Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

Tam quốc chí diễn nghĩa 19

Tam quốc chí diễn nghĩa 19
Hồi 109:
Vây Tư Mã, mưu lạ Khương Duy
Bỏ Tào Phương, quả báo nhà Ngụy
Năm Diên Hy thứ mười sáu nhà Thục, mùa thu, tướng quân Khương Duy cất hai chục vạn quân; sai Liêu Hoá, Trương Dực làm tả hữu tiên phong, Hạ Hầu Bá làm tham mưu, Trương Ngực làm vận lương sứ, đem quân ra ải Dương Bình đánh Ngụy.
Khương Duy bàn với Hạ Hầu Bá rằng:
- Trước kia lấy Ung Châu không được phải trở về, nay tất đấy có phòng bị cả rồi. Ông có cao kiến gì không?
Bá nói:
- Các quận xứ Lũng Thượng, chỉ có quận Nam An lắm tiền lương. Nếu lấy trước được quận ấy thì mới đủ làm nơi căn bản. Trước kia phải trở về, là vì quân Khương không đến. Nay nên sai người hội với người Khương ở Lũng Hữu trước, rồi sẽ tiến binh ra xứ Thạch Doanh, theo đường Đổng Đình mà đến thẳng Nam An.
Duy mừng lắm, nói:
- Ông nói phải lắm!
Bèn sai Khước Chính mang vàng ngọc, gấm vóc sang xứ rợ Khương kết hiếu. Vua Khương là Mễ Đương được lễ vật rồi; liền cất năm vạn quân, sai Khương tướng là Nga Hà Thiêu qua làm đại tiên phong, dẫn quân đến quận Nam An.
Tả tướng quân nước Ngụy là Quách Hoài nghe tin, báo về Lạc Dương.
Tư Mã Sư hỏi các tướng rằng:
- Có ai dám ra địch quân Thục không?
Phục quốc tướng quân Từ Chất xin đi. Sư vẫn biết Từ Chất là người khỏe mạnh, trong bụng mừng rỡ liền cho làm tiên phong. Lại sai em là Tư Mã Chiêu làm đại đô đốc, lĩnh binh kéo ra Lũng Tây. Từ Chất đi đến Đổng Đình thì vừa gặp quân Khương Duy tới. Hai bên dàn trận. Từ Chất sử dụng một lưỡi búa khai sơn cực to, ra ngựa khiêu chiến. Trận bên Thục, Liêu Hóa ra địch. Đánh nhau chưa được vài hiệp Hóa cầm đại đao chạy về, Trương Dực thúc ngựa vác giáo ra đánh. Được vài ba hiệp, Dực cũng thua chạy vào trận. Từ Chất thúc quân đánh tràn vào, quân Thục thua to, lui về hơn ba chục dặm. Tư Mã Chiêu cũng thu quân về, hai bên cùng lập trại cầm cự.
Khương Duy hỏi Hạ Hầu Bá rằng:
- Từ Chất khỏe lắm, nên dùng mẹo gì bắt cho được?
Bá nói:
- Ngày mai giả thua, dùng kế mai phục mà bắt.
Duy nói:
- Tư Mã Sư là con Trọng Đạt, lạ gì binh pháp nữa? Nếu hắn thấy chỗ địa thế khuất khúc, tất không đuổi theo. Ta xem quân Ngụy mấy phen chặn đường mang lương của ta, nay nên dùng ngay mẹo ấy mà làm gì, thì mới chém được Từ Chất.
Bèn gọi Liêu Hóa, Trương Dực vào dặn dò mẹo mực, sai hai người lĩnh binh đi. Một mặt sai binh sĩ thả chông ngoài đường và rào trông chà kín chung quanh trại, làm ra vẻ muốn ở lâu dài. Từ Chất mấy hôm dẫn quân ra khiêu chiến, quân Thục không ra.
Có tiểu mã báo với Tư Mã Chiêu rằng:
- Quân Thục dùng trâu ngựa gỗ tải vận lương thảo ở sau núi Thiết Lung.
Chiêu gọi Từ Chất đến bảo rằng:
- Khi xưa ta phá được quân Thục, là bởi chặn được đường vận lương của họ. Nay quân Thục vận lương sau núi Thiết Lung, ngươi nên dẫn năm nghìn quân đêm nay ra chặn đường ấy, tự nhiên quân Thục phải rút về.
Từ Chất lĩnh mệnh, đầu canh một, dẫn quân ra núi Thiết Lung, quả nhiên thấy hơn hai trăm quân Thục dắt một đàn trâu ngựa gỗ hơn trăm con, đang vận lương đi. Quân Ngụy reo ồ một tiếng, Từ Chất ra chặn ngang đường. Quân Thục bỏ cả lương thảo mà chạy. Chất chia một nửa quân vận lương đem về trại, còn một nửa quân đuổi theo. Đuổi được mười dặm, bỗng thấy xa trượng ngổn ngang chặn mất lối đi. Chất sai quân xuống ngựa dọn đường, bỗng thấy lửa bốc lên ngùn ngụt. Chất vội vàng quay ngựa trở về. Chạy đến con đường hẻm sườn núi, lại bị xa trượng lấp lối, rồi lửa cháy sáng rực. Bỗng đâu một tiếng pháo nổ, quân hai mặt đổ đến, tả Liêu Hóa, hữu Trương Dực, đánh một trận cực rát, quân Ngụy thua chạy tan hoang. Từ Chất còn độc một mình cắm đầu chạy miết, người ngựa mệt nhoài. Chợt lại gặp Khương Duy dẫn một toán quân đến. Chất giật mình, bị Khương Duy đâm trúng một ngọn giáo ngã ngựa, quân Thục kéo ồ lại, băm Chất nhỏ ra như cám. Một nửa quân vận luơng cũng bị Hạ Hầu Bá bắt được cả. Bá lấy áo giáp và ngựa của quân Ngụy, cho quân Thục mặc vào, cưỡi ngựa cầm cờ hiệu nước Ngụy, đi theo đường nhỏ, chạy vào trại Ngụy. Quân Ngụy thấy quân nhà trở về, mở cửa chạy cho vào. Quân Thục vào đến trại vùng lên đánh giết.
Tư Mã Chiêu giật mình, vội vàng nhảy lên ngựa chạy thì đã thấy Liêu Hóa kéo đến. Chiêu không ra được mé trước, chạy lùi lại mé sau, gặp ngay Khương Duy dẫn quân từ con đường nhỏ đánh sang. Chiêu trông ra bốn phía không còn đường nào, phải dắt quân lên đóng trên núi Thiết Lung. Núi ấy bốn bề hiểm trở cao ngất, chỉ có một đường trèo lên. Trên núi có một ngọn suối, chỉ đủ nước cho trăm người uống. Bấy giờ quân của Chiêu có tất cả sáu nghìn người bị Khương Duy chặn mất cửa núi không xuống được. Nước suối trên núi không đủ dùng, người ngựa khô khát, Chiêu ngẩng cổ lên trời than rằng:
- Ta chết ở đây mất thôi!
Người sau có thơ rằng:
Mẹo kế Khương Duy chẳng phải vừa,
Ngụy quân bị khốn Thiết Lung xưa,
Mã Lăng ngày trước Bằng Quyên chiếm,
Cửu Lý lúc đầu Hạng Vũ vây.
Chủ bộ Vương Thao nói rằng:
- Ngày xưa Cảnh Cung bị vây, lễ giếng cầu khấn mà được suối ngọt, tướng quân sao không bắt chước làm đi?
Chiêu nghe lời, lên trên đỉnh núi, bảo với các tướng rằng:
"Chiêu phụng chiếu ra dẹp quân Thục, nếu số mệnh đã hết thì suối ngọt khô ráo. Chiêu xin tự vẫn, để cho quân sĩ hàng cả. Nếu vận hãy còn, xin trời cho suối chảy ngay ra, để cứu lấy mệnh chúng".
Chiêu khấn đoạn, nước bỗng tuôn ra tràn suối, tha hồ ăn uống không hết. Bởi thế quân mã không việc gì.
Khương Duy vây giữ được quân Ngụy ở trên núi, bảo với các tướng rằng:
- Khi xưa thừa tướng bắt không được Tư Mã Ý ở trong hang Thượng Phương, ta vẫn lấy làm căm tức. Nay thì ta chắc bắt được Tư Mã Chiêu rồi.
Quách Hoài nghe tin Tư Mã Chiêu bị khốn trên núi Thiết Lung, muốn mang quân lại cứu.
Trần Thái nói:
- Khương Duy hội họp với quân Khương, muốn cướp quân Nam An của ta. Nay quân Khương đã đến, nếu tướng quân cất quân đi cứu, thì quân Khương tất thừa cơ chụp đánh sau ta. Ta nên trước hết sai người trá hàng quân Khương, dùng mẹo đánh đuổi quân Khương đi, rồi mới giải vây núi Thiết Lung được.
Quách Hoài nghe lời, sai Trần Thái dẫn năm nghìn quân đến thành vua Khương, cởi giáp đi vào.
Trần Thái lại rồi khóc rằng:
- Quách Hoài kiêu kỳ hợm mình, mang lòng muốn giết tôi, vậy tôi đến hàng. Trong trại Quách Hoài hư thật thế nào, tôi đã biết cả. Hôm nay xin dẫn một toán quân đến cướp trại, tự khắc thành công, vả lại quân ta đến trại Ngụy lúc nào sẽ có nội ứng lúc ấy.
Vua Khương là Mễ Đương mừng lắm, sai Nga Hà Thiêu Qua đi với Trần Thái đến cướp trại Ngụy. Nga Hà Thiêu Qua cho quân hàng của Trần Thái đi mặt sau, mà sai Trần Thái dẫn quân Khương đi trước, canh hai đêm hôm ấy, kéo đến thẳng trại Ngụy. Cửa trại mở toang, Trần Thái cưỡi ngựa xông vào trước. Nga Hà Thiêu Qua thúc ngựa đi theo. Vừa vào khỏi đã nghe kêu lên một tiếng rồi cả người lẫn ngựa Nga Hà Thiêu Qua ngã lăn xuống hố. Trần Thái từ mặt sau kéo lại. Quách Hoài từ mé tả đánh sang. Quân Khương bối rối, giày xéo nhau, chết hại rất nhiều; còn bao nhiêu hàng cả. Nga Hà Thiêu Qua tự vẫn chết.
Quách Hoài, Trần Thái dẫn quân đến cướp trại Khương, kéo thẳng vào trong trại. Mễ Đương ra trướng vừa lên được ngựa, thì đã bị quân Ngụy bắt sống, điệu đến nộp Quách Hoài. Hoài vội vàng xuống ngựa, cởi trói cho Mễ Đương, rồi lấy lời ngọt ngào trách rằng:
- Triều đình vẫn cho ông là người trung nghĩa, nay cớ sao ông lại giúp quân Thục?
Mễ Đương thẹn thò, chịu tội.
Hoài lại dỗ Mễ Đương rằng:
- Ông nên dẫn quân làm tiền bộ đánh giải vây ở núi Thiết Lung. Nếu đuổi được quân Thục, tôi sẽ tâu với thiên tử hậu thưởng cho ông.
Mễ Đương theo lời, dẫn quân Khương đi trước, quân Ngụy đi sau, kéo đến núi Thiết Lung. Bấy giờ vào canh ba, Mễ Đương cho người vào báo với Khương Duy trước. Duy mừng lắm, cho mời vua Khương vào Trướng. Quân Ngụy giả nửa đi lẫn với quân Khương. Khi gần đến trước trại Thục, Đương cho đại quân đóng ở ngoài trại rồi dẫn hơn trăm người vào trướng ra mắt Khương Duy. Duy và Hạ Hầu Bá cùng ra đón. Tướng Ngụy không đợi cho Mễ Đương mở miệng chào hỏi, nổi ngay lên đánh giết. Khương Duy thất kinh, kíp nhảy lên ngựa chạy trốn. Quân Ngụy tràn vào, quân Thục vỡ lở tan tác, ai tìm đường tháo thân người nấy.
Khương Duy trong tay không có khí giới gì, chỉ còn một bộ cung tên đeo sau lưng, nhưng vì chạy tất tả, tên rơi mất cả, chỉ còn mỗi một cánh cung. Duy chạy lẻn vào trong đường núi. Quách Hoài dẫn quân đuổi theo, thấy Khương Duy tay không, mới quất ngựa cầm đao đuổi miết mãi. Dần dần Hoài đuổi kịp, Duy quay mình lại, giương cung không, bật tách mấy tiếng. Hoài mấy lần tránh tên, đều không thấy mũi tên bay đến, biết là cung không có tên, mới cắp chặt lấy ngọn giáo, giương cung đặt tên bắn sang. Duy nghiêng mình tránh khỏi, thuận tay bắt ngay được mũi tên, liền đặt vào cung, đợi Quách Hoài đuổi đến gần, ngắm giữa mặt Hoài ra sức bắn một phát, tin ngay vào trán Quách Hoài ngã ngựa. Duy quay ngựa lại toan giết thì quân Ngụy đã kéo ùa cả lại. Duy không kịp ra tay, chỉ giật được ngọn giáo của Quách Hoài mà chạy. Quân Ngụy không dám đuổi theo, xúm vào cứu Quách Hoài đem về trại, rút mũi tên ra. Máu chảy mãi không cầm. Hoài chết.
Tư Mã Chiêu dẫn quân xuống đuổi theo, đến nữa đường mới trở về.
Hạ Hầu Bá chạy thoát, một lát cũng đến được với Khương Duy. Duy thiệt quân mã rất nhiều, nhặt nhạnh tàn quân, trở về Hán Trung. Chuyến này Khương Duy tuy bại trận, nhưng bắn chết được Quách Hoài, giết được Từ Chất, làm kinh động cả nước Ngụy, công tội đủ bù cho nhau.
Tư Mã Chiêu khao thưởng quân rợ Khương rồi cho về nước, Chiêu cũng rút quân về Lạc Dương, cùng với anh là Tư Mã Sư chuyên quyền trong triều, quần thần ai cũng phải chịu.
Ngụy chủ Tào Phương mỗi khi thấy Tư Mã Sư vào chầu, sợ run cầm cập. Một bữa, Phương mở chầu, thấy Sư đeo gươm lên điện vội vàng xuống sập rồng đón vào. Sư cười, nói rằng:
- Có lẽ đâu vua phải đón bày tôi, xin bệ hạ cứ ngồi yên cho.
Một lát, quần thần đến tâu việc, Tư Mã Sư xử đoán lấy, không tâu với Ngụy chủ câu gì. Lát nữa tan chầu, Sư nghênh ngang xuống điện, ngồi xe đi ra, quân hầu xúm quây vòng trong vòng ngoài, có hàng vài nghìn người.
Tào Phương lui vào hậu điện, nhìn trông tả hữu, chỉ có ba người là Thái thường Hạ Hầu Huyền, Trung thư lịnh Lý Phong, và Quang Lộc đại phu Trương Thấp là cha bà Trương Hoàng hậu, tức là hoàng trượng Tào Phương. Phương bảo cận thị lui ra ngoài, rồi dắt ba người vào mật thất bàn bạc.
Phương cầm tay Trương Thấp, khóc mà nói rằng:
- Tư Mã Sư coi trẫm như trẻ con, khinh các quan như cỏ rác, xã tắc nay mai tất mất về tay người ấy.
Nói đoạn khóc hu hu lên.
Lý Phong tâu rằng:
- Bệ hạ chớ lo, tôi tuy không có tài gì, nhưng xin phụng minh chiếu của bệ hạ, tụ tập hào kiệt bốn phương để trừ giặc ấy.
Hạ Hầu Huyền tâu rằng:
- Anh tôi là Hạ Hầu Bá phải hàng Thục, là vì sợ anh em Tư Mã Sư mưu hại. Nay bằng trừ xong giặc ấy, anh tôi tất lại trở về. Tôi là thân thích nhà vua, có đâu dám ngồi yên để quân gian tặc loạn nước, xin cùng phụng chiếu đánh giặc.
Phương nói:
- Trẫm chỉ lo đánh không nổi thôi!
Ba người cùng khóc mà tâu rằng:
- Chúng tôi xin đồng lòng đánh giặc, để báo ơn bệ hạ.
Tào Phương liền cởi ra một cái khăn lau mồ hôi thêu long phượng, cắn đầu ngón tay, lấy huyết viết chiếu, rồi đưa cho Trương Thấp, dặn rằng:
- Khi xưa tổ trẫm là Võ Hoàng Đế giết được bọn Đổng Thừa cũng chỉ vì việc họ làm không mật đấy thôi. Các ngươi phải cẩn thận, chớ để tiết lộ ra ngoài.
Lý Phong nói:
- Sao bệ hạ lại dạy thế? Chúng tôi đâu có phải như bọn Đổng Thừa; mà Tư Mã Sư ví làm sao được với Võ tổ! Xin bệ hạ chớ nghi.
Ba người từ từ trở ra, đến cạnh cửa Đông Hoa, vừa gặp Tư Mã Sư đeo gươm đi vào, quân hầu vài trăm người cùng cầm đồ khí giới. Ba người đứng bên cạnh đường.
Sư hỏi rằng:
- Ba người sao lui chầu trễ thế?
Phong nói:
- Thánh thượng ở nội đình xem sách, ba chúng tôi phải hầu giảng sách, cho nên về muộn.
Sư hỏi:
- Xem sách gì?
Phong nói:
- Xem sách Hạ Thương Chu tam đại.
Sư hỏi:
- Vua xem sách ấy, hỏi đến việc gì?
Phong nói:
- Thiên tử nói đến việc Y Doãn giúp nhà Thương. Chu Công nhiếp chính nhà Chu. Chúng tôi tâu đại tướng quân họ Tư Mã bây giờ, cũng tức như Y Doãn, Chu Công ngày xưa vậy.
Sư tủm tỉm cười, nói rằng:
- Các ngươi vì lẽ gì mà coi ta như Y Doãn, Chu Công; có chăng các ngươi chỉ coi ta như Vương Mãng, Đổng Trác mà thôi!
Ba người kêu rằng:
- Chúng tôi là môn hạ tường công cả, có đâu dám thế?
Sư nổi giận, mắng rằng:
- Chúng bay còn nịnh hót gì! Khi nãy cùng với thiên tử ở trong mật thất, chúng bay khóc lóc những chuyện gì thế?
Ba người nói:
- Thực là không có việc ấy!
Sư quát rằng:
- Ba chúng bay ngấn nước mắt còn đỏ hoe lên thế kia, còn mở mồm chối cãi gì?
Hạ Hầu Huyền biết cơ mưu lộ rồi, mới thét to lên mắng rằng:
- Chúng tao khóc là vì uy quyền mày lấn cả chúa, sắp mưu việc thoán nghịch.
Sư giận lắm, quát võ sĩ bắt Hạ Hầu Huyền. Huyền vén tay áo, chạy lại đánh Tư Mã Sư, thì đã bị võ sĩ bắt giữ lại. Sư sai khám trong mình mấy người, bắt được một mảnh khăn mặt thêu long phượng ở trong mình Trương Thấp, có chữ viết bằng máu. Tả hữu trình lên Tư Mã Sư. Sư trông ra thấy mật chiếu.
Chiếu rằng:
"Anh em Tư Mã Sư, cùng cầm quyền to, sắp mưu việc thoán nghịch, nội là chiếu sắc làm ra, không do tự trẫm cả. Quân binh tướng sĩ các bộ, nên cùng mang lòng trung nghĩa, trừ khử tặc thần, để cứu lấy xã tắc. Khi nào thành công, trẫm sẽ phong tước trọng thưởng cho".
Tư Mã Sư xem xong, hầm hầm nổi giận mà rằng:
- Chà! Thế ra chúng bây muốn hại anh em ta! Tội này không sao dung được.
Liền sai điệu ba người ra chợ, bắt tội chém ngang lưng, và sai giết ba họ mấy người ấy. Ba người chửi mắng không ngớt miệng. Khi ra đến chợ cửa Đông, ba người đã bị chúng vả gẫy hết răng, nhưng vẫn lảm nhảm chửi kỳ đến chết mới thôi.
Tư Mã Sư vào thẳng hậu cung. Bấy giờ Ngụy chủ đang ngồi với Trương Hoàng hậu bàn việc ấy. Hoàng hậu nói:
- Ở nội đình này tai mắt họ cũng nhiều, nếu việc lộ tất lụy đến thiếp.
Hai người đang nói chuyện, bỗng thấy Sư vào. Hoàng hậu giật mình. Sư lăm lăm cầm thanh gươm, bảo với Ngụy chủ rằng:
- Cha tôi lập bệ hạ lên làm vua, công đức không kém gì Chu Công; tôi thờ bệ hạ cũng chẳng khác gì Y Doãn. Nay làm ân nên oán, đổi công làm tội, bệ hạ lại muốn cùng với một hai đứa tiểu thần, mưu hại anh em tôi, là cớ làm sao?
Phương nói:
- Trẫm có bụng gì đâu!
Sư thò tay vào trong tay áo lấy mảnh khăn tay quăng xuống đất nói rằng:
- Cái này ai làm ra đây?
Phương hồn bay phách lạc, run cầm cập nói rằng:
- Việc đó là tự người ta ép trẫm, chớ trẫm đâu dám mang bụng ấy.
Sư nói:
- Vu càn cho đại thần làm phản, nên cho vào tội gì?
Phương quỳ xuống kêu rằng:
- Trẫm thật là có tội, xin đại tướng quân thứ cho.
Sư nói:
- Bệ hạ, xin ngài hãy đứng dậy, phép nước chưa bỏ được.
Lại trỏ Trương Hoàng hậu nói rằng:
- Đây là con gái Trương Thấp đấy, phải trừ đi mới được.
Phương khóc ầm lên, xin tha cho Hoàng hậu. Sư không nghe, quát tả hữu bắt Trương hậu đem ra cửa Đông Hoa, lấy tấm lụa trắng thắt cổ cho chết.
Có thơ than rằng:
Nhớ khi Phục hậu bước ra lầu,
Khóc lóc từ vua ruột xót đau,
Con cháu ai ngờ nay lại thế,
Lòng trời quả báo có sai đâu?
Hôm sau, Tư Mã Sư hội cả quần thần lại nói rằng:
- Nay chúa thượng hoang dâm vô đạo, ham mê nhà trò con hát, tin nghe lời dèm, lấp đường hiền sĩ, tội lại tệ hơn vua Xương Ấp nhà Hán, xét ra không làm nổi được chúa thiên hạ. Ta xin theo lệ Y Doãn, Hoắc Quang lập vua mới khác giữ xã tắc, để cho thiên hạ được yên. Việc ấy thế nào?
Chúng cùng thưa rằng:
- Đại tướng quân làm việc Y, Hoắc, chính là hợp lẽ trời, thuận lòng người, còn ai dám trái mệnh nữa.
Tư Mã Sư mới cùng với các quan vào cung Vĩnh Ninh, tâu với bà Thái Hậu.
Thái Hậu hỏi:
- Đại tướng quân muốn lập người nào lên làm vua?
Sư tâu rằng:
- Tôi coi có Bành thành vương là Tào Cứ, thông minh nhân hiếu, nên lập làm chúa thiên hạ.
Thái Hậu nói:
- Bành thành vương vào hàng chú lão thân này, nếu lập lên làm vua, thì thêm khó xử ra. Có Cao Quý hương công lên.
Chúng trông ra thì là chú Tư Mã Sư tên là Tư Mã Phu.
Sư bèn một mặt sai sứ ra Thành Nguyên, mời Cao Quý hương công về. Một mặt mời Thái Hậu lên đền thái cực, gọi Tào Phương ra trách mắng rằng:
- Mày hoang dâm không có chừng nào, ham mê nhà trò con hát, phải nộp giả tỷ thụ, lại phong cho tước Tề vương như trước. Ngay hôm nay phải đi lập tức, nếu không vời đến thì không được vào chầu.
Tào Phương khóc lạy Thái Hậu, nộp trả quốc bảo, ngồi xe khóc rầm rĩ đi ra. Các quan chỉ có vài người có lòng trung nghĩa, ứa nước mắt tiễn đưa. Người sau có thơ rằng:
Tướng Hán Tào Mân chuyện thuở xưa,
Coi Khinh quả phụ với cô nhi,
Bốn chục năm sau ai có biết,
Cô nhi quả phụ lại mắc lừa.
Nói về Cao Quý hương công là Tào Mao, tự là Ngạn Sĩ, cháu vua Văn Đế, con Đông Hải Định vương Tào Lâm. Khi ấy Tư Mã Sư sai sứ đem sứ mệnh của Thái Hậu mời Mao đến, văn võ các quan bày đồ loan giá ra ngoài cửa Nam Dịch đón rước. Tào Mao vội vàng đáp lễ các quan.
Thái úy Vương Túc nói rằng:
- Chúa thượng không nên đáp lễ.
Mao nói:
- Ta cũng là nhân thần, dám đâu chẳng đáp lễ!
Các quan rước Tào Mao lên kiệu vào cung. Mao từ chối rằng:
- Chiếu mệnh Thái Hậu, chưa biết việc gì, ta đâu dám ngồi kiệu đi vào.
Bèn đi bộ đến mãi thành đông đền Thái Cực. Tư Mã Chiêu ra đón vào, Mao lại thụp xuống đất, Chiêu vội vàng đỡ đứng dậy, hỏi han ôn tồn, rồi đưa vào ra mắt Thái Hậu.
Thái Hậu nói:
- Ta thấy ngươi khi nhỏ có tướng làm đế vương, nay lên làm chúa thiên hạ. Cốt phải kính cẩn tiết kiệm, tỏ rõ nhân đức, chớ có để nhục đến tiên đế.
Tào Mao nhún nhường hai ba lần. Sư sai các quan rước Tào Mao lên đền Thái Cực, lập làm vua mới, cải niên hiệu năm Gia Bình thứ sáu làm năm Chính Nguyên năm đầu; đại xá cho thiên hạ; ban cho đại tướng quân Tư Mã Sư một lưỡi việt vàng, vào triều không phải rảo bước, tâu việc không phải xưng tên, được đeo gươm lên điện. Văn võ trăm quan cùng được phong thưởng.
Tháng giêng, mùa xuân, năm Chính Nguyên thứ hai, có quân tế tác về báo rằng:
- Trấn đông tướng quân Vô Kỳ Kiệm và thứ sử Dương Châu là Văn Khâm, vì việc thế chúa, cất quân kéo lại đây.
Tư Mã Sư giật mình.
Ấy là:
Tôi Hán giúp vua từng khởi nghĩa,
Tướng Tào đánh giặc cụng hưng sư,
Chưa biết việc sau ra làm sao, xem hồi sau phân giải.
Hồi 110:
Văn Ương một ngự thoái quân hùng
Bá Ước men sông phá giặc lớn
Lại nói tháng giêng Ngụy Chính Nguyên năm thứ hai Vô Kỳ Kiệm tên tự là Trọng Văn, người ở làng Văn Hỷ, trấn Hà Đông, hiện đang làm trấn đông tướng quân, lĩnh quân mã ở Hoài Nam. Khi nghe tin Tư Mã Sư tự chuyên làm việc phế lập, trong bụng căm tức lắm. Có người con cả Vô Kỳ Điện nói với cha rằng:
- Phụ thân làm quan tổng trấn một địa phương. Tư Mã Sư chuyên quyền bỏ chúa, nhà nước ngất nghểu như trứng để đầu đẳng, sao lại ngồi yên một chỗ cho đành!
Kiệm nói:
- Con nói phải lắm!
Liền cho mời thứ sử Văn Khâm đến bàn bạc. Khâm nguyên cũng là khách môn hạ của Tào Sảng. Thấy Kiệm mời, Khâm lập tức đến yết kiến. Kiệm mời vào nhà sau, trò chuyện một hồi, bỗng dưng nước mắt ròng ròng.
Khâm hỏi cớ làm sao, Kiệm nói:
- Tư Mã Sư chuyên quyền bỏ chúa, trời đất nghiêng ngửa, trách sao tôi trả thương tâm.
Khâm nói:
- Đô đốc trấn thủ một phuơng, nếu bằng trọng nghĩa đánh giặc, tôi xin liều bỏ một thân, để giúp đỡ đô đốc. Tôi có con thứ hai tên là Văn Thực, tự là A Ương có sức khỏe muôn người, thường vẫn muốn giết anh em Tư Mã Sư, để báo thù cho Tào Sảng, nên sai hắn làm tiên phong.
Kiệm mừng lắm, tức thì rót rượu ăn thề. Hai người nói dối Thái Hậu có mật chiếu, hội cả quan binh tướng sĩ lớn nhỏ vào trong thành Xuân Thọ, lập một đàn ở mé tây, mổ ngựa trắng uống máu ăn thề, nói phao lên rằng Tư Mã Sư đại nghịch vô đạo, nay phụng mật chiếu của Thái Hậu sai cất Hoài Nam để đánh giặc.
Chúng đều bằng lòng xin theo. Kiệm mới dẫn sáu vạn quân ra đóng ở Hạng Thành. Văn Khâm thì dẫn hai vạn quân đi lại vòng ngoài tiếp ứng các nơi. Kiệm đưa hịch cho các quận, sai cất quân giúp đỡ.
Bấy giờ Tư Mã Sư có cái bướu bên mắt tả, thường thường đau ngứa khó chịu, sai quan thầy thuốc cắt đi rịt thuốc vào, mấy bữa ở luôn trong phủ dưỡng bệnh, chợt nghe tin Hoài Nam cáo cấp, Sư liền cho mời thái úy Vương Túc đến bàn bạc.
Túc nói:
- Khi xưa Quan Vân Trường uy thế lừng lẫy, Tôn Quyền sai Lã Mông đánh úp lấy Kinh Châu, chỉ có phủ tuất các gia tướng sĩ mà quân Quan Công phải tan vỡ. Nay gia thuộc các tướng sĩ Hoài Nam ở cả Trung Nguyên, nên kíp vỗ về yên ủi họ, lại mang quân ra chặn đường về, thì quân giặc tất phải vỡ cả.
Sư nói:
- Lời ông phải lắm. Nhưng ta mới cắt cái bướu mắt, không thể đi được; mà sai người khác đi, thì ta không yên tâm, làm thế nào?
Bấy giờ có trung thư thị lang là Chung Hội, đứng bên cạnh, tiến lên nói rằng:
- Quân Hoài Sở mạnh mẽ, sắc sảo lắm. Nếu sai người khác lĩnh quân đi, thường hay bất lợi. Nếu sơ suất, thì việc to hỏng mất.
Sư vùng đứng dậy nói rằng:
- Phi ta đi không phá được giặc!
Bèn lưu em là Tư Mã Chiêu ở lại giữ Lạc Dương, coi xét triều chính. Sư ngồi một chiếc xe đệm lót êm ái, gượng bệnh ra đánh mặt đông; sai trấn đông tướng quân là Gia Cát Đản tổng đốc quân mã ở Dự Châu, tự bến An Phong sang lấy Thọ Xuân, lại sai chinh đông tướng quân Hồ Tuân lĩnh các đạo quân Thanh Châu, ra lối Tiêu Tống, bịt đường giặc về; cử thứ sử Kinh Châu kiêm giám quân là Vương Cơ lĩnh quân tiền bộ, trước hết đến lấy đất Trấn Nam. Sư dẫn đại quân đóng ở Tương Dương, tụ văn võ lại bàn bạc.
Quan lộc huân là Trịnh Bao nói rằng:
- Vô Kỳ Kiệm giỏi mưu mà không quyết đoán, Văn Khâm có khỏe mà trí kém khôn. Nay quân ta mới ra đây, quân Giang Hoài thế còn đang mạnh, chưa nên khinh địch vội; hãy lên thành cao hào sâu, để nén bớt nhuệ khí của họ đi. Đó là mẹo hay của á phu ngày xưa đấy.
Giám quân Vương Cơ nói rằng:
- Không nên giữ! Xứ Hoài Nam làm phản, không phải tự quân dân mong loạn. Chỉ vì Vô Kỳ Kiệm bức bách mà phải theo. Nếu quân ta đến đánh, tất tan ngay như ngói vỡ.
Sư nói:
- Ngươi nói phải lắm!
Bèn tiến quân lên đóng trên sông Ẩn Thủy, trung quân thì đóng tại cầu sông Ẩn.
Vương Cơ nói rằng:
- Thành Nam Đốn đóng quân được; ta nên dẫn quân đến đó cho mau, nếu chậm thì Vô Kỳ Kiệm chiếm mất.
Sư cho ngay Vương Cơ dẫn tiền bộ đến thành Nam Đốn hạ trại.
Vô Kỳ Kiệm ở Hạng Thành, nghe tin Tư Mã Sư tự dẫn quân đến, hội các tướng bàn bạc.
Tiên phong là Cát Ưng nói rằng:
- Đất Nam Đốn dựa núi men sông là chỗ đóng quân rất tốt. Nếu quân Ngụy chiếm trước được, thì ta khó lòng chống nổi, nên đến mà lấy cho mau.
Khi đang đi, có ngựa lưu tin về báo rằng:
- Nam Đốn đã có quân mã hạ trại rồi.
Kiệm không tin, thân đến trước quân đứng xem, quả nhiên thấy tinh kỳ rợp đất, doanh trại chỉnh tề. Kiệm trở về trung quân, không nghĩ ra kế gì.
Chợt lại có tiểu mã phi báo rằng:
- Tôn Tuấn bên Đông Ngô, cầm quân sang sông muốn úp Thọ Xuân.
Kiệm giật mình nói rằng:
- Nếu mất Thọ Xuân, thì ta về đâu bây giờ?
Đêm hôm ấy, Kiệm rút quân về Hạng Thành.
Tư Mã Sư thấy Vô Kỳ Kiệm rút lui, hội các quan lại bàn bạc.
Thượng thư Phó Hô nói rằng:
- Vô Kỳ Kiệm có ý lo quân Ngô cướp mất Thọ Xuân, cho nên rút quân về Hạng Thành, chia binh ra giữ. Tướng quân nên một mặt đến lấy thành Lạc Gia, một mặt lấy Hạng Thành, một mặt lấy Thọ Xuân. Như thế thì quân Hoài Nam tất phải lui cả. Thứ sử Duyện Châu là Đặng Ngải lắm mưu nhiều trí nên cho lĩnh binh đến lấy Gia Lạc, ta lại cho đại binh đến tiếp ứng, thì phá giặc không khó gì nữa.
Sư nghe lời, sai sứ cầm hịch ra sai Đặng Ngải cất quân Duyện Châu, đến phá thành Lạc Gia. Sư cũng dẫn quân đến đấy phối hợp.
Vô Kỳ Kiệm ở Hạng Thành, lo quân giặc đến đánh thành Lạc Dương, bèn mời Văn Khâm vào trại bàn bạc.
Khâm nói:
- Đô đốc chớ lo. Tôi xin cùng với con tôi là Văn Ương, chỉ năm nghìn quân, quyết giữ được thành Lạc Gia vững vàng.
Kiệm mừng lắm, sai cha con Văn Khâm dẫn năm nghìn quân ra Lạc Gia. Văn Khâm lĩnh mệnh kéo quân đi.
Tiền quân báo rằng:
- Mé tây thành Lạc Gia, ước chừng có hơn một vạn quân Ngụy. Trong đám trung quân có mao trắng việt vàng, lọng đen phớn đỏ, trong hổ tướng dựng lá cờ vóc thêu một chữ Soái, đấy tất là Tư Mã Sư. Hiện họ đang lập trại chưa xong.
Bấy giờ Văn Ương đeo một thanh quất đứng cạnh cha, nghe tin ấy, Ương nói với cha rằng:
- Nhân lúc doanh trại của nó chưa xong, nên chia quân làm hai đường đánh luôn, chắc là được.
Khâm hỏi:
- Lúc nào nên đi?
Ương nói:
- Chiều tối hôm nay, phụ thân dẫn hai nghìn rưỡi quân từ mé thành nam đánh đến, con dẫn hai nghìn rưỡi quân từ mé các thành bắc đánh lại, vào canh ba hội nhau ở trại Ngụy.
Khâm nghe lời. Chiều hôm ấy, Khâm chia quân làm hai mặt kéo đi. Văn Ương bấy giờ mới mười tám tuổi, mình dài tám thước, nai nịt gọn ghẽ, lưng đeo một thanh quất đồng, tay cầm ngọn giáo, cưỡi ngựa đến trại Ngụy.
Đêm hôm ấy, Tư Mã Sư dẫn quân đến Lạc Gia, lập doanh trại, đợi quân Đặng Ngải chưa thấy đến. Sư nhân mới cắt cái bướu trên mắt, đau đớn không chịu được, phải nằm trong trướng, sai vài trăm giáp sĩ, hộ vệ quanh mình. Vào độ canh ba, bỗng nhiên thấy trong trại nổi reo, người ngựa xốn xáo. Sư kíp cho người hỏi xem việc gì, thì quân báo có một toán quân tự mé bắc trại chém hàng rào kéo quân vào, đại tướng quân đi đầu khỏe mạnh, không ai đương nổi.
Sư kinh hãi quá chừng, lòng nóng như lửa đốt, con ngươi từ trong cái bướu bật nổ ra ngoài, máu chảy tóe ra khắp đất, đau nhức không thể nào chịu được. Nhưng sợ nôn nao lòng quân, Sư phải trùm khăn lên đầu, cắn răng mà chịu.
Quân mã Văn Ương kéo vào trong trại, xông pha tả hữu, không ai dám chống lại. Có ai ra đánh, nếu không bị giáo đâm chết thì quất đánh ngã, không người nào đương nổi. Ương mong mỏi cha đến làm nội ứng, nhưng mãi không thấy. Mấy phen đánh vào trung quân cùng bị cung bắn lộn trở ra. Ương đánh mãi đến lúc trời gần sáng, mới thấy trống đánh còi rúc rầm rĩ, tự mặt bắc kéo đến.
Ương ngoảnh lại bảo tả hữu rằng:
- Phụ thân ta không từ mặt nam đánh lại, lại từ mặt bắc đánh đến cớ làm sao?
Ương thúc ngựa ra ngoài trông xem, thì thấy một toán quân xồng xộc lướt đến, nhanh như gió bay. Tướng đi đầu té ra là Đặng Ngải.
Ngải cầm ngang lưỡi đao, thúc ngựa xông vào quát to lên rằng:
- Phản tặc chớ chạy!
Ương nổi giận, đưa giáo ra đánh nhau. Hai bên giao chiến năm chục hiệp, chưa phân thắng phụ, thì quân Ngụy đã kéo ùa cả vào, vây bọc trước sau mà đánh. Thủ hạ của Văn Ương chạy trốn sạch, Ương chỉ còn trơ một mình một ngựa, đánh rẽ đôi đám quân Ngụy, chạy về phía nam. Tướng Ngụy hơn trăm viên hăm hở đuổi theo. Đuổi mải đến cầu Gia Lạc, dần dần kịp. Ương quay ngựa lại quát to một tiếng, xông thẳng vào trong đám tướng Ngụy, vung quất đánh lộn bậy một lúc. Tướng Ngụy nhao nhao ngã ngựa, còn người nào phải rút lui cả. Ương buông lỏng cương ngựa, lững thững lại đi.
Tướng Ngụy tụ lại một chỗ, bàn với nhau rằng:
- Chúng ta lại góp sức mà đuổi, xem người này có thể đánh đổ được chúng ta nữa không?
Bởi vậy các tướng Ngụy lại xô đến đuổi.
Ương nổi giận bừng bừng nói rằng:
- Đàn chuột kia! Sao không biết tiếc thân thể?
Ương lại cầm quất quay ngựa lại xông vào trong đám tướng Ngụy, quất chết vài người, rồi quay ngựa đi thư thả. Tướng Ngụy đuổi luôn bốn năm phen, đều bị Văn Ương đánh lui lại.
Có thơ khen rằng:
Tràng Bản khi xưa cự giặc Tào.
Tử Long nổi tiếng bực anh hào.
Một roi đánh đổ hơn trăm tướng.
Gân sức Văn Ương mới lạ sao!
Văn Khâm bị phải đường núi quanh co, đi lạc vào trong hang mất một nửa đêm, khi tìm được lối ra, thì trời đã sáng, Khâm không thấy quân mã của Văn Ương đâu, chỉ thấy quân Ngụy đã thắng trận rồi. Bởi thế, Khâm không dám đánh nhau, phải rút quân về. Quân Ngụy thừa thế đuổi đánh, Văn Khâm dẫn quân chạy về thành Thọ Xuân.
Đây nói điện trung hiệu úy nước Ngụy là Doãn Đại Mục nguyên là người tâm phúc với Tào Sảng; vì Sảng bị Tư Mã Ý giết, Đại Mục mới thờ Tư Mã Sư; Đại Mục thường vẫn có bụng báo thù cho Sảng, và lại chơi thân với Văn Khâm. Nay thấy Tư Mã Sư bậc nổ con ngươi, đứng ngồi không yên, Đại Mục có ý muốn nhân dịp ra bảo Văn Khâm ở lại để đồ Tư Mã Sư, mới vào nói với Tư Mã Sư rằng:
- Văn Khâm vốn không có bụng làm phản, vì bị Vô Kỳ Kiệm bức bách mới đến nỗi thế. Tôi xin ra dụ, tất nhiên y lại hàng.
Sư cho đi dụ, Đại Mục mặc áo giáp, đội mũ, cưỡi ngựa chạy theo Văn Khâm, gọi to lên rằng:
- Văn thứ sử có thấy Doãn Đại Mục không?
Khâm ngoảnh đầu lại trông, Đại Mục cởi mũ để trên yên ngựa, cầm roi trỏ sang bảo rằng:
- Văn thứ sử sao không hãy chịu khó ở lại đây vài ngày?
Đại Mục nói câu ấy vì biết rằng Tư Mã Sư sắp chết, có ý muốn bảo Văn Khâm ở lại mà đánh. Khâm không hiểu ý, tưởng là đến dụ mình, mới quát to mắng lại, định giương cung bắn ra, Đại Mục không sao nói được, khóc rầm lên rồi trở về.
Văn Khâm thu quân về Thọ Xuân, thì đã bị Gia Cát Đản dẫn quân lấy mất thành rồi; toan trở về Hạng Thành, lại bị Hồ Tuân, Vương Cơ, Đặng Ngải ba mặt dồn lại đánh, Khâm thấy thế nguy lắm, mới sang hàng Tôn Tuấn ở Đông Ngô.
Vô Kỳ Kiệm ở trong Hạng Thành, nghe tin Thọ Xuân đã mất, Văn Khâm lại bại trận, mà quân mã ba mặt kéo đến nơi rồi, Kiệm mang hết cả quân trong thành ra đánh vừa gặp quân Đặng Ngải đến. Kiệm sai Cát Ung ra ngựa giao chiến với Đặng Ngải, chưa được một hiệp Ung đã bị Ngải chém chết. Rồi Ngải dẫn quân đánh tốc vào trận. Vô Kỳ Kiệm cố chết chống lại Hồ Tuân, Vương Cơ lại dẫn binh áp đến đánh, Kiệm giữ không nổi, dẫn hơn chục kỵ mã tháo đường chạy. Đến dưới thành Thận Huyện, quan huyện ở đấy là Tống Bạch mở cửa thành tiếp vào, mở tiệc khoan đãi. Kiệm say quá, Bạch sai người giết chết, rồi đem đầu đến nộp quân Ngụy. Từ đó Hoài Nam lại bình định cả.
Tư Mã Sư đau mắt mãi không bớt, bèn gọi Gia Cát Đản vào trướng, ban cho ấn thụ, gia phong làm chinh đông đại tướng quân, đô đốc cả quân mã các mặt Dương Châu. Sư thì rút quân về Hứa Xương.
Tư Mã Sư mỗi đêm lại mơ thấy Lý Phong, Trương Thấp, Hạ Hầu Huyền đứng ở trước giường mình.
Tâm thần hoảng hốt, Sư thấy mình không sống được bao lâu, bèn sai người về Lạc Dương gọi em là Tư Mã Chiêu đến. Chiêu đến nơi, khóc lạy ở dưới giường.
Sư trối trăng lại rằng:
- Nay quyền ta nặng quá, dẫu muốn cởi ra cho nhẹ mình, cũng không được nữa. Em nối nghiệp anh, phàm việc gì lớn, chớ coi thường phó thác cho ai mà vạ to đến cả họ đấy.
Nói đoạn, giao ấn tín cho em, nước mắt giàn ra đầy mặt. Chiêu muốn hỏi một câu nữa, thì Sư chỉ kêu to được một tiếng rồi bật nổ một con ngươi nữa mà chết. Bấy giờ là tháng hai, năm Chính Nguyên thứ hai.
Tư Mã Chiêu phát tang, tâu về Ngụy chủ Tào Mao. Mao sai sứ mang chiếu đến chùa Hứa Xương, sai Tư Mã Chiêu tạm đóng quân mã ở lại Hứa Xương, đề phòng Đông Ngô vào cướp.
Chiêu trong bụng ngần ngại, chưa biết nghĩ thế nào.
Chung Hội nói:
- Đại tướng quân mới mất, nhân tâm chưa yên, nếu lưu lại ở đây, vạn nhất trong triều có biến, thì hối làm sao cho kịp?
Chiêu nghe lời, lập tức cất quân về đóng mé nam sông Lạc Thủy.
Tào Mao nghe tin giật mình.
Thái úy Vương Thúc tâu rằng:
- Tư Mã Chiêu đã kế nghiệp anh, giữ quyền lớn. Bệ hạ nên phong tước cho yên bụng hắn.
Mai sau Vương Thúc cầm chiếu ra phong cho Tư Mã Chiêu làm đại tướng quân, xét việc thượng thư.
Chiêu vào chầu tạ ân. Từ đó công việc lớn nhỏ trong ngoài, lại về tay Tư Mã Chiêu.
Quân tế tác bên Thục dò được tin ấy, báo về Thành Đô Khương Duy vào tâu với hậu chủ rằng:
- Tư Mã Sư mới chết, Tư Mã Chiêu vừa lên cầm quyền to, không dám rời khỏi đất Lạc Dương. Vậy tôi xin nhân dịp này đánh Ngụy để đem lại Trung Nguyên.
Hậu chủ cho Khương Duy cất quân sang đánh Ngụy, Duy phụng mệnh Hán Trung, chỉnh đốn quân mã để đi. Chinh tây đại tướng quân Trương Dực can rằng:
- Đất Thục nhỏ hẹp, tiền lương ít ỏi, không nên đi đánh xa mãi. Chi bằng yên phận giữ nơi hiểm yếu thương quân yêu dân, đó là kế giữ nước đấy.
Duy nói:
- Không phải lẽ thế! Ngày xưa thừa tướng chưa ra khỏi lều tranh, đã biết thiên hạ chia ba rồi, thế mà còn sáu lần ra Kỳ Sơn để đồ lấy Trung Nguyên; chẳng may nửa đường ngài mất sớm, đến nỗi công nghiệp không thành. Nay ta chịu di mệnh của thừa tướng, nên phải hết lòng báo nước, để nối cái chí của ngài, dù chết cũng không oán hận gì. Nay nước Ngụy có chỗ sơ hở, không nhân dịp này mà đánh, còn đợi bao giờ?
Hạ Hầu Bá nói:
- Tướng quân nói chí phải! Nay nên cho quân khinh kỵ ra trước xứ Bào Hãn. Nếu lấy được Thao Tây, Nam An thì các quận định được cả.
Trương Dực nói:
- Trước kia đánh không được phải trở về, là bởi ra quân chậm quá. Binh pháp có nói: "Đánh nơi không phòng bị, ra chỗ bất tình cờ". Nay bằng hỏa tốc tiến binh, khiến cho quân Ngụy không kịp đề phòng, thì mới có thể thắng được.
Bởi thế, Khương Duy dẫn quân kéo ra đường Bào Hãn. Khi quân đến Thao Thủy, quân trấn giữ biên cương báo rằng: Thứ sử Ung Châu là Vương Kinh, phó tướng quân Trần Thái cất bảy vạn mã bộ đến chống nhau với quân Thục.
Khương Duy gọi Trương Dực, Hạ Hầu Bá vào dặn dò mẹo mực, cho hai tướng kéo quân đi; rồi tự dẫn đại quân dựa lưng vào sông Thao Thủy dàn trận.
Vương Kinh dẫn vài viên nha tướng ra trước cửa trận hỏi rằng:
- Ngụy với Ngô, Thục, đã thành ra thế chân vạc rồi, ngươi còn luôn luôn vào ăn cướp, là cớ làm sao?
Duy đáp:
- Tư Mã Sư bỗng dưng dám bỏ chúa, nước láng giềng còn đến hỏi tội, huống chi lại là nước thù địch xưa nay!
Kinh ngoảnh mặt lại bảo với bốn tướng là Trương Minh, Hoa Vĩnh, Lưu Đạt, Chu Phương rằng:
- Quân Thục dựa lưng bờ sông dàn trận, nếu thua thì tất lăn cả xuống sông mà chết. Khương Duy khỏe lắm, bốn các ngươi nên kéo cả ra mà đánh. Quân kia nếu bằng lui một chút, thì nên đánh dấn vào.
Bốn tướng chia làm hai bên kéo ra đánh Khương Duy. Duy đánh qua vài hiệp, quay ngựa chạy về bản trận. Vương Kinh thúc quân mã kéo ùa đến cả. Duy dẫn binh chạy về Thao Tây. Khi gần đến bờ sông, Duy kêu to lên rằng:
- Việc đã kíp rồi, các tướng sao không cố sức mà đánh?
Các tướng nhất tề hăng sức đánh quay trở lại. Quân Ngụy đương không nổi. Trương Dực, Hạ Hầu Bá lẻn ra mé sau đánh ập đến, vây bọc cả quân Ngụy vào giữa trận. Duy hăng hái đánh giết, xông xáo ngược xuôi. Quân Ngụy hoảng loạn xéo lên nhau, lăn xuống sông chết rất nhiều, lại bị quân Thục chém trên một vạn, thây nằm ngổn ngang vài dặm.
Vương Kinh dẫn hơn trăm kỵ quân hết sức đánh ra, chạy về thành Địch Đạo, đóng cửa giữ vững không dám ra nữa.
Khương Duy được to, khao quân đâu đấy, muốn tiến binh đến đánh thành Địch Đạo.
Trương Dực can rằng:
- Công trạng tướng quân đã thành rồi, uy danh lừng lẫy, cũng nên thôi đi. Nay bằng lại tiến binh, phỏng có điều gì như bất ý, thì lại hóa ra vẽ rắn thêm chân mất.
Duy nói:
- Trước kia thua trận ta còn muốn tiến lên tung hoành Trung Nguyên, huống chi một trận đánh ở Thao Thủy, quân Ngụy mất vía. Ta đồ thành Địch Đạo chớp mắt là lấy xong, ngươi chớ nên ngã lòng làm vậy.
Trương Dực khuyên can hai ba lần. Duy nhất định không nghe, cứ dẫn quân đến hạ thành Địch Đạo.
Chinh tây tướng quân ở Ung Châu là Trần Thái sắp muốn cất quân đến báo thù cho Vương Kinh, chợt có thái sử Duyện Châu là Đặng Ngải dẫn quân đến. Trần Thái ra tiếp vào. Thi lễ đâu đấy, Ngải nói:
- Nay tôi phục mệnh đại tướng quân, lại đây giúp tướng quân phá giặc.
Trần Thái hỏi kế phá giặc, Ngải nói:
- Trận được ở Thao Thủy, nếu Khương Duy triệu người Khương đến, sang mặt đông tranh xứ Quan Lũng, truyền hịch ra bốn quận, thì quân ta rầy to. Nay y không nghĩ đến thế, muốn đồ thành Địch Đạo. Thành này tường gạch kiên cố khó lòng phá đổ, đánh chỉ nhọc sức mà thôi. Nay ta dàn quân ở núi Hạng Lĩnh, rồi sẽ tiến binh lên đánh, thì tất phá được quân Thục.
Thái nói:
- Ông bàn thế mới thực là diệu kế!
Bèn chia hai chục đội quân, mỗi đội năm chục người, đem các đồ tinh kỳ, còi trống, đồ đốt lửa, ngày nấp đêm đi, ra mé đông nam thành Địch Đạo, tìm nơi hang hẻm núi sâu mai phục, đợi khi quân Thục đến ngày thì đánh trống thổi còi, đêm thì đốt lửa nổ pháo cho quân Thục phải kinh mà chạy. Thái sai khiến đâu vào đấy, chỉ đợi quân Thục đến. Trần Thái, Đặng Ngải mỗi người dẫn hai vạn quân tiến lên sau.
Nói về Khương Duy ở thành Địch Đạo, sai quân bổ vây tám mặt, đánh luôn mấy hôm không đổ. Duy trong bụng buồn rầu, chưa nghĩ được kế gì. Chiều tối hôm ấy, chợt có ngựa lưu tinh chạy về bốn năm lần báo rằng:
- Có hai mặt quân kéo đến, trên cờ hiệu một mặt đề là chinh tây tướng quân Trần Thái, một mặt đề là Duyện Châu thứ sử Đặng Ngải.
Duy giật mình mời Hạ Hầu Bá vào bàn bạc.
Bá nói:
- Trước tôi đã nói với tướng quân rằng Đặng Ngải từ thuở nhỏ đã giỏi binh pháp, tinh địa lý, nay hắn lĩnh binh đến đây, thực là tay kình địch.
Duy nói:
- Quân kia từ xa mới đến, không nên để cho họ lập trại vững vàng, phải đánh ngay đi.
Bèn để Trương Dực ở lại đánh thành, sai Hạ Hầu Bá dẫn quân ra đánh Trần Thái. Duy tự dẫn quân ra đón Đặng Ngải.
Duy dẫn quân đi được năm dặm, bỗng ở mé đông nam có một tiếng pháo nổ, rồi thấy còi trống vang đất, lửa sáng rực trời. Duy quất ngựa ra xem sao, thì thấy chung quanh toàn cờ hiệu nước Ngụy.
Duy giật mình nói rằng:
- Ta trúng kế Đặng Ngải rồi!
Liền truyền lệnh cho Hạ Hầu Bá, Trương Dực phải bỏ Địch Đạo mà lui về. Bởi thế quân Thục rút cả về Hán Trung. Duy tự dẫn quân đoạn hậu. Nghe thấy trống đánh sau lưng trống đánh cấp quá, Duy vội vàng rút hết quân về cửa Kiếm Các. Khi về tới nơi, mới biết rằng hơn hai chục chỗ đánh trống đốt lửa, toàn là làm giả thanh thế, kỳ thực không có quân đuổi theo.
Duy thu quân đóng ở Chung Đê.
Hậu chủ nhân Khương Duy có công thắng trận Thao Tây, bèn giáng chiếu phong cho Duy làm đại tướng quân. Duy chịu chức, dâng biểu tạ ân đâu đấy, lại bàn bạc việc cất quân sang đánh Ngụy.
Đó là:
Thành công lọ phải thêm chân rắn,
Đánh giặc còn mong gắng sức hùm.
Chưa biết phen này đánh Ngụy được thua thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải.
Hồi 111:
Đặng Sĩ Tái mẹo phá Khương Bá Ước
Gia Cát Đản khởi nghĩa đánh Tư Mã Chiêu
Khương Duy rút quân về đóng ở Chung Đê. Quân Ngụy đóng ở ngoài thành Địch Đạo, Vương Kinh ra tiếp Trần Thái, Đặng Ngải vào, tạ ơn đánh giải vây, mở yến tiệc khoản đãi, khao thưởng ba quân.
Trần Thái đem công Đặng Ngải, dâng sớ về tấu với Ngụy chủ Tào Mao. Mao phong cho Ngải làm An tây tướng quân, ban cờ tiết, lĩnh chức hộ Đông Khương hiệu úy, cùng với Trần Thái đóng binh ở các xứ Ung Châu và Lương Châu.
Đặng Ngải dâng biểu tạ ơn. Trần Thái mở tiệc mừng Đặng Ngải rồi nói:
- Khương Duy phải trốn về đêm, sức lực đã kiệt, hẳn không dám ra nữa.
Ngải cười, nói:
- Ta đoán quân Thục có năm lẽ lại ra.
Thái hỏi năm lẽ gì, Ngải nói:
- Quân Thục dẫu rút lui nhưng vẫn đứng trên thế thừa thắng, quân ta kỳ thực vẫn là thua, lẽ ấy nên ra là một. Quân Thục toàn là quân của Khổng Minh luyện tập đã tinh thông rồi, dễ dàng sai khiến, còn tướng của ta thì đổi luôn, quân lại rèn dạy chưa kỹ, lẽ ấy nên ra là hai. Quân Thục đi thuyền, quân ta đi bộ, nhàn hạ vất vả khác nhau, lẽ ấy nên ra là ba. Địch Đạo, Lũng Tây, Nam An, Kỳ Sơn, bốn xứ ấy, cùng là đất chiến thủ. Quân Thục hoặc dương đông kích tây, hoặc trỏ nam đánh bắc; quân ta phải chia ra giữ các mặt, quân Thục thì hợp lại một đường kéo đến, lấy sức hợp nhất mà đương với sức chia tư của ta; lẽ ấy nên ra là bốn. Quân Thục ra mặt Nam An, Lũng Tây, thì có sẵn thóc gạo người Khương mà ăn, ra mặt Kỳ Sơn, lại sẵn có lúa chiêm vừa chín; lẽ ấy nên ra là năm.
Trần Thái chịu là phải nói:
- Ông liệu giặc như thần, lo gì quân Thục nữa?
Bởi thế Đặng Ngải cùng với Trần Thái, kết làm anh em không kể tuổi.
Đặng Ngải ngày ngày thao luyện quân các xứ Ung Lương, lại lập dinh trại ở các cửa ải, đề phòng sự bất trắc.
Khương Duy ở Chung Đê mở tiệc to, hội cả các tướng, bàn việc sang đánh Ngụy.
Lệnh sử là Phàn Kiến can rằng:
- Tướng quân mấy phen ra quân chưa được thành công; mới rồi đánh được trận Thao Tây, Người Ngụy đã phục uy danh của tướng quân rồi, việc gì còn lại ra nữa? Vạn nhất xảy điều bất lợi, thì công trước mất phí cả.
Duy nói:
- Các ngươi chỉ biết nước Ngụy đất rộng nhiều người, khó lòng lấy được. Nhưng không biết ta đánh Ngụy có năm lẽ thắng.
Các tướng hỏi tại sao, Duy đáp rằng:
- Ta đánh một trận Thao Tây, đè bẹp hết nhuệ khí của quân Ngụy. Quân ta rút về không tổn hại chút nào, nay bằng tiến binh sang có cơ đánh được, là một lẽ. Quân ta đi thuyền, không vất vả gì, quân kia đi bộ mệt nhọc; đó là hai lẽ. Quân ta rèn tập đã lâu, quân kia chẳng qua là ô hợp, không có phép tắc gì, đó là ba lẽ. Quân ta ra Kỳ Sơn có sẵn thóc chiêm của giặc, đó là bốn lẽ. Quân kia chia ra giữ các mặt, sức lực cản mất; quân ta hợp nhất kéo đến, quân kia cứu sao cho kịp; đó là năm lẽ. Không nhân dịp này đánh Ngụy, còn đợi đến bao giờ?
Hạ Hầu Bá nói:
- Đặng Ngải tuy còn ít tuổi, nhưng cơ mưu sâu sắc. Nay y được phong chức An tây tướng quân, tất đã phòng bị các xứ cả rồi, không như ngày trước nữa đâu.
Duy lớn tiếng mắng rằng:
- Ta sợ gì hắn! Các ông đừng tâng bốc nhuệ khí của người ta mà làm nhục oai phong của mình! Ý ta đã quyết rồi, ta hãy đánh lấy Lũng Tây trước.
Chúng không ai dám can nữa. Duy tự dẫn quân đi trước, sai các tướng kéo theo sau. Quân Thục bỏ Chung Đê tiến ra Kỳ Sơn.
Tiễu mã về báo rằng:
- Quân Ngụy đã lập chín ngọn trại ở núi Kỳ Sơn rồi.
Duy không tin, dẫn vài tên quân lên núi cao xem. Quả nhiên thấy ở trên núi có chín ngọn trại, mỗi dãy dài như hình con rắn, trước sau nhìn ngó lẫn nhau.
Duy ngoảnh lại bảo tả hữu rằng:
- Hạ Hầu Bá nói quả như thế thực! Trại này hình thế hay lắm, chỉ thấy ta và Gia Cát thừa tướng mới lập được. Nay Đặng Ngải cũng lập nổi, thật không kém thầy ta mấy nổi!
Bèn trở về trại bảo với các tướng rằng:
- Người Ngụy đã có phòng bị, biết rằng ta kéo đến. Ta chắc Đặng Ngải tất cũng ở đấy. Các ngươi nên mang cờ hiệu của ta, cắm trại ở ngay giữa hang này. Mỗi ngày cho hơn trăm kỵ ra tiễu, mỗi lần ra phải đổi một sắc cờ áo, xanh, đỏ, vàng, trắng, và cờ ngũ phương, cứ lần lượt mà thay. Ta cầm đại binh lẻn ra đường Đổng Đình đến tắt lấy Nam An.
Liền sai Bào Tố đóng ở của hang núi Kỳ Sơn. Duy mang đại quân kéo sang quận Nam An.
Đặng Ngải biết quân Thục tất ra Kỳ Sơn, đã cùng với Trần Thái hạ trại giữ gìn. Nay thấy quân Thục mấy không đến khiêu chiến, mà trong một ngày năm phen tiễu mã ra trại, hoặc mười dặm, hoặc mười lăm dặm trở về.
Ngải đứng trên cao ngắm nghía một hồi, rồi về trước nói với Trần Thái rằng:
- Khương Duy chắc không ở trong đám này, tất lẻn ra Đổng Đình chụp lấy Nam An. Quân tiễu mã ra trại, chỉ có mấy đứa thay đổi cờ áo ra vào đấy thôi; ngựa đi ra dáng mỏi mệt cả, chủ tướng tất không phải là tay giỏi. Trần tướng quân nên dẫn quân đến mà đánh, tất phá được trại ấy. Phá xong trại, tướng quân dẫn quân ra đường Đổng Đình, để chặn đường về của Khương Duy. Tôi dẫn quân đi trước đến cứu Nam An, chiếm lấy núi Võ Thành. Nếu được ngọn núi ấy, Khương Duy tất lại xoay ra lấy thành Thượng Nhai. Ở Thượng Nhai có một cái hang gọi là Đoạn Cốc, đất hẹp núi hiểm, vừa hay được chỗ mai phục rất tốt. Tôi phục sẵn hai toán quân ở đấy, đợi Khương Duy đến núi Võ Thành, đổ ra đánh chắc phá được.
Thái nói:
- Tôi giữ Lũng Tây hai ba mươi năm nay, cũng không biết tường địa lý như thế. Ông thật là người tính kế như thần! Ông nên đi ngay cho, để tôi đánh trại này.
Đặng Ngải dẫn quân sớm khuya gấp đường kéo đi, đến tắt núi Võ Thành hạ trại. Bấy giờ quân Thục vẫn chưa đến nơi. Ngải sai con là Đặng Trung và tướng tiền hiệu úy là Sư Toản, mỗi người dẫn năm ngàn quân phục sẵn trong hang Đoạn Cốc, dặn dò mẹo mặt cho đi.
Hai người lĩnh kế đi luôn. Ngải sai ngả cờ im trống để đợi quân Thục đến.
Khương Duy noi theo con đường Đổng Đình, kéo đến Nam An. Đến trước núi Võ Thành, Duy bảo với Hạ Hầu Bá rằng:
- Gần quân Nam An có núi Võ Thành, nếu chiếm trước được núi ấy, thì có thể đoạn được Nam An. Nhưng chỉ ngại Đặng Ngải đa mưu, tất có phòng bị trước.
Còn đang ngần ngại, bỗng nhiên trên núi nổ pháo hiệu, rồi tiếng hò reo ầm ầm, còi trống vang động, tinh kỳ bay ra phấp phới, Ngụy quân đứng đặc như kiến. Giữa đám đông có một lá cờ vàng to, đề tên Đặng Ngải. Quân Thục thấy vậy kinh hãi quá chừng. Quân Ngụy ở trên núi chia làm mấy ngả đổ xuống, thế mạnh không sao đương nổi. Cánh tiên quân của Thục thua to. Khương Duy thúc trung quân đến cứu, quân Ngụy lại rút lên cả trên núi. Duy đến thẳng dưới chân núi, thách Đặng Ngải xuống đánh, quân Ngụy nhất định không ai xuống. Duy sai quân sĩ chửi mắng sỉ nhục, mãi đến chiều tối. Duy vừa sắp thu quân về, thì trên núi lại đánh trống thổi còi, mà vẫn không thấy quân Ngụy xuống. Duy muốn đánh thốc lên, nhưng đá đạn từ trên ném xuống, không sao lên được. Duy chầu trực mãi đến canh ba, toan trở về thì trên núi còi trống lại vang động. Duy rút quân xuống mé dưới, sai quân khiêng vận đá gỗ, muốn cắm trại giữ nhau. Bấy giờ quân Ngụy mới ầm ầm kéo đến. Quân Thục xôn xao, dày xéo lẫn nhau chạy về cho đến trại cũ.
Hôm sau Khương Duy lại sai quân sĩ đem những xe lương dàn bày dưới núi Võ Thành, muốn lập trại đóng quân. Canh hai đêm hôm ấy, Đặng Ngải dẫn năm trăm quân, mỗi người cầm một bó đuốc, chia làm hai đường xuống núi, phóng hỏa đốt xe. Quân hai bên đánh nhau xô xát một đêm, Duy không sao lập được doanh trại.
Duy dẫn quân lui về, bàn với Hạ Hầu Bá rằng:
- Nam An chưa sao lấy được, không bằng hãy lấy Thượng Nhai trước. Thượng Nhai là chỗ chứa lương của quân Nam An, lấy được chỗ ấy, thì Nam An tự nhiên phải nguy.
Bèn để Hạ Hầu Bá đóng ở dưới núi Võ Thành. Duy dẫn tinh binh mãnh tướng đến tắt lấy Thượng Nhai. Đi suốt đêm gần đến sáng, toàn thị núi non hẹp hòi, đường xá gặp ghềnh lắm. Duy hỏi quan hướng đạo rằng:
- Đây là xứ gì?
Hướng đạo nói:
- Đây gọi là hang Đoạn Cốc.
Duy thất kinh, nói:
- Tên ấy gở lắm! Đoạn Cốc nghĩa là chặn hang. Nếu có người chặn mất cửa hang này thì làm thế nào?
Đương khi Duy do dự chưa biết nghĩ sao, chợt có tiếng quân chạy về báo rằng:
- Mé sau núi, bụi bay mù mịt, tất có quân mai phục.
Duy vội vàng sai thu quân về, thì đã thấy hai toán quân của Sư Toản, Đặng Trung đổ ra. Duy vừa đánh vừa chạy. Bỗng tiếng reo hò lại nỗi, té ra Đặng Ngải kéo quân đến. Ba mặt đánh dồn vào, quân Thục thua to. May có Hạ Hầu Bá dẫn quân đến cứu, Ngụy mới lui.
Khương Duy được thoát, muốn lại ra Kỳ Sơn.
Hạ Hầu Bá can rằng:
- Trại Kỳ Sơn đã bị Trần Thái đánh vỡ. Bào Tố chết trận quân mã rút hết về Hán Trung cả rồi.
Duy thấy vậy, không dám đi theo đường Đổng Đình phải lẻn về qua đường tắt. Ngải dẫn quân đuổi theo. Duy cho quân đi trước, mình đón chặn mặt sau. Đang đi, bỗng có một toán quân ở trong núi đổ ra, là tướng Ngụy Trần Thái. Quân Ngụy reo ầm một tiếng, vây bọc ngay Khương Duy vào ngay giữa trận.
Duy bấy giờ người ngựa mệt mỏi cả, xông xáo mãi cũng không ra được. Trương Ngực nghe tin Khương Duy bị vây, dẫn vài trăm kỵ đánh thốc vào cứu. Duy thừa thế phá được trùng vây. Trương Ngực bị quân Ngụy loạn xạ bắn chết. Duy thoát nạn về đến Hán Trung, cảm lòng trung dũng của Trương Ngực bỏ mình vì việc nước, mới dâng biểu xin phong tặng cho con cháu ông ta.
Tướng sĩ trong Thục lắm người chết trận đều đổ tội cho Khương Duy. Duy chiếu lệ cũ ở Nhai Đình của Võ hầu, xin tự giáng chức làm hậu tướng quân mà coi việc đại tướng.
Đặng Ngải thấy quân Thục lui hết cả rồi mới cùng Trần Thái mở tiệc ăn mừng, khao thưởng ba quân. Thái dâng biểu tâu công Đặng Ngải. Tư Mã Chiêu sai sứ cầm cờ tiết ra phong thêm quan tước cho Đặng Ngải, ban đầu cho ấn thụ và phong cho con Đặng Ngải là Đặng Trung làm Đính hầu.
Ngụy chủ Tào Mao cải niên hiệu Chính Nguyên thứ ba làm năm Cam Lộ thứ nhất. Tư Mã Chiêu tự phong mình làm thiên hạ binh mã đại đô đốc; khi ra vào thường có ba nghìn quân thiết giáp và kiêu tướng đi hộ vệ trước sau. Nhất thiết công việc, không tâu gì đến triều đình, tự tiện xử đoán ngay ở tướng phủ. Từ đó Chiêu thường có ý muốn cướp ngôi nhà Ngụy.
Chiêu có một người tâm phúc, họ Giả tên Sung, tự là Công Lư, con quan Kiến oai tướng quân Giả Quỳ thuở trước, hiện đang làm trưởng sử trong phủ.
Sung nói với Chiêu rằng:
- Nay chúa công cầm quyền to, lòng người bốn phương vị tất đã tuân theo; nên cho dò hỏi mà trừ dần đi, mới toan được việc lớn.
Chiêu nói:
- Ta cũng muốn thế, ngươi nên giúp ta đi sang mặt đông, giả tiếng làm an ủy quân sĩ đi đánh giặc về, liệu mà dò xét tình ý họ xem sao.
Giả Sung lĩnh mệnh, đến tắt Hoài Nam, vào ra mắt quan chấn đông đại tướng quân là Gia Cát Đản.
Đản tên tự là Công Hưu, người ở Nam Dương, quận Lang Nha, tức em họ Gia Cát Võ Hầu. Trước vẫn làm quan ở Ngụy, nhân Võ hầu làm tướng trong Thục, cho nên không được trọng dụng. Về sau, Võ hầu mất, Đản mới được nhắc lên làm quan to, phong là Cao Bình hầu, tổng nhiếp quân mã hai xứ Hoài Đông và Hoài Nam. Khi ấy Giả Sung đến ủy đạo quân sĩ. Đản mở tiệc khoãn đãi. Rượu uống ngà ngà say, Sung nói khơi lên rằng:
- Gần nay các bậc hiền lương ở Lạc Dương, ai cũng cho chúa thượng hèn yếu, làm vua không nổi. Có đại tướng quân họ là Tư Mã, ba đời giúp nước, công đức tầy trời, nên thay vào ngôi nhà Ngụy, chưa biết ý ngài nghĩ thế nào?
Đản nổi giận nói:
- Mày là con Giả Dụ Châu, đời đời ăn lộc nhà Ngụy, sao dám nói càn thế?
Sung nói tảng ra rằng:
- Tôi đem lời người ta nói với ông đấy thôi!
Đản nói:
- Triều đình nếu có nạn gì, ta sẽ liều chết để báo ơn!
Sung nín lặng, từ trở ra, về thuật hết đầu đuôi với Tư Mã Chiêu.
Chiêu giận, nói:
- Đàn chuột sao dám hỗn thế?
Sung nói:
- Đản ở Hoài Nam được lòng người đã nhiều, để lâu rất sinh vạ, nên trừ ngay đi.
Chiêu một mặt đưa mật thư cho thứ sử Dương Châu là Nhạc Lâm, một mặt sai sứ mang chiếu ra vời Đản về triều, phong làm chức tư không. Đản được chiếu, biết là Giả Sung cáo biến, mới bắt sứ giả vào tra hỏi.
Sứ giả nói:
- Việc này hỏi Nhạc Lâm thì biết.
Đản nói:
- Tư Mã tướng quân đã sai người đến Dương Châu đưa mật thư cho Nhạc Lâm.
Đản nổi giận, sai tả hữu chém sứ giả, rồi cất nghìn quân bộ hạ kéo đến Dương Châu. Khi đến cửa Nam thì thành đã đóng, mà cầu treo đã cất về bên kia rồi, Đản đứng dưới thành gọi cửa, nhưng không có người nào đáp lại.
Đản nỗi giận mà rằng:
- Nhạc Lâm sất phu, sao dám láo thế?
Liền sai tướng sĩ đánh thành. Thủ hạ của Đản có hơn mười người kiện tướng, xuống ngựa lội qua hào, nhảy vót lên cả mặt thành, đánh tan quân canh, mở toang cửa thành cho quân vào.
Gia Cát Đản dẫn quân vào thành, theo chiều gió phóng hỏa, đánh mãi đến nhà Nhạc Lâm. Nhạc Lâm túng thế, vội vàng trốn chạy lên nhà lầu. Đản cầm gươm trèo thẳng lên quát rằng:
- Cha mày là Nhạc Tiến khi xưa chịu ân to nước Ngụy, không biết nghĩ mà đền báo, lại muốn giúp quân phản nghịch Tư Mã Chiêu à?
Lâm chưa kịp đáp lại đã bị Đản giết mất. Một mặt Đản viết biểu kể tội Tư Mã Chiêu sai người dâng về Lạc Dương. Một mặt Đản tụ hợp quân mã hai xứ Hoài Đông, Hoài Nam cả thảy hơn mười vạn, và bốn vạn quân Dương Châu mới hàng, chứa cỏ tụ lương, dự bị việc tiến quân. Lại sai trưởng sử Ngô Cương đưa con là Gia Cát Thịnh sang làm con tin bên Ngô, xin Ngô cất quân sang cùng đánh Tư Mã Chiêu.
Bấy giờ thừa tướng Đông Ngô là Tôn Tuấn đã mất, em là Tôn Lâm phụ chính. Lâm tự là Tử Không, tính khí hung bạo, giết bọn đại tư mã Đằng Dận, và tướng quân Lã Cứ, Vương Đôn, vì thế bao nhiêu quyền chính về cả trong tay mình. Ngô chủ Tôn Lượng tuy thông minh, nhưng cũng không làm sao được.
Ngô Cương đem Gia Cát Thịnh đến thành Thạch Đầu, vào lạy Tôn Lâm. Lâm hỏi tại sao, Cương thưa rằng:
- Gia Cát Đản là em họ Gia Cát Võ hầu bên Thục, trước thờ nước Ngụy, nay thấy Tư Mã Chiêu khinh vua lừa trên, bỏ chúa, lộng quyền, muốn cất quân vào đánh, nhưng sợ địch không nổi, nên đến xin hàng, sợ không có gì làm tin, nên cho con là Gia Cát Thịnh sang hầu. Vậy xin ngài đem quân sang giúp cho.
Lâm ứng lời, sai đại tướng là Toàn Dịch, Toàn Đoan làm chủ tướng, Vu Thuyên làm hợp hậu, Chu Dị, Đường Tư làm tiên phong, Văn Khâm làm hướng đạo, cất bảy vạn quân, chia làm ba đội kéo sang Ngụy.
Ngô Cương về Thọ Xuân báo với Gia Cát Đản. Đản mừng lắm, mới dàn binh dự sẵn cả đâu vào đấy.
Lại nói, văn biểu của Gia Cát Đản đưa đến Lạc Dương. Tư Mã Chiêu trông thấy nổi giận, muốn tự cất quân đi đánh.
Giả Sung can rằng:
- Chúa công thừa cơ nghiệp của cha anh, ân đức chưa ra đến bốn bể. Nay để thiên tử ở nhà mà đi, nếu một mai sinh biến, thì hối sao cho kịp? Chi bằng tâu với Thái Hậu, thiên tử cùng đi một thể, thì mới không lo gì.
Chiêu mừng, nói:
- Lời ấy hợp ý ta lắm!
Bèn vào tâu với Thái Hậu rằng:
- Gia Cát Đản mưu phản, tôi đã bàn với các quan văn võ, xin mời Thái Hậu, thiên tử cùng ngự giá thân chinh, để nối chí của tiên đế khi xưa.
Thái Hậu sợ, phải nghe.
Hôm sau, Chiêu mời Ngụy chủ Tào Mao khởi trình.
Mao nói:
- Đại tướng quân đô đốc quân mã cả thiên hạ, mặc ý tướng quân sai khiến thế nào cho được việc thì thôi, can gì trẫm phải thân hành nữa?
Chiêu nói:
- Ngày xưa Võ tổ tung hoành bốn bể, Văn Đế có chí bao trùm cả bờ cõi, có bụng thôn tính cả tám phương. Phàm gặp đám giặc to nào, tất thân chinh ra đánh. Bệ hạ cũng nên theo đòi tiên quân, quét sạch quân phản tặc, can gì mà sợ?
Mao sợ uy quyền Tư Mã Chiêu, đành phải theo lời. Chiêu cất hai mươi sáu vạn quân ở kinh đô, sai chinh nam tướng quân Vương Cơ làm chánh tiên phong, giám quân Thạch Bào làm tả quân, bả hộ xa giá, kéo sang Hoài Nam.
Tiên phong Đông Ngô là Chu Dị dẫn quân ra địch với quân Ngụy. Vương Cơ đánh nhau với Chu Dị, chưa được ba hiệp cũng chạy. Đường Tư ra đánh được vài hiệp cũng chạy nốt. Vương Cơ thúc quân tràn sang, quân Ngô thua to, lui năm mươi dặm hạ trại. Tin báo vào thành Thọ Xuân.
Gia Cát Đản ở trong thành, dẫn quân ra hội với Văn Khâm và hai con là Văn Ương, Văn Hổ, đem vài vạn hùng binh, lại chống Tư Mã Chiêu.
Ấy là:
Vừa thấy quân Ngô thua nháo nhác.
Sẽ xem tướng Ngụy lại tung hoành.
Chưa biết được thua thế nào, xem đến hồi sau phân giải.
Hồi 112:
Cứu Thọ Xuân, Vu Thuyên tử tiết
Lấy Trường Thành, Bá Ước dùng binh
Tư Mã Chiêu thấy Gia Cát Đản hội với quân Ngô kéo lại, liền vời quan tản kỵ trưởng sử là Bùi Tú và hoàng môn thị lang là Chung Hội đến bàn bạc đánh giặc.
Chung Hội nói:
- Quân Ngô giúp Gia Cát Đản, chỉ vì lợi thôi. Nếu ta lấy lợi mà dử, thì tất đánh được.
Chiêu nghe lời sai Thạch Bào, Chu Thái dẫn hai toán quân phục ở trước thành Thạch Đầu, Vương Cơ, Trần Khiên lĩnh tinh binh ở mặt sau, cho tì tướng là Thành Tốt dẫn vài vạn quân ra trước dụ địch. Lại sai Trần Tuấn dẫn xe trượng, trâu, ngựa, lừa, la chở đồ tụ sẵn trong trận, đợi giặc đến thì bỏ chạy.
Hôm ấy, Gia Cát Đản sai Ngô tướng Chu Dị ở mặt tả, Văn Khâm ở mặt hữu, còn mình đi giữa. Đản thấy quân mã bên Ngụy lộn xộn không được tề chỉnh, mới thúc quân kéo tràn sang. Thành Tốt chạy lui về. Đản kéo quân đuổi đánh. Bỗng thấy trâu, ngựa, lừa, la thả ra, nhan nhản khắp cánh đồng. Quân Ngô tham lợi, tranh nhau đuổi bắt, không còn bụng nào đánh nhau nữa. Chợt có tiếng pháo nổ, quân hai mặt kéo đến, tả thì Thạch Bào, hữu thì Chu Thái. Đản giật mình, kíp rút quân về. Vương Cơ, Trần Khiên dẫn tinh binh đổ lại, Tư Mã Chiêu tiếp ứng thêm vào. Đản thua to, chạy vào thành Thọ Xuân, đóng cửa giữ vững không dám ra. Chiêu sai quân bốn mặt vây đánh thành.
Bấy giờ quân Ngô lui về đóng ở An Phong. Ngụy chủ xa giá đóng ở Hạng Thành.
Chung Hội nói:
- Nay Gia Cát Đản tuy thua, nhưng trong thành Thọ Xuân lương thảo còn nhiều, lại có quân Ngô đóng ở An Phong, làm thế ỷ giốc. Quân ta bốn mặt vây đánh, nếu đánh thong thả thì giặc giữ vững, đánh kíp quá thì họ cố chết chống cự với ta. Quân Ngô lại thừa cơ đến đánh. Như thế quân ta đánh thành có ích gì? Không bằng ta chỉ đánh ba mặt, chừa ra một lối to cửa nam cho giặc chạy, rồi sẽ đuổi theo mà đánh, thì mới toàn thắng được. Quân Ngô từ xa đến đây, lương thảo tiếp ứng không đều. Ta dẫn quân khinh kỵ lẻn ra mé sau mà chặn đường, thì không phải đánh cũng vỡ.
Chiêu vỗ vào lưng Chung Hội mà rằng:
- Ngươi thật là Tử Phòng của ta!
Liền sai Vương Cơ triệt quân mặt cửa nam không vây nữa.
Quân Ngô đóng ở An phong. Tôn Lâm gọi Chu Dị đến trách mắng rằng:
- Có một thành Thọ Xuân, còn không cứu nổi, thì thôn tính làm sao được Trung Nguyên. Nếu không đánh được lần nữa thì ta chém đó.
Chu Dị về trại, bàn với Vu Thuyên. Thuyên nói:
- Nay cửa thành Thọ Xuân không vây, tôi xin giữ một toán quân lại giúp Gia Cát Đản chống giữ. Tướng quân ở ngoài này, khiêu chiến với quân Ngụy. Tôi từ trong thành đánh ra, hai mặt giáp lại, thì có thể phá được.
Dị cho làm phải. Bởi vậy cả bọn Toàn Dịch, Toàn Đoan, Văn Khâm, đều xin vào thành, bèn cùng với Vu Thuyên dẫn một vạn quân tự cửa nam kéo vào. Quân Ngụy được lệnh không đánh cứ để cho mặt quân Ngô vào, rồi mới báo tin với Tư Mã Chiêu.
Chiêu nói:
- Đây tất là họ vào thành, rồi hợp trong ngoài để phá quân ta.
Bèn gọi Vương Cơ, Trần Khiên đến dặn rằng:
- Các ngươi dẫn năm nghìn quân chặn ngang đường Chu Dị đến, rồi theo sau mà đánh.
Hai người lĩnh mệnh.
Chu Dị dẫn quân đang đi, bỗng ở mé sau nổi tiếng reo, Vương Cơ, Trần Khiên hai mặt kéo đến. Quân Ngô thua to. Chu Dị trở về ra mắt Tôn Lâm.
Lâm nổi giận, mắng rằng:
- Tướng thua liểng xiểng kia, còn cần ngươi làm chi nữa?
Bèn quát võ sĩ lôi ra chém. Lại trách con Toàn Đoan và Toàn Vĩ rằng:
- Nếu không đánh đuổi được quân Ngụy đi, cha con mày đừng nhìn đến mặt tao nữa.
Tôn Lâm trở về Kiến Nghiệp.
Chung Hội nói với Tư Mã Chiêu rằng:
- Nay Tôn Lâm đã lui về, ngoài không có quân cứu, lại nên vây thành mà đánh.
Chiêu nghe lời, sai quân vây thành. Toàn Vĩ muốn dẫn quân vào Thọ Xuân, thấy quân Ngụy to thế lắm, nghĩ mình tiến thoái hai đường cũng khó, mới ra hàng Tư Mã Chiêu.
Chiêu gia phong cho Toàn Vĩ làm thiên tướng quân. Vĩ cảm ơn đức ấy, viết thư đưa cho cha là Toàn Đoan và chú là Toàn Dịch, nói Tôn Lâm bất nhân, không bằng hàng Ngụy cho xong, rồi buộc thư bắn vào trong thành. Toàn Dịch được thư, cùng với Đoan dẫn vài nghìn người mở của ra hàng.
Gia Cát Đản ở trong thành lo buồn lắm, mưu sĩ là Tưởng Ban, Tiêu Di hiến kế rằng:
- Trong thành lương còn ít mà quân thì nhiều, không thể giữ lâu được; nên cho quân Ngô Sở ra thành, quyết một trận tử chiến với quân Ngụy.
Đản nổi giận, nói:
- Tao muốn giữ, mày lại muốn đánh, chẳng là có bụng khác sao? Hễ còn nói đánh nữa thì tao chém đầu!
Hai người ngẩng mặt lên trời than rằng:
- Đản sắp chết đến nơi, chúng ta nên hàng Ngụy cho sớm, kẻo chết uổng!
Canh hai đêm hôm ấy, Tưởng, Tiêu hai người trèo qua thành ra hàng Ngụy. Tư Mã Chiêu đều trọng dụng cả.
Trong thành Thọ Xuân, từ bấy giờ dù có người muốn đánh nhau cũng không dám nói đến đánh. Đản ở trong thành thấy quân Ngụy đắp thành chung quanh bốn mặt, đề phòng nước sông Hoài tràn vào. Đản mong đợi nước sông tràn lên, cho đổ thành đất, rồi mới kéo quân ra đánh, không ngờ tự thụ sang đông, tịnh không có trận mưa nào, nước sông không tràn được. Lương ở trong thành đã gần cạn. Văn Khâm ở riêng góc thành nhỏ, cùng với hai con giữ vững không ra. Thấy quân sĩ dần dần nhiều người đói lả. Khâm mới vào nói với Gia Cát Đản rằng:
- Lương đã khan, quân sĩ lắm kẻ chết đói, nên đuổi quân phương bắc ra ngoài thành để bớt ăn đi.
Đản giận, nói:
- Người xui ta bỏ bắc quân đi, muốn mưu hại ta sao?
Liền quát tả hữu lôi ra chém.
Văn Ương, Văn Hổ thấy cha bị chết, lập tức dẫn quân ra giết phăng vài mươi người rồi lội qua hào đến trại Ngụy xin hàng.
Tư Mã Chiêu nhớ đến khi xưa Văn Ương một ngựa đánh lùi được quân Ngụy, căm giận muốn giết để báo thù.
Chung Hội can rằng:
- Việc xưa là tội tự Văn Khâm, nay hắn đã mất rồi, hai con cùng thế phải ra hàng. Nếu ta giết đi, thì càng làm vững bụng người trong thành lắm.
Chiêu nghe lời, gọi Văn Ương, Văn Hổ vào trướng lấy lời ngọt ngào phủ dụ, ban cho ngựa tốt áo gấm, gia chức làm thiên tướng quân, phong làm quan nội hầu.
Hai người lạy tạ, cưỡi ngựa đi chung quanh thành, gọi to lên rằng:
- Hai chúng ta đội ơn đại tướng quân tha tội, lại phong tước cho, chúng mày sao không hàng đi cho sớm?
Người trong thành nghe vậy, bàn với nhau rằng:
- Văn Ương là người có thù với Tư Mã Chiêu, nay cũng được trong dụng, huống chi chúng ta?
Bởi thế nhiều người trốn ra thành hàng Ngụy.
Gia Cát Đản thấy vậy giận lắm, đến đêm tự mình đi tuần quanh mặt thành, động ai có lỗi thì giết.
Chung Hội thấy trong thành nhân tâm đã biến, vào trướng bẩm với Tư Mã Chiêu rằng:
- Nên nhân dịp này mà đánh dấn ngay đi.
Chiêu mừng lắm, truyền lệnh ba quân vây kín bốn mặt thành mà đánh cho riết. Tướng giữ cửa thành là Tăng Tuyên dâng cửa bắc, mở toang cửa cho quân Ngụy kéo vào.
Đản thấy quân Ngụy vào thành, vội vàng dẫn vài trăm thủ hạ, từ con đường nhỏ trong thành chạy ra. Vừa đến bên cầu, thì gặp Hồ Phấn, Đản bị Phấn chém chết ngả xuống ngựa. Vài trăm hạ thủ Đản cũng bị trói cả.
Vương Cơ kéo quân đến cửa tây, gặp Ngô tướng là Vu Thuyên. Cơ quát lên rằng:
- Sao không hàng đi cho mau?
Thuyên nổi giận, nói:
- Chịu mệnh ra cứu bạn cho người, đã không cứu được thì chớ, lại đi theo hàng người khác. Thế là nghĩa lý gì?
Nói đoạn, quẳng mũ xuống đất kêu to lên rằng:
- Người ta sinh ở đời, được chết tại nơi chiến trường là may!
Liền khoa đao vào đánh, được hơn ba mươi hiệp người ngựa mỏi mệt, bị loạn quân giết mất.
Người sau có thơ khen rằng:
Tư Mã năm xưa vây Thọ Xuân,
Hàng binh chen chúc vái xe trần.
Đông Ngô tuy lắm anh hùng giỏi,
Ai sánh Vu Thuyên dám liều thân.
Tư Mã Chiêu vào thành Thọ Xuân, bắt hết già trẻ ba họ nhà Gia Cát Đản giết sạch. Võ sĩ điệu bộ tốt của Gia Cát Đản vài trăm người đến.
Chiêu hỏi:
- Chúng mày có chịu hàng không?
Chúng kêu rằng:
- Chúng ta tình nguyện chết theo Gia Cát công, nhất định không hàng mày!
Chiêu nổi giận quát võ sĩ trói điệu cả ra ngoài thành, rồi bảo từng người rằng:
- Hễ ai chịu hàng thì tha cho! Trong vài trăm người, cứ chém người này thì lại hỏi người khác, chém kỳ đến hết, không một người nào chịu hàng cả.
Chiêu than thở, trọng cái nghĩa khí của bọn ấy cũng không biết ngần nào, sai mai táng tươm tất.
Có thơ than rằng:
Ơn chúa hề chi cái sống thừa!
Một niềm trung nghĩa tiếng nghìn xưa,
Câu ca Cửu Lộ còn văng vẳng,
Vết cũ Điền Hoành để đến giờ!
Quân Ngô về hàng Ngụy rất nhiều. Bùi Tú nói với Tư Mã Chiêu rằng:
- Quân Ngô vợ con ở cả Giang Hoài, nếu cho ở đây, lâu ngày tất sinh biến. Không bằng chôn sống ráo cả chúng nó đi.
Chung Hội can rằng:
- Thế không xong! Phép ngày xưa dùng binh, chỉ giết một người đầu sỏ là đủ. Nếu chôn cả đi, thì độc ác bất nhân lắm. Chi bằng đuổi cả chúng nó về Giang Nam, để tỏ cái lượng rộng rãi của Trung Nguyên.
Chiêu khen lời lấy phải, liền tha cả quân Ngô cho về bản quốc.
Đường Tư sợ Tôn Lâm bắt tội, không dám về Ngô, phải đến hàng Ngụy. Chiêu cũng trọng dụng, sai chia nhau ra giữ các nơi Tam Hà.
Hoài Nam bình định xong đâu đấy, quân Ngụy sắp sửa rút quân về. Chợt có báo tin Khương Duy ở Tây Thục dẫn quân đến lấy Trường Thành, chặn đường vận lương của quân Ngụy.
Chiêu giật mình cùng với các quan bàn kế đánh Thục.
Bấy giờ là năm Hiên Di thứ hai mươi nhà Thục Hán, đổi là năm Cảnh Diệu thứ nhất. Khương Duy ở Hán Trung kén được hai tướng trong Xuyên, một người là Tưởng Thư, một người là Phó Thiêm, hai người sức lực khỏe mạnh mà có can đảm. Duy yêu lắm, dùng làm tướng, ngày ngày rèn tập quân mã, chờ dịp sang đánh Ngụy.
Chợt có tin báo về rằng:
- Gia Cát Đản cất binh đánh Tư Mã Chiêu. Tôn Lâm ở Đông Ngô mang quân sang giúp. Chiêu cất hết quân ở hai miền Hoài, đem cả Ngụy chủ và Ngụy Thái Hậu đi đánh giặc.
Duy mừng rỡ, nói:
- Phen này việc ta chắc xong!
Liền dâng biểu tâu với hậu chủ, xin cất quân sang đánh Ngụy.
Đại Phu và Tiêu Chu nghe chuyện làm vậy, than rằng:
- Lâu nay chúa thượng ham mê tửu sắc, tin dùng hoạn quan là Hoàng Hạo, không nhìn gì đến việc nước, chỉ chuộng lấy sự vui chơi. Bá Ước thì mai đánh nay dẹp, không thương gì đến quân sĩ, thế là cái cơ nước sắp đổ mất rồi.
Bèn làm ra một bài luận gọi là "Thủ quốc luận" kể những sự không nên đánh nữa, đưa cho Khương Duy để can ngăn việc cất quân.
Luận rằng:
"Có người nói: Xưa nay thuật lấy yếu thắng mạnh là thế nào? Trả lời:
Trị nước lớn mà không cần lo là phải có bao nhiêu điều rộng lượng, cái hay của nước nhỏ là luôn nghĩ điều lành. Làm nhiều điều khinh suất thì sinh loạn, nghĩ nhiều điều lành thì sẽ yên, đó là lẽ thường. Cho nên Chu Văn nuôi dân bỏ ít lấy nhiều, Câu Tiễn thương dân lấy yếu diệt mạnh. Đó là thuật vậy.
Có người nói:
Xưa Sở mạnh Hán yếu thề ước phân chia hồng câu. Trương Lương cho rằng dân chí đã định thì khó đổi thay, đem quân đánh Vũ; há phải việc của Văn Vương Câu. Tiễn ru? Trả lời: Giữa thời Thương Chu, vương hầu thế tôn quân thần đã ổn. Bây giờ tuy có Hán tổ sao có thể vung kiếm giành thiên hạ. Đến lúc Tần diệt các chư hầu và chiếm thiên hạ, nhân dân bị Tần làm khổ, trời đất ngửa nghiêng, hào kiệt nổi lên tranh nhau. Nay ta với họ đều thay nhau trị nước đã không phải là lúc nước sôi lửa bỏng cuối Tần, cũng không phải thời sáu nước tranh nhau xưng hùng bá. Cho nên đã làm văn Vương, khó làm Hán tổ. Lúc thế loạn rồi lại yên hòa rồi lại đánh. Cho nên quân Thang Võ không đánh mà lại thắng, thành thật coi trọng dân cày mà giúp cho thời thế. Nếu dùng lối binh độc võ chẳng may gặp nạn tuy là người có trí lực cũng không sao mưu được."
Duy xem bài luận nổi giận mà rằng:
- Lời lẽ này rõ ra giọng hủ nho!
Nói đoạn quẳng tờ giấy xuống đất rồi cất quân sang lấy Trung Nguyên.
Khương Duy hỏi Phó Thiêm rằng:
- Ý ngươi nghĩ nên ra xứ nào phải hơn?
Thiêm thưa rằng:
- Lương thảo của quân Ngụy, chứa cả trong thành. Nay nên đi tắt tới Lạc Cốc, vượt qua núi Trầm Lĩnh đến thẳng Trường Thành, trước hết đốt sạch lương thảo, rồi kéo thẳng đến lấy Tần Xuyên, thì Trung Nguyên có thể hẹn ngày lấy được.
Duy nói:
- Ngươi nói hợp ý ta lắm!
Tức thì để binh đi tắt hang Lạc Cốc, qua núi Trầm Lĩnh kéo đến Trường Thành.
Tướng giữ Trường thành là Tư Mã Vọng, anh họ Tư Mã Chiêu. Trong thành lương thảo rất nhiều mà quân mã thì ít. Bây giờ, Tư Mã Vọng nghe tin quân Thục đến, liền cùng với hai tướng là Vương Chân, Lý Bằng dẫn quân ra khỏi thành hai mươi dặm hạ trại.
Hôm sau, quân Thục đến. Vọng dẫn hai tướng ra trận. Khương Duy trỏ tay sang, nói:
- Tư Mã Chiêu đem chúa đi đánh giặc, tất có ý như Lý Thôi, Quách Dĩ. Ta nay phụng chiếu triều đình, đến đây hỏi tội. Mày nên hàng ngay đi, nếu còn u mê, tao sẽ giết chết cả ổ nhà mày!
Vọng quát mắng lại rằng:
- Chúng mày vô lễ, dám đến xâm phạm thượng quốc. Nếu không về ngay đi, tao sẽ đánh cho mảnh giáp cũng không còn!
Nói vừa dứt lời, Vương Chân vác giáo quất ngựa ra. Bên trận Thục thì Phó Thiêm đón đánh. Được mười hiệp, Thiêm đánh miếng lừa cho Vương Chân đâm sang, liền quay mình tránh khỏi ngọn giáo, rồi đưa tay lôi thốc Vương Chân sang ngựa mình, cắp đem về trận. Lý Bằng nổi giận, thúc ngựa múa đao lại cứu. Thiêm cứ đi thông thả, đợi cho Lý Bằng đến nơi, quẳng ngay Vương Chân xuống đất, rút một cây quất sắt bốn ngạnh cầm sẵn trong tay. Lý Bằng sấn vào giơ đao chực chém, Thiêm quay mình lại, vút một quất vào giữa mặt Lý Bằng, Bằng bậc nổ con ngươi ra ngoài, chết ngả xuống ngựa. Vương Chân bị quân Thục xúm vào đâm chết, Khương Duy thúc quân đánh tràn sang, Tư Mã Vọng phải bỏ chạy vào trong thành đóng chặt cửa phòng giữ.
Duy truyền lệnh rằng:
- Quân sĩ hôm nay, hãy cho nghĩ một đêm, để dưỡng sức khỏe, ngày mai phải cố gắng đánh thành.
Sáng sớm hôm sau, quân Thục kéo cả đến dưới thành, dùng tên thuốc dẫn lửa bắn vào. Những nhà lá trong thành cháy bùng cả lên. Quân Ngụy đã thấy xốn xáo, Duy lại sai chất rơm củi dưới thành mà đốt, lủa cháy đùng đùng, thành đã sắp đổ. Quân Ngụy gào khóc ầm ĩ, tiếng vang bốn phía. Khi đang đánh bỗng đâu mé sau tiếng reo nổi lên như sấm. Duy quay ngựa lại xem sao, thì thấy quân Ngụy đánh trống hò reo, cờ bay phấp phới kéo đến đông như kiến. Duy đổi hậu đội làm tiền đội, kìm ngựa đứng dưới cửa cờ, chờ quân Ngụy đến. Một lát, trong trận Ngụy có một tướng trẻ tuổi, nai nịt gọn ghẽ, cầm đao thúc ngựa xông đến. Tướng ấy ước chừng ngoài hai mươi tuổi, mặt trắng như phấn, môi đỏ như son, quát lên rằng:
- Có biết Đặng tướng quân là ai không?
Duy đoán chắc là Đặng Ngải, liền cũng thúc ngựa múa thương lại địch. Hai người tinh thần mạnh mẽ, đánh nhau ba bốn mươi hiệp chưa phân thắng phụ. Thương pháp của tướng trẻ tuổi ấy, không hở kẽ một chút nào. Duy nghĩ thầm muốn dùng mẹo lừa, mới quay ngựa chạy rẽ vào trong đường núi. Tướng ấy thúc ngựa đuổi sấn tới. Duy cắp chắc ngọn thương, rút bộ cung tên ra bắn. Tiểu tướng nhanh mắt, vừa nghe cung tách một tiếng, đã lộn mình bổ ra mé trước, tránh được mũi tên. Duy trông xuống thì tướng ấy cầm giáo đâm đến cạnh mình rồi. Duy vội vàng né mình sang một bên, ngọn giáo đâm sượt qua nách. Duy nhanh tay vớ ngay được ngọn giáo. Tướng ấy buông ngọn giáo, chạy tuột ngay về bản trận.
Duy tắc lưỡi phàn nàn rằng:
- Tiếc quá! Tiếc quá!
Liền lại quay ngựa đuổi theo, vừa ra đến cửa trận, thì thấy một tướng cầm đao xông tới thét rằng:
- Khương Duy sất phu! Chớ đuổi con ta nữa, Đặng Ngải ở đây!
Duy giật mình, mới nghĩ ra tướng trước là Đặng Trung con Đặng Ngải. Duy trong bụng lấy làm kỳ, muốn đánh nhau với Đặng Ngải, nhưng sợ sức ngựa đã mỏi, mới trỏ sang mà rằng:
- Hôm nay ta mới biết mặt bố con nhà mày. Giờ hãy thu quân, mai sẽ sống mái với mày một trận!
Ngải thấy thế đánh chưa được lợi, cũng kìm ngựa lại mà rằng:
- Có phải thế thì hãy thu quân về. Hễ ai lừa nhau thì không phải là kẻ trượng phu.
Bởi vậy đôi bên cùng rút quân: Đặng Ngải hạ trại cạnh sông Vị. Duy thì cắm trại giữ hai mặt núi.
Đặng Ngải xem địa thế bên trại Thục, rồi đưa thư cho Tư Mã Vọng, nói:
- Chúng ta không nên đánh vội, hãy cứ giữ cho vững đợi khi nào quân ở Quan Trung đến, mà lương thảo của Thục cạn rồi, bấy giờ sẽ họp ba mặt mà đánh, thì mới phá được. Nay tôi hãy cho con tôi là Đặng Trung giữ thành với ông, để cho người về cầu cứu Tư Mã đại tướng quân mới xong.
Khương Duy sai người đưa chiến thư đến trại Đặng Ngải, hẹn ngay mai đánh nhau. Ngải giả cách hứa lời. Canh năm đêm hôm ấy, Duy sai ba quân thổi cơm ăn cho sớm. Sáng rõ, dàn trận đợi quân Đặng Ngải đến. Trong trại Đặng Ngải ngả cờ im trống, làm như dáng không có người canh giữ mà cũng không thấy ai ra. Duy chờ mãi cho đến chiều mới về.
Hôm sau, Duy đã sai người đưa chiến thư, trách rằng sai hẹn. Ngải sai dọn cơm rượu, thết đãi sứ giả, rồi bảo rằng:
- Tôi hơi khó ở, lỡ sai mất hẹn, xin để ngày mai hội chiến.
Hôm sau, Duy dẫn binh đến. Ngải vẫn như trước, nhất định không ra. Năm sáu phen hẹn cũng thế cả.
Phó Thiêm bảo với Khương Duy rằng:
- Đây tất có mẹo mực gì đây, phải phòng mới được.
Duy nói:
- Đây chỉ đợi quân Quan Trung đến, hợp ba mặt lại đánh ta, ta nên cho người cầm thư sang Đông Ngô nói với Tôn Lâm dồn sức lại mà đánh.
Sực có thám mã về báo rằng:
- Tư Mã Chiêu đánh vỡ Thọ Xuân, đã giết mất Gia Cát Đản, quân Ngô hàng hết cả Ngụy rồi. Chiêu rút quân về Lạc Dương, nay sắp dẫn quân đến cứu Trường Thành.
Duy thất kinh, nói:
- Phen này đánh Ngụy, lại ra thành xôi hỏng bỏng không rồi! Chẳng thà về cho rảnh.
Ấy là:
Bốn phen trước đã không ra việc,
Năm thứ nay đà lại uổng công.
Chưa biết Khương Duy rút quân về rồi ra làm sao, xem hồi sau phân giải.
Hồi 113:
Đinh Phụng Lập mẹo đánh Tôn Lâm
Khương Duy đấu trận phá Đặng Ngải
Khương Duy sợ có quân cứu đến, cho quân bộ vận tải quân nhu xa trượng về trước, rồi đem quân mã đi đoạn hậu.
Quân tế tác báo tin với Đặng Ngải. Ngải cười, nói:
- Khương Duy biết cơ binh của đại tướng quân sắp đến, cho nên lui về trước, không nên đuổi theo làm gì. Nếu đuổi thì phải mắc phải mẹo của hắn ngay.
Bèn cho người đi thám, quả nhiên trong đường hẻm hang Lạc Cốc, chứa chất củi cỏ, dự bị để đốt quân đuổi theo.
Chúng khen Đặng Ngải rằng:
- Tướng quân thật là thần toán! Ngải sai dâng biểu tâu về, Tư Mã Chiêu mừng lắm, lại thưởng thêm cho Đặng Ngải.
Ngô chủ Tôn Lượng, bấy giờ mới mười bảy tuổi, thấy Lâm giết người thái quá, có ý không bằng lòng.
Ngô chủ vốn thông minh lắm. Một bữa, ra chơi vừơn tây uyển, nhân muốn ăn một quả mơ xanh bèn sai hoàng môn vào lấy mật. Một lát, hoàng môn đem mật đến. Ngô chủ thấy trong chén mật có vài viên cứt chuột, bèn đòi quan giữ kho đến hỏi.
Quan giữ kho lạy kêu rằng:
- Chúng tôi đậy kín đáo lắm, làm gì có cứt chuột rơi vào được?
Lượng hỏi:
- Hoàng môn có đến đòi mật ăn bao giờ không?
Quan giữ kho tâu rằng:
- Mấy hôm trước có đến đòi mật ăn, nhưng chúng tôi quả thực không dám cho.
Lượng trỏ tên hoàng môn, nói
- Đây chắc là mày thù nó không cho mật, cho nên bỏ cứt chuột vào để hại nó chứ gì?
Tên hoàng môn không chịu.
Lượng nói:
- Việc này cũng dễ biết, nếu phân mật lâu ngày, thì trong ngoài thấm ướt; bằng mới bỏ vào, thì trong ráo ngoài ướt.
Liền sai cắt ra xem, thì quả nhiên ở trong khô ráo. Hoàng môn lúc bấy giờ mới chịu tội.
Đại khái Lượng thông minh như thế, nhưng bị Tôn Lâm kìm hãm nên không được tự chủ điều gì.
Bấy giờ Tôn Lâm quyền thế hách dịch lắm. Em là Tôn Cứ làm oai viễn tướng quân, vào túc vệ trong nơi cung cấm, em nữa là Tôn Ân làm võ vệ tướng quân, Tôn Cán làm thiên tướng quân; Tôn Ngữ làm tràng thủy hiệu úy, chia đóng các doanh trại.
Ngô chủ một bữa ngồi buồn, có hoàng môn thị lang là Toàn Kỷ đứng hầu bên cạnh. Kỷ là quốc cữu. Lượng khóc bảo với Kỷ rằng:
- Tôn Lâm chuyên quyền giết bậy, khinh trẫm tệ lắm, nếu không liệu đi, tất để sinh vạ.
Kỷ tâu rằng:
- Bệ hạ có việc gì dùng đến, tôi dù có chết cũng không dám từ.
Lượng nói:
- Ngươi nên điểm quân cấm binh, cùng với tướng quân Lưu Vĩnh, giữ các cửa thành, để trẫm tự dẫn quân ra giết Tôn Lâm. Nhưng việc ấy chớ để cho mẹ ngươi được biết, vì mẹ ngươi là chị Tôn Lâm. Nếu lộ chuyện ra ngoài, thì làm lỡ mất việc trẫm đấy.
Kỷ nói:
- Xin bệ hạ ban cho tôi một đạo chiếu, để khi làm việc, đem ra bảo chứng, cho thủ hạ Tôn Lâm không ai dám động.
Lượng nghe lời, thảo mật chiếu giao cho Toàn Kỷ, Kỷ lĩnh chiếu mang về nhà, nói chuyện với cha Toàn Thượng. Thượng biết chuyện, bảo với vợ rằng:
- Chỉ trong ba ngày nữa, thì giết Tôn Lâm.
Người vợ nói:
- Giết đi cũng phải.
Miệng tuy nói thế, nhưng mật sai người báo tin cho Tôn Lâm biết.
Lâm nổi giận, đang đêm, gọi bốn anh em đến, điểm tinh binh vào vây nội cung. Một mặt bắt Toàn Thượng, Lưu Vĩnh và cả nhà hai người giam lại. Đến sáng Ngô chủ Tôn Lượng nghe ở ngoài cửa cung có tiếng chiêng trống ầm ĩ. Rồi nội thị lật đật chạy vào tâu rằng:
- Tôn Lâm dẫn quân đến vây bọc cả vườn nội uyển.
Lượng nổi giận, trỏ vào Toàn hậu quát rằng:
- Cha và anh mày làm hỏng mất việc tao rồi!
Liền rút gươm ra toan chém Toàn hậu và thị trung; cận thần lôi cả lấy vạt áo khóc ngăn lại, không để cho Tôn Lượng ra ngoài.
Tôn Lâm trước hết giết bọn Toàn Thượng, Lưu Vĩnh rồi hội văn võ cả ở trong triều, truyền lệnh rằng:
- Chúa thượng hoang dâm lắm bệnh, tối tăm không biết đạo nghĩa là gì, không thể phụng được tôn miếu, nên bỏ đi. Văn võ ai không tuân lời ta, thì ghép ngay cho tội mưu phản.
Ai nấy đều sợ run lập cập, thưa rằng:
- Xin tuân theo lệnh tướng quân.
Chỉ có thượng thư là Hoàn Ý giận tái mặt lại, từ trong bọn nhảy ra, trỏ vào mặt Tôn Lâm mắng rằng:
- Chúa thượng là chúa thông minh, mày sao dám nói càn thế. Tao thà chết, quyết không nghe lời mày!
Lâm nổi giận rút gươm chém phăng Hoàn Ý, rồi vào cung trỏ vào Tôn Lượng mắng rằng:
- Hôn quân vô đạo kia. Đáng lẽ nên giết đi để tạ thiên hạ mới phải, nhưng nể mặt tiên đế, nay phế ngươi xuống làm Cối Kê vương. Ta sẽ kén người có đức lên làm vua.
Nói đoạn quát trung thư lang Lý Sùng cướp lấy ấn thụ, sai Đặng Trình thu lấy.
Tôn Lượng khóc vang lên rồi đi ra.
Người sau có thơ than rằng:
Loạn tặc vu Y Doãn,
Gian thần giả Hoắc Quang,
Thương thay Tôn minh chúa,
Không giữ được ngai vàng.
Tôn Lâm sai quan tôn chính Tôn Khải rước trung thư lang nha vương là Tôn Hưu về làm vua. Hưu tự là Tử Liệt, con thứ sáu Tôn Quyền, khi ở Hổ Lâm nằm mơ thấy cưỡi rồng bay lên trời ngoảnh lại trông thấy đuôi rồng, mới giật mình tỉnh dậy.
Hôm sau, Tôn Khải, Đổng Triều đến mời Hưu về triều. Khi đi đến khúc A có một cụ già, tự xưng tên là Cam Hưu, lạy phục xuống đất tâu rằng:
- Xin bệ hạ nhanh cho, nếu chậm chạp thì việc sinh biến mất. Hưu tạ lời ấy. Khi đi đến dinh Bố Cơ, Tôn Ân đem xa giá lại đón. Hưu không dám trèo lên kiệu, ngồi một chiếc xe nhỏ đi vào, trăm quan lại yết bên cạnh đường. Hưu vội vàng xuống xe đáp lễ. Tôn Lâm sai đỡ dậy, mời vào đại điện, rước lên ngôi trên sập rồng.
Hưu khiêm tốn, từ chối hai ba lần, rồi mới chịu nhận ngọc tỉ.
Văn võ các quan lễ chầu mừng đâu đấy, đại xá cho thiên hạ; cải niên hiệu gọi là Vĩnh An năm đầu; Phong cho Tôn Lâm làm thừa tướng, lĩnh chức Kinh Châu mục. Các quan cùng được phong thưởng. Lại phong con anh là Tôn Hạo làm Ô trình hầu.
Tôn Lâm một nhà năm anh em, đều phong tước hầu, coi giữ quân cấm binh, quyền hơn cả vua. Ngô chủ Tôn Hưu sợ sinh biến ngoài mặt tuy ân huệ, kỳ thực trong bụng vẫn đề phòng.
Tôn Lâm ngày càng sinh kêu hoạnh lắm. Tháng chạp năm ấy, Lâm đem trâu rượu vào cung lễ thọ, Ngô chủ Tôn Hưu không chịu lấy. Lâm giận mang trâu rượu về phủ, mời tả tướng quân là Trương Bố đến phủ uống rượu. Trong tiệc, Lâm nói:
- Khi trước ta bỏ Cối Kê vương, nhiều người khuyên ta lên làm vua. Ta tưởng là chúa thượng hiền hậu, cho nên mới lập. Nay ta dâng lễ thọ lại từ chối không nhận, thế là không coi ta vào đâu rồi đó. Nay mai ngươi thử coi xem ra làm sao.
Bố nghe nói dạ dạ mấy tiếng, không dám nói câu gì.
Hôm sau, Bố vào cung mật tâu với Tôn Hưu việc ấy. Hưu lấy làm lo sợ, ngày đêm không yên. Được vài hôm, Lâm sai Trung thư lang là Mạnh Tôn dẫn một vạn năm nghìn tinh binh ra đóng ở Võ Xương, vận hết đồ khí giới trong kho cấp cho bọn ấy.
Tướng quân là Ngụy Mạc, võ vệ sĩ là Thi Sóc, hai người vào mật tâu với Ngô chủ rằng:
- Tôn Lâm điều binh ra ngoài, lại đem đồ khí giới cấp cho quân, nay mai tất sinh biến.
Tôn Hưu giật mình, kíp vời Trương Bố vào bàn bạc. Bố tâu rằng:
- Có lão tướng là Đinh Phụng mưu mẹo hơn người, biết đoán việc lớn, nên cho vời vào bàn việc.
Hưu liền vời Đinh Phụng vào trong nhà kín, kể lại chuyện ấy.
Phụng tâu rằng:
- Bệ hạ chớ lo, tôi có một kế này trừ được hại cho nước.
Hưu hỏi mẹo làm sao, Phụng tâu rằng:
- Mai là ngày chạp, hội cả quần thần mời cả Tôn Lâm đến ăn tiệc, tôi sẽ khu xử xong xuôi.
Hưu mừng lắm. Phụng sai Ngụy Mạc, Thi Sóc coi việc ngoài Trương Bố coi việc trong.
Đêm hôm ấy, trời nổi cơn dông: Cát, sỏi, đá bay vù vù có một cây cổ thụ bật cả một tảng rễ xuống. Đến sáng đứng gió, sứ giả phụng chiếu mời Tôn Lâm vào cung ăn yến. Tôn Lâm đương ở trên giường, bổng dưng như có người đẩy sấp xuống đất. Lâm thấy vậy không vui lòng. Một lát lại thấy hơn mười người sứ giả đến mời. Người nhà ngăn lại nói rằng:
- Một đêm nổi dông gió, sáng hôm nay lại bỗng dưng ngã sấp, đó không phải là điềm hay, không nên đến dự tiệc.
Lâm nói:
- Anh em ta cùng giữ quân cấm binh, ai dám đến gần ta mà sợ? Ví dù có việc gì, thì đốt lửa ở trong phủ lên làm hiệu.
Dặn xong lên xe vào cung.
Ngô chủ Tôn Hưu xuống dưới sập rồng đứng đón mời Lâm lên ngồi. Rượu được vài tuần, bỗng thấy ngoài cung có ngọn lửa cháy. Lâm muốn đứng dậy về, Hưu ngăn lại nói rằng:
- Thừa tướng cứ ngồi yên, quân ngoài có nhiều, can gì phải lo?
Hưu vừa nói dứt lời thì tả tướng quân Trương Bố rút gươm cầm tay, dẫn hơn ba chục võ sĩ, bước sấn lên trên điện, quát lên rằng:
- Có chiếu bắt phản tặc là Tôn Lâm!
Lâm vừa toan chạy, thì đã bị võ sĩ bắt lại. Lâm cúi đầu kêu rằng:
- Xin đày ra Giao Châu, cho được về làm ruộng.
Hưu mắng rằng:
- Sao trước mày không đem đày Đằng Dận, Lã Cứ, Vương Đôn có được không?
Bèn sai lôi ra chém, Trương Bố lôi Tôn Lâm ra mé đông điện chém đầu; đầy tớ không tên nào dám nhúc nhích.
Bố đọc tờ chiếu lên nói rằng:
- Tội chỉ do một mình Tôn Lâm gây nên thôi, còn người khác không ai việc gì cả.
Bố mời Tôn Hưu lên lầu Ngũ Phượng. Đinh Phụng, Ngụy Mạc, Thi Sóc bắt cả bọn anh em Tôn Lâm điệu đến. Hưu sai đem ra chợ chém sạch, giết cả ba họ, hơn vài trăm tôn đảng đều bị chết lây. Lại sai đào mả Tôn Tuấn, vằm thây xé xác ra, rồi xây phần mộ lại cho bọn Gia Cát Khác, Đằng Dận, Vương Đôn, Lã Cứ để tỏ cái bụng trung của họ. Ai bị đem đầy phương xa liền tha cho về làng mạc. Lại phong thưởng cho bọn Đinh Phụng, rồi đưa thư báo tin mừng vào thành Đô.
Hậu chủ bên Thục sai sứ vào mừng Ngô, Ngô lại sai Tiết Hủ vào Thục để đáp lễ. Hủ từ trong Thục về, Ngô chủ hỏi quang cảnh trong Thục, Hủ tâu rằng:
- Lâu nay trung thường thị là Hoàng Hạo coi việc, công khanh a dua cả vào hắn. Trong triều không nghe thấy lời thẳng, ngoài đồng dân lắm người mặt bủng da chì. Thế mà vua thì chỉ một niềm mải vui chơi. Đó gọi là chim én chim sẻ ở trên thềm, không biết rằng nhà to sắp cháy là thế.
Hưu thở dài than rằng:
- Nếu còn Gia Cát Võ hầu, thì đâu đến nỗi thế này!
Bởi thế lại viết thư đưa sang Thục nói rằng Tư Mã Chiêu không mấy bữa nữa tất sẽ thoán Ngụy. Thế nào hắn cũng sang đánh Ngô, Thục để thị uy. Hai nước ta cùng phải giữ gìn trước đi.
Khương Duy nghe được tin ấy, mừng rỡ lắm, dâng biểu lại xin cất quân sang đánh Ngụy.
Năm Cảnh Diệu thứ nhất nhà Thục Hán, mùa đông đại tướng quân Khương Duy cất Liêu Hóa, Trương Dực làm tiên phong, Vương Xá, Tưởng Mân làm tả quân, Tưởng Thư, Phó Thiêm làm hữu quân, Hồ Tế làm hợp hậu; Duy cùng với Hạ Hầu Bá tổng lĩnh trung quân, khởi hai mươi vạn quân Thục, lạy từ Hậu chủ, đến thẳng Hán Trung, bàn bạc với Hạ Hầu Bá xem ra lối nào cho tiện.
Bá nói:
- Kỳ Sơn là đất dụng võ, nên tiến quân ra mặt ấy; ta nên sai ba quân kéo cả ra Kỳ Sơn, đến cửa hang hạ trại.
Bấy giờ Đặng Ngải đang ở trong trại Kỳ Sơn, điểm quân Lũng Hữu, chợt có tin báo quân Thục hạ ba ngọn trại ở cửa hang. Ngải nghe báo, lên cao ngắm xem, mừng rỡ về trại, lên trướng nói rằng:
- Không ra khỏi được ý định của ta!
Nguyên Đặng Ngải xem xét địa thế, để dành đất cho quân Thục lập trại. Từ chỗ ấy đến trại Kỳ Sơn, đã đào sẵn một đường hầm, đợi quân Thục đến sẽ khởi sự. Bấy giờ Khương Duy lập ba ngọn trại, trại tả đóng chính vào giữa đường hầm, là trại của Vương Xá, Tưởng Mân.
Đặng Ngải sai con là Đặng Trung cùng với Sư Toản, mỗi người dẫn một vạn quân chia làm hai cánh tả hữu. Sai phó tướng Trịnh Luân dẫn năm trăm quân quật tử một canh hai đêm hôm ấy, đi xuyên đường hầm đến thẳng trại tả kéo lên.
Vương Xá, Tưởng Mân khi ấy nhân chưa lập xong trại, sợ quân Ngụy đến cướp trại, không dám cởi giáp đi ngủ. Chợt thấy trung quân tự nhiên bối rối, vội vàng cầm khí giới nhảy lên ngựa, thì đã thấy Đặng Trung ở ngoài dẫn quân kéo vào. Trong ngoài dồn lại đánh, hai tướng cố chết cự lại không nổi, phải bỏ trại chạy.
Khương Duy ở trong trướng nghe tiếng bên trại tả hò reo, biết có quân trong ứng ngoài hợp. Duy kíp ngựa đứng trước trướng trung quân, truyền lệnh rằng:
- Hễ ai nhộn nhạo thì chém. Nếu có quân giặc kéo đến cạnh trại, không phải hỏi lôi thôi gì, chỉ việc dùng cung nỏ bắn ra.
Một mặt truyền cho trại hữu cũng thế, không được nhộn nhạo. Quân Ngụy hơn mười lần xông vào, quả nhiên điều bị tên bắn lui về, xáo xác mãi đến sáng, rồi không dám vào.
Đặng Ngải thu quân về trại, than rằng:
- Khương Duy thực là học được phép của Khổng Minh. Ra quân ban đêm mà không sợ, tướng gặp biến mà không rối, thế mới thực là tướng tài!
Hôm sau, Vương Xá, Tưởng Mân thu nhặt quân tàn, đến đại trại xin chịu tội.
Duy nói:
- Đó không phải là tội tại các ngươi. Bởi vì ta không tường mạch đất, mới đến nỗi thế.
Lại cấp thêm cho quân mã, sai hai tướng hạ trại. Rồi đem những thây người chết, bỏ cả vào trong đường hầm, lấy đất lấp đi.
Duy sai người đưa chiến thư, thách Đặng Ngải ngày mai ra giao phong.
Ngải mừng rỡ ưng lời. Hôm sau, hai bên dàn trận ở trước núi Kỳ Sơn. Duy án phép bát trận của Võ Hầu, chia dàn ra tám cửa: Thiên, địa, phong, vân, điểu, xà, long, hổ. Đặng Ngải thấy Khương Duy bàn trận bát quái, cũng bày trận ấy, cửa ngõ tả hữu trước sau tả hữu giống y như hệt.
Duy cầm thương thúc ngựa ra ngoài trận gọi to lên rằng:
- Mày bắt chước ta bày trận bát quái, nhưng mày có biến trận được không?
Ngải cười rằng:
- Mày tưởng một mình mày bày được hay sao? Ta đã bày được, làm gì mà chẳng biến được?
Nói đoạn, quay vào trận, sai quân cầm hiệu, phất một lá cờ, mỗi cửa biến thành tám cửa, tám tám thành sáu mươi tư cửa.
Ngải ra trận hỏi rằng:
- Phép biến trận của ta thế nào?
Duy nói:
- Mày biến cũng phải, nhưng có dám vào trận vây nhau không?
Ngải nói:
- Sao lại không dám?
Bởi vậy, quân đôi bên cứ y đội ngũ tiến vào. Ngải vào trung quân đứng sai khiến, cho quân lượn vào vây trận, trận đôi bên vẫn đâu ra đấy, không xôn xao một tí nào. Khương Duy đứng trung quân, cầm lá cờ phất một cái, bỗng biến thành trận trường xà quyển địa, vây bộc ngay Đặng Ngải vào giữa. Bốn mặt tiếng reo nổi lên. Ngải không biết là trận gì, trong bụng đã sợ. Tiếng reo dần dần đến gần. Ngải dẫn vào các tướng xông xáo cũng không sao ra được. Quân Thục cùng gọi to lên rằng:
- Đặng Ngải hàng đi cho mau!
Ngải ngẩng mặt lên than rằng:
- Ta lỡ ra muốn khoe tài một lúc, mắc phải mẹo Khương Duy mất rồi!
Bỗng thấy trên góc tây bắc, có một toán quân đánh vào. Ngải trông ra thì quân Ngụy, mới thừa thế đánh ra được ngoài. Nguyên Tư Mã Vọng đánh cứu Đặng Ngải đem ra, khi trở về thì chín trại Kỳ Sơn đã bị quân Thục cướp mất cả.
Ngải dẫn bại quân lui về mé nam sông Vị hạ trại.
Ngải nói:
- Sao ông biết được phép trận này, mà cứu được tôi ra?
Vọng nói:
- Tôi thuở nhỏ học ở Nam Kinh, có kết bạn với Thôi Châu Bình, Thạch Quảng Nguyên thường có giảng đến phép trận này. Khi nãy, Khương Duy biến trận ấy, gọi là trận trường xà quyển địa, nếu đánh chỗ khác, thì không sao phá được. Tôi thấy đầu trận ở góc tây bắc, cho nên từ mặt ấy đánh vào, liền phá được ngay.
Ngải tạ ơn nói:
- Tôi tuy học được phép trận, nhưng chưa tường phép biến hóa. Ông đã biết phép ấy, ngày mai nên đấu trận với Khương Duy, để tôi dẫn quân đến đánh úp sau trại Kỳ Sơn, hai mặt dồn lại đánh, thì có thể cướp lại trại cũ.
Bèn sai Trịnh Luân làm tiên phong. Ngải tự dẫn quân đến úp trại Kỳ Sơn, một mặt cho người đưa chiến thư thách Khương Duy ngày mai đấu trận.
Duy phê vào chiến thư và cho sứ giả mang về, rồi bảo với các tướng rằng:
- Ta được mật thư của Võ hầu tryền cho trận này cả thảy ba trăm sáu mươi lăm phép biến, theo độ số chung quanh trời. Nay quân giặc thách ta đấu trận pháp, thì chẳng khác nào múa rìu qua mắt thợ, đây tất có mưu mẹo, các ông có biết không?
Liêu Hóa nói:
- Đây hẳn là dử ta đấu trận, kỳ thực là họ dẫn quân đến chụp mặt sau ta đây.
Duy cười rằng:
- Chính thế.
Liền sai Trương Dực, Liêu Hóa dẫn một vạn quân phục ở mé sau núi.
Hôm sau, Khương Duy dẫn hết quân trong chín trại, dàn cả ra trước núi Kỳ Sơn, Tư Mã Vọng cũng dẫn quân ra khỏi vị Nam, đến trước Kỳ Sơn, cùng với Khương Duy đối trận.
Duy nói:
- Ngươi mời ta ra đấu trận pháp, thử bày trước cho coi.
Vọng bày ra một trận bát quái.
Duy cười rằng:
- Trận ấy tức là trận của ta bày, ngươi ăn cắp, lấy gì làm lạ?
Vọng nói:
- Ngươi cũng học mót của người khác chứ gì?
Duy nói:
- Vậy thì trận này có bao nhiêu phép biến?
Vọng cười, rằng:
- Ta biết bày trận, dễ thường không biết biến trận hay sao? Trận này cả thảy có chín lần chín tám mươi mốt phép biến.
Duy nói:
- Ngươi thử biến đi ta coi.
Vọng vào trong trận, biến một vài lần, rồi bước ra hỏi rằng:
- Ngươi có biết ta biến ra trận gì không?
Duy cười nói rằng:
- Trận pháp của ta, theo độ số trời, có ba trăm sáu mươi lăm phép biến. Ngươi chẳng qua như ếch ngồi đáy giếng, biết đâu được phép huyền diệu này!
Vọng nói:
- Ta vẫn biết có các phép biến ấy. Ngươi thử biến cho ta coi.
Duy nói:
- Ngươi bảo Đặng Ngải ra đây, ta bày cho mà xem.
Vọng nói:
- Đặng tướng quân có mẹo hay hơn, tính không ưa đấu trận pháp.
Duy cười ầm lên rằng:
- Có mẹo gì hay đâu! Chẳng qua sai mày đấu với ta ở đây, còn hắn thì dẫn quân đến úp sau quân ta có phải không?
Vọng thấy nói như đi guốc vào ruột mình, lấy làm kinh hãi, muốn thúc quân đánh bừa một trận. Duy cầm roi vẫy một cái, quân hai bên đổ ra, đánh tan tành quân Ngụy, phải bỏ giáp vất gươm giáo chạy tháo thân.
Đặng Ngải thúc tiên phong Trịnh Luân đến mé sau núi; vừa đi qua mỏm núi, bỗng nổi một tiếng pháo, rồi trống đánh vang trời, quân Thục đổ ra, đại tướng đi đầu là Liêu Hóa. Trịnh Luân sấn lại đánh nhau với Liêu Hóa, bị Liêu Hóa chém ngay một đao lăn quay xuống ngựa.
Đặng Ngải giật mình, kíp thu quân về, thì lại gặp Trương Dực dẫn quân đến. Đôi bên ập vào đánh giết, quân Ngụy tan nát. Ngải bị bốn mũi tên, cố sống cố chết chạy về đến trại Vị Nam. Tư Mã Vọng cũng chạy về trại.
Hai người bàn bạc, Vọng nói rằng:
- Gần nay Thục chủ Lưu Thiền yêu dùng tên hoạn quan Hoàng Hạo, ngày đêm ham mê tửu sắc. Ta nên dùng mẹo phản gián, để cho Thục chủ đòi Khương Duy về, thì mới giải được nguy này.
Ngải hỏi các mưu sĩ rằng:
- Có ai vào được Thục, kết hiếu với Hoàng Hạo không?
Đảng Quân xin đi. Ngải mừng lắm, sai Đảng Quân mang vàng ngọc, châu báu vào Thành Đô, kết liên với Hoàng Hạo, nói phao lên rằng Khương Duy có bụng oán thiên tử, không bao lâu tất về hàng Ngụy. Bởi thế người ở Thành Đô đồn khắp cả đi, ai ai cũng biết, Hoàng Hạo vào tâu với Hậu chủ, Hậu chủ lập tức sai người đi gấp đòi Khương Duy về triều.
Khi ấy Khương Duy luôn mấy hôm khiêu chiến, Đặng Ngải giữ vững không ra. Duy trong bụng nghi hoặc, chưa biết nghĩ thế nào. Chợt có sứ giả đến triệu về. Duy không biết tại sao đành phải rút quân về triều. Đặng Ngải, Tư Mã Vọng biết rằng Duy đã trúng phải mẹo, liền cất quân Vị Nam, đuổi đánh.
Ấy mới là:
Nhạc Nghị đánh Tề gặp kẻ phản,
Nhạc Phi phá giặc mắc lời gièm,
Chưa biết sau này ra làm sau, xem hồi sau phân giải.
Hồi 114:
Tào Mao ruổi xe chết cửa nam
Khương Duy bỏ lương phá quân Ngụy
Khương Duy nhân có chiếu đòi về, bèn truyền lệnh rút quân.
Liêu Hóa nói:
- Tướng ở ngoài, tuy có mệnh vua, không nghe cũng được. Nay dẫu có chiếu, nhưng chớ nên lui vội.
Trương Dực nói:
- Tướng quân luôn động binh mấy năm, nên người Thục đều có lòng oán cả, không bằng chấp nhận dịp này vừa được trận, thu quân mã về cả, để yên bụng dân. Sau sẽ liệu kế khác.
Duy nghe lời, sai quân sĩ y phép lui về, để Liêu Hóa, Trương Dực đi chặn hậu, phòng quân Ngụy đuổi theo.
Nói về Đặng Ngải dẫn quân đuổi theo, trông thấy quân Thục đi trước, tinh kỳ nghiêm chỉnh, từ từ lui về.
Ngải than rằng:
- Khương Duy thực là học được phép Võ hầu sâu lắm!
Bởi thế cũng không dám đuổi nữa, quay binh trở lại trại Kỳ Sơn.
Khương Duy về đến Thành Đô, vào ra mắt Hậu chủ, hỏi tại sao mà đòi về.
Hậu chủ nói:
- Ngươi ở mãi ngoài biên đình, trẫm sợ quân sĩ vất vả, cho nên đòi ngươi về triều, chớ không có việc gì cả.
Duy tâu rằng:
- Tôi đã lấy được trại Kỳ Sơn, sắp sửa thành công, không ngờ nửa đường lại bỏ dở, biết là trúng phải mẹo phản gián của Đặng Ngải.
Hậu chủ nín lặng.
Khương Duy lại tâu rằng:
- Tôi thề hết sức đánh giặc, để báo ơn nước. Bệ hạ chớ nghe lời tiểu nhân mà sinh bụng ngờ vực.
Hậu chủ ngồi lâu lâu, mới nói rằng:
- Trẫm không nghi ngờ gì ngươi. Ngươi hãy về Hán Trung, đợi khi nào nước Ngụy có biến sẽ sang đánh.
Khương Duy thở dài, ra về Hán Trung.
Đảng Quân về trại Kỳ Sơn, báo việc ấy với Đặng Ngải, Ngải bàn với Tư Mã Vọng:
- Trong Thục vua tôi không hòa, tất sinh nội loạn.
Liền sai Đảng Quân về Lạc Dương báo tin ấy với Tư Mã Chiêu.
Chiêu mừng lắm có bụng muốn đánh Thục, hỏi trung hộ quân là Giả Sung rằng:
- Ta muốn đánh Thục có nên không?
Sung nói:
- Chưa nên, thiên tử còn có bụng ngờ chúa công. Nếu chúa công một mai đi vắng, ở nhà tất sinh chuyện ngay. Năm ngoái rồng vàng hai lần hiện trong giếng Ninh Lăng, quần thần dâng biểu là điềm lành. Thiên tử nói rằng: "Đó không phải điềm lành. Rồng là tượng vua, nay rồng trên không ở trời, dưới không ở ruộng, mà đi ở trong giếng, ấy là điều rồng phải giam hãm". Rồi có làm một bài thơ rồng lặn, ý trong thơ chỉ rõ về chúa công. Thơ rằng:
Thương thay rồng chịu khốn
Không vượt khỏi vực sâu,
Trên trời đã không ở,
Giữa ruộng nào thấy đâu?
Cuốn khúc nằm đáy giếng,
Lươn chạch lượn trước sau,
Vây cánh xếp một xó,
Thân ta cùng một màu!
Tư Mã Chiêu nghe xong, nổi giận, bảo Giả Sung rằng:
- Người này lại muốn bắt chước Tào Phương đây! Nếu không liệu sớm đi, tất có khi hại ta.
Sung nói:
- Tôi xin sớm tối lo giúp chúa công việc ấy.
Bấy giờ là năm Cam Lộ thứ năm nhà Ngụy, mùa hạ, tháng tư, Tư Mã Chiêu đeo gươm lên điện. Mao đứng dậy đón vào.
Quần thần tâu rằng:
- Công đức của đại tướng quân cao vòi vọi nên phong làm Tấn công, gia lễ cửu tích.
Mao cúi đầu không nói câu gì.
Chiêu hét lên rằng:
- Cha con, anh em nhà tôi ba đời, biết bao nhiêu công lao với Ngụy. Nay làm Tấn công không đáng hay sao?
Mao đáp rằng:
- Dám đâu chẳng vâng lời.
Chiêu nói:
- Bài thơ rồng lặn, coi chúng tôi như con lươn, con chạch là ý làm sao?
Mao không trả lời được. Chiêu tủm tỉm cười trở ra.
Mao vào hậu cung cùng với thị trung Vương Thẩm, thượng thư Vương Kinh, tán kỵ thường thị Vương Nghiệp bàn bạc.
Vương Kinh khóc nói rằng:
- Không nên. Ngày xưa vua Chiêu Công nước Lỗ, không chịu nhịn nhục với họ Quí, đến nỗi phải bỏ nước mà chạy. Nay quyền to vào tay họ Tư Mã cả rồi, công khanh trong ngoài, không nghĩ gì đến lẽ thuận nghịch, a dua theo về với giặc, không cứ một ai. Vả lại quân túc vệ của bệ hạ đưa đón, không có người chịu dùng sức. Nếu không nín náu nhịn nhục, thì vạ đến nơi ngay. Xin hãy thong thả lo toan, chớ nên hấp tấp.
Mao nói rằng:
- Điều ấy mà chịu nhịn, thì còn điều gì không nhịn nữa? Ý trẫm đã quyết rồi, dù chết cũng không ngại!
Nói đoạn, vào tâu với Thái Hậu.
Vương Thẩm, Vương Nghiệp, bảo Vương Kinh rằng:
- Việc đã kíp rồi, chúng ta không nên dây vào mà chết cả họ, nên đến thú trước với Tư Mã Công, kẻo mà chết oan.
Kinh giận, nói rằng:
- Chúa lo, tôi phải nhục; chúa nhục tôi phải chết, các ngươi dám mang hai lòng à?
Hai người thấy Vương Kinh không nghe, liền đến báo với Tư Mã Chiêu trước.
Lại nói, Ngụy chủ Tào Mao vào nội cung, sai quan hộ vệ là Tiêu Bá tụ tập quân túc vệ trong điện, cùng đầy tớ hầu hạ được hơn ba trăm người, đánh trống hò reo tiếng ra. Mao cầm gươm ngồi trên xe quát tả hữu kéo ra cửa nam.
Vương Kinh lạy phục xuống khóc mà can rằng:
- Bệ hạ dắt vài trăm người đánh Tư Mã Chiêu, khác nào xua đàn dê vào trong miệng hổ, chết uổng vô ích. Tôi không dám tiếc mình đâu, nhưng thực là việc không nên làm.
Mao nói:
- Quân ta đã đi, ngươi không nên ngăn trở.
Liền giục quân kéo ra cửa Long Môn, đến nơi thấy Giả Sung mặc đồ nhung phục cưỡi ngựa, có Thành Tốt, Thành Tế đi kèm hai bên, dẫn vài nghìn quân cấm binh thiết giáp hò reo kéo đến.
Mao trỏ gươm quát mắng rằng:
- Tao là thiên tử đây, chúng bây xông vào nơi cung đình, muốn giết vua hay sao?
Cấm binh trông thấy Tào Mao cũng không dám động. Giả Sung bảo Thành Tế rằng:
- Tư Mã Công nuôi mày làm trò gì? Chính vì việc hôm nay đấy.
Tế cầm ngọn kích, ngoảnh lại hỏi Giả Sung rằng:
- Giết đi hay là trói lại?
Sung nói:
- Tư Mã Công truyền cho giết quách đi.
Thành Tế xông thẳng đến trước xe.
Mao quát lên rằng:
- Thất phu dám xấc à?
Mao nói vừa dứt lời, bị Thành Tế đâm một kích vào giữa ngực, ngã sấp xuống dưới xe; lại bồi thêm một kích từ sau lưng suốt ra ngoài bụng, Mao chết ở cạnh đường.
Tiên Bá cầm giá lại đánh, cũng bị Thành Tế đâm chết; chúng tan vỡ trốn sạch.
Vương Kinh tự mé sau chạy đến, quát mắng Giả Sung rằng:
- Quân nghịch tặc kia, sao dám giết vua làm vậy?
Sung nổi giận, quát tả hữu trói lại, rồi về báo với Tư Mã Chiêu. Chiêu vào cung, thấy Mao đã chết, giả vờ thất kinh, đập đầu xuống xe mà khóc, rồi sai người báo tin với các đại thần. Thái phó Tư Mã Phu vào, thấy thây Tào Mao nằm đấy, bèn gối đầu vào đùi khóc rằng:
- Giết bệ hạ là lỗi tại tôi đây!
Bèn dùng quan quách khâm liệm, đình tại mé tây thiên điện.
Chiêu mời quần thần vào bàn bạc. Quần thần đến cả, chỉ thiếu có thượng thư bộc xạ Trần Thái. Chiêu sai cậu Trần Thái là Tuân Khải gọi Thái đến.
Thái khóc nói rằng:
- Người ta vẫn cho tôi bằng với cậu. Nay cậu thực không bằng tôi.
Bèn mặc áo gai, đội khăn trở đi vào, khóc lạy trước linh cửu.
Chiêu cũng giả tảng khóc hỏi rằng:
- Việc hôm nay nên nghĩ thế nào bây giờ?
Thái nói:
- Chỉ chém Giả Sung đi, thì còn tạ được thiên hạ một chút mà thôi.
Chiêu ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói rằng:
- Nên kéo sụt xuống một bậc.
Thái nói:
- Tôi chỉ biết thế thôi, chớ không biết bậc nào nữa.
Chiêu nói:
- Thành Tế đại nghịch vô đạo, nên đem mổ bụng và giết cả ba họ nó đi.
Người sau có thơ than rằng:
Tư Mã năm xưa sai Giả Sung,
Giết vua Nam Ải máu tuông hồng,
Lại đem Thành Tế giết ba họ,
Tiếng tăm đồn đại kẻ gian hùng
.
Chiêu lại sai bắt cả nhà Vương Kinh bỏ ngục. Vương Kinh đang ở trong tòa đình úy, nghe thấy mẹ bị trói điệu đến. Kinh đập đầu khóc vang lên nói rằng:
- Con bất hiếu này, làm lụy đến cả mẹ đây!
Bà mẹ cười nói rằng:
- Người ta ai chẳng chết; chỉ sợ chết vì chuyện không đáng chết mà thôi; nay chết vì việc này, thì còn giận gì nữa!
Hôm sau Chiêu sai giải cả nhà Vương Kinh ra chợ cửa đông hành tội. Hai mẹ con Vương Kinh cười nụ chịu hình. Nhân dân trong thành ai thấy cũng ứa nước mắt.
Người sau có thơ khen rằng:
Đầu Hán Bá Vương mẫu,
Cuối Ngụy mẹ Vương kinh,
Khảng khái bụng trung liệt,
Gan góc chí kiên trinh,
Trọng tiết cao vun vút,
Coi mình nhẹ thênh thênh,
Mẹ ấy có con ấy,
Tiếng thơm ghi sử xanh.
Thái phó Tư Mã Phu xin dùng vương lễ táng cho Tào Mao. Chiêu nghe lời. Bọn Giả Sung khuyên Chiêu thay nhà Ngụy mà lên ngôi Hoàng Đế.
Chiêu nói rằng:
- Ngày xưa vua Văn Vương thiên hạ chia ba đã có hai phần rồi mà còn đem dân mình chịu việc nhà Ân, cho nên thánh nhân khen là chí đức. Ngụy Võ Đế không chịu thay ngôi nhà Hán, nay ta không chịu thay ngôi nhà Ngụy, cũng thế.
Bọn Giả Sung biết ý Tư Mã Chiêu để dành lại cho Tư Mã Viêm, mới không khuyên nữa.
Tháng sáu năm ấy, Tư Mã Chiêu lập Thường đạo hương công là Tào Hoàng lên làm vua, cải niên hiệu là Cảnh nguyên năm thứ nhất. Tào Hoàng đổi tên là Tào Hoán, tự là Cảnh Danh, nguyên là con Yên Vương Tào Vũ, tức là cháu Tào Tháo.
Hoán phong Tư Mã Chiêu làm thừa tướng, tước Tấn công thưởng cho mười vạn quan tiền, một vạn tấm lụa. Văn võ các quan đều được phong thưởng cả.
Có quân tế tác báo tin ấy về Thục.
Khương Duy nghe tin Tư Mã Chiêu giết Tào Mao lập Tào Hoán mừng nói rằng:
- Ta phen này cất quân đi, lại có cớ đây rồi!
Liền viết thư đưa sang Ngô, hẹn nhau cùng cất quân hỏi tội Tư Mã Chiêu giết chúa. Một mặt tâu với Hậu chủ cất mười lăm vạn quân, đem vài nghìn cỗ xe, trên xe đóng hòm ván; sai Liêu Hóa, Trương Dực làm tiên phong, Hóa đi lối ra hang Tí Ngọ, Dực đi lối ra hang Lạc Cốc; Duy ra hang Tà Cốc. Ba mặt cùng kéo đến Kỳ Sơn.
Đặng Ngải ở trong trại Kỳ Sơn, rèn tập quân mã, nghe tin quân Thục ba mặt kéo đến, bèn hội các tướng lại bàn bạc.
Tham quân Vương Quán ghé tai Đặng Ngải nói rằng:
- Cứ làm như thế...như thế...chắc là bắt được Khương Duy.
Ngải nói:
- Mẹo này hay đây, chỉ ngại không lừa nổi Khương Duy.
Quán nói:
- Tôi xin đi chuyến này.
Ngải nói:
- Nếu ngươi kiên gan được, thì tất cũng thành công.
Bèn cấp cho Vương quán năm nghìn quân cho đi. Quán liền đem đi thẳng hang Tà Cốc, vừa gặp quân tiễu mã tiền bộ của Khương Duy kéo đến.
Quán kêu rằng:
- Ta là tướng Ngụy đến hàng đây, nên báo với chủ tướng cho ta.
Quân tiễu mã về báo với Khương Duy, Duy sai ngăn cả quân mã ở ngoài, chỉ cho một người tướng đầu đi vào.
Quán lạy phục xuống đất nói rằng:
- Tôi là cháu Vương Kinh tên là Vương Quán. Tư Mã Chiêu giết vua, lại giết cả nhà chú tôi, đau đớn biết ngần nào. Nay mai tướng quân cất binh đến hỏi tội, vậy tôi xin đem năm nghìn quân bản bộ của tôi lại hàng, để báo thù cho chú tôi.
Duy mừng lắm bảo rằng:
- Ngươi đã có bụng thực lại hàng, ta cũng lấy bụng thực xử với ngươi. Quân ta chỉ cốt lo về việc lương, nên có vài nghìn xe lương, hiện ở cửa Xuyên, ngươi nên về đó vận tải đến Kỳ Sơn cho ta. Còn ta thì đến lấy trại Kỳ Sơn đây.
Quán mừng rỡ, chắc là Khương Duy mắc mẹo, vâng lời đi ngay.
Duy nói:
- Vận lương không phải dùng đến năm nghìn người, chỉ dẫn ba nghìn quân đi cũng đủ, còn để hai nghìn quân đưa đường cho ta đến đánh Kỳ Sơn.
Quán sợ Duy sinh nghi, vậy để hai nghìn quân lại, dẫn ba nghìn quân đi.
Duy sai Phó Thiêm dẫn hai nghìn quân hàng đợi khi dùng tới, chợt có Hạ Hầu Bá đến. Bá nói với Duy rằng:
- Đô đốc cớ sao lại nghe lời Vương Quán thế? Tôi ở nước Ngụy, chưa thấy ai nói Vương Quán là cháu Vương Kinh bao giờ. Đây tất là có mẹo lừa dối. Xin đô đốc xét cho.
Duy cười nói rằng:
- Ta đã biết Vương Quán trá rồi, cho nên chia bớt binh thế, nhân kế nó mà dùng kế mình.
Bá hỏi:
- Đô đốc lấy cớ gì mà biết trá?
Duy nói:
- Tư Mã Chiêu gian hùng, chẳng kém gì Tào Tháo. Nay đã giết ba họ Vương Kinh, có lẽ đâu còn để một người cháu nối giữ binh quyền ngoài cửa ải? Bởi thế ta biết là dối. Kiến thức Trọng Quyền chính hợp với ý ta lắm.
Bởi vậy Khương Duy không ra Tà Cốc vội, sai người phục sẵn ở giữa đường, đề phòng quân gian tế của Vương Quán. Chưa được mươi ngày, quả nhiên bắt được một tên mang thư của Vương Quán về báo cho Đặng Ngải. Duy tra hỏi tình đầu, khám bắt được phong thư. Trong thư hẹn đến ngày hai mươi tháng tám, thì vận lương từ con đường nhỏ đem về trại lớn, xin Đặng Ngải dẫn binh đến hang Đàm Sơn tiếp ứng. Duy giết phắt người mang thư, rồi một mặt đem thư đổi ngày hai mươi thành ngày rằm sai người ăn mặc giả làm quân Ngụy, đem đến đưa cho Đặng Ngải. Một mặt sai người đem vài trăm xe lương, tháo bỏ lương gạo ra, chứa củi khô cỏ ráo và đồ dẫn lửa vào trong, trùm kính vải xanh ở ngoài; sai phó thêm dẫn hai nghìn quân hàng, cầm toàn cờ hiệu tải lương. Duy cùng với Hạ Hầu Bá, mỗi người dẫn một toán quân phục sẵn trong hang núi. Lại sai Tưởng thư ra hang Tà Cốc, Liêu Hóa, Trương Dực tiến quân đến lấy Kỳ Sơn.
Đặng Ngải bắt được thư của Vương Quán, mừng lắm viết thư giao cho người ấy đem về trả lời. Đến ngày rằm tháng tám, Ngải dẫn năm vạn tinh binh đến hang Đàm Sơn. Còn cách một quãng xa, Ngải cho người trèo lên cao dòm xem làm sao, thì thấy xe lương liên tiếp nhau, không biết bao nhiêu mà kể, đang đi khuất trong đường núi, Ngải kìm ngựa lại ngắm nghía kỹ xem một hồi, quả nhiên toàn quân Ngụy.
Tả hữu bẩm rằng:
- Trời đã chiều tối, nên vào mau mà tiếp ứng cho Vương Quán ra khỏi cửa hang.
Ngải nói:
- Mé trước núi non khuất khúc, phòng có quân phục, thì lui làm sao cho kịp? Chỉ nên đứng đây mà đợi.
Đang nói chuyện, có hai tên kỵ mã chạy đến, báo rằng:
- Vương tướng quân mang lương thảo chạy về, có quân mã mặt sau đuổi theo, xin lại tiếp ứng ngay cho.
Ngải thất kinh, giục quân tiến đến. Bấy giờ vào đầu canh, trăng sáng như ban ngày. Nghe ở mé sau núi có tiếng hò reo, Ngải đồ là Vương Quán đánh nhau với quân Thục, thúc quân tiến thẳng đến. Bỗng đâu một toán quân ở trong rừng rậm đổ ra. Tướng Thục là Phó Thiêm quất ngựa quát to lên rằng:
- Đặng Ngải mày mắc phải mẹo của chủ tướng tao rồi. Sao không xuống ngựa chịu chết đi cho mau.
Ngải giật mình kíp quay ngựa về. Bấy giờ lửa trên xe cháy tung lên cả: Quân Thục trông thấy hiệu lửa, cùng đổ cả ra, đánh giết quân Ngụy tan tành. Bốn phía núi reo ầm lên rằng:
- Hễ ai bắt được Đặng Ngải, thưởng cho nghìn vàng, phong làm hầu vạn hộ.
Đặng Ngải hồn bay phách lạc, cởi giáp quẳng chỏm mũ, nhảy xuống ngựa đi lẫn vào bọn quân bộ, trèo non vượt suối trốn về. Khương Duy, Hạ Hầu Bá cứ trông người cưỡi ngựa đi đầu mà đuổi theo, không ngờ Đặng Ngải đã chạy bộ trốn thoát, Duy bấy giờ mới đem quân thắng trận, đến tiếp xe lương của Vương Quán.
Vương Quán vốn đã mật ước với Đặng Ngải, nên đã chuẩn bị sẵn lương thực, xe trượng, chỉ đợi đến là khởi sự. Chợt có người tâm phúc đến báo công việc đã bị tiết lộ, Đặng tướng quân chưa biết sống chết ra sao. Quán giật mình, sai người đi thám xem sao thì người ấy báo về có ba mặt quân sắp kéo đến. Sau lưng lại thấy bụi bay mù mịt, bốn phía lại không biết đường nào chạy. Quán quát sai quân sĩ phóng hỏa đốt sạch lương thảo, xe trượng. Một lát, lửa cháy đùng đùng, sáng rực đất trời.
Quán kêu to lên rằng:
- Việc kíp đến nơi rồi, chúng mày cố chết mà đánh đi thôi!
Nói đoạn, Quán dẫn quân đánh ra mé tây. Khương Duy thúc ba mặt quân đuổi rát, tưởng rằng Vương Quán thế nào cố chết cũng phải chạy về Ngụy, không ngờ lại kéo vào Hán Trung. Quán quân ít, sợ quân Thục đuổi kịp, mới sai người đốt phá các quan ải và đường sàn. Khương Duy sợ Hán Trung sơ suất, bèn không đuổi Đặng Ngải nữa, vội vàng cất quân lẻn đi đường tắt theo giết Vương Quán. Quán bị quân Thục vây đánh cả bốn mặt, không sao thoát được, liền đâm đầu xuống sông Hắc Long tự tử. Còn quân sĩ Khương Duy bắt được đem chôn sạch.
Duy tuy đánh được Đặng Ngải trận này, nhưng bị thiệt rất nhiều lương thảo, và bị phá hủy mất đường sàn, bởi thế cũng rút quân về Hán Trung.
Đặng Ngải dẫn bại binh về trại Kỳ Sơn, dâng biểu xin chịu tội, tự giáng chức xuống. Tư Mã Chiêu thấy Ngải nhiều khi lập được công to, không nỡ giáng chức, mà lại thưởng thêm cho tiền của rất nhiều. Ngải đem tiền của ấy cấp cho các gia đình tướng sĩ bị hại.
Chiêu sợ quân Thục lại ra, cấp thêm cho Đặng Ngải năm vạn quân để phòng giữ.
Khương Duy ngày đêm sửa san đường sàn, lại bàn cất quân sang đánh Ngụy.
Ấy là:
Đường sàn sửa gấp, quân rong ruổi,
Chưa được Trung Nguyên, chết chẳng thôi.
Chưa biết được thua thế nào, xem hồi sau sẽ hiểu.
La Quán Trung
Người dịch: Hồng Việt
Theo https://www.sachhayonline.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...