năng cẩn thận nên miễn tội.
Giả Chính xem xong, cảm kích chảy nước mắt, sụp lạy lia lịa, lại xin vương gia tâu hộ lòng thành của mình.
Bắc Tỉnh vương nói:
- Ông nên lạy tạ ơn trên, còn tâu gì nữa ?
Giả Chính nói:
- Kẻ phạm tội này đội ơn trời không xử tội nặng, đội ơn trả lại giả sản, thật là trong lòng hổ thẹn, sẽ đem tất cả gia tài bổng lộc do tổ tiên để lại, dành dụm và sắm sửa ra đều đưa vào của công.
Bắc Tĩnh vương nói:
- Chúa thượng đãi người dưới nhân từ, dùng hình sáng suốt cẩn thận, thưởng phạt không sai. Nay đã đội ơn cao sâu, trả lại tài sản, hà tất ông phải tâu thêm làm gì.
Các quan khác cũng đều nói:
- Bất tất phải tâu điều đó.
Giả Chính liền tạ ơn, lại lạy tạ vương gia rồi đi ra. Sợ Giả mẫu lo lắng, ông ta vội vàng về nhà. Bọn người nhà không biết nhà vua cho gọi Giả Chính vào là việc lành hay dữ, nên đều ở ngoài nghe ngóng. Khi thấy Giả Chính về nhà, ai nấy mới đỡ lo, nhưng không dám hỏi. Giả Chính vội vàng đến chỗ Giả mẫu kể lại việc được ơn trên khoan hồng tha thứ như thế nào. Giả mẫu tuy yên lòng nhưng nghĩ lại: “hai thế chức đều bị cách. Giả Xá phải đi đài trạm làm việc, Giá Trân phải đi ra ven biển, nên đau lòng khóc lóc.
Hình phu nhân và Vưu thị nghe thấy, khóc lóc mãi không thôi. Giả Chính nói:
- Xin mẹ cứ yên lòng. anh Cả tuy phải đi làm việc ở nơi đài trạm, nhưng cũng là làm việc cho nhà nước, không đến nổi chịu khổ; chỉ cần làm cho chu đáo là có thể phục chức. Còn cháu Trân đang ít tuổi, cũng phái cố sức làm việc. Nếu không như thế, thì mặc dầu cha ông có công đức để lại cũng không hưởng được lâu.
Ông ta lại nói thêm mấy lời an ủi.
Giả mẫu xưa nay vốn không ưa Giả Xá lắm, còn Giả Trân bên phủ Đông thì lại xa cách thêm một tầng. Chỉ có Hình phu nhân và Vưu thị thì cứ khóc mãi.
Hình phu nhân nghĩ bụng: “gia sản sạch không, chồng tuổi già lại phải đi xa, tuy có thằng Liễn, nhưng xưa nay nó vốn về hùa với chú nó; nay việc gì cũng nương tựa vào chú Hai, vợ chồng nhà nó tất nhiên lại càng theo về bên ấy. Chỉ trơ lại một mình cô độc khổ sở, biết làm thế nào Vưu thị thì xưa nay một mình trông coi việc nhà ở phủ Ninh. Ngoài Giả Trân, chị ta là người được tôn quý hơn cả. Vợ chồng lại vốn thuận hòa. Nay Giả Trân mắc tội phải đi xa, gia tài bị tịch thu hết, sống nương nhờ phủ Vinh. Tuy rằng được Giả mẫu thương yêu, nhưng dẫu sao cũng vẫn là ăn nhờ ở đậu. Lại đèo thêm Bội Phượng, Giai Loan nữa và vợ chồng Giả Dung, đều là người không biết sinh cơ lập nghiệp.” Chị ta lại nghĩ: “em Hai và em Ba chết đều do chú Liễn gây nên, giờ đây bọn họ yên ổn vô sự, vợ chồng vẫn sum họp như thường, còn mình thì chỉ sót lại mấy đứa, làm sao sống cho qua ngày?” Nghĩ đến đó, chị ta lại khóc lóc thảm thiết.
Giả mẫu không nở lòng, liền hỏi Giả Chính.
- Anh Cả con và cháu Trân hiện đã thành án, có thể về nhà được không ? Còn thằng Dung không việc gì, chắc cũng được tha chứ?
- Nếu như lệ đã đặt thì anh Cả không về nhà được. Nhưng con đã nhờ người ta thể theo tình riêng, cho anh Cả và cháu Trân về nhà, để tiện việc sắp sửa hành lý. Trong nha môn đã nhận lời. Chắc là cháu Dung sẽ cùng ông và cha nó đều về một thể. Xin mẹ cứ yên lòng, để con lo liệu.
- Ta mấy năm nay già cả, chẳng còn ra người nữa, việc nhà cũng không khi nào hỏi đến. Giờ đây bên phủ Đông bị tịch thu hết, nhà cửa cũng xung công, không còn phải nói. Kho bạc phủ Tây của chúng ta và đất đai ở phủ Đông, anh có biết còn lại bao nhiêu không ? Hai chú cháu chúng nó ra đi cũng phải cấp cho chúng mấy ngàn bạc mới được chứ?
Giả Chính đang không biết tính làm sao, nghe Giả mẫu nói, nghĩ bụng: “Nếu nói rõ ra thì sợ mẹ lo. Nhưng nếu không nói rõ, thì sợ sau này, và ngay bây giờ cũng không biết lo liệu ra sao, ông ta liền thưa:
- Nếu mẹ không hỏi thì con cũng không dám nói. Nay mẹ đã hỏi đến việc đó, và hiện giờ cháu Liễn cũng ở đây, con có thể nói, hôm qua con đã xét việc ấy rồi - bạc ở kho đã hết sạch, chẳng những đã tiêu hết, còn thiếu hụt phải mắc nợ nữa. Giờ đây việc của anh Cả nếu không bỏ tiền ra lo nhờ người ta, mặc dù nói chúa thượng khoan hồng, nhưng e rằng chú cháu nó vẫn có điều không hay. Ngay số bạc ấy bây giờ cũng chưa biết lấy vào đâu. Còn hoa lợi đất đai tỉnh Đông thì tô năm Dần đã tiêu sang tô năm Mão. Trong một lúc cũng khó lòng mà xoay xở. Chỉ có cách bán những quần áo và đồ trang sức, nhờ ơn trên không động đến để làm phí tổn cho anh Cả và cháu Trân thôi. Còn việc ăn tiêu sau này sẽ liệu cách.
Giả mẫu nghe nói hoảng hốt, chảy nước mắt, và nói:
- Làm sao thế? Nhà mình mà đến nông nỗi ấy à. Ta tuy chưa từng trải, nhưng nghĩ bên nhà ta ngày trước so với bên này còn hơn gấp mười. Cũng chỉ vì lo tô điểm hảo bộ mặt bề ngoài, nên sau mấy năm không xảy ra việc như ở bên này. Nhưng cũng đã suy sụp. Không đầy hai năm là sạch cả! Theo như anh nói, thì nhà mình không thể chèo chống được một vài năm nữa à.
- Nếu hai thế bổng (2) không mất thì bên ngoài còn có cách xoay xở, giờ đây người ta không còn nhìn vào cái gì làm đảm bảo thì còn ai chịu giúp đỡ.
Giả Chính nói đến đó, nước mắt tràn ra:
- Nghĩ đến bà con, những nhà nhờ tiền của mình thì nay đều cùng túng. Những nhà không nhờ gì mình lại không chịu giúp đỡ. Hôm qua con cũng chưa tra xét kỹ, chỉ xem danh sách bọn người nhà. Chưa nói đến tiền tiêu trên đây chẳng biết lấy vào đâu mà người hầu hạ bên dưới cũng không nuôi được nhiều như thế.
Giá mẫu đang lo lắng, thì thấy bọn Giả Xá, Giả Trân, Giả Dung đi vào hỏi thăm sức khỏe. Giả mẫu thấy quang cảnh như thế, một tay nắm Giả Xá, một tay nắm Giả Trân, khóc oà lên.
Hai người tỏ vẻ hỗ thẹn, lại thấy Giả mẫu khóc lóc, đều quỳ xuống đất. vừa khóc vừa nói:
- Con cháu chúng con hư thân, làm hỏng mất sự nghiệp của cha ông, lại làm cho mẹ phải đau lòng, tội chúng con thật là chết không có chỗ chôn !
Mọi người thấy quang cảnh như thế, lại đua nhau khóc ầm lên. Giả Chính đành phải khuyên giải:
- Bây giờ trước hết phải kiếm tiền tiêu cho hai chú cháu đã. Xem chừng chỉ ở nhà được một vài ngày, chậm thì người ta không nghe cho đâu.
Giả mẫu nín khóc và nói:
- Thôi hai con hãy về chuyện trò với vợ đã.
Rồi bà ta lại dặn Giả Chính:
- Việc này không chờ được lâu đâu ! Chắc xoay xở bên ngoài cũng không ăn thua, nhỡ lại qua mất hạn trên định thì làm sao được ? Đành để ta liệu hộ cho thôi. Vả chăng trong nhà cứ rối bời lên thế này, cũng không phải là cách lâu dài.
Giả mẫu vừa nói vừa gọi Uyên Ương đến dặn. Bọn Giả Xá ra ngoài lại cùng Giả Chính khóc lóc một hồi, kể lể những chuyện trước đây tự ý làm càn, sau này ăn năn - và giờ đây phải ly biệt nhau. Rồi ai nấy vợ chồng cùng nhau khóc lóc. Giả Xá
tuổi đã già, còn có thể dứt tình ra đi. Chỉ có Giả Trân và Vưu thị làm sao rời nhau cho đành ? Bọn Giả Liễn, Giả Dung cũng chỉ biết nắm lấy cha mà khóc lóc. Dầu nói là nhẹ hơn tội xung quân, nhưng vẫn là cảnh sinh ly tử biệt, việc đã đến thế đành phải bẩm bụng cho qua.
Giả mẫu gọi Hình phu nhân và Vương phu nhân cùng bọn Uyên Ương mở rộng đổ hộp lấy ra hết cả những đồ vật dành dụm từ khi làm dâu đến nay, lại gọi bọn Giả Xá, Giả Chính, Giả Trân đến chia cho từng phần rõ ràng. Giả mẫu cấp cho Giả Xá ba ngàn lạng và nói:
- Số bạc hiện có ở đây, anh đem đi hai ngàn làm tiền tiêu để một ngàn cho chị ấy tiêu riêng. Đây có ba ngàn lạng cho cháu Trân, nhưng chỉ được đưa đi một ngàn lạng, để lại hai ngàn lạng cho vợ cháu giữ lấy. Ai nấy tự lo lấy sinh sống. Nhà cửa thì ở chung với nhau, cơm nước thì ăn riêng. Việc hôn nhân của con Tư sau đây cũng là việc của ta. Tội nghiệp con Phượng lo liệu bấy lâu bây giờ sạch không, cũng cho nó ba ngàn lạng, giao cho nó giữ lấy không cho cháu Liễn tiêu. Giờ đây nó còn ốm mê mệt thì bảo con Bình đến mà nhận về. Đây là xiêm áo của cha ông để lại cả áo quần và đồ trang sức của ta dùng khi còn nhỏ, nay ta không dùng đến. Đồ đàn ông thì bảo ông Cả, cháu Liễn, cháu Trân, cháu Dung đem ra mà chia nhau. Đồ đàn bà thì bảo bà Cả, vợ cháu Trân và con Phượng đem mà chia nhau. Đây có năm trăm lạng bạc giao cho cháu Liễn, sang năm đưa linh cữu con Lâm về Nam.
Giả mẫu phân phát xong, lại nói với Giả Chính:
- Anh nói còn mắc nợ người ngoài, việc đó cũng không thiếu được. Anh bảo đem số vàng này bán đi mà trả cho người ta. Đó là bọn chúng nó phá mất của ta đấy. Anh cũng là con ta, ta không hề có thiên vị. Bảo Ngọc đã nên cửa nên nhà, những vàng bạc và đồ vật còn lại đây ước chừng mấy ngàn lạng, đều đã cho nó cả. Vợ cháu Châu xưa nay ăn ở hiếu thuận với ta, thằng chắt Lan cũng tốt, ta cũng chia cho mẹ con nó ít nhiều. Thế là công việc của ta xong xuôi.
Bọn Giả Chính thấy Giả mẫu phân xử sáng suốt như thế, đều quỳ xuống khóc và nói:
- Tuổi già như thế, bọn chúng con chưa có chút gì hiếu thuận. Giờ đây lại chịu ơn của người thế này. Thật bọn chúng con lấy làm xấu hổ !
Giả mẫu nói:
- Đừng nói nhảm ! Nếu không, xảy ra tai vạ này thì ta còn cất đi đấy. Có điều hiện giờ người nhà nhiều quá, chỉ có mình anh Hai đi làm việc, thì để lại ít người là đủ. Anh nên dặn ngay bọn coi việc gọi mọi người đến đầy đủ rồi phân phối cho thỏa đáng. Nhà nào cũng có người để sai bảo là được. Giá hôm nọ bị tịch thu cả thì làm sao nữa. Trong nhà ta đây cũng phải bảo họ sắp xếp đứa nào nên gả thì gả đi; đứa nào cho về thì cho về. Bây giờ tuy nhà này không xung công, nhưng anh cũng nên giao cái vườn đi mới phải. Còn đất ruộng thì giao cho cháu Liễn xem xét đâu đấy. Chỗ nào nên bán thì bán đi, chỗ nào nên để lại thì để lại. Nhất thiết đừng có làm cái lối tô điểm cái vỏ bề ngoài nữa. Ta cũng nói trắng ra cho mà biết, chứ bên nhà bà Hai còn giữ mấy lạng bạc của nhà họ Chân phương Nam, cũng nên sai người đưa trả đi. Giả phỏng lại xảy ra việc gì thì không phải là bọn họ tránh vỏ dưa lại dẫm phải vỏ dừa hay sao.
Giả Chính vốn là người không biết lo liệu việc nhà, khi nghe Giả mẫu nói, thì nhất nhất vâng lời, nghĩ bụng: “Mẹ mình thật là người biết xử trí việc nhà, chỉ tại bọn mình hư thân làm hỏng hết đấv thôi”. Giả Chính thấy Giả mẫu nhọc mệt, liền mời nghỉ ngơi để di dưỡng tinh thần. Giả mẫu lại nói:
- Những đồ vật của ta còn lại cũng chẳng là bao. Chừng khi ta chết, để sử dụng vào việc hậu sự cho ta. Còn thừa bao nhiêu thì cho bọn a hoàn hầu hạ ta.
Bọn Giả Chính nghe đến đó, càng thêm thương cảm. Mọi người đều qùy xuống nói:
- Xin mẹ bớt lo. Mong sao cho bọn con nhờ phúc ấm của mẹ ít lâu nữa, được ơn trên thương đến, lúc bấy giờ, sẽ lo lắng trông nom việc nhà để chuộc lỗi trước là phụng thờ mẹ đến trăm tuổi.
Giả mẫu nói:
- Ta mong sao cho được như thế mới tốt. Ta có chết đi cũng còn mặt mũi mà nhìn cha ông. Các người đừng tưởng rằng ta là người chỉ biết hưởng phú quý mà không chịu được bần cùng ! Chẳng qua mấy năm nay thấy bọn các người làm ra vẻ bề thế ta đành cứ để mặc, nói nói cười cười, di dưỡng con người đấy thôi. Ngờ đâu vận nhà suy sụp đến nông nỗi này ! Nếu nói đến việc tiếng cả nhà không thì ta đã biết lâu rồi. Nhưng vì ăn ở quen nết, trong một lúc khó lòng thay đổi mà thôi. Nay nhân dịp này thu hẹp lại, giữ lấy nếp nhà, nếu không người ta sẽ chê cười cho. Các người còn chưa biết, chỉ tường rằng ta thấy cùng túng thì hoảng lên muốn chết. Bụng ta nghĩ là nghĩ đến công nghiệp vô cùng lớn lao của cha ông. Ngày nào ta cũng trông nom cho các người hơn cha ông, biết giữ được thanh danh. Ai ngờ hai chú cháu nhà nó lại làm cái trò như thế.
Giả mẫu đương nói miên man thì thấy bọn Phong Nhi hoảng hốt chạy đến trình với Vương phu nhân:
- Hôm nay mợ chúng tôi nghe thấy việc ngoài như thế, khóc lóc một hồi, bây giờ thở không được. Chị Bình bảo tôi đến trình bà lớn.
Phong Nhi nói chưa xong. Giả mẫu nghe thấy liền hỏi:
- Nó thế nào rồi ?
Vương phu nhân trả lời thay:
- Hiện giờ nghe nói nó nguy cấp.
Giả mẫu đứng dậy nói:
- Chà ? Cái bọn oan gia này, làm ta chết mất !
Nói xong bảo người dìu đi, định thân hành đến thăm.
Giả Chính vội vàng ngăn lại và khuyên:
- Mẹ nãy giờ đau lòng mãi, lại lo liệu công việc, bây giờ cần nghỉ một chút. Dầu cháu nó có việc gì thì chỉ bảo nhà con qua thăm đựơc. Mẹ hà tất phải đi sang làm gì ? Nếu mẹ lại thương cảm nữa thì có việc gì không hay, con biết xử trí ra sao?
Giả mẫu nói:
- Các anh cứ đi, chốc nữa sẽ lại đây, ta có chuyện muốn nói.
Giả Chính không dám nói nhiều, đành phải đi ra, lo liệu việc anh và cháu lên đường, lại báo Giả Liễn chọn người theo hầu.
Giả mẫu gọi Uyên Ương sai người mang những đồ vật cho Phượng Thư theo bà ta đi sang. Lúc đó Phượng Thư đang bị khí quyết (3). Bình Nhi khóc lóc sưng cả mắt. Nghe nói Giá mẫu dẫn bọn Vương phu nhân đến, chị ta vội vàng ra đón tiếp. Giả mẫu liền hỏi:
- Giờ nó ra sao rồi ?
- Giờ đã hơi đỡ. Cụ đã đến đây, xin mời vào thăm mợ ấy một chút.
Nói xong, Bình Nhi theo Giả mẫu vào, rồi vội vàng chạy trước, khẽ vạch màn ra. Phượng Thư mở mắt nhìn, thấy Giả mẫu đi vào trong bụng rất là hổ thẹn. Ban đầu chị ta tưởng bọn Giả mẫu giận mình, không còn yêu thương nữa, sống chết cũng mặc. Không ngờ thấy Giả mẫu thân hành đến thăm, trong bụng chị ta khoan khoái, cảm thấy nhẹ nhàng, liền muốn gắng gượng ngồi dậy. Giả mẫu bảo Bình Nhi giữ lại và nói:
- Đừng có gắng dậy ! Cháu có đỡ không ?
Phượng Thư rưng rưng nước mắt, nói:
- Cháu hơi đỡ rồi. Từ khi nhỏ cháu qua đây, bà và thím yêu cháu biết chừng nào. Ngờ đâu phúc phận của cháu mỏng manh, bị ma quỉ xui giục, như người mất hồn. Đối với bà và cha mẹ chồng, cháu chưa tròn chút lòng hiếu thảo để người vui lòng.
Thế mà bà và thím còn cho cháu là người, bảo giúp đỡ lo liệu, việc nhà để đến nỗi cháu làm cho thất điên bát đảo, giờ cháu còn mặt mũi nào nhìn thấy bà và thím nữa. Hôm nay bà và thím lại thân hành đến đây, cháu làm sao cho xứng đáng, chỉ sợ sống được ba hôm thì lại giảm đi hai hôm thôi.
Nói xong, chị ta nghẹn ngào nức nở.
Giả mẫu nói:
- Những việc ấy là do bên ngoài gây ra, can gì đến cháu. Ngay cả những đồ vật của cháu bị người ta lấy đi cũng chẳng đáng kể. Hiện giờ ta đưa đến cho cháu một ít đồ vật, cháu hãy xem đây.
Nói đến đó, bà ta hầu đưa đồ vật đến cho Phượng Thư xem. Phượng Thư vốn là người tham lam không biết chán, của cải bị tịch thu hết sạch, cố nhiên là đau xót, lại sai người ta trách móc, chính là lúc không muốn sống nữa. Nay thấy Giả mẫu vẫn thương mình. Vương phu nhân cũng không trách giận mà vẫn đến an ủi mình, lại nghĩ đến Giả Liễn không bị can gì, trong bụng cũng đỡ lo. Chị ta liền dập đầu trước Giả mẫu và nói:
- Xin bà yên lòng, nếu nhờ phúc ấn của bà mà bệnh cháu khỏe được thì cháu tình nguyện làm con hầu sai vặt, hết lòng hết sức hầu hạ bà và thím.
Giả mẫu nghe chị ta nói ra vẻ thương tâm. Bất giác rơi nước mắt. Bảo Ngọc xưa nay là người chưa từng trải qua sóng gió bao giờ, trong lòng chí huyết yên vui, không biết lo lắng, bây giờđi đến đâu cũng đều là chuyện khóc lóc, nên lại càng ngơ ngác, thấy người ta khóc cũng khóc theo. Phượng Thư thấy mọi người lo buồn, lại phải gắng gượng nói mấy câu an ủi Giả mẫu và năn nỉ:
- Mời bà và thím về, khi nào cháu đỡ, cháu sẽ qua bái tạ.
Nói xong, chị ta ngước đầu lên. Giả mẫu bảo Bình Nhi:
- Con hầu hạ cho tử tế, thiếu cái gì sang bên ta mà lấy.
Nói đến đó, Giả mẫu cùng bọn Vương phu nhân toan về phòng mình, thì nghe hai ba chỗ có tiếng khóc. Giả mẫu trong lòng thương hại, liền bảo Vương phu nhân về, và bảo Bảo Ngọc- cháu sang chào bác và anh, tiễn đưa một lúc rồi về
ngay.
Giả mẫu nằm trên giường chảy nước mắt; may có bọn Uyên ương dùng đủ mọi cách để khuyên giải, nên cũng tạm yên.
Chuyện biệt ly đau thương của bọn Giả Xá, hãy tạm gác lại đã. Nay nói đến bọn người nhà theo đi, chẳng có ai bằng lòng cả, trong họ không khỏi oán giận, kêu van rầm trời. Thật là sinh ly còn đau buồn hơn là tử biệt. Người nhìn thấy lại càng đau lòng hơn người trong cuộc. Cả một tòa phủ Vinh đầy những người khóc kêu gào.
Giả Chính là người rất giữ khuôn phép, về mặt cương thường luân lý cũng rất chu đáo. Sau khi cầm tay từ biệt bọn Giả Xá, ông ta tự cưỡi ngựa đi trước ra đếnngoài thành, nâng chén tiễn đưa lại dặn dò:
- Nhà nước bao giờ cũng thương đến con nhà công thần, phải ra sức báo đền cho xứng đáng...
Bọn Giả Xá gạt nước mắt, chia tay từ biệt.
Giả Chính dẫn Bảo Ngọc về nhà, chưa kịp vào cửa thì khi ấy ở ngoài có một số người đang lao nhao nói:
- Hôm nay có chỉ nhà vua cho Giả Chính thưa kế chức Vinh quốc công.
Bọn người ấy đòi tiền mừng. Nhưng những người canh cửa cãi:
- Chức thế tập của nhà đây, thì người nhà đây thừa kế, có gì mà bảo tin mừng!
Bọn người kia nói:
- Vinh dự của chức thế tập. So với bất cứ quan chức lại càng khó hơn. Ông Cả nhà các anh làm mất đi, không mong gì lại được nữa. Nay nhờ ơn thánh thượng như trời bể. Lại cho anh Hai thừa kế. Đó là việc nghìn năm hiếm có, sao lại không cho tiền mừng?
Hai bên đang cãi cọ nhau thì Giả Chính vừa về. Người nhà trình lại, ông ta cũng mừng, nhưng vì do anh mình phạm tội, nên mới đến thế. Nghĩ cảm cảnh lại chảy nước mắt. Ông ta vội vàng chạy vào báo với Giả mẫu. Giả mẫu cố nhiên là mừng rỡ liền nắm lấy Giả Chính nói mấy câu dặn dò phải siêng năng cố gắng để báo ơn vua.
Vương phu nhân đang sợ Giả mẫu đau lòng, đến để yên ủi nghe nói lại được phục chức thế tập cũng lấy làm mừng. Chỉ có Hình phu nhân và Vưu thị trong lòng đau khổ, nhưng không tiện nói ra.
Bọn bà con bạn hữu ở ngoài quen thói xu phụ thế lợi. Ban đầu thấy nhà họ Giả có việc đều tránh xa không đến; nay thấy Giả Chính được tập chức, biết là vua còn yêu, nên mọi người đều đến mừng. Ngờ đâu Giả Chính tính tình thật thà, thấy mình thừa kế chức tước của anh nên trong bụng đâm ra buồn bực, chỉ biết cảm kích ơn vua mà thôi. Hôm sau, Giả Chính vào cung tạ ơn, lại làm tờ tâu xin đem nhà vườn được trả lại nộp vào của công.
Trong nội đình xuống chỉ bảo không cần phải như thế. Giả Chính mới yên tâm về nhà.Từ sau tuân theo phận sự của mình mà làm công việc. Nhưng cảnh nhà tiêu điều, tiền thu vào không đủ chi ra. Giả Chính lại không biết đưa đón với bên ngoài. Bọn người nhà thấy Giả Chính thật thà. Phượng Thư tâm đau không thể trông nom việc nhà. Giả Liễn thì ngày càng túng thiếu, khó lòng tránh khỏi việc cầm nhà bán đất. Mấy tên người nhà có tiền, sợ Giả Liễn làm rầy rà, đều vờ ra bộ túng bấn để trốn tránh, thậm chí họ xin phép nghỉ rồi không đến, ai nấy lo tìm đường khác làm ăn.
Riêng có Bao Dũng tuy là người mới đến, lại gặp lúc phủ Vinh rắc rối, anh ta vẫn hết lòng lo lắng công việc. Thấy bọn người kia lừa dối chủ nhà, anh ta thường thường bực bội. Nhưng không thể nói được, nên đâm ra tức giận, hằng ngày cứ ăn rồi lại ngủ. Bọn người kia giận anh ta không chịu hùa theo mình, liền nói với Giả Chính rằng anh ta cả ngày chỉ uống rượu sinh sự, không làm việc gì cả.
Giả Chính nói:
- Hãy mặc kệ đấy.. Anh ta là do họ Chân cử đến, không tiện nói ra. Thôi đành như thêm một người ăn nữa, tuy nói là túng, nhưng cũng không chi một người.
Ông ta cũng không bảo đuổi đi.
Bọn người kia lại nói với Giả Liễn về Bao Dũng như thế nào. Nhưng Giả Liễn cũng không dám tự mình tác oai tác phúc đành để mặc đấy.
Một hôm, Bao Dũng bực mình, uống mấy chén rượu, rồi đi chơi rong ở con đường trước phủ Vinh. Bỗng thấy hai người đang nói chuyện với nhau. Một người nói:
- Anh xem ? Tòa phủ lớn như thế, trước đây bị tịch biên, không biết nay ra sao rồi ?
Người kia nói:
- Nhà họ làm gì mà suy sụp được ? Nghe nói có bà quí phi là con gái nhà ấy, tuy bà ta chết rồi, nhưng vẫn có thế lực. Vả lại, hồi thường thấy những người qua lại với họ đều là các bậc vương, công, hầu, bá cả, thiếu gì người giúp đỡ ? Ngay quan phủ doãn lệnh này, trước nhận chức ở bộ hình, cũng là một nhà với họ đấy.
Không nhẽ có những người như thế mà không bênh vực được hay sao ?
Một người lại nói:
- Anh ở đây mà chẳng hiểu gì cả. Người khác không nói làm gì, chứ ông Giả ấy thì lại ghê lắm! Tôi thường thấy ông ta qua lại với hai phủ. Trước đây quan ngự sử tuy có hặc chúa thượng còn bảo quan phủ doãn tra cứu rõ ràng sự thực rồi mới xử. Anh có biết ông ta làm thế nào không ? Ông vốn nhờ ơn cửa hai phủ, nhưng sợ người ta nói bênh vực người cùng họ, liền chơi một vố rất đau, cho nên hai phủ mới đến nỗi bị tịch biên đấy.
- Anh nói thế tình ngày nay có ghê hay không ?
Hai người ấy vô tâm nói chuyện suông, không biết ở bên cạnh có người theo nghe được rõ ràng. Bao Dũng trong bụng nghĩ thầm: “thiên hạ lại có hạng người như thế ! Nhưng không biết họ là bà con thế nào với ông lớn nhà mình. Ta mà gặp thì ta đánh cho một trận bỏ xác, có xảy ra việc thì ta chịu tội “.
Bao Dũng say rượu đang nghĩ ngợi lung tung, chợt nghe bên kia có tiếng dẹp đường đi tới. Bao Dũng đứng xa xa, nghe hai người kia thì thầm nói với nhau:
- Người đi tới là Giả đại nhân đấy.
Bao Dũng nghe nói trong bụng tức giận, nhân có hơi men. liền quát to:
- Đồ vô lương tâm ! Tại sao mà quên ơn họ Giả nhà ta !
Vũ Thôn ngồi trong kiệu, nghe một chữ giả, liền để ý xem, thấy là một người say rượu, cũng không để ý, cứ việc đi qua. Bao Dũng đang say, chẳng hiểu hay dở, liền hớn hở thích chí đi về trong phủ, hỏi lại người bạn,mới biết ông quan mình
vừa gặp là do phủ Vinh đề cử lên. Anh ta khoe:
- Ông ấy không nghĩ đến ơn xưa, lại làm hại nhà mình. Khi nãy gặp ông ấy, tôi mắng cho mấy câu, ông ấy không dám nói gì.
Bọn người nhà ở phủ Vinh vốn ghét Bao Dũng, nhưng không làm sao được, vì chủ nhà cứ để mặc anh ta. Nay thấy anh ta gây chuyện, nhân khi Giả Chính rảnh việc, họ liền đem chuyện anh ta uống rượu sinh sự trình với Giả Chính.
Lúc bấy giờ, Giả Chính đang sợ tiếng tăm, nghe bọn người nhà nói, liền nổi giận, gọi Bao Dũng đến mắng mấy câu!
Vì không tiện trách phạt nặng nên cho anh ta ra coi vườn, không cho đi lại bên ngoài. Bao Dũng là người tính khí thẳng thắn, đến ở với chủ, thì hết lòng giúp chủ, không ngờ Giả Chính nghe lời người khác lại mắng anh ta. Anh ta cũng không dám cãi lại, đành phải thu xếp đồ đạc, vào vườn trông nom và vun tưới cây cỏ.
Chú thích:
1. Nơi biên phòng ngày xưa.
2. Bỗng lộc tập chức.
3. Bị khí ngược lên, giá lạnh chân tay.
Hồi 108:
Tiệc bày vui gượng, viện Hoành Vu mừng ngày sinh
Chết vẫn say đời, quán Tiêu Tương nghe quỷ khóc
Giả chính trước đây đã từng tâu xin đem nhà cửa và vườn Đại Quan nhập vào của công. Trong cung không nhận, nhưng trong vườn không có người ở, nên đành phải khóa lại. Vì vườn ấy nối liền với nhà ở của Vưu thị và Tích Xuân, rộng rãi nhưng rất vắng vẻ, cho nên ông ta phạt Bao Dũng vào coi vườn hoang.
Hồi đó Giả Chính coi việc nhà, vâng lời Giả mẫu bớt dần người ở, mọi việc đều giảm bớt, nhưng vẫn không duy trì nổi.
May được Phượng Thư là người Giả mẫu yêu, bọn Vương phu nhân tuy không thích lắm, nhưng về phần lo liệu việc nhà, thì chị ta còn có thể ra sức, nên vẫn giao cho chị ta trông nom việc nhà.
Gần đây sau khi gia tài bị tịch thu, mọi việc xoay xở khó khăn, thường thường chật vật. Người ở các phòng vốn ăn tiêu rộng rãi quen, bây giờ so với trước mười phần bớt đến bảy, làm gì mà chu đáo được. Vì thế họ oán trách luôn. Phượng Thư cũng không dám từ chối, vẫn mang bệnh hầu hạ Giả mẫu.
Cách ít lâu, bọn Giả Xá và Giả Trân đến chỗ làm việc nhờ có tiền tiêu, tạm được yên ổn. Họ viết thư về, đều nói bình yên rỗi rãi, ở nhà không cần phải lo nghĩ. Do đó Giả mẫu yên tâm. Bọn Hình phu nhân và Vưu thị cũng đỡ lo. Sau khi về nhà chồng, Sử Tương Vân về thăm nhà, rồi đến hỏi thăm sức khoẻ của Giả mẫu. Giả mẫu nhân nhắc đến việc chồng chị ta tốt. Sử Tương Vân kể lại việc bên nhà mình được bình yên như thế nào và xin cụ cứ yên lòng. Lại nhắc đến chuyện Đại Ngọc qua đời, ai nấy đều rơi nước mắt. Giả mẫu lại nghĩ đến chuyện Nghênh Xuân khổ sở, càng thêm thương cảm. Tương Vân khuyên giải một hồi, đến các nhà chào hỏi xong, lại về nghỉ ở phòng Giả mẫu.
Nói về nhà họ Tiết thì Tiết Bàn làm cho nhà tan người chết, năm nay tuy hoãn việc xử quyết phạm nhân, nhưng sang năm không biết có được giảm tội hay không. Giả mẫu nói:
- Cháu còn chưa biết, chứ vừa rồi vợ thằng Bàn chết một cách mờ ám. Suýt nữa lại có chuyện không hay. May nhờ đức Phật có mắt, bắt con hầu của nó tự xưng ra. Mụ Hạ kia không làm được gì, mới phải đứng ra xin thôi việc khám nghiệm. Bà dì của cháu mới thu xếp để cho chôn cất. Bây giờ bà ta ở với cháu Khoa. Thằng cháu ấy cũng tốt. Nó nói anh ở nhà giam chưa xong việc nên nó không chịu cưới vợ. Cháu Hình ở bên nhà bà Cả cũng rất khổ. Còn cô Cầm thì vì ông nhạc chết chưa hết tang nên nhà họ hai cung chưa cưới. Cháu xem, thật là sáu họ cùng tận như nhau. Nhà họ Tiết thì như thế, còn bên ngoại nhà bà Hai thì từ khi ông cậu Cả chết rồi, anh con Phượng cũng chẳng ra người; ông cậu Hai là người keo kiệt, lại vì tiền công chưa hồi xong, cũng túng thiêu. Nhà họ Chân từ khi bị tịch thu rồi, không nghe tin tức gì nữa.
Tương Vân nói:
- Chị Thám Xuân đi, có thư từ gì không?
Giả mẫu nói:
- Theo ông Hai về nói thì từ khi đi lấy chồng, chị Ba cháu ở miền biển rất tốt. Nhưng không có thư, ta cũng ngày đêm tưởng nhớ. Vì ở nhà đây luôn xảy ra bao nhiêu việc không tốt, nên ta cũng không thể nghĩ đến nó nữa. Việc hôn nhân của con Tư cũng
chưa bàn đến. Còn thằng Hoàn thì ai có công hơi đâu mà nhắc đến nữa ? Nhà chúng ta hiện nay so với lúc cháu còn ở đây khổ hơn nhiều. Chỉ tội nghiệp chị Bảo nhà cháu từ khi về đây chưa hề được ngày nào thư thái. Anh Hai cháu thì vẫn điên điên, dại dại, biết làm sao bây giờ.
- Cháu từ lúc nhỏ, lớn lên ở đây, tính khí những người bên này cháu đều biết cả. Bây giờ xem ra đều thay đổi hết. Cháu tưởng là lâu ngày đến, họ xa lạ mình, nhưng nghĩ cho kỹ thì không phải. Khi gặp cháu xem chừng ai cũng vui vẻ như trước, nhưng không biết tại sao nói chuyện một lúc là nảy ra đau lòng, vì thế cháu chỉ ngồi chốc lát là về đây ngay.
- Tình cảnh hiện giờ về phần ta thì chẳng nói làm gì, nhưng chúng nó là những người trẻ tuổi kể thì cũng buồn thật? Ta đang định nghĩ cách gì để cho chúng vui một ngày mới được, có điều không làm sao có đầu óc vui nhộn ấy.
- Cháu nghĩ ra rồi: “Ngày kia không phải là ngày sinh chị Bảo à? Để cháu ở thêm một hôm mừng tuổi cho chị ta, mọi người cùng vui một ngày, không biết bà nghĩ thế nào?
- Rõ là lẩn thẩn quá? Cháu không nhắc thì ta quên mất. Ngày kia không phải là ngày sinh của nó à! Để mai ta sẽ xuất tiền ra sắm sửa đồ mừng cho nó. Khi nó còn chưa kết hôn với cháu Bảo, ta đã làm lễ sinh nhật nó mấy lần. Thế mà từ khi nó về đây ta lại không làm. Thằng Bảo Ngọc trước rất lanh lợi, hay quấy gì đây nhà có việc không hay làm nó chẳng buồn nói năng gì nữa. Chỉ có vợ cháu Châu là vẫn giỏi. Khi giàu nó cũng như thế, khi nghèo nó cũng như thế, sống lặng lẽ với cháu Lan, thật là đáng khen?
- Người khác không đến nỗi lắm, riêng chị hai Liễn thì hình dáng cũng đổi khác, ăn nói cũng không lanh lợi nữa. Để đến mai cháu sẽ trêu họ xem họ làm thế nào. Có điều ngoài miệng không ai nói gì, nhưng trong bụng họ sẽ oán trách cháu. Vừa nói đến đó, má Tường Vân đỏ ửng lên.
Giả mẫu hiểu ý nói:
- Sợ cái gì? Bọn chị em cháu trước kia đều ở một chỗ. Vui đùa với nhau đã quen, cứ việc cười cười, nói nói đừng có để bụng những điều ấy. Con nghĩ ta giàu cũng vậy, nghèo cũng vậy cần phải biết hưởng giàu sang, biết chịu nghèo hèn mới đúng. Chị
Bảo cháu từ khi nhỏ đến giờ là người có độ lượng rộng rãi. Trước kia nhà nó khá như thế, nó cũng không hề có chút gì kiêu căng, về sau nhà nó bị suy sút, nó vẫn bình thản ung dung. Bây giờ tới nhà chúng ta đây, Bảo Ngọc đối đãi với nó tử tế, nó cũng vui vẻ như thường, có lúc đối đãi nó không được tử tế, nó cũng không có gì là buồn rầu. Ta xem con bé ấy thật là người có phúc. Chị Lâm nhà cháu, tính khí rất là nhỏ nhen, lại hay nghi ngờ, vì thế mà không thọ. Con Phượng cũng đã từng trải nhiều, không nên hơi thấy sóng gió đã đổi thay như vậy. Nếu nó không có kiến thức như thế thì cũng là nhỏ nhen. Hôm sau ngày sinh nhật của con Bảo ta bỏ tiền ra làm cho thật vui để nó cũng được vui vẻ một ngày.
- Bà nói rất phải, nên mời hết bọn chị em đến cả, để cùng nhau nói chuyện.
- Cố nhiên là phải mời.
Giả mẫu cao hứng bảo Uyên ương:
- Mày đem một trăm lạng bạc ra bảo bọn đầy tớ bắt đầu từ ngày mai sửa soạn cơm rượu hai ngày.
Uyên ương vâng lời, gọi bà già đem bạc giao ra.
Ngày hôm sau, truyền lời ra, sai người đi đón Nghênh Xuân, mời Tiết phu Nhân và Bảo Cầm, báo cho cả Hương Lăng sang, lại mời thím Lý nữa. Chẳng bao lâu, bọn Lý Văn, Lý Ỷ đều đến cả.
Bảo Thoa vốn không biết, nghe a hoàn bên nhà Giả mẫu đến mời, và nói:
- Dì đã đến, mời mợ Hai sang. Bảo Thoa vui mừng, ăn mặc như thường, đi sang, định gặp mẹ mình, thì thấy Bảo Cầm và Hương Lăng đều ở đấy. Lại thấy bọn thím Lý cũng đến cả, nghĩ bụng chắc là những người này biết việc nhà mình xong xuôi rồi nên đến hỏi thăm. Bảo Thoa liền đến hỏi thăm thím Lý, chào Giả mẫu, nói chuyện với mẹ mấy câu, rồi cùng chị em họ Lý thăm hỏi nhau.
Tương Vân đứng bên cạnh nói:
- Mời các bà ngồi xuống, để chị em chúng tôi mừng tuổi cho chị.
Bảo Thoa nghe nói ngẩn người ra, nghĩ ngợi một lúc: “không phải ngày mai là sinh nhật của mình à ?”. Chị ta liền nói:
- Chị em đến thăm bà là phải, còn nói là vì sinh nhật của tôi thì nhất định không dám.
Đang lúc đó thì Bảo Ngọc cũng đến hỏi thăm sức khỏe Tiết phu Nhân và thím Lý. Thấy Bảo Thoa đang khiêm nhượng, anh ta trong bụng đã tính toán sẵn việc ăn mừng sinh nhật của Bảo Thoa, nhân vì trong nhà công việc rối ren, nên cũng không dám nhắc với Giả mẫu. Nay thấy bọn Tương Vân định mừng, anh ta liền vui mừng, nói:
- Ngày mai mới đúng là sinh nhật. Cháu đang định thưa với bà đấy.
Tương Vân cười nói:
- Khéo trơ chưa? Bà còn đợi anh nói nữa à? Anh thử nghĩ xem những người này vì sao mà đến đây? Đó là vì bà mời đến đấy.
Bảo Thoa nghe nói, trong bụng chưa tin. Lại nghe Giả mẫu nói với mẹ nàng:
- Tội nghiệp con Bảo về làm dâu một năm nay, trong nhà cứ xảy ra hết việc này đến việc khác, chưa khi nào làm được lễ sinh nhật cho nó. Hôm nay tôi làm lễ sinh nhật cho cháu, mời dì và các bà đến chúng ta nói chuyện cho vui.
Tiết phu Nhân nói:
- Cụ giờ đây mới được yên tâm. Nó là con cháu, chưa có gì hiếu kính cụ, mà lại làm cho cụ bận lòng!
Tường Vân nói:
- Cụ yêu nhất là anh Hai, không lẽ lại không yêu chị Hai hay sao. Vả lại, chị Bảo cũng đáng được cụ làm lễ sinh nhật.
Bảo Thoa cúi đầu không nói gì.
Bảo Ngọc nghĩ thầm:
- Mình tưởng cô Sử đi lấy chồng rồi, thế nào cũng đổi tính khí đi, nên mình không dám gần, mà chắc cô ta cũng chẳng còn để ý gì đến mình; nhưng nghe lời nói của cô ta, thì ra vẫn giống như trước. Không hiểu sao mà cô nhà mình (1) về nhà chồng rồi
xem chừng e lệ hơn trước, nói cũng không ra câu nữa ?
Bỗng thấy a hoàn nhỏ vào nói:
- Cô Hai đã về.
Sau đó, Lý Hoàn và Phượng Thư đều đến. Mọi người chào hỏi nhau.
Nghênh Xuân nhắc đến việc cha ra đi, và nói:
- Cháu đã định về gặp một chút, nhưng anh ấy không cho về nói là nhà ta đang lúc đen đủi, đừng có vương lấy vào mình. Cháu cãi không được nên không về, rồi khóc luôn hai ba ngày.
Phượng Thư nói:
- Hôm nay sao họ lại cho cô về ?
Nghênh Xuân nói:
- Anh ấy lại bảo, ông Hai lại được tập chức, có thể đi lại không can gì, nên mới cho tôi về - Nghênh Xuân nói rồi lại khóc.
Giả mẫu nói:
- Ta buồn quá, nên hôm nay làm sinh nhật cho cháu dâu để cười nói cho khuây khỏa, chúng mày lại nhắc đến chuyện buồn ấy làm cho ta bực thêm.
Nghênh Xuân không dám nói nữa. Phượng Thư tuy vẫn cố gắng tìm một vài câu bông đùa, nhưng lời bông đùa không được hóm hỉnh nên không làm cho người ta cười như trước. Giả mẫu trong bụng muốn Bảo Thoa vui, cố ý trêu cho Phượng Thư nói. Phượng Thư cũng biết ý của Giả mẫu nên hết sức cố gắng nói:
- Hôm nay bà hơi vui vẻ. Các người xem, những người này đã lâu không ở một chỗ. hôm nay đông đủ...
Chị ta nói đến đó, ngoảnh cổ lại, thấy mẹ chồng mình và Vưu thị không ở đây, liền ngậm miệng không nói nữa. Giả mẫu nghe đến hai chữ “đông đủ” cũng nghĩ đến bọn Hình phu nhân, liền cho người đi mời. Bọn Hình phu nhân, Vưu thị và Tích Xuân nghe nói Giả mẫu gọi, đành phải đến, nhưng trong bụng cũng không vui. Họ nghĩ rằng, gia nghiệp đã suy tàn, vẫn còn làm lễ sinh nhật cho Bảo Thoa, thế là Giả mẫu vẫn thiên vị, cho nên dẫu có đến cũng buồn rũ, chẳng vui vẻ gì. Giả mẫu hỏi đến Hình Tụ Yên, Hình phu nhân vờ nói là ốm không đến được. Giả mẫu hiểu ý, biết là có Tiết phuNhân ở đấy, cô ta đến có điều bất tiện, nên cũng không nhắc nữa.
Một lúc sau, bày biện cỗ rượu. Giả mẫu nói:
- Cũng đừng đưa gì ra ngoài, hôm nay chỉ mẹ con mình vui với nhau thôi.
Bảo Ngọc tuy đã lấy vợ, nhưng vì Giả mẫu thương yêu nên anh ta vẫn la cà ở trong này; có điều anh ta không ngồi chung với bọn Tương Vân, Bảo Cầm, mà ngồi riêng một chỗ gần bên Giả mẫu. Anh ta lần lượt rót rượu, mời thay cho Bảo Thoa.
Giả mẫu nói:
- Giờ đây cứ ngồi xuống uống rượu đã, đến chiều tối hãy đến các nơi làm lễ. Nếu bây giờ làm lễ ngay, thì mọi người lại phải giữ gìn khuôn phép làm cho ta mất hứng, chẳng còn thú vị gì nữa.
Bảo Thoa vâng lời ngồi xuống. Giả mẫu lại nói với mọi người:
- Hôm nay chúng ta cũng dễ dãi một chút. Ai nấy chỉ để một vài người hầu hạ thôi. Ta sẽ bảo Uyên ương dẫn bọn Thái Vân, Oanh Nhi, Tập Nhân, Bình Nhi cùng vào phía sau ngồi uống rượu.
Bọn Uyên Ương nói:
- Chúng cháu chưa lạy mừng mợ Hai, mà đã uống rượu thì sao cho phải.
Giả mẫu nói:
- Ta bảo thì chúng mày cứ việc đi, khi nào gọi hãy đến.
Bọn Uyên Ương vâng lời.
Lúc đó Giả mẫu mới mời bọn Tiết phu Nhân uống rượu.
Nhưng thấy ai nấy đều có vẻ không vui mừng như trước. Giả mẫu sốt ruột nói:
- Các bà làm sao thế ? Phải vui lên một chút mới được chứ !
Từơng Vân nói:
- Chúng cháu vừa ăn vừa uống, còn muốn làm sao nữa ?
Phượng Thư nói:
- Bọn họ lúc nhỏ đều hồ hởi, bây giờ giữ gìn thể diện không dám nói càn, nên bà nhìn thấy họ im lặng.
Bảo Ngọc nói nhỏ với Giả mẫu:
- Nói thì chẳng có gì mà nói, nếu nói nữa sẽ chạm đến điều không hay, chi bằng bà bảo họ làm tửu lệnh thôi.
Giả mẫu vểnh tai lên nghe, rồi cười nói:
- Nếu mà làm tửu lệnh thì lại phải gọi con Uyên ương.
Bảo Ngọc nghe xong, không chờ nói lại, liền chạy ra phía sau tìm Uyên ương và nói:
- Cụ muốn làm lệnh, nên bảo gọi chị.
Uyên Ương nói:
- Ông trẻ ơi, để chúng tôi uống chén rượu cho khoan khoái, tội gì lại đến quấy thế ?
Bảo Ngọc nói:
- Cụ bảo gọi chị đấy mà. Tôi có làm gì đâu.
Uyên ương chẳng có cách gì liền nói:
- Các chị cứ việc uống đi, tôi đi một chốc sẽ trở lại.
Rồi cô ta đến liên phòng Giả mẫu. Giả mẫu nói:
- Mày đã tới đấy là ở đây định làm lệnh đấy..
- Nghe cậu Bảo nói cụ gọi, cháu mới lại đây, không biết cụ định làm lệnh gì ? Lệnh mà hiền quá thì buồn, bạo quá cũng không hay, mày thừ nghĩ cách chơi gì cho mới lạ thì tốt.
Uyên ương nghĩ một lát rồi nói:
- Bây giờ dì đã có tuổi, không chịu bận lòng, chi bằng lấy hộp xúc xắc ra, mọi người gieo lấy tên khúc hài để dành hơn thua mà uống rượu thôi.
- Cái đó cũng được.
Liền sai người lấy hộp xúc xắc để trên bàn.
Uyên ương nói:
- Giờ gieo bốn hộp xúc xắc, ai gieo không ra tên khúc hài thì phải uống một chén rtợu phạt, ai gieo ra được thì mọi người phải uống một chén, gieo rồi sẽ định.
Mọi người nghe xong, đều nói:
- Cách ấy dễ dàng, chúng tôi đều xin theo.
Uyên ương liền sửa soạn để làm lệnh. Mọi người bảo chị ta uống một chén, rồi bắt đầu đếm từ chị ta thì vừa đúng Tiết phu Nhân gieo trước. Tiết phu Nhân gieo một cái là bốn con “yêu”.
Uyên Ương nói:
- Cái đó có tên đấy gọi là “ Bọn ông già ở núi Thương sơn “(2), ai có tuổi đều phải uống một chén.
Do đó Giả mẫu, thím Lý, Hình phu nhân và Vương phu nhân đều phải uống.
Giả mẫu cất chén định uống. Uyên ương nói:
- Dì gieo thì dì còn phải nói ra tên khúc bài, và người ngồi dưới phải nói tiếp một câu thiên gia thi. Nếu nói không ra, phải phạt một chén rượu.
Tiết phu Nhân nói:
- Chị lại định trêu tôi rồi, tôi làm gì mà nói được ?
Giá mẫu nói:
- Không nói thì cũng buồn tẻ quá, phải nói một câu. Người ngồi dưới là tôi. Nếu nói không ra, thì tôi cũng uống hầu dì một chén.
Tiết phu Nhân nói:
- Tôi nói câu “ Tới già đủng đính khóm hoa “.
Giả mẫu gật đầu đọc tiếp:
- “Nhân lúc thanh nhàn nói thiếu niên “.
Nói xong hộp xúc xắc chuyển đến Lý Văn. Lý Văn gieo được hai con “tứ” và hai con “nhị”. Uyên ương nói:
- Cũng có tên đấy. Đó gọi là Lưu Nguyễn vào Thiên Thai “(3).
Lý Văn liền nói:
- “Hai người vào tới nguồn đào “.
Người ngồi dưới là Lý Hoàn nói:
- “ Tìm tới đào nguyên để lánh Tần “.
Mọi người đều uống một ngụm rượu. Hộp xúc xắc lại đến trước mặt Giả mẫu. Giả mẫu gieo được hai con “ nhị “ và hai con tam, bà ta nói:
- Cái này thì phải uống rượu thôi.
Uyên ương nói:.
- Có tên đấy, đó gọi là “Chim én dắt con”.
Mọi người đều phải uống một chén. Phượng Thư nói:
- Chim con thì chim con, nhưng bay mất một ít rồi.
Mọi người lườm chị ta một cái. Phượng Thư liền im lặng. Giả mẫu nói:
- Ta nói gì đây. Nói câu “ông dắt cháu “ thôi !
Người ngồi dưới là Lý Ỷ, liền đọc:
- “ Ngắm xem con bé ngắt cành liễu tơ ! “
Mọi người đều khen hay. Bảo Ngọc chỉ mong đến lượt mình được nói. Nhưng cái hộp lệnh không đến cho. Đang nghĩ ngợi thì hộp lệnh vừa đến trước mặt, anh ta gieo được một con “nhị”, hai con tam”, một con “ yêu”, liền hỏi:
- Cái này cái gì ?
Uyên ương cười nói:
- Đó là cái “hỏng” ! Uống trước một chén mà gieo lại đi thôi.
Bảo Ngọc đành phải uống rượu và gieo lại. Lần này anh ta gieo được hai con “tam”, hai con “tứ”. Uyên ương nói:
- Có tên rồi đấy. Cái này gọi là Trương Sương vẽ mày cho vợ (4).
Bảo Ngọc biết là cô ta bỡn mình. Bảo Thoa cũng đỏ má lên. Phượng Thư không hiểu lắm, còn nói:
- Chú Hai nói nhanh lên, để xem nhà dưới là ai ? Bảo Ngọc thấy khó nói đành phải nhận. Chịu phạt thôi, tôi cũng chằng có nhà dưới nào.
Hộp lệnh ấy đến phiên Lý Hoàn. Lý Hoàn gieo một cái.
Uyên ương nói:
- Mợ gieo được “ Mười hai thoa vàng”.
Bảo Ngọc nghe nói, chạy lại bên Lý Hoàn xem, thì thấy hai bên hồng lục đối nhau, liền nói:
- Cái này trông rất đẹp.
Anh ta chợt nghĩ đến “giấc mộng mười hai thoa “ liền ngơ ngẩn lui về chỗ ngồi, nghĩ bụng:”mười hai thoa “ ấy nói là ở Kinh Lăng. Sao bọn người nhà mình giờ đây tan tác chỉ còn lại mấy người. Anh ta lại nhìn bọn Bảo Thoa, Tường Vân, tuy còn ở đó nhưng không thấy Đại Ngọc nữa. Anh ta cố nín không được, nước mát muốn rơi xuống, nhưng sợ người ta nhìn thấy, liền giả vờ nói trong người bị sốt xin phép đi cởi áo, rồi để thẻ xuống đi ra ngoài.
Tường Vân thấy bộ dạng Bảo Ngọc như thế, tưởng là anh ta gieo không được quân tốt, mà lại bị người khác gieo được, trong bụng không vui, nên mới bỏ đi. Chị ta lại sợ cái lệnh này không thú, cho nên hơi chán.
Lý Hoàn nói:
- Tôi không nói nữa. Người trong tiệc cũng không đầy đủ, chi bằng phạt tôi một chén.
Giả mẫu nói:
- Cái lệnh này cũng không vui lắm, chi bằng nghỉ đi để cho Uyên ương gieo thử xem ra cái gì ?
A hoàn nhỏ đem cái hộp để trước mặt Uyên ương. Uyên Ương vâng lời, liền gieo được hai con “nhị “. Một con “ngũ” còn một con nữa cứ xoay trong hộp. Uyên ương gọi: “ Đừng có ngũ đấy?”, con xúc xắc lại cứ xoay ra con ngũ”. Uyên ương nói:
- Nguy rồi? Tôi thua rồi !
Giả mẫu nói:
- Không thành cái gì à ?
Uyên ương nói:
- Tên thì có. Nhưng tôi không nói ra được tên khúc bài.
Giả mẫu nói:
- Mày cứ nói tên ra, tao bịa hộ cho.
Uyên ương nói:
- Đó là “Sóng vỗ bèo trôi ! “
Giả mẫu nói:
- Cái đó cũng không khó. Ta nói thay cho mày là: “Mùa thu gộc ấu cá dong chơi“.
Người ngồi dưới Uyên ương là Tương Vân liền nói:
- “ Mùa thu, bến Sở ngâm câu bạch bình “.
Mọi người đều nói:
- Câu này rất là đúng.
Giả mẫu nói:
- Lệnh này xong rồi. Chúng ta uống thêm vài chén, rồi ăn cơm thôi.
Bà ta ngoảnh lại nhìn Bảo Ngọc còn chưa vào, liền hỏi:
- Bảo Ngọc đi đâu mà còn chưa vào !
Uyên ương nói:
- Đi thay áo rồi.
Giả mẫu nói:
- Ai theo đi.
Oanh Nhi đi tới thưa:
- Cháu thấy cậu Hai đi ra. Cháu bảo chị Tập Nhân theo đi.
Giả mẫu và Vương phu nhân mới yên lòng. Chờ một chốc. Vương phu nhân bảo người đi tìm, a hoàn nhỏ đến phòng mời, thấy con Năm đang cắm nến ở đấy, liền hỏi:
- Cậu Bảo đi đâu rồi.
- Đang uống rượu ở bên nhà bà cụ đấy.
- Tôi ở bên nhà cụ bà sang. Bà lớn bảo tôi tới đây tìm, không lẽ cậu ta ở bên ấy mà lại bảo tôi đến tìm hay sao ?
- Thế thì không biết. Mày đi tìm ở chỗ khác vậy.
A hoàn nhỏ chẳng có cách gì, đành phải trở về, vừa gặp Thu Văn liền hỏi:
- Chị thấy cậu Hai ở đâu không ?
- Tôi cũng đi tìm. Các bà đang chờ cậu ta tới ăn cơm.
- Không biết lúc này mà cậu ta đi đâu thế ?
- Em mau mau về trình với cụ bà, đừng nói cậu ấy không ở nhà, chỉ nói là cậu ta uống rượu và hơi khó chịu, không ăn cơm nữa, nằm nghĩ một chốc sẽ tới, xin mời cụ bà và các bà ăn cơm đi thôi.
A Hoàn nhỏ nghe lởi về nói với Trân Châu. Trân Châu thưa với Giả mẫu. Giả mẫu nói:
- Nó xưa nay vốn ít ăn, không ăn cũng thôi, bảo nó cứ nghĩ, không cần phải qua đây, có vợ nó ở đây cũng được rồi.
Trân Châu liền nói với a hoàn nhỏ:
- Em nghe rõ chưa ?
A hoàn nhỏ vâng lời, không tiện nói rõ. Chỉ đi vòng ra ngoài mặt lát rồi trở lại thưa: “Con đã nói rồi”.
Mọi người cũng không để ý, ăn cơm xong, họ ngồi rải rác nói chuyện phiếm.
Nhắc lại Bảo Ngọc bỗng chốc thương tâm bỏ đi ra ngoài, đang bổi rồi chưa biết làm gì bỗng thấy Tập Nhân chạy theo hỏi:
- Cậu làm sao thế ?
- Chẳng làm sao cả, trong bụng tôi buồn bức. Giờ đây sao không nhân khi họ đang uống rượu, chúng mình đến chỗ mợ cả Trân chơi một tí.
- Mợ cả Trân ở đây rồi. Còn tìm ai nữa ?
- Không cần phải tìm ai, chỉ xem chị Cả ở đấy, nhà cửa như thế nào thôi.
Tập Nhân đành phải đi theo, vừa đi vừa nói chuyện. Hai người đi đến nhà Vưu thị, thấy có cái cửa nhỏ nửa mở ra nửa khép.
Báo Ngọc cũng không vào, lại thấy hai bà già coi cửa vườn đang ngồi trên ngưỡng cửa nói chuyện. Bảo Ngọc hỏi:
- Cái cửa nhỏ này vẫn mở à ?
Bà già nói:
- Cửa này ngày nào cũng đóng. Hôm nay có người ra nói chờ sẵn xem cụ bà có dùng quả cây trong vườn chăng, nên mới mở cửa để đợi.
Bảo Ngọc liền thong thả đi lại bên ấy, quả nhiên thấy cái cửa nách hé mở. Bảo Ngọc vừa định đi vào, thì Tập Nhân nắm lại và nói:
- Cậu đừng có vào. Trong vườn chẳng sạch sẽ gì, thông thường không có ai đến đó. Cậu đừng vào mà lại gặp phải gì đấy!
Bảo Ngọc trong lúc ngà ngà say, nói:
-Tôi sợ gì những thứ ấy.
Tập Nhân cứ cố giữ không cho vào. Bà già coi cửa chạy lại nói:
- Bây giờ trong vườn yên lặng rồi. Từ hôm nọ đạo sĩ bắt yêu quái đi khi hái hoa, hái quả, chúng tôi thường vẫn đi một mình. Nếu cậu Hai muốn vào, để chúng tôi theo đi. Có nhiều người, còn sợ cái gì!
Bảo Ngọc vui mừng. Tập Nhân giữ lại cũng không tiện, đành phải đi theo.
Bảo Ngọc vào vườn, thấy cỏ hoa khô héo, đầy vẻ thê lương, màu sắc các đình đài phai nhạt đã lâu. Xa xa trông thấy một lùm trúc xanh, vẫn còn tươi tốt. Bảo Ngọc nghĩ một tí rồi nói:
- Tôi từ khi ốm, dời ra khỏi vườn ở tại phía sau luôn mấy tháng nay, họ không cho tôi đến đây. Cảnh vật bỗng chốc trở nên hoang vắng. Chị xem chỉ có mấy cây trúc kia vẫn còn xanh tươi, đấy không phải là quán Tiêu Tương à?
Tập Nhân nói:
- Mấy tháng nay cậu không đến đây, ngay đến phương hướng cũng quên mất. Chúng ta chỉ lo nói chuyện, không biết đã đi qua Viện Di Hồng rồi.
Nói đến đó, chị ta ngoảnh lại, lấy tay chỉ và nói:
- Chỗ kia mới là quán Tiêu Tương.
Bảo Ngọc theo hướng tay Tập Nhân chỉ, rồi nói:
- Chẳng phải đã đi qua mất rồi à? Chúng ta trở lại xem một chút đi.
Tập Nhân nói:
- Trời tối rồi, thế nào cụ cũng chờ ăn cơm, cậu nên về đi. Bảo Ngọc không nói gì, cứ theo đường cũ đi tới. Kể ra Bảo Ngọc tuy rời vườn Đại Quan đã gần một năm, nhưng không lẽ đã quên mất đường? Chỉ vì Tập Nhân sợ anh ta thấy quán Tiêu Tương, nhớ đến Đại Ngọc thì lại đau lòng, nên muốn dùng lời nói cho qua đi. Sau thấy Bảo Ngọc cứ đi vào trong. Tập Nhân lại sợ anh ta mắc lây tà khí, nên nói dối là đã đi qua rồi, có biết đâu bụng Bảo Ngọc chỉ nghĩ đến quán Tiêu Tương. Lúc đó Bảo Ngọc cứ vội vàng đi tới. Tập Nhân đành phải theo. Bỗng thấy anh ta dừng lại, hình như có nghe gì, hay thấy gì. Tập Nhân liền hỏi:
- Cậu nghe gì đấy?
- Trong quán Tiêu Tương có người ở à?
- Hình như không có người ở.
- Rõ ràng tôi nghe có người khóc ở trong ấy. Sao lại không có người?
- Đó là cậu ngờ vực đấy thôi. Thường khi cậu đến đây, hay nghe cô Lâm thương khóc, nay vẫn còn tưởng như thế.
Bảo Ngọc không tin, còn muốn nghe nữa. Bọn bà già chạy đến nói:
- Cậu về mau đi thôi, trời đã chiều rồi. Chỗ khác chúng tôi còn dám đi, chứ ở đây đường xá hẻo lánh, lại nghe người ta nói từ sau khi cô Lâm chết, thường nghe có tiếng khóc ở chỗ này, cho nên chẳng ai dám đi.
Tập Nhân và Bảo Ngọc nghe nói đều giật mình kinh sợ.
Bảo Ngọc nói:
- Đúng rồi !
Nói đoạn anh ta khóc:
- Em Lâm ơi ! Em Lâm ơi ! Thật là anh đã làm hại em ? Em đừng oán anh. Đó là do cha mẹ làm chủ, không phải là anh phụ lòng !
Bảo Ngọc càng nói càng đau lòng rồi khóc to lên.
Tập Nhân còn chưa biết làm thế nào, thì thấy Thu Văn dẫn mấy người chạy đến, nói với Tập Nhân:
- Chị to gan thật ? Sao lại đi cùng cậu Hai tới đây ? Cụ và bà lớn sốt ruột sai người kiếm hết mọi nơi. Vừa rồi có người ở bên cửa nách nói là chị với cậu Hai vào trong này, cụ bà và bà lớn sợ quá mắng tôi và bảo tôi dẫn người theo đến đây. Còn không về mau đi à !
Bảo Ngọc vẫn còn khóc lóc thảm thiết. Tập Nhân cũng không kể gì anh ta đang khóc, liền cùng với Thu Văn dắt về ngay. Một mặt thì lau nước mắt cho anh ta và nói cho biết cụ bà đang hoảng sợ.
Bảo Ngọc chẳng biết làm sao đành phải quay về. Tập Nhân biết là Giả mẫu lo lắng, nên vẫn đưa Bảo Ngọc đến bên nhà Giả mẫu. Mọi người đang chờ đó chưa về.
Giả mẫu nói:
- Tập Nhân này ? Ngày thường thấy mày có ý tứ nên ta mới giao phó Bảo Ngọc cho mày. Sao hôm nay mày lại đem nó vào trong vườn ? Bệnh nó mới khỏi, nếu mà chạm phải cái gì, lại sinh chuyện, thì làm thế nào ?
Tập Nhân cũng không dám cãi, chỉ cúi đầu im lặng. Bảo Thoa thấy Bảo Ngọc thần sắc ủ ê, trong bụng cũng lo sợ.
Bảo Ngọc sợ Tập Nhân mang lỗi, liền nói:
- Giữa ban ngày, sợ cái quái gì. Cháu vì lâu này không vào vườn chơi. Nay nhân lúc hơi rượu đi một lát có chạm phải cái gì đâu.
Phượng Thư vốn đã bị một vố khiếp quá ở trong vườn, nghe nói đến đó, sởn gáy lên và nói:
- Chú Bảo to gan thật !
Tương Vân nói:
- Không phải gan to, mà đó là lòng thật. Không biết anh ấy lại định gặp thần phù dung hay là tìm vị tiên nào đấy ?
Bảo Ngọc nghe nói, cũng không trả lời. Chỉ có Vương phu nhân hoảng quá, không nói một câu nào.
Giả mẫu hỏi:
- Cháu vào vườn không sợ à ? Không cần nói nữa, sau muốn đi chơi thì phải đem thêm người mới được. Nếu không phải là cháu sinh chuyện thì mọi người đã về rồi. Thôi. về đi ngủ một đêm cho ngon, ngày mai đến đây sớm, ta định bù thêm cho các người vui một ngày nữa đấy. Đừng vì nó mà lại xảy ra chuyện.
Mọi người nghe nói, cáo từ Giả mẫu rồi ra về. Tiết phu Nhân đến nghĩ ở nhà Vương phu nhân. Sử Tương Vân vẫn nghỉ ở phòng Giả mẫu, Nghênh Xuân qua nghỉ ở bên Tích Xuân. Còn tất cả thì đều về nhà.
Riêng có Bảo Ngọc về đến phòng mình, cứ than thở mãi.
Bảo Thoa biết rõ duyên cớ cũng cứ để mặc, nhưng sợ anh ta lo buồn, bệnh cũ trở lại, liền vào trong nhà, gọi Tập Nhân lại hỏi cặn kẽ về tình hình Bảo Ngọc vào vườn thế nào.
Chú thích:
1. Chỉ Bảo Thoa
2. Đời Hán Cao đế, có bốn ông già ở ẩn trong núi Thương.
3. Theo truyền thuyết, Lưu Thần, Nguyễn Triệu vào khoảng đời Hán, nhân ngày đoan ngọ, vào núi Thiên Thai hái thuốc, gặp tiên, rồi lấy nhau. Sau Lưu, Nguyễn về nhà. Đến khi quay lại thì không tìm ra lối nữa.
4. Trương Sương người đời Hán Tuyên đế, nổi tiếng là người vẽ lông mày cho vợ.
Hối 109:
Hồn thơm chờ đợi, con Nam may được yêu nhầm
Oan án trả xong, Nghênh Xuân trở về cõi lạc
Bảo Thoa gọi Tập Nhân hỏi rõ duyên cớ. Sợ Bảo Ngọc đau xót sinh bệnh, liền vờ đem chuyện lúc Đại Ngọc chết bàn với Tập Nhân. Chị ta nói:
- Người ta sống ở đời thì có tình có ý. Sau khi chết rồi thì tình ý đều hết. Chứ không phải lúc sống thế nào thì khi chết cũng thế. Người sống dù có mơ tưởng đến họ, người chết cũng không hề biết. Vả lại, nếu cô Lâm đã thành tiên rồi thì cô ta xem người trần là hạng dơ bẩn, đời nào lại ở trên đời này? Đó chỉ vì tự lòng người ta ngờ vực nên mới bị tà ma quấy nhiễu đấy thôi.
Bảo Thoa tuy nói chuyện với Tập Nhân, nhưng cốt là để cho Bảo Ngọc nghe. Tập Nhân hiểu ý cũng nói:
- Đúng đấy, nếu nói là linh hồn cô Lâm còn ở trong vườn thì sao bọn mình là người thân, chẳng bao giờ thấy chiêm bao lần nào cả?
Bảo Ngọc ở ngoài nghe nói, nghĩ bụng:
- Lạ thật? Từ lúc em Lâm chết đi, ngày nào ta lại chẳng mơ tưởng mấy lần. Thế sao không thấy chiêm bao? Chắc là cô ta lên trời rồi. Coi bọn phàm phu tục tử mình đây, không có thể thông cảm với thần minh, cho nên không hề hiện ra trong lúc chiêm bao. Hôm nay ta thử nằm ngủ ở ngoài, sau khi vừa ở trongvườn về, có lẽ em Lâm cũng hiểu rõ lòng ta mà chịu gặp ta ở trong giấc mơ chăng. Ta sẽ hỏi cô ta ở đâu, để ta thường thường tế lễ. Nếu quả cô ta không nhìn đến cái hạng nhơ bẩn như ta và
không hề ứng vào chiêm bao thì ta cũng chàng tưởng nhớ cô ta nữa.
Bảo Ngọc định sẵn như vậy. liền nói:
- Đêm nay tôi nghỉ ở nhà ngoài, các chị cứ để mặc tôi.
Bảo Thoa cũng không ép, chỉ nói:
- Cậu cũng đừng có nghĩ ngợi lan man đấy. Cậu lại không thấy mẹ vì cậu đi vào vườn mà đến nỗi hoảng sợ nói không ra lời hay sao ? Bây giờ cậu không giữ gìn thân thể, nếu mà bà biết, lại bảo chúng tôi không tận tâm.
Bảo Ngọc nói:
- Tôi nói chơi thế thôi, tôi ngồi một chốc rồi sẽ vào. Mợ cũng mệt rồi, cứ đi ngủ trước đi thôi.
Bảo Thoa biết anh ta thế nào cũng vào, giả vờ nói:
- Tôi đi ngủ trước, bảo chị Tập Nhân hầu cậu.
Bảo Ngọc nghe nói, chính hợp ý mình. Chờ Bảo Thoa nằm rồi, anh ta liền bảo Tập Nhân và Xạ Nguyệt giải riêng một bộ chăn nệm rồi sai vào xem mợ Hai đã ngủ hay chưa. Bảo Thoa cố ý vờ ngủ, kỳ thực cũng suốt đêm không yên.
Bảo Ngọc tưởng là Bảo Thoa ngủ rồi, liền nói với Tập Nhân:
- Các chị ai nấy cứ đi ngủ thôi, tôi không hề có thương cảm gì cả. Nếu các chị không tin thì cứ hầu hạ cho tôi ngủ rồi hãy vào đừng làm kinh động đến tôi là được.
Tập Nhân quả nhiên hầu cho Bảo Ngọc nằm xuống, sắp sẵn trà nước, đóng cửa tử tế, vào nhà trông nom một chốc rồi ai nấy nằm giả ngủ, chờ xem Bảo Ngọc có việc gì thì lại ra.
Bảo Ngọc thấy Tập Nhân vào rồi. liền bảo hai bà già canh đêm ra ngoài. Anh ta khẽ ngồi dậy lầm rầm khấn khứa mấy câu rồi mới nằm xuống. Ban đầu anh ta ngủ không được, sau cố định thần rồi ngủ quên lúc nào không biết. Ngủ suốt đêm cho tớitrời sáng mới tỉnh dậy, dụi mắt một lát, không hề thấy chiêm bao gì cả. Anh ta liền thở dài và nói:
- Thật là “Cách năm sống thác đôi nơi, thấy đâu hồn phí vãng lai giấc nồng ? “.
Trái lại, Bảo Thoa suốt đêm không ngủ. Nghe Bảo Ngọc ở ngoài đọc hai câu ấy. liền đỡ lời:
- Cậu nói câu ấy tục quá. Nếu em Lâm còn sống thì lại đâm giận đấy.
Bảo Ngọc nghe nói, cảm thấy khó coi, đành phải ngượng ngùng dậy đi vào nhà trong và nói:
- Tôi định vào trong nhà, không biết thế nào mà ngủ quên đi mất.
Bảo Thoa nói:
- Cậu vào hay không, can gì đến tôi?
Tập Nhân cũng không ngủ, nghe hai người nói chuyện liền dậy pha trà. Bỗng thấy Giả mẫu sai a hoàn nhỏ sang hỏi:
- Cậu Bảo đêm qua ngủ có yên giấc không ? Nếu ngủ yên thì mau mau chải đầu rửa mặt cùng mợ Hai đi sang ngay.
Tập Nhân nói:
- Em về thưa với cụ: đêm qua cậu Bảo ngủ rất yên giấc. Chốc nữa sẽ tới.
A hoàn nhỏ ra về.
Bảo Thoa vội vàng chải đầu rửa mặt. Bọn Oanh Nhi và Tập Nhân đi theo. Trước hết đến chỗ Giả mẫu làm lễ rồi đến chào Vương phu nhân và Phượng Thư. Chào hỏi xong lại đến chỗ Giả mẫu thì thấy Tiết phu Nhân cũng đã đến. Mọi người hỏi:
- Đêm qua Bảo Ngọc có khỏe không?
Bảo Thoa nói:
- Về rồi ngủ ngay. Không xảy ra việc gì.
Mọi người yên lòng rồi cùng nhau nói chuyện suông.
Bỗng thấy a hoàn nhỏ vào nói:
- Cô Hai định về. Nghe nói người bên cậu Tôn đến chỗ bà Cả nói những gì gì. Rồi bà Cả sai người đến chỗ cô Tư bảo đừng giữ cô Hai lại nữa. cứ để cho cô ấy về. Hiện giờ cô Hai đang khóc ở bên nhà bà Cả. Có lẽ cô ấy sắp đến đây từ biệt cụ bà đấy.
Giả mẫu nghe xong, trong lòng bực tức. Ai nấy đều nói:
- Cô Hai là người tốt, sao lại gặp phải thằng chồng như thế. Suốt đời không sao mở mày mở mặt ra được. Nhưng làm sao được bây giờ?
Đang nói thì Nghênh Xuân đi vào, mắt đầy ngấn lệ, nhưng vì là ngày sinh nhật của Bảo Thoa. đành phải nuốt lệ từ biệt mọi người định về. Giả mẫu biết cô ta khổ, nhưng giữ lại không tiện, chỉ nói:
- Cháu về cũng được, nhưng đừng có buồn. Gặp phải con người như thế cũng chẳng biết làm thế nào. Mấy ngày nữa, ta sẽ cho người đến đón cháu về chơi.
Nghênh Xuân nói:
- Bà bao giờ cũng thương cháu, nhưng nay không thể được. Thương hại cho cháu từ nay không còn có ngày trở về đây nữa đâu!
Cô ta nói đến đó lại ứa nước mắt.
Mọi người đều khuyên:
- Có gì mà không được. Có phải như em Ba nhà cô ở quá xa thì gặp mặt mới khó chứ.
Bọn Giả mẫu nghĩ đến Thám Xuân. Ai nấy đều ứa nước mắt. Vì là ngày sinh nhật của Bảo Thoa, họ đành phải đổi buồn làm vui và nói:
- Cái đó cũng không khó, cốt sao miền biển yên lặng. Bên nhà thông gia được đổi về kinh thì sẽ gặp mặt thôi.
Mọi người đều nói:
- Đúng như thế đấy.
Nghênh Xuân đành ngậm buồn từ biệt. Mọi người tiễn cô ta ra rồi trở về chỗ Giả mẫu. Từ sáng đến chiều, cùng nhau vui một ngày nữa. Họ thấy Giả mẫu mệt nhọc nên đều ra về.Riêng Tiết phu Nhân từ biệt Giả mẫu rồi đến bên nhà Bảo Thoa nói:
- Anh con thì hết năm nay phải chờ đến khi ơn vua đại xá, giảm nhẹ án tích mới có thể chuộc tội được. Trong lúc này, một mình mẹ bơ vơ khổ sở biết làm thế nào ? Mẹ định cưới vợ cho anh Hai con, con nghĩ có nên không?
Bảo Thoa nói:
- Mẹ khiếp sợ vì chuyện vợ anh Cả nên đối với việc anh Hai cũng đâm ra ngờ vực. Theo ý con thì lo cưới đi là phải. Cô Hình thì mẹ đã biết. Ở bên ấy cũng rất khổ. Cưới về tuy nói là nhà mình nghèo, nhưng còn hơn phải ở nhờ nhà người ta.
- Khi nào tiện, con thưa với cụ rằng nhà ta không có người, xin chọn ngày rước dâu.
- Mẹ cứ bàn với anh Hai, chọn được ngày tốt rồi sang thưa với cụ và bà Cả, cưới về đi, thế là xong việc.
- Hôm nay nghe nói cô Sử cũng về. cụ bà định giữ em con ở lại đây mấy hôm cho nên nó ở lại. Mẹ nghĩ em con cũng chưa biết sớm muộn sẽ về nhà người ta, chị em cũng nên trò chuyện với nhau thêm ít hôm.
- Phải đấy. Tiết phu Nhân lại ngồi một lát rồi ra cáo từ mọi người ra về.
Đêm ấy. Bảo Ngọc về phòng. nghĩ bụng: “Đêm qua Đại Ngọc không ứng mộng, có lẽ vì cô ta đã thành tiên, không chịu đến gặp hạng người nhơ bẩn như mình. Hay là có thể vì tính mình nôn nóng cũng chưa biết chừng”. Anh ta liền nghĩ một cách, rồi
nói với Bảo Thoa:
- Đêm qua tôi ngẫu nhiên ngủ ở ngoài, hình như yên giấc hơn ngủ ở trong nhà. Sáng nay thức dậy, cảm thấy trong bụng yên tĩnh hơn. Ý tôi muốn ngủ ở ngoài vài hôm, chỉ sợ các chị lại ngăn cản tôi.
Bảo Thoa nghe nói, biết rõ lúc súc miệng anh ta ngâm mấy câu thơ ấy, tất nhiên là vì việc Đại Ngọc. Nhưng nghĩ lại cái tính si ngốc của anh ta không thể nào khuyên được, chi bằng cứ để cho anh ta ngủ ở ngoài vài đêm, để tắt hẳn cái lòng mơ tưởng
ấy đi. Vả lại đêm qua thấy anh ta ngủ yên giấc. Chị ta liền nói:
- Rõ buồn cười. Cậu muốn ngủ ngoài thì cứ ngủ. Chúng tôi ngăn cậu làm gì. Nhưng đừng có nghĩ ngợi lung tung, sinh chuyện ma quỷ là được.
Bảo Ngọc cười nói:
- Nào ai nghĩ gì đâu?
Tập Nhân nói:
- Tôi khuyên cậu nên ngủ trong nhà thôi. Ngủ ngoài, nhỡ khi trông nom không chu đáo, gặp phải lạnh thì lại không hay.
Bảo Ngọc chưa kịp trả lời, Bảo Thoa liền liếc mắt ra hiệu. Tập Nhân hiểu ý liền nói:
- Thôi cũng được. Bảo một người theo hầu, đến đêm tiện việc pha trà lấy nước cho cậu.
Bảo Ngọc cười nói:
- Vậy thì chị theo tôi thôi.
Tập Nhân nghe nói, đâm ngượng, má đỏ ửng lên, không nói gì cả.
Bảo Thoa vốn biết Tập Nhân là người đứng đắn, liền nói:
- Chị ấy với tôi đã quen rồi, cứ để theo tôi thôi. Bảo Xạ Nguyệt và con Năm trông nom cậu là được. Vả lại chị ấy hôm nay bận rộn suốt ngày, cũng mệt rồi, để cho chị ấy nghỉ một chút.
Bảo Ngọc đành phải cười mà đi ra.
Bảo Thoa bảo Xạ Nguyệt và con Năm soạn sửa chăn nệm cho Bảo Ngọc nằm ở ngoài. Lại dặn hai người:
- Phải tỉnh ngủ, để khi cậu cần trà nước.
Hai người vâng lời đi ra, thấy Bảo Ngọc ngồi ngay ngắn trên giường. nhắm mắt chắp tay, y như ông sư. Hai người không dám nói, chỉ nhìn anh ta mà cười. Bảo Thoa lại bảo Tập Nhân ra ngoài trông nom. Tập Nhân thấy thế cũng buồn cười, liền gọi
- Cậu nên đi ngủ đi. sao lại ngồi như thế?
Bảo Ngọc mở mắt. thấy Tập Nhân, liền nói:
- Các chị cứ ngủ đi thôi. Tôi ngồi một lát sẽ ngủ.
- Vì hôm qua cậu như thế làm cho mợ Hai suốt đêm không ngủ. Nay cậu lại như thế này thì còn ra sao nữa?
Bảo Ngọc nghĩ mình không ngủ thì họ sẽ không chịu ngủ, nên soạn sửa nằm xuống. Tập Nhân lại dặn dò bọn Xạ Nguyệt mấy câu mới đi vào đóng cửa mà ngủ.
Ngoài này, Xạ Nguyệt và con Năm cũng sắm sửa chăn nệm, chờ cho Bảo Ngọc nằm rồi ai nấy đều nằm xuống.
Không ngờ Bảo Ngọc muốn ngủ cũng không ngủ được, thấy hai người sửa soạn chăn nệm, chợt nhớ lại chuyện năm nọ lúc Tập Nhân không ở nhà, Tình Văn và Xạ Nguyệt hầu hạ mình, đang đêm Xạ Nguyệt ra ngoài, Tình Văn định đi dọa chị ta, nhưng vì không mặc áo, cảm lạnh, sau này cũng vì bệnh ấy mà chết. Nghĩ đến đó, anh ta lại tưởng nhớ đến Tịnh Văn. Chợt nghĩ đến Thượng Thư nói con Năm giống Tịnh Văn như lột, vì thế anh ta đem lòng nhớ tưởng nhớ Tình Văn chuyển sang con Năm.
Bảo Ngọc giả vờ ngủ, mắt nhìn trộm con Năm. Càng nhìn càng giống Tình Văn. Tự nhiên tình si trở lại. Anh ta để ý nghe nhà trong đã im lặng, biết là ngủ rồi, nhưng không biết Xạ Nguyệt đã ngủ hay chưa, liền cố ý gọi vài tiếng thì thấy Xạ Nguyệt không trả lời.
Con Năm thấy Bảo Ngọc gọi. liền hỏi:
- Cậu cần gì?
- Tôi muốn súc miệng một tý.
Con Năm thấy Xạ Nguyệt đã ngủ, đành phải dậy cắt lại ngọc nến, rót một chén trà, một tay bưng ống nhổ. Vì dậy vội vàng nên chị ta chỉ mặc một cái áo lót bằng lụa màu đào hồng trên đầu búi tóc vấn lên qua loa. Bảo Ngọc trông kỹ hệt như Tình Văn sống lại. Bỗng lại nhớ đến câu nói của Tình Văn: “Nếu biết mắc phải tiếng hão thì thà làm thật cho xong”. Nghĩ như thế, cho nên anh ta cứ nhìn trừng trừng con Năm, cũng không đón lấy chén trà.
Sau khi Phượng Quan đi rồi, con Năm cũng không nghĩ gì đến chuyện vào ở nữa. Rồi nghe nói Phượng Thư gọi mình vào hầu Bảo Ngọc, thì nó lại nóng lòng trông đợi hơn là Bảo Ngọc trông nó vào. Không ngờ sau khi vào, thấy Bảo Thoa và Tập Nhân đều là người đứng đắn, trong lòng nó kính mến; lại thấy Bảo Ngọc điên điên dại dại. không còn dáng điệu đẹp đẽ như trước. Vả chăng, nghe nói Vương phu nhân đuổi hết bọn con gái hay cười đùa với Bảo Ngọc nên nó đã gác hết mọi niềm tâm sự tư tình của một cô gái. Khốn nổi cái anh ngốc ấy đêm nay lại cứ xem nó là Tình Văn mà một mực yêu đương. Nó thẹn quá, hai má đỏ ửng, lại không dám lên tiếng to, đành phải nói khẽ:
- Cậu súc miệng này?
Bảo Ngọc cười rồi cầm lấy chén trà vào tay, cũng không biết có súc miệng hay không. chỉ cười và hỏi:
- Chị thân với chị Tịnh Văn phải không?
Con Năm nghe nói, không hiểu đầu đuôi ra sao, liền nói:
- Cũng là chị em cả, sao lại không thân?
Bảo Ngọc lại hỏi khẽ:
- Chị Tình Văn ốm nặng, tôi đến thăm, chị cũng đến thăm phải không?
Con Năm mỉm cười, gật đầu, Bảo Ngọc nói:
- Chị có nghe chị ta nói gì không?
Con Năm lắc đầu:
- Không.
Bảo Ngọc lúc đó quên bẵng, liền kéo tay nó. Con Năm đỏ mặt lên, trống ngực đánh thình thịch, nói khẽ:
- Cậu có việc gì cứ nói. đừng lôi kéo như thế.
Bảo Ngọc mới buông tay và nói:
- Chị ta nói với tôi rằng: Nếu biết mắc phải tiếng hão thì thà làm thật sự cho xong, tại sao mà chị không nghe?
Nghe câu ấy, rõ ràng là Bảo Ngọc có ý trêu ghẹo mình.
Con Năm không dám làm gì, liền nói:
- Đó là chị ta không biết thẹn. Bọn con gái chúng tôi mà nói câu ấy được à?
Bảo Ngọc nóng lên nói:
- Sao chị cũng làm ra vẻ cụ đồ như thế! Tôi thấy người chị giống hệt như chị ta, tôi mới nói câu ấy. Sao chị lại đem những lời nói ấy mỉa mai chị ta.
Lúc ấy trong bụng con Năm không biết Bảo Ngọc có ý tứ gì liền nói:
- Đêm khuya rồi, cậu nằm ngủ thôi, đừng ngồi thế mãi, sợ mắc phải lạnh đấy. Vừa rồi mợ Hai và chị Tập Nhân dặn gì, cậu không nhớ à?
- Tôi không lạnh.
Nói đến đó, Bảo Ngọc chợt nghĩ con Năm không mặc áo ngoài, sợ cũng bị lạnh như Tình Văn năm nọ. liền hỏi:
- Sao chị không mặc áo vào mà đã lại đây?
- Cậu gọi gấp quá. làm gì có thì giờ mặc áo. Nếu biết nói chuyện như từ nãy đến giờ thì tôi cũng đã mặc áo rồi.
Bảo Ngọc nghe nói, vội vàng lấy cái áo bông màu nguyệt bạch đang đắp đưa cho nó, bảo khoác vào người. Nó không chịu cầm và nói:
- Cậu đắp lấy thôi, tôi không lạnh. Tôi lạnh đã có áo của tôi
Nói xong, nó trở lại chỗ nằm, kéo một chiếc áo dài khoác lên người, lắng nghe một lúc, thấy Xạ Nguyệt đang ngủ say, mới thong thả trở lại và nói:
- Cậu đêm nay định dượng thần phải không?
Bảo Ngọc cười nói:
- Nói thật với chị chứ có dượng thần gì đâu! Ý tôi là muốn gặp tiên đấy.
Con Năm nghe nói, trong bụng càng nghi ngờ, liền hỏi:
- Gặp tiên nào?
- Chị muốn biết thì chuyện này dài lắm. Chị ngồi xuống sát đây tôi nói cho mà nghe. Con Năm đỏ mặt lên. cười nói:
- Cậu nằm ở đó, tôi ngồi sao tiện.
- Điều đó có làm gì ? Năm nọ trời lạnh. tôi cùng chị Tình Văn và chị Xạ Nguyệt chơi đùa. Tôi sợ chị ta lạnh. còn kéo chung vào trong một chăn đấy. Người ta không cần vờ làm bộ mới được.
Con Năm thấy Bảo Ngọc nói câu nào cũng ra vẻ trêu ghẹo mình, có biết đâu đó là lòng thực của anh chàng ngốc. Lúc đó, nó lui ra cũng dở, đứng lại cũng dở, ngồi xuống cũng dở, rất là bối rối. Nó lườm một cái, nhoẻn miệng cười và nói:
- Cậu đừng nói nhảm nữa, nhỡ người ta nghe thấy còn ra cái gì. Chẳng trách người ta nói cậu chỉ chăm nom đến bọn con gái ! Mợ Hai và chị Tập Nhân đều đẹp như tiên mà cậu lại hay đi dan díu với người khác. Sau này mà cậu còn nói những câu
chuyện ấy nữa thì tôi thưa lại với mợ Hai. Xem cậu còn mặt mũi nào mà nhìn người ta.
Đang nói thì nghe bên ngoài “thịch” một tiếng làm cho hai người giật mình. Trong nhà Bảo Thoa ho. Bảo Ngọc vội vàng dẩu môi ra hiệu. Con Năm cũng tắt phụt đèn, khe khẽ nằm xuống. Thì ra Bảo Thoa và Tập Nhân đêm qua không ngủ, cả ngày lại mệt cho nên ngủ say, không hề nghe họ nói chuyện. Lúc đó trong sân có tiếng động. Chợt tỉnh dậy lắng tai nghe thì chẳng có tăm hơi gì.
Lúc bấy giờ. Bảo Ngọc đang nằm trên giường, trong bụng nghi ngờ: “phải chăng là em Lâm tới đây, thấy mình nói chuyện với con Năm, rồi cố ý doạ mình?” Anh ta cứ nằm trằn trọc, nghĩ ngợi lan man đến canh năm mới mơ màng ngủ đi.
Con Năm bị Bảo Ngọc quấy rầy một lúc lâu, lại nghe Bảo Thoa ho, trong bụng lo lắng ngờ vực, chỉ sợ Bảo Thoa nghe thấy nên cũng lo trước nghĩ sau, suốt đêm không ngủ. Hôm sau chị ta dậy sớm, thấy Bảo Ngọc đang ngủ say, liền nhẹ nhàng quét dọn
nhà cửa. Xạ Nguyệt tỉnh dậy. liền hỏi:
- Sao chị dậy sớm thế ? Chả nhẽ cả đêm chị không ngủ hay sao?
Con Năm nghe câu ấy. hình như Xạ Nguyệt đã biết, nên chỉ ngượng ngùng cười gượng, không nói gì cả. Một lúc Bảo Thoa và Tập Nhân đều dậy. Hai người mở cửa ra, thấy Bảo Ngọc đang ngủ, trong bụng cũng bực. Nghĩ sao anh ta ngủ ngoài hai
đêm lại yên giấc như thế?
Đến khi Bảo Ngọc tỉnh giấc, thấy mọi người đều dậy, vội vàng bò dậy, dụi mắt, nghĩ lại thì đêm qua cũng không hề thấy chiêm bao gì cả, thật là trời tiên cõi tục cách nhau xa vời ! Rồi anh ta thong thả bước xuống giường. Nhớ đến câu nói của con
Nam đêm qua: “Bảo Thoa và Tập Nhân đều đẹp như tiên”, câu nói ấy thật không sai. Anh ta cười, nhìn Bảo Thoa chằm chằm.
Bảo Thoa thấy anh ta có vẻ ngơ ngác, tuy biết là vì việc Đại Ngọc, nhưng cũng không đoán ra là có chiêm bao hay không? Chỉ thấy anh ta cứ nhìn mình lấy làm khó coi, liền hỏi:
- Đêm qua, cậu có gặp tiên không?
Bảo Ngọc nghe nói, cho rằng câu chuyện đêm qua bị Bảo Thoa nghe được, bèn cười và miễn cưỡng trả lời:
- Làm gì có chuyện ấy ?
Con Năm nghe câu ấy thì động lòng, càng hối hận, cũng không tiện nói gì, đành chờ xem Bảo Thoa có tỏ vẻ gì không?
Bỗng thấy Bảo Thoa cười và hỏi con Năm.
- Chị có nghe cậu Hai trong khi ngủ nói chuyện với ai không ?
Bảo Ngọc nghe nói, không thể ngồi yên, ngượng ngùng ra khỏi phòng. Con Năm má ửng đỏ, đành phải trả lời một cách bâng quơ:
- Vào khoảng nửa đêm, cậu Hai có nói mấy câu, tôi cũng không nghe rõ, nào là “mang tiếng hão”. nào là “làm thật sự” gì đó tôi cũng không hiểu, chỉ khuyên cậu Hai nên ngủ đi. Sau đó, tôi ngủ rồi, không biết cậu Hai có nói gì không?
Bảo Thoa cúi đầu nghĩ ngợi: “Những câu ấy rõ ràng là vì Đại Ngọc, nếu cứ để cho cậu ta ngủ ở ngoài mãi, vốn sẵn lòng tà, sợ lại vướng lấy chuyện yêu ma. Vả lại, bệnh cũ của cậu ta, vốn là vì nặng tình với chị em. Vậy phải có cách làm cho cậu ta xoay lòng chuyển dạ, thì sau này mới khỏi sinh chuyện”. Nghĩ đến đó. chị ta đỏ mặt, liền thờ thẫn vào phòng, chải đầu rửa mặt.
Hai ngày vừa rồi, Giả mẫu vì cao hứng ăn hơi nhiều, chiều hôm ấy trong người thấy khó ở; hôm thứ hai cảm thấy đầy bụng. Bọn Uyên ương định thưa với Giả Chính, nhưng Giả mẫu không cho, và nói:
- Hai hôm nay ta tham ăn nhiều quá, nhịn đói một bữa thì khỏi chúng bay đừng làm ồn lên.
Bọn Uyên ương cũng không nói với ai.
Chiều hôm đó, Bảo Ngọc về phòng, thấy Bảo Thoa đi hỏi thăm sức khỏe của Giả mẫu và Vương phu nhân cũng vừa về.
Bảo Ngọc nghĩ đến việc ban đêm, nên lúc sáng dậy, có vẻ hổ thẹn. Bảo Thoa thấy bộ dạng như thế cũng biết là anh ta bẽ bàng vì việc gì. Bảo Thoa lại nghĩ Bảo Ngọc là người si tình, muốn trị bệnh ấy, không gì hơn lại lấy si tình mà trị. Nghĩ ngợi một lúc rồi chị ta hỏi Bảo Ngọc:
- Cậu hôm nay vẫn ngủ ở ngoài chứ ?
Bảo Ngọc cảm thấy khó coi, liền nói:
- Trong ngoài gì thì cũng thế.
Bảo Thoa ý muốn nói nữa, nhưng nói ra không tiện.
Tập Nhân nói:
- Thôi đi, thế là nghĩa lý gì ? Tôi không tin cậu ngủ yên giấc như thế!
Con Năm nghe nói liền đỡ lời:
- Cậu Hai ngủ ở ngoài cũng chẳng có việc gì khác, chỉ hay nói mơ làm cho người ta không hiểu đầu đuôi gì, lại không dám cãi lại.
Tập Nhân liền nói:
- Để đêm nay tôi dời ra nằm giường ấy, xem có nói mơ hay không. Các chị cứ đem chăn nệm của cậu trải vào nhà trong là được
Bảo Thoa nghe nói cũng không lên tiếng. Về phần Bảo Ngọc thì đã xấu hổ, còn đâu dám cãi lại, nên liền thuận cho dọn vào trong nhà. Bảo Ngọc tự thấy mình có lỗi, muốn yên ủi Bảo Thoa. Bảo Thoa lại sợ Bảo Ngọc uất ức thành bệnh. chi bằng tỏ
ra tình âu yếm cho anh ta được gần gũi để làm cái kế “dời hoa nọ chắp cành kia “. Do đó, đêm ấy Tập Nhân dời ra ngoài nằm. Bảo Ngọc cố nhiên trong lòng ăn năn hổ thẹn, Bảo Thoa cũng muốn lung lạc Bảo Ngọc. Từ khi làm lễ cưới đến nay mới thật là mây mưa tình đượm, ân ái triền miên, khí âm dương bắt đầu kết hợp lại (I) Đó là câu chuyện sau này.
Sáng hôm sau, Bảo Ngọc và Bảo Thoa cùng thức dậy.
Bảo Ngọc chải đầu rửa mặt rồi qua nhà Giả mẫu trước. Giả mẫu vì thương yêu Bảo Ngọc, lại thấy Bảo Thoa hiếu thuận, chợt nhớ đến một vật, liền bảo Uyên ương mở rương lấy ra một viên ngọc đời ông cụ để lại. Tuy nó không bằng viên ngọc của Bảo Ngọc, nhưng nếu đeo trên mình thì cũng là vật hiếm có.
Uyên ương tìm viên ngọc ra đưa cho Giả mẫu và nói:
- Vật này hình như cháu chưa bao giờ trông thấy. Đã bao nhiêu năm rồi mà cụ còn nhớ được như thế, bảo để ở hộp nào trong rương nào. Cháu theo lời cụ mà tìm là thấy ngay. Bây giờ cụ bảo lấy ra làm gì ?
Giả mẫu nói:
- Mày biết sao được. Viên ngọc này nguyên là cố của ta cho ông ta. Khi ta xuất giá, ông ta thương ta liền gọi đến trao tận tay cho ta và nói: “Viên ngọc này là người đời Hán đeo, rất quý giá. Cháu cầm lấy cũng như là trông thấy ta “. Lúc đó, ta còn nhỏ,
cầm lấy ngọc cũng chẳng cho ra gì, liền vứt vào trong rương. Khi ề đây ta thấy đồ vật của nhà mình cũng nhiều. viên ngọc ấy cũng chẳng đáng gì. nên ta không bao giờ đeo. vứt vào rương, đến nay đã hơn 60 năm. Bây giờ thấy cháu Bảo hiếu thuận với ta như thế mà lại mất viên ngọc, ta sực nhớ lại mới lấy ra để cho nó, cũng giống như ông cố ta cho ta ngày trước.
Một lúc sau. Bảo Ngọc tới hỏi thăm sức khỏe. Giả mẫu liền vui mừng nói:
- Cháu lại đây, bà cho xem cái này.
Bảo Ngọc đi tới trước giường. Giả mẫu liền cầm viên ngọc ấy trao cho anh ta. Bảo Ngọc đi lấy xem thì thấy viên ngọc ấy to chừng ba tấc, hình như quả dưa, màu sắc đỏ sẫm, rất là tươi. Bảo Ngọc tấm tắc ngợi khen.
Giả mẫu nói:
- Cháu thích à ? Đó là ông ta cho ta. nay ta giao lại cho cháu đấy.
Bảo Ngọc cười rồi lạy tạ, lại định đem cho mẹ anh ta xem. Giả mẫu nói:
- Mẹ cháu xem sẽ nói với cha cháu rồi lại bảo là ta yêu cháu hơn yêu con. Vì xưa nay chưa hề ai trông thấy của này.
Bảo Ngọc cười rồi đi ra. Bọn Bảo Thoa cũng nói mấy câu rồi cáo từ ra về.
Từ đó. Giả mẫu luôn hai ngày không ăn uống, lại thêm nhức đầu chóng mặt và ho. Hình phu nhân,Vương phu nhân và Phượng Thư đến hỏi thăm sức khỏe, thấy tinh thần Giả mẫu vẫn khá, nên chỉ cho người nói với Giả Chính. Giả Chính lập tức vào
hỏi thăm. rồi ra mời thầy thuốc đến xem mạch. Một chốc, thầy thuốc đến xem xong. Nói là người già, ăn uống bị ngừng trệ, và bị cảm hàn, chỉ uống tiêu dao và phát tán một chút là khỏi. Thầy thuốc kê đơn. Giả Chính xem, biết là những vị thuốc thường, liền sai người sắc cho Giả mẫu uống. Sau đó. sớm chiều nào Giả Chính cũng vào thăm. Uống luôn ba ngày. chẳng thấy bệnh bớt chút nào.
Giả Chính lại sai Giả Liễn đi tìm thầy thuốc giỏi và nói:
- Cháu mau đi tìm thầy thuốc giỏi đến xem bệnh cho bà. Mấy ông thầy nhà mình hay mời. ta thấy chẳng ra sao cả. Bây giờ cháu đi tìm thầy khác.
Giả Liễn nghĩ ngợi một lát rồi nói:
- Cháu còn nhớ lúc em Bảo ốm, có mời một người không làm nghề thuốc mà chữa khỏi. Chi bằng bây giờ đi tìm thầy ấy.
Giả Chính nói:
- Nghề thuốc rất khó, càng là ông thầy không đông khách lại càng eo tài. Cháu cứ cho người đi mời ngay.
Giả Liễn vâng lời. vội vàng đi. Một lúc trở về nói:
- Thầy Lưu gần đây ra ngoài thành dạy học. Chừng hơn mười ngày mới về một lần. Bây giờ chờ không được. đã mời một thầy khác, cũng sắp đến đấy.
Giả Chính nghe nó, đành phải chờ.
Từ khi Giả mẫu ốm, tất cả đàn bà con gái trong nhà ngày nào cũng đến hỏi thăm. Một hôm, mọi người đều đang ở đấy thì thấy bà già coi cửa nách trong vườn vào nói:
- CÔ Diệu Ngọc ở am Lũng Thúy trong vườn nghe cụ bà ốm nên đến hỏi thăm.
Mọi người nói:
- CÔ ta không hay đến, hôm nay tới đây, các người mau mau ra mời vào.
Phượng Thư đến bên giường thưa lại với Giả mẫu. Tụ Yên là người bạn quen cũ của Diệu Ngọc nên ra đón trước. Thấy Diệu Ngọc đầu đội mũ Diệu Thường (1), mình mặc áo trừu màu nguyệt bạch, bên ngoài khoác áo cà sa dài bằng đoạn xanh viền
biên, lưng thắt dây tơ màu thu hương. bên dưới mặc cái quần là trong, có vẽ màu mực nhạt, tay cầm chuỗi tràng hạt. CÔ ta thướt tha đi đến, theo sau là một người hầu gái. Tụ Yên chào hỏi và nói:
- Lúc ở bên vườn, tôi đến thăm cô luôn. Gần đây trong vườn ít người, một mình khó đi. Cái cửa nách đấy lại thường đóng, nên mấy lâu nay không được gặp cô. Hôm nay được gặp thật là may mắn.
Diệu Ngọc nói:
- Trước kia các chị là người sống trong cảnh náo nhiệt. nên tuy ở vườn ngoài tôi cũng không tiện qua lại. Nay nghe nói việc nhà ở đây không được tốt, cụ bà lại ốm. Một phần cũng nhớ chị và luôn tiện đến thăm cô Bảo. Tôi có kể gì cửa các người
đóng hay không. Tôi muốn đến thì đến, tôi không muốn đến thì mặc ai muốn cho tôi đến cũng vô ích.
Tụ Yên cười nói:
- Cô vẫn giữ cái tính khí ấy ?
Hai người vừa đi vừa nói chuyện, đã đến phòng Giả mẫu.
Mọi người thấy cô ta, đều chào hỏi. Diệu ngọc đến trước giường Giả mẫu, hỏi thăm và nói mấy câu chuyện suông. Giả mẫu liền nói:
- Cô là một nữ bồ tát. CÔ xem bệnh tôi có khỏe được hay không
Diệu Ngọc nói:
- Người từ thiện như cụ bà, tuổi thọ còn nhiều. Chẳng qua bị cảm trong chốc lát. Uống mấy liều thuốc chắc sẽ khỏi. Người có tuổi không nên quá lo nghĩ.
Giả mẫu nói:
- Tôi không phải vì thế mà sinh ốm đâu. Tôi là người rất ưa vui. Giờ đây bệnh cũng chẳng sao. Có điều trong bụng cứ đầy tức khó chịu. Vừa rồi. ông thầy thuốc nói vì tức giận sinh bệnh. Cô cũng biết đấy. ai dám làm cho tôi giận? Có phải là cách xem
mạch của ông ta kém không? Tôi đã nói với cháu Liễn. chỉ có ông thầy trước kia nói bị cảm mạo và ăn không tiêu là đúng hơn. Ngày mai cứ mời thầy ấy đến.
Giả mẫu nói đến đó. lại bảo Uyên ương:
- Mày dặn nhà bếp làm một mâm cơm chay cho tinh khiết mời sư phụ ở đây xơi cơm.
Diệu Ngọc nói:
- Tôi đã ăn cơm trưa rồi. tôi không ăn gì đâu.
Vương phu nhân nói:
- CÔ không ăn cũng được, chúng ta ngồi rốn một chốc nói chuyện phiếm cho vui.
Diệu Ngọc nói:
- Đã lâu tôi không gặp các vị cho nên hôm nay đến thăm một chút.
CÔ ta lại nói chuyện một hồi nữa định về, chợt thấy Tích Xuân đứng đấy, liền hỏi:
- Cô Tư sao mà gầy gò thế ? Đừng có ham vẽ quá mà mệt.
Tích Xuân nói:
- Đã lâu nay tôi không vẽ nữa. Cái phòng ở bây giờ không còn sáng láng như hồi ở trong vườn, nên không còn hứng thú gì mà vẽ.
- Bây giờ cô ở đâu ?
- Chính là ngôi nhà ở cái cửa phía đông mà cô vừa đi qua đấy. Cô muốn đến chơi cũng rất gần.
- Lúc nào thích. tôi sẽ đến thăm.
Bọn Tích Xuân tiễn Diệu Ngọc đi ra, vừa quay trở về.
Bỗng nghe a hoàn nói thầy thuốc đang ở trong nhà Giả mẫu. Mọi người hãy tạm ra về.
Không ngờ bệnh Giả mẫu càng ngày càng nặng. Mời thầy chữa chạy đều không công hiệu. về sau lại thêm chứng đi ngoài. Giả Chính hoảng sợ, biết là bệnh khó chữa, liền sai người đến nha môn xin phép nghỉ. Ngày đêm cùng Vương phu nhân hầu hạ
thuốc thang. Một hôm thấy Giả mẫu ăn uống được đôi chút. trong bụng mới hơi dễ chịu. Bỗng thấy có một bà ở ngoài cửa thò đầu vào dòm. Vương phu nhân bảo Thái Vân ra hỏi xem ai. Thái Vân thấy là người đi theo hầu Nghênh Xuân khi về nhà họ Tôn, liền hỏi:
- Bà đến làm gì ?
- Tôi đến đây đã lâu, tìm chẳng được chị nào. Sốt ruột quá nhưng lại không dám hấp tấp.
- Bà sốt ruột vì việc gì Không nhẽ lại vì chuyện cậu rể hành hạ cô tôi à?
- CÔ nguy lắm rồi ? Hôm trước đây lại xảy ra chuyện cãi vã. Cô khóc suốt một đêm. Hôm qua đờm tắc lên cổ. Bọn họ không chịu mời thầy thuốc. Hôm nay lại càng nguy cấp.
- Cụ bà đang ốm bà đừng có làm ầm lên.
Vương phu nhân sợ Giả mẫu nghe lại sinh buồn, vội vàng bảo Thái Vân đưa bà ta ra ngoài mà nói. Không ngờ Giả mẫu trong khi ốm, lòng rất yên tĩnh, nên cũng nghe, liền hỏi:
- Con Nghênh Xuân sắp chết à ?
Vương phu nhân thưa:
- Không phải đâu! Bọn bà già không biết hay dở, nói là hai hôm nay cô ta hơi mệt, sợ là không thể khỏi ngay, đến đây hỏi thăm thầy thuốc.
Giả mẫu nói:
- Ông thầy xem bệnh cho ta khá đấy, mau mau mời ông ta đi
Vương phu nhân liền bảo Thái Vân:
- Mày bảo bà già kia đi thưa với bà Cả.
Bà già đi ra. Trong này Giả mẫu thấy thương hại nói:
- Ba đứa cháu gái ta, một đứa hưởng hết phúc đã chết rồi; con Ba lấy chồng xa không được gặp mặt, con Nghênh Xuân chịu khố, còn mong may ra qua khỏi được. Không ngờ còn trẻ như thế mà đã phải chết, để lại người nhiều tuổi như ta đây, sống làm cái gi.
Bọn Vương phu nhân và Uyên ương khuyên giải một hồi.
Lúc đó, bọn Bảo Thoa và Lý Hoàn không ở trong phòng. Phượng Thư thì dạo này lại ốm. Vương phu nhân sợ Giả mẫu đau xót thêm bệnh, liền sai người gọi bọn họ đến hầu, còn bà ta thì về phòng mình gọi bọn Thái Vân đến quở:
- Mụ ấy không hiểu gì cả ! Sau này ta ở nhà cụ bà thì chúng mày dù có việc gì cũng đừng tới nói.
Bọn a hoàn vâng lời. Không ngờ bà già kia vừa đến bên nhà Hình phu nhân thì người bên ngoài đã đưa tin vào nói: “Cô Hai chết rồi!”
Hình phu nhân nghe nói cũng khóc một hồi. Hiện giờ Giả Xá không ở nhà, đành phải bảo Giả Liễn qua thăm. Mọi người đều biết Giả mẫu ốm nặng nên không ai đám trình lại. Đáng thương cô gái xinh đẹp như hoa, lấy chồng vừa được hơn một năm, không ngờ bị họ nhà Tôn giày vò đến nơi phải chết. Lại vừa gặp ỉúc Giả mẫu ốm nặng, không ai dám rời bước, đành để mặc nhà họ Tôn tống táng qua loa.
Bệnh tình của Giả mẫu ngày một nặng thêm. Bà ta chỉ nhớ bọn cháu gái. Nhớ Tương Vân, liền sai người đến thăm. Người đi thăm về khẽ tìm Uyên ương. Vì Uyên ương ở luôn bên Giả mẫu. Bọn Vương phu nhân cũng đều ở đấy. Đến đó không tiện, người ấy liền ra phía sau tìm Hổ Phách và nói với chị ta:
- Cụ bà nhớ cô Sử, bảo tôi đi thăm. Không ngờ cô Sử đang khóc lóc thảm thiết, nói là cậu rể bị bệnh đột ngột. Các thầy thuốc xem đều nói sợ không khỏi được. Nếu dở chứng lao sẽ còn kéo dài bốn năm năm, vì thế trong bụng cô Sử lo sợ. Cô ta cũng biết cụ bà ốm, nhưng không sang thăm được. CÔ ta còn bảo tôi đừng nói chuyện ấy với cụ bà. Nếu cụ bà có hỏi thì nhờ các chị tìm cách mà thưa lại mới được.
Hổ Phách nghe nói. đằng hắng một cái, không nói gì. Hồi lâu mới nói:
- Chị ra đi thôi.
Hổ Phách thưa lại thì không tiện, định bàn với Uyên Ương liệu cách nói dối, vì thế chị ta mới đến bên giường Giả mẫu, nhưng thấy sắc mặt Giả mẫu đã thay đổi hẳn, người đứng chật nhà, nói thầm với nhau: “xem chừng nguy lắm” vì thế Hổ Phách cũng không dám nói nữa.
Giả Chính khẽ bảo Giả Liễn tới bên cạnh, rồi ghé vào tai dặn mấy câu Giả Liễn vâng lời, khe khẽ đi ra, gọi tất cả bọn người nhà lại và nói:
- Các người mau mau chia nhau đi lo liệu việc cụ thôi. Đầu tiên phải đem quan tài ra xem, để may đồ tang cho đúng. Rồi đến các phòng đo kích thước, áo quần của mọi người, ghi chép rõ ràng, bảo bọn thợ may may áo tang ngay. Những người coi việc làm rạp cũng bàn định sẵn. Nhà bếp cũng phải thêm mấy người nữa.
Bọn Lại Đại nói:
- Thưa cậu, những việc ấy không cần cậu phải bận tâm, chúng tôi đã tính toán đầy đủ cả rồi, nhưng khoản tiền ấy thì lấy vào đâu ?
Giả Liễn nói:
- Khoản tiền ấy không cần lấy ở ngoài. Cụ bà đã để dành lại rồi. Vừa rồi, ý ông lớn muốn lo liệu cho tử tế, tôi nghĩ bên ngoài cũng phải cho đẹp mặt mới được.
Lại Đại vâng lời, phái người chia nhau đi lo liệu.
Giả Liễn lại về phòng mình mà hỏi Bình Nhi:
- Mợ hôm nay ra sao?
Bình Nhi ngoảnh vào trong ra hiệu và nói:
- Cậu vào mà xem.
Giả Liễn đi vào thì thấy Phượng Thư đang định mặc áo, nhưng vì mệt quá, không mặc được, tạm dựa vào cái bàn mà nghỉ.
Giả Liễn nói:
- Sợ mợ không tĩnh dưỡng được nữa đâu. Việc bà chỉ ngày một ngày hai thôi. Mợ không thể nào vắng mặt được. Mau mau bảo người thu xếp đồ đạc trong nhà rồi nên gắng gượng mà sang. Nếu có việc, tôi với mợ còn về nhà được hay sao ?
Phượng Thư nói:
- Nhà mình đây còn có cái quái gì nữa mà thu xếp? Chẳng qua chỉ còn một ít đồ đạc, sợ cái gì ? Cậu sang trước đi. nhỡ ông Hai gọi. Tôi thay áo rồi sẽ sang sau.
Giả Liễn đi trước tới phòng Giả mẫu nói nhỏ với Giả Chính:
- Mọi người đều cắt đặt xong xuôi rồi.
Giả Chính gật đầu. Bên ngoài lại báo tin:
- Thầy thuốc đã đến.
Giả Liễn đón vào xem mạch, hồi lâu thầy thuốc ra nói nhỏ với Giả Liễn
- Mạch của cụ bà kém lắm, cần phải đề phòng.
Giả Liễn hiểu ý, nói cho bọn Vương phu nhân biết.
Vương phu nhân vội vàng đưa mắt cho Uyên ương, hảo cô ta sắp đặt sẵn sàng quần áo của cụ bà. Uyên ương vội vàng đi sửa soạn. Giả mẫu mở mắt đòi uống nước. Hình phu nhân liền bưng lại một chén nước sâm. Giả mẫu vừa ghé miệng uống. liền nói:
- Không cần cái ấy, rót một chén trà lại đây ta uống.
Mọi người không dám trái lời, vội vàng đưa trà lại. Giả Mẫu uống một hớp lại đòi uống hớp nữa, liền nói:
- Ta muốn ngồi dậy.
Giả Chính nói:
- Mẹ cần cái gì cứ nói, không cần phải ngồi dậy thì hơn.
Giả mẫu nói:
- Ta uống hớp nước, trong bụng hơi đỡ, nên muốn ngồi dựa một tý để nói chuyện với các con.
Bọn Trân Châu lấy tay nhẹ nhàng đỡ dậy, xem chừng tinh thần của Giả mẫu lúc đó hơi khá.
Hồi 110:
Sử Thái quân tuổi già về nơi địa phủ
Vương Hy Phượng sức kiệt làm mất lòng người
Giả mẫu ngồi dậy và nói:
- Ta về nhà đây đã hơn sáu mươi năm, phúc cũng hưởng hết rồi. Từ cha con đến con cháu cũng đều tốt cả. Nhất là Bảo Ngọc, ta thương yêu nó lâu nay...
Nói đến đó, bà ta mở to mắt nhìn khắp mọi nơi, Vương phu nhân đẩy Bảo Ngọc đến trước giường.
Giả mẫu giơ tay từ trong chán ra. nấm lấy Bảo Ngọc và nói
- Cháu ơi, cháu phải làm nên mới được.
Bảo Ngọc miệng vâng dạ, trong lòng đau xót, nước mắt trào ra nhưng lại không dám khóc, đành phải đứng đấy. Giả Mẫu lại nói:
- Ta trông thấy đứa chắt nữa thì sẽ an tâm. Chắt Lan đâu rồi?
Lý Hoàn cũng đẩy Giả Lan lại gần.
Giả mẫu buông Bảo Ngọc nắm lấy Giả Lan và nói:
- Chắt phải hiếu thuận với mẹ nhé ? Sau này chắt nên người cũng phải để cho mẹ chắt mở mày mở mặt một chút ? Con Phượng đâu rồi?
Phượng Thư đang đứng một bên, vội vàng chạy lại trước mặt và nói:
- Cháu đây ạ.
- Cháu ơi. cháu thông minh quá, sau này nên tu lấy phúc nhé! Ta cũng không hề tu gì, chẳng qua lòng ngay thiệt đấy thôi. Những việc ăn chay niệm phật, ta cũng không hay làm. Năm trước đây ta có bảo viết kinh Kim Cương đưa cho mọi người, không biết đã đưa xong chưa?
- Chưa ạ.
- Phải làm xong cho sớm mới phải. Ông Cả nhà ta và cháu Trân thì ở ngoài vui vẻ rồi, ta chỉ giận là con Sử vô tình, tại sao nhất định không đến thăm ta ?
Bọn Uyên ương biết rõ duyên cớ nhưng đều không dám nói.
Giả mẫu lại nhìn Bảo Thoa, thở dài, sắc mặt đỏ lên. Giả Chính biết là Giả mẫu sắp tắt thở, vội vàng bưng nước sâm đến. Giả mẫu đã cắn chặt răng và nhắm mắt lại; một lát lại mở to mắt nhìn khắp nhà. Vương phu nhân và Bảo Thoa chạy lại, nhè nhẹ đỡ lấy. Hình phu nhân và Phượng Thư vội vàng mặc áo. Bọn Bà già đã đặt giường và trải chăn nệm sẵn sàng. Nghe trong cổ Giả mẫu hơi khò khè và trên mặt mỉm cười, rồi tắt thở, thọ tám mươi ba tuổi. Bọn bà già vội vàng đặt nằm lên giường. Bọn Giả Chính quỳ một hên ở ngoài. Bọn Hình phu nhân quỳ một bên ở nhà trong. Mọi người đều cất tiếng khóc. Người nhà ở ngoài đều đã sắp đặt mọi việc sẵn sàng. Khi nghe tin trong này truyền ra thì khắp trong ngoài, cánh cửa mở toang, dán toàn giấy trắng. Lập tức đựng rạp tang và lầu tế ở ngoài cửa lớn. Ngay đó các người trên dưới đều mặc đồ tang.
Giả Chính báo tin về việc mẹ chết. Bộ lễ tâu lên. Nhà vua là người rất nhân hậu. Nghĩ bà ta dòng dõi nhà công thần, lại là bà nội của Nguyên phi nên ban thưởng một ngàn lạng bạc, và sai bộ lễ chủ tế. Người nhà báo tang đi các nơi. Bà con bạn hữu tuy biết họ Giả đã suy, nhưng nay thấy nhà vua ban ơn hậu hĩ, nên đều đến thăm viếng. Chọn giờ tốt nhập liệm, rồi đặt linh cữu giữa nhà chính.
Giả Xá không ở nhà. Giả Chính làm trưởng; Bảo Ngọc, Giả Hoàn và Giả Lan là cháu chắt ruột lại còn ít tuổi nên đều phải ở luôn bên linh cữu. Giả Liễn tuy cũng là cháu ruột. nhưng phải cùng với Giả Dung lo cắt đặt người nhà làm việc. Tuy có mời một số đàn ông, đàn bà họ ngoại đến trông nom, nhưng bọn Hình phu nhân, Vương phu nhân, Lý Hoàn, Phượng Thư, Bảo Thoa, đều phải ở bên linh sàng khóc lóc; Vưu thị tuy có thể trông nom nhưng từ khi Giả Trân đi rồi, chị ta ở nhờ phủ Vinh, lâu nay việc gì cũng không dám đảm đang. Vả lại việc ở đây cũng không thông thạo lắm. Vợ Giả Dung thì không cần phải nói nữa. Tích Xuân còn ít tuổi, tuy rằng lớn lên ở nhà này, nhưng đối với việc nhà, cô ta không biết gì cả. Thành ra, ở trong chẳng có một người nào trông nom. Chỉ có Phượng Thư là người có thể trông nom công việc bên trong. Vả lại Giả Liễn làm chủ ở ngoài, trong ngoài do hai vợ chồng trông nom cũng là hợp lý. Trước kia, Phượng Thư cậy tài, nghĩ rằng khi bà cụ chết, mình sẽ có dịp để trổ tài làm việc. Hình phu nhân và Vương phu nhân vốn biết chị ta đã từng lo việc tang Tần thị nên tin rằng thế nào chị ta cũng làm được chu đáo, vì thế hai người vẫn bảo Phượng Thư coi hết mọi việc bên trong. Phượng Thư không thể từ chối, cố nhiên là phải nhận lời. Chị ta nghĩ: “Việc nhà đây vốn do mình coi, bọn người nhà đều là tay chân của mình. Người nhà của bà Cả và chị Trân vốn khó sai bảo, thì nay đều đi cả rồi. Khoản tiền dù không có đối bài, nhưng đã sẵn sàng từ trước. Việc ở ngoài lại do cậu ấy lo liệu. Mặc dầu người mình không được khỏe, nhưng cũng không đến nỗi để người ta chê bai. Thế nào cũng còn lo liệu chu tất hơn khi ở phủ Ninh nữa.”Trong bụng chị ta đã định sẵn, chờ đến ngày mai nhận việc rồi sáng hôm sau sẽ cắt đặt công việc. Chị ta sai vợ Chu thụy chuyển lời ra để lấy danh sách gia nhân vào xem.
Phượng Thư xem kỹ thì thấy hầu trai chỉ có hai mươi mốt người, hầu gái chỉ có mười chín người, còn đều là bọn a hoàn. Tính hết các phòng, số a hoàn cũng chỉ có hơn ba mươi người, thật khó cắt đặt công việc. Chị ta nghĩ: “lần này là việc bà mình, mà lại không đông người bằng ở phủ đông trước kia”. Rồi chị ta lại cho gọi thêm mấy người ở các trại đến, nhưng cũng vẫn không đủ sai khiến
Phượng Thư đang suy tính thì thấy một a hoàn nhỏ đến nói:
- Chị Uyên ương nói muốn gặp mợ.
Phượng Thư đành phải sang thì thấy Uyên ương khóc lóc, nước mắt dầm dề. Chị ta nắm ngay lấy Phượng Thư và nói:
- Mời mợ ngồi, cho tôi lạy mợ, tuy rằng trong khi có tang không làm lễ. nhưng tôi vẫn cần phải lạy.
Uyên Ương nói rồi quỳ xuống. Phượng Thư vội vàng đỡ lấy và nói:
- Lạy lục gì thế ? Có việc gì chị cứ nói cho rõ.
Uyên ương vẫn quỳ. Phượng Thư kéo dậy. Uyên ương nói:
- Cụ bà mất. tất cả mọi việc trong ngoài đều do cậu và mợ lo liệu. Tiền bạc thì cụ bà đã để lại. Suốt đời cụ bà cũng không hề xa phí gì, giờ đây xảy đến việc lớn này, nhất thiết xin mợ lo liệu cho có bề thế một tý mới được. Vừa rồi tôi nghe ông lớn nói những “thi vân, tử viết” gì đó. tôi cũng không hiểu. Lại nghe nói: “đám tang. thà buồn thương hơn là bày biện linh đình”. Tôi lại càng không rõ ràng. Tôi hỏi mợ Hai Bảo, thì mợ ấy nói: “ý của ông lớn cho rằng, tang của cụ bà chỉ cần thương buồn mới là thực hiếu, không nên nghĩ đến việc xa phí nhiều để rầy thể diện.” Tôi nghĩ người như cụ bà, sao lại không nên làm cho có thể diện. Tôi tuy là con hầu, dám nói sao được? Nhưng mà cụ bà lâu nay thương yêu mợ và tôi, giờ đến khi chết lại không để cho người được mát mặt một chút hay sao? Tôi nghĩ mợ là người có tài lo liệu việc lớn, cho nên tôi mời mợ đến làm chủ. Tôi sống theo hầu cụ bà. Nay cụ bà chết rồi, tôi cũng xin đi theo hầu cụ bà! Nếu công việc không lo liệu ra sao, thì sau này tôi còn mặt mũi nào mà gặp cụ bà nữa?
Phượng Thư nghe câu nói kỳ quặc, liền nói:
- Chị cứ yên tâm, muốn cho có thể diện thì khó gì. Tuy ông lớn nói muốn tằn tiện, nhưng nề nếp cũng phải giữ. Dẫu có đem hết số tiền ấy lo về việc cụ bà thì cũng là phải.
- Cụ bà trối lại rằng: những cái gì còn thừa sẽ để lại cho chúng tôi. Nếu mợ tiêu không đủ thì xin cứ đem những cái ấy bán đi mà bù vào. Dầu ông lớn có nói gì. cũng không thể trái lời trối lại của cụ bà. Vả lại lúc cụ bà dặn dò không phải là ông lớn cũng ở đó và cũng nghe thấy hay sao ?
- Chị lâu nay vốn rất sáng suốt, tại sao giờ đây lại cuống quít lên như thế?
- Không phải tôi cuống quít, nhưng vì bà Cả thì cứ để mặc, ông lớn thì sợ tiếng tăm. Nếu trong bụng mợ mà cũng nghĩ như ông lớn cho là nhà đã bị tịch thu mà đám tang còn linh đình như thế, không khéo sau này sẽ bị tịch thu nữa. Rồi không nghĩ gì đến cụ bà, thì còn ra thế nào? Tôi là con hầu, hay dở cũng không can gì, rút cục vẫn là quan hệ đến tiếng tăm ở đây !
- Tôi biết rồi. Chị cứ yên lòng. Đã có tôi.
Uyên ương hết sức cảm tạ và căn dặn mãi.
Phượng Thư đi ra, nghĩ bụng: “con Uyên ương kỳ quặc thật ? chẳng biết ý nó như thế nào? Cứ lý ra thì việc của bà mình cần phải có thể diện mới được. Chà ? Hãy mặc nó, mình cứ theo khuôn khổ nhà mình trước mà làm”. Rồi chị ta sai vợ Lai Vượng chuyển lời ra mời cậu Hai vào. Một lát Giả Liễn đi vào, hỏi:
- Tìm tôi làm gì ? Mợ ở trong này trông nom đôi chút là được. Đã có ông Hai làm chủ, ông nói thế nào thì mình cứ làm thế.
- Cậu cũng nói như thế, có phải là lời của Uyên ương ứng nghiệm rồi đấy không ?
- Uyên ương nói cái gì ?
Phượng Thư đem chuyện Uyên ương mời mình qua thuật lại đầu đuôi. Giả Liễn nói:
- Lời nói của bọn chúng kể làm gì ! Vừa rồi chú gọi tôi đến bảo: “Việc của bà đáng lẽ phải làm cho thật bề thế, nhưng người biết ra thì nói là tiền của bà để lại lo cho mình, người không biết lại nói chúng mình thu giấu đi, nên bây giờ rất là dư dật. Số bạc của bà dùng không hết, ai còn dám lấy, vẫn cứ phải dùng cho bà. Bà ở phương Nam tuy có đất mộ, mà chưa có lăng tẩm. Linh cữu của bà cần đưa về Nam. Dành số bạc đó để xây dựng một ít nhà cửa bên lăng tổ, còn thừa thì mua ít ruộng tế, rồi chúng ta về ở đấy cũng hay; dầu không về thì để cho những người nghèo đói trong họ đến ở. Cũng tiện cho việc lo hương khói cúng tế.” Mợ nghĩ xem, nói thế không phải là đúng đắn hay sao? Không nhẽ đem xài hết cả đi hay sao?
- Bạc đã phát ra chưa?
- Ai thấy bạc biếc gì đâu. Tôi thấy mẹ nghe lời nói của chú thì hết sức xui giục thím và chú, cho rằng: “ý ấy rất hay”. Thế thì bảo tôi còn biết làm thế nào. Hiện nay việc làm rạp bên ngoài cần phải chi mấy trăm bạc mà cũng chưa có đồng nào. Tôi đi hỏi thì họ nói có đấy, nhưng bảo bên ngoài hãy biện lấy, rồi sau sẽ tính. Mợ nghĩ xem, bọn tôi tớ, thằng nào có tiền thì chuồn mất rồi. Theo số mà gọi, người thì nói ốm, người thì nói xuống trại, còn lại mấy người không chuồn được thì chỉ có tài bòn tiền, làm gì chịu xuất tiền.
Phượng Thư nghe nói. ngơ ngác một hồi lâu, rồi nói:
- Thế thì còn lo liệu quái gì được?
Đang nói thì thấy một a hoàn đến nói:
- Bà Cả bảo hỏi mợ Hai, nay đã đến ngày thứ ba rồi, mà trong này còn rối beng. Cúng cơm rồi còn bắt bà con chờ hay sao? Gọi một hồi lâu, được thức ăn thì thiếu cơm, lo liệu thế nào lại như thế?
Phượng Thư vội vàng đi vào quát bảo người tới hầu, làm qua loa cho xong bữa cơm sớm. Ngày hôm đó. bà con lại tới rất đông, mà bọn người nhà bên trong đều trừng mắt trợn mày, đứng ỳ ra đó. Phượng Thư đành phải ở đấy trông nom. Lại nhớ đến cắt đặt người làm việc, chị ta vội vàng đi ra, bảo vợ Lai Vượng gọi bọn hầu gái đến đầy đủ, chia công việc cho tất cả mọi người. Họ vâng dạ nhưng vẫn đứng im. Phượng Thư nói:
- Bây giờ là lúc nào rồi mà các người còn chưa dọn cơm?
Mọi người nói:
- Dọn cơm thì dễ, nhưng phải đưa đồ đạc trong ấy ra, chúng tôi mới sắp đặt được chứ.
Phượng Thư nói:
- Đồ lẩn thẩn! Khi chia công việc cho các người xong rồi thì thế nào cũng có
Họ đành phải miễn cưỡng vâng lời.
Phượng Thư lập tức lên nhà trên để lấy các vật cần dùng, định đi hỏi Hình phu nhân và Vương phu nhân. Nhưng thấy người đông khó nói, mà xem chừng trời đã xế bóng rồi, chị ta đành phải đi tìm Uyên ương, định lấy một số đồ đạc của Giả mẫu để lại.
Uyên ương nói:
- Mợ còn hỏi tôi à? Năm nọ cậu Hai đem cầm đi, đã chuộc về chưa?
- Không cần đồ vàng đồ bạc, chỉ cần một số đồ thường dùng thôi.
- Những cái bên nhà bà Cả và mợ Trân dùng, lấy ở đâu ra đấy?
Phượng Thư nghĩ lại, quả nhiên không sai. Đành phải chạy đi tìm bọn Ngọc Xuyến và Thái Vân ở bên nhà Vương phu nhân, lấy được một số đồ đạc, vội vàng bảo Thái Minh ghi sổ rồi phát cho mọi người giữ lấy.
Uyên ương thấy Phượng Thư luống cuống như thế. gọi trở lại cũng không tiện, nghĩ bụng: “Mợ ta trước kia làm việc lanh lợi và chu đáo biết dường nào, sao nay bị lúng ta lúng túng như thế? Mình xem ba bốn hôm nay, mợ ấy cứ lẩm ca lẩm cẩm. Thật là phụ lòng thương yêu của cụ bà!” Chị ta nghĩ vậy. chứ có biết đâu, Hình phu nhân khi nghe lời nói của Giả Chính, hợp với ý mình, đang lo cho việc nhà sau này khó khăn. chỉ trông mong để lại ít nhiều mà lo liệu việc sau. Vả lại việc của Giả mẫu vốn là do con trưởng làm chủ, Giả Xá tuy không ở nhà, nhưng Giả Chính là người câu nệ, gặp việc gì cũng cứ nói: “ Hỏi bà Cả xem sao?” Hình phu nhân vốn biết Phượng Thư ăn tiêu rộng rãi. Giả Liễn thì lại hay dở trò ma, nên cố chết nắm chặt lấy.
Uyên ương chỉ nghĩ trong số bạc ấy đã phát ra rồi. Nên thấy Phượng Thư lúng túng như thế thì cho là không chịu hết lòng, liền ngồi bên linh sàng của Giả mẫu khóc lóc kể lể luôn miệng.
Hình phu nhân nghe trong lời khóc của chị ta có ý oán trách. Bà ta không nghĩ đến việc mình không cho Phượng Thư tùy ý làm việc, lại nói đổ:
- Con Phượng quả thật không chịu hết lòng?
Đến đêm, Vương phu nhân gọi Phượng Thư đến và nói:
- Nhà mình tuy nói là sa sút, nhưng thể diện bên ngoài cũng phải giữ. Hai ba hôm nay người qua kẻ lại, ta xem bọn người kia trông nom không đến nơi đến chốn. Chắc là chị không đặn dò họ. Chị phải chịu khó lo hộ mới được?
Phượng Thư nghe nói, ngơ ngác một lúc, định nói rõ rằng không đủ tiền bạc chi tiêu, nhưng việc tiền nong là việc ở người khác lo còn Vương phu nhân nói đây là việc trông nom không cllu đáo Vì vậy Phượng Thư chỉ đứng im không dám cãi lại.
Hình phu nhân ngồi một bên, nói:
- Đúng lý ra thì bọn con dâu chúng ta đây phải lo liệu, chứ không phải là việc của cháu dâu. nhưng bọn chúng ta không rành nên phải nhờ chị. Chị đừng có làm cái lối buông phóng tay đấy
Phượng Thư mặt đỏ bầm lên, đang định trả lời, thì nghe bên ngoài tiếng nhạc nổi lên, đã đến lúc hoàng hôn phải đốt vàng. Mọi người đều cất tiếng khóc, nên không nói được. Phượng Thư vốn nghĩ chốc nữa sẽ nói, nhưng Vương phu nhân giục chị ta đi lo liệu và nói:
- Ở đây đã có chúng ta rồi. Chị mau mau đi lo liệu việc ngày mai đi thôi.
Phượng Thư không dám nói nữa, đành phải buồn rầu nuốt lệ đi ra, rồi cho gọi mọi người đến đầy đủ. Dặn dò một hồi và nói
- Các bà, các thím thương tôi với. Tôi đã bị trên quở trách, là vì các người không trông nom đầy đủ, làm cho người ta chê cười. Ngày mai các người cố chịu khó nhọc thêm một tý.
Bọn người nhà trả lời:
- Mợ lo liệu công việc, không phải chỉ mới một lần này. Chúng tôi có dám ngang trái đâu. Nhưng mà công việc lần này, bề trên làm lôi thôi quá? Ngay như việc hầu hạ bữa cơm này, người thì ăn ở đây; người thì đòi ăn ở nhà. Mời được bà này, thì mợ kia lại không đến. Việc linh tinh như thế, làm sao cho chu đáo được? Xin mợ hãy khuyên các cô kia đừng bới móc quá mới được
- Thứ nhất là bọn a hoàn của cụ bà khó nói, mà bọn a hoàn của các bà cũng thế, thì còn bảo tôi nói với ai nữa?
- Trước đây ở phủ Đông chẳng qua mợ chỉ làm thay, mà còn đánh, còn mắng họ, đanh thép như thế. Ai dám không nghe? Bây giờ lại không trị nổi các cô ấy à?
Phượng Thư thở dài:
- Việc ở phủ Đông, tuy ta làm thay. Các bà cũng có ở đấy, nhưng không ai nói gì. Giờ đây việc của nhà mình, lại là việc chung, ai nói cũng được. Vả chăng việc tiền nong ở ngoài cũng chẳng thuận tiện gì. Ngay ở trong rạp cần có một vật, chuyển lời ra gọi mãi mà bên ngoài vẫn chẳng thấy đưa vào. Bảo tôi còn có cách nào nữa?
- Cậu Hai ở ngoài. còn sợ không đưa vào đầy đủ hay sao?
- Còn nhắc cái đó nữa à? Cậu ấy ở ngoài ấy cũng lúng túng. Trước hết là tiền không có trong tay, muốn làm việc gì là phải trình báo thì thuận tiện sao được?
- Số tiền của cụ bà không ớ trong tay cậu Hai à?
- Chốc nữa các người hỏi mấy người coi việc thì rõ.
- Chẳng trách chúng tôi nghe bọn đàn ông bên ngoài oán trách, nói: “Việc lớn như thế này mà bọn mình không sờ mó được được chút gì. Chỉ chịu khổ suông, thì người ta dốc lòng sao được?”
- Bây giờ không cần nói nữa. Công việc trước mắt các người để ý cho với. Nếu để bề trên còn quở trách thì tôi không nghe cho đâu.
- Mợ định như thế nào. chúng tôi dám oán trách đâu? Nhưng mà bề trên mỗi người mỗi ý, chúng tôi thật khó mà lo liệu chu đáo được.
Phượng Thư nghe nói cũng chẳng có cách gì. đành phải năn nỉ với họ:
- Các bà ạ? Ngày mai hãy giúp tôi một hôm. Tôi làm cho các cô ấy một mẻ thì mới xong.
Mọi người nghe lời đi ra.
Phượng Thư trong bụng uất ức càng nghĩ càng tức. Mãi đến khi trời sáng lại phải dậy trông nom. Chị ta định răn bảo bọn người ở các nhà. lại sợ Hình phu nhân đâm giận; muốn nói với Vương phu nhân thì khốn nổi lại bị Hình phu nhân ton hót, xui giục. Bọn a hoàn thấy Hình phu nhân không bênh vực Phượng Thư, nên càng giày vò chị ta. May có Bình Nhi bày tỏ hộ cho Phượng thư. Chị ta nói:
- Mợ Hai cũng chỉ cốt trông nom lo liệu cho tử tế. nhưng vì ông lớn và các bà dặn bảo bên ngoài không được xa phí. cho nên mợ Hai cũng không thể lo liệu cho đến nơi đến chốn được.
Bình Nhi nói đi nói lại mấy lần. nên họ mới hơi yên.
Mọi việc như mời hòa thượng đọc kinh sám hối, điếu tế cúng cơm liên tiếp không ngớt, nhưng rút cục vì chi tiêu keo sẻn quá nên không ai chịu hăng hái, chẳng qua chỉ làm qua loa cho xong chuyện. Liên tiếp mấy ngày, các vi vương phi và các hà quan tới rất đông. Phượng Thư cũng không thể lên trên trông nom, chỉ ở dưới nhà sắp đặt. Gọi được người này thì người khác chạy mất. Phượng Thư hết gào thét lại van xin. làm xong việc này lại lo đến việc khác, chưa nói bọn Uyên ương thấy việc đinh đám chẳng ra sao đâm bực mình. mà chính trong lòng Phượng Thư rất là áy náy. Hình phu nhân tuy nói là dâu cả, nhưng cứ lấy cớ bốn chữ ”thương xót là hiếu” nên việc gì cũng cứ để mặc. Vương phu nhân đành phải theo Hình phu nhân mà làm. Còn các người khác thì không cần phải nói nữa.
Chỉ có Lý Hoàn thấy rõ nỗi khổ tâm của Phương Thư. nhưng lại không dám nói, chỉ than thở một mình: tục ngữ có câu: “hoa mẫu đơn dầu đẹp, toàn nhờ lá xanh nâng niu. Các bà mà không nhờ thím Phượng thì đời nào họ còn giúp cho nữa? Nếu cô Thám Xuân ở nhà còn khá. nhưng bây giờ chỉ còn có mấy người nhà thím ấy lo suông; trước mặt sau lưng, ai cùng oán trách. Họ nói một đồng tiền không vớ được, thể diện cũng chẳng còn chút nào! Ông lớn thì chỉ một mực lo tròn chữ hiếu. Mọi việc không thông hiểu lắm. Việc lớn như thế. không bỏ ra ít tiền mà lo liệu thì xong. được hay sao? Thật đáng thương cho thím Phượng ăn lo mấy năm trời, không ngờ nay đến việc cụ bà. có lẽ không gĩư được thể diện nữa đấy”.
Vì thế. nhân lúc rảnh, chị ta gọi người nhà lại và dặn:
- Bọn các người đừng có bắt chước người ta quấy rầy mợ Hai Liễn. Đừng tưởng rằng các người mang áo tang, ngồi khóc lóc bên linh cữu là việc lớn đâu. Nếu thấy họ lo liệu không kịp thì phải dúng tay và làm giúp cũng là nên. việc là việc chung, mọi người đều phải ra sức.
Những người vốn phục Lý Hoàn đều vâng lời và nói:
- Mợ cả nói rất đúng, chúng tôi cũng không dám như thế. Nhưng nghe giọng nói cô Uyên ương xem chừng oán trách mợ Hai LIễn đấy.
Lý hoàn nói:
- Tôi cũng nói với cô Uyên ương rồi, Tôi bảo mợ Hai lIễn hoàn toàn không phải không hết lòng với việc cụ bà, nhung tiền bạc không ở trong tay mợ ấy, bảo nàng dâu có khéo mấy cũng không thể nấu cháo nếu không có gạo. Nay Uyên Uơng đã biết rồi nên cũng không trách mợ ta nữa. Nhưng bộ dạng Uyên ương không giống như trước, thật là kỳ quái. Lúc cụ bà thương yêu, chị ta không hề làm oai phúc gì cả, bây giờ cụ bà chết rồi, chị ta không có người để dựa nữa, thế mà tôi xem tính khí chị ta lại không hiền lành như trước. Trước đây tôi lo thay cho chị ta, bây giờ may mà ông Cả không có nhà, nếu không thì lại xảy ra chuyện.
Đang trò chuyện thì Giả Lan chạy đến nói:
- Mẹ đi ngủ đi thôi. Từ sáng đến giờ người qua khách lại, mẹ mệt lắm rồi, nên nghỉ một chút. Mấy ngày nay con không sờ đến sách, hôm nay ông bảo con về nhà ngủ, con mừng quá, phải ôn lại một vài quyển mới được, kẻo đến khi hết trở lại quên hết.
Lý hoàn nói:
- Con ạ, đọc sách cố nhiên là rất phải, nhưng hôm nay hãy nghỉ đã, chờ đưa đám cố xong sẽ học.
- Mẹ muốn ngủ thì con ngủ, nhưng nằm trong chăn ôn nhớ lại cũng được.
Mọi người nghe nói đều khen:
- Anh giỏi thật. sao mới chừng ấy tuổi mà lúc nào cũng nhớ đến sách? Chẳng bù với cậu hai bảo, có vợ rồi mà vẫn tính khí trẻ con. Mấy hôm nay theo ông lớn quỳ. xem chừng cậu ta khó chịu lắm, chỉ mong ông lớn quay người đi một tý là chạy đi tìm mợ Hai. không biết rầm rầm rì rì nói những chuyện gì. Thậm chí cậu ấy làm cho mợ Hai cũng không nhìn nữa. Cậu ấy lại đi tìm cô Cầm. Cô Cầm cũng tránh đi. CÔ Hình cũng ít nói chuyện với cậu ta lắm. Chi có người họ nhà mình là cô Hỷ và cô Tư nào đó cứ một anh hai anh, trò chuyện thân mật với cậu ta. Chúng tôi xem chừng cậu hai Bảo trừ việc quấn quít với các mợ, các cô ra, có lẽ trong bụng chẳng nghĩ đến việc gì khác. Thật là phụ lòng cụ bà đã trót thương yêu cậu ta lớn bằng chừng ấy. Thật cậu ấy không bằng anh Lan lấy một ly. Mợ Cả sau này không phải lo gì nữa.
Lý Hoàn nói:
- Nó dù khá, nhưng vẫn còn nhỏ. Chỉ lo khi nó lớn lên, nhà mình chẳng biết rồi ra thế nào! Còn thằng Hoàn thì các người xem ra sao?
- Cái anh ấy thì lại càng chẳng ra gì nữa. Hai mắt cứ y như là mắt khỉ sống, hết liếc bên này lại liếc hên kia. Tuy là gào khóc ở đây, nhưng khi thấy các mợ các cô đến, anh ta ở trong màn tang cứ liếc mắt nhìn trộm!
- Thực ra thì tuổi nó cũng lớn rồi. Trước đây nghe nói định dạm vợ cho nó đấy. nhưng bây giờ lại phải chờ rồi. ái chà? Còn có một việc: những người của nhà chúng ta đây, tôi xem thì nói cũng không hết lời được! Hãy khoan nói chuyện dông dài, hôm sau đi đưa đám thì xe cộ các phòng như thế nào ?
- Mợ hai Liễn mấy hôm nay công việc bối rối, như người mất hồn, cũng không thấy nhắc nhở gì cả. Hôm qua nghe bọn đàn ông ở ngoài nói: “cậu Hai sai cậu Tường lo liệu, bảo rằng xe nhà mình không đủ, mà người đẩy xe cũng ít, phải đi mượn xe của nhà bà con đấy.”
- Xe cũng mượn được à?
- Mợ lại nói đùa rồi, sao lại không mượn được? Nhưng hôm đó tất cả bà con đều dùng xe, chỉ sợ khó mượn, có lẽ phải thuê nữa ấy.
- Xe những người bề dưới ngồi thì đành phải thuê, còn xe trắng người bề trên ngồi cũng thuê được hay sao ?
- Hiện giờ bà Cả, mợ Cả ở phủ Đông và mợ Dung bé đều không có xe, không thuê thì làm gì có?
Lý Hoàn nghe nói, than thở:
- Trước kia hễ thấy các mợ, các bà con nhà mình ngồi xe thuê thì bọn mình đều chê cười, giờ đây đến lượt mình rồi ? Các chị ngày mai nói với các anh: “sửa soạn xe ngựa của chúng tôi cho sớm để khỏi chen chúc.”
Mọi người vâng lời đi ra.
Sử Tương Vân vì chồng ốm, sau khi Giả mẫu chết chỉ đến có một lần. Bấm đốt ngón tay, hôm sau là ngày đưa đám, không thể không đến, lại thấy chồng đã mắc bệnh lao, tạm thời chưa can gì, nên trước hôm đưa đám một ngày thì cô ta sang. Nghĩ đến ngày thường Giả mẫu thương yêu mình, lại nghĩ đến số mình khổ sở vừa lấy được người chồng tài mạo song toàn, tính tình hòa nhã, không ngờ mắc phải chứng bệnh oan nghiệt, chỉ còn chờ từng ngày mà thôi, nên càng thêm đau xót. Cô ta khóc mãi đến nửa đêm. bọn Uyên ương cố khuyên lơn an ủi mãi.
Bảo Ngọc nhìn thấy cô ta, cũng khôn xiết đau lòng, nhưng tới khuyên thì không tiện, thấy cô ta án mặc đồ trắng, son phấn không xoa, mà so với lúc chưa đi lấy chồng còn đẹp hơn nhiều. Ngoảnh lại, thấy bọn Bảo Cầm cũng đều ăn mặc đồ trắng mà phong vận tuyệt vời. Riêng nhìn đến Bảo Thoa thì thấy chị ta mặc toàn đồ tang, cái dáng điệu phong nhã so với khi ăn mặc hoa hòe lại càng khác hẳn. Bảo Ngọc nghĩ bụng: “Người xưa nói: muôn hồng ngàn tía. rút cục phải nhường hoa mai làm đầu. Xem ra thì chẳng những hoa mai nở sớm, mà bốn chữ “Sạch, trắng, trong, thơm” thật không có gì bì kịp. Nhưng nếu lúc này mà có em Lâm, cũng ăn mặc như thế, thì không biết còn xinh đẹp đến thế nào nữa!
Bảo Ngọc nghĩ đến đó, cảm thấy trong lòng chua xót, nước mắt trào ra. Nhân tiện có việc tang Giả mẫu. nên cất tiếng khóc to lên cũng không ngại gì.
Mọi người đang khuyên Tương Vân, thì thấy phía ngoài lại thêm một người khóc nữa. Ai cũng tưởng là anh ta nghĩ đến Giả mẫu thương yêu, cho nên khóc lóc. Không biết rằng hai người đều có nổi đau xót riêng của mình. Lần khóc này làm cho cả nhà ai cũng đều rơi lệ. Tiết phu Nhân và thím Lý khuyên mãi mới thôi.
Ngày sau là ngày chực đêm càng thêm nhộn nhịp. Hôm đó Phượng Thư không gắng gượng nổi, cũng chẳng có cách gì đành phải cố hết sức, đến nỗi gào mãi khản cả cổ, bôi bác qua loa nửa ngày: Đến buổi chiều. bà con bạn hữu đến càng đông, công việc càng tới tấp, nhìn trước mất sau. Phượng Thư đang hoảng lên, thì thấy một a hoàn nhỏ chạy tới, nói:
- Mợ Hai ở đây à? Chẳng trách bà Cả nói: trong nhà nhiều người mà trông nom không xiết, mợ Hai thì tránh đi cho khỏe rồi.
Phượng Thư nghe câu nói ấy, cố gắng nén nỗi bực tức, nước mắt trào ra, cảm thấy trước mặt tối sầm, trong cổ ngòn ngọt, liền hộc máu tươi ra, người đứng không vững, ngã xuống đất. May có Bình Nhi vội vàng chạy lại đỡ lấy, thấy Phượng Thư cứ hộc mãi ra từng cục máu.
Tào Tuyết Cần
Dịch giả: Dư Anh Thời
Theo https://www.sachhayonline.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tìm lấy tay nhau trong nỗi tái tê đau buốt phận người Chúng ta nói với nhau về nỗi nhớ dòng sông/ nơi chúng ta gửi xuống những khát khao...