Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Hồng lâu mộng 14

Hồng lâu mộng 14
Hồi 66:
Cô bé đa tình, hổ vì tình về nơi địa phủ;
Chàng Hai lạnh nhạt, khi quá lạnh vào chốn không môn.
Vợ Bào Nhị đánh thằng Hưng một cái, cười nói:
- Thực thì thực đấy, nhưng đến mồm mày lại thêu dệt to chuyện ra. Nghe câu nói đủ biết mày không giống người nhà cậu Hai, mà giống người nhà cậu Bảo ấy!
Chị Hai còn muốn hỏi nữa, thì chị Ba đã cười hỏi:
- Cậu Bảo bên nhà mày ngoài việc học ra, còn làm gì nữa không?
Thằng Hưng cười nói:
- Dì Ba đừng hỏi cậu ấy nữa. Cháu nói chưa chắc dì đã tin. Cậu ấy lớn như thế mà chưa thực là đi học. Bên nhà cháu từ các cụ cho đến cậu Hai, ai chẳng trải mười năm đèn sách. Chỉ có cậu ấy không thích học, vì là bảo bối của cụ. Trước kia ông cháu còn dạy bảo, nay cũng không dám kiềm thúc nữa. Suốt ngày cậu ấy như người điên rồ, nói gì người ta cũng không hiểu, làm gì người ta cũng không hay. Nhìn bề ngoài có vẻ khôi ngô thanh tú, chắc trong bụng phải là thông minh, không ngờ lại rất hồ đồ. Trông thấy ai cũng chẳng nói một câu gì. Có điều tốt là tuy không đi học, nhưng cũng biết được một ít chữ. Ngày nào cũng chẳng văn ôn võ luyện gì cả, lại sợ tiếp người lạ, chỉ thích chơi đùa với bọn a hoàn thôi. Hơn nữa cậu ta cũng không chí khí gì. Có khi gặp chúng cháu vui ra thì chẳng kể trên dưới, mọi người nô đùa một chập; nếu không thích, mỗi người một nơi, cậu ấy cũng mặc kệ. Chúng cháu đương nằm hay ngồi, trông thấy cậu ấy đến cũng mặc. Cậu ấy cũng chẳng trách mắng gì. Vì thế chả ai sợ cả, cứ tùy tiện thế cũng xong.
Chị Ba cười nói:
- Chủ mà dễ tính thì chúng bay như thế đấy, nếu khó tính thì lại oán trách. Thế mới biết chúng mày thực là khó xử.
Chị Hai nói:
- Chúng ta xem cậu ấy như thế cũng tốt đấy. Đáng tiếc cậu ấy hãy còn là một chàng trai non nớt.
Chị Ba nói:
- Chị tin nó nói nhảm à? Chúng ta đã gặp cậu ấy mấy lần rồi. Xem cách ăn nói, cách xử sự của cậu ấy có vẻ hơi giống con gái. Đó là vì ngày nào cậu ấy cũng ở chung trong đám chị em, thành ra thói quen, chứ hồ đồ ở chỗ nào? Chị còn nhớ hôm làm lễ mặc áo tang, chúng ta đều ở đó cả. Hôm ấy bọn hòa thượng làm lễ đi quanh quan tài, chúng ta cũng đứng cả đấy. Cậu ta cứ đứng ngáng ở đằng trước. Ai cũng bảo cậu ta không biết lễ, trông đần độn. Nhưng sau cậu ấy bảo thầm chúng ta: “Các chị không biết, không phải tôi đần độn đâu. Bọn hòa thượng hôi hám như thế, sợ xông bẩn đến các chị”. Sau đó cậu ta uống nước, chị cũng muốn uống, bà già lấy ngay cái chén của cậu ta đi rót, cậu ấy vội bảo: “Chén bẩn đấy, phải rửa đi rồi hãy rót”. Tôi để ý xem hai việc này, thấy cậu ấy đối với con gái không cứ cái gì, đều tử tế cả, nhưng không hợp với lề lối của người ngoài, vì thế bọn họ không biết.
Chị Hai cười nói:
- Theo lời dì nói thì dì và cậu ấy tình ý đã hợp nhau rồi. Cứ gả dì cho cậu ấy chẳng tốt ư?
Chị Ba thấy thằng Hưng đứng đấy, không tiện nói lại, cúi gầm đầu xuống. Thằng Hưng cười nói:
- Xem dáng người và cử chỉ thì đẹp đôi đấy, nhưng cậu ấy đã có chỗ rồi, chỉ chưa nói rõ ra thôi. Sau này chắc là cô Lâm đấy. Vì cô ấy hay ốm, hai người lại còn bé, nên chưa bàn đến. Vài ba năm nữa, cụ nói ra một câu thì việc gì mà không xong.
Mọi người đương nói chuyện, thấy thằng Long lại đến nói:
- Ông nhà có việc rất quan trọng định sai cậu Hai đến châu Bình An. Độ dăm ba hôm nữa thì đi, cả đi cả về phải mất độ mười lăm, mười sáu ngày. Hôm nay cậu ấy không đến, xin bà hãy bàn định việc ấy với dì Hai. Ngày mai cậu ấy đến sẽ định liệu.
Nói xong cùng thằng Hưng quay về.
Chị Hai sai đóng cửa đi ngủ, gạn hỏi em gái cả đêm.
Trưa hôm sau, Giả Liễn mới đến. Chị Hai nói:
- Đã có việc cần, sao cậu còn trở lại làm gì? Xin cậu đừng vì em mà lỡ việc.
- Có việc gì đâu, chỉ sắp đi xa một chuyến. Sang đầu tháng sau anh đi, phải chừng nửa tháng mới về được.
- Đã thế cậu cứ yên tâm mà đi, ở nhà không phải lo nghĩ gì. Dì Ba vẫn là người không hay thay đổi ý định. Dì ấy đã chọn được rồi, cậu cứ nghe theo dì ấy là được.
- Ai đấy?
- Người ấy bây giờ không ở đây, không biết bao giờ mới đến. Khen cho dì ấy tinh mắt thật. Dì ấy đã nói: người ấy một năm không đến, thì chờ một năm; mười năm không đến thì chờ mười năm. Nếu người ấy chết đi, thì dì ấy đành cắt tóc đi tu, ăn chay niệm phật, chứ quyết không lấy ai nữa.
- Rút cục là ai, làm dì ấy cảm đến thế?
- Nói ra thì dài. Năm năm về trước, ngày sinh nhật bà em, mẹ và chúng em chúc thọ, nhà bà em có mời một bọn con hát, đều là con nhà tử tế cả. Trong đó có một người đóng vai học trò tên là Liễu Tương Liên. Nay dì ấy nhất định chờ lấy anh ta. Nhưng năm ngoái nghe đâu anh ta gây vạ rồi trốn đi, không biết đã về hay chưa?
- Thảo nào! Anh cứ tưởng là ai, té ra là hắn! Dì ấy cũng tinh mắt thật! Em không biết, chàng trai Liễu này là người rất phong nhã, nhưng bụng rất lạnh nhạt, đối với nhiều người không có tình nghĩa gì cả. Hắn rất hợp tính với Bảo Ngọc. Năm ngoái vì hắn đánh chàng ngốc họ Tiết, ngượng với chúng ta, nên bỏ đi đâu mất, vẫn chưa thấy về. Có người nói hắn đã về rồi, không biết là thật hay dối, cứ hỏi bọn hầu chú Bảo sẽ biết. Nếu hắn không về, chả hóa ra bèo trôi nước chảy, chờ đợi biết đến bao giờ? Như thế chẳng lỡ mất việc lớn của mình hay sao?
- Dì Ba nhà em nói thế nào làm như thế. Ta cũng đành phải tùy dì ấy thôi.
Hai người đương nói chuyện, thì chị Ba chạy đến nói:
- Anh ơi, anh cứ yên tâm, chúng tôi không phải là người nói một đằng làm một nẻo, đã nói thế nào thì làm thế ấy. Từ nay trở đi, tôi ăn chay niệm phật, hầu hạ mẹ già, chờ anh Liễu về đây tôi sẽ lấy; một trăm năm nữa anh ấy không về, thì tôi đành chịu đi tu.
Nói xong, chị ta rút cái trâm ngọc ở trên đầu xuống bẻ làm đôi, nói:
- Nếu tôi nói sai lời thì cũng như cái trâm này.
Rồi chị ta đi về buồng, từ đó một lời nói, một cử chỉ, chị ta đều giữ đúng mức.
Giả Liễn không biết làm thế nào, đành bàn việc với chị Hai một lúc, rồi về nhà bàn với Phượng Thư việc mình sắp đi. Một mặt sai người đi hỏi Dính Yên về việc Liễu Tương Liên. Dính Yên nói:
- Không biết. Có lẽ cậu ấy không về, nếu về tất tôi phải biết.
Giả Liễn lại hỏi những người xung quanh, ai cũng nói là Liễu Tương Liên chưa về. Giả Liễn đành trả lời cho chị Hai biết.
Gần đến ngày phải đi, Giả Liễn nói là lên đường rồi lẻn đến ở nhà chị Hai hai đêm, sau đó mới đi. Thấy chị Ba như thay đổi hẳn con người, mà chị Hai lại trông nom việc nhà cẩn thận, nên Giả Liễn không phải lo nghĩ gì đến.
Sáng hôm ấy, Giả Liễn ra khỏi thành, ngày đi đêm nghỉ, đói ăn khát uống theo đường lên châu Bình An. Mới đi được ba ngày, hôm đó đang đi, gặp một đoàn ngựa thồ, trong đó cả thầy và tớ cưỡi độ mười con ngựa. Lúc đến gần, nhìn ra thì không phải ai lạ, chính là bọn Tiết Bàn và Liễu Tương Liên. Giả Liễn lấy làm lạ, dong ngựa đến đón. Mọi người chào nhau, hỏi han một lúc, rồi vào nghỉ ở quán rượu, cùng nhau nói chuyện.
Giả Liễn cười nói:
- Sau khi hai chú sinh chuyện với nhau, chúng tôi định mời cả đến hòa giải, ngờ đâu chú Liễu đi biệt, chẳng thấy tung tích đâu. Sao hai chú hôm nay lại cùng đi với nhau?
Tiết Bàn cười nói:
- Trên đời lại có việc lạ thế đấy. Tôi và bọn người nhà đi mua hàng, bắt đầu từ mùa xuân. Trên đường về, vẫn bình yên. Ngờ đâu hôm nọ đi đến châu Bình An, gặp một bọn cướp. Chúng cướp mất hết hàng. Bỗng thấy chú Liễu ở đâu đến, đánh tan bọn cướp, lấy lại hàng, cứu được tính mệnh chúng tôi. Tôi biếu gì chú ấy cũng không lấy, nên mới kết làm anh em, sống chết có nhau; bây giờ cùng về Kinh đô. Từ nay trở đi chúng tôi coi nhau như anh em ruột. Đi đến ngã ba đường trước mặt thì chia tay nhau. Chú ấy đi về phía Nam độ hai trăm dặm, đến thăm nhà bà cô ở đó. Tôi về Kinh thu xếp công việc, sẽ tìm một ngôi nhà, và hỏi cho chú ấy một người vợ; rồi chúng tôi ở chung với nhau.
Giả Liễn nghe xong nói:
- Nguyên do như vậy. Thế mà làm tội chúng tôi mong đợi bấy lâu nay.
Rồi lại nói:
- Vừa rồi bàn việc hỏi vợ cho chú Liễu, tôi hiện có một nơi tốt, xứng đáng với chú Liễu.
Nói xong Giả Liễn kể việc mình đã lấy con gái họ Vưu và muốn gả chồng cho em vợ, nhưng không nói đến việc chị Ba tự ý chọn lấy Liễu Tương Liên. Lại dặn Tiết Bàn:
- Đừng nói chuyện ấy cho nhà biết nhé. Khi nào có con thì tự khắc họ biết.
Tiết Bàn mừng rỡ nói:
- Nên làm như thế từ lâu mới phải. Đó đều là lỗi của cô em ngoại(1) tôi cả.
Liễu Tương Liên cười nói:
- Anh lại quên rồi. Sao không im đi.
Tiết Bàn vội thôi không nói nữa. Nhưng lại hỏi:
- Đã thế thì việc hôn nhân ấy nhất định phải làm mới được.
Tương Liên nói.
- Tôi có ý định phải là một người con gái tuyệt đẹp tôi mới lấy. Giờ anh em anh đã có bụng tốt, tôi cũng không thể nghĩ nhiều nữa, tùy các anh định liệu, thế nào tôi cũng xin vâng.
Giả Liễn cười nói:
- Bây giờ miệng nói không có bằng cứ, chờ khi chú Liễu trông thấy thì mới biết phẩm hạnh, dung mạo của em vợ tôi, thật là xưa nay có một không hai.
Tương Liên mừng rỡ, nói:
- Đã thế, để tôi về thăm cô tôi trong vòng một tháng rồi vào Kinh, lúc đó sẽ định có được không?
Giả Liễn cười nói:
- Tôi với chú nói một câu là xong, nhưng tôi không tin được chú, vì chú nay đây mai đó, như nước chảy bèo trôi. Nếu chú không trở lại thì chẳng lỡ việc lớn của cả đời người ta hay sao? Chú nên để lại một vật gì làm tin.
Tương Liên nói:
- Đã là bậc trượng phu có lẽ nào lại sai lời? Em vốn là người nghèo ở nơi đất khách, còn có vật gì làm tin được?
Tiết Bàn nói:
- Tôi có sẵn đây, xin đưa một ít nhờ anh Hai đem về cho.
Giả Liễn nói:
- Không cứ vàng bạc châu báu, chỉ cần vật gì chú Hai đem theo trong mình, bất kể tốt xấu, để tôi mang về làm tin thôi.
Tương Liên nói:
- Đã thế, em không có vật gì ngoài thanh kiếm “Uyên Ương” là của báu của tổ tiên để lại, em không dám dùng đến, chỉ đeo ở trong người, xin anh nhận lấy vật này để làm tin. Dù em có nay đây mai đó, cũng quyết không bao giờ bỏ thanh kiếm này.
Nói xong, mọi người lại uống mấy chén rượu, rồi lên ngựa từ biệt nhau, mỗi người đi một ngả.
Giả Liễn đến châu Bình An, vào yết kiến quan Tiết Độ, làm xong việc rồi, quan Tiết Độ lại dặn dò trước sau tháng mười phải trở lại một lần nữa.
Giả Liễn vâng lời, hôm sau đi gấp về nhà, đến ngay chỗ chị Hai. Chị Hai ở nhà trông nom công việc rất là cẩn thận, ngày nào cũng cửa khóa then cài, không để ý đến việc bên ngoài. Chị Ba là người dút khoát, như đanh đóng cột, ngoài việc hầu hạ mẹ ra, chỉ yên phận làm ăn. Tuy có những đêm chăn đơn, gối chiếc, chưa quen với cảnh lạnh lùng, nhưng chị vẫn một lòng gạt bỏ hết thảy, chỉ mong sao Liễu Tương Liên sơm sớm trở về, để làm xong việc lớn suốt đời của chị.
Hôm ấy Giả Liễn về đến nhà, thấy quang cảnh vậy, khôn xiết vui mừng, rất khâm phục đức hạnh chị Hai. Hàn huyên xong, Giả Liễn nói việc đi đường gặp Liễu Tương Liên, lại đem kiếm “Uyên Ương” ra đưa cho chị Ba. Chị Ba trông thấy, mặt trên chạm rồng nuốt quỳ chầu (2), châu ngọc lóng lánh, khi cầm lên xem thì phía trong lại là hai lưỡi kiếm úp làm một, một bên khắc chữ “Uyên” một bên khắc chữ “Ương”, lạnh toát, sáng loáng như hai làn sóng mùa thu. Chị Ba mừng quá, treo ngay ở buồng thêu của mình. Mỗi ngày nhìn thấy thanh kiếm, chị lại mừng là suốt đời sẽ có chỗ nương thân.
Giả Liễn ở đó hai hôm, rồi về trả lời cho cha biết và đi chào hỏi mọi người trong nhà. Bấy giờ Phượng Thư đã khỏi hẳn, đã đi lại làm việc. Giả Liễn lại đem việc ấy nói cho Giả Trân biết. Nhưng vì gần đây Giả Trân đã tìm được người mới, lại bực mình về hai chị em họ Vưu vô tình, nên bỏ qua việc ấy không nghĩ đến, mặc cho Giả Liễn định đoạt. Sợ một mình Giả Liễn không đương nổi, Giả Trân đành phải cho hắn mấy chục lạng bạc. Giả Liễn cầm về đưa cho chị Hai để sắm sửa nữ trang cho dì Ba.
Ngờ đâu mãi tháng tám Tương Liên mới vào Kinh. Trước hết Tương Liên đến chào Tiết phu nhân và thăm Tiết Khoa. Tiết Bàn vì không quen sương gió, không chịu thủy thổ, vừa về tới Kinh đã bị ốm nằm ở nhà, mời thầy chạy chữa. Thấy Tương Liên đến, Tiết Bàn mời vào buồng nằm của mình. Tiết phu nhân không nghĩ đến việc trước, cả mẹ con luôn miệng cảm ơn Tương Liên đã cứu sống Tiết Bàn. Việc Liễu Tương Liên cưới vợ cũng đã được sắm sửa đầy đủ, chỉ chờ chọn ngày tốt thôi. Tương Liên vô cùng cảm động.
Hôm sau Tương Liên đến thăm Bảo Ngọc. Hai người gặp nhau như cá gặp nước. Tương Liên hỏi đến việc Giả Liễn lấy vụng vợ hai, Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi nghe Dính Yên nói, chứ chưa được trông thấy, cũng không dám dính dáng nhiều đến việc ấy. Tôi lại thấy Dính Yên nói anh Liễn cứ hỏi đến anh luôn, không biết có chuyện gì?
Tương Liên đem việc đi đường gặp nhau nói hết cho Bảo Ngọc nghe. Bảo Ngọc cười nói:
- Mừng cho anh nhé! Mừng cho anh nhé! Khó mà được người đẹp như thế! Thực là bậc tuyệt sắc xưa nay có thể sánh với anh được.
- Nếu thế thì thiếu gì người hỏi? Sao lại chỉ để ý đến tôi? Vả chăng ngày thường tôi với cô ấy không quen biết nhau lắm, làm gì cô ấy lại tha thiết đến như thế? Khi đi đường anh Liễn cứ xoắn xuýt hai ba lần, bảo tôi phải nhận lời ngay. Có lẽ nào nhà gái lại đi theo nhà trai hay sao? Tự tôi đâm ra nghi ngờ rất băn khoăn là không nên đem thanh kiếm làm của tin. Vì thế sau tôi nghĩ đến anh, có thể đến hỏi kỹ đầu đuôi việc này mới được.
- Anh là người cẩn thận kỹ càng, sao đã gửi đồ làm tin lại còn ngờ vực? Anh vẫn nói là cần một người tuyệt sắc, nay có được người rồi, anh còn nghi ngờ gì nữa?
- Anh đã không biết lai lịch người ấy, sao lại biết người ấy là tuyệt sắc?
- Các cô ấy là con riêng bà kế mẫu chị Trân đưa đến. Tôi đã gặp họ ở bên ấy một tháng, sao lại không biết? Thật là một đôi “Vưu vật”(3) mà khéo cô ấy lại là họ Vưu.
Tương Liên nghe xong giậm chân nói:
- Việc này không xong rồi! Nhất định không thể lấy được! Trong phủ Đông nhà anh, ngoài hai con sư tử đá ra, dù con mèo, con chó cũng chẳng còn trong sạch nữa. Tôi không thèm làm anh chàng rùa đen đâu!
Bảo Ngọc nghe nói, đỏ bừng mặt.
Tương Liên biết mình lỡ lời, vội vái một cái nói:
- Tôi nói bậy đáng chết! Nhưng hay dở thế nào cũng xin anh nói thực cho tôi biết tính nết cô ấy.
- Anh đã biết rõ lại còn hỏi tôi làm gì nữa? Chính tôi cũng chưa chắc đã trong sạch đâu!
- Vì tôi một lúc vô tình lỡ miệng, xin anh đừng để bụng!
- Cần gì phải nhắc lại? Thế thì anh lại để bụng rồi.
Tương Liên vái chào Bảo Ngọc đi ra, định đến tìm Tiết Bàn, nhưng nghĩ một là hắn đương ốm, hai là hắn tính nết nông nổi, chi bằng ta đi đòi lại vật làm tin. Bụng đã định thế, anh ta liền chạy đi tìm Giả Liễn. Giả Liễn đương ở buồng chị Hai, nghe Tương Liên đến, mừng lắm, chạy ra đón và mời vào nhà trong để gặp bà già họ Vưu. Tương Liên chỉ vái và gọi bà già Vưu là “bác” và tự xưng là cháu. Giả Liễn rất lấy làm lạ. Lúc uống nước, Tương Liên nói:
- Hôm nọ ở chỗ đất khách vội vàng, tôi có nhận lời, không ngờ trong tháng tư vừa qua, cô tôi ở nhà đã hỏi vợ cho tôi rồi, tôi không biết nói thế nào. Theo lời anh thì trái ý cô tôi, sợ không hợp lý. Nếu vật đính hôn là vàng hay lụa, thì tôi không dám đòi lại đâu, nhưng thanh kiếm này là của ông cha tôi để lại xin anh trả cho tôi.
Giả Liễn nghe nói, trong bụng khó chịu:
- Chú Liễu, câu ấy chú nói nhầm rồi. “Định” nghĩa là nhất định, vì sợ trái lời hứa, nên phải gửi vật làm tin. Đâu lại có việc hôn nhân thay đổi dễ dàng như thế? Chú hãy nghĩ kỹ xem.
Tương Liên cười nói:
- Thế thì tôi xin nhận những điều trách phạt, còn việc này quyết không thể tuân lệnh được.
Giả Liễn còn muốn nói nữa, nhưng Tương Liên đứng dậy nói:
- Mời anh ra ngoài nói chuyện, kẻo ở đây không tiện.
Chị Ba ở trong buồng nghe rõ câu chuyện, nghĩ bụng:  “Chờ mãi hắn mới đến, bỗng lại trái lời hứa, chắc là hắn đã nghe được câu gì ở trong phủ Giả, cho mình là bọn dâm đãng vô sỉ, nên không thèm lấy làm vợ nữa. Bây giờ để cho hắn ra ngoài nói chuyện từ hôn với Giả Liễn, chắc Giả Liễn không những không có cách gì đối xử, lại đâm ra cãi nhau, mình cũng chẳng ra gì”. Vừa nghe thấy Giả Liễn sắp đi ra với Tương Liên, chị ta lấy kiếm xuống, giấu lưỡi kiếm có chữ “Ương” vào trong nách, rồi chạy ra nói:
- Các anh không cần phải ra ngoài bàn nữa. Tôi trả lại vật làm tin của anh đây.
Nói xong, nước mắt chảy đầm đìa, tay trái đưa kiếm và bao cho Tương Liên, tay phải quay lại đưa ngang lưỡi kiếm vào cổ. Đáng thương là:
Hoa đào vò nát rơi màu đỏ;
Núi ngọc nhào nghiêng khó đỡ lên!
Lúc đó mọi người sợ hãi, vội vàng lại cứu. Bà già Vưu vừa khóc vừa mắng Tương Liên ầm lên. Giả Liễn nắm lấy Tương Liên, sai người trói lại đem trình quan. Chị Hai gạt nước mắt khuyên:
- Người ta có ép buộc dì ấy đâu, tự dì ấy tìm lấy cái chết; nếu cậu đưa người ta đến cửa quan cũng chẳng có ích gì, chỉ tổ bày việc bên xấu thôi. Chi bằng thả cho người ta đi.
Giả Liễn không biết nghĩ thế nào, liền buông tay, bảo Tương Liên đi ngay. Nhưng Tương Liên không đi, lấy khăn tay lau nước mắt, nói:
- Tôi không ngờ người ấy có khí tiết như thế! Thực đángkính.
Rồi khóc ầm lên. Một lúc áo quan mua về, khâm liệm cho nàng xong, Tương Liên vỗ vào áo quan khóc một lúc rồi mới từ biệt ra đi. Ra khỏi cửa, anh ta không biết mình nên đi đâu, âm thầm rũ rượi, nghĩ đến việc xảy ra vừa rồi, thật là người con gái đẹp đẽ có khí tiết, hối cũng không kịp!
Tương Liên đương lững thững đi, gặp người hầu của Tiết Bàn đưa hắn về nhà. Hắn vẫn thẫn thờ, mê man. Người hầu dẫn hắn vào buồng mới, thấy bày biện các cái hết sức gọn gàng, đẹp mắt. Bỗng văng vẳng nghe tiếng ngọc rung rinh, chị Ba từ đằng kia đi lại, một tay cầm thanh kiếm Uyên Ương, một tay cầm quyển sổ, khóc nói với Tương Liên:
- Thiếp vì si tình, chờ chàng đã năm năm rồi, không ngờ chàng lại lạnh nhạt như thế. Thiếp đành lấy cái chết để báo lại mối si tình ấy. Nay thiếp vâng mệnh cô tiên Cảnh Ảo đến nơi Thái Hư ảo cảnh để ghi tên một bọn ma tình đã có ở trong án. Thiếp không nỡ chia tay ngay, nên đến đây để được gặp chàng lần cuối. Từ nay trở đi, chúng ta không bao giờ gặp nhau nữa!
Nói xong, lại ngoảnh vào Tương Liên nhỏ mấy giọt nước mắt, rồi cáo từ ra đi.
Tương Liên luyến tiếc, định chạy đến kéo lại hỏi. Chị Ba nói:
- Thiếp lại từ trời tình, đi từ đất tình. Kiếp trước đã lầm vì tình, kiếp này lại xấu hổ vì tình, nên mới được giác ngộ. Thiếp với chàng từ đây không còn dính dáng gì nữa!
Nói xong, trận gió thoảng qua, phưng phức hương đưa, không thấy tông tích đâu nữa. Tương Liên tỉnh dậy, bàng hoàng như mơ lại không phải là mơ. Mở mắt nhìn kỹ, đâu là người nhà họ Tiết? Đâu là gian buồng mới? Chỉ thấy một ngôi miếu đổ, bên cạnh có một đạo sĩ đương ngồi xếp bằng bắt rận.
Tương Liên đứng dậy cúi đầu hỏi:
- Thưa đây là nơi nào? Tiên ông hiệu là gì?
Đạo sĩ cười nói:
- Chính ta cũng không biết đây là nơi nào, mà ta là người nào. Chẳng qua đến tạm nghỉ chân ở đây thôi.
Tương Liên nghe nói lạnh toát đến tận xương. Rút cái lưỡi kiếm chữ “Uyên” ra, cắt hết những sợi phiền não, rồi đi theo vị đạo sĩ, không biết đi đâu.
Chú thích:
(1). Tức Phượng Thư.
(2). Quỳ là giống thú, giống trâu mà không có sừng.
(3). Người đẹp tuyệt vời.
Hồi 67:
Thấy đồ thổ nghi, Đại Ngọc nhớ quê cũ;
Nghe việc bí mật, Phượng Thư hỏi người hầu
Sau khi chị Ba tự sát, bà già Vưu cùng chị Hai, Giả Trân, Giả Liễn đều hết sức thương khóc, liền sai người khâm liệm đưa ra ngoài thành chôn cất. Liễu Tương Liên thấy chị Ba đã mất rồi, ngẩn ngơ thương tiếc, lại bị đạo nhân nói mát mấy câu, phá tan cõi mê, bèn cắt tóc theo vị đạo nhân điên rồ vùn vụt đi mất, không biết về đâu.
Tiết phu nhân thấy Tương Liên định lấy chị Ba, trong bụng rất mừng. Đương lúc cao hứng, định mua cho hắn một cái nhà, sắm sửa đồ đạc, chọn ngày đón dâu, để báo đền công ơn đã cứu con mình. Bỗng bọn người hầu trong nhà xôn xao nói: “Chị Ba đã tự sát rồi”. Bọn hầu gái nghe thấy, về nói cho Tiết phu nhân biết. Tiết phu nhân không hiểu tại sao, trong bụng rất buồn. Đương lúc ngờ vực, thấy Bảo Thoa ở trong vườn về, Tiết phu nhân liền hỏi:
- Con ơi, con có nghe thấy gì không? Cô em gái thứ ba của chị Trân không phải đã gả cho em nuôi của anh con là Liễu Tương Liên rồi hay sao? Thế mà không biết vì sao nó lại tự vẫn! Còn Liễu Tương Liên thì đi đằng nào mất rồi. Thực là kỳ quặc không ai ngờ đến!
Bảo Thoa nghe nói, không hề để ý đến, nói:
- Câu tục ngữ nói rất đúng: “Trên trời có mây gió bất ngờ, người đời có họa phúc trong phút chốc”. Đó là định mệnh kiếp trước của họ. Hôm nọ vì Tương Liên cứu anh con, mẹ định thu xếp công việc hộ anh ấy, nhưng nay người chết đã chết rồi, người đi đã đi rồi. Theo ý con thì cứ mặc họ. Mẹ cũng không cần phải vì họ mà thương cảm nữa. Từ khi anh con ở Giang Nam về, đã vài mươi ngày rồi, hàng hóa buôn về chắc cũng đã bán gần hết. Những người làm công cùng đi với anh con, đi lại vất vả mấy tháng nay, mẹ nên bàn với anh con mời một bữa để tạ ơn người ta mới phải. Đừng để họ bảo mình là vô tình.
Mẹ con đương bàn với nhau thì Tiết Bàn ở ngoài đi vào, còn ngấn nước mắt, vừa đến cửa đã vỗ tay nói với mẹ:
- Mẹ có biết việc em Liễu và chị Ba không?
- Ta vừa mới nghe thấy, đương nói chuyện với em con.
- Mẹ có nghe nói Tương Liên theo một người đạo sĩ đi tu không?
- Việc này lại càng lạ! Có nhẽ nào Tương Liên là một người trẻ tuổi thông minh như thế, lại đâm ra hồ đồ theo đạo sĩ đi tu? Ta nghĩ anh em con thân với nhau như thế, hắn lại không có cha mẹ, anh em, một mình ở đây, con nên đi các nơi tìm hắn mới phải. Theo đạo sĩ thì chưa thể đi xa được, chỉ quanh quẩn ở trong chùa miếu nào gần đây thôi.
- Con cũng nghĩ thế, vừa nghe tin ấy, con mang theo mấy người hầu đi khắp nơi tìm hắn. Nhưng chẳng thấy bóng vía đâu cả. Hỏi khắp mọi người, cũng không ai trông thấy.
- Con đi tìm không thấy, thế là đã hết lòng với bè bạn rồi. Biết đâu hắn đi tu như thế không phải là điều tốt. Còn con cũng nên sắp đặt việc buôn bán, lo liệu sớm việc cưới vợ của con. Nhà ta vẫn hiếm người, tục ngữ đã nói: “Thấp chân chạy trước”, để tránh khỏi khi đến việc phải hấp tấp, được cái nọ hỏng cái kia, làm cho người ta chê cười. Hơn nữa, em con vừa nói, con về nhà đã hơn nửa tháng, chắc hàng hóa cũng bán hết rồi, nên bày bữa tiệc thết mấy người cùng đi, để yên ủi họ mớiphải. Người ta đi với con hàng hai, ba ngàn dặm, vất vả bốn, năm tháng ròng, trên đường lại chịu thay cho con biết bao sự sợ hãi nặng nề.
- Mẹ nói phải đấy! Em con nghĩ thế thật chu đáo quá. Con cũng đã nghĩ như vậy. Chỉ vì mấy hôm nay phải giao hàng đi các nơi, đầu óc cứ rối cả lên. Lại bận về việc Tương Liên, rút cuộc tốn công mất sức chẳng đi đến đâu, thành ra quên mất cả việc chính. Không thì ngày mai hoặc ngày kia con sẽ viết thiếp mời họ.
- Tùy con định liệu đấy.
Nói chưa dứt lời, đứa hầu nhỏ ở ngoài vào trình:
- Ông tổng quản họ Trương sai người đưa hai hòm đồ đến nói là đồ của cậu mua riêng, không ghi vào sổ hàng. Đáng lẽ đưa lại sớm, nhưng vì các hòm hàng đè lên trên, chưa lấy được. Ngày hôm qua hàng chuyển đi hết, nên hôm nay mới đưa lại.
Nói xong thấy hai người hầu khênh vào hai cái hòm gỗ to. Tiết Bàn vừa trông thấy nói:
- Úi chà! Ta sao lại lẩn thẩn đến thế. Ngay những thứ đặc biệt mua để biếu mẹ và em, ta cũng quên phải để cho người làm công mang đến.
Bảo Thoa nói:
- Anh khéo nói nhỉ! Đó là thứ đặc biệt, mới bỏ quên đến hai mươi ngày. Nếu không phải là thứ đặc biệt, có lẽ anh bỏ đến cuối năm mới mang về đấy. Em thấy anh chẳng để ý đến việc gì cả.
Tiết Bàn cười nói:
- Có lẽ khi đi đường bị sợ bạt vía, nên bây giờ anh vẫn chưa hoàn hồn.
Cả nhà nghe vậy cười một lúc, rồi bảo a hoàn nhỏ:
- Ra nói với bọn người hầu, đồ vật để lại đấy, bảo họ cứ về đi thôi.
Tiết phu nhân và Bảo Thoa hỏi:
- Trong có những gì mà buộc chặt thế?
Tiết Bàn gọi hai người hầu vào, cởi dây, bỏ những ván ghép, mở khóa ra, một hòm đựng đầy lụa là gấm vóc và các đồ dùng hàng ngoại quốc. Tiết Bàn nói:
- Còn cái hòm kia là mua cho em đấy.
Nói rồi tự ra mở lấy.
Tiết phu nhân và Bảo Thoa đến xem, thấy những thứ như bút, mực, giấy, nghiên, giấy hoa tiên đủ các màu, túi thơm, quạt, hạt châu đeo quạt, phấn sáp, ngoài ra còn có cả người múa rối, cái để chơi tửu lệnh, mua từ núi Hổ Khẩu về, những người tí hon nhào lộn, đèn cát, những con hát bằng đất đựng vào trong cái hộp lụa xanh; lại có cái tượng của Tiết Bàn bằng đất nặn ở trên núi Hổ Khâu, trông không khác hắn một tí nào. Bảo Thoa không để ý đến những thứ khác, cứ nhìn cái tượng của Tiết Bàn, lại nhìn đến anh, không sao nhịn cười được. Rồi bảo Oanh Nhi dẫn mấy bà già đến khiêng hòm đồ vật vào trong vườn, lại nói chuyện với mẹ và anh một lúc rồi mới đi. Tiết phu nhân lấy những đồ ở trong hòm ra, chia từng phần một rồi bảo Đồng Hỷ đem biếu bên Giả mẫu và Vương phu nhân.
Bảo Thoa về đến phòng, đem đồ chơi ra xem một lượt, trừ thứ nào để dùng, còn thì sai Oanh Nhi cùng bà già chia biếu các nơi; có chỗ biếu bút, mực, giấy, nghiên; có chỗ biếu túi thơm, quạt, ngọc đeo quạt; có chỗ biếu phấn sáp, dầu bôi đầu, có chỗ biếu đồ chơi. Chỉ riêng Đại Ngọc là đưa đồ biếu hơn người khác, lại nhiều gấp đôi.
Các chị em nhận đồ biếu, thưởng tiền cho người đem đến và nói: “Sẽ đến cảm ơn”. Chỉ có Đại Ngọc trông thấy những đồ vật ở quê mình, đâm ra cảm động xót xa, nghĩ đến cha mẹ mất cả, không có anh em phải ở nhờ nhà họ hàng, thì làm gì còn có người đem những đồ thổ sản đến cho mình? Càng nghĩ, Đại Ngọc càng thương tâm.
Tử Quyên biết rõ tâm sự Đại Ngọc, nhưng cũng không dám nói thẳng ra, chỉ đứng bên cạnh khuyên:
- Cô vốn là người nhiều bệnh, mấy lâu uống thuốc; vài ngày nay xem ra đã đỡ hơn trước. Người hơi khá đấy nhưng chưa được khỏe hẳn. Hôm nay cô Bảo đem cho cô những thứ này, đủ biết ngày thường cô ấy rất quý trọng cô, cô nên vui vẻ là phải, sao lại đâm ra buồn rầu? Như thế chả hóa ra cô Bảo đem đồ vật biếu cô lại làm cho cô phiền não hay sao? Lỡ đến tai cô Bảo, lại đâm ra khó coi. Hơn nữa thấy cô ốm luôn, cụ đã tìm hết cách, mời thầy chạy thuốc, chỉ cốt cho cô khỏi bệnh. Nay mới hơi đỡ, cô lại cứ khóc lóc thế này, chả hóa ra tự mình hủy hoại thân mình, làm cụ cứ buồn thêm hay sao? Bệnh cô là do ngày thường lo nghĩ quá nhiều, tổn thương đến khí huyết. Cô là tấm thân ngàn vàng, không nên tự mình coi nhẹ thân mình!
Tử Quyên đương khuyên giải thì đứa hầu nhỏ đứng ở ngoài sân nói: “Cậu Bảo đến đấy”. Tử Quyên vội nói:
- Mời cậu vào.
Bảo Ngọc đi vào buồng, Đại Ngọc mời ngồi. Bảo Ngọc thấy trên mặt Đại Ngọc có ngấn nước mắt, liền hỏi:
- Em ơi, lại có ai trêu tức em đấy?
Đại Ngọc gượng cười nói: “Ai tức gì đâu?”
Tử Quyên đứng bên cạnh ngoảnh vào cái bàn sau giường dẩu môi. Bảo Ngọc biết ý, nhìn vào đó, thấy chất nhiều thứ, biết ngay là những thứ của Bảo Thoa đưa đến, liền cười nói:
- Những thứ này ở đâu đưa đến? Em định mở hàng tạp hóa chắc.
Đại Ngọc không trả lời. Tử Quyên cười nói:
- Cậu còn nhắc đến làm gì nữa! Vì cô Bảo đem cho các thứ ấy, cô tôi trông thấy, đâm ra thương tâm. Tôi đương khuyên can, may cậu lại đến, nhờ cậu khuyên giúp.
Bảo Ngọc đã biết rõ Đại Ngọc vì duyên cớ ấy, nhưng không dám gợi ra, chỉ cười nói:
- Tôi biết cô của các chị chẳng phải thế đâu. Chắc là lại cô Bảo đem cho quà ít quá, nên mới tức giận buồn rầu. Em ơi em cứ yên tâm, sang năm anh sẽ cho người đi Giang Nam chở về cho em hàng thuyền để em khỏi phải nước mắt ngắn nước mắt dài.
Đại Ngọc nghe những câu ấy, biết là Bảo Ngọc có ý làm khuây cho mình, nên cũng không chối mà cũng không nhận, chỉ nói:
- Em dù thơ dại đến đâu cũng không đến nỗi vì một ít đồ vật đưa đến, đâm ra tức giận. Em có phải là đứa trẻ con lên ba đâu, anh đừng coi người nhỏ nhen quá. Em có duyên cớ riêng của em, anh biết sao được?
Nói xong, nước mắt lại chảy xuống ròng ròng.
Bảo Ngọc đến trước giường, ngồi cạnh Đại Ngọc, cầm từng thứ đồ chơi, mân mê kỹ, cố ý hỏi: “Cái này là cái gì? Tên là gì? Cái kia làm bằng gì mà đẹp thế? Cái này là cái gì, dùng để làm gì? Cái này có thể bày ở trước mặt được. Cái kia có thể bày ở trên bàn đẹp như đồ cổ đấy”. Bảo Ngọc cứ nói những câu vu vơ để xí xóa cho xong chuyện.
Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc như thế, trong bụng không đành, liền nói:
- Anh đừng ở đây quấy rầy nữa, chúng ta cùng đi sang nhà chị Bảo thôi.
Bảo Ngọc cũng muốn để Đại Ngọc đi chơi cho đỡ buồn, liền nói:
- Chị Bảo cho chúng ta những thứ này, chúng ta cũng nên đến cảm ơn.
- Chỗ chị em nhà, không cần phải cảm ơn. Có anh Tiết Bàn mới về, tất nhiên cũng kể lại chuyện cổ tích ở Giang Nam cho chị Bảo nghe. Em sang đó nghe cũng như là về thăm quê vậy.
Nói xong, Đại Ngọc mắt lại đỏ hoe.
Bảo Ngọc đã đứng chờ. Đại Ngọc đành phải cùng đi sang bên Bảo Thoa.
Tiết Bàn nghe lời mẹ, viết thiếp và bày tiệc rượu mời bốn người làm công đến, chẳng qua chỉ những câu chuyện sổ sách buôn bán. Một lúc vào tiệc, Tiết Bàn mời rượu từng người. Tiết phu nhân lại sai người ra chào mời. Mọi người uống rượu nói chuyện. Trong họ có người nói:
- Tiệc rượu hôm nay thiếu mất hai người bạn tốt.
Mọi người đều hỏi: “Là ai thế?” Người kia nói:
- Còn có ai nữa! Tức là cậu hai Liễn bên phủ Giả và em kết nghĩa của cậu nhà là cậu hai Liễu.
Quả nhiên mọi người đều nhớ đến, mới hỏi Tiết Bàn:
- Sao không mời cậu hai Liễn và cậu hai Liễu đến?
Tiết Bàn cau mày thở dài nói:
- Cậu hai Liễn trước đây hai hôm lại đi châu Bình An rồi. Còn cậu hai Liễu thì không nên nhắc đến nữa, quả thực là một việc lạ trên đời. Bây giờ không còn là “cậu hai Liễu” nữa mà đã đi làm thầy tu Liễu ở đâu rồi.
Mọi người đều lấy làm lạ, hỏi:
- Nói thế là thế nào?
Tiết Bàn kể lại đầu đuôi việc Liễu Tương Liên. Mọi người nghe xong càng lấy làm lạ, nói:
- Thảo nào hôm nọ chúng tôi ở trong phố, hình như cũng nghe thấy người ta xôn xao đồn: “Có một vị đạo sĩ chỉ nói qua loa mấy câu đã đem được một người đi tu rồi”. Họ còn nói: “Có một cơn gió thổi cuốn đi, nhưng không biết là ai”. Chúng tôi đương bận bán hàng, có thì giờ đâu mà đi hỏi việc ấy! Đến nay cũng còn nửa tin nửa ngờ. Biết đâu lại là cậu Liễu! Nếu biết là cậu ấy thì chúng tôi phải ra khuyên can mới phải. Mặc dù như thế nào cũng không cho cậu ấy đi.
Trong đó lại có người nói:
- Chắc không phải đâu.
Mọi người lại hỏi:
- Thế là thế nào?
Người kia nói:
- Xem cậu Liễu là người linh lợi, chưa chắc đã thật đi theo đạo sĩ. Cậu ấy biết võ lại có sức khỏe, hoặc thấy rõ đạo sĩ kia có yêu thuật mà cố ý đi theo, để ngấm ngầm trừ diệt hắn cũng chưa biết chừng.
Tiết Bàn nói:
- Như thế cũng được, ở trên đời này những kẻ giở lối yêu quái đi lừa phỉnh người, thế nào mà chẳng có người trị cho chúng một mẻ.
Mọi người nói:
- Có lẽ nào cậu biết chuyện lại không đi tìm cậu ấy?
Tiết Bàn nói:
- Trong thành ngoài thành, chỗ nào tôi chẳng đến tìm. Nói ra các anh đừng cười, vì không tìm thấy nó, tôi đã phải khóc một trận đấy!
Nói xong thở vắn than dài, nét mặt ủ rũ, không vui vẻ như mọi ngày.
Bọn làm công thấy quang cảnh thế, không tiện ngồi lâu, ăn uống qua loa rồi ra về.
Bảo Ngọc cùng Đại Ngọc đến nhà Bảo Thoa. Bảo Ngọc nói:
- Anh Cả vất vả mới mang được ít đồ về, chị nên để mà dùng, lại còn đem cho chúng tôi.
Bảo Thoa cười nói:
- Không phải đồ gì quý hóa, chẳng qua là những thứ thổ nghi từ xa đem về, để mọi người được trông thấy chút của lạ thôi.
Đại Ngọc nói:
- Những thứ này, khi em còn bé không để ý đến, bây giờ trông thấy, thực là những đồ vật mới lạ.
Bảo Thoa cười nói:
- Chắc em cũng biết tục ngữ có câu: “Vật ra khỏi quê hương trở thành quý giá”, chứ thực ra cũng chúng đáng gì?
Bảo Ngọc nghe vậy đúng vào tâm sự vừa rồi của Đại Ngọc, liền nói lảng ra chuyện khác:
- Sang năm anh Cả có đi nữa, nhờ mua thêm cho chúng tôi một ít.
Đại Ngọc lườm Bảo Ngọc một cái, nói:
- Anh cần thì cứ nói, đừng có kéo cả người khác vào. Chị ơi chị xem đấy, anh Bảo đến đây không phải là để cảm ơn chị, mà lại cốt để đặt trước đồ vật sang năm đấy.
Bảo Thoa và Bảo Ngọc đều cười.
Ba người nói chuyện phiếm một lúc, lại nhắc đến bệnh của Đại Ngọc, Bảo Thoa khuyên:
- Nếu em thấy người không được khoan khoái, nên cố gắng ra ngoài đi đi lại lại cho khuây khỏa, đừng có ngồi ru rú ở nhà. Mấy hôm trước tôi thấy người uể oải, khắp mình nóng ran, cũng muốn nằm. Nhưng vì khí trời không tốt, sợ sinh bệnh, nên mới tìm việc ra làm cho khuây. Hai hôm nay mới thấy dễ chịu đấy.
Đại Ngọc nói:
- Chị nói rất đúng. Em cũng nghĩ thế.
Ngồi nói chuyện một lúc. Bảo Ngọc lại đưa Đại Ngọc về quán Tiêu Tương.
Dì Triệu thấy Bảo Thoa đem cho Giả Hoàn một ít đồ vật, rất mừng, nghĩ bụng: “Không trách người ta đều nói con Bảo tốt, biết ăn ở, cư xử rộng rãi. Giờ xem ra thì quả là đúng! Anh nó mang về có được bao nhiêu đồ đạc, thế mà nó đem cho từng nhà, không sót nơi nào. Nó cũng không tỏ ra khinh ai trọng ai. Ngay đến mình, thời vận hẩm hiu, nó cũng nghĩ đến. Nếu là con Lâm thì bao giờ thèm nhìn đến và cho gì mẹ con mình nữa?” Vừa nghĩ dì Triệu vừa cầm đồ vật xem đi xem lại một lúc. Chợt nghĩ đến Bảo Thoa là cháu Vương phu nhân, sao mình không đến kiếm cách chiều chuộng lấy lòng bà ấy? Rồi dì Triệu rón rén mang những đồ vật ấy đến phòng Vương phu nhân, đứng bên cạnh cười nói:
- Đây là đồ chơi của cô Bảo đem cho thằng Hoàn. Khen cho cô ấy còn trẻ tuổi đã nghĩ được chu đáo như thế, thực là cô gái con nhà đại gia, bụng dạ đứng đắn, rộng rãi. Như thế ai là không quý mến! Chẳng trách cụ và bà lúc nào cũng khen, cũng thương yêu cô ấy. Tôi không dám tự tiện nhận, nên mang cả đến đây để bà xem, chắc bà cũng vui lòng.
Vương phu nhân nghe nói, đã biết ngay ý định của dì Triệu. Lại thấy dì ấy nói những câu không đâu, nên chỉ trả lời qua loa:
- Thôi dì cứ mang về cho thằng Hoàn nó chơi.
Dì Triệu lúc đầu hí hửng lắm. Khi nghe xong bẽ mặt, tức lộn cả ruột, nhưng không dám nói, đành chịu ngượng nghịu đi ra. Về đến buồng, cất những đồ chơi vào một chỗ, làu nhàu nói một mình: “Những thứ này thì đáng gì!” Rồi ngồi thừ ra một lúc.
Oanh Nhi dẫn bà già đi biếu đồ vật xong trở về trình Bảo Thoa, kể lại những câu người ta cảm ơn và được số tiền thưởng. Sau đó bà già đi ra. Oanh Nhi đến gần Bảo Thoa khẽ nói:
- Vừa rồi cháu sang nhà mợ Liễn, thấy mợ ấy có vẻ giận dữ. Khi biếu đồ vật xong, cháu khẽ hỏi con Hồng. Nó nói: “Mợ Hai vừa ở nhà cụ về không vui như mọi hôm, rồi gọi Bình Nhi đến, không biết hai người thì thào với nhau những chuyện gì. Xem quang cảnh ấy, chắc là có việc gì quan trọng đây.” Cô có biết bên cụ có việc gì không?
Bảo Thoa nghe nói, cũng thấy bực, không biết Phượng Thư có việc gì mà giận dỗi thế, liền nói:
- Đèn nhà ai nhà ấy rạng, chúng ta biết làm sao được. Cô đi pha trà mà uống.
Oanh Nhi đi ra.
Bảo Ngọc đưa Đại Ngọc về rồi, trong bụng nghĩ tình cảnh Đại Ngọc mồ côi khổ sở, cũng sinh ra thương cảm, định về kể lại cho Tập Nhân nghe.
Khi tới nhà, chỉ thấy có Xạ Nguyệt và Thu Văn. Bảo Ngọc hỏi:
- Chị Tập Nhân đi đâu rồi?
Xạ Nguyệt nói:
- Cũng chỉ ở quanh mấy nhà này thôi, mới vắng mặt một tý mà cậu đã nháo lên!
- Không phải là tôi sợ mất chị ấy. Vì tôi vừa mới sang bên cô Lâm, thấy cô ấy buồn rầu, hỏi ra là vì cô Bảo cho mấy thứ đồ chơi. Trông thấy những thứ ở quê hương mình, cô ấy đâm ra buồn tủi. Tôi muốn bảo chị Tập Nhân sang khuyên giải cô ấy một tý.
Đương nói thì Tình Văn vào hỏi Bảo Ngọc:
- Cậu về rồi à? Cậu bảo đi khuyên giải ai?
Bảo Ngọc kể lại một lượt những câu vừa rồi.
Tình Văn nói:
- Chị Tập Nhân vừa mới đi ra. Thấy chị ấy nói muốn đến nhà mợ Liễn, có thể rồi cũng sang nhà cô Lâm đấy.
Bảo Ngọc im lặng không nói gì. Thu Văn mang nước đến, Bảo Ngọc súc miệng rồi đưa cho a hoàn nhỏ, trong bụng băn khoăn, luôn tiện nằm ngả xuống giường.
Tập Nhân thấy Bảo Ngọc đi vắng, tự mình thu xếp công việc chợt nghĩ đến Phượng Thư còn ốm, mấy hôm nay chưa sang thăm. Giả Liễn lại đi vắng, chính là lúc được nói chuyện thoải mái. Tập Nhân liền bảo Tình Văn:
- Chị phải trông nhà cẩn thận, đừng bỏ đi đâu, nhỡ cậu Hai về lại không gọi được ai.
- Úi chà! Trong nhà này chỉ một mình chị nghĩ đến cậu ấy còn chúng tôi thì chỉ chơi dài, ăn hại thôi.
Tập Nhân cười không trả lời rồi đi ngay. Vừa đến bên cầu Thấm Phương, bấy giờ là cuối hạ sang thu, hoa sen trong ao bông tàn bông nở, xanh đỏ chen nhau. Tập Nhân theo bờ ao đi ngắm cảnh một lượt, ngẩng đầu lên thấy dưới giàn nho bên kia có người cầm chổi đang vụt cái gì ở đấy. Đến nơi hóa ra già Chúc.
Già Chúc trông thấy Tập Nhân, liền cười hì hì đến đón hỏi:
- Sao hôm nay cô lại được rỗi đi chơi thế?
- Tôi định đến thăm mợ Liễn. Bà ở đây làm gì thế?
- Tôi đương đuổi ong đây. Năm nay những ngày tiết “Tam phục”(1) ít mưa, hoa quả bị sâu ăn lỗ chỗ, đã rụng mất nhiều. Cô chưa biết, giống ong ngựa này đáng ghét lấm. Nó chỉ châm độ vài ba quả, nước trong quả chảy ra lây sang quả khác, thế là cả chùm thối hết. Cô ơi, cô thử xem, chúng ta chỉ nói vài câu chuyện mà không đuổi là rụng mất khối quả rồi.
- Dù là đuổi luôn tay cũng không đuổi được hết đâu. Bà cứ bảo anh mãi biện làm nhiều túi vải thưa, mỗi chùm bọc một cái vừa thông gió, vừa không bị hư hỏng. 
Già Chúc nói:
- Cô nói phải đấy. Năm nay tôi mới coi vườn, khôn ngoan đâu mà biết dùng cách ấy.
Rồi lại cười nói:
- Các quả năm nay tuy bị hư hỏng một ít, nhưng rất ngon. Cô không tin, tôi ngắt một quả cô nếm thử xem.
Tập Nhân nghiêm nghị nói:
- Làm thế sao được, không những quả chưa chín ăn không ngon, dù có chín chăng nữa, chưa dâng quả mới lên bề trên, chúng tôi lại ăn trước à. Bà hầu hạ ở trong phủ này đã lâu, chẳng lẽ lại không hiểu cái khuôn phép ấy hay sao?
- Cô nói rất phải. Thấy cô vui vẻ nên tôi mới dám nói thế, thành ra phạm vào khuôn phép. Tôi thực già rồi lẩm cẩm quá!
- Cũng chẳng can gì, chỉ có điều các bà là người có tuổi, đừng làm đầu têu là được rồi.
Tập Nhân nói xong, đi thẳng ra cửa vườn, sang bên Phượng Thư. Vừa vào đến sân, đã nghe Phượng Thư nói:
- Trời ơi! Lương tâm ơi? Ta dãi dầu ở nhà này mãi đến thành giặc mất!
Tập Nhân nghe nói, đoán chắc là có chuyện gì, quay ra cũng dở, đi vào cũng không đang, liền bước nặng chân, đứng ngoài cửa sổ hỏi:
- Chị Bình có ở nhà không?
Bình Nhi vội chạy ra đón. Tập Nhân hỏi:
- Mợ Hai cũng ở nhà đấy chứ? Mợ đã khá chưa?
Nói xong đi vào.
Phượng Thư giả cách nằm ngả ở trên giường. Thấy Tập Nhân vào, liền cười đứng dậy nói:
- Tôi đã hơi đỡ rồi, cảm ơn chị nhớ đến. Sao mấy ngày hôm nay không thấy chị sang chơi?
- Mợ không được khỏe, nhẽ ra ngày nào tôi cũng đến thăm mới phải. Nhưng chỉ e mợ trong người không khoan khoái, cần phải yên tĩnh nghỉ ngơi, tôi đến sợ lại làm phiền mợ.
- Làm gì mà phiền. Có điều trong nhà chú Bảo nhiều người đấy, nhưng cũng chỉ nhờ một mình chị trông nom thôi. Chú ấy không thể nào rời chị ra được. Tôi thường nghe Bình Nhi nói, khi vắng mặt, chị vẫn nhớ đến, thường vẫn hỏi thăm tôi luôn. Thế là chị hết lòng với tôi rồi.
Nói xong, bảo Bình Nhi đem cái ghế để bên cạnh giường, mời Tập Nhân ngồi. Phong Nhi đem nước đến. Tập Nhân khép nép nói:
- Em cứ để mặc chị.
Đương nói chuyện phiếm thì một a hoàn nhỏ ở gian nhà phía ngoài đến, nói khẽ với Bình Nhi:
- Vượng Nhi đến đấy, đương chờ ở ngoài cửa thứ hai.
Lại nghe Bình Nhi khẽ nói:
- Biết rồi. Bảo nó đi ra, chốc nữa hãy đến, đừng đứng chờ ở cửa nữa.
Tập Nhân biết họ có việc, nói mấy câu rồi đứng dậy định về, Phượng Thư nói:
- Khi rỗi đến đây nói chuyện, để tôi được khuây khỏa. - Rồi bảo: - Bình Nhi tiễn chị ấy về.
Bình Nhi vâng lời tiễn ra. Lúc ấy có hai ba a hoàn nhỏ ở đó đều khép nép im lặng chực hầu. Tập Nhân không biết có việc gì, đi về ngay.
Bình Nhi tiễn Tập Nhân đi rồi, vào trình:
- Vượng Nhi vừa mới đến, vì Tập Nhân ở đây, nên tôi bảo nó chờ ở ngoài kia. Bây giờ có gọi ngay nó vào không, hay còn phải chờ? Xin mợ cho biết.
Phượng Thư nói:
- Gọi nó vào!
Bình Nhi bảo a hoàn nhỏ truyền gọi Lai Vượng vào.
Phượng Thư hỏi Bình Nhi:
- Làm thế nào mà chị nghe được?
- Việc này trước hết là do một con hầu nhỏ nói. Nó bảo khi nó đi ra cửa thứ hai, nghe thấy hai đứa hầu trai ở ngoài nói: “Mợ Hai mới đẹp hơn mợ Hai cũ, tính nết lại tốt”. Không biết Vượng Nhi hay là ai quát mắng hai đứa ấy: “Mợ mới mợ cũ cái gì? Không câm ngay đi à? Để cho trong nhà biết, thì người ta cắt lưỡi mày đi đấy!”
Bình Nhi đương nói thì một đứa hầu nhỏ vào trình:
- Vượng Nhi đương đứng chờ ở ngoài.
Phượng Thư cười nhạt:
- Bảo nó vào đây!
Đứa hầu nhỏ đi ra nói:
- Mợ gọi đấy.
Lai Vượng vội vâng lời đi vào, chào xong, chắp tay đứng chực ở cửa ngoài.
Phượng Thư nói:
- Mày vào đây. Ta hỏi mày một câu chuyện.
Lai Vượng mới đi vào đứng hầu bên cạnh cửa phía trong.
Phượng Thư hỏi:
- Cậu mày bao gái ở ngoài, mày có biết không.
- Cháu hằng ngày vẫn chầu chực ở cửa thứ hai, làm sao biết được việc của cậu cháu ở bên ngoài.
Phượng Thư cười nhạt:
- Cố nhiên là mày không biết. Nếu mày biết thì làm sao mà ngăn lời người ta?
Lai Vượng nghe nói thế, biết là câu chuyện vừa rồi đã bị lộ, có giấu cũng không nổi, liền quỳ xuống nói:
- Đó là thằng Hưng và thằng Hỷ ở ngoài kia nói bậy, cháu có mắng chúng nó mấy câu, còn thực tình ra sao, cháu không biết gì cả, nên không dám trình bày. Xin mợ cứ hỏi thằng Hưng, vì nó thường theo cậu cháu đi ra ngoài.
Phượng Thư nghe xong, quát to một tiếng:
- Chúng bây là một bầy khốn nạn, không có lương tâm, cùng một phường với nhau cả, tưởng ta không biết gì đấy! Hãy đi gọi ngay thằng Hưng khốn nạn đến đây! Mày cũng không được đi đâu. Ta hỏi nó rõ ràng đã, rồi sẽ hỏi đến mày. Giỏi thật! Giỏi thật! Thế mới là tên tay sai đắc lực của ta!
Lai Vượng đành luôn mồm vâng dạ, gục đầu mấy cái rồi lui ra đi gọi thằng Hưng.
Thằng Hưng đương chơi với đám trẻ con ở buồng quản lý, nghe nói mợ Hai gọi, sợ giật nẩy người, không ngờ việc ấy đã lộ. Liền theo Lai Vượng đi vào.
Lai Vượng vào thưa:
- Thằng Hưng đã đến.
Phượng Thư quát to:
- Bảo nó vào.
Thằng Hưng nghe thấy tiếng quát đã cuống, đành đánh bạo đi vào.
Phượng Thư trông thấy hỏi:
- Thằng ranh này giỏi nhỉ! Việc mày với cậu mày làm những việc hay đấy! Thế nào mày cứ nói thực ra.
Thằng Hưng nghe giọng nói, lại nhìn nét mặt Phượng Thư và bộ dạng những đứa hầu hai bên, sợ rủn người ra, bất giác quỳ xuống lạy lia lịa.
Phượng Thư nói:
- Ta biết việc này không dính dáng gì đến mày, chỉ vì mày không trình ta trước là có lỗi ở chỗ đó thôi. Mày cứ nói thực, ta sẽ tha cho; nếu sai một câu thì hãy sờ lên gáy xem mày có mấy cái đầu?
Thằng Hưng run lẩy bẩy dập đầu nói:
- Mợ hỏi việc gì mà bảo cháu và cậu cháu làm bậy?
Phượng Thư nghe nói, tức lộn tuột lên, quát: 
- Tát vào mồm nó.
Lai Vượng định chạy lại tát. Phượng Thư mắng:
- Thằng khốn nạn này! Ta bảo nó phải tát nó, chứ cần mày tát nó à? Lát nữa thằng nào tự tát lấy thằng ấy cũng chưa muộn đâu!
Tháng Hưng giơ cả hai tay lên tự tát vào mặt mình mười mấy cái.
Phượng Thư quát bảo:
- Cho dậy!
Rồi hỏi:
- Việc cậu Hai mày ở bên ngoài lấy mợ mới mợ cũ thế nào, mày không biết à?
Thằng Hưng nghe nói đến chuyện ấy, lại càng hoảng, liền bỏ mũ xuống, dập đầu chan chát ở dưới thềm gạch, nói:
- Xin mợ sinh phúc cho cháu! Cháu không dám nói dối một câu nào nữa.
Phượng Thư bảo:
- Nói mau!
Thằng Hưng lom khom bò dậy nói:
- Việc này lúc đầu cháu cũng không biết. Có một hôm, khi đưa đám cụ bên phủ Đông, vì Du Lộc đến miếu xin lĩnh tiền, cậu Trân bảo cậu Hai cùng anh Dung về phủ thu xếp. Trên đường đi, hai chú cháu nhắc đến chuyện hai cô em gái mợ Trân. Cậu Hai nhà khen đẹp, anh Dung liền dỗ dành và nói sẽ làm mối dì Hai cho cậu Hai con.
Phượng Thư nghe vậy quát to:
- Hừ! Thằng khốn kiếp này! Nó là dì nào nhà mày đấy?
- Cháu đáng chết! - Thằng Hưng ngẩng lên nhìn, không dám nói gì nữa.
- Thế là hết rồi à? Sao không nói nữa đi?
- Mợ có tha tội cho cháu mới dám nói nữa!
- Con mẹ mày! Lại còn tha với chả tha cái gì! Biết điều mày nói ngay ra.
- Cậu Hai nghe vậy mừng lắm. Về sau cháu cũng không biết sao lại thành sự thực.
Phượng Thư khẽ cười nhạt:
- Đó là lẽ tất nhiên! Mày biết thế nào được? Nếu mày biết câu chuyện sẽ còn rắc rối nữa đấy. Được rồi nói nốt đi.
- Sau rồi anh Dung mua nhà cho cậu Hai.
- Nhà ở đâu?
- Ở ngay sau phủ.
- Ồ! - Phượng Thư ngoảnh lại nhìn Bình Nhi nói: - Thế ra chúng mình như người chết cả ấy! Chị nghe đấy!
Bình Nhi cũng không dám nói câu gì. Thằng Hưng lại thưa:
- Không biết cậu Trân đưa cho nhà họ Trương bao nhiêu tiền, mà họ không đòi hỏi gì. 
Phượng Thư nói:
- Việc này tại sao lại kéo cả họ Trương, họ Lý vào đây nữa?
- Mợ không biết, mợ Hai này... - Vừa nói đến đấy, thằng Hưng lại tự tát vào mồm, làm Phượng Thư phì cười, a hoàn hai bên cũng mím môi cười.
Thằng Hưng nghĩ một lúc nói:
- Người em gái kia của mợ Trân.
Phượng Thư nói tiếp:
- Thế nào? Nói nhanh lên.
- Khi còn bé, người em gái của mợ Trân đã hứa gả cho người họ Trương, tên là Trương Hoa gì đó. Bây giờ hắn nghèo đói không có cơm ăn, nên cậu Trân cho hắn ít tiền, bắt phải thoái hôn.
Phượng Thư nghe đến đấy, gật đầu, quay lại nhìn vào bọn a hoàn nói:
- Các cô đã nghe thấy chưa? Thế mà thằng khốn nạn này lúc đầu lại nói không biết gì cả.
- Sau cậu Hai sai người sửa sang lại nhà rồi cưới về.
- Cưới ở đâu về?
- Cưới ở nhà bà mẹ chị ta về.
- Giỏi đấy! Thế không có ai đưa dâu à?
- Có anh Dung, còn mấy a hoàn và bà già, ngoài ra không có ai nữa!
- Mợ Cả mày không đến à?
- Hai hôm sau mợ Cả mới mang đồ mừng đến.
Phượng Thư cười gằn, quay lại bảo Bình Nhi:
- Chẳng trách mấy hôm đó cậu Hai khen mợ Cả luôn mồm!
Rồi quay lại hỏi thằng Hưng:
- Đưa nào hầu ở đấy? Chắc là mày rồi.
Thằng Hưng vội vàng gục đầu không nói gì.
- Mấy bận trước cậu mày nói sang giúp việc bên phủ Đông, chắc là giúp việc ấy phải không?
- Cũng có lúc cậu sang giúp việc, cũng có lúc đến nhà mới.
- Ai ở với nó?
- Có người mẹ và người em gái. Nhưng hôm trước người em gái đã đâm cổ chết.
- Tại làm sao?
Thằng Hưng liền đem việc Liễu Tương Liên kể hết một lượt, Phượng Thư nói:
- Cái chị chàng ấy còn có phúc đấy, khỏi phải mang  cái tiếng là con người khốn nạn! Vậy còn việc gì nữa không?
- Còn việc khác thì cháu không biết. Những câu cháu vừa nói đều thực cả. Nếu sai câu nào, mợ tra ra, xin cứ đánh chết, cháu cũng không dám oán.
Phượng Thư cúi đầu một lúc, lại trỏ thằng Hưng nói:
- Thằng ranh con này! Tội mày đáng chết! Việc này mày giấu thế nào được tao. Mày định giấu tao để lấy lòng ông cậu mày và cũng để cho mợ mới thương mày! Nếu tao không nghĩ đến mày vừa rồi có ý sợ hãi, không dám nói dối, thì tao đã đánh gãy chân mày rồi.
Nói xong, quát: “Cút đi!”
Thằng Hưng cúi đầu lom khom đứng dậy, ra đến ngoài cửa, chưa dám đi ngay. Phượng Thư bảo:
- Lại đây, ta còn dặn câu này.
Thằng Hưng vội chắp tay đứng nghe. Phượng Thư nói:
- Mày vội cái gì? Có lẽ mợ của mày đương đợi cho mày cái gì đấy.
Thằng Hưng cũng không dám ngẩng đầu lên. Phượng Thư nói:
- Từ nay ta không cho mày sang bên ấy! Ta gọi lúc nào mày phải đến hầu lúc ấy. Nếu chậm một bước, mày coi chừng đấy.
Thằng Hưng vâng dạ đi ra cửa. Phượng Thư lại gọi, thằng Hưng vội quay lại. Phượng Thư nói:
- Mày định ra mau để mách cậu mày phải không?
- Cháu không dám! 
- Nếu mày ra ngoài hở ra một tiếng gì thì liệu xác đấy.
Thằng Hưng vội vàng vâng lời rồi mới đi ra. Phượng Thư lại gọi:
- Lai Vượng đâu?
Lại Vượng chạy đến ngay. Phương Thư trừng mắt nhìn một lúc rồi mới nói:
- Giỏi! Lai Vượng!… Giỏi thật! Cút đi! Ở ngoài có ai hé ra một tiếng là tội ở mày cả.
Lai Vượng vâng lời, thong thả đi ra. Phượng Thư liền gọi pha nước. Bọn a hoàn nhỏ biết ý, đều đi ra cả.
Bấy giờ Phượng Thư mới bảo Bình Nhi:
- Chị đã nghe thấy rồi chứ? Thế mới thật giỏi.
Bình Nhi không dám nói câu gì, đành cứ phải cười. Phượng Thư càng nghĩ càng tức, nằm đờ ở trên giường, chợt cau mày một cái, bụng nghĩ ra một kế,liền gọi Bình Nhi. Bình Nhi chạy đến, Phượng Thư nói:
- Ta nghĩ việc ấy nên làm thế này mới phải, chứ không cần chờ cậu Hai về.
Chú thích:
(1). Theo âm lịch, sau tiết hạ chí mười ngày là “sơ phục”, mười ngày nữa là “trung phục”, đến mười ngày cuối là “mạt phục”.
Hồi 68:
Dì Vưu khổ sở, bi lừa vào vườn Đại Quan;
Chị Phượng ghen tuông, làm nhộn ở phủ Ninh Quốc.
Giả Liễn đến châu Bình An gặp lúc quan Tiết Độ ở đấy đi tuần ngoài biên, chừng một tháng mới về. Chưa nhận được tin đích xác, hắn đành phải chờ lại ở nhà trọ. Đến khi gặp quan Tiết Độ mới thu xếp xong công việc, về đến nhà thì đã mất gần hai tháng.
Phượng Thư tính thầm trong bụng: chờ cho Giả Liễn đi rồi, liền truyền các hiệp thợ, thu dọn ba gian phòng bên đông, bày biện sửa sang như nhà của mình ở. Đến ngày mười bốn, Phượng Thư trình Giả mẫu và Vương phu nhân, nói sáng ngày rằm phải đến dâng hương ở miếu cô, chỉ đem bốn người là Bình Nhi, Phong Nhi, vợ Chu Thụy và vợ Lai Vượng đi thôi. Lúc lên xe, Phượng Thư nói hết duyên cớ cho mọi người biết; lại dặn bọn con trai, mặc áo trắng che dù trắng, cùng đi đến đó. Thằng Hưng dẫn đường, đến nhà gõ cửa. Vợ Bào Nhị mở cửa, thằng Hưng cười nói:
- Đi trình mợ Hai, mợ Cả đến đấy.
Vợ Bào Nhị nghe vậy sợ hết vía, vội chạy về báo chị Hai. Chị Hai tuy sợ thực, nhưng đã đến nước này, đành phải theo lễ ra chào, vội sửa sang áo xiêm ra đón. Đến trước cửa, Phượng Thư mới xuống xe. Chị Hai nhìn thấy: trên đầu cài đồ bạc trắng xóa, mình mặc áo đoạn nguyệt bạch, áo khoác bằng lụa xanh viền chỉ bạc và chiếc quần lụa trong. Thật là mày liễu cong vắt đôi nhành, mắt phượng rõ rành ba ngấn; thướt tha như đào mùa xuân, trong trắng như cúc mùa thu. Vợ Chu Thụy và vợ Lai Vượng đỡ Phượng Thư lên trên nhà. Chị Hai một điều gọi là “chị” rồi nói:
- Hôm nay thực không biết chị sang chơi, không kịp ra đón, xin chị tha lỗi cho em!
Nói xong sụp xuống lạy. Phượng Thư cười đáp lễ, rồi dắt tay chị Hai cùng vào trong buồng. Phượng Thư ngồi trên. Chị Hai sai trải nệm, rồi nói:
- Em còn trẻ tuổi, từ khi về đây, mọi việc đều do mẹ và chị em lo liệu. Nay may được gặp chị, nếu chị có lòng thương kẻ hèn mọn này, mọi việc nhờ chị dạy bảo cho, em xin hết lòng hết dạ hầu hạ chị!
Nói xong sụp xuống lạy.
Phượng Thư vội đáp lễ và nói:
- Cũng vì chị đây hãy còn ít tuổi, lại là kiến thức đàn bà. Chị thường khuyên cậu Hai phải giữ gìn thân thể, không nên đắm đuối trăng hoa, để cho ông bà phải bận lòng. Đó đều là lòng ngây thơ của chị em chúng ta. Ai ngờ cậu hai hiểu lầm ý chị. Nếu đi lấy người ngoài thì giấu chị cũng được, nhưng nay lại lấy em làm vợ hai, việc chính đáng như thế cũng là lễ giáo trong nhà, thế mà cậu ấy không hề nói gì cho chị biết. Chị vẫn thường khuyên cậu ấy nên lấy thêm người nữa, may ra sớm sinh được chút con trai hay con gái, chị cũng có phận nhờ. Không ngờ cậu Hai lại cứ cho chị là người ghen tuông quá mức, lén lút lo liệu một mình, thật làm chị bị oan không có chỗ kêu. Bụng chị chỉ có trời đất thấu cho thôi. Mười hôm trước đây, chị đã thoáng nghe thấy chuyện này, nhưng sợ cậu Hai hiểu lầm, nên không dám nói ra. Gặp lúc cậu Hai đi vắng, nên chị đến đây thăm em. Mong em thể lượng nỗi lòng đau khổ của chị, lên xe về bên nhà, chị em chúng ta cùng ở với nhau, một lòng một dạ khuyên bảo cậu Hai, phải cẩn thận chăm lo công việc, giữ gìn thân thể. Thế mới đúng lễ giáo nhà ta. Nếu em ở bên ngoài, chị lại ở bên trong, em nghĩ mà xem, chị yên lòng sao được? Người ngoài họ biết, không những chị mang tiếng, mà em cũng chẳng tốt đẹp gì. Vả chăng thanh danh cậu Hai là lớn, chứ chị em chúng ta chỉ là việc nhỏ thôi. Những bọn tôi tớ tiểu nhân, thấy chị ngày thường trông nom việc nhà nghiêm ngặt, mới đặt điều nói vụng sau lưng. Đó cũng là chuyện thường. Em thử nghĩ xem, ngày xưa có câu nói: “Người đứng lo việc nhà là thùng nước bẩn”. Nếu chị thực là người hẹp hòi thì trên có mấy bực cha mẹ chồng, giữa có các cô, các chị em dâu, khi nào lại dung cho chị đến bây giờ? Ngay như việc cậu Hai lấy em để ở bên ngoài, đáng lẽ chị không muốn gặp em, nhưng sao chị lại phải đến. Chính như Bình Nhi đây, chị cũng khuyên cậu Hai lấy chị ấy về đấy. Việc của em đây cũng là nhờ trời đất, thần phật không nỡ để cho bọn tiểu nhân làm hại chị, nên mới cho chị biết. Nay chị đến đây mời em về cùng ở với chị một nơi. Nhà ở, đồ dùng, áo quần, kẻ hầu người hạ, hai chúng ta đều như nhau. Em là người tinh lanh sắc sảo như thế, nếu chịu thực lòng giúp chị, thì chị cũng nhờ được một tay. Như vậy chẳng những lấp được miệng bọn tiểu nhân, mà chính cậu Hai khi về trông thấy, chắc cũng hối lại, biết chị không phải là hạng người ghen tuông tráo trở. Rồi ba chúng ta càng thêm hòa thuận với nhau, thì em lại là đại ân nhân của chị đấy. Nếu em không chịu về, chị xin tình nguyện dọn ra đây cùng ở với em, chỉ mong trước mặt cậu Hai, em nói khéo hộ chị, để chị có chỗ yên thân. Dù được gội đầu hầu hạ em, chị cũng xin vui lòng.
Nói xong Phượng Thư nghẹn nào nức nở. Chị Hai thấy cũng nhỏ nước mắt.
Hai người vái chào nhau, theo thứ tự ngồi xuống. Bình Nhi vội đến vái chào. Chị Hai thấy chị ta ăn mặc lịch sự, cử chỉ nhã nhặn, đoán đúng là Bình Nhi, liền đứng lên giữ lại, và nói:
- Em đừng xử thế, chúng ta cùng như nhau cả.
Phượng Thư vội đứng dậy cười nói:
- Đừng làm thế. Em cứ nhận lễ đi. Chị ấy là người hầu của chúng ta đấy.
Nói xong lại sai vợ Chu Thụy lấy trong bao bốn tấm đoạn màu tốt, bốn đôi vòng, trâm bằng vàng ngọc để làm lễ gặp mặt. Chị Hai vội lạy rồi nhận lấy. Hai người uống  nước, cùng nhau kể lại chuyện cũ. Phượng Thư luôn miệng oán trách mình: “Chị không dám trách ai. Chỉ mong em thường chị thôi.”
Chị Hai là người thực thà, cho Phượng Thư tốt dạ. “Tôi tớ không được vừa lòng thì oán trách chủ, đó là lẽ thường”. Nghĩ vậy, chị ta cởi lòng cởi dạ nói hết cả chuyện ra, lại cho Phượng Thư là người tri kỷ. Bọn vợ Chu Thụy đứng ở bên cạnh tán dương Phượng Thư xưa nay là người rất tốt, chỉ vì nhẹ dạ làm cho người ta oán trách. Lại nói: “Đã sửa soạn nhà cửa rồi, mợ về bên ấy sẽ biết”.
Chị Hai trước cũng muốn về, bây giờ thấy thế, làm gì mà không bằng lòng. Liền nói:
- Đáng lẽ em đi theo chị về là phải, nhưng còn bên này thì làm thế nào?
- Việc ấy có khó gì? Những rương hòm và đồ đạc của em cứ sai bọn người hầu dọn sang. Còn thứ lềnh kềnh không dùng đến sẽ cho người đến trông nom. Em thấy đứa nào cẩn thận thì bảo nó đến đây giữ.
- Hôm nay được gặp chị, em dời về bên ấy, mọi việc nhờ chị lo liệu hộ cho. Em đến đây mới được ít ngày, chưa từng trông nom việc nhà, không hiểu gì cả, còn lo liệu sao được. Mấy cái hòm này xin mang cả sang. Em cũng chẳng có gì. Đây toàn là của cậu Hai cả.
Phượng Thư sai vợ Chu Thụy ghi lấy, trông nom cẩn thận, cho khiêng sang bên nhà phía đông. Lại giục chị Hai mặc áo rồi hai người dắt tay nhau lên xe cùng về.
Phượng Thư khẽ bảo:
- Khuôn phép nhà ta nghiêm lắm. Việc này cụ và bà Hai chưa biết gì cả; nếu biết, cậu Hai đương lúc có tang lấy vợ, sẽ bị đánh chết. Nay chưa nên đến chào cụ và bà Hai vội. Nhà chúng ta có một cái vườn hoa rất to, các chị em đều ở đấy, không mấy người vào được. Bây giờ em sang ở tạm trong vườn mấy hôm, để chị nghĩ cách trình rõ ràng trước, lúc đó em sẽ đến chào mới ổn.
- Xin tùy ý chị định liệu.
Phượng Thư đã dặn bọn người hầu rồi, nên bây giờ không vào cửa trước mà cứ đẩy xe đi thẳng vào cửa sau. Tới nơi, Phượng Thư cho mọi người về, tự mình dẫn chị Hai đi vào cửa sau vườn Đại Quan, đến chào Lý Hoàn.
Lúc đó, trong vườn Đại Quan, mười người đã có chín người biết chuyện. Nay thấy Phượng Thư dẫn chị Hai về, họ đều xúm lại xem. Chị Hai chào hỏi khắp lượt. Thấy chị Hai là người phong nhã dịu dàng, ai cũng khen ngợi. Phượng Thư dặn mọi người:
- Không được hở tiếng ra ngoài. Nếu cụ và bà biết thì ta đánh chết!
Bọn bà già và a hoàn trong vườn, xưa nay vẫn sợ Phượng Thư, lại biết Giả Liễn đương có tang nước, tang nhà mà làm chuyện này, quả là việc rất quan hệ, nên không ai dám vướng đến.
Phượng Thư khẽ nhờ Lý Hoàn nuôi chị Hai ít hôm và bảo:
- Chờ khi trình xong, chúng tôi sẽ về nhà.
Lý Hoàn thấy Phượng Thư đã sửa soạn nhà cửa bên ấy rồi, lại đang lúc có tang, không nên để lộ ra ngoài, như thế cũng đúng, nên đành để cho ở tạm nhà mình. Phượng Thư lại đuổi hết a hoàn của chị Hai đi, đưa một người hầu của mình đến cho chị Hai sai khiến và ngầm bảo bọn đàn bà hầu trong vườn: “Phải trông coi nó cẩn thận, nếu để nó trốn đi thì ta sẽ kể tội cho!” Rồi ngấm ngầm đi bố trí công việc.
Mọi người trong nhà đều lấy làm lạ và nói vụng với nhau:
- Không biết vì sao mợ ấy lại trở nên hiền hậu như thế?
Chị Hai được chỗ ở tốt, lại thấy chị em trong vườn đối đãi tử tế, tưởng là được chốn yên thân, nên không lo lắng gì. Ngờ đâu ba ngày sau a hoàn là Thiện Thư đã không chịu hầu hạ nữa. Chị Hai nói:
- Hết dầu bôi đầu rồi. Cô sang nói với mợ Cả (1) cho một ít mang về.
Thiện Thư liền nói:
- Mợ Hai ơi, mợ sao lại không biết điều. Người không có mắt hay sao? Mợ Cả chúng tôi ngày nào cũng phải hầu hạ cụ, hầu hạ bà Hai bên này, hầu hạ bà Cả bên kia; rồi các mợ, các cậu, các cô trên dưới hàng mấy trăm người, chỗ nào cũng cần đến mợ ấy. Một ngày ít ra cũng có một vài chục việc quan trọng, dăm ba chục việc bình thường. Bên ngoài thì kể từ trên quí phi đến các vị vương công hầu bá, bao nhiêu việc đi lại thăm nom; trong nhà lại phải thù ứng những bạn bè thân thích; hàng ngày chi tiêu tiền nghìn bạc vạn, đều phải qua ý mợ ấy và qua miệng mợ ấy truyền ra, chứ đâu có những việc nhỏ mọn cũng phải phiền đến  mợ ấy? Tôi khuyên mợ hãy thôi đi. Mình chẳng phải hạng vợ cái con cột gì. Mợ ấy là người hiền lành xưa nay chưa từng có, thì mới đối đãi với mợ như thế đấy. Nếu là người khác, hơi một tý là chửi mắng ầm lên, tống cổ ra ngoài, sống chết bỏ mặc, thì mợ đã dám làm gì?
Nó nói một hồi, làm cho chị Hai gục mặt xuống, thôi đành bỏ mặc cho xong. Thiện Thư dần dần đến cơm cũng chẳng buồn mang đến cho chị Hai ăn; được bữa sáng mất bữa chiều, những thứ mang đến đều là đồ ăn thừa cả. Chị Hai có nói, nó lại trừng mắt kêu ầm lên. Chị Hai sợ người ta cười mình không biết thân biết phận, đành phải nhịn đi cho xong chuyện.
Cách dăm bảy ngày chị Hai mới gặp Phượng Thư một lần. Phượng Thư vẫn vui vẻ hòa nhã, một điều “em” hai điều “em”.
Lại nói:
- Nếu người hầu có chỗ sơ suất, em không bảo được nó thì cứ mách chị, chị sẽ đánh cho.
Rồi mắng đám bà già con hầu:
- Ta biết chúng bay mềm thì nắn, rắn thì buông, vắng mặt ta thì chúng bay còn sợ ai! Nếu dì Hai có điều không được như ý, nói đến tai ta, ta sẽ tuốt xác chúng bay ra!
Chị Hai thấy Phượng Thư tốt như vậy, nghĩ bụng: “Chị ấy đã vậy, ta còn bới việc ra làm gì nữa? Kẻ dưới không biết điều hay lẽ dở cũng là thường tình. Nếu ta mách, chúng nó bị chửi mắng, sẽ bảo ta là ác”. Vì vậy chị Hai lại che chở cho chúng.
Phượng Thư sai Lai Vượng ở ngoài dò xét, biết rõ chị Hai trước đã có nhà chồng rồi. Anh chàng này tên là Trương Hoa, mười chín tuổi, suốt ngày cờ bạc, không chịu làm ăn, phá hết cơ nghiệp, bố mẹ đuổi đi, hiện giờ hắn la cà ở sòng bạc. Bà già Vưu cho bố hắn hai mươi lạng bạc để thoái hôn, hắn vẫn chưa biết. Phượng Thư liền đưa cho Lai Vượng hai mươi lạng bạc, bảo nó đến dỗ dành Trương Hoa, dẫn Trương Hoa về nhà, bảo hắn viết một cái đơn đưa đến quan sở tại kiện Giả Liễn lúc có tang nước, tang nhà, dám trái lệnh vua, dối bố mẹ, cậy của dựa thế, bắt ép người ta phải thoái hôn, đã có vợ rồi lại lấy vợ nữa.
Trương Hoa biết việc này rất quan hệ, nên không dám hấp tấp. Lai Vượng về trình Phượng Thư. Phượng Thư tức quá, mắng:
- Cái đồ chó ghẻ, đun đít cũng không dám nhảy qua tường! Mày nói rõ cho nó liết, dù nó kiện nhà ta làm loạn cũng chăng can gì. Chẳng qua mượn nó bày trò để cho họ bẽ mặt đấy thôi; nếu bới chuyện ra to thì ta đã có cách dẹp yên được.
Lai Vương vâng lời, lại đành phải đi nói với Trương Hoa. Phượng Thư dặn với:
- Nếu có kiện mày, thì mày cứ việc đi hầu kiện, cứ thế mà làm, rồi ta sẽ có cách.
Lai Vượng thấy vậy, liền bảo Trương Hoa viết thêm cả tên mình vào đơn kiện và nói:
- Anh cứ kiện tôi là người đứng giữa đã xui giục cậu Hai làm những việc ấy.
Trương Hoa vững tâm cùng Lai Vương bàn bạc, viết một lá đơn, ngày hôm sau đến viện đô sát khiếu oan. Quan đô sát ra công đường, trông thấy lá đơn kiện Giả Liễn, trong đó có cả tên người nhà là Lai Vượng, đành phải sai người đến phủ Giả đòi Lai Vượng tới đối chất. Người lính không dám thiện tiện vào, chỉ nhờ một người đưa tin. Lai Vương đang chờ việc ấy, thấy người lính đến, liền chào hỏi, bất chấp cả người đưa tin, cười nói:
- Làm phiền đến anh em, tất là việc tôi bị kiện. Anh chẳng cần phải nói nữa, cứ xích tay tôi lại.
Bọn lính không dám, chỉ nói:
- Thôi mời anh đi, đừng đùa nữa.
Lai Vượng đến trước sân quỳ xuống. Quan đô sát sai mang lá đơn cho hắn xem. Lai Vượng cố ý xem một lượt từ đầu đến cuối, rồi lại thưa:
- Việc này con biết hết, chính chủ con có làm. Nhưng  Trương Hoa xưa nay vẫn thù con, cố ý kéo con vào trong đơn, thực ra còn có người khác nữa, xin quan xét kỹ cho.
Trương Hoa lạy nói:
- Tuy có người khác, nhưng con không dám kiện nên chỉ kiện người hầu hạ thôi.
Lai Vượng giả vờ nói:
- Thằng hồ đồ này! Sao mày không nói ngay ra. Đây là nơi công đường của triều đình, dù là chủ nữa cũng phải nói ra.
Trương Hoa liền khai ra Giả Dung. Quan đô sát không biết làm thế nào, đành phải cho đòi Giả Dung đến.
Phượng Thư lại sai Khánh Nhi đi dò xét, thấy Trương Hoa đã kiện rồi, liền gọi Vương Tín đến bảo cho hắn biết việc này, rồi sai hắn đến nói với quan đô sát là chỉ nên dọa dẫm cho họ sợ thôi. Lại sai lấy ba trăm bạc đưa hắn đi lo liệu. Đêm hôm ấy Vương Tín đến nhà riêng quan đô sát, đút lót món tiền. Quan đô sát đã biết rõ nguyên ủy, nhận ngay. Hôm sau ra công đường, chỉ mắng Trương Hoa là đứa vô lại vì nợ tiền của phủ Giả, mới bầy việc vu vạ nói xấu người lành. Quan đô sát vẫn chơi thân với Vương Tử Đằng, nên Vương Tín chỉ phải đến nhà nói qua một lời thôi, vả chăng họ cũng đều là người phủ Giả cả, cũng muốn chóng êm chuyện, nên chỉ cho đòi Giả Dung đến đối chất.
Giả Dung đương bận việc, chợt có người đến báo tin:
- Có người kiện các cậu đấy! Phải lo liệu sớm đi.
Giả Dung lo sợ vội trình Giả Trân. Giả Trân nói:
- Ta đã đề phòng trước rồi. Khen cho nó cả gan thật.
Liền gói ngay hai trăm bạc sai người đến đút lót cho quan đô sát, lại sai người nhà đi đối chất. Đương bàn định thì có người vào trình:
- Mợ Hai bên phủ Tây sang đấy.
Giả Trân nghe nói giật mình, định cùng Giả Dung tránh đi, không ngờ Phượng Thư đã vào đến nơi, nói:
- Ông anh tốt quá, đưa các em đi làm những việc hay đấy!
Giả Dung ra chào, Phượng Thư kéo tay hắn đi vào.
Giả Trân lại cười nói:
- Phải hầu thím mày cẩn thận đấy. Bảo chúng nó giết gà vịt làm cơm.
Nói xong sai người đóng ngựa rồi lánh mặt đi chỗ khác.
Phượng Thư dắt Giả Dung lên nhà trên. Vưu thị ra đón, thấy Phượng Thư có vẻ giận, liền nói:
- Có việc gì mà thím vội vàng thế?
Phượng Thư nhổ toẹt một bãi nước bọt vào mặt Vưu thị rồi mắng:
- Con gái nhà họ Vưu không ai thiết, chị lén lút gán cho người họ Giả. Có lẽ chỉ có người nhà họ Giả mới đẹp, còn thiên hạ chết hết cả con trai hay sao? Chị muốn gả chồng cho em, cũng phải có mối manh chứng cớ hai năm rõ mười, mọi người đều biết cho có thể thống chứ. Chị mê rồi, lú ruột lú gan rồi. Đương lúc có cả tang nhà, tang nước, chị lại cho em về nhà chồng để cho người ta đi kiện chúng tôi. Chúng tôi nào khác con cua không càng. Tiếng ghen tuông đanh đá của tôi đến cả tai quan. Họ đích danh đòi tôi. Họ định bỏ tôi. Từ khi về nhà này, tôi làm những điều gì không phải, mà chị lại độc ác như thế? Hay là cụ và bà Hai đã dặn ngầm chị, bảo chị bày ra cách này để đuổi tôi đi? Bây giờ tôi với chị cùng ra cửa quan đối chứng rõ ràng; sau về mời họ hàng họp lại, hai mặt một lời, nói rõ đầu đuôi, rồi cho tôi giấy tờ, tôi sẽ về ngay!
Phượng Thư vừa nói vừa khóc ầm lên, nhất định kéo Vưu thị ra hầu quan.
Giả Dung hoảng sợ quỳ xuống lạy lục kêu van:
- Xin thím nguôi giận cho.
Phượng Thư lại mắng Giả Dung:
- Quân trời đánh thánh vật không có lương tâm này! Không biết trời cao đất dày thế nào, mà suốt ngày chỉ xui người này, bẩy người kia, làm những việc tan cửa nát nhà, không giữ thể diện, không trọng phép vua. Linh hồn mẹ mày có chết đi, chắc không tha mày, tổ tiên không dung túng mày! Thế mà mày còn dám đến can ta à!
Mắng xong, Phương Thư giơ tay đánh luôn. Giả Dung sợ quá lạy như tế sao, nói:
- Xin thím chớ nổi giận. Thím hãy khoan tay để cháu tự đánh lấy. Xin thím hãy nguôi giận.
Hắn giơ hai tay lên tát lấy tát để vào hai má, rồi tự hỏi mình:
- Từ sau làm việc gì còn không nghĩ trước nghĩ sau nữa thôi? Từ sau còn chỉ nghe lời chú không nghe lời thím nữa thôi?
Mọi người vừa can ngăn, vừa buồn cười, nhưng không dám cười.
Phượng Thư lăn vào lòng Vưu Thị, kêu trời kêu đất, khóc lóc thảm thiết:
- Việc chị lấy vợ cho em chị, tôi cũng không giận nhưng tại sao lại để cho em chị trái lệnh vua, dối cha mẹ, đổ tiếng xấu lên người tôi? Chúng ta đi lên phủ để lính tráng khỏi phải đến bắt. Chúng ta về gặp cụ, gặp bà Hai rồi họp họ lại để mọi người công luận. Nếu tôi không tốt, không cho chồng lấy vợ lẽ thì cứ viết một tờ giấy cho tôi ra. Tôi sẽ đi ngay. Còn cô em của chị, tôi đã đón về nhà rồi, vì sợ cụ và bà Hai nổi giận nên chưa dám trình, hiện giờ ở trong vườn, ngày nào cũng cơm bưng nước rót, kẻ hầu người hạ tử tế. Ở bên nhà, tôi đã thu xếp một cái buồng cũng như buồng của tôi, chỉ chờ khi cụ biết rõ việc này thôi. Tưởng rằng đón về để mọi người yên phận làm ăn, tôi cũng chả cần phải nhắc lại chuyện cũ nữa, ngờ đâu cô ta đã có chồng rồi! Không biết các người làm ăn như thế nào, tôi không hiểu ra sao cả. Nay họ lại đi kiện tôi. Hôm qua tôi hoảng quá, nếu mà tôi đến hầu quan ngay thì chỉ xấu mặt người họ Giả thôi, nên bắt buộc phải ăn cắp của bà Hai năm trăm lạng bạc để đi đút lót. Hiện người nhà tôi còn bị giam ở trên ấy.
Phượng Thư nói xong lại khóc, khóc rồi lại mắng. Sau khi kêu gào ông bà cha mẹ, và định đập đầu tự tử, làm Vưu thị nhũn như sợi bún, quần áo đầy những nước mắt nước mũi, không hề nói được câu gì, chỉ mắng Giả Dung:
- Quân khốn nạn! Mày và bố mày khéo bới việc. Tao đã bảo mà, làm thế không được đâu!
Phượng Thư nghe nói thế, liền khóc rồi trỏ vào mặt Vưu thị hỏi:
- Chị mê rồi à? Có lẽ miệng chị ngậm hạt thị hay sao? Hay là họ khóa hàm thiếc vào mồm chị. Tại sao chị không đến bảo tôi trước? Nếu chị bảo tôi biết, thì bây giờ chẳng đã yên rồi hay sao? Làm gì phải đi hầu quan nọ phủ kia, gây ra nông nỗi này? Bây giờ chị lại còn mắng nó! Người xưa đã nói: “Vợ hiền chồng ít tội; tốt dạ hơn tốt lời”. Nếu chị là người giỏi, khi nào họ dám làm những chuyện này? Chị đã không có tài cán, lại không biết ăn nói, cứ như cái bầu cưa miệng chỉ biết một mực kính cẩn để lấy tiếng hiền lành.
Nói xong lại nhổ toẹt mấy cái.
Vưu thị cũng khóc nói:
- Đâu có phải như thế? Thím không tin cứ hỏi người hầu ở đây, tôi không khuyên mãi hay sao? Nhưng họ không nghe thì tôi làm thế nào được? Chẳng trách thím giận là phải, tôi đành cứ chịu ngồi nghe thôi.
Bọn hầu, bà già, a hoàn quỳ xuống đất van xin:
- Mợ Hai là người rất sáng suốt. Mợ chúng tôi có điều không phải, từ nãy đến giờ mợ đã giày vò đủ rồi. Xưa nay các mợ ăn ở với nhau tốt như thế nào? Xin mợ hãy để lại chút thể diện cho mợ tôi.
Họ bưng nước đến mời, Phượng Thư hất đi. Một lúc thôi khóc, vén tóc lên, lại quát mắng Giả Dung:
- Ra mời bố mày vào đây để tao hỏi. Bác mới chết được ba mươi lăm ngày mà cháu đã lấy vợ, không biết lễ ở đâu thế, muốn hỏi rõ đề sau này còn dạy bảo con cháu!
Giả Dung quỳ lạy nói:
- Việc này không dính dáng gì đến cha mẹ cháu, chỉ vì cháu một lúc dại dột, xui giục chú nhà làm như thế. Cha cháu cũng không hề biết đến. Hiện giờ cha cháu đương cư tang. Nếu thím làm ồn lên, thì cháu đến chết mất. Mong thím cứ trách phạt cháu, cháu xin nhận cả. Việc ra cửa quan xin thím thu xếp hộ, cháu không chịu nổi được đâu, chắc thím cũng hiểu câu tục ngữ: “Tay gãy giấu vào ống áo”. Cháu ngu ngốc đáng chết, đã làm việc dại dột khác nào giống chó má vậy. Lời thím dạy, cháu mới sáng ra. Xin thím hết sức dẹp chuyện ấy lại, khỏi vỡ lở ra ngoài. Thím cứ coi cháu như đứa con bất hiếu gây ra tai họa, nhưng thím cũng phải nén lòng mà thương đến nó!
Nói xong lại lạy lia lịa.
Phượng Thư thấy mẹ con Giả Dung như thế, lòng đã nguôi nguôi, đành dịu giọng xin lỗi Vưu thị:
- Em còn ít tuổi chưa từng trải việc đời. Nay nghe thấy người ta kiện tụng đâm ra mê mẩn cuống cuồng, nói xúc phạm đến chị. Đúng như cháu Dung nói: “Tay gãy giấu vào ống áo”. Xin chị tha lỗi cho. Em lại nhờ chị nói với anh, làm sao cho yên việc kiện tụng ấy đi mới ổn.
Vưu thị và Giả Dung đều nói:
- Xin thím cứ yên tâm. Thế nào cũng không liên lụy đến chú nhà đâu. Thím vừa nói tiêu mất năm trăm lạng bạc, mẹ con cháu tất phải thu xếp đủ số để bù lại cho thím, chứ lẽ nào lại để cho thím chịu thiệt? Nếu để thím chịu thì mẹ con cháu lại càng đáng chết! Nhưng còn một việc nữa; trước mặt cụ và bà Hai, nhờ thím liệu mà che chở cho, đừng nhắc đến những chuyện này thì hơn!
Phượng Thư cười nhạt:
- Các người đè đầu tôi xuống để làm việc này, lại dỗ dành tôi phải che chở cho. Dù tôi là đứa ngu đần cũng không đến nỗi thế. Em chồng chị với tôi là người thế nào? Chị còn lo cho hắn không có con, chẳng lẽ tôi lại không lo hơn chị hay sao? Em gái chị cũng như em gái tôi. Khi nghe thấy chuyện này, suốt đêm tôi vui mừng không ngủ được, vội vàng sai người thu xếp nhà cửa để mời dì ấy về cùng ở chung, ngay những bọn hầu hạ cũng nói: mợ nóng nảy quá, cứ như ý chúng cháu thì nên trình với cụ và bà Hai đã, xem thế nào rồi hãy thu dọn nhà cửa đón về cũng không muộn. Tôi nghe những câu nói ấy phải đánh mắng át đi, họ mới chịu thôi. Nào ngờ lại không được như ý, bỗng dưng như có người vả vào mặt, thằng Trương Hoa ở đâu đưa đơn đi kiện. Tôi thấy thế, sợ quá, hai đêm không chợp mắt được, lại không dám lộ tiếng ra ngoài, đành chỉ nhờ người đi dò xem Trương Hoa là người thế nào mà to gan thế. Dò xét hai ngày, té ra nó là một thằng ăn mày liều lĩnh. Tôi còn ít tuổi, nghe vậy cười nói: “Kiện tụng gì nó”. Nhưng bọn người hầu nói “Đó là người chồng mà chị Hai đã hứa lấy khi trước. Nay hắn kiết quá, ăn đói ở rét, chỉ còn chờ chết thôi. Hiện hắn nắm được cái lý ấy, dù có chết cũng còn hơn là chịu chết đói, chết rét. Như thế trách sao được hắn chẳng đi kiện? Việc này do cậu nhà vội vàng quá; một tội là còn tang nước; hai tội là tang nhà; ba tội là giấu cha mẹ đi lấy vợ; bốn tội là có vợ lại đi lấy vợ nữa. Tục ngữ nói: “Quân liều lôi vua xuống ngựa”. Nó là hạng cùng cực điên rồ, việc gì chẳng bạo gan làm? Vả lại nó đã nắm phần chắc, không đi kiện lại đợi người ta đến mời hay sao?” Chị thử xem, dù tôi có là Hàn Tín, Trương Lương, khi nghe thấy chuyện này cũng sợ hết hồn vía, không còn nghĩ ra mưu kế gì nữa. Em chị lại đi vắng, không có người để bàn bạc, tôi đành phải lấy tiền ra đắp điếm. Ngờ đâu càng dùng tiền lại càng làm cho người ta nắm được đằng chuôi, càng bới thêm nhiều chuyện. Tôi khác nào chuồn chuồn mỏng cánh, được bao hơi sức, vì vậy vừa hoảng, vừa giận, tôi đành phải sang nói với chị.
Vưu thị và Giả Dung không chờ Phượng Thư nói hết, ngắt lời:
- Thím cứ yên tâm, tất nhiên tôi phải thu xếp cho xong.
Giả Dung lại nói:
- Trương Hoa chẳng qua chỉ vì nghèo kiết mới liều mạng đi kiện. Nay cháu nghĩ một cách, cho nó ít tiền, bắt nó nhận lấy cái tội kiện gian, rồi chúng ta đến cửa quan lo lót cho xong; mặt khác nó được tha về, ta sẽ cho ít tiền là yên chuyện.
Phượng Thư bĩu môi cười nói:
- Cháu nghĩ giỏi đấy! Chẳng trách được, cháu chỉ biết một mà không biết hai, nên mới gây ra cơ sự này. Té ra cháu thật là mê muội. Cứ như lời cháu nói, thì lúc này nó tạm bằng lòng đấy. Kể ra nó đi kiện vớ được món tiền, tất nhiên nó sẽ yên đi. Nhưng hạng vô lại ấy được tiền đến tay, ít lâu tiêu hết, nó lại tìm cách bới ra. Nó có giở mặt chúng ta cũng chẳng sợ, nhưng vẫn phải bận lòng, tránh sao khỏi nó không rêu rao “Không có lội cớ chi phải đưa tiền cho nó”. Rút cục vẫn không ổn.
Giả Dung là người tinh ý, thấy vậy cười nói:
- Cháu có ý định “Người đã gây chuyện tất phải dẹp chuyện”. Việc này phải tự cháu đi thu xếp mới được. Bây giờ cháu sẽ đến hỏi Trương Hoa, hoặc là nó đòi lại người; hoặc là nó muốn xong việc được món tiền đi lấy vợ khác. Nếu nó nhất định đòi người, thì đành phải khuyên dì Hai trở về với nó, nếu nó đòi tiền ta sẽ cho nó một món.
Phượng Thư nói:
- Cháu nói vậy nhưng ta không nỡ và cũng không chịu để dì Hai đi. Để dì ấy đi thì thể diện nhà ta còn ra làm sao? Cứ ý ta, thà cho nó thêm tiền là hơn.
Giả Dung biết rõ Phượng Thư ngoài miệng nói thế, nhưng trong bụng thì chỉ muốn tống dì Hai đi, mà mình vẫn được tiếng là người lử tế. Bây giờ Phượng Thư nói sao, Giả Dung đành phải nghe vậy.
Phượng Thư tươi hẳn lên, lại nói:
- Việc bên ngoài thu xếp xong xuôi, còn việc trong nhà thì làm thế nào? Chị nên cùng đi với em sang trình cụ và bà Hai mới phải.
Vưu thị lại cuống lên, níu lấy Phượng Thư và hỏi nên nói dối thế nào cho phải. Phượng Thư cười nhạt:
- Đã không có gan thì ai bảo chị gây ra việc này? Nhìn vẻ mặt, lại đáng thương. Tôi định không nói, nhưng mình là người hiền lành cả nể, dù ai lừa dối tôi vẫn giữ tấm lòng chân thực, thôi thì việc này để tôi nhận hết. Mẹ con chị đừng ra mặt vội, cứ để tôi đưa dì nó vào gặp cụ và bà Hai. Tôi chỉ nói dì ấy là em gái chị, trông cũng khá, vì tôi hiếm hoi, vẫn định mua thêm vài người về hầu trong nhà. Nay thấy dì nó người cũng xinh xắn, thân lại thêm thân, nên tôi muốn cưới làm vợ thứ hai. Nhưng vì bố mẹ chị em họ hàng người ta đều chết cả, đời sống chật vật, khó mà qua ngày, nếu chờ khi hết tang, dì ấy không có nơi nương tựa, nên tôi cứ đón dì ấy về. Nhà cửa đã sửa soạn xong rồi, dì ấy hãy tạm ở đây, chờ khi hết tang sẽ làm lễ thành hôn. Để cho cái mặt dày này sống chết cứ nói dối bừa đi, nếu có xảy ra điều gì không hay cũng chẳng dính dáng gì đến các người. Mẹ con chị thử nghĩ xem làm thế có được không?
Vưu thị và Giả Dung cũng cười nói:
- Rút cuộc lại phải chịu thím là người độ lượng rất rộng, mưu trí rất nhiều. Chờ khi xong việc, mẹ con tôi thế nào cũng đến tạ ơn.
Vưu thị lại sai a hoàn múc nước, lấy hộp gương lược ra hầu hạ Phượng Thư chải đầu, rửa mặt rồi vội sai dọn cơm rượu. Vưu thị tự tay nâng rượu gắp thức ăn mời Phượng Thư. PhượngThư nhất đinh đòi về.
Đến vườn, Phượng Thư đem việc này nói cho chị Hai biết và nói:
- Chị thật hết lòng lo lắng và thăm dò, lại nghĩ hết mọi cách. Em phải thế này, thế này thì mọi người mới khỏi mang tội. Thốt thì ta cứ phải giơ đầu chịu báng cho mọi người được yên ổn.
Không biết Phượng Thư lại nghĩ ra kế gì nữa.
Chú thích:
(1). Tức Phượng Thư.
Hồi 69:
Giở lối khôn vặt, mượn gươm giết người;
Biết gặp hạn đen, nuốt vàng thoát kiếp.
Chị Hai nghe thấy nói thế, cảm tạ không ngớt, đành phải theo Phượng Thư đi. Vưu Thị tất nhiên cũng phải theo. Phượng Thư cười nói:
- Chị đừng nói gì, để tôi nói cho.
Vưu Thị đáp:
- Đúng thế. Nếu có điều gì không phải, tôi cứ đổ cả cho thím là xong.
Mọi người kéo nhau đến nhà Giả mẫu. Giả mẫu đương nói chuyện với bọn chị em cho đỡ buồn, chợt trông thấy Phượng Thư đưa đến một thiếu phụ tuyệt đẹp, liền chăm chú nhìn nói:
- Con cái nhà ai thế? Trông cũng đáng thương!
Phượng Thư đi lên cười nói:
- Bà nhìn kỹ xem có đẹp hay không?
Nói xong liền dắt chị Hai đến nói:
- Đây là bà đấy, lạy đi.
Chị Hai quỳ xuống lạy. Phượng Thư lại trỏ các chị em bảo:
- Đây là cô này, đây là chị này. Chờ chào mẹ đã, trở về em sẽ chào các cô.
Chị Hai nghe thấy nói thế, đành phải giả vờ, bắt đầu chào hỏi từng người, rồi cúi đầu đứng ở bên cạnh.
Giả mẫu ngắm đi ngắm lại, ngửa mặt lên nghĩ rồi cười hỏi:
- Hình như ta đã gặp cháu này ở đâu rồi, trông mặt quen quá!
Phượng Thư vội cười nói:
- Xin bà đừng nói đến chuyện ấy vội, hãy cứ xem có đẹp hơn cháu không?
Giả mẫu vội đeo kính vào rồi bảo Uyên Ương, Hổ Phách:
- Dắt nó lại đây để ta xem da dẻ thế nào.
Mọi người đều mím môi cười, dẫn chị Hai đến. Giả mẫu nhìn kỹ một lượt, lại bảo Hổ Phách:
- Cầm tay nó lên cho ta xem.
Giả mẫu xem xong, bỏ kính xuống, cười nói:
- Được cả mọi vẻ. Ta xem nó còn đẹp hơn cháu đấy.
Phượng Thư nghe xong cười, rồi quỳ xuống đem những lời đã đặt sẵn bên nhà Vưu Thị, kể hết đầu đuôi một lượt: “Dù sao cũng xin bà mở rộng từ bi, hãy cho dì ấy về, một năm nữa sẽ làm lễ thành hôn”.
Giả mẫu nói:
- Có gì mà không được! Cháu đã tử tế như thế, tốt lắm. Nhưng phải giữ đúng một năm.
Phượng Thư nghe nói, gục đầu tạ rồi đứng dậy, lại xin với Giả mẫu:
- Cho hai đứa hầu gái cùng dẫn dì ấy đi chào các mẹ và nói là ý định của bà đấy!
Giả mẫu nhận lời, cho hai người dẫn đi, đến chào Hình phu nhân. Còn Vương phu nhân thì mấy lần nghe tiếng tăm Phượng Thư không tốt, rất lấy làm lo lắng; nay thấy chị ta đối xử như thế, lẽ nào lại không bằng lòng. Từ đó chị Hai được mở mày mở mặt, dọn đến ở buồng riêng.
Một mặt Phượng Thư sai người đi xui ngầm Trương Hoa cứ bảo nó đòi vợ về: “Bên này ngoài các món đền bồi ra, lại còn cho thêm tiền để làm ăn sinh sống nữa.” Trương Hoa vốn không có gan đi kiện người nhà họ Giả. Giả Dung lại sai người đi đối chất. Người ấy nói:
- Trương Hoa trước đã thoái hôn rồi. Chúng tôi nguyên là chỗ bà con, có đón cô ấy về nhà cho ở thật, nhưng không hề lấy ép làm vợ. Chỉ vì Trương Hoa nợ tiền chúng tôi, đòi mãi không trả, nên mới vu khống cho chú chúng tôi.
Quan đô sát vốn có dây mơ rễ má với họ Vương, họ Giả, vả chăng đã ăn tiền rồi, nên bảo Trương Hoa là đứa vô lại, vì cùng túng mà vu vạ đi kiện, bèn không nhận đơn, đánh cho nó một trận rồi đuổi ra. Khánh Nhi ở ngoài chạy chọt cho Trương Hoa nên nó không bị đánh đau. Sau lại xui Trương Hoa:
- Việc hôn nhân này là do nhà anh định trước. Anh cứ đòi vợ cho được, thế nào quan cũng xử trả lại anh.
Trương Hoa lại đi kiện. Về phần Vương Tín, lại ngầm đưa tin cho quan đô sát. Quan đô sát liền phê:
- Việc Trương Hoa nợ tiền nhà họ Giả, đúng hạn phải đem trả đủ; còn việc hôn nhân khi nào có thể lo được thì cho cưới về.
Lại đòi bố Trương Hoa đến, phê chuẩn trước công đường, Khánh Nhi đã nói trước cho bố Trương Hoa biết, nên ông ta mừng quá, vừa được người, vừa được của, liền đến nhà họ Giả đòi lại chị Hai.
Phượng Thư hoảng hốt đến trình Giả mẫu: việc xảy thế này, đều do chị Trân xử sự không được phân minh. Người ta chưa dứt khoát thoái hôn, nên đã đi kiện. Nay quan lại xử như thế!
Giả mẫu nghe nói liền gọi Vưu Thị đến bảo:
- Chị làm việc không cẩn thận, em chị đã hứa gả cho người ta từ lúc còn ở trong bụng, chưa thoái hôn xong, để người ta đi kiện, thế là thế nào?
Vưu Thị nghe vậy nói:
- Nó đã nhận tiền rồi, sao lại bảo chưa dứt khoát thoái hôn?
Phượng Thư đứng cạnh nói:
- Trương Hoa cung rằng, nó không thấy tiền đâu và cũng không thấy người nào cả. Bố hắn lại nói: “Bà thông gia có đến nói việc thoái hôn một lần, nhưng nó chưa nhận lời; sau người thông gia chết rồi, các người đón ngay cô ấy về làm vợ hai”. Việc ấy không có ai đối chứng, thành ra nó muốn nói gì thì nói. May mà cậu Hai còn đi vắng, chưa làm lễ thành hôn, cũng không can hệ gì, chỉ có điều là đã đưa người ta đến đây, lại để cho về, coi sao tiện. Như thế chẳng mất thể diện hay sao?
Giả mẫu nói:
- Chưa làm lễ thành hôn, lại vô cớ lấy ép gái có chồng, tiếng tăm không được tốt, chi bằng cho nó về đi. Tìm đâu mà không được người đẹp.
Chị Hai nghe nói, lại trình Giả mẫu:
- Quả là ngày nọ, tháng nọ, năm nọ mẹ cháu đã cho nó hai mươi lạng bạc để thoái hôn cho xong. Nó vì kiết quá đi kiện, rồi lại chối phắt đi, chứ chị cháu không làm sai bao giờ.
Giả mẫu nói:
- Khó dây với hạng người điêu toa. Đã thế thì chị Phượng đi mà thu xếp lấy.
Phượng Thư nghe nói, không biết làm thế nào, đành phải ra về, sai người đi tìm Giả Dung. Giả Dung đã thừa biết ý Phượng Thư rồi. Nếu để Trương Hoa được đón vợ về thì còn ra thể thống gì nữa? Hắn liền trình Giả Trân, ngầm sai người đi bảo Trương Hoa:
- Nay anh đã được nhiều tiền, cần gì phải đòi người nữa? Nếu anh cứ một mực khăng khăng làm cho các ông ấy giận lên, bày ra chuyện gì thì anh sẽ chết không có chỗ chôn! Anh đã có tiền, về nhà làm gì mà không tìm được một người đẹp? Nếu anh về, sẽ thưởng thêm cho anh tiền ăn đường.
Trương Hoa nghe xong, trong bụng nghĩ: “Như vậy cũng tốt”. Hắn bàn với bố xong, tính tất cả được độ một trăm lạng, hôm sau hai bố con dậy từ trống canh năm, đi về nguyên quán.
Giả Dung hỏi ra, biết đã thăm dò đích xác rồi, liền sang trình Giả mẫu và Phượng Thư:
- Bố con Trương Hoa đi kiện gian, bây giờ sợ tội, đã trốn đi rồi. Quan phủ biết rõ như vậy, nên cũng không truy xét nữa, thế là xong việc.
Phượng Thư nghe nói nghĩ bụng: “Mình cứ bắt Trương Hoa đón dì Hai đi, khi Giả Liễn về, sẽ quẳng thêm ít tiền giữ dì Hai lại, thế nào Trương Hoa cũng bằng lòng, vậy thì hãy để dì Hai cùng bầu bạn với mình, lại được ổn thỏa hơn, sau này ta sẽ liệu cách. Nhưng không biết Trương Hoa đi đâu, nếu nó lại đem việc này nói với người khác, hoặc là sau này nó tìm được đầu mối, sẽ đi kiện lại, như thế chẳng hóa ra tự  mình hại mình hay sao? Lẽ ra ta không nên đưa dao cho người cầm đằng chuôi mới phải”. Phượng Thư hối hận mãi. Sau nghĩ ra một kế, ngầm bảo Lai Vượng sai người đi tìm Trương Hoa, hoặc vu cho nó làm giặc, đi trình quan để trị tội; hoặc sai người ám sát nó, như thế là nhổ cỏ nhổ tận rễ, mới bảo toàn được thanh danh của mình.
Lai Vượng vâng lời đi ra, về nhà nghĩ kỹ: “Người ta đã bỏ đi là xong rồi, việc gì phải làm to chuyện. Mệnh người rất quan hệ, không phải chuyện đa. Mình hãy nói dối mợ ấy, rồi sau sẽ liệu.” Lai Vượng lánh mặt đi mấy ngày rồi về trình Phượng Thư:
- Khi Trương Hoa trốn đi, có mang một số tiền trong mình, đến hôm thứ ba, tới địa giới Kinh Khẩu, vào trống canh năm, đã bị kẻ cướp đón đường đánh chết. Bố nó sợ quá cũng chết trong nhà trọ. Ở đấy người ta đã khám xác và cho chôn rồi.
Phượng Thư không tin, nói:
- Nếu mày nói dối, ta cho người dò xét ra sẽ vặn răng mày!
Sau đó các chuyện bỏ qua không ai để ý đến nữa. Phượng Thư và chị Hai ăn ở với nhau rất tử tế, hơn hẳn chị em ruột thịt.
Một hôm, Giả Liễn xong việc trở về, đến ngay buồng chị Hai, thấy trong nhà vắng ngắt, cửa đóng then cài, chỉ có một bà già ở đấy canh cửa.
Giả Liễn hỏi duyên cớ, bà già kể lại đầu đuôi. Giả Liễn cứ giậm chân ở trên bàn đạp ngựa, rồi đành phải về hầu Giả Xá và Hình phu nhân, trình rõ những việc đã làm. Giả Xá vô cùng sung sướng, khen con làm được việc, thưởng cho hắn một trăm lạng bạc, và cho một con a hoàn 17 tuổi tên là Thu Đồng làm nàng hầu. Giả Liễn  tạ ơn nhận lấy, vui mừng khôn xiết, rồi lại đi chào Giả mẫu và các người trong nhà. Về đến nhà, trông thấy Phượng Thư, Giả Liễn có vẻ thẹn. Ngờ đâu nét mặt Phượng Thư không như mọi ngày, cùng với chị Hai ra chào, kể lể hàn huyên. Giả Liễn lại nói đến việc Thu Đồng, trên mặt hiện ra vẻ khoe khoang tự đắc.
Phượng Thư sai hai người đàn bà ngồi xe sang bên Giả Xá đón Thu Đồng về. Một cái gai chưa nhổ được, bỗng dưng lại thêm cái gai nữa, Phượng Thư đành phải im hơi lặng tiếng, bề ngoài ra dáng vui vẻ để che giấu nỗi lòng. Một mặt sai người dọn rượu tẩy trần; một mặt dẫn Thu Đồng đến chào Giả mẫu và Vương phu nhân. Trong bụng Giả Liễn cũng lấy làm lạ.
Thường khi ở nhà, Phượng Thư đối đãi với chị Hai bề ngoài không còn điều gì đáng trách, nhưng trong bụng lại khác hẳn. Khi vắng người, Phượng Thư thường nói với chị Hai:
- Tiếng tăm em không lấy gì làm tốt, chính cụ và các bà cũng đều biết cả. Người ta bảo, khi em còn là con gái ở nhà cũng không được đứng đắn, thường đi lại thậm thụt với anh rể. Chẳng ai màng đến, mà cũng rước về. Sao không bỏ nó đi, tìm người khác có hơn không? Chị nghe thấy những câu ấy, không biết bực đến đâu. Muốn xem ai nói, nhưng không dò ra được. Cứ mãi thế này thì trước mặt bọn hầu hạ, mình biết ăn nói ra làm sao? Chị đây thực là chỉ mang lấy việc rắc rối vào mình.
Phượng Thư cứ nói đi nói lại mãi, rồi tức giận đâm ốm, cơm cũng chẳng buồn ăn. Trừ Bình Nhi ra, các a hoàn, bà già không ai là không tiếng ra tiếng vào, nói bóng nói gió, ngấm ngầm chê bai về việc này.
Thu Đồng tự cho mình là do Giả Xá cho Giả Liễn, không ai hơn cả. Nó không coi Phượng Thư và Bình Nhi ra gì, thì đâu lại chịu chị Hai, nên cứ mở miệng là nói: “Con người đĩ trước cưới sau; chẳng thằng nào vời đến mới lần vào đây”. Phượng Thư thấy thế, ngấm ngầm vui sướng. Chị Hai nghe thấy, vừa hổ thẹn vừa bực. Từ khi giả ốm, Phượng Thư không ăn cơm với chị Hai nữa, hàng ngày sai người đem cơm vào buồng cho chị Hai ăn riêng. Đồ ăn đều là thứ không thể nuốt được. Bình Nhi thấy thế không đành lòng, tự mình bỏ tiền ra mua thêm thức ăn cho chị Hai. Cũng có lúc Bình Nhi nói dối là rủ chị Hai vào trong vườn chơi, rồi vào bếp bảo làm canh, làm bánh cho chị ta ăn. Biết vậy nhưng không ai dám trình lại Phượng Thư, chỉ có Thu Đồng bắt gặp, về ton hót ngay với Phượng Thư:
- Tiếng tăm của mợ đều bị con Bình bôi nhọ cả rồi. Cơm và thức ăn ngon như thế, nó bỏ không thèm ăn, lại sang bên vườn ăn vụng.
Phượng Thư nghe nói, mắng Bình Nhi:
 - Người ta nuôi mèo để bắt chuột, mình thì nuôi mèo để bắt gà.
Bình Nhi không dám cãi lại, đành phải xa chị Hai, trong bụng rất căm giận Thu Đồng.
Chị em ở trong vườn như bọn Lý Hoàn, Thám Xuân, Tích Xuân đều cho Phượng Thư là có lòng tốt, chỉ có Bảo Ngọc, Đại Ngọc một số người lại lo thay cho chị Hai. Tuy họ không dám nói ra, nhưng trong lòng đều thương xót và thỉnh thoảng lại thăm nom chị ta. Khi vắng người, gợi đến chuyện ấy, chị Hai lại nước mắt giàn giụa, nhưng không dám oán trách Phượng Thư, vì ngoài mặt Phượng Thư không tỏ nỗi gì là độc ác cả.
Giả Liễn về nhà, thấy Phượng Thư tử tế, nên cũng không để ý đến. Vả chăng ngày thường thấy Giả Xá có rất nhiều nàng hầu vợ lẽ, hắn vẫn có bụng không tốt, nhưng chưa dám động chạm đến. Bọn Thu Đồng ngày thường rất căm ghét Giả Xá già yếu mê mẩn, tham nhiều nuốt không trôi, bỗng dưng giữ bọn họ lại để làm gì? Vì vậy ngoài mấy đứa biết lễ nghĩa, liêm sỉ ra, còn thì đều đùa bỡn với bọn nhỏ bên ngoài, thậm chí có người đưa mày liếc mắt với Giả Liễn, ngấm ngầm hò hẹn, chỉ vì sợ oai Giả Xá, chưa dám làm thôi. Thu Đồng đã có ý với Giả Liễn từ lâu, nhưng chưa gặp dịp nào. Nay duyên trời khéo xe, Giả Xá lại đem Thu Đồng thưởng cho hắn. Hai người thật là củi khô gặp lửa, như keo với sơn, vui cùng người mới luôn trong mấy ngày, rời nhau sao được? Giả Liễn dần dần lạnh nhạt chị Hai, chỉ còn biết có một mình Thu Đồng thôi.
Phượng Thư tuy giận Thu Đồng, nhưng lại mừng là sẽ mượn tay nó để trừ bỏ chị Hai đi, dùng cách “mượn dao giết người”, “ngồi trên núi xem hổ đánh nhau”, chờ Thu Đồng giết được chị Hai rồi, sau này mình sẽ giết Thu Đồng. Ý đã định thế, khi vắng người, Phượng Thư thường khuyên bảo riêng Thu Đồng:
- Em còn trẻ tuổi chưa biết gì. Dì ấy hiện là mợ Hai, là người yêu nhất của cậu Hai đấy. Ta còn phải nể dì ấy ít nhiều, thế mà em lại dám kình địch với dì ấy, chẳng hóa ra em tự tìm lấy cái chết à?
 Thu Đồng nghe vậy tức quá, ngày nào cũng chửi mắng ầm ĩ và nói:
- Mợ là người nhu nhược hiền lành quá! Em thì không thể thế được! Oai phong ngày thường của mợ đã mất hết rồi à? Mợ thì khoan hồng đại lượng chứ em không thể để cái gai trước mắt được. Em phải sửa cho con đĩ ấy một phen, nó mới biết tay!
Phượng Thư ở trong nhà chỉ giả vờ không dám ra tiếng. Chị Hai tức quá, cứ khóc lóc ở trong huống, cơm chẳng buồn ăn, cũng không dám mách Giả Liễn. Hôm sau Giả mẫu thấy mắt chị Hai sưng húp lên, có hỏi chị Hai cũng không dám nói.
Thu Đồng giở khôn giở khéo khẽ ton hót với Giả mẫu và Vương phu nhân:
- Chị ấy chỉ muốn giở chứng chết, tự dưng vô cớ lại cứ khóc lóc thở than, rủa ngầm mợ Hai và cháu chóng chết để một mình ăn ở với cậu Hai.
Giả mẫu thấy vậy nói:
- Người đẹp thì hay ghen tuông. Cháu Phượng đối đãi với nó cũng tốt, nó lại còn tranh giành ghen ngược, thật là quân hèn hạ!
Giả mẫu dần dần cũng không ưa chị Hai. Mọi người thấy thế lại càng khinh rẻ thêm, làm chị Hai sống dở chết dở. May nhờ có Bình Nhi, khi vắng Phượng Thư, thường tìm cách khuyên giải.
Chị Hai vốn người “vóc hoa da tuyết”, chịu sao nổi những sự giày vò! Nên chỉ trong vòng một tháng trời, đã ngấm ngầm thành bệnh, chân tay rời rạc, ăn uống kém dần, ngày một gầy mòn. Ban đêm hễ chợp mắt lại thấy em gái mình tay cầm thanh gươm “Uyên Ương” đứng trước mặt nói: “Chị ơi! Chị suốt đời ngây thơ yếu đuối, rút cục bị thiệt đến thân! Chị không nên tin lời đường mật của con mụ ghen tuông cay nghiệt ấy, ngoài mặt nó làm ra vẻ hiền lành, trong bụng thì chứa đầy gian ác. Nó nhất định làm cho chị chết mới chịu thôi. Em còn sống, không khi nào em cho chị đến đây. Dù chị có đến cũng không để cho nó làm như thế. Đó cũng là số trời đã định, vì kiếp trước chị là người dâm đãng, làm cho nhà người ta mất cả luân thường đạo lý, nên mới bị quả báo vậy. Chị nghe lời em, cầm cái gươm này giết chết con mụ ấy đi rồi cùng đến trước nơi Cảnh ảo, tùy lượng trên xét xử cho mình. Nếu không thế, chị sẽ uổng mạng, chẳng có ai thương đâu!”
Chị Hai khóc nói:
- Em ơi! Đời chị đã mất hết nhân phẩm rồi, bị quả báo thế này là lẽ tất nhiên, lại còn đi giết người để gây ra oan nghiệp nữa làm gì?
Chị Ba nghe thấy nói thế, thở dài rồi đi.
Chị Hai giật mình tỉnh dậy, hóa ra chiêm bao. Chờ khi Giả Liễn đến thăm, nhân lúc vắng người, chị Hai khóc lóc nói với Giả Liễn:
- Bệnh em không thể khỏi được! Em về đây nửa năm đã có mang trong bụng, không biết là trai hay gái. May mà trời thương, sinh đẻ ra được thì khá; nếu không, thân em còn không sống nổi, huống chi đứa bé.
Giả Liễn cũng khóc nói:
- Em cứ yên tâm, để anh mời thầy thuốc đến chữa.
Nói xong đi ra mời thầy thuốc ngay.
Ngờ đâu lúc đó Vương thái y đi theo quan quân để sau này con cái được tập ấm. Bọn hầu đi mời thái y Hồ Quân Vinh. Sau khi xem mạch, thái y bảo là kinh nguyệt không đều, phải uống đại bổ.
Giả Liễn nói:
- Đã tắt kinh ba tháng rồi, lại thường nôn ọe, sợ là có thai.
Hà Quân Vinh nghe nói, lại bảo bà già cầm tay chị Hai đưa ra xem lại một lúc, nói:
- Nếu có thai, cái mạch(1) phải chạy mạnh. Nhưng mộc thịnh thì sinh hỏa, kinh nguyệt không đều, cũng do can mộc gây ra. Tôi xin cả gan mời mợ nhà ngỏ mặt ra để xem khí sắc rồi mới dám cho thuốc.
Giả Liễn không làm sao được, phải mở màn bảo chị Hai ngó mặt ra. Hồ Quân Vinh vừa trông thấy, hồn phách đã bay lên trời, còn bụng dạ nào phân biệt được khí sắc nữa. Một lúc bỏ màn xuống, Giả Liễn mời hắn ra ngoài hỏi là bệnh gì. Hồ thái y nói:
- Không phải có mang mà là ứ huyết không thông. Bây giờ chỉ cần cho uống thuốc thông kinh hạ ứ.
Nói xong kê đơn rồi về.
Giả Liễn sai người đưa tiền xem mạch và bảo đi lấy thuốc về sắc cho chị Hai uống. Vào khoảng nửa đêm, chị Hai đau bụng dữ, sẩy mất một cái thai đã thành hình con trai. Máu ra nhiều quá, chị Hai mê man bất tỉnh. Giả Liễn nghe vậy mắng Hồ Quân vinh ầm ĩ. Một mặt sai người đi tìm thầy thuốc khác đến chữa, một mặt cho đi tìm Hồ Quân Vinh. Nhưng lão ta nghe thấy thế, đã cuốn gói trốn đi rồi.
Khi ấy thầy thuốc đến nói:
- Khí huyết vốn đã suy nhược, chắc là từ khi thụ thai đến giờ, người bị nhiều lo nghĩ, uất kết bên trong. Thầy thuốc trước dùng nhầm thuốc công phạt, bây giờ nguyên khí mười phần đã hư mất tám, chín rồi, khó mà chữa khỏi ngay được. Cần phải dùng cả hai thứ thuốc viên và thuốc chén, lại không nên nghe những điều nhảm nhí vớ vẩn, may ra mới khỏi được.
Nói xong đi ra, kê một đơn thuốc chén và một đơn thuốc viên điều nguyên tán uất, rồi về.
GIả Liễn vội hỏi người nào đã mời thầy thuốc họ Hồ. Tra ra, hắn đánh đứa kia một trận gần chết.
Phượng Thư còn sốt ruột hơn Giả Liễn nhiều, nói:
- Chúng ta hiếm hoi, vất vả mãi mới được một đứa, lại gặp phải hạng lang băm thế này!
Rồi đi thắp hương lễ trời đất, miệng khấn: “Tôi xin ốm thay để cho dì Hai mạnh khỏe, sau lại có mang sinh được đứa con trai, thì tôi nguyện suốt đời ăn chay niệm phật!”
Giả Liễn và mọi người thấy thế ai cũng khen ngợi.
Giả Liễn cùng Thu Đồng ở một nơi. Phượng Thư sai người nấu canh nấu cháo đưa đến cho chị Hai ăn. Phượng Thư lại mắng Bình Nhi hết phúc “Cũng như ta vậy. Ta vì ốm luôn, chứ chị thì béo trục, béo tròn, cũng chẳng thấy gì. Bây giờ dì Hai như vậy, đều tại chúng ta vô phúc, hay dì ấy có bị xung khắc gì chăng?” Rồi lại sai người đi xem bói. Người kia về trình:
- Số này bị người đàn bà cầm tinh con thỏ trêu.
Cả nhà tính ra chỉ có một Thu Đồng là cầm tinh con thỏ thôi, nên bảo nó là xung khắc với dì Hai.
Thấy Giả Liễn mời thầy chạy chữa, lại đánh người chửi chó, hết lòng trông nom chị Hai, Thu Đồng đã ghen tức đầy ruột, nay lại nghe nói nó xung khắc với dì Hai. Phượng Thư lại khuyên bảo nó:
- Em hãy tạm lánh đi nơi khác mấy tháng rồi sẽ về.
Thu Đồng tức quá khóc mắng ầm lên:
- Cái đồ rạc roài, thối mồm thối miệng ấy đáng kể gì. Em với nó như “nước giếng với nước sông”, không động gì đến nhau, sao lại bảo là xung khắc? Ở ngoài thì như con sáo ấy, ai gặp cũng được. Thế mà vào đây, lại xung khắc với ngươi này người nọ. Em còn muốn hỏi nó, đứa con ấy ở đâu mà ra? Chẳng qua nó chỉ lừa dối được cậu Hai là người cả nghe thôi! Dù quả có con chăng nữa, cũng chưa chắc là con họ Trương hay con họ Vương! Mợ cứ quý cái giống con hoang ấy, chứ em thì chẳng thèm. Ai mà không biết đẻ? Một năm, nửa năm đẻ một đứa, lại chẳng có một tí lang chạ nào nữa kia.
Mọi người đều muốn cười, lại không dám cười.
Vừa lúc Hình phu nhân đến hỏi thăm, Thu Đồng liền mách:
- Cậu Hai và mợ Hai định đuổi con đi, con không có chỗ nương thân, xin bà thương cho.
Hình phu nhân nghe thấy nói thế, liền trách móc Phượng Thư một trận, rồi mắng Giả Liễn: 
- Quân không biết điều! Dù nó thế nào cũng là người của bố mày cho, nay vì một đứa ở ngoài đến mà đuổi nó đi, thì mày không còn coi bố ra gì nữa. Mày muốn đuổi nó đi, chi bằng đem nó trả lại bố mày.
Nói xong hầm hầm đi về.
Thu Đồng lại càng đắc ý, chạy đến dưới cửa sổ mắng ầm lên. Chị Hai nghe thấy càng buồn. Đến tối, Giả Liễn về nghỉ ở buồng Thu Đồng. Phượng Thư cũng đã ngủ rồi, Bình Nhi lẻn đến buồng chị Hai an ủi.
- Mợ cố mà điều dưỡng, đừng đếm xỉa gì đến giống súc sinh ấy!
Chị Hai kéo Bình Nhi khóc lóc:
- Chị ơi, từ ngày em về đây, nhờ có chị săn sóc giúp đỡ. Chị vì em mà chịu biết bao tai tiếng. Nếu em trốn thoát nơi này, em xin báo đền ơn chị, chỉ sợ em không thoát ra khỏi, thì xin hẹn đến kiếp sau.
Bình Nhi cũng không cầm nổi nước mất, nói:
- Nghĩ lại thực em đã giết chị. Em vốn một lòng chân thật, xưa nay không hề giấu giếm người ta điều gì. Khi nghe thấy tin chị ở bên ngoài, em liền đem chuyện mách người ta, ngờ đâu lại xảy ra cơ sự này.
- Chị nói lầm rồi. Dù chị không mách, người ta cũng dò ra. Có điều là chị nói trước đấy thôi. Vả lại em cũng muốn về đây mới ra thể thống, chứ có liên quan gì đến chị.
Hai người khóc lóc một lúc, Bình Nhi lại dặn dò mấy câu, đến đêm khuya mới về ngủ.
Chị Hai nghĩ bụng: “Bệnh nặng thế này, đã không có gì tẩm bồ, lại còn phải chịu đau thương, mình chắc không thể sống được. Vả chăng cái thai đã ra rồi, không còn gì đáng áy náy, thì việc gì phải chịu khổ mãi thế này, chi bằng chết đi còn rảnh rang hơn! Nghe người nói, nuốt vàng sống có thể chết được, còn nhẹ nhàng hơn là thắt cổ.” Nghĩ xong chị Hai cố gượng dậy, mở hòm ra, lấy một cục vàng, không biết nặng bao nhiêu. Khóc một lúc, nghe bên ngoài trời đã sắp đến trống canh năm, chị Hai nghiến răng lại, bỏ vàng vào miệng nuốt, bị nghẹn mấy lần mới nuốt được. Sau đó chị vội ăn mặc trang sức chỉnh tề rồi lên nằm thẳng trên giường, không ai hay biết gì cả.
Đến sớm hôm sau, không thấy chị Hai gọi, bọn a hoàn, bà già cứ đi rửa mặt chải đầu. Phượng Thư và Thu Đồng đều đi lên nhà trên. Bình Nhi không đành dạ, bảo bọn ạ hoàn:
- Các cô chỉ thích người nào đánh chửi cho mới chịu làm, còn người ốm nằm đó thì lờ đi không biết thương hại! Chị ấy tuy hiền lành nhưng các cô cũng nên giữ lề thói một chút, không được lộng quá. Thực là “giậu đổ bìm leo!”
A hoàn nghe vậy, vội đẩy cửa buồng vào xem, thấy chị Hai ăn mặc chỉnh tề, đã chết ở trên giường. Sợ quá, họ kêu ầm lên. Bình Nhi vào xem, không cầm lòng được, khóc òa lên. Ngày thường mọi người sợ Phượng Thư thật, nhưng nghĩ đến chị Hai là người hiền lành, biết thương kẻ dưới, bây giờ chết đi, ai mà chẳng đau lòng rơi lệ? Có điều tránh không để cho Phượng Thư trông thấy.
Lúc đó cả nhà đều biết. Giả Liễn đi vào, ôm xác chị Hai khóc mãi. Phượng Thư cũng giả vờ khóc:
- Tệ quá em ơi! Nỡ nào em bỏ chị mà đi thế này? Thực là phụ lòng tốt của chị!
Vưu Thị và Giả Dung cũng đến khóc một lúc rồi an ủi Giả Liễn. Giả Liễn trình Vương phu nhân xin quàn ở viện Lê Hương năm ngày rồi rước về chùa Thiết Hạm. Vương phu nhân bằng lòng, Giả Liễn sai người đến viện Lê Hương dọn dẹp nhà giữa để quàn linh. Giả Liễn sợ rước linh theo cửa sau không tiện, bèn cho đục tường giữa viện Lê Hương, mở một cửa lớn thông ra ngoài đường. Hai bên căng màn, lập đàn cúng lễ. Rồi lấy chăn gấm nệm đoạn giải lên giường đặt chị Hai vào đó, lấy chăn đơn phủ lên trên. Tám người hầu đàn ông, tám người đàn bà đi theo ven tường khênh đến viện Lê Hương. Khi ấy đã mời thầy cúng đến. Mở chăn ra, thấy nét mặt chị Hai vẫn tươi tỉnh như khi sống, Giả Liễn lại ôm lấy xác chị khóc rống lên:
- Em ơi! Em chết một cách mờ ám, đều là tự ta đã chôn em!
Giả Dung chạy lại khuyên:
- Chú hãy buông ra. Thật là dì cháu hết phúc!
Nói xong, hắn chỉ về phía tường vườn Đại Quan, Giả Liễn hiểu ý, khẽ giậm chân nói:
- Ta quên mất, sau này nhất định sẽ ra, ta sẽ báo thù cho cháu.
Thầy cúng vào trình:
- Mợ chết vào giờ mão hôm nay, ngày thứ năm không thể đưa được. Phải là ngày thứ ba hoặc ngày thứ bảy. Giờ dần ngày mai khâm liệm là tốt.
Giả Liễn nói:
- Ba ngày nhất định không được, cứ phải để bảy ngày, vì chú và anh tôi còn đi vắng, tang nhỏ không dám để lâu. Khi đưa ra ngoài, hãy để năm tuần thất, lập đàn tụng kinh. Sang năm mới đưa về nam chôn cất.
Thầy cúng vâng lời, viết xong cái bảng tang rồi đi ra.
Bảo Ngọc sang khóc một lúc. Người trong họ cũng đều đến. Giả Liễn vội đi tìm Phượng Thư để lấy tiền lo việc tang.
Phượng Thư thấy khênh chị Hai đi rồi, vờ nói ốm: “Cụ và bà Hai nói tôi đang ốm, phải kiêng không đi được”, vì thế cũng không đến chịu tang.
Chị ta chỉ đi ra vườn Đại Quan, vòng quanh các núi, đến dưới tường phía bắc, ra ngoài nghe ngóng một lúc rồi quay về trình lại Giả mẫu thế này thế nọ. Giả mẫu nói:
- Nghe nó nói nhảm làm gì! Con cái nhà ai chết về bệnh lao mà không thiêu đi? Lại còn bày ra đình đám chôn cất này nọ. Đã là vợ Hai thì cũng là tình nghĩa vợ chồng, để dăm bảy ngày rồi đưa đi, hoặc đốt hoặc chôn trên bãi tha ma cho xong việc.
Phượng Thư cười:
- Bà nói phải đấy, nhưng cháu không dám khuyên cậu ấy!
Lúc đó a hoàn đến mời Phượng Thư về, nói:
- Cậu Hai ở nhà đương chờ mợ lấy tiền đấy!
Phượng Thư đành phải về, hỏi Giả Liễn:
- Lấy tiền gì? Dạo này trong nhà túng thiếu, cậu không biết à? Số lương của chúng ta cứ tháng này tiêu lân sang tháng khác, hụt dần mãi đi. Hôm nọ tôi phải cầm cái vòng vàng được ba trăm lạng bạc đem tiêu. Cậu mê rồi ư? Đến nay chỉ còn có vài ba mươi lạng thôi, nếu cậu cần thì lấy đi.
Nói xong, sai Bình Nhi mang ra đưa cho Giả Liễn, rồi nói đổ là Giả mẫu còn muốn hỏi gì, lại ra đi ngay. Giả Liễn tức quá không nói được câu nào, đành phải mở rương hòm của chị Hai để lấy tiền riêng của mình. Nhưng khi mở ra thì không còn tý gì, chỉ trơ lại một ít trâm gãy, hoa nát, và mấy bộ quần áo lụa rung rúc, đều là đồ dùng hàng ngày của chị Hai. Giả Liễn lại thấy đau lòng khóc rống lên, đành lấy cái bọc, gói tất cả lại, không sai bọn người hầu, tự mình đem đi đốt lấy.
Bình Nhi vừa thương tâm vừa buồn cười, vội lấy trộm một bọc hai trăm lạng bạc vụn, khẽ đưa cho Giả Liễn, nói:
- Cậu không nên nói hở ra mới được. Nếu cậu muốn khóc, đi ra ngoài kia khóc mấy chẳng được, lại đến đây khóc trêu ngươi người ta à?
Giả Liễn nói:
- Em nói phải đấy.
Nhận tiền xong, rồi đưa cái khăn thắt lưng cho Bình Nhi, nói:
- Đây là của nó thường đeo trong người, em giữ lấy cho anh để làm kỷ niệm!
Bình Nhi cầm lấy cất đi.
Giả Liễn nhận tiền rồi bảo đi mua ván đóng áo quan suốt đêm rồi sai mấy người chia nhau ngồi coi linh cữu. Đến đêm, Giả Liễn cũng không đi đâu, chỉ nằm bên cạnh áo quan. Quàn đúng bảy ngày. Nghĩ đến tình chị Hai, hắn không dám bày biện linh đình, chỉ mời mấy vị sư và thầy cúng đến siêu độ vong linh.
Bỗng thấy Giả mẫu cho người gọi sang.
Chú thích:
(1). Danh từ đông y.
Hồi 70:
Lâm Đại Ngọc mở thi xã Đào Hoa;
Sử Tương Vân điền tiểu từ Liễu Nhứ.
Giả Liễn thủ linh ở viện Lê Hương suối bảy ngày đêm, có sư và thầy cúng tụng niệm. Giả mẫu gọi hắn sang, bảo không cho đưa linh cữu vào trong gia miếu. Giả Liễn không làm sao được, đành phải nói với sư Thời Giác điểm một cái huyệt, đào đất để chôn ở phía trên mộ của chị Ba. Hôm đưa ma, chỉ có những người trong họ cùng vợ chồng Vương Tín, mẹ con họ Vưu mà thôi.
Phượng Thư không nhìn đến việc gì, mặc cho Giả Liễn lo liệu. Lại gần đến ngày cuối năm, ngoài những việc lặl vặt, còn có việc Lâm Chí Hiếu khai danh sách đến trình: cộng tất cả có tám người hầu đã hai mươi lăm tuổi chưa có vợ, chờ xem a hoàn nào ở trong nhà đáng cho ra lấy chồng, sẽ gán ghép cho họ.
Phượng Thư xem xong, đến hỏi Giả mẫu và Vương phu nhân. Mọi người cùng bàn bạc. Tuy có mấy chị đáng gả chồng, nhưng mỗi người lại có duyên cớ riêng. Một là Uyên Ương thề không chịu đi. Từ đó đến nay, nhất định chưa chịu nói chuyện với Bảo Ngọc, và cũng không chịu trang điểm gì. Mọi người thấy cô la kiên gan như thế, cũng không tiện ép. Hai là Hổ Phách hiện đương ốm, nên lần này chưa thể đi được. Ba là Thái Vân vì gần đây phải xa rời Giả Hoàn, cũng đâm ra ốm lơ ốm lửng. Chỉ có mấy a hoàn lớn tuổi làm việc nặng trong phòng Phượng Thư và Lý Hoàn là cho ra thôi. Còn nữa đều chưa đến tuổi, nên cho phép bọn người hầu ra ngoài mà hỏi lấy vợ.
Lâu nay Phượng Thư ốm, Lý Hoàn và Thám Xuân phải trông nom việc nhà, không được nhàn rỗi, lại gặp lúc năm hết tết đến, việc vặt nhiều quá, nên không ai nghĩ gì đến việc mở thi xã cả.
Sang tháng trọng xuân có dịp rảnh rang đây! Nhưng khốn nỗi Bảo Ngọc nhân việc Liễu Tương Liên bỏ đi tu, rồi đến việc chị Ba tự vẫn, chị Hai nuốt vàng sống tự tử, lại thêm con Năm Liễu sau đêm bị giam, bệnh càng thêm nặng, hết chuyện này đến chuyện nọ, việc nọ chưa xong đã dồn đến việc kia, đâm ra buồn giận vẩn vơ, làm cho vẻ mặt ngẩn ngơ, nói năng lảm nhảm, như là người mắc bệnh thần kinh vậy. Bọn Tập Nhân sợ quá nhưng không dám trình Giả mẫu, chỉ tìm hết cách vui đùa cho cậu ta khuây khỏa.
Một hôm trời vừa rạng sáng, nghe thấy ngoài nhà có tiếng cười đùa không ngớt. Tập Nhân cười bảo: “Cậu ra ngăn họ lại. Tình Văn và Xạ Nguyệt đương cù Phương Quan ở ngoài kia đấy”. Bảo Ngọc nghe nói, khoác cái áo dài đi ra xem, thấy ba người còn để chăn nệm bừa bãi, áo ngoài cũng chưa mặc. Tình Văn chỉ mặc áo lót lụa xanh Hàng Châu, quần lót lụa đỏ, đầu tóc rũ rượi, đương cưỡi lên người Phương Quan. Xạ Nguyệt thì mặc cái yếm lụa đỏ, ngoài khoác một cái áo cũ, đương chọc nách Phương Quan, Phương Quan thì nằm ngửa ở trên giường, mặc áo lót hoa quần đỏ, tất xanh, hai chân giẫy giụa đương cười sặc sụa thở không ra hơi. Bảo Ngọc cười nói:
- Hai chị lớn bắt nạt một cô bé! Để tôi cùng đến chọc các chị xem.
Nói xong trèo lên giường cù Tình Văn, Tình Văn buồn quá, cười rồi bỏ Phương Quan ra, đến cào nhau với Bảo Ngọc. Phương Quan được thể đè Tình Văn xuống cù.
Tập Nhân trông thấy bốn người vật lộn nhau, thật buồn cười liền nói: “Cẩn thận kẻo bị lạnh đấy”.
Chợt Bích Nguyệt đến hỏi:
- Chiều hôm qua mợ tôi bỏ quên cái khăn lụa ở đây, không biết bây giờ có còn không?
Xuân Yến vội đáp:
- Có. Tôi nhặt được ở dưới đất, không biết là của ai, vừa đem giặt và phơi chưa khô đâu.
Bích Nguyệt thấy bốn người đương quằn quại với nhau, cười nói:
- Ở bên các chị vui vẻ quá, vừa mới sáng ra, đã họp nhau cười đùa như thế.
Bảo Ngọc cười nói:
- Bên các cô cũng nhiều người, sao lại không đùa?
- Bên ấy mợ tôi không đùa, nên hai dì tôi và cô Cầm cũng phải chịu. Nay cô Cầm lại sang ở bên cụ, thành ra càng vắng. Đến mùa đông năm sau, hai dì tôi sẽ về nhà, thì lại càng buồn hơn! Cậu thử xem ở bên cô Bảo chỉ một mình chị Hương Lăng ra về, mà cứ như là thiếu đi mất mấy người, làm cô Tương Vân cũng trơ trọi một mình.
Lúc đó Tương Vân sai Thúy Lũ đến nói: “Mời cậu Hai sang ngay để xem thơ hay”. Bảo Ngọc vội rửa mặt, chải đầu rồi đi. Đến nơi, thấy Đại Ngọc, Bảo Thoa, Tương Vân, Bảo Cầm, Thám Xuân đều ở cả đấy, đương cầm một bài thơ xem. Thấy Bảo Ngọc đến, mọi người đều cười nói:
- Bây giờ cậu mới dậy à? Thi xã của chúng ta đã tan đi một năm nay, không có người đứng ra dựng lại. Nay đang vào tiết đầu xuân, muôn vật đổi mới, đáng nên hăng hái dựng lại mới phải.
Tương Vân cười nói:
- Trước thi xã của chúng ta mở vào mùa thu nên không phát đạt. Bây giờ muôn vật vui tươi dưới trời xuân, chúng ta sửa soạn mở lại thi xã, thế nào cũng sẽ thịnh vượng. Vả chàng bài thơ “Đào hoa” này lại hay, vậy nên đổi “Hải đường xã” làm “Đào hoa xã “ mới đúng.
Bảo Ngọc gật gù nói: “Được lắm”. Rồi đòi lấy bài thơ để xem. Mọi người đều nói:
- Bây giờ chúng ta hãy sang thăm vị Đạo Hương lão nông rồi cùng bàn cho xong việc mở lại thi xã.
Nói xong, họ đứng dậy đi sang Đạo Hương thôn. Bảo Ngọc vừa đi vừa xem, thì thấy thơ viết:
Hoa đào nọ ngoài rèm gió liệng,
Người trong rèm sớm biếng điểm trang.
Trong ngoài chừng độ tấc gang,
Người đây hoa đấy lại càng gần thêm.
Gió muốn thổi cho rèm lại mở,
Hoa muốn nhòm rèm cứ đứng ngay.
Ngoài rèm hoa vẫn nở đầy,
Mà trong rèm lại người gầy hơn hoa.
Hoa cũng biết xót xa ai đó,
Đứng ngoài rèm nhờ gió hỏi han.
Gió luồn hoa đã đầy sân,
Ngoài sân hoa những tần ngần nhớ ai?
Sân rêu bám phía ngoài khép cửa,
Bóng chiều về người tựa lan can.
Tựa lan nhìn gió lệ tràn,
Quần hồng rón rén dạo vườn hoa chơi.
Kìa hoa lá tơi bời trên dưới,
Hoa ửng hồng, lá rọi màu xanh.
Khói tuôn phủ kín muôn cành,
Bóng lờ mờ thắm, in quanh vách lầu.
Mặt trời chói nát nhàu chăn gấm,
Gối san hồ giấc ấm vừa tan.
Gái hầu dâng chậu kim bồn,
Chè hương ấm giọng phấn son lạnh mùi.
Này người đẹp hoa tươi là thế,
Sao hoa tươi mà lệ vẫn rơi?
Đem hoa ví với lệ người,
Lệ tuôn lã chã hoa cười lả tơi.
Xem hoa mai lệ vơi vơi cạn,
Lệ cạn rồi xuân chán hoa buồn,
Hoa buồn người cũng héo hon,
Hoa bay, người lả, chiều hôm còn gì?
Tiếng quyên bỗng gọi xuân đi,
Rèm này lặng lẽ trăng kia lờ mờ!
Bảo Ngọc xem xong, chẳng khen ngợi gì, ra vẻ ngẩn ngơ, rơm rớm nước mắt. Nhưng sợ người ta trông thấy, nên vội lau đi... Rồi lại hỏi:
- Bài này các chị lấy được ở đâu?
Bảo Cầm cười nói:
- Anh thử đoán xem ai làm nào?
- Chắc là bài của Tiêu Tương Tử (1) rồi.
- Bài này của em làm đấy!
- Tôi không tin! Giọng thơ này không giống của cô một tí nào.
- Thế là anh học hãy còn kém. Chẳng lẽ bài nào ông Đỗ Công Bộ cũng có những câu như: “Khóm cúc tuôn rơi dòng lệ cũ” hay sao? Nhiều bài cũng có những câu như “Mưa mai nở nụ hồng” “Cành lau lướt gió giải xanh dài”  chứ.
- Đã đành thế rồi. Nhưng tôi chắc là chị Bảo không khi nào cho cô làm những câu buồn rầu như thế? Cô vẫn có tài làm được, chỉ không chịu làm đó thôi. Chứ không phải như cô Lâm gặp nhiều nghịch cảnh, nên hay có những lời ai oán.
Mọi người nghe nói đều cười. Lúc đến Đạo Hương thôn, họ đưa thơ ra, Lý Hoàn xem xong, khen ngợi không ngớt. Mọi người bàn định việc mở thi xã: ngày mai là mồng hai tháng ba, sẽ mở thi xã, đổi tên “Hải đường xã” làm “Đào hoa xã”. Đại Ngọc làm chủ.
Hôm sau ăn cơm xong, mọi người đến họp cả ở quán Tiêu Tương để định ra đầu bài. Đại Ngọc nói:
- Chúng ta làm bài thơ hoa đào hạn một trăm vần.
Bảo Thoa nói:
- Không được. Xưa nay thơ hoa đào nhiều lắm rồi, làm nữa sẽ trùng và cũng không được bằng bài cổ phong của chị đâu. Phải ra đầu bài khác.
Đương nói thì có người vào trình:
- Bà mợ sang chơi, mời các cô đến chào.
Mọi người đều đến chào vợ Vương Tử Đằng, rồi ngồi hầu chuyện. Ăn cơm xong, họ lại theo bà ấy vào vườn, ngoạn cảnh một lượt, đến bữa cơm chiều xong, vào lúc lên đèn mới về.
Hôm sau là ngày sinh nhật Thám Xuân. Nguyên Xuân sai hai viên Thái giám đưa đến cho mấy thứ đồ chơi. Mọi người đều có đồ lễ mừng thọ, không phải nói kỹ. Ăn cơm xong, Thám Xuân mặc lễ phục đi chào các nơi.
Đại Ngọc cười bảo mọi người:
- Lần này thi xã của chúng ta mở không khéo chọn ngày, lại quên hẳn hai hôm nay là sinh nhật của cô ấy. Tuy không bày tiệc hát xướng gì, nhưng thế nào cũng phải cùng với cô ấy sang bên cụ và bà Hai vui chơi một ngày. Như thế thì còn được lúc nào rỗi nữa?
Vì thế lại hoãn đến ngày mồng năm.
Hôm đó, bọn chị em hầu xong cơm sáng ở trong phòng, thì có thư của Giả Chính gửi về. Bảo Ngọc hỏi thăm sức khỏe xong, mở bức thư ra đọc cho Giả mẫu nghe. Đoạn trên là những lời thăm hỏi và nói đến tháng sáu sẽ được phép về Kinh. Còn thư riêng gửi về nhà nói việc lặt vặt thì đã có Giả Liễn và Vương phu nhân mở xem. Mọi người nghe nói độ tháng sáu, tháng bảy Giả Chính sẽ về Kinh, đều vui mừng khôn xiết. Ngay hôm đó Vương Tử Đằng lại có việc gả cháu gái cho con trai Bảo Ninh hầu, chọn đến tháng năm cho cưới, Phượng Thư lại bận xếp đặt công việc, thường phải đi vắng dăm ba ngày. Hôm đó, vợ Vương Tử Đằng lại sang đón Phượng Thư và các cháu trai cháu gái sang vui chơi một hôm. Giả mẫu và Vương phu nhân cho Bảo Ngọc, Thám Xuân, Đại Ngọc, Bảo Thoa cùng đi với Phượng Thư. Mọi người không dám trái lời, đành phải về buồng sửa soạn ăn mặc để đi. Năm người đi chơi một ngày, đến lúc lên đèn mới về.
Bảo Ngọc về đến viện Di Hồng, nằm nghỉ một lát, Tập Nhân nhân dịp này khuyên Bảo Ngọc nên để ý nghĩ lại, lúc rỗi phải mang sách ra xem để chuẩn bị trước. Bảo Ngọc tính đốt tay nói:
- Còn sớm chán.
- Xem sách còn là việc thứ hai. Đến bấy giờ dù cậu có thuộc sách đi nữa, nhưng chữ viết của cậu thì ở đâu?
- Ngày thường tôi cũng viết được khá đấy, chẳng lẽ chị không cất đi à?
- Sao lại không cất? Hôm nọ cậu đi vắng, tôi lục cả ra, đếm cẩn thận tất cả mới có năm trăm sáu mươi mấy bài. Có lẽ nào ròng rã hai ba năm trời, mới được có mấy tờ ấy à? Cứ ý tôi thì, bắt đầu từ ngày mai, cậu hãy hồi tâm lại, mỗi ngày phải viết thêm mấy tờ, tuy không nhất định ngày nào cũng có, nhưng cậu phải làm sao cho dễ coi mới được.
Bảo Ngọc nghe nói, tự mình soát lại một lượt, thì thực không thể nào đắp điếm cho qua được, liền nói:
- Bắt đầu từ ngày mai, mỗi ngày tôi phải viết một trăm chữ mới được.
Nói xong đi ngủ. Hôm sau trở dậy, rửa mặt gội đầu xong, Bảo Ngọc liền ngồi viết chữ ở dưới cửa sổ. Giả mẫu không thấy Bảo Ngọc đến, tưởng là ốm, liền sai người sang hỏi. Bảo Ngọc đến chào Giả mẫu, nói:
- Vì cháu bận viết tập, nên đến hầu muộn.
Giả mẫu nghe nói xiết đỗi vui mừng, dặn dò:
- Từ nay cháu cứ chăm chỉ viết chữ đọc sách, không phải sang hầu ta cũng được. Cháu đến trình với mẹ cháu biết.
Bảo Ngọc nghe nói, sang trình Vương phu nhân biết.
Vương phu nhân nói:
- Lúc ra trận mới mài giáo thì còn ăn thua gì. Bây giờ cuống lên, ngày nào cũng đọc đọc viết viết, thì liệu được bao nhiêu? Khéo cứ dồn dập mãi lại sinh ốm đấy thôi.
Bảo Ngọc đáp:
- Không sao đâu.
Giả mẫu cũng sợ Bảo Ngọc sinh ốm. Bảo Thoa, Thám Xuân đều cười nói:
- Xin cụ đừng lo, sách thì các cháu không thể đọc hộ được anh ấy, nhưng chữ thì các cháu có thể viết hộ được. Mỗi ngày chúng cháu mỗi người viết hộ anh ấy một bài, để đắp điếm cho qua lúc này là xong. Một là để ông khỏi giận, hai là anh ấy cũng không đến nỗi dồn dập sinh ra ốm.
Giả mẫu nghe nói gật đầu cười.
Đại Ngọc nghe nói Giả Chính sắp về, thế nào cũng hỏi đến việc học hành của Bảo Ngọc, nhưng mấy lâu nay Bảo Ngọc vẫn lêu lổng, chắc khi hỏi đến sẽ bị quở phạt. Vì thế, Đại Ngọc ra vẻ uể oải không nhắc đến việc mở thi xã và cũng không rủ rê việc gì nữa. Thám Xuân và Bảo Thoa mỗi ngày viết một bài chữ chân phương đưa cho Bảo Ngọc. Chính Bảo Ngọc hàng ngày cũng cố gắng viết đến hai, ba trăm chữ. Đến cuối tháng ba, dồn cả số chữ lại đã được rất nhiều. Hôm đó tính ra nếu được thêm năm chục bài nữa, thì cũng đắp điếm được rồi. Ngờ đâu Tử Quyên đến, đưa cho một cuộn. Báo Ngọc mở ra xem, thấy cuộn giấy viết lối chữ nhỏ của họ Chung và họ Vương(2) bằng thứ giấy trơn giống hệt như lối chữ của mình. Bảo Ngọc mừng quá, vái Tử Quyên một cái, rồi đến tận nơi tạ ơn. Sau đó Tương Vân, Bảo Cầm cũng viết mấy bài đưa đến. Dồn lại, tuy không viết đủ số nhưng cũng có thể nhể nhóa được rồi. Bảo Ngọc đã yên tâm. Lại đem những sách cần phải đọc, ôn lại mấy lần.
Bảo Ngọc đang lúc gắng công học hành, thì một giải ven bể có nước dâng, nhân dân bị nạn ngập lụt, quan địa phương tâu lên, vua truyền chỉ xuống cho Giả Chính tiện đường đến đấy tra xét và phát chẩn. Như thế tính ra phải đến cuối mùa đông mới về Kinh được, Bảo Ngọc biết tin lại gác chuyện đọc sách viết chữ, rồi cứ chơi tràn như cũ.
Nhân gặp buổi cuối xuân, Tương Vân ngồi buồn, trông thấy hoa liễu phấp phới, liền làm một bài tiểu từ, theo điệu “Như mộnglệnh”.
Nào phải nhung thêu mới rắc;
Rèm cuốn nửa chừng thơm sặc.
Tay tiên nhặt đem về,
Quyên khóc yến hờn cũng mặc.
Giữ chặt! Giữ chặt!
Đừng để xuân đi nơi khác.
***
Phải chăng là bức nhung thêu(3)
Hương mù lơ lửng nhường treo nửa rèm.
Tay này thoăn thoắt nhặt xem,
Làm cho quyên khóc yến ghen suốt ngày.
Thôi thôi ta giữ chặt tay,
Chúa xuân khéo lại đi ngay đó mà!
Làm xong, Tương Vân rất là đắc ý, lấy tờ giấy viết ra, đưa cho Bảo Thoa xem, rồi lại đi tìm Đại Ngọc, Đại Ngọc xem xong, cười nói:
- Hay đấy! Vừa mới vừa lý thú.
- Mấy lần thi xã của chúng ta chưa làm từ. Ngày mai chị cho mở thi xã làm từ, chẳng mới hay sao?
Đại Ngọc cao hứng nói:
- Cô nói phải đấy. Hôm nay gặp lúc đẹp trời, sao chúng ta không làm ngay.
- Cũng được.
Nói xong Đại Ngọc bảo sắm sửa mấy món ăn, rồi sai người đi mời các nơi.
Đại Ngọc, Tương Vân đã nghĩ sẵn đầu bài là “liễu nhứ” (bông hoa liễu) và hạn phải theo mấy điệu từ, viết xong dán lên tường. Mọi người đến xem thì thấy: Đầu bài là “liễu nhứ” hạn phải theo mấy tiểu điệu đã định trước. Rồi họ đều xem bài từ của Tương Vân, cùng nhau khen ngợi một lúc.
Bảo Ngọc cười nói:
- Lối từ này tôi làm xoàng lắm, nhưng cũng phải nói nhảm vậy.
Rồi mọi người đến gắp thăm. Bảo Thoa gấp được điệu  “Lâm giang tiên”; Bảo Cầm gắp được điệu “Tây giang nguyệt”; Thám Xuân gắp được điệu “Nam kha từ”; Đại Ngọc gắp được điệu “Đường đa lệnh”; Bảo Ngọc gắp được điệu “Điệp luyến hoa”; Tử Quyên đốt một nén “Mộng điềm hương”. Mọi người bắt đầu suy nghĩ làm từ.
Một lúc Đại Ngọc làm xong và viết ra. Rồi đến Bảo Cầm cũng vội viết luôn. Bảo Thoa cười nói:
- Tôi cũng làm xong rồi, chờ xem của các chị đã, rồi đến của tôi.
Thám Xuân cười nói:
- Sao hương hôm nay cháy nhanh thế? Tôi mới làm được nửa bài.
Lại hỏi Bảo Ngọc:
- Anh đã làm xong chưa?
Bảo Ngọc tuy đã làm được một ít, vì tự xét là không hay, lại xóa cả đi để làm bài khác; nhưng quay lại nhìn thì hương đã cháy hết. Bọn Lý Hoàn cười nói:
- Chú Bảo lại thua rồi. Còn cô Tiêu Khách thế nào?
Thám Xuân nghe nói, liền viết ra. Mọi người đến xem trên giấy, chỉ mới được nửa bài theo điệu “Nam kha từ”:
Dây đâu treo lơ lửng,
Sợi khéo rủ lòng thòng.
Buộc buộc xe xe cũng khó lòng,
Thôi đành chia các ngả nam bắc tây đông!
Trơ đây những sợi lòng thòng,
Kéo về buộc lại khó lòng lắm thay!
Liều cho nam bắc đông tây
Chia lìa các ngả thì đây cũng đành.
Lý Hoàn cười nói:
- Cũng hay đấy. Sao không làm nốt đi?
Bảo Ngọc thấy hương cháy hết rồi, đành bỏ bút xuống, xin thua, chứ không chịu miễn cưỡng làm chiếu lệ, rồi đến xem nửa bài của Thám Xuân. Thấy chưa làm xong, Bảo Ngọc cao hứng, cầm bút viết tiếp:
Rơi xuống chàng đứng tiếc,
Bay về thiếp biết thôi.
Tiết muộn màng oanh bướm bùi ngùi,
Sang xuân dù gặp, đã cách một năm rồi.
Tiếc chi cái phận lênh đênh,
Bay về mình biết cho mình đấy thôi.
Oanh buồn bướm mệt lắm rồi,
Xuân sau dù gặp cũng ngoài một năm!
Mọi người cười nói:
- Chính bài của mình không làm nổi lại đi làm hộ người. Dù có hay cũng không đáng kể.
Sau đó xem đến bài của Đại Ngọc là một khúc “Đường đa lệnh”.
Bãi hoa phấn rơi tràn,
Lầu yến hương đã tàn.
Quả cầu bay nối tiếp từng đoàn,
Xiêu dạt khác chi người mệnh bạc.
Còn chi ân ái đoàn loan.
Cây cỏ cũng biết sầu,
Tuổi xuân đến bạc đầu,
Thương kiếp này ai biết ai đâu.
Theo hẳn gió đông xuân cũng mặc,
Thôi đi thẳng, ở chi lâu!
Phấn rơi nào bãi trăm hoa,
Nào lầu yến tử hương mà còn đâu?
Hàng đoàn hàng đội theo nhau,
Kìa ai thả những quả cầu này đây?
Mỏng manh trôi dạt thân này,
Uổng công gắn bó thiệt ngày phong lưu!
Cỏ cây âu cũng rầu rầu,
Tuổi xanh âu cũng bạc đầu đến nơi.
Kiếp này thôi thế thì thôi,
Ai người nâng lấy ai người bỏ rơi!
Gió đông đành gả cho rồi.
Đi thì đi hẳn đoái hoài làm chi!
Mọi người xem xong đều gật đầu thở dài:
- Bài này làm buồn quá, nhưng rất hay.
Lại xem bài “Tây giang nguyệt” của Bảo Cầm:
Vườn Hán lầu hồng lác đác,
Đê Tùy sắc lục mênh mông.
Sự nghiệp ba xuân gặp gió đông,
Hoa mai vừng nguyệt cũng là không.
Mấy chỗ hoa rơi đỏ ối,
Nhà ai rèm tuyết hương nồng.
Giang nam, giang bắc cảnh cùng chung,
Luống để người xa chạnh lòng!
Lơ thơ vườn Hán buồn thay,
Đê Tùy man mác hoa bay ngàn trùng.
Việc xuân giả mặc gió đông,
Trăng hoa là một giấc nồng đấy thôi.
Mấy nơi hoa rụng sân ngoài?
Nhà ai rèm tuyết đượm mùi hương thơm.
Cùng chung một cảnh bắc nam,
Mà người ly biệt buồn càng buồn thêm!
Mọi người đều cười nói:
- Bài này thanh điệu rất là bi tráng. Hai câu “mấy chỗ” và “nhà ai “ rất hay.
Bảo Thoa cười nói:
- Nhưng vẫn không khỏi buồn chán. Tôi nghĩ bông hoa liễu vẫn là một thứ mỏng manh không bám vào đâu, nhưng cứ ý tôi, phải nói cho nó tốt thì mới thoát được sáo cũ. Vì thế tôi tạm đặt một bài, chưa chắc đã hợp được ý chị em.
Mọi người cười:
- Đừng nói nhũn quá, chắc là hay hẳn, hãy để cho chúng tôi thưởng thức.
Đây là một bài theo hiệu “Lâm giang tiên”.
Bạch ngọc trước thềm xuân biết múa,
Gió đông khéo cuốn đều đều!
Trước thềm xuân biết múa may,
Gió đông cuốn rải hoa này khắp nơi.
Tương Vân cười nói ngay:
- Câu “Gió đông khéo cuốn đều đều” hay quá! Một câu này cũng đã hơn hẳn người ta rồi.
Ong bướm hàng đàn lượn dập dìu,
Nỡ để bụi thơm vùi dập.
Bao phen dòng nước trôi theo,
Muôn sợi tơ mành nào khác trước.
Hợp tan mặc bước gieo neo,
Xuân chớ cười ta giống treo leo.
Nhờ gió đưa lên mãi,
Trên mây ngất ngưởng trèo.
Bướm ong nhao nhác bay hoài,
Đâu theo dòng nước? Đâu vùi bụi thơm?
Muôn dây nghìn sợi vẹn toàn,
Cũng đành khi hợp khi tan tha hồ!
Đừng cười là giống chơ vơ,
Mây xanh lên vút ta nhờ gió đông.
Mọi người vỗ bàn khen hay, đều nói:
- Thực là nói trái đi rất khéo! Bài này chắc là hơn cả. Giọng điệu trìu mến buồn rầu, phải nhường cho Tiêu Tương tử; tình tứ vui vẻ thùy mỵ, lại là cô Chầm Hà; còn Tiểu Tiết (Bảo Cầm) và Tiêu Khách thì hôm nay thi hỏng, phải chịu phạt rồi.
Bảo Cầm cười nói:
- Cố nhiên chúng tôi xin chịu phạt. Nhưng không biết người nộp quyển trắng phải phạt thế nào?
Lý Hoàn nói:
- Chớ vội, nhất định phải phạt thật nặng để làm nề nếp cho lần sau.
Nói chưa dứt lời, thì trên ngọn trúc ngoài cửa sổ có một tiếng động, như là cánh cửa sổ rơi. Mọi người đều giật mình. A hoàn chạy ra nghe bọn hầu nhỏ ở ngoài rèm nói:
- Có một cái diều con bướm lớn, mắc ở trên ngọn trúc.
Các a hoàn cười nói:
- Cái diều đẹp quá, không biết của nhà ai thả đứt dây bay lại đây. Chúng ta lấy xuống đi.
Bảo Ngọc ra xem, cười nói:
- Tôi nhận ra cái diều này rồi. Đó là cô Kiều Yên ở dinh bác Cả bên kia thả đấy. Lấy xuống mang trả cho cô ấy.
Tử Quyên cười nói:
- Có lẽ nào thiên hạ không ai có, chỉ một cô ấy có cái diều như thế? Tôi không kể, hãy lấy xuống đã.
Thám Xuân cười nói:
- Chị Tử Quyên hẹp hòi quá. Chúng ta ai cũng có rồi, lại đi lấy của người ta, không sợ mang tiếng à?
Đại Ngọc cười nói:
- Phải đấy. Mang diều của chúng ta ra đây thả cho hết cái đen đủi đi.
Tử Quyên vội sai bọn a hoàn cầm cái diều ra cửa vườn giao cho bà già đi trực nhật, dặn có ai đến hỏi,sẽ trả người ta.
Bọn a hoàn chỉ chờ nghe nói thả diều, liền ba chân bốn cẳng chạy ngay đi lấy cái diều mỹ nhân đến. Rồi đứa bắc cái đồn cao; đứa buộc cái gạc ba vào cần; đứa thì thả. Bọn Bảo Thoa đứng ở trước cửa, sai a hoàn tìm chỗ đất rộng ở ngoài sân thả lên. Bảo Cầm cười nói:
- Cái diều ấy của chị không bằng cái diều Phượng Hoàn vẫy cánh của chị Ba đẹp hơn.
Bảo Thoa cười nói: “Đúng đấy”. Nhân quay lại cười bảo Thúy Mặc:
- Cô về lấy cái diều của nhà cô mang đến đây mà thả.
Bảo Ngọc cũng cao hứng, bảo đứa hầu nhỏ:
- Về nhà đem cái diều con cá của già Lại Đại cho hôm trước đến đây.
Đứa hầu nhỏ đi một lúc, về người không, cười nói:
- Hôm qua chị Tình Vãn đem thả đã mất rồi.
Bảo Ngọc nói:
- Tôi chưa được thả lần nào.
Thám Xuân cười nói:
- Nhưng mà chị ấy cũng đã thả cho anh hết vận đen là được rồi.
Bảo Ngọc nói:
- Thôi về lấy cái diều con cua ra đây vậy.
Hầu nhỏ đi một lúc rồi cùng mấy người khiêng một cái diều hình mỹ nhân và cả cuộn dây đến, nói:
- Chị Tập Nhân bảo: cái diều con cua hôm qua đã cho cậu Ba rồi. Cái diều này là của già Lâm mới đem cho đây, thả cái này vậy.
Bảo Ngọc xem kỹ một lúc, thấy cái diều mỹ nhân làm rất khéo, trong bụng rất thích, liền bảo thả lên.
Bấy giờ diều của Thám Xuân cũng đã mang đến. Thúy Mặc cùng mấy a hoàn đương thả ở trên sườn núi. Bảo Cầm sai a hoàn thả một cái diều con dơi. Bảo Thoa cũng cho thả một cái diều kết hình bảy con nhạn. Chỉ có cái diều mỹ nhân của Bảo Ngọc thả không lên được. Bảo Ngọc bảo bọn a hoàn không biết thả, tự mình ra thả một lúc lâu, diều chỉ lên cao bằng nóc nhà, rồi lại rơi xuống. Bảo Ngọc tức quá toát cả mồ hôi trán ra. Mọi người đều cười. Bảo Ngọc vứt ngay xuống đất trỏ vào cái diều, nói:
- Nếu mày không phải là diều mỹ nhân thì ta giậm một cái nát ra rồi.
Đại Ngọc cười nói:
- Đó là vì dây trên đầu buộc không đúng. Đưa cho người ta đổi đi, sẽ thả được ngay. Hãy lấy một cái khác đem ra mà thả.
Bảo Ngọc sai người thuộc lại dây, lại sai đi lấy cái diều khác đến. Mọi người đều ngửa mặt lên nhìn mấy cái diều đương bay ở trên không.
Bọn a hoàn lại đưa các món ăn đến. Tử Quyên cười bảo Đại Ngọc:
- Lúc này thích lắm, cô lại mà thả đi.
Đại Ngọc lấy khăn lót tay nắm dây để thả, quả nhiên gió rất to, vừa buông cuộn dây ra, liền nghe thấy soạt một tiếng, tức thì dây hết. Đại Ngọc mời mọi người đến thả. Ai nấy đều nói:
- Chúng tôi ai cũng có cả, cô cứ thả trước đi.
Đại Ngọc nói:
- Thả cũng thú đấy, nhưng tôi không nỡ lòng nào.
Lý Hoàn nói:
- Thả diều cốt để vui, cho nên mới nói là thả cái đen đủi. Cô cứ thả nhiều, cho nó mang hết cả bệnh của cô đi mới được.
Tử Quyên nói:
- Cô tôi hẹp hòi quá, cả năm chẳng thả được mấy cái, nay lại bảo là đau lòng. Thôi, cô không thả thì tôi thả vậy.
Nói xong, liền giật lấy cái kéo tây nhỏ trong tay Tuyết Nhạn, cắt soạt một cái, đứt dây, nói:
- Cho mày đi, rồi mang tất cả các bệnh đi theo.
Cái diều vù vù theo gió bay lên. Lúc đầu trông thấy diều chỉ bằng quả trứng gà, chớp mắt chỉ còn một điểm đen bằng ngôi sao, sau không trông thấy gì cả. Mọi người đều ngẩng lên nói:
- Thích quá, thích quá !
Bảo Ngọc nói:
- Đáng tiếc! Không biết nó rơi vào đâu? Rơi vào nơi đông người, trẻ con nhặt được còn khá; bằng như rơi xuống nơi đồng không hoang vắng, không một bóng người, thật tôi cũng lấy làm âm thầm cho nó. Sực nhớ ra, giá ta thả thế này, mà cho hai cái đi theo làm bầu làm bạn thì hay.
Rồi cũng lấy kéo cắt dây cho nó bay đi.
Thám Xuân đương định cắt dây cái diều phượng hoàng của mình, chợt nhìn thấy một cái diều phượng hoàng đang bay lên trời, liền nói:
- Không biết cái kia của ai?
Mọi người đều nói:
- Cô cứ cắt cái của cô đi, xem nó quấn lại với nhau thế nào?
Nói xong, thấy cái diều phượng hoàng này dần dần bay sát lại chập vào cái diều phượng hoàng kia. Mọi người đương định rút dây lại, thấy cái diều kia cũng rút dây. Hai cái đương quấn với nhau, lại thấy một cái diều thật to, có chữ “Hỷ” long lanh, có cả sáo vang lên như tiếng chuông trên lưng chừng trời, bay dần sát lại. Mọi người nói:
- Để cho cái này quấn vào, hãy hượm kéo về. Cả ba cái quấn vào nhau mới thích.
Quả nhiên cái diều chữ “Hỷ” quấn vào hai diều phượng hoàng. Ba cái cứ đảo tít mù, đều đứt cả dây rồi vù vù bay đi cả. Mọi người đứng xem vỗ tay cười:
- Thú thật! Không biết cái diều chữ “Hỷ” là của nhà ai, lại đâm ngay vào?
Đại Ngọc nói:
- Diều của tôi đã thả rồi. Tôi mệt lắm, phải về nghỉ thôi.
Bảo Thoa nói:
- Đợi chúng tôi thả xong, cùng về một thể.
Xem chị xem thả xong rồi ai nấy mới về. Đại Ngọc về phòng mệt lừ người.
Chú thích:
(1). Tức Chung Do và Vương Hy Chi, người đời Tấn, có tiếng là chữ tốt.
(2). Dưới các bài từ, chúng tôi đặt thêm thể lục bát để các bạn đọc thưởng thức.
(3). Kinh để cầu bình an sống lâu.
Tào Tuyết Cần
Dịch giả: Dư Anh Thời
Theo https://www.sachhayonline.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...