Thủy hử 6
Hồi 26:
Đường Mạnh Châu, Mẫu Dạ Thoa bán thịt người;
Bờ Thập Tự, Võ Đô Đầu gặp hảo hán.
- Tôi đây vì việc báo thù mà phải giết người phạm tội, thân
này dẫu chết cũng cam, duy từ đây trở đi tính mệnh của tôi, phỏng còn sống nữa
hay không, cũng chưa biết được. Vậy nhân đây tôi muốn siêu hóa các đồ thờ tự Ca
Ca tôi, còn các vật liệu trong nhà, thì xin nhờ các ngài đem bán giúp cho, để lấy
tiền theo đòi việc kiện. Bây giờ ta sẽ vào huyện thú nhận các lễ, sau đó tội
tình thế nào đã có Quan trên xét đoán, duy các ngài thì cứ lấy sự thực làm chứng
giúp cho.
Nói đoạn liền đem các đồ thờ tự, bài cúng vàng mã mà siêu hóa
hết cả, rồi lên gác lấy hai cái hòm xuống mở ra, đưa các đồ vật cho bốn người
hàng phố thu nhận để bán giúp. Đoạn rồi xách hai cái đầu người, và lôi cổ Vương
bà và dẫn bốn người đi thẳng vào huyện.
Hôm đó cả huyện Dương Cốc đều kéo nhau đi xem đông lắm không
biết đâu mà kể. Võ Tòng đến công đường bắt Vương bà quỳ xuống trước giữa thềm,
rồi chàng đặt hai cái đầu gian phu dâm phụ, cùng đặt con dao mà quỳ xuống thềm
bên tả; còn bốn người hàng phố quỳ sang bên hữu dưới thềm. Võ Tòng lấy tờ giấy
của Hồ Chánh Khanh viết lúc trước đem ra trình, rồi kêu rõ đầu đuôi cho quan
huyện nghe.
Quan huyện cũng kinh ngạc, rồi sai nha lấy khẩu cung Vương
bà, và lấy chứng cớ các người hàng phố, rồi sai bắt Hà Cửu Thúc và Vận Kha lên,
để lấy giấy chứng cớ rõ ràng một lượt. Đoạn rồi áp giải mấy người đó, cùng ra
phố Tử Thạch khám nghiệm xác đứa dâm phụ, và đến trước nhà tửu lâu ở dưới cầu
Sư Tử để khám nghiệm xác đứa gian phu, rồi đem về lập án.
Tri huyện sai lấy gông, gông Võ Tòng và Vương bà lại, giam cả
xuống ngục, còn các người kia, thì tạm giữ tại phòng ngoài để chờ tra hỏi.
Nguyên Tri huyện đó vốn có lòng biệt đãi Võ Tòng, là người
nghĩa khí đảm đang, và lại nhớ đến công việc khi xưa mang các châu báu về kinh,
thì lại định tâm muốn tìm kế chu toàn cứu giúp, bèn gọi đám nha lại lên mà định
bàn rằng:
- Võ Tòng là người nghĩa trực, xưa nay ai ai cũng biết. Duy hắn
thiện tiện giết người, thì không thể nào mà tha ngay được, vậy nay ta nên đem
các lời cung của lân bang mà chữa đổi đi.
Chúng vâng lời, chữa các khẩu cung như sau này:
- "Võ Tòng về lễ anh người chị dâu đanh ác không cho lễ,
đến nỗi đôi bên cãi nhau, rồi chị dâu đạp đổ cả giường thờ giường tự, vì thế Võ
Tòng đến cướp lấy bài vị của anh, mà lỡ tay đánh chết. Về sau Tây Môn Khánh vốn
là đứa thông dâm cùng mụ đàn bà kia chạy vào đánh hội, rồi giằng co với Võ
Tòng, khi đến cầu Sư Tử thì bị Võ Tòng đánh chết".
Khi chữa xong đem đọc lại cho Võ Tòng nghe, rồi thảo công văn
để giải phạm nhân lên phủ Đông Bình. Bấy giờ có mấy nhà nghĩa khí ở huyện Dương
Cốc, nghe thấy vậy, liền đem tiền nong gạo nước để tiến tặng Võ Tòng. Võ Tòng
liền xin phép quan về phòng để thu nhận các đồ hành lý, và đưa mười lăm lạng bạc
cho bố Vận Kha rồi sắp sửa để đi. Các thổ binh theo hầu Võ Tòng khi trước, đều
đem rượu thịt đến thiết đãi luôn canh.
Sau đó quan huyện phái người đem các đồ gói tiền gói xương,
dao trượng, cùng mấy người phạm án, giải lên phủ Đông Bình. Khi tới phủ các dân
sự chung quanh đổ ra xem rất đông đúc.
Quan phủ Đông Bình là Trần Văn Chiêu vốn là tay rất thông
minh lanh lợi, nghe biết câu chuyện Võ Tòng đã lâu, nay thấy huyện Dương Cốc giải
đến, liền đem các giấy má ra xem, gọi các người vào tra hỏi một lượt, cho đem
các đồ hành hung cùng tang vật thu vào trong kho, rồi sai đóng gông rất nặng
cho mụ Vương bà giam vào ngục tử tù, còn Võ Tòng thì đóng gông nhẹ, mà giam vào
nhà giam thường. Đoạn rồi giao cho huyện lại lĩnh Hà Cửu Thúc, Vận Kha cùng bốn
người lân bang cho về huyện Dương Cốc. Còn vợ con Tây Môn Khánh thì giữ lại ở
phủ để đợi chờ giấy Bộ tư ra rồi sẽ xét đoán. Các lính tráng ở phủ Đông Bình,
thấy Võ Tòng là một người hào hiệp nghĩa khí, trên quan phủ cũng có lòng
thương, nên chúng thường đem tâm vì nể, không những không dám hạch sách tiền
nong, mà thần thường lại khoãn đãi tử tế. Quan phủ Đông Bình đem các giấy má mà
chữa đổi cho nhẹ tội Võ Tòng, rồi tự đem lên trình quan tỉnh, và cắt một người
tâm phúc đem mật thư vào kinh sư, để lo cứu cho Võ Tòng. Bấy giờ các quan Hình
Bộ cũng nhiều người thân mật với Trần Văn Chiêu, nên khi nhận được giấy thì lập
tức cho các quan Tỉnh viện kết án nhẹ đi.
Trong án đại khái nói:
- Cứ như mụ Vương bà dụng tình cố ý manh mối gian dâm, xui giục
đàn bà đánh thuốc độc cho chồng chết, lại khiến dâm phụ không cho Võ Tòng vào
viếng thân huynh, cho đến nổi sát thương nhân mạng, tội ác nham hiểm làm cho bại
hoại luân thường, tội ấy phải khép vào án lăng trì mới đáng. Võ Tòng tuy vì việc
báo thù giết chết gian phu là Tây Môn Khánh, song tự mình thú tội, thì giảm nhẹ
tội nguyên, bắt đánh bốn mươi trượng, đày ra ngoài hai ngàn dặm. Hai đứa gian
phu dâm phụ đã chết không bàn, còn các người can phạm đều tha về hết thảy."
Quan phủ Đông Bình tiếp được văn án, liền sức giấy cho Hà Cửu
Thúc, Vận Kha, và bốn người hàng xóm, cùng vợ con Tây Môn Khánh, đến để nghe
tuyên án. Khi các người đã tề tựu cả rồi; Quan phủ sai tuyên án cho mọi người
nghe, rồi đâu đấy cho về an nghiệp. Đoạn rồi bắt Vương bà ra chợ Đông Bình để
hành tội, còn Võ Tòng đánh bốn mươi trượng, thích chữ vào mặt, đem đày sang đất
Mạnh Châu.
Bấy giờ Diêu Văn Khanh là người hàng xóm khi trước, mới đem
tiền bán các đồ đạc ở nhà mà đưa cho Võ Tòng ra trước chợ Đông Bình xem hành
hình Vương bà, rồi trở về thu thập hành lý, theo hai tên công sai sang đất Mạnh
Châu. Hai tên công sai vốn biết Võ Tòng là tay hảo hán, nên trong khi giải đi
cũng hết lòng tử tế, không dám chút khinh nhờn. Võ Tòng thấy vậy cũng được thư
lòng đôi chút, lại nhân trong túi sẵn tiền, nên mỗi khi qua hàng qua điếm, lại
chè chén ăn chơi, cho hai người cùng hưởng. Từ khi Võ Tòng giết người ở huyện
Dương Cốc, bấy giờ đương dạo tháng ba, sau phải theo đòi việc kiện bị giam giữ
trong hai tháng trời, tới nay đày đi sang đất Mạnh Châu, thấm thoát đã tới giữa
trung tuần tháng sáu. Hồi đó trời khác chi một lò lửa Tạo nung nấu đàn người,
Võ Tòng cùng hai tên công sai đi ước chừng hơn hai mươi ngày, một hôm tới quãng
núi kia, ba người cùng ngồi để nghỉ một lúc, rồi lại đứng dậy đi xuống dưới
núi, định tìm một hàng rượu để uống.
Khi qua núi chợt trông thấy đằng xa có mấy gian nhà lá, ở vào
giữa khóm liễu đôi khe, thấp thoáng ngọn cờ bán rượu, Võ Tòng liền trỏ bảo hai
tên công sai rằng:
- Có hàng rượu ở trước mặt kia, chúng ta mau tới đó.
Nói xong cùng kéo nhau đi được mấy bước, thì gặp một anh tiều
phu gánh củi đi qua, Võ Tòng đứng dừng lại hỏi rằng:
- Ở đây là xứ nào; nhờ bác bảo cho?
Tiều phu đáp:
- Con đường lên núi đây, gọi là đường Mạnh Châu cách trước mặt
núi có khu rừng cây kia, gọi là Thập Tự Phi.
Võ Tòng cám ơn, rồi cùng nhau kéo thẳng đến Thập Tự Phi. Khi
gần tới nơi thấy cây cối um tùm, trong đó có một cây rất lớn ước chừng bốn năm
vòng tay người ôm không tới, bên trên toàn thị là giây dơ leo cuốn kín mít như
rừng. Đi qua gốc cây một hàng rượu, trong có một người đàn bà ngồi, mặc áo lót
mình bằng sa lục, trên đầu cài cành thoa vàng lóng lánh, hai bên mái tóc giắt
hai bông hoa.
Người đàn bà ấy thấy Võ Tòng cùng hai tên công sai đến cửa,
thì vội vàng đứng dậy, mình mặc cái quần lụa màu hồng phơn phớt, mặt bôi đầy những
phấn hồng, bỏ trễ áo trước ngực lộ màu da hồng, rồi chạy ra cửa nói rằng:
- Trong hàng có rượu ngon thịt béo, bánh bao tốt, xin mời các
ngài ngồi nghỉ chân xơi rượu.
Ba người nghe nói bảo nhau vào ghế ngồi, dựa côn trượng vào một
bên, cởi khăn gói hành lý để lên trên bàn, rồi cởi cả đai nịt ra cho mát. Hai
tên công sai bảo với Võ Tòng rằng:
- Ở đây không có ai biết đến, tôi xin cởi tháo gông ra, cho
Đô Đầu đánh chén cho sướng.
Nói đoạn liền tháo gông ra cho Võ Tòng, mà để cả lên trên bàn
đó. Đoạn rồi cùng cởi cả áo xiêm ngoài, mà giắt vào bên dóng cửa sổ.
Bấy giờ mụ hàng miệng cười chúm chím mà bảo rằng:
- Khách quan xơi bao nhiêu rượu?
Võ Tòng đáp:
- Không cần hỏi bao nhiêu, cứ mang rượu ra đây thái ba cân thịt
bò một thể rồi tôi tính trả tiền.
- Thưa ngài có bánh bao tốt...
- Mang vài mươi cái ra đây ta ăn điểm tâm.
Mụ hàng nghe nói vừa cười vừa quay vào bưng một thùng rượu lớn,
và lấy ba cái chén lớn, ba đôi đũa, thái hai đĩa thịt khệ nệ mang ra, rồi rót bốn
năm lượt rượu đưa mời khách uống. Đoạn rồi quay vào bếp bưng một quả bánh ra, để
bày trên bàn. Hai tên công sai vớ được, liền nghiến ngấu ăn ngay không hỏi han
gì cả.
Võ Tòng cầm lấy bánh bẻ ra xem, rồi gọi mụ hàng đến mà bảo rằng:
- Bánh này làm bằng thịt người hay thịt chó?
Mụ hàng cười khanh khách đáp rằng:
- Ngài nói đùa làm gì thế? Đời này làm gì có bánh làm bằng thịt
người hay thịt chó? Bánh của nhà tôi mấy đời nay đều làm bằng thịt bò cả.
- Xưa nay tôi thường đi lại đám giang hồ, từng nghe nói chỗ
Thập Tự Phi này, không ai dám đến bao giờ... anh nào béo là đem giết lấy thịt
làm bánh bao, mà anh nào gầy là đem lấp sông ngay...
- Chết nỗi! Các ngài nghe nói ở đâu thế? Chắc rằng chỉ ngài
nói đặt ra thôi.
- Đây, vì tôi thấy miếng thịt ở trong cái bánh này có mấy cái
lông hơi giống như lông gì... Nên tôi càng ngờ lắm.
Nói xong lại hỏi luôn rằng:
- Nương tử ơi! Phu quân nàng sao không thấy ở đây?
- Thưa ngài đàn ông nhà tôi đi xa vắng chưa về.
- Nếu vậy nàng ở đây một mình có lẽ buồn lắm...
Mụ hàng mỉm cười trong bụng rồi nghĩ thầm:"Thằng tù này
muốn chết chăng? Đến đây lại toan đùa bỡn với bà, thực là thí thân vào lửa, chả
còn trách lỗi tại ai, để ta liệu cho... "Mụ nghĩ vậy liền bảo Võ Tòng rằng:
- Thôi, đừng nói đùa nữa, hãy uống mấy cốc rượu, rồi ra đằng
sau mà nghỉ mát. Hôm nay muốn ngủ ở đây... nhà tôi cũng rộng không can gì...
Võ Tòng nghe nói đoán chắc là chị chàng này nham hiểm không vừa,
liền đáp rằng:
- Nương tử ơi! Rượu này nhạt lắm, trong nhà có rượu nào tốt
cho tôi mấy chén khác.
- Vâng, có rượu tốt ngon thơm hơn, nhưng chỉ vì khí đục một
chút.
- Được, càng đục càng hay...
Mụ hàng cười thầm trong bụng, rồi lấy một bình rượu rất đục
đem ra.
- Ừ! Hạng rượu này mới là rượu ngon, nhưng phải hâm nóng uống
mới tốt.
- Vâng, thế thì ngài sành lắm, để tôi xin đem hâm.
Nói xong cầm bình rượu quay ra, cười thầm trong bụng mà rằng:
"Thằng tù này phải chết, uống thuốc mê lại đòi uống nóng, thế thì càng
chóng lắm... Hôm nay may mình được món hàng tốt".
Khi hâm rượu nóng xong rót vào ba chén mang ra, rồi cười mà
nói rằng:
- Ngài thử nếm rượu này xem?
Hai công sai vớ được rượu, thì nhắm mắt vào uống ngay. Võ
Tòng lại bảo mụ hàng rằng:
- Nàng ôi! Thịt hết rồi tôi không quen uống rượu suông được,
nàng thái ít thịt nữa ra đây, cho tôi nhắm rượu.
Mụ kia vâng lời quay vào. Võ Tòng liền cầm chén hắt vào tường,
rồi giả vờ tắc lưỡi khen rằng:
- Ngon... rượu ngon, nhưng mà bốc lắm thì phải?
Mụ hàng thấy Võ Tòng khen vậy, chắc rằng đã uống rồi, bèn
không thái thịt thà gì nữa liền quay ra kêu lên rằng:
- Ngã ngã mau...
Quả nhiên mụ vừa nói xong thì hai anh công sai đờ mồm nhắm mắt,
rồi ngã lăn xuống đất, Võ Tòng cũng lờ đờ hai mắt, rồi sau nhắm mắt chặt lại mà
ngã ra bên cạnh ghế.
Bấy giờ thấy mụ hành cười ha hả mà rằng:
- Được lắm, cho bây tinh bằng ma qủy, cũng phải uống thuốc rửa
chân của bà...
Nói đoạn liền gọi Tiểu Nhị, Tiểu Tam mau ra đây. Chợt thấy thằng
xuẩn hán ở đâu huỳnh huỵch chạy đến, khênh hai anh công sai đi trước. Mụ hàng
kia chạy đến chỗ hàng rờ vào bao phục của mọi người, thấy sẵn có tiền nong ở
đó, thì phá lên cười rằng:
- Hôm nay vớ được ba món hàng hoá, đủ làm bánh bao trong hai
ngày nữa.. Rồi lại có được tiền nong đây.
Nói xong xách cả khăn gói bao phục vào lối trong. Một lát thấy
hai thằng xuẩn hán chạy ra khiêng Võ Tòng, nhưng sức yếu không khiêng nổi, nằm
đườn đườn ở dưới đất, nghe chừng nặng tới trăm cân.
Lại thấy mụ hàng kia quát lên rằng:
- Đồ chết dẫm này, chỉ biết ăn thôi, không được việc gì cả,
có thế cũng phải đến bà ra tay. Thằng béo này lúc nãy lại dám đùa bỡn với bà
đây.Được, nó béo thế này để làm thịt bò, còn thằng gầy kia thì làm thịt trâu
cũng được... Hãy vác vào làm thịt thằng này đã.
Nói đoạn, cởi cả quần ngoài và áo ra để trần trùng trục, rồi
cúi xuống cắp bổng Võ Tòng lên như không vậy.
Võ Tòng thừa thế ôm lấy bụng người đàn bà, rồi cho hai chân
xuống đánh vào khủy chân mụ kia một cái ngã ngửa hẳn ra, rồi ngồi tót lên trên.
Bấy giờ chị chàng ta kêu lên như cháy đồi, rồi hai thằng xuẩn hán đổ xô ra, bị
Võ Tòng quát cho một tiếng, anh nào anh nấy tái xanh cả mặt lại, mà không dám
xông vào đấy nữa.
Chị chàng kia bị Võ Tòng nén chặt xuống mặt đất, không sao mà
cựa được, bèn kêu van rằng:
- Xin hảo hán tha cho tôi.
Vừa hay khi đó có một chàng gánh một gánh củi, đến đâu ở cửa,
rồi bước vào trông thấy như thế, thì kêu lên rằng:
- Xin hảo hán bớt giận, hãy tha thứ cho... tôi sẽ thưa chuyện
hầu ngài.
Võ Tòng đứng phắt dậy giơ chân trái lên đạp giữ lấy người đàn
bà ấy, rồi nắm lấy hai tay quyền mà quay ra nom người kia. Anh chàng kia đầu
chít khăn đầu rìu, mình mặc áo vải trắng, chân quấn lá đáp, đi đôi giày gai,
lưng thắt dây bao, mặt dài như ba đầu ngón tay chéo, hơi lúng phún mấy cái ria,
vào trạc hăm nhăm hăm sáu tuổi.
Chàng ta trông thấy Võ Tòng thì khoanh tay đứng lễ phép mà
nói rằng:
- Xin hảo hán cho tôi biết đại danh?
- Ta đây là Võ Đô Đầu, tên Tòng không cần chi phải dấu diếm.
- Chẳng hay ngài đánh hổ ở núi Cảnh Dương đó chăng?
- Phải.
Anh chàng kia vội thụp xuống mà đáp rằng:
- Chúng tôi nghe tiếng ngài đã lâu...
Võ Tòng hỏi:
- Có phải anh là chồng người đàn bà này không?
- Bẩm vâng... Nó ngu dại không biết gì, xin Đô Đầu tha cho.
Võ Tòng nghe nói, tha cho mụ kia dậy, rồi hỏi rằng:
- Ta trông vợ chồng nhà anh cũng không phải người vừa, tên họ
là chi, xin cho được biết?
Chàng chưa kịp trả lời, vội bắt vợ ăn mặc tử tế, để ra bái tạ
Đô Đầu trước.
Chị Chàng kia bái tạ, Võ Tòng liền xin lỗi rằng:
- Vừa rồi trót lỡ không biết, xin Tẩu Tẩu tha lỗi cho.
Chị chàng kia cũng khiêm tốn mà rằng:
- Đó là lỗi tại tôi không được biết ngài, xin bá bá bỏ qua đi
cho, xin mời bá bá hãy ngồi vào chơi đã.
Võ Tòng lại hỏi:
- Hai bác tên họ là chi, sao lại biết tên tôi?
Chàng kia đáp:
- Tôi họ Trương tên Thanh, trước coi chùa Minh Quang ở gần
đây, sau vì tranh cãi một việc nhỏ, tôi nóng tiết giết sư ở chùa ấy, rồi cho, một
nắm lửa mà thiêu hóa cả chùa. Dần dần không thấy quan tư động đến, bèn đến lẩn
lút ở gốc cây đây, để bóc lột kiếm ăn. Chợt một hôm có một lão già gánh một
gánh qua đây, tôi khinh ông ta già yếu, nhảy ra đánh nhau tới hai mươi hiệp, rồi
bị ông ta đánh ngã. Nguyên ông cụ ấy khi còn trẻ vẫn chuyên về một mặt ăn
sương, nhân thấy tôi là một người nhanh nhẹn, bèn mang tôi về cùng ở trong
thành dạy các ngón võ nghệ, rồi đem con gái gả cho, tức là vợ tôi bây giờ ở
đây. Tôi ở đó được ít lâu không tiện, lại phải quay về đây làm mấy gian nhà lá
bán hàng kiếm ăn. Thỉnh thoảng khách thương qua lại, có món nào khá thì đánh
thuốc mê cho chết, rồi lấy thịt mà làm thịt bò, và làm bánh mà gánh đi các nơi
mà bán. Chúng tôi cũng kết nạp được nhiều hảo hán giang hồ, thường gọi tôi là
Thái Viên Tử Trương Thanh, còn đàn bà nhà tôi vốn người họ Tôn, thuở nhỏ cũng học
được ít nhưng võ nghệ của phụ thân, người ta thường gọi là Mẫu Dược Thoa Tôn Nhị
Nương. Trước đây tôi vẫn dặn đàn bà ở nhà rằng: Có ba hạng người không nên hại
đến: Thứ nhất là các tăng đồ đạo nhân, vốn không can thiệp gì đến việc đời, thì
không hại đến; dè đâu một hôm xuýt hại một người kinh thiên động địa, là Lỗ Đạt,
Trước làm Đề Hạt dinh Kinh Lược phủ Diên An, sau vì đánh chết anh Trấn Quan
Tây, phải trốn lên Ngũ Đài Sơn để đầu phật. Nhân ông ta có thích hoa lên cánh
vai, nên vẫn gọi là Hoa Hòa Thượng, nặng tới sáu mươi cân. Một hôm qua đây đàn
bà nhà tôi thấy to béo, liền cho thuốc mê để thịt. May sao sắp hạ thủ, thì tôi
về nhà, trông thấy cây thuyền trượng, biết ngay bèn đem thuốc cứu tỉnh lại rồi
bái làm anh em. Mới đây nghe nói ông ta chiếm chùa Bảo Chân ở núi Nhị Long,
cùng một ông là Thanh Diện Thú Dương Chí là Đầu Lĩnh ở đó, đã mấy lần ông ta gửi
thư đến đây, bảo tôi cùng đi, nhưng không thể nào mà đi được.
Võ Tòng nói:
- Phải, hai người ấy, tôi cũng thường nghe tiếng xưa nay.
Trương Thanh tiếp luôn rằng:
- Tôi rất tiếc một ông đầu đà, người cao lớn tới bảy tám thước,
cũng đánh thuốc mê mà chết mất. Khi tôi về thì đã xả chân tay ra rồi, chỉ còn để
lại một cái mũ nhà sư bằng sắt; một bức áo sóng tràng đen, và một tờ hộ điệp ở
đây. Những cái ấy không can hệ, duy có hai thứ rất hiếm có trên đời, đây là một
chuỗi hạt làm bằng một trăm linh tám cái xương đỉnh đầu của người, và hai thanh
giới đao làm bằng một thứ sắt tuyết hoa rất tốt. Tay đàn đà ấy nghe chừng giết
người cũng nhiều, nên bây giờ khẩu giới đao ấy, vẫn cứ đêm đêm kêu lên thành tiếng.
Tôi tiếc không cứu được nên trong lòng vẫn cứ áy náy đến giờ. Thứ hai là những
kỹ nữ giang hồ thì không nên làm hại, vì bọn họ lưu lạc khắp các nơi thành thị
thôn dã, gặp đám ra trò, phí tổn biết bao tâm cơ mới kiếm được đồng tiền, nếu
giết họ, thì họ đồn đại đi khắp mọi nơi, mà kiếm lời lên chốn hý đài để chế giễu
giang hồ hảo hán là không ra gì, còn hạng thứ ba là các người tù tội đi đày.
Trong đám ấy phần nhiều là các tay hảo hán, không nên giết hại làm chi! Ba điều
đó tôi thường dặn dò kỹ lưỡng xưa nay, dè đâu đàn bà nhà tôi lại không chịu y lời
như vậy... Hôm nay nếu tôi chậm về, thì làm sao được gặp Đô Đầu nữa?
Người đàn bà đáp rằng:
- Bản tâm tôi cũng không định hạ thủ, nhưng một là thấy đồ
hành lý của bá bá, nghe chừng hơi nặng, hai là quái lạ cho bá bá lại đem lời
đùa giỡn, nên mới sinh lòng như vậy.
Võ Tòng nói:
- Tôi đây là một người chỉ chém đầu đẫm huyết, còn khi nào
nói đùa bỡn với đàn bà! Nhân thấy Tẩu tẩu có ý muốn dòm dỏ đồ hành lý của tôi,
nên tôi phải bày kế như thế để thử xem. Sau tẩu tẩu rót ra ba chén rượu thuốc
thì tôi đổ đi ngay, rồi giả vờ làm trúng độc dè đâu tẩu tẩu làm hại tôi thực.
Trương Thanh nghe nói cả cười, liền mời Võ Tòng vào phòng
khách phía trong ngồi chơi. Võ Tòng nói với Trương Thanh xin cứu hai người công
sai ấy dậy. Trương Thanh lại dẫn Võ Tòng vào nhà làm thịt, thấy trên vách căng
mấy cái da người, trên sà nhà treo dăm bảy cái đùi người, còn hai tên công sai
thì nằm vật ở trên ghế mổ.
Bấy giờ Trương Thanh hỏi Võ Tòng, vì việc gì mà phải đi đày
qua đó? Võ Tòng liền đem nguyên ủy chuyện mình nói cho hai vợ chồng Trương
Thanh biết. Hai người nghe nói đều vui mừng kinh sợ mà rằng:
- Chúng tôi muốn thưa câu chuyện này, chẳng hay Đô Đầu nghĩ
sao?
Võ Tòng đáp:
- Chẳng hay chuyện gì, đại ca cứ nói, tôi xin sẵn lòng để
nghe.
Thực là:
Dây đâu treo nổi địa cầu?
Đất đâu lấp bể, màn đâu che trời?
Đã mang tiếng ở trên đời,
Anh tài phải biết anh tài mới hay,
Cuộc đời còn lắm tỉnh say,
Còn cơn sóng cả còn tay vững chèo!
Kiền khôn là thứ tiêu dao,
Càng nhưng lưu lạc càng nhưng kiến văn,
Trăm năm trong cõi hồng trần,
Những tay khan tế kinh luân thế nào?
Lời bàn của Thánh Thán:
Tả xong câu chuyện Võ Tòng giết chị dâu, tiếp tả Trương Thanh
bán thịt người, toàn là những chuyện kinh thiên động địa, khấp qủy kinh thần,
tác giả khéo diễn ra những tình tiết ly kỳ, không phải ngọn bút thường mà tả nổi,
không phải lòng văn thường mà tưởng tượng nên!
Trương Thanh thuật chuyện Lỗ Đạt ngộ độc, lại thuật luôn chuyện
đầu đà, theo phép hư tả, song lẽ Lỗ Đạt là thực, vì còn người, Đầu đà là hư vì
đã mất, trong khi thuật chuyện Đầu đà lại có di vật làm thực, mà Lỗ Đạt ở đâu
đâu thì lại ra hư, trong thực có hư, trong hư có thực, đều theo bút pháp diễn tả,
cho rõ từng ý nghĩa của đoạn văn.
Sách này mỗi khi tả gặp kẻ kỳ tài, lại mất một tay kỳ tài
khác cho rõ ngoài vòng vơ vét về sơn bạc, lại có con người dị dạng, đầu tiên đã
mất một Vương Tiến, hồi này mất một Đầu đà, sau đả Chúc Gia Trang, lại mất một
Loan Đình Ngọc. Hỡi ôi danh lưu sách sử, cũng có người may với kẻ không may, kẻ
thành danh muôn thuở, đừng vội bảo rằng: Ngoài đám trai kia không có ngọc châu!
Hồi 27:
Cự mặt Quản Doanh, anh tù cứng cổ;
Mộ danh hảo hán, cậu trẻ ra ân.
Khi đó Trương Thanh nói với Võ Tòng rằng:
- Việc này không phải là chúng tôi có bụng gì ngăn trở, song
chỉ e khi Đô Đầu đến đất Mạnh Châu tất nhiên bị nhiều điều khổ nhục, vậy bất
nhược đem hai tên công sai này giết đi, rồi Đô Đầu ở tạm đây ít bữa. Nếu sau Đô
Đầu có chịu đi lạc thảo, thì tôi xin thân hành đưa ngài sang Nhị Long Sơn, ở với
Lỗ Trí Thâm cũng được, ngài nghĩ sao?
Võ Tòng đáp rằng:
- Huynh trưởng có lòng tốt nghĩ đến tôi như vậy, thực là cảm
tạ vô cùng. Duy tính tôi xưa nay chỉ quen đánh giết những kẻ chướng ác ở đời,
còn như hai tên công sai này, thì họ đối với tôi rất là tử tế, tôi xem ý không
phải là đứa xằng, không lẽ nào mà mình lại nỡ hại đi được. Nếu huynh trưởng có
lòng yêu tôi, thì xin cứu hai tên ấy vậy, không nên giết hại người ta.
- Đô Đầu đã là bậc trọng nghĩa như vậy, chúng tôi cũng không
lẽ nào dám làm trái lương tâm của ngài.
Trương Thanh nói đoạn, liền gọi người nhà, dựng hai tên công
sai dậy, rồi Tôn Nhị Nương pha thuốc giải độc đổ vào cho hai người uống.
Được một lúc hai anh kia như người mơ màng trong giấc chiêm
bao, rồi bầng mắt ngồi dậy, nhìn Võ Tòng mà nói rằng:
- Chết nỗi! Sao tôi nằm say ở đây? Ta nhớ lấy nhà này, để lần
sau về, lại đến đây uống rượu.
Mọi người nghe nói, ai cũng ôm bụng cười mà không nhịn được.
Bấy giờ Trương Thanh sai người nhà đi giết gà vịt làm cơm, dọn
ra dưới giàn nho, để thiết VõTòng cùng hai người công sai. Võ Tòng nhường hai
tên công sai ngồi trên, mà mình thì ngồi đầu dưới với Trương Thanh còn Tôn Nhị
Nương thì ngồi một bên mạn bàn, uống rượu với nhau rất là vui vẻ. Trương Thanh
sai lấy đôi khẩu giới đao đưa cho Võ Tòng xem, quả nhiên là một thứ sắt tốt, có
tuyết hoa rực rỡ, thực là hiếm thấy xưa nay. Đoạn rồi cùng nhau kể chuyện giang
hồ, đôi bên đều lấy làm thú vị. Võ Tòng lại đem chuyện Tống Công Minh là người
hào hiệp thế nào, mà hiện nay đương ở nhà Sài Đại quan nhân, kể cho Trương
Thanh nghe một lượt. Hai tên công sai nghe thấy chuyện, thì chỉ ngây người lặng
tiếng, rồi bái lạy không thôi. Võ Tòng liền bảo với hai người rằng:
- Các bác có lòng tử tế, trông nom cho tôi, trong khi đi đường,
nay không lẽ nào đem lòng giết hại. Chúng tôi kể chuyện bọn giang hồ hảo hán với
nhau, các bác cứ việc uống rượu, không có điều chi mà sợ.
Sáng hôm sau Võ Tòng từ tạ xin đi. Trương Thanh nhất định
không nghe lưu lại ở đó luôn ba bốn hôm để khỏan đãi. Võ Tòng nhân cảm thấy
lòng hậu đãi của vợ chồng Trương Thanh, liền xin kết làm anh em, Trương Thanh
hơn Võ Tòng chín tuổi, nên bái nhận Võ Tòng làm em.
Khi Võ Tòng sắp sửa ra đi, vợ chồng Trương Thanh lại làm tiệc
tiễn hành, rồi đưa ra mươi lạng bạc để tặng Võ Tòng, và lấy ít tiền tiễn hai
tên công sai nhân thể. Võ Tòng cảm tạ lòng thành, rồi cùng nhau bái biệt vợ chồng
Trương Thanh mà đi sang Mạnh Châu.
Trưa hôm ấy đi đến Mạnh Châu, hai tên công sai giải Võ Tòng
vào trong phủ. Quan phủ phê nhận công văn, giao cho hai tên công sai trở về phủ
Đông Bình, còn Võ Tòng tống cho xuống trại. Tên lính dong Võ Tòng xuống trại,
thấy trước cửa có cái bảng đề ba chữ". Bình an trại"rất lớn. Khi vào
đến phòng trại con con, thì thấy mấy người cùng tụi tù đồ, đến mà bảo với Võ
Tòng rằng:
- Đại hán mới đến đây, nếu có tiền nong thư tín gì, thì cầm
ra tay để một lát nữa đưa cho Sai Bát, kẻo một trăm trượng ra oai, không phải
là vừa đâu. Chúng tôi thấy Đại hán cũng một tình cảnh như chúng tôi nên nghĩ
lòng thỏ tử hồ bi mà bảo cho hảo hán biết trước, liệu kiếm chi mà đút lót ngay
đi, thì mới khỏi trăm trượng ra uy kia được.
Võ Tòng nói:
- Vâng, các ông bảo thế tôi xin cảm ơn, tôi đây cũng có ít tiền
hễ họ tử tế thì tôi đưa ngay, bằng họ lại ậm oẹ bướng bỉnh thì một đồng tôi
cũng không mất làm gì.
Chúng lại nói:
- Hảo hán ơi! Không nói thế được!quan xa bản nha gần, mình đã
có tội đến đây, không lụy người ta không được...
Vừa nói đến đó, thì đã có người nói rằng:
- Sai Bát quan nhân đã đến.
Chúng nghe nói đều lảng vảng chạy mất hết. Võ Tòng bèn cởi
khăn gói rồi ngồi xuống đó. Bấy giờ một người chạy vào hỏi tên rằng:
- Anh nào là tù đồ mới đến đây?
Võ Tòng đáp lên rằng:
- Chúng tôi đây.
Người kia nói:
- Thằng nầy người như thế, mà lại đợi ta phải nói à? Mày là một
hảo hán đánh hổ ở núi Cảnh Dương, đã làm qua chức Đô Đầu, tưởng là hiểu việc
thì phải. Mày đã đến đây, lại không biết ta là Sai Bát à?
Võ Tòng cười nhạt mà đáp rằng:
- A? Thằng nầy lại đến đây mà lôi thôi chực để lão gia biếu
tiền hay sao? Gọi là một chữ đây cũng không mất...Đây chỉ có một ít quả đấm
thanh tịnh, có thì ta đãi một đôi. Còn tiền ta để đánh chén, xem mày định làm
gì? Chỉ có một lẽ là mày lại đem tao về huyện Dương Cốc là cùng.
Sai Bát nghe nói cả giận quay ngoắt đi ra. Bấy giờ bọn tù đồ
kia lại chạy vào bảo với Võ Tòng rằng:
- Chết nỗi? Hảo hán cự với lão ta, thế thì chốc nữa sẽ khổ.
Bây giờ lão ta đến nói với Quản Doanh, tất lại định hại tính mạng chứ không
chơi.
Võ Tòng điềm nhiên mà rằng:
- Không sợ! Mặc xác họ muốn gì thì làm văn giở văn, võ giở võ
chứ sao?
Đương khi xao xác chuyện trò, thì thấy ba bốn tên lính chạy đến
gọi lên rằng:
- Tù mới là Võ Tòng đâu?
Võ Tòng đáp:
- Lão gia ngồi đây, có chạy đâu mất mà làm ầm lên thế?
Bọn lính xông vào lôi thốc Võ Tòng lên nhà điểm tù. Khi tới
nơi thấy Quản Doanh ngồi tên sập, rồi có năm sáu tên giải Võ Tòng lên. Quản
Doanh sai tháo gông ra, rồi truyền rằng:
- Tên tù kia, ngươi đã biết cựu chế vua Thái Tổ Vũ Đức Hoàng
Đế khi xưa, phàm các đứa phạm tội tù đồ, trước hết phải đánh trăm trượng ra oai
đã... Lính đâu đem đánh mau...
Nói dứt lời, thì tụi lính nhâu nhâu túm đến, toan lôi trói để
đánh.
Võ Tòng nghiễm nhiên bảo chúng rằng:
- Không cần gì chúng bay phải mó tay vào ta, đánh thì cứ
đánh, cũng không cần phải trói giữ, nếu ta có tránh một roi nào, không kể là
tay hảo hán đánh hổ, mà xóa cả mấy roi trước, lại đánh bắt đầu từ một trở đi. Nếu
ta có kêu một tiếng cũng không phải là thằng con trai giỏi, làm việc ở đất
Dương Cốc.
Mọi người đứng đó nghe thấy vậy đều cười rằng:
- Thằng xuẩn hán muốn chết, để xem nó làm ra sao?
Võ Tòng tiếp luôn rằng:
- Muốn đánh thì cứ đánh cho hết sức, đừng nể nang một roi
nào, đây không thích thế.
Những người đứng xem chung quanh đều cười ầm cả lên. Đoạn rồi
một tên lính vác côn vào xin phép ra roi.
Chợt đâu có một người đứng ở đằng sau Quản Doanh, mình cao
sáu thước tuổi ngoài đôi mươi, trên nét mặt trắng, ba nhánh râu thưa, đội khăn
tay trắng, mặc áo sa xanh, tay quấn dải lụa trắng, ghé vào tai Quản Doanh nói
thì thầm mấy câu. Đoạn rồi thấy Quản Doanh truyền rằng:
- Tên tù mới kia? Ngươi đi đường bị bệnh gì đó?
Võ Tòng đáp rằng:
- Không có bệnh gì cả, uống rượu tốt, thịt nuốt được, cơm ăn
được, đi đường cũng được.
Quản Doanh lại nói:
- Tên này chắc là bệnh mới khỏi, ta nom mặt chưa được khoẻ
thì phải, thôi hãy gửi cho một trăm trượng đó...
Bấy giờ tụi lính đứng hai bên đều bảo Võ Tòng rằng:
- Tướng công đã có lòng thương thế, anh cứ nói là đương yếu
có được không?
Võ Tòng nói:
- Ta không đau yếu gì, cứ đánh luôn cho xong đi, chịu đựng
lôi thôi thêm bận ruột, bao giờ cho trả được xong?
Các người kia đều cười không nhịn được. Quản Doanh cũng cười
mà nói rằng:
- Chắc anh này bị bệnh nhiệt mà không ra được mồ hôi, nên mới
nói lảm nhảm như thế? Thôi không cần nghe hắn nói, hãy cứ đưa xuống dưới phòng
trại giữ ở đó.
Mấy tên lính dạ ran, rồi mang Võ Tòng xuống phòng trại, bấy
giờ bọn tù đồ đều đến hỏi Võ Tòng rằng:
- Bác có thư tín của ai đưa đến, để nói với Quản Doanh che chở
cho không?
Võ Tòng đáp:
- Không có gì cả.
- Nếu vậy họ không đánh bây giờ, tất là nguy với họ. Chắc là
họ toan sát hại chứ không chơi.
- Họ sát hại bằng cách nào?
Chiều hôm nay tất họ đưa mấy bát cơm gạo trong kho đến, để
bác ăn cho rõ no, rồi họ đem xuống hầm đất trói tròn lại, lấy chăn bó cuộn vào
mà đút nút chặt lỗ mũi lỗ mồm, mà dựng lên vách chỉ một lúc là chết.
- Còn có phép gì nữa không?
- Còn một cách nữa là họ đem trói lại, rồi đem một cái túi rất
lớn để đè lên người, cũng chỉ một lúc là chết.
Võ Tòng lại hỏi:
- Vậy còn cách gì nặng hơn nữa không?
Chúng đáp rằng:
- Chỉ có hai cách ấy là ghê nhất, còn các lối khác, thì không
lấy gì làm nguy hiểm cả.
Chúng vừa nói xong, thì bỗng thấy một tên lính mang cái quả
tròn đến mà hỏi rằng:
- Ai là Võ Đô Đầu mới đến ở đây?
Võ Tòng đáp rằng:
- Ta đây, hỏi làm gì?
Người lính nói:
Nói xong đem quả tròn đến để trước mặt Võ Tòng, Võ Tòng trông
thấy có một bình rượu lớn, một đĩa thịt, một đĩa bánh, và một bát nước dùng lớn
liền nghĩ thầm trong bụng rằng:"Cái này nó mang cho ta ăn, rồi mang trị
đây! Ừ thôi, hãy ăn rồi sẽ liệu"
Nghĩ vậy, liền vớ lấy bình rượu uống một hơi vừa hết, rồi ăn
uống các thứ, không còn một tý gì. Đoạn rồi tên lính bưng quả mang đi. Võ Tòng
ngồi một mình trong phòng vừa nghĩ vừa cười nhạt một mình mà nói lẩm bẩm:
" Để xem nó đối với ta là người thế nào?"
Chiều hôm ấy lại thấy tên lính kia đội một quả đến. Võ Tòng hỏi:
- Sao anh lại đến đây làm gì?
Tên lính đáp:
- Tôi đưa cơm chiều đến đây.
Nói đoạn tay đặt cái quả xuống, trong bày một đĩa thịt, một
bát canh cá, một thùng cơm, và hai nai rượu rất lớn.
Võ Tòng ngất ngưỡng vừa ăn vừa thầm nghĩ một mình: "Ăn
xong bữa này, tất là họ kết quả mình, nhưng vậy mặc lòng, ta có chết cũng làm
con ma no mới thích" Ăn uống xong rồi, tên lính thu dọn bát đĩa mà trở đi
không nói năng chi cả.
Hồi lâu lại thấy tên lính ấy, cùng một tên nữa, kẻ xách thùng
tắm kẻ thì xách thùng nước nóng, đem vào bảo với Võ Tòng rằng:
- Nước đây mời Đô Đầu đi tắm rửa.
Võ Tòng lấy làm lạ; Có lẽ họ cho mình tắm, rồi mới hạ thủ hay
sao? Thế nào cũng không cần, ta hãy tắm cái đã..."
Nghĩ đoạn cởi quần áo, nhảy vào thùng nước tắm rửa một lúc,
hai tên lính lại đưa khăn tắm vào để lau. Võ Tòng lau ráo mình mẩy mặc quần áo
vào rồi, hai tên kia đổ nước, đem thùng vác về.
Đoạn rồi một anh đem màn chiếu đến, để mắc màn trải chiếu, và
đưa gối cho Võ Tòng nằm. Võ Tòng đóng cửa nằm một mình không hiểu ý tứ ra làm
sao? Hồi lâu bất giác người mệt ngủ thiu đi lúc nào không biết.
Cuộc đời trải chán bể dâu,
Tử sinh kinh cụ hơi đâu bận lòng?
Giang sơn phó một giấc nồng,
Xem trời xoay với anh hùng ra sao?
Sáng hôm sau chàng trở dậy, vừa mới mở cửa ra, đã thấy tên
lính bưng nước nóng cho Võ Tòng súc miệng rồi lại đem lược vào chải đầu búi tóc
cho Võ Tòng. Lại có một người nữa bưng cơm sáng vào mời Võ Tòng ăn. Võ Tòng vừa
ăn vừa nghĩ lẩm nhẩm buồn cười, không hiểu tình ý ra sao cả.
Khi cơm nước xong, có một người vào nói với Võ Tòng rằng:
- Ở đây không được sạch sẽ, xin mời Đô Đầu sang phòng kia để
nghỉ.
Nói xong liền dọn dẹp hành lý và dẫn Võ Tòng đi. Võ Tòng càng
lấy làm ngờ vực lạ lùng, xong cũng liều bước đi theo, để xem trò đời hay, dở?
Đi tới một nơi, đẩy cửa bước vào thấy ở trong màn giường sạch sẽ, hai bên bàn
ghế, toàn là mới kê bày cả.
Võ Tòng bước chân vào, trong lòng ám tưởng; "chắc phen
này họ đút mình vào hầm đất thì phải... sao mà lại dắt đến đây?"
Chàng vẩn vơ nghĩ ngợi, ngồi mãi đến gần trưa, lại thấy tên
lính bưng một mâm lớn tướng, tay xách một nậm rượu đưa vào, trong mâm bày đủ
các thức hoa quả, thịt cá rất là sang trọng, rồi tên lính rót rượu mời Võ Tòng
uống. Võ Tòng ăn uống no say, rồi nghĩ thầm rằng:"Đám tù vừa nói với ta
như vậy, ta cũng chắc rằng như vậy, ngờ đâu họ lại xử ngay một cách khác hẳn,
khiến mình không biết xét đoán ra sao mà xử trí!".
Đoạn rồi chàng thủng thẳng đi ra chơi mát trong trại.
Bấy giờ đương dạo tháng sáu, trời nắng chang chang, bọn tù đồ
kẻ thì gánh nước, kẻ thì bổ củi, nhất luật đều phải phơi trãi ngoài sân mà làm
các việc. Võ Tòng thấy vậy, liền hỏi chúng rằng:
- Trời nắng nôi thế này, các người vội gì mà phơi mãi ra đấy
cho khổ?
Chúng nghe nói cười mà đáp rằng:
- Bác không biết, chúng tôi được làm việc ở đây, còn là phúc
bằng cái đình ấy... Bây giờ còn có những hạng kém tiền đút lót, thì nhốt cả vào
trong Đại lao kia, rồi khóa kìm cùng kẹp, sống cũng dở chết cũng dở, lấy đâu đã
được thế này...
Chàng nghe vậy, lặng ngắt mà quay đi, khi tới phía sau Thấy
đôn đá rất to, bên cạnh có lỗ thủng, chắc là một chỗ để trói buộc người ta.
Chàng liền ngồi trên đó để ngủ. Hồi lâu lại một mình lững thửng về phòng.
Từ đó trở đi, luôn ba bốn hôm, bữa nào cũng có người đưa cơm
rượu đến, mà hầu hạ cung phụng rất là tử tế, Võ Tòng không hiểu ra sao.
Một hôm vào giữa buổi trưa, nhân khi có người mang cơm đến,
Võ Tòng liền hỏi rằng:
- Anh là người nhà ai? Sao lại mang cơm rượu đến mời tôi vậy?
Người kia nói:
- Thưa ngài, hôm nọ tôi đã nói với ngài rằng:
- Tôi là người nhà Quản Doanh tướng công đó.
- Tôi hãy hỏi anh, ai sai anh đem cơm rượu cho tôi như vậy?
- Thưa ngài, đây là tiểu Quản Doanh tướng công, sai tôi đưa đến
để mời ngài.
- Tôi là một người phạm tội, xưa nay chưa từng quen biết Quản
Doanh bao giờ, vậy cớ sao lại đã tôi tử tế như vậy?
- Cái đó chúng tôi cũng không được biết. Chỉ thấy Quản Doanh
dặn tôi rằng:"Cứ đưa cơm nước phụng sự Đô Đầu trong ba tháng, hay là nửa
năm rồi hãy nói chuyện".
Võ Tòng ngạc nhiên mà rằng:
- Quái lạ! Có dễ họ nuôi ta cho béo, để họ thịt chăng? Thế
này thì ta không thể nào mà ăn uống cho yên lòng được. Ngươi hãy nói cho ta biết,
Tiểu Quản Doanh là người thế nào, thì ta sẽ ăn uống bữa cơm hôm nay.
Người kia đáp:
- Thưa ngài, Tiểu Quản Doanh là người cao lớn quấn lụa trắng ở
tay, mà đứng bên cạnh Quản Doanh tướng công hôm trước đó.
- Có phải chính là người mặc áo xanh hôm ấy không?
- Bẩm, chính phải.
- Vậy thì hôm ấy ai nói cho tôi khỏi bị đánh?
- Bẩm, chính ông ta đấy.
- Nếu vậy thì quái lạ lắm! Tôi đây là người huyện Thanh Hà,
ông ta là người ở Mạnh Châu, xưa nay không quen biết bao giờ, mà lại xử đãi như
thế? Ông ta tên họ là gì?
- Bẩm, ông ta họ Thi tên Ân, tài giỏi võ nghệ, người ta thường
gọi là Kim Nhỡn Bưu.
Võ Tòng nghe nói, liền bảo người kia rằng:
- Có lẽ người ấy cũng là một tay hảo hán nam tử ở trên đời...
Vậy anh hãy mời ông ta đến đây, rồi sẽ ăn cơm, bằng không thì cơm nước từ đây
tôi không dám nhận.
- Bẩm ngài, chuyện đó Tiểu Quản Doanh tôi đã dặn dò cẩn thận
không cho nói trước, lẽ đâu tôi dám mời đến đây bây giờ?
- Không, anh cứ mời ông ấy đến đây, tôi sẽ nói cho.
Người kia do dự đã toan nhất định không đi, sau bị Võ Tòng
thúc bách mãi, liền bất đắc dĩ phải theo lời mà đi mời Tiểu Quản Doanh ra đó.
Khi Thi Ân ra tới Phòng, trông thấy Võ Tòng, thì xụp xuống
vái chào, Võ Tòng cũng đáp lễ lại mà hỏi rằng:
- Tôi là kẻ tù tội đến đây, xưa nay không được biết ngài, mà
cũng không có công lao gì đối với ngài, vậy mà ngài lại cứu cho thoát khỏi sự
đánh đập, rồi lại thiết đãi cơm rượu như thế, thực trong lòng lấy làm áy náy
không hiểu tình ý ra sao, xin ngài cho tôi được biết rõ?
Thi Ân đáp:
- Tiểu đệ nghe danh ngài đã lâu, chỉ vì đường xá xa xôi, mà
chưa sao được gặp, nay đã vì sự không may của ngài, phải dời gót đến đây, tôi
muốn nhân cơ hội để bái kiến ý tôn nhân, song chưa biết lấy gì làm lễ tương kiến,
nên chưa dám hầu ngài được.
- Vừa rồi thấy tên người nhà nói là, ngài dặn đợi trong ba
tháng nữa sẽ nói chuyện cho tôi biết, chẳng hay Tiểu Quản Doanh có chuyện gì,
xin cho Võ Tòng được biết rõ.
- Dám thưa Huynh trưởng: đó là thằng đầy tớ nó ngu si không
biết nên mới đường đột nói với huynh trưởng như vậy, chứ tôi đây có khi nào mà
tháo thứ nói ngay ra bây giờ?
- Nếu Tiểu Quản Doanh xử như vậy, thì tôi lấy làm phiền lòng,
mà không thể nào yên được. Vậy có việc gì xin ngài nói cho nghe?
Thi Ân ngần ngừ hồi lâu rồi nói với Võ Tòng rằng:
- Tên người nhà đã trót nói lỡ mồm với ngài như thế, tôi đây
không lẽ nào lại giấu huynh trưởng được, vậy xin huynh trưởng bỏ quá mà nhận lời
cho. Nguyên tôi nghe tiếng huynh trưởng là một bậc Đại trượng phu lừng lẫy xưa
nay, nên ý muốn phiền ngài một việc, mà việc ấy chỉ có một mình ngài là đảm
đang mới được. Song huynh trưởng vừa mới đi đường xa tới đây, chắc là trong
mình hãy còn mệt nhọc, vậy xin để đợi năm ba tháng nữa, huynh trưởng khoẻ rồi sẽ
nói rõ thì hơn.
Võ Tòng cười vang lên mà rằng:
- Tiểu Quản Doanh ơi! Ngài chưa được rõ tôi đây dạo năm ngoái
bị bệnh sốt rét tới ba tháng trời mà cũng chỉ dùng cẳng chân nắm tay đánh chết
được hổ trên núi Cảnh Dương nữa là ngày này... Đành vậy, nhưng hiện nay nói ra
cũng là vô ích, vậy xin khi nào huynh trưởng khoẻ mạnh ung dung rồi sẽ hay.
- Tiểu Quản Doanh cho tôi là không khoẻ, vậy hôm trước tôi
trông thấy ở Thiên Vương Đường có cái đôn đá không biết rằng nặng bao nhiêu
cân...
- Có lẽ nặng tới bốn năm trăm cân thì phải.
- Nếu vậy tôi với ngài thử đi qua đó xem tôi nhắc nổi được
không?
- Vâng, ngài dạy thế cũng xin vâng, song hãy xin uống mấy
chén rượu rồi sẽ xin đi.
Võ Tòng quyết định nói rằng:
- Hãy xin đi một lúc đã.
Thi Ân từ chối không được, liền cùng với Võ Tòng dắt tay nhau
mà đi ra Thiên Vương Đường. Bấy giờ các tù đồ trông thấy Võ Tòng cùng Tiểu Lý
Quảng đi ra đó, thì ai nấy đều cúi rạp người xuống để chào mà ngạc nhiên không
biết ra sao?
Võ Tòng đi đến chỗ đôn đá, giơ tay sẽ lay qua một cái rồi cười
mà nói rằng:
- Có lẽ tôi yếu đuối thực không thể nào vần lên được...
Thi Ân nói:
- Một hòn đá nặng có tới bốn năm trăm cân, nói chơi...
Võ Tòng lại cười ha hả mà rằng:
- Tiểu Quản Doanh chắc rằng tôi không nhắc nổi phải chăng?
Ngài hãy thử coi xem thế nào?
Nói đoạn liền cởi áo ngoài ra, hai tay ôm đôn đá nhắc bổng
lên rồi vứt xuống đất đến thình một cái; lõm hẳn xuống đất tới một thước sâu. Bọn
tù đồ đứng quanh đấy trông thấy đều lấy làm kinh sợ lạ lùng.
Võ Tòng lại giơ tay phải nâng hòn đá tung lên hơn một trượng
rồi ngửa tay lên hứng lấy, rồi đặt nguyên vào chỗ cũ. Đoạn rồi quay ra nhìn mọi
người, nét mặt vẫn tự nhiên như thường, không có chút gì ra vẻ khó nhọc. Thí Ân
thấy vậy bèn chạy đến vái Võ Tòng mà nói rằng:
Các tù đồ cũng sụp xuống lại mà nói rằng:
- Ngài thực là người thần vậy.
Đoạn rồi Thi Ân mời Võ Tòng về nhà riêng chơi. Võ Tòng nói với
Thi Ân rằng:
- Bây giờ xin Tiểu Quản Doanh cho tôi biết công việc của Tiểu
Quản Doanh?
Thi Ân nói:
- Xin ngài hãy ngồi chơi đợi lát nữa gia nghiêm tôi ra chào,
rồi xin nói chuyện.
- Nếu ngài dạy có việc gì, thì xin cứ nói ngay, đừng theo lối
đàn bà trẻ con như vậy... không phải là lối làm việc. Tôi đây dẫu có việc gì
nguy hiểm đến đâu. Cũng xin hết sức giúp ngài ngay được, ngài cứ nói ngay cho.
Cho hay là:
Tấm thân đạp đất đội trời,
Nước non đâu chẳng là nơi hữu tình?
Đã lòng cốt nhục tử sinh,
Dẫu rằng dâu bể, tung hoành sá chi.
Xưa nay phận sự nam nhi,
Chẳng qua gánh vác nặng vì non sông,
Liều thân dấn với bụi hồng,
Mà xem chim các vẫy vùng ra sao?
Lời bàn của Thánh Thán:
Hồi trên tả Võ Tòng giết người coi nhẹ như cỏ rác, mực giây
nét máu bút vướng hơi tanh; thế mà đến hồi này đối với hai tên công sai, lại cứu
sống ra, thấy rằng con người Đại nhân từ trong thiên hạ, chưa nhân từ hơn Võ
Tòng việc ấy, thế thì bao nhiêu vết máu thây tanh ở một hồi trên, đến đây như rửa
sạch. Ý tác giả tả Võ Tòng lúc đó, muốn cho ra một bậc người trời; Mới có cử chỉ
khi mừng thì gió êm mưa dịu; khi giận thì sấm mắng sét oai, không cái gì nên,
không cái gì là chẳng nên, nào phải như loại Tống Giang thấy người thì muốn
khóc; hay Nguyễn Tiểu Thất thấy người thì muốn đâm, không thể nào đem ví ra cho
được?
Đọc hồi này thấy Võ Tòng chợt đâu đem lời nói cảm kích vợ chồng
Trương Thanh. Than ôi! Há chẳng đau lòng! Việc vợ chồng trong đời vốn hai người
với nhau hết mọi nhân sự, tại sao anh ruột chị dâu Võ Tòng, cũng đôi vợ chồng,
lại không được như thế? Tại Trời ư? Tại Người ư? Xét cha mẹ ngươi Tòng sinh
ngươi Tòng, chẳng khỏi sinh ra anh ngươi Tòng đó là Trời, chẳng phải ở người vậy,
nhưng nếu anh ngươi Võ Tòng chẳng lấy họ Phan, Tây Môn Khánh không có chuyện
gì, mà chính ngươi Tòng chẳng muốn xa anh. Quan huyện cũng không nhờ đến, thì
cũng do trời, đâu phải tự người, thì rõ ràng lắm vậy, khiến Võ Tòng không dám
tin ai, khắp trong thiên hạ, nào ai chồng thuận vợ hòa. Thế mà mới ra khỏi phủ
đình, vào vòng tiếp vật, lại gặp một đôi vợ chồng Trương Thanh như thế đáng
yêu, kết bạn với chàng, thì chàng há chẳng quay mặt vào vách, gạt thầm giọt lệ
đau thương!!! Tác giả mới tả rằng: Võ Tòng chợt đâu đem lời cảm kích vợ chồng
Trương Thanh, thì hỡi ôi! Thực cây bút tuyệt.
Tả luôn Tiểu Quản Doanh khỏan đãi Võ Tòng, nào tự nhiên thấy
một người đem quả đến, nào thịt, nào rượu, nào bánh, nào cơm, đến chiều lại thế
cũng tả rõ ra nào bình rượu, đĩa thịt, liễn cơm... rồi sau lại một người đem
thùng tắm, một người đem nước tắm, sau lại thay phòng ngủ hầu hạ đủ từ lấy nước
cho súc miệng rửa mặt, lấy lược chải đầu, ba bốn ngày hầu hạ ăn uống, sau lại dạo
chơi quanh, thế rồi về phòng lại cơm sẵn rượu kề ta thấy chép rõ ràng ra, mà
chính Võ Tòng lại hoài nghi thắc mắc, một đoạn tả rõ như vậy, cho thấy biểu lộ
con người hậu đãi ấy Thi Ân.
Sắp tả Võ Tòng uy trấn trại Bình An, đã dự trước một ngày, dạo
chơi trước Thiên Vương Đường, bèn nhắc hòn đá xanh làm lò thiêu hương nặng sức,
lạ thay! Rất lạ là tới sáng ngày chính lúc Võ Tòng giở thần oai ra diễn võ, lại
không trực tả, chỉ tả một nữa phần thôi, như chép thấy hòn đá mà xin nhắc thử,
rồi nhẹ nhàng nhấc lên cao lại ra tay quật mạnh xuống, làm đất lõm sâu một thước,
thế rồi lại lần nữa nhắc lên, để lại chỗ cũ, mới thấy thần lực Võ Tòng, tận
tình trổ ra, lại tả nốt nửa phần nữa thần oai như mặt không hồng, mồm không thở,
tay không núng. Đoạn một không ngờ có đoạn hai, đọc đoạn hai không ngờ còn đoạn
ba, văn thế ly kỳ, chẳng phải mở mắt ra mà xem hết.
Hồi 28:
Trại Bình An, lạy cầu có nghĩa sĩ;
Rừng Khoái Hoạt say đánh Tưởng Môn Thần.
Khi đó Thi Ân bảo với Võ Tòng rằng:
- Xin huynh trưởng hãy ngồi chơi, việc này để tiểu đệ kể rõ
ràng đầu đuôi thì mới rõ được.
Võ Tòng có ý nóng nảy mà rằng:
- Tiểu Quản Doanh bất tất phải lôi thôi dài dòng văn tự...có
thế nào xin cứ nói thực ngay cho tôi được biết.
- Tiểu đệ từ thuở nhỏ theo đòi võ nghệ, cũng biết được qua
loa dăm ngón còn quyền, nhận thế đất Mạnh Châu thường gọi là Kim Nhỡn
Bưu... Ở gần cửa bên đông trại này có một nơi phố xá, tên là Khoái Hoạt
Lâm, xưa nay các thương khách ở Sơn Đông Hà Bắc đến đó buôn bán rất đông. Trong
phố có hơn trăm nhà khách sạn lớn, và hai ba mươi sòng đánh bạc lớn. Trước đây
tiểu đệ nhờ có đôi chút võ nghệ, bèn bắt tám chín mươi tên tên tù đồ khỏe mạnh ở
trong trại, đem ra đó mở một ngôi tửu điếm; rồi bắt các khách sạn cùng các sòng
bạc quanh đó, nếu khi có đám kỹ nữ nào qua lại, là phải đem đến tửu điếm của tiểu
đệ trước, rồi mới được chia đi các nơi. Nhân thế mà tính mỗi tháng tất cả tiền
vặt vãnh có thể kiếm tới hai ba trăm lạng bạc. Dè đâu có ông Trương Đoàn Huyện,
người ở Đông Lộ Châu mới đến, lại dắt thêm anh chàng to lớn, tên là Tưởng Trung
cũng đến ở đây...Anh chàng này mình dài chín thước, tay gậy tay quyền ít người
đo kịp, bọn giang hồ vẫn gọi là Tưởng Môn Thần (thần giữ cửa họ Tưởng) xưa nay.
Anh ta thường nói khoác là: Trong ba năm trời ở Thái Nhạc đánh nhau không hề có
ai đối thủ, khắp trong thiên hạ chỉ một người như hắn mà thôi, nhân vậy hắn cướp
lối kiếm ăn của tiểu đệ. Tiểu đệ đã khẳng khái không chịu nhường, sau bị hắn
đánh một trận, có tới hơn hai tháng giời mới dậy được. Hôm nọ huynh trưởng mới
đến đây, chính tiểu đệ vẫn còn đau tay phải buộc đó. Tiểu đệ nghĩ đến chuyện ấy,
thực là căm tức vô cùng toan đem người đến đánh báo thù một mẻ, song lại e hắn
ta với Trương Hoành Huyện rất thân, lỡ có thế nào thì ở trong trại đây làm lắm
điều không tiện, bởi thế mà chưa sao báo trả được xong. Nay nghe tiếng huynh
trưởng có lòng hạ cố giúp đỡ một tay, để tiểu đệ được sạch tan gánh giận vô
cùng ấy, thì dẫu chết cũng được hả lòng. Duy huynh trưởng mới đến đây, e khi đường
xá xa xôi, trong mình chưa khỏe, nên muốn đợi dăm ba tháng cho huynh trưởng khỏe
mạnh, rồi sẽ nói ra, ai ngờ bây giờ...
Võ Tòng nghe đến đó, cười ha hả mà rằng:
- Anh Tưởng Môn Thần ấy, có mấy đầu mấy tay?
Thi Ân đáp:
- Hắn cũng một đầu hai tay thôi, chứ làm gì mà có nhiều hơn
ai!
Võ Tòng cười mà rằng:
- Tôi tưởng hắn ta ba đầu sáu tay tài giỏi như Na Tra ngày
trước, thì tôi cũng sợ thực, nhưng nếu có một đầu hai tay, không được tài giỏi
như Na Tra, thì có làm chi mà sợ.
- Đành vậy, song tiểu đệ sức lực yếu kém, nên chỉ sợ không
tài nào địch nổi hắn.
- Tôi đây không phải nói khoác, nhưng cứ võ nghệ của tôi thì
bao nhiêu những thằng ngang ngạnh, không biết điều trong thiên hạ, đều không
coi vào đâu cả. Bây giờ các bác cứ đem rượu đi đường để uống rồi tôi với bác
cùng đến xem nó ở đâu, để tôi đánh cho một mẻ như con hổ hôm trước, nếu có chết,
tôi xin đền mạng.
Thi Ân nói:
- Xin huynh trưởng cứ ngồi chơi, lát nữa gia nghiêm tôi về
đây, sẽ xin nói chuyện. Việc này không vội được, hãy để sáng mai tôi cho người
đi dò xem, nếu nó còn ở nhà, thì hôm sau ta đến đó, bằng không thì hãy thư thả
rút giây sợ động rừng, lỡ bị nói đánh lại thì không phải chuyện chơi.
Võ Tòng ra dáng xấn xổ mà rằng:
- Tiểu Quản Doanh phải biết rằng, nếu để nó đánh được, thì ta
không phải là thằng con trai. Đi thì đi ngay, cần gì phải đợi hôm nay hôm khác,
Tiểu Quản Doanh cho mau mau mới được.
Đương khi hăm hở nói cười, thì bỗng thấy Lão Quản Doanh ở sau
bình phong chạy ra nói rằng:
- Nghĩa sĩ ơi, lão há nghe chuyện nghĩa sĩ đã lâu rồi...Nay
thằng cháu được gặp ngài thật là vén mây trông thấy mặt trời... Xin mời ngài
hãy vào trong nhà, ta nói chuyện.
Võ Tòng đứng dậy, theo Lão Quản Doanh vào nhà trong. Lão Quản
Doanh mời Võ Tòng ngồi, Võ Tòng khiêm tốn mà rằng:
- Tôi là một người phạm tội đến đây, đâu dám xấc xược như vậy.
Lão Quản Doanh cười rằng:
- Nghĩa sĩ không nên câu nệ như thế, cháu được gặp nghĩa sĩ
là may rồi.
Võ Tòng nghe nói, liền xin phép ngồi đối diện với Lão Quản
Doanh, còn Thi Ân thì đứng ở một bên. Võ Tòng lại nói với Lão Quản Doanh xin
phép cho Thi Ân cùng ngồi để nói chuyện. Được một lát người nhà dọn rượu lên,
Lão Quản Doanh cất chén mời Võ Tòng mà rằng:
- Nghĩa sĩ là một bậc anh hùng như vậy, thiên hạ ai không đem
lòng kính phục... ? Thằng cháu ở đây có mở ngôi hàng ở Khoái Hoạt Lâm, chủ ý
cũng không phải bán buôn cầu lợi, đó chẳng qua là muốn nuôi thêm hào khí cho đất
Mạnh Châu, để cùng non sông đóng góp. Ngờ đâu bị tên Tưởng Môn Thần ỷ thế hào
cường mà công nhiên chiếm mất, nay nếu không gặp nghĩa sĩ thì có lẽ khó lòng mà
báo thù được. Vậy nếu nghĩa sĩ có lòng thương đến thì cháu xin bốn lạy làm
huynh trưởng, để gọi tỏ tấm lòng thành cùng nghĩa sĩ.
Võ Tòng cung kính đáp rằng:
- Chúng tôi có tài học gì mà dám nhận lời như thế!
Nói xong cất chén rượu uống một hơi cạn hết. Thi Ân đứng dậy
lạy Võ Tòng bốn lạy bái làm huynh trưởng, kết nghĩa anh em, Võ Tòng vội đứng dậy
đáp lễ, rồi cùng ngồi uống rượu với nhau, đến khi Võ Tòng rất say, rồi mới vực
về phòng, để nghỉ.
Sáng hôm sau, cha con Thi Ân bàn với nhau rằng:
- Hôm qua Võ Đô Đầu uống rượu say quá, chắc hôm nay còn trúng
tửu, chưa có thể làm việc được, vậy ta hãy nói dối là sai người đi dò xem, thấy
hắn không có ở nhà, đành để hoãn đến mai sẽ liệu.
Khi bàn định xong, rồi Thi Ân liền đến bảo với Võ Tòng rằng:
- Tiểu đệ sai người đến dò xét hẳn hòi, song hắn còn đi vắng
vậy để sáng mai xin mời huynh trưởng đi cho.
Võ Tòng nghe nói, lại có ý sốt sắng mà rằng:
- Hôm nay lại nghỉ một ngày thì thực phiền cho tôi quá.
Khi cơm nước xong, Võ Tòng cùng Thi Ân đi ra trước trong dinh
chơi mát một hồi, rồi lại trở về phòng khách nói chuyện võ nghệ với nhau. Trưa
hôm ấy, Thi Ân mời Võ Tòng ăn cơm ở trong nhà. Trong khi thiết rượu, chỉ mời
dăm ba chén, rồi cất đi mà đem cơm lên ngay. Võ Tòng đương cao hứng uống rượu,
nhưng thấy vậy cũng không hiểu đầu đuôi tình ý ra làm sao? Khi cơm nước xong.
Võ Tòng trở về phòng nghỉ, có hai tên đầy tớ đem nước tắm rửa đến. Võ Tòng liền
hỏi rằng:
- Sáng hôm nay Tiểu Quản Doanh thiết cơm, lại không để cho uống
rượu là tình ý làm sao?
Tên đầy tớ đáp rằng:
- Chẳng giấu gì Đô Đầu; Lão Quản Doanh cùng Tiểu Quản Doanh
tôi đã định hôm nay là mời Đô Đầu hành sự, song lại e hôm qua Đô Đầu uống nhiều
rượu, thì hôm nay chắc trúng tửu mà lỡ mất việc to bởi vậy nên không dám đem rượu
ra mời Đô Đầu, mà cốt dưỡng sức khỏe để mai nhờ Đô Đầu giúp việc cho.
Võ Tòng nghe nói bật cười mà rằng:
- Như thế mà sợ ta say rượu, lỡ mất việc to, thì cũng lạ thực!
Đêm hôm ấy Võ Tòng nóng lòng sốt ruột mong sao cho chóng sáng
để dậy mà đi. Sáng hôm sau chàng trở dậy sớm rửa mặt súc miệng, đội khăn mỏ
xéo, mặc áo vải mùi thâm, thắt lưng đỏ, chân quấn lá đáp đi đôi giày gia, rồi lấy
miếng lá cao dán đè chỗ kim ấn trên mặt. Vừa khi chỉnh đốn xong, thì Thi Ân đã
đến mời Võ Tòng vào trong nhà ăn cơm.
Khi cơm nước xong, Thi Ân liền sai đầy tớ đóng ngựa để đi, Võ
Tòng gạt đi mà rằng:
- Chân tôi có việc gì mà phải đi ngựa, cái đó không cần. Duy
có một điều này, Tiểu Quản Doanh phải nghe tôi mới được..
Thi Ân nói:
- Có điều gì xin huynh trưởng cứ cho biết, nào tiểu đệ dám
không theo.
- Bây giờ tôi với Tiểu Quản Doanh cùng đi, cần phải nhớ một
câu là "Không ba chẳng qua vọng".
- Thế nào là "Không ba chẳng qua vọng", tiểu đệ
không hiểu ý ra sao cả?
Võ Tòng cười mà rằng:
- Tôi nói cho chú nghe; Nếu chú có cần cho tôi đánh Tưởng Môn
Thần, thì cứ bước chân ra khỏi thành, hễ gặp hàng rượu nào là phải mời tôi uống
ba chén rượu; nếu không có ba chén rượu, thì tôi không đi qua vọng tử nữa, thế
là không ba chẳng qua vọng.
Thi Ân nghe nói, nghĩ một lát mà đáp rằng:
- Khoái Hoạt Lâm cách đông môn mười bốn mười lăm dặm đường,
trong quãng đó có tới mười hai mười ba hàng rượu, nếu qua mỗi hàng mà uống ba
chén, thì tất cả, phải đến ba nhăm ba sáu chén rượu, như thế e khi huynh trưởng
quá say, thì còn làm việc thế nào được?
Võ Tòng cả cười mà rằng:
- Tiểu Quản Doanh sợ tôi say rồi kém sức hay sao? Phải biết rằng,
tôi uống một phần rượu thì tài giỏi một phần chứ uống đến mười phần rượu, thì
tài sức lại ở đâu đâu kéo đến, không biết thế nào mà kể? Nếu không phải là say
rượu to gan, thì nào có đánh được con đại trùng ở trên núi Cảnh Dương. Lúc đó cứ
để cho tôi say mê say mệt, thì sức mới mạnh được.
Thi Ân nói:
- Nếu vậy thì càng hay lắm. Hôm qua chỉ sợ huynh trưởng quá
say lỡ việc, nên không dám đem rượu ra mời. Nay huynh trưởng đã nói như vậy,
thì nhà tôi sẵn có rượu ngon, xin cho người cứ gánh sắn cả hoa quả rượu chè đi,
rồi đến đó sẽ dùng.
- Thế thì vừa ý tôi lắm! Có dăm ba chén rượu mới có khí lực,
chứ đánh suông thì khó lòng đánh được. Hôm nay tôi đánh thằng ấy, gọi là để cho
họ buồn cười một mẻ vỡ bụng mà chơi.
Bấy giờ Thi Ân sai hai tên người nhà gánh rượu nhắm đi trước,
rồi Lão Quản Doanh lại chọn vài ba mươi tên khỏe để ứng tiếp theo sau, đoạn rồi
Thi Ân cùng Võ Tòng ra đi. Ra khỏi trại Bình An tới cửa Đông Môn đi được bốn
năm mươi bước, thì thấy bên cạnh đường có một ngôi hàng rượu phất tử phỏ phất ở
trên, hai tên người nhà đã gánh rượu đến trực đó. Thi Ân liền mời Võ Tòng vào
ngồi, rồi đem bày các thức rượu nhắm ra.
Võ Tòng bảo với Thi Ân rằng:
- Cái này tất phải dùng ba chén lớn, chứ chén nhỏ thì không
ăn thua.
Người nhà nghe nói, liền lấy ra ba cái chén thực lớn, rồi Thi
Ân rót rượu ra mời. Võ Tòng không cần khiêm nhượng mời chào, cất chén uống ba
hơi hết cả, rồi đứng phắt dậy ngay. Người nhà lại thu xếp đồ đạc mà gánh mau đi
trước.
Võ Tòng cười bảo Thi Ân rằng:
- Ba chén rượu thực là nở ruột gan dễ chịu lắm, thôi ta đi
đi!
Nói đoạn hai người cùng ra đi. Bấy giờ đương dạo tháng bảy,
trời còn nắng bức gió tây, hai người liền cởi phanh cả áo ra mà đi cho mát. Đi
được độ một dặm đường nữa, lại đến một nơi tửu điếm thấp thoáng, lá cờ bay ở
trong giữa rừng cây. Thi Ân đứng dừng lại hỏi Võ Tòng rằng:
- Chỗ này là một hàng rượu nhà quê, huynh trưởng cũng tính là
một vọng chăng?
Võ Tòng đáp:
- Phải lắm, uống ba chén rồi sẽ đi.
Nói đoạn hai người lại vào hàng ngồi, rồi người nhà đem rượu
vào rót ba chén để Võ Tòng uống. Uống xong lại đứng dậy cùng đi.
Từ đó cứ mỗi khi gặp hàng rượu, lại vào uống ba chén rồi đi.
Dần dần đi qua có tới mươi chốn hàng rượu, Thi Ân thấy Võ Tòng vẫn chưa có dáng
say, thì lại càng lấy làm vui trong dạ.
Bấy giờ Võ Tòng hỏi Thi Ân rằng:
- Từ đây đến Khoái Hoạt Lâm, ước chừng còn bao nhiêu nữa.
Thi Ân đáp:
- Không còn bao lâu nữa, ở ngay khu rừng trước mặt kia rồi.
- Nếu vậy thì Tiểu Quản Doanh nên tránh một nơi khác, mà đợi
tôi, để một mình tôi tìm đến hắn cũng được.
- Vâng, huynh trưởng dạy thế thì phải lắm, song cần nên cẩn
thận dụng tâm, chớ có khinh địch mới được.
Võ Tòng cười rằng:
- Cái đó không cần phải dặn, cứ cho bọn người nhà nó đưa tôi
đi, còn gặp hàng rượu nào thì tôi phải uống nữa.
Thi Ân liền dặn người nhà đi theo Võ Tòng, còn tự mình thì đi
lánh một nơi.
Võ Tòng đi qua ba bốn dặm đường lại uống thêm mười chén rượu
nữa. Lúc đó vào khoảng sắp trưa, khi trời nóng bức, thỉnh thoảng mới hây hây
hơi có chút gió. Võ Tòng nghe chừng hơi rượu bốc lên, cũng có dăm bảy phần chếch
choáng. Chàng liền cởi phăng áo vải làm bộ say mười phần rồi ngả bên đông vẹo
bên tây, mà khệnh khạng đi vào trong rừng.
Lũ người nhà trỏ vào đằng trước mặt mà nói rằng:
- Đến con đường chữ Thập kia, tức tửu điếm của Tưởng Môn Thần
rồi đó.
Võ Tòng nói:
- Gần đến đây rồi, thì các ngươi nên lánh cho xa, để khi nào
ta đánh ngã hắn rồi sẽ đến.
Nói đoạn đi thốc vào trong rừng, thấy một anh đại hán như tượng
Kim Cương, khoác cái áo vải trắng, tay cầm cái phất xua ruồi, bắc ghế ngồi ở gốc
cây hòe hóng mát. Võ Tòng càng giả mặt say, liếc mắt nhìn qua một lượt rồi
trong bụng nghĩ thấm: "Anh chàng này tất là Tưởng Môn Thần hẳn? "
Chàng nghĩ vậy lại sồng sọc đi vào.
Đi được dăm ba mươi bước đã đến quãng đường chữ Thập, có một
tửu điếm rất lớn, trước cửa treo là cờ viết bốn chữ "Hà Dương phong nguyệt"
rất to. Khi đến tận cửa thấy một dãy chắn song sơn đầu, hai bên treo hai cái biển
vàng viết hai câu: "Rượu Thánh vung Trời đất; Bầu Tiên tít tháng
ngày". Trong đó một bên kê đặt giường thịt dao thớt và các thức đồ dùng,
còn một bên thì lò bếp và các đồ làm bánh. Phía trong có ba cái chum đựng rượu
rất lớn, chôn ngập một nửa xuống đất. Khoảng giữa mặt một cái quầy, cười ó một
người đàn bà trẻ tuổi ngồi trong. Người ấy là vợ lẽ Tưởng Môn Thần mới lấy,
nguyên là một tay con hát khi xưa.
Bấy giờ Võ Tòng chạy thẳng vào hàng, đến bên quầy ngồi đối diện
với người đàn bà, rồi đăït hai bàn tay lên quầy mà nhìn chị chàng kia không chớp
mắt. Người đàn bà thấy vậy, thỉnh thoảng mặt nom đi chỗ khác.
Võ Tòng lại nom vào trong, thấy có năm bảy tên tửu bảo ở đó,
chàng bèn gõ bàn gọi lên rằng:
- Nào chủ hàng rượu ở đâu?
Vừa gọi xong thì có một tên tửu bảo chạy đến, nhìn Võ Tòng rồi
hỏi rằng:
- Ngài muốn lấy bao nhiêu rượu?
Võ Tòng nói:
- Lấy hai vò, nhưng hãy đem đây ta nếm xem đã.
Tên tửu bảo chạy đến bên quầy bảo người đàn bà, lấy hai vò rượu
đổ vào thùng rồi đem lên một chén đưa cho Võ Tòng uống mà bảo rằng:
- Rượu đây xin ngài nếm cho.
Võ Tòng cất lấy chén rượu xem qua một lượt, lắc đầu mà nói rằng:
- Không tốt, không tốt, lấy thứ khác đây.
Tên tửu bảo biết ý Võ Tòng, đã ra dáng say, bèn cầm đến quầy
bảo người đàn bà rằng:
- Nương tử đổi cho hắn thứ khác vậy.
Người đàn bà liền cất rượu ấy đi, rồi đổi lấy thứ rượu thực tốt
đưa ra, tửu bảo lại hâm nóng một chén đưa ra cho Võ Tòng nếm.
Võ Tòng sẽ nhấp một tý rồi lại kêu lên rằng:
- Rượu này cũng không ngon? Muốn sống thì đổi thứ khác đây.
Tên tửu bảo cố nín hơi không nói, rồi đem đến cho người đàn
bà mà nói rằng:
- Nương tử dầu lòng đổi thứ khác vậy, lão này nghe chừng say
rồi, chỉ muốn sinh sự thôi, ta đừng chấp họ mới được.
Người đàn bà nghe nói đổi lấy một thứ rượu thượng hạng đưa
cho tửu bảo. Tên tửu bảo hâm nóng tử tế, rồi rót một chén đưa cho Võ Tòng. Võ
Tòng cất lên rồi nói rằng:
- Ừ! Cái rượu này còn hơi có mùi mẽ một chút...Này thằng kia,
chủ nhân nhà mầy họ gì?
Tên tửu bảo đáp rằng:
- Chủ nhân tôi họ Tưởng.
Võ Tòng liền nói:
- Sao lại họ Lý?
Chị đàn bà nghe vậy lấy làm khó chịu, liền nói với tên tửu bảo
rằng:
- Thằng chó nầy lại muốn chết chăng?
Tên tửu bảo nói:
- Nghe chừng anh ta ở đâu mới đến đất này, chưa biết thế nào,
nên mới liều lĩnh như thế!
Võ Tòng liền hỏi rằng:
- Các người nói chuyện gì đấy?
Tên tửu bảo đáp rằng:
- Chúng tôi nói chuyện riêng đằng này ngài cứ xơi rượu đi.
Võ Tòng tiếp luôn rằng:
- Ngươi bảo người đàn bà ấy ra đây uống rượu với ta một lúc.
Tên tửu bảo gạt đi rằng:
- Chết nỗi! Sao nói càn thế? Bà ấy là vợ ông chủ nhà tôi đấy.
- Vợ ông nữa thì làm sao? Uống rượu với ta phỏng đã việc gì?
- Đồ chết toi này hỗn thực. Nói xong toan đẩy cái quầy để chạy
ra. Võ Tòng vội cởi phăng cái áo bên trên ra thắt ngang xuống bụng, cầm thùng
rượu hắt một cái đổ tóe ra đất rồi nhảy vào trong quầy. Vừa khi chị chàng kia mới
đứng dậy toan đi ra, bỗng bị Võ Tòng sấn đến một tay nắm đầu tóc, một tay cầm
chặt lấy thắt lưng rồi xách qua mặt quầy mà ném ngay vào trong chum rượu. Khi
đó có một tên tửu bảo nhanh chân chạy đến toan đánh Võ Tòng, bất đồ bị Võ Tòng
nắm xách cổ lên mà bỏ ngay vào chum rượu; rồi lại có một tên tửu bảo nữa chạy đến,
cũng bị tóm lấy ném ngay vào chum rượu nốt. Ba người đều giãy lục đục ở trong
chum rượu, mà không anh nào nhảy ra được. Sau có hai tên tửu bảo nữa ở trong
nhà chạy xông ra, cũng bị Võ Tòng đánh cho mỗi tên một cái đá ngã ệp xuống mà
không dậy được. Đoạn rồi Võ Tòng xông vào đánh tất cả mọi người nhà bếp anh nào
anh ấy, đều thục thân mà chạy cho mau để báo với Tưởng Môn Thần.
Tưởng Môn Thần nghe báo tin thì ngạc nhiên cả kinh, liền đẩy
ngã ghế ra, phất một cái đuôi ruồi xuống đất, rồi vội vàng chạy đến hàng xem. Vừa
đến khoảng đường rộng ở trước cửa, thì gặp Võ Tòng cũng ra đến đó. Tưởng Môn Thần
tuy có sức lớn hơn người, song ít lâu nay tửu sắc ham mê, sức lực cũng có phần
hao kém, bởi thế mà thoạt khi trông thấy Võ Tòng thì trong bụng đã hơi hơi
núng, Tuy vậy song chàng vẫn khinh thị Võ Tòng còn đương say rượu, nên cứ thị
hùng mà sấn vào để đánh.
Khi xông vào tới nơi, thì Võ Tòng giơ tay quyền lên, nhằm giữa
mặt Tưởng Môn Thần đánh dứ một cái rồi quay ngoắt mà chạy ngay. Tưởng Môn Thần
cả giận, xông vào đến đuổi, bất đồ bị Võ Tòng mau chân đá phi một cái trúng
ngay vào giữa bụng.
Tưởng Môn Thần giơ tay lên đỡ, rồi phi quyền để đánh lại, Võ
Tòng né mình tránh tay quyền của Tưởng Môn Thần, rồi lại giơ chân bên hữu đá
phi một cái nữa, trúng ngay vào thái dương Tưởng Môn Thần.
Tưởng Môn Thần bị cái đá ngã lộn về đằng sau, Võ Tòng liền
xông vào đạp chân lên bụng, giở quả đấm ra đánh luôn. Nguyên trước Võ Tòng đánh
nhử một cái, rồi quay ngoắt mình đi, mà phi chân trái đá trúng một bên, rồi lại
phi chân phải đá luôn bên nữa. Phép đánh đó gọi là "Ngọc Hoàn Bộ Uyên ương
cước" là một ngón võ nghệ biệt tài của Võ Tòng thao luyện xưa nay, không
phải những tay tầm thường ví được. Bấy giờ Võ Tòng đánh luôn năm bảy cái đấm,
Tưởng Môn Thần không sao bò ngóc dậy được, chịu nằm ép dưới đất mà kêu van xin
tha.
Võ Tòng nghe vậy dừng tay đánh mà bảo với Tưởng Môn Thần rằng:
- Nếu ngươi muốn ta tha, thì phải nghe ba việc này mới được.
Tưởng Môn Thần kêu lên rằng:
- Hảo hán tha cho tôi, dẫu đến trăm việc tôi cũng xin theo,
huống chi là ba việc.
Võ Tòng bèn lấy chân dậm lên trên bụng Tưởng Môn Thần, mà nói
ra ba việc cho nghe.
Mới hay là:
Giang hồ say tỉnh tỉnh say,
Ngang trời dọc đất thân này xem không,
Bấy lâu xuôi ngược bềnh bồng,
Biết nhau chăng có non sông với mình,
Tuồng gì là giống hôi tanh,
Thế gian thêm để bất bình riêng ai,
Trăm năm cõi tục còn dài,
Nam nhi xin chớ phụ lời bồng tang!
Lời bàn của Thánh Thán:
Xét đến viết Sử, việc của quốc gia, mà người cầm bút, việc của
văn sĩ, chép việc quốc gia, phải đâu chỉ theo lối tự sự có sao nói thế mà thôi,
còn ngòi bút phả vẫy vùng ngang dọc, làm sao cho tỏ những ý nghĩa uống ẩm của từng
chuyện người trong Sử, như thế mới gọi là kỳ văn! Như Sử Ký Tư Mã Thiên đã soạn,
Tư Mã Thiên chép chuyện Bá Di, thì đâu phải chỉ ở Bá Di mà chép chuyện du thủ
du thực, thì phải đâu ở du thủ thực; Đến như chép chuyện của Hán Võ, chỉ là
chuyện của Hán Võ mà chẳng phải chí như chí của Hán Võ...Có ghét gì những chí ấy,
như kiểu tuyên truyền hay chê bai chỉ là văn chương mà thôi vậy. Mã Thiên chép
ra, là văn của Mã Thiên, Mã Thiên trong bút chép ra để mà tự sự, thì có tài liệu
của văn Mã Thiên, vì chép ra những việc lớn của đời, như triều nghị nghiêm
trang, lễ nhạc long trọng, chiến trận ngu cấp, tế lễ thận trọng, mưu kế phiền
toái, hình ngục khiếp thươn.. Phải cung tài liệu cho kỳ văn tuyệt thế, mà quân
tướng chẳng đến hỏi đến, vì rằng làm ra mọi, là quyền quân tướng, chẳng phải
thư sinh được dự bàn, mà chép ra sử sách,là quyền văn sĩ, dù quân tướng ngôi
cao mà đâu có thể cấm đoán! Có gì đâu quân tướng có thể làm ra những việc dở
thay, nhưng không thể làm ra những việc ấy còn mãi với đời, có thể làm cho việc
của quân tướng được mãi với đời, cho đến trăm ngàn muôn đời, hãy còn ca ngợi
kính yêu, thì phải nhờ đến công của kỳ văn tuyệt bát mà việc của quân tướng,
khác nào vuốt theo đuôi ngựa mà thấy rõ ra.
Thế cho nên Mã Thiên làm văn, ta thấy rằng việc to thô quá,
thì thu vén lại thấy rằng việc nhỏ nhen quá, thì phô phang ra. Hoặc thấy rằng
việc còn thiếu sót, thì phụ thêm vào, trái lại việc đầy đủ thừa ra, thì bỏ bớt
đi, đó là kế vì vãn, đâu phải kế vì việc, nếu khiến văn của ta trở nên một kỳ
văn tuyệt thế, thì ta phải truyền cho việc, nên muốn chỉ truyền lại công việc,
lại khiến cho đầy đủ không mất đi, thì ta làm văn phải được hế nào, đã trở nên
kỳ văn tuyệt thế, nếu không đem văn chương của chúng ta ra truyền, thì làm sao
mà truyền nổi chuyện hãy còn mãi mãi? ? ? Đức Khổng Tử chả nói rằng: Câu chuyện
thì của Tề Hoàn, Tấn Văn, còn về văn chương thì của Sử Ký, câu chuyện là của Tề
Hoàn, Tấn văn, thành ra chỉ là chép việc chứ không là văn, còn văn chương thì của
Sử Ký, lại hóa ra chỉ có văn mà không phải việc, còn văn là của văn chương thì
câu chuyện cũng khỏi chép đến Tề, Tấn, nên thuyết về Văn Liệu, Khổng Tử cũng
nói qua đến vậy.
Hỡi ôi! Bậc quân tử từ xưa, nhận mạng vua cầm bút, vì chép
chuyện một đời, moi móc gấm thêu châu ngọc tự trong lòng, trở nên tuyệt thế kỳ
văn, há có một nhà văn nào, mà không chép hết ra mọi chuyện, chẳng qua muốn
thành tuyệt thế kỳ văn, để tự vui sướng, mà phải Trương đúng là Trương, Lý đúng
là Lý, không một chút cong ngay ngang dọc tô điểm tô mầu, với cái chí kinh
doanh thảm đạm vậy! Thì đọc Sử Tỳ Quan, mà lại quái đến Tống Tử Kinh, cho rằng
đặt để nên lời, chẳng đọc sách Tàn Đường hay sao?
Hồi này tả Võ Tòng, vì Thi Ân đánh Tưởng Môn Thần chép việc đấy,
Võ Tòng uống rượu, lại thêm văn đấy, đánh Tưởng Môn Thần, là liệu vậy, uống rượu,
là moi gấm thêu châu ngọc ở trong lòng, vì có rượu phải có người đại hán đánh hổ
trên núi Cảnh Dương, là tay uống rượu đệ nhất của muôn thủa;Có rượu phải có chỗ,
ra khỏi cửa đông Mạch Châu, đến rừng Khoái Hoạt phải mười bốn mười lăm dặm đường,
lại là nơi uống rượu đệ nhất của muôn thủa; Uống rượu lại có lúc, trời hè nóng
bức, hiu hắt gió Tây, cởi áo ngoài ra đón gió, lại là lúc đáng uống rượu vào đệ
nhất của muôn thủa; Uống rượu phải ra lệnh uống; Không ba chẳng qua Vọng, lại
là lệnh uống rượu đệ nhất của muôn thủa; Uống rượu còn có Giám Sát, uống luôn
là ba chén phải đi ngay, lại là giám sát uống rượu đệ nhất của muôn thủa; Uống
rượu phải có đếm, cứ mười hai mười ba nhà là một vọng tử, lại là tửu trù đệ nhất
của muôn thủa; Uống rượu lại có người kèm theo, gần đến chỗ Vọng, đã sửa soạn
ra ba chép trước, uống xong gấp gấp chạy đi, lại là người kèm rượu đệ nhất của
muôn thủa; Uống rượu lại có món đưa cay, chợt nghĩ đến vong huynh, mà phóng
thanh khóc rống, chợt đâu căm lũ gian dâm, mà vỗ bàn kêu lên, lại là món đưa
cay rượu đệ nhất của muôn thủa; Uống rượu phải nhớ, nhớ đến Tống Công Minh ở
trang Sài Tiến Vương Tôn, lại là uống rượu nhớ đệ nhất của muôn đời; Uống rượu
có thói say, chờ cho Tưởng Môn Thần không được ở đường đất Mạnh Châu lại là
thói uống say đệ nhất của muôn thủa; Uống rượu có thán thưởng, bốn chữ Hà Dương
Phong Nguyệt, hai câu Rượu Thánh vung trời đất; Bầu Tiên tít tháng ngày, lại là
thưởng rượu đệ nhất của muôn thủa; Uống rượu có đề tài, là Khoái Hoạt Lâm (Rừng
sống thú), lại là tửu đề đệ nhất của muôn thủa...Bao nhiêu thứ đó, đều do văn của
hồi này, đâu phải việc của hồi này, nếu là việc của hồi này mà thôi ấy, thì Thi
Ân đem Võ Tòng đi đánh Tưởng Môn Thần, một đường uống hết ba mươi nhăm, sáu
chén rượu chỉ y theo lệ Tống Tử Kinh, chép qua một lượt là đủ, việc gì phải phiền
đến Thi Lại An soạn ra văn một hồi này. Ngán thay! Đời không kẻ đọc nổi chuyện,
thì ta còn biết làm sao???
Hồi 29:
Thi Ân ba phen vào lao ngục,
Võ Tòng một phen náo phi vân.
Khi đó Võ Tòng trỏ vào mặt Tưởng Môn Thần mà bảo rằng:
- Điều thứ nhất ngươi phải đi khỏi rừng Khoái Hoạt; bao nhiêu
đồ đạc để lại đây trao trả cho chủ củ là Kim Nhỡn Bưu Thi Ân...Ai cho ngươi được
chiếm nhậm chốn này?
Tưởng Môn Thần vội vàng kêu van rằng:
- Xin vâng...Xin vâng...
- Điều thứ hai: Bây giờ ta tha ngươi, ngươi hãy đi mời tay
anh hùng đầu chóp ở chốn này, để đến đây tiếp chuyện với Thi Ân.
- Vâng, chúng tôi xin theo được..
- Điều thứ ba: Từ đây phải lập tức trở về làng nước, không
cho ở đất Mạnh Châu đây. Nếu còn vất vưởng loanh quanh, ta gặp một lần là đánh
một lần, bắt gặp mười lần là đánh mười lần, nhẹ ra thì đánh cho kỳ ốm, mà nặng
ra thì đánh chết cũng nên, ngươi nghĩ sao?
Tưởng Môn Thần kêu luôn lên rằng:
- Được, tôi xin vâng lời hết thảy.
Võ Tòng nghe vậy, bèn kéo Tưởng Môn Thần đứng dậy, thấy mặt
mũi tái nhợt, máu chảy đầm đìa, chàng liền trỏ vào mặt mà mắng rằng:
- Ngươi phải biết con hổ trên núi Cảnh Dương, ta chỉ đánh ba
cẳng tay cũng đủ chết,...nhà ngươi đây phổng sức lực được là bao nhiêu... ? Muốn
sống phải trao trả ngay, chậm một tý là ta đánh chết.
Tưởng Môn Thần nghe đến đó mới hiểu ra Võ Tòng, bèn vâng dạ
luôn mồm mà xin giao trả.
Đương lúc ấy Thi Ân dẫn hai ba mươi tên lính đến, định để
đánh giúp, khi thấy Võ Tòng đã đánh được Tưởng Môn Thần rồi, thì lấy làm vui mừng
vô hạn.
Võ Tòng trỏ vào Tưởng Môn Thần mà nói rằng:
- Hiện chủ cũ ở đây rồi, ngươi phải mau mau trả ngay, và cho
người đến nói lại, mau đi.
Tưởng Môn Thần đáp rằng:
- Xin mời hảo hán hãy vào trong hàng đã.
Nói đoạn liền dẫn Võ Tòng cùng mọi người vào trong tửu điếm.
Khi vào tới nơi, thấy rượu chè be bét cả ra nhà cửa, mấy đứa trong chum ngoi
ngóp bò lên ướt như chuột lột, còn đám người nhà thì chạy mất tăm, không còn ai
dám lảng vảng ở đấy. Bấy giờ Võ Tòng ngồi vào trong ghế, quát bảo Tưởng Môn Thần
phải mau mau thu thập hành lý, tống chị đàn bà đi trước, rồi nhất diện sai bắt
mấy đứa tửu bảo không bị thương, cho đi tìm mươi người đầu sỏ ở quanh đấy, đến
để bàn giao. Khi mọi người đã đến đông đủ. Võ Tòng liền sai lấy các thứ rượu
ngon ra dọn bàn, mời mọi người cùng uống. Được một lát Võ Tòng nói với chúng rằng:
- Dám thưa các vị cao lân tôi từ khi ở huyện Dương Cốc sang
đây, nghe nói Khoái Hoạt Lâm vốn là một cái cơ nghiệp của Tiểu Quản Doanh Thi
Ân ngày trước, sau bị Tưởng Môn Thần đến đó ỷ thế mà lấn hiếp cướp mồi. Tôi đây
tuy không có can thiệp gì vào đó, song tính tôi bình sinh hay đánh những kẻ
tham mê vô lý giữa đường thấy sự bất bình, tất phải ra tay trừ khử, dẫu chết
cũng cam tâm. Ngày này bản ý tôi muốn đánh chết Tưởng Môn Thần, để trừ cái hại
cho thiên hạ, song tôi còn vị nể các vị cao lân đây, nên đã giữ mạng anh ta ở
đó. Hiện bây giờ anh ta phải lập tức đi xứ khác, bằng tôi còn gặp mặt ở đây thì
xin theo như con hổ trên núi Cảnh Dương mà trị.
Bấy giờ chúng nghe nói, mới hiểu Võ Tòng chính là anh hùng
đánh hổ trên núi Cảnh Dương, liền tề thanh đứng dậy nói đỡ Tưởng Môn Thần rằng:
- Xin hảo hán thư tâm, tức khắc Tưởng Môn Thần sẽ trả lại chủ
cũ.
Tưởng Môn Thần kinh sợ vô cùng, liền đem tất cả các đồ đạc
trao cho Thi Ân, rồi thuê một cỗ xe, xếp một ít hành lý, và bẽn lẽn từ tạ mọi
người mà đi thẳng. Đoạn rồi Võ Tòng cùng Thi Ân mời mọi người ở đó uống rượu,
mãi đến chiều hôm mới tan. Lão Quản Doanh nghe tin Thi Ân lại chiếm được Khoái
Hoạt Lâm, liền cưỡi ngựa đi đến tửu điếm tạ ơn Võ Tòng, rồi ăn mừng luôn mấy
hôm rất vui vẻ. Khi đó ở Khoái Hoạt Lâm mọi người nhận biết Võ Tòng, thì ai nấy
đều lấy làm kính trọng, mà đến chào mừng suốt lượt. Thi Ân liều lưu Võ Tòng lại
ở đó, rồi sửa sang hàng quán buôn bán rất là sầm uất gấp năm gấp bảy khi
xưa...Từ khi Thi Ân nhờ được Võ Tòng báo thù trả oán, lại chiếm được lợi quyền
đối với các hàng rượu sòng bạc hơn trước, thì trong lòng rất khâm phục Võ Tòng
không khác gì cha mẹ sinh ra.
Thấm thoát hơn một tháng trời, bây giờ nắng hè đã nhạt, ngọn
gió thu đã rải rác hơi sương trên mặt đất. Một hôm Thi Ân đương ngồi trong tửu
điếm, cùng Võ Tòng nói chuyện côn quyền. Chợt đâu có ba tên lính dắt một con ngựa
đến trước cửa điếm mà nói rằng:
- Chúng tôi vâng lệnh Đô Giám tướng công, nghe nói Võ Đô Đầu ở
đây.
Thi Ân nhận biết mấy tên đó là người nhà Đô Giám binh mà
Trương Mông Phương ở đất Mạnh Châu, liền chạy ra mà hỏi rằng:
- Các bác hỏi Đô Đầu làm chi?
Đám kia trả lời:
- Chúng tôi vâng lệnh Đô Giám tướng quân nghe nói Võ Đô Đầu
là bậc hảo hán, nên sai chúng tôi đến đây để mời, hiện có thiếp của tướng công ở
đây.
Thi Ân cầm lấy cái thiệp xem xong nghĩ thầm trong bụng:
"Trương Đô Giám là Thượng Ty của phụ thân ta, thì sai khiến điều gì không
được! Huống chi Võ Tòng lại là một người bị tội đến đây, cũng thuộc quyền người
ta cai trị, có lẽ nào mình dám giữ lại mà không cho đi? Nghĩ đoạn rồi quay vào
nói với Võ Tòng rằng:
- Nay có quan Trương Đô Giám sai người mang ngựa đến đây, để
đón huynh trưởng, vậy huynh trưởng nghĩ sao?
Võ Tòng vốn là người cương trực xưa nay, không cần chi hỏi đến
điều ủy khúc, bèn đáp ngay rằng:
- Người ta đã đến tìm mình, thì cứ đi một chuyến xem sao?
Nói đoạn liền thay khăn áo, đem một tên nhỏ theo hầu, rồi lên
ngựa theo vào Mạnh Châu.
Khi tới trước cửa dinh Đô Giám, Võ Tòng liền xuống ngựa, theo
bọn lính đi vào trong dinh. Bấy giờ Trương Đô Giám đương ngồi ở tiền sảnh, thấy
nói Võ Tòng bước vào sảnh cúi đầu lễ chào, rồi khoanh tay đứng ở một bên.
Trương Đô Giám hỏi Võ Tòng rằng:
- Ta nghe nói anh là một tay Đại trượng phu hảo nam tử anh
hùng vô địch, dám vì người sống cũng liều, vậy nay trong quân ta còn thiếu một
người như thế, chẳng hay anh có chịu giúp ta làm một tay thân mật ở trong nhà
hay không?
Võ Tòng cúi đầu tạ ơn rằng:
- Chúng tôi là một kẻ tù tội ở bên dưới, nếu nay tướng công lại
có lòng đề cử lên cho, thì chúng tôi xin vâng lệnh theo hầu dưới trướng.
Đô Giám cúi đầu tạ ơn rằng:
- Chúng tôi là một kẻ tù tội ở bên dưới, nếu nay tướng công lại
có lòng đề cử lên cho, thì chúng tôi xin vâng lệnh theo hầu dưới trướng.
Đô Giám nghe nói cả mừng, bèn sai lấy hoa quả rượu ngon lên,
và từ rót mời Võ Tòng uống thực say, rồi sai dọn một gian phòng ở nhà dưới để
Võ Tòng nghỉ. Sáng hôm sau lại sai người đến nhà Thi Ân, lấy các đồ hành lý cho
Võ Tòng, rồi lưu luôn ở trong dinh Đô Giám.Từ đó Đô Giám đối với Võ Tòng rất là
thân mật, không lúc nào là không gọi đến luôn luôn. Dần dần để cho Võ Tòng đi lại
khắp chốn nhà trong nhà ngoài, chẳng khác chi họ hàng thân thích vậy. Đô Giám lại
cho gọi thợ, may áo mùa thu cho Võ Tòng mặt rất là tử tế.
Võ Tòng cũng lấy làm vui lòng, gặp một người ân đức như vậy,
nên hết sức trông nom, mà không chút gì trễ. Bởi vậy chàng cũng không có lúc
nào trở về Khoái Hoạt Lâm mà nói chuyện với Thi Ân được nữa. Thỉnh thoảng Thi
Ân có cho người thăm hỏi Võ Tòng, song nhiều khi bị người ngăn trở ở ngoài, mà
không được gặp. Được ít lâu nhiều người nhờ đến Võ Tòng nói giúp việc quan,
Trương Đô Giám đều thuận tình cho cả. Nhân thế mà không bao lâu các đồ kim ngân
tài bạch của dân gian tặng đãi rất nhiều, Võ Tòng liền mua một cái hòm mà chứa
cả vào đó.
Một hôm giữa độ Trung Thu tháng tám, Trương Đô Đầu bày tiệc
trông trăng ở dưới lầu Uyên Ương trong một khu nhà sâu kín, rồi cho Võ Tòng vào
dự tiệc. Võ Tòng có quyền thuộc Đô Giám đều ngồi ăn tiệc ở đó, thì có ý rụt rè,
uống một chén rượu, rồi đứng lên mà cất lẻn đi.
Trương Đô Giám thấy vậy, thì hỏi rằng:
- Đương uống rượu, sao lại đi đâu thế?
Võ Tòng khép nép thưa rằng:
- Ân tướng có lòng yêu, ban cho ăn uống, song trên có ân tướng
lại có Phu Nhân cùng quý quyến ở đây, chúng tôi đâu dám mạn phép như thế!
Trương Đô Giám cười mà bảo rằng:
- Anh lầm rồi, ta kính anh là một người nghĩa sĩ, nên mới đặc
cách mời vào đây uống rượu cũng như người nhà thân vậy. Sao lại chối từ như thế?
Võ Tòng bẩm rằng:
- Chúng tôi là một kẻ phạm tội, không khi nào dám thế xin ân
tướng tha cho.
Trương Đô Giám lại than vãn rằng:
- Nghĩa sĩ không nên nghĩ tỉ mỉ làm gì, ở đây có ai là người
ngoài đâu! Nghĩa sĩ cứ ngồi uống rượu cho vui.
Võ Tòng hai ba lầm từ chối.Trương Đô Giám nhất định không
nghe, bắt Võ Tòng phải cùng ngồi uống rượu. Võ Tòng không thể nào từ chối được,
đành phải xin phép, rồi bắc cái ghế xa xa phía dưới mà nghiêng mình ngồi đó.
Trương Đô Giám liền sai con hầu lên rót rượu mời Võ Tòng uống.
Uống được dăm ba chén, rồi Trương Đô Giám lại bảo với Võ Tòng
rằng:
- Đại trượng phu uống rượu, cần gì phải dùng đến thứ chén nhỏ
nhen này?
Nói đoạn sai lấy chén lớn rót luôn mấy chén để mời Võ Tòng.
Bấy giờ bóng Nga vằng vặc, soi cửa bên đông. Võ Tòng uống rượu
chừng đã hơi hơi chếnh choáng, dần dần quên cả lễ độ giữ gìn, mà uống tràn một
lúc. Trương Đô Giám lại gọi con tì nữ đáng yêu duyên dáng, là Ngọc Lan ra để ca
mừng tiệc rượu. Đoạn rồi lại trỏ bảo Ngọc Lan rằng:
- Ở đây không có ai xa lạ, duy có Võ Đô Đầu thì là một người
tâm phúc của ta, vậy nhân tết Trung Thu nầy, người nên hát khúc "Trung Thu
bối Nguyệt" để cho chúng ta nghe.
Ngọc Lan vâng lời cầm phách gõ, rồi cất lên tiếng hát bài ca
Trung Thu thủy điêu của ông Tô Đông Pha rằng:
Cái bóng trăng kia có tự bao giờ!
Tay nâng chén rượu hỏi khật khờ dăm câu:
Chốn cung Trời muôn trượng cao cao,
Đêm nay là cái đêm nao hỡi trời?
Anh cũng toan cưỡi gió về chơi,
E khi lầu ngọc xa khơi thêm lạnh lùng:
Xênh xang múa giỡn bóng trăng trong,
Khác nào vơ vẫn trong vòng trần ai?
Buông rèm châu thấp thoáng xa xôi,
Can chi hờn giận lựa thời em mới trốn khuôn?
Khách trên đời tan hợp với vui buồn,
Bóng trăng kia khi mờ tỏ với khuyết tròn kể cũng bao phen?
Trải ngàn xưa ai đã vững chu tuyền!
Lòng riêng chỉ nguyện với bóng thuyền cho được dài lâu.
Ngọc Lan hát xong đặt phách xuống đứng ra một bên. Trương Đô
Giám lại sai Ngọc Lan đi rót rượu khuyên mời. Ngọc Lan vội vàng vâng lời rót một
chén rượu đưa mời Đô Giám, một chén rượu đưa mời phu nhân rồi đến chén thứ ba
đưa mời Võ Tòng.
Võ Tòng cúi đầu xa xa đứng dậy, nâng tiếp chén rượu mời; xin
phép Đô Giám cùng phu nhân rồi mới dám uống. Trương Đô Giám lại trỏ Ngọc Lan mà
bảo Võ Tòng rằng:
- Con bé nây thông minh lắm, không những là thuộc biết âm luật
ca hát, mà lại giỏi nghề thêu vá nữa. Nếu nghĩa sĩ không chê là tầm thường, thì
trong mấy bữa nữa ta sẽ chọn ngày lành tháng tốt, mà cho cùng nhau kết lứa nhân
duyên, nghĩa sĩ nghĩ sao?
Võ Tòng đứng dậy vái mà rằng:
- Chúng tôi có khi nào dám mạn phép quá thế?
Trương Đô Giám cười rằng:
- Ta đã nói vậy tất là phải làm, anh chớ nên từ chối, không
khi nào phụ lời ta mới được!
Nói đoạn lại bắt Võ Tòng uống luôn ba chén rượu nữa.
Bây giờ đêm đã hơi tĩnh, Võ Tòng nghe chừng hơi rượu đã hăng,
chàng sợ lỡ ra có điều thất lễ, bèn đứng dậy xin phép cáo lui. Khi về tới phòng
chàng thấy trong bụng còn no đầy chưa có thể ngủ được, liền cởi áo bỏ khăn lấy
cái gậy ra giữa sân, đứng dưới bóng trăng trong mà múa chơi một lúc. Hồi lâu ngửa
mặt nom trời, ước đã vào khoảng canh ba, chàng liền cất gậy vào phòng để nghỉ.
Chợt đâu ở nhà trong có tiếng kêu cướp ầm ĩ cả lên. Võ Tòng
nghe thấy vậy trong lòng tự nghĩ: " Trương Đô Giám có lòng yêu ta như vậy,
hiện bây giờ trong nhà có cướp, tất nhiên ta phải vào cứu mới xong" chàng
nghĩ đoạn, vội vớ lấy thanh gậy mà chạy thốc vào nhà trong.
Khi ấy gặp nữ Ngọc Lan, lật đật ở trong nhà chạy ra, trỏ bảo
Võ Tòng rằng:
- Một thằng cướp chạy vào lối vườn hoa ở đằng sau kia.
Võ Tòng nghe nói liền gậy chạy rảo vào vườn hoa, tìm khắp lượt
không thấy gì, lại quay trở ra. Đương khi lật đật chạy dưới bóng cây nhấp
nhoáng, chàng ta vô ý vấp ngay phải quãng thừng chăng ngang lối đi mà ngã đâm
nhào xuống đất. Bỗng đâu thấy bẩy tám tên lính đổ xô ra reo ầm lên rằng:
- Cướp đây rồi, bắt lấy.
Đoạn rồi chúng co giây, trói ngay Võ Tòng lại. Võ Tòng kêu vội
lên rằng:
- Tôi đây, không phải cướp đâu?
Chúng nghe nói, mặc kệ cứ trói ghi lại mà không phân phải
trái chi cả. Một lát thấy ở trên nhà sảnh có đèn đóm sáng trưng rồi thấy Trương
Đô Giám quát lên rằng:
- Trói cổ nó đem đến đây.
Chúng nghe nói, đều túm vào lôi kéo Võ Tòng vừa đi vừa đánh,
mà dong lên trước sảnh.
Võ Tòng liền kêu lên rằng:
- Tôi là Võ Tòng đây có phải cướp đâu?
Trương Đô Giám nom thấy cả giận, biến hẳn nét mặt mà quát lên
rằng:
- Quân tù tội khốn nạn kia, mày thực là một thằng mắt giặc,
ruột giặc, gan giặc...ta đây cất nhắc cho mày được nên người có điều chi phụ bạc
với mày không? Vừa rồi ta còn cho ngồi chung uống rượu, chỉ mong cất nhắc cho
mày được nên danh giá con người ai ngờ mày lại xử tệ với ta như thế?
Võ Tòng kêu lên rằng:
- Việc nầy có can hệ gì đến chúng tôi? Tôi đương đuổi bắt cướp.
Tôi đây đầu đội trời, chân đạp đất, không khi nào chịu làm việc như thế bào giờ?
Trương Đô Giám lại quát lên rằng:
- Quân quái này, thôi đừng xoen xoét cái mồm nữa; Bây hãy ra
khám ở phòng nó xem có tang vật gì không.
Bọn lính vâng dạ, rồi lôi Võ Tòng ra phòng để khám. Khi mở
hòm ra thấy ở trên có ít quần áo, còn ở dưới thì toàn thị là các đồ dùng bằng
vàng bạc cả. Võ Tòng thấy vậy ngẩn người, không biết kêu nói làm sao cho được.
Chúng lại giải Võ Tòng, và khiêng hòm lên trước cửa sảnh.
Trương Đô Giám thấy vậy quát mắng ầm ĩ lên rằng:
- Quân này vô lễ đến thế thì thôi! Tang vật rành rành ở trước
hôm kia còn cãi được không! Người ta thường nõi: "Chúng sinh còn độ được,
đến người thì khó lòng mà độ được!" Té ra mày chỉ có ngoài mặt là người,
còn trong lòng ruột cũng không khác gì cầm thú... !
Nói đoạn, liền sai phong tang vật lại, rồi cho đem Võ Tòng
vào cơ mật hãy giam ở đó. Nhất diện sai người sang nói với Tri Phủ, và đem đút
lót các chốn Áp Ty, Khổng Mục để lên án Võ Tòng.Sáng hôm sau đám hộ tập quan
sát bắt Võ Tòng giải sang bên phủ, và đem các tang vật đến trình. Trương Đô
Giám cũng sai người nhà đem giấy trình sự mất cướp ở trước mặt phủ quan.
Tri Phủ xem xong quát tả hữu trói chặt Võ Tòng lại, rồi gọi lấy
các hình phạt đem ra. Võ Tòng vừa toan cất mồm lên kêu, thì quan phủ lại quát
lên mà rằng:
- Thằng này nguyên là một thằng phát vãng đến đây, nay lại
trông thấy các đồ vàng bạc thế kia, lẽ nào mà không sinh lòng cướp bóc? Chúng
đâu không cần hỏi nó làm gì, cứ đem ra mà đánh hết sức đi...Lính nghe nói dạ
dăm dắp một lượt rồi đem roi ra tra đánh Võ Tòng đen đét như mưa rào trên mặt đất
vậy.
Võ Tòng không biết thế nào mà chống cự nổi, bèn liều má xưng
nhận là:
- Tối hôm Rằm tháng Tám có thừa cơ vào nhà trong, mà lấy trộm
các đồ kim ngân mọi lẽ...
Quan Phủ sai lấy cung rồi lại lấy gông, gông cổ Võ Tòng mà
giam xuống nhà lao. Võ Tòng bị giam xuống nhà lao, bấy giờ trong bụng mới tỉnh
ngộ mà nghĩ thầm rằng: "Cái này chắc là thằng Trương Đô Giám bày mẹo, để
hãm hại mình như vậy! Nếu sau này có phen thoát tội được ra, thì quyết nhiên phải
liệu cho nói một phen mới được".
Chàng nghĩ vậy thì trong lòng căm tức vô cùng. Còn mấy tên
coi ngục đều nhận được tiền của Trương Đô Giám, nên đem Võ Tòng bỏ vào nhà đại
lao, rồi cùm chân khóa tay, gông cổ, trói lại nghiêm ngặt.
Hùm thiêng khi đã sa cơ,
Rừng cây gai góc giờ có ai?
Bên kia Thi Ân nghe tin Võ Tòng bị bắt, bèn vội vàng về thành
bàn với Lão Quản Doanh. Lão Quản Doanh nói rằng:
- Việc này chắc là Trương Đoàn Luyện muốn báo thù cho Tưởng
Môn Thần, nên mới nói với Trương Đô Giám mà mưu sự như thế, chắc rằng các chốn
cùng môn trên dưới đều có đút lót tiền nong, mà giết hại Võ Tòng chứ không
chơi. Cứ như bụng ta, ta tưởng Võ Tòng cũng không đến nỗi nào tử tội, vậy nên
ta cho người đến nói lót với hai người Ấp Lao và Tiết Cấp để duy trì tính mạng
cho Võ Tòng, rồi ta ở ngoài mà liệu cách xoay sau:
Thi Ân nói:
- Hiện người Tiết Cấp coi tù bây giờ là người họ Khang, vốn
thân mật với con xưa nay, hay đến đó mà nói...
- Phải lắm, người ta vì con mà đến nỗi bị quan tư bắt bớ, nay
con không cứu người ta, thì đợi đến bao giờ nữa!
Thi Ân liền lấy mấy trăm lạng bạc, đem đến nhà Khang Tiết Cấp
để đút lót. Khi tới nơi Thi Ân đem đầu đuôi chuyện Võ Tòng nói cho Tiết Cấp
nghe. Khang Tiết Cấp nghe nói liền bảo Thi Ân rằng:
- Chẳng dấu gì huynh trưởng, việc này toàn mưu mẹo của Trương
Đô Giám, cùng Trương Đoàn Luyện là hai anh em kết nghĩa với nhau đó. Hiện nay
Tưởng Môn Thần vẫn ở nhà Trương Đoàn Luyện, sai người đem tiền đi đút lót khắp
cả các nơi, trên có quan Phủ làm chủ, rồi đến chúng tôi đây, ai ai cũng được tiền
cả, chỉ tính sao kết quả Võ Tòng nữa là xong. Duy ở đây có một người Khổng Mục
họ Diệp, coi là có trung trực nghĩa khí, không chịu hãm hại lương dân, bởi thế
mà Võ Tòng cũng đỡ được nhiều điều nguy hiểm. Nay nếu ngô huynh đến cứu giúp Võ
Tòng, thì bao nhiêu những việc trong ngục phó để mặc tôi, tôi sẽ liệu đường mà
khoan dung tử tế, còn ngô huynh phải nhờ người đến nói với Khổng Mục họ Diệp, để
liệu sớm kết đoán cho ra! Thì mới có thể cứu tính mệnh được.
Thi Ân nghe nói, bèn đưa ra một lạng bạc để tạ ơn Khang Tiếp
Cấp, Tiết Cấp hai ba lần từ chối, nhưng Thi Ân nhất định không nghe, bất đắc dĩ
về sau phải nhận. Đoạn rồi Thi Ân bái biệt Tiết Cấp mà trở về dinh, tìm biết một
người quen biết Diệp Khổng Mục, mà nhờ đưa một trăm lạng bạc để nói giúp.
Nguyên Diệp Khổng Mục vốn biết tiếng Võ Tòng là hảo hán, nên
vẫn có lòng thương nể, mà đem các văn án định lòng lựa đổi giản dị. Duy Tri Phủ
thì ăn nặng, song chẳng qua là một tội cướp trộm đồ vật, chưa lấy gì mà kết tử
tội cho được. Nhân thế Tri Phủ vẫn cứ dùi dắng rảnh chuyện. Nay Diệp Khổng Mục,
thấy có người đem tiền đến nói cứu mạng cho Võ Tòng, thì trong lòng càng mừng rỡ,
bèn hết sức đem cái văn án giảm nhẹ bớt đi, rồi đến khi mãn hạn sẽ thi hàn kết
đoán. Ngày hôm sau Thi Ân sửa soạn rượu nhắn chững chạc, nhờ Khang Tiết Cấp dẫn
vào đại lao, để thiết đãi Võ Tòng. Bấy giờ Võ Tòng nhờ có Khang Tiết Cấp tử tế
trông nom, khoan thứ các đồ hình nặng nên chàng cũng được ung dung không đến nỗi
nguy nan như trước. Thi Ân lại đưa tiền cho các người canh gác mà dặn dò trông
nom cẩn thận cho Võ Tòng. Khi cơm nước xong, Thi Ân ghé vào tai Võ Tòng bảo thầm
các câu chuyện, và dặn dò cứ yên tâm, rồi sau sẽ có ngày thoát khỏi.
Võ Tòng từ ngày được Khang Tiết Cấp khoan túng dễ dàng, thì
chàng đã định ý toan vượt ngục, nay thấy Thi Ân nói vậy;thì rầu lòng nấn ná xem
sao? Cách hai hôm sau, Thi Ân lại mang cơm rượu tiền nong, nhờ Khang Tiết Cấp dẫn
vào lao để đưa cho Võ Tòng, và các người canh gác ở đó.Đoạn rồi Thi Ân lại nhờ
người nói lót các nơi, để mau mau sửa soạn văn thư cho chóng xong mọi việc.
Cách mấy hôm nữa, Thi Ân lại sắp rượu thịt cùng quần áo, để
đưa vào cho Võ Tòng ăn uống và thay giặt. Trong mấy hôm đó, Thi Ân vào trong
nhà lao thăm hỏi Võ Tòng được ba buổi, bất đồ bị người nhà Trương Đoàn Luyện dò
biết tình hình, liền đem chuyện về báo với Trương Đoàn Luyện ngay lập tức.
Trương Đoàn Luyện nghe nói, bèn đem sự thực sang nói với Trương Đô Giám. Trương
Đô Giám lại sai người đem vàng lụa đến đút lót Tri Phủ, và nói hết mọi lẽ cho
Tri Phủ nghe.
Tri Phủ vốn một tay tham nhũng xưa nay, khi nhận vàng lụa rồi,
liền sai người lảng vảng trông nom trên dưới nhà lao, và tra xét các người qua
lại. Thi Ân nghe biết chuyện ấy đành phải chịu phép ở nhà, không dám ra vào
trông nom chi nữa. Tư đó Võ Tòng nhờ được Khang Tiết Cấp cùng mấy tên canh gác
trông nom tử tế, còn Thi Ân thỉnh thoảng đến nhà Tiết Cấp để dò la tin tức mà
thôi.
Thấm thoát trong hai tháng trời, Diệp Khổng Mục hết sức đem
các việc oan khuất của Võ Tòng, để giải bày cùng Tri Phủ, và hết sức bênh vực mọi
điều. Bấy giờ Tri Phủ biết rõ việc đó là Trương Đô Giám ăn lễ của Tưởng Môn Thần,
mà thêu đặt nên chuyện, để hãm hại Võ Tòng, thì trong bụng cũng lấy làm nản mà
tự nghĩ rằng: "Té ra họ được ăn tiền, mà để tiếng giết người cho ta, thì
làm sao cho tiện? " Nhân thế Tri Phủ cũng để mặc đó, mà không lý hội gì đến
nữa.
Dần dần đến hạn sáu mươi ngày, Tri Phủ bắt Võ Tòng ở trong ngục
ra, thay bỏ gông trói, rồi Diệp Khổng Mục đem án ra tuyên cáo, định tội Võ Tòng
phạt hai mươi trượng đày sang Ân Châu, còn tang vật ăn trộm, thì giao trả chủ
cũ. Trương Đô Giám đến nhận các đồ tang vật. Đoạn rồi Tri Phủ gọi thợ, khắc kim
ấn vào mặt Võ Tòng, đánh hai mươi trượng, gông thứ gông nặng, và thảo công văn
sai hai tên công sai đi áp tải Võ Tòng. Nguyên khi Võ Tòng bị đánh, đã nhờ được
Lão Quản Doanh xuất tiền nói lót các nơi, lại được Diệp Khổng Mục có lòng trông
nom giúp đỡ, và Tri Phủ cũng thương là oan khuất không may, nên mấy chục trượng
đòn cũng không lấy gì đau đớn. Hôm đó Võ Tòng nhịn tức theo giữ phép công, đeo
gông vào cổ mà theo hai tên công sai đi thẳng ra thành. Đi được hơm một dặm đường,
chợt thấy Thi Ân ở bên cạnh đường, chạy ra đón rước mà rằng:
- Tiểu đệ đợi quan anh đã lâu rồi...
Võ Tòng trông thấy Thi Ân lại có quấn lụa trên tay, chàng liền
hỏi rằng:
- Mới ít lâu nay không được gặp Tiểu Quản Doanh, sao đã lại đau
tay như thế?
Thi Ân đáp rằng:
- Chẳng dấu gì Ca Ca, từ hôm tiểu đệ vào thăm Ca Ca được ba lần
rồi, sau quan Phủ sai người cấm đoán, nên không dám vào đấy nữa. Bất đồ được nửa
tháng trời, một hôm tiểu đệ đương ở Khoái Hoạt Lâm, bỗng thấy Tưởng Môn Thần lại
đem bọn người đến để đánh nhau. Tiểu đệ lại bị hắn đánh một trận rất đau rồi lại
chiếm giữ Khoái Hoạt Lâm và bắt tiểu đệ phải tìm các người ở quanh đó để nói lại.
Nhân thế trong mấy hôm trời, tiểu đệ phải nằm nghỉ ở nhà mà không đi đâu được.
Nay nghe tin huynh trưởng phải đi đày ở Ân Châu, đệ đem hai tấm áo bông đến để
Ca Ca thay mặc đi đường, và có hầm hai con vịt chín để trong hàng kia, xin mời
Ca Ca vào uống mấy chén rượu rồi sẽ đi.
Nói đoạn quay ra mời hai người công sai vào hàng một thể.
Hai tên công sai nhất định từ chối mà rằng:
- Khi nào chúng tôi lại ăn uống với thằng giặc tù này, lỡ ra
quan tư biết đến thì sao?
Lại quay lại bảo với Võ Tòng rằng:
- Nếu anh không muốn đánh đòn, thì phải đi ngay mới được.
Thi Ân biết nói thế không ăn thua gì, liền đem mười lạng bạc
đến tặng đám công sai, đám kia nhất định không lấy rồi ra uy sừng sộ bắt Võ
Tòng phải đi.
Thi Ân liền rót hai chén rượu đưa Võ Tòng uống rồi buộc khăn
gói áo vào lưng rồi, treo hai con vịt lên đầu gông cho Võ Tòng, mà ghé vào tai
dặn rằng:
- Trong gói đó có hai áo bông, một bọc tiền và mấy đôi giầy
gai ở đó...Song đường xá xa xôi, phải nên để phòng cẩn thận, mấy thằng công sai
này, nghe chừng không có bụng tốt đâu?
Võ Tòng gật đầu nói rằng:
- Bất tất phải dặn, tôi đã hiểu rồi...cho nó thêm hai thằng nữa
đến đây, cũng không sợ gì chúng nó. Chú cứ về tôi khắc có xử trí.
Một phen tri kỷ cùng nhau,
Vì ai nên nỗi bể dâu hỡi trời?
Rồi đây non nước xa vời,
Anh hùng mang giận muôn đời bao tan!
Võ Tòng, từ khi theo hai người công sai lên đường, đi được
khoảng vài dặm, hai tên công sai bàn vụng với nhau rằng:
- Sao chưa thấy hai thằng ấy đến đây... ?
Võ Tòng nghe biết ý chúng, liền cười thầm mà tự nghĩ rằng
"Quân khốn nạn này, lại muốn trêu lão gia đây!" Chàng nghĩ vậy, thì
tay phải sẽ rút đanh một bên gông để tháo tay trái ra, rồi để con vịt quay vào
cho tay phải cẩm, còn tay trái thì xé thịt để ăn. Đi được năm dặm đường, thì
chàng đã ăn hết hai con vịt chín. Bấy giờ chừng đi khỏi thành độ tám chín dặm
đường, chợt thấy phía trước có hai người vác đao giáo đứng đợi ở đó. Khi hai
người trông thấy tụi công nhân dong Võ Tòng đến, thì cùng đổ ra mà đi một thể.
Võ Tòng liếc mắt hai anh kia, cùng hai công sai đưa mắt cho
nhau, ra ám hiêïu bảo nhau, thì trong lòng cũng đã hiểu ngầm ý tứ, song vẫn vờ
làm ra mặt không biết. Đi được vài dặm đường nữa, thì bỗng đến một nơi bến nước
mênh mông, bốn mặt toàn là bãi sâu sông rộng.Năm người cùng nhau tiến bước, tới
một cái cầu to rộng, bên cạnh có một cái lầu để bia, trong bia khắc ba chữ
"Phi Vân Phố" rất to.
Võ Tòng thấy vậy, bèn giả vờ nói rằng:
- Chỗ này là chỗ nào đây?
Hai tên công sai đáp rằng:
- Mắt anh mù đâu! Không trông mấy chữ Phi Vân Phố để ở bên kia
à?
Võ Tòng đứng lại mà nói rằng:
- Tôi muốn đi cầu một cái đã.
Vừa nói dứt lời, thì hai anh đứng đón lúc nãy bỗng vác dao sấn
gần vào, Võ Tòng liền quát lên một tiếng, đá thốc luôn cho một cái ngã lăn xuống
nước. Còn một anh nữa vừa toan quay mình, thì đã bị chàng đá luôn cho một cái nữa,
ngã quay đơ ra, mà lặn tùm xuống nước. Hai tên công sai thấy vậy vội trông lối
dưới cầu mà toan chạy xuống. Võ Tòng thét lên rằng:
- Chúng bây chạy đi đâu?
Nói xong cầm gông bẻ một cái, gãy tan ra làm đôi, rồi sấn xuống
dưới cầu để đuổi. Một tên công sai thấy Võ Tòng đuổi đến, thì kinh sợ rụng rời,
mà tự ngã lăn ra đất, còn tên kia thục thân cố chạy, cũng bị chàng đuổi tới, mà
đánh cho một cẳng tay vào sau lưng ngã lăn xuống đó.
Đoạn rồi Võ Tòng vớ lấy thanh đao quăng rơi ở bến nước, quay
lại đâm cho mỗi thằng một nhát, kết quả tính mạng hai tên công sai. Bấy giờ hai
anh ngã lăn xuống nước vừa mới lóp ngóp bò lên, toan cất cẳng để chạy, bất đồ bị
Võ Tòng đuổi đến, đâm chết một anh, còn một anh nữa, thì chàng ta nắm đầu giữ lại,
rồi quát lên rằng:
- Muốn sống thì phải thực ta tha cho, ai xui mày đến đây như
thế!
Anh kia run sợ mà kêu rằng:
- Chúng tôi là đồ đệ Tưởng Môn Thần, sư phụ tôi cùng Trương
Đoàn Luyện bàn nhau, sai chúng tôi đến đây, để giúp hai tên công sai mà hại hảo
hán đó.
- Sư phụ mầy là Tưởng Môn Thần, hiện bây giờ ở đâu?
- Khi chúng tôi ra đi, thì hiện đương cùng Trương Đoàn Luyện
uống rượu ở lầu Uyên Ương tại nhà Trương Đô Giám, để đợi tin chúng tôi về báo.
Võ Tòng nghe nói liền bảo tên kia rằng:
- Nếu vậy thì ta không thể nào tha cho mầy được.
Nói đoạn giơ dao lên một nhát, ngã chết còng queo ra đó.
Đao nầy mình định giết ai?
Vì đâu bỗng hóa ra ai giết mình!
Nực cười trời khéo xoay nhanh,
Thanh đao kia để vô tình với ai... ?
Bấy giờ Võ Tòng lần các con dao lưng, chọn lấy một con rất tốt
giắt vào mình. Lại e hai tên kia chưa chết hăn, liền đâm thêm cho mỗi anh mấy
nhát, vất cả xuống bến nước, rồi lên cầu đứng vẫn vơ một mình mà nghĩ. Chàng nghĩ
thầm rằng: Bầy giờ ta đã giết xong bốn đứa này rồi, song còn đám Trương Đô
Giám, Trương Đoàn Luyện, Tưởng Môn Thần, vẫn còn ở đó thì bao giờ cho thỏa lòng
tức giận bấy nay!" Chàng nghĩ vậy, thì vác đao quanh quẩn hồi lâu, rồi thốt
nhiên định bụng, mà xăm xăm về lối Mạnh Châu, mới hay:
Trông giang sơn luống ngại ngùng!
Giết người mang tiếng để lòng mang oan,
Hay chi đồng loại tương tàn,
Mà đem giọt máu tưới tan khối thù,
Giận trời còn lắm phàm ngu,
Trăm năm để khách giang hồ bận tay,
Phi Vân còn bến nước đây.
Còn về còn nhớ đến ngày rửa oan...
Lời bàn của Thánh Thán:
Tác giả tả Khoái Hoạt Lâm, sớm Tưởng tối Thi, nay Thi mai Tưởng,
bèn khiến người chẳng còn trở lại khoái ý, Sử quan có ích cho đời, xét ra không
ít, vì không muốn cho bọn cường hào tranh chiếm của thiên hạ với nhau.
Trương Đô Đầu cho Võ Tòng đi lại trong nhà, để lừa cho chết,
nào ngờ lại bị chết, cái cơ họa phúc không lường, độc giả đến lạnh lùng khiếp sợ.
Sau khi Võ Tòng giết chết chị dâu, lại tả ra rất nhiều thú
phong lưu khinh bạc, như loại Thập Tự Phi, Khoái Hoạt Lâm, lại chợt đâu tả ra ở
dưới lầu Uyên Ương nhà Trương Đô Giám, giữa tết Trung Thu yến ẩm, toàn những
chuyện tình, hoặc đưa đến, hoặc gợi ra vui đùa... đến đem Ngọc Lan hứa gả, khiến
anh em Võ Đại, Võ Nhị, có Kim Liên với Ngọc Lan, bỗng thấy nên đôi, lòng vàng gấm
vóc moi ra, thực là tuyệt thế.
Tả Võ Tòng sau khi đã giết bốn người, chợt dùng bốn chữ
"Vác dao dùng dằng", thực khéo dùng như Trang Tử, khiến độc giả sau
này, chẳng rõ là Thủy Hử dùng theo Trang Tử, hay là Trang Tử dùng theo Thủy Hử.
Hồi sau tả máu ngập lầu Uyên Ương, một chuyện lộn trời
đảo đất, mà trước đã tả câu bốn chữ này, chợt khiến người đọc suy xét, ngọn bút
thần diệu là thế, đâu phải người đời dễ biết ra ngay!
Hồi 30:
Trăng sáng mài dao, báo oán giết nhà Đô Giám;
Trời đêm lánh nạn, giả sư qua núi Ngô Công.
Võ Tòng vác đao trở về Mạnh Châu, vừa đi đường vừa nghĩ quanh
co, lại càng căm giận cho bọn nhà họ Trương, không thể nào mà buông tha không
giết được. Khi về tới trong thành, thì vừa hay đã tối, chàng liền tìm đến một
chỗ tàu ngựa ở sau vườn hoa nhà Trương Đô Giám để nấp. Được một lát nghe có tiếng
cửa mạch ở góc mở cót két, chàng ngó cổ vào xem, thì thấy tên bồi hầu ngựa, cầm
cái đèn lồng ở trên nhà đi xuống tàu ngựa, rồi quay mà cài cửa lại. Đoạn rồi
tên bồi bỏ cỏ cho ngựa ăn, treo đèn lên một chỗ, mà trải chăn chiếu cởi áo xống
lên giường nằm ngủ. Võ Tòng nghe tiếng trống vừa điểm một canh bốn khắc, chàng
bèn lén gót đến trước cửa ở chỗ tàu ngựa mà khua rung làm bộ như người cậy cửa.
Tên bồi ngựa nằm trong quát lên rằng:
- Lão gia vừa ngủ mà mầy toan đến ăn cắp quần áo à? Còn sớm lắm...
!
Võ Tòng lặng ngắt, dựng thanh đao vào một bên, rút dao ra cẩm
ở tay, rồi lại cạy cửa lạch cạch luôn một lúc.Tên bồi ngựa nằm trong nóng tiết
nhảy bổ dậy, không kịp mặc áo xống, vội vớ lấy cái đòn gánh, rút then cửa toan
mở ra để đánh. Dè đâu vừa mới rút được then cửa ra, thì bị Võ Tòng đẩy sấn cánh
cửa bước vào mà nắm chặt lấy cánh tay. Cậu bồi ta toan cất tếng kêu lên, lại
trông thấy thanh đao sáng nhoáng ở dưới bóng đèn, thì kinh hồn khiếp vía, rời rụng
chân tay, mà sẽ xin kêu van để tha mạng.
Võ Tòng nói:
- Có nhận ra ta là ai không?
Tên bồi ngựa nghe thấy tiếng, mới biết Võ Tòng liền kêu rằng:
- Ca Ca ơi! Có việc gì đến tôi xin Ca Ca tha cho tôi!
Võ Tòng lại hỏi:
- Mầy phải nói thực, hiện giờ Trương Đô Giám ở đâu?
- Hôm nay Trương Đô Giám cùng Trương Đoàn Luyện và Tưởng Môn
Thần uống rượu suốt ngày, hiện còn ở lầu Uyên Ương đó.
- Mầy nói có thực không?
- Tôi nói dối thì lên đinh ở mồm.
Võ Tòng nói:
- Ừ, nếu vậy thì ta cũng không thể tha cho mầy được!
Nói đoạn đâm chết thằng bồi ngựa ra đó. Đoạn rồi lau đao bỏ
vào bao, đến trước bóng đèn cởi khăn gói lấy hai tấm áo bông của Thi Ân đưa
cho, mà thay mặc cẩn thận rồi vớ lấy cái chăn đơn của tên bồi ngựa bọc lấy tiền
nong vặt vãnh treo vào một bên cửa. Bấy giờ chàng dựng cánh cửa chéo lên tường
thổi tắt ngọn đèn, đi ra cửa cầm lấy thanh đao, rồi nhờ bóng trăng suông mà nhảy
qua tường vào phía trong. Khi vào tới trong tường, chàng mở then cửa mạch, đi
vào rồi khép luôn hai cánh cửa lại. Đoạn rồi theo ánh đèn sáng mà đi thẳng lên
bếp.
Võ Tòng nấp bên cạnh bếp, nghe tiếng hai đứa thị nữ, đương đứng
ở trong bếp, phàn nàn với nhau rằng:
"Hầu hạ suốt ngày hôm nay, bây giờ chưa ngủ...lại còn nước
nước với nôi nôi... ! Hai anh khách ấy rõ không biết dơ, chén đã say khướt ra,
thế mà còn chưa chịu xuống lầu đi ngủ, không hiểu rằng chuyện trò đến bao giờ?
"
Hai ả đương oán hận với nhau ở trong bếp, thì Võ Tòng ngoài này
dựng thanh đao một chỗ, rồi rút con dao còn vấy máu ở trong túi ra, đẩy cửa mở
bếp mà nhảy tót vào, vớ lấy chị ả đứng ngoài đâm cho một nhát. Còn chị kia toan
té cẳng chạy, thì gân cốt rủn ra mà không sao chạy được, toan há mồm để kêu thì
mồm lưỡi lýu lại, mà không kêu lên, đành cứ tái người sạm mặt đứng im đấy chịu
chết. Võ Tòng sấn đến đâm một nhát dao ngã lăn xuống đất rồi tắt đèn trong bếp,
quay ra theo bóng trăng mà lên nhà trên.
Nguyên Võ Tòng trước đã ở đó ít lâu, nên đường ngang lối tắt
đều thuộc cả, chàng liền theo lối tắt đi thẳng đến lầu Uyên Ương. Khi tới chân
thang, chàng ta sẽ rón chân tay, sờ bò lần lên thang gác.
Bấy giờ bọn đầy tớ hầu hạ đã mỏi mệt, không còn anh nào đứng
lảng vảng ở gần đấy, chỉ nghe tiếng ba người là Trương Đô Giám, Trương Đoàn Luyện
và Tưởng Môn Thần vẫn còn nói chuyện với nhau.
Võ Tòng lắng tai nghe thấy Tưởng Môn Thần tán tụng luôn mồm
mà rằng:
- Việc này nhờ ở Tướng Công, nên mới bào thù được thế...Chúng
tôi sẽ hết lòng bào đáp Tướng Công.
Trương Đô Giám nói rằng:
- Cái đó nếu tôi không nể Trương Đoàn Luyện đây, thì có khi
nào làm thế được. Cũng may ông tuy tốn mất ít tiền, song được như thế là tốt lắm!...Bây
giờ thằng ấy chết rồi thì phải. Tôi bảo nó đưa đến Phi Vân Phố là hạ thủ, không
biết đã xong chưa? Để sáng mai bốn đứa ấy về đây sem sao?
Rồi thấy Trương Đoàn Luyện nói rằng:
- Bốn thằng giết một thằng, thì làm gì chẳng xong?
Lại đến Tưởng Môn Thần nói rằng:
- Chúng tôi cũng dặn mấy tên đồ đệ như vậy, chắc là sáng mai
thế nào cũng có tin về báo.
Võ Tòng nghe ngần ấy câu chuyện, thì lửa giận trong lòng dần
dật bốc lên cao mấy nghìn trượng, như xung đột tới trời, liền tay phải cầm đao,
tay trái xòe năm ngón tay, rồi nhảy sấn vào trong lầu. Khi đó dăm ba ngọn nến
thắp linh tinh, một vài chỗ bóng trăng soi chếch mếch. Trong lầu sáng như
gương, các đồ cốc chén cốc rượu chè đều chưa thu dọn sạch. Tưởng Môn Thần ngồi ở
trên ghế, chợt trông thấy Võ Tòng nhảy vào, thì giật mình hết vía, bao nhiêu đảm
lượng can tâm, đều theo lên mây trời mất cả. Chàng ta hất hải vội đứng mau dậy,
dè đâu thấy đến vút một cái, thì con dao Võ Tòng đã ném luôn một nhát cả người
lẫn ghế đều đổ lăn ra. Võ Tòng chém xong vừa quay người lại, thì thấy Trương Đô
Giám đương té cẳng toan chạy, chàng liền chém cho một nhát vào đầu, xẻ hẳn từ
tai đến cổ mà ngã vật ra sàn gác. Còn Trương Đoàn Luyện nguyên là một tay quan
võ sĩ xuất thân, bây giờ tuy có chếch choáng hơi men, song sức lực cũng còn
hăng hái, nhân trông thấy hai người bị đâm chết, một mình khó chạy cho xong, liền
vớ lấy một cái ghế múa lên để đánh Võ Tòng.
Võ Tòng hăng máu bắt lấy ghế, đẩy cho một cái thực mạnh,
Trương Đoàn Luyện bị ngã lăn chiêng ra đằng sau, rồi Võ Tòng sấn vào mà cắt hẳn
lấy đầu. Đằng kia Tưởng Môn Thần tuy bị một nhát thương, song vẫn còn khí lực,
liền cố mà lóp ngóp bò dậy, Võ Tòng lại quay lại, phi chân trái đá lăn ngã xuống,
rồi chân phải đè lên bụng mà chém đứt lấy đầu. Đoạn rồi quay lại mà cắt lấy đầu
Trương Đô Giám.
Bấy giờ trên bàn còn bày rượu thịt ở đó, Võ Tòng liền rót rượu
uống luôn mấy cốc, rồi xé lấy một miếng áo của bọn chết kia, mà thấm máu, viết
mấy chữ to lên vách vôi: "Kẻ giết người chính là Võ Tòng đánh Hổ".
Chàng giết xong quay ra chọn cốc chén ở trên bàn lấy một vài
thứ quý báu giắt vào mình, còn thì vất bừa ở đó, rồi trở ra toan xuống gác. Vừa
khi ấy nghe tiếng Phu nhân ở dưới nói lên rằng:
- Bọn các quan ở trên gác say rượu lắm hẳn? Bây đâu lên gác đỡ
các ngài đi nghỉ đi!
Phu nhân nói chưa dứt lời thì đã có hai người ở dưới đi lên
thang gác.
Võ Tòng nấp vào đầu thanh gác nom ra, thì chính là hai đứa
thân hầu Trương Đô Giám, vừa mới trói mình dạo trước, chàng liền đứng nấp vào
xó tối, để nhường cho hai anh đi vào gác, rồi đứng ra mà chặn đường xuống. Hai
anh kia vào đến sàn gác, thấy ba cái xác chết nằm sóng sượt ở trên vũng máu,
thì kinh sợ hết hồn, cứng lưỡi không thể nào kêu lên thành tiếng, vừa toan tháo
chạy ra, thì Võ Tòng đã tiến vào giết phăng một anh, còn anh nữa thì quỳ xuống
kêu xin tha mạng. Võ Tòng miệng nói: - Không tha được!
Tay thì nắm chặt lấy thằng kia, rồi cũng cho một nhát dao kết
quả nốt.
Đoạn rồi chàng nghĩ thầm: "Đánh rắn phải đánh dập đầu, dẫu
cho chết đến trăm đứa, cũng chỉ một chết mà thôi". Liền lăm lăm vác đao đi
xuống gác. Phu nhân ở dưới nhà hỏi lên rằng:
- Trên gác làm gì mà ầm ĩ gớm lên thế?
Vừa hỏi xong, thì Võ Tòng đã đi vào đến trước cửa phòng. Phu
nhân thấy người to lớn bước vào trong bụng lấy làm quái lạ, cất mồm vừa hỏi một
tiếng.
- Ai?
Thì Võ Tòng đã đưa dao vào chém ngay một nhát; ngã lăn xuống
đất, Võ Tòng lấy chân đè lên mà cắt lấy đầu. Dè đâu cưa mãi không thấy đứt. Võ
Tòng giơ dao lên hé bóng trăng soi cửa để xem, thì thấy lưỡi dao đã quăn mẻ ra,
như người bằm hỏng vậy. Chàng thấy thế, vội vàng quay xuống bếp, vớ lấy thanh
đao, rồi lại sồng sộc đi lên trên nhà. Khi đó dưới bóng đèn sáng trông thấy đứa
bé đương cầm đèn soi xác của Phu nhân trên mặt đất mà kêu lên rằng:
- Trời ơi! Khổ!
Võ Tòng thấy vậy, vác dao vào chém chết Ngọc Lan, còn hai đứa
bé con cũng cho mỗi đứa một nhát. Đoạn rồi chạy ra nhà giữa, trước hết cài kín
cửa ngoài, rồi quay vào lùng quanh trong nhà, thấy có ba người đàn bà ở đó, liền
chém cho mỗi người một nhát nằm chết đứ đừ ra đất. Lúc đó máu uất ở trong mình,
cùng với ngọn máu giết người đã tiêu tan đi hết, Võ Tòng liền nói một mình rằng:
- Bây giờ ta mới được vừa lòng, thôi đi ngay mới được...
Nói đoạn bỏ hết bao dao, cầm một thanh đao lớn đi ra ngoài cửa
mạch, đến tầu ngựa vớ lấy khăn gói, bỏ thêm mấy thứ cốc chén vào trong đó, rồi
gói bọc cẩn thận, buộc kỹ vào lưng, mà quay ra vườn sau để đi.
Canh khuya gió oán tung trời,
Gươm pha máu đỏ trăng soi dạ vàng.
Trăm năm qua gác Uyên Ương
Thử xem hàng máu trên tường bao phai
Võ Tòng đi tới thành tự nghĩ:
- Nếu dùng dằng đợi khi mở cổng thành mới ra, thì tất là bị bắt
bất nhược thừa lúc ban đêm mà chạy lấy thoát cho rảnh. Nghĩ đoạn liền nhảy lên
mặt thành đứng nom ra ngoài thấy địa thế cũng không cao là mấy, chàng liền ném
thanh đao xuống trước, rồi co cẳng mà nhảy theo xuống sau. Khi nhảy xuống bên cạnh
hào thấy bóng trăng soi sáng, hào nước không sâu, chàng lại xắn quần cởi lá
đáp, rồi xắn quần xắn áo lội qua hào mà sang bên kia.
Sang đến bờ hào bên kia, chàng sực nhớ đến trong gói có mấy
đôi giầy của Thi Ân mang cho, liền cởi gói ra lấy một đôi để đi. Bấy giờ nghe
tiếng trống trong thành đã điểm bốn canh ba khắc, chàng lại nói thầm một một
mình rằng: "Trời ơi! Cái lòng phẫn uất của ta bây giờ mới được thỏa, nhưng
quanh đây không còn chỗ nào khả dĩ lưu luyến được lâu, âu là ta đợi tìm nơi
khác mà xa lánh thì hơn."
Chàng nghĩ vậy, vác dao theo đường nhỏ mà đi sang bên hông.
Đi được một quãng xa ước chừng gần hết trống canh năm, trời còn tối mờ mịt chưa
sáng. Võ Tòng xông pha hăng hái suốt đêm, đến đó nghe trong mình mệt nhọc, các
đầu roi bị đánh, lại phát lên rất là đau đớn. Chợt đâu thấy một tòa nhà cổ miếu
ở trong đám rừng cây gần đó, Võ Tòng liền đi rảo bước chạy vào, đựng đao vào một
chỗ, rồi cởi khăn gói làm gối, mà nằm vật xuống để ngủ.
Võ Tòng vừa toan nhắm mắt ngủ, thì bỗng có hai người đem dây
móc vào móc chặt lấy cổ Võ Tòng rồi hai người nữa chạy xổ ra, mà trói chặt lại.
Bốn người bàn với nhau rằng:
- Thằng này to béo lắm, ta đem mau về cho Đại ca mới được.
Nói xong cướp lấy đao và khăn gói Võ Tòng, rồi túm nhau vào
kéo như kéo dê, không cho đặt chân xuống đất, mà dong thẳng đi.
Lũ kia vừa đi vừa nói với nhau rằng:
- Thằng cha nầy trên mình có vệt máu, không biết rằng ở đâu đến
đây? Có lẽ nó đi trộm cướp ở đâu hẳn.
Võ Tòng nghe vậy, lặng ngắt không mở mồm nói một câu gì cả.
Đi được độ bốn năm dặm đường, đến một nơi nhà cỏ, liền kéo Võ
Tòng mà lôi vào đó. Khi tới nơi, chúng thắp đèn lên, rồi lột xống áo Võ Tòng ra
mà trói vào cột. Võ Tòng liếc mắt nom thấy trên sà nhà bên bếp treo toàn thị thịt
đùi người, thì nghĩ thầm trong bụng rằng: "Mình đen quá, lại vớ phải thần
chết rồi, còn sống thế nào được nữa. Nếu biết rằng cơ hội thế nầy, thì thà rằng
ra thũ ngay ở Tri Phủ Mạnh Châu, để cho nó chém cho một nhát, lại còn để tiếng
được với đời."
Bấy giờ bốn người kia trói xong rồi, cầm lấy khăn gói của Võ
Tòng mà gọi lên rằng:
- Đại ca, Đại tẩu dậy mau mau, chúng tôi đã tìm được một món
hàng hóa ở đây.
Nói đoạn thì thấy có tiếng ở nhà trước ứng lên rằng:
- Ta đến đây, chúng bây chớ hạ thủ vội.
Được một lát có hai người ở nhà ngoài đi vào, Võ Tòng ngửa cổ
lên nom, thấy một người đàn bà đi sau anh chàng to lớn mà sồng sộc bước vào.
Hai người nhìn kỹ Võ Tòng, rồi người đàn bà nói lên rằng:
- Chết nỗi! Có phải là Thúc thúc đó không?
Anh chàng đàn ông cũng kêu lên rằng:
- Thôi phải rồi, chính phải là anh em ta đây rồi. Hai người ấy
là ai? Nguyên vợ chồng Thái viên tử Trương Thanh, kết nghĩa anh em với Võ Tòng
khi trước.
Bấy giờ hai người thấy vậy, liền cởi trói cho võ Tòng; rồi mời
ra nhà ngoài nói chuyện. Võ Tòng đem hết mọi chuyện, từ khi bái biệt vợ chồng
Trương Thanh, cho đến khi bị bắt ở đây, kể hét cho hai người nghe.
Khi ấy bốn tên bắt Võ Tòng lúc nãy, nghe chuyện liền quỳ xuống
mà nói rằng:
- Chúng tôi là người trong nhà Trương Thanh đại ca đây, nhân
vì mấy hôm nay đánh bạc thua luôn phải vào rừng kiếm cách xoay xở, bất đồ thấy
ngài ra dáng mệt nhọc vào miếu để nằm, nên chúng tôi mới dám hạ thủ trói bắt.
Song cũng may Đại ca tôi dặn, chỉ cho bắt sống, đem về không được hại, nếu
không thế, thì có lẽ hại đến tính mệnh ngài. Điều đó thực chúng tôi lầm lỡ xin
ngài tha tội cho.
Vợ chồng Trương Thanh cười rằng:
- Chúng tôi cũng vì hơi ngại trong lòng, nên bấy lâu bao nhiêu
hàng hóa phải để nguyên sống mang về mà không cho hạ trước, nhưng nào có ai hiểu
đâu được tâm sự của mình...Nay nếu anh em ta đây mà không nhọc mệt, thì không
nói gì đến bốn các người, dẫu đến bốn mươi kẻ cũng khó lòng mà tới gần được.
Bốn anh kia nghe nói chỉ cúi đầu lạy tạ Võ Tòng không thôi.
Võ Tòng bảo chúng đứng dậy mà nói rằng:
- Thôi được, bây giờ các anh không có tiền đánh bạc, để đây
ta thưởng cho.
Nói đoạn bắt lấy khăn gói mở ra. Lấy mười lượng bạc vụn cho bốn
người chia nhau. Trương Thanh thấy vậy cũng lấy ra ba lạng bạc nữa mà thưởng
thêm cho chúng. Chúng được tiền lạy tạ Võ Tòng và Trương Thanh mà đem ra chia
nhau.
Trương Thanh bảo với Võ Tòng rằng:
- Nguyên hiền đệ không biết: Từ khi hiền đệ đi rồi, chỉ e hoặc
có khi lỡ xẩy việc chi mà lại trở về đây, nên tôi phải phòng bị dặn chúng từ
trước hoặc khi chúng gặp mà lỡ ra e cự không nổi, thì chúng tất hành hung, bởi
thế lại phải cấm không cho đem dao mác gì đi theo cả. Vừa rồi tôi chợt nghe
nói, đã có bụng ngờ, quả nhiên là hiền đệ...
Tôn Nhị Nương nói rằng:
- Mấy hôm trước tôi chỉ nghe tin thúc thúc say rượu đánh được
Tưởng Môn Thần, ai ai cũng lấy làm kinh sợ; đến nỗi bao nhiêu đám khách thương ỏ
Khoái Hoạt Lâm qua lại đây, không ai là không tán tụng luôn luôn. Ai ngờ về sau
lại xẩy ra những việc kinh thiên động địa, thế mà vợ chồng tôi không biết chi cả.
Bây giờ thúc thúc đương mệt nhọc xin vào trong phòng nghỉ một lúc rồi sẽ nói
chuyện...
Trương Thanh bèn dẫn Võ Tòng vào buồng khách nghỉ, rồi hai vợ
chồng sai làm cơm rượu để sắp sửa thết đãi Võ Tòng.
Nói về bọn người nhà Trương Đô Giám ở Mạnh Châu, có kẻ lẩn nấp
trốn được mãi đến khi trời sáng mới dám thò ra, hô gọi các quân lính cùng người
nhà người cửa túm vào xem xét, rồi bảo nhau sang trình quan phủ. Quan phủ nghe
nói cả kinh, hỏa tốc sai người đến kiểm soát số người bị chết, và dò xem lối
quân hung phạm ra sao.
Hôm sau chúng về báo Tri Phủ rằng:
- Thoạt tiên quân cướp vào tầu ngựa, trút bỏ hai tấm áo cũ ở
đó. Sau vào đến bếp giết chết hai đứa thị nữ và bỏ một con dao hành hung đã quằn
mẻ tại bên cửa bếp. Đoạn rồi lên lầu Uyên Ương Trương Đô Giám cùng hai tên người
nhà và người khách là Trương Đoàn Luyện, Tưởng Môn Thần rồi lấy máu viết mấy chữ:
"Kẻ giết người chính là Võ Tòng đánh hổ" lên tường vôi. Dưới nhà gác
lại giết một Phu nhân, một thị nữ tên là Ngọc Lan, hai người con bé và ba người
đàn bà, cộng tất cả là giết chết mười lăm mạng, và mất một bộ sáu cái chén uống
rượu bằng vàng bạc.
Tri Phủ nghe rõ đầu đuôi liền sai người canh giữ bốn mặt cổng
phủ, rồi kiểm soát quân mã cùng các viễn bộ tập, các thầy Trưởng Phố đến khắp
các nơi để khám bắt Võ Tòng.
Sáng hôm sau lại thấy Lý Trưởng sở tại Phi Vân Phố đến trình
bốn người bị giết chết, hiện còn vệt máu tươi dưới chân cầu, và xác chết ở vũng
nước. Tri Phủ tiếp được giấy trình, liền gọi Huyện Uùy lên, nhất diện sai người
đến Phi Vân Phố khiêng bốn xác chết lên để khám, hai người là lính phủ còn hai
người nữa, đều có người nhà đến nhận xác đem chôn, và làm giấy kêu quan bắt
hung thủ đền mạng. Trong thành bắt đóng cửa luôn ba ngày để đến từng nhà khám
xét.
Tri Phủ lại sức giấy cho các viên cai quản các thuộc địa hạt
trong phủ, phải đến từng xã, từng thôn, từng xóm mà tìm bắt hung thủ. Lại viết
tên tuổi và hình dung Võ Tòng xuất tiền ba nghìn quan treo giải thưởng cho người
nào bắt được tên phạm. Đoạn rồi thảo công văn Tân Ước sức các nơi, ai biết chỗ
Võ Tòng trốn tránh, đem lên trình quan được thưởng; bằng ai chứa chấp nếu bắt
được, thì bị tội cùng với phạm nhân.
Cách ba hôm sau, tiếng tăm ầm ĩ khắp nơi, đám thám tử cùng
đám tập bộ không đâu là không lai vãng dò xét. Trương Thanh nghe tin ấy, liền
báo với Võ Tòng rằng:
- Ngày nay nếu quan quân nhân truy nã riết như vậy, thì hiền
đệ ở đây rất là không tiện. Việc này không phải là tôi sợ chi, song nếu lỡ ra
quan quân dò xét đến nơi, thì bây giờ làm sao cho được? Vậy nay tôi nghĩ chỉ chốn
này, trước đây cũng đã nói qua cho hiền đêï biết rồi nhưng chẳng hay hiền đệ có
thuận đi cho không?
- Trong mấy hôm nay, tôi đã nghĩ ở đây không sao mà yên được.
Song như tôi có một người anh đã bị chị dâu bất nhân giết chết đi, đến đất này
lại bị người ta hãm hại, thân thế gian truân họ hàng không còn có ai, để mà
nương tựa! Nay ca ca có lòng tốt mà tìm chốn cho tiểu đệ nương thân, thì còn có
điều chi mà không thuận? Ca Ca cứ nói cho tôi biết là ở đâu?
- Chính là chùa Bảo Châu trên núi Nhị Long ở Thanh Châu là
nơi ca ca Lỗ Trí Thâm tôi, cùng Dương Chí đương làm bá một phương đó. Nay hiền
đệ nếu muốn an thân thì tất phải đến đấy mới xong, còn có đi đâu được hơn nữa?
Vả chăng ở đấy đã nhiều phen viết giấy bảo tôi nhập bọn song ý tôi còn lưu luyến
chỗ này chưa có thể đi được. Vậy nay tôi xin viết thư nói rõ đầu đuôi, và tiến
dẫn hiền đệ lên đó, thì chắc là họ phải vui lòng mà nhận, hiền đệ nghĩ sao?
- Đại ca nói phải lắm! Tôi cũng định bụng đã lâu, song chưa
phải thời, nên chưa làm được.
Trương Thanh liền viết một phong thư kỹ lưỡng, đưa cho Võ
Tòng rồi bày tiệc để tiễn.Bấy giờ Tôn Nhị Nương chợt bảo với Trương Thanh rằng:
- Làm thế không được! Nếu thúc thúc cứ thế mà đi, ngộ lỡ ra bị
người ta bắt được thì sao?
Võ Tòng nói:
- Tẩu tẩu thử nói xem, làm sao mà tôi đi không được? Làm sao
mà họ bắt được tôi?
Tôn Nhị Nương nói:
- Hiện nay quan tư sức giấy đi các nơi, vẽ hình vẽ ảnh, thưởng
ba nghìn quan tiền để bắt; Vả chăng trên trán thúc thúc có kim ấn rõ ràng, còn
ai không biết?
Như thế mà đi đường thì giấu thế nào nổi được người ta?
Trương Thanh nói:
- Kim ấn trên mặt thì dán miếng thuốc cao che đi cũng được chứ
sao?
Tôn Nhị Nương cười rằng:
- Thiên hạ chỉ có một mình khôn, con người ta dễ thường ngu
ngốc cả. Bọn công nhân bây giờ phỏng làm như thế mà bịt mắt họ được chăng? Tôi
có một cách này chỉ sợ thúc thúc không chịu nghe thôi.
Võ Tòng nói:
- Tôi đã là thằng tù lánh nạn, thì còn việc gì mà không theo
được nữa?
Tôn Nhị Nương cả cười mà rằng:
- Tôi nói ra đây, thúc thúc đừng giận nhé.
- Xin tẩu tẩu cứ nói, thế nào tôi cũng vâng.
- Hai năm trước có một người đi qua đây, bị tôi giết chết,
câu chuyện ấy thúc thúc đã nghe rồi. Hiện nay còn một cái mũ nhà sư bằng sắt, một
cái áo xống tràng đen, một cái thắt lưng thưa sắc tạp, một bản hộ điệp, một chuỗi
tràng hạt, bằng một trăm linh tám cái trối xương người, một đôi giầy bằng da cá
nhà táng, và hai khẩu giới đao bằng xác hoa. Hai khẩu đao ấy đêm đêm thỉnh thoảng
lại kêu, ngày trước thúc thúc đã xem rồi thì phải. Ngày nay đã định trốn nạn,
thì trừ phi cắt tóc giả làm một người hành giả đội mũ che kim ấn đi, rồi cầm lấy
tờ hộ điệp ấy để hộ thân, thì mới có thể được. Thúc thúc mặt mũi cũng giống, tuổi
tác cũng vừa, thực là nhân duyên tiền kiếp, cứ nhận ngay tên họ người ấy mà đi,
không còn ai hỏi đến nữa. Thế có được không?
Trương Thanh vỗ tay khen rằng:
- Được lắm, thế mà không nghĩ tới, thúc thúc định sao?
Võ Tòng nói:
- Cái đó thì tôi bằng lòng rồi, song chỉ sợ không giống được
mà thôi.
Trương Thanh nói:
- Để tôi thử mặc vào cho thúc thúc xem sao.
Tôn Nhị Nương liền vào buồng đem các thứ mũ áo ra cho Võ Tòng
mặc.
Võ Tòng liền mặc áo thắt lưng, bỏ xõa tóc xuống rồi đội mũ
đen đeo tràng hạt không khác gì một nhà sư vậy.
Trương Thanh cùng Tôn Nhị Nương cả cười mà rằng:
- Thực là kiếp trước đã định, cho nên mới được như thế.
Võ Tòng liền cầm gương soi mặt cũng phải phì cười, mà không
nhận được.
Trương Thanh hỏi:
- Thúc thúc cười chi như thế?
Võ Tòng nói:
- Tôi trông tôi, tôi cũng bật cười... không biết làm sao, tự
nhiên lại hóa ra một nhà sư. Bây giờ đại ca đem cắt tóc cho tôi vậy.
Trương Thanh liền lấy kéo ra cắt tóc cho Võ Tòng rồi sắp sửa
đồ đạc cho Võ Tòng đi. Trương Thanh lại bảo Võ Tòng để các đồ chén bạc của
Trương Đô Giám lại đây, rồi bọc thêm một ít tiền nữa vào cho Võ Tòng và sai thợ
khâu một cái túi gấm, đựng tờ hộ điệp để cho Võ Tòng buộc sát vào trước bụng.
Chiều hôm ấy Võ Tòng cơm rượu xong rồi, thu thập các đồ hành lý, giắt hai khẩu
giới đao, vào lưng, rồi từ tạ vợ chồng Trương Thanh mà đi lánh nạn.
Trương Thanh cầm tay than vãn dặn rằng:
- Hiền đệ đi đường phải nên cần để tâm cẩn thận., rượu không
nên uống lắm, không nên tranh khí với ai, phàm các công việc chớ có làm liều
làm bạo, thế mới giữ được thái độ kẻ tu hành, mà khỏi bị người ta dò biết. Khi
nào đến Nhị Long Sơn, thì viết thư về ngay cho tôi biết, vợ chồng tôi ở đây
cũng không phải là kế cửu, có lẽ nay mai sẽ xếp dọn mà theo lên đó cũng nên. Hiền
đệ cần phải bảo trọng lấy thân và nói với Lỗ, Dương, hai Đầu lĩnh rằng vợ chồng
tôi xin gửi lời bái chúc.
Võ Tòng vâng lời rồi từ tạ ra đi. Hai vợ chồng đứng trông
theo một lúc, rồi vỗ tay mà khen rằng:
- Quả nhiên rõ là một ông hành giả, không còn ai dám ngờ nữa?
Bấy giờ đương dạo thàng mười, ngày ngắn không đầy gang tấc,
Võ Tòng giã từ Thập Tự Phi đi vội vàng được một lúc thì trời đã sắp tối, được
vào khoảng năm mươi dặm đường, chợt trông thấy một tòa núi cao đứng sừng sững ở
trước mặt. Võ Hành Giả liền mau bước mà đi lên núi. Khi lên tới gần đỉnh núi,
chàng đứng dừng lại, quay trông sang phía bên đông, đã thấy vừng trăng mới mọc
sáng rọi cây cỏ trên non, rất là thích mắt.
Đương khi trông ngắm ngẩn ngơ thì chợt thấy có tiếng người cười
ở khu rừng trước mặt. Võ Hành Giả liền nói một mình rằng: "Quái lạ ở đây
núi non tịch mịch thế này, còn làm chi mà có tiếng người cười nói? " Chàng
nghĩ đoạn rảo bước đi sang bên rừng để xem. Chợt thấy trong rừng thông bên cạnh
núi có một tòa am, ướt có mười mấy gian nhà lá, nhà mở hai cánh cửa sổ có một
tiên sinh cùng mấy người con gái cùng ngồi, đương đùa rỡn xem trăng ở đó. Võ
Hành Giả thấy vậy, thì ngạc nhiên nghĩ thầm rằng: " Anh này trông ra mặt
tu hành xuất gia, mà sao dám làm những việc thế kia!"
Chàng vừa nghĩ vừa rút hai khẩu giới đao sáng nhoáng, giơ ra
bóng trăng để xem, rồi lại nói một mình rằng: "Mấy khẩu đao này tốt thực,
vào tay ta, ta chưa thử một lần nào... ? Âu là ta đem tiên sinh khốn nạn này mà
thí nghiệm một cái xem sao?
Chàng nói vậy, liền để một khẩu ở ngoài, còn một khẩu lại đút
vào trong bao, xắn hai tay áo lên đến vai, rồi lượn ra lối trước am mà gõ cửa...Tiên
sinh ngồi trong nghe tiếng gõ cửa liền khép hai cánh cửa sổ đằng sau lại. Võ
Hành Giả lại tìm một tảng đá mà gõ ầm lên. Chợt có tiếng ken két, cánh cửa bên
cạnh mở tung ra, rồi có một tên đạo đồng chạy ra quát rằng:
- Anh là người nào? Nửa đêm gà gáy dám đến đây gõ cửa làm ấm
ĩ đến thế?
Võ Hành Giả trợn ngược hai con mắt ghê gớm, rồi quát lên rằng:
- Hãy đem thằng đạo đồng này mà tế đao đã.
Nói xong giơ đao lên đánh beng một cái, tên đạo đồng mất hẳn
đầu ra một bên, mà ngã vật ngay xuống đất. Bấy giờ tiên sinh kia ngồi trong am
mà kêu to lên rằng:
- Đứa nào dám giết thằng đạo đồng của ta?
Nói xong nhảy tót xuống múa hai thanh bảo kiếm xông ra để
đánh Võ Tòng.
- À! Thằng nầy lại gãi chính vào chỗ ngứa...Được đến đây để
ta thử đao.
Nói đoạn rút khẩu giới đao nữa ở trong bao ra rồi hai tay múa
hai khẩu đao đón đánh tiên sinh kia. Đôi bên đấu nhau ở dưới bóng trăng thanh,
kẻ đi người lại, kẻ đỡ người đâm, lên xuống quanh quẩn như bốn đạo hào quang, kết
thành một đoàn lãnh khí vậy.
Hai bên cự địch đương hăng, thì bỗng dưng có tiếng đao vang động,
rồi có một người ngã lăn ra đất.
Mới hay:
Mấy hàng mưa tuyết đầu người rụng,
Tiếng bóng trăng hàn tiếng kiếm reo,
Làm trai thứ nhất ba điều,
Một là thân thế riêng chiều tự do.
Hai là giết sạch quân thù,
Moi gan tàn ác đền bù núi sông.
Ba là ngang dọc vẫy vùng.
Làm cho tỏ mặt anh hùng ngàn thu.
Ví chăng sống chẳng ra trò,
Thì tu mi với liễu bồ khác chi?
Lời bàn của Thánh Thán:
Đọc hết một hồi máu chảy lầu Uyên Ương, mà than cho người
thiên hạ mài dao giết người, sao thấy lạ thay! Thầy Mạnh nói: Giết cha người ta
ắt người ta phải giết lại cha mình; Giết anh người ta, ắt là người ta phải giết
lại anh mình, trong lúc ta mài dao, với kẻ kia mài dao, nào khác gì đâu! Thế
thì chẳng phải tự sát, chẳng qua gián tiếp, đổi tay dao mã để giết cha anh...Hỡi
ôi! Há chỉ thế đâu, đổi tay dao mà giết, còn lấy dao ta để giết người, để cho
dao người giết lại ta, cũng đều là tự sát, như thế ta chỉ thấy dao giết người của
ta, mà không thấy dao giết ta của người, đến khi họa cơ đưa lại, mới giật nảy
mình, như lũ ba người Trương Đô Giám, Trương Đoàn Luyện, và Tưởng Môn Thần ngộ
hại, còn đau mà chẳng đau lòng!!! Đương khi trao ý kiến cho công sai, mà còn
khiến thêm hai đồ đệ đi theo giúp sức, há chẳng từng ân cần hỏi đến: Ngươi có
mang dao không? Hai người trả lời có dao! Thì lại hỏi đến: Dao có sắc không?
Hai người nói: Tốt! Thì lại hỏi đến: Dao đã mài chưa? Hai người nói: Mới mài!
Thì lại hỏi đến: Dao ấy có giết nổi một Võ Tòng không? Hai người lại nói: Đến
mươi lăm thằng như Võ Tòng cũng giết nổi; há một Võ Tòng?
Đương khi ấy há chẳng khoe dao tốt mà đi, cầm mà múa bay mà tới
để chém cho đứt, thế rồi, đầu Võ Tòng phải rơi, máu Võ Tòng phải đổ, oan Võ Tòng
phải báo, mệnh Võ Tòng phải hết...Bấy giờ thử mà xem, chém mà xách, đem về cho
mọi người thấy, để ngợi khen uống rượu vui mừng?
Lũ ba người Trương Đô Giám, Trương Đoàn Luyện, Tưởng Môn Thần,
coi ở trong thiên hạ to lớn kia, với quần chúng muôn nhà, không còn ai được vui
sướng cho bằng cuộc yến ẩm trên lầu Uyên Ương giết được kẻ thù! Có ngờ ngoài bến
Phi Vân tay sai bị giết, trong Tàu ngựa tắt đèn? ? ? Hỡi ơi! Dao sắc đã mang đi
cửa trước, nào ngờ dao sắc khác đưa đến cửa sau, lại theo họ Võ bấy giờ nghĩ lại
lúc mài dao, chỉ sợ rằng đầu thử trước! Nào ngờ đêm ấy mười chín mạng người, đã
đem đầu thử trước! Hởi ơi! Há nói chơi đâu! Xét ra thì lúc mua dao, để lại đeo
dao, đeo dao lâu ngày chưa giết một ai, chẳng thà đừng mua dao nữa mà lại càng
không nên đeo, dù là sẵn có, tự khi mua dao, để lại đeo dao, đeo dao lâu ngày,
đêm nay giết thử một ngày, muốn giết chưa xong, lại lật lại tự mình chịu giết,
mà bị đến mười chín mạng người, thế mua dao để tự sát mới mua dao; Đeo dao cũng
để tự sát mới đeo dao, chả còn lạ nữa! Hới ôi! Tai vạ nấp sẵn, bí ẩn khôn hay,
đến lúc đưa lại, nhanh không thể trốn, từ xưa tới nay, thường thường như thế cả,
sao người đời còn say chưa tỉnh, không đọc đến đoạn văn này của Thủy Hử chăng?
? ?
Đoạn văn này rất khéo, chẳng tả Võ Tòng lòng thô tay bạo gặp
người là muốn giết ngay, hãy nên coi tác giả tả từng chi tiết trong ngòi bút tả,
nào ngòi bút nhọn, nào phép bút nghiệm, nào sức bút cứng, nào đường bút tới
nơi...Như câu tả người bồi ngựa nghe quen tiếng, nhận biết Võ Tòng và câu Liễu
hoàn mắng thầm khách nọ chưa dọn tiệc xong...Phi nhân chợt tự hỏi
"Ai". Đó là nhàn bút, mới tả ra hết đủ đầy; Khi giết bồi ngựa, thổi tắt
đèn đi, mở cửa mạch lách vào, kéo cánh cửa lại, giết chết Liễu Hoàn, tắt đèn
trong bếp, chạy ra trước cửa...Tả những câu đến thế, do ngòi bút sắc; Mới đầu tả
người canh bốn điểm, sau rồi tả bốn canh ba điểm, trước giơ bọc lấy áo của Thi
Ân và tiền sau lại lấy ra dùng giày gai, đó là bút pháp được nghiêm; Lẻn vào cửa
sau. Giết kẻ bồi ngựa, rồi đánh nhoàng ra cửa sau, giở đến bọc dao, mở cánh cửa
mạch, mấy lần lãnh ra lãnh vào khép cánh, sấn vào trên lầu, giết chết ba tên, rồi
lại xuống thang lầu, nhường cho hai người đi lên, giết chết ba tên, rồi lại xuống
thang lầu, nhường cho hai người kia đi lên, rồi trở lên lầu giết nốt, rồi trở
xuống lầu giết nốt Phu Nhân, trở lại dưới bếp lau dao, chạy tới trung đường, đi
ra khỏi cửa, bao nhiêu lần chuyển thân hành động, đó là sức bút cáp lớn lao, một
mạch tả gồm mười một chỗ tả đèn bốn chỗ tả trăng, đó là lối bút chia ra cách biệt.
Trên lầu Uyên Ương, ta xét biết ra, với nghĩa rằng, việc đắc
ý và thất ý khéo đi đôi không rời khỏi nhau, như đôi chim sống mái liền nhau vậy.
Một đoạn văn Võ Tòng qua núi Ngô Công, ý tứ đối ngầm với việc
Lỗ Đạt qua chùa Ngõa Quan, hai đoạn văn cũng vừa mới được giới đao, chém bọn giả
tu hành, giới đao ấy vốn con dao cảnh cáo.
Thi Nại Am
Dịch giả: Á Nam Trần Tuấn Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét